Đọc báo Pháp – 18/06/2020
Xung đột Ấn-Trung bùng nổ: Bắc Kinh hiếu chiến hơn trong khủng hoảng? – Thụy My
Lần đầu tiên từ 45 năm qua đã nổ ra cuộc xung đột đẫm máu khiến 20 lính Ấn thiệt mạng tại vùng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, đó là sự kiện được các báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 198/06/2020. Một trong những bức ảnh ấn tượng trên Le Monde là hình Tập Cận Bình bị người biểu tình Ấn phẫn nộ đốt cháy.« Cách đây 60 năm, tướng De Gaulle từ Luân Đôn đã đưa ra lời kêu gọi nhân dân Pháp kháng chiến », sự kiện lịch sử này được Le Figaro đưa lên trang nhất hôm nay 18/06/2020. Cũng với ảnh bìa tướng De Gaulle, La Croix chạy tựa « Một ngày 18 tháng Sáu năm xưa ».
Le Monde quan tâm đến vấn đề « Thương mại : Châu Âu tự vệ trước Trung Quốc ». Les Echos phấn khởi trước « Kinh tế Pháp rốt cuộc đã ra khỏi giấc ngủ » : GDP giảm ít hơn quý I, tiêu dùng tiếp tục tăng. Hồ sơ của Libération dành cho cuộc điều tra đặc biệt về chất perfluore (PFAS) hiện diện trong nhiều sản phẩm như chất chống dính, mỹ phẩm…tồn tại rât lâu trong môi trường và cơ thể người, với ảnh bìa là một cái chảo và hàng tựa hàm ý« đầu độc trong im lặng ».
Ở các trang trong, xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, lần đầu tiên từ 45 năm qua, là sự kiện được các báo Pháp quan tâm nhất hôm nay. Một trong những bức ảnh ấn tượng trên Le Monde là hình Tập Cận Bình bị người biểu tình Ấn phẫn nộ đốt cháy.
Bắc Kinh miệng nói hòa bình nhưng lấn dần lãnh thổ ở biên giới
Ấn Độ và Trung Quốc tranh chấp chủ quyền Ladakh và Aksai Chin từ thập niên 50, và theo thỏa thuận năm 1993 thì hai bên cam kết không dùng vũ lực để giải quyết bất đồng.
Cho đến nay, quân lính của đôi bên chỉ thóa mạ, đấm đá, phang nhau bằng gậy gộc vì các toán lính tuần tiễu không mang theo vũ khí để tránh nổ súng. Nhưng đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba 16/06/2020, có đến 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng khi đụng độ với quân Trung Quốc tại đường biên giới ở Ladakh, trong đó có một đại tá. Theo báo chí địa phương, khi lính Ấn Độ muốn dỡ các căn lều của quân Trung Quốc dựng lên dọc theo sông Galwan lấn sâu vào lãnh thổ Ấn, những người lính Ấn tay không đã bị tấn công dã man bằng gạch đá và gậy sắt. Một số chết rét khi rơi xuống sông, số khác bị bắt làm tù binh.
Le Figaro giải thích « Trung Quốc đã gặm nhấm dần Himalaya từng bước một như thế nào ». Trong lúc báo chí Ấn Độ phẫn nộ vì cuộc tấn công của Trung Quốc, truyền thông Hoa lục lại ít nói đến, thậm chí kênh truyền hình nhà nước CCTV còn làm ngơ, và tất nhiên không có thiệt hại nhân mạng nào ở phía Trung Quốc được đưa ra. Những tin nhắn hung hăng trên WeChat bị kiểm duyệt, được cho là Bắc Kinh muốn « giải quyết êm thắm ».
Nhưng dưới cái vỏ khiêm tốn về ngoại giao, ẩn giấu tham vọng của Bắc Kinh tại khu vực chiến lược nằm giữa Nam Á và Trung Á, nơi Trung Quốc dấn lên một cách có phương pháp. Bắc Kinh liên tục gặm nhấm lãnh thổ để mở rộng kiểm soát sang vùng Cachemire đang do Pakistan quản lý, khiến Ấn Độ mất đi cửa sổ ngó sang Tân Cương.
Chính quyền Modi lâm vào thế khó xử
Quân Trung Quốc tăng cường các vị trí trên những rặng núi nhìn xuống thung lũng Galwan. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy khoảng mấy chục xe quân sự Trung Quốc chen chúc dọc theo sông Galwan, hơn một chục chiếc lều và nơi trú ẩn kiên cố được dựng lên. Global Times còn khoe đã đưa nhiều xe tăng type 15 lên bình nguyên Tây Tạng ở độ cao 4.700 mét để tập trận. Bắc Kinh lần lựa không muốn đàm phán về biên giới, lợi dụng các khó khăn kinh tế và dịch tễ mà New Delhi đang gặp phải.
Theo Le Figaro, tình hình khiến chính quyền của đảng BJP khó xử trong đối nội, vì thủ tướng Narendra Modi để tại vị nhiệm kỳ thứ hai đã hứa hẹn duy trì toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh. Les Echos nói thêm, ông Modi hôm qua 17/06 trước khi dành hai phút mặc niệm những quân nhân đã hy sinh, tuyên bố « Ấn Độ muốn hòa bình nhưng có khả năng trả đũa thích đáng khi bị khiêu khích ».
Nhà nghiên cứu Rana Chhina ở New Delhi cho biết có nguy cơ xung đột nếu từ đây đến mùa thu các bên không rút quân. Đó là vì kể từ tháng 10, tuyết sẽ phong tỏa các ngõ vào cho đến tháng 2, tháng 3, và mưa có thể làm đất lở, cắt đứt những tuyến đường ; lực lượng hai bên ở gần sát nhau trong nhiều tháng.
Vì sao Trung Quốc hung hăng hơn với Ấn Độ ?
Les Echos trong bài « Đối đầu quân sự : Ấn Độ và Trung Quốc đổ trách nhiệm cho nhau », dẫn lời trung tướng về hưu S.L.Narasimhan của Ấn Độ cho biết : « Các sự cố vẫn thường xảy ra tại vùng này, nhưng lần đầu tiên xung đột ở nhiều địa điểm lại diễn ra cùng lúc, và quân Trung Quốc tỏ ra đặc biệt hung hăng, nhất là do các cơ sở hạ tầng đang xây của Ấn Độ ».
Phản đối « Con đường tơ lụa mới » của Trung Quốc, New Delhi lập chương trình xây dựng cầu đường dọc theo biên giới Ấn-Trung. Trung Quốc bực tức vì Ấn Độ công khai chỉ trích sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh trong đại dịch corona, và thu hút các công ty muốn rời bỏ Trung Quốc. Ân Độ cũng hợp tác chặt chẽ hơn với các nước châu Á-Thái Bình Dương (trong đó có Hoa Kỳ) đang lo ngại trước sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Theo Le Monde, có một điều chắc chắn là Trung Quốc tỏ ra hiếu chiến trong bối cảnh chịu sức ép nặng nề từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và khủng hoảng Covid-19. Bắc Kinh muốn bảo vệ cái gọi là « lợi ích căn bản », từ « an ninh quốc gia đang bị các thế lực thù địch nước ngoài đe dọa » ở Hồng Kông, đến « toàn vẹn lãnh thổ » dù là với Đài Loan, trên Biển Đông hay ở biên giới Ấn-Trung.
Dịch virus corona tái phát, Tập Cận Bình phô trương quyền lực
Về tình hình dịch virus corona tại Trung Quốc, Libération nhận định « Bắc Kinh ra tay trước ». Dù mới phát hiện trên 100 ca dương tính xuất phát từ chợ bán sỉ Tân Phát Địa (Xinfadi), nhưng hàng ngàn chuyến bay nội địa đã bị hủy, trường học lại đóng cửa, nhiều khu phố bị phong tỏa…Cơn ác mộng cho người dân Bắc Kinh vừa mới làm quen với cuộc sống bình thường sau sáu tháng bị cách ly !
Những ngôn từ đao to búa lớn lại xuất hiện. Chuyên gia Valérie Niquet giải thích : « Những tuần lễ gần đây chúng ta lại thấy Trung Quốc tỏ ra hết sức hiếu chiến, phô trương sức mạnh của mình với Đài Loan, Hồng Kông hay tại biên giới Ấn Độ, và đấu tranh với nạn dịch tái phát cũng nằm trong chiến lược này ».
Báo chí nhà nước luôn nói rằng các trường hợp dương tính đều từ bên ngoài vào – cho dù hầu hết là dân Trung Quốc trở về nước vì người ngoại quốc bị hạn chế nhập cảnh. Nhưng nay ổ dịch phát ra từ ngôi chợ khổng lồ ở Bắc Kinh, cung ứng thực phẩm tươi sống cho 21 triệu người, chứng tỏ chưa thể kiểm soát hẳn dịch virus corona.
Trong lúc gần đây có những dấu hiệu căng thẳng trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc, giữa Tập Cận Bình và các phe ôn hòa hơn, những biện pháp độc đoán trên giúp nhắc nhở rằng ai đang nắm quyền. Nhiều cán bộ đã bị cách chức sau khi phát hiện virus tại chợ Tân Phát Địa, trong đó có phó chủ tịch quận.
Trung Quốc là nền kinh tế phi thị trường : Chiến thắng quan trọng của EU
Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos cho biết về « Chiến thắng âm thầm nhưng mang tính quyết định của Bruxelles trước Bắc Kinh ». Do Liên Hiệp Châu Âu (EU) không công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, Trung Quốc đã kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhưng nay đã lặng lẽ từ bỏ vụ kiện. Đây còn là biểu tượng cho sự thay đổi quan điểm về « Made in China ».
Bắc Kinh có thời hạn đến 15/06 để tái thúc đẩy vụ kiện, sau phán quyết đầu tiên bất lợi cho Trung Quốc, nhưng cuối cùng đã rút lui. Tiếp tục coi Trung Quốc là nền kinh tế phi thị trường, EU có thể áp thuế cao cho một số mặt hàng xuất khẩu của nước này.
Hồi năm 2016 Bruxelles đã tỏ ra ngần ngại, vì Bắc Kinh đưa ra lý lẽ khi gia nhập WTO năm 2001, Trung Quốc được hứa sau 15 năm sẽ có quy chế kinh tế thị trường. Tất nhiên với điều kiện tiếp tục mở cửa kinh tế – một điều mà trên thực tế Bắc Kinh vẫn chưa thực hiện, và nhiều mặt hàng được nhà nước trợ giá đã cạnh tranh bất chính với hàng hóa châu Âu. Ủy Ban Châu Âu lúc đó vì cứng nhắc tôn trọng cam kết đã định quy hàng, nhưng chính chủ tịch Ủy Ban, ông Jean-Claude Juncker kịch liệt phản đối.
Chiến thắng lớn lao này diễn ra trong lúc EU đang có chiến lược tự chủ sản xuất, muốn tự vệ trước các tập đoàn nước ngoài được trợ giá. Ủy Ban Châu Âu vào đầu tuần này vừa có một quyết định chưa từng thấy, khi loan báo sẽ áp thuế hải quan lên vải dệt bằng sợi thủy tinh, một vật liệu công nghệ từ Ai Cập nhưng sản xuất bởi các công ty Trung Quốc được nhà nước trợ cấp. Do Bắc Kinh thường né thuế bằng cách dịch chuyển sản xuất sang các nước phát triển, quyết định này của Bruxelles đã bước sang một ngưỡng mới, với tư duy mới trước cung cách làm ăn thiếu sòng phẳng của Trung Quốc.
Trong bài phân tích trên Le Monde, cây bút Sylvie Kauffmann nhận định, trước và sau đại dịch corona, quan hệ giữa EU và Trung Quốc đã đổi khác. Trước đây, châu Âu nghĩ rằng Bắc Kinh là đồng minh trong việc bảo vệ đa phương, nhưng rốt cuộc đã hiểu ra, chủ nghĩa đa phương « theo kiểu Trung Quốc » chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích Trung Quốc.
Lời kêu gọi kháng chiến của tướng De Gaulle, bài học lịch sử
Quay lại với sự kiện lịch sử của nước Pháp, bắt đầu từ một lời kêu gọi trên đài phát thanh. Trong lúc thống chế Pétain – vừa được bổ nhiệm thủ tướng Pháp – yêu cầu ngưng chiến đấu chống quân Đức, thì tướng De Gaulle từ Luân Đôn đọc bài diễn văn nay đã đi vào huyền thoại.
Vị tướng ít được công chúng biết đến đã bất chấp bối cảnh quân sự thất bại, chính giới muốn buông xuôi và cả tương quan lực lượng địa chính trị. De Gaulle kêu gọi người dân Pháp kháng chiến và khẳng định chiến thắng – sẽ trở thành hiện thực năm năm sau đó. Một vị tướng không có quân, được phát biểu trên đài BBC nhờ sự ưu ái của thủ tướng Anh Churchill, thông điệp dài chỉ bốn phút đã thổi bùng được niềm tin cho cả một dân tộc.
Trong bài xã luận, Le Figaro đặt vấn đề : 80 năm sau, Đệ nhị Thế chiến đã lùi xa, nhưng nước Pháp đang phải đối phó với khủng hoảng dịch tễ và kinh tế, quyền lực nhà nước bị thách thức, tầm nhìn nào cho Pháp quốc hôm nay ?
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200618-xung-%C4%91%E1%BB%99t-%E1%BA%A5n-trung-b%C3%B9ng-n%E1%BB%95-b%E1%BA%AFc-kinh-hi%E1%BA%BFu-chi%E1%BA%BFn-h%C6%A1n-trong-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng
Tin tổng hợp
(AFP) – Liên Hiệp Quốc : Số người tản cư đạt mức kỷ lục.
Gần 80 triệu người, tức là hơn 1% nhân loại, đã phải tản cư để tránh bạo động và truy bức và nay phải sống xa nhà. Đây là một con số kỷ lục đã tăng gấp đôi trong vòng một thập niên qua, theo báo cáo của Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, được công bố hôm nay, 18/06/2020. Báo cáo này thẩm định là tính đến cuối năm 2019 khoảng 79,5 triệu người là những người tị nạn, đang xin tị nạn chính trị hoặc đã phải tản cư trong chính đất nước của họ, và ngày càng ít có hy vọng trở về nguyên quán.
(AFP) – Ấn Độ, Mêhicô, Na Uy, Ailen được bầu làm thành viên không thường trực của HĐBA LHQ.
Bốn quốc gia này được Đai Hội Đồng LHQ bầu lên vào hôm qua 17/06/2020, cho nhiệm kỳ 2021-2022. Kể từ 01/01/2021, sẽ thay thế Đức, Bỉ, Cộng Hòa Dominicana và Indonesia. Canada bị loại vào năm 2010, năm nay lại bị thua, chỉ thu được 108 phiếu so với Na Uy (130) và Ailen (128). Theo giới quan sát thất bại này có thể có hậu quả chính trị đối với thủ tướng Justin Trudeau.
(Taiwan News) – Phi cơ quân sự Trung Quốc xâm phạm không phận Đài Loan 4 lần trong 2 tuần lễ.
Một chiến đấu cơ J-10 và một máy bay vận tải của quân đội Y-8 đã bị Không Quân Đài Loan trục xuất ra khỏi vùng nhận dạng phòng không Đài Loan vào hôm qua, 17/06/2020. Đây là lần thứ tư trong hai tuần lễ mà máy bay Trung Quốc thâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, lần lượt trong những ngày 09/06, 12/06 và 16/06.
(Bloomberg) – Covid-19 cướp đi việc làm của 8.300 nhân viên Air France.
Hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 17/06/2020 tiết lộ tập đoàn hàng không quốc gia Pháp Air France chuẩn bị kế hoạch cho hơn 8.000 nhân viên nghỉ việc, trên cơ sở tự nguyện. Kế hoạch này tác động trực tiếp đến 300 phi công, 2.000 tiếp viên hàng không và 6.000 nhân viên phục vụ trên mặt đất.
(AFP) –Liên Hiệp Châu Âu công bố sách trắng bảo vệ nền công nghiệp.
Ngày 17/06/2020 Ủy Ban Châu Âu công bố một tài liệu với một số giải pháp nhằm « bảo vệ các tập đoàn châu Âu trước các hành vi cạnh tranh bất bình đẳng ». Trong số này, có biện pháp trừng phạt các công ty nước ngoài mua lại các tập đoàn châu Âu nhằm mục tiêu bóp chết các đối thủ châu Âu ; ngăn cản một tập đoàn quốc doanh ngoại quốc mua lại các công ty của châu Âu… Trung Quốc là đối tượng chính mà kế hoạch nhắm tới.
(AFP) – Gần 500 nhân viên y tế Nga chết vì virus corona.
Cơ quan giám sát y tế Liên bang Nga Roszdravnadzor ngày 18/06/2020 cho biết 489 nhân viên y tế đã thiệt mạng trong lúc thi hành nhiệm vụ. Đại diện của cơ quan này cho biết thêm trong tháng 4 và tháng 5/2020 đã nhận được nhiều đơn khiếu nại từ các bệnh viện trên toàn quốc về tình trạng thiếu khẩu trang và đồ bảo hộ y tế.
(AFP) – Lãnh đạo Netflix tặng 120 triệu đô la cho các trường đại học Mỹ có đa số sinh viên là người da đen.
Đồng sáng lập nhà phân phối phim qua mạng internet, Reed Hastings và phu nhân hôm 17/06/2020 giải thích là cả hai đã có nhiều may mắn được đi học và thành công trong xã hội. Giờ đây họ muốn “giúp đỡ các sinh viên, đặc biệt là sinh viên người da màu, để tất cả đều có cơ hội tốt nhất khi bước vào đời”. Hai trường đại học của thành phố Atlanta và Quỹ hỗ trợ sinh viên người Mỹ gốc Phi nằm trong danh sách được hưởng số tiền nói trên.
(AFP) – Google tài trợ 275 triệu đô la cho các hoạt động chống kỳ thị.
Trong bức thư gửi đến nhân viên ngày 17/06/2020 lãnh đạo tập đoàn, Sundar Pichai, thông báo tin trên. Ngoài ra, Google cũng sẽ tuyển dụng thêm nhân viên người Mỹ gốc châu Phi. Mục tiêu đề ra là đến năm 2025, 30% nhân viên của tập đoàn nổi tiếng này “thuộc nhiều cộng đồng sắc tộc thiểu số”.
(AFP) – Cuba mở lại biên giới đón du khách quốc tế.
Lệ thuộc nhiều vào ngành du lịch, kinh tế Cuba thêm khó khăn trong những tháng qua. Ngày 17/06/2020 La Habana thông báo du khách quốc tế có thể trở lại quê hương của Fidel Castro kể từ ngày 01/07/2020. Nhưng ở giai đoạn đầu, khách ngoại quốc được yêu cầu khoanh vùng tại một số đảo nhỏ như Cayo Largo, Coco, Cayo hay Santa Maria…
(AFP) – Tháp Eiffel mở cửa lại vào tuần tới.
Sau ba tháng ngừng hoạt động, biểu tượng nổi tiếng nhất của nước Pháp là tháp Eiffel đang chuẩn bị đón du khách trở lại kể từ ngày 25/06/2020. Tuy nhiên để tham quan công trình mang tên kiến trúc sư Gustave Eiffel này, khách tham quan phải chịu khó đi cầu thang bộ, leo được 674 bậc thang để lên được tầng thứ hai của tòa tháp. Toàn bộ các cầu thang máy vẫn bị niêm phong, đợi được tẩy trùng.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200618-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 18/6:
G7 đề nghị Bắc Kinh
ngừng áp luật an ninh cho Hồng Kông
Lục DuChào mừng quý độc giả đến với mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin sáng thứ Năm (17/6) của chúng tôi có những tin sau:
G7 đề nghị Bắc Kinh ngừng áp luật an ninh cho Hồng Kông
Reuters đưa tin, các ngoại trưởng của nhóm G7 hôm thứ Tư đã ra một tuyên bố kêu gọi Trung Quốc hủy kế hoạch áp luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông.
“Luật an ninh quốc gia có nguy cơ làm suy yếu nghiêm trọng nguyên tắc ‘Một quốc gia, Hai chế độ’ và mức tự trị cao của Hồng Kông”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Đại diện cấp cao của EU nêu quan điểm trong tuyên bố.
“Chúng tôi rất mong muốn chính phủ Trung Quốc xem xét lại quyết định này”, tuyên bố nhấn mạnh.
Người Hồng Kông có thể bị dẫn độ theo luật an ninh mới
Nếu người Hồng Kông vi phạm luật an ninh quốc gia, đặc biệt trong trường hợp có liên quan tới sự can thiệp của nước ngoài, thì có thể bị dẫn độ sang Đại lục để xét xử, Tam Yiu-chung, đại diện duy nhất cho người Hồng Kông tại quốc hội Trung Quốc đề nghị, theo bản tin tối hôm thứ Tư của SCMP.
Đề nghị của ông Yiu-chung được phát triển từ ý kiến của ông Deng Zhonghua, Phó Giám đốc Văn phòng Nội vụ Hồng Kông và Ma Cao. Ông Zhonghua quả quyết rằng Bắc Kinh có thể xử lý tội phạm ở các đặc khu “trong những hoàn cảnh rất đặc biệt” khi áp dụng luật an ninh quốc gia mới.
Ông Yiu-chung nói: “Nếu Bắc Kinh thấy cần thiết rằng vụ án không nên để các tòa án Hồng Kông thụ lý, thì dẫn độ có thể là một lựa chọn”.
Ông Moon họp với cựu quan chức về quan hệ liên Triều
Hôm thứ Tư, Tổng thống Moon Jae-in đã thảo luận với các cựu Bộ trưởng thống nhất về những rắc rối nghiêm trọng đang diễn ra trong quan hệ liên Triều, Yonhap dẫn thông tin từ văn phòng Nhà Xanh.
Trong cuộc họp kéo dài hai giờ tại Nhà Xanh, ông Moon đã lắng nghe ý kiến của các cựu bộ trưởng về mối quan hệ giữa hai miền, theo phó phát ngôn viên Nhà Xanh Yoon Jae-kwan.
Ông Yoon không tiết lộ chi tiết nội dung thảo luận khi Triều Tiên đang leo thang căng thẳng trên bán đảo với một loạt các đe dọa và khiêu khích, bao gồm việc phá hủy văn phòng liên lạc chung giữa hai miền ở thành phố biên giới Kaesong.
Ông Pompeo đã gặp quan chức Trung Quốc tại Haiwaii
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Tư cho biết ông Mike Pompeo đã gặp ông Dương Khiết Trì, quan chức hàng đầu của chính quyền Trung Quốc tại Hawaii.
Theo Reuters, hiện chưa có nhiều thông tin chi tiết về cuộc gặp này. Cuộc họp giữa ông Pompeo và ông Dương được cho là để làm dịu căng thẳng Mỹ – Trung sau hàng loạt xung đột liên quan tới đại dịch viêm phổi Vũ Hán, các vấn đề về Hồng Kông và Đài Loan.
Tuy nhiên, cùng ngày với cuộc họp này, Tổng thống Trump đã ký ban hành đạo luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc có liên quan tới việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Giới quan sát nhân định động thái này có thể khiến mối quan hệ Mỹ – Trung thêm phần căng thẳng.
Mỹ đang xúc tiến cải cách WTO
Chính quyền Trump sẽ thúc đẩy việc cải tổ “các quyết định về thuế đã lỗi thời” gây bất công với Hoa Kỳ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ, cho biết hôm thứ Tư, theo Reuters.
“Nhiều quốc gia có nền kinh tế lớn và phát triển nhận được mức ưu đãi thuế rất cao, vượt xa mức thuế mà Hoa Kỳ phải chịu”, ông Lighthizer nói về quy định biểu thuế hiện tại của WTO trong một cuộc họp chuẩn bị cho phiên điều trần trước Hạ viện Hoa Kỳ.
Phát biểu của ông Lighthizer đưa ra trong bối cảnh Tổng giám đốc hiện tại của WTO, ông Robert Azevedo, sẽ mãn nhiệm vào tháng Tám tới đây. Đại diện thương mại Mỹ nói rằng Washington sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ cho các đề xuất của mình và lãnh đạo mới của WTO sẽ có thể bắt đầu thực hiện đề xuất này. Ông Lighthizer cho biết thêm, Hoa Kỳ sẽ phủ nhận tất cả những ứng viên có xu hướng chống Mỹ đang muốn thay thế ông Azevedo.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-17-6-g7-de-nghi-bac-kinh-ngung-ap-luat-an-ninh-cho-hong-kong.html
Điểm tin tối 18/6:
Anh cáo buộc Nga, Trung và Iran
khai thác khủng hoảng Covid-19
Hải LamMục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (18/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Anh cáo buộc Nga, Trung và Iran khai thác khủng hoảng Covid-19
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm 18/6 cáo buộc Trung Quốc, Nga và Iran đang cố tìm cách khai thác những điểm yếu do đại dịch Covid-19 toàn cầu gây ra để “đánh lạc hướng chú ý”, theo Reuters.
“Chúng tôi biết chắc rằng Nga đang tham gia một cách có hệ thống vào việc thông tin và tuyên truyền sai lệch, thông qua mạng và các hình thức khác. Những nước khác cũng tham gia tương tự như Trung Quốc và Iran”, Raab nói.
Ông Raab nghi ngờ Trung Quốc đang tận dụng dịch Covid-19 để thúc đẩy luật an ninh quốc gia Hồng Kông.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta đã thấy điều đó liên quan đến Hồng Kông, chắc hẳn mọi người đang tranh cãi điều này, thật khó để biết nó đúng hay sai, rằng luật an ninh quốc gia Trung Quốc được thực hiện vào thời điểm cả thế giới đổ dồn chú ý vào Covid-19”, Ngoại trưởng Rab nói.
Trung Quốc sắp thảo luận chi tiết luật an ninh Hồng Kông
Ủy ban Thường vụ, cơ quan ra quyết sách hàng đầu của Trung Quốc, sẽ họp và thảo luận dự thảo luật an ninh quốc gia Hồng Kông vào ngày 20/6, bản tin ngày 18/6 của AFP cho biết.
Dự thảo hôm nay được đệ trình lên quốc hội Trung Quốc, sau khi cơ quan này bỏ phiếu thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh hồi cuối tháng 5.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin, dự thảo nêu rõ 4 hành vi bị cấm, gồm ly khai, lật đổ chính quyền, hành động khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh, cũng như các biện pháp xử phạt hình sự đối với những tội danh này.
Trung Quốc điều tiêm kích áp sát Đài Loan lần thứ 5 trong 10 ngày
Theo hãng tin Reuters, không quân Đài Loan hôm nay cho biết, các tiêm kích J-10 và J-11 của Trung Quốc vào buổi sáng cùng ngày đã bay vào vùng nhận diện phòng không của hòn đảo, khiến Đài Loan phải điều máy bay để chặn và yêu cầu các tiêm kích Trung Quốc ra khỏi khu vực.
Đây là lần thứ 5 trong 10 ngày qua, không quân Trung Quốc đưa máy bay tới áp sát vùng trời Đài Loan.
Ấn Độ làm lễ tang cho binh sĩ thiệt mạng ở biên giới
Ấn Độ hôm nay tổ chức tang lễ cho 20 quân nhân nước này thiệt mạng trong cuộc đụng độ với lính Trung Quốc ở khu vực biên giới vào đêm 15/6, theo Reuters.
Nhiều người dân đã đứng xếp hàng trên đường phố ở thị trấn Suryapet, phía nam Ấn Độ, khi thi hài đại tá Santosh Babu, chỉ huy đội tuần tra Ấn Độ đụng độ với lính Trung Quốc, được đưa về quê nhà để tổ chức tang lễ hôm nay. Tang lễ của các binh sĩ khác cũng được cử hành tại quê nhà của họ, trong đó một vài binh sĩ ở bang Bihar, miền đông Ấn Độ.
Trung Quốc nói không có ý định can thiệp vào bầu cử Mỹ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm nay tuyên bố Trung Quốc không có ý định can thiệp vào bầu cử Mỹ. Phát ngôn này được đưa ra sau khi giới truyền thông đưa tin ông John Bolton, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia, viết trong cuốn sách của ông rằng Tổng thống Donald Trump từng đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giúp đỡ để tái đắc cử.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News, Tổng thống Trump nói rằng ông John Bolton đã “vi phạm pháp luật” khi viết cuốn sách “Căn phòng nơi điều đó xảy ra: Hồi ký Nhà Trắng” do tiết lộ nhiều thông tin mật.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-toi-18-6-anh-cao-buoc-nga-trung-va-iran-khai-thac-khung-hoang-covid-19.html
Tạp chí tiêu điểm
Căng thẳng liên Triều
và trò chơi « răn đe » của Bình Nhưỡng
Minh AnhThứ Ba, ngày 16/06/2020, Bắc Triều Tiên cho nổ sập văn phòng liên lạc. Bị hụt hẫng vì không dỡ được lệnh trừng phạt, chế độ Kim Jong Un tái khởi động leo thang căng thẳng với Hàn Quốc. Theo giới quan sát, thông điệp đưa ra còn nhằm gởi đến chính quyền Washington, khi chỉ còn có vài tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ.
Hai năm nỗ lực ngoại giao « tan theo mây khói »
Ngày 27/04/2018, hình ảnh một lãnh đạo Bắc Triều Tiên lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến liên Triều, đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc, đã được truyền đi khắp thế giới. Thượng đỉnh Kim Jong Un và Moon Jae In tại vùng phi quân sự, lằn ranh phân chia hai miền Nam – Bắc, đánh dấu bước đi lịch sử mới đầy tính biểu tượng hướng đến một nền hòa bình bền vững cho bán đảo Triều Tiên.
Hai năm sau, ngày 16/06/2020, hình ảnh văn phòng liên lạc Kaesong bị nổ tung một lần nữa lại thu hút sự quan tâm của giới truyền thông : Bắc Triều Tiên vừa đánh vào một biểu tượng lớn. Sebastien Falletti thông tín viên thường trực của báo Le Figaro trên kênh truyền hình France 24 giải thích :
« Văn phòng liên lạc này là một địa điểm mang tính biểu tượng rất lớn, bởi vì cơ sở này được thành lập vào năm 2018, theo sau một cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo tối cao Kim Jong Un và đồng
nhiệm Hàn Quốc Moon Jae In. Vào thời điểm đó, đấy được xem như là tuần trăng mật giữa hai miền, về mặt kỹ thuật vốn vẫn đang trong tình trạng chiến tranh và đó cũng là lần đầu tiên hai miền bắt đầu nói chuyện trở lại.
Đây là một thành phố biên giới, một cố đô hoàng cung. Vấn đề ở đây là người ta khép lại một con đường xích lại gần, một địa điểm ở đó người ta có thể gặp gỡ, thảo luận và xây dựng hòa bình. Thế nên, hành động này của Bắc Triều Tiên là cực kỳ dữ dội, người ta có thể nói là qua cử chỉ này, Bắc Triều Tiên phá tan hoàn toàn quá trình hòa giải liên Triều, phá hủy hai năm nỗ lực ngoại giao giữa Seoul và Bình Nhưỡng ».
Bước đi mới này của Bình Nhưỡng nằm trong chuỗi những hành động khiêu khích được liên tiếp đưa ra trong thời gian gần đây : Đọ súng ở biên giới, cắt đứt đường dây liên lạc, đe dọa hành động quân sự và nhất là lời cảnh báo cho phá sập « văn phòng liên lạc vô dụng Bắc – Nam », từ Kim Yo Jong, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên được hãng tin nhà nước KCNA đăng tải ngày 13/06.
Thời điểm quyết định cho nổ sập văn phòng liên lạc cũng không phải là một sự ngẫu nhiên. Ngày 15/06/2020 lẽ ra đánh dấu đúng 20 năm thượng đỉnh Liên Triều đầu tiên, giữa Kim Jong Il, cha của lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay và Kim Dae Jung, nguyên tổng thống Hàn Quốc (1998 – 2003), từng mang lại hy vọng mở đường cho một kỷ nguyên mới hòa bình hơn trong khu vực.
Hàn Quốc : Từ « bàn tay thân thiện » thành « tấm bia đỡ đạn »
Vì sao Bắc Triều Tiên bỗng nhiên đổi thái độ, có những hành động hung hăng đến như vậy ? Ông Olivier Guillard, nhà nghiên cứu CERIAS (trường đại học Quebec tại Montreal), trả lời câu hỏi của RFI nhận xét :
« Ở đây có một cảm giác tức tối mạnh mẽ, nhất là đối với những hy vọng mà Bình Nhưỡng hung đúc nên. Trong cuộc họp thượng đỉnh liên Triều mùa xuân năm 2018, Bình Nhưỡng đã nỗ lực để có được một sự giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đang áp đặt cho miền Bắc. Bởi vì trong suốt hai năm 2016 – 2017, Bắc Triều Tiên trong một guồng quay, liên tục bắn thử tên lửa và thử nghiệm hạt nhân, dẫn đến hệ quả là các lệnh trừng phạt của quốc tế, chủ yếu là kinh tế.
Những biện pháp trừng phạt này giờ đè nặng lên nền kinh tế Bắc Triều Tiên, vốn dĩ đã yếu kém, giờ còn thêm trầm trọng do hứng chịu hậu quả của dịch Covid-19 từ ba tháng nay đối với trao đổi mậu dịch, còn cầm cự được là nhờ vào Trung Quốc.
Cũng có khả năng là Bắc Triều Tiên cho rằng khi tỏ ra cứng rắn với Hàn Quốc, chế độ Bình Nhưỡng có nhiều cơ may gởi đi một thông điệp xa hơn, đến Washington để nói : Cho dù các ông đang gặp vấn đề chính trị trong nước và có những chính sách đối ngoại ưu tiên, nhưng các ông cũng đừng quên chúng tôi cũng là một hồ sơ quan trọng cần để ý tới.
Cuối cùng là để tái khởi động hay trong mọi trường hợp khẳng định một vị thế mới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm nay, Bình Nhưỡng theo thói quen lại gia tăng và dồn hết mọi áp lực vào Hàn Quốc để rồi nước này lại phải gắn kết mối lo lắng và nỗi bất an này với đồng minh chiến lược Hoa Kỳ. »
Quả thật sau thất bại thượng đỉnh Hà Nội tháng 2/2019, mà ông Kim Jong Un đánh giá là một thất bại chính trị cá nhân, Bắc Triều Tiên gần như biến mất khỏi màn hình ra-đa của chính quyền Donald Trump. Trong hoàn cảnh bế tắc này, cùng với tác động của dịch virus corona chủng mới đối với nền kinh tế, Bắc Triều Tiên đành phải « bổn cũ soạn lại », mở lại « luận điệu kẻ thù ».
Nếu như Hoa Kỳ thời Donald Trump không thể nào bị điểm là « kẻ thù » như trong quá khứ, theo như phân tích của Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) với kênh truyền hình quốc tế France 24, Hàn Quốc dường như là « kẻ thù lý tưởng » hơn cả cho Bình Nhưỡng, ít nhất cũng vì hai lý do.
Thứ nhất, chế độ Kim Jong Un cho rằng Seoul giờ không còn hữu ích nữa, bởi vì vai trò chính của nước này – đóng vai trung gian hòa giải giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên – đã mất đi tầm quan trọng. Kim Jong Un đã thiết lập được một mối quan hệ ngoại giao trực tiếp với Donald Trump.
Thứ hai, lãnh đạo Bắc Triều Tiên còn tin rằng đồng nhiệm Hàn Quốc đã « trút hết vở ». Chuyên gia Antoine Bondaz giải thích : « Moon Jae In đã dùng hết các lá bài – sáng kiến cho du lịch giữa hai miền, sáng kiến cho trao đổi văn hóa, các hoạt động ngoại giao – người ta còn nhận thấy là do các lệnh trừng phạt của quốc tế nhắm vào Bắc Triều Tiên, tổng thống Moon không thể làm được gì nhiều cho Bình Nhưỡng trên bình diện kinh tế. »
Nam – Bắc Triều Tiên đối đầu quân sự ?
Việc cho nổ sập văn phòng liên lạc là một cú đánh truyền thông hay là một mối đe dọa leo thang căng thẳng thật sự ? Giới quan sát lưu ý : Trong quá khứ, nền ngoại giao Bắc Triều Tiên luôn dao động giữa
hai chu kỳ hòa giải và căng thẳng. Việc chu kỳ hòa giải lần này kết thúc có lẽ chẳng có gì là đáng ngạc nhiên.
Khúc dạo đầu cho một giai đoạn căng thẳng mới đã được Bình Nhưỡng ngày 17/06/2020 khởi động với thông báo tăng cường các hoạt động quân sự tại khu vực phi quân sự, khu công nghiệp Kaesong và khu du lịch núi Kim Cương. Seoul đáp trả, tuyên bố tiến hành một chiến dịch quân sự, dọa rằng Bình Nhưỡng sẽ trả giá đắt.
Liệu xung đột vũ trang có quay trở lại trên bán đảo Triều Tiên hay không ? Ông Michel Liégois, giáo sư ngành Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế trường UC Louvain, trên kênh truyền hình RTBF của Bỉ cho rằng ít có khả năng.
Ông giải thích : « Không ai được lợi gì cả trong vụ việc này và hơn nữa có một yếu tố đang làm thay đổi cục diện ngày nay : Bắc Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Và cường quốc hạt nhân này đang đối mặt với Hàn Quốc, mà bản thân nước này trong một chừng mực nào đó là một cường quốc ủy nhiệm, vì Hàn Quốc được Hoa Kỳ chống đỡ.
Ở đây, người ta chứng kiến một trò chơi răn đe mà con đường vũ trang thật sự không còn là một giải pháp nữa cho các bên tham gia. Dĩ nhiên, người ta có thể chơi trò dọa dẫm, trò chiến lược căng thẳng cho đến một điểm nào đó. Nhưng ngoài rủi ro có một tai nạn mà chúng ta không thể hoàn toàn gạt bỏ, tôi cho rằng rủi ro một cuộc xung đột vũ trang trên thực tế giờ là điều không thể giữa hai miền ».
Kim Yo Jong : Chiếc loa cộng hưởng ?
Điểm đáng chú ý trong cuộc chơi khiêu khích lần này, có sự xuất hiện của em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên – Kim Yo Jong – như lưu ý của ông Dominique Trinquand, cựu trưởng phái đoàn quân sự Pháp bên cạnh Liên Hiệp Quốc với kênh truyền hình RT của Nga.
« Tôi cho rằng trong vụ việc này có hai chủ đích. Thứ nhất là nhằm phản đối việc thả truyền đơn xuống miền Bắc từ những nhà ly khai Bắc Triều Tiên chạy sang Hàn Quốc. Do vậy, cần phải tỏ thái độ cứng rắn, chí ít là trong lời nói, nhưng không cần có những biện pháp kịch tính. Hơn nữa quân đội cũng nêu rõ là họ sẵn sàng cho một cuộc chiến. Đó là tất cả những gì cho thấy rõ nhất.
Điểm ít được để ý đến là lần đầu tiên, chính em gái của nhà lãnh đạo lên tiếng, chứ không phải là ông ấy. Tôi nghĩ là quyền lực của cô em út đang được củng cố. Người này dường như chiếm giữ một vị trí ngày càng quan trọng trong chế độ. »
Về điểm này, Antoine Bondaz nhận định mọi hành động đều phải được « cân nhắc, định liều ». Mọi sự quá đà có nguy cơ thúc đẩy Hoa Kỳ đến hỗ trợ đồng minh châu Á. Nhưng thông điệp đưa ra cũng phải rõ ràng và mạnh mẽ : Đầu tiên hết là các điểm mang biểu tượng cao còn quân sự đơn giản chỉ là một giải pháp sau cùng.
Nhưng việc chính Kim Yo Jong là người lên tiếng truyền tải các thông điệp này chứ không phải là các quan chức chính thức chuyên trách quan hệ liên Triều ít nhiều gây ngạc nhiên cho giới quan sát.
Về điểm này, ông Dominique Trinquand có nhận định về những phát biểu được cho là « hiếu chiến » của Kim Yo Jong như sau: « Đó là để tự khẳng định vị thế trên hai phương diện. Thứ nhất là để bày tỏ người này không chấp nhận hành động tuyên truyền của miền Nam đối với miền Bắc. Đây là điểm kiên định đầu tiên của chế độ miền Bắc. Điểm thứ hai chính là, để trở thành một nhà lãnh đạo tại Triều Tiên, cần phải tỏ ra “sắt đá”, sẵn sàng lao vào cuộc chiến. Đây chính là cách nói của người em út hiện nay để tỏ rõ là cô ấy có một chỗ trong hàng ngũ bên cạnh nhà lãnh đạo ».
Theo nhiều hãng truyền thông, đây cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy cô em út của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã trở thành một người phụ nữ đầy quyền lực của chế độ, có thể trở thành người kế nghiệp anh trai trong tương lai.
Ông Dominique Trinquand nhận xét tiếp : « Trong cuộc khủng hoảng virus corona vừa qua, Bắc Triều Tiên cũng bị ảnh hưởng. Nhưng người ta nói nhiều về tình hình bệnh tật của Kim Jong Un, nhất là về việc ông ấy được giải phẫu. Tức thì chính quyền Bình Nhưỡng cho công bố các hình ảnh khẳng định không đúng như thế, nhưng người ta vẫn nghi ngờ là Kim Jong Un thật sự không khỏe lắm. Thế nên, có thể là còn có một chủ định đưa lên hàng đầu một nhân vật rất có thể sẽ thay thế ông cầm quyền nếu như có chuyện gì xảy ra. »
Tuy nhiên, chuyên gia Antoine Bondaz không mấy tán đồng với những phán đoán trên. Chuyên gia người Pháp nhắc lại Kim Yo Jong chỉ phụ trách về vấn đề tuyên truyền, chưa có một vị trí thể chế nào có liên quan đến các vấn đề liên Triều, cũng như là chưa có được một chỗ trong bộ máy Quốc vụ viện. Kim Yo Jong trên thực tế chỉ mới là ủy viên dự khuyết. Trong một chế độ tôn ti trật tự, nếu Kim Jong Un muốn chỉ định em mình làm người kế thừa, ông ấy lẽ ra đã phải xếp Kim Yo Jong vào một vị trí hàng đầu.
Thế nên, theo nhà nghiên cứu này, giải thích khả dĩ nhất đó là lãnh đạo Bắc Triều Tiên sử dụng Kim Yo Jong như là một chiếc « loa cộng hưởng ». Antoine Bondaz giải thích : « Với bên ngoài, vì chính là người em gái phát biểu, nên những thông báo sẽ có một tác động truyền thông quan trọng hơn rất nhiều. Một lợi thế khác nữa là nếu như tình hình đi đến tồi tệ quá mức, Bình Nhưỡng vẫn có thể để một quan chức chính thức ra can thiệp để nói trái lại với những tuyên bố của Kim Yo Jong ».
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200618-bac-trieu-tien-han-quoc-ban-dao-trieu-tien-cang-thang
0 comments