Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Hơn 200 tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu: Việt Nam phản đối, Philippines điều tàu chiến đến

Friday, March 26, 2021 // ,

 RFI

Tàu Trung Quốc  neo tại Whitsun Reef. Ảnh chụp được lực lượng tuần duyên Philippines công bố ngày 21/03/2021.
Tàu Trung Quốc neo tại Whitsun Reef. Ảnh chụp được lực lượng tuần duyên Philippines công bố ngày 21/03/2021. © AP
Thụy My
4 phút

Hà Nội hôm nay 25/03/2021 tố cáo Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam khi hoạt động trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa. Về phần mình, Philippines hôm qua 24/03/2021 đã triển khai thêm nhiều tàu đến khu vực Đá Ba Đầu (Whitsun Reef), nơi tập trung khoảng 220 tàu được cho là do dân quân Trung Quốc điều khiển. 

Báo chí trong nước cho biết trong buổi họp báo thường kỳ chiều nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh rằng hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc vi phạm làm phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Tại Manila, trung tướng Cirilito Sobejana, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân các lực lượng vũ trang Philippines ra lệnh cho hải quân đưa thêm nhiều tàu đến khu vực Đá Ba Đầu để tăng cường, đồng thời « bảo đảm an toàn cho ngư dân, tài nguyên biển và toàn vẹn lãnh thổ ». Sobejana cho biết ông đã yêu cầu tùy viên quốc phòng Trung Quốc tại Philippines giải thích về sự hiện diện của đông đảo tàu dân quân tại rạn san hô này.

Trước đó ngày 21/03, sau khi phát hiện 220 tàu Trung Quốc tại đây, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana đã yêu cầu Trung Quốc rút lực lượng đi. Tuy nhiên phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng đó không phải là tàu dân quân, chỉ là tàu cá đến trú vì thời tiết xấu. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila chia sẻ mối quan ngại, vì các tàu Trung Quốc neo đậu trong thời gian dài bất kể thời tiết, và không thực sự đánh cá.

Tờ Foreign Policy ngày 22/03 báo động nguy cơ Đá Ba Đầu có thể bị Trung Quốc chiếm giữ vĩnh viễn như trường hợp bãi cạn Scarborough năm 2012. Những con tàu đang đậu tại đây rất giống số tàu vỏ thép được đóng dành cho lực lượng dân quân biển của cái gọi là « thành phố Tam Sa » năm 2016, như tình báo Hải quân Mỹ đã công bố. Các tàu dân quân biển có động cơ rất mạnh, mũi tàu gia cố thép và trang bị vòi rồng, có thể tấn công tàu cá và tàu cảnh sát biển của các nước láng giềng trên Biển Đông.

Đá Ba Đầu nằm ở phía cực đông cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, đang là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Đài Loan. Từ thập niên 90, Trung Quốc đã toan đưa các phao lên Đá Ba Đầu để xác lập chủ quyền, nhưng lực lượng Việt Nam đóng tại đảo Sinh Tồn đã gỡ bỏ.

Tin Hải Ngoại - SGB

 BBC Tin tức

Mỹ-EU phối hợp về vấn đề Trung Quốc, Nga

VOA - Reuters
25/03/2021

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Mỹ và Liên hiệp châu Âu đồng ý tái khởi động cuộc đối thoại song phương về Trung Quốc và làm việc với nhau để giải quyết “thái độ thách thức” của Nga, theo tuyên bố chung ngày 24/3.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và đại diện cao cấp về ngoại giao của EU, ông Josep Borrell thừa nhận sự hiểu biết chung rằng ‘quan hệ với Trung Quốc có nhiều mặt, bao gồm những yếu tố hợp tác, cạnh tranh, và đối thủ có hệ thống.’

Mỹ và EU cũng sẽ hợp tác về những đề tài bao gồm trao đổi hỗ tương, các vấn đề kinh tế, nhân quyền, an ninh, chủ nghĩa đa phương và biến đổi khí hậu, tuyên bố nói.

Ông Blinken và ông Borrell cũng nói sẽ giải quyết “thái độ thách thức của Nga, trong đó có sự hung hăng tiếp diễn nhắm vào Ukraine và Georgia; các mối đe dọa như tung tin xuyên tạc, can thiệp vào tiến trình bầu cử, những hoạt động phá hoại trên mạng, và bố trí quân sự.”

Trong cuộc họp tại Brussels, đôi bên hứa cùng nhau làm việc cũng như trong việc phân phối vaccine ngừa virus corona an toàn, hiệu nghiệm trên toàn cầu, và đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch trong tương lai. 

Trước sự kỳ thị người gốc Á, cộng đồng Việt ở Mỹ nên làm sao?

  VOA

27/03/2021

Cuộc tuần hành có tên gọi 'Chúng tôi không im lặng' phản đối sự thù hận người gốc Á ở Seattle


Cộng đồng người Việt ở khắp các tiểu bang trên nước Mỹ nên cùng lên tiếng và gây sức ép cho giới chức để có những biện pháp hữu hiệu hơn trước tình trạng kỳ thị người gốc Á vì xuống đường biểu tình ‘không phải là cách hay’, các lãnh đạo cộng đồng nói với VOA.

Trong làn sóng bài người gốc Á dâng cao ở Mỹ kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19 đã có người Việt, điển hình như ông Ngọc Phạm, 83 tuổi, cựu sĩ quan cảnh sát của Việt Nam Cộng hòa, bị người da trắng tấn công ở San Francisco.

Một số người Việt đã xuống đường biểu tình cùng các sắc dân gốc Á khác ở các thành phố lớn của Mỹ lên án các tội ác thù ghét và kỳ thị nhắm vào người gốc Á.

‘Tình liên đới với các cộng đồng gốc Á’

Từ vùng Little Saigon, ông Phát Bùi, chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia Nam California, cho biết sau khi xảy ra các vụ kỳ thị, cộng đồng nơi đây ‘đã gửi thư cho tất cả các cơ quan cảnh sát, Bộ Tư pháp cũng như văn phòng biện lý ở tất cả các quận hạt ở miền Nam California’.

“Chúng tôi yêu cầu cảnh sát gia tăng đi tuần tra trong khu có đông người Việt và văn phòng biện lý khi điều tra tội ác kỳ thị thì cần phải xử mức án tối đa đối với thủ phạm,” ông cho biết và nói thư gửi của cộng đồng không chỉ dừng lại ở những lời lên án.

Tuy nhiên, ông Phát cho rằng cộng đồng Việt ‘nên có sự chung tay với các cộng đồng gốc Á bạn như Hàn, Hoa, Thái, Phi cùng lên tiếng’. “Có như vậy mới tạo được sức mạnh và gây sự chú ý cho chính quyền từ các cấp tiểu bang đến liên bang,” ông nói.

“Cần minh định rõ ràng là chúng tôi luôn luôn lên án những việc làm của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng họ không liên quan gì đến những người Mỹ gốc Hoa,” ông nói và phản đối việc người gốc Việt kỳ thị người gốc Hoa ở Mỹ.

Ông Phát, vốn cũng là nghị viên thành phố, không cho rằng xuống đường biểu tình chống kỳ thị là một cách làm hiệu quả.

“Tôi nghĩ rằng biểu tình là một cách làm nhưng không phải là cách duy nhất cũng không phải là cách hữu hiệu nhất,” ông nói và cho rằng việc các cộng đồng cùng đồng thanh lên tiếng ‘mới có hiệu quả thiết thực’.

“Nếu có biểu tình ở Little Saigon đi nữa thì cũng chỉ là gióng lên tiếng chuông đối với chính quyền sở tại mà thôi,” ông giải thích.

Theo lời ông, trong thời gian qua ở Little Saigon ‘đã có 1-2 cuộc biểu tình nhỏ do một số nhóm tổ chức’ và ‘có ít nhất 3-4 cuộc họp báo, trong đó có cuộc họp báo của dân biểu bang Janet Nguyễn nhằm giới thiệu đạo luật cụ thể đòi hỏi các thành phố trong bang công khai các thông tin về kỳ thị để người dân theo dõi’.

Trước việc nhiều người cao niên gốc Việt lúc này đang ngại ra đường vì sợ bị tấn công, ông Phát kêu gọi bình tĩnh ‘vì việc kỳ thị này dù tăng gấp đôi, gấp ba so với lúc trước nhưng không xảy ra rộng rãi’.

“Khi đi ra đường thì chúng ta nên cẩn thận để ý chung quanh. Nếu xảy ra tình trạng người ta kỳ thị mình và buông những lời nhục mạ mình thì quý vị đừng tranh cãi mà gọi 911,” ông khuyên. “Nên tránh đi tới những nơi tối vào đêm khuya hay những nơi thường xảy ra các vụ trộm cắp, hành hung.”

‘Cần làm rõ trách nhiệm của Trung Quốc’

Ông Đỗ Văn Hội, cựu chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia liên bang Hoa Kỳ từ năm 2012-2018 và hiện là cố vấn cộng đồng, nói với VOA rằng ông ‘không nghĩ có làn sóng kỳ thị người gốc Á ở Mỹ mà chỉ là sự hiểu lầm’.

“Có nhiều gia đình bị mất người thân trong đại dịch, họ đau khổ lắm. Đôi khi người ta bực mình họ nghĩ chuyện không hay nên đổ lỗi cho người này, người kia,” ông giải thích. “Chúng ta nên thông cảm cho việc này.”

Theo lời ông thì sau khi xảy ra các vụ bạo lực nhắm vào người gốc Á, các lãnh đạo cộng đồng ‘cũng đã bàn luận, nghiên cứu lấy dữ kiện để biết chính xác bản chất vụ việc’

Ông cho rằng ‘cần phải điều tra, phân tích thêm về nguyên nhân, động lực’. “Người ta cho rằng có sự thù hận đối với người gốc Á nhưng mình chưa nói được về điều đó,” ông nói.

“Sau khi nghiên cứu rồi thì chắc chắn cộng đồng người Việt sẽ họp lại với nhau để đưa lên tiếng nói và giải thích cho mọi người hiểu hơn,” ông Hội khuyến nghị.

Theo lời ông thì ‘sự bất bình với Đảng Cộng sản Trung Quốc về dịch bệnh’ không chỉ có ở Mỹ mà còn trên thế giới ‘nhưng người Hoa hay người gốc Hoa cũng chỉ là nạn nhân’.

“Chúng ta cần làm sáng tỏ là con virus corona đó không phải là do người dân Trung Quốc, cũng không phải là do người gốc Á châu,” ông nói.

Giống như ông Phát Bùi, ông Đỗ Văn Hội không cho rằng xuống đường biểu tình chống kỳ thị là một biện pháp hay.

“Biểu tình rất dễ có kẻ xấu trà trộn gây ra chuyện này chuyện kia, có thể đổ máu bất lợi,” ông phân tích. Thay vì đó, ông kêu gọi ‘cộng đồng gốc Việt nên tổ chức họp báo’ hay ‘nhờ các dân biểu, nghị sĩ lên tiếng giùm chúng ta’.

Tin Hoa Kỳ - VOA

- Tin thế giới - Cung Cầu

 



Powered by Blogger.