Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Nỗi lo nào về TQ khiến ông Trump phải điện đàm "tâm sự" với người tiền nhiệm gần 100 tuổi?

Wednesday, June 12, 2019 // ,
Hôm Chủ nhật (9/6), cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã tiết lộ nội dung cuộc điện đàm hồi tháng 4 giữa ông và Tổng thống Donald Trump, với nội dung chủ yếu là về Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm tâm sự với một trong những người tiền nhiệm của mình về nỗi lo Trung Quốc sắp trở thành cường quốc, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) đưa tin.
Cụ thể, hôm Chủ nhật (9/6) vừa qua, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã có bài phát biểu tại trường Chúa Nhật bang Georgia - quê hương của ông - và chia sẻ với các học sinh về cuộc trò chuyện gần đây giữa ông và nhà lãnh đạo đương nhiệm của nước Mỹ.
"Ông ấy đã nhấn mạnh rằng mục đích chính của cuộc gọi ấy là để trò chuyện thẳng thắn và riêng tư với tôi về việc Trung Quốc đang 'vượt mặt' Mỹ khá xa", cựu Tổng thống Carter tiết lộ.
Ông Carter cho biết, vị Tổng thống đương nhiệm đã điện cho ông để hồi đáp bức thư về mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc được ông gửi tới Nhà Trắng trước đó, đồng thời cũng chia sẻ rằng ông đã rất "ngạc nhiên" và "vinh dự" khi nhận được cuộc gọi này.
Được biết, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Washington và Bắc Kinh tái thiết lập quan hệ ngoại giao, cựu Tổng thống Carter đã gửi lời cảnh báo tới Tổng thống Trump về nguy cơ rơi vào một cuộc "Chiến tranh Lạnh thời hiện đại", trong bối cảnh cuộc thương chiến giữa hai nước tiếp tục mở rộng thêm mặt trận mới và Trung Quốc ngày càng nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự.
Ông Trump lo ngại rằng "Trung Quốc có thể sẽ vươn lên vị trí cường quốc kinh tế số 1 thế giới trong một vài năm tới", cựu Tổng thống Carter phát biểu tại Nhà thờ Baptist Maranatha.
Sau đó, vị cựu Tổng thống 94 tuổi tiếp tục đặt câu hỏi về ý nghĩa của việc trở thành cường quốc. Ông cho rằng một cường quốc "không chỉ là nước có tiềm lực quân sự mạnh nhất, mà phải là nhà vô địch trong những khía cạnh tinh tế hơn trong cuộc đời".
Là một người sùng đạo Cơ đốc giáo, ông Carter thường xuyên có các bài diễn thuyết tại trường Chúa nhật. Ông luôn khẳng định rằng hòa bình, môi trường, nhân quyền và bình đẳng là những điều mà tất cả các con chiên nên đặt niềm tin vào.
"Mỹ là quốc gia hiếu chiến nhất trong lịch sử thế giới"
Trước đó, phía Nhà Trắng cũng đã xác nhận rằng ông Trump đã có cuộc điện đàm đầu tiên với cựu Tổng thống Carter về "lập trường của Tổng thống Trump về vấn đề thương mại với Trung Quốc và nhiều chủ đề khác" hồi tháng 4 vừa qua, sau khi ông Trump nhận được "bức thư tuyệt đẹp" về vấn đề thỏa thuận với Trung Quốc từ ông Carter.
Trong bức thư trên, ông Carter đã phân tích rằng sự khác biệt trong khoản chi tiêu quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới mức độ tăng trưởng kinh tế của mỗi nước.
Vị cựu Tổng thống cho rằng Mỹ là "quốc gia hiếu chiến nhất trong lịch sử thế giới" vì luôn có mong muốn áp đặt các giá trị của Mỹ lên các nước khác, trong khi đó Trung Quốc lại tập trung đầu tư các nguồn lực của mình vào các dự án cơ sở hạ tầng, ví dụ như đường sắt cao tốc.
"Kể từ năm 1979, Trung Quốc còn tham chiến với các nước khác không? Không. Trong khi đó [Mỹ] vẫn tiếp tục tham chiến", ông Carter kết luận trước các con chiên tại trường Chúa nhật.

5 cách nước Mỹ chống Tàu


Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đã trở thành những đế chế công nghệ của thể giới. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cả hai đang cạnh tranh sòng phẳng với nhau. Ảnh: GEORGIA PERRY / The Wired
Bên cạnh các “đòn” thương chiến rình rang và thu hút sự quan tâm lớn của báo chí và công luận, như đánh thuế và kiểm soát tiếp cận công nghệ, Hoa Kỳ hiện đang áp dụng một loạt phương cách khác nhau để kiềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc.
Một báo cáo chuyên đề về Trung Quốc mới đây của tờ tạp chí The Economist cho chúng ta nhìn được ít nhất là năm trong số các phương cách đó.
Ở vị thế một nước nhỏ đang vừa phải ngồi dưới cái bóng đầy đe dọa của Trung Quốc, vừa phải duy trì quan hệ tốt với Hoa Kỳ để bảo đảm phát triển kinh tế, liệu Việt Nam có thể học được gì từ các biện pháp ngăn ngừa Trung Quốc này?
1. Kiểm soát chặt chẽ đầu tư từ Trung Quốc
Hoa Kỳ có một cơ quan liên ngành chịu trách nhiệm thẩm tra ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng từ các dự án đầu tư nước ngoài: Ủy Ban về Đầu tư nước ngoài ở Hoa Kỳ (Committee on Foreign Investment in the United States – CFIUS).
Được thành lập từ năm 1975 thông qua một sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Gerald Ford, mục đích ban đầu của CFIUS là giúp các tổng thống Mỹ nghiên cứu phân tích ảnh hưởng của đầu tư nước ngoài tại Mỹ cho tiện việc giám sát vĩ mô.
Từ thập niên 1980 trở đi, do lo ngại từ việc nhiều công ty Nhật đầu tư mua lại các công ty kỹ thuật công nghệ cao của Mỹ, Quốc hội Mỹ sửa luật để trao thêm cho Tổng thống Mỹ quyền được chặn các phi vụ đầu tư nước ngoài nào có khả năng đe dọa an ninh quốc phòng.

Trụ sở Bộ Tài chính Hoa Kỳ, cơ quan chủ quản của CFIUS. Lãnh đạo bộ này khẳng định sẽ sử dụng các quyền lực mới được trao cho để mở rộng thanh tra hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc. Ảnh: Justin T. Gellerson /The New York Times
CFIUS trở thành cơ quan tham vấn chính, là nơi hội họp các chuyên gia và đại diện từ nhiều phòng ban trong chính phủ Mỹ để giúp các tổng thống Mỹ đánh giá một dự án đầu tư nước ngoài có thể đe dọa an ninh quốc phòng như thế nào.
Nhờ tham vấn của CFIUS, Tổng thống Obama từng chặn hai dự án đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ năm 2012 và 2016. Cơ quan này cũng tham vấn cho Tổng thống Trump chặn ba dự án đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ từ năm 2017 tới nay.
Quốc hội Mỹ đã nhiều lần cải cách luật để trao thêm quyền hạn và trách nhiệm cho CFIUS.
Năm 2017, một nhóm thượng nghị sỹ từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đề xuất dự thảo Đạo luật Hiện đại hóa đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài (Foreign Investment Risk Review Modernization Act – FIRRMA). Dự thảo này được Quốc hội Mỹ thông qua và sau đó được Tổng thống Trump phê chuẩn vào tháng 8 năm 2018.
Đạo luật FIRRMA trao thêm nhân lực và kinh phí hoạt động cho CFIUS. Đạo luật này cũng mở rộng phạm vi thẩm tra của CFIUS sang nhiều lĩnh vực khác, ví dụ như đầu tư nước ngoài vào bất động sản nằm gần các khu vực nhạy cảm, và đầu tư nước ngoài trong các ngành kỹ thuật quan trọng.
Trả lời phỏng vấn của The Economist, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Marc Rubio cho biết các ngành này bao gồm viễn thông, vi tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo và bất kỳ ngành công nghiệp nào thu thập nhiều dữ liệu điện tử.
2. Quản lý rủi ro đối với cơ sở hạ tầng quan trọng
Tháng 8/2018, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ tuyên bố thành lập Trung tâm Quản lý Rủi ro quốc gia (National Risk Management Centre – NRMC).
Cơ quan này có nhiệm vụ giám sát các công ty lớn, tiềm tàng rủi ro cao, đang xây dựng và phục vụ cho các cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ.
Cơ quan này được thành lập để giám sát việc thi hành hai quyết định hành pháp từ thời Tổng thống Obama: Chỉ thị chính sách số 21 kêu gọi phân tích tổng thể cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ, và Sắc lệnh hành pháp số 13636 xác định các cơ sở hạ tầng quan trọng nào có thể bị tấn công bằng mạng máy tính dẫn đến hậu quả tai hại cho an ninh quốc phòng. Trọng tâm ban đầu của NRMC là đánh giá các mối đe dọa chung và phòng bị cho các cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ chống lại những vụ tấn công qua mạng máy tính. Các ngành năng lượng, tài chính, viễn thông sẽ được NRMC ưu tiên.
3. Giám sát, chế tài bằng tư pháp hình sự Tháng 11/2018, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tuyên bố thành lập một nhóm chuyên trách về những hiểm họa đến từ Trung Quốc, tên gọi China Initiative.
Theo The Economist, nhóm này bao gồm các công tố viên và điều tra viên đến từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Nhiệm vụ của nhóm là tập trung điều tra các vụ việc Trung Quốc tìm cách đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ, và điều tra các cá nhân Trung Quốc nào tìm cách gây ảnh hưởng đến tư tưởng của công luận Mỹ.
Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, từ năm 2013 đến năm 2016, không có cá nhân nào bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc tại Mỹ. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến cuối năm 2018, bộ này đã buộc tội ba người làm gián điệp hoặc có âm mưu làm gián điệp cho Trung Quốc.
Tại thời điểm cuối năm 2018, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang truy tố sáu vụ việc liên quan đến đánh cắp bí mật thương mại mà bên hưởng lợi chính là chính phủ Trung Quốc, trong đó có vụ việc liên quan cả đến một nhà thầu Đài Loan của một công ty quốc doanh Trung Quốc.
Mới đây, một doanh nhân người Trung Quốc và một kỹ sư làm việc cho công ty General Electric của Mỹ cũng bị truy tố vì đánh cắp bí mật công nghệ từ General Electric.
Liên quan đến việc điều tra các cá nhân tìm cách gây ảnh hưởng đến tư tưởng của người dân Mỹ, có vẻ là vẫn chưa có vụ việc nào cụ thể.
Tuy nhiên, giám đốc FBI là ông Christopher Wray đã lên tiếng kêu gọi các cơ quan giáo dục và cơ quan nghiên cứu tại Mỹ phải để ý cảnh giác việc Trung Quốc cử sinh viên cao học và nghiên cứu viên sang Mỹ để đánh cắp sáng chế và kết quả nghiên cứu khoa học.
Ông Wray cũng bày tỏ quan ngại về các viện Khổng Tử được thành lập trong trường đại học Mỹ để dạy tiếng Hoa và tổ chức sự kiện văn hóa, với ngân sách của Trung Quốc. Thượng nghị sỹ Marc Rubio cũng đã kêu gọi các trường đại học tại bang Florida của ông đóng cửa những viện Khổng Tử như thế.
Số liệu từ The Economist cho thấy năm 2018 chỉ có 10 viện Khổng Tử đóng cửa, và hiện còn khoảng 100 viện vẫn đang hoạt động tại Mỹ.
Việc điều tra các nỗ lực tác động đến tư tưởng và kêu gọi cảnh giác với các viện Khổng Tử cho thấy Hoa Kỳ khá dè chừng các hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc trong nội địa Mỹ. Riêng trong mảng tuyên truyền này thì người Mỹ có một phương cách khác chuyên biệt hơn.
4. Chú trọng phản tuyên truyền từ nước ngoài
Bộ Ngoại giao Mỹ từ đầu năm 2016 đã có Trung tâm Tương tác toàn cầu (Global Engagement Centre – GEC), nhưng nhiệm vụ trước đây của cơ quan này là chống, vô hiệu hóa các tuyên truyền ủng hộ và kích động khủng bố.
Từ cuối năm 2016, GEC được Quốc hội Mỹ mở rộng phạm vi hoạt động sang chống các hoạt động tuyên truyền và đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc từ nước ngoài.
Trả lời phỏng vấn với tạp chí Foreign Policy hồi đầu năm nay, lãnh đạo mới của GEC (do Tổng thống Trump bổ nhiệm) cho biết là cơ quan này sẽ tập trung chống tuyên truyền và thông tin sai lệch đến từ Trung Quốc, Iran và Nga.
Hiện chưa có nhiều thông tin về cách thức cụ thể để GEC chống tuyên truyền từ Trung Quốc nhưng nhiều khả năng là cơ quan này sẽ tận dụng chiến lược và nguồn lực mà họ vẫn đang dùng để chống tuyên truyền ủng hộ và kích động khủng bố. Đó là đầu tư xây dựng các nội dung thông tin, tuyên truyền từ cả chính phủ Mỹ và từ các “bên thứ ba” (third-party).
Theo đó, GEC có thể tiếp tục đầu tư xây dựng một mạng lưới các tổ chức và cá nhân trên toàn cầu chuyên đưa thông tin có lợi cho Hoa Kỳ, đi ngược lại nội dung tuyên truyền từ các quốc gia thù địch như Trung Quốc.
5. Bảo vệ chuỗi cung ứng trang thiết bị quốc phòng
Theo The Economist, giới quân đội và an ninh Hoa Kỳ cũng nhận ra một rủi ro lớn tiềm tàng: trang thiết bị quốc phòng của Mỹ ngày càng hiện đại nhưng việc sản xuất các trang thiết bị này cũng ngày càng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng công nghệ và trang thiết bị, kể cả vào các công ty tư nhân.
Một tướng quân đội Mỹ trả lời phỏng vấn The Economist cho biết rằng, nếu như hồi trước, 70% kỹ thuật quân sự Hoa Kỳ thuộc sở hữu nhà nước, thì nay 70% kỹ thuật quân sự Hoa Kỳ thuộc sở hữu của các công ty tư nhân, phần lớn là doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon.
Nếu các công ty Trung Quốc có thể tiếp cận công nghệ và các dây chuyền sản xuất linh kiện quan trọng, đóng góp vào sản xuất trang thiết bị quốc phòng của Mỹ, thì quân đội Mỹ có rủi ro cao sẽ bị Trung Quốc dùng công nghệ để tấn công, quấy phá.
Do đó, Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã lập ra Phòng Phân tích Thương mại và Kinh Tế (Office of Commercial and Economic Analysis) với nhiệm vụ kiểm tra bảo đảm là các hợp đồng sản xuất trang thiết bị quốc phòng không có các công ty Trung Quốc. Họ kiểm tra kỹ đến cả những nhà thầu phụ.

Huawei chỉ là phần nổi của tảng băng chìm chống Trung Quốc của Hoa Kỳ. Ảnh: Techspot
Một chuyên gia phân tích an ninh điện tử cũng chia sẻ với The Economist rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác định họ phải bảo vệ tới cùng nguồn cung cấp chất bán dẫn cho trang thiết bị quân đội Mỹ. Ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn được xem là ngành công nghiệp cuối cùng mà Hoa Kỳ vẫn đang dẫn đầu. Theo đó, chuyên gia này dự báo là các hợp đồng quốc phòng đắt giá nhất của Hoa Kỳ sẽ là với các nhà sản xuất chất bán dẫn đóng tại Mỹ.
---------------

TƯỜNG THUẬT BUỔI ĐẠI HỘI VĂN NGHỆ SĨ VNCH HẢI NGOẠI TẠI CLEARWATER FLORIDA

Tác giả: TônNữ Hoàng Hoa & Túy Vinh
12/6/2019
Phải thành thật mà nói nền văn học nghệ thuật tại hải ngoại dưới dạng thức của Tập Thể Người Việt tỵ nạn cộng sản đang đi vào ngõ cụt. Cái ngõ cụt đó là người đọc không tìm ra được một tầng lớp cầm bút nói lên cái chính nghĩa tinh hoa của một đất nước 4000 năm văn vật. Người đọc thờ ơ, một số người viết thì tự cho mình là "đỉnh cao trí tuệ" văn phong đi vào con đường của chủ nghĩa vô sản với phần đông văn viết rất tượng hình mà không phải những hình ảnh mong manh như sương khói của một thời tao nhã Việt Nam Cộng Hoà.
Sự chuyễn biến này không phải tự nhiên mà có, mà đó chính là sự "chỉ đạo" của bộ văn hoá cộng sản chỉ thị cho bọn kiều vận năm vùng dưới bất cứ hình thức nào phải đưa tinh hoa của Tập Thể Người Việt Tỵ nạn CS vào ngõ cụt.
Nhưng trên thực tế, chính những văn phong tuyên truyền cho nhà nước CS ở Việt Nam ở đây càng ngày càng lạc điệu vì khoảng cách giữa thực tế của TTNVTNCS tại hải ngoại và văn phong vô văn hoá vô giáo dục mang tính đảng đó đã làm người đọc thờ ơ.
Ý thức được trách nhiệm đó, một nhóm nhà văn đã khởi động một buổi họp mặt Văn Nghệ Sĩ VNCH tại hải ngoại.
Như đã thông báo trước đây, đại hội Văn Nghệ Sĩ VNCH Hải Ngoại đã được tổ chức vào ngày thứ bảy 8 tháng 6 năm 2019 tại Khách sạn Holiday Inn 3535 Ulmerton Rd. Clearwater FL 33701.
Mở đầu chương trình là nghi thức thường lệ chào Quốc Kỳ, Quốc ca VNCH. Tiếp đến là phần giới thiệu quan khách tham dự gồm có những văn thi sĩ ở xa như nhà bình luận Kiêm Ái , nhà văn Nguyễn Thiếu Nhẫn ở San Jose. Thi sĩ Nhất Hùng từ Maryland (MD), Cô Tuý Việt từ San Franciso, ông Lê Thiết từ Houston Texas, Thi sĩ Tạo Ân và nhà hoạt động Cộng Đồng Phạm Ngọc Cửu từ Orlando Florida. Sau đó ban tổ chức trình bày về ý nghĩa của buổi đại hội Văn Nghệ Sĩ VNCH Hải ngoại.
Hoạ sĩ Vũ Quang Minh điều khiển chương trình mời ông Phạm Ngọc Cửu Cựu Hội Trưởng Hội Quốc Gia Hành Chánh tại Orlando Florida lên thuyết trình.
Ông Cửu cho biết trên 30 năm sinh hoạt trong cộng đồng, ông nhận thấy vấn đề văn bút rất tác dụng trong sinh hoạt của cộng đồng. Ông nói đó có thể là một nhóm biệt kích cầm bút để giữ vững lằn ranh Quốc/Cộng trên mọi sinh hoạt của cộng đồng trong bối cảnh chính trị hôm nay.
Ông Cửu cho biết những người cầm bút rất quan trọng. Vì chúng ta đang ở trong một cuộc chiến đấu trên mặt trận tuyên truyền, và người Cộng Sản Việt Nam vẫn trường kỳ kháng chiến để chiếm nốt mãnh đất còn lại tại hải ngoại của chúng ta. Ông nhắc nhở đến kỷ niệm khi ông làm chủ tịch Cộng Đồng ở Orlando và lúc đó là tên VC Nguyễn Công Bằng đến Orlando. Dưới trời mưa tầm tả ông ôm một số lá cờ Vàng. Trong lúc chuyễn những lá cờ Vàng đến từng tay anh em H.O lúc đó mới sang, ông nhìn thấy những giọt lệ rưng rưng trên mí mắt của những anh em H.O những tưởng là sẽ không còn có cơ hội để ôm lại Lá Cờ Vàng. Niềm xúc động đó đã theo ông trên mấy chục năm qua và cho đến hôm nay ông vẫn thiết tha với mối xúc cảm ngày nào.
Tiếp theo chương trình là phần trình bày của Thi Sĩ Nhất Hùng đến từ Maryland. Ông Hùng cho biết Văn Bút VN tại Hải Ngoại rất phân hoá. Những người cầm bút ai cũng mong ước có một chuyễn biến trong sáng tác về Chân Thiện Mỹ để có một phong trào đơm hoa nở trái cho nền văn học ở hải ngoại.
Ông cũng không quên cảm ơn Ban Tổ Chức đã vận động được một số người ở xa đến và nhất là những tấm lòng nhiệt huyết đang hiện diện hôm nay để khởi động một chiều hướng sáng tác trên tinh thần nhân bản và đạo đức cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Diễn giả thứ ba của chương trình là Hoạ sĩ Vũ Quang Minh. Ông Minh cho rằng văn chương là một dòng thác chạy suốt chiều dài lịch sử. Tính cách sử thi của văn chương cũng nhịp nhàng đi theo đà tiến hoá của nhân loại và chúng ta phải đi cho kịp với đà tiến hoá đó. Theo ông Vũ Quang Minh thì trong quá khứ chúng ta có Tự Lực Văn Đoàn, sáng tạo đã hơn một lần "văn dĩ tải đạo" đã khai sáng một khúc quanh về văn học VN.
Sau 1954 miền bắc bị Cộng Sản chiếm và đàn áp dã man nên đã không có không có một tác phẫm nào giá trị, sáng tạo của những người cầm bút ở miền Bắc, lúc bấy giờ chỉ lo sáng tác những văn phẫm nâng cao tính "anh hùng cách mạng" có tính chất công thức và vỏ đoán, đó đã là phản tác dụng với người đọc và là đầu mối của những trăn trở và phản tĩnh của giới Văn Nghệ Sĩ lúc bấy giờ.
Sau khi 3 diễn giả trình bày quan điễm của mình là phần thảo luận của tham dự viên với ba đề tài trên.
Mở đầu là ông Võ Văn Hanh chủ tịch Hội H.O tại vùng Tampa Bay cho biết: “Sau khi tổ chức thành lập thì hội có phải phát triễn vào dân chúng hay không? Nếu có, thì phải mở web site bằng hai thứ tiếng Việt và Anh”
Thi sĩ Tạo Ân cho biết là sẽ hình thành ngay cái Web Site của Hội Văn Nghệ Sĩ VNCH Hải ngoại bằng hai thứ tiếng và phần dịch thuật sẽ do giáo sư Anh Ngữ Nguyễn Công Doanh đãm trách.
Một đóng góp ý kiến khác của Hoa Hậu Anh Đào. Cô Anh Đào cho biết cô thuộc về thế hệ trẻ chưa hề biết nhiều về chế độ VNCH. Cô cho biết thêm là không nên dùng hai chữ cách mạng để nói đến một sự thay đổi vì đối với thế hệ thứ hai như Cô, mỗi lần nghe hai chữ cách mạng là thấy những thương đau của dân tộc VN do cộng sản gây ra.
Cô cũng đồng ý nên có một website và có logo cờ VNCH đồng thời cô cũng xin cảm ơn các cô chú bác đã lập ra hội này cho thế hệ trẻ tiếp bước cha anh trên con đường chính nghĩa.
Ông Nguyễn Công Doanh đồng ý với ông Võ văn Hanh về vấn đề cần phải phổ biến rộng rãi, nhất là những người trong nước có thể lên đọc được.
Thi sĩ Tạo Ân cho biết mọi người hãy yên tâm vì sẽ có website để giúp cho những người trong nước đọc được cũng như đã có nhiều hồi báo cho thấy những người ở Hà Nội, Sài Gòn và những nơi khác đã đọc được.
Bà Tôn Nữ Hoàng Hoa đóng góp thêm ý kiến với cô Anh Đào là về hai chữ "cách mạng" đã bị VC lạm dụng trên 60 năm qua một cách lếu láo và bóp méo ý nghĩa trung thực của hai chữ này. Nếu có thể được thì chữ "cách mạng" nên thay bằng câu: "thay đổi để công việc tốt đẹp hơn" thì sẽ không bị dị ứng.
Ông Doanh nói tiếp theo là đồng ý với bà TNHH vì chữ cách mạng đã bị hiểu lầm đồng nghĩa với sắt máu, bạo lực . Vì thế nên tránh dùng chữ đó càng nhiều càng tốt.
Thi sĩ Tạo Ân đã trả lời ý kiến của ông Doanh là sẽ có audio cho website. Sẽ cần nhiều người dịch thuật từ Việt ngữ ra Anh ngữ cho các em trẻ hiểu khi đọc website.
Đồng thời thi sĩ Tạo Ân cũng nói đến vấn đề đoàn kết trong tổ chức các hội, vì đó là then chốt để có sự hợp tác của mọi người. Ngoài ra Thi Sĩ Tạo Ân còn cho biết thêm là Văn Học và Nghệ thuật không bao giờ tách rời khỏi chính trị. Ngay cả tôn giáo cũng vậy.
Buổi họp rất sôi nỗi với sự đóng góp của nhiều tham dự viên. Nhưng thì giờ có hạn nên phải tạm chấm dứt phần thảo luận tại đề tài này.
Sau buổi cơm trưa, qúi tham dự viên tiếp tục thảo luận về Hiến chương và nội qui.
Tất cả đều đồng ý về tôn chỉ của hội là Chống cộng sản và bất cứ hình thức độc tài nào khác.
Thứ hai không du lịch tại Việt Nam trong khi là thành phần của Ban Đại Diện của Hội.
Đại Hội Văn Nghệ Sĩ VNCH Hải Ngoại bế mạc vào lúc 5 giờ chiếu.
Sau đây là thành phần Hội Viên đã được bầu vào Ban Đại Diện HỘI VĂN NGHỆ SĨ VNCH HẢI NGOẠI ngày 8 tháng 6 năm 2019.
HỘI ĐỒNG CHẤP HÀNH
- Chủ Tịch: Thi sĩ Nhất Hùng: (Maryland)
- Phó Chủ Tịch Nội Vụ: Bà Hoàng Phượng (D.C)
- Phó Chủ Tịch Ngoại vụ: Hoa Hậu Anh Đào (ST. Petersburg FLorida)
- Tổng Thư Ký: Thi sĩ Tạo Ân ( Orlando Florida)
- Thủ Quỷ : Nhà Thơ Lãm Thuý (Boston Mass)
HỘI ĐỒNG ĐẠI BIỂU
- Chủ Tịch: Ông Phạm Ngọc Cửu (Orlando FL)
- Phó Chủ Tịch Nội vụ: Thi sĩ Vũ Quang Minh (Tampa FL)
- Phó Chủ Tịch Ngoại vụ: Giáo sư Nguyễn Công Doanh (St-Peter Florida).
HỘI ĐỒNG GIÁM SÁT
- Chủ tịch: Tôn Nữ Hoàng Hoa (Clearwater-Florida)
- Phó Chủ Tịch Nội Vụ: Nhà văn Nguyễn Thiếu Nhẫn (San Jose- Bắc Cali)
- Phó Chủ Tịch Ngoại vụ: Trương Xuân Dân (Largo Florida)
HỘI ĐỒNG CỐ VẤN
- Ông Trương Minh Hoà (Úc)
- Nhà văn Kiêm Ái (San Jose Bắc Cali)
- Ông Lê Thiết (Houston Texas)
- Ông Võ Văn Hanh ( Tampa FL)
- Ông Đào Hoàng Việt ( St- Peter Florida)
Buổi đại hội hình thành Tổ chức HỘI VĂN NGHỆ SĨ VNCH HẢI NGOẠI ĐÃ BẾ MẠC VÀO LÚC 5 GIỜ CHIỀU CÙNG NGÀY.
Ban tổ chức Đại Hội Văn Nghệ Sĩ VNCH Hải Ngoại xin chân thành cảm ơn qúi vị Hội Viên xa và gần đã đến tham dự buổi đại hội này. Đồng thời chúng tôi cũng xin cảm ơn Nhị Vị Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Tiểu Bang Florida vì phải đi tham dự Ngày Diễn Hành Văn Hoá Quốc Tế tại New York nên không đến tham dự đại hội VNSVNCHHN được, tuy nhiên nhị vị Chủ Tịch Hội Đồng Chấp Hành ông Lê Thanh Liêm và ông Chủ Tịch H Đ Đại Biểu Nguyễn Thanh Thụy cũng đã ủng hộ cho đại hội $100.00 đô la.
Ghi nhận và tường thuật của
Tuý Vinh Tôn Nữ Hoàng Hoa.
Ngày 8 tháng 6 năm 2019
Tại thành phố Clearwater Florida
-------------

Powered by Blogger.