Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin bão lụt miền Trung

Sunday, October 16, 2016 // , ,
Tin bão lụt miền Trung
Tỉnh Quảng Bình từng chịu cảnh ngập lụt nghiêm trọng 5 năm trước. (Ảnh tư liệu).
Bão Sarika đang di chuyển nhanh trên biển Đông, trực tiếp đe dọa miền Trung Việt Nam, trong khi lụt lội nghiêm trọng tại khu vực này đã làm ít nhất 11 người thiệt mạng.
Trước khi hướng ra biển Đông, sáng hôm nay, 16/10, cơn bão với sức gió lên tới 130km/giờ đã ập xuống đảo Luzon của Philippines, buộc hơn 12 nghìn người phải sơ tán.
Báo điện tử VnExpress dẫn lời ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nhận định rằng Sarika có thể “là cơn bão nguy hiểm và mạnh nhất trong vài năm gần đây vào Việt Nam”.
Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới hình thành từ ngày 13/10 ở các tỉnh ở miền trung Việt Nam, gây nên đợt mưa lớn và làm ngập lụt trên diện rộng ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Báo chí trong nước cho hay, tình hình ngập lụt khiến “hàng chục nghìn nhà dân ở các vùng bị ảnh hưởng chìm trong nước”, “gây chia cắt nhiều khu vực” và “gây thiệt hại nặng về người và tài sản”.
Reuters dẫn lại VTV đưa tin rằng có hàng chục du khách nước ngoài trong số các hành khách trên nhiều chuyến tàu bị kẹt tại khu vực bị ảnh hưởng, trong khi nhiều chuyến bay tới miền Trung bị hủy.
Công điện của Thủ tướng Việt Nam đăng tải trên trang web của chính phủ “gửi lời thăm hỏi, chia sẻ đối với đồng bào và chính quyền địa phương, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng và yêu cầu chủ động phòng, chống lũ, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và nhà nước”.
Ngoài mưa lớn, việc thủy điện xả lũ còn khiến hàng nghìn hộ dân ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, “bị cô lập, chờ tiếp tế”, theo VnExpress. Chủ tịch huyện này được trích lời cho rằng, hàng nghìn hộ dân bị ngập sâu “không kịp trở tay” do nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ.
Trong khi giám đốc thuỷ điện nói rằng đã “xả lũ đúng quy trình”, việc làm này đang vấp phải nhiều chỉ trích trên các trang mạng xã hội.
Viết trên trang Facebook, luật sư Võ An Đôn đã kêu gọi “nhân dân miền trung hãy làm đơn khởi kiện những thủy điện đã xả nước gây lũ lụt”.

Bão Sarika tiếp tục mạnh hơn đe dọa các tỉnh miền Trung

Bão số 7
Bão số 7  – info.net
Theo tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Việt Nam cơn bão Sarika đang tiến rất nhanh vào biển Đông sau khi đe dọa đảo Luzon của Philippines.
Tình đến 1 giờ sáng ngày hôm nay bão Sarika, được Việt Nam đặt tên là Bão số 7, đang mạnh dần với sức gió lên tới 185 cây số giờ, giật ở cấp 17. Theo dự báo cơn bão sẽ tiến dần vào quần đảo Hoàng Sa với sức gió cấp 13 và sau đó nó sẽ tiến thẳng vào Việt Nam nếu không có yếu tố bất ngờ.
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết bão số 7 là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp.
Về vị trí bão có thể tràn vào ông Hải cho rằng bão số 7 có thể đổ bộ ở điểm giao nhau giữa các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh Thanh Hoá, Hà Tĩnh.
Hai tỉnh này cũng là nơi đang gồng mình chịu số phận chung với Quảng Bình sau khi mưa lớn và xả lũ làm cho nhiều gia đình tan hoang thảm thương.- RFA

Thủy điện xả lũ góp phần làm dân khốn đốn

Thủy điện Hố Hô
Thủy điện Hố Hô      tintuc 24h
Kết hợp với mưa lớn kéo dài gây nước dâng lên tại các con sông, thủy điện Hố Hô xả lũ bất thình lình khiến người dân không kịp trở tay là vấn đề được báo chí lên tiếng từ hai ngày nay.
Thủy điện Hố Hô nằm trên sông Ngàn Sâu ở biên giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, vào lúc 1 giờ sáng ngày 14 tháng 10 đã xả lũ bất thình lình vì nước tràn về từ thượng nguồn, hành động xả lũ một cách nhanh chóng và ồ ạt này làm cho nước tràn xuống các khu vực hạ du của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình tăng thêm mực nước trùm lên cả khu vực.
Chịu thiệt hại nặng nề nhất là người dân huyện Hương Khê có 11 xã với hơn 5.000 nhà dân bị nước ngập sâu. Có nơi ngập tới 4m, điển hình là các xã Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh, Hòa Hải.
Ông Phan Đình Hùng, Chủ tịch xã Hương Giang, Hương Khê, Hà Tĩnh cho biết dù xã thông báo liên tục cho người dân chạy lũ nhưng nước xả lũ từ Hố Hô lên quá nhanh, lại vào ban đêm nên người dân xoay xở không kịp.
Trong khi đó ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc nhà máy thủy điện Hố Hô khi trả lời báo chí cho rằng việc xả lũ tại Hương Khê là đúng quy trình.
Phản ứng trước cách trả lời này chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Huấn đã cho rằng thủy điện Hố Hô “Khi chưa mưa thì không xả, lại nhè lúc mưa lớn để xả. Nước trên đổ về, nước sông dâng lên, tôi đề nghị dừng lại từ 1-2 tiếng cho nước rút bớt, điều kiện lúc đó có thể dừng xả 1 tiếng nhưng lãnh đạo nhà máy không chấp thuận”.
Ông Vũ Mạnh Hùng trả lời rằng “Hố Hô có thông báo tới ban phòng chống bão lụt các cấp như trong phương án phòng chống lũ lụt nhà máy thủy điện đã được tỉnh phê duyệt, và Hố Hô không có trách nhiệm thông báo tới chủ tịch UBND huyện”.
Tiết lộ của ông Lê Ngọc Huấn cho thấy sự bất kể sinh mạng tài sản của người dân đối với thủy điện Hố Hô và cách trả lời của ông Vũ Mạnh Hùng đáng để hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh xem xét.
Thủy điện Hố Hô từng bị đả kích là hiểm họa treo lơ lửng trên đầu của hàng vạn người dân khu vực hạ du của sông Ngàn Sâu vì nó từng suýt vỡ sau trận lũ năm 2010. Công trình thủy điện Hố Hô được lãnh đạo hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh chấp bút thỏa thuận cho xây dựng. – RFA

Hơn ba trăm hành khách tàu hỏa được giải tỏa

ga Lê Sơn
ga Lê Sơn                                    VietnamNet
Tổng cục Đường sắt Việt Nam cho biết số hành khách bị mắc kẹt tại các ga của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng bình khi lũ lụt gây hư hỏng đường ray đã được giải tỏa, đưa ra khỏi vùng lũ lụt an toàn. Đây là số hành khách trên 10 đoàn tàu bị kẹt riêng 12 đoàn tàu chở hàng hóa vẫn chưa giải tỏa được.
Ông Đới Sỹ Hưng, phó tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam cho báo Tuổi Trẻ biết ngành đường sắt đã huy động hơn 1000 công nhân tới hiện trường để giúp người bị nạn cũng như khắc phục sự cố kỹ thuật. 110 cây số đường ray đã dược phục hồi còn lại hơn 90 cây số đường bị ngập khác đang dần dần khôi phục lại.
Có gần 100 du khách nước ngoài bị ảnh hưởng trong sự cố tắc đường này cùng với hơn 200 khách Việt Nam sẽ được đưa vào ga Đông Hà bằng ôtô và từ ga Đông Hà sẽ đi tàu vào ga Đà Nẵng, kết thúc hành trình.
Riêng phần hơn 700 hành khách kẹt lại từ hướng khác đang được giải quyết sau khi các đoạn đường ray chìm trong nước từng bước phục hồi. – RFA

Quảng Bình xin hỗ trợ khẩn cấp

Giới chức Tỉnh và Phó Thủ tướng
Giới chức Tỉnh và Phó Thủ tướng                                   VietnamNet
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình vừa chính thức xin trung ương hỗ trợ khẩn cấp vì cả tình đang trong tình trạng tuyệt vọng do mưa lũ tràn ngập và thiệt hại nặng nề cả người lẫn của.
Vào ngày hôm qua khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến thị sát tình hình ngập nặng của Quảng Bình, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã cho ông Dũng biết toàn tỉnh có 9 người chết, 10 người mất tích. Trong các tuyến đường bộ hầu hết đều bị cắt tuyến đường sắt các ga Đồng Hới, Lệ Sơn, Mỹ Đức bị tắc lại từ khi nước làm thiệt hại các đường ray, hàng chục con tàu không di chuyển được hành khách có cả người nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn nguy hiểm.
Bên cạnh đó, tàu thuyền bị trôi dạt ra biển mặc dù ngư dân không còn đánh cá do thảm họa Formosa.
Ông Nguyễn Hữu Hoài tha thiết đề nghị Phó Thủ tướng xem xét và hỗ trợ khẩn cấp để tỉnh sớm khắc phục hậu quả. Ông Hoài nói rằng người dân vốn chưa hoàn toàn phục hồi sau khi sự cố Formosa nay lại đến lũ nên sức chịu đựng của tỉnh gần như không thể lãnh nhận nỗi.
Theo báo Tuổi trẻ Online cho biết Tỉnh Quảng Bình đề nghị trung ương hỗ trợ tìm kiếm người mất tích trên biển cũng như  cho tỉnh 5.000 tấn gạo, 250 tỉ đồng để khắc phục hư hỏng các công trình thuỷ lợi và giao thông, hỗ trợ ngư dân 50 tỉ đồng do bị chìm và hư hỏng tàu và 50 tỉ đồng về giống cây trồng. – RFA

Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung

17:35:00 15/10/2016
Mưa lũ miền Trung đang lên đỉnh điểm, khiến hàng nghìn ngôi nhà bị nhấn chìm, nhiều khu vực bị cô lậpTài sản, gia súc của nhiều hộ dân nhanh chóng được di tản để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

Tình trạng mưa lớn diện rộng kéo dài từ ngày 14/10 tại khắp miền Trung đã gây ngập úng, lũ dâng. Nhiều tuyến đường, khu dân cư bị chia cắt, đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Lũ tại các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình lên nhanh trong đêm qua khiến nhiều địa phương bị cô lập. Hàng nghìn ngôi nhà của người dân bị chìm trong biển nước.
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung - Ảnh 1.
Các huyện miền núi Quảng Bình nước lũ dâng ngập nhà dân. Ảnh: Facebook.
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung - Ảnh 2.
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung - Ảnh 3.
Nước lũ dâng cao ngập sát mái nhà. Ảnh: Facebook
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung - Ảnh 4.
Người dân phải bắc thang leo lên mái nhà để tránh ngập. Nguồn: Vietnamnet
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung - Ảnh 5.
Một số người dân phải leo lên nóc nhà để tránh trú, bị bao vây khi nước lũ cô lập. Ảnh: Facebook
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung - Ảnh 6.
2 cụ già phải mang theo đồ đạc và vật nuôi trèo lên khu mái để tránh nước lũ. Ảnh: Facebook
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung - Ảnh 7.
Chiếc xe được treo lên cao tránh nước lũ tràn vào làm hư hỏng. Ảnh: Người lao động
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung - Ảnh 8.
Hình ảnh người đàn ông ngồi nhìn ngôi nhà ngập trong nước lũ. Ảnh: facebook Trung Kiên Nguyễn
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung - Ảnh 9.
Cơ quan chức năng đưa tài sản người dân Minh Hóa đến khu vực cao hơn để tránh lũ. Đây là ngôi nhà tránh lũ được thiết kế đặc biệt tại Tân Hóa. Nước lên cao bao nhiêu thì nhà nổi lên bấy nhiêu. Ảnh: Đình Thức
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung - Ảnh 10.
Cách di chuyển duy nhất vào xã Phương Mỹ (Hương Khê, Hà Tĩnh) là bằng đò. Ảnh: Đình Thức
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung - Ảnh 11.
Nhiều vật nuôi của người dân bị chết do ngập nước. Ảnh: Đình Thức
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung - Ảnh 12.
Trâu bò được người dân dắt lên đường quốc lộ để tránh vùng ngập. Ảnh Đình Thức
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung - Ảnh 13.
Đàn trâu bò của người dân được sơ tán lên khu vực hiên nhà để tránh lũ cuốn. Ảnh: facebook
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung - Ảnh 14.
Nước ngập sâu khiến trâu bò cũng kiếm khu vực cao để trú. Ảnh: facebook
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung - Ảnh 15.
Một gia đình đã phải dùng dây thừng kéo chú bò lên cao để tránh bị ngạt nước. Ảnh: facebook
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung - Ảnh 16.
Thóc lúa và vật nuôi trong nhà được người dân đưa lên những nơi cao để tránh bị cuốn trôi. Ảnh: facebook
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung - Ảnh 17.
Gia súc trong nhà cũng được người dân di tán khỏi vùng lũ. Ảnh: facebook
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung - Ảnh 18.
Nước ngập trắng xóa, đàn trâu bò cũng nhanh chóng được người dân di tản trước khi bị nước lũ cô lập. Ảnh: Facebook Bụi đời
Chùm ảnh: Những hình ảnh nhói lòng về mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung - Ảnh 19.
Người dân Tuyên Hóa, Quảng Bình đưa gia súc đi chạy lũ. Ảnh báo Quảng Bình

Điểm Nhanh Tin Báo Pháp – 16-10-2016

AFP- Máy đáp Schiaparelli của châu Âu hôm nay sẽ tách khỏi phi thuyền thăm dò TGO để đáp xuống sao Hỏa ba ngày sau. Cùng lúc đó, phi thuyền thăm dò khoa học TGO của châu Âu và Nga sẽ tự đặt lên quỹ đạo chung quanh hành tinh đỏ. Đây là giai đoạn đầu tiên của dự án ExoMars của Nga và châu Âu nhằm tìm kiếm các dấu vết của sự sống trên sao Hỏa.
AFP – Trung Quốc đưa phi hành gia lên phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 2 (Tiangong-2). Trong vòng 30 ngày trên không gian, hai phi hành gia Cảnh Hải Bằng (Jing Haipeng) và Trần Đông (Chen Dong) có nhiệm vụ tiến hành một loạt các thí nghiệm về y học, sinh học, vật lý, bão mặt trời và chuẩn bị trang thiết bị.
AFP – Nga bắn chết một ngư dân Bắc Triều Tiên. Sự việc xảy ra sau một trận ẩu đả giữa lực lượng tuần duyên Nga và các ngư dân Bắc Triều Tiên làm một lính Nga bị thương. Theo thông báo ngày 15/10/2016 của cơ quan tình báo Nga (FSB), lực lượng hải cảnh Nga đã kiểm tra tầu cá Dae Yan 10 của Bắc Triều Tiên và phát hiện một lượng hải sản « bất hợp pháp ».
AFP – Một phụ nữ Thái Lan bị bắt về tội khi quân. Theo cảnh sát ngày 16/10/2016, người này đăng trên mạng Facebook những dòng chữ bị xem là xúc phạm hoàng thái tử và nhiếp chính. Một đám đông giận dữ bao quanh một đồn cảnh sát trên đảo Samui đã yêu cầu phụ nữ nói trên phải xin lỗi trước bức chân dung của cố quốc vương Bhumibol.
AFP- Quân đội Miến Điện hôm nay, 16/10/2016, thông báo là 3 cảnh sát đã bị tấn công bằng dao rựa. Những kẻ tấn công sau đó đã bị lực lượng an ninh bắn hạ. Vụ tấn công này xảy ra tại miền Tây Bắc Miến Điện, nơi vẫn còn nhiều căng thẳng giữa hai cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo.
AFP – Đi nghe giảng đạo, 24 người Ấn Độ chết vì giẫm đạp. Cảnh sát thành phố Lucknow, thủ phủ bang Uttar Pradesh ngày 15/10/2016, hàng trăm tín đồ đã giẫm đạp nhau trên cây cầu sắt cũ dẫn về ngôi làng linh thiêng để nghe nhà truyền đạo nổi tiếng Jai Grurudev. ¾ số nạn nhân là phụ nữ.
AFP – Hàng nghìn người Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan biểu tình phản đối tự do mậu dịch CETA và TTIP. Liên Hiệp Châu Âu và Canada dự kiến ký hiệp định CETA vào ngày 27/10/2016. Còn TTIP hiện đang trong quá trình đàm phán giữa Mỹ và Liên Âu. Những người phản đối cho rằng CETA và TTIP chỉ chú trọng đến tăng trưởng, bỏ qua các tiêu chí xã hội và môi trường và chỉ có lợi cho các tập đoàn đa quốc gia.
AFP – Ba tầu quân sự Mỹ bị nhắm bắn ngoài khơi Yemen, tại Hồng Hải lúc 19 giờ 30, giờ quốc tế. Phía Mỹ đã đáp trả cho bắn 5 tên lửa nhắm vào những khu vực radar trên đất liền do quân nổi dậy Houthis theo hệ phái Si-a, được Iran hậu thuẫn kiểm soát.
AFP – Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thất vọng vì cứu trợ “yếu ớt” của quốc tế dành cho Haiti.Hòn đảo này đã bị cơn bão Mathew tàn phá nặng nề và cướp đi sinh mạng của 500 người. Hiện 175.000 người vẫn sống trong các lán trại tạm bợ.
AFP- Sau Hoa Kỳ, đến lượt Úc và New Zealand cấm hành khách mang Samsung Galaxy Note 7 lên máy bay. Lệnh cấm có hiệu lực ngày 16/10/2016 do nguy cơ cháy nổ của loại điện thoại này, được áp dụng đối với cả hành lý gởi, chứ không chỉ trong hành lý xách tay.

Tin Khắp Nơi – 16-10-2016

Syria: Quân nổi dậy chiếm thành trì IS 

Xung đột Syria
AP
Lực lượng nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn chiếm thị trấn Dabid có ý nghĩa biểu tượng quan trọng với quân IS.
Quân nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã chiếm được thị trấn Dabid ở Syria, một biểu tượng quan trọng của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), theo các chỉ huy quân nổi dậy và giới quan sát.
Quân nổi dậy đã chiếm được Dabiq sau khi binh sỹ “IS rút lui”, tổ chức Quan sát nhân quyền của Syria có trụ sở tại Anh nói.
Thị trấn nhỏ nằm ở mạn bắc có giá trị to lớn đối với IS vì một lời tiên tri về ‘một cuộc chiến khải huyền’ và các yếu tố tuyên truyền mạnh của tổ chức khủng bố này.
Bước tiến đối với Dabiq là một phần của một cuộc tấn công rộng lớn hơn do các nhóm quân nổi dậy ở Syria tiến hành.
Ahmed Osman, chỉ huy của nhóm quân nổi dậy Sultan Murad, nói với hãng tin Reuters vào sáng Chủ nhật rằng nhóm này cũng đã chiếm lại ngôi làng Soran ở lân cận.
Tổ chức quan sát Nhân quyền cho Syria nói 1.200 chiến binh IS đã được đưa vào để bảo vệ Dabiq.
Một chỉ huy thuộc Lữ Đoàn Hamza, một nhóm quân nổi dậy , nói với hãng tin AP rằng kháng cự của IS là “tối thiểu”.
Saif Abu Bakr nói IS rút về phía thị trấn lớn hơn là Al-Bab ở phía nam.

‘Quét sạch biên giới’

Ông nói khoảng 2.000 chiến binh nổi dậy đã tham gia vào cuộc tấn công.
Họ được xe tăng và pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và được hỗ trợ bởi các cuộc không kích của các chiến đấu cơ thuộc liên minh quốc tế.
Bản đồ khu vực Dabiq, Syria.
Bản đồ khu vực Dabiq, Syria.
Dabiq chỉ nằm cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ 10 km.
Hồi tháng Tám, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động một cuộc tấn công để quét sạch các phần tử vũ trang ở khu vực biên giới, có nghĩa là nhắm vào lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng và cả quân nổi dậy người Kurd chống lại IS.
Vào tháng Chín, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nói đường biên giới dài 91km đã được “hoàn toàn bảo đảm” và “tất cả các tổ chức khủng bố đã bị đẩy lùi”.
Một cuộc chiến được châm ngòi từ cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad hiện đã chia cắt Syria thành nhiều phần. Cuộc chiến đã kéo dài được hơn 5 năm qua và cướp đi khoảng 300.000 sinh mạng.
Tin cho hay, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ gặp các ngoại trưởng của Pháp và Đức trong một một phần của một nỗ lực mới nhằm môi giới hòa bình ở Syria.
Tháng trước, một lệnh ngừng bắn sụp đổ chỉ sau một vài ngày và kể từ đó, quân đội chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn đã ném bom thành phố Aleppo, nơi đang trở thành tâm điểm của cuộc xung đột.
Hôm thứ Bảy, ông Kerry đã gặp gỡ Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, cùng với các đại diện từ Iran, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, đây là các quốc gia đang hậu thuẫn các lực lượng quân sự, hay các nhóm nổi dậy hoặc chiến binh khác trong trong cuộc chiến tranh kéo dài.
Không có thỏa thuận cụ thể hoặc lệnh ngừng bắn nào đạt được, nhưng cả Mỹ và Nga đã nói về “những ý tưởng” mới để giải quyết tình hình xung đột.
Chiến sự Syria
AP
Các chiến binh nổi dậy đã chiếm được thành lũy của IS ở Dabid mà chỉ gặp sự kháng cự ‘tối thiểu’ của các lực lượng thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Tên lửa S-400 của Nga giúp Ấn Độ tăng cường phòng thủ

media
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (P) tại thượng đỉnh BRICS, thành phố Goa, Ấn Độ ngày 16/10/2016. REUTERS/Danish Siddiqui
Thu Hằng
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 15/10/2016 đã ký nhiều hợp đồng với tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề thượng đỉnh BRICS  tại thành phố Goa, Ấn Độ. Với trị giá nhiều chục tỉ đô la cho cả hai lĩnh vực năng lượng và quốc phòng, các hợp đồng trên đánh dấu mối quan hệ sâu sắc giữa hai nước, cũng như mong muốn hiện đại hóa quân sự của Ấn Độ.
Từ New Delhi, thông tín viên RFI Sébastien Farcis tường trình :
« Theo một số nhà bình luận, hợp đồng mua hệ thống tên lửa địa đối không S-400 có thể thay đổi cán cân trong lĩnh vực quốc phòng tại vùng Nam Á. Thiết bị tân tiến này có thể bắn được ba loại tên lửa, với tầm bắn 400 km, để phòng thủ trước các loại máy bay không người lái, những loại tên lửa khác hay chiến đấu cơ của đối phương. Hệ thống này có thể giúp Ấn Độ lập được mạng lưới phòng thủ trước những cuộc tấn công có thể xảy ra từ phía Pakistan.
Hợp đồng thương mại chính thức sẽ được ký vào năm tới (2017) với trị giá 4,5 tỉ euro. Là nhà cung cấp gần 2/3 vũ khí cho New Delhi, Nga cũng chấp nhận thành lập một công ty liên doanh để sản xuất máy bay trực thăng chiến đấu Kamov 226T trên lãnh thổ Ấn Độ. Mục tiêu mà thủ tướng Narendra Modi muốn hướng tới là phát triển ngành công nghiệp vũ khí cho chính Ấn Độ, hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nước này. 
Vì thế, ông Modi đã yêu cầu các đối tác như Pháp hay Nga, chấp nhận chuyển giao công nghệ khi ký các hợp đồng mua vũ khí có trị giá lớn. Trong trường hợp với Nga, một khu công nghiệp lớn sẽ được phát triển để sản xuất 200 máy bay trực thăng theo giấy phép của Nga ».

Hoa Kỳ cố thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Syria


media
Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry và đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov tại bàn họp ở Lausanne, Thụy Sĩ, ngày 15/10/2016. – REUTERS/Jean-Christophe Bott
Thanh Phương
Hôm nay, 16/10/2016, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Luân Đôn để cùng với các nước châu Âu tìm cách thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Syria, sau khi cuộc hôm qua tại Lausanne ( Thụy Sĩ ) kết thúc mà không đạt kết quả nào.
Cuộc họp tại Lausanne đã không đề ra được một kế hoạch để tái lập lệnh ngưng bắn ở Syria, vào lúc mà Hoa Kỳ và Nga tố cáo nhau là phá hoại hòa bình, còn trên trận địa thì chiến sự vẫn diễn ra ác liệt. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Kerry cho rằng cuộc họp hôm qua đã đưa ra những ý tưởng mới, sẽ được cụ thể hóa trong những ngày tới, để đạt đến một lệnh ngưng bắn mới, vững chắc hơn là những lệnh hưu chiến trước đây.
Lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ hôm nay tiếp tục các nỗ lực của ông với cuộc gặp Ngoại trưởng Anh Boris Johnson và một số đồng nhiệm châu Âu khác tại Luân Đôn. Anh Quốc, Pháp, Đức và Ý là những quốc gia thuộc Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria ( ISSG ). Nhưng Hoa Kỳ cho rằng nhóm này có quá nhiều thành viên nên không thể ra những quyết định nhanh chóng và cuộc họp ở Lausanne có lợi ở chổ là chỉ quy tụ những tác nhân chính của cuộc khủng hoảng Syria.
Trong khi đó, nước Nga vẫn không giảm sự trợ giúp cho chế độ Bachar al-Assad. Các khu phố ở Aleppo hôm qua một lần nữa đã bị oanh kích dồn dập, theo Đài Quan sát Nhân quyền Syria. Còn trên trận địa, cũng theo tin từ Đài Quan sát Nhân quyền Syria, các chiến binh của phe đối lập Syria được Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ hôm nay đã chiếm được thành phố Dabiq, một cứ địa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech, nằm gần biên giới Syria -Thổ Nhĩ Kỳ. – RFI

Tin Hoa Kỳ – 16-10-2016

Ông Trump thừa nhận mất sự ủng hộ của phụ nữ

Ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Donald Trump.
Ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Donald Trump.
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump của Đảng Cộng hòa thừa nhận hôm Chủ nhật, 16/10, là ông đang mất dần sự ủng hộ của các cử tri nữ. Ông đổ lỗi cho những câu chuyện trên truyền thông về phụ nữ mà ông nói đã vu cáo ông một cách sai trái.
Ông viết trên tài khoản Twitter của mình rằng các khảo sát trên toàn quốc cho thấy chiến dịch vận động của ông vẫn rất bám sát bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ. Tuy vậy, ông viết tiếp rằng “nhưng quý vị có thể tin không, tôi bị mất một lượng lớn cử tri nữ vì những chuyện bịa ĐÃ KHÔNG BAO GIỜ XẢY RA. Truyền thông gian lận trong bầu cử!”
Trong một tin nhắn khác trên Twitter, ông Trump, một đại gia bất động sản lần đầu tranh cử, một lần nữa khẳng định truyền thông quốc gia thiên vị chống lại ông. Ông viết: “Trong một nỗ lực phối hợp với chiến dịch tranh cử của bà Clinton, bằng cách ghép những câu chuyện đã không bao giờ xảy ra vào trong tin tức!”
Ứng cử viên phó tổng thống liên danh với bà Clinton, Thượng nghị sĩ Virginia Tim Kaine, đã chế giễu những cáo buộc của ông Trump, ông nói trong một cuộc phỏng vấn: “Ông ta đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông. Ông đổ lỗi [cho người của Đảng Cộng hòa]. Ông ấy nói rằng Mỹ không thể tiến hành một cuộc bầu cử công bằng. Ông đang tung ra mọi bóng ma trong trí tưởng tượng của ông ấy bởi vì ông biết ông sắp thua”.
Tuy nhiên, Thống đốc Indiana Mike Pence, ứng viên Phó Tổng thống liên danh với ông Trump, nói rằng ông và ông Trump sẽ chấp nhận kết quả bầu cử.
Ông nói với kênh truyền hình NBC: “Chúng tôi chắc chắn sẽ chấp nhận kết quả bầu cử. Người dân Mỹ sẽ lên tiếng trong cuộc bầu cử vào ngày 8/11. Nhưng người dân Mỹ chán ngán với sự thiên vị rõ ràng trên truyền thông quốc gia. Đó chính là nơi cảm nhận được một cuộc bầu cử gian lận”.
Một cuộc thăm dò toàn quốc của Real Clear Politics cho thấy bà Clinton, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, dẫn trước 5,5%. Kết quả hai cuộc thăm dò lớn đã được công bố hôm Chủ nhật, cuộc khảo sát của Washington Post-ABC News cho thấy bà dẫn trước ở mức độ ít hơn, với tỷ lệ là 47-43% trong số các cử tri nhiều khả năng tham gia cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11, trong khi NBC News và Wall Street Journal cho biết thăm dò của họ cho thấy bà Clinton dẫn trước nhiều hơn, ở mức 48-37. – VOA

Ông Trump: những người tố cáo muốn phá chiến dịch tranh cử của tôi

Ông Donald Trump với các nữ ủng hộ viên ở Charlotte, North Corolina, ngày 14 tháng 10 năm 2016.
Ông Donald Trump với các nữ ủng hộ viên ở Charlotte, North Corolina, ngày 14 tháng 10 năm 2016.
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump hôm thứ Sáu nói rằng các phụ nữ tố cáo ông về những hành vi tình dục không đúng mực đã bịa chuyện nhằm làm tổn hại chiến dịch tranh cử của ông sau khi thêm hai phụ nữ nữa cáo buộc ông đã sờ soạng họ.
Một thí sinh từng tham gia chương trình truyền hình “The Apprentice” của ông Trump cáo buộc vụ việc xảy ra năm 2007 và một phụ nữ tố cáo một vụ việc từ đầu những năm 90.
Với những tố cáo ông Trump đang chiếm hết cuộc tranh cử, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Trump đang thua đối thủ bên Đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton.
Một cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos thực hiện từ ngày 7 tới 13 tháng 10 và công bố hôm thứ Sáu cho thấy ông thua bà Clinton 7%.
Ông Trump đã dành nhiều thời gian hơn tại các cuộc vận động tranh cử để bác bỏ các cáo buộc sờ soạng kể từ khi một đoạn băng từ năm 2005 được công bố một tuần trước cho thấy ông Trump khoe khoang về việc sờ mó và có những hành động tình dục cưỡng ép.
Hôm thứ Sáu, ngoài việc bác bỏ, ông Trump còn nói rằng ông có lẽ chưa bao giờ thấy hai người phụ nữ cáo buộc ông có gì hấp dẫn.
Summer Zervos, thí sinh trong mùa thứ năm của “The Apprentice” năm 2006 xuất hiện tại một cuộc họp báo với luật sư, nói rằng ông Trump đã hôn cô, chạm ngực cô và tìm cách bắt cô lên giường với ông trong lần ông phỏng vấn cô về đơn xin vịêc.
Ông Trump nói rằng các phụ nữ có động cơ tài chính hoặc chính trị hoặc “đơn giản là muốn ngăn chặn chiến dịch tranh cửa của chúng tôi”.
Trước đó hôm thứ Sáu, tờ Washington Post đăng một cuộc phỏng vấn với một người phụ nữ nói rằng ông Trump đã cố tình đặt tay lên váy của bà tại một hộp đêm đông đúc đầu những năm 1990.- VOA
Theo Reuters

Trump-Clinton: Người Việt chọn ai?

Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton trong cuộc tranh luận tổng thống lần thứ hai, ngày 9 tháng 10 năm 2016.
Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton trong cuộc tranh luận tổng thống lần thứ hai, ngày 9 tháng 10 năm 2016.
Trà Mi
Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2016 đầy gay cấn đang đi vào giai đoạn chót thu hút sự chú ý không chỉ của người Mỹ mà của cả thế giới không vì những mạnh-yếu, hơn-thua trong cương lĩnh của ứng viên mà vì những chỉ trích cá nhân từ hai đối thủ chính Donald Trump và Hillary Clinton.
Sau cuộc tranh luận thứ nhì của ông Trump và bà Clinton tối 9/10 vừa qua, nhiều cử tri, trong đó có các cử tri gốc Việt, đã tỏ ra quan ngại và hụt hẫng trước những kỳ vọng vốn có ở một cuộc tranh tài đọ sức để lựa chọn người xứng đáng làm lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới.
Tiến sĩ chính trị học Ông Thụy Như Ngọc, chủ nhiệm tuần báo Việt Tide tại Nam California, chia sẻ:
“Ngọc thấy khá thất vọng vì trong mỗi cuộc bầu cử Tổng thống, tranh luận là lúc để người dân có dịp được nghe ứng viên thảo luận về chính sách để mà tìm hiểu, nhận định, phê phán, nhưng cuộc bầu cử này đi tới mức độ có nhiều sự đả kích cá nhân, những tấn công bôi bẩn từ hai phía. Dù lượng người quan tâm có thể nhiều hơn vì những trò đấu đá đôi khi cũng mua vui cho thiên hạ, nhưng cái khó chịu là người ta có thể bị phân tâm, không chú ý vào vấn đề chính là chính sách để người dân có thể sáng suốt quyết định trên lá phiếu của mình.”
Đối với cử tri người Mỹ gốc Việt, dù bị chi phối bởi những công kích cá nhân từ đôi bên ứng viên, nhưng xu hướng ủng hộ của có vẻ nghiêng về bà Clinton nhiều hơn ông Trump.
Chủ nhiệm báo Việt Tide tại Little Sài Gòn, thủ đô người Việt tị nạn, tiếp lời:
“Khả năng thắng cử thiêng về bà Clinton nhiều hơn vì cho đến giờ phút này, ông Trump, ngoài chuyện lặp đi lặp lại những chuyện đã cũ để kêu gọi những thành phần mới hoặc lôi kéo cử tri từ phía Clinton, tôi nghĩ ông Trump tới giờ chưa thành công cho lắm. Ngoài ra, uy tín của ông cũng bị ảnh hưởng khá nhiều bởi những việc ông làm trong quá khứ. Đôi khi người ta bỏ phiếu cho người này hoặc người kia không chỉ dựa trên lập luận hay chính sách, mà đôi chỉ nhìn vào khía cạnh đạo đức của người đó.”
Tổng thư ký báo Người Việt tại California đồng ý rằng bà Clinton dường như có lợi thế hơn trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Nguyên do, theo anh Đỗ Dzũng, một phần vì bà không bỏ quên thành phần cử tri này:
“Tôi thấy bà đã bắt đầu quảng cáo trong cộng đồng Việt Nam trong khi ông Trump không hề quảng cáo gì cả.Trong cuộc bầu cử sơ bộ, bà Clinton có đến cộng đồng Việt ngay tại Little Sài Gòn mà tôi đi dự. Đó cũng có thể là lợi thế của bà Clinton trong cộng đồng Việt Nam.”
Ông Trump ngày càng ‘thất thế’ dù cả ông lẫn đối thủ Clinton đều có những nhược điểm riêng biệt. Đó là nhận xét của ký giả đang theo dõi sát sự kiện bầu cử Hoa Kỳ từ trung tâm của cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Nhà báo Đỗ Dzũng:
“Những scandal của ông Trump được người ta chú ý nhiều hơn những scandal bên bà Clinton dù hai bên đều có. Trong những ngày qua, ông Trump lại bị một số đảng viên cốt cán bên Cộng hòa tuyên bố không ủng hộ nữa. Ông Paul Ryan tuyên bố không vận động chung với ông Trump. Ông John McCain thì tuyên bố không ủng hộ nữa. Ông Trump đã phản ứng lại với tuyên bố kiểu là ‘Coi như giờ tôi không còn xiềng xích nữa, tôi muốn làm gì thì làm.’ Bây giờ ông cũng đã tuyên chiến với đảng Cộng hòa. Với tình hình vậy, ông đang khá thất thế. Số người ủng hộ vẫn còn, không thay đổi, nhưng những cử tri độc lập đang phân vân có lẽ bỏ ông nhiều hơn vì những scandal liên quan đến phụ nữ, những thành phần bảo thủ cốt cán có thể sẽ không đi bầu.”
Về điểm trội của ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton so với ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, ký giả Đỗ Dzũng cho rằng:
“Tôi nghĩ sự chín chắn của một chính trị gia dù bà có thể bị nhiều người coi rằng không được trung thực. Đối với ông Trump nhiều người cho rằng có vẻ ông không đủ tư cách của một người lãnh đạo như những phát biểu của ông hoặc những chuyện ông nói về phòng the, về phụ nữ.. Cử tri Mỹ nhìn tư cách người Tổng thống. Anh có thể cụt chân, mù mắt, ngồi xe lăn không sao nhưng anh phải có phong thái của một nhà lãnh đạo. Đối với ông Trump thì không có, ông thua bà Clinton chỗ đó.”
Trong khi đó, các ưu điểm của ông Trump, đối với nhiều cử tri Mỹ gốc Việt, không mang tính ‘tố chất’ hay ‘tài năng’ mà hoàn toàn nhờ vào các yếu tố ‘ngoại vi’, như nhận xét của anh Đỗ Dzũng:
“Ông Trump bên đảng Cộng hòa, có nhiều người vẫn thích đảng Cộng hòa vì họ cho là đảng này mạnh mẽ hơn. Họ vẫn bị ảnh hưởng phần nào của quá khứ khi cho rằng đảng Dân chủ đóng vai trò làm cho Việt Nam Cộng hòa bị thua, không viện trợ [Việt Nam Cộng hòa] dưới thời Tổng thống Nixon, những chuyện quá khứ 41 năm về trước vẫn nằm trong lòng họ. Họ nghĩ đảng Dân chủ là thân cộng hay thiên tả. Đó là lý do họ theo ông Trump chứ chưa chắc họ thích ông Trump.”
Lá phiếu của cử tri Mỹ gốc Việt dựa trên những đo lường cân nhắc thế nào? Cây viết chuyên bình luận cho nhật báo lớn nhất và lâu đời nhất của người Việt tại Mỹ cho rằng:
“Cử tri người Việt thường nghĩ người này lên làm Tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào. Nước Việt Nam vẫn là nơi họ để ý. Họ không để ý nhiều đến những chuyện ở đây. Cho nên, người nào có tư thế ‘mạnh bạo’, dám nói dám làm thì họ thích. Đó là nhóm ủng hộ ông Trump. Còn nhóm ủng hộ bà Clinton thì nghĩ rằng bà lên có thể sẽ tiếp tục những gì đang có hiện nay ở Mỹ, nhiều người nói rằng ‘Tôi già rồi, tôi đang hưởng tiền này tiền kia, không muốn thay đổi.’ Còn một nhóm nhìn xa hơn, họ cho rằng ông Trump có thể làm thay đổi thế giới, đặc biệt, theo những gì ông nói, là ông có thể chặn Trung Quốc. Họ rất không ưa Trung Quốc và họ hy vọng điều đó xảy ra, nhưng có làm được chuyện đó hay không phải chờ đến sau ngày bầu cử.”
Ai hơn ai? Ai thắng ai? Đến ngày 8/11 tới đây, cử tri Mỹ và dân chúng trên thế giới mới có câu trả lời chính xác, nhưng Tiến sĩ chính trị học Ông Thị Như Ngọc dự đoán nếu bà Clinton dành được ghế vào Tòa Bạch Ốc, có thể trông thấy những ‘đường hướng tương đối ổn định trong vấn đề chính sách.’
Tiến sĩ Như Ngọc:
“Chúng ta có lẽ không phải chào đón những ‘sự ngạc nhiên’ bởi những điều bà nói hay hứa hẹn cũng tương đối gần giống như là những chính sách của ông Obama. Đối với ông Trump, bất cứ vấn đề gì cũng có thể xảy ra vì chúng ta đã thấy lối ăn nói, hành xử của ông, gần đây lại thấy thêm một số hồ sơ cá nhân lý lịch của ông nữa. Đất nước Hoa Kỳ và đồng minh trên thế giới phải chuẩn bị tinh thần đón bất cứ hành động bất ngờ nào từ một vị Tổng tư lệnh như ông Trump.”
Tuy nhiên, cũng có ý kiến tin rằng dù nhà lãnh đạo kế tiếp là ông Trump hay bà Clinton, nước Mỹ cũng chẳng có thay đổi gì lớn lao, vì nền tảng dân chủ trong môi trường chính trị Hoa Kỳ.
Nhà báo Đỗ Dzũng:
“Nước Mỹ tam quyền phân lập: hành pháp, lập pháp, tư pháp. Người lãnh đạo giỏi có thể có ảnh hưởng mạnh hơn tí xíu. Chẳng hạn dưới thời ông Reagon, ông đã ảnh hưởng được nhiều thứ. Nhưng giờ cũng khó lắm, thời buổi bây giờ internet làm gì người ta cũng biết. Cho nên, tranh cử thì nói thế thôi, chứ khi lên thì cũng chẳng thay đổi bao nhiêu hoặc nếu có cũng sẽ rất từ từ. Tổng thống muốn làm gì cũng phải có sự ủng hộ của Quốc hội. Ví dụ ông Obama ký lệnh cho phép 5 triệu di dân bất hợp pháp ở lại nước Mỹ. Tòa bác liền. Đâu phải Tổng thống muốn làm gì làm đâu. Tôi tin nền dân chủ của Mỹ vẫn là cái quan trọng nhất. Người Tổng thống sẽ phải đại diện cho toàn dân Mỹ.”
Chưa đầy một tháng nữa chính thức đến ngày bầu cử, đa số các cuộc thăm dò ý kiến công chúng cho thấy cựu đệ nhất phu nhân Clinton đang dẫn trước tỷ phú Donald Trump. – VOA
 Đường dẫn trực tiếp
Powered by Blogger.