Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Chiến lược “thoát Trung” của đảng Cộng Hòa Mỹ?

Saturday, August 1, 2020 // ,
31/7/2020

Nguyễn Quang Duy:- “Muốn bảo vệ tự do cho nước Mỹ và tự do cho Thế giới, Trung Hoa phải có tự do” chính là tóm tắt chiến lược “thoát Trung” được giải thích qua 4 bài phát biểu của 4 vị lãnh đạo hành pháp Mỹ gần đây.
Mỹ thụ động và ngây thơ…
Ngày 24/6/2020, Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien nêu lên một sự thật phũ phàng là gần nửa thế kỷ qua các chính trị gia cả hai đảng, các nhà khoa bảng, nhà giáo dục, nhà báo, nhà kinh doanh Mỹ đều thụ động và ngây thơ (passivity and naivety) trước Trung cộng.
Will act to check the spread of Beijing's ideology': US NSA ...
Người Mỹ không biết sự khác biệt giữa người dân Trung Hoa và đảng Cộng sản, một tổ chức theo chủ nghĩa Marxist-Leninist, mà Tập Cận Bình là hiện thân của Joseph Stalin.
Đảng Cộng sản không đại diện cho người dân Trung Hoa nên phải sử dụng bạo lực và tuyên truyền để kiểm soát cuộc sống của người dân, họ kiểm soát về kinh tế, về chính trị, về thể xác và quan trọng nhất là kiểm soát suy nghĩ của người dân.
Mỹ ảo tưởng khi Trung cộng giàu hơn, đảng Cộng sản sẽ thay đổi, người dân Trung Hoa sẽ được hưởng thành quả lao động và những giá trị tự do cũng như người Mỹ.
Trung cộng giàu hơn và mạnh hơn thì ngược lại đảng Cộng sản vi phạm nhân quyền thô bạo hơn.
Mỹ càng phụ thuộc vào thương mãi với Trung cộng thì Mỹ càng làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền, quay đầu với những giá trị tự do của người Mỹ.
Khi Trung cộng giàu hơn, họ bỏ tiền tỷ, dùng ngay chính hệ thống giáo dục, truyền thông, mạng xã hội, điện ảnh Hollywood tuyên truyền về sự thành công của chủ nghĩa cộng sản, thay đổi cách suy nghĩ và cách sống của người Mỹ.
Đảng Cộng sản cho tin tặc xâm nhập những kho tài liệu cá nhân đánh cắp thông tin của người Mỹ để kiểm soát dân Mỹ cũng như họ đã kiểm soát người dân Trung Hoa.
Khi Trung cộng giàu và mạnh hơn, họ bỏ tiền mua chuộc các quốc gia nhỏ bé và kiểm soát các tổ chức quốc tế bao vây nước Mỹ, thực hiện tham vọng bá chủ thế giới.
Vì không hiểu chủ nghĩa cộng sản nên Mỹ tự bỏ cuộc hay thua cuộc chiến tranh ý thức hệ với đảng Cộng sản Trung Hoa.
Mỹ nhắm, bịt tai…
Christopher Wray, August 2, 2017 - Present — FBI
Ngày 7/7/2020, Giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho rằng người Mỹ không thể tiếp tục nhắm mắt, bịt tai trước mối đe dọa của việc Trung cộng dùng thủ đoạn gián điệp kinh tế và an ninh tình báo để vượt mặt Mỹ trở thành cường quốc số một trên thế giới.
Cuộc chiến chống gián điệp Trung cộng diễn ra trên mọi lãnh vực: từ chính trị, đến các ngành công nghiệp, nông nghiệp, khoa học, hàng không, robot, chăm sóc sức khỏe, xảy ra trên từng địa phương, từng đại học, từng cơ quan nghiên cứu, từng công ty Mỹ và ngay tại Quốc Hội Mỹ.
Trung cộng cho cả giải phóng quân trong vỏ bọc những khoa học gia đến Mỹ để đánh cắp thông tin về thuốc chủng ngừa dịch cúm Vũ Hán, do các Viện đại học và các Viện dược phẩm Mỹ nghiên cứu và phát triển.
Có khoảng 2,500 cuộc điều tra đang được FBI tiến hành về việc đánh cắp công nghệ Mỹ của tình báo Trung cộng và cứ mỗi 10 giờ FBI phải mở một cuộc điều tra mới chống lại tình báo Trung cộng.
Trung cộng vừa chiêu dụ vừa đe dọa người Mỹ gốc Hoa, cũng như tìm mọi cách gây ảnh hưởng trên các chính trị gia, các nhà khoa học, các nhà giáo dục, nhà báo, và dư luận Mỹ để phục vụ cho tham vọng bá quyền đi ngược lại quyền lợi của nước Mỹ.
Mỹ bị bao vây kinh tế và chính trị…
Ngày 16/7/2020, tại Bảo tàng Tổng thống Gerald Ford, Bộ trưởng Tư pháp William Barr nhắc đến việc 50 năm về trước hai Tổng Thống Nixon và Ford mở cửa giúp Trung cộng vực dậy nền kinh tế.
Nhưng thay vì cạnh tranh tự do và công bằng với Mỹ, Trung cộng đã sử dụng các chiến thuật thao túng tiền tệ, thuế quan, hạn ngạch, trợ cấp nhà nước, bán phá giá, tấn công mạng, trộm cắp trí tuệ và gián điệp kinh tế.
Trung cộng đã giết chết các công ty công nghệ Mỹ, xâm chiếm và thống trị thị trường Mỹ, buộc nước Mỹ lệ thuộc vào hàng hóa và chuỗi cung ứng của Trung cộng.
Trung cộng đã vượt qua Hoa Kỳ về sản lượng sản xuất trong năm 2010 và họ muốn xuất cảng chủ nghĩa tư bản nhà nước để xây dựng các chế độ độc tài trên thế giới.
Toàn cầu hóa không phải lúc nào cũng theo hướng thị trường tự do, thương mại tự do hoặc trao đổi ý tưởng tự do.
Các công ty điện ảnh Hollywood, đến cả Disney, trước đây là trung tâm của tự do sáng tạo, nhưng ngày nay vì lợi nhuận ngắn hạn trên thị trường 1.4 tỷ người Trung Hoa nên đã tự kiểm duyệt, đã cúi đầu khuất phục trước nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh.
Công ty Cisco đã giúp đảng Cộng sản xây dựng bức tường lửa ngăn chận người dân Trung Hoa không vào được mạng lưới truyền thông toàn cầu Internet, các công ty Google, Microsoft, Yahoo và Apple đều đã cộng tác với nhà cầm quyền cộng sản.
World Wide Web Celebrates 30th Anniversary | Silicon UK Tech News
Lãnh đạo nhiều công ty của Mỹ còn tự đảm nhận vai trò vận động hành lang và nhiều chính trị gia Mỹ đã tiếp tay ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi nước Mỹ.
Trung cộng còn dùng tiền kiểm soát hoặc đồng tổ chức một số các viện nghiên cứu học thuật của Mỹ, hay tìm cách ảnh hưởng đến việc nghiên cứu và việc giảng dạy của các Viện Đại Học tại Mỹ.
Trung cộng tập trung quyền lực xây dựng một chủ nghĩa xã hội vượt trội hơn chủ nghĩa tư bản, sáng kiến MADE IN CHINA 2025 là một kế hoạch thống trị các ngành công nghệ thông tin tiên tiến, robot, hàng không và xe điện, sáng kiến “Vành đai, Con đường” và mạng toàn cầu 5G nhằm kiểm soát cơ sở hạ tầng cho các công ty nhà nước Trung cộng xây dựng mạng lưới bao vây Mỹ và thống trị toàn cầu.
Đã có lúc người Mỹ cần hiểu rõ sự thâm độc của Trung cộng, cần coi mình là người Mỹ, cần tự hào bảo vệ quyền lợi và giá trị tự do của Mỹ.
Chiến lược Trung Hoa tự do…
Ngày 23/7/2020, tại Thư viện Nixon tiểu bang California, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nói về cộng sản Trung Hoa và tương lai của Thế Giới.
Năm 1972 khi đi thăm Trung Hoa Tổng thống Nixon mong ước sự hợp tác giữa Mỹ với Trung cộng sẽ tạo ra một tương lai đầy tươi sáng cho thế giới.
Nên Mỹ đã giúp hồi sinh nền kinh tế đang trên đà sụp đổ của Trung cộng, nhưng đến nay kết quả là nhà cầm quyền Bắc Kinh đã ăn cháo đá bát phản bội thiện chí của Mỹ và các quốc gia tự do.
Ông Mike Pompeo tổng kết 3 bài phát biểu của Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, Giám đốc FBI Christopher Wray và Bộ trưởng Tư pháp William Barr về mối đe dọa của Trung cộng đối với nền kinh tế và nền tự do của Mỹ và thế giới.
Ông nói ra một điều mà gần như người Việt thuộc nằm lòng là đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm (…communist China is to act not on the basis of what Chinese leaders say, but how they behave.).
Ông cho biết đã đến lúc phải thay đổi, nên vừa rồi Mỹ đã bác bỏ yêu sách đường chữ U của Bắc Kinh về Biển Đông và Bộ Quốc phòng đã gia tăng nỗ lực tự do hoạt động hàng hải ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, và Eo biển Đài Loan.
Mỹ cũng đã ra lệnh trừng phạt các quan chức Trung cộng vi phạm nhân quyền, thu hồi tư cách đặc biệt của Hồng Kông về ngoại giao và thương mại, tuyên bố đóng cửa lãnh sự quán tại Houston vì đây là một trung tâm gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ và đang cứu xét không cấp visa vào Mỹ cho các đảng viên đảng Cộng sản và gia đình.
Mỹ không thể bỏ qua các mối đe dọa của Trung cộng, nhưng không muốn đơn phương hành động nên kêu gọi các quốc gia có cùng chí hướng tạo thành một liên minh mới của các quốc gia tự do và dân chủ.
Mỹ đã nhận thức được sự khác biệt giữa người dân Trung Hoa và đảng Cộng sản, nhận thức được việc thay đổi Trung Hoa không chỉ là sứ mệnh riêng của người dân Trung Hoa, mà cả các quốc gia tự do cũng cần phải nỗ lực để bảo vệ tự do.
Đề tài tranh cử…
Cả bốn bài phát biểu được phổ biến trong mùa tranh cử và đều nêu lên một điều là nếu Mỹ không thay đổi Trung cộng, đảng Cộng sản chắc chắn sẽ thay đổi Mỹ và thế giới.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết chiến lược của Chính Phủ Donald Trump là Trung Hoa phải có tự do thì Mỹ mới bảo vệ được tự do cho chính mình và cho thế giới.
Ứng cử viên Joe Biden, một chính trị gia đã tham gia chính trị liên bang Mỹ từ 3/11/1970, từng trải trong việc hoạch định chính sách Mỹ-Trung, nên chắc rằng trong các cuộc tranh luận sắp tới sẽ cho chúng ta biết những nhận định cá nhân, cũng như chiến lược của đảng Dân Chủ Mỹ đối với một Trung cộng đang trỗi dậy muốn thống trị toàn cầu.
Nguyễn Quang Duy, Melbourne, Úc Đại Lợi

Bố thằng nào biết ngày mai nó… ra sao!

1-8-2020
Đọc báo, thấy có một anh chàng vừa được đề bạt lên một chức vụ khá oách ở Hà Nội, liền gọi điện hỏi một ông anh: “Nó là người thế nào hả anh?
À, trước khi nhận quyết định vào chức vụ ấy, nó là thằng rất được. Làm việc có năng lực, Sống tử tế với bạn bè, chưa có điều tiếng gì về tiền bạc, chưa ai thấy nó bồ bịch; lại không uống được rượu…Nhưng sau khi nó nhận chức vụ, thì bố thằng nào biết ngày mai nó ra sao?“.
Nghe anh nói, tôi như bừng tỉnh. Hóa ra các cán bộ của ta, trước khi được đề bạt, làm gì thấy có ai mắc khuyết điểm? Ai cũng trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Ai cũng trong sạch, liêm khiết.
Ai cũng là Đảng viên tốt.
Ai cũng là cán bộ có năng lực?
Ai cũng trải qua học hành tử tế, bằng cấp đầy mình…
Ai cũng được tín nhiệm cao quá hết vòng nọ đến vòng kia bỏ phiếu…
Ai cũng có hồ sơ cán bộ đẹp như không tỳ vết.
Nhưng sau khi có chức, có quyền rồi thì nhiều người khác hẳn.
Họ giàu lên với tốc độ chóng mặt.
Họ thích rượu ngon, thích xì gà hảo hạng…
Họ thích được cung phụng, tung hô…
Họ lên diễn đàn, cao giọng dạy dỗ người khác, chém gió phần phật với đủ thứ ngôn từ sáo rỗng, giáo điều…
Họ nói mà không hiểu nội dung mình nói.
Họ như con vẹt đọc những bài diễn văn, bài phát biểu do cấp dưới soạn cho… (mà nhiều khi chỉ là cấp chuyên viên vớ vẩn).
Vậy là tại sao? Rõi ràng, cơ chế giám sát quyền lực, cơ chế chống tham nhũng của chúng ta rất có vấn đề. Hay nói một cách phũ phàng là: Chả có hiệu quả gì.
Nói thế, sẽ có người chất vấn: Vừa rồi, bắt, xử tù đủ loại cán bộ… vậy tại sao nói không hiệu quả?
Vâng, hầu hết những cán bộ bị xử lý vừa qua, hầu hết là phạm các tôi Cố ý làm trái, Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… Số người bị xử lý vì tội tham ô, tham nhũng cực kỳ ít… Và tài sản thì hầu như chả thu được là bao?
Cho nên, không ít người rất hoan hỉ khi thấy cán bộ bị xử lý… Nhưng ít ai nghĩ đến một việc: Tại sao khi còn ở cấp thấp, họ là người tử tế? Và khi lên cao thì mới hư hỏng?

Nathan Law: “Tôi hy vọng rằng, tất cả các bạn có thể mạnh mẽ để chống lại khủng bố trắng thay vì chịu thua tự kiểm duyệt”

1-8-2020
Giống như tất cả các bạn, tôi phát hiện ra rằng tôi – cùng với năm người Hồng Kông khác hiện đang ở nước ngoài – nằm trong danh sách truy nã vì đã vi phạm NSL (luật ANQG) từ các báo tin tức. Tôi không biết tội phạm của tôi là gì và tôi không nghĩ rằng điều đó thậm chí có còn quan trọng không. Đây là những lời buộc tội vô căn cứ. Có lẽ, cuối cùng chỉ có một câu trả lời là tôi yêu Hồng Kông quá nhiều.
Kể từ năm 2014, tôi đã trải qua rất nhiều thăng trầm: Từ lãnh đạo sinh viên đến thành viên Hội đồng Lập pháp, và từ một tù nhân đến một nhà vận động quốc tế, tôi đã không một phút nào phản bội các giá trị và khát vọng dân chủ của Hồng Kông. Mọi người có thể nghĩ tôi không trung thực nếu tôi nói rằng tôi có thể tưởng tượng sáu năm trước rằng, vào thời điểm Hồng Kông bị phá hủy hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Trung Quốc vào năm 2020, do đó tôi phải ra đi, đi xa quá thực sự không biết khi nào tôi có thể trở về nhà.
Tôi đã chuẩn bị tinh thần rời khỏi Hồng Kông để lưu vong; nhưng khi điều này trở thành hiện thực vẫn làm tôi thất vọng, mất năng lực và làm tôi sợ hãi. Thật vậy, ai có thể tận hưởng sự tự do khỏi nỗi sợ hãi khi đối mặt với bộ máy chính trị hùng mạnh của Trung Quốc? Điều chúng ta có thể chọn là làm thế nào để đối phó với nỗi sợ hãi này: Đối với tôi, đó là hành động.
Tôi luôn luôn ủng hộ tự do và dân chủ ở Hồng Kông, cần có các lệnh trừng phạt của chính phủ nước ngoài đối với các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông, những người bóp nghẹt nhân quyền, cần có phản ứng quốc tế tích cực đối với các trại tập trung ở Tân Cương và sự sụp đổ của quyền tự trị Hồng Kông.
Các vụ bắt giữ, việc truất quyền ứng viên dân chủ, các bản tin truy nã – đây là những dấu hiệu cho thấy chúng tôi cần duy trì hoạt động trên mặt trận toàn cầu nhiều hơn nữa. Hồng Kông đã không có chỗ cho những quan điểm ôn hòa khi chúng ta nhấn mạnh sự phi lý của sự cai trị của Cộng sản Trung Quốc. Tôi thực sự yêu Hồng Kông: Địa hình, văn hóa, rung cảm. Nhưng điều tôi thích nhất là giá trị của người Hồng Kông và tương lai của mọi cư dân. Những gì tôi phải đối mặt là lớn hơn nhiều so với lợi ích và thua thiệt của riêng tôi. Cái giá của sự dịch chuyển là những gì tôi đã sẵn sàng trả giá.
Phương tiện truyền thông, mạng xã hội của tôi sẽ vẫn hoạt động. Tôi cũng hy vọng rằng tất cả các bạn có thể mạnh mẽ để chống lại khủng bố trắng thay vì chịu thua nó và tự kiểm duyệt. Đồng thời, tôi xin nhắc lại: Công việc vận động của tôi ở nước ngoài được thực hiện trong khả năng cá nhân của tôi, không có bất kỳ sự hợp tác nào với người khác. Kể từ khi rời Hồng Kông, tôi cũng đã ngừng liên lạc với các thành viên trong gia đình. Từ giờ trở đi, tôi sẽ cắt đứt mối quan hệ với họ.
Tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ sự an toàn của mình. Xin đừng lo lắng về tôi. Tôi vẫn có niềm tin vào tương lai.
Nguồn: FB Nathan Law

John Lewis, tặng phẩm và người vạch đường cho chúng ta

Tác giả: Barack Obama
Nhã Duy chuyển ngữ
30-7-2020
Lời người dịch: Là một trong những nhân vật cuối cùng còn sót lại của nhóm Big Six, tức sáu lãnh tụ chính yếu của phong trào dân quyền Hoa Kỳ hồi thập niên 1960, Dân Biểu John Lewis qua đời vào ngày 17/7/2020 vừa qua, hưởng thọ 80 tuổi.
Tốt nghiệp Thần Học và trở thành Mục sư, Dân Biểu John Lewis đã sát cánh cùng Mục Sư Luther King Jr., trở thành một biểu tượng của phong trào dân quyền và nhân quyền Hoa Kỳ, và là một dân biểu Quốc hội có tầm ảnh hưởng lớn suốt hơn 30 năm qua.
Tang lễ của ông được tổ chức trang trọng với sự tham dự và phát biểu của các tổng thống tiền nhiệm như Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama. Chúng tôi xin lược dịch bài điếu văn của Tổng Thống Obama, đọc tại tang lễ của ông Lewis vừa được tổ chức tại thành phố Atlanta, Georgia hôm 30/7 vừa qua.
Video Player
00:00
02:33
Clip quan tài của cố dân biểu John Lewis được đưa đến tòa nhà của Quốc hội Hoa Kỳ hôm 27/7. Nguồn: CSPAN
***
Thánh Gia-cô-bê viết cho các tín hữu rằng, “Thưa các anh chị em, hãy xem như chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Bởi như anh chị em đã biết, sự thử thách trong đức tin mới sản sinh lòng kiên trì. Hãy để lòng kiên trì hoàn tất sứ mạng mà các anh chị em được trở nên khôn ngoan, toàn hảo và không thiếu sót điều chi“.
Quả là niềm vinh dự khi tôi được trở lại thánh đường Baptist Ebenezer, đứng trên bục giảng của vị mục sư vĩ đại nhất nơi này là Tiến sĩ Martin Luther King, Jr., để bày tỏ lòng kính mến của tôi với một người có lẽ là môn đệ tài ba nhất của ông. Một người Mỹ có đức tin luôn được thử thách để tạo nên một con người chan chứa niềm vui và lòng kiên trì không gì phá vỡ được. Đó là John Robert Lewis.
Tôi đến đây hôm nay bởi vì tôi cũng như những người Mỹ khác, đã mang gánh nợ lớn với John Lewis cùng tầm nhìn đầy hấp lực về tự do của ông.
Quốc gia này luôn trong tiến trình vận hành liên tục. Chúng ta được sinh ra với các ủy nhiệm là để tiếp tục quá trình hoàn thiện quốc gia. Chúng mang ý tưởng rõ ràng rằng, chúng ta chưa toàn hảo, rằng những gì trao lại cho mỗi thế hệ mới mang mục đích là nhận lãnh công việc dang dở từ thế hệ trước và đưa nó đi xa hơn điều người ta có thể nghĩ tới.
John Lewis là người đầu tiên của nhóm các Hành Khách Tự Do (chú thích: Freedom Riders, những nhà tranh đấu dân quyền đi xe bus xuyên bang để phản đối các tiểu bang không tuân thủ án lịnh của Tối Cao Pháp Viện về việc phân biệt màu da trên xe bus là vi hiến vào năm 1961), là người đứng đầu Ủy Ban Điều Hợp phong trào sinh viên bất bạo động, là diễn giả trẻ nhất tại cuộc tuần hành March on Washington, là lãnh đạo cuộc tuần hành từ Selma đến Montgomery. Là dân biểu Quốc Hội đại diện cho người dân tiểu bang và quận hạt này trong 33 năm. Là người hướng dẫn giới trẻ, có cả tôi vào thời điểm đó cho đến những ngày cuối cùng của ông trên trái đất này. Ông không chỉ nhận lãnh trách nhiệm mà còn biến nó thành một sự phụng vụ trọn đời.
John sinh ra trong gia cảnh khiêm nhường, nghĩa là nghèo khổ với cha mẹ đi hái thuê bông vải tại ngay lòng của vùng đất kỳ thị chủng tộc Jim Crow miền Nam. Mẹ của ông, bà Willie Mae Lewis, đã nuôi dưỡng sự hiếu kỳ ở đứa con nhút nhát, nghiêm túc của mình rằng: “Một khi con học được điều gì đó, khi con tiếp nhận được thứ gì đó vào đầu thì chẳng ai có thể lấy nó ra được“.
Lúc còn bé, John từng có lần nghe bạn của cha ông phàn trách về Klan (KKK). Ở tuổi thiếu niên, ông nghe được lời tiến sĩ King giảng trên đài phát thanh. Khi là sinh viên đại học tại Tennessee, ông ghi tên tham gia các hội thảo của Jim Lawson về chiến thuật bất tuân dân sự bất bạo động. John Lewis dần nhận thức một điều gì đó trong đầu, một ý tưởng không lay chuyển được. Đó là sự phản kháng bất bạo động và bất tuân dân sự là phương tiện để thay đổi luật lệ, đồng thời cũng thay đổi cả những con tim, suy nghĩ và thay đổi quốc gia, thay đổi cả thế giới.
Ông giúp tổ chức phong trào tọa kháng Nashville năm 1960. Ông cùng những sinh viên nam nữ da đen trẻ khác ăn vận chỉnh tề, ngồi thẳng lưng tại quầy ăn trưa bị tách biệt, cự tuyệt rời quầy để cho cốc sữa đổ lên đầu, hoặc điếu thuốc dụi vào lưng, hoặc một bàn chân đá vào hông mình, cự tuyệt những điều làm mất phẩm giá và ý thức của họ có mục đích. Sau một vài tháng, chiến dịch Nashville đã đạt được thành công đầu tiên trong việc xóa bỏ nạn phân biệt đối xử ở nơi công cộng tại bất kỳ thành phố lớn miền Nam nào.
John nếm mùi tù tội lần thứ nhất, lần thứ nhì, thứ ba. Khá nhiều lần. Nhưng ông cũng đã nhận được hương vị của chiến thắng. Nó làm ông tiều tụy cho mục tiêu chính nghĩa. Và đưa ông vào cuộc tranh đấu mạnh mẽ hơn tại miền Nam.
Trong năm 1960 đó, chỉ vài tuần sau khi Tối Cao Pháp Viện phán quyết rằng việc phân định chỗ ngồi trên các xe bus liên bang là vi hiến, John và Bernard Lafayette (chú thích: cũng là một lãnh tụ phong trào dân quyền) đã mua hai vé xe bus Greyhound, ngồi hàng trước và từ chối dời chỗ. Chỉ vài tháng trước phong trào Freedom Riders chính thức khởi đầu. Ông làm một phép thử.
Chuyến đi không được công bố. Ít ai biết họ định làm gì. Và tại mỗi điểm dừng trong đêm, người tài xế hung dữ lao ra khỏi xe buýt, John cùng Bernard chẳng biết hắn ta có thể quay lại với điều gì hay với ai. Không ai ở đó để bảo vệ họ. Không có nhóm quay phim nào để ghi lại sự việc. Đôi khi chúng ta đọc về điều này và xem đó như điều bình thường, hiển nhiên.
Nhưng hãy tưởng tượng sự can đảm của hai thanh niên bằng tuổi Malia, trẻ hơn cả con gái đầu lòng của tôi, đã tự mình thách thức toàn bộ nền tảng áp chế ra sao.
John chỉ mới hai mươi tuổi lúc bấy giờ. Nhưng ông dốc tất cả hai mươi năm đó ra giữa bàn, đánh cược tất cả mọi điều để làm tấm gương về sự thách thức với quy ước hàng thế kỷ, với nhiều thế hệ bạo lực tàn nhẫn cùng vô số nỗi sỉ nhục hàng ngày mà người Mỹ gốc Phi gánh chịu.
John phát biểu trước một phần tư triệu người tại cuộc tuần hành March on Washington lúc 23 tuổi.  Ông giúp tổ chức Mùa Hè Tự Do tại Mississippi lúc 24 tuổi. Ở tuổi 25 chín mùi, John lãnh đạo đoàn tuần hành từ Selma đến Montgomery, dù được cảnh báo rằng, Thống đốc Wallace đã ra lệnh cho binh lính sử dụng vũ lực. Bạn có xem những tấm ảnh đó thì John trông rất trẻ và nhỏ bé nhưng đầy quả quyết. Chúa đã đặt lòng kiên trì vào trong ông.
Các bạn đã biết chuyện gì xảy ra ngày hôm đó. Xương của họ bị nứt bởi gậy chày giáng xuống, mắt họ nghẹn lại với hơi cay. John bị đánh vào đầu, ngỡ rằng mình sẽ chết. Quanh anh là cảnh tượng những người Mỹ trẻ ôm miệng, máu chảy, bị chà đạp. Họ là những nạn nhân của sự bạo lực được chính phủ ủng hộ ngay trên chính đất nước của mình.
Điều tôi tưởng tượng thoạt đầu vào ngày hôm đó là những người lính nghĩ rằng họ đã chiến thắng trận chiến. Tưởng tượng họ đã nói rằng “chúng tôi đã chỉ cho chúng bài học”. Rằng họ đã giữ gìn, bảo vệ được một hệ thống từ chối nhân tính căn bản của đồng bào mình. Ngoại trừ việc lần này, có máy ảnh ở đó. Lần này, thế giới đã chứng kiến ​​những gì đã xảy ra, làm chứng nhân cho những người Mỹ da đen, những người không đòi hỏi gì hơn là được đối xử như những người Mỹ khác. Những người chẳng yêu cầu được đối xử đặc biệt gì khác ngoài sự đối xử bình đẳng đã được hứa với họ vào một thế kỷ trước và gần một thế kỷ trước nữa.
Lời của họ đã đến được Bạch Ốc, đến tai Lyndon Johnson – người con của miền Nam. Ông bảo “Chúng ta sẽ vượt qua” và rồi Đạo luật Về Quyền Bỏ Phiếu (Voting Rights Act) đã được ký thành sắc lịnh.
Cách nào thì cuộc đời của John Lewis cũng là phi thường. Nó minh chứng cho niềm tin trong ý tưởng rằng, cách nào đó thì bất kỳ ai trong chúng ta, những người bình thường không có địa vị, sự giàu có, danh hiệu hay danh tiếng nào cũng có thể vạch ra sự thiếu toàn hảo của đất nước. Cũng có thể cùng đến với nhau và thách thức hiện trạng, xem đó là quyền lực của chúng ta để xây dựng đất nước mà chúng ta yêu quý, cho đến khi nó phù hợp hơn với sự toàn hảo cao nhất.
Quả là một lý tưởng cấp tiến. Quả là một quan niệm cách mạng.
Nước Mỹ được xây dựng bởi những người như John Lewis. Ông cũng như bất kỳ ai khác trong chiều dài lịch sử đã đưa đất nước này đến gần hơn sự toàn thiện cao nhất. Và một ngày nào đó, khi mà chúng ta kết thúc cuộc hành trình dài hướng tới tự do,  cho dù có là hàng năm hay nhiều thập niên, thậm chí nếu phải mất một hai thế kỷ nữa, cho đến khi chúng ta đạt được sự hoàn thiện quốc gia thì John Lewis sẽ là một nhà lập quốc của một nước Mỹ trọn vẹn, công bằng và tốt đẹp hơn.
Điều đặc biệt hơn về John là, ông chưa từng tin rằng những gì ông đóng góp là nhiều hơn bất kỳ công dân nào của đất nước này có thể làm. Ông hiền lành và khiêm cung. Dù với câu chuyện và sự nghiệp đáng trọng như vậy, ông đối xử với mọi người bằng sự tử tế và tôn trọng bởi vì với ông, đó là điều bẩm sinh. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể làm những gì ông đã làm nếu chúng ta sẵn lòng thực hiện.
Ông tin rằng trong tất cả chúng ta đều hiện hữu trong mình lòng can đảm mạnh mẽ, đều khát khao làm những điều đúng, đều sẵn lòng yêu thương tất cả mọi người và mở rộng cho họ cái quyền được Thiên Chúa trao ban về nhân phẩm và sự tôn trọng.
Nhưng nhiều người trong chúng ta đánh mất hay loại bỏ ý nghĩa đó. Trên thực tế, chúng ta bắt đầu cảm thấy như rằng chúng ta không đủ khả năng để mở rộng sự tử tế hoặc nhã nhặn đến người khác. Rằng chúng ta đứng trên người khác và xem thường họ, những điều thường được cổ vũ trong văn hóa chúng ta.
Sự thử thách đức tin của John đã tạo ra sự bền chí. Ông biết rằng cuộc tuần hành vẫn chưa kết thúc, cuộc đua chưa chiến thắng. Chúng ta vẫn chưa đến cái đích phúc lành mà ở đó, mỗi chúng ta được xét đoán qua những giá trị đạo đức cốt lõi. Ông biết từ ngay chính cuộc sống của mình rằng, quá trình này rất mong manh. Chúng ta phải cẩn trọng trước những dòng chảy đen tối trong lịch sử. Trong lịch sử của chính chúng ta với những vòng xoáy bạo lực và hận thù cùng nỗi tuyệt vọng vẫn luôn có thể trỗi dậy.
Hôm nay chúng ta tận mắt chứng kiến các cảnh sát đè cổ người Mỹ da đen. Chúng ta chứng kiến việc ​​chính phủ liên bang cho nhân viên sử dụng hơi cay và dùi cui tấn công những người biểu tình ôn hòa. Có những kẻ nắm quyền đang cố hết sức để ngăn chận mọi người bỏ phiếu bằng cách đóng cửa các địa điểm bỏ phiếu, nhắm mục tiêu vào các nhóm thiểu số và sinh viên với luật ID nghiêm ngặt và tấn công vào quyền bầu cử của chúng ta.
Tôi biết đây là lúc để tôn vinh cuộc đời John. Một số người có thể nói chúng ta đừng nên tập trung vào những điều như vậy. Nhưng đó là lý do tại sao tôi nói về chúng bởi John Lewis đã dành cả cuộc đời mình để chống lại các cuộc tấn công vào nền dân chủ cùng những gì tốt đẹp ở Mỹ mà chúng ta thấy đang xảy ra hiện nay.
John biết rằng mỗi chúng ta đều có quyền năng được Chúa trao ban. Rằng số phận của nền dân chủ này phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng nó ra sao. Nền dân chủ không phải tự động. Nó phải được dưỡng nuôi, phải được chăm sóc và chúng ta phải làm việc cật lực cho nó. Ông nói rằng hễ còn hơi thở, ông sẽ làm mọi điều có thể để bảo vệ nền dân chủ này. Chừng nào chúng ta còn hít thở, chúng ta phải tiếp tục sự nghiệp của ông.
Nếu chúng ta muốn con cái mình được lớn lên trong một nền dân chủ, không chỉ riêng với những cuộc bầu cử, mà là một nền dân chủ thực sự, một nền dân chủ quyền đại diện trong một nước Mỹ nhân ái, khoan dung, rung cảm và bao hàm toàn diện trong sự tự tạo vĩnh viễn thì chúng ta sẽ phải giống John hơn. Chúng ta không cần làm tất cả những việc ông đã làm cho chúng ta nhưng chúng ta phải làm một điều gì đó.
Như lời Chúa đã dạy Phao-lô: “Đừng sợ chi, song hãy nói chứ đừng thinh lặng. Bởi ta ở cùng ngươi và sẽ chẳng ai tấn công để hại ngươi, vì ta có nhiều người trong thành này“. Chỉ cần mọi người bước ra và đi bầu. Chúng ta đã có tất cả những người trong thành nhưng chúng ta không thể làm gì.
Tựa như John, chúng ta phải tiếp tục dự phần những rắc rối chính đáng. Ông biết những cuộc biểu tình bất bạo động là yêu nước, là cách nâng cao nhận thức cộng đồng, soi rọi sự bất công và làm cho các kẻ chuyên quyền lo lắng.
Tựa như John, chúng ta không phải lựa chọn giữa phản kháng và chính trị. Nó không phải là chuyện chọn một trong hai mà là cả hai. Chúng ta phải tham dự vào các cuộc phản kháng không chỉ hiệu quả mà còn biến khát vọng và mục đích của chúng ta thành quán lệ luật pháp và chính quyền.
Tựa như John, chúng ta phải tranh đấu mạnh mẽ hơn nữa cho công cụ quyền năng nhất mà chúng ta có được. Đó là quyền bỏ phiếu. Đạo Luật Về Quyền Bỏ Phiếu là một trong những thành tựu nổi bật của nền dân chủ của chúng ta. Đó là lý do tại sao John bước qua chiếc cầu và tại sao ông đã đổ máu. Và nhân tiện cũng thêm rằng, đó là kết quả những nỗ lực của cả Dân Chủ và Cộng Hòa. Tổng thống Bush và cha ông (TT Bush cha) đã tái triển hạn đạo luật khi họ còn nhiệm sở. Tổng thống Clinton đã ra sắc luật giúp mọi người dễ dàng ghi danh bỏ phiếu hơn.
Tuy nhiên, ngay cả khi mọi luật lệ gây khó khăn cho cử tri bị gạch bỏ hôm nay, chúng ta cũng phải thành thật với nhau rằng, có quá nhiều người trong chúng ta đã không thực hiện quyền công dân của mình. Quá nhiều công dân chúng ta tin rằng lá phiếu của họ sẽ không tạo ra sự khác biệt. Họ hoang mang, nản lòng, thôi tin vào sức mạnh của chính mình. Mà đó là chiến lược trọng yếu của việc đàn áp cử tri.
Vì vậy, chúng ta phải nhớ những gì John đã nói: “Nếu bạn không làm mọi điều có thể làm được để thay đổi, thì chúng sẽ vẫn như cũ. Bạn chỉ bước qua con đường một lần. Bạn phải dồn hết thẩy những gì bạn có“.
Không phải chỉ một vài cuộc bầu cử là cấp bách, mà ở nhiều cấp độ trong cuộc bầu cử lần này. Chúng ta không thể xem bỏ phiếu như chuyện vặt vãnh nếu có thời gian. Chúng ta phải xem đó là hành động quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm nhân danh nền dân chủ. Như John, chúng ta phải dồn hết tất cả những gì chúng ta có.
Tôi hãnh diện có John Lewis là một người bạn của tôi. Tôi gặp ông khi tôi còn học trường Luật. Ông đến diễn thuyết và tôi đến gặp ông để nói rằng, “John, ông là một trong những người hùng của tôi”. Lần kết tiếp, tôi gặp ông khi tôi đắc cử vào Thượng viện Hoa Kỳ. Và tôi nói với ông, “John, tôi có nơi đây là vì ông”. Ngày lễ nhậm chức năm 2009, ông là một trong những người đầu tiên tôi chào đón và ôm trên khán đài. Tôi nói với ông rằng, “Đây cũng là ngày của ông”.
John là một người tốt, ân cần và nhẹ nhàng. Ông tin vào chúng ta, ngay cả khi chúng ta không tin vào chính mình.
Tôi có nói chuyện riêng với John sau cái chết của George Floyd và ông rất đỗi tự hào khi nhìn thấy một thế hệ mới là những nhà hoạt động trẻ đang tranh đấu cho tự do và bình đẳng. Một thế hệ mới mang ý hướng bỏ phiếu và bảo vệ quyền bầu cử. Trong một số trường hợp là một thế hệ tranh cử vào chính quyền.
Tôi nói với ông rằng, John, tất cả những bạn trẻ đó là mọi chủng tộc, mọi tôn giáo, từ mọi nền tảng, giới tính và khuynh hướng tình dục. John, họ là những đứa trẻ của ông. Họ đã học được từ khuôn mẫu của ông, ngay khi họ không luôn biết điều đó. Họ hiểu quốc tịch Mỹ yêu cầu điều gì qua ông, ngay cả khi họ chỉ nghe về sự can đảm của ông qua các cuốn sách lịch sử.
Bởi hàng ngàn người trẻ tuổi không là ai, vô danh, vô gia cư, đen và trắng… mà đã đưa cả dân tộc chúng ta trở lại những giếng dân chủ vĩ đại được những nhà lập quốc đào sâu trong việc xây dựng Hiến Pháp và Tuyên Ngôn Độc lập“. Tiến sĩ King đã nói như vậy vào những năm 60. Và một lần nữa, nó đã trở thành sự thật trong mùa Hè này.
Nhìn ra cửa sổ  bên ngoài, chúng ta thấy nó ở các đô thị lớn và thị trấn nông thôn, ở người nam và nữ, ở người trẻ và già, người thường và đồng tính, ở người da đen mong muốn được đối xử bình đẳng và người da trắng không thể chấp nhận tự do của chính mình trong khi chứng kiến ​​sự chế ngự những đồng bào của mình.
Chúng ta thấy điều đó ở tất cả mọi người đang gắng sức vượt qua sự tự mãn, nỗi sợ hãi, định kiến ​​và lòng thù hận của chính chúng ta. Thấy ở con người đang cố gắng trở thành những phiên bản tốt hơn, chân thực hơn của mình.
Và đó là những gì John Lewis dạy chúng ta.
Rằng lòng can đảm thực sự đến từ đâu. Không phải từ việc tấn công nhau, mà là hướng về nhau. Không bằng cách gieo rắc hận thù và rẽ chia, mà là lan truyền tình yêu và sự thật. Không phải bởi né tránh những trách nhiệm kiến tạo một nước Mỹ và một thế giới tốt đẹp hơn, mà bằng cách nhận lãnh những trách nhiệm đó với niềm vui và lòng kiên trì. Để rồi nhận ra một điều rằng, chúng ta không đơn độc trong cộng đồng yêu quý của chúng ta.
Quả John Lewis là một tặng phẩm được trao ban. Chúng ta rất may mắn đã có ông đồng hành và vạch cho chúng ta con đường.

Bản tin ngày 1-8-2020

BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Vụ Bắc Kinh thay đổi từ ngữ trong quy định hàng hải của TQ để xác định vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của VN ở Biển Đông là khu vực điều hướng “gần bờ” thay vì “xa bờ”, báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Động thái mới của Trung Quốc nhằm gia tăng kiểm soát Biển Đông? Sự thay đổi này xuất hiện trong phiên bản sửa đổi của một quy định được soạn thảo năm 1974, liên quan đến những quy tắc kiểm tra các tàu đi biển, có hiệu lực từ hôm nay.
TS Swee Lean Collin Koh, chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore bình luận, diễn biến này “không gây bất ngờ, đặc biệt sau khi Bắc Kinh thông báo lập quận hành chính đối với Hoàng Sa và Trường Sa”, cùng với vụ Bắc Kinh xác lập khu vực điều hướng hàng hải có phạm vi giới hạn từ 2 điểm trên đảo Hải Nam đến 3 điểm thuộc quần đảo Hoàng Sa. 
Nhà nghiên cứu Đặng Sơn Duân viết: Trung Quốc tập trận uy hiếp Đài Loan, cuộc chiến công hàm. Theo ông Duân, khu vực mà các máy bay ném bom TQ sử dụng để thực tập oanh tạc “khả năng cao là khu vực mục tiêu chính là khu vực Trung Quốc đã khoanh vùng để tập trận ở phía tây bán đảo Lôi Châu”, nghĩa là phía đông vịnh Bắc Bộ.
Ông Duân bình luận: “Hoạt động cất cánh của oanh tạc cơ H-6 tại căn cứ Lỗi Dương và khu vực mục tiêu ở phía tây bán đảo Lôi Châu cho phép tôi rút ra kết luận quan trọng: Trung Quốc đã huấn luyện oanh tạc để tấn công quần đảo Pratas (Đông Sa) hoặc Đài Loan hoặc cả hai”.
Zing đưa tin: Đại sứ Trung Quốc – Australia tranh cãi về Biển Đông trên Twitter. Đại sứ Australia tại Ấn Độ, ông Barry O’Farrell nói rằng, Australia “quan ngại sâu sắc” về các hành động gây bất ổn và có thể dẫn đến leo thang căng thẳng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Đại sứ Barry O’Farrell gửi thông điệp tới Đại sứ TQ tại Ấn Độ, Tôn Vệ Đông: “Cảm ơn Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ. Tôi hy vọng bạn tuân thủ phán quyết Biển Đông 2016 của Tòa Trọng tài, vốn là kết luận cuối cùng và mang tính ràng buộc theo luật pháp quốc tế, cũng như nên kiềm chế các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng nói chung”.
Đáp lại, họ Tôn thẳng thừng bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài The Hague, nói phán quyết “trái luật” và “không có hiệu lực ràng buộc”, là quan điểm mà Bắc Kinh đã và đang theo đuổi ở Biển Đông.
Cập nhật tin người Trung Quốc nhập cảnh trái phép
Công an TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh vừa bắt giữ 6 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ tố giác của một phụ nữ, theo báo Dân Trí. Một phụ nữ ở xã Hải Đông, TP Móng Cái, trong lúc đang khai thác thủy sản ở bãi biển đã phát hiện một tàu lạ chở người vào đất liền, nên báo công an.
Công an TP Móng Cái vào cuộc, truy bắt nhóm người trên. Cả 6 người trên tàu đều là công dân Trung Quốc, nhập cảnh trái phép vào Móng Cái. Những người này đã bị lực lượng chức năng bắt giữ cùng chủ tàu, lái xe taxi tham gia vận chuyển.
Nhóm người TQ vừa nhập cảnh trái phép vào TP Móng Cái. Ảnh: QN/DT
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Bộ Quốc phòng ngày 31/7, Thiếu tướng Lê Văn Phúc thống kê, lực lượng biên phòng đã ngăn chặn 16.000 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Ông Phúc cho biết, “trong số những người bị bắt có những người cố tình trốn cách ly bằng cách chui gầm xe, trốn trong các kiện hàng. Số người nước ngoài thì tìm cách móc nối thông qua mạng xã hội, qua cư dân làm ăn bên kia biên giới, thuê người Việt Nam đưa đường”.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ đội biên phòng cũng thừa nhận, đường biên giới đất liền VN dài trên 5.000 km nên 1.600 tổ, chốt với khoảng 7.000 lính biên phòng bám biên là khá mỏng. Tội phạm tổ chức theo dõi cán bộ, “thấy chỗ nào sơ hở là lợi dụng đưa người nhập cảnh trái phép”. Đấy là chưa nói bờ biển VN dài hơn 3000km nên cũng có sơ hở cho người vượt biên xâm nhập bằng đường biển. 
Công an TP HCM vừa phát hiện 2 người từ Giang Tô, Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Q.5, theo báo Thanh Niên. Trước đó, Công an phường 7, quận 5 tuần tra đến trước nhà số 890 Trần Hưng Đạo thì phát hiện 2 người TQ, khi kiểm tra thì 2 người này không xuất trình được hộ chiếu. Làm việc với cơ quan chức năng, họ khai nhận, cư trú tại tỉnh Giang Tô, TQ và vừa nhập cảnh trái phép vào VN. Một người có biểu hiện sốt, sổ mũi nên đã được đưa vào khu cách ly của quận.
Trong cuộc họp tổng kết tình hình dịch bệnh tháng 7, quan chức thành Hồ thừa nhận, phát hiện 72 người nhập cảnh trái phép, 66 người là từ Trung Quốc, báo Người Lao Động đưa tin. Trong số 72 trường hợp nhập cảnh trái phép bị phát hiện, có 66 người từ TQ, 6 người từ Campuchia, rải rác trên địa bàn các quận 5, 6, 11, 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Bình Thạnh và các huyện Củ Chi, Bình Chánh.  
Sáng nay, lực lượng biên phòng huyện Văn Lãng, Lạng Sơn đã bắt giữ 6 đối tượng nhập cảnh trái phép ở cửa khẩu Tân Thanh, theo báo Tiền Phong. Nhóm này là người VN, gồm 4 nam và 2 nữ, có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên và Phú Thọ. Họ khai nhận đã sang TQ làm thuê ở Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, sau đó nhập cảnh trái phép về VN theo đường mòn, khu vực mốc 1087, biên giới Việt – Trung, gần tỉnh Lạng Sơn.
Môi trường ngày càng ô nhiễm
Vụ nguồn nước từ nhà máy nước sạch sông Đà bị đổ dầu thải, báo Lao Động cập nhật: Ba đối tượng đổ dầu làm ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà lĩnh án. Theo cáo trạng, bị cáo Lý Đình Vũ đã nhận xử lý dầu thải cho Công ty CP gốm sứ CTH nhưng sau đó thuê các đồng phạm là Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám chở đến Hòa Bình, đổ trộm gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà hồi tháng 10/2019.
Vụ án hình sự này đã được khởi tố từ ngày 17/10/2019, nhưng gần 10 tháng sau thời điểm khởi tố, ngày 31/7/2020, các bị can trong vụ này mới chính thức nhận án. Với hành vi “Gây ô nhiễm môi trường”, TAND TP Hòa Bình đã tuyên phạt Vũ 5 năm tù, Thám 4 năm và Đại 3 năm 6 tháng tù. 
Dầu thải do nhóm Vũ và đồng phạm đổ khiến ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người dân Hà Nội. Ảnh: Tô Thế/LĐ.
Báo Hà Nội Mới đưa tin: Ô nhiễm do khói, bụi tại một số địa phương ở huyện Đông Anh. Tin cho biết, tại thôn Vân Điểm và Thiết Bình ở xã Vân Hà, mỗi ngày, người dân phải hít thở không khí nhiễm độc vì trong khu vực luôn xuất hiện những đụn khói đen bốc mùi khét do hành động đốt rác và tái chế phế liệu ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Trang Giáo Dục và Thời Đại dẫn lại số liệu do Bộ TN&MT thống kê: Cả nước còn 123 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bộ TN&MT còn điểm mặt một số vụ gây ô nhiễm như vụ đổ trộm các thùng phuy tại địa bàn xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội, vụ Công ty công trình đô thị Hải Dương sử dụng tro lò đốt rác thải để san lấp mặt bằng, vụ ô nhiễm nước thải công nghiệp nhuộm chưa xử lý tại một số xã thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, chảy thẳng ra sông Hồng gây ô nhiễm nghiêm trọng. 
Dân khổ vì vấn đề môi trường ở Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, theo VOV. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vẫn đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Dù chính quyền tỉnh Bình Thuận nhiều lần yêu cầu các nhà máy thực hiện các biện pháp giảm thiểu bụi than phát sinh, khắc phục tiếng ồn, nhưng nhà máy này mặc kệ, tình trạng ô nhiễm vẫn không thay đổi.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân kể, từ khi Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng và đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 “thì đời sống sinh hoạt, sức khỏe của các hộ dân ở khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài bụi than, tiếng ồn, thỉnh thoảng còn có mùi khét”.
Các xe chở tro, xỉ than về bãi. Ảnh: VOV
***
Powered by Blogger.