Tin Việt Nam - 14/09/2016
Cái bắt tay khác thường của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Mấy hôm trước trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có động tác “khác thường” khi chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo nhiều nước khi tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 diễn ra tại Lào. Bức ảnh cho thấy trong khi tất cả lãnh đạo các nước khác đều làm động tác theo kiểu “ASEAN Way” (Phương cách ASEAN) truyền thống hàng chục năm qua, thì chỉ riêng ông Phúc làm một kiểu không giống bất kỳ ai. Dư luận ngay lập tức tranh cãi, có người cho rằng ông Phúc quá vô ý về nghi thức cơ bản này, trong khi nhiều người cho rằng không nên xét nét chi li.
Cá nhân tôi cho rằng, dù vô tình hay hữu ý thì hành động này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một điều đáng trách. Có rất nhiều lý do để chúng ta không nên xem hành động ấy là chuyện bình thường, chuyện vô ý có thể thông cảm, hay là chuyện nhỏ nhặt không cần xét nét chi li so với những việc to lớn mà một vị Thủ tướng phải đảm nhận.
Nên nhớ rằng nghi thức hay nghi lễ ngoại giao đã xuất hiện hàng ngàn năm trước, khi bang giao các nước bắt đầu xuất hiện. Phải nhấn mạnh rằng, nghi lễ là công cụ đắc lực cho ngoại giao. Lãnh đạo càng chuyên nghiệp, thì uy tín và hình ảnh của quốc gia đó càng được củng cố và cải thiện. Tại sao Tổng thống Obama khi thăm Việt Nam chuyên nghiệp đến từng chi tiết nhỏ: uống bia Hà Nội, ăn Bún Chả, nhặt cái nem rơi, thanh toán bằng tiền Việt, hay bắt tay với tất cả mọi người có trong khán phòng? Câu trả lời đáp trả lại cho các hành động đó của ngài chính là hiệu ứng tốt đẹp mà người dân Việt Nam đã dành cho ông Obama. Tôi nhớ rất lâu trước đây, vào đầu những năm 1970s, Tổng thống Mỹ đến Trung Quốc còn tính chuyện tập dùng đũa trên máy bay, mục đích là tạo ấn tượng đẹp, qua đó gia tăng cảm tình trên bàn đàm phán. Việc Thủ tướng Phúc chọn kiểu bắt tay không giống ai, trong khi ngay cả những lãnh đạo không có trong ASEAN như Mỹ cũng nhập gia tùy tục, ít nhiều làm hình ảnh của Việt Nam xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế.
Một câu vạ miệng của Tổng thống Philippines với Tổng thống Obama đã khiến cuộc gặp song phương bị hủy bỏ, và sẽ còn được mổ xẻ nhiều trong thời gian tới. Một cái bắt tay “thiếu thống nhất” của Thủ tướng Phúc trong khi tính thống nhất chính trị của ASEAN đang bị tranh cãi và đe dọa trong thời gian qua càng có thể khiến hình ảnh ASEAN bị chế nhạo. Trớ trêu thay, khi Thủ tướng Singapore tuyên bố “đừng để sự khác biệt chia rẽ ASEAN” thì cái bắt tay không giống ai của Thủ tướng Việt Nam ít nhiều biến hình ảnh của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung thành thằng hề trong mắt những ai đang hoài nghi về “ASEAN Way” sau nhiều thất bại của ASEAN trong thời gian qua. Đừng nói người Việt hay xét nét, bởi khi hình ảnh này truyền đến màn hình của hàng trăm triệu người dân ASEAN, thậm chí người dân các quốc gia khác, thì sẽ không ít người cũng sẽ đặt một dấu chấm hỏi “tại sao?” về cách bắt tay vô tiền khoáng hậu này.
Cuối cùng, việc thiếu chuyên nghiệp của một lãnh đạo ở những nghi thức căn bản như bắt tay chụp hình lưu niệm (như trường hợp của Thủ tướng Phúc) không chỉ phản ánh sự chuẩn bị thiếu chu đáo của cá nhân ông, mà còn cả một ekip làm việc trong lĩnh vực lễ tân ngoại giao. Nên nhớ rằng phía sau một Obama, một Putin hay gần hơn là một Lý Hiển Long rất oai vệ nhưng gần gũi là một ekip những chuyên viên ngoại giao chuyên nghiệp. Mọi hoạt động đều được tập huấn rất kỹ nếu không muốn nói là có kịch bản chi tiết. Việc để xảy ra sự cố chưa từng có này, dù tình huống bắt tay quá đơn giản và không đòi hỏi kỹ năng hay nghệ thuật mà ngay cả một sinh viên hay bất kỳ một ai thường xuyên xem truyền hình, đọc báo cũng làm được, cho thấy sự thiếu nhạy cảm không chỉ của người làm lãnh đạo mà còn của cả một ekip hậu cần.
Có người bạn nói với tôi rằng “thông cảm cho Thủ tướng, có thể bác ấy chưa quen”. Nhiều bạn bè trên mạng xã hội vẫn bênh vực cái bắt tay mà theo tôi là “khó nhìn” này, vì cho rằng nó không đáng để nói qua nói về. Còn tôi thì nghĩ, chỉ thông cảm cho những nỗ lực không thành, hay những sai sót khách quan. Với một cách bắt tay rất đỗi bình thường mà cũng làm không giống ai, thì đó là điều đáng trách nhất là với một nguyên thủ quốc gia. Ở một góc độ rộng lớn hơn, trong những trường hợp ngoại giao nhạy cảm, một hành động không giống ai có thể gây tai họa.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Chủ tịch Yên Bái bổ nhiệm em làm GĐ Sở
Báo trong nước cho hay Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái, vừa ký quyết định bổ nhiệm chức Giám đốc Sở Tài nguyên – Mội trường cho em bà là Phạm Sỹ Quý.
Quyết định nói trên được ký hôm 9/9, ba tuần sau vụ bắn người gây chấn động ở tỉnh này.
Thông tin về việc bổ nhiệm thoạt tiên được báo Lao Động đăng tải, dẫn nguồn Chu Đình Ngữ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Yên Bái; và được nhiều báo đăng lại.
Tuy nhiên vài tiếng sau, các báo đã rút bỏ bài viết.
Chiều 14/9 giờ Hà Nội, Phạm Thị Thanh Trà được báo Người Lao Động dẫn lời giải thích rằng việc bổ nhiệm cán bộ “là quyết định của tập thể Thường trực Tỉnh uỷ và Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Yên bái, theo quy trình cực kỳ chặt chẽ”.
“Từ việc lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ công chức trong cơ quan, kể cả người lao động cũng được bỏ phiếu để giới thiệu, rồi ra đến thường trực, tập thể thường vụ đều đảm bảo các bước trong quy trình bổ nhiệm cán bộ. Còn việc tôi ký bổ nhiệm là thừa hành theo luật định ở vị trí Chủ tịch UBND tỉnh chứ không phải là quyết định cá nhân.”
Trà được trích lời nói: “Quy trình bổ nhiệm là cực kỳ chặt chẽ, không có gì để gọi là ưu ái trong trường hợp này”.
Vụ bắn người gây rúng động
Trước khi được bổ nhiệm làm giám đốc, Phạm Sỹ Quý đã có nhiều năm làm Phó giám đốc Sở kiêm Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Yên Bái.
Mới rồi, trung tâm này sáp nhập với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của tỉnh, thành Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất tỉnh Yên Bái.
Theo Phạm Thị Thanh Trà, “việc bổ nhiệm Phạm Sỹ Quý lẽ ra đã tiến hành từ trước vì trống ghế Giám đốc Sở TN-MT lâu rồi”.
Tuy nhiên bà nói vì vụ bắn người xảy ra hôm 18/8 nên việc quyết định của Thường vụ Tỉnh ủy đã bị chậm trễ.
Sáng hôm 18/8, Chi cục trưởng Kiểm lâm Đỗ Cường Minh đã dùng súng quân dụng K-59 bắn chết Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Ngô Ngọc Tuấn. Sau khi bắn hai ông, Minh đã tự sát.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã chính thức khởi tố “vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng” nhưng hiện chưa công bố kết quả.
Không rõ tại sao Đỗ Cường Minh có hành động trên, nhưng trước đó Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Yên Bái đã có chủ trương sáp nhập chi cục kiểm lâm (nơi ông Minh làm việc) và chi cục phát triển lâm nghiệp.
Vỡ ống thủy điện ở Quảng Nam ‘do bão’
Nhiều người mất tích sau khi đường ống dẫn nước từ đập về nhà máy thủy điện Sông Bung 2 (Nam Giang, Quảng Nam) bị vỡ chiều 13/9.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói nguyên nhân ban đầu của sự cố là do ảnh hưởng của bão số 4 khiến nước lũ về hồ chứa với lưu lượng rất lớn.
Tuy nhiên Huỳnh Khánh Toàn nói thêm hiện mới có nguyên nhân ban đầu, phải chờ Hội đồng liên bộ vào xác minh nguyên nhân thì mới quy trách nhiệm cụ thể, xem lỗi thiết kế hay lỗi thi công.
Trong khi đó GS.TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, nói với báo VnExpress về nguyên tắc, thiết kế công trình thủy điện Sông Bung 2 phải tính toán tất cả các vấn đề có thể xảy ra, đảm bảo an toàn của hầm dẫn dòng khi có lũ lớn.
“Song thực tế vẫn xảy ra sự cố, cho thấy đây là lỗi kỹ thuật, thi công của công trình”.
Toàn được truyền thông trong nước dẫn lời mô tả “nhiều thông tin không chính thống cho rằng vỡ đập nên Thủ tướng rất quan tâm đến sự cố này”.
Tin cho hay nước cuốn trôi hai công nhân và hai ngôi nhà.
Trang VnExpress đưa tin chiều 13/9, “lũ thượng nguồn đổ về gây tràn, vỡ đường ống dẫn nước từ đập về nhà máy thủy điện”.
Còn phóng viên VietNamNet có mặt tại hiện trường chân thuỷ điện Sông Bung 2 nói hai bên bờ dưới con đập bị sạt lở rất nặng.
Được biết công trình thủy điện Sông Bung 2 được nghiệm thu, cho phép tích nước hồ chứa từ ngày 25/8, hoàn thành đóng cửa van hầm dẫn dòng vào ngày 3/9.
Đại diện chính quyền Quảng Nam được Vnxpress dẫn lời cho rằng sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhưng chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
“Khi Hội đồng nghiệm thu nhà nước nghiệm thu công trình, tỉnh không được tham gia. Trách nhiệm thuộc về EVN, phải báo cáo với Bộ Công thương và Thủ tướng về sự cố,” báo mạng này đưa tin.
Bộ Công an và tỉnh ủy Hậu Giang phản thùng Nguyễn Phú Trọng!?
Sự việc Trịnh Xuân Thanh đang bị Nguyễn Phú Trọng chiếu tướng, chưa kịp trảm thì con ruồi xanh màu xuân xanh đã bay mất làm cho người ta đặt vấn đề về thái độ, thế đứng của Bộ Công an trong vụ này. Hôm qua, 13/09 những trả lời của Cục Cảnh sát Hình sự (C45) Bộ Công an lại làm tăng thêm nghi vấn – Bộ Công an gián tiếp đứng về phe Trịnh Xuân Thanh và đồng bọn và phản thùng Nguyễn Phú Trọng?
Trao đổi với PV báo Tiền Phong, đại diện C45, Bộ Công an khẳng định chưa nhận được đơn thư trình báo của gia đình cũng như Tỉnh ủy Hậu Giang về việc đề nghị tìm kiếm ông Trịnh Xuân Thanh.
Điều này có nghĩa là C45 sẽ bình chân như vại, khi gia đình không yêu cầu, cũng như tỉnh uỷ Hậu Giang không đề nghị. Gia đình thì có lẽ đã nằm trong và nắm rõ “quy trình đào thoát” của thân nhân, cần gì phải đề nghị đi tìm. Tỉnh ủy Hậu Giang thì cũng mặc kệ đồng chí cựu phó chủ tịch tỉnh đi đâu thì đi, không cần phải tìm. Phải chăng tỉnh ủy không xem Tổng bí thư ra gì?
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang là Trần Công Chánh còn có vẻ… xỏ lá, nói với phóng viên rằng Tỉnh uỷ Hậu Giang sẽ làm văn bản báo cáo về việc Thanh không có mặt tại Hậu Giang để gửi các các cơ quan Trung ương. Tức là báo cáo về chuyện vắng mặt mà ai cũng biết!
Cần nhắc lại là vào ngày 19/7, Trịnh Xuân Thanh đã gửi đơn đến Tỉnh ủy Hậu Giang xin nghỉ phép và điều trị bệnh trong 1 tháng, kể từ ngày 3/8 đến 2/9 tại nước ngoài. Tức là tỉnh uỷ Hậu Giang đã biết tỏng tòng tong rằng đồng chí “mình” dự tính sẽ vọt ra khỏi nước từ trước đó. (Theo Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, trung tuần tháng 7, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang có gửi đơn đến Tỉnh ủy xin nghỉ phép từ 25 đến 29/7. Sau đó, ngày 19/8, Thanh gửi đơn lần 2 xin nghỉ phép một tháng để đi nước ngoài trị bệnh, từ ngày 3/8 đến 2/9. – tức là Trịnh Xuân Thanh nghỉ trước và gửi đơn sau)
Mặc dù bây giờ thì tỉnh uỷ Hậu Giang bày tỏ quan điểm của tỉnh là: “Tuyệt đối không được cử hoặc cho phép ra nước ngoài vì bất cứ lý do gì đối với Đảng viên đang trong thời gian xem xét kỷ luật Đảng, đang bị điều tra về hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm tư cách đảng viên, có vấn đề liên quan đến chính trị hiện nay nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền kết luận”. Tuy nhiên, chỉ đến lúc Trịnh Xuân Thanh chim sa cá lặn đâu mất thì chuyện xin đi ra nước ngoài chữa bệnh mới được nhắc đến.
Trở lại cánh công an thì ngoài thái độ vô can của C45, thì phía địa phương, công an phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội cho biết Trịnh Xuân Thanh không thuộc diện quản lý của địa phương nên không nắm được Thanh đã chuyển hộ khẩu và tạm trú ở đâu. Tức là cũng theo chiều hướng không hay, không biết, không quan tâm.
Vụ việc một người mà Ban bí thư kết luận rằng là kẻ chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở PVC, không hoàn thành nhiệm vụ và bị kỷ luật đảng khiếm diện mà Bộ Công an từ địa phương đều án binh bất động, không truy tìm cho thấy có điều gì không ổn trong bối cảnh chính trị độc tài toàn trị với khẩu hiệu công an còn đảng còn mình.
Tuy nhiên, để chứng tỏ cũng có làm nhiệm vụ theo yêu cầu, C46 – Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng của Bộ Công an cho biết đã tiến hành điều tra vụ thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng (3) mà Ban bí thư kết luận là trách nhiệm của Trịnh Xuân Thanh ở Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Tức là C46 chỉ điều tra xem kết luận của Ban bí thư có đúng hay không, còn kẻ đã đào tẩu thì vẫn phải chờ người nhà và tỉnh uỷ Hậu Giang yêu cầu thì sau đó Cục Cảnh sát Hình sự C45 mới “vào cuộc”.
Thái độ hiện nay của Bộ Công an cho thấy có khả năng công an đã làm ngơ, thả lỏng cho Trịnh Xuân Thanh đào thoát khỏi cái lưới chụp ruồi của Nguyễn Phú Trọng. (Nguồn: Dân Làm Báo)
Phản đối chính quyền CSVN nhận tiền Formosa nhưng cấp gạo mốc cho dân
Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã nhận 500 triệu Mỹ kim tiền bồi thường của công ty Formosa, cho vụ xả thải chất độc xuống biển Hà Tĩnh gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường. Nhưng họ lại chỉ đền bù cho các ngư dân lâm cảnh khó khăn bằng gạo mốc!
Trang mạng Dân Làm Báo hôm Thứ Ba 13/09 tường thuật cuộc biểu tình phản đối của một nhà hoạt động ở Hà Nội là ông Trương Văn Dũng. Ông Dũng một mình đứng trên đường phố Hà Nội cầm biểu ngữ với thông điệp “Phản đối phát gạo mốc cứu đói ngư dân miền Trung” vào buổi trưa cùng ngày. Ông Dũng cho biết, ông phản đối công khai bằng thông điệp này, bởi vì ở Việt Nam không phải ai cũng biết ngư dân ở vùng thảm họa môi trường đã được chính quyền hỗ trợ bằng gạo mốc. Ông Dũng mong rằng nhiều người biết được thực trạng của cái gọi là “kế hoạch cứu trợ”, cũng như bộ mặt của nhà cầm quyền CSVN, mà theo ông là “không như họ đã tuyên truyền trên tivi hay báo chí nhà nước”.
Theo kế hoạch của nhà cầm quyền CSVN, mỗi người dân trong vùng thảm họa được cứu trợ 15 kg gạo mỗi tháng. Trước đây một đoạn video được phổ biến trên mạng cho thấy bao gạo khi đến tay người dân đã mốc xanh phân nửa. Một ngư dân ở Vũng Áng, Hà Tĩnh nói rằng gạo đó nấu lên thì “gà chó cũng không ăn được”.
Huy Lam / SBTN
Cá lại chết hàng loạt tại Hà Tĩnh
Sau Thanh Hóa, đến lượt Hà Tĩnh lại có hiện tượng cá chết hàng loạt trở lại. Điều này lại dấy thêm phần lo lắng từ phía người dân, khi mà mới đây thôi chính quyền ra sức kêu gọi người dân quay trở lại đi biển và nuôi hải sản tại những vùng nước mà chính quyền cho là an toàn.
Sự việc xảy ra tại xóm Phú Mậu, xã Thạch Bằng (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), 18 bè nuôi của Hợp tác xã Hợp Lực đã xảy ra tình trạng cá chết trắng bè. Ông Nguyễn Hồng Sơn (36 tuổi) thành viên của hợp tác xã cho báo chí biết, hợp tác xã có tất cả 18 bè nuôi, trong đó 12 bè nuôi hào, 6 bè còn lại nuôi cá hải sản nước mặn, như: cá mú, cá hồng Mỹ với diện tích khoảng 1,5 hectare.
Cũng theo ông Sơn, từ 3 ngày trước đã xảy ra tình trạng cá chết, nhưng chỉ là chết lẻ tẻ. Nhưng đến 13/9, cá trong bè chết đồng loạt, nổi lềnh bềnh trắng bè.
Cho đến nay, đã có đến hơn 60 tấn hào và 2 tấn cá mú đã chết. Còn 14 tấn cá hồng Mỹ, cá vược vẫn tiếp tục chết rải rác.
Ông Sơn cho biết, tất cả các loại hải sản như hàu, cá mú, cá hồng Mỹ đã quá lứa thu hoạch, nhưng vì thảm họa cá chết do Tập đoàn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra làm cho cá vẫn chưa thể bán được vì giá cả quá thấp. Từ lâu nay, dù biết là lỗ nhưng hợp tác xã Hợp Lực vẫn ráng phải nuôi cầm cự để chờ tìm được người mua.
Theo giới hữu trách tại huyện Lộc Hà, các bè của Hợp tác xã Hợp Lực được nuôi tại Cửa Sót. Trong những ngày qua, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 4, lượng nước từ thượng nguồn đổ về nhiều, khiến cho độ mặn của nước biển tại vùng nuôi hải sản giảm mạnh. Có thể vì vậy mà các loại hải sản được nuôi trong lồng bè mới chết hàng loạt.
Cho đến nay, ước tính thiệt hại của hợp tác xã là khoảng gần 90 ngàn Mỹ kim.
Ngọc Quân/SBTN