Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 03/06/2020

Wednesday, June 3, 2020 // ,
Đọc báo Pháp – 03/06/2020

Hoa Kỳ đối mặt với nạn kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát – Trọng Nghĩa

Hồ sơ được các nhật báo lớn tại Pháp ra ngày hôm nay, 03/06/2020 đề cập đến nhiều nhất là các cuộc biểu tình bạo động tại Mỹ, được Le Monde nêu thành tựa lớn trang nhất.
Một chủ đề quan trọng khác chiếm lĩnh trang nhất hai tờ Libération và Le Figaro là vòng 2 cuộc bầu cử hội đồng thành phố và thị xã Pháp, được dự trù vào ngày 28/06 tới đây sau hai tháng bị hoãn vì dịch Covid-19. Riêng nhật báo Công Giáo La Croix như đã trở về nguồn, với một đề tài tôn giáo, cũng như tờ báo kinh tế Les Echos, nhấn mạnh một vấn đề thương mại.
Ở ngay trang nhất, bên trên một tấm ảnh sốc cho thấy hai nhân viên cảnh sát Mỹ, súng phóng lựu đạn cay trên tay, một người ra hiệu cho một người da đen ra khỏi xe, phía dưới là hai cô gái đang nằm mọp dưới đất, tay giơ lên khỏi đầu, Le Monde chạy hàng tựa lớn: “Trước những cuộc biểu tình phản đối, Trump chọn (biện pháp dùng) võ lực”.
Tờ báo giải thích: Vào lúc làn sóng phẫn nộ có quy mô lịch sử đang lay động nước Mỹ, hôm thứ Hai vừa qua, Donald Trump đã đe dọa triển khai quân đội để dẹp tan “những vụ bạo loạn” bị ông đồng hóa với nạn “khủng bố trong nước”.
Le Monde ghi nhận là các cuộc biểu tình phản đối các hành vi bạo lực của cảnh sát đã lan rộng ra toàn bộ các thành phố lớn của Mỹ, tập hợp cả người da trắng lẫn da đen, kèm theo nhiều vụ cướp phá hôi của ở một số nơi.
Tờ báo nhận định: “Một tuần lễ sau cái chết của George Floyd, một người Mỹ gốc châu Phi, ngay trong lúc bị cảnh sát bang Minnesota (Hoa Kỳ) bắt giữ một cách thô bạo, tình trạng rạn nứt giữa các chủng tộc đã nổi cộm lên trong cuộc vận động tranh cử tại Mỹ.
Sử gia Pháp: Dư luận đã nhiều lần phẫn nộ, nhưng vô hiệu
Le Monde cũng giới thiệu trên trang nhất nội dung bài phỏng vấn sử gia Pháp Christian Delage, giám đốc Viện Nghiên Cứu Lịch Sử Thời Hiện Tại IHTP, giải thích làn sóng phẫn nộ hiện nay, theo đó, cho đến nay, các đoạn video về các hành vi bạo lực nhắm vào người Mỹ gốc châu Phi đã nhiều lần khuấy động dư luận, nhưng không làm cho tác giả các hành vi đó bị kết án.
Riêng về các hình ảnh liên quan đến cái chết của George Floyd, sử gia Pháp cho rằng thái độ của thủ phạm là viên cảnh sát Derek Chauvin, lạnh lùng và kiên quyết, bất chấp tiếng kêu của nạn nhân, thể hiện một tâm lý “không xem người khác là con người” không thể chấp nhận được.
Le Figaro: Trump “đặt cược” trên võ lực để chống biểu tình
Nhật báo thiên hữu Le Figaro cũng nêu bật tình hình nước Mỹ trên trang nhất, dù không dành tựa chính cho đề tài này.
Trên nền một bức ảnh cho thấy tổng thống Mỹ đi ngang qua một toán cảnh sát chống bạo động được trang bị đầy đủ, Le Figaro chạy hàng tựa: “Donald Trump đặt cược trên võ lực, phong trào phản đối đang cực đoan hóa”.
Theo tờ báo Pháp, 8 ngày sau cái chết của George Floyd, một người da đen bị một sĩ quan cảnh sát da trắng sát hại, làn sóng giận dữ chống phân biệt chủng tộc và các hành vi bạo lực của cảnh sát tiếp tục gia tăng bất chấp giọng điệu đanh thép của tổng thống Donald Trump.
Le Figaro đã dành hai trang báo để phân tích sự kiện này, đặc biệt ghi nhận việc tổng thống Mỹ bị tố cáo là cố tình khiêu khích, kích động phong trào phản đối thay vì tìm cách xoa dịu tình hình.
Les Echos: Khủng hoảng niềm tin tại Mỹ
Tình hình bạo động ở Mỹ đã được nhật báo Les Echos phân tích dưới góc độ kinh tế, gợi lên một cuộc “khủng hoảng niềm tin” trong một hàng tựa nhỏ ở trang nhất.
Theo tờ báo kinh tế Pháp, vốn đã bị dịch Covid-19 làm tê liệt, hai ngành thương mại và du lịch Mỹ giờ đây lại lo ngại về hậu quả kinh tế của các vụ biểu tình, bạo động đang bùng lên sau cái chết của George Floyd tại Minneapolis.
Những thương hiệu lớn như Target, Adidas, Nike, Walmart, Starbucks thậm chí McDonald đã cho các cửa hiệu của mình tại nhiều thành phố đóng cửa vì “an toàn cho các nhân viên”.
Trong địa hạt Chính trị, ứng viên tổng thống đảng Dân Chủ Joe Biden vào hôm Thứ Ba, đã cố gắng kêu gọi đoàn kết, nhưng theo Les Echos, cuộc tranh luận về kỳ thị chủng tộc và bạo lực của cảnh sát vẫn tiếp tục bùng lên gay gắt.
Nhật báo La Croix cũng đề cập đến làn sóng phẫn nộ tại Hoa Kỳ với một nhận định bi quan được nêu lên trong một hàng tựa nhỏ ở trang nhất: “Công cuộc cải cách bất khả thi của ngành cảnh sát Mỹ”.
Libération: Cánh tả Pháp đoàn kết tại vòng 2 cuộc bầu cử địa phương
Như nói ở trên, Libération đã dành tựa lớn trang nhất cho vòng 2 cuộc bầu cử hội đồng thành phố và thị xã sắp mở ra tại Pháp.
Libération quan tâm trước tiên hết đến sự kiện các đảng cánh tả Pháp đã thành công được trong việc liên minh với nhau nhằm giành thắng lợi nhân vòng hai cuộc bầu cử sắp tới đây. Tờ báo thiên tả Pháp tương đối lạc quan khi ghi nhận: “Tại nhiều thành phố lớn, cánh tả hy vọng giành được chiến thắng vào ngày 28 tháng Sáu tới đây, một thắng lợi đánh dấu một bước khởi đầu mới”.
Dựa trên danh sách các liên danh tranh cử đã được đăng ký vào hôm qua, 02/06, tờ báo nhận thấy là tại đại đa số các thành phố lớn, trung bình và nhỏ, các đảng xanh (Sinh Thái) hồng (Xã Hội) và đỏ (Cộng Sản) đã đồng ý “tiến bước tay trong tay để giành thắng lợi, trước hết làm giữ lại cứ địa của mình (Paris, Nantes, Rennes, Clermont-Ferrand…), và tiếp đến là thực hiện được mơ ước giành được đất của cánh hữu”.
Tuy nhiên Libération cũng nhìn thấy là mặt trời không chiếu sáng ở mọi nơi đối với cánh tả. Việc hòa chung danh sách ứng cử viên đã thất bại ở Strasbourg, thủ phủ miền Đông Pháp sau nhiều tiếng đồng hồ thương lượng, hay tại Lille, thủ phủ miền Bắc. Tại hai nơi này, những tranh chấp trong quá khứ cũng như tham vọng cá nhân đã khiến cho đàm phán liên minh thất bại, và hai đảng sinh thái và Xã Hội đã đổ lỗi cho nhau.
Trong bài xã luận mang tựa đề “Bài học”, Libération nhận thấy là người ta dự đoán trước, với một xác suất cao, là sẽ có một người thắng và một người thua trong vòng 2 này.
Bên thắng là đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR), đã nắm được nhiều thành phố và thị xã, và lần này sẽ chiếm thêm được nhiều đơn vị khác, và bên thua là đảng Cộng Hòa Tiến Bước LREM, không có được cơ sở ở địa phương, lại mất đi thiện cảm của dân chúng do việc dư luận chung đang bất bình với tổng thống Macron của đảng Cộng Hòa Tiến Bước.
Còn cánh tả thì sao, Libération đã tự hỏi để trả lời ngay rằng: “Những ai nghĩ rằng cánh tả đang hấp hối lần này sẽ thất vọng. Đội ngũ đại biểu mãn nhiệm cũng có thể khoe thành tích như ở Rennes, Nantes, hay Grenoble. Xu hướng sinh thái cũng đang vươn lên như đã thấy trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu gần đây, và thành tích của đảng Xanh có lẽ sẽ được lập lại nhân kỳ bầu cử này.
Bầu cử địa phương tại Pháp: Đảng cầm quyền bất lợi
Không hẹn mà gặp, Le Figaro cũng dành tựa chính trang nhất cuộc bầu cử sắp tới tại Pháp: “Tại từng thành phố, các chìa khóa (để hiểu) các trận đấu nhân vòng 2”.
Tờ báo cho biết là để dự đoán ai là người có triển vọng đắc cử sáp tới đây, họ đã nghiên cứu tương quan lực lượng tại 240 thành phố Pháp có trên 20.000 dân, phân tích các yếu tố thuận lợi hay bất lợi cho các đảng phái chính.
Cũng như Libération, tờ báo thiên hữu Pháp cho rằng đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Macron đã nhìn thấy trước thất bại nặng nề, trong lúc đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa hy vọng vươn lên trở lại, làm bệ phóng cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2022.
Riêng về cảnh tả, Le Figaro cho rằng phe sinh thái, môi trường có thể sẽ thấy hy vọng không thành.
Trong bài xã luận, Le Figaro tập trung phân tích về tình thế của tổng thống Pháp Macron đang nhìn thấy trước thất bại của đảng do ông thành lập.
Theo phân tích của tờ báo trong cuộc bầu cử này, cục diện chính trị Pháp sẽ trở lại như thời trước khi phong trào Cộng Hòa Tiến Bước vươn lên, với đảng cầm quyền bị kẹt giữa gọng kềm tả hữu, và phải tự bằng lòng với mức trung bình thường lệ của cánh trung tại Pháp : khoảng 15%, tùy theo ứng viên và tình huống tại các đơn vị bầu cử.
Amazon đại thắng nhờ Covid-19
Tựa trang nhất của nhật báo Les Echos hôm nay nêu bật tình hình tập đoàn bán hàng trên mạng Mỹ Amazon, được tờ báo cho là “Kẻ đại thắng trong cuộc khủng hoảng (Covid-19)”.
Theo Les Echos, giá trị của tập đoàn của nhà tỷ phú Jeff Bezos đã tăng khoảng 30% kể từ tháng Giêng, và đã vượt quá 1.200 tỷ đô la. Một trong những hệ quả là Amazon đã được vay tiền với tỷ lệ thấp nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Vấn đề là đại dịch vừa qua đồng thời làm trầm trọng thêm các mối căng thẳng xã hội giữa nhân viên và giới lãnh đạo.

Tin tổng hợp
(VnEx -NLD) – Việt Nam từ chối ứng trước 50 triệu đô la cho Trung Quốc về đường sắt Cát Linh- Hà Đông. 
Trưa 02/06/2020, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam cho biết không chấp nhận đề nghị của tổng thầu Trung Quốc về dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, đòi ứng trước 50 triệu đô la. Dự án này đã trải qua 4 đời bộ trưởng, hai đời thủ tướng, bị hoãn đến 8 lần trong khi phía Việt Nam đã thanh toán 80% giá trị, gây bức xúc lớn trong dư luận.
(NYT) – Ông chủ Facebook từ chối đăng cảnh báo dưới bài viết của tổng thống Mỹ. 
Dù bị chỉ trích dữ dội trong nội bộ, người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg hôm qua 02/06/2020 vẫn bảo vệ « quyết định khó khăn » là không cho đăng lời cảnh báo về hai bài viết của tổng thống Mỹ Donald Trump, như mạng xã hội Twitter đã làm. Đối với ông chủ Facebook, ông Trump không « cổ vũ bạo lực », và việc ông đe dọa sử dụng quân đội hiện không bị cấm đoán trong các quy định của Facebook.
(AFP) – Nhà của Hitler tại Áo trở thành đồn cảnh sát. 
Căn nhà thời thơ ấu của Adolf Hitler, nơi nhà độc tài quốc xã sinh ra ngày 20/04/1889 sẽ không thể trở thành chốn « hành hương » của phe tân phát xít, vì sẽ được sửa chữa để trở thành đồn cảnh sát. Chính phủ Áo hôm 02/06/2020 thông báo như trên. Văn phòng kiến trúc Marte đã thắng thầu công trình này.
(AFP) – Lên án các đại gia công nghiệp lợi dụng dịch Covid-19, tấn công các quy định bảo vệ môi trường.
Hôm qua, 02/06/2020, hai tổ chức phi chính phủ, Amis de la Terre / Những người bạn của Trái đất và Đài quan sát các tập đoàn đa quốc gia, đã ra một báo cáo chỉ trích đích danh các tập đoàn công nghiệp như « năng lượng, hàng không, xe hơi ». Hai tổ chức phi chính phủ cho biết các tập đoàn kinh tế, trong bối cảnh đại dịch, đã nỗ lực vận động  « từ bỏ, đình chỉ hay hoãn việc thực thi các tiêu chuẩn môi trường », để sử dụng tiền đầu tư công cho chấn hưng kinh tế vào mục tiêu tiếp tục lối làm ăn gây ô nhiễm cũ.
(AFP) – Thụy Điển cho dẫn độ sang Mỹ một công dân Trung Quốc bị cáo buộc rửa tiền.
Công dân Trung Quốc Qiao Jianjun bị cáo buộc chuyển ra nước ngoài hàng triệu đô la, trong những hoàn cảnh bất minh, thông qua nhiều ngân hàng  Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore, trong thời gian đương sự làm việc trong cơ quan quản lý lương thực tại Trung Quốc, từ 1998 đến 2011. Việc dẫn độ đã tiến hành hôm thứ Sáu tuần trước, 29/05/2020. Tòa Án Tối Cao Thụy Điển giải thích, đã quyết định không cho dẫn độ nghi phạm về Trung Quốc, theo yêu cầu của Bắc Kinh, do nguy cơ đương sự có thể bị đàn áp, truy bức.

Điểm tin thế giới sáng 3/6:

Ông Johnson nói Anh

sẽ ‘thay đổi lịch sử’ visa vì người Hồng Kông

Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Tư (3/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin sau:
Ông Johnson nói Anh ‘thay đổi lịch sử’ visa vì người Hồng Kông
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hứa với người Hồng Kông rằng sẽ có “một trong những thay đổi lớn nhất về hệ thống thị thực của chúng tôi trong lịch sử nước Anh” để đón chào người dân đảo nếu Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia đối với họ, theo bản tin sáng thứ Tư của SCMP.
Trong thông điệp trực tiếp đầu tiên gửi đến vùng lãnh thổ từng là thuộc địa của Anh, ông Johnson nói rằng “nhiều người ở Hồng Kông lo sợ đường sống của họ bị đe doạ” kể từ khi Quốc hội Trung Quốc đề xuất luật an ninh vào cuối tháng trước.
“Nước Anh không có lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì mối quan hệ sâu sắc về lịch sử và tình hữu nghị của chúng tôi với người dân Hồng Kông”, ông Johnson nói. (chi tiết)
Mỹ – Brazil cùng nghiên cứu thuốc sốt rét để điều trị Covid
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã thảo luận về việc Mỹ – Brazil cùng nghiên cứu sử dụng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine để điều trị Covid-19, Nhà Trắng cho biết hôm thứ Ba, theo Reuters.
Ông Trump và ông Bolsonaro “đánh giá cao về sự hợp tác lâu dài về các vấn đề sức khỏe giữa hai nước”. Nhà Trắng cho biết, hai vị lãnh đạo đã thảo luận về việc Mỹ hỗ trợ Brazil 2 triệu liều thuốc hydroxychloroquine và việc nghiên cứu để có thể đánh giá thêm về sự an toàn và hiệu quả của loại thuốc này cho cả điều trị dự phòng và điều trị sớm virus Vũ Hán.
Cùng nhiễm nCoV, người gốc Anh tử vong ít hơn người nhập cư
Người gốc Phi và gốc Á ở Anh có nguy cơ tử vong cao hơn nhiều so với người Anh bản địa sau khi cùng bị nhiễm virus Vũ Hán, một nghiên cứu đưa ra kết luận. Nghiên cứu này đã củng cố thêm nhận định của những báo cáo trước đây rằng các nhóm dân tộc thiểu số ở Anh có nguy cơ tử vong cao hơn dân Anh gốc khi bị nhiễm Covid-19, theo SBS News.
Cụ thể, báo cáo khoa học này chỉ ra rằng nhóm người gốc Bangladesh có nguy cơ tử vong cao gấp đôi so với người Anh da trắng. Nhóm sắc dân gốc Hoa, Ấn Độ, Pakistan hoặc người châu Á khác và những người gốc Caribbean hay gốc Phi có nguy cơ tử vong cao hơn người Anh da trắng từ 10% đến 50%.
Dòng người di cư tới Mỹ bị chặn lại ở Honduras
Dòng người tới từ châu Phi, Cuba và Haiti trên đường tới Mỹ đã bị chặn lại ở Honduras khi nước này đóng cửa biên giới để chống dịch viêm phổi Vũ Hán, các quan chức di trú cho biết, theo bản tin hôm thứ Ba của Reuters.
Hình ảnh trên truyền hình cho thấy, người di cư đeo khẩu trang đang đi dọc theo đường cao tốc ở miền nam Honduras. Một nhà hoạt động ở thị trấn mà nhóm người di cư mới rời khỏi cho biết 102 người đã bắt đầu hành trình tới Mỹ vào buổi sáng, trong đó có hàng chục người Cuba. Lizandro Vallecillo, phát ngôn viên của cơ quan di trú quốc gia nói rằng ông đếm được 50 người từ hình ảnh trên truyền hình.
Jimmy Aguilera, một nhà hoạt động ở Choluteca, Honduras, thông tin cảnh sát đã chặn họ lại tại một con đường ở một thị trấn có tên El Marillal. “Họ đang yêu cầu được đi tiếp”, ông nói.
Mỹ: Người biểu tình cướp phá, quân đội có thể vào cuộc
Hôm thứ Ba, Tổng thống Trump nói rằng có thể sẽ sử dụng quân đội để ngăn chặn người biểu tình khi chính quyền các địa phương không kiểm soát được việc nhiều người lợi dụng biểu tình về cái chết của một người Mỹ gốc Phi để quậy phá và hôi của, theo SBS News.
Ông Trump cho rằng quân đội nên tham gia bảo vệ an ninh ở thành phố New York trong bối cảnh 5 sĩ quan cảnh sát ở những vùng khác đã bị người biểu tình bắn và đánh bị thương.
Người biểu tình đã đập vỡ cửa sổ để cướp đồ tại các cửa hàng ở thành phố New York vào cuối ngày thứ Hai và đốt cháy một trung tâm thương mại ở Los Angeles. Những video chia sẻ trên internet cũng cho thấy nhiều người biểu tình phá phách tài sán công và tư trên đường phố.

Điểm tin thế giới chiều 3/6:

Trung Quốc tập trận ‘xâm nhập’ ban đêm

 giữa căng thẳng biên giới với Ấn Độ

Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Tư (3/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trung Quốc tập trận ‘xâm nhập’ ban đêm trên núi giữa căng thẳng biên giới với Ấn Độ
Quân đội Trung Quốc (PLA) ở Tây Tạng đã tổ chức một cuộc tập trận “xâm nhập” – vào ban đêm, trên núi – để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ, trong bối cảnh căng thẳng biên giới Trung – Ấn gia tăng.
Truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin hôm 1/6 rằng một đơn vị trinh sát của PLA gần đây đã được điều động tới một mục tiêu trên dãy núi Đường Cổ Lạp (Tanggula), tọa lạc ở độ cao 4.700m. Họ đã sử dụng thiết bị quan sát ban đêm trên xe để tránh sự giám sát từ các thiết bị bay không người lái drone từ phía “kẻ thù”.
Huawei che giấu hoạt động kinh doanh tại Iran
Gã khổng lồ viễn thông Huawei của Trung Quốc đã che đậy mối quan hệ của mình với Skycom Tech Co Ltd, một công ty đã cố bán thiết bị máy tính thuộc diện cấm của Mỹ cho Iran, Reuters ngày 3/6 cho hay, dựa trên các tài liệu thu thập được về Huawei.
Năm 2013, Reuters đã có những báo cáo về mối liên hệ chặt chẽ giữa công ty này và giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Châu. Tuy vậy Huawei mô tả Skycom chỉ là một đối tác kinh doanh địa phương ở Iran. Nhưng nay, các tài liệu mới được Reuters thu thập được đã cho thấy doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc này trên thực tế đang kiểm soát Skycom. Một phần trong các tài liệu chứng minh mối liên kết đó là loạt hồ sơ công việc nội bộ giữa Huawei và Skycom, bao gồm các biên bản ghi nhớ, thư tín và các hợp đồng thỏa thuận mà Reuters đã được xem.
Anh thảo luận với Liên minh ‘Ngũ nhãn’ đón nhận người Hồng Kông nếu họ di cư
AFP hôm nay (3/6) dẫn lời Ngoại trưởng Anh cho biết, ông đã nói chuyện với liên minh “Ngũ Nhãn” (“Five Eyes”) về khả năng chào đón người dân Hồng Kông đến cư trú nếu Bắc Kinh áp luật an ninh mới lên thành phố và gây ra một cuộc di cư trên diện rộng. Thông tin này được đưa ra khi Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố London sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước số phận của những người dân thành phố cảng đang phải lo lắng trước sự kiểm soát ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.
Mỹ trừng phạt 4 hãng vận tải vì vận chuyển dầu Venezuela
Bộ Tài chính Mỹ cho biết hôm 3/6, họ đã xử phạt 4 hãng vận tải vận chuyển dầu của Venezuela, báo Aljazeera cho hay. Động thái này từ phía Mỹ là nỗ lực leo thang căng thẳng mới nhất của Washington nhằm hạ bệ tổng thống cực tả Nicolas Maduro bằng cách cắt đứt nguồn xuất khẩu dầu thô của quốc gia thuộc khối OPEC này.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, các công ty bị trừng phạt bao gồm: Afranav Maritime Ltd, và Adamant Maritime Ltd, đều có trụ sở ở Quần đảo Marshall; và Sanibel Shiptrade Ltd, cùng Seacomber Ltd, có trụ sở ở Hy Lạp; các tàu chở dầu thuộc sở hữu các công ty này đã lấy hàng ở Venezuela từ tháng 2 đến tháng 4 năm nay. Nhằm đáp trả, Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Jorge Arreaza trong một dòng “tweet” trên Twitter tuyên bố rằng động thái của Mỹ chặn xuất khẩu dầu thô sẽ làm phức tạp hoạt động nhập khẩu thực phẩm và dược phẩm của nước này.
Chứng khoán toàn cầu bật lên mức cao kỷ lục trong 3 tháng khi có những kỳ vọng về sự phục hồi sau dịch Covid-19
Hãng Reuters cho hay, giá trị cổ phiếu toàn cầu đã bật lên mức cao trong gần ba tháng hôm thứ Tư (3/6), khi có những kỳ vọng về các gói kích thích kinh tế bổ sung cũng như việc nới lỏng những biện pháp hạn chế xã hội trên toàn cầu. Những tín hiệu tích cực này lớn hơn các mối bận tâm từ dịch virus corona lẫn sự gia tăng bất ổn dân sự gần đây ở Mỹ.
CEO của Qatar Airways đề nghị Boeing và Airbus hoãn giao hàng
Giám đốc điều hành (CEO) của Qatar Airways đã kêu gọi hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Airbus SE và Boeing Co. nới lỏng các yêu cầu trong các thỏa thuận bàn giao máy bay mới cho các hãng vận tải hàng không đang gặp khó khăn trong đại dịch.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV hôm 2/3, CEO Akbar Al Baker nói rằng Airbus SE và Boeing Co. nên chấp nhận hoãn giao hàng cho đến ít nhất vào năm 2022. Đề nghị này cho thấy áp lực tài chính đang đè nặng lên vai các hãng hàng không, đặc biệt là các hãng như Qatar Airways có trụ sở ở vùng Vịnh. Cũng giống các hãng hàng không khác, hoạt động chuyên chở khách du lịch toàn cầu của Qatar Airways đã bị co hẹp bởi virus corona.

Powered by Blogger.