Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 09/04/2020

Thursday, April 9, 2020 // ,
Đọc báo Pháp – 09/04/2020

Covid-19: Chính phủ Pháp muốn

 “theo dấu” bệnh nhân, dư luận lo ngai

Trọng Nghĩa
Báo chí Pháp ra ngày hôm nay, 09/04/2020 tiếp tục bị virus corona chi phối, với chủ đề nổi bật là dự án của chính phủ Pháp dùng một loại ứng dụng cho điện thoại di động tạm gọi là “Stop Covid” để theo dõi những người nhiễm virus corona trong thời kỳ hậu phong tỏa. Hai tờ Le Monde và Le Figaro đã đặc biệt dành tựa lớn trang nhất và hồ sơ chính cho chủ đề này.
Về dự án dùng ứng dụng Stop-Covid, Le Monde đã loan báo một cách khái quát trong hàng tựa: “Theo dõi bệnh nhân: Những gì mà chính phủ (Pháp) đang nghiên cứu”.
Theo Le Monde, chính phủ Pháp đang xem xét việc sử dụng một ứng dụng “định vị” dùng trên điện thoại thông minh, cho phép giới hữu trách theo dõi những người mắc bệnh Covid-19.
Tờ báo Pháp đã phỏng vấn bộ trưởng bộ Y Tế Olivier Véran và quốc vụ khanh đặc trách kỹ thuật số Cédric O, và đã được hai quan chức cao cấp này giải thích rõ hơn về dự án.
“Tự nguyện” cài đặt ứng dụng trên điện thoại để kềm hãm dịch bệnh
Nhìn chung, đây là một ứng dụng mà người bệnh “tự nguyện” chấp nhận cài đặt trên điện thoại của mình, và việc theo dõi “có thể cho phép hạn chế đà phát tán của virus nhờ xác định rõ được các dây chuyền truyền nhiễm”.
Hai vị bộ trưởng và quốc vụ khanh cho biết hiện nay, chính phủ vẫn chưa có quyết định dứt khoát về dự án này, nhưng nhấn mạnh rằng việc cài đặt ứng dụng định vị tại Pháp sẽ dựa trên cơ sở tình nguyện, trái với một số nước khác vốn bắt buộc người bệnh phải chấp nhận chế độ theo dõi.
Le Figaro cũng rất chú ý đến kế hoạch theo dõi những người bị nhiễm bệnh Covid-19 đang được xem xét nhưng chạy một tựa rất cụ thể: “Theo dõi bằng kỹ thuật số: Kế hoạch để khống chế dịch bệnh”.
Theo Le Figaro, chính bộ trưởng Y Tế Olivier Véran và quốc vụ khanh Kỹ Thuật Số Cédric O đã xác nhận với Le Monde rằng một ứng dụng trên điện thoại có khả năng được dùng đến để hỗ trợ cho tiến trình “phi phong tỏa hóa”.
Đủ loại phản ứng dè dặt trước một công cụ về bản chất là để theo dõi
Tờ báo thiên hữu Pháp ghi nhận: Thông báo về việc này đã làm dấy lên nhiều phản ứng dè dặt trong chính giới Pháp, kể cả trong hàng ngũ của các đại biểu dân cử trong đảng Cộng Hòa Tiến Bước đang cầm quyền.
Ngoài những mối quan ngại liên quan đến quyền tự do cá nhân mà việc theo dõi đặt ra, Le Figaro đã nêu lên một loạt vấn đề có thể khiến cho việc sử dụng ứng dụng tin học này không mấy hiệu quả.
Tờ báo ghi nhận: “Công luận có dấu hiệu ủng hộ việc dùng đến công cụ này, nhưng vấn đề là cần phải thuyết phục được đa số người dân Pháp tải về và dùng đến ứng dụng đó. Có điều là hiện có 13 triệu
người Pháp không có điện thoại thông minh, trong đó đa phần lại là những người lớn tuổi, là thành phần dễ bị nhiễm virus corona nhất”.
Libération: “StopCovid: Những đám mây trước lúc dùng ứng dụng”
Theo Libération, chính phủ cố trấn an về tính chất của hệ thống theo dấu nhằm đối phó với dịch Covid-19, nhưng những tâm lý lo ngại vẫn còn rất mạnh.
Tờ báo nêu bật cam kết của chính phủ Pháp, theo đó việc áp dụng phương tiện theo dõi này được giới hạn trong thời gian, và những ai không đồng ý cài đặt ứng dụng sẽ không phải chịu bất kỳ hậu quả nào.
Tuy nhiên, hiệp hội bảo vệ quyền tự do La Quadrature du Net chẳng hạn thì tỏ ý rất nghi ngờ: “Kể cả khi tất cả các tiêu chí công nghệ và pháp lý đều được tôn trọng, đây vẫn là một công cụ để theo dõi và giám sát mọi người”. Mặt khác, liệu những người bị nhiễm Covid-19 thực sự có quyền từ chối cài đặt ứng dụng này hay không trước “sức ép của xã hội” đòi họ phải dùng phương tiện này…
Les Echos: Cả châu Âu đều muốn theo dõi bệnh nhân Covid-19
Tờ báo Pháp cũng đề cập đến ứng dụng StopCovid trên trang nhất trong bài “Theo dõi: Nhà Nước chuẩn bị khả năng này như thế nào”.
Theo tờ báo, dự án này đã làm dấy lên những phản ứng dè dặt dữ dội, ngay cả trong những chính khách thuộc đa số đang cầm quyền tại Pháp. Đối với Les Echos, có hai vấn đề chưa được rõ ràng: Tính hữu ích trên bình diện y tế của ứng dụng, cũng như những điều kiện kỹ thuật cho phép bảo vệ đời tư của người dân.
Les Echos ghi nhận rằng những sáng kiến tương tự cũng xuất hiện ở nhiều nước châu Âu khác. Tình hình này đã buộc Ủy Ban Châu Âu phải suy nghĩ đến việc đề ra một khuôn khổ chung để quản lý các hệ thống định vị, sao cho các quyền tự do được tôn trọng, và những ứng dụng tại những nước khác nhau có thể ít nhiều tương thích với nhau.
Les Echos: 2 tuần phong tỏa vì Covid-19 xóa đi 5 năm tăng trưởng của Pháp
Nhật báo kinh tế Pháp ghi nhận: Theo Ngân Hàng Pháp Quốc (tức là Ngân Hàng Trung Ương Pháp) ngày 08/04/2020, GDP của nước Pháp dự trù tuột giảm 6%. Nguyên nhân đến từ các biện pháp phong tỏa được chính phủ ban hành để chống dịch Covid-19.
Một cách cụ thể, Ngân Hàng Pháp Quốc cho biết là guồng máy sản xuất của Pháp chỉ hoạt động có 32% khả năng của mình, một ước tính rất gần với đánh giá của Viện Thống Kê Insee, nói đến mức 35%. Mức tiêu thụ các hộ gia đình cũng sụt giảm khoảng 30%.
Đối với Les Echos, phải lần ngược về giữa năm 2015 mới thấy GDP sụt giảm đến 6%. Nói cách khác, chỉ hai tuần phong tỏa vừa qua, đã xóa đi gần 5 năm tăng trưởng của nước Pháp. Thiệt hại rất to lớn vì mỗi tuần phong tỏa làm nước Pháp mất đi gần 20 tỷ euro
Libération lo ngại: “Tự do (đang) bị phong tỏa” tại Pháp
Báo Libération đã liệt kê một loạt yếu tố cho thấy tình trạng mất tự do hiện nay: “Đi lại bị hạn chế, tụ tập bị cấm, bị cảnh sát kiểm tra đôi khi một cách tùy tiện, chủ trương theo dõi bằng phương tiện kỹ thuật số…”.
Theo ghi nhận của tờ báo, các biện pháp đặc biệt kể trên, được đưa ra để chiến đấu chống dịch Covid-19, đang khiến giới bảo vệ các quyền tự do lo lắng. Họ sợ rằng tàn dư của các biện pháp phi tự do đó sẽ tiếp tục tồn tại sau khi khủng hoảng được vượt qua.
Les Echos: “Chloroquine: Hứa hẹn và nghi vấn”
Theo tở báo, tính chất hữu hiệu của liệu pháp dùng Chloroquine để trị bệnh Covid đã làm dấy lên những tranh luận gay gắt, đặc biệt là những chỉ trích theo đó giáo sư Didier Raoult, người đề xuất ra liệu pháp, đã thiếu trung thực khi cho thử nghiệm cách chữa của mình.
Trên tờ báo kinh tế Pháp, giáo sư Didier Raoult đã đích thân chấp bút bảo vệ phương pháp trị liệu của ông.
Les Echos đồng thời điểm lại những liệu pháp khác, ngoài việc dùng chất chloroquine, để trị bệnh do virus corona gây ra.
La Croix: Những gì đã biết (hay chưa biết) về virus corona
“Con virus qua 15 câu hỏi” là tựa đề lớn trên trang nhất nhật báo Công Giáo, trên nền hình của con virus corona, nhưng được tô màu xanh, màu thường được cho là màu của hy vọng trong tâm thức người phương Tây.
Toàn cảnh dịch bệnh nói chung, theo mô tả của La Croix, khá u ám với 4 tỷ người phải sống trong hoàn cảnh bị phong tỏa tại khoảng một trăm quốc gia, với mốc 10 ngàn người chết đã bị vượt qua ở Pháp.
Trong tình hình đó, theo La Croix, hiểu biết về con virus corona chủng mới này vẫn chưa nhiều, với rất nhiều vấn đề vẫn ở dạng giả thuyết.
Tờ báo thận trọng nhấn mạnh rằng “Tất cả các thông tin được trình bày trong hồ sơ chỉ có giá trị vào thời điểm hiện nay, và không loại trừ khả năng trong vòng vài ngày hoặc vài tuần tới đây, tình hình sẽ chuyển biến khác đi nhờ các bước tiến của khoa học và y học trong việc tìm hiểu con virus”.
Les Echos: “Virus corona: Vì sao Donald Trump tấn công WHO”
Trên bình diện quốc tế, Les Echos đã rất chú ý đến đòn tấn công mới nhất của tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm vào Tổ Chức Y Tế Thế giới WHO, khi ông dọa cắt nguồn tài trợ của Hoa Kỳ dành cho định chế Liên Hiệp Quốc này.
Tờ báo Pháp nhắc lại là vào đầu tháng Tư, một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ củng cố thêm mối nghi ngờ phổ biến ở Washington là Bắc Kinh không nói thật trên số ca tử vong do virus corona gây nên tại Trung Quốc.
Theo chính quyền Mỹ, những thông tin không đúng thật đã không cho phép các quốc gia khác đánh giá được mức độ dữ dội của đại dịch để chuẩn bị đối phó.
Vấn đề là WHO đã không phủ nhận các số liệu của Bắc Kinh. Và theo ông Donald Trump, WHO còn phản đối quyết định của Washington cấm các chuyến bay đến từ Trung Quốc, điều này cho thấy một sự thiên vị nào đó. Ông Donald Trump còn than phiền về phần đóng góp to lớn của Mỹ cho WHO.
Theo Les Echos, trong năm 2018-2019, ngân sách của WHO là khoảng 4,5 tỷ đô la. WHO nhận đóng góp của các cá nhân giàu có, các nhà hảo tâm, nhưng phần lớn thu nhập đến từ tài trợ của các quốc gia thành viên.
Và trên điểm này, Les Echos cho là ông Trump có lý khi than phiền, vì Mỹ rất hào phóng. Mỗi thành viên, trong số 194 quốc gia, đóng góp cho ngân sách WHO, tùy theo kích thước và mức sống của người dân chứ không phải là dựa trên GDP.
Kết quả là Mỹ đóng góp đến 22% trên tổng số tiền tài trợ từ các quốc gia cho WHO, trong lúc đóng góp của Trung Quốc chỉ là 8%, Pháp là 4,8%. Đây quả là một điều không mấy cân xứng khi mà GDP của Trung Quốc, như trong năm 2018, lên đến 25.270 tỷ đô la, trong lúc Mỹ “chỉ” là 20.494 tỷ.
Le Monde: Singapore đối phó với “làn sóng” Covid-19 thứ hai
Trở lại tình trạng dịch Covid-19 đang lây lan tại Đông Nam Á, Le Monde đặc biệt quan tâm đến tình hình Singapore.
Theo tờ báo, Singapore được xem như một điển hình trong việc xử lý nạn dịch gần đây, hiện đang phải đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn chống virus trong bối cảnh các ca nhiễm đột nhiên tăng lên.
Tính hữu hiệu của “mô hình” Singapore được ca ngợi là hữu hiệu trong việc chống Covid-19 lây lan có lẽ đang cho thấy giới hạn. Ngay cả trước khi số người bị nhiễm tăng vọt những ngày qua – 66 ca nhiễm mới ngày thứ Hai, 06/04 và 106 một hôm sau, Singapore đã quyết định cứng rắn hơn trong chiến lược chống virus: Đóng cửa tất cả những cửa hiệu, thương xá, nhà hàng. Và lần đầu tiên trường học buộc phải đóng kể từ 08/04.
Chính quyền cảnh báo là làn sóng chấn động của dịch bệnh có thể kéo dài đến năm 2021. Vào hôm thứ Hai 06/04, số ca nhiễm tính từ đầu khủng hoảng tại Singapore lên đến 1.381 người với 6 ca tử vong.
Theo Le Monde, “làn sóng” lây nhiễm thứ hai này, cũng sẽ dâng lên khắp vùng Đông Nam Á, nhưng sẽ không nghiêm trọng như ở Châu Âu hay Mỹ.
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200409-covid-19-chi%CC%81nh-phu%CC%89-pha%CC%81p-mu%C3%B4%CC%81n-theo-d%C3%A2%CC%81u-b%C3%AA%CC%A3nh-nh%C3%A2n-d%C6%B0-lu%C3%A2%CC%A3n-lo-ngai

Tin tổng hợp
(RFI) – Nhật Bản vượt ngưỡng 5000 ca nhiễm virus corona. 
Tổng số người nhiễm virus corona tính đến hôm nay 09/04/2020 đã vượt ngưỡng 5.000 ca. Tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay là 85 người. Tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu lắng dịu, cho dù thủ tướng Shinzo Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo, tỉnh Osaka và 5 vùng đông dân khác. Lãnh đạo vùng Aichi, miền trung nước Nhật, cũng đề nghị được đặt trong trình trạng khẩn cấp. Phát ngôn viên chính phủ, Yoshihide Suga, cho biết quyết định sẽ được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia.
Tại Đông Nam Á, chính quyền Singapore ban hành lệnh phong tỏa. Còn Indonesia hôm qua bắt đầu cho áp dụng nhiều biện pháp chống dịch bệnh Covid-19. Ở thủ đô Jakarta, các trường học và nhiều công sở phải đóng cửa. Đại học Jakarta dự báo sẽ có khoảng 240.000 ca tử vong tại Indonesia.
(AFP) – Phần Lan mua phải « khẩu trang dỏm » của Trung Quốc. 
Chính phủ Phần Lan ngày 08/04/2020 cho biết, lô hàng 2 triệu khẩu trang y tế đặt mua cả Trung Quốc « không đáp ứng tiêu chuẩn chống virus corona ».  Bộ trưởng Y Tế Aino Kaisa Pekonen đã thông báo trước là hàng mua của Trung Quốc sẽ phải được « kiểm tra và xét nghiệm trước khi phân phối cho các bệnh viện Phần Lan ». Một giới chức y tế tại Helsinki không giấu « thất vọng» về chữ «tín» của các đối tác Trung Quốc. Trong những tuần qua, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Úc đều đã gửi trả lại về nguyên quán khẩu trang Made in China.
(Reuters) – 10.000 bệnh nhân nhiễm virus corona tại Nga. 
Một ngày sau khi tổng thống Putin tuyên bố nước Nga đang đứng trước một « thời khắc quyết định » của mùa dịch, bộ Y Tế hôm 09/04/2020 cho biết số người bị nhiễm tăng vọt. Trong 24 giờ qua đã có thêm 1.459 ca được nghi nhận, thêm 13 bệnh nhân tử vong. Trên toàn quốc có hơn 10.000 người dương tính với virus corona và 76 người chết.
(Ouest-France) – Cầu thủ bóng đá Anh gây quỹ chống dịch Covid-19.
Sáng kiến mang tên #PlayersTogether nhằm quyên góp tiền để giúp đỡ nhân viên của cơ quan y tế quốc gia Anh NHS hiện đang trên tuyến đầu chống dịch bệnh. Trong một thông cáo vào hôm qua 08/09, đại diện tập thể các cầu thủ lập quỹ cho biết đây là quỹ riêng, không liên quan đến Premier League (giải Ngoại hạng Anh) hay các câu lạc bộ. Đầu tháng 4, Premier League từng đề xuất cắt giảm 30% lương của các cầu thủ nhưng Nghiệp đoàn cầu thủ Anh (PFA) cho rằng biện pháp này sẽ kéo theo hệ quả là thuế thu nhập mà các cầu thủ nộp sẽ giảm, khiến ngân sách quốc gia giảm theo, điều này càng không có lợi cho NHS.
(France 24) – Liên quân Ả Rập Xê Út đơn phương ngừng bắn tại Yemen vì Vovid-19. 
Lệnh hưu chiến của Ryad có hiệu lực từ hôm nay 09/04 và kéo dài hai tuần nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona tại Yemen, đất nước đang trong cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Một lãnh đạo của Ả Rập Xê Út hôm qua nói rằng Ryad hy vọng phe nổi dậy Houthi ở Yemen do Iran hậu thuẫn cũng đồng ý hưu chiến. Nhưng hiện giờ phe này vẫn chưa có hồi đáp.
(AFP) – Madagascar thông báo có thảo dược trị virus corona. 
Tổng thống Madagascar Andry Bajoelina tối 08/04/2020 thông báo trên đài truyền hình sẽ cho thử nghiệm về một loài dược thảo có thể điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ông được tin này qua một bức thư. Lãnh đạo Madagascar đương nhiên không tiết lộ thêm về loài dược thảo đó hay danh tính người đã gửi bức thư này cho ông mà chỉ thông báo sẽ cho tiến hành thử nghiệm và nhiều nhà khoa học, các công ty dược phẩm muốn cùng tham gia.
(AFP) – Pháp : Bệnh viện Henri Mondor mở thêm 85 giường điều trị trong khoa hồi sức.  
Bệnh nhân đầu tiên sẽ được đưa về đây điều trị ngay từ chiều 09/04/2020. Khu vực vừa được khánh thành tại bệnh viện Mondor được cho là cực kỳ tối tân với các trang thiết bị y tế hiện đại nhất bắt đầu hoạt động 5 tháng trước thời hạn. 85 giường trong khoa hồi sức nói trên nhằm giảm bớt áp lực cho các bệnh viện tại vùng Paris và phụ cận để đối mặt với Covid-19.
(AFP) – Dầu hỏa tăng giá trở lại. 
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa OPEC cùng với Nga họp lại qua video vào hôm nay 09/04/2020 khiến giá dầu tăng thêm 3 % so với phiên giao dịch chiều qua. Trên nguyên tắc các nhà xuất khẩu dầu hỏa thế giới sẽ đồng ý với nhau giảm mức cung cấp trong lúc thị trường đang bị đóng băng vì Covid-19. Theo bộ trưởng Năng Lượng Koweit, các nhà cung cấp dự trù cắt giảm từ 10 triệu đến 15 triệu thùng dầu mỗi ngày nhằm giữ giá dầu hỏa. Nga có thể giảm 14 % mức cung cấp so với hồi quý 1 vừa qua.
(Le Monde) – Oxfam : Thêm 500 triệu người trên thế giới bị nạn đói đe dọa vì Covid-19. 
Trong một báo cáo công bố hôm nay 09/04/2020, tổ chức phi chính phủ Oxfam ước tính sẽ có thêm 6-8% dân số thế giới rơi vào đói nghèo, nếu các kế hoạch hỗ trợ những nước dễ bị tổn thương nhất không được nhanh chóng triển khai. Cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn thế giới như vậy sẽ thụt lùi 10 năm, nhiều nơi như châu Phi hạ Sahara, Trung Đông, Bắc Phi thụt lùi 30 năm. Oxfam kêu gọi cứu trợ trực tiếp cho những người bị tác động nặng nề nhất, ưu tiên trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ, hủy nợ năm nay cho các nước nghèo nhất.
http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200409-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 9/4:

WHO bị chỉ trích, Bắc Kinh lên tiếng bảo vệ

Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (9/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả phần tóm lược của những tin sau:
Ứng viên Sanders từ bỏ tranh cử tổng thống Mỹ
Ứng viên tổng thống Bernie Sanders của đảng Dân chủ đã dừng chiến dịch tranh cử của mình vào thứ Tư. Quyết định này của ông Sanders đã dọn đường cho cựu Phó Tổng thống Joe Biden làm người đại diện cho đảng Dân chủ tranh cử với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump vào tháng 11 tới, theo Reuters.
Ông Sanders, 78 tuổi, thừa nhận rằng ông rút lui vì không có nhiều cơ hội chiến thắng sau một loạt các thất bại trước ông Biden trong cuộc đua làm ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ.
Mặc dù chấp nhận thua đối thủ, nhưng ông Sanders tuyên bố sẽ hợp tác với ông Biden, cựu phó của Obama, nhằm đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm nay.
WHO bị chỉ trích, Bắc Kinh lên tiếng bảo vệ
Fox News đưa tin, bộ máy tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc hôm thứ Tư đã đồng loạt lên tiếng bảo vệ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau khi Tổng thống Trump cảnh báo Mỹ sẽ cắt tài trợ cho WHO vì sự quỵ lụy của tổ chức này đối với Bắc Kinh.
Người đứng đầu WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, đang đối mặt với làn sóng chỉ trích và yêu cầu từ chức, sau khi ông này thể hiện sự yếu kém và đồng thuận với chính quyền Trung Quốc trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Hiện đã có gần 800.000 người ký tên tại trang thỉnh nguyện Change để yêu cầu ông này từ chức và con số đang tiếp tục gia tăng.
Không có dấu hiệu muốn từ chức, hôm thứ Tư, ông Tedros kêu gọi Mỹ “đoàn kết” với Trung Quốc để chống lại dịch bệnh toàn cầu và tránh “chính trị hóa loại virus này”.
Nếu Hoa Kỳ cắt viện trợ cho WHO, khả năng cao là tổ chức này sẽ phải chấm dứt hoạt động. Năm 2019, Mỹ tài trợ hơn 400 triệu USD cho WHO, gần gấp đôi đóng góp của nước thành viên lớn thứ hai. Ngược lại, Trung Quốc chỉ đóng góp 44 triệu USD.
Chính phủ Syria tiếp tục bị cáo buộc đã sử dụng vũ khí hóa học
Cơ quan giám sát vũ khí hóa học quốc tế (OPCW) hôm thứ Tư lần đầu tiên chính thức lên tiếng chỉ trích chính phủ Syria về các cuộc tấn công vũ khí hóa học khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Theo AFP, cơ quan này cho biết lực lượng không quân của Tổng thống Bashar al-Assad đã sử dụng khí gas sarin và clo ba lần vào năm 2017.
OPCW cho biết một nghiên cứu của tổ chức này “đã kết luận rằng có cơ sở hợp lý để tin rằng thủ phạm sử dụng sarin và clo làm vũ khí hóa học ở Lataminah [Syria] vào năm 2017 là những cá nhân thuộc Không quân Syria”.
OPCW nói rằng nhóm nghiên cứu của họ không thể xác định chính xác các mệnh lệnh từ chính phủ Syria buộc quân nhân sử dụng vũ khí hóa học, nhưng khẳng định rằng mệnh lệnh này phải được phát đi từ các chỉ huy cấp cao trong chính quyền Bashar al-Assad.
Ý: Sập cầu giữa mùa dịch, không có người tử vong
Reuters đưa tin, một cây cầu nằm trên tuyến đường liên tỉnh ở miền bắc nước Ý đã bị sập hôm thứ Tư, nhưng do quốc gia này đang phong tỏa để chống dịch viêm phổi Vũ Hán nên chỉ có hai phương tiện giao thông trên cầu lúc xảy ra tai nạn, không có thiệt hại về sinh mạng.
Một phát ngôn viên của đội cứu hỏa cho biết, sự việc xảy ra vào khoảng 10h25 giờ địa phương. Cây cầu bị gẫy dài 260 mét, bắc qua sông Magra, nằm trên trục đường SS330 nối hai tỉnh Genova và Florence của Ý.
Chỉ có hai xe tải lưu thông tại thời điểm cây cầu bị bị gãy. Người phát ngôn của đội cứu hỏa nói rằng tài xế của hai xe tải này bị thương nhẹ và đã được đưa tới bệnh viện.
Thủ tướng Anh đang phục hồi sau khi nhiễm nCoV
Một quan chức cấp cao của chính phủ Anh nói rằng, tình trạng bệnh Covid-19 của Thủ tướng Boris Johnson vào thứ Tư đã được “cải thiện” nhưng ông vẫn đang ở trong phòng điều trị đặc biệt, AFP đưa tin.
Trong một cuộc họp báo ngắn, Bộ trưởng tài chính Anh Rishi Sunak cho biết: “Thủ tướng đã ngồi dậy được”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-9-4-who-bi-chi-trich-bac-kinh-len-tieng-bao-ve.html

Điểm tin thế giới chiều 9/4:

Tổng thống Trump cảnh báo điều tra WHO

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Năm (9/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Tổng thống Trump cảnh báo điều tra WHO
Tổng thống Trump hôm 8/4 tiếp tục chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồng thời cảnh báo sẽ điều tra.
“Chúng tôi sẽ xem xét một cuộc điều tra và chúng tôi sẽ ra quyết định”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói tại cuộc họp báo hàng ngày ở Nhà Trắng hôm 8/4. “WHO đã sai theo nhiều cách. Họ cũng đã giảm nhẹ mối đe dọa từ Covid-19”.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ông Trump cáo buộc WHO hôm 14/1 nói rằng nCov không lây từ người sang người và lên án việc tổ chức này chỉ trích quyết định chặn các chuyến bay từ Trung Quốc của ông.
Ca nhiễm mới Covid-19 tại Đông Nam Á tăng mạnh
Reuters đưa tin, ông Achmad Yurianto, một quan chức trong Bộ Y tế Indonesia hôm nay thông báo nước này có thêm 336 trường hợp mới nhiễm Covid-19, mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát vào tháng trước. Ông Yurianto cũng xác nhận 40 trường hợp tử vong mới, nâng tổng số lên 280. Hiện Indonesia có 3.293 ca nhiễm, trong đó 252 người đã phục hồi.
Giới chức y tế Singaporecùng ngày báo cáo thêm 142 ca nhiễm nCoV, mức tăng cao nhất từ khi xuất hiện dịch, nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên 1.623. Trong số các ca nhiễm mới, 55 ca liên quan đến các cụm dịch đã biết, 13 ca lây từ người đã nhiễm nCoV, hai ca nhập khẩu và 72 ca chưa rõ nguồn lây. Singapore đã ghi nhận 6 ca tử vong.
Malaysia ghi nhận 109 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 4.228. Số ca tử vong cũng tăng thêm 2, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh lên 67.
Philippines xác nhận thêm 206 ca nhiễm và 21 ca tử vong mới. Tổng số ca nhiễm tại Philippines là 4.076, trong đó 203 người đã tử vong. Hiện Philippines là nước chịu ảnh hưởng nhất vì dịch bệnh tại Đông Nam Á.
Thái Lan báo cáo 54 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong. Hai nạn nhân tử vong gồm một người Pháp, 74 tuổi và một người Thái, 84 tuổi. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 2.423, trong đó 32 ca tử vong.
Nhật chi 2,2 tỷ USD để các công ty rời Trung Quốc
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, Nhật Bản đã dùng 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế để giúp các công ty nước này chuyển nhà máy và hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh virus corona phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn.
Cụ thể, 220 tỷ yên (2 tỷ USD) sẽ được dùng để giúp các công ty chuyển nhà máy sản xuất về Nhật Bản và 23,5 tỷ yên để giúp các công ty muốn chuyển việc sản xuất sang nước khác, theo kế hoạch được đăng trực tuyến.
Căn cứ không quân của Mỹ ở Afghanistan bị tấn công
Căn cứ không quân Mỹ ở Afghanistan hôm nay đã bị 5 tên lửa bắn trúng nhưng không có thương vong, Reuter dẫn lời lực lượng của Afghanistan do NATO lãnh đạo cho biết. Nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công.
“Năm tên lửa đã bắn vào sân bay Bagram vào sáng sớm hôm nay”, lực lượng của Afghanistan do NATO lãnh đạo, còn gọi là lực lượng Resolute Support, cho biết trên Twitter. Đây là căn cứ không quân chính của Mỹ ở Afghanistan, nằm tại phía Bắc thủ đô Kabul.
IS tuyên bố trên mạng xã hội rằng các binh lính của họ đã nhắm mục tiêu tấn công vào một bãi đáp trực thăng tại Bagram.
Vụ tấn công xảy ra vài tuần sau khi phe Taliban và Mỹ đạt được thỏa thuận về việc rút quân đội nước ngoài do Mỹ lãnh đạo ra khỏi Afghanistan. Thỏa thuận này không bao gồm phiến quân IS.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-9-4-tong-thong-trump-canh-bao-dieu-tra-who.html

Tạp chí tiêu điểm

Cuộc đua giành đảo để chiếm ưu thế hàng hải

Minh Anh
Không còn là nơi xa xôi hẻo lánh, bị cô lập, những hòn đảo trên biển đang trở thành những mảnh ghép chiến lược quan trọng được nhiều cường quốc đua nhau chiếm đoạt hay tranh giành ảnh hưởng nhằm kiểm soát những vùng lãnh hải bao la. Việc chiếm đóng và xây dựng các đảo đá ngầm ở Biển Đông là một trong số các ví dụ điển hình nhất trong cuộc đua giành đảo này.
Mỏm đá, đảo nhỏ, đảo?
Thống kê của Liên Hiệp Quốc đưa ra một con số ấn tượng : 460.000 đảo trên khắp hành tinh. Từ cổ chí kim, nói đến đảo là nhắc đến nhiều chức năng của đảo : Một vị trí chủ chốt để kiểm soát một eo biển, Điểm giao thương và giao thoa văn hóa, Chốn thiên đường để quay phim giải trí, Một khu bảo tồn sinh thái…
Sự giầu có của một hòn đảo giờ không chỉ gắn liền với mảnh đất hình thành nên nó, và dưới thời thực dân, cho phép cường quốc cai trị đảo trở nên giầu có, mà còn đi liền với cả vùng biển bao bọc đảo – hay đúng hơn với cả đáy biển và những gì chúng cất trữ. Vậy trước hết, như thế nào mới được xem là đảo ? Bà Marie Redon, nhà địa chất học trường đại học Paris 13, tác giả tập sách « Vị thế địa chính trị của các đảo » (Nhà xuất bản Le Cavalier Bleu) giải thích trên đài RFI :
« Định nghĩa nghe có vẻ hiển nhiên. Nếu chúng ta bảo một ai đó « vẽ cho tôi một hòn đảo đi », một cách ngẫu nhiên, chúng ta sẽ có một mảnh đất chung quanh bao bọc nước và điều này chỉ dừng ở đó. Như vậy, một mảnh đất xung quanh toàn là nước, đương nhiên rồi, nhưng mảnh đất nào mới được ? Diện tích mảnh đất đó là bao nhiêu ? Liệu đó có là một mỏm đá, một đảo nhỏ ? Hay đó là một mảnh đất không nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống để được xem là một hòn đảo ? Phải chăng nước Anh vẫn luôn là đảo bất chấp đường hầm dưới biển Manche ? Hay như đảo Ré (phía tây nước Pháp) vẫn luôn là một hòn đảo ?
Thật tình, có điều gì đó thoáng nghĩ có vẻ rất rõ ràng trong định nghĩa về đảo, nhưng đồng thời cũng cực kỳ phức tạp khi chúng ta đi sâu hơn trong khái niệm này. Do vậy, định nghĩa đơn giản : Đó là một mảnh đất chung quanh bao bọc nước. Định nghĩa phức tạp hơn, dĩ nhiên chúng ta sẽ đề cập đến trong suốt chương trình này. Điều quan trọng đối với tôi chính là bản thân định nghĩa về đảo cũng đang trở thành một thách thức địa chính trị và kinh tế quan trọng. »
Vùng đặc quyền kinh tế : 200 hay 350 hải lý ?
Thế rồi xuất hiện một ký hiệu rất dễ thương nhưng có một tầm quan trọng lớn: Đó là EEZ – vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (tương đương với 370,4 km) được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS lần III công bố năm 1982. Điều này có nghĩa là từ đường bờ biển, các quốc gia ven biển được quyền tiến ra khơi xa đến 370,4 km. Việc quốc tế công nhận vùng đặc quyền kinh tế EEZ đã mở đường cho quyết định công nhận các đảo quốc nhỏ đang phát triển như là một nhóm quốc gia đặc biệt trong lòng tổ chức quốc tế này 10 năm sau đó. Nhờ có EEZ mà vai trò những đảo quốc nhỏ này cũng tăng dần cùng với thời gian trên bàn cờ địa chính trị.
Lợi ích kinh tế và chiến lược từ biển cả mang về ngày càng lớn do vậy ngày càng có nhiều quốc gia đòi hỏi mở rộng EEZ. Hiện Tòa Án Công Lý Quốc Tế đang xem xét khả năng mở rộng các vùng đặc quyền kinh tế từ 200 hải lý lên đến 350 hải lý. Nghĩa là các nước duyên hải có thể vươn ra khơi xa đến 600 km tính từ bờ biển. Câu hỏi đặt ra : Vì sao là 200 và 350 hải lý ? Bà Marie Redon giải thích tiếp :
« Vì sao là 200 hải lý và 350 hải lý ? Con số 200 hải lý, độ rộng này không phải được chọn một cách ngẫu nhiên. Con số này từng phù hợp và bây giờ vẫn phù hợp với dòng hải lưu Humboldt, đi dọc theo bờ biển Thái Bình Dương. Đòi hỏi 200 hải lý này là do các quốc gia duyên hải như Pêru, Chilê đưa ra nhằm bảo vệ các vùng ngư trường của họ. Bởi vì khi người ta đề cập đến vùng EEZ này, đây là một thuật ngữ rất quan trọng, những quốc gia đó muốn độc quyền bảo vệ các nguồn tài nguyên như thủy sản và tài nguyên dưới lòng đáy biển.
Còn 350 hải lý tương đương với việc mở rộng ranh giới thềm lục địa. Ở đây chúng ta đang bước vào lĩnh vực thuật ngữ hải dương học. Thềm lục địa chính là việc nối dài về mặt kỹ thuật từ đất liền ra biển cả, và thường thì chính sâu dưới thềm lục địa chúng ta sẽ tìm thấy các nguồn dầu khí. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của mọi yêu sách. Bởi vì, những quốc gia nào không có nước láng giềng đối mặt, có thể mở rộng và có một thềm lục địa vượt quá 200 hải lý với nguồn dầu hỏa được tìm thấy hoặc có hy vọng tìm thấy dưới thềm lục địa thì những nước đó sẽ tìm cách đẩy xa hơn nữa giới hạn này. »
Cuộc đua giành đảo : Hoàng Sa, Trường Sa là ví dụ điển hình
Đây chính là trường hợp của nhiều cường quốc lớn hiện nay như Hoa Kỳ, Pháp, vốn dĩ là những quốc gia có EEZ rộng lớn nhất thế giới. Và đó cũng chính là nguyên nhân của mọi xung đột trong tương lai. Tại Bắc Băng Dương, dưới tác động của hiện tượng khí hậu ấm dần, băng tuyết tại đây tan nhanh dẫn đến sự thèm muốn sở hữu những vùng lãnh hải được cho là giầu nguồn tài nguyên chưa được khai thác và có thể sẽ là những con đường hàng hải chiến lược trong tương lai.
Hoa Kỳ, Nga, Canada… bắt đầu khởi động cuộc đua giành quyền kiểm soát nhiều đảo quan trọng. Sự kiện gây chú ý gần đây nhất là ý định mua đảo Groenland bất thành của tổng thống Mỹ Donald Trump do bị Đan Mạch bác bỏ. Vụ việc thoáng nghe có vẻ khôi hài nhưng thật chất đó là cả một ý đồ chiến lược của Mỹ, nhằm bảo vệ sân sau Bắc Cực trước thế mạnh đang lên của Nga và Trung Quốc.
Nếu như các cường quốc xưa và nay rất « chăm chút » cho việc mở rộng ảnh hưởng hàng hải của mình, thì những cường quốc mới trỗi dậy cũng tìm cách chen chân vào cuộc chơi. Trung Quốc, những năm gần đây, một mặt không ngừng mở rộng quan hệ với các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương, nhằm triệt tiêu dần nguồn lực ủng hộ của Đài Loan, hòn đảo « cứng đầu, khó trị » luôn tìm cách cưỡng lại mọi ý đồ hợp nhất Đài Loan về với Hoa Lục. Mặt khác, Bắc Kinh liên tục xâm chiếm các bãi đá ngầm ở Hoàng Sa và Trường Sa, rồi tiến hành cải tạo biến chúng thành đảo, lập các tiền đồn quân sự. Hành động này của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị các nước có tranh chấp chủ quyền tại những bãi đá ngầm như Việt Nam, Philippines phản đối gay gắt. Năm 2013, chính quyền Manila quyết định kiện Trung Quốc trước Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về việc nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn đối với toàn bộ vùng Biển Đông.
Năm 2016, Tòa án quốc tế La Haye ra phán quyết bất lợi, không công nhận chủ quyền của Bắc Kinh tại những bãi đá ngầm trên. Về điểm này, bà Marie Redon cho rằng chính hồ sơ này cũng cho thấy rõ có những bất cập và một số kẽ hở pháp lý về cách định nghĩa như thế nào là đảo.
« Thời gian gần đây, tôi cho là khoảng những năm 2016 – 2017, một phán quyết của tòa án Công lý Quốc tế đã được đưa ra nêu rõ định nghĩa về đảo khi cho rằng đảo phải là một mảnh đất nổi lên mặt nước khi thủy triều lên và không phải do nhân tạo, mà phải là tự nhiên. Và yếu tố cuối cùng chính là đảo phải có thể thích hợp với điều kiện sinh sống của con người.
Thế nhưng, thuật ngữ « thích hợp với điều kiện sinh sống con người » lại không mấy rõ ràng. Liệu việc « thích hợp cho điều kiện sinh sống con người » này có được là nhờ vào nguồn cung cấp từ bên ngoài hay là tự thân, điều này chưa mấy rõ. Dẫu sao thì các luật gia, các chuyên gia về luật biển cũng đang suy nghĩ về khái niệm này.
Trong trường hợp của Hoàng Sa và Trường Sa, tôi nhớ là vào năm 2014, chúng tôi có xem những bức ảnh chụp làm cho mọi người phì cười bởi vì quý vị sẽ thấy những hòn đảo ở đây đang phình to ra, đúng hơn là những đảo nhỏ, những mỏm đá đang phình to. Bởi vì Trung Quốc hy vọng có thể biến các mỏm đá thành đảo, những bãi đá không nhô lên khỏi mặt nước lúc thủy triều lên và những bãi đá này không hề có quy chế đảo.
Biến bãi đá ngầm thành đảo khi cho xây dựng ở đó các cảng sân bay trực thăng, cảng biển … phán quyết của La Haye đưa ra là « Không ». Đây không phải là những hòn đảo. Đó chỉ là những bãi đá ngầm, do vậy quý vị không được quyền có vùng đặc quyền kinh tế EEZ cùng với các mục tiêu địa chất. Quý vị chỉ có quyền một vùng lãnh hải 6 hải lý nhưng không có quyền vùng EEZ. »
Mỗi một siêu cường một « bảo bối »
Không chỉ tại Biển Đông, tham vọng của Trung Quốc còn mở rộng sang cả vùng Ấn Độ Dương, cạnh tranh với Ấn Độ giành quyền kiểm soát tuyến lưu thông hàng hải thiết yếu qua việc lập các căn cứ quân sự hay xây cảng biển tại các nước đối tác trong khu vực với dự án « chuỗi ngọc » nổi tiếng. Bà Marie Redon tóm lược chính sách chinh phục đảo của Trung Quốc cũng như một số cường quốc như sau.
« Để tóm tắt, về tình hình Biển Đông, tại Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như tại Ấn Độ Dương, nếu nhìn trên bản đồ, người ta nhận thấy là không gian hàng hải ở đây thật sự bị khép kín và căng thẳng gia tăng bởi vì một cuộc đua chiếm hữu không chỉ về mặt lãnh thổ thông qua việc chiếm đảo, mà nhất là cả « đất biển » như vùng EEZ, những gì mang lại cho Trung Quốc quyền khai thác đối với các nguồn tài nguyên biển, dầu hỏa và cả với việc kiểm soát lối đi chiến lược.
Bởi vì, 90% giao thương thế giới đều được thực hiện bằng con đường hàng hải. Đương nhiên, việc có một hòn đảo nằm ngay giữa một eo biển giống như trường hợp nước Pháp tại eo biển Mozambic đối với quần đảo Eparses chẳng hạn, điều đó đồng nghĩa với việc có quyền giám sát những gì đang xảy ra và ai đi qua eo biển này ! »
Tóm lại, trong cuộc đua giành đảo này, Trung Quốc không hề đơn thương độc mã. Mỗi một siêu cường đều nhắm một « bảo bối » riêng. Về việc Trung Quốc chiếm lấy toàn bộ Biển Đông, phương Tây cũng khó mà lên tiếng, nên chỉ đành chấp nhận ở việc kêu gọi « tự do lưu thông hàng hải » mà thôi !
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200409-cu%E1%BB%99c-%C4%91ua-gi%C3%A0nh-%C4%91%E1%BA%A3o-%C4%91%E1%BB%83-chi%E1%BA%BFm-%C6%B0u-th%E1%BA%BF-h%C3%A0ng-h%E1%BA%A3i

Tin Việt Nam – 09/04/2020

Tin Việt Nam – 09/04/2020

Thanh tra Chính phủ thành lập tổ công tác

đối thoại với người dân Thủ Thiêm

Thanh tra Chính phủ vào ngày 9/4 ký quyết định thành lập tổ công tác phục vụ đối thoại với người dân khiếu nại liên quan dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2.
Cụ thể, tổ công tác gồm 8 thành viên và do ông Nguyễn Hồng Điệp trưởng ban tiếp công dân Trung ương làm Tổ trưởng. Nhiệm vụ của tổ này gồm chuẩn bị nội dung, tổ chức đối thoại, ghi biên bản và phối hợp với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ để trả lời người dân khi có yêu cầu.
Đồng thời, phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng với các cơ quan chức năng địa phương để chuẩn bị cơ sở vật chất và đảm bảo an ninh trật tự buổi đối thoại với người dân khiếu nại trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo truyền thông trong nước, ngày 16/1 Ủy ban Nhân dân Thành phố có quyết định dời cuộc đối thoại đầu năm 2020 với người dân Thủ Thiêm nhưng vì lý do tập trung chăm lo Tết Nguyên đán nên dời lịch ra sau tết.
Sau đó Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Nhân dân Thành phố đã thống nhất cuộc tiếp xúc đối thoại với người dân Thủ Thiêm có khiếu nại nhà đất nằm ngoài ranh quy hoạch, buổi đối thoại dự kiến diễn ra từ ngày 17-22/2. Tuy nhiên, vì lý do tình hình dịch bệnh Coronavirus bùng phát nên tạm thời vẫn chưa thể tổ chức cuộc đối thoại với người dân.
Nhiều năm qua, người dân bị cưỡng chế nhà phi pháp ở Thủ Thiêm đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan Trung ương đề nghị Chính phủ lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các vấn đề liên quan đến dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Những người khiếu kiện  yêu cầu làm rõ các thiệt hại của người dân Thủ Thiêm trong đền bù, giải tỏa…Thanh tra chính phủ và Ủy ban Nhân dân thành phố đã nhiều lần tiếp xúc đối thoại với người dân Thủ Thiêm nhưng đến này vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm khiếu nại cho người dân.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/government-inspectorate-set-up-a-dialogue-group-with-thu-thiem-people-04092020082440.html

Gia đình Luật sư Bùi Quang Tín đề nghị khởi tố vụ án

Vợ của Luật sư Bùi Quang Tín, bà Nguyễn Thanh Bích, vừa gửi đơn đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM và Viện KSND TP.HCM yêu cầu khởi tố vụ án hình sự liên quan ông Tín bị ngã lầu tử vong vào hôm 5/4.
Truyền thông trong nước cho biết đơn yêu cầu này được bà Bích gửi đi trong ngày 8/4. Trong đơn, bà Bích đề nghị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM nhanh chóng khởi tố vụ án hình sự, điều tra làm sáng tỏ về cái chết của Luật sư Bùi Quang Tín để trả lại công lý cho ông và cho gia đình.
Bà Bích đã nêu rõ trong đơn rằng việc chồng bà rơi từ tầng 14 của căn hộ chung cư là do có người khác hãm hại qua dẫn chứng có sự mâu thuẫn trong lời khai của các bên liên quan, cũng như các nghi vấn từ việc chứng kiến khám nghiệm tử thi.
Báo giới cũng cho biết trong ngày 8/4, bà Bích đã ký đơn mời một số luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong giai đoạn điều tra cho đến khi vụ án kết thúc.
Tin cho biết hiện đã có ít nhất 7 luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho gia đình Luật sư Bùi Quang Tín.
Trong khi đó, Báo Tiền Phong Online, vào tối ngày 8/4 cho biết 8 cán bộ Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày để xem xét kiểm điểm, xử lý kỷ luật do vi phạm các quy định chấp hành các biện pháp về việc cách ly, phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định đối với ông Bùi Hữu Toàn và ông Nguyễn Đức Trung, là Hiệu trưởng và Hiệu phó của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM.
Năm cán bộ còn lại do Đại học Ngân hàng TP.HCM ra quyết định.
Cả 8 cán bộ vừa bị tạm đình chỉ công tác là đồng nghiệp của Luật sư Bùi Quang Tín và đã gặp gỡ, dùng cơm trưa, uống bia rượu với ông Tín ngay trước khi vụ việc ông Tín bị ngã lầu tử vong hôm 5/4.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/deceased-lawyer-bui-quang-tin-family-submits-for-prosecution-of-the-case-04092020084142.html

Vụ TS Bùi Quang Tín:

Đình chỉ 7 cán bộ Đại học Ngân hàng

Hiểu Minh
Hiệu trưởng và Hiệu phó cùng 5 cán bộ Đại học Ngân hàng TP. HCM bị đình chỉ công tác 15 ngày vì tụ tập ăn uống trong bối cảnh cách ly xã hội. 7 người này có mặt trong cuộc gặp trước khi TS Bùi Quang Tín tử vong.
Báo Lao động thông tin, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Bùi Hữu Toàn – Hiệu trưởng và ông Nguyễn Đức Trung – Hiệu phó Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM.
Ngay sau đó, phía Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM cũng đã ra 5 quyết định “Về việc tạm đình chỉ công tác đối với viên chức quản lý” đối với 5 cán bộ có mặt trong cuộc gặp mặt trước khi TS Bùi Quang Tín tử vong.
7 lãnh đạo, cán bộ đều bị đình chỉ công tác 15 ngày để xem xét, kỷ luật do vi phạm các quy định chấp hành các biện pháp về việc cách ly, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Thời gian bắt đầu từ ngày 8/4.
Theo VnExpress, trước đó 5/4, Viện trưởng Đào tạo quốc tế (thuộc Đại học Ngân hàng TP. HCM) mời 7 cán bộ trên đến căn hộ ở tầng 14 chung cư New Sài Gòn, huyện Nhà Bè ăn trưa.
17h20 cùng ngày, TS Bùi Quang Tín (khoa Quản trị kinh doanh) bị phát hiện tử vong, nghi rơi từ tầng 14 chung cư. Công an TP. HCM đang điều tra nguyên nhân cái chết của nạn nhân.
Đại học Ngân hàng TP. HCM tiền thân là trường Cao cấp Nghiệp vụ Ngân hàng cơ sở II, thành lập tháng 12/1976 tại TP. HCM. Trường là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Tháng 10/2019, ông Bùi Hữu Toàn được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường này sau hơn một năm nắm quyền Hiệu trưởng. Ngoài hai người bị đình chỉ công tác, Ban giám hiệu đại học này còn có PGS Đoàn Thanh Hà.
https://www.dkn.tv/thoi-su/vu-ts-bui-quang-tin-dinh-chi-7-can-bo-dai-hoc-ngan-hang.html

Cựu Tổng Giám đốc và cựu Kế toán trưởng PVOil bị bắt

vì liên quan Đại án OceanBank

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vào ngày 7 tháng 4 tiến hành bắt giam Ông Nguyễn Xuân Sơn, sinh năm 1959, Cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và ông Vũ Trọng Hải, sinh năm 1968, nguyên Kế toán trưởng PVOil.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 8/4 và cho biết vụ bắt giữ liên quan quyết định khởi tố vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại PVOil và Ngân hàng Đại Dương OceanBank.
Vụ án này thuộc giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, liên quan đến ‘phần tội danh’ các tổ chức kinh tế nhận ‘lãi ngoài’ của OceanBank.
Ông Hà Văn Thắm, vào năm 2016 bị truy tố ba tội danh: vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ông Thắm ra 46 người khác cũng bị truy tố.
Vào ngày 29/9/2017, ông Hà Văn Thắm bị tòa tuyên mức án chung thân vì những tội danh vừa nêu. Đến ngày 14/1/2020, Ông Hà Văn Thắm bị Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên thêm 15 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/general-director-and-former-chief-accountant-of-pvoil-were-arrested-04092020080514.html

Cáp quang biển AAG sẽ được sửa trước 22/4

Các nhà cung cấp dịch vụ internet trong nước cho biết tuyến cáp quang biển quốc tế AAG sẽ được sửa chữa từ ngày 17/4 – 21/4.
Theo thông tin từ truyền thông trong nước, đối tác quốc tế thông báo kế hoạch sửa chữa và khắc phục sự cố xảy ra trên tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gateway) tới các nhà cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam. Dự kiến trước ngày 22/4, tuyến cáp này sẽ trở lại hoạt động bình thường đảm bảo lưu lượng internet trong và ngoài nước.
Trước đó, vào tối ngày 2 tháng 4, tuyến AAG xảy ra sự cố trên nhánh S1 kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong khiến toàn bộ lưu lượng đường truyền đi qua hướng này bị mất và làm sụt giảm đáng kể băng thông đi quốc tế đối vối các nhà cung cấp dịch vụ.
Sau khi xảy ra sự cố, các nhà cung cấp dịch vụ đã định tuyến lưu lượng sang các hướng cáp biển, cáp trên đất liền khác. Tuy nhiên, AAG đã từ lâu được nhiều nhà mạng tại Việt Nam khai thác và sử dụng, vì vậy sự cố xảy ra trên tuyến cáp biển này có ảnh hưởng nhất định đến quá trình cung cấp dịch vụ.
Cùng ngày, hãng Huawei (Hoa Vi) Trung Quốc thông báo sẽ ra mắt smartphone P40 và P40 Pro tại Việt Nam vào ngày 21 tháng 4. Hai mẫu smartphone này được cho là có nhiều cải tiến về camera và những chức năng khác, như trang bị bô vi xử lý Kirin 990 5G, tăng hiệu suất AI, tiết kiệm năng lương và xây dựng ứng dụng AppGallery của riêng mình.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/submarine-cable-aag-will-be-fixed-before-april-22nd-04092020084247.html

Việt Nam nộp công hàm phản đối

Trung Quốc lên UN, cuộc chiến chưa có hồi kết

Trong công hàm mới nhất gửi Liên Hiệp Quốc (UN) vào ngày 30/3, Việt Nam đã chính thức lên tiếng bác bỏ những đòi hỏi về chủ quyền mà Malaysia và Trung Quốc đã nộp lên UN vào ngày 12/12/2019 (Malaysia )và 23/3/2020 (Trung Quốc), coi đây là “các vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông”. Đây là bước đi được đánh giá là quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam nếu Hà Nội không muốn mất đòi hỏi về chủ quyền trước Trung Quốc, nước đang đòi hỏi đến gần 90% diện tích Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển.
Nhận xét về hành động mới của Hà Nội, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA):
Trung Quốc đòi hỏi tất cả mọi thứ và đưa về năm số 0, toàn bộ Biển Đông phải thuộc về họ theo chủ quyền lịch sử và Trung Quốc sẽ không chấp nhận phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế.
Điểm đáng chú ý trong việc Việt Nam nộp công hàm phản đối Trung Quốc là để chặn Trung Quốc vì nếu họ im lặng trên trường quốc tế thì theo luật quốc tế điều này đôi khi có thể coi là họ chấp thuận (những đòi hỏi của Trung Quốc)”
Cuộc chiến chưa có hồi kết trước UN
Theo Giáo sư Carl Thayer, việc Việt Nam nộp công hàm phản đối lần này là sự tiếp tục của những gì đã diễn ra từ năm 2009 khi các quốc gia đến hạn phải nộp hồ sơ lên Uỷ ban về giới hạn thềm lục địa của UN. Vào thời điểm đó, Việt Nam và Malaysia đã nộp chung hồ sơ lên Uỷ ban này nhưng sau đó Trung Quốc đã chính thức lên tiếng phản đối trước UN.
Cuộc chiến vì vậy vẫn chưa dừng lại, và đến tháng 12/2019, Malaysia tiếp tục nộp hồ sơ đăng ký lên UN để xin công nhận phần thềm lục địa mở rộng của nước này nằm ở khu vực phía bắc Biển Đông, chồng lấn với các vùng đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam và cả Philippines.
Ngay sau đó, Trung Quốc đã gửi công hàm lên Tổng thư ký UN Antonio Guterres, yêu cầu UN không xem xét đề nghị của Malaysia vì cho rằng đòi hỏi này vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời khẳng định chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của nước này đối với các đảo ở Biển Đông.
Vào ngày 6/3, Philippines đã gửi công hàm lên UN, bác bỏ những đòi hỏi của cả Malaysia và Trung Quốc, đồng thời viện dẫn phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc hồi năm 2016. Theo phán quyết của Toà, tất cả các thực thể ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa các nước không thể được coi là đảo và do đó không có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Trung Quốc không chấp nhận phán quyết này.
Trong công hàm của mình, Việt Nam đã viện dẫn phán quyết của toà, đồng ý với những gì được đưa ra trong phán quyết, đồng thời bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa trong công hàm. Đây là quần đảo đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Công hàm có đoạn viết:
Việt Nam khẳng định Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
“Các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất; các bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng”, công văn viết.
Trung Quốc là nước đòi hỏi các thực thể ở khu vực Biển Đông phải được coi là đảo và gộp các thực thể trong quần đảo Trường Sa vào một nhóm để vẽ đường cơ sở thẳng đối với khu vực này, từ đó đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế EEZ và vùng thềm lục địa cho khu vực này. Trung Quốc cũng áp dụng đường cơ sở thẳng với quần đảo Hoàng Sa từ năm 1996.
Giáo sư Carl Thayer nhận xét, Việt Nam ở vào thế bắt buộc phải lên tiếng về vấn đề này nếu không muốn mất những đòi hỏi của mình.
Việt Nam đang thu hút sự chú ý vào đòi hỏi về quyền chủ quyền lịch sử mà Trung Quốc đưa ra. Ngoài ra theo phán quyết, Việt Nam cũng có một hướng tiếp cận thứ hai. Cụ thể, nếu bạn nhìn vào các thực thể ở Biển Đông và bạn cho con trẻ dùng thước vẽ một đường quây chúng lại và gọi đó là một nhóm thì phán quyết của Toà không cho phép như vậy. Nhưng đó chính là điều Trung Quốc đang làm. Việt Nam đang ghi nhận một cách chính thức rằng những đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp theo luật quốc tế và do đó Uỷ ban Thềm lục địa của UN không thể chấp nhận đòi hỏi phi pháp của một quốc gia.
Tuy nhiên, với cơ chế hoạt động của Uỷ ban giới hạn thềm lục địa của UN, Uỷ ban này không thể ra phán quyết đối với các đòi hỏi về chủ quyền của các nước khi vẫn có những phản đối chính thức từ các nước khác. Cụ thể, trong trường hợp này, Trung Quốc đã phản đối chính thức lên UN tất cả những đòi hỏi của các nước Malaysia, Việt Nam và Philippines. Giáo sư Carl Thayer nói tiếp:
Uỷ ban thềm lục địa kéo dài không thể chấp thuận hay chối bỏ bất cứ những hồ sơ hay công hàm nộp lên của bất cứ quốc gia nào nếu họ nhận được phản đối từ một quốc gia khác. Trung Quốc đã chặn mọi đường bằng cách khước từ đòi hỏi của Malaysia và các nước khác. Uỷ ban cũng không thể đưa ra phán quyết đối với các đòi hỏi liên quan đến các thực thể mặt đất. Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough mà Philippines cũng đòi chủ quyền và Uỷ ban không thể ra phán quyết về vấn đề này. Đây là một cuộc chiến pháp lý mà cần thiết phải tạo ra một quá trình các hồ sơ, giấy tờ liên quan. Và như chúng ta thấy là Việt Nam đã nhất quán trong việc khẳng định rằng họ có chủ quyền đồng thời phản đối các đòi hỏi của Trung Quốc.
Hy vọng về sự đồng thuận chống Trung Quốc
Điểm đáng chú ý trong hồ sơ đề nghị công nhận về chủ quyền của Malaysia lên UN, theo phân tích của Giáo sư Carl Thayer, là việc dường như nước này đang khuyến khích các nước láng giềng cùng lên tiếng chống lại những đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này khiến Việt Nam phải có tiếng nói chính thức.
Đòi hỏi của họ là không có thiên vị đối với một số vùng, cho nên trong luật thì có thể hiểu là tôi đưa ra đòi hỏi như vậy không có nghĩa là tôi từ bỏ hay thừa nhận các đỏi hỏi của chúng tôi hay của các nước khác. Như vậy, bằng cách này, Malaysia đang khuyến khích các nước khác trong khu vực tham gia thảo luận để họ có thể có những đòi hỏi của mình đối với thềm lục địa mở rộng, và đàm phán với nhau để tìm giải pháp. Trong đòi hỏi của Malaysia họ nói rõ, căn cứ theo phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào đối với những gì họ đang làm. Cho nên vì vậy Việt Nam phải làm theo và họ phải ghi nhận lập trường của mình, thu hút sự chú ý vào những hành động và đòi hỏi phi pháp của Trung Quốc.”
Những gì đang diễn ra cũng có thể là những bước chuẩn bị cho việc đàm phán Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. COC được hy vọng sẽ có tính ràng buộc về mặt pháp lý, giúp điều tiết xung đột có thể xảy ra giữa các bên liên quan đến vấn đề Biển Đông
Hiện các bên đã có lần đọc đầu tiên với bản thảo COC, và theo dự kiến thì sẽ có khoảng 3 lần đọc như vậy trước khi các bên có thể đi đến kết luận cuối cùng.
Tuy nhiên các nước vẫn chưa có một loạt các thống nhất trong một số các vấn đề, trong đó phạm vi địa lý được quy định trong COC được coi là khúc mắc lớn nhất. Việt Nam muốn đưa Hoàng Sa vào trong COC, trong khi Trung Quốc chỉ muốn bao gồm Trường Sa trong COC.
Năm 2018, Trung Quốc đã đơn phương đưa ra kế hoạch sẽ hoàn tất COC với ASEAN trong khoảng thời gian là 3 năm với 3 lần đọc. Bắc Kinh cũng một mực cho rằng lần gặp gần đây với các quan chức ASEAN ở Đà Lạt vào tháng 10 năm 2019 là lần đọc thứ hai trong khi Hà Nội không đồng ý.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng Trung Quốc đang tìm cách ép việc hoàn tất COC bất chấp những phản đối của các nước khác.
Trung Quốc có thể tìm cách ép đạt được một giải pháp sớm để bịt miệng các nước khác. Họ sẽ nói, xin lỗi quý vị, cửa đã đóng trong vấn đề COC, quý vị không thể thay đổi được gì nữa. Những gì mà chúng tôi đã chiếm đóng thuộc về chúng tôi (Trung Quốc) và quý vị đã từ bỏ đòi hỏi đối với chúng. Trung Quốc không muốn có các thảo luận này và họ đòi hỏi chủ quyền với tất cả mọi thứ, đồng thời từ chối đàm phán.
Chính vì vậy, hành động gần đây của Malaysia trước UN và những hành động tiếp theo của Việt Nam và Philippines, theo Giáo sư Thayer, có thể sẽ dẫn đến những thảo luận song phước hoặc thậm chí ba bên về vấn đề COC trước khi các nước bước vào vòng đàm phán tiếp theo với Trung Quốc.
Làm sao mà bạn có thể đi vào đàm phán COC với điều kiện đầu tiên là phải chấp nhận các đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở Trường Sa trong khi Việt Nam chiếm đóng phần lớn các thực thể này”, Giáo sư Carl Thayer nói.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-submission-to-un-a-war-without-end-against-china-04082020131211.html

Việt Nam trả lời về khả năng kiện Trung Quốc

 trong vấn đề Biển Đông

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng vào chiều ngày 9 tháng Tư nhắc lại Hà Nội có lập trường nhất quán là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Phát biểu của Bà Lê Thị Thu Hằng được đưa ra tại cuộc họp báo trực tuyến sau khi có phóng viên nêu câu hỏi rằng Việt Nam đã có lần nói không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông; vậy tiến trình chuẩn bị hồ sơ pháp lý để xúc tiến kiện đã hoàn thiện chưa? Liệu Việt Nam có tiến hành các thủ tục khởi kiện sau khi Phái đoàn Thường Trực tại Liên Hiệp Quốc của Việt Nam vào ngày 30 tháng 3 gửi công hàm phản đối công hàm của Trung Quốc khẳng định chủ quyền tại Biển Đông?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời việc lưu hành công hàm tại LHQ là việc làm bình thường, thể hiệp lập trường và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam.
Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 30 tháng 3 vừa qua đã gửi công hàm cho tổ chức này để phản đối công hàm của Trung Quốc đưa ra vào ngày 23 tháng 3 năm nay.
Nội dung chính  công hàm của Phái đoàn Thường Trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc là bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, sau khi Bắc Kinh phản đối công văn của Philippines và Malaysia.
Vào ngày 23 tháng 3 vừa qua Trung Quốc đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản hồi tài liệu của Philippines. Theo đó Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc ‘ có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa và vùng biển liền kề’, ‘ có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan, với đáy biển và lòng đất’. Bắc Kinh cũng nhắc lại Trung Quốc có quyền chủ quyền’ ở Biển Đông dựa trên ‘bằng chứng lịch sử và pháp lý’.
Trước đó vào ngày 12/12 năm ngoái, Bắc Kinh cũng gởi lên Liên Hiệp Quốc công hàm phản hồi tài liệu của Malaysia với yêu sách Trung Quốc có chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông gồm Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-on-the-possibility-of-bringing-china-to-international-court-04092020080043.html

Thêm 4 ca mới,

Việt Nam ghi nhận 255 người nhiễm Covid-19

Khôi Minh
18h ngày 9/4, Bộ Y tế ghi nhận thêm 4 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó, có 2 người tiếp xúc gần bệnh nhân 243, nâng tổng số ca tại Việt Nam lên 255.
Như vậy theo VnExpress, hôm nay Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca nhiễm mới, nâng số bệnh nhân lên 255. Hai ca mới liên quan “bệnh nhân 243” – người từng đưa vợ đi khám tại bệnh viện Bạch Mai – gồm:
“Bệnh nhân 253”, nữ, 41 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội, chị dâu, ở gần nhà, tiếp xúc gần với “bệnh nhân 243”. Ngày 6/4, cô được lấy mẫu bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm ngày 9/4 khẳng định dương tính. Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
“Bệnh nhân 254”, nam, 51 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội, hàng xóm, tiếp xúc gần “bệnh nhân 243” và 250 – hàng xóm của 243. Mẫu bệnh phẩm lấy ngày 9/4 xét nghiệm kết quả dương tính. Bệnh nhân đang điều trị chạy thận tại Bệnh viện Thận Hà Nội, nên được cách ly, điều trị tại đây.
Báo Môi Trường và Cuộc sống cho biết, 2 người còn lại trong đó có một người nhập cảnh từ Campuchia, một từ Nga về được cách ly tập trung ngay khi nhập cảnh gồm:
“Bệnh nhân 252”, nam, 6 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại Phường 12, Quận 5, TP. HCM. Bệnh nhân sống tại Campuchia cùng gia đình có 5 người, trong đó 2 người đã được xác định mắc Covid-19 và được cách ly, điều trị tại Campuchia.
Ngày 8/4, bệnh nhân cùng 2 người còn lại trong gia đình trở về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Ngay sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh bằng xe chuyên dụng.
Cùng ngày bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Viện Pasteur TP. HCM xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hai người đi cùng bệnh nhân có kết quả âm tính. Hiện tại, bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị, cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.
“Bệnh nhân 255”, nam, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại Bắc Quang, Hà Giang. Ngày 27/3, bệnh nhân từ Nga về Sân bay Quốc tế Nội Bài trên chuyến bay SU290.
Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được cách ly tập trung tại Vĩnh Phúc. Ngày 8/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm ngày 9/4 khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Đến chiều ngày 9/4, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là 74.941. Trong đó, 720 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 24.329 cách ly tập trung tại cơ sở khác. Số cách ly tại nhà, nơi lưu trú 49.892.
https://www.dkn.tv/thoi-su/them-4-ca-moi-viet-nam-ghi-nhan-255-nguoi-nhiem-covid-19.html

Dịch Covid-19 – Việt Nam:

Không có ổ dịch mới sẽ ngừng ‘‘cách ly xã hội’’

Trọng Thành
Để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, Việt Nam hiện đang duy trì chính sách giãn cách tiếp xúc, giảm thiểu các hoạt động kinh tế được coi là không cần thiết, từ ngày 01/04 đến 15/04/2020 với chủ trương ”cách ly xã hội”. Hôm qua, trong một cuộc trả lời báo giới, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết nếu từ đây đến 15/04 không xuất hiện ổ dịch mới, sẽ có thể chấm dứt ‘‘cách ly xã hội’’.
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Vietnamnet, bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: “Tùy tình hình, Chính phủ sẽ quyết định việc dừng cách ly xã hội hay không vào ngày 15/4, ta chưa dám nói trước điều gì’’, tuy nhiên, ông cho biết rõ hơn, ‘‘đến 15/4 nếu không có trường hợp ngoài mong muốn thì sẽ dừng cách ly xã hội, còn nếu phát sinh ổ dịch nào đó thì không thể dừng thực hiện Chỉ thị 16. Lúc đó phải tùy tình hình, đưa ra phương án ứng phó kịp thời, ta chưa dám nói trước gì cả’’. 
Đến ngày 9/4, theo số liệu của bộ Y Tế, cả nước ghi nhận 255 ca nhiễm virus gây bệnh Covid-19, 128 người khỏi bệnh. Hà Nội có người nhiễm cao nhất cả nước với 117 ca, thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với 55 ca, 25 tỉnh, thành trên toàn quốc có người nhiễm virus.
Tình trạng địa phương tùy ý ban hành quy định trái luật
Về mặt chính thức, số người nhiễm virus gây bệnh Covid-19 tại Việt Nam là thấp hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia được coi là vùng dịch của thế giới. Việt Nam cũng được Tổ Chức Y Tế Thế Giới khen ngợi như một tấm gương.
Tuy nhiên, trái ngược hẳn với tình hình được xem là rất khả quan này, tâm lý lo ngại dịch bệnh dường như lại phổ biến tại nhiều nơi. Sau khi có Chỉ thị 16, chính quyền nhiều tỉnh, thành phố đã tiến hành các biện pháp ngăn cản cư dân đi lại, với lý do phòng chống dịch.
Hôm nay, chính quyền tỉnh Bắc Giang yêu cầu người dân không đi Hà Nội, Sài Gòn, trừ khi có việc đặc biệt cần thiết, khi về phải cách ly tập trung 14 ngày, rồi tự cách ly 14 ngày. Trước đó, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Sơn La… cũng ra các quyết định tương tự.
Báo chí trong nước ít ngày gần đây có nhiều bài viết phê phán tình trạng các địa phương tự ban hành nhiều quy định riêng trái pháp luật, trái chủ trương của trung ương, gây tổn hại quyền và lợi ích hiến định của người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là điều mà bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhắc đến trong bài trả lời báo giới hôm qua.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là các địa phương ban hành các quy định trái pháp luật. Một số luật gia cũng chỉ ra tính chất không phù hợp của chính Chỉ thị 16 của thủ tướng về phòng chống dịch. Chỉ thị của thủ tướng chỉ là một công văn trong hệ thống cơ quan Nhà nước, không nằm trong số “15 văn bản quy phạm pháp luật”, mang tính cưỡng chế với xã hội. Bản thân Chỉ thị 16 cũng nói rõ các biện pháp chỉ mang tính ”thuyết phục, vận động’‘ đối với người dân.
Đây có thể là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược hiện nay trong lĩnh vực phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Một số luật gia nêu ví dụ việc chính quyền một số địa phương phạt tiền người ra đường không có ”lý do thật sự cần thiết”, căn cứ theo chủ trương ”cách ly xã hội’‘, là hoàn toàn trái luật.
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200409-d%E1%BB%8Bch-covid-19-vi%E1%BB%87t-nam-kh%C3%B4ng-c%C3%B3-%E1%BB%95-d%E1%BB%8Bch-m%E1%BB%9Bi-s%E1%BA%BD-ng%E1%BB%ABng-c%C3%A1ch-ly-x%C3%A3-h%E1%BB%99i

Tình cảnh dân oan còn lại ở Hà Nội

trong đại dịch COVID-19

Chỉ còn vài chục người
Ông Nguyễn Trường Chinh, thân phụ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, từng khiếu kiện ở các cơ quan công quyền tại Hà Nội trong hơn 10 năm qua, cho RFA biết ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý ông ghi nhận vẫn còn khoảng từ 200 đến 300 dân oan ở Hà Nội, tiếp tục việc khiếu kiện hàng ngày trong vô vọng của họ.
Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng 3, vào khi Chính phủ Việt Nam công bố áp dụng yêu cầu “giãn cách xã hội” nghiêm ngặt thì số dân oan bán trụ lại ở thủ đô chỉ tầm vài chục người, chủ yếu tập trung tại Trụ sở Tiếp Công dân Trung ương, số 1-Ngô Thì Nhậm.
Ông Nguyễn Trường Chinh, vào tối hôm 8/4 nói với RFA về những trường hợp dân oan còn ở Hà Nội:
“Những trường hợp đấy như nhà ông Ngọc gồm cả con, cả bố mẹ và cháu đến 3 thế hệ. Và các bà ở Hải Dương, Bắc Giang, Nam Định, Phú Yên, Quảng Ninh. Tức là từ mấy tỉnh có ít người khiếu kiện đấy. Họ không còn nhà cửa gì để mà về rồi. Đất đai bị thu hết rồi.”
Bây giờ đất đã bị chiếm, còn nhà đã bị họ hủy rồi, không có nhà để về. Thứ hai nữa, về đến quê nhà rồi mà ở 1, 2 tháng và trở ra lại ngoài này thì không có tiền. Khổ vậy đó
-Dân oan Lê Thị Huệ
Ông Trần Văn Ngọc, chủ gia đình của 3 thế hệ ở trong cái lều bạt che tạm trên vỉa hè, trong tối cùng ngày 8/4 cho RFA biết:
“Nói chung là lúc mới có dịch thì họ dẹp cũng mạnh lắm. Nhưng mấy hôm nay họ chỉ đi qua ngó vậy thôi. Tại cổng cơ quan tiếp dân này, hiện trong nhà trọ lớn bé gồm 7 người. Còn ở vỉa hè gần 30 người.
Tổng số khỏang 34 người.”
Bám trụ Hà Nội vì không còn lựa chọn khác
Ông Trần Văn Ngọc, sinh năm 1954, quê quán ở Ninh Bình, khai hoang đất và gầy dựng nhà cửa từ năm 1977. Đến năm 2000, ông Ngọc bị trở thành dân oan mất trắng tài sản bởi do chính quyền địa phương cưỡng chế trái luật. Ông Ngọc ngược xuôi khiếu kiện từ địa phương lên đến Trung ương suốt hai năm sau đó. Đến ngày 13/4/2002, ông Ngọc bị công an bắt cóc đưa về trại giam, đánh đập, tra tấn và sau đó bị đưa đi tù 11 năm. Sau khi ra tù được một năm, ông Ngọc bắt đầu cuộc sống của dân oan khiếu kiện tại Hà Nội suốt hơn 6 năm qua. Cả gia đình ông, gồm luôn hai đứa cháu nhỏ sống cảnh đời lây lất nhờ vào lòng hảo tâm của cộng đồng và công việc nhặt rác kiếm bữa cơm bữa cháo qua ngày.
Ông Ngọc kể lại với RFA rằng phía chính quyền Hà Nội, trong những ngày đầu dịch COVID-19 bùng phát, đã đến vận động gia đình ông trở về quê tránh dịch. Ông Ngọc yêu cầu được chính quyền hỗ trợ kinh phí nhưng không được đáp ứng và gia đình ông cứ thế mà phó mặc cho số phận. Ông Ngọc chia sẻ với RFA:
“Nói thật rằng lo thì vẫn lo. Nhưng nghĩ lại tôi thấy con virus dịch bệnh cũng nguy hiểm mà trong tù tôi cũng trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc, còn nguy hiểm hơn cả dịch bệnh này. Ở trong tù họ tổ chức tính giết cho tôi chết. Tôi đã nhiều lần chết đi sống lại mà vẫn còn sống đến ngày này, được về để nói lên cho mọi người dân thấy được những người lợi dụng chức quyền tổ chức làm hại người khác như thế này, thì tôi vẫn tin tưởng vào Bề trên.”
Cũng bị tù tội như ông Trần Văn Ngọc, bà Lê Thị Huệ, ở Tây Ninh ra Hà Nội khiếu kiện được 11 năm tròn. Bà Huệ kể lại với RFA rằng bà bị chính quyền địa phương lừa đảo, gạt mất hết đất đai nhà cửa và còn bị tuyên án tù, dưới tội danh “phá rối trật tự công cộng”. Bà Huệ không cam lòng và đã chọn cuộc sống tha phương cầu thực ở Hà Nội để mỗi ngày đến các cơ quan Trung ương khiếu kiện hoàn cảnh khuất tất của mình. Suốt 11 năm qua, bà Huệ chỉ được cán bộ tiếp dân gặp gỡ một lần duy nhất và nói rằng trường hợp của bà rất khó giải quyết.
Dân oan Lê Thị Huệ bộc bạch vì sao bà phải ở lại Hà Nội trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành nghiêm trọng:
“Bây giờ đất đã bị chiếm, còn nhà đã bị họ hủy rồi, không có nhà để về. Thứ hai nữa, về đến quê nhà rồi mà ở 1, 2 tháng và trở ra lại ngoài này thì không có tiền. Khổ vậy đó.”
Bị chết đói trong dịch bệnh
Gia đình ông Trần Văn Ngọc và bà Lê Thị Huệ không thể về quê lánh dịch, mà ở lại cũng không xong vì đói. Họ không thể đi nhặt rác hay đi tìm việc làm công nhật trong khi tất cả mọi sinh hoạt xã hội đều bị ngưng đọng trong thời gian 14 ngày “giãn cách xã hội”. Hoàn cảnh của vài chục dân oan còn ở lại Hà Nội cũng tương tự như vậy. Những người này cho biết mấy ngày qua họ đói hay no là nhờ vào sự cứu trợ của người qua đường, của chùa chiền, của những người quan tâm thân phận dân oan… Bà Huệ tâm tình:
“Nói chung bà con thương. Lúc nãy người ta cho 1kg gạo, có người cho một thùng mì. Người này người kia cho cái gì thì mình ăn cái nấy. Nói nào ngay, ông Điệp (Nguyễn Hồng Điệp), Trưởng Ban tiếp dân ở đây cho được một chén gạo với được mấy gói mì. Người ta cho và người ta nói là của ông Điệp.”
Thế nhưng, những người dân oan cũng gặp trở ngại với chính quyền Hà Nội khi nhận lãnh quà giúp đỡ từ các tấm lòng hảo tâm. Ông Ngọc tiếp lời:
Hôm vừa rồi, người ta cho tôi một cái khẩu trang có đường gạch chéo thì hôm qua họ gọi lên phường, bắt viết văn bản tường trình có vẻ cũng quan trọng lắm. Tôi bảo lúc tôi vừa ngủ dậy, người ta thấy tôi không đeo khẩu trang nên người ta cho tôi và tôi không biết người cho là ai. Rồi, họ đòi tịch thu. Nhưng tôi không đưa vì đeo rồi bị bẩn, vất đi rồi. Họ bảo ai cho gì cũng không nhận, cho đồ ăn cũng không ăn, không may bị thuốc độc
-Dân oan Trần Văn Ngọc
“Hôm vừa rồi, người ta cho tôi một cái khẩu trang có đường gạch chéo thì hôm qua họ gọi lên phường, bắt viết văn bản tường trình có vẻ cũng quan trọng lắm. Tôi bảo lúc tôi vừa ngủ dậy, người ta thấy tôi không đeo khẩu trang nên người ta cho tôi và tôi không biết người cho là ai. Rồi, họ đòi tịch thu. Nhưng tôi không đưa vì đeo rồi bị bẩn, vất đi rồi. Họ bảo ai cho gì cũng không nhận, cho đồ ăn cũng không ăn, không may bị thuốc độc.”
Vấn đề đặt ra cho vài chục người dân oan ở Hà Nội hiện nay đang trong tình cảnh không có việc làm, không có tiền, không có thức ăn, không được đảm bảo về vệ sinh và an toàn sức khỏe thì họ có thể tồn tại được trong đại dịch COVID-19 như thế nào?
Chúng tôi nhắc đến thông tin Chính phủ Việt Nam, tại phiên họp vào ngày 2/4, quyết định một gói hỗ trợ hơn 61.500 tỷ đồng cho khoảng 20 triệu người dân đang gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19.
Trả lời câu hỏi của RFA rằng dân oan có trông đợi gì từ gói hỗ trợ an sinh này của Chính phủ hay không, ông Nguyễn Trường Chinh bảo rằng không trông mong gì được với lý giải:
“Họ bảo có ba loại người được giúp trong dịch bệnh, tức là người dân nghèo khó, công nhân và những người bị thất nghiệp hay khó khăn về công ăn việc làm. Tuy nhiên trong thực tế, tại huyện chỗ tôi ở đây, chính quyền phát động đóng góp, kêu gọi người dân làm thiện nguyện, giúp đỡ phòng chống dịch. Trong chuyện này, Mặt trận Tổ quốc của huyện thu về đến hôm nay là 107 triệu đồng, họ đọc phát trên loa đó. Cho nên, họ còn vận động trong dân, chứ đừng nói đến cho dân. Không có đâu. Nhất là dân oan thì càng không có đâu.”
Các dân oan còn bám trụ lại Hà Nội như ông Trần Văn Ngọc hay bà Lê Thị Huệ đều khẳng định với RFA rằng họ cũng không dám trông mong được Chính phủ đoái hoài tới trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19, vì cuộc sống khốn cùng của dân oan Việt Nam hàng ngày đã không được quan tâm. Tuy nhiên, những dân oan này quả quyết nếu như số phần họ được sống sót qua dịch bệnh tai ương thì họ sẽ tiếp tục kiên trì khiếu kiện với niềm tin công lý phải được thực thi.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-do-the-mistreated-citizens-survive-in-ha-noi-in-covid-19-04082020144355.html

Tình trạng 6 bệnh nhân COVID-19 trở nặng

Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) hôm 8/4 cho biết tình trạng của bệnh nhân số 19 đã trở nặng vào đêm ngày 7/4 với 3 lần ngừng tuần hoàn, ngoài ra còn có 5 bệnh nhân khác cũng có diễn biến nặng lên phải thở máy, lọc máu và đặt máy tim phổi nhân tạo.
Truyền thông trong nước hôm 9/4 trích lời Phó giáo sư – Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, các chuyên gia đầu ngành về hồi sức tích cực, cấp cứu, hô hấp đã hỗ trợ hội chẩn cùng các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để điều trị cho các bệnh nhân. Ông cho biết đến nay, tình trạng của bệnh nhân số 19 đã tạm ổn định.
Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1 đến 2 lần. Hiện đã có 18 bệnh nhân được xét nghiệm âm tính từ 2 lần trở lên.
Tuy nhiên, cũng trong ngày 9/4, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết bệnh nhân số 50 hiện đang được điều trị ở tỉnh này sau khi có kết quả âm tính 2 lần đã lại có kết quả dương tính. Bệnh nhân này được xét nghiệm âm tính vào các ngày 26 và 28/3. Tuy nhiên tại các lần xét nghiệm tiếp theo là 30/3, 2/4 và 5/4, kết quả là dương tính.
Đại diện sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, qua nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới được công bố gần đây, có những trường hợp bệnh nhân đã được điều trj thành công, xét nghiệm nhiều lần có kết quả âm tính nhưng khi về cộng đồng một thời gian, xét nghiệm sàng lọc lại tái dương tính.
Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến ngày 9/4, cả nước có 128 ca bệnh COVID-19 đã được chữa khỏi. Hiện Việt Nam vẫn còn 127 ca nhiễm COVID-19 đang được điều trị.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/6-patients-of-covid-19-worsen-04092020074459.html

Hoạt động chống dịch tại một số tỉnh

Lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã phong toả và cách ly thôn Ngô Khê 3, xã Bình Nghĩa huyện Bình Lục sau khi bệnh nhân số 251 mắc COVID-19 cư trú tại đây.
Lệnh phong toả đưa ra vào ngày 8/4 và được truyền thông trong nước loan tin vào ngày 9/4.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nam cho biết hiện bệnh nhân số 251, nam-64 tuổi, đang được điều trị và cách ly tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Bệnh nhân này cũng chưa xác định được nguồn lây nhiễm.
Liên tiếp các ca nhiễm COVID-19 gần đây đều không xác định được nguồn lây nhiễm, nghĩa là nguy cơ lây lan cộng đồng là rất cao như cảnh báo của các giới chức y tế Hà Nội. Thậm chí, Thứ trưởng Bộ trưởng Y tế còn đề nghị Thủ Tướng kéo dài thời gian giãn cách xã hội đến hết 30/4.
Thế nhưng, sau hơn một tuần thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, Hà Nội sáng 9/4 đường phố đông đúc người trở lại.
Mặc dù Chính quyền Hà Nội đã liên tiếp xử phạt hành chính các trường hợp ra đường không có lý do chính đáng, nhưng xem ra việc xử phạt chưa đủ sức nặng khiến người dân ở yên trong nhà.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trong ngày 9/4 đã trả lời truyền thông trong nước về việc 2 ngày gần đây người dân Hà Nội bắt đầu túa ra đường trở lại, ông nhấn mạnh: “Tôi nhắc lại, nếu người dân chủ quan thì sẽ gây hệ lụy vô cùng lớn khi dịch bệnh bùng phát, lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu người dân thực hiện nghiêm cách ly xã hội, chứ không phải khuyến cáo”.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng chia sẻ lo ngại trước việc người ra đường càng đông trong thời gian giãn cách xã hội. Ông Chung cũng cho rằng tình hình như bây giờ là quá nguy hiểm, người dân quá chủ quan.
Trong khi đó, ở Bắc Giang, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 vừa có công văn yêu cầu tất cả công dân Bắc Giang nếu không vì lý do công vụ, không được di chuyển đến các tỉnh, thành phố có dịch như Hà Nội, TPHCM…
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/various-provinces-fight-covid-19-04092020074610.html

Hội Nhà Báo xin hỗ trợ

với lý do khó khăn trong mùa dịch!

Diễm Thi, RFA
Hội Nhà báo ra công văn
Đầu tháng 4 năm 2020, Hội Nhà báo Việt Nam có công văn số 73/CV-HNBVN gửi thủ tướng đề nghị chính phủ hỗ trợ báo chí và người làm báo do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Theo công văn này, các cơ quan thông tấn, báo đài trong cả nước phải đồng hành cùng cơ quan chức năng để truyền tải nhanh các thông tin về dịch bệnh. Do đó, Hội Nhà báo đề nghị cho phép các cơ quan báo chí được lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và được sử dụng một phần kinh phí từ quỹ này để chi cho một số hoạt động phục vụ công tác bảo vệ, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong cơ quan, như mua sắm vật tư, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác phòng chống dịch của cơ quan và phóng viên tác nghiệp tại hiện trường…
Nhà báo Phạm Thành, người có nhiều năm làm việc cho Đài Tiếng Nói Việt Nam, lên tiếng với RFA về việc Hội Nhà báo ra công văn này:
“Hội Nhà báo không có chức năng đó. Hội Nhà báo không bao giờ là cấp trên của các cơ quan truyền thông. Thực ra hội này lâu nay họ cũng phải sống dựa vào các cơ quan báo chí trong nước, nên bây giờ đứng trước khó khăn do dịch bệnh thì họ thể hiện tấm lòng của họ bằng cách ra văn bản xin chính phủ hỗ trợ thôi. Thực ra họ không có chức năng lẫn quyền làm việc đó nên văn bản đó về mặt hành chính là vô giá trị.”
Hội Nhà báo không có chức năng đó. Hội Nhà báo không bao giờ là cấp trên của các cơ quan truyền thông nên văn bản đó về mặt hành chính là vô giá trị. – Nhà báo Phạm Thành
Theo Luật Báo Chí được Quốc hội ban hành ngày 5 tháng 4 năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội. Hội này có một số nhiệm vụ, quyền hạn như ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí; tổ chức giải báo chí để tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí chất lượng cao, có hiệu quả xã hội tích cực…
Có thật sự khó khăn?
Công văn số 73 của Hội Nhà báo Việt Nam có nêu chi tiết các cơ quan báo chí trong cả nước gặp nhiều khó khăn khi doanh thu phát hành, quảng cáo sụt giảm từ 40% – 50%. Trong khi đó, chi phí cho phóng viên tác nghiệp trong khu vực có dịch tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của các tòa soạn cũng như đời sống của người làm báo. Hội mong muốn được nhà nước hỗ trợ để tiếp tục làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao trên mặt trận thông tin, tuyên truyền theo chủ trương “chống dịch như chống giặc”.
Bà Phan Thị Châu, phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM đánh giá:
Thật sự là những tờ báo nhỏ nhỏ thì khó khăn chứ những tờ báo lớn thì không đến nỗi đâu. Mà chưa chắc những tờ báo nhỏ được nhận khoản tiền hỗ trợ ở trên xin về. Chưa chắc rót tới họ.
Thu nhập của nhà báo thì chắc chắn thấp hơn trước nhiều nhưng không đến nỗi như công nhân đâu.
Thu nhập giảm vì các doanh nghiệp ngưng hoạt động cho nên không có quảng cáo. Báo sống được nhờ quảng cáo mà. Những tờ báo lớn có uy tín nên nhận được nhiều quảng cáo.”
Theo nhà báo này, các tòa báo lớn đều có “của để dành”. Họ tính đường dài chứ đâu phải có bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Nhưng nếu nhà nước có hỗ trợ cho các tòa báo thì chưa chắc đến tay các phóng viên.
Nhà báo Minh Hải, báo Quảng Nam có nhận định khác hơn một chút, tức chỉ những tờ báo đảng thì không khó khăn, còn lại đều gặp khó khăn, thậm chí có phóng viên không được nhuận bút. Ông nói:
“Đương nhiên báo chí là khó khăn vì hoạt động độc lập chứ không còn cơ chế bao cấp như hồi trước nữa, trừ những tờ báo đảng như SGGP, Nhân Dân, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo đảng của các địa phương. Những tờ báo này không bắt buộc phải làm quảng cáo. Còn những tờ báo khác không thuộc bao cấp thì có định mức tìm quảng cáo để lấy tiền đó chi trả tiền nhuận bút, tiền lương cho phóng viên. Doanh nghiệp bữa nay họ cũng đâu quảng cáo, tôi viết báo mà không có nhuận bút”.
Tuy khó khăn nhưng nhà báo này chia sẻ rằng, còn nhiều mảnh đời ngoài xã hội khốn khổ hơn nhiều vì họ kiếm ăn từng bữa, chính phủ nên hỗ trợ họ.
Ngoài hệ thống báo chí được nhà nước bao cấp thì những báo chí phải tự cân đối tài chính để hoạt động thì thực sự rất khó khăn đấy. – Nhà báo Phạm Thành
Nhà báo Phạm Thành nhận định tình hình khó khăn của các nhà báo trong mùa dịch bệnh hiện nay là có thật, nhưng không phải ai cũng khó khăn. Ông phân tích:
“Bây giờ nói thật với cô, đời sống của báo giới tôi ghi nhận trong thời điểm hiện nay có khó khăn. Đó là điều chắc chắn.
Ở một số cơ quan báo chí lớn như Thông Tấn xã Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam hay Đài truyền hình thì được bao cấp toàn diện. Hàng năm chỉ cần làm văn bản đệ trình lên Bộ Tài chính là duyệt ngân sách. Hệ thống đài phát thanh các tỉnh cũng thế, cũng được cung cấp ngân sách.
Ngoài hệ thống báo chí được nhà nước bao cấp thì những báo chí phải tự cân đối tài chính để hoạt động thì thực sự rất khó khăn đấy.”
Ông Phạm Thành nói thêm rằng, những khó khăn như vậy không phải là mới, nó đã xảy ra mấy năm nay. Bây giờ gặp trường hợp này thì khó hơn. Còn với các báo đảng được bao cấp toàn diện thì “họ vẫn vô tư. Virus này có kéo dài 10 năm họ cũng chẳng mất đồng nào.”
Việt Nam là một nước có số lượng báo chí chính thống khá nhiều. Theo thống kê được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra hôm 6 tháng 11 năm 2019, cả nước có 844 cơ quan báo, tạp chí in, 24 báo, tạp chí điện tử độc lập, 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương. Đang làm việc trong lĩnh vực báo chí có 41.600 người và Bộ đã cấp 23.402 thẻ nhà báo.
Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 có nội dung: Phải xác định các loại hình báo chí để giảm gánh nặng ngân sách của Nhà nước và nâng cao chất lượng báo chí. Ngoài những tờ báo có chức năng nhiệm vụ đặc thù cần phải được Nhà nước tiếp tục cấp ngân sách để hoạt động, còn lại hầu hết các tòa soạn nên bước ra tự chủ về tài chính.
Tự chủ đồng nghĩa với đơn vị báo chí cũng giống như doanh nghiệp, làm thế nào để có kinh phí vận hành, chi trả lương, thưởng, nhuận bút, văn phòng phẩm… Nhà nước cũng đã có chính sách thông thoáng hơn để giúp báo chí có thêm nguồn thu, tự nuôi sống mình. Hiện có 300/857 cơ quan báo chí tự chủ về tài chính.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/which-press-is-having-difficulty-in-epidemic-season-dt-04082020143744.html

Khó khăn về kinh phí hỗ trợ người dân

giữa đại dịch COVID-19

Ủy ban thường Vụ Quốc hội vào ngày 8/4 đã có cuộc họp bất thường để xem xét gói 62.000 tỉ hỗ trợ 20 triệu người dân chịu tác động bởi đợt dịch COVID-19 hiện nay. Cuộc họp do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì.
Chính phủ đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc triển khai thực hiện ngay gói hỗ trợ vừa nêu sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Theo báo cáo, có hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; trong trường hợp nếu dịch bùng phát mạnh hơn sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động mất việc. Bộ Kế hoạch – Đầu tư ước tính 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, hoặc ngừng việc và 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc.
Do đó, chính phủ sẽ hỗ trợ người dân trong 3 tháng và được chia theo 3 mức: thứ nhất là của người có công, gia đình chính sách 500.000 đồng/tháng, mức thứ hai là những người lao động tự do mất việc làm được 1 triệu/tháng, và mức thứ ba là mỗi hộ kinh doanh được trợ cấp 1,8 triệu/tháng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra yêu cầu không được để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách; đồng thời bà lưu ý sau khi các chính sách hỗ trợ người dân được ban hành, các đơn vị cần tổ chức thực hiện ngay đảm bảo đến tay người dân kịp thời để người dân yên tâm, giải quyết những khó khăn của cuộc sống nhất là trong mùa dịch này.
Giải thích rõ hơn về nội dung mới được thông qua này, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính cho hay:
“Mọi đối tượng trong xã hội không bỏ quên ai, đặc biệt những đối tượng yếu thế thì nhà nước vẫn chú ý. Trong đó có đối tượng phi chính thức: lao động với nhau bằng hợp đồng miệng, không ký kết hợp đồng; những người bán vé số; những người lao động tự do… thì việc thống kê, tính toán, thực hiện rất khó khăn, rồi thêm nguồn nhân lực, thời gian dài. Vậy thì những yếu tố này có ảnh hưởng đến tiến độ làm, có đúng và kịp thời cho người ta hay không, đúng mục tiêu không là việc chính phủ và quốc hội quan tâm. Đồng thời chính phủ cũng đề nghị trên cơ sở này cũng có vai trò của quốc hội giám sát lại gói hỗ trợ này.”
Còn theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, bên cạnh việc xác định được thành phần đối tượng cần được hỗ trợ, việc tìm ra nguồn chi phí để hỗ trợ là một vấn đề quan trọng. Ông đưa ra đề xuất:
“Có lẽ ngân sách nhà nước Việt Nam hiện đã gặp khó khăn, bây giờ nỗ lực làm gói cứu trợ thế này đã là nỗ lực lớn, còn việc cứu trợ cho số đông đảo ở khu vực phi chính thức có lẽ cần có sự huy động mạnh mẽ từ nguồn người dân. Tôi nghĩ rằng hiện nay các hiệp hội, các tổ chức xã hội của Việt Nam cần hoạt động mạnh, tìm cách huy động các nguồn vốn trong xã hội để giúp đỡ những người này, số lượng đó rất lớn.”
Tại buổi họp ngày 8/4, Chính phủ đã đưa ra đề xuất dùng thêm Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người dân, bên cạnh việc sử dụng ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại rằng nếu dùng đến quỹ bảo hiểm sẽ gây khó khăn hơn nếu đại dịch kéo dài vì báo cáo chưa nêu rõ là ngân sách Nhà nước vay từ Quỹ hay xin ứng trước và cụ thể hơn về phương án hoàn trả.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế – tài chính độc lập cho rằng hiện nguồn kinh phí sẽ đến từ hai cấu phần:
“Cấu phần thứ nhất dĩ nhiên là nguồn thu của chính phủ từ thuế hay những nguồn như cả những doanh nghiệp nào đang hoạt động thì vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp. Ngay cả tiền thuế của người dân cũng được dùng để chi trả. Yếu tố thứ hai đóng góp cho vấn đề chi trả là chi phí của chính phủ, trong đó có chi phí thường xuyên và chi phí đầu tư. Đặc biệt chi phí đầu tư có thể hoãn lại những chương trình nào chưa thật sự cần thiết cho quốc gia để dùng số tiền dành cho những quỹ đó, những chương trình, dự án đó để chi trả cho bảo hiểm. Có nhiều nguồn, nhưng dĩ nhiên những nguồn đó đều có giới hạn của nó.”
Theo kinh nghiệm lâu năm ở Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng nếu tình trạng dịch bệnh COVID-19 kéo dài hơn, đến tháng 5, 6 vẫn chưa chấm dứt thì lúc đó sẽ có hướng giải quyết khác cho nguồn chi phí hỗ trợ. Ông nhận định:
“Chắc chắn là chính phủ sẽ tăng bội chi ngân sách và tăng nợ công. Tôi nghĩ đây là một tình huống bất khả kháng nên tôi hy vọng Quốc hội sẽ chuẩn y để chính phủ có thể tăng thêm nợ công và bội chi ngân sách để trợ cấp cứu giúp về mặt xã hội và đối với người dân.”
Vẫn theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, biện pháp này dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế sau này, nhưng ông hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ từ từ hồi phục nếu vượt qua được dịch bệnh và tình hình xã hội vẫn ổn định, sức khỏe người dân được đảm bảo.
Theo ước tính của Bộ Kế hoạch – Đầu tư báo cáo vào ngày 8/4, cả nước hiện có khoảng 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô.
Do đó, Tiến sĩ Doanh cũng cho rằng đứng trước những khó khăn về kinh tế do coronavirus đem lại, ngoài hỗ trợ lao động, chính phủ cũng cần giúp đỡ những chủ lao động:
“Tuy vậy cũng cần phải có những biện pháp để cứu các doanh nghiệp để doanh nghiệp trụ được, có thể tự mình trang trải, nuôi sống người lao động. Có thể đấy là biện pháp mà sắp tới đây, chính phủ sẽ xem xét và bổ sung.”
Vào ngày 3 tháng 4, Bộ Tài Chính Việt Nam có công văn gửi Thủ tướng về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia vào dự thảo nghị định gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất cho doanh nghiệp. Theo công văn này có thêm 4 nhóm đối tượng được gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất với số tiền lên đến 180.000 tỷ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/difficulties-in-funding-to-support-people-amidst-covid-19-pandemic-04082020154227.html

Việt Nam chuẩn bị

cho tình huống bùng phát dịch COVID-19

TP. HCM lên phương án ứng phó với tình huống có 500 trường hợp mắc COVID-19. Hà Nội lên phương án thi công bệnh viện dã chiến.
Theo tính toán của Sở Y tế TP.HCM được báo trong nước vào ngày 9 tháng 4 dẫn lại, nếu thành phố có 500 trường hợp mắc bệnh thì sẽ có 150 trường hợp nặng và 3.200 trường hợp nghi ngờ. Do đó, khi dịch bùng phát lan rộng, thành phố sẽ sử dụng tất cả khu cách ly của các bệnh viện trong thành phố cho bệnh nhân COVID-19.
Sở Y tế đã giao phòng Nghiệp vụ Y xây dựng kế hoạch đào tạo lại về kiểm soát nhiễm khuẩn cho đội ngũ y bác sĩ chống dịch; giao phòng Tổ chức cán bộ xây dựng kế hoạch luân phiên nhân viên y tế tại các bệnh viện công lập làm nhiệm vụ tại các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19; bổ sung các xe cấp cứu, trong đó có xe cấp cứu được trang bị phòng áp lực âm để vận chuyển người bệnh. Nguồn nhân lực phải được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn và năng lực chuyên môn.
Còn tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành liên quan dự toán xây dựng bệnh viện dã chiến có quy mô, hình thức khác nhau theo hình thức lắp ghép; lều bạt. Chuyển đổi các sân vận động, nhà thi đấu, hội trường, cơ sở giáo dục thành bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân COVID-19.
Bệnh viện dã chiến phải đáp ứng một số tiêu chí như vị trí thuận lợi, cách xa khu dân cư nhưng gần khu vực cung cấp lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, các bệnh viện này phải có sẵn nguồn cung cấp điện, nước sạch và thoát nước; đáp ứng được các thiết bị y tế cần thiết, theo cấp độ phục vụ.
Các đơn vị tư vấn đã đưa ra một số phương án xây dựng các bệnh viện dã chiến có từ 300-500 giường và từ 800-1.000 giường.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-is-preparing-for-an-outbreak-covid19-04092020084536.html

Bộ Quốc phòng đề nghị

kéo dài cách ly người sắp về nước

Bộ Quốc phòng Việt Nam đề nghị cần áp dụng biện pháp cách ly đặc biệt, không nhất thiết 14 ngày mà kéo dài thời gian cách ly hơn để đảm bảo an toàn tuyệt đối đối với những người Việt sắp về nước trong thời gian khoảng một tuần tới.
Đó là thông tin được truyền thông dẫn từ phát biểu của Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu ra tại cuộc họp trực tuyến của thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vào ngày 9/4.
Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Y tế có chỉ đạo để có các giải pháp về cách ly, phục vụ người cách ly, đảm bảo y tế, đặc biệt khi đưa người ra khỏi khu cách ly cần những cơ chế đặc biệt hơn.
Người đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam đề nghị Chính phủ có nghiên cứu để đối phó với dịch trong thời gian dài và khẳng định quân đội đã xác định tinh thần “trường kỳ kháng chiến” với nhiệm vụ chống dịch.
Bộ Quốc phòng cho hay đang tạo điều kiện mua sắm vật tư y tế, trong đó có khẩu trang y tế. Đặc biệt, đã có nhiều đơn vị trong quân đội được nói tự sản xuất khẩu trang đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế.
Trong một diễn biến liên quan, tỉnh Quảng Trị đã triển khai hơn 80 chốt biên phòng dọc biên giới với Lào để quản lý việc xuất nhập cảnh những người từ nước ngoài vào Việt Nam, phục vụ công tác chống dịch COVID-19.
Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho hay tỉnh đã đón 12 ngàn công dân Việt nhập cảnh từ Lào và Thái Lan về Việt Nam.
Hiện có 120 sinh viên Lào đang học tập tại tỉnh Quảng Trị và được lãnh đạo nói đều được chăm sóc và tạo điều kiện duy trì học tập.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ministry-of-defense-proposes-to-extend-the-isolation-of-people-who-are-about-to-return-home-04092020083241.html

Lúa gạo thời Covid-19:

An ninh lương thực Việt Nam ‘không sứt mẻ’

Giáo sư Võ Tòng Xuân nói nông dân Việt Nam chịu thiệt nếu không xuất khẩu gạo lúc này và không loại trừ có can thiệp của ‘nhóm lợi ích’.
Trong cuộc phỏng vấn với Nguyễn Hoàng của BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng nói ông tin rằng Việt Nam ‘không hề thiếu lúa gạo’.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện trong bối cảnh giá gạo thế giới đang tăng mức cao nhất trong 7 năm khi có đại dịch Covid-19 toàn cầu, các nhà nhập khẩu ”găm hàng” và các nước xuất khẩu gạo châu Á hạn chế xuất khẩu.
Bộ Công thương Việt Nam ngày 6/4 có văn bản trình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giữ nguyên kiến nghị ‘xuất khẩu gạo có kiểm soát‘ theo đó đề xuất lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và 5 vào khoảng 800.000 tấn, giảm 40% so với cùng kỳ được phép xuất khẩu của năm 2019.
BBC: Giáo sư đánh giá gì về kiến nghị của Bộ Công thương?
GS Võ Tòng Xuân: Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp không nắm được thực tế sản xuất cũng như nông nghiệp. Họ cũng không mạnh dạn và không nắm sát tình hình và cũng không có biện pháp gì để đối phó với những người đầu cơ, con buôn. Rồi một số doanh nghiệp cũng muốn tích gạo để đầu cơ để bán cho những người tiêu dùng thích tích trữ. Cái này nó là chuyện muôn đời lặp lại hoài.
Thời còn chiến tranh thì Thủ tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ đã có lần mời 12 ông chành lúa (đầu mối lúa gạo, mà khi đó là toàn người Hoa) vào Dinh Độc lập khi giá gạo tăng cao. Ông ấy nói là ”Tôi là thủ tướng mà tôi điều hành đất nước thì được mà giá gạo thì không được, nhưng các ông thì làm được việc đó. Vậy tôi cho các ông 24 tiếng để làm việc này, nếu sau 24 tiếng nếu giá gạo không xuống thì tôi sẽ bốc thăm chọn ra người để bắn”. Thế thì ngày hôm sau giá gạo xuống liền.
Hồi năm 2008 có tình trạng Việt Nam được mùa nhưng lại không có gạo, các nơi ùn ùn đi mua gạo, mà mua không có. Thì lúc đó tôi có gọi ra Văn phòng Chính phủ nói thủ tướng là các công ty lương thực phải xuất kho ra thì ngày hôm sau giá gạo cũng trở lại bình thường.
BBC: Giáo sư sẽ nói gì nếu Thủ tướng Phúc mời tới Văn phòng Chính phủ để tư vấn về chuyện xuất khẩu gạo giai đoạn này?
GS Võ Tòng Xuân: Tôi sẽ giải thích cho Thủ tướng [Nguyễn Xuân Phúc] mấy điểm. Thứ nhất, vừa rồi mình có một vụ đông xuân được mùa và tôi tính là mình phải có khoảng 5,5 triệu tấn gạo. An ninh lương thực của Việt Nam không bao giờ bị sứt mẻ. Chúng ta được mùa và có thể để lại 1,5 triệu tấn (1/3) và xuất đi 4 triệu tấn.
Thứ hai, phải tuyên truyền cho người tiêu dùng là Việt Nam mình không có thiếu gạo bởi sự thật là như vậy. Mời các khoa học gia nói chuyện, để nông dân nói chuyện trên đài báo truyền hình đàng hoàng cho người ta thấy là tình hình không phải là như đồn đoán. Tức là nếu mình [người tiêu dùng] chỉ cần có 5kg thì không có lý do gì phải đi mua 50 kg. Thứ ba là gạo dự trữ vẫn còn. Thì nội giải thích mấy cái đó thôi là rõ ràng rồi.
Thế còn nếu sợ thiếu gạo thì hỏi mấy ông doanh nghiệp và thương lái là anh giấu gạo của anh đâu. Người ta tính toán thế nào đó mà chỉ cho xuất khẩu có 800 ngàn tấn thì tôi thấy như vậy là rất thiệt thòi cho bà con nông dân mình. Tức là mình xuất vào lúc giá gạo đang cao thế này thì bà con nông dân đỡ được chút.
Không có nước nào có hệ thống sản xuất như nước mình tức là một vụ lúa chỉ cần 3-3,5 tháng là tối đa. Cho nên đối với những người có chuyên môn thì họ hiểu là Việt Nam mình không bao giờ thiếu gạo. Tức là không có vấn đề gì về an ninh lương thực và không cần thiết phải giới hạn xuất khẩu.
BBC: Kinh tế gia Nguyễn Đức Thành (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách) có quan điểm rằng Việt Nam không nên áp dụng chính sách cấm xuất khẩu gạo hoặc chế độ quota lúc này và rằng “Tất cả chỉ làm lợi cho các nhóm lợi ích núp bóng nhà nước”. Giáo sư có bình luận vì về ý kiến này?
GS Võ Tòng Xuân: Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của anh [Nguyễn Đức] Thành. Khi Vinafood còn 100% vốn của nhà nước thì những người tiền nhiệm khi đi ký hợp đồng với nước ngoài như Trung Quốc
hay Malaysia bỏ thầu giá gạo thấp. Đến lúc về thì giá trong nước cao do thương lái Anh, Hà Lan thu mua giá cao. Vinafood không mua được giá thấp thì đi kêu ông thủ tướng cấm xuất khẩu gạo, thế thì lúc đó giá xuống thảm hại. Thì khi giá xuống thì Vinafood mới đi mua để xuất ra nước ngoài với giá rẻ. Và cũng khi đó thì họ lại bán cho thương lái Âu châu kia. Cho nên cái trò dừng xuất khẩu, như anh Thành đã nói, là có sắp xếp ở trên kia hết rồi. Vấn đề là mấy ông không biết mà lại còn chơi với mấy tay đầu cơ thì mới có việc trì hoãn xuất khẩu.
BBC: Có ý kiến nói về khả năng nhà nông “phá sản” nếu không bán được lúa gạo vào lúc này.
GS Võ Tòng Xuân: Phá sản thì không phá sản nhưng họ không có tiền để trang trải nợ phân bón rồi thuốc trừ sâu. Cái nghèo của nông dân mình trong suốt 40 năm nay nó thể hiện ở chỗ là khi thu hoạch thì không ông nông dân nào để dành lúa cả vì họ muốn bán gấp để trả nợ. Tức là nay khi được mùa mà họ không bán được được họ sẽ gặp khó khăn. Các năm trước thì nhà nước cho các doanh nghiệp vay tiền để tạm trữ lúa nhưng lại mua với giá rẻ thì giải quyết được cho ông nông dân tiền để trả nợ. Thế nhưng lại không có tiền để tiết kiệm. Cho nên khi gạo đang có giá cao như thế này thì nông dân có thể bán được lúa với giá cao. Cho nên vào thời điểm như hiện nay mà không cho xuất khẩu hoặc xuất có giới hạn thì nông dân lại gặp khó khăn nữa. Tuy nhiên theo tôi biết thì nông dân cũng đã bắt đầu bán cho thương lái rồi và chỉ có một số ông phải bán giá thấp.
Cũng nên lưu ý là trong khi chúng ta được mùa thì Thái Lan lại bị mất mùa và đồng bạt Thái mạnh quá thành ra giá gạo của Thái cao. Về độ thơm thì gạo Thái 10 thì gạo mình cũng phải 9. Còn độ dẻo thì như nhau. Cho nên gạo Thái bán được 800 USD/tấn thì dần dần mình có thể bán được trên 700 USD/tấn. Thái Lan mỗi năm chỉ trồng một vụ còn Việt Nam có thể trồng được ba vụ. Tháng 10/2019 gạo ST của Việt Nam còn được công nhận là gạo ngon nhất thế giới.
Giáo sư – Tiến sĩ, Nhà giáo Võ Tòng Xuân là một nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, là “cha đẻ” của nhiều giống lúa ngon của vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu long và được Nhà nước Việt Nam công nhận là Anh hùng Lao động vì có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục tại vùng này.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52226989

Việt Nam và người Việt các nơi

 đóng góp từ thiện chống Covid-19

Bài hay về đại dịch Covid-19
Virus corona: Nỗi đau mang tên nước Ý
Virus corona: Hộp cơm miễn phí Sài Gòn ‘lo cho người dưới đáy’
Covid-19 có ‘giáng đòn’ chí tử lên báo giấy Việt Nam?
‘Ngoại giao coronavirus’ và tham vọng lãnh đạo thế giới của Trung Quốc
Việt Nam tặng cho năm nước châu Âu nửa triệu khẩu trang để trợ giúp nỗ lực chống virus corona trên thế giới.
Virus corona: Nhận đồ bảo hộ, Donald Trump ‘cảm ơn những người bạn ở Việt Nam’
‘Ngoại giao coronavirus’ và tham vọng lãnh đạo thế giới của Trung Quốc
Virus corona: Thế giới nên tin hay nghi ngờ ‘thành công của Trung Quốc’?
Virus corona: Tại sao Turkmenistan không có ca nhiễm nào?
Virus corona: Hộp cơm miễn phí Sài Gòn ‘lo cho người dưới đáy’
Cùng lúc, nhiều cộng đồng người Việt các nơi tham gia những sáng kiến từ thiện nơi họ sống để đóng góp chống dịch Covid-19.
Nổi bật quan hệ Mỹ – Việt
Chuyến hàng thứ nhất trong số hai lô hàng đầu tiên với hơn 450.000 bộ quần áo bảo hộ DuPont được sản xuất tại Việt Nam đã rời Hà Nội vào ngày 7/4.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói “chuyến hàng này sẽ giúp bảo vệ các chuyên gia y tế làm việc trên tuyến đầu chống lại Covid-19 tại Hoa Kỳ và chứng minh cho sức mạnh của quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt Nam.”
Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Sáng nay, 450.000 bộ đồ bảo hộ đã đến Dallas, Texas. Điều này đã trở thành hiện thực nhờ sự hợp tác giữa 2 doanh nghiệp tuyệt vời của Mỹ – DuPont và FedEx – cùng những người bạn ở Việt Nam của chúng ta. Xin cảm ơn!”
Các nhà ngoại giao Mỹ tại Hà Nội nói Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đã làm việc cùng nhau tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giao nhận và phê duyệt cần thiết để đẩy nhanh việc chuyển giao trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho Hoa Kỳ.
Chuyến hàng thứ nhất trong số hai lô hàng đầu tiên với hơn 450.000 bộ quần áo bảo hộ DuPont được sản xuất tại Việt Nam đã rời Hà Nội vào ngày 7/4.
Việt Nam giúp Campuchia
Theo trang Facebook của đại sứ Việt Nam tại Campuchia, ông Vũ Quang Minh, thì hôm 07/04 Bộ Tư lệnh Quân khu 7 của Việt Nam trao tặng trang thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 cho một số đơn vị thuộc Quân đội Hoàng gia Campuchia trước Tết cổ truyền của họ.
Sang ngày 8/04, đại sứ Vũ Quang Minh đã thay mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển giao cho Bộ Y tế Campuchia thiết bị xét nghiệm và khẩu trang, áo quần bảo hộ.. trị giá 314 nghìn USD, tin từ Phnom Penh cho hay.
Theo các báo Việt Nam, hôm thứ Ba, 07/04/2020, quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức lễ trao tặng 550.000 khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn do Việt Nam sản xuất cho đại sứ Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh và đại sứ – trưởng Phái đoàn Liên hiệp châu Âu tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Tô Anh Dũng được trích lời nói đến “sự chia sẻ trên tinh thần đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống, hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn” của Việt Nam với chính phủ các nước.
Động thái này xảy đến vào lúc nhiều quốc gia Âu Mỹ bắt đầu coi việc đeo khẩu trang y tế và khẩu trang bình thường cho dân chúng là cần thiết, ít ra là để ngăn virus corona lây lan trong cộng đồng.
Trước đó, khuyến cáo của ngành y tế tại Đức, Anh…vẫn cho rằng công chúng không cần đeo khẩu trang “nếu người đeo không có triệu chứng mắc virus corona”, điều cũng bị không ít ý kiến của báo chí chỉ trích, vì một phần trăm khá đông người mắc virus corona “không có triệu chứng bên ngoài gì cả”.
Ngoại giao từ thiện và từ thiện bình thường
Trong lúc Trung Quốc gặp phải phản ứng “dùng viện trợ từ thiện để tạo ảnh hưởng”, các hoạt động từ Việt Nam không bị phê phán gì, vì đến từ một quốc gia chưa có sức mạnh kinh tế áp đảo như Trung Quốc.
Ngoài ra, việc các nước Đông Nam Á hỗ trợ nhau, đồng thời nhận viện trợ chống Covid-19, được xem như là bình thường, cần thiết.
Ngay từ đầu tháng 2/2020, Việt Nam và chừng hơn 20 nước châu Á đã hiến tặng hàng hóa, tiền cho Trung Quốc để chống virus corona.
Gần đây nhất, theo trang Facebook của đại sứ Việt Nam tại Campuchia, ông Vũ Quang Minh, thì hôm 07/04 Bộ Tư lệnh Quân khu 7 của Việt Nam trao tặng trang thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 cho một số đơn vị thuộc Quân đội Hoàng gia Campuchia trước Tết cổ truyền của họ.
Cùng lúc, Việt Nam cũng nhận được viện trợ từ các nước.
Theo các báo Việt Nam hôm 30/03, Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này chi 274 triệu USD để hỗ trợ nhân đạo và y tế khẩn cấp cho các nước chống dịch COVID-19. Việt Nam sẽ nhận gần 3 triệu USD để chuẩn bị hệ thống phòng thí nghiệm, kích hoạt hệ thống giám sát.
Trước đó, Vương quốc Thái Lan nói họ nhận được 2 triệu USD chống virus corona từ Hoa Kỳ.
Vietnam Airlines cuối tháng 3 đăng tin trên mạng xã hội rằng họ vận chuyển 10 máy thở cho bệnh nhân Covid-19, quà tặng của Temasek Foundation, Singapore, về Hà Nội hôm 29/03.
Người Việt ở nước ngoài làm gì?
Người Việt ở một số quốc gia cũng tự tổ chức các đợt hỗ trợ ngành y tế nước chủ nhà chống dịch Covid-19.
Điều đáng chú ý là những người bình thường nhất, không phải triệu phú, doanh nghiệp nhiều tiền, đã làm việc này bằng đóng góp thời gian, công sức của họ.
Tại Anh, hôm 06/04, số hàng hiến tặng cho Hệ thống Y tế Công (National Health Service – NHS) gồm có 50 thùng găng tay và khẩu trang do cộng đồng gửi đã được Hội Người Việt Nam tại Vương Quốc Anh (VAUK) chuyển tới một khu của NHS ở Dartford, Kent, vùng Đông Nam của London.
Được biết đây mới là số hàng đầu tiên và VAUK đang tiếp tục kêu g̣ọi các thành viên và cộng đồng gốc Việt ở Anh quyên góp cho công tác này.
Phó Chủ tịch VAUK, ông Vũ Kim Thanh viết trên trang Facebook rằng đây là hành động “nhân văn của quí vị và bà con người Việt Nam tại Anh quốc , tuy của cải vật chất ít nhưng tấm lòng nhiều, trong phong trào cùng nhau đoàn kết chống dịch bệnh virus corona Vũ Hán”.
Bà Lâm Ngọc Thủy, giám đốc chuỗi hàng ăn Indochine, London, người có đóng góp cho hoạt động của VAUK nói với BBC, theo bà thực ra có nhiều cách để cộng đồng người Việt đang sinh sống ở Anh chia sẻ gánh nặng chống COVID-19 với NHS lúc này:
“Chẳng hạn, việc ở nhà và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết theo khuyến cáo của Chính phủ Anh cũng là một cách. Như vậy, xác suất bị nhiễm và gây nhiễm coronavirus sẽ giảm đáng kể và góp phần giảm gánh nặng cho hệ thống y tế. Ngoài ra, cá nhân và doanh nghiệp nếu có điều kiện cũng có thể quyên góp ủng hộ đồ bảo hộ như găng tay, khẩu trang, nước diệt khuẩn… vì nhiều bệnh viện đang rất thiếu đồ bảo hộ cho nhân viên y tế ở tuyến đầu.”
Giới chức Anh cho hay tính đến 31/03/2020, hoạt động từ thiện tại nước này có nguy cơ thiệt hại 4 tỷ bảng vì dịch virus corona.
Lý do là nhiều hoạt động lớn như cuộc thi London Marathon vốn quyên góp nhiều tiền hiến tặng hàng năm, đã bị hủy, và các doanh nghiệp ngừng làm việc theo yêu cầu phong tỏa (lockdown) không có tiền để đóng góp đều cho từ thiện.
Quốc hội Anh hôm cuối tháng 3 kêu gọi tăng hoạt động từ thiện chống dịch virus corona trên cả nước.
Tại Ba Lan, chừng 4100 kit thử virus corona đặt hàng ở nước ngoài và chuyển tới Ba Lan có được nhờ sự đóng góp tài chính của các doanh nghiệp và thành viên cộng đồng Việt ở nước này.
Theo BBC News Tiếng Việt tìm hiểu, tại Warsaw có những quán ăn Việt tham gia nấu đồ ăn cho bác sĩ và y tá ở các bệnh viện, và những người khác may khẩu trang cung cấp cho bệnh viện, đồn công an, cơ quan chính quyền.
Tin tức này cũng được đài báo nước sở tại đăng tải, theo ông Trần Trọng Hùng, Phó chủ tịch thường trực phụ trách đối ngoại Hội Người Việt Nam tại Ba Lan ở Warsaw.
Tại Đức, nơi người Việt Nam ở vùng Đông Đức cũ từng có nghề may, và chuyên môn về may họ chưa quên, máy may nhiều người vẫn còn giữ trong gia đình.
Trong khi phải ngồi cách ly ở nhà, nhìn cảnh thiếu thốn khẩu trang cho hệ thống y tế của Đức, một số người ở Berlin, Dresden, Hamburg và các nơi khác đã nghĩ ra và phát động phong trào may khẩu trang mang tặng cho các nơi cần, theo nhà báo Lê Mạnh Hùng từ Berlin nói với BBC News Tiếng Việt hôm 08/04/2020.
“Phong trào nay đã lan rộng, được truyền thông Đức loan tải như một nét đẹp trong cuộc sống chung của cư dân thuộc nhiều nguồn gốc ở Đức.”
Tuy thế, theo ông Hùng, quy định về khẩu trang y tế tại Đức rất ngặt nghèo nên người Việt chỉ may khẩu trang gọi là ‘để che mặt’.
“Người Việt ở Đức đã nhắc nhở nhau, hướng dẫn cách làm cho phù hợp. Ví dụ tìm hiểu các luật lệ liên quan, liên hệ trước với cảnh sát nhờ mách chỗ, liên hệ với các bệnh viện, nhà dưỡng lão, các siêu thị, nơi nào thực sự có nhu cầu mới mang khẩu trang phù hợp tới trao tặng.
Khi trao tặng cũng ghi rõ thông tin về mặt hàng để tránh hiểu lầm, dùng tên gọi mặt hàng cho phù hợp để tránh phạm luật, ví dụ “Cái che miệng” chứ không phải “khẩu trang”.
“Tổng số khẩu trang do người Việt ở Đức tự may đem trao tặng khó xác định chính xác được là bao nhiêu, nhưng có thể là con số hàng trăm nghìn”, ông Hùng nói.
Ở Hoa Kỳ hiện cũng có các hoạt động thiện nguyện của người Mỹ gốc Việt trợ giúp bệnh viện và các cơ sở y tế ở Mỹ thiếu khẩu trang, quần áo bảo hộ, nước sát trùng, và nhiều thiết bị y tế khác, theo báo Người Việt tại Westminster, California.
“…Nhiều người gốc Việt đã sử dụng thời gian rảnh khi tuân thủ lệnh ‘ở tại nhà’ để may khẩu trang tặng nhân viên y tế, bệnh nhân trong các bệnh viện,” Tâm An viết trên trang Người Việt (27/03/2020).
Bài báo nêu ví dụ từ thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona về bà Tường Vi, thợ sửa quần áo:
“Tôi đóng cửa tiệm đã một tháng nay, tôi tự đi mua vải về để may khẩu trang rồi đem tặng cho người cao niên ở viện dưỡng lão. Họ cảm động muốn rơi nước mắt. Các y tá họ cũng xin, chủ yếu họ đeo bên ngoài cái khẩu trang y tế. Họ nói làm như vậy thì khẩu trang N95 sẽ đỡ bị nhiễm hơn, có thể dùng lâu dài.”
Bà Thảo Phạm, làm nghề nail ở Tacoma, tiểu bang Washington, cùng với nhiều thiện nguyện viên đã tự may và tặng được hơn 2000 khẩu trang cho các bệnh viện địa phương và nhiều trung tâm y tế, nguồn tin này nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52216198
Powered by Blogger.