Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Bộ phận nào trong xã hội có thể đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa?

Thursday, September 29, 2016 // , ,
Bộ phận nào trong xã hội có thể đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa?

Nguyễn Thị Từ Huy

Thứ Tư, 09/28/2016 – 16:56 — nguyenthituhuy
Khi tiếp tục suy nghĩ  về câu hỏi: «Bộ phận nào trong xã hội có thể đẩy nhanh quá trình dân chủ hoá ? », tạm thời tôi đứng trước mấy câu trả lời sau đây : 1/ Nội bộ lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, nếu họ có chuyển biến về nhận thức. 2/ Các đảng phái và các tổ chức chính trị chuyên nghiệp, nếu có thể hình thành được từ cơ sở xã hội dân sự và phong trào dân chủ hiện nay. 3/Ấp lực và phản ứng đủ mạnh của người dân. 4/Các cá nhân mà vị trí công việc hoặc uy tín cho phép có ảnh hưởng tới số đông dân chúng. 5/ Các dịch giả, các nhà phân tích và truyền thông cả phi chính thống lẫn chính thống. Ngoài ra chắc chắc còn những yếu tố khác nữa, mà những người khác sẽ thảo luận hoặc bản thân tôi cũng có thể khai thác vào một dịp khác.
Để tiện theo dõi, tôi sẽ trình bày mỗi vấn đề trong một bài viết. Bài này đề cập đến việc lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản, trong trường hợp họ muốn trở thành yếu tố của quá trình dân chủ hoá, thì đó là yếu tố thúc đẩy một cách nhanh nhất  sự thay đổi và phát triển của đất nước.
Thực tế đã cho chúng ta thấy rằng nhiều lãnh đạo của các nước độc tài trên thế giới đã quyết định, trong một thời điểm nhất định, hoặc là tiến hành các cải cách căn bản hệ thống chính trị để dẫn đến dân chủ hoá đất nước, như trường hợp của Gorbatchev ở Nga, hoặc là cho phép chuyển đổi từ cơ chế chính trị độc tài sang cơ chế chính trị dân chủ, như trường hợp Thein Sein ở Miến Điện hay tướng Jaruzelski ở Ba Lan.
Điều này có thể xảy ra ở Việt Nam không ? Có lẽ sẽ dễ hơn nếu tìm cách trả lời câu hỏi này : ở  Việt Nam có những lãnh đạo cộng sản muốn dân chủ hoá cơ chế chính trị không ?
Trước khi tiếp tục, tôi xin trích dẫn một vài ý kiến sau đây :
« Chế độ dân chủ thiết lập trên cơ sở một bản Hiến pháp được xây dựng từ ý chí tự do của nhân dân lựa chọn hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa . Hiến pháp quy định thể thức bảo đảm tổng tuyển cử tự do, không phân biệt khuynh hướng chính trị, quy định cách thức hoạt động của nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, bảo đảm các quyền tự do của con người và sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật.. »
 « Chúng ta đã chọn mô hình giáo điều, lai ghép chủ nghĩa xã hội Stalin với chủ nghĩa xã hội Mao Trạch Đông. Liên Xô và các nước Đông Âu đang lâm vào khủng hoảng bởi mô hình Stalin, vi phạm dân chủ, duy ý chí, quan liêu, đặc quyền, đặc lợi. Thế giới xã hội chủ nghĩa phải cải tổ, đổi mới, giải quyết những mâu thuẫn, phá vỡ cái cũ, đạt tới các tiêu chí của thời đại là: dân chủ, khoa học, nhân đạo, hiện đại. Xu thế chủ yếu là chuyển sang sở hữu tư nhân, kinh tế hàng hóa, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự. »
« Đảng không bao biện lấn sân làm thay nhà nước, không duy trì chế độ “đảng trị”, “toàn trị”. Nhà nước là công cụ của dân, chứ không phải là công cụ của Đảng, không phải cấp trên của dân. Nhà nước quản lý theo luật và bằng chính sách chứ không làm thay doanh nghiệp. Kế hoạch nhà nước nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên thị trường. Ngược lại, nếu duy trì tình trạng như hiện nay thì không phải làm cho Đảng, cho Nhà nước vững mạnh mà là tạo môi trường xã hội dung dưỡng độc đoán, lạm quyền, tham nhũng làm thoái hóa Đảng và mục ruỗng Nhà nước. »
Những phát biểu này nghe cứ như là phát biểu của những người đang đấu tranh trong phong trào dân chủ hiện nay. Vậy ai là tác giả của các ý kiến trên đây?
Câu trả lời có thể làm cho nhiều người ngạc nhiên, nhất là những người không tin (hoặc không muốn tin) rằng trong hàng ngũ cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam cũng có thể có những người mang tư tưởng cải cách theo hướng dân chủ hoá.
Câu trả lời là : tác giả của những ý kiến mà tôi dẫn trên đây là một người từng giữ chức Bí thư Trung ương đảng cộng sản Việt Nam, và ông đã nói ra những điều đó khi ông còn là Bí thư Trung ương đảng, chứ không phải là sau khi đã thôi chức hay về hưu.
Người đó là ông Trần Xuân Bách. Xin xem bài của Tống Văn Công trên trang Viet-studies : http://www.viet-studies.info/kinhte/TongVanCong_TranXuanBach.htm
Các phát biểu đó, vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đã khiến ông Bách phải mất hết các chức vụ và bị ngược đãi.
Dĩ nhiên lịch sử không có chữ « nếu ». Nhưng chúng ta cũng cứ thử trí tưởng tượng của mình xem sao : Nếu vào những năm 89-90 của thế kỷ trước, ông Trần Xuân Bách giữ chức Tổng bí thư, chứ không phải ông Nguyễn Văn Linh, thì Việt Nam rất có thể đã có một kịch bản giống Liên Xô, bởi ông Trần Xuân Bách ủng hộ tư tưởng và hành động cải tổ của Gorbatchev.
 Giả sử hồi đó ông Trần Xuân Bách có đủ các điều kiện cần thiết, và ông thành công trong việc chuyển đổi Việt Nam từ độc tài cộng sản sang một thể chế dân chủ, như ông miêu tả trong đối thoại với ông Tống Văn Công, thì ông Bách có xứng đáng được bầu làm Tổng thống của cái nước Việt Nam dân chủ ấy không ? Câu trả lời của tôi không thay đổi : nếu ông Trần Xuân Bách hồi đó có đủ quyền lực để làm được việc thay đổi thể chế thì ông ấy xứng đáng được giữ chức Tổng thống của thể chế dân chủ do ông ấy góp phần quan trọng để lập ra.
Thực ra trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản không chỉ có một mình Trần Xuân Bách là có tư tưởng cải cách, còn có tướng quân đội Trần Độ, đại tá công an Lê Hồng Hà, và thế hệ sau, gần đây thôi, còn có những người từ bỏ chức vụ, như lãnh sự Đặng Xương Hùng.
Liệu lúc này ở Việt Nam có thể xuất hiện một lãnh đạo như Trần Xuân Bách, và dám đi xa hơn Trần Xuân Bách ?
Vấn đề là ở chỗ, trong bộ máy lãnh đạo cao cấp Việt Nam ở thời điểm này không có ai bộc lộ ra ngoài (bằng diễn ngôn và hành động) các dấu hiệu cho thấy họ có tư tưởng cải cách chính trị. Vì thế mà người Việt Nam không tin rằng hiện nay giải pháp dân chủ có thể đến từ tầng lớp lãnh đạo.
Tuy nhiên, người Miến Điện vào thời điểm 1988 (lúc Aung San Suu Kyi bắt đầu từ bỏ vai trò người phụ nữ gia đình để đảm nhận vai trò lãnh đạo chính trị) chắc cũng không tin rằng lãnh đạo độc tài quân sự sẽ chịu tiến hành dân chủ hoá thể chế chính trị. Phải hơn hai mươi năm sau mới có quyết định của tướng Thein Sein, người đứng đầu chính phủ Miến Điện vào thời điểm ông ủng hộ dân chủ hoá thể chế chính trị, năm 2011.
Vấn đề của Việt Nam là lúc này tình thế đã quá cấp bách, nếu hai mươi năm nữa mới dân chủ hoá chính trị thì lúc đó có lẽ đã quá muộn.  Áp lực của Trung Quốc, hiểm hoạ môi sinh, tham nhũng, băng hoại xã hội về đạo đức và tinh thần, lưỡi hái tử thần của sự nhiễm độc, không chỉ là biển nhiễm độc mà là hầu như tất cả các loại thực phẩm mà người dân tiêu thụ hàng ngày đều không an toàn…, tình trạng đó đòi hỏi muốn giữ độc lập và tránh thảm hoạ diệt vong cần có một chính phủ đủ mạnh và đủ năng lực giải quyết các vấn đề.
Tình trạng độc quyền chính trị đã làm cho bộ máy quyền lực của Việt Nam trở nên bất lực, không thể giải quyết được các vấn đề của quốc gia. Vụ Formosa, thực ra không mấy khó khăn để giải quyết nhưng chính phủ cũng không giải quyết nổi. Chỉ riêng việc chính phủ phải mất đến ba tháng trời mới công bố nguyên nhân của vụ ô nhiễm đã chứng tỏ sự yếu kém của chính phủ đến mức nào. Và việc giải quyết với mức đền bù 500 triệu đô la cho thấy chính phủ bất lực đến mức nào, như nhiều phân tích đã chỉ ra.
Guồng máy chính trị hiện nay không thể che dấu sự yếu kém và bất lực trong việc điều hành quốc gia. Đồng thời lại phạm sai lầm ở chỗ lấy việc đàn áp nhân dân để chứng tỏ quyền lực của mình. Tại sao sai lầm ? Bởi vì người dân sẽ không mãi mãi chấp nhận bị đàn áp. Và người Việt, cũng như mọi dân tộc khác, có khát vọng sống và khát vọng tự do. Một ngàn năm Bắc thuộc, một trăm năm thuộc địa, không đè bẹp được ý chí sống và ý chí độc lập của người Việt. Vậy dựa vào đâu để những người lãnh đạo cộng sản tin rằng có thể dùng các phương tiện đàn áp để buộc người dân của mình phải chấp nhận chết vì bị đầu độc, vì sự vô trách nhiệm của chính phủ, và chấp nhận mất tự do, mất độc lập mãi mãi ? Ngày hôm nay, những ngư dân mất biển đang xuống đường, và ngày mai, những người khác sẽ xuống đường cùng với họ.
Nếu trong hàng ngũ lãnh đạo còn có những người đủ tỉnh táo và đủ tầm nhìn, họ sẽ thấy rằng trước tình hình cấp bách này, khi họ đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, thay đổi thể chế chính trị để đảm bảo cuộc sống cho nhân dân và để bảo tồn và phát triển đất nước, thì họ sẽ có một vai trò quan trọng trong lịch sử dân tộc.
Không ai có thể duy trì quyền lực vĩnh viễn, và cũng chẳng ai mang theo được tiền bạc xuống mồ. Vậy có nghĩa lý gì khi mang vận mệnh quốc gia, sự tồn vong của dân tộc, sinh mạng của nhân dân, uy tín và danh dự của chính mình, để đánh đổi lấy một vài năm nắm giữ quyền lực và một đống tiền bạc mà đằng nào cũng phải từ bỏ khi giã biệt cõi đời này ?
Paris, 28/9/2016
Nguyễn Thị Từ Huy

Tham luận

 Bộ phận nào trong xã hội có thể đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa ?(I)

 Paris, 7/7/2016

Nguyễn Thị Từ Huy

Cách đây không lâu, Lê Anh Hùng có đặt ra một vấn đề ở tầm chiến lược : « Cách mạng dân chủ ở Việt Nam: từ dưới lên hay từ trên xuống? », đồng thời đưa ra một số phương án về khả năng chuyển đổi dân chủ ở Việt Nam.

Đây là một chủ đề lớn, và cần thảo luận rốt ráo, nhất là trong tình trạng khẩn cấp hiện nay, khi chủ quyền và môi trường đều bị đe dọa. Sẽ có những người cho rằng, đối với Việt Nam vấn đề cấp bách là thoát Trung, và tạm thời cần dẹp qua một bên vấn đề nhân quyền và dân chủ. Tuy nhiên cũng sẽ có người nghĩ rằng, Việt Nam muốn độc lập thì phải dân chủ hóa. Tôi cũng nghĩ theo hướng này, Việt Nam không thể có độc lập, không thể cứu môi trường nếu không dân chủ hóa. Nhận định này có lẽ được củng cố khi ta quan sát những gì đang diễn ra, những cách thức xử lý của chính phủ về các vụ đồng bằng sông Cửu Long, Vũng Áng, Formosa…

Tiếp tục suy nghĩ về các khả năng và nhất là về điều kiện cho sự dân chủ hóa ở Việt Nam, trong bài này tôi sẽ đề cập đến một điểm, một trong cả chuỗi vấn đề cần quan tâm phân tích : bộ phận nào trong xã hội có thể đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa trong tình thế cấp bách này?

Câu trả lời mà có lẽ nhiều người nghĩ đến đầu tiên là : bộ phận cấu thành phong trào dân chủ. Dĩ nhiên, để định nghĩa phong trào dân chủ không đơn giản. Dù vậy, cũng có thể xem là từ « phong trào dân chủ » được hiểu là phong trào của những người trực diện đấu tranh, những người bất đồng chính kiến, những người từng bị giam giữ, những người thường xuyên trực tiếp xuống đường… Không thể phủ nhận đóng góp to lớn của những người này trong quá trình thức tỉnh lương tri và làm thay đổi nhận thức. Thực sự là những hy sinh của họ, những nỗ lực của họ đã có một tác động quan trọng đối với sự chuyển động xã hội. Sự can đảm của họ đã kêu gọi sự can đảm của người khác, khiến cho dần dần càng có nhiều người bước qua lằn ranh của sự sợ hãi.

Câu trả lời thứ hai mà có thể nhiều người cũng đồng tình : xã hội dân sự. Cụ thể là các tổ chức xã hội dân sự. Sự hình thành của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã đánh dấu một bước chuyển biến mới của phong trào dân chủ. Giờ đây, các cá nhân đã tập hợp lại với nhau trong một số tổ chức. Và dĩ nhiên, sức mạnh của một tổ chức bao giờ cũng lớn hơn sức mạnh của một cá nhân. Đồng thời sự tồn tại của các tổ chức xã hội dân sự gợi lên niềm hy vọng rằng một ngày nào đó chính phủ độc tài sẽ cho phép hợp pháp hóa các tổ chức hội đoàn độc lập. Dĩ nhiên, đấy là một trong những điều kiện nền tảng để xây dựng một xã hội dân chủ.

Tuy nhiên, câu trả lời mà tôi tìm thấy hơi khác. Dù phải chịu đựng nhiều hy sinh, dù có đóng góp quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa, nhưng vai trò thúc đẩy NHANH quá trình dân chủ không thuộc về các hội đoàn xã hội dân sự, các cá nhân bất đồng chính kiến hay các nhà tranh đấu (như từ vẫn thường được dùng ngày nay). Tại sao ? Tại vì trong quan niệm của xã hội Việt Nam hiện nay, họ bị xem là quá cực đoan (một người chỉ viết lách ôn hòa như tôi mà cũng bị xếp vào diện cực đoan thì những người đã từng bị kết án tù sẽ còn bị xem là cực đoan đến mức nào). Điều này, cùng với sự đàn áp của chính quyền khiến họ bị đặt vào tình thế cô lập.

Mặc dù họ liên kết lại với nhau trong một số hội đoàn, nhưng vẫn chỉ là họ với nhau. Nghĩa là họ không có cơ hội để tiếp xúc và để tác động trực tiếp với cái khối đông đảo quần chúng trong xã hội. Tác động của họ chủ yếu thông qua việc viết lách, thông qua các công bố trên mạng. Các cuộc tiếp xúc chỉ diễn ra giữa họ với nhau, trong những nhóm rất nhỏ. Điều này thật khác với Aung San Suu Kyi, khi mà bà có thể làm những cuộc diễn thuyết về dân chủ trước hàng ngàn người. Cũng có một bộ phận trong giới đấu tranh có thể có tác động trên diện rộng, đó là bộ phận công giáo. Tuy nhiên, các bài giảng ở nhà thờ không thể đi ra ngoài phạm vi tôn giáo, nghĩa là các linh mục cũng không thể giảng các bài giảng về dân chủ, mà chỉ có thể lồng một số nội dung nhất định nào đó vào các bài giảng thánh lễ.

Ngoài ra, một điều khác mà ta có thể nhận thấy là cuộc đấu tranh ở Việt Nam đang chủ yếu đi theo hướng phản ứng lại các chính sách bất cập hay ngăn chặn các việc làm sai trái của bộ phận công quyền. Phán kháng, tố cáo, kiến nghị, một số cuộc biểu tình… là những dạng thức hoạt động chính. Dĩ nhiên, những việc này rất cần thiết và quan trọng, và luôn cần thiết và quan trọng.

Nhưng việc truyền bá kiến thức về dân chủ hầu như rất ít được thực hiện. Hiện nay cũng chưa có một tổ chức nào chuyên tập trung vào việc này. Họ không lựa chọn việc truyền bá kiến thức về dân chủ, quảng bá ý nghĩa của dân chủ, giới thiệu tầm quan trọng của dân chủ, như một nội dung hoạt động chính. Dĩ nhiên, có một số chương trình như giới thiệu về quyền con người. Nhưng thực sự rất ít những chương trình như thế. Và nhất là bản thân các hội đoàn dường như cũng không xem việc phải xây dựng một lề lối làm việc dân chủ, một cơ cấu tổ chức dân chủ, là quan trọng.

Nghĩa là, nếu lấy lại một ý mà tôi từng nói trong một bài viết trước đây thì ta có thể nói, cuộc đấu tranh hiện nay đang thiên về hướng chống lại thể chế độc tài, chứ chưa xem trọng việc phải xây dựng các kiến thức, các giá trị và các chuẩn mực về dân chủ, chưa làm rõ được ý nghĩa và vai trò của dân chủ trong đời sống xã hội. Và như thế thì khối đông quần chúng trong xã hội sẽ không tìm thấy lý do để ủng hộ các nhà tranh đấu, họ sẽ không biết tại sao họ cần ủng hộ các nhà tranh đấu, trong khi mà dù xã hội nhiễu nhương dường như họ vẫn đang có cuộc sống ổn định. Và thực ra, nếu người dân hỏi rằng : « Dân chủ ích lợi gì trong việc bảo vệ Trường sa Hoàng sa ? », « dân chủ ích lợi gì trong việc giải độc biển Đông ? », « dân chủ có cứu được phụ nữ Việt Nam phải bán mình đi làm thê thiếp cho đàn ông nước ngoài không ? »… thì những người tranh đấu sẽ trả lời như thế nào ?

Nói điều này thì một người như tôi phải tự nhận trách nhiệm về phần mình. Tôi cũng là người tham gia phong trào, và tôi cũng chưa làm được gì để cải thiện tình hình này, mặc dù có lẽ tôi có điều kiện để làm việc này hơn một số người khác.

(Còn tiếp)

Paris, 7/7/2016

Nguyễn Thị Từ Huy

Phụ nữ Mỹ gốc Việt tranh cử Dân biểu Hoa Kỳ

Phụ nữ Mỹ gốc Việt tranh cử Dân biểu Hoa Kỳ
Bà Stephanie Murphy - Photo courtesy of floridapolitics.com
Hòa Ái, phóng viên RFA, 2016-09-29
Bà Stephanie Murphy, một phụ nữ Mỹ gốc Việt, đang vận động tranh cử trở thành Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ tại Địa hạt số 7, Bang Florida. Hòa Ái có cuộc trao đổi ngắn với bà Stephanie Murphy liên quan đến cuộc vận động tranh cử này.
Hòa Ái: Thưa bà, bà là một doanh nhân và từng làm việc trong lãnh vực giáo dục cũng như từng làm việc với vai trò chuyên gia an ninh quốc gia trong Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, vì sao bà lựa chọn con đường hoạt động chính trị để trở thành Dân biểu? 
Bà Stephanie Murphy: Tôi rất thất vọng với cách thức làm việc của Quốc hội hiện tại, và tôi cảm thấy rằng các nhà lập pháp trong Quốc Hội không phục vụ dân chúng, và tôi là một trong những người thực sự tin tưởng vào lý tưởng phục vụ cộng đồng. Tôi tin như vậy bởi vì tôi đến Mỹ lúc chỉ là một em bé. Cha mẹ tôi trốn chạy Cộng sản Việt Nam khi tôi chỉ mới 6 tháng tuổi và chúng tôi được tàu Hải quân Hoa Kỳ cứu vớt. Sau đó, chúng tôi đã được một Hội thánh Lutheran bảo trợ và chuyển tới Bang Virginia định cư. Cha mẹ tôi đã làm việc rất cần mẫn để hỗ trợ cho anh trai và tôi tốt nghiệp đại học.
Do đó, tôi rất biết ơn đất nước này và cũng rất tin tưởng vào những việc làm phục vụ cộng đồng. Lần đầu tiên tôi nghĩ đến tham gia lãnh vực phục vụ cộng đồng là ngay sau biến cố 911, khi tôi được tuyển vào làm việc trong vai trò chuyên gia an ninh quốc gia trong Bộ Quốc phòng. Hiện tại, tôi tin chính phủ là rất quan trọng và những nhân viên của chính phủ cũng làm việc hết sức mình để phục vụ dân chúng như gia đình tôi từng có cơ hội được thụ hưởng những phúc lơi từ chính phủ. Vì vậy, tôi muốn làm việc trong Quốc Hội như là cách để tiếp tục phục vụ quốc gia.
Hòa Ái: Nếu như được đắc cử trở thành vị Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ, những lãnh vực nào bà tập trung vào, thưa bà?
Bà Stephanie Murphy: Tôi sẽ tập trung vào kinh tế, an toàn súng đạn, các vấn đề an ninh cũng như những vấn đề liên quan đến phụ nữ. Về kinh tế, với nền tảng làm việc trong lãnh vực kinh doanh, tôi có thể tạo ra nhiều công ăn việc làm và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng để tất cả mọi người có cơ hội làm những công việc tốt, lãnh lương cao.
Về các vấn đề an ninh, với kinh nghiệm làm việc trong lãnh vực an ninh quốc gia, tôi sẽ chuyển tải ý thức sử dụng súng đạn an toàn để có thể tạo ra một môi trường an toàn hơn cho tất cả những người thân yêu của chúng ta. Và liên quan đến các vấn đề của phụ nữ, là một người phụ nữ, tôi lên tiếng ủng hộ phụ nữ được trả lương một cách công bằng cũng như ủng hộ phụ nữ có thể tự quyết định lựa chọn bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho mình.
Hòa Ái: Như những gì bà vừa đề cập, nếu như trở thành một nữ dân biểu, bà nghĩ rằng bà cần chia sẻ với phụ nữ về những khía cạnh nào trong đời sống cũng như những điều họ cần chú trọng hơn trong tương lai?
Bà Stephanie Murphy: Tôi là một bà mẹ của hai đứa trẻ, 5 tuổi và 2 tuổi. Tôi vừa đi làm vừa chăm sóc con nên tôi chú trọng đến quyền lợi phụ nữ được trả lương như thế nào khi họ buộc phải nghỉ phép vì các vấn đề của gia đình, họ được nhận lương công bằng trong công việc cũng như những lợi ích giúp cho họ được thành công trong xã hội.
Tôi mong nhận được sự ủng hộ của cộng đồng gốc Á Châu và tôi nhận thấy điều rất quan trọng đối với chính phủ là cần phải ghi nhận sự đóng góp của cộng đồng này.
- Bà Stephanie Murphy
Hòa Ái: Và hôm nay, nhân đến Đài RFA để chia sẻ với quý khán thính giả về cuộc vận động tranh cử của bà, bà nghĩ rằng cộng đồng người Việt có thể làm gì để có thể hỗ trợ cho nữ Dân Biểu Liên bang Hoa Kỳ gốc Việt đầu tiên, nếu bà đắc cử? 
Bà Stephanie Murphy: Tôi mong nhận được sự ủng hộ của cộng đồng gốc Á Châu và tôi nhận thấy điều rất quan trọng đối với chính phủ là cần phải ghi nhận sự đóng góp của cộng đồng này. Người Mỹ gốc Á đang ngày càng gia tăng ở Hoa Kỳ, do đó các vị dân biểu đại diện cho cộng đồng gốc Á trong chính phủ là vô cùng quan trọng. Vì vậy tôi rất vui mừng khi có được sự hỗ trợ của cộng đồng để tôi có cơ hội góp phần chia sẻ ý nguyện của họ với chính phủ Hoa Kỳ. Những ai quan tâm đến cuộc vận động tranh cử của tôi có thể tìm hiểu thêm tại StephanieMurphyforCongress.com và tôi sẽ rất biết ơn đối với sự ủng hộ này.
Hòa Ái: Cảm ơn thời gian của bà Stephanie Murphy dành cho Đài Á Châu Tự Do. Và, thưa quý vị, quý vị có trông chờ một nữ Dân Biểu gốc Việt đầu tiên tại Quốc Hội Liêng bang Hoa Kỳ hay không? Hòa Ái nghĩ rằng có lẽ rất nhiều người đang trông đợi. Quý vị có thể theo dõi chiến dịch vận động tranh cử của bà Stephanie Murphy qua website của bà. Xin phép được đại diện cho những ai trong cộng đồng ủng hộ cuộc vận động tranh cử này cầu chúc bà Stephanie Murphy được thành công.
Bà Stephanie Murphy: Cảm ơn Hòa Ái và RFA cho Stephanie cơ hội được trò chuyện cùng khán thính giả. Cảm ơn.

Ấn Độ và Pakistan lại xung đột về vấn đề Kashmir

Hôm thứ Năm, quân đội Ấn Độ cho biết đã tiến hành “các cuộc không kích chính xác”, tấn công những kẻ bị nghi là các phần tử chủ chiến ở dọc biên giới giáp với Pakistan, nhưng Islamabad bác bỏ tuyên bố đó và mô tả đây là một vụ chạm súng xuyên biên giới.

Các cuộc không kích diễn ra tiếp sau một cuộc tấn công quân sự của các phần tử chủ chiến vào một căn cứ quân Ấn Độ tại Kashmir hồi đầu tháng này, giết chết 18 binh sĩ. Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố sẽ không bỏ qua vụ này.

Người đứng đầu chỉ huy các hoạt động quân sự của Ấn Độ, ông Ranbir Singh, trong cuộc họp báo hôm thứ Năm cho biết các cuộc không kích đã được thực hiện để ngăn chặn nhóm khủng bố gầy dựng cơ sở dọc theo biên giới đang tranh chấp ở bang Kashmir.

Ông nói số thương vong đáng kể đã cảnh cáo “những kẻ khủng bố và những kẻ hỗ trợ cho chúng”.

Giới chức quân đội Ấn Độ cho biết ông đã thông báo cho phía đối tác Pakistan về chiến dịch quân sự, giờ đã chấm dứt. 

Ngay sau thông báo của New Delhi, quân đội Pakistan tức thời hồi đáp trong một tuyên bố “Khái niệm về cuộc không kích chuẩn xác có liên quan đến những địa điểm mà Ấn Độ cáo buộc là căn cứ khủng bố là một ảo tưởng do Ấn Độ cố tình tạo nên để gây ra những tác động không có thực”. Quân đội Pakistan cho biết hai binh sĩ của họ đã thiệt mạng và chín người khác bị thương trong một cuộc giao chiến.

Trong một tuyên bố trên video, Bộ trưởng Quốc phòng Khawaja Asif của Pakistan cảnh báo sẽ có một “phản ứng cứng rắn” nếu Ấn Độ vi phạm làn ranh kiểm soát ở Kashmir

Hồng Kông kỷ niệm 2 năm phong trào cách mạng Dù

No sub-categories
Hồng Kông kỷ niệm 2 năm phong trào cách mạng Dù
Ba phút im lặng nhân kỷ niệm 2 năm phong trào Dù vàng, Hồng Kông, 28/09/2016.REUTERS/Bobby Yip
RFI
Đăng ngày 28-09-2016
Hôm nay 28/09/2016, hàng trăm người biểu tình che dù màu vàng đã dành 3 phút mặc niệm trước trụ sở chính quyền Hồng Kông nhân kỷ niệm 2 năm phong trào đòi dân chủ, yêu cầu Bắc Kinh chấp nhận bầu cử phổ thông đầu phiếu thật sự.
Vào mùa thu 2014, hàng chục ngàn người biểu tình đã làm tê liệt nhiều khu phố ở Hồng Kông trong suốt hơn 2 tháng để đòi bầu cử theo thể thức phổ thông thật sự khi bầu lãnh đạo hành pháp vào năm 2017 và đòi những cải tổ dân chủ khác. Thế nhưng Bắc Kinh đã dứt khoát không đáp ứng những yêu sách đó.
Vào đúng 17 g 58, giờ địa phương, hôm nay, những người tham gia lễ kỷ niệm đã dành 3 phút mặc niệm, vì đó là lúc mà cách đây đúng hai năm, cảnh sát Hồng Kông đã bắn hơi cay vào người biểu tình, những người này đã dùng những cây dù để chống hơi cay.
Ngày kỷ niệm phong trào được mệnh danh là “ cách mạng dù ” diễn ra vào lúc ngày càng có nhiều người dân Hồng Kông cảm thấy rằng Bắc Kinh đang tăng cường kiểm soát đặc khu hành chính này, được giao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Theo dự kiến, Hồng Kông vẫn được hưởng các quyền tự do cho đến năm 2047, theo nguyên tắc “ Một quốc gia, hai chế độ ”. Thế nhưng nhiều người dân Hồng Kông nay nhận thấy là các quyền tự do đó đang bị đe dọa bởi sự can thiệp của Bắc Kinh.

TT Duterte: Vấn đề Biển Đông cần giải quyết theo luật pháp quốc tế

media
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang ( phải) đón tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại phủ chủ tịch, Hà Nội trước khi hội đàm ngày 29/09/2016.REUTERS/Luong Thai Linh/Pool
RFI
Đăng ngày 29-09-2016 
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gặp gỡ các lãnh đạo Việt Nam hôm nay 29/09/2016, nhằm thúc đẩy một liên minh đang nảy nở nhưng bấp bênh, do thái độ nghi kỵ Mỹ và cởi mở với Trung Quốc của tân tổng thống. Ông Duterte khẳng định vấn đề Biển Đông cần được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế.
Sáng nay tại Hà Nội, chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã hội đàm với tổng thống Rodrigo Duterte. Về vấn đề Biển Đông, trang web chính phủ cho biết hai bên cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không cũng như thương mại trong khu vực.
Việt Nam và Philippines kêu gọi các bên kềm chế, không sử dụng vũ lực ; tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao, pháp lý ; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hai bên cũng tái khẳng định ủng hộ triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và hợp tác nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).
Hà Nội và Manila ủng hộ lẫn nhau nhằm hoàn thành tối vai trò nước chủ nhà ASEAN 2017 của Philippines và APEC 2017 của Việt Nam, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.
Tổng thống Philippines mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, trong đó an ninh quốc phòng là trụ cột ; và phát huy các cơ chế hợp tác song phương hiện có, nhất là cơ chế đối thoại chính sách cấp thứ trưởng quốc phòng.
Publicite, fin dans 0 secondes
Hai bên sẽ chia sẻ kinh nghiệm chống các loại tội phạm ma túy, buôn người, công nghệ cao, chống khủng bố. Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân dịp này cũng đề nghị Philippines xem xét trả tự do cho các ngư dân Việt Nam đang bị giam giữ.
Cùng ngày, ông Duterte đã đến chào tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội kiến thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tiếp đoàn đại biểu doanh nghiệp Việt Nam.
Manila rời xa, Hà Nội xích lại gần Mỹ
Việt Nam và Philippines đã xích lại gần nhau hơn trong bối cảnh cùng bị Trung Quốc ức hiếp khi hung hăng xác quyết chủ quyền Biển Đông. Nhưng những phát biểu thô bạo của ông Duterte đối với đồng minh Mỹ và ngược lại rất tích cực về Trung Quốc, theo Reuters, có thể không phù hợp với các lãnh đạo Việt Nam vốn điềm đạm và chừng mực hơn.
Trước cuộc hội đàm, ông Duterte đã gây hồi hộp khi trong cuộc gặp cộng đồng người Philippines tại Hà Nội tối qua, tuyên bố rằng cuộc tập trận sắp tới với Hoa Kỳ sẽ là lần cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông, và sẽ chấm dứt tuần tra chung.
Hôm nay ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói rằng sẽ tập trận chung với Mỹ năm 2017, nhưng vấn đề này sẽ được xem xét lại trong năm 2018. Ông khẳng định Philippines không muốn có một đồng minh quân sự nhưng muốn là bạn bè với tất cả các nước.
Reuters nhận định, trong khi quan hệ giữa Philippines và Hoa Kỳ đang chao đảo – ông Duterte giận dữ vì bị Mỹ chỉ trích về cuộc chiến chống ma túy đẫm máu, quan hệ Việt-Mỹ lại nhanh chóng tiến triển, sau vụ Bắc Kinh cho kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 đến vùng biển Hoàng Sa năm 2014. Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Năm đã loan báo dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí có từ nửa thế kỷ qua.
Chuyên gia Murray Hiebert của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington cho rằng tính khí bốc đồng của ông Rodrigo Duterte khiến Việt Nam e ngại cho quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập dưới thời người tiền nhiệm Benigno Aquino.Theo ông Hiebert, ông Duterte có thể tham khảo các lãnh đạo Việt Nam về cách xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản hiện đang trong « bối cảnh rất phức tạp ».
Còn nhà phân tích Lê Hồng Hiệp nhận định : « Việt Nam không muốn ông Duterte đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc về Biển Đông, làm phương hại đến Việt Nam và các nước khác có liên quan ».

Bí mật chiếc chiến đấu cơ Liên Xô bị đánh cắp

Image copyrightUS AIR FORCE WIKIMEDIA COMMONS
BBC
Stephen Dowling
29 tháng 9 2016
Khi viên phi công Viktor Belenko đào tẩu hồi 40 năm trước, ông đã trốn chạy trên một chiếc phi cơ Xô-viết bí hiểm, MiG-25.
BBC Future tìm hiểu về những tác động to lớn của một trong những sự kiện gợi trí tò mò nhiều nhất trong thời Chiến tranh Lạnh.
Vào ngày 6/9/1976, một chiếc phi cơ hiện ra từ những đám mây trên bầu trời gần thành phố Hakodate trên Hokkaido, hòn đảo chính nằm ở phía bắc của Nhật Bản.
Một chiếc máy bay phản lực động cơ kép, nhưng không phải là loại bay chặng ngắn mà Hakodate từng nhìn thấy. Đó là một chiếc to lớn, sơn cờ đỏ Liên Xô. Chưa ai ở phương Tây từng nhìn thấy thứ gì như thế.

Cú hạ cánh bất ngờ

Chiếc phi cơ đáp xuống đường băng bê-tông có rải nhựa đường của Hakodate.
Hoá ra đường băng không đủ dài. Chiếc phi cơ trượt thêm hàng trăm bộ nữa trên nền đất trước khi dừng lại ở phía xa cuối sân bay.
Viên phi công trèo ra khỏi buồng lái và nổ hai phát súng cảnh báo – những người đang lái xe trên con đường cạnh sân bay đã chụp ảnh khung cảnh lạ lùng đó.
Vài phút sau, các viên chức sân bay từ nhà ga phóng xe tới nơi. Trung uý phi công Viktor Ivanovich Belenko, 29 tuổi, thuộc Không lực Liên Xô. Ông tuyên bố mình muốn đào tẩu.
Đó không phải là một cuộc trốn chạy bình thường. Belenko đã không tới một toà đại sứ nào đó, hoặc bỏ trốn khi đang ở một cảng nước ngoài nào đó.
Chiếc máy bay mà ông lái vừa bay một chặng 400 dặm, nay đáp xuống tít cuối đường băng ở một tỉnh của Nhật Bản, chính là chiếc Mikoyan-Gurevich, MiG-25.
Đó là chiếc phi cơ bí mật nhất mà Liên Xô từng chế tạo ra. Cho tới khi có vụ hạ cánh của Belenko.
Image copyrightSCIENCE PHOTO LIBRARY
Image captionMáy bay ném bom XB-có thể bay với tốc độ nhanh gấp ba lần vận tốc âm thanh

Những ‘quái vật’ bí ẩn đáng sợ

Phương Tây lần đầu tiên nhận ra vật thể về sau được biết đến với tên gọi MiG-25 là vào khoảng năm 1970.
Các vệ tinh do thám chuyên theo dõi các sân bay của Liên Xô phát hiện thấy có một loại phi cơ đang được bí mật thử nghiệm.
Trông chúng giống như các chiến đấu cơ khổng lồ; các lực lượng quân sự phương Tây quan ngại về một tính năng cụ thể, bởi những phi cơ này có cánh rất lớn.
Một chiến đấu cơ có sải cánh lớn sẽ rất lợi thế – nó giúp tạo độ nâng và cũng giảm bớt việc phân bố trọng lực theo dọc cánh, khiến cho cả chiếc phi cơ trở nên nhanh nhẹn và dễ thao tác chao lượn, chuyển hướng bay hơn.
Chiếc phi cơ phản lực của Liên Xô có vẻ như đã kết hợp được tính năng này với bộ động cơ kép khổng lồ.
Nó có thể bay nhanh tới mức nào? Liệu có chiếc phi cơ nào trong Không lực Hoa Kỳ hay của bất kỳ lực lượng không quân nào khác đuổi kịp nó không?
Thực ra người ta đã từng thoáng trông thấy một chiếc như thế ở Trung Đông.
Hồi tháng Ba 1971, Israel phát hiện ra một phi cơ mới, lạ, có khả năng tăng tốc tới Mach 3.2, tức là nhanh hơn gấp ba lần so với tốc độ âm thanh, và bay lên tới độ cao 63 ngàn bộ (gần 20km).
Israel và các cố vấn tình báo Mỹ chưa từng thấy thứ đó bao giờ.
Sau khi nhìn thấy nó lần thứ hai vài ngày sau đó, các chiến đấu cơ của Israel đã bay lên chặn đường, nhưng không thể tới gần.
Image copyrightUS NAVY
Image captionMỹ ngỡ rằng họ đang phải đối đầu với một thứ chiến đấu cơ Liên Xô bay nhanh khủng khiếp
Vào tháng Mười Một, Israel phục kích được một trong những kẻ xâm nhập bí hiểm, bắn đầu đạn tên lửa ra từ độ cao 30 ngàn bộ bên dưới đối thủ. Quả là một nỗ lực vô ích!
Mục tiêu không rõ là gì mà họ nhắm bắn bay ở vận tốc nhanh gần gấp ba lần tốc độ âm thanh, quá nhanh khiến cho nó biến mất khỏi vùng nguy hiểm khi tên lửa nổ.
Ngũ Giác Đài kết nối câu chuyện lại với nhau, và thế là nổ ra cuộc khủng hoảng Chiến tranh Lạnh.
Họ tin rằng chiếc phi cơ này chính là chiếc mà họ đã thoáng trông thấy từ các hình chụp bằng vệ tinh.
Đột nhiên, họ bị đặt vào tình thế là một chiến đấu cơ Liên Xô có thể qua mặt được bất kỳ phi cơ nào của Không lực Hoa Kỳ.
Quả là cách diễn giải sai lầm điển hình của quân đội, theo nhận định của Stephen Trimble, chủ biên người Mỹ của trang Flightglobal chuyên về hàng không thế giới.
“Họ dường như đã đánh giá quá cao khả năng của chiếc phi cơ đó bằng việc chỉ dựa vào hình thức bên ngoài,” ông nói, “từ kích cỡ bộ cánh cho tới kích thước khổng lồ của máy bay.”
“Họ biết là nó bay rất nhanh, và cũng rất dễ điều khiển, thay đổi hướng bay. Họ đúng về ý thứ nhất, nhưng không chính xác về ý thứ hai.”

Phi cơ siêu tốc

Thứ mà các vệ tinh của Hoa Kỳ phát hiện thấy và các radar của Israel quét được chính là các phiên bản của chiếc MiG-25.
Nó được thiết kế để đáp trả một loạt các phi cơ mà Hoa Kỳ đưa ra sử dụng trong thập niên 1960, từ chiến đấu cơ F-108 cho tới máy bay do thám SR-71 và máy bay ném bom khổng lồ B-70.
Tất cả các phi cơ này đều có một điểm chung – chúng đều bay được với vận tốc nhanh gấp ba lần tốc độ âm thanh.
Trong thập niên 1950, Liên Xô đã có những bước tiến to lớn trong ngành hàng không.
Họ có các máy bay ném bom có khả năng bay nhanh, bay cao như B-52 của Mỹ.
Các chiến đấu cơ của họ – trong đó nhiều chiếc được chế tạo bởi nhóm thiết kế MiG – đã cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ của Mỹ, tuy hệ thống radar và các thiết bị điện tử của Liên Xô thì không tinh vi bằng.
Image copyrightUS NAVY
Image captionMiG-25 to gần bằng chiếc máy bay ném bom Lancaster được dùng trong thời Đại chiến Thế giới lần thứ hai
Nhưng bước nhảy lớn về công nghệ để đưa một phi cơ từ mức đạt vận tốc Mach 2 lên Mach 3 là một thách thức to lớn. Và đây là điều mà các nhà thiết kế Liên Xô cần phải làm càng nhanh càng tốt.
Dẫn đầu bởi kỹ sư tài ba Rostislav Belyakov, nhóm các nhà thiết kế đề ra khối lượng công việc cần làm.
Để bay nhanh tới vậy, chiếc phi cơ mới cần phải được trang bị những động cơ có khả năng đẩy cực mạnh.
Tumansky, kỹ sư trưởng phụ trách việc thiết kế động cơ của Liên Xô, đã tạo ra được một loại động cơ mà họ tin là có thể làm được điều đó, động cơ phản lực R-15 turbojet, vốn được dùng cho một dự án tên lửa tuần du trên cao.
Chiếc MiG mới sẽ cần có hai động cơ như vậy, mỗi chiếc có khả năng tạo ra 11 tấn lực đẩy.
Bay với vận tốc cực nhanh tạo ra những lượng nhiệt ma sát khổng lồ giữa thân máy bay và các phân tử khí.
Khi Lockheed thiết kế chiếc Blackbird SR-71, họ đã dùng chất liệu titanium, là chất chịu được nhiệt độ cực cao. Nhưng titanium thì đắt và khó xử lý.
MiG được chế tạo từ thép. Rất nhiều thép. Chiếc MiG-25 gồm những bộ phận bằng thép được hàn vào với nhau một cách thủ công.
Chỉ khi đứng cạnh một chiếc MiG-25 – có một số chiếc sau khi ‘nghỉ hưu’ được trưng bày trên bãi cỏ của một số bảo tàng quân sự của Nga – thì bạn mới thấy thán phục công việc đó tới mức nào.

Kích thước khổng lồ

MiG-25 rất to. Dài 19,5 mét, nó chỉ ngắn hơn chiếc phi cơ ném bom thời Đại chiến Thế giới thứ hai Lancaster có vài bộ.
Nó cần có khung lớn để đặt được động cơ, và cần chứa được lượng lớn nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho các động cơ.
“MiG-25 có thể chở được khoảng 13.600kg nhiên liệu,” Trimble nói.
Khung thép nặng nề khiến MiG-25 cần có những sải cánh lớn, không phải để nghênh chiến với các chiến đấu cơ của Mỹ, mà đơn giản chỉ là để giữ đủ không khí cần thiết cho chiếc phi cơ cất cánh và di chuyển.
Các phi cơ MiG được thiết kế nhằm cất cánh và tăng tốc đạt mức tới Mach 2.5.
Chúng được những hệ thống radar lớn đặt dưới đất hướng dẫn đường đi để tiếp cận mục tiêu.
Khi cách mục tiêu trong phạm vi 80 km, hệ thống radar trên phi cơ sẽ tiếp quản việc quét sóng tìm kiếm đối tượng, và máy bay sẽ bắn ra những tên lửa được đặt bên trong, có những quả dài tới 6m.
Để đối phó với Blackbird của Hoa Kỳ, MiG cũng có một phiên bản do thám, là loại không trang bị vũ khí nhưng mang theo các camera và các thiết bị cảm ứng.
Khi không mang theo tên lửa và hệ thống radar phát hiện mục tiêu, phiên bản này nhẹ hơn và có thể bay đạt vận tốc Mach 3.2. Đây chính là phiên bản mà Israel đã phát hiện ra hồi 1971.
Nhưng trong đầu thập niên 1970, những người đứng đầu ngành quốc phòng Hoa Kỳ không hề biết gì về năng lực thực sự của MiG, loại phi cơ mà họ đặt tên là “Foxbat”.
Họ chỉ biết về nó nhờ vào những bức ảnh chụp nhoè nhoẹt từ không trung và từ những tiếng kêu phát ra trên màn hình radar phía trên Địa Trung Hải.
Trừ phi họ bằng cách nào đó sờ tay được vào một chiếc, nếu không MiG sẽ vẫn là một mối đe doạ bí hiểm.
Mời quý vị đón xem phần tiếp theo của loạt bài gồm hai phần, Cuộc đào tẩu của Trung úy không quân Liên Xô.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Điểm Báo Pháp – 29/09/2016

Điểm Báo Pháp – 29/09/2016

Chiến tranh Syria: Phương Tây bất lực

Tranh cãi chung quanh dự luật tài chính Pháp 2017, cái chết của cựu tổng thống Israel, Shimon Peres người của “Chiến tranh và Hòa bình: Sự nghiệp đầy mâu thuẫn” của ông; đó là hai đề tài lớn phủ kín các trang báo Paris trong ngày.
Nhưng trước hết xin được tập trung vào bài báo trên tờ Le Monde nói về sự bất lực của phương Tây, trước các trận mưa bom đang dội xuống Aleppo, Syria.
Về mặt ngoại giao, Anh, Pháp, và Mỹ mạnh mẽ lên án Nga tiếp tay với chế độ Damas, dội bom xuống thành phố Aleppo. Đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc nói tới “những hành vi man rợ” ; đại diện của Pháp tại New York tố cáo những “tội ác chiến tranh”. Nhưng theo phân tích của Marc Semo, báo Le Monde, những lời lẽ “đao to búa lớn đó, chỉ thể hiện sự bất lực của phương Tây”.
Kế hoạch hòa bình cho Syria bị khai tử
Từ một năm qua, tức là từ khi can thiệp vào Syria, rõ ràng là Nga đã “làm thay đổi tình thế trên hiện trường. Matxcơva cứu chế độ Damas trong lúc phương Tây không làm gì giúp cho phe nổi dậy Syria”.
Một nhà ngoại giao Pháp phải nhìn nhận : “Chưa bao giờ Nga lại bám rễ chặt chẽ vào Trung Đông như hiện tại, kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 và có lẽ là kể từ năm 1973 khi Ai Cập nghiêng hẳn về phía Mỹ sau thắng lợi của Israel trong chiến tranh Kippour”.
Nga làm chủ tình hình trên hồ sơ Syria, những nước cờ ngoại giao của Matxcơva hoàn toàn dựa vào những mục tiêu quân sự mà điện Kremlin đã đề ra.
Kế hoạch vãn hồi hòa bình cho Syria được Nga và Mỹ đề xuất hồi tháng 11/2015 đã bị khai tử. Như người trong cuộc được Le Monde trích dẫn cho là cả ngoại trưởng “Kerry lẫn tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama không còn thời gian và uy tín để đề xuất bất kỳ một sáng kiến nào cho Syria”.
Tác giả bài báo kết luận : Không chỉ có Mỹ mà cả phương Tây đều không còn một lá bài nào để làm thay đổi tương quan lực lượng trên hiện trường. Âu Mỹ chỉ còn biết hy vọng là đem những lập luận đạo đức ra để làm áp lực với Nga, hay là Matxcơva vì muốn tránh sa lầy ở Syria sẽ tỏ ra chừng mực hơn.
Thường dân đối mặt với tử thần
Trong khi chờ đợi, người dân Syria nói chung, ở Aleppo nói riêng đang phải đối mặt với tử thần từng giờ, từng phút, như bài báo của đặc phái viên tờ Le Monde trong khu vực cho thấy : quân đội chính phủ cùng với sự hỗ trợ của không quân Nga trút những trận mưa bom khốc liệt, bao vây thành phố và bỏ đói dân cư trong vùng, để buộc phe nổi dậy buông súng.
Đó là cuộc chiến đang diễn ra trên quê hương ông Bachar Al Assad. Chiến lược đó đã mang lại kết quả mong muốn tại Daraya, ngoại ô Damas và Al Waer, ngoại thành Homs.

Shimon Peres: Chiến tranh và Hòa bình

Phần trang quốc tế của toàn bộ các tờ báo Paris trong ngày đều điểm lại sự nghiệp chính trị dài kỷ lục nhưng đầy sóng gió của cố tổng thống Israel, Shimon Peres, vừa từ trần ngày hôm qua, thọ 93 tuổi.
Chiến tranh và Hòa bình”, Libération mượn lại tựa đề cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của văn hào Nga, Léon Tolstoï để nói về vị cha đẻ cuối cùng của nhà nước Israel vừa ra đi. Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1994 cũng là người đã tăng cường khả năng phòng thủ của Tel Aviv, trang bị vũ khí hạt nhân cho Israel. Dù vậy theo như nhận định của tờ báo trong bài xã luận, hình ảnh của ông đọng lại với một phần lớn công luận trên thế giới là khi ông bắt tay lãnh đạo Cơ quan quyền lực Palestine, ông Yasser Arafat tại Nhà Trắng năm 1993, trước mặt tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Bill Cinton và thủ tướng Yitzhak Rabin, sau khi Israel và Palestin đồng ý về nền tảng hòa ước Oslo, một tia hy vọng cho Cận Đông.
Có điều như Le Figaro ghi nhận, vào lúc mà các lãnh đạo phương Tây thông báo đến dự tang lễ cố tổng thống Israel, thì các nước Ả Rập không mấy vội vã gửi điện chia buồn đến Tel Aviv. Ngoài quá khứ “diều hâu”, ông Shimon Peres còn bị chỉ trích là đã thiếu nghị lực để hòa ước Oslo chết yểu, giấc mơ thành lập một Nhà nước Palestine đã không thành, máu vẫn đổ ở Cận Đông.
Với nhật báo công giáo La Croix, hình ảnh của Shimon Peres còn đọng lại có lẽ là ngày 08/06/2014 tại tòa thánh Vatican, khi đức giáo hoàng mời tổng thống Israel và chủ tịch Cơ quan quyền lực Palestine Madmoud Abbas cùng cầu nguyện cho hòa bình: “Nét mệt mỏi thể hiện rõ trên gương mặt của hai nhà lãnh đạo này trước một cuộc xung đột không có hồi kết”. Hơn một tháng sau đó tổng thống Shimon Peres từ chức.

Dự luật tài chính Pháp, những hứa hẹn viển vông

Về thời sự Pháp, báo chí Paris hết lời chỉ trích dự luật tài chính 2017 được bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính Michel Sapin trình làng ngày 28/09/2016. Libération thiên tả cũng phải nhìn nhận là Paris đã cam kết với Bruxelles giảm bội chi ngân sách, và lời hứa đó sẽ được thực hiện, “ít ra là trên giấy tờ”.
La Croix thực dụng khi trình bày với độc giả : Chính sách thuế khóa của Pháp và năm tới, doanh nghiệp và tư nhân được gì ? mất gì?
Tờ Le Monde không ngây thơ nhận thấy rằng : dự luật tài chính cuối cùng trong một nhiệm kỳ tổng thống luôn “không thực tế và gian dối”. Không thực tế vì ai cũng biết là vào năm tới, sau bầu cử tổng thống và Quốc hội, dự luật được trình làng hôm qua sẽ đi vào “sọt rác”. Gian dối, vì ai cũng biết là Pháp không thể giữ bội chi ngân sách dưới ngưỡng 3 % GDP, vậy mà chính phủ liều lĩnh đưa ra con số 2,7 % và Paris đã căn cứ trên những chỉ tiêu tăng trưởng viển vông.
Tờ Le Figaro thiên hữu đã không bỏ lỡ cơ hội để tấn công chính phủ cách tả khi cho rằng, chỉ cần nhìn vào dự luật tài chính 2017 cũng đủ thấy êkip lãnh đạo là những “chuyên viên kế toán tay mơ”, và “ngoài ông bộ trưởng Sapin ra thì không ai có thể tin được vào sự thành thực của dự luật đó”.
Báo kinh tế Les Echos thì cho rằng, một lần nữa chính phủ lại cố gắng dung hòa để mọi người hài lòng : Paris cố gắng đạt chỉ tiêu của Bruxelles kìm hãm bội chi ngân sách, nhưng đồng thời nội các của thủ tướng Manuel Valls trong mùa tranh cử, lại không thể mạnh tay thu thuế. Tóm lại theo tờ báo, cặp bài trùng Hollande – Valls muốn tạo đà cho kinh tế nhưng lực bất tòng tâm.

Thùng thuốc súng Deutsche Bank

Thay vì dành quá nhiều trang báo để bình luận về dự luật tài chính Pháp, Les Echos quan tâm hơn đến tương lai của ngân hàng Đức Deutsche Bank.
Bị thua lỗ đến gần 7 tỷ euro, và nếu “Deutsche Bank đổ dàn, ngành tài chính ngân hàng thế giới đổ theo” khi mà nhiều ngân hàng của Anh, Pháp đang nắm giữ một phần vốn của Deutsche Bank. Sàn chứng khoán Frankfurt trải qua một tuần lễ đen tối, cổ phiếu của Deutsche Bank tuột dốc không phanh.
Đối với thủ tướng Đức, Angela Merkel, một năm trước bầu cử Quốc Hội, kịch bản Deutsche Bank vỡ nợ là một cơn ác mộng khi biết rằng trị giá cổ phiếu của tập đoàn ngân hàng khổng lồ này tương đương với một nửa GDP của cả nước!
Le Monde nhắc lại : ngân hàng lớn nhất của Đức giờ đây là một “cái xác không hồn”. Tháng 6 vừa qua, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã coi Deutsche Bank là “mối rủi ro lớn” đe dọa ngành tài chính ngân hàng quốc tế. Các hoạt động của ngân hàng này giảm đi từ 12 đến 30 % trong năm 2015.

Khi người giàu nhất TC báo động về nguy cơ khủng hoảng địa ốc

Cũng trong địa hạt kinh tế, người giàu nhất TC, ông vua địa ốc Vương Kiện Lâm báo động về khủng hoảng bất động sản.
Le Figaro có một khung báo nhỏ cho sự kiện này sau bài phỏng vấn họ Vương đã dành cho đài truyền hình Mỹ CNN. Tờ báo nhắc lại: Kinh tế TC cùng lúc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề từ tình trạng đình đốn trong ngành địa ốc và sản xuất đến vấn đề nợ gia tăng một cách chóng mặt.
Vua bất động sản TC đang làm chủ hơn 200 trung tâm thương mại và hệ thống khách sạn không khỏi bi quan cho rằng ông chưa trông thấy giải pháp nào cho TC. Có điều, ông kêu gọi mọi người nên «kiên nhẫn đợi chờ tình hình sáng sủa hơn. Sự hoảng hốt có nguy cơ khiến vấn đề thêm nghiêm trọng»
Nhưng theo Le Figaro, đó là những tuyên bố bề ngoài. Ở «bên trong», vua bất động sản TC này đã kín đáo «đa dạng hóa các nguồn đầu tư». Cụ thể là tập đoàn Vạn Đạt của ông đã chuyển bớt vốn từ mảng địa ốc sang các hoạt động giải trí và thể thao. Vạn Đạt đang đàm phán để mua lại nhiều cơ sở trên vương quốc điện ảnh Hollywood sau khi đã làm chủ hệ thống sản xuất AMC và đã mua lại tập đoàn sản xuất Legendary với giá 3,5 tỷ đô la hồi tháng 1/2016.

Độc giả Mỹ và «Kẻ Xa Lạ» của Albert Camus

Xin được kết thúc mục điểm báo hôm nay với bài viết trên tờ Le Figaro giới thiệu về cuốn sách của giáo sư người Mỹ, Alice Kaplan: Hành trình đi tìm  Kẻ Xa Lạ của Camus, nhà xuất bản Gallimard.
Là giáo sư đại học Yale- Hoa Kỳ, Alice Kaplan đã bị cuốn tiểu thuyết L’Etranger của Albert Camus thu hút năm bà mới 16 tuổi. Cuộc hội ngộ đó đưa chân bà đến gần hơn với văn học Pháp, để rồi bà bỏ công «Đi tìm Kẻ xa lạ». Bốn năm qua, Alice Kaplan đã thực sự mở một cuộc điều tra, để tìm đến với thế giới, với những năm tháng mà Camus đã sống và sáng tác L’Etranger .
Bà tìm về quãng đời của tác giả trong thời gian những năm 1930 khi Albert Camus mới ngoài 20 tuổi và ông bắt đầu dấn thên trên con đường nghệ thuật, cho đến tận năm 1946, tức bốn năm sau khi tác phẩm nổi tiếng nhất của ông chinh phục độc giả 5 châu.
Với người Mỹ, Albert Camus là «ngôi sao sáng của dòng văn học hiện sinh».
Dưới ngòi bút của giáo sư Kaplan, độc giả làm quen với một Camus còn nghèo khó, bị bệnh lao, hao hao giống nam tài tử điện ảnh Mỹ Hymphrey Bogart. Lại cũng Alice Kaplan cung cấp cho độc giả những đánh giá của André Malraux – tác giả của La Condition Humaine (Thân phận Con người) hay Jean Paul Sartre về Albert Camus sau khi đọc xong Kẻ Xa Lạ.

Tin đọc nhanh

(The Wall Street Journal) - Việt Nam tăng trưởng cao trong quý ba. Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, hôm nay, 29/09/2016, cho biết, tăng trưởng của Việt Nam trong quý ba 2016, đạt mức 6,4%, tính theo tỉ lệ cả năm, cao hơn mức của quý hai là 5,78%. Như vậy, trong chín tháng đầu năm nay, Việt Nam có mức tăng trưởng là 5,93%, thấp hơn mức 6,53% của cùng thời kỳ này năm ngoái. Theo The Wall Street Journal, giới chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam khó đạt được mục tiêu đã đề ra là 6,7% trong năm 2016. Năm ngoái, tăng trưởng của Việt Nam là 6,68%.
(Phnom Penh Post) – Cam Bốt đề nghị mở thêm  đàm phán với Việt Nam về đường biên giới trên bộ. Trong một thư gửi cho phía Việt Nam cách nay hai tuần, Ủy ban biên giới Cam Bốt đề nghị mở thêm một cuộc đàm phán nhằm giải quyết một cách trực tiếp, hòa bình và không thông qua tòa án quốc tế các tranh chấp ở đường biên giới trên bộ giữa hai nước, đặc biệt là tại tỉnh Ratanakkiri. Nơi đây, phía Việt Nam đang xây dựng một trạm kiểm soát của khẩu và Phnom Penh cho rằng trạm này nằm trên lãnh thổ Cam Bốt. Đề nghị của Cam Bốt được đưa ra sau thất bại của cuộc đàm phán hồi tháng Tám vừa qua.
(AP) – Hoa Kỳ tìm cách hạn chế TC nhập khẩu than từ Bắc Triều Tiên. Washington đang tiến hành các cuộc đàm phán tại Hội Đồng Bảo An nhằm thay đổi một điều khoản trong lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng, cụ thể là hạn chế TC nhập khẩu than và sắt từ Bắc Triều Tiên. Cho đến lúc này, Bình Nhưỡng vẫn được phép xuất khẩu than và sắt để tránh cho người dân Bắc Triều Tiên hứng chịu hậu quả các lệnh trừng phạt. Quốc tế nghi ngờ TC đã lạm dụng khe hở này để nhập khẩu than và sắt từ Bắc Triều Tiên.
(AFP) – Doanh nhân giàu nhất TC báo động về nguy cơ bong bóng bất động sản. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Mỹ CNN, Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), doanh nhân làm giàu từ bất động sản, người được coi là giàu nhất TC, đã cảnh báo về sự xuất hiện «bong bóng bất động sản lớn nhất trong lịch sử» tại Trung Hoa, bởi vì giá nhà tiếp tục tăng mạnh tại các thành phố lớn, nhưng lại sụt giảm tại các thành phố nhỏ, trong lúc khối lượng các căn hộ không bán được rất lớn.
(Koreatimes)-Không quân Mỹ, Anh và Hàn Quốc tập trận chung vào đầu tháng 11/2016.Theo thông báo của không quân Mỹ, ngày hôm nay, 29/09/2016, từ ngày 4 đến 10 tháng 11/2016, lực lượng không quân ba nước, Anh, Mỹ, Hàn Quốc, sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung, mang tên « Invincible Shield », với điểm xuất phát là căn cứ không quân Osan, ở Pyeongtaek, tỉnh Geyonggi, Hàn Quốc. Không quân Mỹ và Hàn Quốc thường xuyên luyện tập với nhau, nhưng đây là lần đầu tiên, lực lượng không quân Anh tham gia cuộc tập trận chung.
(AFP) – Một lính Bắc Triều Tiên vượt biên giới sang Hàn Quốc. Người lính này đã đào thoát được sang Hàn Quốc bằng cách đi bộ vượt qua vùng phi quân sự (DMZ) đầy mìn bẫy. Quân nhân này đã bị bắt và đang được phía Hàn Quốc thẩm vấn. Đây là trường hợp hết sức hiếm hoi, vì giới tuyến dài 248 km này được hàng chục ngàn quân nhân hai bên canh gác. Vùng phi quân sự được bao bọc bằng những hàng rào kẽm gai và điện tử, với vùng đệm rộng bốn cây số.
Powered by Blogger.