Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Nhà Thờ Đức Bà Paris, biểu tượng của Pháp và nhân loại

Tuesday, April 16, 2019 // ,
mediaCảnh phía sau Nhà Thờ Đức Bà Paris, Pháp, lúc bị hỏa hoạn, ngày 15/04/2019REUTERS/Charles Platiau
Là một thánh đường Công Giáo, nhưng ngay khi bị trận hỏa hoạn ngày 15/04/2019 tàn phá đáng kể, Nhà Thờ Đức Bà Paris đã nhận được những thông điệp yêu thương và trân trọng từ khắp mọi giới, từ mọi nước trên thế giới, không phân biệt tôn giáo, châu lục.
Đó là vì Nhà Thờ Đức Bà Paris đã đi vào tâm thức mọi người như là một biểu tượng văn hóa, không riêng gì của người Pháp, mà là của cả nhân loại.
Ngay từ tối hôm qua, sau khi có hung tin về vụ hỏa hoạn, nước Pháp đã đột nhiên đoàn kết hẳn lại. Người ta không thấy có bất kỳ một tiếng nói phê phán nào trong giới chính khách. Chỉ trước đó ít lâu, phe đối lập sẵn sàng đả kích những gì bị xem là không thỏa đáng trong bài đúc kết của tổng thống Pháp Macron về cuộc Thảo Luận Toàn Quốc nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Áo Vàng.
Cứ như thể tai họa giáng xuống Nhà Thờ Đức Bà Paris đã giúp xã hội Pháp tạm thời quên đi những tị hiềm, để toàn tâm toàn ý nghĩ đến việc làm sao khôi phục biểu tượng của nước mình.
Từ khi được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ XII, Nhà Thờ Đức Bà đã dần dần trở thành trái tim của nước Pháp, là chứng nhân của nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.
Gọi là trái tim của nước Pháp không ngoa, vì công trình này chính là mốc cây số không (Km0) xuất phát điểm của mọi quốc lộ tỏa ra khắp nước. Chính tiếng chuông của Nhà Thờ Đức Bà đã vang rền hôm 25/08/1944, báo hiệu ngày giải phóng Paris khỏi tay Phát Xít Đức, hay gần đây hơn là ngày 15/11/2015, với hồi chuông tưởng niệm nạn nhân của các vụ khủng bố trước đó hai hôm tại Paris.
Thế nhưng, Nhà Thờ Đức Bà Paris không chỉ là riêng của người Pháp mà đã đi vào tâm thức của tất cả mọi người trên thế giới như là một di sản văn hóa của nhân loại, là một trong những biểu tượng mà khách đến thăm Pháp không thể nào bỏ qua.
Theo hãng tin Pháp AFP, Nhà Thờ Đức Bà Paris là di tích lịch sử được nhiều người thăm viếng nhất châu Âu, với khoảng từ 12 đến 14 triệu lượt khách tham quan mỗi năm, tức là hơn 30.000 lượt mỗi ngày.
Góp phần nâng cao giá trị biểu tượng của Nhà Thờ Đức Bà Paris chính là tác phẩm văn học cùng tên của đại văn hào Victor Hugo, xuất bản năm 1831, đã đưa hai nhân vật Esmaralda và chàng gù Quasimodo đi vào huyền thoại.
Ở trên thế giới, không phải ai cũng có cơ hội ghé Paris tham quan Nhà Thờ Đức Bà, nhưng có lẽ ai cũng đã biết đến công trình này nhờ tác phẩm của Victor Hugo, được dịch ra hầu như mọi thứ tiếng trên thế giới, được chuyển thể thành phim, kịch, nhạc kịch. Hai ví dụ điển hình : Bộ phim hoạt hình « Chàng Gù Nhà Thờ Đức Bà – The Hunchback of Notre-Dame » của xưởng phim Mỹ Walt Disney, công chiếu năm 1996, hay vở nhạc kịch Notre-Dame de Paris của soạn giả Canada Luc Plamondon, ra mắt năm 1998.
Trong những thông điệp chia buồn với nước Pháp sau vụ hỏa hoạn hầu như tất cả các lãnh đạo thế giới đều công nhận rằng Nhà Thờ Đức Bà Paris là di sản của nhân loại.
Donald Trump, người chủ trương Nước Mỹ Trên Hết, đã thừa nhận rằng đây là một báu vật rất quý giá của thế giới, vượt lên trên mọi khuôn khổ, kể cả khuôn khổ quốc gia. Nhật Bản cũng nhìn thấy Nhà Thờ Đức Bà Paris « thực sự là một di sản của thế giới ».
Ngay cả với các nước Hồi Giáo như Iran, ngoại trưởng Javad Zarif cũng ghi nhận, Nhà Thờ Đức Bà Paris là một công trình « biểu tượng » đã « liên kết chúng ta qua kiệt tác văn học của Hugo », còn ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng « việc kiệt tác kiến trúc được công nhận là Di Sản Thế Giới bị phá hủy là một thảm họa cho toàn thể nhân loại ».

Tổng thống Macron : Nhà Thờ Đức Bà Paris sẽ được xây dựng lại

RFI
mediaKhói và lửa bốc lên từ Nhà Thờ Đức Bà Paris, Pháp, tối ngày 15/04/2019REUTERS/Benoit Tessier
Hỏa hoạn, có lẽ do tai nạn, thiêu đốt một phần Nhà Thờ Đức Bà Paris, đã được khống chế vào sáng sớm thứ Ba 16/04/2019. Cấu trúc của báu vật biểu tượng văn hóa và tôn giáo của nhân loại không bị tổn hại. Trái lại, ngọn tháp chỉ thiên cao 93 mét, phần lớn mái ngói, kèo cột bằng gỗ từ thế kỷ 12 và toàn bộ hệ thống kính tròn trang trí bị cháy rụi. Người dân Pháp và du khách xúc động mạnh. Tổng thống Macron cam kết « nhà thờ sẽ được xây dựng lại ». Cộng đồng quốc tế tỏ tình đoàn kết.
Nhà Thờ Đức Bà Paris vẫn đứng vững. Sau một đêm tận lực, 400 lính cứu hỏa bảo vệ thành công cấu trúc bằng đá của ngôi thánh đường hơn 850 tuổi. Có mặt tại hiện trường, tổng thống Pháp Emmanuel Macron không giấu xúc động, cam kết với toàn dân là « báu vật quốc gia sẽ được tái xây dựng » vì đó « là lịch sử, là văn học, là niềm tưởng tượng, là nơi người Pháp trải qua những sự kiện lớn ».
Điều tra
Theo trung tá Gabriel Plus, phát ngôn viên lực lượng cứu hỏa Paris, ngọn lửa đã hoàn toàn bị khống chế, hầu hết được dập tắt. Thiệt hại vật chất rất nặng nề : toàn bộ mái nhà thờ bị hỏng, kèo cột bị cháy rụi, một phần vòm bán nguyệt sụp đổ, tháp mũi tên cùng với những ô kính tròn trăm năm tuổi biến thành than.
Ngọn lửa dường như xuất phát từ một giàn giáo trên nóc thánh đường vào khoảng gần 19h hôm qua 15/04, và đã nhanh chóng lan ra, đốt cháy mái nhà thờ tọa lạc giữa thủ đô Paris, được xây dựng trong suốt gần 200 năm, từ thế kỷ XII. Do đang trong giai đoạn tái thiết, hệ thống giàn giáo phủ vây chung quanh Nhà Thờ Đức Bà Paris đã cản trở hoạt động của lính cứu hỏa, khiến cho việc chữa cháy rất khó khăn.
Tư pháp Paris đã cho mở cuộc điều tra về tội « sơ ý gây tổn hại ». Các nhà điều tra nghi ngờ ngọn lửa xuất phát từ công trường chỉnh trang nhà thờ và có thể là do bất cẩn.
Vụ cháy Nhà Thờ Đức Bà đã làm cho tổng thống Pháp Macron phải hủy thông điệp quan trọng gửi đến toàn dân được dự trù vào tối thứ Hai 15/04/2019, đáp ứng các đòi hỏi về an sinh xã hội của phong trào Áo Vàng.
Một câu hỏi then chốt được đặt ra ở đây là tại sao « không sử dụng máy bay chữa cháy » ? Ngay tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nóng lòng thúc giục lực lượng cứu hỏa Paris. Tổng Nha Phòng Vệ Dân Sự cho biết là không thể sử dụng « bom nước » vì sẽ làm sập toàn bộ nhà thờ.
Một ưu tiên khác vô cùng quan trọng là bằng mọi cách phải cứu các báo vật nghệ thuật vô giá bên trong nhà thờ. Tin vui là chiếc áo của thánh Louis và mũ gai trên đầu Chúa Jesus lúc bị hành hình còn nguyên vẹn.
Hàng loạt sáng kiến quyên góp tái thiết
Ngay sau khi hỏa hoạn xảy ra, tối hôm qua, 15/04/2019, tổng thống Emmanuel Macron khẳng định sẽ tổ chức một cuộc quyên góp toàn quốc để hỗ trợ việc tái thiết, dự kiến sẽ lâu dài và gian nan. Hàng loạt đóng góp và sáng kiến trùng tu ngay lập tức được đưa ra.
Thị trưởng thủ đô Paris Anne Hidalgo cho AFP biết trước mắt thành phố sẽ giải ngân 50 triệu euro, giúp cho việc trùng tu tháp nhà thờ bị hủy hoại. Chính quyền vùng Ile-de-France giải ngân 10 triệu. Thị trưởng Paris tuyên bố sẽ đề nghị với tổng thống tổ chức một hội nghị quốc tế của các nhà tài trợ, ngay trong những tuần tới.
Tối hôm qua, gia đình của nhà công nghiệp Pháp Pinault, lãnh đạo tập đoàn Kering, đứng thứ hai thế giới trong lĩnh vực thời trang xa xỉ (chủ nhân thương hiệu Yves Saint Laurent), thông báo đóng góp 100 triệu euro cho việc tái thiết thông qua công ty Artemis. Sáng nay, gia đình ông Bernard Arnault, giàu nhất nước Pháp, chủ tập đoàn LVHM đứng đầu thế giới trong lĩnh vực thời trang (chủ nhân thương hiệu Louis Vuitton), tuyên bố đóng góp 200 triệu euro. Tập đoàn L'Oréal cũng góp 200 triệu euro.
Quỹ Di Sản (Fondation du patrimoine), một tổ chức tư nhân, có sứ mạng bảo tồn các di sản Pháp, ngay ngày hôm nay, 16/04, đã khởi sự một chiến dịch « quyên góp quốc gia » tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris. Tập đoàn dầu khí Toyota mở màn chiến dịch, với khoản tiền 100 triệu.
Tổng giám đốc của tổ chức UNESCO Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc, bà Audrey Azoulay, có mặt tại Paris nhấn mạnh đến các đánh giá thiệt hại cần được tiến hành nhanh chóng : « Nhà thờ Đức Bà Paris thuộc về di sản của nhân loại. Công trình này nằm trong danh sách các di sản nhân loại của UNESCO. Tôi đến đây cũng để chuyển tải một thông điệp đoàn kết, hỗ trợ đối với những gì sắp phải làm. Sẽ có các đánh giá đầu tiên về mức độ thiệt hại, khâu này sẽ được tiến hành rất nhanh ».

Notre Dame de Paris, khi một linh hồn vĩnh viễn ra đi


Powered by Blogger.