Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 06/11/2016

Sunday, November 6, 2016 // , ,
Tin khắp nơi – 06/11/2016

Ấn Độ mua máy bay cứu hộ và công nghệ nguyên tử

của Nhật Bản

Bộ Quốc Phòng Ấn Độ chuẩn bị phê duyệt quyết định mua 12 máy bay cứu hộ của tập đoàn Nhật ShinMaywa Industries với trị giá 1,5 đến 1,6 tỷ đô la. Một thỏa thuận khác, liên quan đến lĩnh vực nguyên tử dân sự, được dự kiến ký vào ngày 11/11/2016 tại Tokyo.
Trong hơn hai năm, Nhật Bản và Ấn Độ đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán về việc mua máy bay cứu hộ. Hợp đồng này sẽ là đơn hàng thiết bị quân sự đầu tiên của Nhật Bản kể từ khi thủ tướng Shinzo Abe dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí được ban hành cách đây 50 năm. Hợp đồng với Ấn Độ cũng phản ánh mối quan hệ quốc phòng ngày càng tăng giữa New Delhi và Tokyo.
Theo tiết lộ của một số quan chức được nhật báo tài chính Nhật Bản Nikkei trích dẫn, thỏa thuận trên sẽ được ký trong chuyến công Nhật Bản của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, từ ngày 10-12/11/2016. Cũng trong thời gian này, một thỏa thuận gây nhiều tranh cãi khác liên quan đến lĩnh vực hạt nhân dân sự cũng sẽ được thủ tướng hai nước thông qua.
Theo nhật báo Yomiuri Shimbun, được AFP trích dẫn, thỏa thuận trên cho phép Nhật Bản xuất khẩu công nghệ nguyên tử sang Ấn Độ. Như vậy, Ấn Độ, một nước sở hữu vũ khí hạt nhân, trở thành quốc gia đầu tiên đứng ngoài Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân (TNP) ký kết một thỏa thuận như vậy với Tokyo.
Cả Nhật Bản và Ấn Độ ngày càng tỏ ra lo ngại trước việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á, đặc biệt tại Biển Đông, Biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương.
Trung Quốc và Ấn Độ có tranh chấp biên giới trên bộ từ nhiều thập kỷ nay. Còn trên biển, Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông là cái gai trong quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Bầu cử Mỹ: Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc “vớ bở”

Cuộc tranh cử tổng thống rất dữ dội ở Mỹ là một « món quà » không cầu mà được cho bộ máy tuyên truyền bài Mỹ của Trung Quốc. Trên đây là nhận định của hãng tin Pháp AFP ngày 04/11/2016, trích dẫn báo giới Trung Quốc.
Theo AFP, khi cuộc vận động tranh cử tại Mỹ mở màn, các nhà báo Trung Quốc đã nhận được chỉ thị chính thức là phải viết những bài tiêu cực về nền chính trị Mỹ. Khi vòng bầu cử sơ bộ khai diễn, một phóng viên Trung Quốc xin giấu tên đã không che giấu với hãng tin Pháp nỗi lo ngại không tìm được đủ đề tài để chỉ trích, để nói xấu chế độ Mỹ.
Thế nhưng nỗi lo ngại này rốt cuộc đã không có cơ sở, vì ngay cả những ai hết sức bênh Mỹ cũng phải công nhận là cuộc đọ sức giữa hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump đã bộc lộ những khía cạnh xấu xa nhất của đời sống chính trị Hoa Kỳ.
AFP nhắc lại nhận định của của Tân Hoa Xã tuần qua: « số vụ tai tiếng không đếm xuể, các tin đồn, các giả thuyết âm mưu, những điều thô tục được tung ra đã khiến cho người ta không thể nào làm ngơ trước cuộc bầu cử Mỹ ».
Trang mạng của Nhân Dân Nhật Báo đã đánh giá là loạt tranh luận truyền hình giữa hai ứng viên cho thấy « sự suy đồi rõ ràng » của hệ thống chính trị Hoa Kỳ. Còn tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm 03/11 nhìn thấy : « Dù ai thắng cử đi nữa, ký ức (xấu) về cuộc bầu cử này sẽ không bao giờ phai ».
Theo hãng tin Pháp, Hoa Kỳ từ bao năm qua đã trở thành mục tiêu ưa chuộng để hệ thống tuyên truyền của Trung Quốc bêu xấu. Từ lúc ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, giọng điệu bài phương Tây càng được đẩy mạnh.
Nói xấu Mỹ: Bậc thầy tuyên truyền Trung Quốc còn thua xa Donald Trump
AFP cũng mỉa mai : Chắc chắn là những bậc thầy trong ngành tuyên truyền của Trung Quốc cũng không tài nào ngờ được công việc của họ sẽ được một ứng viên tổng thống Mỹ làm hộ.
Các phát biểu cay độc của Donald Trump về hệ thống chính trị « gian lận » của Mỹ với các phương tiện truyền thông thiên vị, dễ mua chuộc xem qua không khác gì những lời lẽ của Hoàn Cầu Thời Báo vốn đã chỉ trích vào tháng qua lối đưa tin thiên vị Hillary Clinton của truyền thông Mỹ.
Theo Hoàn Cầu Thời Báo : « Vấn đề thiên vị đã được thấy rõ từ lâu nơi truyền thông Mỹ, nhưng đã nổi bật với cuộc bầu cử tổng thống năm nay. » Đối với Hoàn Cầu Thời Báo sự thiên vị này đã từng được thấy đối với Trung Quốc, báo chí phương Tây đã « nói không ngơi nghỉ về giới đối lập nhưng bỏ qua tiến bộ của Trung Quốc về vấn đề nhân quyền ».
Tuy nhiên AFP trích dẫn chuyên gia về truyền thông Trung Quốc, Jeremy Goldkorn, các lãnh đạo bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đang đứng trước một bài toán khó khăn, lý do là vì « cho dù một trong các ứng viên là một tên hề , thì ngay cả một người dân Trung Quốc bình thường cũng nhận ra rằng công dân Mỹ đã có thể tham gia một cách đáng khâm phục vào công việc của đất nước họ », điều mà công dân trung quốc không được hưởng.
Còn trong giới quan sát Trung Quốc về bầu cử Mỹ, hãng tin Pháp không thấy có đồng thuận về khả năng ứng viên nào sẽ dễ chơi với Bắc Kinh hơn một khi đắc cử.
Khi nhìn lại quá trình làm ngoại trưởng của bà Hillary Clinton,người ta thấy là bà khá gay gắt với Trung Quốc trên vấn đề nhân quyền. Còn Donald Trump bị xem là theo khuynh hướng bảo hộ mậu dịch, không có lợi cho kinh tế Trung Quốc.
Trả lời AFP, ông Hứa Thiết Binh (Xu Tiebing), chuyên gia về các vấn đề quốc tế ở Đại Học Truyền Thông, Bắc Kinh, đánh giá là « đối với Trung Quốc, người nào cũng có mặt lợi và hại. » Hillary Clinton, theo ông, là một « nhân vật chính trị truyền thống, có thể dự đoán được, trong lúc Donald Trump khó lường hơn ».
Nhưng theo chuyên gia Trung Quốc này, điều chắc chắn là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã bị mất rất nhiều uy tín.

An ninh Mỹ đưa ông Trump ‘thoát hiểm’

An ninh Mỹ đưa ông Trump khỏi khán đài tại một cuộc vận động ở Nevada vì ‘báo động nhầm’.
Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã được lực lượng thuộc Cơ quan Mật vụ đưa ra khỏi khán đài tại một cuộc vận động ở Reno, Nevada sau khi báo động nhầm.
Một người đàn ông cầm biển hiệu ghi ‘Republicans Against Trump’ (Đảng Cộng hòa chống Trump) đã bị nhân viên an ninh khống chế và áp giải ra ngoài sau khi có người nói ông mang súng.
Ông Trump trở lại bục để phát biểu sau vài phút và nói: “Không ai cho là mọi chuyện sẽ dễ dàng cho chúng ta … Tôi muốn cảm ơn Cơ quan Mật vụ.”
Cơ quan Mật vụ sau đó xác nhận rằng một người nào đó ở phía trước sân khấu đã hét lên là “súng”, nhưng “khi tìm kiếm kỹ không phát hiện thấy có vũ khí”.
Austyn Crites, người đàn ông bị lực lượng an ninh khống chế nói ông đã bị tấn công khi ông mang biển hiệu ra.
“Tôi nói đi nói lại – Tôi nằm xuống đây, và có ai đó cố bóp cổ tôi – và tôi nói với những người này; Đâu có súng, tôi chỉ có biển hiệu thôi”, ông Crites giải thích sau khi xảy ra vụ việc.
Ứng viên đảng Cộng hòa nói ông đang nhắm tới việc vận động tại các tiểu bang vốn là thành trì của đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử hôm thứ Ba.
Theo dự kiến ông sẽ tới Pennsylvania, Michigan và cả Minnesota, là các tiểu bang không bầu chọn đảng Cộng hòa từ năm 1972.

Người Kurdistan biểu tình khắp Châu Âu

chống tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Hàng ngàn người Kurdistan đã biểu tình ngày 05/11/2016, tại các thành phố lớn Châu Âu, đặc biệt là tại Cologne- Đức, để phản đối tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Ankara bắt giam các lãnh đạo và nghị sĩ đảng thân Kurdistan HDP một ngày trước đó.
Với khẩu hiệu : « Hãy ngăn chận chế độ độc tài Erdogan », 6 500 người Kurdistan đã xuống đường ở trung tâm thành phố Đức Cologne, mang theo cờ và biểu ngữ ủng hộ đảng HDP, có cả ảnh lãnh đạo đảng bị bắt, như ảnh của đồng chủ tịch trẻ Selahattin Demirtas.
Biểu tình cũng diễn ra tại các thành phố khác ở Đức, nhưng không đông bằng : 2000 người ở Stuttgart, 1200 ở Brême.
Ở Pháp cũng có 2000 người tuần hành tại Paris theo cảnh sát với các tấm biểu ngữ như « Erdogan hãy dừng tay ! Đừng đụng đến đại biểu dân cử của chúng tôi », hay là « Thổ Nhĩ Kỳ dội bom, Châu Âu im lặng ».
Ngoài Paris, cũng có 800 người biểu tình tại Rennes, 300 ở Marseille trong tiếng nhạc và với điệu vũ truyền thống của người Kurdistan. 300 người tuần hành tại Bruxelles, thủ đô nước Bỉ.
Vụ bắt các lãnh đạo và nghị sĩ đảng thân Kurdistan HDP đã gây lo ngại ở nước ngoài, vì đây là bước mới trong chiến dịch thẳng tay đàn áp đối lập từ ngày đảo chính thất bại vào tháng 7. Ngoài vụ bắt bớ kể trên, hôm qua, 9 lãnh đạo và nhà báo của tờ nhật báo đối lập Cumhuriyet cũng bị tạm giam.
Châu Âu cũng đã  phản ứng : lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu, bà Federica Mogherini đã tỏ ra « rất lo ngại ». Còn Berlin đã triệu mời đại diện Thổ Nhĩ Kỳ lên để cảnh cáo ý muốn « khóa miệng » đối lập của chính quyền Ankara.

Biểu tình rầm rộ tại Hồng Kông chống Trung Quốc

Ngày 06/11/2016 hàng ngàn người Hồng Kông tập hợp trước Tòa Án Cấp Cao, một nhóm nhỏ tuần hành trước trụ sở văn phòng liên lạc với Bắc Kinh, để phản đối Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động chính trị của Hồng Kông.
Theo hãng tin Pháp AFP đây là bước kế tiếp của khủng hoảng từ ba tuần qua tại Hội Đồng Lập Pháp tức Nghị Viện) Hồng Kông sau khi hai trong số bảy dân biểu thuộc cánh dân chủ vẫn chưa tuyên thệ. Du Huệ Trinh (Yau Wai Ching) và Lương Tụng Hằng (Baggio Leung) đã khoác lên mình lá cờ Hồng Kông với biểu ngữ « Hồng Kông không thuộc về Trung Quốc ». Cả hai đã bị chính quyền Hồng Kông kiện ra tòa.
Ngày 03/11/2016 Tòa Án Cấp Cao Hồng Kông bắt đầu xét đơn của chính quyền ông Lương Chấn Anh đòi tước quyền đại biểu Hội Đồng Lập Pháp của hai đại biểu Du Huệ Trinh và Lương Tụng Hằng.
Một ngày sau, Hồng Kông thông báo là  ngày 07/11/2016, Quốc Hội Trung Quốc sẽ xét lại Luật Cơ Bản Hồng Kông- tức bản Hiến Pháp của đặc khu hành chính này. Văn bản nói trên thừa nhận nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ » của Hồng Kông.
Đối với người dân tại vùng từng là thuộc địa của Anh Quốc này, tin trên là giọt nước làm tràn ly.
Trong cuộc xuống đường rầm rộ sáng nay trước trụ sở của Tòa Án Cấp Cao Hồng Kông và văn phòng liên lạc với Hoa Lục, người dân Hồng Kông một lần nữa đã nhấn mạnh rằng « Hồng Kông có một hệ thống luật pháp riêng và không nằm dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh ».

Khủng hoảng chính trị Hàn Quốc:

2 cựu cố vấn tổng thống bị bắt

Trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ bà Choi Soo Sil “quân sư” của tổng thống Hàn Quốc lạm dụng quyền lực, thêm hai cựu cố vấn thân cận của bà Park Geun Hye bị bắt. Các ông Jeong Ho Seong và Ahn Chong Beom đang bị tạm giam để điều tra.
Trong một bản thông cáo, ngày 06/11/2016 tòa án Seoul nói rõ là đã ra lệnh giam giữ hai ông Ahn Jong Beom và Jeong Ho Seong về tội danh lạm quyền và tống tiền. Hai người bị tình nghi giúp đỡ bà Choi ép buộc các tập đoàn Hàn Quốc rót tiền cho những hiệp hội khả nghi.
Ông Ahn bị bắt ngày 02/11/2016 với lý do bị tình nghi giúp bà quân sư Choi thu hàng triệu đô la từ các tập đoàn Hàn Quốc mà bà Choi ép buộc là phải rót vào các hiệp hội mà bà đã thành lập. Khi vụ việc bị tiết lộ, ông Ahn đã từ chức tháng 10 vừa qua, và cho biết hoàn toàn gánh vác trách nhiệm về việc đã « cố vấn sai tổng thống ».
Còn ông Jeong, 47 tuổi, từng được xem là cánh tay mặt của tổng thống Park Geun Hye, đã làm việc với bà từ năm 1998 đến nay. Ông Jeong đã bị tạm giam từ ngày 03/11 và bị tình nghi là đã cung cấp cho bà Choi những tài liệu mật, trong dó có nhiều diễn văn. Viên cố vấn này cũng đã từ chức vào tháng 10/2016 khi nổ ra vụ xì căng đan.
Vụ tai tiếng đã khiến uy tín đương kim tổng thống tuột giảm thê thảm, chỉ còn 5% ý kiến ủng hộ, trong lúc người dân liên tục xuống đường đòi bà từ chức. Hôm qua đã hơn 40.000 ngàn người biểu tình ở Seoul.

Thủ tướng Trung Quốc

hủy gặp đồng cấp Slovakia vì Đạt Lai Lạt Ma

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 05/11/2016 hủy buổi gặp gỡ song phương với người đồng cấp Slovakia, Robert Fico, tại Latvia. Quyết định trên được cho là nhằm phản đối việc tổng thống Slovakia đã tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma vào tháng 10/2016.
Theo dự kiến, thủ tướng Lý Khắc Cường gặp người đồng cấp Slovakia bên lề Hội nghị cấp cao thường niên giữa Trung Quốc và các nước khu vực Trung-Đông Âu (mô hình 16+1) tại Riga, thủ đô Latvia. Tuy nhiên, chính phủ Slovakia thông báo « phía Trung Quốc đã hủy cuộc gặp gỡ song phương ».
Theo hãng tin SITA, được AFP trích dẫn, thủ tướng Fico, thuộc cánh tả, cho biết đã mời đồng nhiệm Trung Quốc đến thăm Slovakia và tuyên bố lấy làm tiếc phải « gánh thiệt hại » cho mối quan hệ song phương. Phát biểu trên nhằm ám chỉ việc tổng thống Slovakia, Andrej Kiska, theo khuynh hướng tự do, với tư cách cá nhân, đã tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma ngày 16/10/2016, tại Bratislava.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng đã chỉ trích tổng thống Slavakia không tôn trọng « sự phản đối kiên quyết » của Bắc Kinh về buổi gặp gỡ trên. Trung Quốc phản đối mọi cuộc tiếp xúc chính thức với lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, người luôn bị Bắc Kinh cáo buộc đòi độc lập cho vùng tự trị này.

Thủ tướng Anh công du Ấn Độ với trọng tâm kinh tế

Thủ tướng Theresa May dẫn đầu một phái đoàn doanh nhân Anh đến New Delhi, bắt đầu chuyến công du Ấn Độ đầu tiên kể từ khi bà nhậm chức, từ ngày 06 đến 08/11/2016. Mục tiêu chính : đàm phán với đồng nhiệm Ấn Độ, Narendra Modi về một thỏa thuận thương mại song phương cho giai đoạn hậu Brexit.
Theo giới quan sát đây là một hồ sơ gai góc với bà May. Thông tín viên đài RFI từ New Delhi, Antoine Guinart đưa ra một số lý do trước nhiệm vụ gần như bất khả thi của thủ tướng Anh :
« Thuyết phục New Delhi về những cơ hội kinh tế trong bang giao với Anh Quốc một khi Luân Đôn chia tay với Liên Hiệp Châu Âu. Đấy là nhiệm vụ của bà Theresa May trong chuyến công du Ấn Độ ba ngày, mở ra từ hôm nay. Nhiều chuyên gia coi đây là nhiệm vụ gần như bất khả thi, nhất là khi biết rằng đã từ 10 năm qua, đàm phán tự do mậu dịch giữa Ấn Độ với Liên Hiệp Châu Âu vẫn dậm chân tại chỗ.
Tuy vậy, trong lĩnh vực kinh tế, Ấn Độ – nguyên là thuộc địa của Anh, luôn có mối quan hệ đặc biệt với Luân Đôn.
Ấn Độ đứng hàng thứ ba trong số các nhà đầu tư vào vương quốc Anh, chỉ sau có Mỹ và Pháp. Cũng Ấn Độ là một trong ba nguồn tạo ra công việc làm nhiều nhất cho nước Anh, với hơn 100.000 người làm việc cho các hãng Ấn Độ tại Anh.
Về phía Luân Đôn thì nước Anh cũng đứng thứ ba trong số các nhà đầu tư vào Ấn Độ.
Thế nhưng ít có khả năng bà Theresa May và nội các thuyết phục được thủ tướng Modi nhượng bộ trên nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như trong ngành dịch vụ ngân hàng. Đây là một lĩnh vực mà New Delhi áp dụng các biện pháp bảo hộ chặt chẽ.
Bên cạnh đó, chính sách nhập cư của đảng bảo thủ tại Luân Đôn cũng có chiều hướng gây thêm khó khăn cho các cuộc đàm phán song phương. New Delhi đang thương lượng để người lao động Ấn Độ dễ dàng được cấp visa sang Anh -hay châu Âu nói chung- làm việc. Tới nay, châu Âu luôn từ chối thỏa mãn đòi hỏi này của New Delhi ».

Vận động bầu cử Mỹ vào chặng nước rút

Chỉ còn hai ngày trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu vào thứ Ba, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ bên Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump, đưa ra những quan điểm tranh cử cuối cùng hôm Chủ nhật, 6/11, để thuyết phục cử tri trong những phút cuối và kêu gọi những người hậu thuẫn họ đi bầu đông đảo vào ngày bầu cử.
Ngôi sao bóng rổ Lebron James của đội Cleveland Cavaliers đồng hành cùng bà Clinton hôm Chủ nhật ở Ohio. Đây là một bang quan trọng mà bà muốn giành chiến thắng trước ông Trump, người đã dẫn đầu trong cuộc thăm dò tại đây trước cuộc bầu cử.
Ông Trump có một lịch trình bận rộn hôm Chủ nhật, đi thăm các địa điểm có truyền thống bầu cho Đảng Dân chủ. Ứng viên Đảng Cộng hòa dừng chân ở Iowa, Minnesota, Michigan, Pennsylvania và Virginia.
Tại một buổi hòa nhạc của ca sĩ Katy Perry ở Philadelphia hôm thứ Bảy, bà Clinton nhấn mạnh rằng 37,5 triệu người đã đi bỏ phiếu sớm.
Chỉ còn hai ngày vận động trước khi hầu hết người dân Mỹ đi bỏ phiếu, các cuộc thăm dò cho thấy một cuộc đua sát sao giữa bà Clinton và ông Trump. Cuộc thăm dò của RealClear Politics cho thấy bà Clinton dẫn trước với 46.6% số phiếu so với 44.8% của ông Trump.
Khoảng cách dẫn trước của bà Clinton ở một số bang quan trọng đã thu hẹp sau một công bố tuần trước rằng FBI đang xem xét thêm nhiều email của bà trong cuộc điều tra vụ xử lý thông tin mật khi bà làm ngoại trưởng.

Vụ lính Trung Quốc tháo chạy: LHQ sa thải chỉ huy

Một viên chỉ huy đã bị sa thải trong vụ các binh sĩ gìn giữ hòa bình Trung Quốc bỏ chạy khỏi vị trí chiến đấu, để mặc các nhân viên quốc tế “bị hãm hiếp”.
Đích thân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã đưa ra quyết định đối với người đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, sau khi cảm thấy “thực sự đau buồn” về báo cáo điều tra vụ bạo lực chết chóc hồi tháng Bảy.
Kênh truyền hình CNN đưa tin, Liên Hiệp Quốc thông báo việc sa thải Trung tướng Johnson Mogoa Kimani Ondieki của Kenya, ngay sau khi phúc trình được công bố hôm 1/11.
Trong khi đó, trưởng phái bộ Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan Ellen Loj sẽ từ chức vào cuối tháng 11.
Bản báo cáo trên đánh giá sự phản ứng của lực lượng gìn giữ hòa bình đối với cuộc đụng độ ở Juba hôm 11/7 giữa các lực lượng trung thành với Tổng thống Salva Kiir và thành phần trung thành với thủ lĩnh phiến quân Riek Machar.
CNN dẫn báo cáo đưa tin rằng khoảng 80 và 100 binh sĩ Nam Sudan đã tấn công một nơi có sự hiện diện của các nhân viên phần đông là người nước ngoài, rồi sau đó thực hiện các vụ hãm hiếp liên tiếp, cướp bóc và giết chóc.
Reuters dẫn cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc cho thấy rằng các binh sĩ gìn giữa hòa bình không hoạt động dưới một sự chỉ huy thống nhất, “dẫn tới các chỉ thị đôi khi mâu thuẫn nhau cho các lực lượng của Trung Quốc, Ethiopia, Nepal và Ấn Độ”.
Báo cáo cho biết, trong hai trường hợp, các binh sĩ gìn giữ hòa bình của Trung Quốc rời bỏ vị trí chiến đấu.
Trong cuộc họp báo thường kỳ tuần trước, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói rằng sự đóng góp và hy sinh của các binh sĩ Trung Quốc, trong đó có hai người thiệt mạng trong vụ xung đột trên, là điều rõ ràng.
Tuy nhiên, bà Hoa không đề cập cụ thể về trường hợp binh sĩ gìn giữa hòa bình Trung Quốc rời bỏ vị trí, mà chỉ nói rằng Liên Hiệp Quốc cùng các thành viên của tổ chức này cần phải xem lại tình hình mà các binh sĩ gìn giữ hòa bình đang phải đối mặt, và nâng cao năng lực cho họ.
Binh sĩ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc được triển khai ở Nam Sudan từ năm 2011, sau khi quốc gia này giành được độc lập từ Sudan. Hiện có khoảng 13 nghìn binh sĩ Liên Hiệp Quốc trú đóng tại đó.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ dẹp biểu tình ủng hộ báo đối lập

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng vòi rồng và hơi cay để giải tán hàng trăm người biểu tình hôm thứ Bảy, 5/11, ở Istanbul. Những người này đã tuần hành ủng hộ một tờ báo đối lập có các nhân viên vừa bị bắt giữ trong chiến dịch trấn áp của chính phủ đang diễn ra.
Các cuộc biểu tình nổ ra vài giờ sau khi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh bắt giữ để xét xử 9 lãnh đạo và nhà báo của báo Cumhuriyet thế tục đối lập.
Các công tố viên kết nối các vụ bắt giữ này với việc tờ báo bị cáo buộc đã giúp sức cho một giáo sĩ đào tẩu bị tình nghi đã điều khiển một cuộc đảo chính thất bại hồi tháng 7.
Cumhuriyet là một trong vài tờ báo đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chỉ trích Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Ông Erdogan đã phát động một chiến dịch trấn áp lớn dẫn đến việc bắt giữ hơn 100.000 người – bao gồm giáo viên, nhà báo, cảnh sát và thẩm phán – kể từ cuộc đảo chính ngày 15 tháng 7.
Cuộc trấn áp đã làm các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ quan ngại về nhân quyền. Sự quan ngại này tăng lên hôm 4/11 khi cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ khoảng 10 nhà lập pháp của Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) thân người Kurd, đây là chính đảng lớn thứ ba của nước này.

Liên minh được Mỹ hậu thuẫn cố giành lại Raqqa ở Syria

Một liên minh được Hoa Kỳ hậu thuẫn gồm các chiến binh người Kurd và Syria đã tiến hành chiến dịch nhằm tái chiếm Raqqa, một cứ điểm của Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Một chỉ huy của Các Lực lượng Dân chủ Syria, gọi tắt là SDF, ở Ain Issa, cách Raqqa 50 km về phía bắc, thông báo bắt đầu chiến dịch hôm Chủ nhật, 6/11.
Chiếm đa số trong SDF là lực lượng chiến đấu chính của người Kurd ở Syria có tên là Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân, gọi tắt là YPG.
Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một tổ chức khủng bố, nhưng Hoa Kỳ tin rằng YGP là lực lượng dân quân duy nhất có khả năng thực hiện nhiệm vụ.
Washington đã thỏa thuận rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tham gia vào cuộc chiến để giành lại Raqqa.
Người phát ngôn của SDF Talal Sello nói với hãng thông tấn Pháp rằng “Chúng tôi đã thỏa thuận dứt khoát với liên minh quốc tế (do Mỹ đứng đầu) rằng trong chiến dịch này sẽ không có vai trò gì dành cho Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các phe phái vũ trang có liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ”.
Các đồng minh châu Âu của Mỹ đã phản đối và bày tỏ thái độ hoài nghi mạnh mẽ về bất kỳ vai trò quan trọng nào dành cho YPG. Họ lo ngại rằng việc người Kurd tham gia vào đội quân tiên phong trong một cuộc tấn công vào Raqqa sẽ đổ thêm dầu vào lửa của xung đột giáo phái. Về mặt lịch sử, Raqqa là một thành phố có người A-rập

Lực lượng Iraq gặp khó khăn khi tiến quân ở Mosul

Binh sỹ Iraq đang giao chiến trong thành phố Mosul hôm Chủ nhật, 6/11, đã giảm đà tiến của họ ở mặt trận phía đông thành phố, nơi các phần tử Nhà nước Hồi giáo đã chiếm các khu dân cư.
Trung tá Muhanad al-Timimi nói: “Có rất nhiều dân thường và chúng tôi đang cố gắng bảo vệ họ. Đây là một trong những trận chiến khó khăn nhất mà chúng tôi phải đối mặt từ trước đến nay”.
Hôm thứ Bảy, một tướng Iraq cho biết các lực lượng của ông cố gắng bao vây thành phố đã đẩy bật những kẻ cực đoan Nhà nước Hồi giáo khỏi một thị trấn quan trọng ở mặt trận phía nam của thành phố, và các lực lượng người Kurd khẳng định rằng cờ Iraq giờ đây tung bay trên các tòa nhà ở đó, gần sân bay của Mosul.
Cuộc tiến quân vào Hamam al-Alil, cách trung tâm thành phố Mosul 15km về phía nam, diễn ra tiếp nối cuộc tiến quân của lực lượng đặc biệt Iraq vào vành đai phía đông của Mosul. Phía Iraq giành được một vị trí bàn đạp ở quận Gogjali của Mosul, vượt qua được các cứ điểm vững chắc của các phần tử IS kiểm soát khu vực này trong hai năm qua.
Một phóng viên của AP gần Gogjali đưa tin giao chiến ác liệt đã diễn ra hôm thứ Bảy khi các phần từ Nhà nước Hồi giáo cố gắng giành lại lãnh thổ đã mất vào tay phía Iraq vào hôm 1/11.
Thủ tướng Haider al-Abadi mới đây đã thăm các binh sỹ ở mặt trận phía đông thành phố Mosul, mang thông điệp gửi tới người dân ở Mosul lâu nay là “con tin trong tay của Daesh” (nhóm Nhà nước Hồi giáo).
Ông Abadi thề rằng “Chúng tôi sẽ sớm giải phóng quý vị”, nhưng ông cho biết chiến dịch nhằm giành lại toàn bộ Mosul có thể diễn ra theo từng giai đoạn lớn, vì các lực lượng Iraq đang phải đối mặt với sự kháng cự mạnh của IS, kể cả các vụ đánh bom cài bên lề đường, bắn tỉa và đánh bom tự sát bằng xe hơi.
Ông Abadi nói: “Các lực lượng anh hùng của chúng tôi sẽ không rút lui và sẽ không bị bẻ gãy

Lực lượng Iraq đánh bật IS khỏi thị trấn gần sân bay Mosul

Một vị tướng của Iraq cho biết lực lượng của ông đã đánh bật những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ra khỏi một thị trấn trọng yếu ở mặt trận phía nam của thành phố Mosul, và lực lượng người Kurd xác nhận cờ Iraq giờ đang bay trên những tòa nhà ở đó, gần sân bay của Mosul.
Cuộc tiến quân vào Hammam al-Ali, cách trung tâm thành phố Mosul 15 kilômét về phía nam, diễn ra sau cuộc tiến công của lực lượng đặc nhiệm Iraq nhắm vào mạn đông của Mosul. Lực lượng Iraq đã nắm quyền kiểm soát quận Gogjali của Mosul, vượt qua được công sự phòng ngự dày đặc của những kẻ chủ chiến IS kiểm soát khu vực này suốt hai năm qua.
Một phóng viên của hãng tin AP tác nghiệp gần Gogjali đưa tin về chiến sự ác liệt trong ngày thứ Bảy khi những chiến binh Nhà nước Hồi giáo tìm cách chiếm lại lãnh thổ đã rơi vào tay lực lượng Iraq hôm thứ Ba.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đến thăm binh sĩ của mình ở mặt trận phía đông thành phố Mosul, mang theo điều mà ông mô tả là một thông điệp gửi tới người dân ở Mosul mà lâu nay “là con tin trong tay Daesh” (tức nhóm Nhà nước Hồi giáo).
“Chúng tôi sẽ sớm giải phóng các bạn,” ông Abadi tuyên bố, nhưng ông cho biết nỗ lực chiếm lại Mosul có thể diễn ra từng đợt ngắn, vì lực lượng Iraq đang đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ từ IS, bao gồm bom cài bên đường, những vụ bắn tỉa và đánh bom xe tự sát.
“Lực lượng anh hùng của chúng ta sẽ không rút lui và sẽ không tan vỡ,” ông Abadi nói.
Cuộc tiến công Mosul được chờ đợi lâu nay được phát động hôm thứ Ba, hai tuần sau khi liên minh gồm lực lượng Iraq và người Kurd, được lực lượng dân quân người Shia, những thành viên bộ tộc người Sunni và những cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu yểm trợ, đã phát động chiến dịch quân sự lớn nhất ở nước này kể từ năm 2003.

Bầu cử Mỹ: niềm tin vào truyền thông giảm sút

Hồng Nga, BBC tiếng ViệtTường thuật từ Washington DC
Jeff Anderson, 52 tuổi và là nhà tư vấn đầu tư, nói với tôi trên tàu từ Falls Church về DC: “Lâu nay tôi không đọc báo, nghe đài hay xem TV nữa”.
“Nhất là trước cuộc bầu cử này, báo chí đã phân cực tới nỗi không thể chấp nhận được.”
Những ngày này, quả thật sự lộ liễu trong khuynh hướng của một số tổ chức truyền thông khiến người ta kinh ngạc.
Đài BBC của Anh quốc, nơi chúng tôi làm việc, có những quy định chặt chẽ về những điều có thể và không thể làm khi tường thuật bầu cử tổng thống Mỹ mà nguyên tắc impartiality (không thiên vị) được đặt lên hàng đầu.
Tất nhiên các phóng viên đều có chủ kiến riêng của mình và như tất cả mọi con người đều có thể ưa người này, không ưa người nọ.
Tuy nhiên khi động chạm tới cuộc bầu lớn nhất hành tinh với bối cảnh phân cực dường như chưa bao giờ thấy thế này, ý kiến chủ quan phải được để bên ngoài.
Công khai ủng hộ
Tại Hoa Kỳ, thì người dẫn chương trình trên kênh truyền hình theo phe bảo thủ Fox News, Sean Hannity, công khai bày tỏ ủng hộ cho Donald Trump và tung ra bao nhiêu ý tưởng theo thuyết âm mưu (conspiracy theories) chống bà Hillary Clinton. Mới nhất, ông Hannity “hé lộ” bà Clinton có liên quan tới một tập tục ma giáo gọi là spirit cooking (trừ tà).
Hãy thử tưởng tượng một người dẫn chương trình có tiếng của BBC mà tung tin như vậy? Tôi không tưởng tượng được.
Tại CNN, nhà phân tích chính trị Donna Brazile đã mớm các câu hỏi vốn sẽ được đặt ra trong các sự kiện đài này tài trợ cho phe bà Clinton từ trước để họ chuẩn bị. Sau vì bị chỉ trích quá nhiều, CNN đã buộc phải thôi hợp tác với bà Brazile.
Thông tin chỉ trích hay bênh vực hai ứng cử viên lần này nhan nhản trên các mặt báo, như mọi người còn nhớ.
Hồi đầu tháng 10, tờ Washington Post tung ra đoạn video động trời, trong đó ông Trump dùng từ ngữ tục tĩu nói về phụ nữ.
Trước đó tạp chí Times lại công bố sổ sách thuế của ông Trump từ năm 1995, cho thấy khoản lỗ gần 1 tỷ đôla khiến ông không phải nộp thuế thu nhập nhiều năm một cách hợp pháp.
Về phần bà Clinton thì các báo khai thác miệt mài các thông tin từ Wikileaks về bê bối sử dụng email riêng cho việc công của bà.
Truyền thông xã hội lên ngôi
Không khó hiểu tại sao uy tín của các báo đài giảm sút.
Người đọc, người xem trên thế giới ngày càng hiểu biết và không dễ gì lừa mị. Ở nước nào cũng thế, khi báo chí chính thống bị nhận ra là phục vụ cho cá nhân hay tổ chức nào đó thì người ta sẽ đi tìm thông tin ở các kênh khác.
Nhất là trong thời đại internet ngày nay, truyền thông xã hội lên ngôi khi người dân mất niềm tin vào dòng chính.
Nước Mỹ có 190 triệu người sử dụng Facebook và con số này tiếp tục tăng nhanh. Số người dùng Twitter cũng tăng trong thời gian gần đây, nay là khoảng 70 triệu.
Xem ra điều này cũng gần gần giống như ở các nước không có tự do thông tin, phải không nhỉ?

Bầu cử Mỹ:

Bang nào hay ‘chọn nhầm’ trong các kỳ bỏ phiếu?

Khi xem xét tới các kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, một số tiểu bang có thành tích đáng ngạc nhiên về việc luôn bỏ phiếu cho người thắng cử.
Tiểu bang có số lần bầu cho người chiến thắng nhiều nhất là Ohio, nơi có kết quả bỏ phiếu phù hợp với kết quả chung cuộc trên toàn quốc trong 44 lần, với 13 lần liên tiếp kể từ 1964 tới nay.
Illinois, nơi đạt thành tích bỏ phiếu trùng với kết quả chung cuộc 41 trong tổng số 49 lần, thì đạt tỷ lệ phần trăm thắng cao hơn một chút, và có số lần tham dự bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ít hơn.
New Mexico không so được với thành tích 41 lần nói trên, nhưng đã luôn đứng về bên thắng với tỷ lệ cao, 24 trong tổng số 26 lần (tiểu bang này chưa tồn tại như một tiểu bang riêng rẽ cho tới tận năm 1912).
Những nơi này thường được gọi là các tiểu bang “bellwether”, được đặt tên theo cách gọi con cừu đầu đàn vốn đeo chuông nơi cổ – nó đi hướng nào thì các con khác trong đàn cừu sẽ đi theo hướng đó.
Thế nhưng các tiểu bang kém may mắn hơn trong các trận chiến bầu cử thì sao? Những bang nào thường xuyên bỏ phiếu cho người thua cuộc?
Tính theo tỷ lệ thì nơi ‘sai’ nhiều nhất lại không phải là một tiểu bang.
Thủ phủ liên bang, District of Columbia, chỉ bầu cho người thắng có sáu trong 13 kỳ bầu cử.
Georgia và Alabama đã bỏ phiếu cho ứng viên thua cuộc còn nhiều lần hơn – 24 trong tổng số lần lượt là 56 và 48 kỳ bầu cử.
Đứng kế tiếp là Mississippi, 23 lần ‘chọn nhầm’ ứng viên.
Những tiểu bang ở miền nam này đã đạt thành tích không mấy gây ghen tị khi luôn bỏ phiếu cho đảng Dân chủ trong kỷ nguyên thành công của phe Cộng hòa vào hồi đầu thế kỷ 20.
Sau đó họ quay sang chọn các ứng viên độc lập không thành công trong khoảng thời gian giữa thế kỷ, rồi chuyển sang ủng hộ cho các ứng viên Cộng hòa đúng vào lúc xu thế cả quốc gia đi theo hướng ngược lại.
Do đó, nếu quý vị đang muốn chọn người chiến thắng trong kỳ bầu cử năm nay, có lẽ hãy chọn khác các tiểu bang miền nam, và hãy theo dõi sát tình hình Illinois, Ohio và New Mexico.

Tin Biển Đông – 06/11/2016

Tin Biển Đông – 06/11/2016

Nhật Bản phản đối

tàu Trung Quốc tiến gần quần đảo Senkaku

Tokyo lại lên tiếng phản đối Bắc Kinh ngày 06/11/2016 sau khi bốn tàu tuần duyên Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đang có tranh chấp với Trung Quốc, trong khi Nhật Bản coi khu vực này là một phần lãnh thổ không thể tách rời.
Theo thông tin của Tuần Duyên Nhật Bản, được hãng tin AFP trích dẫn, bốn chiếc tàu của Trung Quốc đã thâm nhập khu vực trên vào lúc 10 giờ, giờ địa phương (01 giờ, giờ GMT) ngày 06/11/2016 và ở lại đó hai tiếng rồi mới rời đi.
Cùng ngày, Tokyo đã lên tiếng phản đối tới bộ Ngoại Giao Trung Quốc thông qua sứ quán Nhật tại Bắc Kinh, đồng thời nhấn mạnh các hòn đảo này là « một phần lãnh thổ vốn có của Nhật Bản ».
Theo phát biểu của một quan chức chính phủ Nhật Bản với AFP, văn phòng của thủ tướng Shinzo Abe đã tăng cường đội ngũ phụ trách theo dõi các hải thuyền Trung Quốc.
Đây là văn bản phản đối lần thứ 32 trong năm 2016 của Tokyo với Bắc Kinh liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thông qua các kênh ngoại giao. Cũng trong thời gian này, tàu của Trung Quốc đã 31 lần thâm nhập vào vùng biển Nhật Bản.
Nhật Bản thường chỉ trích Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực khi thường xuyên điều tàu tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, không có người ở. Tokyo quốc hữu hóa ba trong số năm hòn đảo thuộc quần thể này từ tháng 8/2012.

Indonesia tăng cường lực lượng quân sự ở sát Biển Đông

Để dự phòng các sự cố bắt nguồn từ tranh chấp Biển Đông, Indonesia sẽ tăng cường hệ thống vũ khí bố trí trên quần đảo Natuna. Bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia đã xác nhận kế hoạch này vào hôm nay, 06/11/2016, sau khi tổng thống Widodo tuyên bố không nhượng bộ trên vấn đề chủ quyền.
Theo nhật báo Indonesia Jakarta Post, phát biểu với các phóng viên, bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết sẽ xây thêm một hải cảng tại Natuna, mở rộng thêm phi đạo tại căn cứ không quân trên đảo để có thể đón 4 chiến đấu cơ phản lực. Quân đội Indonesia sẽ đưa thêm chiến đấu cơ tới căn cứ không quân Ranai ở Natuna.
Quần đảo Natuna của Indonesia nằm sát Biển Đông. Dù không phải là một bên tranh chấp Biển Đông, nhưng Indonesia từ lâu nay vẫn mạnh mẽ phản đối việc đường lưỡi bò của Trung Quốc ăn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna. Trước nhiều hành vi quyết đoán của Bắc Kinh, Jakarta đã quyết định tăng viện cho lực lượng quân sự đồn trú tại quần đảo này.
Theo bộ trưởng Ryacudu, Indonesia đã lên danh sách các hệ thống vũ khí cần thiết để bảo vệ vùng biên giới, đặc biệt là các loại trang thiết bị thích hợp cho việc bảo vệ biên giới trên biển chống lại các mối đe dọa tiềm tàng cho lãnh thổ.
Ông giải thích rằng « Dù không phải đang trong tình trạng chiến tranh, nhưng vì Biển Đông rất gần cho nên Indonesia phải được chuẩn bị… Các hệ thống vũ khí của Indonesia đã tốt rồi, nhưng cần phải được bổ sung thêm để khỏi phải lúc nào cũng lo».
Tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia được đưa ra sau khi tổng thống Indonesia Joko Widodo vào hôm qua đã khẳng định với hãng truyền thông Úc ABC rằng Jakarta sẽ không có bất kỳ thỏa hiệp nào trên vấn đề chủ quyền đất nước ở Biển Đông. Ông Widodo cũng có lời lẽ cứng rắn tương tự khi trả lời phỏng vấn của nhật báo Úc Sydney Morning Herald.
Tuyên bố của tổng thống Indonesia được cho là một thông điệp cứng rắn gởi đến Trung Quốc vào lúc hai lãnh đạo Philippines và Malaysia có những động thái hòa hoãn với Bắc Kinh, cho dù đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông của hai nước này bị Trung Quốc thách thức.

Tin Việt Nam – 06/11/2016

Tin Việt Nam – 06/11/2016

‘Không để ông Vũ Huy Hoàng hạ cánh an toàn’

Một tướng quân đội tại Việt Nam nói quyết định kỷ luật cựu Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng có nghĩa rằng “về hưu không có nghĩa là thoát tội”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước , nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X được báo Giáo dục dẫn lời mô tả việc cách chức về mặt Đảng đối với ông Vũ Huy Hoàng (nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương) là cơ sở trong việc xử lý trong thời gian tới các cán bộ, đặc biệt là người có chức vụ cao có hành vi vi phạm pháp luật .
“Việc ông Vũ Huy Hoàng bị thi hành kỷ luật, khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước rằng, anh không thể hạ cánh an toàn nếu quá trình công tác không an toàn.
“Điều này thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, dù anh đã nghỉ hay chưa nghỉ, dù trốn đi đâu thì vẫn không thoát tội,” Tướng Thước nói.
Tướng Thước mô tả viêc xử lý ông Vũ Huy Hoàng sẽ không khó khăn gì vì về mặt Nhà nước cũng phải xử lý hết sức nghiêm túc giống như xử lý về mặt Đảng.
Theo nguyên Đại biểu Quốc hội này, việc được xử lý đến đâu thuộc phạm vi trách nhiệm của Quốc hội và “nếu thấy vi phạm về mặt hình sự, thì cơ quan có thẩm quyền cần đưa ra xem xét xử lý”.
‘Suy thoái trong Đảng’
Trong khi đó báo Một Thế giới dẫn lời Tướng Nguyễn Quốc Thước cũng cho rằng lâu nay có nguyên tắc mà ông gọi là “bất thành văn” là khi về hưu thì không xét đến lỗi lầm trước kia nữa, và người ta gọi đó là “hạ cánh an toàn”.
“Tuy nhiên bây giờ phải thay đổi, dù đã nghỉ hưu nhưng khi đương chức mà phạm lỗi thì đều phải xử lý.
“Vi phạm bên Đảng thì Đảng xử lý, phạm pháp thì luật pháp có chế tài để răn đe chứ không thể có chuyện hạ cánh an toàn là xong được.
“Bao nhiêu tội lỗi, bê bối gây ra, để lại rất nhiều hậu quả cho nhân dân mà không kỷ luật thì nhân dân không chịu.
“Xưa nay chưa thấy có ai về hưu bị xử lý tới mức cách chức cả về mặt Đảng và chính quyền trong thời gian người đó sai phạm cả. Tất nhiên, lần này những nguy cơ suy thoái trong Đảng đã được đưa ra tại Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 và khóa 12 rất rõ.
“Do đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xử lý nghiêm túc ông Vũ Huy Hoàng như vậy là hợp tình hợp lý để lấy lại niềm tin của người dân,” ông Tướng Thước nói thêm.

Nha Trang, Đà Lạt, Phú Yên bị ngập nặng

Trận lũ lụt được cho là lớn nhất trong vòng 5 năm qua khiến thành phố Nha Trang chìm trong biển nước, giao thông bị chia cắt, hàng ngàn hộ dân bị cô lập.
Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, do mưa lớn và liên tục từ ngày 2/11 cộng với các đập thủy điện ở thượng nguồn xả lũ khiến phố Nha Trang và nhiều nơi trong tỉnh bị ngập nặng.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Khánh Hòa cho biết thêm là ngoài Nha Trang, thành phố Cam Ranh và các huyện Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa và Vạn Ninh… đều bị ngập lụt. Quốc lộ 1 bị chia cắt nhiều đoạn, lưu thông gián đoạn.
Thành phố Tuy Hòa và nhiều nơi trong tỉnh Phú Yên cũng lâm vào cảnh tương tự. Nhiều nơi bị ngập sâu đến gần 2 mét.
Trong khi đó tại Đà Lạt, mưa to kết hợp với nước lũ từ các hồ thủy điện Đa Nhiêm, Đồng Nai 2 và Đồng Nai 3 đổ về, đã khiến vùng trồng rau lớn nhất nước chìm ngỉm, nhiều gia đình nông dân bị mất trắng.
Chính quyền thành phố Đà Lạt hôm 5/11 cho biết, hàng trăm gia đình trồng rau tại hạ lưu cửa xả lũ thủy điện Đa Nhim, bị thiệt hại rất nặng nề do nước dâng cao, gây ngập úng hoa màu.

Ông Vũ Đình Duy

theo chân Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài

Sáng ngày 5/11, ông Hoàng Quốc Vượng, thứ trưởng Bộ Công thương đã xác nhận ông Vũ Đình Duy đã không còn ở Việt Nam, nhưng không rõ là đang ở nước nào.
Việc ông Vượng xác nhận tin tức trên đã chấm dứt những tin đồn ông Duy đã theo chân Trịnh Xuân Thanh đào tẩu ra nước ngoài trong thời gian qua.
Cũng một kịch bản tương tự như Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Đình Duy cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hòa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) từ năm 2009-2014 đã gây thất thoát, thua lỗ cho công ty này số tiền lên đến 7,000 tỷ đồng (khoảng 350 triệu Mỹ kim). Và cũng như ông Trịnh Xuân Thanh, sau khi gây thua lỗ, ông Duy liên tục được bổ nhiệm vào những vị trí khác nhau để chờ có cơ hội đi lên quyền lực. Đầu tiên, ông này buộc phải về làm phó giám đốc công ty do thua lỗ, nhưng sau đó, ông Vũ Đình Duy được chính quyền thành phố Hải Phòng nhận về làm phó giám đốc Sở Công thương. Tiếp đó được bổ nhiệm làm phó Cục trưởng Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thuộc Bộ Công thương. Một ngày trước khi có quyết định về hưu, ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công thương đã ký quyết định bổ nhiệm ông Duy giữ chức Ủy viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, ông Vũ Huy Hoàng bị Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cho vào tầm ngắm. Tất cả những sai phạm trong thời gian ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng bị chú ý. Tháng 10/2016, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng trong thời gian ông này là Tổng giám đốc PVTex và chuyển hồ sơ sang cho Bộ công an thụ lý.
Thấy tình hình không ổn, ông Vũ Đình Duy đã dùng cách của Trịnh Xuân Thanh trước đây áp dụng cho mình. Trước tiên, ông viết đơn xin phép Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam cho phép được nghỉ việc. Sau đó, lại viết tiếp đơn xin phép để đi nước ngoài chữa bệnh. Theo những nguồn tin mà chúng tôi thu thập được, ông Vũ Đình Duy đã rời khỏi Việt Nam vào ngày 24/10, bất chấp việc nghỉ phép của mình có được chấp thuận hay không.
Có tin đồn dường như đang có chiến dịch làm mất mặt ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thông qua việc để cho những nghi can trốn ra nước ngoài. Với một chế độ sử dụng công an để đàn áp dân chúng, tai mắt công an có khắp mọi nơi, những người trong tầm ngắm như ông Trịnh Xuân Thanh hay Vũ Đình Duy nếu không có sự tiếp tay của công an, thì e khó mà qua khỏi nước.
Ngọc Quân/SBTN
Powered by Blogger.