Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 08/06/2020

Monday, June 8, 2020 // ,
s

Đọc báo Pháp – 08/06/2020

Chống kỳ thị: Đồng ý nhưng đừng đánh sai mục tiêu – Tú Anh

Phong trào biểu tình lên án kỳ thị chủng tộc và chống bạo lực cảnh sát lan rộng trên thế giới và trên truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, báo chí Pháp tỏ thái độ thận trọng, cảnh báo những lập luận thái quá thậm chí đánh sai mục tiêu với dụng ý gây áp lực với tư pháp.
Trên trang nhất, Le Monde tập trung vào bốn chủ đề thời sự xảy ra trong hai ngày cuối tuần. Khủng bố : Paris khẳng định tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaida vùng sa mạc Sahara cùng nhiều thủ hạ. Kinh tế : tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm bất ngờ. Ngành khách sạn tại Pháp : sinh hoạt chậm phục hồi, một mùa hè bất trắc. Trường hợp Breona Taylor, nữ y tá da đen 26 tuổi chết trong một cuộc can thiệp của cảnh sát Louisville, Kentucky, hồi tháng Ba, cũng như ca George Floyd, động viên người xuống đường.
Tất cả các sự kiện này đều có tác động nhân quả đến tình hình thế giới hoặc tình hình nước Pháp. Tại Mỹ, thất nghiệp giảm mạnh củng cố giả thuyết kinh tế Mỹ phục hồi nhanh chóng. Sau khi bị đại dịch siêu vi corona làm ngưng trệ sinh hoạt, bất ngờ các ngành doanh nghiệp Mỹ tạo ra 2,5 triệu công ăn việc làm trong tháng Năm. Vấn đề là từ nay đến cuối năm, Hoa Kỳ có xóa bớt được những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra ? Hay cuối cùng hàng chục triệu việc làm sẽ mất hẳn do hiện tượng công ty khánh tận hoặc vì dịch bệnh sẽ kéo dài vì chưa có vac-xin hay thuốc trị ?
Cảnh sát và bạo lực: những rủi ro của quan điểm mù lòa
Sự tương đồng tình cờ có thể tạo hiểu lầm nghiêm trọng. Bài xã luận của Le Monde cảnh báo xu hướng đánh đồng vụ George Floyd, người đàn ông da đen 46 tuổi bị thiệt mạng ở Mỹ với vụ Adama Traoré, một thanh niên 24 tuổi ở Pháp chết vào năm 2016 để quy buộc cảnh sát Pháp là một định chế kỳ thị chủng tộc. Nước Mỹ, là nơi ai cũng có súng, mỗi năm cảnh sát giết hơn 1000 người.
Tại Pháp, trung bình chỉ có 20 vụ mỗi năm. Tuy nhiên, cho dù không so sánh được cũng không phải vì thế mà im lặng, bất động. Thái độ im lặng của chính phủ Pháp sẽ rất nguy hiểm. Theo Le Monde, sự kiện một cảnh sát da đen bị một số người biểu tình chống kỳ thị mắng nhiếc là “phản bội” là chuyện không thể chấp nhận được.
Nhưng, cho dù không chụp mũ lực lượng cảnh sát Pháp là kỳ thị thì cũng phải bài trừ xu hướng kỳ thị chủng tộc bên trong nội bộ. Xu hướng phân biệt đối xử với người da đen và gốc Ả Rập đã từng bị Jacques Toubon, người bảo vệ nhân quyền Pháp, tố cáo với chứng cớ cụ thể cũng như bị toà phá án (giám đốc thẩm) kết án vào năm 2016 trong một số vụ “xét giấy tùy thân”.
Le Monde đề xuất hai giải pháp ngăn chận hiện tượng kỳ thị : một là bắt chước chính sách của cảnh sát Anh thường trực đối thoại với dân chúng và thứ hai là ghi hình các vụ kiểm soát giấy căn cước.
Gần như cùng quan điểm, Le Figaro với hai bài tường thuật: “Không khí lễ hội trong đoàn biểu tình tại Washington” và không khí tương phản “bạo lực tại Metz” miền đông Pháp. Vì sao tòa án ở Metz bị người biểu tình đập phá, một thẩm phán điều tra bị hành hung, một đồng nghiệp da đen ở đảo Mayotte bị người biểu tình chống kỳ thị da màu sỉ nhục ? Nhật báo thiên hữu đặt câu hỏi : Chống bạo lực cảnh sát, chống kỳ thị để đòi công lý hay để gây áp lực với công lý ?
Trang ý kiến, nhà văn Goldnach Gilles William, tác giả tiểu luận “Truyền thông động kinh, vì sao thế giới biến thành đám đông cuồng nộ” không dấu lo ngại : Người ta đánh đồng một vụ án tại Mỹ với một vụ án tại Pháp. So sánh hai vụ chẳng có điểm tương đồng là chuyện vô ích. Điều đáng sợ là “sự thật và lý trí dường như bất lực trước lòng xúc động và thái độ đe dọa” của đám đông.
La Croix cũng không tán đồng phong trào tranh đấu tại Pháp mượn khẩu hiệu ” sinh mạng người da đen cũng là mạng người” nhập từ Mỹ. Theo nhật báo Công giáo, lịch sử và nền tảng lập quốc của hai nước Pháp và Hoa Kỳ hoàn toàn khác nhau.
Les Echos cũng cảnh báo : So sánh phong trào đòi quyền được đối xử bình đẳng cho cộng đồng người Mỹ da đen với phong trào “Áo vàng” tại Pháp là một sai lầm.
Nhật báo thiên tả Libération, hoàn toàn ủng hộ phong trào nhưng cũng lưu ý: Chính tổng thống Donald Trump mới là kẻ gieo gió. Liệu lần này chủ nhân Nhà Trắng, chuyên vuốt ve bản năng thấp hèn nhất của con người, có thoát được ngọn lửa hận thù hay không ?
Covid-19 hụt hơi tại châu Âu, cô lập lãnh đạo Brazil tại châu Mỹ Latinh
Như một tin vui trong mùa đại dịch, Les Echos cho biết số người chết, số người lâm bệnh nhập viện, số ca lây nhiễm mới đều giảm rất mạnh tại châu Âu nhất là ở Pháp. Tại hầu hết các nơi khác, trừ châu Mỹ Latinh, tiểu lục địa Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, tốc độ lây lan của Covid-19 giảm đáng kể.
Nói đến Nam Mỹ, trường hợp Brazil được Le Figaro phân tích qua bài “tổng thống Jair Bolsorano suy yếu”. Thay vì nhìn nhận sự thật, tập trung chống dịch, nhà lãnh đạo cực hữu để cho siêu vi lây lan cho hơn 700 ngàn người, giết chết 36.000. Kinh tế được dự báo suy thoái 8% vào cuối năm nay. Theo một nhà phân tích Brazil, tổng thống Jair Bolsorano  “chính trị hóa cả cái chết”. Ông đổ lỗi cho báo chí, ông tấn công Quốc Hội, quy trách nhiệm cho Tối Cao Pháp Viện. Ông chống tất cả, trừ siêu vi corona.
14 tháng từ khi Jair Bolsorano lên cầm quyền, hàng loạt bộ trưởng từ chức. Giờ đây, ông chỉ còn 30% dân chúng ủng hộ vô điều kiện, nói gì họ cũng tin. Nhưng được đến bao giờ ?
Trở lại thời sự Pháp, năm học chưa kết thúc nhưng bộ Giáo Dục đang suy tính phương án khai trường vào tháng 9 : sau lớp nhẹ nửa sĩ số, học từ xa qua video để chận đại dịch Covid-19, còn sáng kiến nào ? Đó là câu hỏi mà tất cả báo Pháp đều quan tâm. Theo Le Figaro, dường như Pháp đang hướng tới chính sách của Đức 2S2C : tăng giờ văn hóa, đi dã ngoại, học tập nơi thiên nhiên, tham quan các viện bảo tàng….
Quyền được sống trong tự do ở châu Á
“Vấn đề sinh tử của Hồng Kông”, tựa của La Croix, đưa độc giả trở lại ngày cuối tuần, nhân lễ tưởng niệm 31 năm cuộc thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06/1989. Ngày 04/06/2020 cũng gần kề với một thời điểm lịch sử không kém phần nóng bỏng khác là ngày 01/07 mà vào năm 1997, Anh Quốc trao trả nhượng địa cho Trung Quốc. Theo La Croix, cuộc tranh đấu sinh tử của người Hồng Kông chống chính sách ngày càng áp bức của Bắc Kinh cho phép dự báo tình hình sẽ vô cùng căng thẳng trong những ngày tới.
Nhưng, đâu chỉ có Hồng Kông. Libération dành một trang tường thuật hai trường hợp cụ thể minh họa cho chính sách áp bức tại Tân Cương. Chỉ vì đi tìm hiểu, nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá Duy Ngô Nhĩ mà một giáo sư và người thông dịch, cả hai đều là công chức ở Tân Cương bị mất tích từ năm 2018, cùng chung số phận 1,5 triệu người bị cải tạo tập thể.
Hai người con trai tị nạn tại châu Âu lên tiếng với “Libé” sau khi biết rõ thái độ im lặng không giúp cho cha mình được tự do: “Công trình nghiên cứu của thân phụ chúng tôi bị họ xem là mối đe dọa”.

Tin tổng hợp
(Kyodo) – Nhật Bản từ chối tham gia tuyên bố chung lên án Trung Quốc về Hồng Kông.
Nhật Bản đã quyết định không tham gia tuyên bố chung cùng với Hoa Kỳ, Anh và một số nước khác lên án Trung Quốc áp đặt luật anh ninh quốc gia đối với Hồng Kông. Quyết định được Tokyo giải thích là để  tránh gây thêm căng thẳng giữa Nhật Bản và nước láng giềng vốn đã có nhiều bất hòa, đặc biệt trong bối cảnh Nhật Bản đang chuẩn bị đón chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến đi dự trù đầu tháng 4 nhưng đã bị hoãn vì dịch virus corona. Tuy nhiên hôm nay, phát ngôn viên của chính phủ Nhật Yoshihide Suga cho biết Tokyo đã tỏ quan ngại về việc làm của Trung Quốc với Hồng Kông.
(Yonhap) - Bộ chính trị đảng Lao Động Triều Tiên im lặng về quan hệ Liên Triều và quốc tế. 
Theo hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA, chủ tịch Kim Jong Un chủ trì cuộc họp khai mạc hôm 07/06/2020. Trọng tâm nhắm vào mục tiêu phát triển công nghệ hóa chất và mô hình một nền kinh tế tự cung tự cấp. KCNA không đả động đến quan hệ liên Triều, đe dọa đóng cửa văn phòng liên lạc giữa Bình Nhưỡng và Seoul.
(Yonhap) – Đường dây liên lạc quân sự liên Triều vẫn hoạt động bình thường.
Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, ngày 08/06/2020, cho biết như trên, ít ra là “cho đến sáng nay”. Tuyên bố được đưa ra vài giờ sau khi phát ngôn viên bộ Thống Nhất Hàn Quốc, Yoh Sang Key, báo động phía Bình Nhưỡng đã “bặt vô âm tín” trong cuộc gọi song phương mỗi ngày 2 lần vào lúc 9 và 16 giờ. Cuối tuần trước Bắc Triều Tiên dọa chấm dứt giai đoạn tan băng đã được khởi động từ thượng đỉnh Kim Jong Un – Moon Jae In hồi tháng 4/2018.
(Nikkei) – Indonesia đàm phán với Nhật Bản về dự án tầu cao tốc do Trung Quốc chậm tiến độ. 
Theo trang Nikkei ngày 08/06/2020, chính quyền Jakarta đã bắt đầu các cuộc đàm phán để Nhật Bản có thể tham gia dự án đường sắt cao tốc nối Jakarta với Bandung. Nhật Bản đã thua thầu Trung Quốc trong dự án này vào năm 2015. Tuy nhiên, tiến độ chậm, chi phí tăng buộc Indonesia tính đến khả năng kết hợp với Nhật Bản để cải thiện tuyến đường dài 750 km đã có từ trước nối Jakarta và Surabaya, nằm trong tuyến nối đến Bandung. Trong buổi họp báo ngày 04/06, ngoại trưởng Indonesia nhắc lại rằng Nhật Bản là một đối tác quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng tại nước này.
(AFP) – Philippines chỉ mở cửa trường học trở lại nếu có vac-xin chống virus corona.
Bộ trưởng Giáo Dục Philippines, Leonor Briones ngày 08/06/2020 làm tiêu tan hy vọng của 25 triệu học sinh chuẩn bị khai giảng vào cuối tháng 8/2020. Trên toàn quốc, các trường học đóng cửa từ tháng 3/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát.
(RFI) – Vatican bắt giữ một doanh nhân trong nghi án tài chính.
Trong nỗ lực minh bạch hóa tài chính, bộ phận tư Pháp của Tòa thánh Vatican hôm 05/06/2020 đã ra lệnh bắt giữ một doanh nhân Ý, tên là Gianluigi Torzi bị tình nghi chiếm đoạt tài sản của Tòa Thánh. Doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực tài chính đóng cơ sở tại Luân Đôn này là nhân vật chủ chốt trong một vụ lừa đảo bất động sản trị giá hàng trăm triệu euro mà Vatican dường như bị mắc bẫy. Vụ việc xảy ra từ năm 2014. Ông Torzi bị cáo buộc chiếm đoạt, biển thủ và rửa tiền. Theo luật của Vatican, ông có thể bị kết án tới 12 năm tù.
(Reuters) – Tây Ban Nha: Tòa Án Tối Cao mở điều tra về cựu hoàng Juan Carlos. 
Mục đích được nêu trong thông cáo ngày 08/06/2020 là để xem xét liệu cựu hoàng Juan Carlos có thể bị điều tra về một nghi án hối lộ khi một tổ hợp Tây Ban Nha được Ả Rập Xê Út trao hợp đồng xây tuyến đường sắt cao tốc nối Mecca với Medina năm 2011. Vào tháng 03/2020, Tòa án Genève cho rằng cựu hoàng Juan Carlos có lẽ đã nhận được 100 triệu đô la từ vua Abdallah của Ả Rập Xê Út vào năm 2008.
(AFP) – Pháp : Giàn giáo ở nhà thờ Đức Bà Paris được tháo dỡ ngày 08/06/2020. 
Giàn giáo gồm 40.000 bộ phận và nặng 200 tấn được dựng để trùng tu nhà thờ Đức Bà Paris nhưng đã bị biến dạng sau vụ hỏa hoạn hôm 15/04/2019. Thay vào đó sẽ là một bộ giàn giáo mới.
(AFP) – Pháp lật lại hồ sơ một vụ lạm dụng tình dục trong nhà thờ. 
Người bị lên án là cha Finet, đồng sáng lập Foyers de la Charité (Ngôi nhà thiện nguyện), đã qua đời cách đây 30 năm. Trong một bức thư, cha Moise Ndione, người điều phối Ngôi nhà thiện nguyện hiện nay, cho biết có thêm hơn 20 người nhận là nạn nhân của cha Finet quá cố. Trước đó, một bản báo cáo được công bố vào đầu tháng 05/2020 nêu trường hợp của 26 phụ nữ, phần lớn là trẻ vị thành niên vào thời điểm xảy ra, cho biết là bị cha Finet lạm dụng về thể xác và tâm lý.
(LHQ) – Phái đoàn hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc tại Libya (Manul) kêu gọi đối thoại và tôn trọng lệnh cấm vận về vũ khí. 
Hơn 16.000 người dân Libya đã bị di chuyển do các cuộc xung đột ở vùng Tripoli và Tarhouna trong những ngày gần đây. Chính phủ Tripoli đã chiếm lại thành phố Syrte vào thứ Bẩy 06/06/2020, cùng ngày với việc tướng Khalifa Haftar tuyên bố ủng hộ ngừng bắn từ thứ Hai 08/06. Tổng thống Ai Cập đề xuất ngừng bắn từ lúc 6 giờ (giờ địa phương). Còn phái đoàn của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các bên ngừng bắn, nhường chỗ cho đối thoại hòa bình.
(AFP) - Nhà khoa học người Iran được Mỹ trả tự do đã về đến Teheran.
Nhà khoa học người Iran Majid Tahéri đã về tới Teheran ngày 08/06/2020 sau khi ra khỏi nhà tù của Mỹ theo thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa hai quốc gia thù địch. Majid Tahéri là người Mỹ gốc Iran làm việc tại bệnh viện Tampa, bang Florida. Ông bị bắt giam tại Mỹ từ 16 tháng qua vì cáo buộc đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran qua việc gửi tài liệu nghiên cứu về Iran. Ông được phía Mỹ thả hôm thứ Năm tuần trước, cùng lúc Teheran cũng thả Michael White, cựu quân nhân Mỹ bị Iran bắt giữ từ năm 2018.

Điểm tin thế giới sáng 8/6:

Hơn 7 triệu người nhiễm Covid-19; Ông Trump

không ra lệnh điều 10.000 lính trấn áp biểu tình

Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ thứ Hai (8/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Hơn 7 triệu người nhiễm Covid-19
Theo cập nhật của trang Worldometers, tính tới 6h40 (giờ Việt Nam) ngày 8/6, thế giới ghi nhận 7.081.563 ca nhiễm virus Vũ Hán, trong đó 405.074 người đã tử vong, 3.453.627 người khỏi bệnh.
Mặc dù số người nhiễm và tử vong đã giảm sâu, nhưng hiện Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với 2.007.220 ca nhiễm và 112.469 ca tử vong. Ổ dịch lớn thứ 2 và thứ 3 trên thế giới là Brazil và Nga.
AP cho hay, các chuyên gia y tế tin rằng số người chết trên toàn thế giới không phản ánh hết thảm kịch thực sự của đại dịch toàn cầu.
Theo Fox News, các nhà chức trách ở Ý và Tây Ban Nha, hai nước có hơn 60.000 bệnh nhân đã tử vong, thừa nhận rằng số người chết vì viêm phổi Vũ Hán ở nước họ cao hơn con số thống kê. Nhiều báo cáo cũng đưa ra nhận định rằng số người chết vì virus Vũ Hán ở Trung Quốc cao hơn gấp nhiều lần so với con số mà Bắc Kinh đưa ra.
Ông Trump không ra lệnh điều 10.000 lính trấn áp biểu tình
Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Barr nói rằng không có chuyện Tổng thống Trump yêu cầu 10.000 binh sĩ tham gia trấn áp những người biểu tình quá khích ở D.C. và trên toàn quốc, theo Politico.
“Tổng thống chưa bao giờ yêu cầu hoặc đề nghị chúng tôi triển khai quân đội vào thời điểm đó”, ông Barr nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Face the Nationedom” của CBS vào Chủ nhật. “Chúng tôi cố gắng tránh việc đó, và tôi rất vui vì chúng tôi có thể làm thế trong dịp này”.
Tuy nhiên, ông Barr lưu ý rằng một số thành viên của lực lượng cảnh sát quân sự thuộc Sư đoàn 82 đã được điều động vào khu vực và ở chế độ sẵn sàng “trong trường hợp cần thiết”, thay vì được triển khai trên đường phố Washington.
Người biểu tình Anh kéo đổ tượng người buôn bán nô lệ
Người biểu tình ở Bristol, Anh, đã kéo đổ bức tượng một người buôn bán nô lệ có tên Edward Colston và ném xuống nước, theo bản tin hôm Chủ nhật của Fox News.
Ông Colston sinh ra ở Bristol vào thế kỷ 17 và làm nghề buôn bán nô lệ. Công ty Hoàng gia Châu Phi của ông đã vận chuyển khoảng 100.000 nô lệ từ Châu Phi đến Châu Mỹ.
Mặc dù ông Colston khi còn sống đã sử dụng một số tài sản đáng kể của mình để làm từ thiện cho người dân Bristol, London và các nơi khác, nhưng nhiều nhà hoạt động vẫn lên án thu nhập từ hoạt động buôn bán nô lệ của ông.
Nga tăng cường tuyển lính Syria
Các nguồn tin ở Syria nói với Reuters rằng trong tháng Năm quân đội Nga đã gia tăng việc tuyển mộ lính đánh thuê người Syria phục vụ trong các hoạt động của lực lượng quân sự mà Moscow hậu thuẫn ở Libya.
Nhà thầu quân sự tư nhân Wagner Group đang tuyển dụng lính đánh thuê Syria dưới sự giám sát của quân đội Nga, theo hai nguồn tin của Reuters ở Syria. Một cựu thành viên của Wagner tiết lộ, lần đầu tiên công ty này gửi lính đánh thuê Syria đến Libya là vào năm 2019.
Bộ Quốc phòng Nga và Wagner đã không trả lời các câu hỏi phỏng vấn của Reuters về vấn đề này. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đang cung cấp hỗ trợ quân sự cho lực lượng đối lập với lực lượng mà Nga ủng hộ ở Libya.

Điểm tin thế giới chiều 8/6:

Trung Quốc có thể phải hủy 95% kho vũ khí

nếu ký hiệp ước INF

Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Hai (8/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trung Quốc có thể phải hủy 95% kho vũ khí nếu ký hiệp ước INF
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đã công bố bản đánh giá an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết Trung Quốc có thể sẽ phải hủy 95% kho dự trữ tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình nếu ký một thỏa thuận tương tự Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty viết tắt là INF), theo Defense News ngày 6/6.
Hiệp ước INF được ký kết giữa Mỹ và Liên Xô trong năm 1987, cấm phát triển tên lửa phóng từ mặt đất với tầm bắn 500-5.500 km. Theo số liệu của IISS, ước tính Trung Quốc sở hữu hơn 2.200 tên lửa, đều thuộc diện bị cấm trong INF.
Mỹ rút khỏi INF vào tháng 8/2019, tố Nga vi phạm thỏa thuận khi phát triển tên lửa 9M279, mặc dù Nga bác bỏ rằng tên lửa này đã vi phạm các giới hạn trong hiệp ước. Việc Mỹ rút khỏi INF được cho là sẽ nhắm vào kho vũ khí của Trung Quốc.
Mỹ quyết định rút quân khỏi Đức
Tổng thống Trump đã chỉ đạo cho quân đội Mỹ rút 9.500 binh lính khỏi Đức, theo Reuters. Sau quyết định của ông Trump, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên báo rằng ông lấy làm tiếc vì kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi Đức và ông mô tả mối quan hệ giữa Berlin với Hoa Kỳ là “phức tạp”.
Kim Jong Un bất ngờ họp Bộ chính trị
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, hôm 7/6 nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chủ trì hội nghị lần thứ 13 của Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên. Cuộc họp diễn ra khi Bình Nhưỡng đang tăng áp lực lên Seoul về các hoạt động thả truyền đơn chống Triều Tiên của những người đào thoát. KCNA báo cáo, cuộc họp nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành công nghiệp hóa chất và sản xuất phân bón, đây sẽ là những ngành chủ lực của nền kinh tế đất nước.
Triều Tiên không trả lời điện thoại của Hàn Quốc
Triều Tiên đã phớt lờ một cuộc gọi điện thoại liên lạc hàng ngày từ phía Hàn Quốc vào hôm 8/6, đây là lần đầu tiên Triều Tiên không bắt máy kể từ khi hai bên mở ra văn phòng liên lạc chung vào năm 2018, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết. Động thái này xảy ra sau khi Triều Tiên tuyên bố đóng cửa văn phòng liên lạc liên Triều để phản đối hoạt động thả truyền đơn qua vùng giới tuyến của các nhóm dân sự ở Hàn Quốc để chỉ trích lãnh đạo Bình Nhưỡng.
Tờ Rodong Sinmun cùng ngày trong một bài báo tuyên bố rằng việc phát tán truyền đơn của “những người đào thoát Triều Tiên” là không thể dung thứ và nói thêm rằng điều này đã trở thành một ngòi nổ cho mối quan hệ hai miền thêm phần thảm khốc.
Trung Quốc đòi Thượng Nghị sĩ Mỹ đưa bằng chứng cho cáo buộc cản trở phát triển vaccine Covid-19
Trung Quốc đòi Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Rick Scott trưng bằng chứng cho cáo buộc của ông rằng Bắc Kinh đang cố gắng làm chậm lại hoặc phá hoại ngầm quá trình phát triển vắc xin chống Covid-19 của các nước phương Tây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong một cuộc họp báo ngày 8/6 đã đưa ra tuyên bố, nhằm đáp trả các bình luận của vị thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa trong một cuộc phỏng vấn trên BBC TV.
Biểu tình ở Kashmir sau khi 5 chiến binh bị bắn chết
Hôm 7/6, có ít nhất 5 chiến binh đã bị lực lượng Ấn Độ bắn chết trên khu vực Shopian thuộc vùng do Ấn Độ quản lý ở Kashmir. Vụ việc đã khiến người dân trong khu vực biểu tình. Hãng AP dẫn lời phát ngôn viên của quân đội Ấn Độ, Đại tá Rajesh Kalia nói rằng quân đội và cảnh sát đã bao vây một ngôi làng ở phía nam Shopia sau khi được báo rằng có một số phiến quân đang lẩn trốn tại đó. Một cuộc bắn súng vào nhau khiến làm chết 5 chiến binh.
Kể từ năm 1989, các nhóm phiến quân của Kashmir đã chiến đấu để giành độc lập trong khu vực đã sát nhập với Pakistan, dẫn đến 70.000 người chết, chủ yếu là dân thường. Ấn Độ cáo buộc Pakistan vũ trang và huấn luyện phiến quân chống Ấn Độ. Pakistan phủ nhận cáo buộc.

Powered by Blogger.