Soạn giả Nguyễn Phương
Hằng năm, đến ngày 10, 11, 12 tháng 9, tôi gởi email hoặc gọi điện thoại về Việt Nam, hỏi thăm các bạn nghệ sĩ hoặc đệ tử cũ của tôi để biết tin tức về tổ chức lễ Giỗ Tổ Cải Lương. Năm nay, tôi vừa gọi điện thoại thì bên đầu dây kia có giọng nói buồn hiu của nữ nghệ sĩ MH:
– “Tiêu rồi Bố ơi! Ông Tổ Cải Lương chắc là đã di tản qua miền Nam Cali bên Hoa Kỳ… Năm nay nhà Hội Nghệ sĩ Ái Hữu ở số 133 đường Cô Bắc chỉ cúng chay, không heo không gà như những năm trước, người thắp nhang lạy Tổ cũng ít đi, chỉ thấy vài ông cán bộ Sở VHTT, Ban Ái Hữu nghệ sĩ, ông bầu Xuân và ít nghệ sĩ tên tuổi. Không có tiệc mặn như trước. Lại có một nhà thờ Tổ khác của nghệ sĩ hài Hoài Linh được khánh thành ở quận 9, nghe nói là rộng lớn lắm nhưng hình thức trang trí bàn thờ Tổ giống như trang thờ Bà Chúa Xứ Châu Đốc. Hoài Linh và các đệ tử ăn mặc áo gấm đỏ, có chạy hoa văn vàng như kiểu lên đồng Bà Chúa Liễu ở miền Bắc.
Lại còn một chuyện động trời khác, một ký giả (có lẽ gốc Hà Nội) đòi sưu tra lý lịch của ông Tổ Cải Lương. Anh ta nói: Cái ngày Giỗ Tổ nghề đó được photo copy từ ngày Giỗ Tổ Hồ Quảng tức là ngày Giỗ chung của 4 nghề: Ca kỹ, cướp, trộm và ăn mày. Ông Tổ nầy là Bạch Mi Thần. Anh ký giả Nông Huyền Sơn viết đăng trên trang web CLVN.VN lời láo toét đó. Anh khẳng định ông Tổ Cải Lương là ông Cao Văn Lầu, Bà Tổ chính thống của Hát Chèo là Huyền Nữ Phạm Thị Trân…
Điện thoại cúp ngang, tôi đành vô internet kiếm các tin tức về ngày Giỗ Tổ Cải Lương ở VN, ở Cali, Pháp, Úc và Toronto.
Tôi ngạc nhiên khi thấy những nghệ sĩ, soạn giả lão thành hiện còn ở Việt Nam như Đinh Bằng Phi, Lê Duy Hạnh, Hồng Dung (con gái ông Năm Châu, Phó Ban Ái Hữu Thành Phố…) lặng im trước lời xuyên tạc láo xược nầy, nhứt là anh ta đặt ra vấn đề lý lịch của ông Tổ Cải Lương!
Chắc anh ký gỉả Nông Huyền Sơn là đảng viên Cộng Sản, anh làm như là ngày mới chiếm được miền Nam, bắt quân dân chánh miền Nam, thầy giáo hay công nhân ai cũng phải kê khai lý lịch, kể về dòng họ ba đời của mình. Anh kiểm lại thấy ông Tổ Cải lương chưa có kê khai lý lịch nên bây giờ mới đặt câu hỏi: Tại sao nghệ sĩ lại thờ ông Tổ Cải Lương là ông Thần Bạch Mi ở bên Tàu? Một sự xuyên tạc trắng trợn!
Xưa nay, khi có gánh hát bội, hát chèo hay gánh hát cải lương, hằng năm đến ngày 11 tháng 8 âm lịch, các đoàn hát đều có lễ Giỗ Tổ. Kể từ ngày cất xong trụ sở Hội Ái Hữu Tương Tế Nghệ sĩ (1950) tại số 133, đường Cô Bắc, Quận 1, Saigon, Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế mỗi năm vào ngày 11 – 12 tháng 8 âm kịch đều có tổ chức lễ Giỗ Tổ một cách long trọng, quy tụ rất đông nghệ sĩ hát bội, cải lương và nhiều lúc có cả sự tham dự của giới thoại kịch, ca nhạc, điện ảnh. Nhà Hội tuy nhỏ hẹp, song lần nào buổi lễ cũng trang nghiêm, ấm cúng, thấm đượm tình đoàn kết đậm đà.
Khánh thờ Ông Tổ là một kỷ vật bằng danh mộc chạm trổ rất công phu, bên trong có thờ mười hai cốt ông, tính đến nay có hơn trăm năm, do bà Tám Đội tặng lại cho giới nghệ sĩ.
(Bà Tám Đội là một phú gia, có nhà lầu, đồn điền cao su trên huyện Củ Chi, từng lập gánh hát bội và cất một rạp hát tọa lạc trên đường Marins cũ, nay là đường Trần Hưng Đạo.)
Lễ Giỗ năm nào cũng theo lệ truyền thống, tuy đơn giản nhưng không kém phần trang nghiêm. Khởi đầu hành lễ, ông nhạc trưởng ban ba hồi trống thỉnh Tổ, tiếp theo là vị Hội trưởng cùng các nghệ sĩ cao niên nhất bưóc vào chánh điện làm lễ nguyện hương. Bên ngoài pháo nổ, lân múa, bên trong lớp đại bội truyền thống gồm có múa Nhật Nguyệt, múa Tứ Thiên Vương, dâng lễ Ngũ Hành có Ông Cái và 4 đào con (do các nghệ sĩ hát bội trình diễn) để ca ngợi đất nước thanh bình, mưa hòa gió thuận. Dứt phần biểu diễn, lần lượt từng nhóm, từng nghệ sĩ dâng hương, lạy Tổ để tỏ lòng tôn kính, biết ơn tiền nhân đã khai rạng cơ đồ nghệ thuật, để hôm nay con cháu tiếp nối làm sáng đẹp thêm cho cuộc đời.
Tế lễ xong đến phần liên hoan, bao nhiêu lễ vật được bày ra để mọi người tham dự trong niềm vui họp mặt. Mỗi năm gặp lại một lần, tay bắt mặt mừng, không ngớt lời thăm hỏi, ai còn người mất, ai ai cũng hàn huyên tâm sự cho vơi cạn tấc lòng. Tinh thần tốt đẹp của ngày Giỗ Tổ chung ấy hôm nay vẫn tồn tại và mãi tiếp nối ngàn sau.
Ngoài việc tập trung Giỗ Tổ tại nhà Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế, các đoàn hát bội, cải lương, thoại kịch và báo Sân Khấu đều có tổ chức cúng Tổ ngay tại rạp hát, nơi đoàn đang biểu diễn. Tục lệ truyền thống nầy đã được thực hiện hơn trăm năm qua và được tổ chức thật long trọng từ năm 1950 đến nay tại nhà Hội số 133 đường Cô Bắc.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, việc cúng Tổ Nghề không được Sở VHTT cho phép nên các đoàn hát cúng lén tại đoàn hát của mình. Đến năm 1986, khi TBT Nguyễn Văn Linh tuyên bố cởi trói văn nghệ sĩ thì việc cúng Tổ cũng được cởi mở, mỗi năm đúng ngày 11 tháng 8 âm lịch lễ giỗ Tổ được tổ chức rầm rộ trong nước, ở các nước như Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Canada, những nước có nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, soạn giả cải lương và hát bội đến định cư.
Những dịp đi du lịch sang Hoa Kỳ (Nam, Bắc Cali, Virginia), qua Pháp, tôi có dịp tiếp xúc, thăm viếng các nghệ sĩ cải lương, hát bội, nhạc sĩ cổ nhạc định cư ở các nước đó. Tôi có ghi danh sách, hình ảnh, những câu chuyện do tôi phỏng vấn, sinh hoạt với 44 nghệ sĩ cải lương, nhạc sĩ cổ nhạc ở Hoa Kỳ, 16 nghệ sĩ, nhạc sĩ cải lương ở Pháp, 22 nghệ sĩ, nhạc sĩ cải lương ở Canada (Montreal, Toronto, Ottawa, Mississauga, Vancouver), 10 nghệ sĩ ở Úc Châu. Tổng cộng 92 nghệ sĩ nhạc sĩ tài danh ở hải ngoại, không kể các nghệ sĩ tài danh đã mất ở hải ngoại như Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Hùng Cường, Hương Sắc, Dũng Thanh Lâm, Phương Thanh, Hữu Phước… và các thế hệ kế tiếp và học trò của các nghệ sĩ đó. Với số nghệ sĩ tài danh đông như vậy, hằng năm Giỗ Tổ Cải Lương ở hải ngoại tổ chức thật long trọng, theo đúng nghi lễ cổ truyền. Năm nay (2016) vợ chồng nghệ sĩ Bạch Liên (chị của nghệ sĩ Thành Lộc, Bạch Lê, con của cố nghệ sĩ tài danh Thành Tôn) gặp nữ nghệ sĩ Ngọc Đáng khi dự lễ Giỗ Tổ, các nghệ sĩ đều nhắc đến những người thầy dìu dắt họ đến với nghề. Nghệ sĩ lão thành Văn Chung nói: Không đợi gì đến ngày lễ Tết mới bày tỏ tấm lòng tri ân với thầy, mà ngày giỗ Tổ sân khấu chính là ngày người nghệ sĩ tri ân công đức của các bậc tiền nhân, đã mở đường, khai lối cho nghệ thuật vĩnh bền. Tình cảm đối với thầy mãi ở trong tim nghệ sĩ chúng tôi.
Nữ nghệ sĩ Phương Hồng Thủy thắp hương nhớ ơn Tổ nghiệp và nhớ mãi lời dạy của thầy – đó chính là nhạc sĩ kiêm soạn giả Viễn Châu: Đạo đức nghề hát phải được xem là điều đáng lưu tâm nhứt. Thầy tôi dạy luôn phải tôn trọng và khiêm nhường trong cách xử sự với đồng nghiệp. Vinh quang rồi sẽ qua, điều còn động lại chính là niềm tin vững bền vào nghề, và phải truyền nghề cho thế hệ mai sau những gì mình đã được học.
Như đã kể, các nghệ sĩ cải lương, hát bội chân chính, dù ở trong nước hay đã định cư ở hải ngoại, nhân ngày giỗ Tổ, mọi người đều hướng về Tổ nghiệp, thực hiện đúng theo truyền thống và tập tục trong nghề, gìn giữ đạo đức Tôn Sư Trọng Đạo, Tương Thân Tương Ái giữa các nghệ sĩ với nhau. Trong khi đó thì các cán bộ Cộng Sản từ nhiều chục năm nay, họ luôn luôn đánh phá, đàn áp tự do tư tưởng những người không tuần phục họ.
Nhân lời xuyên tạc của ký giả Cộng Sản Nông Huyền Sơn về lễ giỗ Tổ sân khấu, ta thử nhắc lại sau ngày 30 tháng 4 đen, giới nghệ sĩ đã phải chịu những sự trấn áp như thế nào của nhà cầm quyền Cộng Sản miền Bắc:
– Ngày 03 tháng 5, 1975, lệnh của nhà cầm quyền mới (CS Bắc Việt) giải tán tất cả những đoàn hát tư nhân ở miền Nam. Nộp giao tài sản, phong màn, y trang tranh cảnh các đoàn hát Kim Chung cho Ty Sân Khấu. Cán bộ nằm vùng kép hát Năm Thịt (tự là Nam Sơn) đứng chỉ huy kiểm kê.
– Tất cả các nghệ sĩ, nhạc sĩ, soạn giả phải đến Ty Sân Khấu đăng ký tên tuổi, kê khai lý lịch và các hoạt động nghệ thuật từ năm 1954 đến 30 tháng 4 năm 1975. Ai không đăng ký và không kê khai lý lịch, không được phép hành nghề.
– Định lại mức lương của nghệ sĩ: nghệ sĩ hạng A gồm có Út Trà Ôn, Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Văn Lâu, Thanh Nga, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thành Được, Hữu Phước, Út Bạch Lan, Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh… (những nghệ sĩ tài danh trước đây ký contrat vài triệu đồng và lương trên 1000 đồng một suất) nay chỉ được lãnh 10 đồng một suất diễn. Nghệ sĩ dàn bao, soạn giả và công nhân sân khấu 5 đồng một suất diễn.
– Cấm các soạn giả, ký giả Saigon và toàn miền Nam, miền Trung hành nghề trong 10 năm, tập trung học tập cải tạo tư tưởng trong nhiều đợt, mỗi đợt một hay hai tháng.
– Cấm hát tất cả tuồng cũ của các đoàn hát ở miền Trung và miền Nam.
– Tịch thu tất cả các rạp hát bóng, hát cải lương, hát bội. Giao quyền quản lý các rạp hát cho cán bộ đảng viên của Ty Sân Khấu (sau là Sở VHTT Thành phố). Có tất cả 39 rạp dành cho hát cải lương ở Saigon, Chợ Lớn và Gia Định.
– Cấm xuất bản báo tư nhân kể cả các báo Sân Khấu, Điện Ảnh, Văn Học – Nghệ Thuật.
– Bắt bỏ tù, đưa vào trại học tập cải tạo (thực chất là tù) các nghệ sĩ Thành Công, Chín Sớm, Mộc Linh, Thái Thủy, Huyền Trân, Phan Hương, Ngọc Điệp,…
– Còn nhiều cấm đoán và cái luật cấm bất khả kháng là không một soạn giả hay nghệ sĩ nào được suy nghĩ hay phát biểu điều gì khác với chỉ thị nghị quyết, thông cáo của Sở VHTT và của Hội Sân Khấu của Đảng.
Rạp Hưng Đạo cũ bị phá bỏ, nhà cầm quyền chi ra 132 tỉ đồng để cất lại thành Trung Tâm Cải Lương Trần Hữu Trang, rồi bàn giao cho Nhà hát Trần Hữu Trang quản lý từ ngày 18 tháng 4 năm 2015, nhưng từ ngày đó đến nay, hơn một năm trời mà rạp hát mới không hoạt động được. Rạp mới cất lại nhỏ hơn rạp cũ, không đủ tiêu chuẩn để cho nhà hát hay đoàn hát dựng tuồng cải lương. Vậy là coi như Rạp Hưng Đạo cũ, cất lại thành một chổ đễ nghệ sĩ tập tuồng, trong rạp mới đó có một cái phòng ngũ to bự, một cái phòng tắm cũng to bự dành riêng cho ông Giám đốc nhà hát!
Cuộc chiến tiêu diệt văn hóa văn nghệ miền Nam của nhà cầm quyền CS thành công trọn vẹn, không ồn ào; nghệ thuật sân khấu cải lương của miền Nam hay hơn sân khấu cải lương miền Bắc, bây giờ bị dẹp sạch, hơn 50 soạn giả ưu tú của miền Nam bị vô hiệu hóa trong hơn bốn mươi năm qua, họ đẩy ra nước ngoài hơn 100 nghệ sĩ tài sắc lưỡng toàn, dẹp bỏ hết rạp hát và khuyến khích lối diễn hài kịch nham nhở, chọc cười bằng các tiết mục rẻ tiền, tục tỉu. Bây giờ họ tấn công và tung hỏa mù để xuyên tạc, đánh phá niềm tin vào Tổ nghiệp sân khấu của nghệ sĩ.
Ký giả lưu manh Nông Huyền Sơn cho là giới nghệ sĩ miền Nam thờ Ông Tổ là Bạch Mi Thần, là ông Tổ của gái điếm.
Bây giờ nhân ngày giỗ Tổ Sân khấu năm 2016, nghệ sĩ mới thấm đòn, biết nhà cầm sinh mạng của dân mình là những người theo học thuyết Tam Vô ngoại lai: Vô Tổ Quốc, Vô Gia Đình, Vô Tôn Giáo.
Bởi vậy ông Tổ sân khấu đành di tản qua Nam Cali, nơi có những nghệ sĩ còn Tôn Sư Trọng Đạo, còn biết tương thân tương ái với nhau, và còn tôn trọng khán giả ái mộ cải lương.
Soạn giả Nguyễn Phương