Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Điểm Báo Pháp – 24/09/2016

Saturday, September 24, 2016 7:37:00 PM // , ,

Điểm Báo Pháp – 24/09/2016

Jacques Chirac và mối tình “ngoài luồng”

Trong khi cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac đang được điều trị ở bệnh viện về bệnh viêm phổi, hai nhà báo Laureline Dupont và Pauline de Saint-Rémy vừa xuất bản cuốn sách kể lại chuyện tình bí mật của ông Chirac, lúc đó là thủ tướng Pháp. Theo đánh giá của tuần báo L’Express (số 3403, 21-27/09/2016), cuốn sách, tạm dịch Jacques và Jacqueline. Một người đàn ông, một người phụ nữ trước lý trí quốc gia, là một tác phẩm đầy thú vị thuật lại mối tình lãng mạn nhưng bị chính trị chi phối.
Năm 41 tuổi, đã kết hôn với Bernadette, Jacques Chirac, lúc đó là thủ tướng Pháp, ngã lòng trước một người phụ nữ khác. Jacqueline Chabridon, nhà báo của tờ Le Figaro. Bàlà vợ đầu của một chính trị gia đảng Xã hội, Charles Hernu. Tuần báo L’Express trích đăng một vài câu chuyện tình giữa hai người.
Jacques Chirac từng gọi điện gần nửa đêm cho chủ một cửa hàng quần áo cao cấp ở phố Faubourg-Saint-Honoré để mở cửa cho ông và một người bạn nữ đến sắm đồ. Người phụ nữ này không ai khác là Jacqueline Chabridon. Quá 11 giờ đêm, nhà báo của Le Figaro chọn xong chiếc áo len dưới ánh mắt trìu mến của thủ tướng Jacques Chirac. Nàng thủ thỉ: «Anh chiều em như một nàng công chúa ! Em như cô bé Lọ Lem của anh…».
Người phụ nữ xuất thân từ tầng lớp bình dân không có thói quen với những món đồ đắt tiền như vậy, cô trở thành một người tình được cưng chiều trong vòng tay của một nhân vật quan trọng trong hàng ngũ lãnh đạo, một người đàn ông đầy quyền lực, muốn “mua tiên cũng được”. Cô chỉ còn biết tận hưởng niềm hạnh phúc bị cấm đoán. Trong khi đó, Jacques Chirac bị nàng người mẫu hớp hồn. Chiếc áo xa xỉ hợp với cô đến nhường nào.
Hình ảnh của Jacqueline Chabridon còn gắn liền với Jacques Chirac trong các hoạt động chính trị. Ông không ngần ngại đưa nhà báo của Le Figaro đến gặp gỡ các chính trị gia vào cuối tuần tại dinh thự ở Poitou của một nữ cố vấn. Thủ tướng Pháp thời đó còn bỏ thói quen quần là áo lượt để mặc chiếc quần bò (jean) mà người yêu đã tặng, và ông đã dạo chơi ở thành phố cảng La Rochelle với bộ tóc giả. Nhóm cận vệ phải giả vờ không quen biết dù mắt luôn lén nhìn đôi tình nhân.
Chuyện tình bí mật của hai người cuối cùng cũng bị Le Nouvel Observateur phát hiện. Tuần báo có số lượng phát hành 450.000 số mỗi tuần dự định đăng một bài báo nhỏ với dòng tựa: «Căn hộ nhỏ của ngài thủ tướng». Vấn đề ở chỗ, căn hộ là nơi gặp gỡ của đôi tình nhân lại được thanh toán bằng chi phí của phủ thủ tướng, điện Matignon.
Dù tác giả bài viết không có ý định nêu đích danh tên đồng nghiệp bên báo Le Figaro, nhưng chuyện này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh một người cha mẫu mực của Chirac. Người dân Pháp sẽ nghĩ gì? Jacques sẽ phản ứng ra sao? Còn Bernadette nữa? Cuối cùng, nhờ sự can thiệp của Henry Chapier, nhà báo của tờ Quotidien de Paris và cũng là một người bạn của Jacques Chirac, bài báo đã không được đăng như dự kiến.
Sau sự kiện này, Jacques Friedmann, chánh văn phòng thủ tướng, phải lên tiếng: «Jacques, anh phải ngừng các chi phí này lại». Đúng là tình hình bi quan hơn ông tưởng. Cố vấn của thủ tướng, bà Marie-France Giraud, cũng thêm vào: «Những quan hệ bên ngoài, người ta có thể có, nhưng nếu được thì đừng lộ liễu như vậy».
Chuyện tình của Jacques Chirac cũng đến tai tổng thống Giscard d’Estaing và chủ tịch nhóm Những Người Cộng Hòa độc lập ở Hạ Viện. Thủ tướng Pháp phải chấm dứt mối quan hệ này trước khi vụ việc trở nên nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, ông Chirac cần phải rảnh tay để chuẩn bị cho sự ra đời của đảng Tập Hợp Vì nền Cộng Hòa (Rassemblement pour la République). Văng vẳng trong tâm trí của Jacques lúc đó là lời mẹ ông dặn nàng dâu Bernadette : « Con gái à, trong gia đình chúng ta không có chuyện ly hôn ! » Thế mà, ông từng nghĩ tới việc ly hôn Bernadette để cưới Jacqueline.
Chirac là vậy, ông là người nồng nhiệt, xung động, thất thường và đôi khi tình cảm lấn át tâm trí ông. Nhưng ông thường tỉnh táo trở lại. Đúng là ông không muốn đấu tranh vì một cuộc hôn nhân. Thế nhưng, ông lại muốn người khác để ông tự xử lý tình cảm theo cách ông muốn. Sau khi trút tức giận vào chiếc bật lửa, ông thốt lên: «Nhưng cũng phải để cho tôi sống chứ!»

Nga tăng cường thăm dò NATO tại vùng Baltic

Để đáp trả những đợt triển khai lực lượng quân sự của tổ chức Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại vùng biển Baltic, tình báo Nga tăng cường hoạt động tại Kaliningrad, vùng đất thuộc Nga nằm giữa Litva (Lithuania) và Ba Lan, hai nước thành viên NATO.
Trong số 1351 (từ 22-28/09/2016), tuần báo Courrier International trích bản báo cáo của bộ An Ninh Quốc Gia được đăng trên tờ Veidas phát hành tại Vilinus. Theo đó, « các thành phố Sakiai, Jurbarkas, Pagegiai và Silute tại Litva đã tiếp đón nhiều người làm việc dưới vỏ bọc quan chức của Kaliningrad. Những tình báo này tìm cách thu thập thông tin về những dự án đang được tiến hành tại các thành phố trên, về các doanh nhân hay cơ quan tư pháp. Tổng cục An Ninh Liên Bang Nga (FSB) đang tìm hiểu toàn cảnh chính trị, kinh tế và quân sự tại vùng biên giới và tìm cách gây ảnh hưởng, đồng thời tham gia vào nhiều dự án hợp tác quốc tế với Nga».
Tình báo Nga không hề thiếu nguồn tin. Họ sử dụng những người dân sống ở vùng biên giới thường sang Nga mua bán hay thuê đất với giá rẻ hơn. Những người này bị bắt giữ khi qua cửa khẩu với các lý do buôn lậu hay phạm luật, song thường được đề nghị hợp tác để có thể tiếp tục chở hàng về với số lượng không giới hạn.
Một phương pháp tình báo khác là chiêu dụ người dân Litva theo dõi trang thiết bị tại vùng biên giới. Thế nhưng, quan trọng hơn cả là tình báo Nga tìm kiếm những người có bất kỳ mối quan hệ nào với các cơ quan tư pháp.
Với cơ quan phản gián của Nga, dường như lực lượng « điệp viên» này chưa đủ. Kremlin vừa cử rất nhiều cán bộ đáng tin cậy đến Kaliningrad, mà gần đây nhất là Evgueni Zinitchev, từng là vệ sĩ thân cận của Putin và là thiếu tướng của FSB, vào vị trí thống đốc (tạm quyền) của vùng đất này.
Giới chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về sự thay đổi trên. Một số người cho rằng tổng thống Putin muốn NATO và Liên Hiệp Châu Âu thấy rằng Nga đang tăng cường tầm quan trọng chiến lược của Kaliningrad để đáp trả việc NATO tăng cường hoạt động tại Ba Lan và các nước Baltic. Trong khi đó, một số khác lại cho rằng chiến lược trên nhằm phục vụ cuộc bầu cử tổng thống Nga vào năm 2018.
Việc bổ nhiệm một quan chức của FSB vào vị trí thống đốc khẳng định tầm ảnh hưởng của nhóm Siloviki (nhằm chỉ những chính khách xuất thân từ các cơ quan an ninh quốc gia hay từ quân đội). Mong muốn có những người đáng tin cậy ở Kaliningrad còn cho thấy tầm quan trọng của vùng đất này với Kremlin. Qua đó, Matxcơva tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các cơ quan tình báo.
Các nước Baltic lo ngại tình báo Nga
Việc FSB liên tục tăng cường hoạt động tại Kaliningrad đã khiến Ba Lan và các nước vùng Baltic lo ngại. Ba Lan là nước đầu tiên tiến hành nhiều biện pháp cụ thể. Vào tháng 7/2016, để chuẩn bị cho chuyến thăm của Giáo Hoàng Phanxicô và thượng đỉnh NATO, Ba Lan đã tạm ngừng quyền tự do đi lại ở vùng biên giới với Kaliningrad và Ukraina. Một tháng sau, Vacxava chỉ mở lại cửa biên giới với Ukraina. Nhật báo Gazeta Wyborcza cho rằng chính quyết định không mở lại cửa biên giới với Kaliningrad đã khiến Matxcơva bổ nhiệm một sĩ quan FSB làm thống đốc mới.
Vài chục nghìn quân nhân Nga hiện đang được huấn luyện tại vùng đất nằm giữa khối NATO chỉ có 400.000 dân và có 225 km biên giới với Litva. Các giàn tên lửa địa đối địa được lắp tại đây. Mỗi hành động từ phía Nga khiến NATO, đặc biệt là các nước Baltic, phải chú ý nhiều hơn. Vì trong trường hợp xảy ra chiến tranh, lực lượng quân sự Nga tại Kaliningrad sẽ cản trở quân NATO đổ bộ để bảo vệ khu vực.
Theo nguồn tin của nhật báo Veidas, doanh nhân Litva tại Kaliningrad thường xuyên bị FSB quấy rối. Ngoài ra, mọi lời bình luận tích cực về Litva, một nước anh em của Nga, cũng bị xóa khỏi đời sống thường nhật ở Kaliningrad ; thường chỉ có ý kiến tiêu cực, trong khi đó có đến 10.000 người Litva sống tại vùng đất này của Nga.
Tháng 6/2016, trang chủ của quân đội Litva bị tin tặc đánh cắp và tung tin rằng cuộc tập trận quy mô nhất từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh diễn ra tại các nước vùng Baltic và Ba Lan là bằng chứng cho thấy Vilnius đang chuẩn bị sáp nhập vùng đất Kaliningrad của Nga vào lãnh thổ Litva.

Mỹ: Tầng lớp trung lưu bị đe dọa nhất

Tuần báo L’Obs đăng bài phỏng vấn với ông Angus Deaton, giải Nobel về kinh tế trong số 2707 (22-28/09). Nhà kinh tế tự do ôn hòa tố cáo một mối nguy hiểm đang trỗi dậy tại Mỹ, đó là quyền lực chính trị đang bị các nhà giầu nhất đất nước, trong đó có giới ngân hàng, thâu tóm.
Bỏ phiếu cho nhà tỉ phú Donald Trump, chính là quyết định bỏ phiếu chống lại thành phần tinh hoa của đất nước vì theo cử tri, những người này ních chặt túi nhờ vào công sức của người dân. Những chính trị gia ủng hộ nhập cư, quá trình toàn cầu hóa mà không nghĩ đến công dân nước mình. Donald Trump thì ngược lại, ứng viên đảng Cộng Hòa hứa sẽ chấm dứt mọi hiện tượng này. Phe Dân Chủ tại Mỹ trước đây là những người đại diện cho người lao động và là đồng minh của các nghiệp đoàn, nhưng mọi việc đã thay đổi từ 20-30 năm nay. Vì cần tiền cho chiến dịch tranh cử nên họ trở nên gần gũi hơn với… những người có tiền.
Theo giáo sư kinh tế người Mỹ, tầng lớp trung lưu Mỹ là những người bị đe dọa nhất. Trước hết, lương của họ bị giảm đi trong thời gian gần đây. Tiếp theo, khác với những người làm công việc tay chân, như phục vụ nhà hàng, khó lòng thay thế được, thì công việc của những người thuộc tầng lớp trung lưu có thể thay thế được với quá trình toàn cầu hóa.
«Tôi làm việc nhiều hơn, nhưng kiếm ít tiền hơn»
Trong số những người dân cho rằng nước Mỹ đi xuống, 70% sẽ bỏ phiếu cho Donald Trump. Trả lời phóng viên của L’Obs, một số người thuộc tầng lớp trung lưu Mỹ giải thích tại sao thay đổi quyết định bỏ phiếu. Kelly và Bill Rigoni làm chủ một cửa hàng lưu niệm tại Port Clinton đã bỏ phiếu cho Barack Obama vào năm 2008, nhưng lần này họ quyết định bầu cho Donald Trump, vì «từng tin là Obama sẽ phục hồi được nền kinh tế, nhưng ông ấy đã không làm được».
Mark Kelly, phó giám đốc một nhà máy sản xuất pin, cũng ủng hộ Donald Trump, cho rằng: «Con người sống trong bầu không khí sợ hãi – sợ mất việc, sợ người nhập cư, sợ những người khác…». Trong khi đó, gia đình nhà Barton-Kashmir, nhận định: «Cả hai đảng vẫn lúng túng với những người thuộc tầng lớp trung lưu». Tuy nhiên, họ vẫn giữ một chút hy vọng mong manh vào Giấc mơ Mỹ.

Cuốn sách làm cựu tổng thống Sarkozy sợ hãi

Quay trở lại nước Pháp, đối với cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, người đã quyết định ra tranh cử sơ bộ trong đảng Những Người Cộng Hòa (Les Républicains), tin cựu cố vấn Patrick Buisson ra một cuốn sách về mối quan hệ giữa hai người như một tiếng sấm nổ giữa chiến dịch bầu cử sơ bộ của Đảng.
Sau hơn 4 năm im lặng, ông Patrick Buisson đã lên tiếng. Ông muốn nói lên sự thật, cho công chúng biết những suy nghĩ của ông về cựu tổng thống Sarkozy, kể về những năm tháng ông làm việc tại điện Elysée và đưa ra định nghĩa về «chủ nghĩa Sarkozy».
Cuốn sách dày 500 trang, dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 29/09/2016, chỉ vài ngày trước cuộc tranh luận ở vòng tranh cử sơ bộ của Đảng Những Người Cộng Hòa. Theo bài báo «Cuốn sách gây lo sợ» đăng trên Le Point, dưới ngòi bút của Patrick Buisson, người từng trao huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh cho ông năm 2007 dường như là một người thiếu tự tin, một cậu bé tính khí thất thường và hay bị phụ nữ chi phối.

Tin đọc nhanh

(AFP)- Brazil : Đến lượt tổng thống Termer bị điều tra về tham nhũng? Một thẩm phán của Tòa án Tối cao Brazil ngày 23/09/2016 đã cho phép mở điều tra sơ bộ về những lời tố giác đương kim tổng thống Michel Termer cũng có liên can đến vụ tai tiếng hối lộ Petrobras. Điều tra tập vào việc ông Temer bị tố cáo vào năm 2012 có xin chuyển tiền từ công ty Transpetro, một chi nhánh của Petrobras.
(AFP)- Nhập cư : Thủ tướng Đức hội đàm với các nước trong vùng Balkan. Tại Vienna ngày 24/09/2016, thủ tướng Đức Angela Merkel gặp đại diện 10 quốc gia nằm trên « con đường Balkan », tức là những quốc gia đang phải đối đầu với làn sóng tị nạn đổ đến châu Âu. Mục đích cuộc họp nhằm điểm lại tình hình và đề ra những hành động cần thiết tại các vùng biên giới nằm trên « con đường Balkan».
(AFP) Công đảng Anh bị chia rẽ. Ngày 24/09/2016, ông Jeremy Corbyn tái đắc cử chủ tịch Công đảng với số phiếu áp đảo, nhưng đảng đối lập này đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết giữa một bên là các đảng viên cơ sở và bên kia là ban lãnh đạo đảng. Do bị chia rẽ, Công đảng khó mà giành lại được chính quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội kỳ tới vào năm 2020. Corbyn là một nhân vật có xu hướng cực đoan, cho tới nay vẫn giữ nguyên lập trường chống chiến tranh, chống hạt nhân và chống kế hoạch khắc khổ, nhưng đã được bầu làm chủ tịch Công đảng cách đây 1 năm.
(AFP) - Nga và Pakistan lần đầu tiên tập trận chung. Quân đội Pakistan loan báo sẽ khởi động cuộc tập trận đầu tiên với Nga từ ngày 24/09/2016 đến 10/10/2016, trong bối cảnh đang căng thẳng với Ấn Độ sau vụ một căn cứ quân sự của Ấn ở Cachemire bị tấn công. Theo Islamabad, cuộc tập trận này đã được dự kiến từ lâu, Pakistan và Nga đã ký kết hiệp ước hợp tác quân sự vào năm 2014.
(AFP) - Đức Giáo hoàng tiếp thân nhân các nạn nhân khủng bố ở Nice. Sáng ngày 24/09/2016 khoảng 180 người bị thương trong vụ khủng bố Nice, miền nam nước Pháp, và thân nhân các nạn nhân được đức Giáo hoàng Phanxicô tiếp tại tòa thánh Vatican. Trong đoàn có nhiều đại diện liên tôn giáo vùng Alpes-Maritimes gồm đại diện Do Thái giáo, Hồi giáo, Chính thống giáo và Tin Lành.
(AFP) - Trên 160 người tị nạn chết đuối trong vụ chìm tàu ở Ai Cập. Tính đến ngày 24/09/2016 đã có ít nhất 162 người chết trong vụ chiếc tàu chở người tị nạn bị chìm ngoài khơi Ai Cập. Theo những người sống sót, trên tàu có khoảng 450 người, khoảng 100 người có thể còn kẹt lại trong hầm tàu. Hầu hết những người tị nạn được cứu vớt là người Ai Cập.
(AFP)- Syria: Mưa bom tại Aleppo. Ít nhất 25 thường dân bị thiệt mạng tại các khu phố do quân nổi dậy kiểm soát ở Aleppo ngày 24/09/2016, dưới trận mưa bom do quân chính phủ Syria và đồng minh Nga trút xuống liên tiếp từ 5 ngày qua, sau khi thương lượng về hưu chiến giữa Mỹ và Nga lại thất bại. Gần hai triệu người dân không có nước uống vì trạm bơm nước bị đánh bom.
 ( AFP) – Một kỹ sư hàng không Nga bị 7 năm tù vì bán bí mật quân sự cho Trung Quốc.Vladimir Lapyguine, kỹ sư hàng không đã về hưu và là giáo sư khoa Cơ khí trường đại học kỹ thuật nhà nước ở Matxcơva. Bị cáo còn là nhân viên của Tsniimach (Viện nghiên cứu xây dựng cơ khí trung ương), chuyên chế tạo hỏa tiễn, do Cơ quan hàng không Nga Roskosmos quản lý. Báo chí Matxcơva cho biết ông Lapyguine bị cáo buộc đã bán các bí mật quân sự của Nga cho Trung Quốc.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.