Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Thành phố 'thù dai' vì bị Trump quay lưng

Wednesday, November 11, 2020 // ,

 VNExpress

10/11/2020

Năm 2018, Trump từ chối cho đội bóng Eagles của Philadelphia đến thăm Nhà Trắng. Hai năm sau, thành phố này trở thành nơi định đoạt số phận chính trị của ông.

Trưa 7/11, Bob Brady, chủ tịch đảng Dân chủ tại Philadelphia, thành phố lớn nhất bang chiến trường Pennsylvania, liên lạc với Joe Biden qua điện thoại để chia sẻ một "bí mật mở".

Ông báo tin thành phố sắp công bố thêm kết quả kiểm khoảng 3.000 phiếu bầu. Kết quả của lô phiếu này là thông tin rất được các hãng truyền thông lớn mong chờ, bởi họ có thể dựa vào đó để có đủ dữ liệu "xướng tên" người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

James Biden, em của Joe Biden, nhận điện thoại của Brady và thông báo cho anh mình. Biden sau đó nhận thêm 2.431 phiếu bầu trong lô phiếu mới kiểm ở Philadelphia, giúp ông được các hãng truyền thông xác định là người chiến thắng ở Pennsylvania, giành thêm 20 phiếu đại cử tri để vượt mốc 270 và đắc cử tổng thống.

Thành phố thù dai đánh dấu thất bại của Trump

Người ủng hộ Biden ăn mừng ở Philadelphia, Pennsylvania ngày 7/11. Ảnh: AFP.

Philadelphia và các vùng ngoại ô của thành phố đã đặt viên gạch cuối cùng để giúp Biden dựng lại "bức tường xanh", từng bị Donald Trump xô đổ trong cuộc bầu cử năm 2016. Các đảng viên Dân chủ ở Philadelphia muốn đảm bảo rằng mọi người, đặc biệt là Tổng thống Trump, biết điều đó.

Để đặt nền tảng cho cáo buộc về gian lận bầu cử, Trump đã tuyên bố ngay từ cuộc tranh luận tổng thống rằng "có những điều tồi tệ xảy ra ở Philadelphia". Cuối tuần trước, luật sư riêng của Trump Rudolph W. Giuliani đã liệt kê tiền sử tham nhũng trong thành phố khi ông đang cố gắng thách thức kết quả bầu cử.

Trong khi đó, Philadelphia ăn mừng họ đã hất cẳng được lãnh đạo khiến họ tức giận. Khi được hỏi về thời điểm họ bắt đầu ác cảm nặng nề với Tổng thống, nhiều người Philadelphia nhắc đến sự kiện hơn hai năm trước, khi Trump đột ngột từ chối cho đội bóng bầu dục Eagles của thành phố đến thăm Nhà Trắng sau chiến thắng Super Bowl năm 2018. Việc đội vô địch Super Bowl được mời đến thăm Nhà Trắng vốn là truyền thống lâu năm của Mỹ.

Philadelphia có tiếng là thành phố "thù dai". Cảnh tượng người dân ở đây ăn mừng thất bại của Trump trông giống khung cảnh họ đổ xuống đường ăn mừng chiến thắng của Eagles năm 2018. Mối "hận thù" với Trump dường như lấn át niềm hân hoan dành cho Biden.

"Người Philadelphia biết cách đấu tranh cho chính mình. Muốn nghĩ sao thì nghĩ, dân ở đây sống như thế", Rob Cancel, 37 tuổi, nói khi xuống đường ăn mừng bên ngoài trung tâm hội nghị của thành phố hôm 7/11. Anh mặc áo phông đỏ có dòng chữ "những điều tồi tệ xảy ra ở Philadelphia", lặp lại cáo buộc của Trump.

"Chúng tôi bước ra, chúng tôi xuất hiện và cho họ thấy chúng tôi là ai. Chúng tôi là một thành phố với những người dân mạnh mẽ và đầy tự hào", Cancel nói.

Những người khác thì thẳng thừng hơn. "Người Philadelphia đã nói với ông ấy rằng ông bị sa thải. Tuyệt vời!", Stephanie Marsh, 40 tuổi, nói.

Một bức ảnh được chia sẻ rộng rãi cho thấy một người đàn ông cầm tấm biển liệt kê những người "bị đánh bại bởi Philadelphia", bao gồm Vua Anh George III (Philadelphia coi mình là thành phố khai sinh nền độc lập của Mỹ), cựu cầu thủ bóng bầu dục Tom Brady của đội New England Patriots và Trump.

Một bức ảnh khác cho thấy những người ăn mừng giơ biểu ngữ "Trump đã từ chối mời đội Eagles đến Nhà Trắng. Giờ chúng ta đã trả đũa được rồi".

"Philadelphia là thành phố ghi nhớ ân oán rất lâu. Việc Tổng thống nhiều lần nhắm vào chúng tôi là điều mà chúng tôi rất căm ghét và phải đáp trả", nghị sĩ Brendan Boyle, đại diện cho vùng đông bắc Philadelphia và là một trong những thành viên quốc hội đầu tiên hậu thuẫn Biden trong chiến dịch tranh cử, nói. "Donald Trump thật điên rồ khi chĩa mũi dùi vào Philadelphia. Nếu có thành phố nào không ai nên gây sự, thì đó là Philadelphia".

Ngoài niềm thù hận với Trump, Philadelphia từ lâu đã là "thành trì" ủng hộ Biden, người có quan hệ chặt chẽ với thành phố. Ông từng làm thượng nghị sĩ ở bang láng giềng Delaware 36 năm. Trong thời gian đó, ông sống ở ngoại ô Wilmington, Delaware, cách trung tâm thành phố Philadelphia khoảng 45 phút lái xe. Đôi khi ông còn được gọi là "thượng nghị sĩ thứ ba của Pennsylvania".

Vợ ông, Jill Biden, lớn lên ở vùng ngoại ô phía bắc Philadelphia và vẫn giữ giọng địa phương. Hai người đã ủng hộ các đội tuyển thể thao của thành phố và đã có mặt trong khoảnh khắc vinh quang nhất trong lịch sử thể thao của họ - chiến thắng của đội Eagles năm 2018.

Hai trong số các cháu gái của Biden đã sống ở thành phố và theo học Đại học Pennsylvania ở Tây Philadelphia. Đây cũng là trường cũ của Beau, con trai quá cố của ông và con gái Ashley, người tính đến tháng trước vẫn sống tại thành phố.

Sau khi Biden trở thành phó tổng thống dưới thời Obama, trường đại học đã ủng hộ ông rất nhiệt tình. Họ thành lập Trung tâm Ngoại giao và Gắn kết Toàn cầu Biden ở thủ đô Washington. Ông đã được trường đại học trả hàng trăm nghìn USD để làm giáo sư. Một số cố vấn thân cận của ông, bao gồm những người có thể được bổ nhiệm trong chính quyền mới, có mối liên hệ với trung tâm này.

Khi Biden khởi động cuộc đua vào Nhà Trắng, ông đã chọn Philadelphia làm trụ sở chiến dịch. Đây cũng là nơi ông phát biểu để công bố quyết định tranh cử và bắt đầu nỗ lực gây quỹ.

Trong chiến dịch của Biden có một số quan chức quan trọng là người quê ở Philadelphia. Để tăng lượng cử tri đi bầu trong thành phố, đảng Dân chủ nhờ đến các ngôi sao là người địa phương như diễn viên Debra Messing và Kathy Najimy, ca sĩ John Legend. Cựu tổng thống Barack Obama cũng đến vận động tại thành phố.

5 ngày trước Ngày Bầu cử, Biden tham gia một cuộc họp trực tuyến với các đảng viên Dân chủ ở Philadelphia. "Philadelphia là nơi tôi đặt nền móng cho mọi thứ", ông nói. "Đây là nơi tôi đã huy động tài trợ khi còn là thượng nghị sĩ. Đây là nơi tôi nhận được sự ủng hộ, là nơi tôi được giúp đỡ".

Phương Vũ (Theo NYTimes)

Những thành - bại ghi dấu nhiệm kỳ của Trump

 VNExpress

10/11/2020

Khi nhận đề cử tổng thống đảng Cộng hòa năm 2016, Donald Trump tuyên bố "một mình" ông có thể giải quyết những vấn đề sâu sắc nhất của Mỹ.

Sau 4 năm Trump điều hành đất nước, nhiều người dân Mỹ dường như không còn tin tưởng vào tuyên bố "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông. Với chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng được trao cho ứng viên Dân chủ Joe Biden, thời đại của Trump sắp kết thúc sau một nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, bất chấp những tranh cãi xung quanh Trump, với nhiều ý kiến cho rằng ông là tổng thống gây chia rẽ nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại, đông đảo người ủng hộ vẫn trung thành với ông và quyết tin tưởng đến cùng. Trên thực tế, Trump đã để lại một số di sản đáng kể trong khoảng thời gian cầm quyền.

Đầu tiên là vấn đề cải cách thuế. Thành tựu lập pháp được đánh giá nổi bật nhất của Trump là Đạo luật Việc làm và Cắt giảm Thuế do phe Cộng hòa đề xuất, tạo ra những thay đổi sâu rộng đối với lĩnh vực thuế. Theo bình luận viên Joseph Zeballos-Roig của Business Insider, đạo luật này là cuộc đại tu lớn nhất trong ngành thuế suốt ba thập kỷ, được Trump coi là "nhiên liệu tên lửa" cho nền kinh tế Mỹ.

Đạo luật giúp cắt giảm vĩnh viễn thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 21%, đồng thời cung cấp lợi ích tạm thời cho các cá nhân và gia đình họ. Giới phê bình lập luận rằng các tập đoàn lớn sẽ hưởng lợi và tầng lớp trung lưu bị tổn hại vì đạo luật. Tuy nhiên, những người ủng hộ giảm thuế lại cho rằng điều này mở ra sự thịnh vượng cho nền kinh tế, bởi các doanh nghiệp sẽ đầu tư vào hoạt động của họ, dẫn đến năng suất lao động cải thiện và mức lương cao hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc vận động ở Fayetteville, bang Bắc Carolina, hôm 2/11. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc vận động ở Fayetteville, bang Bắc Carolina, hôm 2/11. Ảnh: AFP.

Tác động lâu dài nhất của Trump với đất nước có lẽ là việc tái định hình hệ thống tư pháp liên bang. Ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Trump giúp đưa thành công thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao Mỹ, khiến bà trở thành thẩm phán thứ ba trong cơ quan này do Trump đề cử, chức vụ có nhiệm kỳ trọn đời. Việc Barrett được phê chuẩn giúp đảng Cộng hòa nới rộng thêm cán cân bảo thủ tại Tòa án Tối cao so với phe Dân chủ, với số thẩm phán được tổng thống hai bên đề cử lần lượt là 6 và 3.

Theo phân tích của Washington Post, tính đến tháng 12/2019, những người do Trump đề cử chiếm khoảng 25% thẩm phán tại tất cả tòa án khu vực của Mỹ. Ông đã bổ nhiệm 53 thẩm phán tại 13 tòa án khu vực, trong khi suốt hai nhiệm kỳ cựu tổng thống Barack Obama mới bổ nhiệm 55 thẩm phán.

Các tòa án có tiếng nói cuối cùng trong nền chính trị Mỹ, với những phán quyết có thể định hình đất nước trong nhiều năm. Ngay cả khi Trump chỉ phục vụ một nhiệm kỳ, số lượng lớn thẩm phán bảo thủ mà ông phân bổ được cho là sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến phương hướng của Mỹ.

Vấn đề cải cách hệ thống tư pháp hình sự cũng đạt tiến bộ dưới thời Trump, nhờ Đạo luật Bước Đầu tiên được Tổng thống ký thông qua hồi tháng 12/2018, đồng thời nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ lưỡng đảng.

Theo bình luận viên Michelle Mark của Business Insider, đạo luật đánh dấu chiến thắng pháp lý quan trọng đầu tiên trong nhiều thập kỷ để giải quyết tình trạng giam giữ trên diện rộng ở cấp liên bang, dù bị đánh giá chỉ tạo ra những thay đổi khiêm tốn đối với hệ thống nhà tù.

Đạo luật giúp sửa đổi một số điều luật liên bang nhất định trong việc kết tội, giảm mức án tối thiểu bắt buộc đối với các tội liên quan đến ma túy, đồng thời mở rộng các chương trình phóng thích sớm.

Bên cạnh đó, đạo luật hướng đến giảm tình trạng tái phạm, bằng cách cung cấp thêm nhiều cơ hội tái hòa nhập cộng đồng và đào tạo nghề. Đạo luật còn bao gồm các điều khoản nhằm đối xử nhân đạo với tù nhân, như cấm còng tù nhân mang thai, ngừng sử dụng biện pháp biệt giam với hầu hết tù nhân vị thành niên, bắt buộc sắp xếp sao cho các tù nhân bị giam tại cơ sở nằm trong phạm vi 800 km quanh nơi ở của gia đình họ.

Một thành tựu nổi bật khác của Trump là thành lập Quân chủng Vũ trụ. Đây là quân chủng thứ 6 của các lực lượng vũ trang Mỹ, đồng thời là quân chủng đầu tiên được thành lập kể từ năm 1947, có nhiệm vụ bảo vệ tài sản của quân đội Mỹ trong không gian.

"Đây không phải trò cười, mà là nhiệm vụ quan trọng với quốc gia", Tướng John Raymond, chỉ huy quân chủng mới của Mỹ, cho biết. "Chúng tôi đang nâng cao vai trò của không gian, sao cho tương xứng với tầm quan trọng của nó đối với an ninh quốc gia Mỹ, cũng như các đồng minh và đối tác".

Một trong những sự kiện đáng nhớ nhất nhiệm kỳ của Trump là vụ đột kích vào tháng 10/2019 giúp tiêu diệt thủ lĩnh nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi, tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới tính đến thời điểm đó, giáng một đòn mạnh vào IS.

"Đêm qua, Mỹ đã thực thi công lý đối với thủ lĩnh khủng bố số một thế giới. Abu Bakr al-Baghdadi đã chết. Việc bắt hoặc giết hắn ta là ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu đối với chính quyền của tôi", Trump phát biểu sau vụ đột kích.

Cái chết của Baghdadi khiến IS, nhóm phiến quân vốn đang lục đục nội bộ, rơi vào thế "rắn mất đầu". "Đây là đòn giáng mạnh vào sự gắn kết và tương lai của IS, dù ở mức độ nào đó, chiến lược và mối liên kết về ý thức hệ của IS vẫn in đậm dấu ấn lãnh đạo của Baghdadi", Edmund Fitton-Brown, điều phối viên nhóm giám sát IS và các nhóm khủng bố khác của Liên Hợp Quốc, nhận định.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, không thể phủ nhận nhiệm kỳ của Trump còn nhiều thiếu sót, đầu tiên là tác động tới hình ảnh nước Mỹ trên thế giới. Theo kết quả thăm dò tại 13 quốc gia của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố hôm 14/9, quan điểm tích cực toàn cầu về Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ, với chỉ 34%, trong khi tỷ lệ tín nhiệm dành cho Trump vỏn vẹn 16%.

Trump nhiều lần chỉ trích các đồng minh truyền thống của Mỹ, trong khi có xu hướng "chìa tay" với những đối thủ trước đây, đặc biệt là Triều Tiên. Ông còn rút Washington khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế quan trọng như hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Dưới thời Trump, Mỹ dần rơi vào thế cô lập. Covid-19 càng khiến vị trí của họ trên trường quốc tế lung lay, tạo khoảng trống trong vai trò lãnh đạo toàn cầu mà Trung Quốc được cho là đang vội vã lấp đầy.

Cũng trong vấn đề đối ngoại, quyết định đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Trump vào tháng 5/2018 đã gây hỗn loạn khắp Trung Đông. Đây bị coi là một trong những quyết định gây phản ứng dữ dội nhất của Tổng thống Mỹ, bị các đồng minh hàng đầu lên án. Thỏa thuận này có tên Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), được Iran ký với 6 cường quốc vào năm 2015, thành quả của 15 năm đàm phán ngoại giao, giúp hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran.

Trump cho rằng JCPOA không đủ để ngăn Iran phát triển hạt nhân, đồng thời áp đặt nhiều lệnh trừng phạt với nước này trong chiến dịch gây áp lực tối đa, nhằm buộc Tehran đồng ý những điều khoản nghiêm ngặt hơn. Sau một loạt sự cố ở vịnh Ba Tư năm ngoái, căng thẳng giữa Washington và Tehran bị đẩy lên dữ dội đến mức gây lo ngại về nguy cơ chiến tranh. Tình hình thậm chí tồi tệ hơn sau khi Trump ra lệnh ám sát Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Quyết định rút quân đội Mỹ khỏi miền bắc Syria vào tháng 10/2019 cũng là một trong những động thái tại Trung Đông hứng nhiều chỉ trích của Trump. Đây bị coi là "cú đâm sau lưng" lực lượng người Kurd đồng hành cùng Mỹ trong cuộc chiến chống IS, bởi tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự nhắm vào họ.

Việc Mỹ rút quân đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, đồng thời tạo khoảng trống an ninh mà Nga, Iran cùng Tổng thống Syria Bashar al-Assad đều được hưởng lợi.

Một điểm nhấn khác của Trump là cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ bước vào cuộc chiến hồi năm 2018 với mục tiêu sửa chữa tình trạng mà ông cho là mối quan hệ thương mại không công bằng giữa Washington và Bắc Kinh. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau đó không ngừng tung ra những đòn thuế "ăn miếng trả miếng" và chỉ dừng lại với thỏa thuận thương mại giai đoạn một ký ngày 15/1.

Trump đánh giá thỏa thuận này "tốt hơn nhiều" so với ông kỳ vọng, khi Trung Quốc đồng ý mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong hai năm tới, đồng thời đảm bảo vấn đề sở hữu trí tuệ cho công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định Bắc Kinh khó có thể làm tròn cam kết, trong khi nhiều vấn đề nan giải khác chưa được đề cập trong thỏa thuận.

Trước thềm bầu cử, Trump cũng không có nhiều căn cứ để ca ngợi về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ông từng hứa cắt giảm thâm hụt thương mại Mỹ, nhưng thay vào đó, nó chạm mức cao kỷ lục trong nhiều năm. Ngay từ trước khi Covid-19 bùng phát, chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu của Mỹ vẫn cao hơn so với trước khi Trump nhậm chức.

"Điểm mấu chốt là các đòn thuế đã gây ra nhiều thiệt hại đi kèm đối với Mỹ, trong khi không đạt được những mục tiêu đã định", William Reinsch, chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), người giữ chức chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Quốc gia Mỹ trong 15 năm, nhận xét.

Chính sách nhập cư, trọng tâm chiến dịch tranh cử năm 2016 của Trump, là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất tại Mỹ 4 năm qua. Tổng thống tiến hành các biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế tình trạng nhập cư trái phép, nhưng bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và luật quốc tế do Liên Hợp Quốc quy định.

Chính sách "không khoan nhượng" của chính quyền Trump đối với những vụ vượt biên trái phép đã khiến ít nhất 5.500 gia đình bị chia cắt, do trẻ em không thể đi cùng cha mẹ tới cơ sở giam tội phạm. Dưới áp lực nặng nề, Trump hồi tháng 6/2018 đã ký sắc lệnh nhằm chấm dứt tình trạng này. Tuy nhiên, các luật sư cho biết họ vẫn chật vật tìm cha mẹ cho 545 đứa trẻ phải xa gia đình ở biên giới Mỹ - Mexico.

Ngoài nhập cư, vấn đề chủng tộc cũng bao trùm nhiệm kỳ của Trump. Một trong những phát ngôn gây tranh cãi nhất của ông là phản ứng với vụ bạo lực của phe cực hữu da trắng ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, hồi năm 2017.

Khi đó, ông chủ Nhà Trắng hứng chỉ trích kịch liệt vì đổ lỗi cho "nhiều bên" trong vụ bạo lực, đồng thời nói rằng "đều có những người rất tốt ở cả hai phía", giữa lúc những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và đám đông phản đối họ xung đột dữ dội.

Ngay cả Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, một trong những đồng minh bảo vệ Trump quyết liệt nhất tại quốc hội, cũng chỉ trích bình luận của Tổng thống "chia rẽ người Mỹ, thay vì hàn gắn họ".

Bước sang năm bầu cử, vấn đề chủng tộc một lần nữa dấy lên với phong trào biểu tình Mạng người da màu quan trọng, sau khi George Floyd, người đàn ông da màu ở thành phố Minneapolis, bị cảnh sát da trắng ghì đầu gối lên gáy dẫn đến tử vong.

Cách xử lý khủng hoảng của Trump lần này vẫn không khá hơn, khi ông không ngừng lên án tình trạng bạo loạn trong các cuộc biểu tình và ủng hộ lực lượng an ninh trấn áp bất ổn. Trong những bài đăng trên Twitter, Trump bị đánh giá sử dụng ngôn ngữ bạo lực, thậm chí dường như tỏ ý muốn những người ủng hộ ông tổ chức biểu tình đối đầu với đám đông chống phân biệt chủng tộc.

Theo khảo sát của Gallup, tỷ lệ tín nhiệm của Trump trong cộng đồng người Mỹ da màu chỉ có 8%,

Covid-19 phủ bóng chặng nước rút bầu cử tổng thống Mỹ
 
 

Trump - Biden đấu nhau trên 'chiến trường' Covid-19. Video: Reuters.

Thất bại nặng nề nhất, được cho là lý do chính khiến Trump không thể tái đắc cử, là cách ông xử lý đại dịch Covid-19. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 10,3 triệu ca nhiễm, hơn 244.000 người chết. Số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ nhiều hơn cả tổng số binh sĩ nước này thiệt mạng trong mọi cuộc chiến kể từ sau năm 1945.

Trump nhiều lần hạ thấp mối đe dọa từ virus và đi ngược khuyến cáo của các chuyên gia y tế cộng đồng, đồng thời từ chối nhận trách nhiệm vì tình hình dịch bệnh nghiêm trọng tại Mỹ và đổ lỗi cho Trung Quốc. Ông còn chế giễu đối thủ Biden vì thường xuyên đeo khẩu trang. Hồi đầu tháng 10, Trump nhiễm nCoV và nhanh chóng bình phục. Tuy nhiên, hơn 10 người có mối liên hệ với ông cũng dương tính với virus.

Cuộc khủng hoảng y tế kéo theo hệ lụy về kinh tế, vấn đề trước đây được cho là thế mạnh lớn nhất của Trump. Những lệnh phong tỏa và biện pháp hạn chế khiến hàng chục triệu người mất việc làm, kinh tế lao dốc. Dù đã phục hồi một phần, Mỹ được cho là còn chật vật bởi làn sóng Covid-19 tiếp theo đang trỗi dậy mạnh mẽ, với số ca nhiễm mới liên tiếp chạm kỷ lục.

Trong khi đó các khoản trợ cấp thất nghiệp của chính phủ đã hết hạn. Nợ quốc gia của Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ Thế chiến II, mức tăng trưởng kinh tế trung bình trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump được ước tính chỉ trên 0% do cuộc suy thoái, theo Washington Post.

Trước ngày bầu cử, Trump vẫn chưa thể thông qua gói kích cầu thứ hai nhằm đối phó Covid-19 do quốc hội chưa đạt đồng thuận, giữa lúc người dân khắp nước Mỹ vật lộn để trang trải tiền thuê nhà và hóa đơn.

Ánh Ngọc (Theo Business Insider)

5 mặt trận pháp lý bầu cử Trump khởi xướng

 VNExpress

11/11/2020

 Trump đang thúc đẩy các thách thức pháp lý nhằm tìm kiếm cơ hội mong manh thay đổi kết quả bầu cử năm nay khi phần thắng hiện thuộc về đối thủ Biden.

Truyền thông Mỹ hôm 7/11 xướng tên ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden là tổng thống đắc cử khi ông giành được hơn 270 phiếu đại cử tri cần thiết để tuyên bố chiến thắng.

Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 5/11. Ảnh: AP.

Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 5/11. Ảnh: AP.

Nhưng chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã đệ hơn 10 đơn kiện tại 5 bang kể từ ngày bầu cử đến nay nhằm đảo ngược kết quả trên. Trong một tuyên bố đưa ra sau khi truyền thông Mỹ công bố kết quả, Trump cho hay chiến dịch của ông "sẽ bắt đầu khởi kiện tại tòa án để đảm bảo luật bầu cử được tuân thủ đầy đủ và người chiến thắng hợp pháp được xác định".

Trump liên tục cáo buộc rằng hành vi gian lận đã làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử và đội ngũ của ông đã đưa ra các thách thức pháp lý tại 5 bang chiến trường, gồm Pennsylvania, Michigan, Nevada, Georgia, và Arizona. Chiến dịch cũng cho biết họ sẽ yêu cầu kiểm lại phiếu ở Wisconsin với lý do "có bất thường" tại một số hạt.

Nhiều thành viên cấp cao đảng Cộng hòa đang tiếp tục công khai ủng hộ chiến dịch pháp lý của Tổng thống. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell ngày 9/11 khẳng định Trump "có 100% quyền điều tra các cáo buộc bất thường" mà không trích dẫn bất chứng nào.

Dưới đây là thực tế các vụ kiện được trình lên tại từng bang.

Tại Pennsylvania, chiến dịch tranh cử của Trump đã nộp nhiều đơn kiện kể từ ngày bầu cử 3/11. Philadelphia đã cho thấy nơi này là một thành phần quan trọng trong cuộc chiến của Trump nhằm chứng minh cuộc bầu cử đã "bị đánh cắp" khỏi ông.

Như dự kiến, nhiều cử tri Cộng hòa đã trực tiếp đi bỏ phiếu vào ngày 3/11 trong khi các cử tri Dân chủ đa phần chọn cách bỏ phiếu qua thư. Pennsylvania kiểm phiếu được bỏ trực tiếp vào ngày bầu cử trước và phiếu bầu qua thư chỉ được đếm bắt đầu từ ngày 4/11, thể theo quy định bầu cử của bang. Vậy nên, các cuộc kiểm phiếu sớm trong ngày bầu cử cho thấy Trump dẫn trước.

Đến khi các lá phiếu gửi qua thư được kiểm và cộng vào kết quả chung ở những ngày sau, khoảng cách dẫn trước của Trump ngày càng bị thu hẹp và tới 7/11, Biden cuối cùng cũng vươn lên dẫn trước với cách biệt đủ để tuyên bố ông là người chiến thắng.

Dù việc mất vài ngày mới hoàn thành kiểm phiếu là hoàn toàn bình thường, chiến dịch của Trump lại cho rằng kết quả thay đổi từ thế Trump thắng sang Biden dẫn trước là do gian lận.

Họ đã đệ đơn kiện yêu cầu giới chức bầu cử Philadelphia dừng việc kiểm phiếu, song yêu cầu này nhanh chóng bị một thẩm phán liên bang bác bỏ. Đội ngũ của Trump cũng đệ trình các tài liệu yêu cầu Tổng thư ký bang Kathy Boockvar cùng tất cả 67 hạt của bang đặt ra một ngày sớm hơn để các cử tri xuất trình bằng chứng nhận dạng nếu nó không có trong lá phiếu ban đầu của họ. Trong lúc các cuộc tranh tụng tiếp diễn, tòa án đã ra lệnh tất cả các hạt phải để riêng phiếu bầu nếu không nhận được giấy từ tùy thân của cử tri trước ngày 9/11.

Ngoài ra, đội ngũ của Trump còn nộp một đơn kiện lên tòa án bang Pennsylvania, nói rằng các quan sát viên của họ không được phép đến đủ gần để theo dõi quá trình kiểm phiếu ở Philadelphia. Họ khăng khăng rằng các quan sát viên cần quyền tiếp cận "có ý nghĩa" đến nhiều địa điểm khác nhau, cũng như quyền xem xét những lá phiếu đã được xử lý.

Tòa án ra phán quyết rằng các quan sát viên chiến dịch tranh cử của Trump có thể đến gần hơn để theo dõi quá trình xử lý lá phiếu, điều mà Trump ca ngợi là "chiến thắng pháp lý lớn" hôm 6/11.

Trump đạt được một chiến thắng pháp lý khác vào ngày 6/11 khi Thẩm phán Tòa án Tối cao Samuel Alito chấp thuận yêu cầu từ đảng Cộng hòa để đảm bảo rằng giới chức bầu cử hạt ở Pennsylvania tách biệt những lá phiếu gửi qua thư nhận được sau ngày bầu cử. Tuy nhiên, Alito không ra lệnh cho các quan chức bầu cử dừng kiểm phiếu.

Chiến dịch của Trump trước đó tham gia vào một vụ kiện trước Tòa án Tối cao liên quan đến câu hỏi liệu có nên tính các lá phiếu được nhận sau ngày bầu cử. Tòa án tối cao Pennsylvania đã ra phán quyết rằng những phiếu qua thư đến ba ngày sau ngày bầu cử vẫn được tính.

Ngày 9/11, đội ngũ pháp lý của Trump lại thông báo họ tiếp tục nộp một đơn kiện mới ở Pennsylvania chống lại Tổng thư ký bang Kathy Boockvar nhằm xin lệnh khẩn cấp ngăn các quan chức bang chứng nhận chiến thắng cho tổng thống đắc cử Joe Biden tại Pennsylvania.

Chiến dịch nói rằng một quá trình bầu cử không công bằng, ở đó hệ thống bỏ phiếu qua thư "thiếu tất cả những chỉ dấu về tính minh bạch và khả năng xác minh vốn có ở hệ thống bỏ phiếu trực tiếp", là mối lo chính của họ. Vụ kiện đang tiếp diễn.

Tại Michigan, đội ngũ của Trump đã cố gắng nhấn vào khác biệt trong cách thức lá phiếu được kiểm trên toàn bang.

Chiến dịch nộp một đơn kiện yêu cầu ngừng kiểm phiếu trên toàn bang với lý do rằng các quan chức của họ không được tiếp cận phù hợp để quan sát toàn bộ quy trình.

Trump và đội ngũ của ông một lần nữa lập luận rằng họ muốn quyền tiếp cận "có ý nghĩa" để có thể quan sát quy trình kiểm phiếu qua thư. Theo hãng thông tấn AP, đơn kiện tuyên bố "Tổng thư ký bang Jocelyn Benson, một đảng viên Dân chủ, đang cho phép đếm phiếu vắng mặt mà không có các nhóm quan sát viên lưỡng đảng cũng như những người thách thức".

Vụ kiện bị thẩm phán Cynthia Stephens bác bỏ hồi tuần trước. Đội ngũ pháp lý của Trump đã cố gắng kháng cáo nhưng không cung cấp được những tài liệu cần thiết trước tòa.

Chiến dịch hôm 10/11 cho biết họ sẽ nộp đơn kiện mới nhằm ngăn Michigan xác nhận chiến thắng của Biden cho đến khi bang này có thể xác minh mọi lá phiếu đều được bỏ một cách hợp pháp.

Tại Nevada, bang mà Biden dẫn trước với cách biệt sít sao, Trump và đội ngũ của ông đã nộp hai đơn kiện. Chiến dịch muốn thách thức cả quá trình giám sát kiểm đếm phiếu lẫn tính hợp pháp của các máy xác minh chữ ký được sử dụng ở hạt Clark.

Trước ngày bầu cử, chiến dịch của Trump, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa và nguyên đơn Fred Krause đã nộp đơn kiện tại hạt Clark nhằm tìm cách ngăn quá trình kiểm đếm phiếu cho đến khi họ có thể giám sát chặt chẽ quy trình. Họ tuyên bố rằng hạt Clark chưa có kế hoạch rõ ràng nhằm đảm bảo một quy trình giám sát có ý nghĩa.

Một thẩm phán quận bác bỏ đơn kiện, ra phát quyết rằng lập luận trên thiếu bằng chứng hỗ trợ. Các nguyên đơn đã kháng cáo phán quyết và vào ngày 5/11, Tòa án Tối cao Mỹ cho biết hai bên đã đạt được thỏa thuận.

Cuối tuần trước, chiến dịch của Trump cũng nộp đơn kiện yêu cầu áp lệnh cấm đối với những máy xác minh chữ ký được dùng tại hạt Clark, tuyên bố rằng hơn 3.000 cử tri không đủ điều kiện đã bỏ phiếu thành công. Một thẩm phán liên bang bác bỏ yêu cầu vào ngày 6/11 với phán quyết rằng không có bằng chứng cho thấy hạt Clark đang có những hành vi không đúng đắn.

Tại Georgia, đội ngũ pháp lý của Trump cũng nộp đơn kiện nhằm loại bỏ khoảng 53 lá phiếu. Yêu cầu này dựa trên các cáo buộc từ một người theo dõi hòm phiếu ở hạt Chatham, nói rằng họ đã thấy những lá phiếu đến muộn sau thời hạn trong ngày bầu cử được trộn lẫn với các lá phiếu đến đúng hạn.

Một thẩm phán Tòa Thượng thẩm bác bỏ đơn kiện vào ngày 5/11 sau khi xác định rằng không có bằng chứng cho thấy những lá phiếu được nhắc tới đã đến muộn.

Tại Arizona hôm 7/11, chiến dịch của Trump và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đã đệ đơn kiện tuyên bố rằng có những lá phiếu từ cử trị bị từ chối một cách sai trái, khiến Trump mất đi "hàng nghìn" phiếu bầu.

Sau phiên xử đầu tiên ngày 9/11, có vẻ như 180 phiếu bầu đã bị ảnh hưởng.

Vụ kiện đang tiếp tục diễn ra và phiên xử tiếp theo dự kiến vào ngày 12/11. Đội ngũ pháp lý của Trump sẽ đưa ra bằng chứng chứng minh cho tuyên bố.

Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera)

Trump - 'ông vua không người kế vị' của đảng Cộng hòa

 VNExpress

12/11/2020

Bầu cử năm 2020 có kết thúc với các lãnh đạo đảng Cộng hòa giống cách bầu cử năm 2016 bắt đầu: Dù họ muốn quên đi Trump, ông và cả cử tri sẽ không để họ làm vậy.

Sau khi để mất Nhà Trắng vào tay Joe Biden, thua về số phiếu phổ thông trong 7 cuộc bầu cử kể từ năm 1980, thất bại ở Arizona và có thể cả ở Georgia, những nơi việc thua cuộc từng là không thể tưởng tượng nổi, đảng Cộng hòa đang chật vật vạch ra họ sẽ làm gì tiếp theo khi di sản Trump để lại có thể chi phối đảng trong nhiều năm.

Tổng thống Trump tại Bắc Carolina ngày 21/10. Ảnh: AFP.

Tổng thống Trump tại Bắc Carolina ngày 21/10. Ảnh: AFP.

Dù thất bại, đảng Cộng hòa đã nhìn thấy những dấu hiệu rõ ràng về sức mạnh lâu dài của chủ nghĩa dân túy kiểu Trump. Vào thời điểm Biden phát biểu chiến thắng hôm 7/11, Trump nhận được hơn 7,4 triệu phiếu bầu, nhiều hơn so với năm 2016, trong đó hơn một triệu phiếu chỉ tính riêng tại bang chiến trường Florida. Dù đảng Dân chủ nhiều khả năng vẫn giữ thế đa số ở hạ viện, lượng ghế đảng Cộng hòa giành được ở hạ viện đã gia tăng sau khi một số nghị sĩ chiến thắng ở các hạt chiến trường tại Iowa và New York bằng cách học theo phong cách quyết liệt của Trump, miêu tả đối thủ là những "người cực tả cuồng loạn".

Không ai nghĩ rằng ảnh hưởng của Trump sẽ lặng lẽ phai nhạt. Khi ông thúc đẩy cáo buộc về gian lận bầu cử, ít người trong đảng phản đối tuyên bố này. Một số người đã thảo luận riêng tư về khả năng ông sẽ không nhận thua. Điều đó đặt họ vào tình thế khó xử khi phải lựa chọn có nên bảo vệ ông cho đến khi Biden nhậm chức sau 2,5 tháng nữa hay không.

Tại các văn phòng Thượng viện, các tổ chức tư vấn và những cuộc thảo luận trực tuyến, họ đang hối hả thảo luận về tương lai đảng.

"Ông ấy giống như ông vua không có người kế vị", Oren Cass, giám đốc điều hành của American Compass, nhóm tổ chức thảo luận trực tuyến giữa nghị sĩ và các chuyên gia chính sách, nói.

Thất bại của Trump làm dấy lên hai luồng ý kiến đối chọi trong đảng. Một bên là những người theo đường lối truyền thống cho rằng "triều đại" của Trump rồi sẽ qua và "chúng ta có thể quay lại với những gì chúng ta đã làm trước đây". Bên còn lại cho rằng nên kế tục những di sản của ông, khi Tổng thống "đã chú ý đến một số vấn đề và thu hút được những cử tri mà chắc chắn phe trung hữu không để ý đến".

Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói rằng việc Trump vẫn giành được lượng phiếu bầu rất cao cho thấy họ không thể chối bỏ chính trị kiểu Trump. "Người ta đã dự đoán rằng Trump và đảng Cộng hòa sẽ thất bại ê chề. Trong khi đó, đảng Cộng hòa có thể vẫn giữ thế đa số ở Thượng viện và giành được thêm 10 ghế trong Hạ viện", ông nói.

Việc Trump giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri gốc Latinh ở Florida (47%) và Texas ( 40%) cho thấy cách đảng này có thể tập trung mở rộng "nền tảng ủng hộ đa sắc tộc, thuộc tầng lớp lao động" vốn không phải lúc nào cũng được phân định rõ ràng thành thiên tả hay thiên hữu.

Đảng Cộng hòa sẽ đối mặt một số thách thức. Họ cần lấy lòng nhiều cử tri da màu hơn. Họ cũng cần chứng minh rằng đảng Cộng hòa là đảng của những người Mỹ đang gặp khó khăn về kinh tế. Nhiều người trong số này đã bị thu hút bởi thông điệp của Trump, chứ không chỉ là chính sách của đảng về cắt giảm thuế và dỡ bỏ các quy định của chính phủ.

Thượng nghị sĩ Josh Hawley cho rằng để thúc đẩy hình ảnh "hướng về người lao động", các nghị sĩ Cộng hòa cần phải thay đổi việc họ thường kiềm chế chi tiêu dưới thời có tổng thống thuộc đảng Dân chủ.

Giống như Rubio, Hawley nhấn mạnh cần thông qua gói cứu trợ Covid-19 thứ hai - quan điểm trái ngược với nhiều đảng viên Cộng hòa khác đã bày tỏ lo ngại về thâm hụt ngày càng tăng. Một số người bảo thủ còn đề xuất thu hút thêm người ủng hộ bằng cách đưa ra những ý tưởng vốn thường liên quan đến đảng Dân chủ, như nghỉ phép có lương.

Yuval Levin, học giả của Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói rằng đảng Cộng hòa sẽ không khôn ngoan nếu từ bỏ thông điệp hướng về tầng lớp trung lưu trong chương trình nghị sự của Trump khi ông vận động năm 2016.

Những người bảo thủ khác nhận định đảng Cộng hòa phải chấp nhận việc Trump đã định hình lại nền tảng ủng hộ của đảng, rời xa những người giàu có, học vấn cao ở vùng ngoại ô và họ không nên ám ảnh về việc giành lại những cử tri đó.

Cách đây 25 năm, cử tri đảng Cộng hòa có trình độ đại học nhiều hơn đảng Dân chủ. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, hiện giờ tình thế đã đảo lộn khi người tốt nghiệp đại học chiếm 41% cử tri đảng Dân chủ, so với 30% của đảng Cộng hòa.

"Nhìn chung, chúng tôi không còn là đảng của những người da trắng có trình độ đại học nữa. Đó từng là bộ phận cử tri ủng hộ Ronald Reagan, giờ điều đó không còn tồn tại nữa", Rachel Bovard, giám đốc cấp cao về chính sách tại Viện Đối tác Bảo thủ, cho biết.

Florida là hình mẫu cho tương lai của đảng Cộng hòa. Trump đã dễ dàng giành chiến thắng ở đó và hai nghị sĩ Dân chủ mất ghế. Trong một bản ghi nhớ sau bầu cử, chiến dịch của Trump cho rằng tiến bộ của họ so với năm 2016 không đến từ cử tri tại vùng ngoại ô hoặc vùng nông thôn mà từ những nơi thành thị lớn hơn.

Thống đốc Larry Hogan của Maryland, đảng viên Cộng hòa đắc cử hai lần trong một bang đa phần nghiên về Dân chủ, đã cho đảng của ông thấy cách có thể thu hút cộng đồng da màu và cử tri thiên tả bằng cách tập trung vào tầng lớp trung lưu. Ông nằm trong số thống đốc có tín nhiệm cao nhất nước, với sự ủng hộ ngang bằng từ cử tri da trắng lẫn da màu.

Tuy nhiên, một số đảng viên Cộng hòa bất đồng ý kiến về mức độ sâu sắc Trump đã thay đổi đảng. Một số người đánh giá ảnh hưởng của ông chủ yếu nằm ở vấn đề phong cách, giọng điệu và điều đó sẽ không tồn tại lâu dài. Một số người nói rằng sẽ không còn những ngày các ứng viên Cộng hòa đặt hình của Trump tại sự kiện, dùng ngôn từ gay gắt hay thi nhau nói rằng họ đã sớm có phong cách hùng hổ giống ông ấy.

Chiến lược gia đảng Cộng hòa, Kristen Soltis Anderson cho rằng sẽ là sai lầm nếu đảng Cộng hòa không nhìn thẳng vào những thất bạị, đặc biệt là ở nhóm cử tri trẻ, phụ nữ và các nhóm thiểu số đã ủng hộ nhiệt tình cho Biden. "Trump đã cho chúng tôi thấy một phần công thức", bà nói. "Bây giờ chúng ta phải tìm một người có thể giúp chúng ta đi hết chặng đường còn lại".

Tuy nhiên, nghiên cứu của Anderson cho thấy rất khó để tìm một người khác có thể giữ gìn và mở rộng nền tảng ủng hộ của Trump. Tháng trước, công ty Echelon Insights của bà thực hiện cuộc thăm dò, hỏi các đảng viên Cộng hòa và những người độc lập nghiêng vào đảng Cộng hòa xem họ coi mình là người ủng hộ Trump hay ủng hộ đảng Cộng hòa.

58% chọn Trump.

Phương Vũ (Theo NYTimes )

11/11/2020


Những kịch bản có thể xảy ra khi Trump không nhận thua

 VNExpress

11/11/2020 

Trump có thể theo đuổi cuộc chiến pháp lý hoặc dựa vào phiếu đại cử tri để xoay chuyển cục diện kết quả bầu cử, nhưng cơ hội rất mong manh.

Các nỗ lực hòa giải sau bầu cử tổng thống Mỹ, trong đó người thua liên lạc với người đắc cử để bày tỏ thiện chí, có truyền thống từ năm 1896, khi William Jennings Bryan gửi cho William McKinley một bức điện với những lời chúc tốt lành.

Năm 2016, ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton cũng gọi điện cho đối thủ Donald Trump để chúc mừng ông đắc cử và bày tỏ sự ủng hộ, sự việc mà bà Clinton kể lại rằng Tổng thống Mỹ "đã vô cùng ngỡ ngàng".

Tuy nhiên, sau khi truyền thông xướng tên Joe Biden là Tổng thống đắc cử thứ 46 của Mỹ hôm 7/11, tài khoản Twitter vốn ồn ào của Trump không có động thái nào cho thấy ông sẽ đi theo truyền thống đã tồn tại hơn một thế kỷ. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ từ chối nhận thua và không coi chiến thắng của Biden là hợp pháp.

"Nếu đếm những phiếu bầu hợp lệ, tôi dễ dàng giành chiến thắng. Nhưng nếu đếm cả những phiếu gian lận, họ có thể cố gắng đánh cắp cuộc bầu cử từ chúng tôi", Trump phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết quả chung cuộc được công bố. Rudy Giuliani, luật sư riêng của Trump, cho biết ông sẽ nộp 10 đơn kiện về vấn đề gian lận bầu cử và cho rằng Tổng thống không nên nhận thua vào thời điểm này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 5/11. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 5/11. Ảnh: AFP.

Tu chính án thứ 20 của Hiến pháp Mỹ quy định "nhiệm kỳ của tổng thống và phó tổng thống sẽ kết thúc vào trưa ngày 20/1, sau đó nhiệm kỳ của những người kế nhiệm họ sẽ bắt đầu". Theo đúng quy trình này, Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức vào thời điểm được nêu trong Hiến pháp, trong khi Trump đứng ở bục phía sau Biden để thể hiện sự chuyển giao quyền lực trong hòa bình.

Nếu Trump kiên quyết ở lại trong Nhà Trắng sau khi Biden tuyên thệ nhậm chức, với tư cách tân tổng thống, Biden "có quyền chỉ đạo Cơ quan Mật vụ đưa Trump rời Nhà Trắng giống như đối với những người xâm phạm", Barbara McQuade, cựu công tố viên Michigan, cho hay.

Chiến dịch của Biden từng ám chỉ đến khả năng này vào sáng 6/11, khi phát ngôn viên Andrew Bates cho biết "chính phủ Mỹ hoàn toàn có thể tống những kẻ xâm phạm ra khỏi Nhà Trắng".

Một điều đáng lưu ý là quân đội Mỹ, thực thể riêng biệt với Cơ quan Mật vụ, không có ý định can dự vào quá trình bầu cử. "Trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn về một số khía cạnh của cuộc bầu cử, theo quy định của pháp luật, các tòa án và quốc hội có trách nhiệm giải quyết tranh chấp, không phải quân đội Mỹ", Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley phát biểu hồi tháng 8.

Tuy nhiên, có lẽ không ai đủ thẩm quyền đưa Trump ra khỏi Nhà Trắng nếu kết quả bầu cử vẫn bị thách thức trong một cuộc chiến pháp lý kéo dài để xác định người thắng cuộc. Khi đó, Mỹ sẽ rơi vào tình huống bấp bênh không thể lường trước.

Trump đã nộp vài đơn kiện ở các bang chiến trường, nhắm vào điểm đặc trưng nhất của cuộc bầu cử năm nay. đó là số lượng kỷ lục hơn 65 triệu phiếu bầu qua thư của đông đảo người dân lo ngại tình hình Covid-19 tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới.

Theo lời kêu gọi của Biden, các đảng viên Dân chủ có xu hướng bỏ phiếu qua thư, nên những lá phiếu theo hình thức này hầu hết đều bầu cho ông. Trong khi đó, người ủng hộ Trump thường không tin vào hình thức bỏ phiếu qua thư và thích đi bầu cử trực tiếp.

Do đó, kết quả kiểm phiếu đã được dự đoán trước là ban đầu nghiêng về phía Trump, khi những lá phiếu trực tiếp được kiểm trước, nhưng xu hướng này sẽ thay đổi khi các lá phiếu vắng mặt được đếm. Hiện tượng này được gọi là "sóng đỏ ảo".

Trump đã dựa vào chi tiết này để đưa ra cáo buộc gian lận trên diện rộng và rằng "cuộc bầu cử bị đánh cắp". Tới nay, các tòa án liên bang hầu như không đứng về phía Trump, nhưng giới chuyên gia nhận định chỉ cần một phán quyết có lợi cho Tổng thống đến từ tòa án tối cao cấp bang cũng có thể dẫn đến cuộc chiến pháp lý và đưa vụ kiện lên Tòa án Tối cao Mỹ, nơi có tới 6/9 thẩm phán do tổng thống đảng Cộng hòa đề cử, riêng Trump đã đề cử 3 người.

Trường hợp này từng xảy ra vào năm 2000. Khi đó, cuộc đua vào Nhà Trắng giữa George W. Bush thuộc đảng Cộng hòa và Al Gore của đảng Dân chủ được định đoạt bằng một bang duy nhất là Florida. Sau khi Florida tuyên bố Bush chiến thắng với cách biệt 537 phiếu, Gore nghi ngờ con số đó và Tòa án Tối cao bang Florida đồng ý kiểm lại phiếu.

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Mỹ ngày 12/12/2000 đã lần đầu tiên can thiệp vào một cuộc bầu cử tổng thống, khi ra lệnh cho Florida dừng kiểm lại phiếu với lý do hiến pháp bị vi phạm, bởi các hạt áp dụng tiêu chuẩn kiểm phiếu khác nhau.

Phán quyết có phần không rõ ràng này đã khép lại cánh cửa chiến thắng dành cho Gore, nhưng ông quyết định nhận thua, nói rằng không muốn đất nước tiếp tục lâm vào cảnh chia rẽ, đấu đá đảng phái.

Để những vụ kiện này thành công ở tòa án cấp bang và lên được tới Tòa án Tối cao, Trump được cho là cần cung cấp bằng chứng thuyết phục về các lá phiếu gian lận trong những khu vực bầu cử cụ thể.

Một lựa chọn khác để Trump xoay chuyển tình thế là dựa vào đại cử tri đoàn. Với hầu hết các bang, ứng viên thắng phiếu phổ thông sẽ giành được toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó. Theo quy định, nghị viện bang là nơi lập danh sách đại cử tri đã được ứng viên thắng cử đưa ra từ trước. Danh sách này sẽ được thống đốc bang ký tên, đóng dấu để gửi lên Thượng viện Mỹ chứng nhận.

Tuy nhiên, tại những bang Biden thắng phiếu phổ thông, Trump có thể dựa vào nghị viện và thống đốc ủng hộ ông để lập một danh sách đại cử tri hoàn toàn khác. Tại những bang đảng Cộng hòa kiểm soát nghị viện, còn thống đốc là đảng viên Dân chủ, họ có thể nộp hai danh sách đại cử tri song song.

Video Player is loading.
Current Time 1:36
/
Duration 1:36
Loaded: 0%
Progress: 0%

Vai trò của đại cử tri trong bầu cử Mỹ. Video: Next.

Khi đại cử tri đoàn họp vào ngày 14/12, các bang có hai danh sách đại cử tri sẽ bỏ gấp đôi số phiếu được quy định, buộc Phó tổng thống Mike Pence, người giữ chức Chủ tịch Thượng viện Mỹ, phải quyết định sẽ làm gì với số phiếu dôi ra này.

Nếu Pence quyết định loại bỏ các phiếu đại cử tri dôi ra, khiến không ứng viên nào đạt 270 phiếu đại cử tri cần thiết, quyết định ai đắc cử tổng thống Mỹ lại thuộc về Hạ viện, nơi tổ chức một phiên bỏ phiếu bất thường. Trong cuộc bỏ phiếu, đoàn nghị sĩ của mỗi bang nhận chỉ được bầu một phiếu.

Với quy định này, phe Cộng hòa sẽ có số phiếu nhiều hơn so với phe Dân chủ, và Trump có thể sẽ được bầu làm tổng thống. Phe Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện, nhưng chỉ có 23 đoàn nghị sĩ đại diện cho 23 bang, trong khi phe Cộng hòa có 27 đoàn nghị sĩ.

Theo Atlantic, về mặt lý thuyết, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi có thể chặn đứng kịch bản này bằng cách ngăn các thành viên Hạ viện vào nghị trường để chứng kiến quá trình kiểm phiếu đại cử tri do Pence chủ trì. Hiến pháp Mỹ quy định quá trình kiểm phiếu đại cử tri chỉ có hiệu lực khi có sự hiện diện của các thành viên Hạ viện.

Với chiến thuật này, Pelosi có thể khiến quá trình xác nhận tổng thống mới bị đình trệ vô thời hạn, thậm chí vượt quá cả hạn chót 20/1 quy định trong Hiến pháp. Trong trường hợp đó, bà có thể tuyên bố mình là quyền Tổng thống Mỹ.

Trong tất cả các tình huống, cơ hội của Trump phụ thuộc vào cách giới chức đảng Cộng hòa phản ứng với chiến lược của ông. Một số kịch bản đáng báo động hơn được vạch ra bao gồm nỗ lực triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia của Trump, điều có lẽ sẽ không được phe Cộng hòa ủng hộ. Nhiều đảng viên Cộng hòa dường như cũng đang tránh liên quan đến việc Trump thách thức kết quả bầu cử.

Theo bình luận viên Alex Ward của tạp chí Vox, trước viễn cảnh về những cuộc khủng hoảng hiến pháp mà không ai mong muốn, Trump có lẽ cuối cùng sẽ nhận thua, bất chấp những lời tuyên chiến pháp lý. Tuy nhiên, các động thái của ông cho tới nay báo hiệu những diễn biến không thể lường trước.

Ánh Ngọc (Theo QZ, Vox)

Powered by Blogger.