Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 09/06/2020

Tuesday, June 9, 2020 // ,
Đọc báo Pháp – 09/06/2020

Đầu thế kỷ 21 : Thời buổi của hiệp ước ngắn hạn

và đồng minh nhất thời

Thụy My
« Chúng ta đang bước vào một thế giới mà tuổi thọ các hiệp ước không lâu bền, các cường quốc thương thảo với những đồng minh tạm thời. Trật tự dựa trên các định chế đa phương nay không còn nữa. Phương Tây tiến hành cuộc chiến Kosovo và Irak, Nga xâm lấn Gruzia và Ukraina, Bắc Kinh quân sự hóa Hoàng Sa, Trường Sa, và mới nhất là vi phạm hiệp ước về quy chế tự trị của Hồng Kông… »
Vụ George Floyd và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cùng với âm vang tại Pháp tiếp tục là đề tài chính trên các báo Paris hôm nay. La Croix chạy tựa « Hoa Kỳ : Sự phẫn nộ liên bang ». Le Monde nhận định « Ông Trump đối mặt với phản kháng đa sắc tộc ». Tương tự, Le Figaro cho rằng « Hoa Kỳ : Rạn nứt chủng tộc là trung tâm cuộc bầu cử tổng thống ». Liên hệ với nước Pháp, Libération ghi nhận « Kỳ thị chủng tộc, bạo lực cảnh sát : Bộ trưởng Casta đã lên tiếng ».
Đài Loan : Cử tri trừng phạt đối thủ thân Bắc Kinh của nữ tổng thống
Liên quan đến châu Á, Le Monde cho biết « Tại Đài Loan, cử tri trừng phạt địch thủ thân Trung Quốc của tổng thống ». Người dân Cao Hùng hôm thứ Bảy 06/06/2020 đã dùng lá phiếu để cách chức thị trưởng Hàn Quốc Du (Han Kuo Yu), có biệt danh « Trump của Đài Loan », đối thủ của bà Thái Anh Văn trong kỳ bầu cử tổng thống vừa qua.
Sự xuống dốc của Hàn Quốc Du cũng nhanh chóng như khi ông ta đột ngột thăng tiến. Việc mất chức thị trưởng Cao Hùng là một cú tát trái, làm yếu thêm Quốc Dân Đảng vốn thân Trung Quốc. Tháng 11/2018 khi ông lên làm thị trưởng thành phố lớn miền nam vốn là thành lũy của đảng Dân Tiến từ 20 năm qua, nhiều người cho rằng chiến thắng của ông báo hiệu cho thất bại sắp tới của nữ tổng thống.
Nhưng cử tri Cao Hùng không chấp nhận việc Hàn Quốc Du dùng chức thị trường chỉ để làm bước đệm cho sự nghiệp, bỏ rơi công việc của tòa thị chính suốt ba tháng để tranh cử tổng thống. Một nhóm nhà hoạt động chủ trương độc lập, Wecare Kaohsiung, bèn đưa ra kiến nghị bãi chức. Tiến trình này trước đó đã được sử dụng hơn một chục lần nhưng chưa bao giờ thành công.
Cú đòn choáng váng cho Bắc Kinh
Pháp luật quy định kiến nghị bãi chức phải được 13% cử tri ký tên, và hôm bỏ phiếu phải có ít nhất 25% cử tri đi bầu. Lần này tất cả các điều kiện đều hội đủ. Trong khi số cử tri đăng ký là 2,29 triệu, thì có đến 377.000 người ký vào kiến nghị. Hôm 06/06, có 42,14% cử tri đi bỏ phiếu, và tuyệt đại đa số chống lại Hàn Quốc Du : đến 939.090 người muốn bãi nhiệm, chỉ có 25.051 người ủng hộ ông ta. Thậm chí số cử tri bỏ phiếu cách chức còn cao hơn số người đã từng bầu ông làm thị trưởng (892.545).
Chủ nhật 07/06, bà Thái Anh Văn đánh giá cuộc bỏ phiếu « khiến nền dân chủ Đài Loan tăng tiến ». « Kết quả này là lời cảnh báo cho các chính khách là nhân dân trao cho họ quyền lực và cũng có thể lấy lại ».
Được tổ chức ba tuần sau khi bà Thái chính thức khởi đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, cuộc bỏ phiếu ở Cao Hùng cho thấy những khó khăn của Quốc Dân Đảng. Theo các nhà quan sát, kết quả trên còn do Hàn Quốc Du chủ trương xích lại gần với Bắc Kinh. Tập Cận Bình đã từng tuyên bố không muốn « để cho các thế hệ tương lai trọng trách thống nhất Đài Loan », và hôm Chủ nhật, Global Times cho biết Bắc Kinh « không còn trông cậy vào Quốc Dân Đảng » trong công cuộc thống nhất.
Trung Quốc ra luật hạn chế tịch thu đất của nông dân để tránh nổi dậy
Về nội tình Trung Quốc, La Croix cho biết trước khủng hoảng kinh tế và căng thẳng xã hội ngày càng tăng cao, chính quyền đành phải xét lại việc cưỡng chế đất đai, đã gây thiệt hại cho hàng triệu nông dân từ 40 năm qua. Một luật đất đai mới nay đưa ra những quy định rõ ràng hơn.
Nếu chính sách một con từng là một trong những thảm kịch thô bạo nhất hậu mao-ít, việc tịch thu đất canh tác của hàng triệu nông dân là một trong những chủ trương tệ hại nhất trong quá trình hiện đại hóa ba thập niên qua. Phải đợi đến kỳ họp Quốc Hội vừa rồi, 3.000 đại biểu mới thông qua đạo luật nhằm ngăn ngừa nạn cưỡng chế trái phép.
Các nhà nông phải trả cái giá nặng nề cho sự cất cánh kinh tế thần kỳ của Trung Quốc từ năm 1978 : bị tịch thu đất mà hầu hết không bồi thường, để làm dự án địa ốc, kỹ nghệ, cơ sở hạ tầng. Theo giáo sư luật Kiều Sĩ Đồng (Qiao Shitong) của trường đại học Hồng Kông, « hàng năm có khoảng 100.000 đến 500.000 nông dân bị địa phương tịch thu đất bừa bãi, bất chấp quy định Nhà nước ». Và thật ra khó thể ước lượng chính xác số nạn nhân bị mất đất vì đô thị hóa, kỹ nghệ hóa : trong 40 năm qua tại Trung Quốc đã mọc lên 600 thành phố mới trong đó có 90 đô thị hơn một triệu dân.
Rất ít được nước ngoài biết đến, các cuộc nổi dậy của nông dân chống cướp đất chiếm phân nửa trong số 150.000 « sự cố xã hội » trên toàn Trung Quốc hàng năm. Những xung đột này được giải quyết riêng lẻ ở địa phương để không lây lan ra các nơi khác, nhưng sự phẫn nộ của nông dân không giảm xuống vì chính quyền tham nhũng đồng lõa với các đại gia địa ốc. Nữ luật sư Nghê Ngọc Lan (Ni Yulan) do chuyên bảo vệ dân oan đã bị bắt giam, nhà của bà ở Bắc Kinh bị ủi sập năm 2008 nhưng không thể nào kiện được vì tòa án đồng lõa với chính quyền.
Nhằm làm giảm căng thẳng, Tập Cận Bình cho thông qua luật đất đai mới, để giảm bớt sự can thiệp của chính quyền vào tư pháp. Tuy nhiên các thẩm phán luôn phải tuân lệnh của đảng Cộng Sản, như Hiến Pháp quy định. Hơn nữa, luật mới sẽ có hiệu lực từ 01/01/2021, không trừng phạt những kẻ cưỡng chế đất bất hợp pháp. Đối với luật gia Lưu Kiều (Liu Qiao), đại học Hồng Kông, « vấn đề ở Trung Quốc là không ai giám sát, thẩm phán không hành xử theo luật ».
Luật chống khủng bố mới của Philippines gây hoang mang
Còn tại Philippines, Quốc Hội hôm thứ Tư 03/06 đã thông qua một luật chống khủng bố mới gây lo ngại. Những người đối lập với tổng thống dân túy Rodrigo Duterte tố cáo một văn bản quá mơ hồ, khiến có thể bắt giam tùy tiện.
Khoảng mấy trăm người vào thứ Năm 04/06 đã biểu tình tại Manila, nơi có lệnh phong tỏa gắt gao nhất châu Á. Luật mới cho phép giam giữ nghi can đến 24 ngày không cần có trát tòa, và lập ra một Hội đồng chống khủng bố gồm các thành viên chính phủ, có thể ra lệnh bắt những ai bị nghi ngờ. Điều khoản phạt cảnh sát đến 8.500 euro/ngày nếu bắt người bừa bãi, đã bị hủy bỏ trong luật mới.
Chủ tịch tổ chức National Union of Peoples’Lawyers gồm các luật sư nhân quyền và sinh viên luật lo ngại có thể ảnh hưởng đến tự do ngôn luận và tự do hội họp. Bà Ravina Shamdasani, phát ngôn viên Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tố cáo luật này « rất đáng lo ngại », « trong bối cảnh các tổ chức phi chính phủ tại Philippines thường xuyên bị cáo buộc là khủng bố ». Báo cáo của Cao ủy còn nêu ra việc các NGO và nhà đấu tranh nhân quyền còn bị dán nhãn « cộng sản », có nguy cơ bị thanh toán như những kẻ buôn ma túy. Năm 2018, bốn nhà hoạt động có tên trong danh sách bị cho là « cộng sản » đã bị ám sát.
Hàn Quốc theo Mỹ nhưng vẫn không muốn va chạm với Trung Quốc
Cũng về châu Á, Le Figaro nhận định « Hàn Quốc tìm chỗ đứng giữa Mỹ và Trung Quốc ». Tổng thống Moon Jae In nhận lời mời dự hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng của ông Donald Trump vào tháng Chín ở Washington, nhưng vẫn e ngại làm mất lòng Tập Cận Bình.
Tổng thống Hàn Quốc là nhà lãnh đạo đầu tiên chấp nhận lời mời gây tranh cãi của Nhà Trắng. Dạng thức mới G7 mở rộng « có nghĩa là Hàn Quốc trở thành thành viên một hệ thống quốc tế mới được gọi là G11 hay G12 ». Một sự tự hào của nền kinh tế thứ 13 thế giới, một sự trả thù đối với Nhật Bản vốn
bất ngờ trước sáng kiến của Mỹ. Seoul dấn bước vào trò chơi địa chính trị dưới cặp mắt lo ngại của Bắc Kinh và Tokyo. Tuy nhiên việc đi dây không đơn giản, giữa đối tác kinh tế hàng đầu Trung Quốc và người bảo đảm an ninh là Hoa Kỳ.
Ông Moon Jae In không bỏ lỡ dịp nào để lấy lòng ông Donald Trump, chỗ dựa cần thiết để xích lại gần với Bắc Triều Tiên. Hơn nữa, Mỹ-Hàn còn ràng buộc bằng hiệp ước quốc phòng, với sự hiện diện của 23.000 lính viễn chinh Mỹ. Tuy nhiên ông không muốn chống lại người láng giềng độc đoán Trung Quốc, vẫn để ngỏ biên giới khi dịch bệnh lan tràn ở Vũ Hán, và giữ im lặng trước việc Bắc Kinh bóp nghẹt tự do Hồng Kông và bành trướng trên Biển Đông. Seoul hy vọng tiếp Tập Cận Bình từ nay đến cuối năm.
David Pierre Jalicon, chủ tịch Phòng Thương mại Pháp-Hàn nhận xét, bối cảnh địa chính trị mới, nhất là sự xuống dốc của Hồng Kông « mang lại cơ hội lịch sử cho Seoul để trở thành trung tâm khu vực ». Nhưng vì sợ làn sóng dịch bệnh thứ hai, Hàn Quốc từ ngày 01/06 lại quy định người ngoại quốc có nguy cơ bị rút giấy phép cư trú nếu ra khỏi lãnh thổ, gây bất mãn cho các nhà đầu tư.
Mỹ-Trung giao chiến, Pháp thực dụng
Nhìn chung về địa chính trị, trên trang Ý kiến của Le Figaro, tác giả Renaud Girard nhận định chúng ta đang bước vào một thế giới mà tuổi thọ các hiệp ước không lâu bền, các cường quốc thương thảo với những đồng minh tạm thời.
Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 06/06/2020 đã ra một thông cáo nảy lửa, trả đũa việc Bắc Kinh khai thác một cách đáng ghê tởm cái chết của công dân Mỹ da đen George Floyd. Văn bản với lý lẽ chặt chẽ là sự tấn công vào chế độ độc tài của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nhưng Pháp không muốn theo chân đồng minh lâu đời của mình, mà có thái độ thực dụng với Bắc Kinh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 05/06 đã có cuộc điện đàm, mà theo điện Élysée thậm chí còn nói về « đối tác chiến lược toàn diện » giữa đôi bên. Đó là hợp tác chống đại dịch corona, tài trợ cho châu Phi, vấn đề môi trường (chuẩn bị COP15 về đa dạng sinh học và COP26 về khí hậu).
Một thế giới không còn đa phương, với những quan hệ chồng chéo
Trật tự dựa trên các định chế đa phương nay đã chết, các đại cường quân sự không còn phối hợp với nhau nữa. Phương Tây tiến hành cuộc chiến Kosovo (1999) và Irak (2003) không có sự đồng ý của Liên Hiệp Quốc, Nga xâm lấn Gruzia (2008) và Ukraina (2014). Bắc Kinh bất chấp phán quyết trọng tài La Haye (2016) để quân sự hóa Hoàng Sa và Trường Sa (2017), và mới nhất là vi phạm hiệp ước về quy chế tự trị của Hồng Kông (28/05/2020).
Trong thế giới mới ngày nay, Anh quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu nhưng vẫn tăng cường quan hệ quân sự với Pháp. Nga gây phiền phức cho Pháp ở châu Phi nhưng vẫn hợp tác chống quân thánh chiến. Ý hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Mỹ đồng thời đón chào các bác sĩ Cuba để chống Covid-19. Trung Quốc liên minh với Ấn Độ chống Hồi giáo cực đoan, nhưng lại hỗ trợ Pakistan trong hồ sơ Cachemire. Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga nhưng lại đẩy Matxcơva ra khỏi Libya.
Trong lúc Liên Hiệp Quốc bị tê liệt, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) mất uy tín, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) không còn chỉ đạo được ai, Hiệp ước TPP bị bỏ rơi…chừng như đa phương chỉ còn lại nơi Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng tại đây cũng có những nước Bắc Âu từ chối chia sẻ nợ nần với các nước Nam Âu, Ba Lan « đánh lẻ » với Mỹ, Đông Âu tham gia khối « 16+1 » với Trung Quốc. Đối với Pháp, cường quốc độc lập vẫn muốn đóng vai trò quốc tế, thử thách là vừa phải linh hoạt lại vừa cứng rắn trong từng hồ sơ.

Tin tổng hợp
(AFP) – Quả vải Việt Nam khó xuất khẩu, giá thấp vì dịch Covid-19.
Mùa vải ở miền bắc Việt Nam thường kéo dài sáu tuần, từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6, nhưng người nông dân đang phải chật vật vì thiếu thị trường tiêu thụ, do các nhà mua buôn nước ngoài, thường giao dịch trực tiếp, bị kẹt ở trong nước, ví dụ thương lái Trung Quốc năm nay vắng hẳn. Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vải, chủ yếu sang Trung Quốc, ngoài ra còn có thị trường Mỹ và Úc.
(AFP) – Cam Bốt mở điều tra vụ bắt cóc một nhà đối lập Thái Lan ở Phnom Penh.
Wanchalearm Satsaksit bị một nhóm người có vũ trang bắt cóc ngày 04/06/2020 ngay gần nhà riêng ở Phnom Penh, nơi nhà đối lập trẻ sống tị nạn. Trả lời AFP ngày 09/06, Chhay Kim Khoeun, phát ngôn viên của cảnh sát Cam Bốt, cho biết đã quyết định « mở điều tra » sau thời gian đầu không rõ thông tin có chính xác không vì vụ bắt có được tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) thông báo dựa vào các nhân chứng và camera giám sát. Wanchalearm Satsaksit bị truy lùng ở Thái Lan, theo Luật tội phạm tin học, vì quản lý một trang Facebook chống chính phủ.
(AFP) – Đài Loan thông báo tập trận, Trung Quốc cho chiến đấu cơ thị uy.
Ngày 09/06/2020, bộ Quốc Phòng Đài Loan thông báo tổ chức tập trận bắn đạn thật trong tháng 7. Cuộc tập trận bao gồm cả diễn tập tin học và một bài tập chiến đấu chống các thế lực đổ bộ lên đảo. Ngay sau thông báo của Đài Bắc, nhiều chiến đấu cơ Su-30 của Trung Quốc xuất hiện ngắn ngủi trên không phận tây nam Đài Loan. Không quân Đài Loan buộc phải xuất kích để cảnh báo.
(Reuters) – Liên Hiệp Quốc quan ngại nạn đói ở Bắc Triều Tiên.
Ông Tomas Ojea Quintana, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền ngày 09/06/2020 hối thúc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc xem xét lại các lệnh trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên. Theo ông, dịch bệnh đã gây khó khăn cho nền kinh tế nước khép kín nhất hành tinh. Việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc khiến giao thương giữa hai nước sụt giảm thảm hại đến 90% trong hai tháng Ba và Tư. Trong bối cảnh này, ông Quintana báo động nguy cơ khan hiếm lương thực thực phẩm và suy dinh dưỡng lan rộng tại Bắc Triều Tiên.
(AFP) – Vụ sát hại tướng Soleimani : Iran chuẩn bị hành quyết gián điệp.
Nguồn tin chính thức từ Teheran ngày 09/06/2020 cho biết Mahmoud Moussavi bị kết án tử hình vì tội đánh cắp thông tin từ các lực lượng quân đội Iran, đặc biệt là lực lượng Al-Qods và đã cung cấp cho CIA cũng như là tình báo Israel về lịch trình và địa điểm di chuyển của tướng Qassem Soleimani. Bản án sẽ sớm được thi hành nhưng không nêu rõ chi tiết. Tướng Soleimani đã bị không quân Mỹ dùng drone bắn hạ vào ngày 03/01/2020.
(AFP) – Anh Quốc có gần 50.000 người chết vì Covid-19.
Số liệu do Cơ quan Thống kê Quốc gia (ONS) công bố ngày 09/06/2020 cao hơn con số từ các cơ quan y tế cung cấp. Theo ONS, cuối tháng Năm, số nạn nhân của Covid-19 là gần 50 ngàn người, trong khi số liệu do chính phủ công bố hôm 08/6 chỉ ở mức 40.597 ca tử vong. Bất kể số liệu của cơ quan nào, Anh Quốc vẫn là quốc gia đứng hàng thứ hai thế giới có số người chết vì virus corona chủng mới nhiều nhất.
(RFI) – Hà Lan thông báo tuyển người trồng cần sa.
Các nhà trồng cần sa có thể bắt đầu nộp đơn lên chính phủ kể từ tháng 7/2020 để cung cấp hợp pháp cho điểm bán cà phê nổi tiếng. Đây là thông báo của bộ Y Tế Hà Lan ngày 09/06/2020. Năm 2018, chính phủ bật đèn xanh cho phép thử nghiệm đại trà tại 10 địa phương việc trồng hợp pháp cây cần sa. Mục tiêu là để đo lường hiệu quả của việc trồng cần sa hợp pháp đối với vấn đề chống tội phạm, an ninh, gây rối loạn trận tự công cộng và sức khỏe.

Điểm tin thế giới sáng 9/6:

Ông Trump sẽ ký luật bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ;

Mỹ áp lệnh trừng phạt hệ thống vận tải Iran

Lục Du
Sáng nay, thứ Ba (9/6), mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ông Trump sẽ ký luật bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ
Tổng thống Trump đã lên kế hoạch ký ban hành đạo luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan tới việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, một nguồn thạo tin nói với Reuters hôm thứ Hai, song không cho biết khi nào ông Trump sẽ làm việc này.
Dự luật này đã được Nghị viện Mỹ thông qua. Phản ứng trước việc này, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington tuyên bố dự luật được nghị sĩ lưỡng đảng ủng hộ“rõ ràng phỉ báng các biện pháp chống
khủng bố và cực đoan của Trung Quốc, đồng thời can thiệp nghiêm trọng vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.
Khi dự luật về người Duy Ngô Nhĩ của Hoa Kỳ được ban hành, Bí thư khu tự trị Tân Cương, Trần Toàn Quốc, một thành viên của Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ nằm trong số quan chức bị trừng phạt.
Mỹ áp lệnh trừng phạt hệ thống vận tải Iran
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Hai cảnh báo trừng phạt các thực thể có quan hệ với công ty vận tải Shipping Lines (IRISL) của Iran và công ty con của IRISL có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc, theo Reuters.
Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với mạng lưới vận chuyển của Iran đã bắt đầu có hiệu lực vào thứ Hai. Các lệnh trừng phạt này được Hoa Kỳ công bố vào tháng 12 sau khi cáo buộc Teheran cổ súy cho việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, theo Reuters.
Trong tuyên bố, ông Pompeo cũng đề nghị các chính phủ trên khắp thế giới điều tra hoạt động của các thực thể vận tải Iran tại các cảng và vùng biển, đồng thời khuyến khích các hành động thích hợp để ngăn chặn hoạt động phổ biến vũ khí của Iran.
Mỹ cân nhắc giảm quân tại nước ngoài, Hàn Quốc lo lắng
Tổng thống Trump đang tiếp tục xem xét lại việc quân đội Mỹ hiện diện ở nước ngoài, Nhà Trắng hôm thứ Hai cho biết, sau khi xuất hiện các báo cáo nói rằng ông Trump có kế hoạch rút một phần quân khỏi Đức, Yonhap đưa tin.
Thông tin từ các báo cáo cho hay Tổng thống Trump sẽ cắt giảm số quân ở Đức từ 34.500 xuống không quá 25.000. Theo Yonhap, thông tin này làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ cũng sẽ cắt giảm số quân đồn trú tại Hàn Quốc.
Mỹ-Hàn đang trong thời gian đàm phán về chia sẻ chi phí quốc phòng để duy trì sự hiện diện của 28.500 lính Mỹ tại bán đảo Triều Tiên.
WHO kêu gọi thế giới tập trung chống dịch
Hôm thứ Hai, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước chú tâm vào việc ngăn chặn đại dịch viêm phổi Vũ Hán, đồng thời lưu ý rằng tình hình đại dịch này đang xấu đi trên toàn cầu và chưa lên đến đỉnh điểm ở Trung Mỹ, theo Reuters.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hôm Chủ nhật, thế giới đã ghi nhận thêm hơn 136.000 trường hợp nhiễm Covid-19. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay.
“Sau hơn 6 tháng đại dịch bùng phát, đây không phải là lúc để bất kỳ quốc gia nào xao nhãng việc chống dịch”, ông Tedros nói trong một cuộc họp báo ngắn.
Trả lời câu hỏi về Trung Quốc trong cuộc họp báo, Tiến sĩ Mike Ryan, một quan chức hàng đầu của WHO, cho biết các cuộc điều tra về sự bùng phát đại dịch có thể phải đợi thêm vì hiện tại “cần tập trung vào việc làm thế nào để ngăn chặn làn sóng dịch thứ hai”.
Thủ tướng Anh đề nghị người dân biểu tình trong hòa bình
BBC đưa tin tối thứ Hai, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi người biểu tình “hành động một cách hòa bình, hợp pháp” khi bày tỏ thái độ với nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử.
Viết trên The Voice, Thủ tướng Johnson cho biết chính phủ Anh không thể không chú ý tới sự bất bình của người biểu tình trước cái chết của George Floyd, một người da màu bị ngộ sát ở Mỹ. Tuy nhiên, ông Johnson cảnh báo, nếu người biểu tình tấn công cảnh sát hoặc phá hoại tài sản công cộng, thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Sau khi phần lớn các cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc diễn ra hòa bình thì vào thứ Bảy, người biểu tình ở London bắt đầu có các hành vi bạo lực khi họ ném pháo sáng và giật đổ tượng của cựu thủ tướng Anh Winston Churchill.

Điểm tin thế giới chiều 9/6:

Tròn 1 năm người Hồng Kông biểu tình

phản đối luật dẫn độ; Chiến đấu cơ Đài Loan

‘xua’ tiêm kích Trung Quốc

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Ba (9/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Tròn 1 năm người Hồng Kông biểu tình phản đối luật dẫn độ
Tờ SCMP đưa tin, hàng trăm người biểu tình trưa nay (9/6) tập trung tại ít nhất 4 trung tâm thương mại trên khắp Hồng Kông, nhằm đánh dấu một năm kể từ khi một triệu người xuống đường để phản đối dự luật dẫn độ hiện đã bị hủy.
Ở trung tâm Landmark, đám đông hô vang các khẩu hiệu và các biểu ngữ ủng hộ dân chủ, trong đó có biểu ngữ: “Đừng quên dũng khí khi bạn bắt đầu, kiên trì cho đến cuối cùng”.
Cô Leung, một người làm việc trong ngành luật thường xuyên tham gia biểu tình vào giờ ăn trưa nói với RTHK rằng, cô cảm thấy trưởng đặc khu Carrie Lam đã không rút ra được bài học trong một năm qua.
“Tôi nghĩ rằng những gì bà ấy làm có vẻ như cuối cùng là để trả đũa những người biểu tình và bất cứ ai cản đường bà ấy”, cô Leung nói.
Ngoài trung tâm thương mại Landmark, các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại trung tâm APM ở Kwun Tong, Cityplaza ở Tai Koo và trung tâm thương mại Cửu Long ở Kwai Chung.
Chiến đấu cơ Đài Loan ‘xua’ tiêm kích Trung Quốc
Theo hãng tin Reuters, Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm nay cho biết họ đã phát đi cảnh báo bằng lời sau khi phát hiện một số tiêm kích Su-30 Trung Quốc tiến vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở phía tây nam hòn đảo. Đài Loan đã triển khai chiến đấu cơ để “xua đuổi” các tiêm kích Trung Quốc.
Covid-19 có thể xuất hiện ở Vũ Hán từ tháng 8/2019
Theo nghiên cứu của Đại học Y Harvard, dịch virus corona có thể đã bùng phát ở Trung Quốc từ tháng 8/2019.
Tiến sĩ John Brownstein, giáo sư y khoa Harvard, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm đã phân tích ảnh chụp vệ tinh thương mại và thấy sự gia tăng đáng kể lưu lượng giao thông bên ngoài năm bệnh viện lớn ở Vũ Hán bắt đầu từ cuối mùa hè và đầu mùa thu năm 2019.
Ông Brownstein cũng cho biết sự gia tăng lưu lượng giao thông cũng “trùng khớp” với sự gia tăng tìm kiếm các từ khóa trên mạng internet Trung Quốc cho “các triệu chứng bệnh nhất định mà sau đó đã được xác định là có liên quan chặt chẽ với virus corona chủng mới”.
Reuters đưa tin, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay tuyên bố những phát hiện nghiên cứu của Đại học Y Harvard là “nực cười”, “lố bịch”. (Chi tiết).
Liên Hợp Quốc cảnh báo nạn đói ở Triều Tiên
Một chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc hôm nay lên tiếng báo động về tình trạng thiếu lương thực và suy dinh dưỡng trên diện rộng ởTriều Tiên đã trở nên tồi tệ hơn khi nước này đóng cửa biên giới gần 5 tháng với Trung Quốc để đối phó với dịch Covid-19, theo Reuters.
Ông Tomas Ojea Quintana, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Triều Tiên, cho biết đại dịch đã khiến kinh tế Triều Tiên rơi vào khó khăn nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh rằng giao dịch thương mại của Triều Tiên với Trung Quốc sụt giảm 90% vào tháng 3 và tháng 4.
“Đã có báo cáo cho biết số người vô gia cư ở các thành phố lớn, gồm cả trẻ em lang thang, và giá thuốc đã tăng vọt. Ngày càng nhiều gia đình chỉ ăn hai bữa một ngày hoặc chỉ ăn ngô, và một số người đang chết đói”.
Bà Elisabeth Byrs, phát ngôn viên Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, cho biết khoảng 10 triệu người Triều Tiên, tương đương với 40% dân số, cần viện trợ nhân đạo.
Trung Quốc khuyên sinh viên cân nhắc khi chọn Úc để du học
Bộ Giáo dục Trung Quốc hôm nay kêu gọi sinh viên suy nghĩ cẩn thận trước khi chọn Úc để du học, viện dẫn một loạt các sự cố phân biệt chủng tộc nhắm vào người châu Á trong đại dịch Covid-19, theo Reuters.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham cho biết nước này đã thiết lập các kế hoạch để dập tắt nạn phân biệt chủng tộc.
Quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh trở nên căng thẳng kể từ khi chính phủ Úc đề xuất một cuộc điều tra quốc tế về đại dịch Covid-19 khởi phát ở Trung Quốc. Gần đây, Úc cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh muốn áp cho Hồng Kông.

Powered by Blogger.