Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

"Cột điện ở Mỹ mà biết đi sẽ về Việt Nam": ảo tưởng của thủ tướng!

Tuesday, June 9, 2020 3:34:00 PM // ,

Diễm Thi, RFA
2020-06-09


Một bé gái Việt Nam tại trại tị nạn Hongkong Pillar Point hôm 14 tháng 6 năm 1999.
Một bé gái Việt Nam tại trại tị nạn Hongkong Pillar Point hôm 14 tháng 6 năm 1999.
AFP
Đối với nhiều người Việt ở miền Nam thời gian những năm sau 1975, câu nói “Cái cột đèn nếu biết đi cũng đã bỏ nước ra đi” không lạ gì đối với họ.
Mới hôm 8 tháng 6, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong một phát biểu tại Quốc hội Việt Nam cho rằng sau 45 năm ‘giải phóng’ và 35 năm đổi mới, từ một đất nước đói ăn, nợ nần chồng chất, Việt Nam đã vượt qua nhiều thác ghềnh để tiến bước. Ông cũng cho biết có hàng vạn người từ nước ngoài đăng ký về Việt Nam và dùng câu nói của người dân Việt về nạn bỏ nước ra đi sau 1975 để ví von ngược lại rằng, thực tại nước Mỹ những tháng qua thì nếu cột điện ở Mỹ biết đi nó sẽ về Việt Nam.
Nhà báo Mạnh Kim từ Mỹ nêu nhận định của ông về việc này qua ứng dụng facebook messenger:
“Câu nói như có tính “định lý” của ông thủ tướng Việt Nam cho thấy sự ngớ ngẩn vốn dĩ của ông dựa vào những phát biểu trước đó và nó cũng phi lý khi xét đến thực tế.
Làm sao cộng đồng Việt kiều có thể chỉ vì dịch bệnh hoặc tình hình chính trị rối loạn tạm thời ở nước Mỹ mà bỏ hết nhà cửa - tài sản để về Việt Nam; đó là chưa kể việc ăn học của con em họ.
Câu nói như có tính “định lý” của ông thủ tướng Việt Nam cho thấy sự ngớ ngẩn vốn dĩ của ông dựa vào những phát biểu trước đó và nó cũng phi lý khi xét đến thực tế. -Nhà báo Mạnh Kim
Không chỉ chuyện tài sản, người Việt ở Mỹ cũng không thể và không bao giờ chấp nhận khước từ một nền chính trị dân chủ để trở về Việt Nam chấp nhận sống trong một chính thể độc tài mà cơ hội để họ bày tỏ chính kiến đối với chính quyền như ở Mỹ là không bao giờ có thể xảy ra.
Có một sự khác biệt rõ đến mức không cần phải chứng minh về quyền lợi có được giữa một công dân Mỹ (mang quốc tịch Mỹ) và công dân Việt Nam (cầm passport CHXHCNVN); chưa kể những quyền lợi an sinh xã hội được thụ hưởng…”
Năm 2014, truyền thông trong nước cảnh báo hàng triệu kiều bào có nguy cơ mất quốc tịch Việt Nam nếu đến ngày 1 tháng 7 năm 2014 không đăng ký giữ quốc tịch theo quy định ở Khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và Nghị định hướng dẫn số 78/2009/NĐ-CP.
Theo số liệu của Bộ Tư Pháp Việt Nam, trong năm 2015 có 4.474 người từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Còn theo Bộ Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (United Nations Department of Economic and Social Affairs), ước tính từ năm 1990 đến 2015 có tới 2,6 triệu công dân Việt Nam rời đất nước đến sống ở một quốc gia phát triển hơn, tức trung bình mỗi năm có gần 100.000 người bỏ nước ra đi.
Con số mà Viện Chính sách Di cư (Migration Policy Institute) thống kê cho thấy năm 1980, số người Việt Nam cư trú ở Mỹ là 231.000; năm 2000 lên đến 988.000 và năm 2017 đã là 1.343.000 người.
Riêng về du học sinh, con số mới nhất được Student and Exchange Visitor Information System cập nhật vào tháng 3 năm 2019 là có 30.684 sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ ở tất cả các cấp, tăng 3% so với tháng 8 năm 2018.
Ngoài con số 125.000 người Việt đến Mỹ tỵ nạn năm 1975, số còn lại tiếp tục đến Mỹ mấy mươi năm qua vì nhiều lý do. Cô Thanh Hà hiện định cư tại Mỹ cho rằng, cô vượt biên năm 1989 vì ở Việt Nam không có tương lai. Cô giải thích rằng, cô không có chỗ trong các trường đại học vì ‘con ông cháu cha’ chiếm hết chỗ với những ưu tiên về điểm số khi thi đại học. Sau 30 năm, cô thấy mình vẫn đúng khi được sống trong một đất nước an bình, tự do và được pháp luật bảo vệ.
Nhà báo Nguyễn An Dân nêu nhận định:
“Tôi nghĩ người Việt Nam thành đạt ở Mỹ chỉ về Việt Nam để chơi thì nó đúng hơn, chứ họ vẫn muốn là công dân Mỹ để được Mỹ bảo hộ luật pháp. Rõ ràng chúng ta thấy luật pháp ở Việt Nam không có. Ở đâu luật pháp không được thực thi thì người ta sẽ không đến, thành ra những người ở Mỹ về Việt Nam để giúp đất nước phát triển thì họ chờ cho đến khi Việt Nam thượng tôn pháp luật.
Do Mỹ là một nước tự do thành ra lâu lâu họ có những sự kiện rối loạn đột xuất có thể ảnh hưởng đến trị an, nhưng chính phủ sẽ nhanh chóng giải quyết. Đợt bạo loạn vừa rồi tôi nghe ở Mỹ chết gần 10 người. Nếu so với luật pháp Việt Nam thì một năm oan sai chết phải gấp 10 lần như thế.”
Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, toàn bộ sách báo trong nước đều dùng cụm từ “Đế quốc Mỹ” để nói về đất nước Hoa Kỳ. Thế nhưng cho đến nay, nhiều vị quan chức Việt Nam cho con cái sang Mỹ học và nhiều người tìm cách ở lại đất nước theo chũ nghĩa tư bản này.
Ở đâu luật pháp không được thực thi thì người ta sẽ không đến, thành ra những người ở Mỹ về Việt Nam để giúp đất nước phát triển thì họ chờ cho đến khi Việt Nam thượng tôn pháp luật. - Nhà báo Nguyễn An Dân
Chủ tịch Hà Nội hiện nay là ông Nguyễn Đức Chung từng công khai chuyện con trai du học Mỹ khi xảy ra đợt dịch COVID-19 với nhắn nhủ con hãy ở yên trong nhà.
Với câu nói ‘cái cột điện ở Mỹ mà biết đi thì sẽ về Việt Nam’, người ta cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc quá ảo tưởng về hiện trạng Việt Nam. Dù rằng Việt Nam được cho là kiểm soát tốt dịch bệnh và luôn dập tắt các cuộc biểu tình, nhưng điều đó không thể kéo người Việt trở về nước.
Tại một kỳ họp Quốc Hội năm 2016, đại biểu Quốc Hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu rằng, các trí thức giỏi không về nước làm việc; doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi; cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho mình hay con cháu mình ra định cư ở nước ngoài không phải vì đất nước nghèo mà vì họ cảm thấy ở Việt Nam không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không được đầy đủ. Điều này ai cũng thấy, cũng biết!
Theo ông Nghĩa, phải bảo đảm cho người dân nếu chưa giàu thì cũng phải được tự do dân chủ, an toàn, an ninh và công lý, được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, đạo đức tốt đẹp. Nhân dân tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam, cho dù chúng ta còn nghèo và chưa phát triển để người dân và du khách đến thăm sẽ muốn ở lại chứ không muốn ra đi.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.