Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Bản tin ngày 26-9-2019

Wednesday, June 26, 2019 // ,
Tin Biển Đông

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Malaysia bắt giữ hai tàu cá cùng ngư dân Việt Nam. Người đứng đầu Cơ quan thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA), ông Muhamad Rezal Kamal Bashah, xác nhận, khoảng 19 thuyền viên trên hai tàu Việt Nam đã bị phát hiện tại vùng biển cách thành phố Kuching, bang Sarawak, khoảng 40 hải lý về phía Bắc và bị bắt giữ vào lúc 5:35 chiều (giờ Malaysia) ngày 21/6/2019.

Nhà chức trách Malaysia cho biết, họ đã tìm thấy năm tấn cá trên tàu Việt Nam mà họ cáo buộc là đánh bắt trái phép và khoảng 10.000 lít dầu diesel: “Các thuyền trưởng và thuyền viên từ 21 đến 44 tuổi cũng không xuất trình được giấy tờ tùy thân nào”.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xin lỗi ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Biển Đông, VnExpress đưa tin. Ông Duterte bày tỏ sự cảm thông với 22 ngư dân gặp nạn nhưng tiếp tục khẳng định, đây chỉ là tai nạn hàng hải nhỏ: “Tôi xin lỗi nhưng thực tế là vậy đấy. Đó là một tai nạn hàng hải nhỏ vì không có đối đầu… Việc bạn muốn trừng phạt họ không phải lý do để thực hiện bất kỳ cuộc tập trận nào. Làm vậy sẽ dẫn đến chiến tranh”.

Ông Duterte từ lâu đã thể hiện quan điểm thân Trung Quốc nên thường có những lời nói, hành động của ông đi ngược lại quyền lợi của người. Tuy nhiên, chuyện ông ta phải xin lỗi các ngư dân cho thấy, nền dân chủ ở quốc gia này khiến một tổng thống có tai tiếng độc đoán, lạm quyền như ông Duterte, cũng không thể xem thường dân được.

Chuyên gia Mỹ cảnh báo sẽ còn những vụ đâm tàu cá ở Biển Đông vì dân quân Trung Quốc ‘quá đông và nguy hiểm’, theo VTC. Ông Gregory Poling, GĐ Chương trình AMTI thuộc Trung tâm CSIS, nghi ngờ rằng, chiếc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines hôm 9/6 gần bãi Cỏ Rong chính là một tàu “dân quân biển” của Trung Quốc.

Ông Poling cảnh báo, “tai nạn sẽ còn lặp lại trong tương lai bởi có hàng trăm tàu dân quân Trung Quốc đang hoành hành ở quần đảo Trường Sa nhưng Bắc Kinh vẫn đang cố gắng che giấu và phủ nhận sự thật đó”.

Viet Times có bài phỏng vấn TS Ngeow Chow Bing: Học giả Malaysia: Sóng ngầm mạnh mẽ, các nước ASEAN không cam chịu về Biển Đông. Ông Chow Bing nhận định: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chơi quân bài Biển Đông. Điều này là không thể phủ nhận. Trung Quốc và Hoa Kỳ gần như đã bước vào một cuộc đối đầu nhiều mặt, vì vậy Biển Đông trước đây là (quân bài), hiện nay chắc chắn vẫn sẽ như vậy”.

TS Chow Bing nhận định về khả năng đàm phán vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN: “Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, hầu hết các đảo và rạn san hô trên Biển Đông đều thuộc về các nước Đông Nam Á chứ không thuộc về Trung Quốc. Làm sao các nước Đông Nam Á có thể chấp nhận một luật mới? Luật mới nhất định sẽ có lợi hơn cho Trung Quốc”.


Tin nhân quyền

Báo Người Việt dẫn lời Bộ Ngoại Giao Mỹ: Nhà cầm quyền CSVN vẫn tiếp tục đàn áp tôn giáo. Bản phúc trình thường niên về tình hình tự do tôn giáo thế giới của Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục thừa nhận, nhà cầm quyền CSVN “nói một đàng làm một nẻo”: “Các lãnh tụ tôn giáo, đặc biệt những người đại diện cho những nhóm không được nhà nước công nhận hoặc có giấy phép hoạt động, tường thuật đã bị nhà cầm quyền CSVN sách nhiễu bằng nhiều cách khác nhau, gồm cả đánh đập, bắt giữ, kết án tù”.

Đáng tiếc là dưới thời chính quyền Trump, nhân quyền không còn là vấn đề ưu tiên, nên các nước vi phạm nhân quyền như Việt Nam, tiếp tục lộng hành, ngược đãi những người bất đồng chính kiến và tù nhân lương tâm, trong khi vẫn có thể bắt tay với Trump.

VNTB có bài tổng hợp vụ công dân Mỹ bị kết án 12 năm tù: một cái tát vào mặt Hoa Kỳ. Bà Helen Nguyễn, vợ ông Michael Minh Phương Nguyễn, cho rằng, bản án 12 năm tù đối với ông Michael là “một cái tát vào mặt Hoa Kỳ”. Bà Helen cho biết thêm, bất kể bà liên lạc với chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ bao nhiêu lần, chính phủ VN đều hỏi: “Bà dự định sẽ làm gì?”

Vụ này là một cái tát không chỉ vào Hoa Kỳ mà cả những người từng tin vào khẩu hiệu vì nhân quyền của quốc gia này, nhưng không phải là cái tát đối với Trump và những người ủng hộ ông ta. Điều gì có lợi thì ông ta, ông ta sẵn sàng bắt tay với độc tài, công kích báo chí và làm ngơ các vụ vi phạm nhân quyền.


Lê Tấn Hùng tới sát “miệng lò”?

Vụ chi khống 13 tỷ đồng tại SAGRI: Đã chuyển hồ sơ sang công an, báo Dân Việt đưa tin. Sáng 25/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trả lời báo chí “lề đảng” về vụ sai phạm ở Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), trong đó có vụ cựu TGĐ Lê Tấn Hùng chi khống 13 tỷ đồng cho cán bộ đi học tập nước ngoài.

Ông Phong xác nhận, TP đã chuyển hồ sơ qua Công an TP HCM để điều tra làm rõ thêm vụ việc. Ông nói: “TP đã đồng ý chuyển hết hồ sơ qua Công an TP.HCM rồi, xử lý thế nào thì để bên công an họ làm tiếp đã”.


Asanzo: Đồ TQ gắn nhãn “hàng VN chất lượng cao”

Mặc dù Asanzo được Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao vinh danh là “hàng Việt Nam chất lượng cao”, nhưng Chủ tịch Asanzo phủ nhận: Sản phẩm của chúng tôi không phải hàng Việt Nam, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo thừa nhận: “Gần như là mình nhập 100%. Bên mình chỉ là khâu đầu – cuối, mình ráp lên, kiểm tra sản phẩm đạt thì cho ra thị trường”.

Khi được hỏi một lần nữa, rằng hàng điện tử Asanzo sử dụng toàn bộ linh kiện từ TQ rồi lắp ráp tại VN thì có phải hàng VN không, ông Tam trả lời: “Tôi nghĩ nó là hàng lắp ráp tại Việt Nam thì đúng hơn. Nó là sản phẩm được sở hữu từ công ty Việt Nam nhưng nó không phải là hàng Việt Nam”. Câu trả lời của ông Tam là một cái tát vào mặt Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao.

VietNamNet có bài: Thông tin bất ngờ mới từ TP. Hồ Chí Minh về vụ Asanzo. Sở Công Thương cho biết, tại TP HCM, “các sản phẩm của Asanzo được phân phối tại khoảng 143 điểm bán của hệ thống bán lẻ như điện máy Chợ Lớn, Nguyễn Kim, Điện máy xanh,…” Đến nay, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM vẫn chưa nhận được đơn thư khiếu nại, phản ánh nào của người tiêu dùng về sản phẩm của Asanzo.

Sở cũng đã đề nghị Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao TP HCM báo cáo về danh hiệu “Hàng VN chất lượng cao” do hội này cấp cho Công ty Asanzo. Tác động của tiền hay quyền lực đã khiến hàng TQ được gắn nhãn “hàng VN chất lượng cao”?

Bộ trưởng Bộ Công thương lệnh làm rõ ‘nghi án’ Asanzo, theo báo Thanh Niên. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vừa yêu cầu các cục, vụ, viện có liên quan như: Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường… tiến hành kiểm tra rà soát công tác quản lý nhà nước. Tổng cục Quản lý thị trường đã xác nhận sẽ tiến hành kiểm tra Asanzo trong những ngày tới.


Sai phạm khắp nơi

Công an vừa khởi tố, bắt giam 5 cán bộ tỉnh Trà Vinh gây thất thoát 120 tỷ đồng, VOV đưa tin. Nhóm cán bộ bị bắt gồm các ông Nguyễn Văn Chiến, cựu Trưởng phòng TN&MT TP Trà Vinh; Lê Hữu Lễ, cán bộ Sở TN&MT tỉnh; Lý Kiến Trung, cựu Phó phòng; Nguyễn Trọng Nghĩa, chuyên viên phòng và Trần Thanh Sơn, cựu chuyên viên, bị điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí”.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, một số cán bộ tại TP Trà Vinh đã thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai, để cho “cò” nhà đất và một số cán bộ, công chức trên địa bàn “lợi dụng sơ hở trong thực hiện chính sách và sự khó khăn của các gia đình chính sách nhằm thu lợi bất chính, làm thất thu lớn ngân sách nhà nước”.

Báo Người Lao Động có bài: Trục lợi chính sách, nhiều cựu lãnh đạo Phòng TN-MT TP Trà Vinh bị khởi tố. Các cựu cán bộ tại Phòng TN-MT TP Trà Vinh nói trên có liên quan đến vụ “mua bán chính sách” xin miễn giảm tiền sử dụng đất. Trong hơn 700 hộ chuyển mục đích sử dụng đất ở tỉnh này, họ đã câu kết với “cò” đất tìm những người là gia đình chính sách, mẹ liệt sĩ “đứng tên chuyển mục đích sử dụng đất không phải nộp thuế, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền gần 120 tỉ đồng”.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu vừa kỷ luật ba cán bộ liên quan vụ lừa đảo bán đất tại Bạc Liêu, VietNamNet đưa tin. Nhóm cán bộ này gồm các ông Mai Chí Tính, cựu Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai, ông Võ Văn Phượng, cựu Phó Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai và ông Ngô Văn Hà, cựu Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch, liên quan đến sai phạm ở Dự án Khu dân cư Nọc Nạng.

Cụ thể, đây là dự án có quy mô 11ha, do Công ty Thiên Phúc trúng thầu năm 2011, với giá hơn 63 tỷ đồng, công ty này xin điều chỉnh quy hoạch từ 294 nền lên thành 358 nền. Ngành chức năng địa phương đã có những ưu ái cho doanh nghiệp, “được cấp hàng loạt Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất”.

Chuyện ở Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Công đoàn Tiền Giang: Nhân viên văn thư “mượn” tên đồng nghiệp làm giả hồ sơ vay vốn, theo VOV.  Công an TP Mỹ Tho xác nhận, đã khởi tố cán bộ Nguyễn Tuấn Thanh để điều tra về  hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo hồ sơ điều tra ban đầu, vào tháng 3/2018, do có nợ xấu không được chấp nhận cho vay vốn ngân hàng, nên ông Thanh đã lừa mượn giấy CMND, giấy phép lái xe và làm giả giấy xác nhận công tác cùng quyết định nâng lương của ông Phan Hoàng Huân, là đồng nghiệp công tác chung với mình. Ông Thanh đã dùng hồ sơ giả mang tên ông Huân để vay vốn tại ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, Chi nhánh Tiền Giang.


Vụ giang hồ vây xe công an ở Đồng Nai

Vụ vây xe ở Đồng Nai: Người bị đánh trong quán yêu cầu khởi tố, báo Pháp Luật TP HCM. Ông Lê Võ Trường Hải, người bị nhóm cán bộ công an đánh đến mức phải khâu 13 mũi ở đầu cho biết: “Tôi bị đánh vết thương rất sâu ở vùng đầu, là vùng nguy hiểm. Tôi rất đau đầu từ hôm bị thương đến giờ và chưa thể làm việc lại được. Với những thương tích tôi yêu cầu cơ quan công an phải nhanh chóng khởi tố vụ án. Người đánh tôi là Trung tá Nguyễn Quang Trường, Đội phó Đội cảnh sát 113”.

Ông Hải cho biết thêm, ngày 17/6, “một người xưng cán bộ điều tra Công an TP Biên Hòa gọi cho ông nói sẽ lên đưa đi giám định thương tích. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy ai lên”. Ông Hải chính là người đi cùng ông Nguyễn Tấn Lương, chủ doanh nghiệp, đã gọi Giang “36”, huy động đàn em vây xe của nhóm cán bộ công an.


Tin môi trường

Trang Diễn Đàn Doanh Nghiệp đưa tin: Hải Phòng: Dân vây nhà máy phản đối gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, “quá bức xúc vì khói độc và nước thải làm ảnh hưởng đời sống nhân dân, hàng trăm người dân xã Lê Thiện đã bao vây cổng Công ty cổ phần Thương Binh Đoàn Kết, sản xuất tái chế nhựa để phản đối” trong các ngày vừa qua.

Một người dân cho biết: “Công ty nấu nhựa bốc mùi, người dân chúng tôi hít phải hơi ấy già trẻ lớn bé không chịu được. Khi hít phải hơi ấy tức ngực khó thở, đêm ngày hôm qua và ngày hôm kia họ mở hết công suất, cả làng già trẻ lớn bé không ai ngủ được”.

Dân Kim Sơn, xã Lê Thiện, An Dương, Hải Phòng vây nhà máy phản đối gây ô nhiễm môi trường. Nguồn: DĐDN

Nước thải từ nhà máy trong KCN Biên Hòa 1 đổ thẳng ra sông Đồng Nai, theo Zing. Chiều 25/6, trong buổi làm việc với ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Tổng công ty CP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) thừa nhận: Nước thải từ nhiều nhà máy trong khu công  nghiệp Biên Hòa 1 đang đổ ra sông Đồng Nai.

Ông Thưởng lưu ý: “Có thời điểm Đồng Nai là tâm điểm của vấn đề ô nhiễm môi trường liên quan đến sông Đồng Nai nên không thể lặp lại việc này”. Chỉ riêng sông Sài Gòn, một trong các chi nhánh của sông Đồng Nai, nếu bị ô nhiễm sẽ đe dọa sức khỏe của gần 9 triệu người đang sống tại trung tâm kinh tế miền Nam.

Báo Đất Việt có bài: Nhà giàu Sài Gòn sống khổ vì mùi rác tấn công. Theo bài viết, cư dân các khu đô thị ở vùng Nam Sài Gòn đang phải chịu đựng mùi hôi từ bãi rác Đa Phước. Tình hình môi trường ngày càng ô nhiễm, người giàu cũng như người nghèo, đều sẽ phải chịu hậu quả từ các nguồn đất, nước, không khí và thực phẩm bị nhiễm độc.


***


https://baotiengdan.com/2019/06/26/ban-tin-ngay-26-9-2019/

Lãnh đạo quốc phòng mới của Mỹ chủ trương chơi rắn với Trung Quốc

Báo Tuổi Trẻ
Tác giả: BẢO DUY 
26/6/2019


Ông Mark Esper, tân Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ
Mark Esper chủ trương sử dụng "vũ khí chính xác tầm xa" để đối phó với Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương, ám chỉ các tên lửa dẫn đường, và đẩy mạnh các chương trình hiện đại hóa quân đội Mỹ.
"Tân quyền Bộ trưởng quốc phòng Mark Esper sẽ là tin xấu cho Trung Quốc" - đó là dòng tít trên tờ Washington Examiner ngày 19-6.
Vài tiếng trước đó, cựu giám đốc điều hành Boeing Patrick Shanahan tuyên bố rút khỏi quá trình phê chuẩn trở thành người đứng đầu Lầu Năm Góc vì bê bối bạo hành gia đình trong quá khứ.
Với ông Esper, việc trở thành quyền Bộ trưởng quốc phòng gần như là điều bất ngờ. Bởi theo báo New York Times, Bộ trưởng Lục quân Mỹ chỉ được thông báo vài tiếng trước khi ông Trump lên Twitter loan tin ông Shanahan sẽ rời khỏi Lầu Năm Góc.
"Tôi biết Mark rất rõ và tôi tin ông ấy sẽ làm được việc", ông Trump nhấn mạnh, đồng thời tuyên bố sẽ đề cử ông Esper cho chiếc ghế ông Shanahan để lại.
Tên lửa, tên lửa và tên lửa
Tốt nghiệp Học viện quân sự West Point cùng khóa với Mike Pompeo người hiện giờ là Ngoại trưởng Mỹ, ông Esper đã có thời gian gần hai thập kỷ phục vụ trong quân đội trước khi xuất ngũ và đầu quân cho Raytheon - nhà sản xuất tên lửa Tomahawk trứ danh của Mỹ.
Cần nhớ, gần 20 loại tên lửa có trong biên chế của quân đội Mỹ là sản phẩm của Raytheon. Điều này dường như đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy chiến lược của ông Esper.
Trong khi hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ đã dần "quen mặt" với châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Biển Đông, vai trò của lục quân Mỹ vẫn còn mờ nhạt trong bối cảnh mới.
Esper, một cựu lính dù, đã cố gắng thay đổi điều này khi trở thành Bộ trưởng Lục quân. Trong bài phát biểu hồi tháng 5 năm nay tại Hội đồng Đại Tây Dương - một trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế có trụ sở tại Mỹ, ông Esper đã nói về tương lai của lục quân trong cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc.
Bộ trưởng Lục quân Mỹ lập luận châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực rộng lớn. "Chúng ta thường nói về các cuộc chiến ở chuỗi đảo thứ nhất hay chuỗi đảo thứ hai, nhưng ai mà biết chính xác chúng sẽ xảy ra ở đâu và hi vọng đối tượng mà chúng ta đối đầu không phải là Trung Quốc.
Nhưng nếu là như vậy, tôi nghĩ trong số các ưu tiên hiện đại hóa quân đội, vũ khí chính xác tầm xa phải là lựa chọn số 1".
Hệ thống pháo phản lực HIMARS được chuyển lên máy bay C-17 - Nguồn: US ARMY
Kể từ năm 2017, lục quân Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm chiến thuật "đánh nhanh, rút gọn" ở Thái Bình Dương. Sử dụng vận tải cơ C-17 để vận chuyển hệ thống Pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) đến một địa điểm cách mục tiêu trên 300km, người Mỹ tin rằng họ có thể khiến đối phương bất ngờ, tiêu diệt mục tiêu rồi rút đi trong vòng 20 phút.
Giới chuyên gia khi đó nhận định đây sẽ là lựa chọn cho Mỹ trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột trên Biển Đông.
Tấn công phủ đầu
"Triển khai các loại vũ khí từ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn dặm bằng tên lửa siêu thanh đặc biệt quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương. Chúng ta không nên chỉ quan tâm đến việc lục quân cần gì mà còn phải tính đến chuyện hỗ trợ cho cả hải quân và không quân.
Chúng ta phải hỗ trợ không quân bằng cách chọc thủng lưới phòng không của đối phương, phá hủy các sân bay. Tương tự, với hải quân, chúng ta phải giúp họ bằng cách vô hiệu hóa các hệ thống đất đối không và khiến các tàu chiến của đối phương không thể rời cảng".

Đồ họa của tờ Economist mô phỏng chiến thuật A2/AD của Trung Quốc, trong đó thể hiện các căn cứ không quân, tên lửa của Mỹ - Trung Quốc và tầm bắn, tầm hoạt động của các loại tên lửa, máy bay của Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã nỗ lực phát triển chiến thuật "chống xâm nhập/chống tiếp cận" (A2/AD). Với mục đích đẩy các lực lượng quân đội Mỹ ra khỏi đại lục càng xa càng tốt, Trung Quốc đã tập trung vào các loại tên lửa chống hạm, phòng không và đạt được những thành quả đáng kể. Một số loại được mệnh danh là sát thủ tàu sân bay, chẳng hạn DF-21.
Thêm vào đó, việc Bắc Kinh cải tạo trái phép và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông đã biến chúng trở thành các tiền đồn, đẩy quân đội Mỹ càng ra xa hơn nữa.
Cách tiếp cận của ông Esper, nếu được tiếp tục sau khi ông chính thức trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, có thể khiến chiến lược của Trung Quốc phá sản.
Theo trang Washington Examiner, nếu các vũ khí chính xác của lục quân phá hủy thành công các sân bay, cảng biển và hệ thống phòng không của Trung Quốc - kể cả các thực thể nhân tạo trên Biển Đông, hải quân và không quân Mỹ có thể hoạt động an toàn hơn, tránh được một cuộc đối đầu với lực lượng tên lửa đạn đạo tinh nhuệ của Trung Quốc.
"Lục quân phải được hiện đại hóa cùng với các nhánh khác. Bởi vì khi chúng ta hiệp đồng tác chiến trên Thái Bình Dương, chúng ta sẽ có cơ hội chiến thắng nhiều hơn", Bộ trưởng Lục quân Esper tuyên bố.

BẢO DUY

Powered by Blogger.