Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Mỹ: 4 người chết, 2 người bị thương, trong vụ xả súng gần Los Angeles

Thursday, April 1, 2021 // ,

VOA

01/04/2021


Toà nhà nơi xảy ra vụ nổ súng ở Orange, bang California, Mỹ, vào ngày 31/3/2021.


Bốn người thiệt mạng, trong đó có 1 trẻ em, trong vụ xả súng hôm 31/4 tại một tòa nhà văn phòng ở thành phố Orange, cách trung tâm Los Angeles 30 km, trước khi nghi phạm bị bắt giữ và bị thương trong một cuộc đấu súng với cảnh sát.

Đây là vụ xả súng chết người thứ ba diễn ra ở Mỹ chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Nhà chức trách hiện chưa đưa ra lời giải thích nào về động cơ của vụ nổ súng.

Trung úy Jennifer Amat của Sở Cảnh sát Orange cho phóng viên biết cảnh sát đã đến hiện trường vào khoảng 5:30 chiều, giờ địa phương, khi súng nổ và “đấu súng với nghi phạm”.

Ba người lớn và một trẻ em được phát hiện đã bị bắn chết. Hai người khác bị trúng đạn, bao gồm kẻ xả súng và đã được chở đến các bệnh viện trong khu vực. Danh tính của các nạn nhân và nghi phạm chưa được công bố.

Vụ nổ súng diễn ra trong một tòa nhà văn phòng hai tầng với nhiều doanh nghiệp. Sở cảnh sát cho biết trong một thông báo đăng trên trang Facebook rằng tình hình đã “ổn định” và không còn mối đe dọa nào đối với công chúng.

Vụ nổ súng xảy ra hơn hai tuần sau khi 8 người bị một tay súng bắn chết tại 3 tiệm spa ở Atlanta vào ngày 16/3. Sau đó, vào ngày 22/3, 10 người khác thiệt mạng khi một người đàn ông nổ súng vào một siêu thị ở Boulder, bang Colorado. Nghi phạm trong cả hai vụ xả súng đều bị bắt và được cho là hành động đơn độc.

Chia sẻ trên Twitter, Thống đốc Gavin Newsom của bang California nói vụ nổ súng mới nhất là quá “kinh hoàng và đau lòng”.  

Người biểu tình Myanmar đốt hiến pháp, LHQ cảnh báo về một ‘cuộc tắm máu’

 VOA

01/04/2021


Bản Hiến pháp năm 2008 do quân đội Myanmar soạn thảo bị đốt trên đường phố ở Yangon vào ngày 1/4/2021.


Các nhà hoạt động Myanmar đã đốt các bản sao hiến pháp do quân đội soạn thảo vào ngày 1/4, hai tháng sau khi quân đội lên nắm quyền, trong lúc một đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc tắm máu vì tình trạng đàn áp gia tăng đối với những người biểu tình chống đảo chính, theo Reuters.

Đất nước Myanmar đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của khôi nguyên Nobel Hoà bình Aung San Suu Kyi vào ngày 1/2 với cáo buộc không có cơ sở về gian lận trong một cuộc bầu cử tháng 11.

Bà Suu Kyi và các thành viên khác của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà đã bị giam giữ.

Chính quyền cáo buộc bà về một số tội danh nhỏ nhặt, bao gồm nhập khẩu bất hợp pháp 6 máy bộ đàm cầm tay và vi phạm quy định về đại dịch COVID-19, nhưng một phương tiện truyền thông trong nước đưa tin hôm 31/3 rằng bà có thể bị buộc tội phản quốc và có thể bị trừng phạt bằng cái chết.

Nhưng một trong những luật sư của bà, Min Min Soe, cho biết không có cáo buộc mới nào được công bố tại phiên điều trần về vụ của bà vào ngày 1/4. Các luật sư của bà nói rằng những cáo buộc mà bà phải đối mặt là bịa đặt.

Cảnh báo của phái viên Liên Hiệp Quốc về một “cuộc tắm máu” được đưa ra sau khi lực lượng an ninh không ngừng gia tăng đàn áp các cuộc biểu tình chống quân đội, và giao tranh bùng phát giữa quân đội và quân nổi dậy người thiểu số ở các vùng biên cương.

Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), ít nhất 538 thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, trong đó có 141 người bị giết chết hôm thứ Bảy, là ngày đẫm máu nhất trong giai đoạn đầy bất ổn này ở Myanmar.

Truyền thông cho biết thêm có hai người chết vào ngày 1/4 khi những người biểu tình quay trở lại đường phố ở một số nơi.

Có một người thiệt mạng và 5 người bị thương khi lực lượng an ninh nổ súng ở thị trấn trung tâm Monywa, tờ Monywa Gazette đưa tin.

Lực lượng an ninh cũng nổ súng ở thành phố lớn thứ hai Mandalay khiến một người thiệt mạng, vẫn theo truyền thông Myanmar.

Cuộc đảo chính cũng đã gây ra các cuộc đụng độ mới trong các cuộc chiến lâu nay ở Myanmar.

Ít nhất 20 binh sĩ thiệt mạng và 4 xe tải quân sự bị phá hủy trong các cuộc đụng độ với Quân Độc lập Kachin (KIA), một trong những nhóm nổi dậy mạnh nhất ở Myanmar, tờ DVB đưa tin.

Máy bay quân sự Myanmar bắt đầu ném bom vào những vị trí của một nhóm khác là Liên minh Quốc gia Karen (KNU), lần đầu tiên sau hơn 20 năm, khiến hàng nghìn dân làng đã phải rời bỏ nhà cửa. Nhiều người chạy sang Thái Lan.

Việc quân đội lên tiếp quản cũng dẫn đến những lời kêu gọi mới về một phe đối lập thống nhất giữa các nhà vận động dân chủ ở thành phố và các lực lượng thiểu số đang chiến đấu ở các vùng biên cương.

Các thành viên quốc hội bị lật đổ, hầu hết thuộc đảng của bà Suu Kyi, thề thiết lập một nền dân chủ liên bang nhằm giải quyết yêu cầu lâu nay của các nhóm thiểu số về quyền tự trị.

Họ cũng tuyên bố hủy bỏ Hiến pháp năm 2008 do quân đội soạn thảo nhằm bảo vệ quyền kiểm soát của họ đối với chính trị.

Quân đội từ lâu bác bỏ ý tưởng về một hệ thống liên bang, luôn coi mình là quyền lực trung tâm quan trọng để giữ sự đoàn kết trong đất nước đầy chia rẽ.

Các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy các bản sao của hiến pháp thật và cả bản sao mang tính biểu tượng đều bị đốt trong các cuộc biểu tình mà một nhà hoạt động gọi là “lễ đốt hiến pháp”.

Đặc phái viên của LHQ về Myanmar, Christine Schraner Burgene, nói với Hội đồng Bảo an LHQ gồm 15 thành viên rằng quân đội không đủ khả năng quản trị đất nước và cảnh báo tình hình sẽ còn tồi tệ hơn.

Hội đồng phải xem xét “hành động tiềm năng quan trọng” để đảo ngược tiến trình của các sự kiện vì “một cuộc tắm máu sắp xảy ra”, Reuters dẫn lời bà Burgene nói.

Hội đồng của LHQ đã bày tỏ quan ngại và lên án bạo lực chống lại những người biểu tình, nhưng không gọi việc tiếp quản của quân đội là một cuộc đảo chính, và đe dọa hành động tiếp theo do sự phản đối của Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Việt Nam.

Hoa Kỳ hôm 31/3 thúc giục Trung Quốc, nước có lợi ích kinh tế và chiến lược quan trọng ở Myanmar, sử dụng ảnh hưởng của mình để quy trách nhiệm cho những người chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính.

Trong khi các nước phương Tây lên án cuộc đảo chính, Trung Quốc có phần thận trọng hơn. Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị, kêu gọi sự ổn định trong cuộc gặp với người đồng cấp Singapore vào ngày 31/3.

Ông Vương nói Trung Quốc hoan nghênh và ủng hộ nguyên tắc lâu nay của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, mặc dù đã có những dấu hiệu cho thấy việc tuân thủ nguyên tắc đang dần lơi là.

Indonesia, Singapore, Malaysia và Philippines đều đã lên tiếng về tình hình ở Myanmar. Thái Lan đã đưa ra bình luận mạnh mẽ nhất hôm 1/4, nói rằng họ “rất bất bình” về bạo lực, kêu gọi chấm dứt và thả những người bị giam giữ. Nhưng theo Reuters, quân đội Myanmar có truyền thống không chịu áp lực từ bên ngoài. 

Nga – Trung liên kết chống phương Tây : Sự đối đầu giữa chuyên chế và dân chủ ?

 TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

RFI

Phần âm thanh 11:22
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) tiếp đồng nhiệm Nga, Serguei Lavrov tại Quý Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc ngày 23/03/2021.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) tiếp đồng nhiệm Nga, Serguei Lavrov tại Quý Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc ngày 23/03/2021. AP

Hoa Kỳ và phương Tây đồng loạt ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào Trung Quốc trong hồ sơ Duy Ngô Nhĩ. Nga và Trung Quốc cùng tuyên bố hợp tác với nhau để đẩy lùi những áp lực do phương Tây áp đặt. Một thế lưỡng cực mới đã hình thành ? Một cuộc chiến lạnh mới lại bắt đầu ?

Những gì diễn ra trong hai tuần cuối tháng Ba năm 2021 phảng phất mùi vị của một cuộc chiến tranh lạnh mới. Trong cuộc gặp cấp cao Trung – Mỹ đầu tiên tại Alaska, khẩu chiến giữa hai nước đã nổ ra. Ngoại trưởng Antony Blinken không ngần ngại chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền trong nước và có thái độ hung hăng với các nước láng giềng trong khu vực. Hoa Kỳ trách móc Trung Quốc có thái độ ngạo nghễ tin rằng thế giới mong muốn bắt chước mô hình tự do của Trung Quốc.

Đáp trả, Bắc Kinh phê phán cách hành xử « hạ cố » của Washington. Các đại diện ngoại giao cao cấp của Trung Quốc đánh giá Hoa Kỳ khó có thể « lên lớp dạy đời » các nước khác trong vấn đề vi phạm nhân quyền. Tại Anchorage, ông Dương Khiết Trì, lãnh đạo ngoại giao cao cấp nhất của Trung Quốc tuyên bố : « Tôi không nghĩ rằng đại đa số các nước sẵn sàng đi theo các giá trị phổ quát do Hoa Kỳ đề xướng […] Những nước đó cũng không sẵn sàng chấp nhận rằng các nguyên tắc do một số ít người đặt ra được dùng như là nền tảng cơ bản cho trật tự quốc tế. »

Chủ nghĩa dân tộc : Chiếc cầu nối Nga - Trung

Nói một cách rõ ràng Trung Quốc kể từ giờ có ý muốn khẳng định vị thế của mình trong những định chế quốc tế có vai trò ấn định các luật lệ, bất kể đó là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay là những cơ quan ít được biết đến, vốn dĩ có trách nhiệm xác lập các chuẩn mực công nghệ.

Trong cuộc đọ sức này, Bắc Kinh có thể trông cậy vào Matxcơva, một đồng minh mới. Hai nước có sự xích lại gần chưa từng thấy ngay từ đầu những năm 2000 sau một thời gian dài đoạn tuyệt bang giao kể từ năm 1960 và nhất là từ sau cuộc xung đột biên giới năm 1969. Trong khi đó, quan hệ Nga – Mỹ cũng như là với Liên Hiệp Châu Âu mỗi lúc một xuống cấp, giờ đang mức thấp nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ đầu những năm 1990 và nhất là kể từ khi có vụ sáp nhập bán đảo Crimée vào Nga năm 2014.

Nền tảng cơ bản cho mối quan hệ Nga – Trung là gì ? Đơn giản là một quan hệ đối tác hay là một mối liên minh bền vững ? Theo nhiều nhà quan sát, thực tế là ở giữa hai xu hướng đó. Trung Quốc thật sự không có đồng minh bên cạnh các cường quốc châu Á, Nhật Bản và Ấn Độ thù ghét Trung Quốc. Nước Nga cũng nếm mùi tương tự ở phương Tây.

Điều gì có thể kết nối hai cường quốc hạt nhân, hai thành viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An này với nhau ? Nếu việc cùng chống Mỹ và phổ biến mô hình « chế độ chuyên chế » là hai điểm chung chính, ngoài ra, theo ông Pascal Boniface, chuyên gia địa chính trị Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược, còn có cùng một yếu tố khác, không kém phần quan trọng, đó là : tinh thần « chủ nghĩa dân tộc ».

« Đó là một thứ chủ nghĩa dân tộc được định nghĩa như là chống phương Tây. Tại Matxcơva cũng như là ở Bắc Kinh, người ta chỉ trích phương Tây thống trị thế giới, họ có cái nhìn như là bị phương Tây đe dọa, là phải trả thù những nỗi sỉ nhục Trung Quốc phải gánh chịu hồi thế kỷ XIX, và Nga phải hứng lấy trong những năm 1990. Chính điều đó đã nối hai nước này lại với nhau, họ hình thành một thế liên kết chống phương Tây. »

Tin tặc : Công cụ đe dọa hiệu quả ?

Cả hai nước này ngày càng thích dùng một loại vũ khí mà Hoa Kỳ đặc biệt dễ bị tổn thương : Tấn công tin học có điều khiển nhắm những mạng lưới phức hợp mà không có chúng các công sở và các ngành công nghiệp Mỹ không thể nào vận hành.

Hẳn người ta chưa quên hai vụ tấn công tin tặc quan trọng trong những tháng gần đây. Vụ thứ nhất nhắm vào tập đoàn SolarWinds được cho là từ Nga, và vụ thứ hai đánh vào Microsoft mà Trung Quốc bị quy trách nhiệm. Theo nhà báo David Sanger, trên tờ New York Times, hai ví dụ điển hình này cho thấy rõ Trung Quốc và Nga đã sử dụng hoàn hảo đến chừng nào các công cụ kỹ thuật số cho mục đích chính trị từ 10 năm gần đây.

Một hành động đánh cắp bí mật ? Một lời nhắc nhở cho các nhà lãnh đạo Mỹ rằng họ có khả năng ngăn chận các hệ thống này và làm tê liệt đất nước ? Hay là một đòn chiến tranh tâm lý ? Chỉ có điều sự việc gợi nhắc lại những gì diễn ra thời chiến tranh lạnh : Thế giới lại một lần nữa bị phân thành hai cực.

Nếu như cuộc đọ sức năm xưa là giữa hai khối Đông – Tây, mang nặng ý thức hệ nghĩa là giữa tư bản chủ nghĩa và chủ nghĩa cộng sản, thì thế lưỡng cực ngày nay mang dáng dấp của cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, giữa độc tài chuyên chế và các nền dân chủ, giữa liên kết Nga – Trung và phương Tây, bao gồm Mỹ cùng các nền dân chủ châu Á và châu Âu.

Cũng theo David Sanger, cuộc đối đầu giữa các siêu cường hiện nay không giống với những gì trong quá khứ. Nước Nga của ông Putin đầu thế kỷ XXI chỉ là chiếc bóng của Liên Xô không hơn không kém. Tăng trưởng kinh tế của Nga chỉ tương đương với GDP của nước Ý.

Sức mạnh lớn nhất của Nga hiện nay là khả năng gieo rắc bất ổn và gieo mầm sợ hãi bằng cách sử dụng các chất độc thần kinh nhằm « bóp nghẹt » các tiếng nói đối lập mà vụ Navalny là một ví dụ điển hình. Điều đáng nể duy nhất ở tổng thống Nga hiện nay là sự bền bỉ chống cự với các biện pháp trừng phạt ngày càng đè nặng nền kinh tế đất nước.

5G : Công cụ xuất khẩu mô hình chuyên chế của Trung Quốc

Còn với Trung Quốc, để phát huy sức mạnh, Bắc Kinh thiết lập những mạng lưới bang giao mới thay vì phá hỏng những gì đã có. Liệu rằng một ngày nào đó Bắc Kinh có thể trở thành siêu cường kinh tế hàng đầu thế giới ? Liệu rằng Trung Quốc có sẽ đạt được hai mục tiêu lớn của quốc gia : có được một quân đội hùng mạnh nhất thế giới và đi đầu trong lĩnh vực công nghệ tân tiến nhất thế giới từ đây đến năm 2049, mừng 100 năm ngày lập quốc ?

Khác với Nga, để thể hiện sức mạnh, Trung Quốc không dùng đến kho vũ khí hạt nhân của mình cũng như là gia tăng kho vũ khí quy ước, Bắc Kinh khai thác triệt để nguồn lực sức mạnh kinh tế và thế mạnh công nghệ được nhà nước tài trợ để trang bị cho nhiều nước, từ châu Mỹ Latinh, cho đến Trung Đông, châu Phi và qua cả Đông Âu. Mạng 5G đẩy những nước đó ngày càng xích lại gần hơn với Bắc Kinh, và đến một lúc nào đó trở nên bị lệ thuộc vào công nghệ của Trung Quốc.

Một khi bước đi này được hoàn thành, Trung Quốc như vậy có thể xuất khẩu một phần mô hình chuyên chế, chẳng hạn như bán cho các nước khác phần mềm nhận dạng khuôn mặt. Chính vì điều này mà Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Joe Biden, người tháp tùng cùng ngoại trưởng Antony Blinken trong cuộc gặp các lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc, trong những năm gần đây từng cảnh báo rằng có lẽ sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng Trung Quốc dự định khẳng định thế thống trị bằng cách tấn công trực tiếp vào các lực lượng của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Ông từng viết như sau : « Nguyên tắc, vốn là cốt lõi của một cách tiếp cận khác, muốn rằng cường quốc kinh tế và công nghệ về mặt cơ bản có tầm quan trọng cao hơn cả cường quốc quân sự truyền thống trong việc thể hiện quan điểm của mình với phần còn lại của thế giới và rằng một vùng ảnh hưởng thật sự tại châu Á và châu Âu có lẽ sẽ không là một điều kiện cần thiết cho việc thiết lập thế ưu việt kiểu này ».

Nhân quyền : Phương cách đối phó hữu hiệu của Mỹ ?

Do vậy, trong cuộc đọ sức này, vấn đề nhân quyền đối với chính quyền Joe Biden có một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của ông. Điều này đã được tổng thống Mỹ thể hiện rõ trong suốt cuộc vận động tranh cử khi luôn tuyên bố « sự trở về của Nhân quyền trong chính sách đối ngoại của Mỹ ». Ý tưởng này được thực hiện thông qua chính sách thành lập một liên minh các nền dân chủ ở châu Á và châu Âu.

Chuyên gia về quan hệ xuyên Đại Tây Dương, bà Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc cơ quan cố vấn The German Marshall Fund of the United States (GMF) tại Paris, trên đài phát thanh France Culture nhắc lại, chủ trương này, tuy đã có từ thời Clinton và Obama nhưng cũng đã được Joe Biden một lần nữa nhắc lại trong buổi họp báo đầu tiên, sau 60 ngày đầu cầm quyền.

« Trong buổi họp báo hôm 25/3, điều gây ấn tượng chính là cái cách ông Biden mô tả cuộc cạnh tranh với Trung Quốc như là một cuộc chiến đấu mà ông ấy gọi là "lợi ích của các nền dân chủ thế kỷ XXI và các chế độ chuyên chế". Liệu rằng các nền dân chủ của chúng ta đã được trang bị đầy đủ, có sức bền để đối mặt với những thách thức của thế kỷ XXI, trên bình diện công nghệ, môi trường, vào một thời điểm mà quả thật các mô hình của Trung Quốc đang tìm cách dung hòa giữa sự chuyên chế với một hình thức phát triển kinh tế có hiệu quả, đang ngày càng trở nên có sức hấp dẫn cho một số nước trên khắp châu lục và tầm ảnh hưởng thì mỗi lúc một lớn đáng lo ngại ngay giữa lòng các định chế quốc tế. »

Vẫn theo nhà nghiên cứu này, trước thế mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc, vốn dĩ dựa trên cơ sở những giá trị hoàn toàn đối lập với những gì do Mỹ đề xuất, tân chính quyền Biden ý thức được rằng chính sách đối nội của Mỹ có một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại. Alexandra de Hoop Scheffer giải thích tiếp :

« Ở đây có những điểm mới so với chính sách đối ngoại của Donald Trump chính là việc ông Biden cho rằng để mà Hoa Kỳ có thể cạnh tranh với Trung Quốc, thì bản thân nước Mỹ cũng phải vững mạnh. Như vậy phải đầu tư trng nghiên cứu và phát triển, tái đầu tư trong công nghệ và công nghiệp Mỹ. Nỗi ám ảnh về ưu thế này, về cuộc đua giành thế ưu việt công nghệ hiện hữu khắp nơi tại Washington, bởi vì ý tưởng thật sự là gì ? Chính cường quốc nào nắm giữ được thế ưu việt trong cách tân công nghệ thì cường quốc đó hiển nhiên sẽ là siêu cường lớn nhất của thế kỷ XXI ».

Chỉ có điều trong cuộc đọ sức dài hơi này, Hoa Kỳ không thể ép buộc các nước đồng minh, châu Á hay là châu Âu phải chọn phe. Washington cũng ý thức được rằng mỗi nước có những quyền lợi riêng phải bảo vệ.

Nhưng khi tuyên bố trước các đồng cấp Liên Hiệp Châu Âu nhân cuộc họp NATO mới đây rằng « Washington không thể ép buộc các nước phải chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc », ngoại trưởng Antony Blinken đã khôn khéo nhấn mạnh đến sự đối chọi giữa dân chủ và chuyên chế.

Thực tế cho thấy là Liên Hiệp Châu Âu ít nhiều đã đi theo đường lối chính sách của Mỹ, chí ít là trong vấn đề nhân quyền như vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông , Đài Loan….

Tàu Trung Quốc đeo bám tàu chiến Canada ở Biển Đông

 RFA

2021-04-01

Tàu Trung Quốc đeo bám tàu chiến Canada ở Biển ĐôngHình minh hoạ. Tàu Calgary của Canada về cảng Victoria năm 2008.
 Ảnh chụp màn hình CBC/ The Canadian Press













Tàu chiến HMCS Calgary của Canada bị tàu Trung Quốc đeo bám khi tàu này đi qua Biển Đông trong chuyến đi của tàu từ Brunei đến Việt Nam hôm 29 và 30 tháng 3. Hãng tin CBC dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Canada cho biết như vậy hôm 31/3.

CBC dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Daniel Le Bouthillier cho biết tàu Calgary đã đi qua gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, và nói rằng đây là tuyến đường thuận tiện nhất cho tàu.

Theo CBC, giới chức Canada bác bỏ nhận định cho rằng Canada đang muốn gửi thông điệp đến Bắc Kinh khi cho tàu chiến đi qua vùng nước này.

Theo Canadian Press, một tài liệu mà cơ quan báo chí này có được cho thấy hải trình như của tàu Calgary thường được thảo luận ở cấp cao nhất trong chính phủ để được chấp thuận trước khi tiến hành.

Hồi năm ngoái, một tàu chiến khác của Canada là HMCS Ottawa cũng đi qua eo biển Đài Loan, và theo tài liệu này thì chuyến đi nhằm “cho thấy sự ủng hộ của Canada đối với các đối tác và đồng minh gần nhất của mình, đồng thời ủng hộ an ninh khu vực và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.

Đại sứ Canada tại Philippines Peter MacArthur hôm 25/3 đã viết trên Twitter rằng: “Canada phản đối những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.. làm leo thang căng thẳng và suy yếu ổn định khu vực và trật tự quốc tế dựa trên luật”.

Ông MacArthur đưa ra tuyên bố này sau khi Philippines cho biết Trung Quốc đã điều hơn 200 tàu cá đến đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa từ ngày 7/3 đến nay.

Trong năm nay, ngoài việc tàu chiến Hoa Kỳ tiến hành các chuyến tuần tra trong chương trình tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông, Pháp và Đức cũng đã điều tàu chiến đi vào Biển Đông. 

Hong Kong: Jimmy Lai và các nhà hoạt động chủ chốt bị kết tội vì biểu tình

BBC

 1 tháng 4 2021, 15:33 +07

Police lead Hong Kong pro-democracy media mogul Jimmy Lai (C) away from his home

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Ông trùm truyền thông Jimmy Lai là người sáng lập Apple Daily, thường xuyên chỉ trích giới lãnh đạo Hong Kong và Trung Quốc

Bảy trong số những nhà vận động ủng hộ dân chủ nổi tiếng nhất của Hong Kong vừa bị kết tội tụ tập bất hợp pháp liên quan đến các cuộc biểu tình lớn vào hai năm trước.

Ông trùm truyền thông Jimmy Lai và chính trị gia kỳ cựu Martin Lee là hai trong số những người bị kết tội tổ chức một cuộc tuần hành trái phép.

Cả bảy đều không nhận tội nhưng giờ vẫn phải đối diện với việc ngồi tù.

Trong khi phiên tòa diễn ra, một nhóm nhỏ người biểu tình bên ngoài tòa án cầm áp phích lên án cuộc đàn áp chính trị.

Hai nhà hoạt động khác trước đó đã nhận tội và phải đối mặt với án tù 5 năm.

Nhóm bảy nhà hoạt động sẽ bị kết án một ngày sau khi bị kết tội. Một số người trong nhóm này cũng đang phải đối mặt với các cáo buộc khác, gồm cả các tội theo luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh đưa ra để đối phó với các cuộc biểu tình lớn năm 2019. Họ cũng sẽ phải chịu các hình phạt nghiêm khắc, gồm án tù chung thân.

Sau những làn sóng biểu tình ủng hộ dân chủ, Bắc Kinh ngày càng đàn áp các quyền và tự do của thành phố này.

Vào đầu tuần này, Trung Quốc đã thông qua những thay đổi sâu rộng về các quy tắc bầu cử của Hong Kong. Những thay đổi này này sẽ cho phép các ứng cử viên phải được duyệt xét bởi một ủy ban thân Bắc Kinh.

Martin Lee and Albert Ho

NGUỒN HÌNH ẢNH,EPA

Chụp lại hình ảnh,

Martin Lee, 82 tuổi, (trái) bên ngoài tòa án trước phán quyết

Bảy nhà hoạt động đã làm gì?

Cùng với Jimmy Lai và Martin Lee, các nhà cựu lập pháp Margaret Ng, Cyd Ho Sau-lan, Lee Cheuk-yan, Albert Ho Chun-yan và Leung Kwok-hung, còn được gọi là "Tóc dài", đã bị kết tội.

Các nhà vận động nói trên bị cáo buộc tham gia vào các cuộc hội họp trái phép ngày 12 và 18 tháng 8 năm 2019, khi Hong Kong đã có những cuộc biểu tình chống chính phủ trong nhiều tháng.

Nhóm luật sư bào chữa cho họ nói rằng hiến pháp của Hong Kong bảo vệ quyền tự do hội họp, và nhà chức trách đã chấp thuận một cuộc biểu tình mà sau đó biến thành cuộc tuần hành trái phép.

Bên công tố lập luận rằng quyền tự do hội họp - dù được quy định trong hiến pháp - không phải là tuyệt đối ở Hong Kong.

Jimmy Lai là ai?

Jimmy Lai là một trong những người ủng hộ nổi bật nhất của phong trào ủng hộ dân chủ ở Hong Kong - hiện đang phải đối mặt với các cáo buộc khác theo luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh.

Với tài sản ước tính trị giá hơn 1 tỷ đôla, ông Lai đã xây dựng vốn liếng ban đầu từ ngành may quần áo và sau đó mạo hiểm sang lĩnh vực truyền thông và thành lập công ty Next Digital.

Next Digital là sở hữu chủ của Apple Daily, một tờ báo lá cải được nhiều người đọc, thường xuyên chỉ trích giới lãnh đạo Hong Kong và Trung Quốc đại lục.

Trong bối cảnh truyền thông địa phương ngày càng lo sợ Bắc Kinh, ông Jimmy Lai là một cái gai dai dẳng trước mắt Trung Quốc - qua cả các ấn phẩm lẫn bài viết của mình.

This photo taken on February 7, 2011 shows Hong Kong media tycoon Jimmy Lai outside his company's headquarters in Hong Kong. Lai,

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Mr Lai bên ngoài trụ sở công ty của mình năm 2011

Những bài chỉ trích chính quyền khiến Jimmy Lai được nhiều cư dân ở Hong Kong xem là một anh hùng, nhưng ở đại lục, ông bị xem như một kẻ phản quốc, đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc.

Được BBC phỏng vấn trước khi bị bắt hồi đầu tháng 12, Jimmy Lai nói ông sẽ không nhượng bộ trước những đe dọa.

"Nếu họ có thể gây ra cho bạn nỗi sợ, đó là cách dễ dàng và hiệu quả nhất để kiểm soát bạn và họ biết thế. Cách duy nhất để đánh bại sự đe dọa là đối mặt với nỗi sợ và đừng để nó làm bạn chùn bước."

Đầu đuôi sự việc

Anh Quốc trao lại Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997, và Luật Cơ bản được thiết lập, theo thỏa thuận bàn giao với nguyên tắc "một quốc gia, hai hệ thống".

Điều này được cho là để bảo vệ một số quyền tự do nhất định cho Hong Kong. Những quyền này gồm tự do hội họp và tự do ngôn luận, có cơ quan tư pháp độc lập và một số quyền dân chủ - những quyền tự do mà không nơi nào khác của Trung Quốc đại lục có được.

Nhưng lo ngại rằng mô hình này đang bị xói mòn dẫn đến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ lớn vào năm 2019.

Một số cuộc biểu tình trở nên bạo động và vào năm 2020, Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia gây tranh cãi trên lãnh thổ, hình sự hóa sự ly khai, lật đổ và cấu kết với ngoại bang với mức án tối đa là tù chung thân.

Bắc Kinh cho biết luật này sẽ nhắm vào "sự xúi giục nổi loạn" và mang lại sự ổn định. Kể từ khi luật được ban hành vào tháng 6, khoảng 100 người đã bị bắt, gồm cả ông Jimmy Lai. 

Tin Hải Ngoại - SGB

 BBC Tin tức

Tin Hoa Kỳ - SGB

 Hoa Kỳ

Powered by Blogger.