Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Thanh Xuân 70 năm, người Sài Gòn ai không từng ăn hủ tiếu?

Sunday, March 31, 2019 // ,
Tác giả: Lê Nam / Lưu Trần
30/03/2019

Hủ tiếu ở đây được chế biến theo kiểu hủ tiếu Nam Vang nhưng có sự biến tấu trong cách nấu nước lèo để tạo ra hương vị riêng
Những ngày cuối năm, người ta lại thích được ngồi giữa một quán ăn cũ kỹ, hoài niệm về thời 'một ngàn chín trăm hồi đó', và kể cho nhau nghe câu chuyện 'Thanh Xuân của Sài Gòn'...
Anh bạn trên Facebook hỏi tôi “Thanh xuân là gì?”. Vì bất ngờ nên tôi chỉ im lặng, và trong đầu thì ngổn ngang biết bao nhiêu suy nghĩ.
Thanh xuân là tuổi trẻ, phải không? Là những năm tháng mà chúng ta chưa từng lo sợ đánh mất bất cứ thứ gì, không gượng ép bản thân cố gắng gìn giữ một mối quan hệ hay bất cứ ai.
Thanh Xuân đơn giản chỉ là... tiệm hủ tiếu
Thanh xuân chính là khi ta thấy mình được sống tự nhiên nhất, không đắn đo, không do dự, ta can đảm vì một người mà bất chấp tất cả, hay cũng mạnh mẽ để sẵn sàng từ bỏ thứ mà mình biết không thể nắm chắc trong tầm tay…
Ai trong chúng ta cũng đều có một thời thanh xuân của riêng mình, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ chẳng thể nào có câu trả lời duy nhất đúng cho câu hỏi “Thanh xuân là gì?”.
Nhưng vốn dĩ tôi khá cứng đầu và bướng, cũng không thích đầu hàng một cách quá dễ dàng, nên thay vì nói “tao không biết”, tôi đã trả lời “Thanh Xuân là một quận ở Hà Nội” rồi tự cười thích thú khi cho rằng mình đã thắng.
Anh bạn cũng cười theo rồi nói với vẻ bí hiểm: “Ừ, ở đây cũng có những điều thú vị như vậy. Thanh Xuân ở Sài Gòn chẳng qua cũng chỉ là… tên của một tiệm hủ tiếu”.

Quán hủ tiếu Thanh Xuân nằm tại số 62 Tôn Thất Thiệp (quận 1, TP.HCM) được mở bán bởi một ông giáo già quê gốc Mỹ Tho (Tiền Giang) ẢNH: LÊ NAM
Hai đứa tôi tiếp tục câu chuyện đang nói dang dở bằng cái hẹn ở “Thanh Xuân của Sài Gòn” vào một buổi sáng muộn, cuối tháng 11. Hủ tiếu Thanh Xuân nằm tại số 62 Tôn Thất Thiệp (phường Bến Nghé, quận 1) với tuổi đời không dưới 70 năm.

Một tô hủ tiếu Thanh Xuân sẽ được ăn kèm với tôm, cua, thịt xíu, thịt băm, tim và gan heo... ẢNH: LÊ NAM
Quán nằm ngay đầu một con hẻm nhỏ, bề ngang chỉ tầm 2m. Bếp nấu nướng và chiếc tủ kiếng đựng các nguyên liệu như sợi hủ tiếu, tôm, thịt, tim, gan… cùng một dãy dài gồm ba bộ bàn ghế được chủ quán đặt sát một bên hẻm để chừa lối đi.
Khu vực vỉa hè trước mặt đường cũng được kê hai bộ bàn ghế, nhưng ít khách chọn ngồi bên ngoài, chắc người ta không thích ăn uống mà “lộ thiên” quá.

Hơn 71 năm mở cửa và trải qua 4 đời chủ, quán được nhiều thực khách nhận xét là vẫn giữ nguyên hương vị như những ngày đầu ẢNH: LÊ NAM
Minh, tên của anh bạn tôi, nói với vẻ am hiểu: “Hồi năm 1945 – 1946, có ông giáo già tên Đỗ Văn Khuê chạy giặc từ dưới Mỹ Tho lên Sài Gòn. Ổng được mấy người trong chùa Chà Và cho ở nhờ, rồi sau đó mở quán hủ tiếu bán ngay bên cạnh chùa tới giờ luôn nè”.
Tôi bắt bẻ: “Làm thế nào mày biết được những chuyện này?”, Minh khoái chí đáp: “Ba mẹ tao ăn đây, tao cũng ăn đây hoài. Cả nhà tao là khách ruột đó, tao hỏi rồi bà chủ kể mới biết chứ”.

Từ thứ 2 đến thứ 6, quán mở bán từ 6 giờ 30 sáng đến 3 giờ chiều, riêng hai ngày cuối tuần thì bán đến 9 giờ tối
Chúng tôi gọi hai tô hủ tiếu, một khô và một nước. Bà chủ với mái tóc muối tiêu đeo tạp dề rồi bắt đầu thao tác chế biến hủ tiếu, điêu luyện như đầu bếp nhà hàng năm sao.
Bà cho hủ tiếu vào cái vá lưới rồi trụng qua nồi nước đang sôi sùng sục trên bếp. Đến khi hủ tiếu vừa chín tới thì cho vào tô, xếp lên trên các thức ăn kèm như thịt xá xíu, thịt băm, tôm, tim, gan và một chút thịt càng cua.

Quán có hủ tiếu khô và hủ tiếu nước, giá 35.000 đồng/tô thường và 55.000 đồng/tô đặc biệt
Tiếp theo, bà chủ nêm thêm chút gia vị được đựng trong cái lọ nhỏ bằng thủy tinh, thêm lớp mỡ hành beo béo. Tới đoạn này, với tô hủ tiếu nước thì sẽ được chan một vá nước lèo nóng hổi, được ninh từ xương thơm lừng.
Còn tô hủ tiếu khô thì sẽ được rưới lên vá nước xốt cà chua sền sệt, nghe đâu đây chính là thứ nước xốt “bí truyền” đã tạo nên nét khác biệt cho hủ tiếu Thanh Xuân. Cuối cùng là cho thêm chút tóp mỡ, rắc hành ngò bên trên rồi mang ra để thực khách thưởng thức.
Có một điểm thú vị là hủ tiếu khô ở đây được ăn kèm với bánh Pate chaud (pa-tê-sô), một loại bánh có nguồn gốc từ Pháp nhưng được biến tấu cho phù hợp với khẩu vị người Việt.
Bánh có lớp vỏ được làm từ loại “bột nghìn lớp”, nghĩa là khi ăn sẽ thấy rõ lớp vỏ bánh có rất nhiều lớp mỏng chồng lên nhau. Nhân bánh là một hỗn hợp gồm có thịt băm, gan heo, hành tây, gia vị và một ít hạt tiêu xay nhuyễn.

Toàn bộ bánh đều do tiệm Thanh Xuân tự làm, mỗi ngày chỉ làm đúng 100 cái
Minh ăn đúng kiểu “bánh kèm hủ tiếu", khi cứ một đũa hủ tiếu thì nó lại cắn một miếng bánh Pate chaud. Tính ra một tô nó phải ăn đến 2 cái bánh mới vừa đủ. Còn tôi thì thích ăn riêng từng món, tôi không thích việc cùng cảm nhận hương vị của quá nhiều thứ cùng một lúc, điều đó khiến vị giác… bối rối.
Còn một điều khiến tôi vô cùng thắc mắc mà cũng cực kỳ thích ở đây chính là tấm biển hiệu ghi tên quán, được treo tít trên cao kia. Tấm biển cũ đến nỗi màu trắng sữa ban đầu đã chuyển dần sang màu “cháo lòng”, dòng địa chỉ nhỏ bên dưới cũng mờ mờ ảo ảo, chỉ hai chữ Thanh Xuân may ra còn đọc được.

Bà Tươi đã dành cả cuộc đời mình để gìn giữ hương vị hủ tiếu Thanh Xuân ẢNH: LÊ NAM
Bà Tươi, chủ quán Thanh Xuân, cho biết: “Cái biển nhìn vậy chứ có ông Tây đòi mua riết mà tui không bán đó. Để lại làm kỷ niệm, của ông bà, cha mẹ mình mà sao bán đi được. Còn cái tên Thanh Xuân là từ tên chồng tui mà ra, hồi xưa ổng được thương nhất nhà nên ông cụ mới lấy tên ổng là Xuân Thanh, đảo ngược là Thanh Xuân làm tên quán đó”.
Không chỉ giữ riêng cái biển hiệu, hủ tiếu Thanh Xuân còn giữ được cả hương vị lẫn linh hồn của món ăn suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Hủ tiếu Thanh Xuân là nơi xưa chốn cũ để người dân thành phố tìm về thưởng thức sự thơm ngon tròn vị của một món ăn dân dã nhưng kì công
Ông Trung Huân (55 tuổi, ngụ quận 5) tỏ vẻ hài lòng khi nói về hủ tiếu ở đây: “Tôi ăn hủ tiếu nhiều nơi nhưng không đâu có được cái vị đặc trưng như ở Thanh Xuân. Ăn từ mấy chục năm trước đến giờ, lần nào tôi cũng hài lòng vì hương vị không hề thay đổi. Đâu dễ gì tìm được một quán ăn hội tụ đầy đủ từ phong cách phục vụ, cách bày trí cho đến hương vị đều phảng phất nét đẹp của Sài Gòn xưa như ở đây”.
Gần giấc trưa nên quán cũng vắng khách, bà Tươi đứng tựa lưng vào cây cột trước hẻm, ánh mắt nhìn xa xăm, chẳng ai đoán được những suy nghĩ trong đầu bà lúc này.

"Truyền nhân" đời thứ tư của thương hiệu hủ tiếu Thanh Xuân ẢNH: LÊ NAM
Phía trong bếp, cô con gái tên Hoa Cúc (28 tuổi), người sắp là chủ nhân đời thứ tư nắm giữ thương hiệu hủ tiếu Thanh Xuân của Sài Gòn đang tỉ mỉ làm hủ tiếu cho nhóm khách vừa mới tới.
Tôi tin là chính những “mảnh ghép thanh xuân” của các thế hệ trong gia đình ông giáo già ngày trước đã viết nên câu chuyện cuộc đời đầy chân thật, bình dị và đủ đầy như tô hủ tiếu mang tên “Thanh Xuân của Sài Gòn”… ./.

''The third wife'': Bức tranh đẹp về phụ nữ Việt Nam thế kỷ XIX

// ,
RFI
Minh Anh

Một cảnh quay trong phim The Third Wife/Vợ ba của nữ đạo diễn Ash Mayfair trên màn ảnh giới thiệu Liên Hoan Quốc Tế Films des Femmes, Créteil, Pháp ngày 22/03/2019. RFI Tiếng Việt
Phim Việt Nam « The Third Wife » của nữ đạo diễn Ash Mayfair được khán giả Pháp khen ngợi ; Toutankhamon hội ngộ Paris lần cuối và Bức tượng Cậu bé « đứng tè » nổi tiếng của Bỉ bị cho là lãng phí nước. Đây là những chủ đề chính Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
Ngày thứ Sáu 22/03/2019, Liên hoan Phim Quốc tế dành cho các nữ đạo diễn (Festival Film des Femmes) lần thứ 41 chính thức khai mạc tại Creteil, ngoại ô phía đông Paris. « The Third Wife » (Cô vợ ba) của nữ đạo diễn người Việt Ash Mayfair đã được chọn mở màn cho cuộc tranh tài. Một bộ phim đẹp như bức tranh thêu là đánh giá chung của ban tổ chức và khán giả Pháp.
Nền nhạc chậm rãi, u u minh minh. Một đoàn thuyền xa xăm lặng lẽ khua chèo. Khung cảnh tĩnh lặng, bốn bề non nước. Cứ như thế từng thước phim « The Thrid Wife » của nữ đạo diễn người Việt Ash Mayfair đã đưa người xem trở về với Việt Nam của thế kỷ XIX. Một xã hội đậm chất nông thôn, với nhiều nét đẹp truyền thống và với cả những hủ tục nghiệt ngã đè nặng lên số phận con người, nhất là đối với phụ nữ.
Chuyện phim xoay quanh nữ nhân vật chính, cô Mây 14 tuổi, trở thành « vợ ba » của một điền chủ giầu có. Cô nhanh chóng hiểu ra rằng cô chỉ có thể có một vị thế trong nhà khi cho thấy khả năng có con trai. Mong mỏi này của Mây có hy vọng trở thành hiện thực khi cô bắt đầu có thai...
Nhân vật cô Mây như một sợi chỉ tơ dẫn dắt người xem từng bước khám phá cuộc sống thường nhật của những thân phận phụ nữ khác nhau trong một xã hội Việt Nam nặng tính truyền thống mà ở đó, bi kịch không chừa một giai cấp nào.
Đến với liên hoan phim lần này, The Third Wife tranh hạng mục phim hư cấu. Những tình tiết hư cấu nhưng được lấy cảm hứng từ một câu chuyện thật, như giải thích của đạo diễn Ash Mayfair trong một thông điệp video gởi đến người xem trong đêm khai mạc : « Đây là một câu chuyện có thật, chuyện về gia đình tôi, về những người phụ nữ trong gia đình. Những câu chuyện về cụ ngoại, bà ngoại và mẹ tôi. Chính họ đã mang lại cho tôi nguồn cảm hứng về các nhân vật cho bộ phim này. »
Với bà Jackie Buet, đồng sáng lập và là giám đốc Festival Film des Femmes, ngay từ những thước phim đầu tiên, đạo diễn Ash Mayfair đã chinh phục được cảm tình của khán giả : « Tôi nghĩ rằng đây là một bộ phim lớn, vừa trong cách dàn dựng, tức là cách thực hiện. Đây thật sự là công việc của một nhà điện ảnh. Bởi vì nữ đạo diễn đã viết nên bộ phim này bằng những hình ảnh. Quả thật là chúng ta đã ở trong một thế giới điện ảnh.
Hai không gian, câu chuyện cá nhân và câu chuyện về một đất nước mang nặng tính truyền thống, được lồng vào nhau. Đây quả là một sự kết hợp tài tình. Chính vì vậy mà hình ảnh con tằm nhả tơ, vừa là sợi kéo thời gian, nhưng cũng vừa dệt nên thân phận của từng con người, một định mệnh một xã hội, những số phận hòa quyện vào nhau, nhưng không hẳn hài hòa. Đây thật sự là bộ phim đậm tính triết lý, siêu hình và giầu chất thơ, bởi vì hình ảnh rất đẹp ! »
Đối với những ai đã từng có dịp đến Việt Nam, hình ảnh non nước tại động Hoa Lư, Ninh Bình, Vịnh Hạ Long trên cạn, như cách gọi của hai nữ khán giả Pháp, The Third Wife đã thật sự gợi nhớ lại những kỷ niệm đẹp về những nơi họ đã đi qua tại Việt Nam.
« Ngay đúng chỗ này, tại Vịnh Hạ Long trên cạn năm 2017. Chúng tôi đã đến đúng địa điểm ở đó phụ nữ chèo thuyền bằng chân. Tôi hơi tiếc là họ không cho thấy rõ những hình ảnh đó, những người phụ nữ chèo thuyền bằng chân rất là đặc trưng, thật là tuyệt vời. Tiếc là hình ảnh này chỉ được chiếu ở một góc ảnh khá xa vào cuối phim ».
Nhịp phim chậm rãi đều đều từ đầu đến cuối nhưng không vì thế mà The Third Wife không lôi cuốn khán giả. Một nữ khán giả Pháp thổ lộ : « Chúng tôi rất thích bộ phim này. Ánh sáng đẹp, phim quay rất hay. Người xem thấy rõ được hình ảnh của người phụ nữ. Quả thật đây là một câu chuyện hay về những thân phận khác nhau của người phụ nữ trong cùng một xã hội ở những vị trí khác nhau. Người xem có thể hình dung ra nhiều điều về các tập tục Việt Nam. »
Ngoài nội dung câu chuyện, kỹ thuật chọn cảnh quay, đôi khi khá táo bạo trong khung cảnh một xã hội Việt Nam nặng nề phong kiến, cho đến cả cách chọn ánh sáng và góc quay đã thật sự mê hoặc người xem. Một bộ phim đẹp, một câu chuyện hay, một chân dung rõ nét về thân phận người phụ nữ Việt Nam thế kỷ XIX là những nhận xét chung của khán giả Pháp dành cho The Third Wife.

« Toutankhamon » hội ngộ Paris lần cuối
Bạn muốn tìm hiểu về các cổ vật thời pharaon cổ đại ? Mời các bạn cùng với Tạp chí Thế giới Đó đây đến Cité des Enfants La Villette, tại Paris khám phá kho báu nổi tiếng của vị hoàng đế Ai Cập Toutankhamon. Xin lưu ý đây sẽ là cơ hội cuối cùng cho những ai chưa từng được ngắm hay muốn tìm lại cảm giác phiêu lưu của các nhà khảo cổ học người Anh năm xưa. Bởi vì, sau vòng « công du » thế giới này, Toutankhamon và kho báu của ông sẽ vĩnh viễn không bao giờ rời Ai Cập nữa.
Sau Los Angeles, Toutankhamon và khoảng 150 cổ vật quý giá của ông đã chính thức ra mắt công chúng Pháp từ hôm 23/03. Cuộc triển lãm kéo dài cho đến hết ngày 15/09/2019 và được trải dài trên một diện tích rộng 2.000m². Đây chỉ là một phần nhỏ trong số 5.500 cổ vật được nhà khảo cổ học người Mỹ Howard Carter phát hiện vào năm 1922 từ một hầm mộ chưa bao giờ bị xâm phạm tại khu Thung lũng các vì vua.
Dưới nền ánh sáng mờ mờ ảo ảo, người xem có dịp chiêm ngưỡng các vật dụng tháp tùng cùng với vị vua trẻ trong chuyến lữ hành sang bên kia thế giới : Từ những chiếc rương, trang sức, lọ hoa, cho đến các vật dụng hàng ngày, tất cả đều bằng vàng ròng.
Bộ trưởng Ai Cập về Cổ Vật ông Khaled El Anany cảnh báo : « Đây sẽ là chuyến du hành cuối cùng của Toutankhamon tại Paris. Ai Cập đã xây xong một bảo tàng cực kỳ lớn, gần với khu Kim Tự Tháp ». Bảo tàng mới cho Toutankhamon dự kiến sẽ mở cửa cho công chúng vào năm 2020.

Mặt nạ Toutankhamon tại bảo tàng Ai Cập, Cairo ngày 24/01/2015.REUTERS
Với Paris, đây là lần thứ hai và cũng là lần sau cùng người dân nước Pháp hội ngộ Toutankhamon. Cuộc triển lãm lần thứ nhất được tổ chức cách nay 50 năm đã thu hút hơn 1,2 triệu lượt người xem. Một « cuộc triển lãm thế kỷ », báo chí Pháp thời đó đã từng mệnh danh như thế. Liệu rằng trong cuộc triển lãm sau cùng, Toutankhamon có giúp phá được kỷ lục cũ hay không ? Hạ hồi phân giải. Chỉ biết rằng ngay ngày đầu mở cửa hơn 150.000 vé đã được bán ra.
Bỉ : Tượng Manneken-Pis phải « tè » tiết kiệm nước hơn
Đến thăm nước Bỉ, không một du khách nào có thể bỏ qua Manneken-Pis, tượng bé trai đứng « », một công trình kiến trúc nổi tiếng nhất thủ đô Bruxelles. Một biểu tượng của sự hóm hỉnh và độc lập tư duy của người Bỉ. Tuy nhiên, mới đây, chính quyền thành phố Bruxelles thông báo Manneken-Pis sẽ là một đại sứ « môi trường ».
Vì sao Bruxelles lại có ý tưởng này ? Mọi việc bắt nguồn từ một câu hỏi : Từ bốn thế kỷ qua, mỗi ngày Manneken-Pis « » ra bao nhiêu lít nước ? Nước thải ra có được tái sử dụng hay không ? Le Figaro cho biết, để trả lời cho câu hỏi này, năm 2018, một nhân viên kỹ thuật của đã nảy sinh ý tưởng lắp một đồng hồ nước để biết chính xác lưu lượng của Manneken-Pis. Người này phát hiện ra rằng mỗi ngày cậu bé « » từ 1.500 – 2.000 lít nước sạch có thể uống được.

Bức tượng Manneken - Pis nổi tiếng ở Bruxelles, Bỉ.RFI Tiếng Việt
Mức lưu lượng này tương đương với mức tiêu thụ nước của bốn hộ gia đình trong ngày. Tuy nhiên, theo giải thích của anh Régis Callens, người đưa ra sáng kiến này với tờ báo La Derrnière Heure, lượng nước thải ra có thể tương ứng với 10 hộ gia đình « nếu nhìn vào chi phí trả hàng năm ».
Một điểm quan trọng khác cho thấy là bức tượng Manneken-Pis đã thật sự lãng phí nước. Từ bao lâu nay, tòa thị chính Bruxellex vẫn cứ nghĩ rằng vòi phun nước « đặc biệt » này hoạt động theo một vòng khép kín. Trên thực tế, nhóm kỹ sư phát hiện ra Manneken-Pis không hề có hệ thống thu hồi nước thải ra. Như vậy, mỗi ngày thành phố Bruxelles mất từ 1.500 – 2.000 lít nước một cách vô ích.
Trong trường hợp này, chính quyền thành phố Bruxelles đã xử lý ra sao ?
Dù biết rằng lượng nước thải này chỉ là một giọt nước trong bể hệ thống nước thải của Bruxelles, nhưng trong bối cảnh khẩn cấp bảo vệ môi trường hiện nay, chính quyền thành phố không để xảy ra một tình trạng như thế. Tòa thị chính Bruxelles trong tuần rồi đã quyết định lắp một hệ thống máng nước cho phép nước « tè ra » tái cung cấp nước cho vòi phun. Một hệ thống tạm thời trong lúc chờ một giải pháp triệt để và tôn trọng cảnh quan công trình.
Le Figaro lưu ý là cho dù mức thải nước của Manneken-Pis chỉ tốn khoảng vài trăm euro mỗi năm cho thành phố, nhưng quyết định can thiệp của thành phố rất được người dân hưởng ứng. Nhất là trong những tuần qua giới trẻ Bỉ đã rầm rộ xuống đường vì môi trường và kêu gọi chính phủ phải có các chính sách hành động. Quản lý nguồn nước hiện nay đang là một trong số thách thức « môi sinh » lớn cho các chính phủ.
Belgium/Brussels (Manneken,Jeanneke and Zinneke Pis) Part 8

Powered by Blogger.