Tin Việt Nam – 31/03/2019
Sunday, March 31, 2019
6:45:00 PM
//
Slider
,
Tin Việt Nam
Vụ nữ sinh Hưng Yên bị bạo hành:
dư luận phẫn nộ khiến Bộ Giáo dục vào cuộc
Bạo lực học đường, cụ thể là vụ một nữ sinh bị nhóm bạn bạo hành ở tỉnh Hưng Yên, đang là chủ đề gây bão trong dư luận Việt Nam.
Hôm 29/3, truyền thông Việt Nam đưa tin một nữ sinh lớp 9 ở trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, đã bị một nhóm bạn nữ cùng lớp bạo hành, lột quần áo và quay clip.
Hai ngày sau, 31/3, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã cùng lãnh đạo Hưng Yên về làm việc với lãnh đạo trường Phù Ủng.
Vụ việc được cho là xảy ra hôm 22/3 sau giờ học vì một ‘mâu thuẫn nhỏ’. Em N.T.H.Y bị năm bạn nữ đánh đập nhiều lần vào vùng mặt, và lột quần áo ngay trong lớp học mà không có sự can ngăn của giáo viên hay các học sinh khác.
Theo lời ông Nguyễn Văn Doanh, chú ruột của nạn nhân H.Y, sau khi sự việc xảy ra, em H.Y bị bất ổn về tinh thần và đang được điều trị tại Bệnh viện tâm thần Hưng Yên, báo Việt Nam đăng tải.
Ông Doanh cũng cho biết “gia cảnh cháu H.Y. khá éo le, cả bố và mẹ cháu đều sức khỏe yếu, tâm lý không bình thường,” theo tờ Người Lao Động.
Đây được cho không phải là lần đầu đã xảy ra chuyện em H.Y bị đánh và bắt nạt tại trường.
Các cơ quan chức năng đã làm gì?
Ngày 25/3, Ban Giám hiệu trường THCS Phù Ủng đã họp hội đồng kỷ luật, mời các gia đình lên làm việc và đình chỉ học năm em tham gia đánh bạn 4-5 ngày.
Nhà trường cũng yêu cầu các em học sinh trên xóa clip để không ảnh hưởng đến hình ảnh của em H.Y.
Hôm 27/3, sau khi xem clip cháu gái bị bạo hành dã man, ông Doanh đã làm đơn trình báo cơ quan chức năng.
Ngày 30/3, UBND huyện Ân Thi quyết định tạm dừng công tác điều hành đối với ông Nhữ Mạnh Phong, Hiệu trưởng THCS Phù Ủng và bà Hoa Thị Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A để “làm rõ vụ việc”.
Ngày 31/3, đi cùng đoàn tác do Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu xem xét làm quy trình cách chức toàn bộ toàn bộ Ban giám hiệu nhà trường vì “bao che”.
“Đối với giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ xử lý bằng hình thức nặng hơn vì vì không nắm được tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tâm lý học sinh,” theo Zing News.
Bộ trưởng Nhạ nói tại buổi làm việc: “Đây là sự việc đau lòng, người lớn sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Mạng xã hội nói gì?
Facebooker Nguyễn Thanh Bình bày tỏ sự phẫn nộ trong một bài viết có tựa đề “Nền giáo dục thối nát”.
“Tôi giận run người khi xem clip một em học sinh nữ lớp 9 ở Hưng Yên bị 5 bạn học cùng lớp lột sạch áo quần và đánh tập thể ngay ở trong lớp đến mức phải nhập bệnh viện tâm thần, trong khi còn nhiều bạn đứng xung quanh xem và quay clip để tung lên mạng. Không một đứa nào thấy thương xót, không một ai vào can ngăn.
“Vì sao nên nỗi? Giận nhóm học sinh đánh bạn một thì giận cả đám bạn đứng xem đó mười. Một xã hội vô cảm, không một ai biết động lòng đến nổi đau người khác, thậm chí còn xem đó là một niềm vui.
“Hệ quả của một nền giáo dục bao biện, che đậy, thối nát. Cô quan hệ với học sinh dưới 16 tuổi đáng ra phải đi tù thì vẫn để đi dạy vì nhân văn ??? Gian lận thi cử tràn lan, tước đi quyền lợi chính đáng của những em học hành nghiêm túc, họ cũng ỉm đi vì nhân văn ??? Thế nào là nhân văn ? Nhân văn thế này thì giáo dục đi về đâu ? Xã hội đi về đâu ? Thối nát!”
Nhà báo Trương Huy San thì bình luận về sự cần thiết phải khởi tố vụ án và các bị can.
“Khởi tố vụ án và khởi tố các bị can trong vụ này là cần thiết nhằm gửi đi một thông điệp mạnh mẽ chống bạo lực trong nhà trường. Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì “người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự,” nhà báo Trương Huy San viết trên Facebook hôm 31/3
“Ngoài lý do thiếu nền tảng về đạo đức, rất có thể các học sinh hành hạ bạn học của mình ở đây đã không ý thức được rằng, các cháu đang phạm tội (cố ý gây thương tích và làm nhục người khác). Các cháu có thể cũng không nhận ra hành động có tổ chức có thể trở thành tình tiết tăng nặng thay vì suy nghĩ đơn giản, thấy bạn làm được thì mình làm cũng được. Nếu chỉ hai đứa trẻ với nhau, dù có xích mích và có đánh nhau cũng không dã man như cách mà chúng ta nhìn thấy trong nhiều clips đám trẻ “bề hội đồng”.
“Tuy nhiên, Toà không nên áp dụng hình phạt tù hay đuổi học mà chỉ nên cảnh cáo. Rất tiếc, luật pháp VN đã bỏ mất hình phạt bổ sung, “lao động công ích”. Theo tôi, Toà nên đưa ra phán quyết để thành “án lệ”, buộc các cháu, Hè hoặc trong các ngày nghỉ phải dọn vệ sinh ở nơi
công cộng. Tốt nhất là buộc các cháu, từ nay tới hết năm học phải đảm bảo dọn sạch như lau tất cả các nhà vệ sinh trong trường.
Kỷ luật các thầy cô cũng nên “cá nhân hoá” trách nhiệm thay vì “cách chức cả ban giám hiệu”.
Bà Thu Hà, cựu nhà báo tờ Hoa Học Trò, viết dòng trạng thái phân tích về văn hóa “chèn ép, hành hạ người yếu thế” trong môi trường học đường, trước một bài báo nói ông hiệu trưởng nói em H.Y bị bắt nạt có thể vì “quá hiền”.
“Vụ việc nữ sinh lớp 9 bị đánh và lột đồ trong lớp, quay phim đưa lên mạng, không chỉ gây phẫn nộ, mà là ghê tởm. Đánh đập, chèn ép, hành hạ người yếu thế, chỉ nên có ở loài vật.”
“Rất nhiều thầy cô giáo vẫn quan niệm việc bắt nạt không nguy hiểm bằng việc HS đi trễ, nói chuyện trong lớp, hay bài kiểm tra điểm kém, vì nó trực tiếp ảnh hưởng xếp hạng thi đua của lớp.
“Và thầy cô cũng bực bội ra mặt với những học sinh yếu. Cách ứng xử đó làm cả lớp ngầm hiểu là HS yếu sẽ không được bênh vực, sẽ xứng đáng bị “dạy dỗ”.
“Giáo dục cần thời gian gột rửa sâu, mổ xẻ để sắp xếp lại.
“Việc định giá, xếp hạnh thứ tự cái gì nghiêm trọng, cái gì bình thường, cái gì cần giáo dục…
“Nhà trường không thể là môi trường dung dưỡng cái ác, để cho cái ác nảy nở và phát triển,” bà Thu Hà viết.
Cựu PCT Thanh Hóa, bị kỷ luật,
được về lại Sở Xây Dựng
Cựu phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa bị cách chức vì ‘nâng đỡ không trong sáng’ nữ nhân viên được đưa về lại Sở Xây Dựng. Đó là trường hợp Ông Ngô Văn Tuấn, người bị cách chức ngày 18 tháng 1 năm ngoái bởi lý do ‘vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác bổ nhiệm cán bộ’.
Tin từ trong nước loan đi ngày 31 tháng 3 cho biết Sở Xây Dựng nơi Ông Ngô Văn Tuấn từng làm giám đốc xin cho ông về làm việc lại.
Vào tháng 12 năm 2017, Ông Ngô Văn Tuấn bị Ban Bí Thư Trung ương đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật cảnh cáo cách hết các chức vụ trong đảng.
Sang tháng giêng, thủ tướng chính phủ Hà Nội ký quyết định cách chức phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa của ông Ngô Văn Tuấn nhiệm kỳ 2016-2021.
Sai phạm của Ông Ngô Văn Tuấn liên quan đến vụ ưu ái, nâng đỡ bà Trần Vũ Quỳnh Anh khi ra quyết định thăng chức một cách tùy tiện, vi phạm những nguyên tắc đã có trong công tác này.
Truyền thông trong nước từng dùng từ ‘hot girl’ cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh, và việc nâng đỡ bà này được gọi là ‘không trong sáng’. Bà này được nói không có trình độ chuyên môn, không qua thi tuyển công chức; nhưng liên tục được cất nhắc một cách ‘thần tốc’ và chức vụ cao nhất là trưởng phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây Dựng Thanh Hóa.
Giáo dân Song Ngọc sẽ xuống đường
nếu Trung Cộng được chọn làm đường cao tốc Bắc Nam
Tin từ Nghệ An, Ngày 31/3/2019, Linh mục Nguyễn Đình Thục và các giáo dân thuộc giáo xứ Song Ngọc (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) tuyên bố rằng họ sẽ xuống đường biểu tình nếu nhà cầm quyền CSVN lựa chọn nhà thầu đến từ Trung Cộng để xây dựng dự an đường cao tốc Bắc Nam.
Sáng Chúa nhật ngày 31/3, tất cả giáo dân của giáo xứ đã tụ tập tại nhà thờ để làm lễ và sau đó tổ chức cuộc biểu tình trong khuôn viên của nhà thờ với những khẩu hiệu như “Không ai được thờ ơ với vận nước” và “Nếu chính phủ tự ý để nhà thầu Trung Quốc làm đường cao tốc Bắc-Nam, chúng tôi sẽ xuống đường phản đối” hoặc “Tẩy chay các dự án đầu tư từ Trung Quốc.”
Trên trang Facebook Người Song Ngọc, linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết giáo xứ Song Ngọc hoàn toàn ủng hộ “Bản tuyên bố về dự án đường cao tốc Bắc Nam”được ký bởi hàng chục tổ chức xã hội dân sự và hàng trăm cá nhân với nội dung phản đối việc cho nhà thầu Trung Cộng xây dựng công trình quan trọng về kinh tế-quốc phòng.
Tuyên bố của giáo xứ Song Ngọc cũng là sự ủng hộ đối với một số nhân sỹ trí thức, những người trong tuần có phát biểu trên mạng xã hội rằng họ sẽ tuần hành để phản đối nếu nhà cầm quyền cộng sản làm ngơ an ninh quốc gia và để cho nhà thầu Trung cộng làm dự án này.
Song Ngọc là một giáo xứ nơi người dân thường xuyên bị đàn áp, sách nhiễu bởi nhà cầm quyền địa phương và nhóm Cờ Đỏ, một nhóm khủng bố được sự trợ giúp của chính quyền nhằm chia rẽ bà con giáo dân và những người dân khác. Tuy nhiên, linh mục và giáo dân có ý thức rất cao về nhân quyền, dân chủ và chủ quyền của đất nước.
Quốc Tuấn
Người Việt Nam đi du lịch vừa mất tiền
vừa bị coi thường vì các hành vi “xấu xí”
Tin Vietnam.– Báo Vietnamnet ngày 30 tháng 3 năm 2019 loan tin, trong năm 2018, Việt Nam có gần 10 triệu người đi du lịch ngoại quốc, và con số này đang tăng mạnh hàng năm.
Tại diễn đàn Du lịch Outbound Việt Nam- cơ hội và thách thức, ông Phùng Quang Thắng, giám đốc công ty lữ hành Hanoirtourist nói rằng, năm 1998, bản thân ông chứng kiến cảnh nhiều người Việt đổ xô đi làm sổ thông hành để đi du lịch ngoại quốc. Lúc này, nhiều ý kiến của viên chức Cộng sản đã bày tỏ lo lắng, người dân đi du lịch sẽ làm “chảy máu ngoại tệ” ra ngoại quốc.
Đến nay, ông Ngô Hoài Chung, Phó trưởng cơ quan Du lịch Cộng sản nhận định, hiện nay, du lịch ngoại quốc đã góp phần cho người dân Việt Nam tăng cường hiểu biết, nâng cao dân trí, tìm kiếm cơ hội đầu tư, những người Việt đi du lịch ngoại quốc về đều cư xử văn minh hơn. Tuy nhiên, hình ảnh những người Việt đi du lịch ngoại quốc có những hành vi “xấu xí” cũng không ít.
Ông Chung nói rằng, khách du lịch Việt rất tuân thủ các yêu cầu khi đến các điểm tham quan, danh thắng, nhưng khi về tới khách sạn thì “hiện nguyên hình” nhiều thói xấu. Việc khách du lịch Việt bỏ trốn bất hợp pháp ở nước sở tại, và các hình ảnh phản cảm như hút thuốc nơi bị cấm, xả rác bừa bãi, ồn ào, ăn cắp vặt, chen lấn và nhiều hành vi xấu xí khác khiến người ngoại quốc có cái nhìn thiếu thiện cảm về du khách Việt.
Vì vậy, năm 2019, cơ quan Du lịch sẽ xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho người Việt khi đi du lịch ngoại quốc.
An Nhiên
Ủy ban LHQ chỉ trích VN đàn áp các quyền tự do,
vi phạm nhân quyền
Lisa Schlein
GENEVA — Một tổ chức giám sát của Liên Hiệp Quốc chỉ trích điều mà họ nói là Việt Nam đàn áp các quyền tự do căn bản và xphạm thô bạo các quyền con người, bao gồm tra tấn và hành quyết đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Ủy ban Nhân quyền LHQ, có nhiệm vụ theo dõi việc thực thi Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, đã xem xét hồ sơ của sáu quốc gia, bao gồm Việt Nam trong đợt kiểm điểm mới nhất.
Ủy ban dành nhiều lời khen ngợi cho những thành tựu kinh tế của Việt Nam, nhưng cũng có nhiều lời chỉ trích về điều mà họ xem là một hệ thống quản trị mang tính ngược đãi. Ngoài ra, họ cũng lo lắng về xu hướng gia tăng trấn áp những người nhà bảo vệ nhân quyền
Thành viên ủy ban Marcia Kran nói những người bảo vệ nhân quyền bị sách nhiễu, tấn công và bị giam giữ mà không được cho tiếp xúc với ai trước phiên tòa xét xử. Bà nói rằng một số người lãnh án tù nhiều năm dựa trên những cáo buộc ngụy tạo, và một số người cũng bị ngược đãi trong khi bị giam cầm.
Một lĩnh vực khác mà Ủy ban lo ngại là số lượng án tử hình và những vụ xử tử được nói là khá cao ở Việt Nam. Ủy ban nhận được báo cáo cho biết 85 người đã bị xử tử vào năm ngoái. Bà Kran lưu ý các tội chống lại nhà nước, các tội liên quan đến ma túy, kinh tế và các tội khác đều có mức hình phạt là tử hình.
“Tình hình là số lượng và danh tính của những người bị kết án tử hình được nhà chức trách giữ bí mật. Điều này có nghĩa là những người bất đồng chính kiến có thể bị nhắm mục tiêu và bị kết án tử hình mà không qua trình tự pháp lí. Những người khác đã chết trong tù và chúng tôi có nghe những báo cáo cho biết những cái chết này sau đó được nhà chức trách nói là tự sát,” bà Kran nói.
Ủy ban gồm các chuyên gia về nhân quyền kêu gọi một lệnh cấm áp dụng tử hình hoặc bãi bỏ án tử hình.
Trước đó trong tháng 3, phái đoàn Việt Nam đã bênh vực thành tích nhân quyền của mình trước Ủy ban tại Geneva trong một phiên xem xét Báo cáo Quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị.
Các đại diện của Việt Nam phần lớn không đi vào chi tiết khi các chuyên gia chất vấn về những vấn đề cụ thể. Trưởng phái đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, có lúc tỏ vẻ mất kiên nhẫn với phần chất vấn vì ông cho rằng các thành viên ủy ban “không hiểu hết pháp luật của Việt Nam và những sự tiến bộ của pháp luật Việt Nam, vẫn dựa vào những thông tin không chính thống.”
Nhưng ông nói thêm Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách pháp luật và tư pháp để cố gắng đạt nhiều thành tựu tốt hơn trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong thời gian tới.
Ủy ban nói họ nhận thấy chính phủ Việt Nam đang đạt tiến bộ trong việc thông qua những luật mới. Bà Kran nói với VOA một số luật đã được thông qua dường như là để bảo vệ nhân quyền.
“Có một luật mới về buôn người cấm lao động cưỡng bức. Thực tế là năm 2017, đã có sửa đổi luật về trợ giúp pháp lí. Vì vậy, nó đã mở rộng danh sách những người có thể tiếp cận trợ giúp pháp lí. Ngoài ra còn có việc sửa đổi bộ luật hình sự và bộ luật tố tụng hình sự về quyền được tiếp cận luật sư ở tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự.”
Bà Kran nói khung pháp lí cho thấy một số dấu hiệu cải thiện trên giấy. Nhưng bà lưu ý những luật này không được áp dụng trên thực tế.
Trong bản nhận xét tổng kết đăng tải hôm thứ Năm, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nêu ra một loạt những lo ngại về nhiều vấn vấn đề nhân quyền của Việt Nam mà họ đã xem xét, đồng thời đưa ra những khuyến nghị để cải thiện.
Việt Nam được yêu cầu cung cấp thông tin về việc thi hành những khuyến nghị này, chủ yếu tập trung trong ba lĩnh vực là án tử hình, quyền tự do biểu đạt, và những người bảo vệ nhân quyền, đến trước ngày 29 tháng 3, 2021.
VOA Tiếng Việt đóng góp thông tin trong bản tin này.
BÀI LẢNG
Blogger Nguyễn Tường Thụy
Cho đến bây giờ thì ai cũng tin rằng nhà báo Trương Duy Nhất bị bắt ở Thái Lan, hiện đang bị giam ở trại T16 và gia đình đã đến thăm. Thế nhưng mọi thông tin về phía nhà cầm quyền Việt Nam thì không có gì để khẳng định ông đã bị bắt.
Thật vậy, trong cuộc họp báo ngày 25/3, báo chí đặt ra câu hỏi về thông tin trên mạng xã hội nói Trương Duy Nhất bị bắt, thực hư thế nào.
Tuy nhiên phần trả lời của trung tướng Trần Văn Vệ, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chỉ nói Trương Duy Nhất đã có vi phạm này nọ trong vụ án Vũ Nhôm, chứ không xác định ông đã bị bắt hay chưa. Tức là hỏi một đằng, trả lời một nẻo.
Có lẽ cái khó của câu hỏi này không phải là việc Trương Duy Nhất bị bắt hay chưa mà ở chỗ, khi đã xác nhận bắt Trương Duy Nhất thì họ sẽ phải trả lời những câu hỏi tiếp theo như về quyết định bắt, quyết định khởi tố bị can và đặc biệt là bắt ở đâu, bắt như thế nào? Tại sao Trương Duy Nhất đang ở Thái Lan mà tự nhiên lại có mặt ở VN?
Không thể nói bắt ở Đà Nẵng vì ai cũng biết Trương Duy Nhất đã sang Thái Lan, đã có hình ảnh khi ông đến Văn phòng Cao ủy về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở Bangkok. Nhưng nói bắt ở Thái Lan thì ai bắt? Còn nói ông về VN nước đầu thú thì kịch bản Trịnh Xuân Thanh về đầu thú đã quá ê chề.
Vì vậy, tốt nhất là lờ đi chuyện bắt Trương Duy Nhất mà xoay sang kể tội ông trong vụ án Vũ Nhôm.
Tóm lại, cho đến nay, Bộ CA không có lời nào xác nhận đã bắt Trương Duy Nhất hay xác nhận ông đang bị giam ở T16 như nhiều trang báo đã đăng.
Việc hỏi một đằng, trả lời một nẻo thường được các lãnh đạo, quan chức Việt nam sử dụng trong các trường hợp “nhạy cảm”. Nhạy cảm ở đây có thể hiểu là những việc có thật, nhưng nói ra thì lại là những việc không đúng, không phải, không hay. Tóm lại, nói “nhạy cảm” là cách nói khác nếu không muốn nói là “bí”.
Tức là trả lời mà như không trả lời vậy.
Ví dụ, mỗi khi Trung Quốc có hành động xâm phạm chủ quyền của VN, phóng viên đặt ra câu hỏi về phản ứng của VN. Thay vì phản đối, Người phát ngôn Bộ ngoại giao thường nói “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa”. Đó là lối nói chẳng chết ai, chẳng làm mếch lòng ai, còn công luận chẳng biết VN phản đối hay đồng tình.
Hoặc khi báo chí nước ngoài hỏi ông Nông Đức Mạnh về tin đồn ông là con ông Hồ Chí Minh, ông Mạnh trả lời: “Ở Việt Nam ai cũng là con cháu Bác Hồ”, một lối trả lời chẳng liên quan gì đến câu hỏi.
Bản thân tôi đã nhiều lần bị bắt vào đồn công an. Khi tôi hỏi điều tra viên về lý do bắt tôi – đó là câu hỏi khó thì thường nhận được câu trả lời: “Tại sao chúng cháu ‘mời’ chú vào đây còn những người khác thì không. Nó phải có lý do gì chứ”. Nếu bị vặn hỏi thì họ nhanh chóng chuyển sang nội dung khác.
Bài lảng cũng được cán bộ tiếp dân thường xuyên áp dụng.
Tiếc rằng việc lảng tránh, hỏi một đằng, trả lời một nẻo lại được cho là sự khôn khéo trong ngoại giao, còn phóng viên thì “tế nhị”, không nỡ căn vặn đến cùng. Nó thể hiện lối làm việc không đàng hoàng, minh bạch. Nó không làm cho người quan tâm thỏa mãn thông tin mà bị ức chế, hoài nghi. Điều này thường xảy ra ở đất nước có quá nhiều bí mật. Dĩ nhiên, bí mật ấy là của nhà cầm quyền chứ nó chẳng phải nằm trong danh mục bí mật quốc gia được ghi trong luật pháp.
Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Đại tự, tượng đá, chuông đồng và ngộ
Đồng Phụng Việt
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang mắc đại nạn. Scandal Đại đức Thích Trúc Thái Minh – chùa Ba Vàng chỉ là một trong một chuỗi scandal với nhân vật chính là những thành viên trong tăng đoàn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ cả tăng lẫn tự bị công chúng chỉ trích kịch liệt, cũng như chưa bao giờ có nhiều người công khai bày tỏ ác cảm của họ đối với tăng và tự như lúc này.
Tuy Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định tạm đình chỉ tất cả các chức vụ của Đại đức Thích Trúc Thái Minh, đồng thời hứa sẽ sớm công bố quyết định xử lý tăng nhân này nhưng mức độ của đại nạn không giảm. Giờ, công chúng xoay qua bỉ bôi việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao cho Thượng tọa chuyên tổ chức bán sỉ và lẻ các “sao” để giải… hạn, xử lý Đại đức chuyên bán sỉ và lẻ các “vong” để giải… nghiệp.
Giữa trận bão về tăng và tự, ngoài những Phật tử thuần thành, nhiều người quan tâm đến Phật giáo cũng khẳng định: Kiếm tiền bằng cúng vong – giải nghiệp, cúng sao – giải hạn,… không phải là Phật giáo. Những đại tự mọc lên trong thời gian vừa qua với đủ thứ kỷ lục, không nhất thế giới, hay nhất Đông Nam Á thì cũng nhất Việt Nam và xen kẽ với chúng là các trung tâm du lịch, thậm chí casino,… không phải là Phật giáo.
Tăng của Phật giáo không sống xa hoa, thậm chí cố tình phô trương sang, giàu qua xe hơi, điện thoại, đồng hồ… Tăng của Phật giáo cũng không có tham vọng lưu danh thiên cổ qua việc dựng những đại tự, hoặc hoằng pháp bằng việc trụ trì những đại tự diện tích hàng héc ta, sau này mở rộng ra hàng chục héc ta, hàng trăm héc ta, thậm chí không ít quần thể đại tự kết hợp tâm linh với du lịch, diện tích lên tới hàng ngàn héc ta.
Tăng của Phật giáo cũng không chửi thề, không đánh người, càng không đánh lẫn nhau. Tăng của Phật giáo khiêm cung, tự hạ, đề cao ngộ tính nên không… hoan hỉ loan báo, anh em mình người này chưa học sơ cấp, người kia chưa hoàn thành trung cấp Phật học. Tăng của Phật giáo chỉ chú trọng tu tập nên không đòi quân đội phải lấy Bắc Hàn làm mẫu mực, không chỉ trích tiền nhân “hỗn” vì dám… đánh Trung Quốc!..
Đặt triết lý Phật giáo bên cạnh những bài thuyết pháp của nhiều thành viên tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam người ta dễ hoang mang vì hóa ra Phật giáo có tới hai con đường hoàn toàn khác nhau. Một, như nhân loại đã biết và ngưỡng mộ. Một, thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hình như trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả tăng lẫn tự đều đi theo chiều ngược lại với Phật giáo!
Quyết tâm phò cả đạo pháp lẫn chủ nghĩa xã hội nên tất cả mọi chuyện liên quan đến tăng và tự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều thỉnh thị ý kiến hệ thống chính trị, chờ quyết định của hệ thống công quyền. Trong scandal mới nhất, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, công khai trách chính quyền, cách nay vài năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã “báo cáo” với các cơ quan hữu trách rằng Đại đức Thích Trúc Thái Minh, tổ chức ăn, mặc, ngủ nghỉ, tại chùa Ba Vàng rất khác người nhưng tiếc là chẳng có ai chịu xem xét, xử lý.
Thành tựu đầu tiên khi đạo pháp song hành với chủ nghĩa xã hội là ông Hồ Chí Minh sánh vai với Phật tổ trong nhiều ngôi chùa. Giờ, tại không ít đại tự, ngoài ông Hồ Chí Minh, nhiều công thần của đảng CSVN cũng đã được đưa vào chùa, đặt ngang hàng với các Bồ tát. Một vài cá nhân như ông Đỗ Mười còn được một số tăng nhân xưng tụng là… Bồ tát khi ông Đỗ Mười vẫn còn đang thở rất… đều.
Nhiều người lên án tình trạng lấy công thổ dựng đại tự, không ngừng mở rộng qui mô nhằm thu hút khách thập phương, các tăng nhân bày đủ thứ “trò” để móc túi Phật tử là “buôn thần, bán thánh”. Nhiều người phê phán hệ thống chính trị, hệ thống công quyền làm ngơ là tiếp tay cho mê tín, dị đoan, đầu độc nhận thức của đám đông, tha hóa xã hội,… Những nhận định đó không sai nhưng chưa đúng bản chất.
Cứ quan sát thực tế sẽ thấy, đính kèm đạo pháp với chủ nghĩa xã hội là phương thức hữu hiệu nhất để đồng hóa Phật giáo với đảng CSVN, biến Phật tử thành những cá nhân tận trung với chủ nghĩa xã hội. Có rất nhiều người dè bỉu khi càng ngày càng nhiều viên chức góp sức tạo lập, dâng tượng, tặng chuông,… công đức đủ kiểu cho các đại tự. Chẳng lẽ những viên chức ấy đủ thiện lương để nhận ra họ cần chuộc tội?
Với những đại tự rồi những tượng đá, chuông đồng, đại thụ,… ghi rõ tên tuổi, chức vụ người góp phần tạo lập, dâng cúng, khát vọng chuộc tội chỉ là suy đoán. Có khao khát chuộc tội hay không thì tên tuổi, chức vụ của những viên chức này sẽ còn mãi với thời gian, giúp giương danh với hậu thế như ông Hồ Chí Minh, ông Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Chí Thanh,… đang được giương danh.
Tôn chỉ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội), chủ động lấy đạo pháp và chủ nghĩa xã hội bọc kín dân tộc, đem lại lợi ích nhiều mặt cho cả tăng nhân lẫn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền. Sự “hòa hợp” trong nỗ lực pha trộn thần quyền với thế quyền chính là nền tảng cho vô số những biểu hiện mà nhiều người ngậm ngùi than dài, gọi đó là “mạt pháp”.
Đừng xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam như Phật giáo Việt Nam thì Phật giáo Việt Nam đâu có mạt! Cho dù chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM đã mất dấu nhưng câu chuyện về một ngôi chùa nhỏ là nơi đỡ nâng những cá nhân sống dưới đáy xã hội, trụ trì dứt khoát chỉ giữ đạo pháp, không chấp nhận đính kèm chủ nghĩa xã hội,… chắc chắn sẽ còn hoài.
Phật giáo Việt Nam còn nhiều gian khó như trường hợp Tịnh thất Sơn Linh Tự ở thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum bị san thành bình địa cách nay hai tháng, song bảo đó là mạt thì thiếu chính xác. Không còn chỗ tu tập nhưng trụ trì Thích Đồng Quang vẫn khăng khăng, đã xuất gia tu tập thì chỉ lạy Phật chứ dứt khoát không lạy cộng sản… Phật tử tỉnh táo, Phật giáo Việt Nam không mạt. Cứ nhìn sẽ thấy, số Phật tử đã tỉnh đang đông dần.
0 comments