Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin đọc nhanh – 17/02/2019

Sunday, February 17, 2019 // ,
Tin đọc nhanh – 17/02/2019

(AFP) – Bộ trưởng Tài Chính Anh phải hủy chuyến thăm Trung Quốc.
Báo chí Anh ngày 16/02/2019 loan báo chuyến đi của ông Philip Hammond, được chuẩn bị từ nhiều tuần qua nhằm tìm đối tác sau Brexit, đã bị phía Trung Quốc hủy sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Anh Gavin Williamson tiết lộ hôm 11/02 rằng nhiệm vụ đầu tiên của tầu sân bay mới HMS Queen Elizabeth, dự kiến vào năm 2021, sẽ đến Địa Trung Hải, Trung Đông và vùng Thái Bình Dương.
(AFP) – Pháp : Phong trào Áo vàng giảm dần.
Thứ Bảy 16/02/2019, hơn 40.000 « Gilets jaunes » tham gia cuộc tuần hành phản kháng lần thứ 14 trên toàn nước Pháp. Tại Paris, phong trào Áo vàng huy động 5.000 người, lúc đầu ôn hòa, nhưng về sau xảy ra nhiều vụ đốt phá và đụng độ với cảnh sát. Số người tham gia biểu tình ít đi cũng như tỷ lệ công luận ủng hộ cũng giảm dần, phần lớn là do hành động bạo lực, tấn công đốt phá của một bộ phận cực đoan. Kết quả thăm dò công bố hôm Chủ Nhật 17/02 cho thấy 52% số người được hỏi ý kiến muốn phe Áo Vàng ngưng biểu tình so với tỷ lệ 85% ủng hộ lúc ban đầu.
(Reuters) - Mike Pence thúc giục châu Âu ủng hộ Mỹ chống Iran.
Trong cuộc tiếp xúc với thủ tướng Đức bên lề Diễn đàn An ninh Munich hôm 16/02/2019, phó tổng thống Mỹ kêu gọi châu Âu ủng hộ một lập trường chung hủy bỏ hiệp ước hạt nhân ký với Iran năm 2015. Thứ hai là châu Âu đừng để lệ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga qua dự án ống dẫn khí Bắc Hải lưu số 2. Đáp lại, thủ tướng Đức cảnh báo nguy cơ hai nước là Iran – mà Washington xem là kẻ thù -, và Nga gia tăng ảnh hưởng tại Syria, sau khi quân Mỹ triệt thoái theo quyết định của tổng thống Donald Trump.
(AFP)- Hoa Kỳ : Hearther Nauert từ chối ghế đại sứ tại Liên Hiệp Quốc. 
Lấy lý do gia đình, phát ngôn viên Nhà Trắng Hearther Nauert thông báo bỏ ý định làm đại sứ tại Liên Hiệp Quốc. Được xem là ứng cử viên của tổng thống Donald Trump, cựu ký giả của đài truyền hình bảo thủ Fox News chỉ thông báo vắn tắt « hai tháng qua là hai tháng khổ tâm của gia đình ». Phát ngôn viên Nhà Trắng bị công luận chỉ trích, thậm chí chế giễu, là không đủ tài năng đảm nhận chức vụ khó khăn tại Liên Hiệp Quốc.
(AFP) – Bernie Sanders ra tranh cử tổng thống Mỹ 2020. 
Trong đoạn video không có ngày, được đăng trên website Politico ngày 16/02/2019, ông thông báo tham gia cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ. Trước đó, Politico cho biết ông Sanders đã gặp gỡ nhiều nhân vật có khả năng tham gia đội ngũ vận động tranh cử cho ông.
(AFP) - Venezuela : 600 ngàn tình nguyện viên chuẩn bị vận chuyển hàng cứu trợ. 
Đáp lời kêu gọi của tổng thống tự xưng Juan Guaido, từ ngày 16/02/2019, đã có hàng ngàn công dân Venezuela, mặc áo T-Shirt trắng, ghi tên tham gia chiến dịch làn sóng nhân đạo. Theo dự kiến, ít nhất 600.000 người đối lập sẵn sàng vận chuyển lương thực đang tích trữ ở các nhà kho biên giới Brazil và Colombia về Venezuela. Tổng thống Maduro ra lệnh cho quân đội ngăn chận bằng mọi cách. Cuộc đọ sức sẽ diễn ra vào ngày 23/02.
(AFP) – Brazil đã thay toàn bộ số bác sĩ Cuba hồi hương. 
Ngày 15/02/2019, tổng thống Jair Bolsonaro thông báo vị trí của hơn 8.500 bác sĩ Cuba bị La Habana triệu về nước đã được cán bộ y tế Brazil thay thế, trong đó có hơn 1.300 người được đào tạo ở nước ngoài.
(AFP) - Quân đội Cuba ủng hộ tổng thống Venezuela. 
Qua các buổi lễ tổ chức đó đây trong các doanh trại được truyền hình trực tiếp trong ngày 15 và 16/02/2019, lực lượng vũ trang Cuba lên tiếng ủng hộ tổng thống Venezuela Nicolas Maduro với khẩu hiệu « Tổ quốc hay là chết ». La Habana là đồng minh thân thiết nhất của Caracas trong khu vực. Hàng trăm sĩ quan Cuba có mặt trong hàng ngũ quân đội Venezuela với tư cách cố vấn.
(AFP) - Brazil : Đề phòng vỡ đập, Brazil cho dân di tản trước. 
Công ty khai thác mỏ của Brazil, Vale, thông báo đã cho 200 dân làng ở bang Minas Gerais, miền đông nam sơ tán. Tại bang này, hồi tháng 01, một trong những đập ngăn bùn của Velo bị vỡ vào giờ ăn trưa khiến hơn 300 công nhân và dân làng thiệt mạng. Ngày 08/02, một khu dân cư khác gần một mỏ sắt cũng do Vele khai thác với 500 người đã được di tản phòng ngừa.
(RFI) – Tầu cao tốc Ấn Độ gặp sự cố ngay sau lễ khai thông. 
Con tầu cao tốc Vande Bharat Express, được thủ tướng Modi ca ngợi là một trong những thành quả công nghệ của Ấn Độ, đã bị hỏng trong suốt hơn một giờ ngay lần chạy thứ hai ngày 16/02/2019 vì đâm phải một con bò. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do hệ thống phanh bị ngừng hoạt động sau sự cố kết nối giữa các toa tầu.

Tin Việt Nam – 17/02/2019


Tin Việt Nam – 17/02/2019

Kỷ niệm rầm rộ 40 năm chiến tranh

 với Trung Quốc trên mặt báo

nhưng chặn tưởng niệm trong thực tế

Ngày 17/2/2019, các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền ở TPHCM và Hà Nội đã không thể tổ chức tưởng niệm 40 năm ngày Trung Quốc đem quân đánh các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam như thường lệ.
Trong khi ở TPHCM, những người mặc đồ công nhân vệ sinh đặt các xe thu gom rác chắn tượng đài Đức Thánh Trần tại bến Bạch Đằng và cẩu cả lư hương đem đi nơi khác, thì ở Hà Nội chỉ có một số ít người ra được tượng đài vua Lý Thái Tổ để thắp hương trong vòng vây của lực lượng an ninh.
Sài Gòn xuất hiện công văn “mật” chỉ đạo chặn tưởng niệm
Hôm 16/2, xuất hiện văn bản đóng dấu MẬT của đảng ủy Cộng sản khối cơ sở bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn trên trang Facebook của các nhà hoạt động cho biết về cuộc tưởng niệm ngày 17/2 tại tượng đài Trần Hưng Đạo, tuy nhiên công văn này lại gọi những người
chuẩn bị việc này là “một số đối tượng trong câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng” và việc dâng hương là “lợi dụng sự kiện Chiến tranh biên giới phía Bắc ngày 17 tháng 02 năm 1979”.
Công văn số 695 ban hành ngày 15/2/2019 chưa được kiểm chứng về độ xác thực, nhưng có đóng dấu đỏ và ký tên của Phó Bí thư thường trực Ban thường vụ đảng ủy Nguyễn Duy Vũ được nhạc sĩ Tuấn Khanh và luật sư Lê Công Định đăng tải trên Facebook cá nhân.
Theo văn bản này thì Ban Thường vụ Đảng ủy khối yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đoàn “vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, người lao động và người thân không tham gia tụ tập, biểu tình, gây rối an ninh trật tự tại khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo trong ngày Chủ nhật, 17 tháng 02 năm 2019; đồng thời kịp thời phát hiện, thu gom, giao chính quyền, cơ quan chức năng các tờ tiền có viết, vẽ kêu gọi biểu tỉnh, các băng rôn, khâu hiệu có nội dung xấu về chính trị.
Ông Trần Bang, một cựu binh trong chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc cho hay, không thể khẳng định tính xác thực của công văn này nhưng nó trùng hợp với việc ông và một số người bạn bị an ninh mặc thường phục canh nhà, và chính quyền mang xe rác chắn tường đài, cẩu lư hương đi đúng vào ngày 17/2.
Cũng theo thành viên câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng thì chính ông và một số người mà ông biết như nhà báo Sương Quỳnh, Lê Phú Khải, Phạm Đình Trọng…. đều bị lực lượng an ninh canh nhà.
Có 3 người sáng nay đến được tượng đài Trần Hưng Đạo để thắp hương tưởng niệm như các ông Kha Lương Ngãi, Phan Đắc Lữ, Hoàng Hưng đều bị xua đuổi hoặc bắt đưa về đồn công an nơi cư trú.
Nhận xét về việc báo chí nhà nước được “cởi trói” để thoải mái nói về cuộc chiến với Trung Quốc trên mặt báo, nhưng lại chặn những người dân đi tưởng niệm, ông Trần Bang khẳng định:
Việc này chứng tỏ nó vẫn sợ thằng Cộng sản Trung Quốc và vẫn sợ mất quyền lực của đảng Cộng sản Việt Nam này nên họ muốn dựa vào đảng Cộng sản Trung Quốc để giữ quyền lực và phản bội nhân dân, vi phạm quyền tự do của người dân và vô ơn, bội nghĩa với những người đã hy sinh,” ông Trần Bang nói qua ứng dụng Messenger.
Cô Võ Hồng Ly cũng đăng tải trên Facebook cá nhân việc dâng vòng hoa và thắp nhang tưởng niệm tại tượng đài Trần Hưng Đạo vào chiều 16/1/2019 một cách bình thường.
Hà Nội: Cựu chiến binh bị “xốc nách đưa đi” khi đang khấn vái
Tình hình tại thủ đô Hà Nội không khác gì trong TPHCM khi những nhà hoạt động quen mặt đều bị lực lượng an ninh thường phục canh giữ từ nhiều hôm trước.
Theo nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, sáng 17/2/2019 có ít nhất 5 người khi ra tượng đài vua Lý Thái Tổ và tượng đài liệt sỹ Bắc Sơn bị chặn bắt đưa về công an phường hoặc ép về nhà như cựu chiến binh Phan Khang, bà Ngọc Anh, Hoàng Hà, Lê Hồng Hạnh và Đặng Bích Phượng.
Cựu chiến binh Phan Trí Đỉnh đăng tải những hình ảnh trên Facebook cá nhân kể lại việc đến tượng đài vua Lý Thái Tổ ở bờ hồ Hoàn Kiếm vào sáng 17/2/2019 để thắp hương tưởng niệm cuộc chiến biên giới Việt Trung và bị “một số người trẻ khỏe đẹp trai kẹp hai bên như là xốc nách đưa ra khỏi khu vực” khi đang khấn vái.
Nhà hoạt động Lê Hoàng từ Hà Nội chia sẻ, việc ngăn cản tưởng niệm dịp 40 năm ngày quân và dân Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược là một điều vô lý.
Thực ra báo chí đưa tin rầm rộ cả tuần nay, đưa hình ảnh các thứ rất là mạnh mẽ, mọi người ai cũng đều nghĩ là đưa tin như thế này thì chính quyền chắc đã đổi chiều một chút rồi và họ đã có chiều hướng vì nhân dân rồi, thế nhưng mà hôm nay lại như thế này.
Tôi nghĩ hay là họ lừa bịp quốc tế để có cái gì đó, ví dụ như là với Trung Quốc thì Việt Nam cũng phân biệt rõ chứ không phải giấu giếm. Nhưng mà họ nói một đằng nhưng lại làm một nẻo chả hiểu rằng như thế nào nữa, hay là họ không cần nhân dân để chống Trung Quốc nữa?” – ông Lê Hoàng nói qua điện thoại với Đài Á Châu Tự Do.
Hôm 14/2/2019, khoảng 20 người Hà Nội đi theo đoàn của Trung tâm Minh Triết của Giáo sư Nguyễn Khắc Mai đến nghĩa trang liệt sĩ trong cuộc chiến với Trung Quốc năm 1979 ở Vị Xuyên, Hà Giang để thắp hương tưởng niệm cho những người nằm xuống.
Một số người mặc áo “nói không với đường lưỡi bò” như các ông Lê Hoàng, Hoàng Công Cường… lên đây đều bị lực lượng an ninh của quân đội cho là nhạy cảm và bắt thay áo.
Trong đoạn clip của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, ông Hoàng Công Cường thậm chí phải cởi chiếc áo “NO-U” duy nhất của mình trước đòi hỏi của phía quân đội.
Đây không phải là lần đầu tiên những người hoạt động ở Việt Nam bị ngăn chặn tưởng niệm các cuộc chiến với Trung Quốc.
Vào ngày 17/2/2017, hàng chục người ở Hà Nội và TPHCM bị bắt giữ và câu lưu khi đến các nơi đã hẹn trước để thắp nhang cho những người đã mất trong cuộc chiến. Hay 6 người ở Hà Nội phải bất ngờ tưởng niệm vào ngày 15/2/2018 để tránh bị phá rối như mọi năm.

Sử ta, sao phải hỏi ý kiến Tàu?

Nguyễn Tường Thuỵ
Dư luận đang sôi sùng sục bởi ý kiến của GS Phạm Hồng Tung xung quanh vấn đề “Chiến tranh biên giới 1979 được dạy trong chương trình phổ thông mới ra sao” đăng ở Vietnamnet.
Theo giới thiệu thì ông Phạm Hồng Tung là giáo sư sử học đang giảng dạy tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), là Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Với những vị trí ấy thì ông có ảnh hưởng nhiều đến việc giảng dạy lịch sử.
Khi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Cộng mấy chục năm nay bị giấu biến thì nói chung, nhiều ý kiến của ông chấp nhận được, trúng suy nghĩ của nhiều người. Ví dụ ông cho rằng cần tránh che giấu sự thật trong giảng dạy… về sự kiện lịch sử này. Ông Tung cũng thừa nhận những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh này rất ít được nhắc đến hoặc ông chỉ ra trong nhà trường, việc giáo dục về nội dung lịch sử này rất sơ sài, chỉ được đề cập đến với 4 câu, 11 dòng tại sách giáo khoa Lịch sử lớp 12… Ông cho biết Trung Quốc vẫn đang được dạy một chiều về cuộc chiến tranh này và xuyên tạc về nó. Không chỉ thế mà tất cả các cuộc chiến tranh trong quá khứ, lịch sử hai bên dạy rất khác nhau.
Tuy nhiên, ông Tung lại cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm nên cần phải cẩn thận. Và cái sự cẩn thận quá đáng của ông ta đã dẫn đến phản ứng của dư luận.
Tất nhiên, những vấn đề ông Tung nói ra là phải có chủ trương chứ không phải nghĩ thế nào, ông cứ tuồn tuột nói ra như thế. Vì không phải đến bây giờ ông mới dạy sử và không phải cuộc chiến tranh này vừa mới diễn ra mà từ 40 năm nay rồi. Nói thế để thấy rằng, ông nói gì thì cũng phải được phép và bây giờ ông được phép nói ra như thế. Chính tư duy “được phép” mới dẫn đến ý kiến gây bão trên mạng xã hội: Bây giờ (40 năm đã qua) “chính là lúc giới sử học của hai nước nên ngồi lại, thảo luận những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề liên quan đến lịch sử hai nước”.
Ý kiến này của ông Tung có vẻ mâu thuẫn với các ý kiến khác của ông như “cần phải dạy về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc năm 1979 một cách khoa học, đúng đắn”, hay “không nên lảng tránh việc trình bày và đánh giá về quá trình lịch sử này”, vì nếu đã có thái độ khoa học và đúng đắn, không lảng tránh thì việc gì còn phải “ngồi lại” với kẻ đã xâm lược nước mình, đã giết chóc, tàn sát nhân dân mình.
Để tăng tính thuyết phục cho ý kiến này, ông Tung dẫn ra chuyện Pháp và Đức từng xảy ra chiến tranh và đã ngồi lại với nhau. Nhưng Pháp và Đức khác hẳn Việt Nam, Trung Quốc về dân trí, dân chủ, về tính văn minh của chế độ chính trị. Quan hệ giữa hai nước ấy là quan hệ bình đẳng, ngang hàng, khác hẳn quan hệ Việt Trung.
Ý kiến của ông Tung có thể hiểu rằng, viết về cuộc chiến tranh này như thế nào là phải hỏi ý kiến Trung Cộng. Viết về một cuộc chiến tranh, phải đề cập đến bối cảnh, nguyên nhân, diễn biến và hậu quả. Hai phía là kẻ thù, là đối phương, là đối tượng tác chiến của nhau nên quan điểm mỗi bên nhất định phải khác nhau, trái ngược nhau. Khi đã rụt rè không dám viết khác với ý kiến kẻ thù, hay được kẻ thù đồng ý thì còn gì là lịch sử nữa mà nó trở thành một sự kiện đã được gọt giũa, cắt xén, giấu giếm cho vừa lòng kẻ đã phát động chiến tranh xâm lược và để có lợi cho “đại cục”.
Trước ý kiến không thể chấp nhận được của ông Tung, facebooker Phuc Dinh Kim vặn, khó mà bắt bẻ: “Nếu chấp nhận lời đề nghị của Phạm Hồng Tung, tôi yêu cầu đến dịp kỷ niệm 45 năm ngày chấm dứt chiến tranh và thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2020, giới Sử học Việt Nam nên mời các Sử gia của Mỹ và VNCH đang định cư trên khắp thế giới ngồi lại để thống nhất nội dung lịch sử nước nhà giai đoạn 1954-1975”.
Fbker Phuc Dinh Kim đánh trúng tâm lý nô lệ, nhược tiểu trước thiên triều. Ông Tung trả lời sao đây về ý kiến này?
Lịch sử không xu nịnh ai
Thái độ của người viết sử là phải trung thực với lịch sử, chứ không phải theo nghị quyết, chủ trương, đường lối của một đảng phái nào đó, càng không phải theo ý muốn của kẻ thù.
Việc ông Tung đặt ra vấn đề viết về cuộc chiến tranh xâm lược của TC phải hỏi ý kiến Trung Cộng có lẽ xuất phát từ thói quen, viết gì, dạy như thế nào phải được phép, phải theo định hướng. Từ chỗ các nhà viết sử đã quen với chỉ thị, định hướng của đảng và ông Tung vì theo thói quen nên mới nâng lên khuôn phép mới là hỏi ý kiến kẻ thù.
Xin nhắc lại câu chuyện xưa nói về phẩm chất, khí tiết của người chép sử:
Thôi Trữ là công thần nước Tề, giết vua Tề là Tề Trang Công (tên thật là Khương Quang). Quan Thái sử chép rằng: “Mùa Hạ, tháng 5, ngày Ất Hợi, Thôi Trữ giết vua của nó là Quang”. Trữ sợ, bảo ghi khác đi thì Thái sử không chịu nên bị Trữ giết. Em của quan Thái sử tiếp tục công việc của anh, chép y câu trên, lại bị giết. Cho đến người em thứ ba vẫn chép nguyên câu ấy, sẵn sàng chịu chết nhưng Thôi Trữ không dám giết nữa.
Khi người em thứ ba được toàn mạng lui ra, thì gặp Nam Sử thị là một viên sử quan khác đứng chực sẵn. Thì ra Nam Sử thị sợ cả ba anh em Thái sử bị giết hết sẽ không có ai ghi lại sự thật lịch sử, nên đã viết sẵn trên thẻ, vẫn là: “Mùa Hạ, tháng 5, ngày Ất Hợi, Thôi Trữ giết vua của nó là Quang”.
Nhắc lại câu chuyện này để thấy khí tiết của người viết sử xưa, thà chết chứ không thể viết khác sự thật lịch sử.
Nhớ lại có lần một diễn giả đến trường tôi nói chuyện về ông Hồ Chí Minh, kiểu như ông Hoàng Chí Bảo sau này. Trong buổi nói chuyện chừng ba giờ, nhiều lần ông nhắc đến cụm từ “những người làm sử chúng tôi”. Lần đầu, tôi nghe đến chữ “làm sử” thấy hay hay, là lạ và thán phục lắm. Sau nghĩ lại thấy không ổn. Sao lại “làm sử”? Người ta có thể nói “làm văn”, “làm thơ” vì văn học là sáng tác, được tưởng tượng, hư cấu. Còn sử thì làm ra sao được? Điều đó có thể hiểu rằng trong tư duy của họ, viết sử là phải nhào nặn, phải theo chỉ đạo. Lịch sử VN đương đại mà chúng ta vẫn học đã nói lên điều đó. Vì thế mới có Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu mới có “ngụy quân ngụy quyền” Sài Gòn, tay sai của đế quốc Mỹ… Đó là sản phẩm của “làm sử”. Do “làm sử” mà lúc thì TQ là kẻ thù, lúc thì là bạn vàng và cuộc chiến tranh năm Trung – Việt 1979 lúc thì biến mất, lúc thì lác đác nhắc lại. Thế thì còn gì là sử. Phải trở lại với chữ của người xưa là “chép sử”, “sử ký” (ký: ghi chép) chứ không phải “làm sử” thì lịch sử mới khách quan.
Lịch sử hiểu ngắn gọn là những gì đã diễn ra trong quá khứ. Vì vậy, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Cộng xảy ra như thế nào cứ thế mà viết, hà tất phải hỏi ý kiến “bố con đứa nào”.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Các công ty lương thực Việt Nam chấp nhận

“luật chơi” của Trung Cộng để được bán gạo

Tin Việt Nam –  Báo Tuổi Trẻ ngày 15 tháng 2 loan tin, ông Nguyễn Ngọc Nam, chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, từ tháng 6 năm 2018 đến nay, Trung Cộng đột ngột áp thuế nhập cảng gạo Việt Nam lên 50% đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất cảng gạo. Trước đó, Trung Cộng đã yêu cầu Việt Nam gửi danh sách các công ty xuất cảng gạo để xem xét cấp giấy phép cho các công ty.
Hành động này được các công ty Việt Nam xem là việc làm gây khó khăn cho xuất cảng, và đã làm giảm mạnh số đầu mối xuất cảng sang nước này. Hiện tại, trong tổng số 152 công ty xuất cảng gạo của Việt Nam là thành viên của VFA thì chỉ có 21 công ty được Trung Cộng đồng ý cho xuất cảng vào thị trường này.
Sau những hành động trên của Trung Cộng, sản lượng xuất cảng gạo của Việt Nam sang Trung Cộng đã giảm từ trên 38% xuống còn 20% trong tổng lượng gạo xuất cảng.
Trước các hành động mới của Trung Cộng, chủ một số công ty xuất cảng gạo Việt Nam cho biết, do Trung Cộng là thị trường rất lớn của Việt Nam và có nhu cầu cao, nên các công ty Việt Nam cần phải chấp nhận “luật chơi” của Trung Cộng để tiếp tục được bán gạo cho họ.
Được biết, Trung Cộng là thị trường nhập cảng gạo lớn nhất của Việt Nam trong 5 năm nay. Dữ kiện thống kê của VFA cho thấy, năm 2017, Việt Nam xuất cảng được 5.7 triệu tấn gạo, trong đó Trung Cộng đã chiếm đến 2.2 triệu tấn trong tổng số gạo này. Nhưng đến năm 2018, Trung Cộng chỉ mua 1.33 triệu tấn trong tổng số 6.1 triệu tấn lượng gạo Việt Nam bán ra ngoại quốc.
An Nhiên

Trợ lý của ông Kim Jong Un tới VN,

thị sát quanh nhà máy Samsung

Một quan chức cấp cao của Bắc Hàn đã tới Việt Nam và đi xem xét các khu vực gần hai nhà máy sản xuất điện thoại thông minh thuộc sở hữu của công ty Sam Sung của Hàn Quốc.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn các nguồn tin hôm 17/2 đưa rằng ông Kim Chang-son, vốn trên thực tế được coi là chánh văn phòng của ông ông Kim Jong Un, và các quan chức khác đã tới Hà Nội hôm 16/2 để kiểm tra công tác hậu cần cho cuộc họp thượng đỉnh lần hai giữa lãnh tụ Kim Jong Un và Tổng thống Trump vào ngày 27 và 28/2.
Theo Yonhap, phái đoàn của ông Kim Chang-son rời nhà khách của chính phủ Việt Nam ở Hà Nội vào lúc 7 giờ sáng ngày 16/2 và đi tới tỉnh Bắc Ninh, nơi đặt dây chuyền lắp ráp điện thoại thông minh của Samsung.
Hãng tin của Hàn Quốc dẫn các nguồn tin nói rằng nhóm này đã lái xe vòng qua khu vực quanh nhà máy và đánh giá các tuyến đường đi xuất phát từ Hà Nội.
Ngoài ra, phái đoàn này cũng đi thăm tỉnh Thái Nguyên, nơi đặt một nhà máy sản xuất điện thoại thông minh khác của Samsung.
Chuyến đi thị sát trên được thực hiện trong khi có tin rằng ông Kim Jong Un có thể tới thăm một trong các nhà máy của Samsung ở Việt Nam.
Trước đó, hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin nói rằng ông Kim sẽ tới Việt Nam vào ngày 25/2, hai ngày trước khi gặp Tổng thống Trump.
Bản tin của hãng tin Anh nói thêm rằng ông Kim sẽ tới thăm tỉnh Bắc Ninh và thành phố cảng Hải Phòng.

Nghiên cứu: Đến năm 2100 đồng bằng

sông Cửu Long có thể chìm dưới nước

David Boyle
BANGKOK — Gần như toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam – một khu vực giúp nuôi sống khoảng 200 triệu người – sẽ chìm dưới nước đến năm 2100 với tốc độ diễn biến hiện thời, một nghiên cứu mới dự đoán.
Vùng đồng bằng này, nơi sinh cư của gần 18 triệu người và sản xuất một nửa sản lượng lương thực của Việt Nam, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tiềm tàng này phần lớn là do việc khai thác nước ngầm quá mức đang khiến đất sụt lún trong khi mực nước biển đồng thời đang dâng lên, nghiên cứu nhận thấy.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Utrecht ở Hà Lan đã tạo ra một mô hình số rộng khắp toàn vùng đồng bằng để theo dõi tác động của việc khai thác nước ngầm trong 25 năm qua và sử dụng nó làm cơ sở cho các dự đoán trong tương lai.
Khi kết hợp với tốc độ gia tăng của mực nước biển do biến đổi khí hậu, họ nhận thấy rằng dù có hành động gì được thực hiện đi chăng nữa, vùng đồng bằng trũng thấp rộng lớn sẽ bị mất – mặc dù những thay đổi trong việc sử dụng đất có thể cứu vãn một số khu vực khác.
“Kết quả cho thấy khi khai thác nước ngầm được cho phép tăng liên tục như trong những thập niên qua, sụt lún do khai thác có thể nhấn chìm gần như toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long,” họ kết luận.
Philip Minderhoud, một nhà nghiên cứu các hệ thống dưới mặt đất và nước ngầm tại Đại học Utrecht và là người đứng đầu nghiên cứu này, cho biết khai thác nước ngầm là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong một loạt các yếu tố khiến đồng bằng sụt lún trung bình khoảng một centimét mỗi năm.
“Đồng bằng sẽ chứng kiến rất nhiều thay đổi trong những thập niên tới,” ông nói.
Việc Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường vào năm 1986 đã kéo theo việc khai thác nước ngầm ồ ạt từ mức gần như bằng không 30 năm trước cho tới 2,5 triệu lít hiện đang bị rút khỏi tầng nước ngầm của đồng bằng mỗi ngày.
Ông giải thích nước mất đi làm giảm áp lực trong cấu trúc địa chất bên dưới, khiến đồng bằng lún xuống.
“Tất nhiên người dân sống ở đồng bằng có thể phát triển được trong nhiều thập niên qua một phần là do họ có nguồn nước ngầm này như một nguồn nước ngọt miễn phí,” ông nói. “Đó sẽ là một thách thức lớn bởi vì hoặc là bạn tăng tốc sự sụt lún hoặc là bạn không có gì để uống và tưới cho hoa màu của mình.”
Ông nói mực nước biển đồng thời đang tăng với tốc độ khoảng 3 mm đến 4 mm mỗi năm.
Trọng lượng của những cấu trúc nhân tạo xây trên đồng bằng, dòng chảy trầm tích từ thượng nguồn suy giảm và độ nén tự nhiên cũng là những yếu tố góp phần làm mất đất đồng bằng, ông nói.
“Nhưng khai thác nước ngầm là nguyên nhân duy nhất mà con người thực sự có thể thay đổi một cách tích cực nếu muốn mức độ sụt lún,” ông cho biết.
Dù việc nâng nhà và đường sá được thực hiện khéo léo hơn để ứng phó với vấn đề này, song tác động của nó đối với nông nghiệp là không thể tránh khỏi và nghiêm trọng, ông nói thêm.
Các nhà nghiên cứu nói trừ phi có hành động quyết liệt, phần lớn đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm dưới nước đến năm 2100.
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới và 95 phần trăm sản lượng đó được sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi cũng chiếm 60 phần trăm lượng cá xuất khẩu của cả nước.
Bùi Chi Bửu, cố vấn của chính phủ Việt Nam về sản xuất lúa gạo và là cựu viện trưởng Viện Khoa học Kĩ thuật Nông nghiệp miền Nam, cho biết tác động kinh tế của việc mất đất vẫn chưa rõ ràng.
“Chúng tôi lo lắng về tương lai. Tài nguyên nước ngọt, nó có nghĩa là nguồn nước tự nhiên đến từ sông Mekong vào mùa khô là không ổn,” ông nói.
Năm 2016, Việt Nam thiệt hại hơn 1,6 tỉ đôla do lũ lụt và hạn hán hủy hoại ít nhất 300 triệu tấn gạo ở vùng đồng bằng, ông nói.
Chín nhánh của sông Mekong bồi đáp phù sa cho vùng đất màu mỡ và phì nhiêu này khi chúng đổ biển khắp một khu vực có diện tích khoảng 40.000 km vuông.
Chín nhánh đó giờ chỉ còn bảy, ông Bửu nói. “Nhưng trong tương lai có lẽ chúng tôi còn bốn hoặc năm, tôi không biết.”
Mất đi lượng trầm tích được bổ sung tự nhiên là một yếu tố hệ trọng khác góp phần làm đồng bằng sụt lún.
Các đập trên thượng nguồn sông Mekong, có chiều dài hơn 4.000 km bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc rồi chảy qua Lào và Campuchia trước khi tuôn qua vùng đồng bằng, đã dẫn tới việc mất đi khoảng 40 phần trăm dòng chảy trầm tích, ông nói.
Đồng bằng sụt lún là một vấn đề rất lớn.
Marc Goichot, chuyên gia WWF-Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng
Một nghiên cứu năm 2018 của Ủy ban Sông Mekong cho thấy 97 phần trăm dòng chảy trầm tích đến đồng bằng sẽ bị mất đến năm 2040 nếu tất cả các con đập dự định xây trên sông Mekong và các phụ lưu của nó được xúc tiến.
Ông Bửu nói các biện pháp chính sách ứng phó với nhiều thế lực làm xói mòn đồng bằng, có thể bao gồm đê và cửa xả nước, đang được soạn thảo.
Phạm Văn Hùng, Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên Nước miền Nam, người đóng góp vào nghiên cứu này, nói một số hạn chế đối với việc khai thác nước ngầm đã được chính phủ ban hành hồi gần đây.
Hàng chục triệu tấn cát cũng đang được khai thác hàng năm từ sông Mekong, bao gồm cả ở đồng bằng sông Cửu Long, và việc này càng làm vấn đề trầm trọng hơn, Marc Goichot, chuyên gia đặc trách về nước thuộc chương trình Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng của WWF, nói.
Tất cả các thế lực này đã tác động đến trạng thái cân bằng động vốn bổ sung cho vùng đồng bằng này một cách tự nhiên.
“Điều rõ ràng là tất cả các thế lực đó đều đang góp phần đưa tới một vấn đề,” ông nói. “Đồng bằng sụt lún là một vấn đề rất lớn.”

Powered by Blogger.