Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 03/05/2019

Friday, May 3, 2019 // ,
Tin Việt Nam – 03/05/2019

Cá chết gây ô nhiễm kênh Khe Cạn ở Đà Nẵng

Cá tiếp tục chết trắng và nổi lềnh bềnh trên kênh Khe Cạn và Phú Lộc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng hôm 3/5/2019.
Báo chí trong nước loan tin trong cùng ngày, theo đó người dân sinh sống dọc tuyến kênh Khe Cạn và Phú Lộc than phiền tình trạng ô nhiễm nặng tại khu vực 2 kênh vừa nêu xảy ra suốt nhiều ngày nay.
Trả lời báo chí người dân khu vực này cho biết, không hiểu vì sao nơi này nằm cạnh Trạm xử lý nước thải Phú Lộc mà tình trạng ô nhiễm nước thải, cá chết lại liên tục xảy ra và không được xử lý. Xác cá chết và nước thải lẫn rác thải không được thu gom, xử lý buộc người dân phải đóng kín cửa nhà vì lo sợ ô nhiễm.
Trong khi trước đó, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, cho biết nước thải tại khu vực Khe Cạn và Phú Lộc đã được thu gom về Trạm xử lý nước thải Phú Lộc để xử lý, nước thải không còn chảy ra sông, sau khi tình trạng cá chết trắng xảy ra tại đây vào ngày 22/4/2019.

Cá chết trắng sông ở Hậu Giang

Hàng loạt cá, tôm và các loài thủy sản khác bỗng dưng chết hàng loạt, khi nước sông Cái Lớn ở Hậu Giang bất ngờ chuyển sang màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 3/5/2019.
Sông Cái Lớn đi qua địa bàn huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ thuộc tỉnh Hậu Giang.
Trả lời báo chí trong nước, người dân địa phương cho biết, tình trạng nước đen như nước cống đã kéo dài gần 10 ngày qua làm cá chết, ảnh hưởng cuộc sống của người dân. Nhiều người đầu tư nuôi cá, ếch, lươn ở khu vực này bị chết hết, số lượng lên đến hàng chục ngàn con, khiến vốn liếng bỏ ra mất sạch.
Chi nhánh Cấp nước ở Long Mỹ phải dừng lấy nước và tiến hành cúp nước, chuyển sang cấp nước cục bộ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, ông Trần Đình Tuấn cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã gửi thông báo kết quả giám định mẫu nước, nhưng chỉ thể hiện nước sông bị ô nhiễm chứ không nêu nguyên nhân cụ thể là gì.
Một số người dân cho rằng, nguyên nhân gây ra ô nhiễm là do một công ty mía đường ở khu vực này, hiện Phòng cảnh sát môi trường đã vào cuộc.

Cô Đoàn Thị Hương đã đáp máy bay về Việt Nam

Công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương, người vừa được trả tự do ở Malaysia, đã đáp máy bay về lại quê nhà.
Mạng báo The Star của Malaysia loan tin cho biết chuyến bay của Vietnam Airlines cất cánh lúc 7:15 phút chiều ngày 3 tháng 5 chở theo Cô Đoàn Thị Hương.
Theo lời của luật sư bào chữa, Salim Bashir, thì Cô Đoàn Thị Hương được các viên chức di trú Malaysia đưa ra Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur.
Luật sư Hisyam Teh Poh Teik đọc cho giới truyền thông tại cuộc họp báo tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur lá thư mà cô Đoàn Thị Hương viết trong nhà tù vào đêm trước khi được tự do. Theo đó Cô Đoàn Thị Hương cám ơn tất cả mọi người góp phần giúp cho cô được tự do.
Theo luật sư Hisyam thì vụ việc đối với cô này nay đã khép lại. Vào ngày mai 4/5, ba luật sư gồm Hisyam Teh Poh Teik, Salim Bashir và Datuk Naram Singh sẽ có cuộc gặp với đại diện Liên Đoàn Luật sư Việt Nam để có cuộc thảo luận cuối cùng về vụ việc của Cô Đoàn Thị Hương. Sau cuộc làm việc là một lễ ăn mừng nhỏ.
Vào ngày 13 tháng 2 năm 2017 Đoàn Thị Hương và một người phụ nữ quốc tịch Indonesia là cô Siti Aisyah bị cáo buộc sát hại nhân vật ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ với vị lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, bằng một loại chất độc thần kinh VX.
Hai cô Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah bị bắt sau đó; còn 4 người Bắc Hàn chủ mưu vụ việc được nói trốn thoát.
Công dân Indonesia Siti Aisyah được tòa tha bổng trong phiên xử ngày 11 tháng 3. Tại phiên xử vào ngày 1 tháng 4, Cô Đoàn Thị Hương bị tuyên 3 năm 4 tháng tù. Theo luật Malaysia cô nay được giảm 1/3 án.

Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về số lượng tấn công DDoS

Việt Nam hiện đang đứng thứ 4 thế giới và thứ 1 Đông Nam Á về số lượng các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) trong Quý I năm 2019, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, và Pháp.
Truyền thông trong nước loan tin ngày 3/5, trích số liệu từ hội thảo ‘Bảo vệ mạng và dữ liệu khỏi các cuộc tấn công DDoS nhằm vào các tổ chức, doanh nghiệp’ diễn ra vào sáng cùng ngày.
Trước đó, theo báo cáo của Nexusguard, trong Quý IV năm 2018, Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn cầu về nguồn tấn công DDoS, sau Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nga và Brazil. Đồng thời đứng thứ 2 trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sau Trung Quốc.
Theo phát biểu của ông Nguyễn Huy Dũng – Quyền Cục trưởng Cục An toàn Thông tin trong buổi hội thảo, việc phòng thủ DDoS hiện gặp nhiều khó khăn do các cuộc tấn công DDoS ngày càng dễ thực hiện.
Hiện Việt Nam đã xây dựng hệ thống chống tấn công mạng Internet trong nước. Trong đó, có liên kết với các doanh nghiệp và nhà mạng để điều phối và xử lý các cuộc tấn công từ chối dịch vụ vào hệ thống thông tin quan trọng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của hình thức tấn công từ chối dịch vụ phân tán nhắm vào các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông không chỉ tác động đến các nhà mạng mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp trên mạng lưới.
Tuy nhiên, trong số liệu thống kê của Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin, kể từ giữa năm 2018 đến hết quý I năm 2019 thì số lượng các cuộc tấn công mạng đã giảm so với giai đoạn trước.
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Bộ Truyền thông – Thông tin Việt Nam đề ra mục tiêu tạo ra thị tường an toàn, an ninh mạng; đảm bảo an toàn hệ thống thông tin các cơ quan Đảng, Nhà nước; và đưa Việt Nam trở thành trung tâm an ninh mạng ASEAN.

Vân Phong, Khánh Hòa:

Tranh cãi chuyện cho vay làm nhiệt điện

Ngân hàng Nhật Bản Hợp tác Quốc tế (JBIC) hôm 19/4 đã ký thỏa thuận với Van Phong Power Company Limited, cho khoản vay trị giá 1,2 tỉ đôla để xây nhiệt điện Vân Phong 1.
Van Phong Power Company Limited là công ty có vốn đầu tư của Sumitomo Corporation.
Ngoài ra còn có thêm 799 triệu đôla là khoản cho vay của các tổ chức sau: Sumitomo Mitsui Banking Corporation, MUFG Bank, Mizuho Bank, Sumitomo Mitsui Trust Bank, Oversea Chinese Banking Corporation, DBS Bank và Bank of China.
Nhiệt điện Vân Phong 1 gồm hai tổ máy công suất 660MW, được xây dựng tại xã Ninh Phước thị xã Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam.
Trước đó, hồi tháng 11/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 đã chính thức được cấp chứng nhận đầu tư.
Thái độ của các ngân hàng
Tổ chức vận động Market Forces chống dự án Vân Phong lên án JBIC, nói rằng Vân Phong 1 sẽ tạo ra ô nhiễm không khí cao gấp chín lần so với một nhà máy điện than bình thường của Nhật.
Còn Shin Furuno, từ 350.org East Asia, cũng chỉ trích các ngân hàng Nhật tham gia tài trợ.
“Ba ngân hàng thương mại lớn của Nhật – MUFG Bank, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và Mizuho Bank – đã chứng tỏ chính sách hoàn toàn không đủ về tài trợ cho than, và nhu cầu cập nhật chính sách tín dụng phù hợp với Thỏa thuận Paris.”
Hôm 16/4, trả lời Bloomberg, Oversea-Chinese Banking Corp. (OCBC) nói hai nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam sẽ là dự án cuối cùng mà OCBC tài trợ, vì OCBC sẽ tăng tiền cho dự án năng lượng tái tạo.
Theo báo chí, OCBC có tiền cho vay cho hai dự án, Vân Phong 1, và Nghi Sơn 2, ở Việt Nam.
Tổng giám đốc OCBC Samuel Tsien nói với Bloomberg: “Chúng tôi sẽ không làm các nhà máy nhiệt điện than mới nữa, ngoại trừ các dự án mà đã tham gia hoặc đã cam kết.”
Các ngân hàng Á châu thay đổi quan điểm?
Theo ông Justin Guay, phụ trách chiến lược khí hậu toàn cầu ở nhóm Sunrise Project, trong bốn tháng đầu 2019, bốn ngân hàng ở châu Á đã loan báo sẽ hạn chế tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than mới.
Cho tới gần đây, chỉ có các tổ chức tài chính phương Tây né điện than.
Hơn 100 tổ chức với ít nhất 10 tỉ đôla quản lý tài sản đã đồng ý hạn chế cho vay tiền cho các nhà máy nhiệt điện, theo Institute for Energy Economic and Financial Analysis.
Hồi tháng 3/2019, Công ty đầu tư phát triển quốc gia (State Development and Investment Corporation – SDIC) là tổ chức tài chính đầu tiên của Trung Quốc nói sẽ không tài trợ cho điện than.
Đến tháng Tư, Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) sẽ ngừng cho tiền, theo báo chí Nhật.
DBS, ngân hàng to nhất của Singapore, dự kiến ngừng chi tiền cho điện than sau 2021.
Sau Trung Quốc, Nhật Bản hiện là nước tài trợ lớn thứ hai thế giới cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài.

TBT Nguyễn Phú Trọng không có mặt

trong buổi sáng lễ tang đại tướng Lê Đức Anh

Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã không có mặt trong buổi sáng ngày 3/5 tại lễ tang đại tướng Lê Đức Anh mà ông làm trường ban lễ tang theo thông báo trước đó của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm 27/4.
Từ 7 giờ sáng, lễ viếng đại tướng, cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã được bắt đầu ở các địa phương. Tại Hà Nội, các đoàn đại diện Ban Chấp hàng trung ương Đảng, Chính phủ, và Quốc hội đã vào viếng ông Lê Đức Anh nhưng trong tất cả các hình ảnh và truyền hình trực tiếp đều không thấy hình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đang có vấn đề về sức khoẻ từ ngày 14/4 vừa qua theo thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Theo báo Zing, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình là Trưởng ban tổ chức Lễ tang và là người tuyên bố lễ tang, đọc tiểu sử của đại tướng Lê Đức Anh.
Tuy nhiên, trong danh sách lễ tang được báo chí trong nước loan vẫn có tên Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là Trưởng ban Lễ tang.
Việc một Tổng Bí thư – Chủ tịch nước, Trưởng ban lễ tang vắng mặt tại một lễ tang của một cựu lãnh đạo cao cấp là điều chưa từng có trước đây ở Việt Nam.
Khi đại tướng Lê Đức Anh từ trần vào ngày 22/4, đã có nhiều dự đoán về khả năng TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ không thể dự lễ tang vì vấn đề sức khoẻ.
Dù chính phủ Việt Nam không thông báo cụ thể ông Trọng bị bệnh gì, nhưng những thông tin của các facebooker chuyên theo dõi tin chính trường Việt Nam cho biết ông đã bị chảy máu não trong chuyến đi thăm Kiên Giang hôm 14/4 và phải nhập viện gấp. Sau đó ông được chuyển ra viện Quân y 108 ở Hà Nội để chăm sóc.
Gia đình tướng Lê Đức Anh trước đây vài ngày có đề nghị nguyện vọng được tổ chức lễ tang gói gọn trong một ngày thay vì hai hôm. Theo một số nhà quan sát trong nước, việc tổ chức lễ tang trong một ngày nhằm tránh cho vị Chủ tịch nước đang ốm phải xuất hiện quá lâu ngoài công chúng và phải dự lễ tang quá lâu.
Theo kế hoạch được công bố, lễ tang tướng Lê Đức Anh sẽ được tổ chức trong một ngày 3/5 nhưng quốc tang vẫn diễn ra trong hai ngày. Trong hai ngày quốc tang, mọi hoạt động vui chơi giải trí phải tạm ngưng.

TBT Nguyễn Phú Trọng chỉ ‘gửi vòng hoa viếng’

Đại tướng Lê Đức Anh

Lễ quốc tang dành cho nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được cử hành hôm 3/5, nhưng vắng mặt Trưởng ban tang lễ.
Trước đó, Việt Nam công bố Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là người đảm nhận vị trí này, theo báo chí nhà nước.
Tuy nhiên, trong lễ truy điệu chính thức tại Nhà tang lễ số 5 phố Lê Thánh Tông, Hà Nội, người ta không thấy ông Trọng xuất hiện.
Như vậy, ông đã vắng mặt trước công chúng gần ba tuần, kể từ hôm 14/04 khi truyền hình, đài báo Việt Nam đăng các hình ảnh TBT, Chủ tịch nước thăm Kiên Giang.
Theo những hình ảnh truyền hình trực tiếp của nhà nước Việt Nam, ông Trọng tuy vắng mặt nhưng có gửi vòng hoa tới viếng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại diện của Trung ương Đảng và chính phủ vào viếng nguyên Chủ tịch Lê Đức Anh, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin.
Ông Phúc cũng là người đọc điếu văn tại lễ truy điệu.
Trong danh sách Ban tang lễ gồm 39 thành viên mà Việt Nam công bố, ông Phúc là người đứng thứ hai, sau ông Nguyễn Phú Trọng.
Những hình ảnh từ buổi lễ cho thấy ông Phúc cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thành viên thứ ba trong danh sách Ban tang lễ, đi đầu hai bên quan tài khi đội tiêu binh đưa linh cữu người quá khỏi nhà tang lễ.
Thi hài của cố đại tướng Lê Đức Anh được chuyển bằng phi cơ vào TPHCM để an táng vào ngày 04/05, theo nguyện vọng gia đình.
Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình từ Hà Nội, trong cuộc thảo luận Bàn tròn Thứ Năm 2/5 của BBC Tiếng Việt, nói rằng chi tiết ông Nguyễn Phú Trọng là trưởng ban tang lễ “rất được mọi người quan tâm”, nhưng từ một khía cạnh nằm ngoài nghi thức hiếu hỉ.
“Nếu ông [Nguyễn Phú Trọng] ra làm thì chứng tỏ là ông ấy còn khỏe, ông ấy không vấn đề gì,” bà Nguyên Bình nói. “Từ lâu nay, người ta cứ đồn mãi về chuyện ông ấy có thể bị đột quỵ, ông ấy có thể bị liệt rồi méo mồm, v.v…”
“Vấn đề quốc tang cũng chỉ là cái chứng cớ để chứng minh rằng ông Trọng còn khỏe hay là ông ấy yếu.”
Từ lâu nay, người ta cứ đồn mãi về chuyện ông Trọng có thể bị đột quỵ, ông ấy có thể bị liệt rồi méo mồm, v.v… Vấn đề quốc tang cũng chỉ là cái chứng cớ để chứng minh rằng ông Trọng còn khỏe hay là ông ấy yếuNhà văn Nguyên Bình, từ Hà Nội
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC hồi cuối tháng Tư, Giáo sư Carl Thayer từ Úc châu nhận xét rằng Việt Nam “có truyền thống che giấu thông tin về lãnh đạo khi vị lãnh đạo đó hoặc là ốm bệnh, hoặc là ở trong tình thế cần giữ kín hành tung để làm nhiệm vụ bí mật”.
Tuy nhiên, ông Thayer nói với những sự kiện chính trị quốc tế và quốc nội quan trọng đã và đang diễn ra kể từ khi có tin ông Trọng bị ốm bệnh tới nay, thì việc giữ kín tin về tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo Việt Nam không phải là điều khôn ngoan.
“Nhìn vào các sự kiện như diễn đàn Vành đai, Con đường ở Bắc Kinh [cuối tháng Tư], Hội nghị Trung ương trong tháng Năm, và lời mời của Tổng thống Trump, mời ông Trọng tới thăm Mỹ trong năm nay, cùng nhiều sự kiện nữa lấp kín lịch,” nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế nói với BBC hôm 22/4, “tôi không rõ là Việt Nam sẽ hướng ra toàn thế giới bên ngoài bằng cách giữ im lặng được bao lâu.”
Hôm 25/4, hơn 10 ngày sau khi có các đồn đoán ông Nguyễn Phú Trọng bị ngã bệnh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố vắn tắt rằng sức khỏe của ông “bị ảnh hưởng bởi khối lượng công việc nặng và thay đổi khí hậu”.
Với việc trưởng ban tang lễ vắng mặt tại đám tang quốc gia, dường như những lời nói trên chưa đủ để người ta tin tưởng là ông sẽ “sẽ sớm quay trở lại làm việc bình thường” như lời tuyên bố của bà Lê Thị Thu Hằng.
Truyền thông và một số hoạt động
Theo trang Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam, TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn nhận các điện chia buồn từ một số lãnh đạo quốc tế trước lễ quốc tang cố chủ tịch Lê Đức Anh.
Theo tờ báo (03/05/2019), Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega Saavedra và Phó tổng thống Rosario Murillo “cùng gửi thư chia buồn” tới TBT, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng.
Lời chia buồn từ tổng thống Mông Cổ Khaltmaa Battulga cũng được gửi tới “TBT, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng”, còn lời chia buồn tờ Thủ tướng Campuchia Hun Sen thì được trao cho Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Được biết ông Hun Sen có mặt tại lễ quốc tang Đại tướng Lê Đức Anh, nhưng không có tin tức gì về chuyện ông có hội kiến ông Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội hay là không.
Trong khi đó, ngày 03/05, mạng xã hội có nhiều bình luận về lễ tang và sự vắng mặt của TBT, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng
Sau đây là một số bình luận trên Facebook của BBC Việt Ngữ:
Thanh Lân: ”Vỡ mộng về truyền thông nhà nước không còn gì để nói trưởng ban tang lễ không thấy xuất hiện.”
Thuan Vu: ”Sức khỏe bác TBT-CTN còn yếu lên không nhất thiết phải có mặt tại lễ tang là chuyện tất nhiên thôi chẳng vấn đề gì.”
Nguyen Trung Kien: ”Thế nước bây giờ đã chả ra gì, nhưng bác Trọng mà có vấn đề gì thì tình hình còn tệ hơn rất nhiều. TQ dễ trục lợi; cảm thấy hơi lo lo. Mình vẫn hy vọng bác Tổng khoẻ lại. Trong cái xấu thì vẫn chọn cái ít xấu hơn.”
Thanh Nam Cao: ”Chính trường Việt Nam là một bộ phim truyền hình thực tế dài tập. Cố theo dõi thì rất hấp dẫn,gay cấn và ly kỳ.”

Người dùng Facebook

 vẫn bị dư luận viên sách nhiễu đe dọa

Thanh Trúc
Các facebookers trong nước cho rằng thủ phạm khác là đội ngũ dư luận viên đông đảo, chuyên phản bác những quan điểm bị cho là độc hại về sự bất công sai trái trong xã hội cũng như trên chính trường trong nước.
Gần đây nhất, hôm 24 tháng Tư vừa qua, là trường hợp Fecebooker Bạch Cúc với trang mạng Bạch Cúc Homestay quảng bá ngôi nhà nghỉ dưỡng cho thuê của cô bị chiếu cố và bị mất định vị trên Google. Trao đổi với đài Á Châu Tự Do, facebooker Bạch Cúc cho biết:
Mình kinh doanh nhà nghỉ Bạch Cúc Homestay cũng mấy năm rồi, và thật sự mấy năm trời mình đều có những bài viết, nói chung cũng lên tiếng mạnh mẽ trên mạng. Thời gian đầu lúc mới về đây thì họ có nhắc nhở cảnh cáo là đừng làm gì nữa, đừng lên tiếng nữa. Nhưng vì mình viết về chính trị xã hội quen rồi, cứ thấy sự việc bất công hay cái gì bức xúc thì mình thường xuyên đăng bài, cũng không có vấn đề gì cả.
Việc tấn công này xảy ra thường xuyên, đặc biệt với những người thường xuyên lên tiếng chống những bất công trong xã hội.
-Nhà báo Đỗ Cao Cường
Mọi chuyện bắt đầu từ lúc bài viết của facebooker Bạch Cúc về cái chết hôm 22 tháng Tư của đại tướng kiêm cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh mà đảng cộng sản Việt Nam dự định cử hành quốc tang ngày 3 tháng Năm này. Facebooker Bạch Cúc tin rằng vì bài viết và bức hình đại tướng Lê Đức Anh mà cô đính kèm bài viết đó mà cô trở thành đối tượng bị chiếu cố của AK47 là lực lượng các dư luận viên chuyên săn lùng những thông tin tiêu cực trên mạng:
Vừa đăng lên facebook nguyên trong ngày thì tấm ảnh đó được chia sẻ cho tất cả các lực lượng AK47, lực lượng dư luận viên và lực lượng chống ‘phản động’, Họ báo với Facebook là mình vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, Facebook báo lại cho mình, chỉ nói cho biết “bài viết này của bạn vi phạm cộng đồng”, cho mình một cơ hội gởi cho họ “xin hãy xem xét”. Nhưng nếu lực lượng báo cáo quá đông thì Facebook khóa luôn.
Đến ngày 28 tháng Tư thì trang tin của facebooker Bạch Cúc đã được mở lại, nhưng Bạch Cúc cho biết trang thông của nhà nghỉ Bạch Cúc vẫn tiếp tục bị báo cáo liên tục lên Facebook và Google.
Chuyện như vậy cũng xảy ra với nhiều facebookers khác, nhà báo tự do Đỗ Cao Cường, thường có những bài viết chỉ trích chính quyền.
Em thường xuyên bị tấn công… Việc tấn công này xảy ra thường xuyên, đặc biệt với những người thường xuyên lên tiếng chống những bất công trong xã hội.
Tháng Mười Hai năm 2017, báo Tuổi Trẻ của Việt Nam loan tin về hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 ở thành phố Hồ Chí Minh, tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, nói rằng quân đội đã thành lập một lực lương hơn 10.000 người có tên là Lực Lượng 47. Ông nói đây là những hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, có trình độ và kỹ năng về công nghệ cao để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh và bảo vệ đất nước.
Anh Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội, cho biết đội quân an ninh mạng và dư luận viên này chừng như càng ngày càng đông và càng ngày càng hung hãn, nhất là đối với những facebookers thường lên tiếng trên mạng xã hội mà lại có hoạt động kinh doanh có iên quan nhiều đến kênh bán hàng thông qua mạng xã hội:
Cách đây khoảng một tháng tôi có tình cờ ngồi nói chuyện với một bạn là bác sĩ ở Bệnh Viện Quân Y 108, thì bạn ấy kể ngay trong đơn vị 108, từng phòng ban một, từng bộ phận một, đều có một nhóm và nhóm ấy đề nghị các bác sĩ trong quân y viện phải tham gia gọi là đấu tranh phản bác những luận điệu tuyên truyền chống Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Lực lượng đấy chỉ riêng Bệnh Viện 108 đã đông cả hàng ngàn người. Ngoài ra lực lượng 47, mà tiền thân nó là lực lượng thông tin ở Hải Phòng, thì nó lan tỏa khắp nước.
Chính vì vậy nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng nói tiếp anh không ngạc nhiên khi nghe tin về fabooker Bạch Cúc và mạng kinh doanh Bạch Cúc Homesay:
Họ tấn công mạnh đến mức độ làm mất luôn cả địa điểm để khách hàng định vị nhà nghỉ Homestay của bạn ấy trên Google Map. Bạch Cúc không phải trường hợp đầu tiên mà còn nhiều trường hợp khác nữa, nhưng đây là lần tấn công ồ ạt, khốc liệt và hiệu quả nhất của lực lượng này. Thực ra phản biện trên mạng xã hội thì chỉ vì bức xúc mà phải lên tiếng thôi, chứ họ còn có công ăn việc làm, phải kiếm tiền mưu sinh. Trong thời đại này Internet là công cụ hỗ trợ kinh doanh rất lớn, chính vì thế Bạch Cúc không phải là trường hợp cuối cùng mà sẽ còn nhiều người khác nữa.
Số liệu từ Tổng Cục Thống Kê hiện Việt Nam có khoảng 54 triệu người dùng facebook. Theo thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, công bố cuối tháng Mười Hai 2018, tính đến giữa tháng 12 năm 2018, Facebook đã gỡ bỏ khoảng 159 tài khoản được cho là có nội dung nói xấu chính phủ và lãnh đạo.
Cùng thời điểm này, Bộ Thông tin Truyền thông còn cho hay Facebook đã đồng ý thiết lập một kênh riêng để làm việc với Bộ.
Mặt khác, theo báo cáo minh bạch hồi năm ngoái của Google, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Google gỡ bỏ trên 6.700 nội dung từ năm 2009 đến giờ, phần lớn có ý chỉ trích chính phủ, và Google đã gỡ bỏ hơn 3.000 video như vậy.
Bạch Cúc không phải trường hợp đầu tiên mà còn nhiều trường hợp khác nữa, nhưng đây là lần tấn công ồ ạt, khốc liệt và hiệu quả nhất của lực lượng này.
-Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng
Hồi đầu năm nay, Luật An Ninh Mạng của Việt Nam cũng đã bắt đầu đi vào hiệu lực. Đây là bộ luật đã bị quốc tế chỉ trích vì cho rằng luật sẽ góp phần bóp nghẹt quyền tự do biểu đạt của người dân.
Đã có những quan ngại rằng luật An ninh mạng mới sẽ bắt buộc các hãng nước ngoài như Facebook và Google hợp tác với chính phủ Việt Nam, liên quan đến quy định về nội địa hóa dữ liệu và trao các dữ liệu người dùng cho chính phủ.
Ông Cory Gardner, Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ, từng bày tỏ quan ngại về khả năng Facebook và Google tuân thủ những qui định về nội địa hóa dữ liệu tại Việt Nam:
Sẽ rất là đáng ngại nếu Google hay bất cứ công ty nào tuân theo nỗ lực nhằm nội địa hóa dữ liệu mà có thể dung để chống lại xã hội dân sự, các nhà hoạt động dân sự, và có thể bị chính phủ sử dụng để vi phạm các quyền riêng tư của người dân. Đây là điều rất đáng lo ngại và tôi nghĩ là bất cứ ai phải chịu quy định nội địa hóa dữ liệu này phải suy nghĩ rất kỹ trước khi họ đầu tư
Trong chuyến thăm Việt Nam hôm 10/12,/2018, Phó Chủ tịch Google, ông Ken Walker, được truyền thông trong nước trích lời cho biết Google đang xem xét các bước cần thiết để mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Đại diện của Facebook trong một lần điều trần trước Quốc hội Mỹ vào năm ngoái nói rằng hãng này không bao giờ cung cấp thông tin người dùng cho chính phủ Việt Nam, đồng thời khẳng định hãng này chỉ hoạt động ở những quốc gia đảm bảo rằng duy trì các giá trị mà công ty theo đuổi.

Kêu gọi Facebook không khuất phục

biện pháp kiểm duyệt tại Việt Nam

Vào ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng 5, 10 tổ chức đồng ký tên vào thư ngỏ gửi cho Facebook kêu gọi không khuất phục biện pháp kiểm duyệt tại Việt Nam.
Theo thông cáo báo chí được công bố thì tại Việt Nam hiện không có một đơn vị báo chí độc lập nào; trong khi đó có đến hơn 64 triệu người dùng Facebook tại quốc gia này. Facebook là nguồn tìm kiếm thông tin trên thế giới cho những người sử dụng và qua Facebook những người này chia sẽ cũng như bày tỏ quan điểm về những vấn đề mà họ quan tâm.
Do vậy nhân ngày Tự do Báo Chí Thế giới, 10 tổ chức ký tên kêu gọi Facebook hãy tuân thủ tuyên bố về sứ mạng của tập đoàn này.
Kể từ đầu năm 2019, Luật An Ninh Mạng tại Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Chính phủ Hà Nội có thể muốn các công ty nước ngoài phải lập máy chủ lưu trữ cơ sở dữ liệu tại địa phương, kiểm duyệt nội dung và cung cấp dữ liệu cá nhân người sử dụng; tuy vậy quyền quyết định cuối cùng là hoàn toàn tùy thuộc vào Facebook. Tập đoàn này có tôn trọng nhân quyền hay không là do họ tự quyết lấy.
Facebook là một thành viên của Nhóm Sáng kiến Mạng lưới Toàn Cầu và có cam kết thực thi các nguyên tắc về quyền tự do biểu đạt và quyền riêng tư; do vậy những tổ chức ký tên quan ngại sâu sắc về việc Facebook kiểm duyệt nội dung theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam.
Kể từ ngày 14 tháng tư, Facebook đã chặn không cho người sử dụng mạng xã hội này tại Việt Nam truy cập vào trang Facebook của tổ chức Việt Tân liên quan đến tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, bí thư đảng cộng sản kiêm chủ tịch nước.
Trang Facebook của Việt Tân có 1 triệu 300 ngàn người theo dõi ở Việt Nam.
10 tổ chức ký tên vào thư ngỏ kêu gọi Facebook không được khuất phục biện pháp kiểm duyệt của chính phủ Hà Nội gồm Access Now, Article 19, Destination Justice, Electronic Frontier Foundation, Equality Labs, Horizontal, Phóng viên Không Biên giới, SEAPA, Việt Tân, Witness.

Việt Nam – Nhật Bản tăng cường quan hệ quốc phòng

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và người đồng cấp Nhật Bản Takeshi Iwaya trong buổi hội đàm tại Hà Nội hôm 2/5/2019 đã đồng ý tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng song phương giữa hai nước trong năm nay và tiếp sau đó.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 3/5 cho biết buổi hội đàm diễn ra nhân chuyến thăm của ông Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đến Việt Nam từ 2 – 4/5/2019.
Theo đó tại buổi hội đàm, hai ông bộ trưởng tuyên bố hai nước sẽ tận dụng các cơ chế hợp tác hiện có và các thỏa thuận quốc phòng đã ký kết cho mục tiêu tăng cường quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Vấn đề quốc phòng được nói là một trong những nội dung quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Hà Nội và Tokyo.
Bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi quốc phòng được hai nước ký kết vào tháng 10/2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác quốc phòng trong thập kỷ tiếp theo được ký kết vào tháng 4/2018 được nhận định là giúp tăng cường niềm tin chính trị giữa đôi bên.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch nhân dịp này cũng cảm ơn Nhật Bản vì đã hỗ trợ chi phí phục hồi cho Việt Nam sau chiến tranh và những sáng kiến về cơ chế hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.
Kể từ năm 2009, Nhật Bản đã viện trợ gần 5,5 triệu USD cho hai dự án rà phá bom mìn ở các tỉnh Quảng Trị và Hà Tĩnh của Việt Nam.
Việt Nam và Nhật Bản được nói cũng đang hợp tác để thử nghiệm các công nghệ xử lý chất độc da cam tại sân bay Biên Hòa.

Nguyễn Phú Trọng ‘mất tích’

trong đám tang Lê Đức Anh, điều gì đang xảy ra?

Việc Nguyễn Phú Trọng không thể có mặt trong đám tang Lê Đức Anh vào ngày 3/5/2019 cho thấy ngày 25/4/2019 – khi Bộ Ngoại giao thông báo Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban lễ tang Lê Đức Anh – là nhằm đối phó với áp lực dư luận trong ngoài nước và dự tính đến khi đó Trọng sẽ có thể phục hồi, cùng lúc có tin ngoài lề về Trọng phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên sau đó tình hình bệnh tật của Trọng xấu đi khiến ông ta không những ‘mất tích’ tại đám tang Lê Đức Anh mà còn phải ‘chuyển giao quyền lực’ chức vụ trưởng ban lễ tang cho Trương Hòa Bình – Phó thủ tướng thường trực. Nhưng chính việc Trương Hòa Bình làm trưởng ban lễ tang thay Trọng đã có thể vi phạm nghị định 105 về tổ chức tang lễ cấp nhà nước của một chính phủ do Bình đang điều hành, trong đó có quy định ‘trưởng ban lễ tang là tổng bí thư hoặc chủ tịch nước’.
Việc Nguyễn Phú Trọng không thể có mặt trong đám tang Lê Đức Anh – xét về hành vi đi lại và phát ngôn, kể cả phát âm, cũng không có bất cứ hình ảnh hay video nào về Trọng, là một bằng chứng rõ nhất và hùng hồn nhất về việc Trọng rất có thể vẫn còn nguyên trong giai đoạn khó khăn, thậm chí nguy kịch về sức khỏe và sẽ phải mất ít ra vài ba tháng nữa mới có thể tạm phục hồi. Cho tới nay, dù đã hơn nửa tháng kể từ khi Nguyễn Phú Trọng bị cơn bạo bệnh tại Kiên Giang – nơi được xem là ‘căn cứ địa cách mạng của gia tộc Nguyễn Tấn Dũng’, bất chấp hàng ngày báo đảng vẫn ra rả thông tin về việc ‘chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng’ gửi điện và thư chúc mừng giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên và những nước khác, vẫn không có bất kỳ hình ảnh hay video nào về ông ta, kể cả hình ảnh Trọng trên… giường bệnh.
Trong lúc dân chúng đã quá quen với não trạng và thói bưng bít thông tin về ‘sức khỏe lãnh đạo cấp cao’ – thể hiện gần nhất qua những vụ việc Nguyễn Bá Thanh Trưởng ban Nội chính trung ương vào năm 2014, Phùng Quang Thanh Bộ trưởng quốc phòng vào năm 2015 và Trần Đại Quang Chủ tịch nước vào năm 2017 và 2018, nhiều thành phần trong nội bộ đảng đã và sẽ bực bội trước tình trạng các cơ quan đảng giấu biến sự thật về tình trạng bệnh tật Nguyễn Phú Trọng, đồng thời dấy lên mối nghi ngờ về việc chính Trọng đã chỉ đạo giấu biệt thông tin về sức khỏe của ông ta nhằm mục đích phô trương sức khỏe vẫn ổn, tham quyền cố vị và ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’ từ đây đến hết đại hội 12 và sang cả đại hội 13 của đảng cầm quyền.
Việc Nguyễn Phú Trọng không có mặt trong đám tang Lê Đức Anh vào ngày 3/5/2019 chắc chắn khiến nhiều đảng viên cấp trung và thấp, giới quan chức hưu trí và cả những ‘cách mạng lão thành’ cận thần của Trọng – những người không có điều kiện tiếp cận thông tin nội bộ ở cấp trung ương – cảm thấy bị lừa gạt, mất niềm tin vì trước đó Bộ Ngoại giao đã thông báo là Nguyễn Phú Trọng sẽ sớm trở lại làm việc, còn Nguyễn Thị Kim Ngân – chủ tịch quốc hội – đã thông báo rằng tình hình ‘đồng chí tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang phục hồi sức khỏe nhanh chóng’, từ đó dẫn đến tâm trạng hoang mang và cảm nhận về những biến động, biến cố chính trị lớn có thể xảy ra.
Giờ đây, ai cũng nhìn thấy ‘Tổng tịch’ không còn hồng hào như trước và khó còn có thể đi đây đi đó hô hào về ‘không biết đến cuối thế kỷ này có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện không’, thậm chí ngay cả thói quen tiếp xúc ‘cử tri trung thành’ cũng có thể bị vấn đề sức khỏe của ‘cụ’ khiến cho lơi lỏng không ít.
Và ai cũng nhìn thấy trước là ‘sinh lão bệnh tử’ sẽ chẳng chừa ai, cho dù có là ‘hoàng đế Nguyễn Phú Trọng’ chăng nữa.
Có quá nhiều điều kiện tiếp xúc với Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe trung ương, hẳn các quan chức còn lại trong ‘tam trụ’ và những ủy viên bộ chính trị khác đều cảm nhận về thời của Nguyễn Phú Trọng đã sang bên kia núi.
Nhưng dù có tạm phục hồi sức khỏe chăng nữa, xác suất tái đột quỵ luôn chờ chực Trọng đang dẫn tới khả năng ông ta phải chuyển giao quyền lực dần cho những quan chức khác.
Việc Trọng không mặt tại lễ tang Lê Đức Anh có thể là cú châm ngòi cho cuộc đua quyền lực của giới quan chức cấp dưới chính thức khởi động theo dạng thức vết dầu loang và mau chóng bùng nổ.
Ngay cả khi Nguyễn Phú Trọng còn tập quyền cá nhân, vẫn diễn ra những trận sát phạt khá ác liệt cho vị trí ‘lãnh đạo chiến lược’. Còn khi Trọng bắt đầu có dấu hiệu ‘xuôi tay’, chẳng còn gì có thể kềm giữ những trái tim nóng nảy và cái đầu lạnh toát nữa.
Việc Trương Hòa Bình nói nhầm về ‘chủ tịch nước Nguyễn Thị Kim Ngân’ trong phần giới thiệu quan khách tại lễ tang Lê Đức Anh cho thấy trước đó có thể đã có những cuộc bàn bạc căng thẳng trong Bộ Chính trị về phương án nhân sự thay thế Nguyễn Phú Trọng sau khi Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe trung ương đánh giá tiêu cực về bệnh trạng của Trọng không chỉ trong ngắn hạn mà cả trung hạn và dài hạn. Trương Hòa Bình có thể đã bị ám ảnh về phương án nhân sự với cái tên Nguyễn Thị Kim Ngân làm chủ tịch nước khiến Bình bị ‘tẩu hỏa nhập ma’ và phát ra ‘chủ tịch nước’ thay vì ‘chủ tịch quốc hội’ Nguyễn Thị Kim Ngân’ ngay trong tang lễ Lê Đức Anh.
Không biết vô tình hay hữu ý, trong thời gian Nguyễn Phú Trọng ‘được điều trị tích cực’, đã xuất hiện một biểu hiện rõ rệt về ‘tăng quyền cho thủ tướng’ – được đề xuất từ khối chính phủ của thũ tướng ‘Cờ Lờ Mờ vờ’. Cũng trong thời gian đó, phía Quốc hội của Nguyễn Thị Kim Ngân có vẻ lớn tiếng hơn là thói ‘gật’ trước đây theo ý chỉ của đảng. Một cách không tuyên bố, thế cục bàn cờ chính trị Việt Nam đang lặng lẽ chuyển sang ‘tam quyền phân lập’. Đó là khuynh hướng giãn cách hóa và khu biệt hóa giữa khối hành pháp, lập pháp với khối đảng. Đặc biệt, sẽ phát sinh những phản ứng từ kín đáo đến lộ liễu và quyết liệt của khối chính phủ và quốc hội đối với não trạng và thói hành xử ‘đảng quyết định tất cả’ và gần đây là ‘đảng không làm thay mà làm luôn’.

Powered by Blogger.