Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Pháp khẳng định “quyền tự do hàng hải” ở Biển Đông đáp trả mạnh mẽ tuyên bố chỉ trích của TQ

Friday, May 3, 2019 8:11:00 PM // ,

Phản ứng trước việc Trung Quốc (25/4)gửi công hàm ngoại giao phản đối Pháp đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan hồi đầu tháng, Paris ngay lập tức khẳng định quyền “tự do hàng hải theo luật quốc tế” của mình.  
Tàu hộ tống lớp La Fayette của Hải quân Pháp. Nguồn: AFP
Pháp ngày 25/4 một lần nữa xác nhận cam kết của mình trong việc thực thi quyền “tự do hàng hải theo luật quốc tế”, bất chấp phản ứng kịch liệt từ chính quyền Bắc Kinh. Trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tuyên bố “Hải quân quốc gia (Pháp) mỗi năm đi qua eo biển Đài Loan một lần, không hề xảy ra sự cố hoặc phản ứng gì”.
Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng “Hải quân Trung Quốc đã xua tàu chiến Pháp đi qua eo biển Đài Loan” hôm 7/4, nhưng không cung cấp thêm chi tiết vụ việc. Động thái của hải quân Pháp diễn ra chỉ sau khoảng 2 tuần kể từ khi khu trục hạm USS Curtis Wilbur của Hải quân và tàu Bertholf của tuần duyên Mỹ đi qua nơi này vào ngày 25/3. “Việc các tàu này đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, theo thông báo của hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ. “Mỹ sẽ tiếp tục bay ngang, đi thuyền qua và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép”.Theo giới quan sát, sở dĩ Trung Quốc phản ứng dữ dội về hoạt động của tàu chiến Pháp vì lo ngại hành động này có thể mở đường cho các đồng minh khác của Mỹ, như Nhật Bản và Australia làm điều tương tự tại eo biển Đài Loan.
Kể từ năm 2015, sứ mệnh thường niên mang tên Jeanne d’Arc của Pháp - một cuộc huấn luyện cho các sĩ quan hải quân tương lai được thực hiện bởi tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral và tàu hộ vệ - thường di chuyển qua Biển Đông vào mùa xuân. Thêm vào đó, Pháp còn triển khai nhiều tàu tới vùng Biển quan trọng này, như tàu trinh sát Vendémiaire vào các năm 2014, 2015 và 2018, tàu trinh sát Prairial vào năm 2017 và 2 tàu săn ngầm lớp FREMM Provence và Auvergne lần lượt vào năm 2016 và 2018.
Theo TS Mathieu Duchâtel, Phó Giám đốc chương trình châu Á và Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, việc Pháp triển khai thường xuyên các khí tài quân sự tại Biển Đông phát đi những tín hiệu nhất định.
Thứ nhất, các động thái của Pháp nhằm trực tiếp vào Trung Quốc cụ thể hơn là chống lại sự hăm dọa của Trung Quốc. Trong bối cảnh Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự để tạo “sự đã rồi” ở Biển Đông, Paris muốn Bắc Kinh thấy rằng quân đội Pháp sẽ hoạt động tại bất kỳ khu vực nào luật quốc tế cho phép và Bắc Kinh không thể can thiệp. Đó là lý do tàu Auvergne lớp FREMM đã tiến hành đợt triển khai đầu tiên tại Biển Đông hồi tháng 10/2017 để kiểm tra thiết bị săn ngầm.
Thứ hai, các động thái của Pháp hướng về cộng đồng quốc tế cũng như những quan ngại về sự ủng hộ của Pháp đối với trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế. Trong khi theo đuổi mục tiêu duy trì và thực thi UNCLOS, Pháp xem những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là sự đe dọa đối với tương lai của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Thứ ba, các động thái của Pháp nhằm vào các đối tác chủ yếu của Pháp tại châu Âu, đặc biệt là Anh và Liên minh châu Âu (EU). Việc thực thi Hiệp ước Lancaster House Anh - Pháp năm 2010 và xây dựng một lực lượng viễn chinh chung giữa hai nước là nền tảng trong quan hệ của Pháp với Anh, đặc biệt trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời EU. Trong khi đó, ý muốn của Pháp với EU là tạo ra một liên minh nắm sức mạnh quân sự quan trọng và hoạt động trên toàn cầu thay vì chỉ giới hạn ở châu Âu. Cuối cùng, liên quan tới chính sách đang định hình dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron là ủng hộ một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng mở và tự do.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.