Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức trực tuyến, Thủ tướng Boris Johnson nói Anh Quốc sẽ tặng cho các nước nghèo hơn số vaccine chống Covid dư, sau khi tiêm chủng đại trà ở Anh hoàn tất.
Trước khi tham gia Hội nghị G7 năm nay, khai mạc 19/02/2021 qua video, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các nước giàu đặt ra 4-5% vaccine của họ cho các nước nghèo hơn.
Lãnh đạo Anh, nước đã tiêm chủng được gần 17 triệu dân với liều vaccine đầu tiên, nói cần đặt ra mục tiêu 100 ngày để phát triển vaccine chống các loại dịch bệnh nảy sinh trong tương lai.
Với dân số gần 67 triệu, Anh đã đặt mua 400 triệu liều vaccine từ các nguồn và nhà bào chế khác nhau, nên sẽ dư ra khá nhiều vaccine sau khi tất cả người lớn được tiêm.
Tuy thế, với các quốc gia đông dân và thiếu cơ sở hạ tầng về y tế và phân phối dược phẩm, việc tiêm cho đa số người dân của họ sẽ khó hoàn tất đến cuối 2023, theo đánh giá của Viện nghiên cứu Economic Intelligence Unit tại Anh.
Mục tiêu tiêm chủng toàn cầu, cho 7,8 tỷ người là rất khó đạt được, theo một bài phóng viên BBC News Stephanie Hegarty đăng hôm 13/02/2021 tại Anh.
Nhìn vào vấn đề dân số, bà Hegarty cho rằng "trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ người ta thử làm chuyện đó".
Vấn đề không phải là có đủ, hay thừa vaccine mà là khó khăn về hậu cần.
Nhiều quốc gia thiếu hệ thống phân phối, nhân viên y tế, tình nguyện viên được hướng dẫn để tiêm vaccine cho dân.
Phóng viên BBC trích các đánh giá của Economic Intelligence Unit nói "cường quốc vaccine" như Trung Quốc cũng khó tiêm hết cho dân của họ đến cuối 2022, vì dân số quá đông và tình trạng tương tự sẽ xảy ra ở Ấn Độ.
"Một số quốc gia sẽ không thể tiêm chủng rộng khắp cho dân trong 2023 và có những nước sẽ không bao giờ tiêm chủng hết cho dân."
Tuy thế, quốc gia nào có dân số trẻ có thể sẽ không coi việc tiêm chủng đại trà là ưu tiên.
Tại Anh, giới chức hiện không đưa nhóm thiếu niên dưới 16 và trẻ nhỏ vào diện tiêm chủng. Cùng lúc, vẫn có không ít các cộng đồng dân cư phản đối việc tiêm vaccine chống Covid.
Ngoài ra, vấn đề đi cùng chương trình tiêm chủng là làm sao cập nhật các loại vaccine để chống được những biến thể mới của Covid.
Cùng lúc, người ta cũng bàn nhiều về chi phí mua vaccine từ nước ngoài.
Tính đến tháng 11/2020 thì vaccine Oxford/AstraZeneca là rẻ mất, giá chỉ 4 USD, thấp hơn Pfizer (20 USD) hay Moderna (33 USD).
Vaccine Novavax sắp đưa vào sử dụng có giá khoảng 17 USD, còn Johnson & Johnson giá 10 USD.
Đây là giá chào hàng do các công ty bào chế nêu ra, còn giá tiêm tại chỗ có khi cao hơn, vì phải cộng chi phí phân phối, hoặc thấp hơn nếu chiến dịch tiêm chủng được tài trợ.
Ví dụ giá tiêm một liều vaccine Trung Quốc tại Bắc Kinh tháng 1 vừa qua là 60 USD nhưng vaccine Trung Quốc mà Indonesia nhập về sẽ chỉ còn giá 200 ngàn rupia (13,6 USD) cho dân địa phương, theo BBC News.
18/2/21 –Facebook chặn những người dùng ở Úc chia sẻ hoặc xem nội dung, tin tức trên nền tảng của công ty này, gây nhiều báo động về việc truy cập thông tin quan trọng của công chúng.
Người dân Úc tỉnh giấc hôm thứ Năm và nhận ra rằng tất cả các trang Facebook của các hãng tin địa phương lẫn toàn cầu đều không xuất hiện trên nền tảng.
Một số trang Facebook của chính phủ về sức khỏe, những vấn đề khẩn cấp và các trang khác cũng bị chặn hôm thứ Năm – điều mà gã khổng lồ công nghệ sau đó xác nhận là do nhầm lẫn.
Chính phủ Úc nói việc cấm này đe dọa “uy tín” của Facebook.
Những tài khoản bên ngoài nước Úc cũng không thể đọc hay truy cập được bất cứ trang tin tức nào của Úc trên nền tảng này.
Động thái này của Facebook là để đáp trả một đạo luật được đề xuất ở Úc, có thể khiến các gã khổng lồ công nghệ phải trả tiền cho nội dung tin tức.
Các công ty như Google và Facebook lập luận rằng luật trên không phản ảnh cách thức hoạt động của internet và “trừng phạt” nền tảng của họ một cách bất công.
Chính phủ Úc nói họ đang tiến hành các bước mà luật này được thông qua hạ viện hôm thứ Tư.
“Facebook cần phải suy nghĩ rất kỹ lưỡng về ý nghĩa của điều này đối với danh tiếng và vị thế của mình.” Bộ trưởng Truyền thông Paul Fletcher nói với ABC.
Nhưng Facebook nói luật này khiến họ “phải đối mặt với một lựa chọn khắc nghiệt: cố gắng tuân thủ luật mà bỏ qua thực tế của mối tương quan này hoặc ngừng cho phép nội dung tin tức hiển thị trên các dịch vụ của chúng tôi ở Úc”.
Các hãng thông tấn ở Úc cũng bị hạn chế chia sẻ hoặc đăng bất kỳ liên kết nào trên trang Facebook của họ. Đài truyền hình quốc gia, ABC, và các tờ báo như Sydney Morning Herald và The Australian hiện có hàng triệu người theo dõi.
Facebook nói đã giúp các hãng thông tấn của Úc kiếm được khoảng 407 triệu đôla Úc (316 triệu đôla Mỹ) năm ngoái thông qua việc đưa tin, nhưng với bản thân họ “nền tảng đạt được lợi ích từ tin tức là rất ít”.
Giám đốc điều hành địa phương của công ty, William Easton, nói: “Luật này đã tìm cách” trừng phạt Facebook vì nội dung mà Facebook không có hoặc không yêu cầu”.
Điều gì đã xảy ra với các trang web của chính phủ?
Thay đổi của Facebook cũng không cho người Úc truy cập vào trang của nhiều cơ quan chính phủ, bao gồm trang của cảnh sát và các dịch vụ khẩn cấp, sở y tế và Cục khí tượng.
Các trang khác dành cho tổ chức từ thiện, chính trị gia, các nhóm về thể thao và các tổ chức không sản xuất tin tức khác cũng bị ảnh hưởng.
Facebook sau đó đã đưa ra một tuyên bố nói rằng những trang này đã “vô tình bị vạ lây” và sẽ được khôi phục lại, dù nó không nói gì về thời hạn.
Người phát ngôn cho biết công ty đã “đưa ra định nghĩa rộng” về thuật ngữ “nội dung tin tức” trong luật.
Người Úc phản ứng ra sao?
Việc cấm này đã gây ra phản ứng dữ dội ngay tức thời, với việc nhiều người Úc tức giận khi đột nhiên họ mất quyền truy cập vào các nguồn đáng tin cậy và có thẩm quyền.
Một số người chỉ ra rằng Facebook là phương thức cốt yếu để mọi người nhận được các tin tức cập nhật khẩn cấp về các vấn đề đại dịch và thảm họa quốc gia.
“Cảm giác rõ ràng về những gì mà Facebook sẽ cho phép mọi người làm trong tương lai rất hạn chế, không chỉ ở Úc mà trên toàn thế giới”, một người đàn ông Sydney, Peter Firth, nói với BBC.
Một người khác, Amelia Marshall, nói cô không thể tin vào quyết định của công ty “giữa cơn đại dịch” thế này, và nói thêm: “Tôi đã đưa ra quyết định vốn đã nên làm từ rất lâu là xóa vĩnh viễn tài khoản Facebook của mình.”
Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Úc nói Facebook đang kiểm duyệt luồng thông tin trong nước – gọi đây là một “bước rẽ nguy hiểm”.
Elaine Pearson nói: “Cắt quyền truy cập thông tin quan trọng của cả một đất nước trong đêm khuya lắc khuya lơ là vô lương tâm.”
Chính phủ đang làm gì?
Chính phủ bảo thủ của Úc ủng hộ đạo luật – sẽ được tranh luận một lần nữa tại quốc hội ngày hôm nay. Đạo luật có sự hỗ trợ rộng rãi giữa các đảng phái.
Bộ trưởng Ngân khố Úc, Josh Frydenberg, đã tweet rằng ông đã có một cuộc thảo luận “mang tính xây dựng” với giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg vào thứ Năm.
“Ông ấy [Mr Zuckerberg] đã nêu lên một số vấn đề còn tồn đọng với quy tắc thương lượng trên các phương tiện truyền thông tin tức của chính phủ và chúng tôi đồng tình tiếp tục cuộc đối thoại của mình để cố gắng tìm ra một con đường tiến về phía trước”, ông nói.
Facebook muốn chiếm thế thượng phong
Úc không phải là thị trường lớn với Facebook. Và Facebook nói tin tức không phải là động lực lớn về doanh thu cho công ty. Vậy tại sao Facebook lại quan tâm nhiều đến luật này?
Đây là việc sâu xa hơn về mặt căn nguyên. Các quốc gia khác đang nhìn vào những gì đang diễn ra ở Úc. Có những suy đoán rằng Canada, thậm chí cả EU có thể nối gót Úc – điều mà Facebook muốn tránh đi.
Facebook đã trả tiền cho một số tin tức. Ví dụ, Facebook được bắt tay vào các giao dịch thương mại với các công ty truyền thông ở Anh.
Tuy nhiên, những gì Facebook muốn làm là chiếm thế thượng phong.
Các giám đốc điều hành của nó không muốn các chính phủ nhúng tay vào, nói với họ rằng họ phải trả tiền cho tin tức – và thậm chí định giá chúng.
Facebook, sau đó, đã đưa ra quyết định cho thấy rằng các chính phủ sẽ nhận lãnh hậu quả nếu họ muốn nắn gân Big Tech.
Nhưng điều đó có thể phản tác dụng một cách ngoạn mục. Về bản chất, việc Facebook có thể dập mọi tin tức của Úc trên nền tảng của nó đã bị chỉ trích là phản dân chủ – thậm chí độc tài – ở một số nơi.
Chính quyền Biden sẵn sàng đàm phán với Iran. Một quan chức cấp cao của Mỹ hôm thứ Năm (18/2) cho biết việc này sẽ được thực hiện nếu Liên minh châu Âu ngỏ lời mời Hoa Kỳ tham gia cuộc họp để bàn về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Trước đó, một quan chức cấp cao của EU cho biết Anh chuẩn bị triệu tập một cuộc họp như vậy giữa các bên tham gia thỏa thuận: Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ [Reuters].
Facebook bị nhiều quan chức thế giới chỉ trích. Hôm thứ Năm (18/2) mạng xã hội này phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các nhà xuất bản và các chính trị gia khắp thế giới sau khi chặn các nội dung tin tức ở Úc. Henry Faure Walker, chủ tịch Hiệp hội Truyền thông Tin tức của Anh, nói rằng hành động chặn tin của Facebook trong trận đại dịch toàn cầu là “một ví dụ kinh điển về việc một thế lực độc quyền đóng vai một kẻ bắt nạt, cố bảo vệ vị trí thống trị của mình, không quan tâm đến những người dân và khách hàng họ lẽ ra phải phục vụ” [Reuters].
Bắc Kinh lại chỉ trích Canada. Lần này là vì chính phủ Canada đã ký một tuyên bố cùng 57 quốc gia khác (bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Đức) tố cáo việc giam giữ tùy tiện công dân nước ngoài. Phát biểu với các phóng viên hôm thứ Năm (18/2), Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã chuyển sự thất vọng của mình tới Ottawa về tuyên bố chung, mô tả hành động của Canada là “đáng khinh bỉ và đạo đức giả” [The Guardian].
CNN, NBC, ABC trả tiền cho thành viên Antifa. Những hãng truyền thông này đã trả tiền cho người đàn ông được xác định là một thành viên của Antifa để có được các thước phim anh này quay bên trong Điện Capitol khi người biểu tình tràn vào bên trong khu vực Quốc hội nơi các nghị sĩ đang họp đếm phiếu Đại cử tri hôm 6/1. Đáng lưu ý, người đàn ông này sau đó đã bị buộc tội gây bất ổn dân sự, xâm nhập bạo lực trong vụ hỗn loạn tại Điện Capitol [Epoch Times].
Tướng về hưu chỉ ra yếu kém của quân đội Trung Quốc. Tướng “diều hâu” Trung Quốc Luo Yuan mới đây thừa nhận, dù đã có nhiều tiến bộ nhưng còn một con đường dài để quân đội nước ông đuổi kịp Mỹ và Nga. Vị tướng này sử dụng ví dụ về tàu sân bay để củng cố quan điểm của mình, nói rằng trong khi các tàu sân bay của Mỹ và Nga đang hoạt động trên biển, Trung Quốc thậm chí không có kế hoạch chế tạo một chiếc. Ông cũng cho biết số lượng đầu đạn hạt nhân mà Trung Quốc thấp hơn nhiều so với của Mỹ hoặc Nga. Ông Luo cho biết thêm rằng Trung Quốc cũng có ít tàu ngầm hạt nhân hơn Nga [Taiwan News].
EU công bố chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Hôm thứ Năm (18/2) tổ chức này đã công bố chính sách ngoại thương mới, quyết đoán hơn, thể hiện sự hợp tác nhiều hơn với Washington kèm các biện pháp nhằm loại bỏ “những tác động tiêu cực” từ cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với thương mại và đầu tư cũng như “Đảm bảo rằng Trung Quốc thực hiện các nghĩa vụ lớn hơn trong thương mại quốc tế” [SCMP].
Biden ‘làm hoàn toàn ngược lại’ các khuyến nghị đẩy lùi Bắc Kinh. Đây là nhận định của một dân biểu khi trả lời câu hỏi của dân biểu Jim Banks, Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Đảng Cộng hòa (RSC), trong cuộc họp của RSC hôm thứ Năm (18/2). Ông Banks cho rằng “Mối đe dọa lớn nhất đối với tự do và công lý của Mỹ là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”, nhưng chính quyền Biden lại đang cho thấy cách cư xử mềm mỏng với lực lượng đang nắm quyền ở Trung Quốc. Ông đề nghị cần phải làm gì đó để giải quyết thế lực này, buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm [Breitbart].
Nhiều người bang Texas bị ngộ độc khí Carbon. Tình trạng mất điện đã tạo ra hàng trăm trường hợp ngộ độc khí carbon monoxide sau khi người dân bang Texas, Mỹ, chuyển sang dùng xe và đốt củi trong nhà để giữ ấm. Một trường hợp kịch tính đã xảy ra vào sáng ngày thứ Tư (17/2) khi Cảnh sát Houston phát hiện một phụ nữ và trẻ em chết vì ngộ độc khí carbon monoxide sau khi sử dụng một chiếc xe hơi trong ga ra của họ để phát nhiệt giữ ấm [Breitbart].
Gần 5.000 người Hồng Kông đăng ký thị thực mới của Anh. Thị thực mới cho phép những người Hồng Kông đủ tiêu chuẩn đăng ký sinh sống, làm việc, học tập tại Anh, mở ra con đường trở thành công dân của nước này. Bộ Nội vụ Anh từ chối bình luận về thông tin bị rò rỉ này. Một phát ngôn viên của bộ cho biết dữ liệu sẽ được công bố trong những tháng tới. Kế hoạch cấp thị thực được Anh công bố năm ngoái, sau khi chính quyền trung ương Trung Quốc áp luật an ninh quốc gia mới ở Hồng Kông [Reuters].