Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

ĐCSTQ nhiều lần phán đoán sai, đang chờ đến bầu cử Mỹ?

Monday, May 27, 2019 // ,

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đột nhiên nóng lên, chính quyền Trung Quốc lại nhắc đến “Vạn lý trường chinh mới” để chuẩn bị ứng phó với những ngày tháng khó khăn. Truyền thông ngoài nước ngoài cho rằng, chính quyền Trung Quốc hết lần này đến lần khác phán đoán sai lầm, hiện tại lại muốn đợi đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào năm tới, và đây đây vẫn sẽ là một sai lầm.
Hôm 24/5, tờ Apple Daily tại Hồng Kông có đăng một bài viết của nhà báo lâu năm Phan Tiểu Đào, bài viết cho rằng, trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung này, cao tầng của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhiều lần phán đoán sai lầm về Mỹ, từ đó khiến cho chiến tranh thương mại liên tục leo thang.
Bài viết nói, năm ngoái, khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung mới bùng nổ, cao tầng của ĐCSTQ cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump là vì muốn cầu tài, nên chỉ cần mua hàng chục tỉ hàng hóa Mỹ là có thể giải quyết, nhận định rằng Mỹ không dám thực sự đánh trong cuộc chiến này, thế là họ làm ầm ĩ để đáp trả Mỹ. Thực tế đã chứng minh, đây là phán đoán sai lầm nghiêm trọng.
Còn lần này, cao tầng của ĐCSTQ lại sai lầm cho rằng ông Trump đang nóng lòng muốn đạt được thỏa thuận thương mại, sai lầm cho rằng ông Trump sẽ dùng thỏa thuận này làm vũ khí để tái đắc cử nhiệm kỳ tiếp theo. Thế là ĐCSTQ mới lật lọng, chỉnh sửa bản thảo văn bản cam kết thương mại đã đạt được, khiến ông Trump tức giận và tăng thuế quan với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời giáng đòn đau vào doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc.
Bài viết cho rằng, hiện tại cao tầng ĐCSTQ không có chiêu nào, chỉ có thể huy động truyền thông nhà nước để đẩy trách nhiệm cho phía Mỹ về vấn đề đàm phán bị đổ bể; kích động tình cảm chủ nghĩa dân tộc của người dân, dịch chuyển tầm nhìn của người dân trong nước, cố gắng làm mờ nhạt ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đến kinh tế Trung Quốc trong năm ngoái; mang cả ông Mao Trạch Đông ra, mưu tính “dùng Mao chế Mỹ”. Ý đồ tập trung sự ủng hộ của người dân cho để kéo dài cuộc chiến, vừa “đàm” vừa “đánh” để kéo dài đến cuộc bầu cử Mỹ vào năm tới.
Đài Tiếng nói Đức (Deutsche Welle) đưa tin hôm 24/5 đã trích dẫn lời của hai chuyên gia cho rằng, sau khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung rơi vào thế giằng co, việc ĐCSTQ ngồi đợi bầu cử Mỹ vào sang năm, chắc chắn là một canh bạc; dù là đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, thì nguyên tắc cơ bản trong mối quan hệ với Trung Quốc đều là nhất trí.
Bản tin dẫn lời của ông Andrew Small – Chuyên gia về vấn đề quan hệ Mỹ – Trung thuộc Quỹ Marshall Đức (German Marshall Fund) nói rằng, thái độ “tĩnh lặng quan sát thay đổi” của Trung Quốc có rất nhiều rủi ro. Một mặt, kiểu đợi chờ này sẽ tốn rất nhiều thời gian; mặt khác, kinh tế Trung Quốc hiện nay đã đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài.
Andrew Small cho biết, thực tế việc Washington ngăn chặn Huawei và ZTE đã cho thấy, Mỹ có năng lực gây thiệt hại nặng cho kinh tế Trung Quốc, còn phía Trung Quốc lại không cách nào đáp trả tương ứng được. Trong khi đó, việc ngăn chặn các công ty công nghệ của Trung Quốc cũng dẫn đến phản ứng dây chuyền, hậu quả có thể sẽ nghiêm trọng hơn nữa. Bởi vì rất nhiều doanh nghiệp quốc tế đang cân nhắc kỹ xem liệu có tiếp tục làm ăn với những công ty bị Mỹ liệt vào danh sách đen hay không.
 Abraham Denmark, cựu Trợ lý Sự vụ Đông Á của Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện đang là Chủ nhiệm dự án châu Á thuộc Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson, cho biết, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình gần đây nhắc đến “Vạn lý trường chinh mới”, cho thấy ĐCSTQ muốn dân chúng chuẩn bị tốt cho “nhiều vấn đề kinh tế sẽ xuất hiện từ nay về sau”, cũng cho thấy rõ tranh chấp thương mại Mỹ – Trung đã tạo thành xung kích đối với kinh tế Trung Quốc và hiển nhiên là vượt ngoài dự báo của chính quyền Bắc Kinh.
Abraham Denmark cho rằng, nếu ĐCSTQ ngồi đợi cuộc bầu cử Mỹ vào năm tới, “dùng chiến lược tĩnh lặng quan sát thay đổi, vậy thì chắc chắn đó là một canh bạc”. Các nhà hoạch định chính sách dù là đến từ đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ, họ đều cho rằng Mỹ đã tham gia vào trong một cuộc cạnh tranh giành giật tương lai với ĐCSTQ. Cách nhìn nhận này cũng rất phổ biến trong cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ.
Hôm 10/5, Mỹ đã chính thức nâng mức thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ; đồng thời cũng cho biết sẽ tăng thuế quan đối với 300 tỉ hàng hóa khác của Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Hôm 11/5, ông Trump chia sẻ trên Twitter, “Tôi cho rằng Trung Quốc cảm thấy họ đã bị đánh tơi tả trong vòng đàm phán gần đây và họ có lẽ muốn đợi cho tới cuộc bầu cử tiếp theo, 2020, để xem liệu họ có may mắn chứng kiến một thành viên Đảng Dân chủ thắng cử – trong trường hợp đó họ sẽ tiếp tục ăn chặn của Hoa Kỳ 500 tỷ USD một năm…”
Ông cũng nói thêm, “Vấn đề duy nhất là họ biết rằng tôi sẽ chiến thắng (con số kinh tế & việc làm tốt nhất trong lịch sử Mỹ & nhiều hơn thế), và thỏa thuận sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều nếu phải đàm phán tại nhiệm kỳ 2 của tôi. Sẽ là khôn ngoan nếu họ hành động ngay, nhưng tôi cũng thích thu những khoản tiền thuế to đùng!”.

TQ hôm nay là sai lầm của Mỹ 20 năm qua?

Hàng loạt tổng thống Mỹ, từ Bill Clinton đến Barack Obama, bị đánh giá là nhìn nhận sai tham vọng của Trung Quốc. Hậu quả của "sai lầm 20 năm" đến bây giờ mới bắt đầu phơi bày, khi Trung Quốc đã trở nên quá mạnh.
Bài phân tích của giáo sư Panos Mourdoukoutas, trưởng khoa kinh tế Đại học LIU Post (New York, Mỹ), đăng trên tạp chí Forbes. 
Từ Biển Đông, Ấn Độ Dương cho đến châu Phi, Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ, thách thức vị thế thống trị của Mỹ. Đây là điều các nhà đầu tư nên trông chừng: căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu lan ra xa hơn, không chỉ riêng thương mại.
Cần phải nhấn mạnh: sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải vô tình. Nó diễn ra một cách có hệ thống, một chiến lược khổng lồ được giúp đỡ bởi "lòng tốt" của các đời tổng thống Mỹ trước.
Trong một báo cáo công bố gần đây, tổ chức học giả Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR) đánh giá rằng một loạt chính quyền Mỹ, từ trào Bill Clinton đến Barack Obama, đã nhìn nhận sai ý đồ chiến lược của Trung Quốc trên nhiều mặt trận; họ đã quá lạc quan về quan hệ Mỹ - Trung.
"Trong khi các vị tổng thống này nói chuyện lạc quan trong gần 20 năm, Trung Quốc đã áp dụng một chiến lược quy mô dưới thời ông Tập Cận Bình; dùng công cụ địa - kinh tế để lấn ép láng giềng và nhiều quốc gia khác, gần đây nhất là thông qua Sáng kiến Vành đai, con đường (BRI);
Vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ trên quy mô lớn; mở rộng lực lượng quân sự nhằm đẩy Hoa Kỳ phân tán khỏi Nhật Bản và Philippines; xây dựng và quân sự hóa Biển Đông, vi phạm luật quốc tế… Kiên trì vun đắp sức mạnh và ảnh hưởng với mục tiêu chiến lược thách thức vị trí quyền lực số 1 của Mỹ ở châu Á". 
Giới chuyên gia: Trung Quốc hôm nay là sai lầm của Mỹ 20 năm qua - Ảnh 2.
Trận thương chiến Mỹ - Trung ngày nay là hậu quả gây ra bởi loạt chính sách của các đời tổng thống Mỹ trước - Ảnh: Forbes
Một trong những sai lầm của các tổng thống Mỹ trước đây là thất bại trong việc trấn an các đồng minh châu Á rằng Mỹ sẽ đứng cạnh họ nếu Trung Quốc tấn công. Đây là quan ngại được nhiều chuyên gia đối ngoại lên tiếng trong một thời gian dài.
 Chẳng hạn, học giả Ely Ratner thuộc tổ chức Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) nhiều lần kêu gọi Washington từ bỏ chính sách trung lập ở Biển Đông, tăng cường sức mạnh ngoại giao bằng đảm bảo quân sự.
Trong bài viết "Siêu cường ẩn náu: Làm cách nào Trung Quốc che giấu tham vọng toàn cầu?" đăng trên ấn phẩm tháng 1-2 của tổ chức CFR, ông Ratner thể hiện rõ quan điểm: "Mỹ cần phải cảnh báo Trung Quốc: Nếu tình hình cứ tiếp tục ở Biển Đông, Mỹ sẽ từ bỏ chính sách trung lập và giúp các nước trong khu vực bảo vệ quyền lợi của họ. Washington cần làm rõ: Mỹ có thể chấp nhận thế giằng co không mấy dễ chịu ở châu Á, nhưng Trung Quốc xưng bá thì tuyệt đối không".
Giới chuyên gia: Trung Quốc hôm nay là sai lầm của Mỹ 20 năm qua - Ảnh 3.
Quan hệ Mỹ - Trung trở nên sóng gió kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức - Ảnh: REUTERS
Ở một góc nhìn khác, Ted Bauman - nhà kinh tế thuộc hãng tư vấn thị trường Banyan Hill Publishing - đồng ý rằng nước Mỹ đã đóng một vai trò trong sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng nó không hẳn xuất phát từ "lòng tốt".
"Các chính quyền Mỹ liên tiếp nhau đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra nền kinh tế Trung Quốc hiện đại, trên hết là sự trợ giúp của chính quyền Clinton đưa Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO)… Nó phản ánh một thay đổi rộng hơn trong bản chất của nền kinh tế chính trị Mỹ, mà điều này lại góp phần tạo ra thâm hụt thương mại của chúng ta với Trung Quốc" - ông Bauman phân tích.
Và nói đến thâm hụt thương mại, một "thủ phạm" không nhỏ là chính sách tín dụng dễ dãi của Mỹ vốn cho phép người dân tiêu xài (đôi khi) vượt quá khả năng kiếm tiền, theo chuyên gia Bauman.
"Một quốc gia bị thâm hụt thương mại khi tiêu dùng vượt quá giá trị hàng hóa và dịch vụ nó tạo ra. Người làm công ăn lương Mỹ chính là hạt nhân của vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc, họ vay mượn tiền để mua hàng hóa Trung Quốc trước cả khi bản thân làm ra đủ để trả cho sản phẩm đó" - vị chuyên gia này giải thích.
Nói tóm lại: Các chính sách của Mỹ giúp Trung Quốc "cất cánh" trong 20 năm qua là một sai lầm nếu nhìn qua lăng kính của hôm nay, nhưng hồi xưa người ta lại thấy đó là cơ hội.
Và hôm nay, chính sách đối đầu Trung Quốc trông có vẻ như một cơ hội, nhưng 20 năm nữa chúng sẽ ra sao?

Tám biện pháp để xây dựng lòng tin giữa các nước liên quan, nhằm ngăn chặn xung đột xảy ra trên Biển Đông

Xây dựng lòng tin giữa các quốc gia có liên quan ở Biển Đông sẽ giúp cho quan hệ giữa các nước ổn định hơn, giảm bớt hiểu lầm, không để dẫn tới xung đột, chiến tranh không đáng có trên vùng biển trù phú này.
Căng thẳng trong tranh chấp giữa các nước có liên quan đến chủ quyền ở Biển Đông những năm gần đây đang thu hút sự quan tâm, chú ý không chỉ của các nước trong khu vực mà còn của toàn thế giới. Nếu tình hình căng thẳng ở Biển Đông không được kiểm soát, sẽ dẫn đến nguy cơ chiến tranh, xung đột, và dù ở cường độ nào cũng sẽ làm cho Đông Nam Á nói riêng, khu vực Đông Á nói chung và rộng ra là cả thế giới mất ổn định. Vì vậy, các nước trong, ngoài khu vực đã và đang nỗ lực tìm mọi phương cách, giải pháp nhằm hạn chế tranh cãi, bất đồng về vấn đề chủ quyền liên quan, giảm thiểu những căng thẳng đang ngày càng gia tăng, nhằm ngăn chặn xung đột, chiến tranh xảy ra trên Biển Đông. Một trong những giải pháp được cộng đồng khu vực quan tâm là xây dựng lòng tin giữa các nước liên quan và đây là giải pháp cần được coi trọng để triển khai thực hiện có chiều sâu và thiện chí.
Vậy, xây dựng lòng tin với nhau trong vấn đề Biển Đông bao gồm những biện pháp nào để giữa các nước không dẫn đến nghi kỵ, hiểu lầm và nhất là không phải động đến “binh đao”. Đại thể có các biện pháp sau:
     Một là, hợp tác tuần tra chung trên Biển Đông. Biển Đông là một khu vực biển nửa kín với diện tích hàng triệu cây số vuông nên tại đó hàng ngày diễn ra biết bao nhiêu hoạt động cần đến bảo đảm an toàn và an ninh. Nào là hoạt động đánh bắt thủy hải sản của ngư dân các nước ven Biển Đông, nào là hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản dưới lòng đại dương của các nước trong khu vực, nào là hoạt động giao thông, hải hành trên biển của tàu, thuyền vận tải các nước, nào là những hoạt động thăm dò khí tượng, địa chất hải dương, trong khi trên Biển Đông vẫn tồn tại các loại cướp biển, các thế lực ly khai, cực đoan, khủng bố… Tất thảy những hoạt động trên đều đòi hỏi phải được đảm bảo an toàn, an ninh và nó hầu hết được thực thi bởi lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư… của các nước. Trước đây, mối quan hệ giữa các lực lượng trên của các nước trong khu vực hầu như không được chú trọng, đề cao. Có quá ít các cuộc thảo luận ở cấp khu vực về thỏa thuận tuần tra chung, nghiên cứu khoa học biển chung và các cuộc thảo luận như vậy thường có xu hướng bị mất hiệu lực bởi việc tiến hành mang tính tự phát, không có sự hợp tác rộng rãi và đồng thuận cao giữa các quốc gia trong khu vực. Nhưng mấy năm gần đây, các nước đã nhận ra vấn đề và cùng nhau giải quyết. Nhiều cuộc hội thảo, thảo luận và ký kết về hợp tác tuần tra trên biển đã diễn ra; những hoạt động tuần tra chung giữa lực lượng hải quân, cảnh sát biển của các nước trong khu vực đã diễn ra ngày càng nhiều và được đề cao, góp phần tạo nên môi trường hòa bình, ổn định và điều đó có thể dẫn tới các biện pháp xây dựng lòng tin như: Thiết lập các thủ tục giữa các quốc gia trong khu vực để giải quyết các va chạm hải quân trên biển; tăng cường hợp tác quốc tế về kiểm soát và bảo đảm an toàn hàng hải nhằm giảm bớt xung đột tiềm tàng ở Biển Đông. Thực tế đã chứng minh, những hành động thiết thực trong hợp tác tuần tra chung của lực lượng hải quân, cảnh sát biển của các quốc gia trong khu vực trong thời gian qua cho thấy môi trường hòa bình của khu vực và an ninh, an toàn hàng hải được bảo đảm tốt hơn. Một biện pháp quan trọng xây dựng lòng tin trên biển giữa các quốc gia trong khu vực đã dần dần đi vào cuộc sống.
Hai là, giảm bớt các hoạt động quân sự đơn phương. Thực tiễn cho thấy, mỗi khi tình hình an ninh Biển Đông nóng lên, có nhiều diễn biến phức tạp, đều do những hành động đơn phương vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền diễn ra, dù các hành động đó không ở quy mô lớn, nhưng đều dẫn đến phản ứng đáp trả của đối tượng liên quan. Đặc biệt gần đây, những hành động mang tính đơn phương của Trung Quốc như hạ đặt giàn khoan, cấm đánh bắt cá, xây đảo nhân tạo… đã vi phạm quyền và chủ quyền của Việt Nam, Philippines… làm cho các quốc gia trong và ngoài khu vực quan ngại, an ninh trên biển ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, còn có một nguy cơ khác nữa là sự hiểu lầm đối với hoạt động trên Biển Đông do các lực lượng hải quân, cảnh sát biển của một số quốc gia trong khu vực được trang bị các tàu chiến đấu mặt nước, tàu ngầm và máy bay hiện đại tiến hành. Nguy cơ này còn cao hơn bởi sự có mặt của các tàu ngầm, tàu sân bay và các hệ thống tên lửa tầm xa. Những thiết bị hiện đại đó đòi hỏi trình độ làm việc của các chiến binh phải chính xác, hệ thống chỉ huy và điều hành phải đạt hiệu quả cao mới không mắc lỗi dẫn đến tính toán nhầm lẫn khi tiến hành các hoạt động như tập trận, diễn tập, huấn luyện bắn đạn thật… Đương nhiên, khi các hành động quân sự đơn phương diễn ra, bao giờ cũng thu hút sự chú ý, theo dõi, đề phòng hay đáp trả của các nước có liên quan. Chỉ cần một sai sót nhỏ không cố ý cũng có khi trở thành mồi lửa gây ra xung đột khu vực. Vì vậy, càng giảm bớt các hành động đơn phương hay các hành động quân sự đơn phương sẽ càng giảm sự chú ý, đề phòng, theo dõi của các nước. Nhất là giảm được những lỗi không đáng có vô tình dẫn đến xung đột, chiến tranh gây chết người.
Ba là, tăng cường khả năng hợp tác cùng phát triển trên một số lĩnh vực. Xu hướng hiện nay cho thấy, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang và sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế của thế giới trong thế kỷ XXI. Biển Đông nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Gần một nửa khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn cầu đều đi qua eo biển Malacca ở phía tây nam Biển Đông. Biển Đông chắc chắn sẽ là một phần thiết yếu trong lợi ích chung toàn cầu. Nó đặt ra nhu cầu cho các nước phải tăng cường khả năng hợp tác cùng phát triển trên Biển Đông dù rằng đây là vùng biển đang có nhiều tranh chấp chủ quyền về biển, đảo. Cần phải nhận thấy, việc thừa nhận Biển Đông vừa có vấn đề lợi ích chung, vừa có vấn đề lãnh thổ, chủ quyền đã là một sự khởi đầu tốt. Sự diễn giải khác nhau về chủ quyền của các quốc gia có liên quan là điều không thể tránh khỏi. Quan trọng là nhìn nhận thực tế về điều này chính là bước khởi đầu cần thiết để giảm bớt những căng thẳng.
          Do những thay đổi và sự phức tạp của lịch sử và luật pháp quốc tế, việc phán xét quyền sở hữu chính xác đối với các vùng lãnh hải, các thực thể đảo và các nguồn tài nguyên dưới đại dương và đáy biển là vô cùng khó khăn. Không một quốc gia hay thể chế nào có thể áp đặt giải pháp riêng rẽ mà cần phải có những giải pháp chung mang tính chia sẻ. Đây được xem là cơ sở hình thành quan điểm hợp tác cùng phát triển ở Biển Đông trên cơ sở lợi ích chung cho các quốc gia có liên quan ở vùng biển này.
Những năm gần đây, thực hiện hợp tác cùng phát triển trên biển là mô hình được nhắc tới khá nhiều từ các bên, được cho là khả thi nhất đối với các bên trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Mô hình này đặt ra giải pháp phân định biển hoặc cùng nhau khai thác nguồn tài nguyên tại Biển Đông. Hợp tác cùng phát triển không phải là ý tưởng mới trong giải quyết các tranh chấp biển trên thế giới. Về đại thể, đó là một thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan, nhằm chia sẻ tài nguyên trên các vùng biển chồng lấn. Cơ sở của các thỏa thuận này chính là chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của quốc gia theo quy định của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, thỏa thuận về khai thác chung phải được coi là giải pháp tạm thời nhằm giảm xung đột giữa các bên tranh chấp và chỉ nhằm mục đích phát triển nguồn tài nguyên, tuyệt đối không được làm ảnh hưởng tới yêu sách về chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.
Trên thực tế, tại khu vực Biển Đông cũng đã có nhiều hiệp định phân định biển được ký kết trên tinh thần hợp tác cùng phát triển. Việt Nam đã tiến hành phân định biển với hầu hết các nước liên quan. Trong đó có thể kể tới Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hiệp định phân định biển giữa Việt Nam với Thái Lan trong vịnh Thái Lan, Hiệp định về vùng nước lịch sử giữa Việt Nam với Campuchia, Hiệp định phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia, Thỏa thuận khai thác chung Việt Nam - Malaysia …Tuy nhiên, vấn đề phân định biển không phải ở khu vực nào cũng có thể tiến hành một cách dễ dàng vì gặp phải khó khăn trong vấn đề giải quyết chủ quyền. Vì thế, một giải pháp dễ chấp nhận hơn là các bên tranh chấp cùng hợp tác cùng phát triển vùng biển này trên cơ sở các bên cùng có lợi.
          Đã có nhiều đề nghị cho phương án hợp tác cùng phát triển trên vùng biển có tranh chấp này. Các quốc gia hữu quan nên áp dụng các biện pháp hòa bình và đưa ra tuyên bố chủ quyền về biển đảo phù hợp với những quy định của UNCLOS 1982 và các vùng biển chồng lấn cần tiến hành đàm phán để xác định rõ. Như vậy, nó sẽ góp phần làm giảm nguy cơ gây bất ổn và bảo đảm môi trường hòa bình, tự do hàng hải trên Biển Đông. Thực tiễn luật pháp quốc tế cho thấy, một khi các vùng biển chồng lấn chưa được xác định, UNCLOS yêu cầu các nước liên quan tiến hành các bước đàm phán trực tiếp để dàn xếp tạm thời, có thể bao gồm các thỏa thuận cùng nhau phát triển thủy, hải sản hoặc cùng nhau khai thác các nguồn tài nguyên như dầu mỏ và khí đốt.
Bốn là, thực hiện nghiêm túc quy định của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế và các thỏa thuận khu vực. Tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông hàm chứa nhiều vấn đề, trong đó có một số vấn đề về cạnh tranh địa chiến lược và địa quân sự xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan liên quan đến nhiều nước và nó có nguy cơ để lại hệ lụy mang tính toàn cầu. Do đó, cần có những cơ chế và giải pháp mang tính toàn cầu và thời hạn thực hiện chúng dài hay ngắn tùy thuộc vào từng vấn đề cụ thể cần giải quyết.
          Tuy nhiên, những khó khăn, căng thẳng phức tạp và nguy cơ dễ dẫn đến xung đột, chiến tranh ở Biển Đông trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi các quốc gia trong khu vực trước hết phải tuân thủ nghiêm các quy định của hệ thống luật pháp quốc tế, luật Biển quốc tế và các cam kết ở khu vực như DOC, TAC... Vì bỏ qua những thể chế này, không duy trì nó thì Biển Đông chẳng khác gì một khu vực “vô chính phủ” mà ở đó “mạnh ai nấy được”, dễ xảy ra cảnh “đầu rơi, máu chảy”.
Năm là, thành lập các trung tâm lưu trữ, chia sẻ thông tin về Biển Đông. Biển Đông với vô vàn hoạt động diễn ra hàng ngày, đối với bất cứ tổ chức hay quốc gia nào cũng đều cần có thông tin liên quan đến vùng biển này khi họ khai thác, sử dụng nó cho mục đích nào đó. Vì vậy, nhu cầu thông tin liên quan đến Biển Đông là rất cần thiết và sự chia sẻ thông tin về nó lại là một trong những cầu nối khiến người ta xích lại gần nhau, hiểu biết và thông cảm cho nhau hơn. Do đó, thành lập các trung tâm lưu trữ, chia sẻ thông tin về Biển Đông để cùng nhau phối hợp xử lý có hiệu quả về các lĩnh vực an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền. Đây cũng là biện pháp góp phần làm giảm căng thẳng, củng cố lòng tin trong khu vực.
Sáu là, thành lập trung tâm kiểm soát an ninh hàng hải khu vực. Trong bối cảnh khu vực Biển Đông rơi vào tình trạng căng thẳng, phức tạp, an ninh hàng hải cũng rất dễ xảy ra các sự cố do nguyên nhân từ tự nhiên như sương mù, bão biển, sóng thần, động đất… nhưng còn có cả sự cố do nguyên nhân từ con người và kỹ thuật như va chạm tàu thuyền, hải tặc, tàu chìm, máy bay rơi…Vấn đề kiểm soát an ninh hàng hải tốt sẽ giúp các bên liên quan kịp thời nhận biết nguy cơ, nguy hiểm đang rình rập, có biện pháp ứng phó hiệu quả. Từ đó, góp phần làm giảm nguy cơ xung đột, thúc đẩy các thành phần của kinh tế biển quốc tế phát triển. Do đó, các học giả nghiên cứu và các nhà khoa học đề nghị sớm thành lập các trung tâm kiểm soát an ninh hàng hải ở khu vực. Đây được xem là biện pháp hữu hiệu để các quốc gia có cơ sở thực hiện xây dựng lòng tin và cùng nhau phối hợp hành động.
Bảy là, thành lập cơ chế kiểm soát và phòng ngừa xung đột giữa ASEAN và Trung Quốc. Nguy cơ tiềm ẩn xung đột hay chiến tranh ở Biển Đông vẫn còn hiện hữu do những bất đồng, mâu thuẫn về tranh chấp chủ quyền biển, đảo và tham vọng khai thác nguồn tài nguyên phong phú từ biển, nhất là tài nguyên năng lượng và khoáng sản. Đến nay, lại thêm những tham vọng mới về địa chính trị, địa chiến lược khu vực giữa các nước lớn, kèm theo đó là các bước đi chính trị, quân sự, ngoại giao của các nước đó. Biểu hiện rõ nhất là năm 2018 và 2019, hàng loạt tàu chiến, máy bay hiện đại của hải quân các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc… đều hiện diện ở Biển Đông. Nhiều cuộc tập trận, diễn tập quy mô lớn cấp độ đơn phương, song phương và đa phương đã diễn ra. Trong khi đó, giữa ASEAN và Trung Quốc hiện chưa có cơ chế kiểm soát và phòng ngừa xung đột. Giả sử các nước ASEAN hay Trung Quốc mắc sai lầm trong xử lý các tranh chấp và thiếu kiềm chế, mọi việc sẽ rất dễ thẳng tiến đến bờ vực của xung đột. Do đó, Trung Quốc và ASEAN nên nghiên cứu, sớm thành lập cơ chế kiểm soát và phòng ngừa xung đột trên biển.
Tám là, các bên có liên quan cam kết không quân sự hóa Biển Đông. Quân sự hóa Biển Đông là vấn đề phức tạp và dễ dẫn đến nguy cơ xung đột cũng như làm cho tình hình khu vực rơi vào bất ổn. Vì nếu một nước tiến hành quân sự hóa Biển Đông thì các nước còn lại tất không thể ngồi yên hay khoanh tay đứng nhìn. Họ tất yếu sẽ cũng phải tự trang bị vũ khí hay tìm “liên minh” quân sự. Dẫn tới diễn ra chạy đua vũ trang ở Biển Đông. Thực tế hiện nay đã bắt đầu diễn ra chạy đua vũ trang, nhưng chưa ở mức độ cao mà thôi. Chính vì vậy, các quốc gia trong và ngoài khu vực rất tích cực theo dõi những động thái quân sự của các bên hữu quan trên Biển Đông. Đặc biệt, Trung Quốc đang có biểu hiện quân sự hóa trên các đảo đá nhân tạo tại Biển Đông. Những hành động này của Trung Quốc đã làm giảm lòng tin đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác phát triển kinh tế quốc tế. Do đó, Trung Quốc và ASEAN cần sớm ký kết thỏa thuận về không quân sự hóa Biển Đông. Nếu đạt được thỏa thuận này, nguy cơ xung đột, chiến tranh ở Biển Đông sẽ được đẩy lùi một bước.
Nhìn lại lịch sử Trung Hoa thời Tam Quốc cách đây 1.800 năm cho thấy một bài học: Vua nước Thục là Lưu Bị mặc dù được Vương nước Ngô là Tôn Quyền gả em gái cho để kết tình huynh đệ, hòng xây dựng liên minh Ngô - Thục chống lại Ngụy Tào, nhưng Lưu Bị không hề tin tưởng Đông Ngô, vẫn dấy binh chinh phạt Tôn Quyền để rồi liên minh Thục - Ngô tan vỡ, cả hai nước Thục, Ngô đều suy yếu vì chiến tranh, dẫn đến cơ hội cho nước Ngụy, kế thừa là nước Tấn mạnh lên, sau này tiêu diệt cả Ngô lẫn Thục, bá chủ thiên hạ. Do đó, xây dựng lòng tin giữa các quốc gia có liên quan ở Biển Đông sẽ giúp cho quan hệ giữa các nước ổn định hơn, giảm bớt hiểu lầm, không để dẫn tới xung đột, chiến tranh không đáng có trên vùng biển trù phú này.

Powered by Blogger.