Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 04/04/2019

Thursday, April 4, 2019 // ,
Tin Việt Nam – 04/04/2019

Bốn người dân Vườn Rau Lộc Hưng bị phạt hành chính

Có 4 người dân tại khu vực Vườn Rau Lộc Hưng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quyết định được trao tại cuộc làm việc vào ngày 21 tháng 3 vừa qua.
Thông cáo báo chí số 6 của Nhóm Luật Sư Hỗ trợ cho người dân Lộc Hưng công bố vào ngày 3 tháng 4 cho biết như vừa nêu. Danh tính của 4 người bị Ủy Ban Nhân Dân Phường 6, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh phạt hành chính với cáo buộc có hành vi ‘gây rối trật tự tại nơi tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế’ không được nêu rõ. Tuy nhiên mức phạt được nói là 2 triệu rưỡi đồng mỗi người.
Nhóm Luật sư Lộc Hưng cho rằng quyết định xử phạt của UBND Phường 6 mâu thuẫn với nội dung trong thông báo ngày 29 tháng 12 năm ngoái là ‘tổ chức tháo dỡ đối với các hộ dân xây dựng trái phép.’
Thông cáo báo chí do Nhóm Luật sư Lộc Hưng đưa ra nói rõ thực chất hoạt động của UBND Phường 6, Quận Tân Bình tại khu đất Vườn Rau Lộc Hưng vào hai ngày 4 và 8 tháng 1 năm nay là hành động cưỡng chế, thu hồi đất nhưng trái pháp luật vì không có quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế và thông báo cưỡng chế theo qui định.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, chị Thi, một người dân có nhà trong khu đất bị cưỡng chế cho biết thông cáo báo chí lần này muốn nói lên nỗi lòng bà con trong 3 tháng vừa qua:
“Không có quyết định cưỡng chế. Rồi khi chúng tôi đến lấy quyết định xử phạt hành chính đối với 4 người dân bị phạt 2 triệu rưỡi, họ cho hành vi đó là gây rối trật tự tại nơi tổ chức quyết định cưỡng chế. Nhưng thật ra khi thi hành quyết định cưỡng chế đó mâu thuẫn với thông báo của chính quyền địa phương là ‘tháo dỡ những trường hợp xây dựng trái phép’. Có sự mẫu thuẫn như vậy nên khi chúng tôi ra đề nghị chính quyền cung cấp quyết định cưỡng chế để chúng tôi có cơ sở khiếu nại quyết định xử phạt như vậy thì bên chính quyền địa phương không cung cấp cho chúng tôi việc đấy.”
Đây cũng là nội dung đầu tiên trong bản thông cáo số 6.
Ngoài ra, chị Thi cũng cho biết chính quyền không cho người dân thăm đất của mình, trái với nội dung của Văn phòng tiếp trung ương trước đây là người dân được quyền thăm đất trong khi chờ đợi giải quyết.
Bên cạnh đó, nội dung thông cáo cũng nhắc đến việc chính quyền sử dụng loa phóng thanh với công suất lớn liên tục phát nội dung thông báo và tuyên truyền để quấy nhiễu người dân trong lúc cầu nguyện. Chị Thi cho biết việc quấy rối này không chỉ diễn ra lúc tối muộn mà cả buổi trưa, trong giờ nghỉ trưa của các học sinh ở trường mẫu giáo và trường học gần đó.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, người đại diện nhóm luật sư Lộc Hưng cũng cho biết:
“Có một số vấn đề chúng tôi muốn đề cập, có thể là 7, 8 hay 10 vấn đề nhưng chúng tôi nén lại, gạn lọc để đưa lên 5 vấn đề như thế. Sắp tới đây, do tình hình công việc có tiến triển, có kết quả thì sẽ ra thông cáo báo chí khác nhấn mạnh hơn.”
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/loc-hung-garden-residents-get-punishment-decisions-04042019085515.html

Nhà hoạt động Lê Anh Hùng

bị chuyển vào Bệnh viện Tâm thần

Hôm 1/4/2019, blogger Lê Anh Hùng, người bị cơ quan An ninh điều tra bắt giữ vào ngày 5 tháng 7 năm ngoái với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” nhưng chưa ra tòa, đột nhiên bị đưa vào Bệnh viện tâm thần trung ương 1 ở Thường Tín, Hà Nội.
Bà Trần Thị Niêm, mẹ của anh Hùng xác nhận thông tin này với Đài Á Châu Tự Do vào chiều mùng 4 tháng 4, tuy nhiên khi bà đi tới bệnh viện nêu trên vào buổi sáng thì không được gặp mặt con mình.
Bà Niêm kể lại vụ việc qua điện thoại với Đài Á Châu Tự Do:
Sáng nay tôi với thằng em và con bạn nó có đi thăm nhưng họ không cho gặp. Ở đó cơ quan điều tra ở bệnh viện tâm thần không cho gặp.
Họ nói là: “Chưa, chưa giám định nên không cho gặp!”
Tôi chỉ gửi được tiền cho nó thôi,”
Phóng viên của Đài Á Châu Tự do gọi điện thoại đến số trực ban của Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 thì một người đàn ông bắt máy cho biết, đang làm ở phòng thông tin của bệnh viện nhưng không biết gì về vụ việc của Lê Anh Hùng.
Còn ông Trần Văn Đặng, Trưởng phòng Tổ chức của cơ quan này cho hay, không biết Lê Anh Hùng có được vào điều trị hay không nhưng nói thêm rằng “vụ việc liên quan đến nhiều vấn đề”.
Anh thông cảm thật ra tôi không biết anh Lê Anh Hùng thế nào.
Vì cái này liên quan đến nhiều vấn đề, tôi ở trên phòng chức năng chứ không phải điều trị.
Tôi chưa biết, để cho đúng quy trình thủ tục thì anh có giấy xin giới thiệu là tôi ở cơ quan báo chí xác minh xem anh Lê Anh Hùng có nhập viện điều trị hay không”.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người nhận bào chữa cho blogger và là thành viên của Hội nhà báo độc lập Việt Nam cho hay, ông chưa nhận được bất kỳ văn bản nào về vụ việc ông Hùng bị chuyển vào bệnh viện tâm thần có thể là do văn bản chưa đến.
Vị luật sư thuộc đoàn luật sư TPHCM cũng đề cập đến bản Kết luận điều tra của Công an thành phố Hà Nội nói ông Hùng bị tâm thần, nhưng cho rằng lúc phạm tội ông này đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Ông Miếng nói:
Tôi được tiếp xúc với anh Hùng 2 lần do xa xôi, anh Hùng có nói vậy nè, khi nào có cáo trạng thì đề nghị luật sư ra làm việc với anh Hùng về bản cáo trạng đó vì hiện giờ kết luận điều tra không cụ thể lắm.”
Trong một bài viết vào ngày 26 tháng 1 năm 2018, mạng báo Thời Nay, một ấn phẩm của báo Nhân Dân đề cập đến sự kiện năm 2009, ông Lê Anh Hùng bị Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Vu khống” theo Điều 122 Bộ luật Hình sự.
Tác giả Tư Nguyên viết: Tuy nhiên, sau khi xác minh “bị can thực hiện hành vi sai phạm trong tình trạng bị bệnh tâm thần hoang tưởng, mất khả năng nhận thức và điều chỉnh hành vi nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”, Công an tỉnh Quảng Trị đã “Chuyển hồ sơ tới Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị để hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, tạm giam và ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can Lê Anh Hùng.”
Blogger Lê Anh Hùng, sinh năm 1973, là blogger của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA, đồng thời là thành viên của 2 tổ chức dân sự không được chính phủ Việt Nam công nhận là hội Nhà báo độc lập Việt Nam và hội Anh em dân chủ.
Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội bắt ông Hùng vào ngày 5/7/2018 thời điểm sau các vụ biểu tình sôi động chống dự thảo Luật Đặc khu và An ninh mạng.
Ngay sau khi có tin blogger Lê Anh Hùng bị bắt, Ân Xá Quốc tế ra thông cáo lên án việc bắt giữ và cho rằng chính quyền Việt Nam đã dùng các điều luật hà khắc để bịt miệng những tiếng nói chỉ trích ôn hòa.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/detained-activist-transferred-to-mental-hospital-04042019092235.html

Săn bản đồ, giữ đảo bị cho thôi việc;

bán đất, mất bản đồ được giao chỉ đạo công trình lịch sử!

Gió Bấc
Đảng và nhà nước Việt Nam trong dụng nhân tài và bảo vệ chủ quyền, lợi ích công cộng như thế nào? Khai trừ đảng, cho thôi việc tiến sĩ khoa học tài năng Trần Đức Anh Sơn, người chuyên “săn bản đồ” cổ và tìm ra nhiều bằng chứng về chủ quyền biển đảo Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường sa. Trớ trêu thay, Tất Thành Cang, người phải chịu phần lớn trách nhiệm về những sai phạm đất đai, làm mất bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm, bán rẻ hơn 30.000 m2 đất ở Phước Kiển, … lại được bổ nhiệm làm phó ban chỉ đạo công trình lịch sử của TP. HCM.
Ngày 30-3, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng, thông tin trên fb cá nhân, cho biết “Ngày mai, 31/3/2019, sẽ là ngày tôi chấm dứt “sự nghiệp” viên chức nhà nước của mình sau 29 năm 1 tháng 11 ngày theo đuổi “sự nghiệp” ấy. Quyết định cho tôi thôi việc đã được Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng ký hôm thứ Năm (28/3/2019), mà hôm nay và ngày mai là hai ngày nghỉ cuối tuần, nên chính xác thì tôi đã chấm dứt sự nghiệp “viên chức” từ 5g chiều qua (29/3/2019)”.
“Người săn bản đồ”
Điểm lại 29 năm làm việc trong guồng máy nhà nước, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cho thấy một bề dày đáng nể: “đã xuất bản được 9 đầu sách viết riêng, 3 đầu sách viết chung và 12 cuốn sách với tư cách là chủ biên. Những cuốn sách tôi viết hay chủ biên, chủ yếu là về lịch sử – văn hóa Huế, di tích và văn vật của triều Nguyễn, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông… Tôi cũng đã viết rất nhiều bài báo / bài nghiên cứu (không nhớ chính xác, nhưng ước khoảng trên 1.500 bài), đăng tải trên khoảng 300 tờ báo và tạp chí khác nhau ở trong và ngoài nước. Tôi đã tập hợp nhưng bài đăng báo này, copy và đóng thành bộ TRẦN ĐỨC ANH SƠN TOÀN TẬP để lưu trữ tại tủ sách gia đình. Đến nay, bộ toàn tập này đã được 18 tập.
Về nghiên cứu khoa học, đã chủ trì 13 đề tài / đề án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực xã hội – nhân văn; và hiện đang chủ trì 2 đề án nghiên cứu khác. đã tham dự khoảng 40 hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; có 5 bài nghiên cứu được đăng trong tạp chí chuyên ngành
- Đã giảng dạy tại 5 trường đại học và cao đẳng, hướng dẫn 10 học viên cao học làm xong luận văn thạc sĩ, hiện đang hướng dẫn 01 học viên khác
- Về nghiên cứu và tu nghiệp ở nước ngoài, đã đoạt được học bổng toàn phần của các chính phủ nước ngoài để đi tu nghiệp và nghiên cứu ở: Nhật Bản (1997 – 1998), Hàn Quốc (1999), Đức (2004), Pháp (2004) và Hoa Kỳ (2015 – 2016). …{2}
Ông cho biết đã tìm thấy bằng chứng trong hơn 50 cuốn sách bằng tiếng Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha – về việc một nhà thám hiểm Việt Nam thời Nguyễn đã cắm cờ ở Hoàng Sa và Trường Sa vào những năm 1850.
Ông Sơn từng có một số sách được xuất bản như “Hoàng Sa, Trường Sa, Tư liệu và quan điểm của học giả quốc tế”, “Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”, v. v…
Sai mà không biết sai gì
Sự kiện một nhà khoa học tài năng ở độ tuổi chín mùi, sung mãn, từng là đề tài, là tác giả của hàng ngàn bài báo phải rời khỏi guồng máy nhà nước không được tờ báo nào thông tin. Ngược lại, hầu hết báo chí quốc doanh lại đua nhau khai thác thông tin nhảm nhí về Khá Bảnh, một hot boy của giới trẻ có nguồn gốc giang hồ.
Trước đó, ngày 8-3, cũng tất cả các tờ báo quốc doanh rộ lên thông tin Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ đảng. Nội dung thông tin y hệt như nhau, rất chung chung.
Thành ủy Đà Nẵng cho rằng ông Trần Đức Anh Sơn đã viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mạng xã hội, vi phạm Điều 3, 4, Quy định số 47 của Ban chấp hành trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm; vi phạm Quy định 5946 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp.
Thành ủy nhận định những vi phạm của ông Sơn là rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; Làm mất uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan nơi sinh hoạt, công tác
Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng đối với ông Trần Đức Anh Sơn”.
Điều lạ lùng là những thông tin “tin, bài xai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” đó là gì thì không được báo chí nêu ra để người dân biết lên án, đầu tranh với ông Sơn, thể hiện lòng trung thành dạt dào với đảng. Theo tiêu chí của nền báo chí dân chủ xã hội chủ nghĩa cao gấp trăm lần dân chủ giả hiệu của phương Tây thì lẽ ra phải có chiến dịch thông tin, trích dẫn những luận điểm sai trái như từng làm với Nhân Văn Giai Phẩm vì các bài viết của ông Sơn trên mạng xã hội là công khai, đâu phải lén lút bí mật?
BBC đã nhận định rằng: “Một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng nhiều khả năng đó là những bài viết của ông Sơn phân tích tình hình Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa và các nhận định về Trung Quốc….
Bị khai trừ vẫn … lương thiện, yêu nước
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng mấu chốt của sự việc là từ bài trả lời phỏng vấn New York Times của ông Sơn năm 2017 với tiêu đề ‘Người săn bản đồ ủng hộ lập trường của Việt Nam về chủ quyền trên Biển Đông”.
Bài viết kể về hành trình ông Sơn, theo lệnh cấp trên, đi tìm kiếm các tài liệu và bản đồ trên khắp thế giới để hỗ trợ chứng cứ cho khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Sau đó ông Sơn kết luận rằng Việt Nam nên thách thức các hoạt động của Trung Quốc tại một số đảo thuộc các vùng biển đang tranh chấp, như Philippines đã làm và đã thành công. Nhưng cấp trên của ông ‘không bị lay chuyển’ bởi đề xuất này.
Họ luôn luôn nói với tôi, “Sơn, hãy giữ bình tĩnh”, “Đừng nói xấu về Trung Quốc“, ông Sơn nói trong bài báo trên New York Times.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam là ‘”nô lệ” của Bắc Kinh, ông [Trần Đức Anh Sơn] cay đắng nói… Đó là lý do tại sao chúng ta giấu nhiều tài liệu trong bóng tối,” bài báo của Mike Ives trên New York Times viết.{2}
Trải lòng trên fb về vụ kỷ luật này, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn đã chân thành xin lỗi những cộng sự, bạn bè, người thân vì đã làm phiền đến họ nhưng ông khẳng định “Tôi vẫn luôn là một người lương thiện, yêu nước, yêu đồng bào mình và vẫn tràn đầy nhiệt huyết như trước, vẫn là NGƯỜI NƯỚC HUỆ như các bạn đã từng biết ở trên Facebook lẫn ngoài đời. Vậy nhé các bạn”.
Hàng trăm bài viết và ý kiến trên mạng xã hội đã chia sẻ với Tiến Sĩ Anh Sơn bị khai trừ không phải là chuyện buồn. Báo Người Việt đã bình luận “Sự kiện kỷ luật ông Sơn hay cách ứng xử của thời đại Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đối với giới trí thức thực sự đã cho thấy một phản ứng ngược mà bản thân ông Trọng không nhận ra. Bởi sự ra đi của ông Chu Hảo hay Trần Đức Anh Sơn không làm mất đi tính danh giá của cá nhân họ, mà ngược lại nó càng gia cố thêm sự danh giá cá nhân của họ, và họ được hoan nghênh, ca tụng là “sự trở về với nhân dân.” Và với quyết định kỷ luật lần này mà đảng CSVN áp dụng đối với ông Sơn, câu hỏi đặt ra là: Những người có tài có tâm huyết đều ra đi, vậy trong đảng còn lại những ai?” {3}
Cũng ngay trong ngày Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn bị cho thôi việc, dư luận lại lên cơn phẫn nộ trước thông tin Tất Thành Cang được giao chức chức vụ Phó trưởng Ban chỉ đạo công trình lịch sử TP HCM.
Trong khi im như thóc về việc Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn bị cho thôi việc, các báo lề phải đồng loạt đưa tin về chức vụ mới của Tất Thành Cang cũng theo cùng một khuôn mẫu.
Tại hội nghị lần thứ 26 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa X diễn ra chiều nay 30/3, ông Tất Thành Cang có mặt tại hội trường thành ủy. Theo danh sách niêm yết trên bảng thông tin điện tử tại hội nghị, ông Tất Thành Cang hiện đang giữ chức vụ Phó trưởng Ban chỉ đạo công trình lịch sử TP HCM” {4}.
Tuy nhiên lần này khá hơn một chút, các báo đều cố gắng nhắc lại cái quá khứ đen đúa của Cang một cách giản lược.
Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cuối năm 2018 đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, cách chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2015 – 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ TP. HCM.”
Dọn rác cũng cần trung thực
Ngoài ra, ông Tất Thành Cang còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố. Trước đó, trong thời gian giữ vị trí Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng khi phê duyệt dự án và ký tắc hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm….” {4}
Mạng xã hội thật sự lên cơn phẫn nộ về việc phân công này. Nhiều fbker là nhà báo đã miệt thị nặng nề bất chấp luật An Ninh Mạng hay những đánh giá khắt khe của cơ quan chủ quản có thể đẩy họ ra khỏi vị trí công việc. Fbker Trần Xuân Thái, Thư ký Tòa soạn Thời báo Kinh tế Việt Nam đã viết:”Nhục lắm, cho thành phố Sài Gòn này. Đúng hơn là TP. HCM, vì 2 chữ “Sài Gòn” thì không làm vậy. Tên tội đồ đi chỉ đạo dự án về lịch sử. Đan Mạch, xúc phạm cha ông.
Đừng cố gắng cơ cấu kiểu “hết xôi rồi việc” như vậy, vì nhân dân dễ nhận ra một lũ dốt nát, ngạo mạn.
Vấn đề là, mọi kẻ dốt nát đều ngạo mạn. Và những kẻ kiêu ngạo đều coi trời bằng vung..” {5}
Hoàng Hải Vân, cựu Tổng Thư Ký Tòa soạn báo Thanh Niên viết “Lịch sử Sài Gòn – TPHCM phải được viết bởi những người có trí tuệ và có nhân phẩm mới có thể bảo đảm được tầm cỡ và tính trung thực của công trình. Đó là các vị giáo sư, các nhà khoa học lịch sử và khoa học liên ngành uy tín có thực học. Công trình chắc chắn tốn không ít tiền của.
Thế nhưng Thành ủy TP. HCM lại giao cho ông Tất Thành Cang, người vừa bị Trung ương Đảng thi hành kỷ luật cách chức do những sai phạm tày đình liên quan đến sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích gây tổn hại nghiêm trọng cho chính quyền và nhân dân thành phố, làm “Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công trình Lịch sử TP. HCM” (theo báo Tuổi Trẻ). Dù ông Cang vẫn còn là Thành ủy viên, nhưng ông này không còn một chút uy tín nào đối với người dân, sao có thể đủ tư cách chỉ đạo các nhà khoa học có tư cách viết lịch sử ?
Điều hành các công nhân dọn rác cũng cần phải giao cho người trung thực và biết như thế nào là sạch sẽ, huống hồ là điều hành một tập thể các nhà khoa viết sử. Thành ủy TP. HCM muốn mang tiền nhân và giới trí thức viết sử ra đùa giỡn chăng ?” {6}
Theo VOA thì “một số nhà quan sát và nhà báo kỳ cựu Việt Nam viết trên mạng xã hội rằng chức danh mà ông Tất Thành Cang mới được giao có thể xem chỉ là một điểm dừng chân tạm, một “ga xép” trong quá trình ông bị kỷ luật.
Các nhà quan sát, nhà báo dẫn ra trường hợp cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bô trưởng Đinh La Thăng, hay các cựu Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… đều bị kỷ luật về mặt đảng, tiếp đến được giao những nhiệm vụ tạm thời, nhưng cuối cùng đã bị truy tố, bắt giam, và xử tù. Từ đó, họ nhận định rằng cựu quan chức đảng Tất Thành Cang khó tránh khỏi số phận tương tự”.{7}
Nhận định này có vẻ để vuốt ve, làm giảm đi sự phẫn nộ của dư luận, thực ra, những trường hợp trên đều là quan chức cấp cao hơn và mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nên cần có chỗ ngồi tạm trước khi vào lò. Trường hợp của Cang hoàn toàn khác, sai phạm của Cang với nước và nhất là với Dân quá lớn, quá rõ không cần ngồi tạm ở đâu trước khi vào lò.
Khác với những ông Bộ trưởng đã nêu, Cang phạm tội với Dân nhưng không có lỗi gì với đảng. Cang không ăn một mình mà ăn đồng chia đủ. Cang bản lĩnh không chỉ ra người trong bụi nên càng được đảng bảo vệ, Còn lâu Cang mới vào lò. Nếu dư luận xẹp xuống, Cang sẽ tiếp tục yên vị.
1-https://www.facebook.com/anhsontd/posts/928206724053899
2-https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47492717
3-https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/ong-tran-duc-anh-son-bi-khai-tru-hay…
4-https://vov.vn/nhan-su/ong-tat-thanh-cang-giu-chuc-pho-ban-chi-dao-cong-…
5-https://www.facebook.com/xuanthaivet?__tn__=%2Cd-]-h-R&eid=ARAS0gkNbT0L1vSDhdy3q-_0SUzn4l5vrNn1XIStBYvyuWM8fTa4xzghUlRJwaNhJ_WKyCsFoGKEtQMr
6- https://www.facebook.com/profile.php?id=100001472083411
7- https://www.voatiengviet.com/a/lieu-tat-thanh-cang-se-b%E1%BB%8B-truy-to/4856930.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/prestigious-professor-got-sacked-while-corrupted-official-got-new-assignment-04032019123841.html

Dân biểu gốc Việt vinh danh Cựu Chiến binh Việt Nam

Dân biểu bang Georgia gốc Việt Bee Nguyễn tri ân những cựu chiến binh từng tham gia Chiến tranh Việt Nam, và những ân nhân thời hậu chiến đã giúp gia đình bà đến Mỹ tị nạn.
Hôm 29/3, nữ dân biểu gốc Việt Bee Nguyễn, đại diện Hạt 89 của bang Georgia viết trên Twitter: “Nhân dịp tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam, tôi muốn tri ân bố tôi vì đã từng phục vụ như một trung úy trong quân y; cựu binh Dwight Frideres, đã giúp gia đình tôi định cư, xin tri ân cựu chiến binh Al Williams & đại tá Bill Hitchens hiện đang là dân biểu Hạ viện bang Georgia.”
Dân biểu Bee Nguyễn chia sẻ với VOA:
“Cha mẹ tôi là thuyền nhân, rời bỏ Việt Nam đi vượt biên vào cuối những năm 1970. Họ được một nhà thờ Công giáo ở bang Iowa bảo trợ người di cư đến Hoa Kỳ. Tôi sinh ra tại Iowa vào năm 1981, khi ấy cha tôi làm tới hai công việc khác nhau để nuôi gia đình.”
Bà cho biết thân phụ của bà từng phục vụ trong quân y Việt Nam Cộng Hòa và sau năm 1975 ông bị chính quyền cộng sản đưa vào trại tù cải tạo 3 năm, sau khi tước giấy hành nghề dược sĩ.
“Ông bị giam trong trại cải tạo ở Việt Nam sau năm 1975, ông bị bỏ đói, bị kết án lao động khổ sai, và bị ép phải học thuộc lòng học thuyết Cộng sản.”
Bee Nguyễn viết trên Facebook: “Cựu binh Dwight Frideres và vợ ông, bà Judy Frideres, đã đồng bảo trợ cho gia đình thân mẫu tôi tái định cư đến Hoa Kỳ. Ông Frideres từng là kỹ sư sửa chữa máy bay chiến đấu trong Chiến tranh Việt Nam.”
Bee Nguyễn cho biết bà ra đời năm 1981, ngay sau khi cha mẹ bà định cư tại Hoa Kỳ, và bà chỉ biết về cuộc chiến Việt Nam qua lời kể của cha mẹ.
Ngay sau khi trở thành người phụ nữ Á Châu đầu tiên được bầu vào nghị viện tiểu bang vào đầu năm ngoái, Bee Nguyễn đã đồng bảo trợ cho các nghị quyết tôn vinh cựu chiến binh và cộng đồng người gốc Việt.
Bà Bee Nguyễn và các dân biểu Williams, Hitchens vào năm ngoái đã đồng bảo trợ cho một nghị quyết dành một tuần lễ để tôn vinh các cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, gia đình, cũng như cộng đồng người gốc Việt tại tiểu bang Georgia nơi có 228,000 binh sĩ Hoa Kỳ tham gia trận chiến, với tổng cộng 1,584 binh sĩ tử trận.
Dân biểu Al Williams, đại diện Hạt 168 từ năm 2003 cho đến nay, từng là một binh nhì thuộc Sư đoàn Kỵ binh 1 tại chiến trường Tây Nguyên, một đơn vị radar giám sát mặt đất, vào những năm 1966-1967 và sau đó ông chuyển đến chiến trường Huế và Quảng Trị trong trận chiến Tết Mậu Thân 1968.
Dân biểu Bill Hitchens, đại diện Hạt 161 từ năm 2013 cho đến nay, từng là trung úy thủy quân lục chiến, phục vụ ở chiến trường miền nam Việt Nam vào năm 1968-1969.
Cũng tại thành phố Augusta, quê nhà của Dân biểu Bee Nguyễn ở bang Georgia, chính quyền thành phố hôm 29/3 đã khánh thành đài tưởng niệm Chiến binh Chiến tranh Việt Nam. Augusta là nơi có hơn 15,000 cư dân từng phục vụ và 169 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến Việt Nam.
Trang Augusta Chronicle trích lời ông Doug Hastings, cựu quân nhân phục vụ trong Chiến tranh Việt Nam, cho biết: “Đài tưởng niệm này là một cách tuyệt vời để tôn vinh và vinh danh những người con của thành phố đã chết trong trận chiến.”
Ông Hastings nói thêm: “Tôi nghĩ đó là một ngày tuyệt vời khi bất kỳ thị trấn, thành phố, tiểu bang nào cũng đều vinh danh những người đã nỗ lực hết mình để phụng sự đất nước này và, cụ thể đối với các vị được vinh danh trên bức tường này, những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh mạng sống của họ.”
Trước đó tại Atlanta hôm 28/3, Thống đốc bang George Brian Kemp đã long trọng chủ trì buổi lễ tưởng niệm Ngày các cựu chiến binh Việt Nam Toàn quốc tại bang Georgia, theo trang The Northeast Georgian.
Vào năm 2017, Tổng thống Donald Trump ký ban hành Đạo luật Công nhận Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam, theo đó, hàng năm Hoa Kỳ sẽ kỷ niệm Ngày Quốc lễ Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam vào ngày 29/3.
“Ngày 29/3/1973 là ngày binh sĩ cuối cùng của chúng ta đã rút khỏi Việt Nam. Đó là ngày là các binh sĩ Mỹ bị bắt làm tù nhân ở miền bắc Việt Nam được trả về nhà,” Bộ Trưởng Bộ Cựu Chiến binh Hoa Kỳ Robert Wikie phát biểu vào tháng trước.
Bộ Quốc phòng Mỹ có nhiệm vụ hỗ trợ hàng trăm sự kiện ở nhiều bang trên khắp nước Mỹ để công nhận, tôn vinh và cảm tạ các cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam.
Hoạt động Kỷ niệm Chiến tranh Việt Nam vinh danh tất cả những quân nhân nam nữ từng phục vụ chính quy trong Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ từ ngày 1/11/1955 đến ngày 7/5/1975.
Các hoạt động này kéo dài cho đến Ngày Cựu chiến binh năm 2025, nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày Chiến tranh Việt Nam kết thúc.
https://www.voatiengviet.com/a/dan-bieu-goc-viet-vinh-danh-cuu-chien-binh-viet-nam/4861648.html

Xử hai công an đánh chết người vi phạm giao thông

Tòa án Nhân dân Quận Ô Môn, TP. Cần Thơ hôm 4/4 xét xử vụ án 2 cựu công an ở địa phương với cáo buộc đánh dã man một thanh niên vi phạm giao thông khiến người này tử vong.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết 2 bị cáo là Nguyễn Tuấn Anh (32 tuổi) và Bùi Đức Nghĩa (30 tuổi); nạn nhân là Nguyễn Chí Hiếu (30 tuổi) ngụ tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn.
Theo cáo trạng, vào lúc 11 giờ tối ngày 9/8/2018, tổ giữ gìn an ninh trật tự giao thông quận Ô Môn 8 người, trong đó có Nguyễn Tuấn Anh, đi tuần tra, phát hiện anh Nguyễn Chí Hiếu lái xe chao đảo, có biểu hiện say rượu nên yêu cầu anh Hiếu dừng lại.
Sau khi xuất trình giấy tờ nhưng từ chối đo nồng độ cồn và được nói có hành động thách đố với tổ tuần tra, anh Hiếu bị mời về trụ sở Công an phường Phước Thới để làm việc.
Tại trụ sở, anh Hiếu được nói đã từ chối không ký vào văn bản vì cho rằng mình không vi phạm thì bị công an Bùi Đức Nghĩa dùng tay đánh vào mặt khiến anh Hiếu té xuống đất. Công an Nghĩa bị cáo buộc tiếp tục dùng chân đá và đạp mạnh vào vùng bụng, sườn của anh Hiếu thì bị tổ tuần tra ngăn cản.
Sau khi dùng dép đánh vào mặt nạn nhân và đuổi về, Công an Bùi Đức Nghĩa cùng Nguyễn Tuấn Anh kéo nạn nhân ra trước cổng trụ sở. Bùi Đức Nghĩa bị nói tiếp tục dùng tay, chân, đầu gối đánh vào mặt và bụng nạn nhân.
Cáo trạng nói anh Hiếu đi sang bên kia đường, ngồi xuống ôm bụng nhưng tiếp tục có lời hăm dọa đòi đánh hai công an, nên bị Nguyễn Tuấn Anh đi tới dùng chân đá vào hông của nạn nhân.
Anh Hiếu sau đó ngủ trước cửa một cửa hàng gần đó đến 5 giờ sáng ngày hôm sau thì gọi người quen đến rước. Vào lúc 10 giờ sáng, anh Hiếu bị đau bụng, được chở đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, và tử vong vào sáng ngày 13/8.
Tại tòa, hai cựu công an thừa nhận hành vi đánh nạn nhân và đã sai trong việc thực hiện biện pháp nghiệp vụ, nhưng cho rằng lực tác động của họ không đủ mạnh để gây thương tích dẫn đến cái chết của nạn nhân.
Giám định viên của Sở y tế TP. Cần Thơ được triệu tập tại tòa cho biết nguyên nhân chính dẫn đến cái chết nạn nhân và do vỡ tá tràng, nhưng không xác định được là do bị đạp vào bụng hay đá vào hông; và cũng không xác định được có phải do cộng hưởng của cả hai công an.
Trong khi đó, Phân Viên pháp y Quốc gia tại TP.HCM xác định nạn nhân tử vong là do sốc nhiễm trùng độc, viêm phúc mạc toàn thể, hoại tử đại tràng do bị tác động lực mạnh vào vùng bụng.
Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung những tình tiết mới như đôi giày vật chứng mà bị cáo đã dùng để đá nạn nhân cũng như các mâu thuẫn trong nguyên nhân khiến nạn nhân tử vong.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/trial-of-two-traffic-policemen-beating-to-dead-person-in-violations-04042019090059.html

Hà Nội: 16 Tượng La Hán Sân Chùa

Bị Đập Gãy Tay, Đứt Tay

HANOI — Các pho tượng lớn hơn người thật, đặt trên bệ cao… nhưng kẻ gian đã lên đập pháp tượng: Hàng chục pho tượng La Hán khổng lồ trong vườn chùa đã bị đập, bẻ gãy bàn tay,  ngón tay, cánh tay… Chuyện xảy ra ngay ở Hà Nội.
Bản tin VOV kể về vụ bẻ tay tượng phật: Camera ghi được hình ảnh, công an vào cuộc.
Chánh văn phòng UBND huyện Đông Anh cho biết Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo công an huyện Đông Anh phối hợp với cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ.
Bản tin ghi rằng trong những ngày gần đây, người dân xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội cùng nhiều phật tử đang hoang mang khi 16 pho tượng La Hán trong chùa Khánh Long đột nhiên bị bẻ tay, vặt tai, chặt hết ngón chân.
Trao đổi với VOV.VN, anh Lê Duy Tuy, người dân địa phương và đồng thời là Phật tử của chùa Khánh Long cho biết, chùa có một vườn tượng với 1 tượng Phật Tổ và tượng 18 vị La Hán.
Ngày 26/3, nhà chùa đã phát hiện ra 12 vị La Hán bị bẻ tay, chặt ngón chân, vặt tai… “Ban đầu chúng tôi nghĩ rằng có thể do kẻ ngáo đá nào phá hoại. Nhưng đến ngày 2/4, nhà chùa lại tiếp tục phát hiện thêm 4 pho tượng khác bị phá hoại. Lần này, hình thức tinh vi hơn, khi chúng đục bỏ các ngón tay và “vặt” tai. Chùa có mời thợ về khắc phục lại các pho tượng nhưng họ đều lắc đầu vì hình thức phá hoại tinh vi. Từ đó, tôi cho rằng đây là một âm mưu phá hoại, chứ không đơn giản là do ai đó mất ý thức”, anh Tuy cho biết.
Tổng cộng đã có 16 bức tượng La Hán bằng đá cẩm thạch tại chùa Khánh Long bị kẻ gian phá hủy.
Sau sự việc ngày 26/3, nhà chùa đã báo cho chính quyền địa phương và lắp đặt thêm camera giám sát phía ngoài khuôn viên chùa. “Hình ảnh của kẻ phá hoại tượng phật lần 2 đã được ghi lại. Cơ quan công an cũng đã tiến hành thu thập hình ảnh, chứng cứ hiện trường để điều tra”, anh Tuy cho biết.
Nói thêm về sự việc, phật tử này cho biết, đây là vườn tượng được đưa về từ Đà Nẵng, làm lễ hô thần nhập tượng vào tháng 5/2018.
Trong khi đó, báo An Ninh Thủ Đô kể thêm rằng công an đang điều tra, làm rõ hành vi đập phá tượng La Hán ở chùa Khánh Long.
Trao đổi cùng báo An ninh Thủ đô, đại diện công an huyện Đông Anh cho biết, công an huyện đã tiếp nhận thông tin và đang khẩn trương tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân việc phá hoại 16 bức tượng tại chùa Khánh Long.
Chùa Khánh Long (hay còn gọi là chùa Vĩnh Thanh), xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh được khởi dựng từ thời Lê, niên hiệu Chính Hoà năm 1698, dù chưa được xếp hạng, nhưng ngôi chùa này đã nằm trong danh mục kiểm kê năm 2015. Người khai sáng ra ngôi chùa này là Quốc sư Hòa thượng – Nguyễn Đức Trung, tự là Đạo chất Thiền sư ở chùa Báo Thiên, Hà Nội.
Đại đức Thích Thanh Khánh – Trụ trì chùa Khánh Long cho biết, sự việc xảy ra vào cuối tháng 3/2019, nhà chùa đã phát hiện 12 bức tượng La Hán bị phá hoại. Cách đây 1 – 2 ngày, lại tiếp tục phát hiện thêm 4 bức tượng khác bị đập phá. Đến nay, tổng số đã có 16 bức tượng bằng đá cẩm thạch tại chùa bị kẻ gian phá hủy. Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà chùa đã báo cho chính quyền địa phương.
https://vietbao.com/a292591/ha-noi-16-tuong-la-han-san-chua-bi-dap-gay-tay-dut-tay

Ba năm sau thảm họa Formosa

Diễm Thi, RFA
Thảm họa môi trường do Nhà máy Thép Formosa gây nên khiến cá, hải sản chết hằng loạt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế từ đầu tháng tư năm 2016 đến nay đã ba năm.
Thực tế tại những vùng chịu tác động ra sao, một viên chức thuộc Chi cục Bảo vệ Môi trường thuộc Sở tài nguyên và Môi Trường tỉnh Quảng Bình nói với RFA chiều ngày 2/4/2019:
“Mọi thứ ổn rồi, không có vấn đề chi nữa cả. Ngư dân đi biển trở lại bình thường. Nói chung là mọi thứ trở lại bình thường rồi.”
Một viên chức Ủy ban Nhân dân huyện Bố Trạch, Quảng Bình cũng khẳng định với RFA trong cùng ngày:
“Bây giờ là mọi sinh hoạt trở lại bình thường rồi. Biển bình thường, môi trường trở lại trong sạch rồi. Ngư dân trở lại đánh cá như ngày xưa. Gần bờ có, xa bờ có. Cá nhiều. Bồi thường thì cơ bản là xong hết rồi, không có chi nữa hết.”
Phía chính quyền  nói mọi thứ trở lại bình thường nhưng chính người dân Cồn Sẻ, Quảng Bình thì lại nói rằng mọi thứ không thể bình thường như ngày xưa bởi ngư dân đã đổi nghề, cá tôm không còn nhiều, chỉ có điều người dân đã ăn cá trở lại, họ không nghĩ đến chuyện độc hại gì nữa vì chính phủ họ không tuyên truyền, không nói đến chuyện cá nhiễm độc đến cho người dân. Anh Hoàng Nguyên, một người dân tại miền Trung, cho biết:
Cuộc sống chưa trở lại bình thường được vì khi cá không còn thì ngư dân họ phải bán thuyền đi tìm việc khác. Một số không đi xuất khẩu lao động hay không làm việc khác thì họ vẫn bám biển, nhưng họ phải đi những vùng biển xa hơn vì khu gần tôm cá không còn nhiều nữa, họ phải đi xa hơn tới 7 hoặc 8 cây số mới có cá mà đánh bắt.
Người dân thì ăn cá bình thường trở lại. Họ không nghĩ đến chuyện độc hại gì nữa vì chính phủ họ không nói đến chuyện cá nhiễm độc đến cho người dân nữa.
Chuyện đền bù thiệt hại thì cũng lem nhem nhưng đến nay cũng không ai nhắc đến chuyện đền bù nữa.”
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, cũng ở Cồn Sẻ thì đưa ý kiến rằng do bị thiệt hại nhiều quá nên cuộc sống chưa trở lại bình thường được. Trước đây làm hai, ba phần thì bây giờ chỉ còn một phần. Họ bỏ nghề biển làm những nghề khác tạm bợ, thiệt thòi hơn làm cá. Bồi thường thì người có người không, chỉ bồi thường một đợt là hết, ngoài ra không hỗ trợ chi hết.
Bà Phượng, chủ một cửa hàng buôn bán hải sản lớn ở Hà Tĩnh trước đây với các loại mắm đặc sản của vùng miền này cho biết hàng tồn kho cả tỷ không tiêu thụ được, bây giờ chỉ buôn bán đủ sống qua ngày bởi thương hiệu đã mất:
“Hàng mới năm 2019 mới bán được thực sự chứ hàng cũ nằm chết cả đống, mỗi nhà từ vài tỷ đến cả chục tỷ, nhà nước đâu có thu mua. Mình không làm ăn lớn nữa và giá không cao, chỉ bán trong tỉnh chứ không ra ngoài tỉnh được, không ra thương hiệu được vì Hà Tĩnh mang tiếng là cá nhiễm độc, bạn hàng họ bỏ đi hết, họ tránh xa, họ không quay lại nữa. Nếu có lấy lại được tiếng thì cũng phải cả chục năm sau. So với ngày xưa thì bây giờ chỉ là bán sống qua ngày thôi.”
Theo con số thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sáu tháng sau thảm họa Formosa thải chất độc trực tiếp ra biển, thì tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế tổng cộng có đến 263.000 lao động bị ảnh hưởng, trong đó ảnh hưởng trực tiếp là khoảng 100.000 lao động. Số cá chết dạt vào bờ biển là 115 tấn. Ngoài ra còn 140 tấn cá nuôi chết và 67 tấn ngao nuôi chết.
Hơn một năm sau sau thảm họa xảy ra, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận sự cố môi trường biển này là hết sức nghiêm trọng; gây thiệt hại đối với hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của khoảng 510.000 người thuộc 130.000 hộ dân ở 730 thôn/xóm tại 146 xã/phường/thị trấn của 22 huyện vùng ven biển thuộc 04 tỉnh miền Trung.
Hơn hai năm sau, ngày 17/5/2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại một hội nghị rằng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung an toàn, nguồn
lợi hải sản được phục hồi. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khẳng định chất lượng hải sản biển ở 4 tỉnh miền Trung an toàn.
Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cũng từng lên tiếng khẳng định vùng biển Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi nhưng cũng không thể chỉ vài năm là được. Ít nhất cũng phải chục năm, không thì 20-30 năm và thậm chí có thể lâu hơn nữa.
Chị Phượng chuyên mua bán mắm ruốc thì thừa nhận sau ba năm thì nghề mắm ruốc ở đây đã mai một không bán được bình thường trở lại. Mất nghề hẳn luôn. Chị nói thêm rằng để bán được hàng tồn kho thì người bán ‘buộc’ phải gian dối:
Việt Nam bây giờ thì nhà nước gian dối, dân dối gian. Nhà nước không đền bù, người buôn bán thiệt thòi thì họ làm ăn gian dối để sống qua ngày, họ cho phẩm màu vào hàng cũ để bán như hàng mới. Ăn vô rất độc nên chị không dám làm. Đâu có ai kiểm nghiệm, người tiêu dùng lãnh hậu quả.
Theo tin Reuters ngày 23/12/2016 thì khu vực biển miền Trung Việt Nam có thể mất cả thập kỷ để hoàn toàn hồi phục sau thảm họa môi trường lớn nhất từ trước đến nay do nhà máy thép Formosa gây nên. Trước đó vào ngày 30/6/2016, Chính phủ Việt Nam tổ chức họp báo, công bố nguyên nhân cá chết là do chất thải gây ô nhiễm từ Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa vượt quá nồng độ cho phép. Nguồn thải được xả trực tiếp ra biển chứa độc tố bao gồm cyanide, phenols và hydroxide sắt tạo thành một dạng phức hợp, di chuyển vào Nam làm hải sản ở tầng đáy biển chết, là nguyên nhân gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển này.
Nhiều người dân bị tác động sau đó tiến hành biểu tình đòi đóng cửa nhà máy thép Formosa và đòi hỏi được bồi thường thỏa đáng. Những cuộc biểu tình phản đối ô nhiễm môi trường và yêu cầu quyền lợi được bảo đảm của những người dân trong cuộc cuối cùng đều giải tán, một số bị bắt giam với cáo buộc ‘gây rối trật tự’.
Anh Nguyễn Văn Hóa, người tường thuật về tình hình địa phương trong những ngày tháng phải hứng chịu ô nhiễm, phải chịu án 7 năm tù giam với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
Anh Hoàng Bình giúp người dân đòi hỏi chính quyền bảo đảm một môi trường biển sạch cũng bị bắt và chịu án 14 năm tù với hai cáo buộc “Chống người thi hành công vụ” và “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, công dân.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/three-years-after-fomorsa-disaster-dt-04032019142029.html

Xâm hại tình dục trên thế giới bị xử lý thế nào?

Tình trạng xâm hại tình dục gần đây gây ra sự bức xúc lớn trong dư luận Việt Nam khi có hai vụ quấy rối tình dục trong thang máy xảy ra trong vòng chưa đầy một tháng.
Vụ việc đầu tiên, khi ông Đỗ Mạnh Hùng “cưỡng hôn” một cô gái trẻ trong thang máy ở Hà Nội hôm 4/3 và bị phạt hành chính 200.000 đồng, đã gây ra nhiều bức xúc, cho rằng mức xử phạt quá nhẹ.
Mới tuần này, ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên phó Viện trưởng Viện Kiểm Sát Đà Nẵng được trông thấy ôm ấp một bé gái ở trong thang máy tại TP Hồ Chí Minh hôm 2/4.
Vụ việc khiến dư luận bức xúc, nhiều người cho rằng vụ việc thứ hai là hệ lụy của việc xử phạt 200.000 đồng từ vụ quấy rối đầu tiên.
“Đúng pháp luật chỉ có 200K thôi nhé,” một độc giả tên Trần Việt Hưng viết.
“Có 200K không sao cả,” một người tên Hà Tá viết.
“Cứ 200K thì còn nhiều biến thái nữa,” một bạn tên Nhật Mai viết.
Thực trạng quấy rối tình dục ở Việt Nam
Phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam, cứ 4 người ít nhất 3 người đã từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng, theo khảo sát tại 5 thành phố vào 2016 của Tổ chức ActionAid Việt Nam.
87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng như đường phố, công viên, xe buýt, nhà vệ sinh công cộng và có 89% nam giới chứng kiến điều này.
Và khi xảy ra tình trạng bị quấy rối và bạo lực tình dục, thì gần một nửa (47,1%) nạn nhân giữ im lặng thay vì trình báo công an hay cảnh báo người khác.
Trong đó tình trạng quấy rối tình dục phổ biến là bị huýt sáo, trêu ghẹo (28.5%), bị liếc mắt đưa tình (24.4%), bị nhìn chằm chằm vào một bộ phận trên cơ thể hoặc toàn bộ cơ thể (19.8%) và bị sờ mó đụng chạm một cách cố ý (11.6%).
Theo như Bộ Lao Động Việt Nam, hơn 2000 trẻ em mỗi năm bị lạm dụng.
Cách xử phạt quấy rối tình dục trên thế giới
Đức: Đức mở một dự án mang tên “Đừng xâm hại” vào 2005, cung cấp các dịch vụ tư vấn tâm lý miễn phí cho những người trưởng thành cảm thấy có mong muốn xâm hại tình dục trẻ em. Dự án này bị chỉ trích vì giữ bí mật danh tính những kẻ tấn công tình dục.
Anh Quốc: Cũng có các chương trình tư vấn tâm lý như Đức, nhưng có một khác biệt. Những người được tư vấn biết rằng bất kỳ vụ lạm dụng tình dục nào họ khai báo cũng sẽ bị tố cáo lên các cơ quan chức năng.
Thụy Điển: Nước này vừa thông qua luật rằng quan hệ tình dục không có sự đồng thuận là cưỡng hiếp.
Lạm dụng tình dục và hiếp dâm ở nước này có mức án tù tối đa là 4 năm.
Pháp: Bạo lực tình dục không bao gồm cưỡng hiếp sẽ bị phạt tối đa 5 năm tù giam và 75.000 Euro (gần 2 tỷ đồng).
Đối với tội cưỡng hiếp, có thể bị phát 15 năm đến chung thân.
Hoa Kỳ: Tùy thuộc vào luật liên bang và tiểu bang, nhưng tại bang Texas, người phạm tội hiếp dâm có thể bị phạt tù đến 20 năm và 10.000 đôla tiền phạt (khoảng 230 triệu đồng).
Brazil: Người phạm tội hiếp dâm sẽ bị phát từ 6 đến 10 năm tù giam.
Thiến hóa học gây tranh cãi
Một biện pháp gây tranh cãi, được một số nước áp dụng là thiến hóa học, hoặc thậm chí là thiến bộ phận sinh dục.
Indonesia, Nga, Ba Lan và Hàn Quốc: Hình phạt cho tội lạm dụng tình dục trẻ em có thể bằng hình thức thiến hóa chất. Thiến hóa chất là hình thức dùng thuốc để làm giảm nhu cầu tình dục mà không cần thiến sinh lý hoặc cắt bỏ nội tạng.
Cộng hòa Séc: Séc áp dụng hình thức thiến dương vật ‘tự nguyện’, với 94 ca phẫu thuật đã được tiến hành từ 1999. Đây là biện pháp gây tranh cãi ở Czech.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47796814

200.000 và công lý nguyên thủy thời pháp luật thiếu hụt

Tre
Khoảng hai tuần qua, anh đàn ông tên Đỗ Mạnh Hùng chắc đã ôm một niềm oán hận vô cùng với pháp luật Việt Nam.
Vì, tuy chỉ bị mất có 200.000 VNĐ (xem như móc ví rơi mất) cho hành vi cố ép một cô gái không quen biết vào thang máy để sờ soạng và hôn người ta bất chấp phản kháng, nhưng mặt mũi, danh tính, thân thế sự nghiệp cùng gia phả nhà anh đã bị dân mạng Việt Nam hú ba hồn chín vía đến vang vọng đất trời.
Anh ta bị chế giễu, dè bỉu, thậm chí làm nhục khắp nơi. Dân mạng chế hoạt hình, ví von bộ mặt và hành vi của anh ta với đủ những thứ tồi tệ trên đời, và bây giờ anh ta khó có thể đi đâu mà không bị nhận ra. Nhất là khi anh ta vẫn phải tiếp tục làm việc ở văn phòng công ty cũ, vẫn phải hàng ngày dùng chiếc thang máy ấy, trong tòa nhà ấy, chạm mặt với vô số người quen và người lạ nhưng đã quá quen mặt anh ta.
Anh ta sẽ bị vô số tia nhìn như mũi tên bắn vào mình khắp chung quanh mỗi khi bước vào thang máy hoặc nơi trong sảnh tòa nhà.
Sẽ có tiếng cười khúc khích và xì xầm sau lưng anh ta ở bất cứ nơi nào anh ta đến.
Sẽ có những cô gái sau khi thấy mặt anh ta thì nhìn trừng trừng khinh bỉ rồi bước thẳng ra khỏi thang máy.
Anh ta bị đặt tên là yêu râu xanh (dù sự thực có thể không đến mức như thế).
Nói tóm lại, anh ta đã trở thành một con cừu đen.
Dân mạng Việt Nam “thế thiên hành đạo”
Biết thế thì thà im ỉm đền gấp ba mươi lần (cộng với xin lỗi người bị hại), nhưng đổi lại được giữ kín sự việc, trừ cơ quan pháp luật và người liên quan ra chẳng ai biết mình, còn hơn!
Trên các báo Việt Nam, giới làm luật bàn tán sôi nổi. Hầu hết ý kiến cho rằng đây là một chỗ khuyết trong pháp luật hình sự Việt Nam, nghĩa là tuy bản chất là quấy rối tình dục nhưng lại chưa hề có tội danh này.
Tuy nhiên, nếu người quấy rối “có hành vi, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” thì sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Do luật khuyết thiếu như vậy, nên anh Hùng chỉ bị phạt 200.000 đ. Bằng 4 bát phở có thịt.
Luật pháp thiếu thì luật đời xử. Dư luận nhanh chóng bù vào chỗ khuyết bằng các hành vi “ném đá tập thể” với anh ta, như kể trên. Đặc biệt, với thực trạng 51% phụ nữ Việt Nam thừa nhận từng bị quấy rối tình dục ít nhất một lần, theo kết quả điều tra năm 2016 của Bộ Lao động, thương binh và xã hội và Tổ chức ActionAid tại năm tỉnh và thành phố Việt Nam, việc thay trời hành đạo của dân mạng càng nhận được nhiều đồng tình.
Công lý nguyên thủy
Tuy nhiên, không phải không có phản biện. Một luồng dư luận kín đáo hơn phản đối việc bêu hình ảnh tên tuổi anh ta trên công luận, với lý do vì pháp luật hiện tại chỉ xử được anh ta đến thế, cho nên anh ta phải được đối xử thích đáng với hình phạt ấy. Nghĩa là chỉ đóng 200.000 VNĐ và hết.
Lý lẽ này cho rằng việc dân mạng công khai danh tính và làm nhục anh ta, nhìn từ giác độ pháp luật, cũng chính là vi phạm luật pháp.
Sự ngược chiều nói trên là một góc nhìn logic và rất hợp pháp. Nhưng, tự hỏi bản thân mà xem, bạn có thấy nó hợp lý, hợp với lòng bạn không?
Hành vi của dân mạng dùng tiếng Việt đã chỉ ra: câu trả lời của số đông là không. Không hợp lý, không hợp lòng.
Có thể gọi việc dân mạng Việt Nam “thế thiên hành đạo” là một thứ công lý nguyên thủy. Điều đáng lẽ chỉ còn nhìn thấy ở những xã hội chưa phát triển, nơi kẻ trộm phải bị chặt tay, và công lý vận hành bằng công thức sơ khai nhất: “mắt trả bằng mắt, răng trả bằng răng”.
Do vậy khi nó được thực thi ở thế kỷ 21, trong xã hội Việt Nam với hệ thống pháp luật khá đồ sộ, đó là tín hiệu báo động.
Không phải chỉ là giễu cợt hệ thống luật pháp, nó báo hiệu người dân sẽ có thể bất chấp hệ thống này, nếu nó vẫn tiếp tục không bảo vệ được họ.
Công lý nguyên thủy không lạ lẫm với người dân nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Trong nhiều năm gần đây, có những kẻ trộm chó bị cả làng đánh đập đến chết, bị đốt xe máy và đốt chết, bị nhốt vào chuồng con chó vừa bị cướp đi, bị treo xác con chó vào cổ và dong tới công an, dọc đường liên tục bị người dân đánh đập… Tuy vậy, nạn trộm chó không giảm.
Giữa căm thù ngút trời của dân chúng và sự hung hãn ngày càng tăng của trộm chó là kẽ hở của pháp luật. Hành vi xông vào nhà, dùng vũ khí (kích điện, súng tự chế, bột ớt, vỏ chai thủy tinh vỡ…) đe dọa người chủ rồi ngang nhiên bắt con chó đi đã rõ ràng là hành vi cướp, phải được xử theo tội cướp theo Luật Hình sự. Thế nhưng pháp luật Việt Nam vẫn chỉ xem đây là tội trộm, hình phạt thì vài trăm ngàn đồng, tương ứng theo… số kg thịt của con chó bị bắt! Nếu con chó (quy ra thịt) chưa đến hai triệu đồng thì kẻ trộm chó chỉ bị xử lý hành chính, tức là cảnh cáo, uống trà, nộp ít xu phạt, rồi về.
Người nuôi chó không thể hài lòng với hình phạt ấy, do đó trong không ít trường hợp như đã kể, họ không viện đến công an nữa mà cùng nhau tự tay xử những kẻ bắt chó. Công lý nguyên thủy được thực thi, mang lại thỏa mãn tạm thời cho nạn nhân.
Nhưng về lâu dài, cũng giống như hình phạt bêu giếu dành cho kẻ quấy rối phụ nữ trong thang máy, hậu quả của công lý nguyên thủy là một xã hội bất an và khó lường. Hơn thế nữa, không thể lường được tình trạng “mắt trả mắt, răng trả răng” sẽ khốc liệt đến mức nào; trong sự trả thù đó, sẽ có thể có những nạn nhân oan uổng hay không.
Một thẩm phán cao cấp yêu cầu giữ kín danh tính nói, ông không đồng tình nhưng có thể thông cảm với phản ứng của người dân, trong tình trạng pháp luật Việt Nam hiện tại vẫn vô hiệu ở khá nhiều trường hợp.
Nhưng đấy cũng là một cơ hội để các nhà làm luật Việt Nam cải cách hệ thống pháp luật, nếu họ quan tâm và nắm bắt cơ hội.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á  Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/200000-and-the-lack-of-justice-04042019073710.html

Bạo lực học đường:

Người lớn hung hãn trên mạng là điều bất ổn

Các vụ bạo lực học đường liên tiếp được phản ánh trên truyền thông trong những ngày gần đây làm dấy lên lo ngại và hoang mang trong nhiều phụ huynh.
Dư luận chưa hết bất bình về vụ một nữ sinh lớp 9 ở trường THCS Phù Ủng tỉnh Hưng Yên bị một nhóm bạn nữ cùng lớp bạo hành, lột quần áo và quay clip hôm 22/3, thì ngày 2/4 lại có tin về vụ một nhóm nữ sinh ở huyện Diễn Châu, Nghệ An bắt một nữ sinh lớp 7 quỳ gối xin lỗi rồi liên tiếp tát vào mặt.
BBC News Tiếng Việt phỏng vấn qua điện thoại nhà báo, chuyên gia nuôi dạy con cái của chương trình Cà phê sáng với VTV3 về tình trạng bạo lực học đường hiện nay ở Việt Nam.
Vụ nữ sinh Hưng Yên bị bạo hành: dư luận phẫn nộ, Bộ Giáo dục vào cuộc
Dự thảo Bộ GD nói về 4 lần mại dâm ‘do sơ suất’?
Giáo dục Hà Giang có ‘gian lận điểm thi’
Xã hội Việt Nam có vô cảm?
BBC: Vụ việc ở Hưng Yên rất tiếc không phải là cá biệt. Có rất nhiều vụ việc khác với các em học sinh bị đánh hội đồng, lạm dụng thậm chí xâm hại. Có những học sinh và giáo viên chứng kiến những vụ việc này mà không can thiệp. Liệu đây có phải là biểu hiện cho thấy xã hội Việt Nam trở nên vô cảm không?
Ông Hoàng Anh Tú: Tôi không đồng ý với quan điểm này. Bản thân tôi khi sang Pháp hay có những chuyến đi du lịch ở nước ngoài, tôi vẫn thường xuyên gặp chuyện ‘vô cảm’ như thế. Khi tôi bị kẻ xấu móc túi trên tàu cao tốc ở Pháp, thì có rất nhiều người ở xung quanh ở một đất nước văn minh hơn chúng tôi rất nhiều, họ cũng im lặng, cũng vô cảm.
Tôi rất thích cách mà Mỹ hay châu Âu đang giáo dục trẻ con – đó là coi cái sinh mạng của mình là trên hết.
Tôi cực kỳ phản đối nếu chúng ta khuyến khích các đứa trẻ lao vào bảo vệ bạn, thấy bạn bị bắt nạt thì lao vào đánh nhau để cứu bạn. Là một người cha, tôi cũng không bao giờ đồng ý cho con tôi như thế bởi vì đã có rất nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra.
Rất nhiều đứa trẻ không được giáo dục kỹ năng, không được chia sẻ về bảo vệ sinh mạng của mình, đã bị mất mạng.
Bộ trưởng GDĐT: ‘con sâu làm rầu nồi canh’
Lương hưu cô giáo ‘thấp mạt hạng’ là bất công
Thực ra vấn đề bạo lực, xâm hại, bạo hành trong học đường đã xảy ra rất rất nhiều trong thế hệ 7X, 8X của chúng tôi.
Thế hệ của chúng tôi trải qua, không có một nơi nào là không có bạo lực học đường. Thậm chí, khi tôi làm những bài về xâm hại, tôi thấy rất nhiều ông bố bà mẹ thế hệ 7X 8X thú nhận là ngày xưa mình đã bị xâm hại như thế nào.
Đến bây giờ, chúng ta thấy vấn đề bạo hành ầm lên là bởi vì truyền thông đang nỗ lực để thay đổi nhận thức, để đánh thức cộng đồng.
Tôi nghĩ cũng như ở các nước phát triển khác như Nhật, Mỹ hay Hàn Quốc, vấn đề bạo lực học đường vẫn tồn tại cho đến tận bây giờ.
Nếu như có điều gì tôi thấy bất ổn bây giờ thì đó là phản ứng của mọi người.
Trên không gian mạng, ai cũng có quyền lên tiếng, ai cũng bày tỏ quan điểm, thì chính những người đang ném đá trên mạng với những bình luận kiểu “nếu là con của tôi tôi sẽ đập chết nó” hay “nếu là con tôi tôi sẽ thế này thế nọ…” mới là vấn đề của xã hội Việt Nam.
Chúng ta cần phải nhìn lại vì chúng ta đang có nhiều người lớn rất hung hãn ở trên mạng.
Cha mẹ và thầy cô cần làm gì?
BBC: Vậy cách xử lý bạo lực học đường ở Việt Nam và nước ngoài có gì khác biệt thưa anh?
Ông Hoàng Anh Tú: Có sự các biệt về cách xử lý. Ở Việt Nam, các cha mẹ hiện nay bảo vệ con cái nhiều hơn thời chúng tôi rất nhiều vì lên tiếng trên mạng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, phần đông các cha mẹ ở Việt Nam vẫn lên tiếng theo cách nếu như chuyện xảy ra với mình thì mình mới lên tiếng.
Với thầy cô, một chuyện đáng buồn trong giáo dục Việt Nam là có sự mâu thuẫn và khập khễnh giữa quản lý giáo dục và bản chất giáo dục.
Khi chúng ta để cái quản lý lớn hơn lòng yêu nghề, nó sẽ khiến cho các thầy cô và những người quản lý ở trong cái thế đối cực với nhau.
Vẫn có nhiều những thầy cô yêu trò, hết lòng với trò, tận tâm với nghề nhưng ta lại có những thầy hiệu trưởng, ban giám hiệu đã quên mất họ đã từng là giáo viên, quên mất trách nhiệm của người thầy.
Những người quản lý giáo dục ở trường họ bị sức ép về thành tích, về danh hiệu của trường khiến cho cách xử lý của họ vô cùng là vô cảm.
Cha mẹ và thầy cô cần làm gì?
BBC: Vậy thì các em học sinh và phụ huynh cần làm gì để đối phó với tình trạng bạo lực học đường?
Ông Hoàng Anh Tú: Cái mà tôi mong muốn các em có thể làm được là chịu khó chia sẻ với cha mẹ, đừng sợ hãi những lời đe dọa.
Cái cách mà tôi đang dạy ba đứa nhỏ nhà tôi là các con nên mở rộng tình bạn, chơi với nhiều bạn hơn và từ chối chơi với các bạn có hành vi bạo lực.
Điều hơn cả vẫn là cần cha mẹ và thầy cô. Những kỹ năng dạy các con nhiều khi cũng không bằng sự giúp đỡ từ cha mẹ và thầy cô khiến cho các con yên tâm.
Trong một lần nói chuyện ở trường các con tôi, tôi có nói tôi rất muốn thầy cô hãy đặt lòng tin vào đứa trẻ.
Ở Việt Nam, có câu “lời con trẻ” hay “trẻ con thì biết cái gì”. Đôi khi người lớn đang coi nhẹ, coi thường lời của các con, và là một trong những lý do các con dễ là nạn nhân của bạo lực học đường.
Cha mẹ và thầy cô nhiều khi không dành thời gian để lắng nghe các con. Khi thầy cô chỉ quan tâm đến kiến thức hay điểm số hay cân nặng của các con thì không bao giờ chúng ta có được sự bảo vệ cho trẻ em.
Tôi mong thầy cô có những tiết học để trò chuyện với các con, chia sẻ với các em cách người lớn sẽ giải quyết thế nào nếu một trong số các em bị bạo lực học đường.
Nếu làm được những điều đó thì bạo lực học đường sẽ “không còn đất để diễn ra” khi mà có bất kỳ điều gì các em đều thông báo lại với cha mẹ và thầy cô.
Về các kỹ năng phòng và tránh bắt nạt cụ thể, nhà báo Hoàng Anh Tú cũng có bài viết “CON PHẢI LÀM SAO KHI CON BỊ BẮT NẠT Ở TRƯỜNG?” trên Facebook được rất nhiều người chia sẻ.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47801368

Thanh Hóa: Ngô Văn Tuấn thôi chức mới ‘vì dư luận quá lớn’

Ông Ngô Văn Tuấn, cựu Phó Chủ tịch Thanh Hoá, người bị kỷ luật vì vụ ‘quan hệ không trong sáng’ với một phụ nữ trẻ, nhưng được bổ nhiệm làm tân chánh văn phòng Sở Xây dựng tỉnh này nay xin thôi chức ‘vì dư luận quá lớn’.
Trong đơn gửi cho lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa hôm 02/04, ông Tuấn nhắc lại rằng ông được tập thể lãnh đạo Sở Xây dựng thực hiện quy trình bổ nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Thanh Hóa kể từ ngày 29/3/2019.
Hồi cuối 2017, ông Ngô Văn Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa bị kỷ luật khiển trách và một giám đốc sở phải ‘kiểm điểm sâu sắc’ vì quá trình thăng chức ‘thần tốc’ của bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Hôm 29/09/2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá đã bỏ phiếu kỷ luật ông Tuấn cùng Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hoá, ông Đào Vũ Việt.
Đặc biệt, kênh VTC hôm 01/04 đã trích thuật chính lời ông Đào Vũ Việt, sếp mới của ông Ngô Văn Tuấn xác nhận rằng ngày đầu tiên đi làm ở Sở ông Tuấn “đã nghỉ ốm”.
Ông Tất Thành Cang nhận nhiệm vụ mới
Sáu cách chống tham nhũng để VN chọn
Thanh Hóa kỷ luật quan chức vụ Quỳnh Anh
‘Không sửa chữa chỉ là một đảng hỏng’
Việt Nam và hai bài học quá đắt
“Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dư luận quá lớn những ngày vừa qua về chức vụ Chánh Văn phòng Sở Xây dựng, nên tôi viết đơn này kính đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Văn
phòng UBND tỉnh và lãnh đạo Sở Xây dựng cho phép tôi được chuyển công tác về lại Ban chỉ đạo về quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở tỉnh để yên tâm công tác,” lá đơn viết, theo các báo Việt Nam trích thuật lại.
áCch bổ nhiệm những cán bộ từng ‘vi phạm rất nghiêm trọng’ như kiểu ông Tuấn, ông Cang, thì dù được biện minh ‘đúng qui trình’ kiểu gì, người dân cũng nhận ra thái độ không nghiêm túcBáo VN
Trang VietnamNet hôm 02/04 đăng tin Thanh Hóa đã hủy quyết định bổ nhiệm ông Ngô Văn Tuấn vào vị trí Chánh Văn phòng Sở Xây dựng của tỉnh.
Cũng các báo Việt Nam cho hay ông Tuấn ‘cáo ốm’ ngay ngày đi làm chính thức đầu tiên 01/04.
Nay thì ông thừa nhận về luồng dư luận phản đối việc tái bổ nhiệm ông, một cán bộ đã bị kỷ luật.
Không chỉ ông Ngô Văn Tuấn, mà vụ bổ nhiệm ông Tất Thành Cang vào vị trí lo soạn lịch sử TPHCM cũng được báo chí và dư luận chú ý.
Vẫn trang VietnamNet viết rằng “dư luận đang nóng lên với chuyện bổ nhiệm lại ông Tất Thành Cang và ông Ngô Văn Tuấn”.
“…cách bổ nhiệm những cán bộ từng ‘vi phạm rất nghiêm trọng’, từng bị cách tất cả chức vụ như kiểu ông Tuấn, ông Cang, thì dù được biện minh ‘đúng qui trình’ kiểu gì, người dân cũng nhận ra thái độ không nghiêm túc của một số địa phương trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của Đảng với tệ nạn tham nhũng.”
Tất Thành Cang bị cáo buộc ‘vi phạm rất nghiêm trọng’ trong công tác điều hành ở TPHCM ở cương vị Phó Bí thư Thành ủy.
Ý kiến mạng xã hội
Vụ việc tái bổ nhiệm ‘cán bộ đã bị kỷ luật’ thu hút nhiều ý kiến trên trang Facebook của BBC News Tiếng Việt.
Bạn Nguyễn Sỹ Đoàn hỏi: “Sao vậy nhỉ? Thật đáng sợ nhóm lợi ích. Ngày xưa vì dân chủ bỏ phiếu để kỷ luật đ/c X mà Bộ CT không thể kỷ luật được vì nhóm lợi ích quá lớn. Giờ lại đến Tất Thành Cang chứng cứ dành dành mà sao không kỷ luật được, đã đến lúc Đảng phải thay đổi một số nguyên tắc lãnh đạo.”
Còn người có nick là Quoi Bui viết: “Xử lý nửa vời khác nào nuôi virus kháng thuốc! Những người tham gia điều tra sẽ buông tay. Tàn lụi.”
Cường Trí thì viết: “Đốt lò cũng phải lựa “củi” nào có thể đốt được “củi” nào không lạng quạng là cháy cả cái lò chứ đùa.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47799608

Dân Mất Đất Dựng Lều Biểu Tình

HANOI — Dân mất đất, thế là dựng lều biểu tình…
Báo Nông Nghiệp gọi tình hình đo 1là cát loạn Phú Thọ: Nông dân mất đất dựng lều, nấu cơm trước cổng trụ sở xã…
Những quyết định cấp phép khai thác khoáng sản, cát sỏi liên tiếp của UBND tỉnh Phú Thọ cho các doanh nghiệp đang đẩy người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh này đến bước đường cùng…
Cho rằng chính quyền địa phương “bảo kê” cho hoạt động khai thác cát sỏi khiến hàng chục ha đất sản xuất của nhân dân bị đổ xuống sông, người dân xã Đông Khê (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) cầu cứu khắp mọi nơi, thậm chí họ dựng lều, tụ tập nấu cơm ăn ngay trước cổng trụ sở công quyền…
Bản tin ghi rằng những băng rôn, khẩu hiệu, những tiếng trống, tiếng chiêng, những gương mặt thất thần, bức xúc vì mất đất, những bữa cơm được nấu ngay tại cổng UBND xã để đấu tranh, những tiếng nói yêu cầu đối thoại với lãnh đạo địa phương nhưng không được giải quyết… Tất cả những vấn đề này xuất hiện ở Đông Khê, một vùng quê nghèo, thuần nông kể từ khi UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép cho Cty CP Vật tư và xây dựng Đô thị Phú Thọ khai thác cát sỏi trên sông Chảy.
Đây là đợt tụ tập đông người để đấu tranh lần thứ 2 của người dân thôn 2 xã Đông Khê trước cổng UBND xã. Trước đó, từ ngày 7/2/2019, người dân mất đất cũng đã nhiều ngày dựng lều lán, nấu cơm trước cổng UBND xã Đông Khê để phản đối hoạt động khai thác cát sỏi gây mất đất sản xuất của họ. Chính quyền địa phương đã hứa sẽ kiểm tra, làm rõ và động viên người dân giải tán, tuy nhiên sau đó
các tàu cát lại tiếp tục hoạt động đã khiến người dân mất niềm tin và cho rằng có sự “tiếp tay”, “bảo kê” từ phía cơ quan chức năng…
Hơn 20 người dân đại diện cho khoảng 140 hộ dân cho biết, đã gõ cửa rất nhiều cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương nhưng những khiếu nại, kiến nghị của họ từ nhiều tháng trời vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. “Cùng bất đắc dĩ người dân chúng tôi mới phải làm thế này”, ông Phùng Văn Thiệp, người đứng đơn đại diện nhân dân trao đổi với PV NNVN về việc dựng lều, nấu cơm trước cổng UBND xã Đông Khê.
Báo Nông Nghiệp ghi rằng cánh đồng Cây Vải và Đồng Mã là một vùng bãi bồi trù phú ven sông Chảy, tự bao đời nay được ví như nồi cơm của hàng nghìn nhân khẩu chủ yếu sống dựa vào những vụ trồng ngô, lúa và cây ăn quả. Kể từ khi tàu khai thác cát hoạt động, “nồi cơm” của họ liên tục bị đào múc, sạt lở, hoa màu, cây cối lần lượt bị cuốn xuống dòng sông. Những người dân xã Đông Khê dẫn chúng tôi ra đồng để chứng kiến thực trạng mà họ nói “trừ đám lợi ích đang đục khoét khúc sông này thì bất cứ ai nhìn cũng phải xót xa”.
Vụ này nhân dân trồng ngô và cây ăn quả. Một màu xanh mướt chạy dài dọc theo bãi sông, minh chứng rõ nhất về sự trù phú của cánh đồng. Nhưng thành quả người dân tạo dựng hiện đã bị mất mát khoảng gần 10ha do tình trạng sạt lở, cuốn trôi. Vết sạt lở kéo dài cả cây số, cao từ 3 – 4m và dấu tích của cây cối, hoa màu bị đổ xuống sông cứ sau mỗi ngày, mỗi giờ lại càng thêm lan rộng. Chỉ trong vòng một năm, cánh đồng này đã bị lòng sông lấn vào hàng trăm mét. Tốc độ sạt lở nhanh đến mức nhiều diện tích cây ăn quả không kịp di dời, nhiều mồ mả của người thân không kịp sơ tán. Gần 20 ngôi mộ bị đất cát vùi xuống sông, người dân huy động tìm kiếm nhiều ngày trời mới mò lại được.
Báo Nông Nghiệp ghi lời ông Đinh Công Trường (70 tuổi) lo lắng:
“Nhiều gia đình đã mất đất canh tác, cứ đà này, chỉ một thời gian ngắn nữa, đất đai, hoa màu, mồ mả cha ông chúng tôi sẽ đổ hết xuống sông. Chúng tôi đã phản ánh lên xã, lên huyện, lên tỉnh, lên trung ương hết lần này đến lần khác nhưng không có kết quả. Dân chúng tôi nghèo lắm, bỏ công bỏ việc để đi đấu tranh thế này không ai muốn cả, nhưng vì con cháu nên chúng tôi phải bảo vệ đất đai của mình.”
Không chỉ mất đất sản xuất, mất mồ mả, đã có người mất mạng kể từ khi UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép cho hoạt động khai thác khoáng sản ở Đông Khê. Bà Lý Thị Bích Ngọc có đứa con trai tên Nguyễn Văn Chiến ra bờ sông Chảy để bơi nhưng do đất ven sông bị các tàu cát hút lở, thằng bé vừa bước xuống thì đất sụt và bị rơi vào đúng hố sâu nơi tàu cát đang hút dẫn đến tử vong.
“Kể từ khi UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép, hoạt động khai thác cát sỏi diễn ra suốt ngày đêm, chúng tôi đấu tranh, khiếu nại quá nhiều rồi, nhưng kết quả là bị chính quyền bác bỏ, xã hội đen đe dọa”, ông Phùng Văn Thiệp nói.
Báo Nông Nghiệp kể thêm rằng trong đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng, người dân Đông Khê khẳng định, họ đã khiếu nại nhiều lần về quyết định cấp phép của UBND tỉnh Phú Thọ để doanh nghiệp khai thác cát sỏi trên địa bàn gây ra hàng loạt những hệ lụy mất đất, mất mồ mả tổ tiên và yêu cầu làm rõ “thủ phạm”, tuy nhiên, cả phía chính quyền lẫn doanh nghiệp đều có những động thái bất chấp nguyện vọng chính đáng của dân.
https://vietbao.com/a292590/dan-mat-dat-dung-leu-bieu-tinh

Lãnh đạo Phú Thọ thừa nhận

việc chậm giải quyết bức xúc của dân về cát tặc

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ thừa nhận chính quyền các cấp còn chậm trễ trong việc giải quyết những bức xúc của người dân, lãnh đạo tỉnh nhận lỗi và hứa sẽ chấm dứt các doanh nghiệp đang khai thác cát làm sạt lở đất canh tác của dân tại xã Đông Khê.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 4 tháng 4 dẫn lời ông Hoàng Công Thủy phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tại buổi đối thoại với người dân xã Đông Khê.
Tại buổi đối thoại, người dân xã Đông Khê đã bày tỏ ba nguyện vọng với ban lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, thứ nhất là rút giấy phép hoạt động khai thác của Công ty Vật tư và Xây dựng Đô thị  Phú Thọ. Thứ hai là thống kê phần diện tích đất của người dân bị mất có phương án bồi thường và xây dựng công trình để bảo vệ phần đất còn lại. Thứ ba là làm rõ trách nhiệm của chính quyền trong việc cấp phép khai thác cát cũng như việc xã hội đen đe dọa người dân trong thời gian qua.
Trả lời chất vấn của người dân xã Đông Khê, ông Hoàng Công Thủy phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ khẳng định, trong thời gian tới lãnh đạo Phú Thọ sẽ tạm dừng và thu hồi giấy phép khai thác của doanh nghiệp và hứa sẽ thực hiện nghiêm túc việc tạm dừng này.
UBND Phú Thọ đồng thời cho thành lập đoàn thanh tra để rà soát lại toàn bộ quá trình triển khai việc khai thác của doanh nghiệp nếu nguyên nhân sạt lở do hoạt động khai thác sẽ tiến hành xử lý doanh nghiệp.
Trong những ngày qua người dân tại xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ đã tập trung trước Ủy ban Nhân dân xã Đông Khê mang theo băng rôn và gõ trống, khua chiêng trước trụ sở để phản đối hoạt động khai thác cát làm sạt lở phần đất sản xuất của người dân và yêu cầu chính quyền đối thoại và có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này. Người dân nói suốt năm qua đã nhiều lần trình báo sự việc nhưng chính quyền địa phương vẫn không giải quyết vụ việc cho họ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/phu-tho-leaders-acknowledged-the-delay-in-resolving-the-peoples-annoyance-04042019102553.html

Thành phố HCM chờ xác định

ranh 4,3 ha ngoài qui hoạch Thủ Thiêm

Truyền thông trong nước loan tin dẫn phát biểu của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vào chiều 4/4/2019 rằng thành phố đang chờ ý kiến các bộ ngành, Bộ Xây dựng để phê duyệt ranh giới khu vực 4,3 ha trong dự án Thủ Thiêm.
Bà Lung, cư dân Thủ Thiêm, thuộc 115 hộ dân đang khiếu kiện cho RFA biết ý kiến khi nghe thông tin này:
“Ở đây chúng tôi không đồng ý chỗ 4,3 ha là vì họ nói họ không có bản đồ, mà không có bản đồ quy hoạch thì làm sao họ biết 4,3 ha nó nằm ở đâu?
Chúng tôi hồi trước đến giờ đi kiện là vì 115 hộ ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, không cần biết vấn đề 4,3 ha.”
Báo trong nước dẫn lời ông Phong cho biết Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng tham mưu hướng dẫn cho thành phố trong việc xác định ranh khu 4,3 ha. Sau khi phê duyệt ranh giới khu 4,3 ha thì thành phố sẽ tiến hành các bước hỗ trợ tiếp theo. Ngoài ra, thành phố cũng đang từng bước giải quyết các chính sách tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ (Kết luận 1483).
Kết luận 1483 của Thanh tra Chính phủ công bố ngày 4/9/2018 xác định khu vực 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2, TP.HCM nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong một buổi họp báo tháng 2/2019, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết việc giải quyết chính sách tại Thủ Thiêm sẽ cơ bản giải quyết trong năm nay.
Những người dân Thủ Thiêm nằm ngoài ranh qui hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm lâu nay phải đi khiếu kiện vì việc cưỡng chế nhà, đất của họ là phi pháp.
Chuyện kiện tụng kéo dài hơn 20 năm qua đến nay vẫn chưa được giải quyết dù cơ quan chức năng từng nhiều lần hứa hẹn.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hcmc-pp-committee-has-not-yet-defined-the-part-outside-the-thu-thiem-project-04042019084534.html

Quy hoạch báo chí đến 2025:

Giảm số lượng, vẫn kiểm soát chặt

Trung Khang, RFA
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 2 tháng 4 ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, trong đó đáng chú ý việc quy hoạch sẽ theo chiều hướng giảm số lượng. Đây có phải là tín hiệu giảm kiểm soát báo chí?
Trong quy hoạch báo chí đến năm 2025, chính phủ Việt Nam như thường lệ, vẫn  khẳng định báo chí là công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của đảng và nhà nước.
Tuy nhiên, điểm mới trong quy hoạch lần này là các cơ quan báo chí được sắp xếp theo hướng số lượng giảm. Đặc biệt đáng chú ý là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến hết năm 2020, mỗi nơi chỉ có tối đa 5 cơ quan báo in, không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo… Những nơi khác, mỗi tỉnh, thành có một báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, một tạp chí in thuộc hội văn học – nghệ thuật tỉnh. Đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phải làm xong việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.
Cũng theo quy hoạch, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ trở thành nòng cốt để hợp nhất tạp chí các ban đảng Trung ương, xây dựng một cơ quan báo chí tập trung.
Văn phòng Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước mỗi cơ quan có một báo in và một tạp chí in. Bộ, cơ quan ngang bộ có một báo in và một tạp chí in.
Việc quy hoạch lại báo chí thì tôi theo dõi niều năm nay, họ cũng đã nói nhiều lần rồi chứ không phải gần đây mới nói. Nói một việc, nhưng làm lại là việc khác.
-Nhà báo Võ Văn Tạo

Các Tổ chức chính trị – xã hội trung ương có một báo in và một tạp chí in. Các Hội ngành thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, mỗi cơ quan có một báo in.
Trong quy hoạch cũng nêu rõ còn rất nhiều cơ quan ban ngành được phép có báo in…
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 3/4/2019, Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định:
“Việc quy hoạch lại báo chí thì tôi theo dõi niều năm nay, họ cũng đã nói nhiều lần rồi chứ không phải gần đây mới nói. Nói một việc, nhưng làm lại là việc khác, mặc dù thực tế họ cũng làm được một số việc, chẳng hạn như tờ tôi từng làm phóng viên là tờ Thương Mại, khi Bộ Thương Mại và Bộ Công Nghiệp sát nhập làm một thì ra đời tờ Công Thương. Thì việc thu hẹp cũng đã từng xảy ra là sát nhập để giảm số lượng. Tuy nhiên việc thu hẹp thì ít còn đẻ thêm ra thì rất là nhiều trong mấy thập niên qua. Nên tôi nghĩ khắc phục cái đó cũng rất là khó. Thu gọn báo chí cho đúng nghĩa thì tôi nghĩ là cả một hành trình rất là lâu, tại vì họ cũng không quyết tâm.”
Đồng quan điểm, Nhà báo Phạm Thành cũng cho rằng thực tâm thì nhà cầm quyền cộng sản cũng không muốn giảm số lượng các cơ quan báo chí:
“Thật ra họ giảm họ cũng đau lòng lắm, nhà cầm quyền cộng sản không phải họ có 800 tờ báo đâu, họ có hàng ngàn tờ rồi, nhưng họ muốn nữa. Chủ yếu họ muốn dùng cái loa dối trá của họ nhét vào bất kỳ trong tai một người dân nào, đấy là cái tư tưởng của họ, nhưng họ buộc phải giảm vì nuôi báo chí tốn kém lắm, tôi tin sắp tới đây hội đoàn còn giảm nữa. Hoặc là giảm, hoặc là tự động nuôi nhau, cái chính là họ hết tiền, chứ thực tâm họ không muốn giảm đâu, đó là bản chất của vấn đề.”
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng 40.000 người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin – Truyền thông ở các tỉnh thành. Các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này.
Theo Nhà báo Ngô Nhật Đăng, thật ra thì nhà cầm quyền cộng sản muốn có càng nhiều cơ quan báo chí càng tốt, để tạo ra cái không khí nhìn có vẻ là đa chiều, tuy nhiên do ngân sách hạn hẹp nên mới phải giảm số lượng:
“Tất nhiên nhà nước muốn càng nhiều cơ quan báo chí càng tốt, để tạo ra cái không khí nhìn có vẻ là đa chiều. Như chúng ta ta thấy thì có hơn 700, 800 tờ báo nhưng cũng chỉ có một tổng biên tập, nếu tính về mặt kinh tế thì chúng ta thấy có những cái tờ như tờ Tuổi Trẻ ngày xưa, mỗi ngày phát hành cả triệu bản thì nay xuống dưới 1 trăm ngàn, tức là việc ngân sách để nuôi một hệ thống quá đồ sộ như thế cũng rất là khó khăn. Cho nên việc họ nói sẽ giảm số lượng các tờ báo xuống như thế là có thể đáng tin.”
Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 nêu rõ, báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí…
Tất nhiên nhà nước muốn càng nhiều cơ quan báo chí càng tốt, để tạo ra cái không khí nhìn có vẻ là đa chiều. Như chúng ta ta thấy thì có hơn 700, 800 tờ báo nhưng cũng chỉ có một tổng biên tập.
-Nhà báo Ngô Nhật Đăng
Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, không có báo chí tư nhân, định hướng dư luận xã hội… thì không có gì mới, lâu nay vẫn là những cái cơ bản mà nhà nước Việt Nam áp dụng với báo chí. Nhưng vô tư mà nói thì so với cách đây khoảng 3 hay 4 thập kỷ, thì việc kiểm soát báo chí có phần nới nới một chút. Thay vì kiểm tra các nội dung trước khi đăng, thì bây giờ họ giao cho Tổng biên tập các tòa báo, tự chịu trách nhiệm. Điều này cũng làm cho nhà báo, cho tòa soạn dể thở một tí.
Nhà báo Ngô Nhật Đăng cũng cho rằng điều này không có gì mới:
“Ngay từ pháp lệnh báo chí đầu tiên năm 1947, khi mà luật báo chí ông Hồ Chí Minh ký có nói rõ ràng báo chí là phục vụ cho cách mạng, sau này thì tuyên giáo nói rõ là phục vụ cho trách nhiệm chính trị. Chúng ta cũng biết là không định hướng được thông tin là không thể được rồi, không bao giờ họ buông rơi tiêu chí đó. Như thế việc cấm không cho báo chí tư nhân, tất cả các báo phục vụ định hướng dư luận, giảm số lượng các tờ báo, thì theo tôi nghĩ là để kiểm soát dễ hơn, việc định hướng dư luận dễ dàng hơn…”
Theo Nhà báo Phạm Thành, báo chí Việt Nam hiện nay nhìn trên tổng thể thì phần lớn họ vẫn được nhà nước bao cấp, chẳng hạn như những báo lớn hiện nay như thông tấn xã, tạp chí cộng sản, đài phát thanh thì cũng bao cấp, còn những tờ thuộc chủ quản khác thì cũng bao cấp. Ông nói tiếp:
“Nhưng tin tức của họ không thuyết phục, nó vừa chậm, vừa bị định hướng… Cho nên đối với bạn đọc nó không còn là món ăn tinh thần để họ trông chờ họ đọc, người ta đón nhận tin tức, người ta nghe bình luận nữa… Cho nên báo chí mà nguồn lực không đủ nuôi thì người ta phải bỏ đi, người không nuôi được nữa. Đấy là hiện thực của báo chí Việt Nam hiện nay.”
Mặc dù số lượng báo chí nhiều, nhưng hiện nay dân trí cao hơn, trình độ nhận thức của người dân cũng cao hơn, vì vậy theo nhà báo Ngô Nhật Đăng khó mà nhốt một xã hội rộng lớn trong một ngục tù tập thể. Chúng ta cũng thấy, nhiều bài báo bị ban tuyên giáo yêu cầu gỡ khi đã lỡ lọt qua vòng kiểm soát. Tức là nhiều quá cũng không kiểm soát được, vì báo chí họ cũng cần phải sinh sống, cần có nhiều bạn đọc, phải có những tin khác.
Vì thế theo Nhà báo Ngô Nhật Đăng, nhà cầm quyền cộng sản muốn thu gọn lại để kiểm soát dễ hơn. Nhưng theo ông, đó cũng là mâu thuẫn, khi đã kiểm soát toàn bộ thông tin trên xã hội mà còn không định hướng được, mà giờ thu gọn lại thì mục tiêu kiểm soát cũng khó đạt được.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-press-planning-until-2025-04032019163707.html

Chuyên gia cảnh báo: Bắc Hàn có thể sẽ ám sát

 Đoàn Thị Hương sau phiên tòa tại Malaysia

Lược dịch từ South China Morning Post
Sau phiên tòa ngày 1/4/2019, công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương vẫn mặc áo giáp chống đạn nói với báo giới về ước mơ trở thành diễn viên hay ca sĩ sau khi trở về quê hương. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo ước mơ của cô sẽ không bao giờ có thể thực hiện vì mối đe dọa thanh trừng nhân chứng trong vụ ám sát ông Kim Jong Nam từ Bắc Hàn. Đó là nội dung bài viết trên trang Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hôm 2/4.
“Họ phải tránh ánh đèn sân khấu và sống im lặng”
SCMP trích lời các chuyên gia cảnh báo công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương, người bị kết án vì liên quan đến cái chết của anh trai cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, sẽ không bao giờ có tự do thực sự sau khi cô ấy được phóng thích từ nhà tù Malaysia vào tháng sau.
Mặt khác, Hương và công dân Indonesia Siti Aisyah, người được trả tự do vào tháng 3 vừa rồi có thể là mục tiêu cần loại trừ của mật vụ Bắc Hàn, vì họ là nhân chứng và tòng phạm trong vụ ám sát giật gân ông Kim Jong Nam vào ngày 13/2/2017.
Cả 2 phụ nữ đều cho rằng mình đã bị mật vụ Bắc Hàn lừa để họ nghĩ rằng đang tham gia một sô truyền hình thực tế khi bôi chất độc thần kinh VX vào mặt của ông công dân Bắc Triều Tiên Kim Chol (theo cách gọi của Bắc Hàn và báo chí Việt Nam) khi ông ấy đứng trước quầy làm thủ tục của phi trường quốc tế Kuala Lumpur. Không đầy 20 phút sau, ông ta qua đời.
Theo lời Giáo sư Sung-Yoon Lee, khoa Hàn Quốc học của đại học Tufts – Hoa Kỳ, nếu sau này, một trong hai người tiết lộ những gì họ biết về kế hoạch và rồi mạng sống của họ có thể sẽ gặp nguy hiểm.
Điều mà Bình Nhưỡng lo lắng đó là sau một vài năm, một trong hai hoặc cả 2 người phụ nữ có thể thay lòng đổi dạ vì ăn năn hay vì một lời đề nghị tài chính đến từ một nhà xuất bản nào đó… và kể câu chuyện thật sự, làm một cuốn phim, hay lên truyền hình và nói về những tương tác của họ đối với những “ông chủ” Bắc Hàn.
Truyền thông sẽ không để họ yên. Họ sẽ cố gắng nói. Vì vậy, đúng là họ sẽ không hoàn toàn an toàn. Họ phải tránh ánh đèn sân khấu và sống im lặng,” ông Sung-Yoon Lee  được SCMP trích lời nhận định.
Còn ông Benny Mamoto, cựu tổng thanh tra cảnh sát Indonesia, đồng ý rằng cả hai có thể đối diện với nguy hiểm như “phương thức hoạt động của mật vụ Bắc Hàn để loại trừ những mối đe dọa, bao gồm những nhân chứng (của vụ ám sát)”.
“Công lý cuối cùng sẽ không bao giờ được thực thi”
Đoàn Thị Hương ban đầu bị cáo buộc tội giết người, nhưng vào hôm thứ hai đã nhận tội nhẹ hơn là cố ý gây thương tích bằng vũ khí nguy hiểm và bị tuyên 3 năm 4 tháng tù giam. Luật sư của cô ấy nói nữ thân chủ 30 tuổi sẽ được trả tự do vào đầu tháng 5.
Cô Siti, năm nay 27 tuổi, đã được phóng thích sau khi cáo trạng giết người chống lại cô này đột nhiên bị hủy bỏ vào ngày 11/3. Cô quay trở về nhà vào tối cùng ngày trên một chuyên cơ của Đại sứ Indonesia tại Malaysia, Rusdi Kirana.
Cô đã ở trong một ngôi nhà được đảm bảo “cho sự an toàn chung của cô ta”, ông Lalu Muhammad Iqbal, thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết.
Bốn người Bắc Hàn đồng thời bị cáo buộc giết ông Kim Jong Nam, nhưng sớm đào thoát khỏi Malaysia sau khi vụ ám sát diễn ra.
Ông Hisyam Teh Poh Teik, luật sư của Đoàn Thị Hương nói rằng, công lý sẽ không bao giờ được thực thi cho đến khi nào bốn người đàn ông kia được tìm thấy và giải tới tòa. Tuy nhiên, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra, vì ”hoàn toàn có thể ông Kim Jong Un sẽ thanh trừng họ để loại trừ các nhân chứng”, theo Bruce Bennett, một chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corporation, một viện nghiên cứu chính sách toàn cầu phi lợi nhuận của Mỹ.
Một người khác là ông David Maxwell, đại tá quân đội đã nghỉ hưu và là thành viên cao cấp tại Quỹ bảo vệ dân chủ nói: “Công lý cuối cùng sẽ không bao giờ được thực thi cho đến khi Ông Kim Jong Un chịu trách nhiệm vì không thể không nghi ngờ rằng ông ta đã ra lệnh thực hiện vụ ám sát.
Giáo sư Lee, thuộc Đại học Tufts, nói rằng kết quả của phiên tòa vừa qua sẽ tiếp tục làm cho nhà lãnh đạo Bắc Hàn bạo dạn hơn.
Trường hợp này một lần nữa minh họa cho chủ nghĩa khác biệt của Bắc Hàn – đó là luật pháp và chuẩn mực quốc tế không áp dụng cho nhà nước kỳ quái nhưng hiếu chiến của Bắc Hàn.
Quốc gia này sẽ được khuyến khích và các nhà chỉ trích sẽ sợ hãi hơn
”.
Các thành viên khác của đại gia đình Kim giờ đây có thể là mục tiêu, ông Lee nói, mặc dù, “khả năng trả thù của phụ thuộc phần lớn quốc gia vào quốc gia họ sống và họ có được đặt dưới sự bảo vệ của chính phủ hay không”.
Điều tự nhiên đó là Bình Nhưỡng sẽ cố giết con trai của ông Kim Jong Nam trong một tương lai gần”, ông Nam Sung-wook, Giáo sư tại đại học Hàn Quốc, người trước đây từng làm việc cho Cơ quan Tình báo Quốc gia của nước này cho hay.
Ông này đang đề cập đến Kim Han-sol, 23 tuổi, người đã xuất hiện trong một video trên YouTube ngay sau khi cha của anh qua đời và tuyên bố rằng anh ta, mẹ và chị gái của anh ta được bảo vệ bởi một nhóm có tên là Cheollima Civil Defense.
Nhóm này cũng đã nhận trách nhiệm về một cuộc tấn công vào Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Tây Ban Nha vào tháng hai năm nay.
Malaysia muốn nối lại mối quan hệ với Bắc Hàn
Vụ ám sát Kim Jong Nam đã làm tổn hại mối quan hệ ngoại giao của Bắc Hàn với Malaysia.
Mối quan hệ này bị hạ cấp sau vụ giết người, với việc cả hai bên đều áp đặt lệnh cấm du lịch đối với các công dân của nhau ngay sau đó.
Bà Hoo Chiew-ping, giảng viên cao cấp về nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Malaysia, cho biết chính phủ hiện tại của Mahathir Mohamadhad đã báo hiệu
rằng họ muốn nối lại quan hệ với Bắc Hàn, để Malaysia không phải là quốc gia Đông Nam Á duy nhất không có quan hệ với cả hai miền Triều Tiên.
Đây sẽ là một sự trở lại với vị trí chính sách đối ngoại truyền thống của Malaysia, mà việc thu hút cả hai miền Triều Tiên là rất quan trọng để duy trì mối liên kết và tạo cơ hội cho việc đối thoại, như các trường hợp của hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và Hà Nội đã thể hiện”, bà nói.
Đồng thời, chính phủ Malaysia nên tăng cường giám sát bất kỳ người Triều Tiên nào hoạt động tại nước này để ngăn chặn việc trở thành căn cứ cho các hoạt động buôn lậu, bà Hoo cho hay.
Ông Maxwell, thuộc Quỹ bảo vệ dân chủ, cho biết điều này có thể đã xảy ra.
Tôi chắc chắn rằng Triều Tiên đã nối lại các hoạt động phi pháp của mình ở Malaysia giống như họ đang tiến hành chúng trên khắp thế giới. [Họ] là chìa khóa sống còn của chế độ khi đó là những người cung cấp tiền.”
“Tôi nghĩ rằng các công ty tiền phong của Bắc Hàn hoạt động tại Malaysia có thể [cũng] cung cấp hỗ trợ cho sự nhân rộng vũ khí của Bắc Hàn đến Trung Đông và Châu Phi,” chuyên gia này nhận định.
* Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, lược dịch Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/experts-warn-doan-thi-huong-might-be-assisinated-04032019115912.html

CEO Nguyễn Anh Tuấn muốn

chính quyền kiểm soát người dân mọi nơi, mọi lúc?

Chiến Sỹ
Liệu có phải Nguyễn Anh Tuấn đang trong vai đại lý “dịch vụ chuyển phát nhanh” (courier service) cho chính quyền Bắc Kinh, khi chính quyền này từ năm 2018 đã triển khai “hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội” để kiểm soát công dân?
Ngày 23/3/2019, báo điện tử VietnamNet đăng bài “Chính phủ có thể vận hành bằng AI, đánh giá người dân qua điểm xã hội”[1]. Bài viết chủ yếu dẫn lại lời của Nguyễn Anh Tuấn, CEO từ “Diễn đàn Toàn cầu Boston” (DĐTCB), về cái gọi là xã hội trí tuệ nhân tạo – nơi các công dân được/bị đánh giá bằng hệ thống thang điểm, còn chính phủ thì tạo ra chuẩn mực chung để dẫn dắt người dân.
Đọc qua bài viết, không thể không đặt câu hỏi: liệu có phải CEO Nguyễn Anh Tuấn đang đóng vai kẻ làm “dịch vụ chuyển phát nhanh” (courier service) cho chính quyền Bắc Kinh, khi chính quyền nước này từ năm 2018 đã triển khai “hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội” để kiểm soát công dân, nhằm bảo vệ chế độ độc tài bằng mọi giá?
Kể từ lúc bài viết xuất hiện, cộng đồng mạng đã đồng loạt chỉ trích Nguyễn Anh Tuấn về đề nghị đối với nhà cầm quyền ở trong nước hãy tiến hành “chấm điểm công dân”. Trước làn sóng phản đối ngày càng dâng cao, Nguyễn Anh Tuấn, đã sử dụng tờ báo ông từng điều hành (VietnamNet) để “thanh minh thanh nga”, rằng giải pháp của DĐTCB “khác với Trung Quốc”. Ngoài ra, Tuấn cũng đánh bài “phú lỉnh” (tắt máy) khi báo chí trong nước và quốc tế muốn tiếp cận hay liên lạc để làm rõ vấn đề.
Thanh minh là thú tội! Hôm 28/3, trang mạng VietNamNet lại tiếp tục biện hộ cho lập luận của Tuấn qua một bài viết mới: “Sáng kiến Điểm giá trị Xã hội (Social Value Point, SVP) do nhóm học giả ‘Trí tuệ Nhân tạo’ cùng với ông Nguyễn Anh Tuấn khác hẳn về chất so với Hệ thống Tín nhiệm Xã hội (Social Credit System, SCS) của chính phủ Trung Quốc.”[2]
Cựu Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn hẳn thừa biết, thế giới đã/đang và sẽ cực lực lên án cái hệ thống quái đản ấy, vì nó vi phạm thô bạo quyền riêng tư và quyền tự do của công dân. Kể từ khi “Hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội” mang phong cách Orwell này được đưa vào áp dụng (Big Brother is watching you!), đến nay đã có hơn 23 triệu dân Trung Quốc không được mua vé máy bay, các phương tiện giao thông công cộng, hoặc thụ đắc các dịch vụ công khác.
Lý do đơn giản là hàng triệu người Trung Quốc nói trên đã bị hệ thống chấm điểm thấp. Chính sách giám sát toàn diện trên khiến xã hội Trung Quốc, vốn đã khó thở lại càng thêm ngột ngạt hơn bao giờ hết.
Mùa hè 2018, một nam thanh niên ở quận Thương Nam, thị trấn Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang thi đậu vào một trường đại học danh giá ở Bắc Kinh. Cả nhà đang hết sức vui mừng, thì một cú điện thoại từ nhà trường đã dập tắt ngay niềm hân hoan của họ. Nhà trường thông báo, vì người cha nằm trong danh sách “không có điểm tín nhiệm” nên trường không thể nhận thanh niên này vào học.
Theo truyền thông quốc tế, hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội của Trung Quốc đã làm cho con người không còn khả năng chống đỡ, trở thành một sinh vật nhỏ nhoi luôn nơm nớp trong sợ hãi, người dân thu mình lại như chui vào vỏ ốc, mất hết các khả năng phản kháng… Qua đó giúp cho chế độ toàn trị Trung Quốc thêm trường tồn, vững chãi.
Phải chăng CEO Nguyễn Anh Tuấn, đội lốt “Diễn đàn Toàn cầu Boston” lại mong muốn phiên bản ngột ngạt ấy ở Trung Quốc, một ngày đẹp trời sẽ được áp dụng tại Việt Nam trong tương lai?
Một tờ báo ở Mỹ đã nêu đích danh: “Một người Việt từng học Harvard lại đề nghị chấm điểm công dân”[3]. Điều dư luận trong và ngoài Việt Nam bị sốc, chẳng nhẽ CEO – cựu Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn từ cái lò Havard ấy ra mà lại không hiểu một nguyên lý sơ đẳng của chính trị học: các chính quyền của dân, do dân và vì dân không bao giờ đánh giá tín nhiệm công dân. Ngược lại, như các quốc gia vùng Baltic thoát khỏi gông cùm cộng sản cho thấy, họ đang tận dụng công nghệ để nhận lại sự phản hồi của người dân đối với chính quyền.
Nếu một nhà nước tiến hành xem xét tín nhiệm công dân bằng điểm số, thì cách ấy chẳng khác nào các chính quyền độc tài trước đây xem xét lý lịch từ đời này đến đời khác của người dân, điều từng diễn ra và hiện vẫn là vấn nạn nhức nhối ở Việt Nam. Trong khi một chính quyền liêm chính nhất thiết phải là chính quyền biết chăm lo xây dựng, vun đắp các chuẩn mực công dân, phù hợp với các giá trị phổ quát của nhân loại. Chỉ một chính thể tồi tệ, không có tính chính danh, mới xét nét và đánh giá mức độ tín nhiệm công dân.
Xin hỏi ông Tuấn, khi nhà nước ban hành cả một “rừng luật” nhưng thực tế lại chỉ xài “luật rừng” (lời LS. Ngô Bá Thành phát biểu tại Quốc hội), thì việc chống lại cái “luật rừng” ấy là tiến bộ hay phản động? Nếu luật pháp hiện nay ở Việt Nam mà tử tế, chắc ông đã không phải “bán xới” cái chức đứng đầu tờ báo từng kiếm được bộn tiền (thừa để mua biệt thự ở đô thị Ciputra Hà Nội lẫn tậu nhà lầu tận bên Mỹ), từ thuở khoác áo nhà báo “khai trí và thúc đẩy phản biện”.
Giờ đây, khi những chiến sỹ can trường đấu tranh cho dân chủ đang bị đày đoạ trong các nhà tù cộng sản, thì ông (và gia đình) lại “chạy” sang định cư ở Mỹ, để từ đấy tung ra mọi chiêu bài cài bẫy các công dân trong nước, hãy an phận tuân thủ cái hiến pháp và pháp luật giả cầy ấy. Hãy chờ cái nhà nước “ăn không chừa cái gì của dân” phát cho những “tấm phiếu bé ngoan” như thời còn con trẻ. Sống như thế nhà văn Nam Cao gọi là “sống mòn”, thưa ngài CEO khả kính!
Người dân trong nước không cần hệ thống đánh giá ấy của DĐTCB – phiên bản lọc lõi và trung thành với hệ thống đánh giá tín nhiệm của Trung Quốc cộng sản. Nếu ông quyết tâm áp đặt hệ thống đánh giá từ cái Diễn đàn ấy (liệu có phải là chi nhánh của Viện Khổng Tử trên đất Mỹ?) lên nhân dân Việt Nam, thì lịch sử sẽ coi ông là một tội đồ. Vì kiến nghị của ông thực chất là đồng lõa với chính quyền để cưỡng bức người dân Việt Nam vào vòng kim cô nghiệt ngã./.
[1] https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/chinh-phu-co-the-van-hanh-bang-ai-danh-gia-nguoi-dan-qua-diem-xa-hoi-515405.html
[2] https://vtc.vn/ai-diem-gia-tri-xa-hoi-khac-han-voi-ban-chat-he-thong-tin-nhiem-xa-hoi-cua-trung-quoc-d465659.html
[3] https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/mot-nguoi-viet-tung-hoc-harvard-de-nghi-cham-diem-cong-dan/
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/ceo-nguyen-anh-tuan-wants-government-to-give-people-scores-04042019095648.html

Tin Biển Đông – 04/04/2019

Tin Biển Đông – 04/04/2019

“Dân quân” TQ đang “phủ khắp đường chín đoạn”


Trung Quốc được cho là đang triển khai một lượng lớn dân quân trong màu áo ngư dân để chi phối hoạt động của các nước láng giềng trên Biển Đông.

Tư lệnh quân đội Philippines Benjamin Madrigal Jr. hôm qua cho biết các tàu cá của Trung Quốc liên tục bị phát hiện gần đảo Thị Tứ, quần đảo Trường Sa. Tính từ đầu năm đến nay, con số lên tới 200 tàu.

Hồi đầu tháng ba, giới chức Philippines cáo buộc các tàu cá Trung Quốc ép ngư dân Philippines rời khỏi những bãi cạn nằm trong lãnh hải của đảo Thị Tứ. Đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang bị Philippines kiểm soát.

Trước đó, báo cáo của Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ, ghi nhận gần 100 tàu Trung Quốc, gồm các tàu hải quân, hải cảnh và hàng chục tàu cá đã áp sát đảo Thị Tứ vào giữa tháng 12/2018.

Trao đổi với VnExpress, Gregory Poling, Giám đốc AMTI, đánh giá các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở đảo Thị Tứ chỉ là dấu hiệu cho thấy dân quân Trung Quốc đang gia tăng hiện diện ở Biển Đông. Dù việc họ ngăn cản ngư dân Philippines không phải là sự kiện mới mẻ nhưng thể hiện “một điều bình thường mới”.

“Hàng chục, thậm chí hàng trăm tàu cá Trung Quốc đang được sử dụng để giám sát và hăm dọa các nước láng giềng mỗi khi họ có hoạt động gì đó mà Bắc Kinh không ưa”, ông Poling nói.

Phó giáo sư Herman Kraft, Đại học Philippines, nhận xét rằng trong các sách lược đối với ngư dân Philippines, Trung Quốc “lúc thả lỏng, lúc quấy rầy”. Từ khi Tổng thống Philippines Duterte lên nắm quyền, quan hệ với Trung Quốc được cải thiện. Có thời điểm ngư dân Philippines “được phép” tự do đánh bắt ở khu vực gần các bãi cạn và các thực thể khác ở Biển Đông. Nhưng các hoạt động của Trung Quốc ở Thị Tứ mới đây không phải điều gây ngạc nhiên. Bắc Kinh không thay đổi chiến lược.

Với lực lượng dân quân trên biển, Trung Quốc nhắm đến ba mục tiêu: thách thức yêu sách của các bên cùng có tranh chấp ở Biển Đông; mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh quanh các đảo và đá có tầm quan trọng chiến lược; sẵn sàng có chạm trán với bất cứ nước nào để giành quyền kiểm soát, Tiến sĩ Scott Romaniuk, Đại học Alberta, Canada nhận định.

Nói đến chiến lược dài hạn của Trung Quốc, ông Poling tin rằng mục tiêu của Bắc Kinh vẫn là kiểm soát toàn bộ khu vực trên biển và trên không ở Biển Đông, nằm trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra. Do đó, Bắc Kinh muốn các bên tranh chấp phải từ bỏ và ngừng theo đuổi các quyền kinh tế ở khu vực này.

Poling cảnh báo các dân quân Trung Quốc sẽ dần dần tác động đến hoạt động của Philippines và Việt Nam ở Biển Đông, đến khi hai nước “không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận thực tế rằng Bắc Kinh kiểm soát khu vực”.

“Các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở các đảo nhân tạo ở Trường Sa sẽ cho phép các hạm đội dân quân, quân đội và hải cảnh Trung Quốc duy trì sự hiện diện thường xuyên ở toàn bộ khu vực thuộc

đường 9 đoạn. Điều đó có nghĩa là Philippines và Việt Nam cần chuẩn bị sẵn tâm lý rằng mọi hoạt động của mình sẽ bị các lực lượng Trung Quốc theo dõi và phản ứng”, Poling nói.




TQ ngang nhiên đưa 200 tàu áp sát đảo Thị Tứ


Philippines cho biết khoảng 200 tàu Trung Quốc đã được nhìn thấy xuất hiện gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Philippines kiểm soát trái phép.

Hãng tin Bloomberg hôm nay 1/4 dẫn lời Tướng Benjamin Madrigal Jr., Tư lệnh quân đội Philippines, tuyên bố các binh sĩ của nước này sẽ tiếp tục tiến hành hoạt động tuần tra tại khu vực đảo Thị Tứ.

Tướng Madrigal Jr. cho biết các tàu đánh cá Trung Quốc liên tục bị phát hiện xuất hiện gần đảo Thị Tứ. Tính từ đầu năm đến nay, con số này đã lên tới khoảng 200 tàu.

“Đây không chỉ là mối lo ngại đối với quân đội Philippines, mà còn của các cơ quan khác nữa, bao gồm lực lượng tuần duyên. Chúng tôi đang tìm cách giải quyết vấn đề này”, ông Madrigal nói với các phóng viên bên lề lễ khai mạc cuộc tập trận chung thường niên giữa Mỹ và Philippines.

Hiện Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa lên tiếng về tuyên bố của tổng tư lệnh Philippines.

Đảo Thị Tứ (Philippines gọi là đảo Pag-asa) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các quốc gia khác trong tranh chấp Biển Đông cũng đòi chủ quyền đối với đảo Thị Tứ, gồm Trung Quốc và Philippines. Philippines đang chiếm đóng trái phép hòn đảo này.

Hồi tháng 2, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), một đơn vị thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, đã công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy gần 100 tàu Trung Quốc áp sát đảo Thị Tứ. Sự hiện diện của hàng loạt tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ diễn ra cùng thời điểm Philippines tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép trên hòn đảo tranh chấp này.

“Các tàu cá (Trung Quốc) hầu hết đều thả neo ở khu vực cách phía tây đảo Thị Tứ từ 2-5,5 hải lý, trong khi các tàu hải quân và tàu tuần duyên hoạt động xa hơn một chút về phía nam và phía tây. Việc triển khai tàu lần này cũng giống như các trường hợp trước đây cho thấy “chiến lược bắp cải” của Trung Quốc, tức là điều nhiều lớp tàu đánh cá, tàu hải quân và tuần duyên tới quanh khu vực tranh chấp”, báo cáo của AMTI cho biết.




Philippines cáo buộc


tàu Trung Quốc xuất hiện trái phép gần đảo Thị Tứ


Philippines, vào ngày 4 tháng 4 lên tiếng cho rằng sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc tại khu vực đảo Thị Tứ đang tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông là “bất hợp pháp”.

Cáo buộc vừa nêu của Manila được cho là hiếm hoi vì Tổng thống Rodrigo Duterte chủ trương hợp tác với Bắc Kinh trong thương mại và đầu tư, thay vì tiếp tục lập trường đối đầu như trước đây dưới thời Tổng thống Benigno Aquino tiền nhiệm.

Quân đội Philippines cho biết trong 3 tháng đầu năm 2019 có ít nhất 275 tàu tuần duyên và tàu cá Trung Quốc xuất hiện tại đảo Pag-asa (hay còn gọi là đảo Thị Tứ) do Philippines kiểm soát. Đồng thời, Bộ Ngoại Giao Phi cho rằng động thái này của Trung Quốc là bất hợp pháp và rõ ràng vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Phi.

Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang tìm cách gây sức ép lên Philippines, nước đang có các hoạt động xây dựng tại đảo.

Phát ngôn nhân Salvador Panelo của Tổng thống Duterte cho biết Philippines vào ngày 1 tháng 4 đã đệ đơn phản đối ngoại giao về sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở khu vực đảo Pag-asa.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho báo giới biết Manila và Bắc Kinh đã gặp nhau vào hôm thứ Tư, ngày 3 tháng 4 và đã “trao đổi quan điểm thẳng thắn, thân thiện và xây dựng” về vấn đề này.

Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa, là khu vực đang tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Brunei và Đài Loan.




Khả năng bố trí hệ thống pháo


chặn Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông


Washington và Manila đang thảo luận về khả năng bố trí hệ thống pháo phản lực được nâng cấp của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông.

Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng vào ngày 3 tháng tư loan tin vừa nêu dẫn nguồn từ các chuyên gia an ninh khu vực. Tuy nhiên, cho đến nay hai phía Hoa Kỳ và Philippines vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận cho kế hoạch được mang ra thảo luận vì hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ có thể quá đắt so với nguồn ngân sách quốc phòng eo hẹp của Philippines.

Dù chưa thể đạt được thỏa thuận cho kế hoạch bố trí hệ thống pháo phản lực nhằm ngăn chặn hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông; hai phía Hoa Kỳ và Philippines tiếp tục khẳng định mối quan hệ liên minh bền vững.

Lãnh đạo quốc phòng của hai nước đồng ý gia tăng các chiến dịch chung của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ và Philippines, hỗ trợ giúp Manila hiện đại hóa quân đội.

Vào tháng trước, ngoại trưởng Mike Pompeo của Mỹ cũng lên tiếng khẳng định sự vững chắc của liên minh Hoa Kỳ- Philippines. Lúc đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ nêu rõ mối đe dọa từ hoạt động bồi lắp nên những đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng của Trung Quốc.

Một chuyên gia an ninh nói với Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng rằng, hệ thống pháo phản lực HIMARS nếu được bố trí tại khu vực Biển Đông có thể bắn đến các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa.

Hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ được đưa vào thử nghiệm lần đầu trong cuộc tập trận Mỹ- Phi thường niên năm 2016.

Thông tin về thảo luận giữa Hoa Kỳ và Philippines về khả năng bố trí hệ thống pháo phản lực như vừa nêu được đưa ra khi Trung Tâm An Ninh Hoa Kỳ Mới (CNAS) tại thủ đô Washington ra phúc trình với cảnh báo là ‘các chiến dịch tự do hàng hải’ của Mỹ thất bại trong việc buộc Trung Quốc phải thay đổi tại Biển Đông.

Tin loan đi lâu nay cho thấy Trung Quốc đã bố trí các hệ thống tên lửa phòng không, chống hạm tại ba đảo nhân tạo do bắc Kinh bồi lấp ở Trường Sa gồm Chữ Thập, Subi và Vành Khăn.




Tàu chiến Mỹ đi qua Biển Đông, mang theo tiêm kích F-35B


 với số lượng “lớn chưa từng thấy”


Động thái này của tàu chiến Mỹ đã thu hút rất nhiều sự chú ý.

Business Insider đưa tin, tàu đổ bộ tấn công USS Wasp của Hải quân Mỹ gần đây đã đi qua Biển Đông, trong hành trình tới Philippines tham gia cuộc tập trận Balikatan. Đáng chú ý là trên tàu có mang theo các tiêm kích tàng hình F-35 với số lượng “chưa từng thấy”.

Cụ thể, tàu Wasp mang theo ít nhất 10 chiếc tiêm kích tàng hình F-35B Lightning II, nhiều hơn so với mức bình thường (6 chiếc).

Tàu USS Wasp sẽ tham gia cuộc tập trận Balikatan, trong đó “các lực lượng Mỹ và Philippines sẽ tiến hành các chiến dịch đổ bộ, huấn luyện bắn đạn thật, tác chiến đô thị, đường không và chống khủng bố”.

Cuộc tập trận thường niên này nhằm chuẩn bị cho trường hợp xảy ra khủng hoảng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đây là lần đầu tiên tàu Wasp và các tiêm kích F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia tập trận Balikatan.

Theo Hải quân Mỹ, tàu Wasp và các tiêm kích F-35B đi cùng “cho thấy sự gia tăng trong năng lực quân sự của Mỹ nhằm cam kết đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do”.

Ngoài số lượng ít nhất 10 chiếc F-35B, tàu Wasp còn mang theo 4 máy bay cánh xoay MV-22 và 2 trực thăng MH-60S Seahawk. Thông thường, số lượng tiêm kích hạm và máy bay cánh xoay mang theo sẽ ít hơn mức này.

Business Insider nhận định, việc triển khai F-35 với số lượng lớn hơn thông thường có thể là bước đi đầu tiên hướng tới mục tiêu triển khai tàu sân bay hạng nhẹ – một hướng tiếp cận, mà về mặt lý thuyết, có thể giúp tăng cường không chỉ quy mô lực lượng tàu sân bay của Mỹ, mà còn cả hỏa lực của chúng.

Song, đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng. Trong cuộc tấn công vào Iraq năm 2003, các tàu đổ bộ tấn công của Mỹ đã mang theo tới 20 máy bay AV-8B Harrier, khiến chúng được gọi là “tàu sân bay Harrier”.

Tờ War Zone cho biết, các tàu đổ bộ tấn công kế nhiệm lớp Wasp thậm chí có thể mang từ 16-20 chiếc F-35 theo cấu hình tàu sân bay hạng nhẹ.




Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:


Thái độ của Mỹ và thế chênh vênh của Việt Nam


Xuân Nam, RFA

Bên lề hội thảo ‘Hoa Kỳ-Việt Nam: Hướng đến hợp tác chiến lược’ diễn ra ngày 3/4/2019 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington nước Mỹ, một trong những nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm – Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng có một số bình luận sau với Đài Á Châu Tự Do RFA liên quan đến một số diễn biến ở Biển Đông.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tại hội thảo, khi ông đặt câu hỏi với Trợ lý Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ – ông  Randall G.Schriver, về việc làm thế nào đảo ngược vị thế của Trung Quốc tại Biển Đông, ông đã không nhận được câu trả lời.

“Tôi có đặt câu hỏi là: “Theo một số chiến lược gia và chuyên viên Mỹ, Trung Quốc gần như kiểm soát được Biển Đông, trừ khi Mỹ chấp nhận chiến tranh với Trung Quốc”. Tôi hỏi ông nghĩ gì về bình luận đó thì ông ấy (Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ-PV) tránh không trả lời. Thì tôi thấy đó là những cảnh báo cho thấy Trung Quốc đang có lợi thế rất nhiều ở Biển Đông, mà khó có thể đảo ngược lại được, trừ khi là đánh nhau. Tôi không nghĩ là Mỹ muốn đánh nhau lúc này. Mỹ không thấy là cần phải đánh nhau, bởi tương quan lực lượng khu vực không thuận lợi cho Mỹ. Đánh nhau thì có thể thắng nhưng tương quan lực lượng không thuận lợi và đánh để làm gì? Sau đó là cái gì…? Thì cũng không thấy rõ. Tôi nghĩ chuyện chiến tranh là Mỹ không có làm.”

Giáo sư Hùng cũng cho biết, gần đây việc không tiếp tục tham gia hiệp định TPP càng làm cho vị trí của Mỹ tại khu vực này bị hụt hẫng.

“Thí dụ như việc bỏ TPP làm cho Mỹ bị hụt hẫng, nó làm cho thế của Trung Quốc cao lên. “

“Sáng kiến Vành đai Con đường là một chiến lược lớn, lâu dài và rất nhiều tham vọng. Bởi vì nó không những đi qua Á Châu, Âu Châu, mà còn đi xuống tận Phi Châu.

“Mặc dù thời gian qua, việc thực hiện chiến lược này gặp khó khăn không ít do kinh tế Trung Quốc suy giảm; đồng thời bị nhiều nước nghi ngờ.

Tuy nhiên, cục diện này gần đây có thay đổi khi  Mỹ và đồng minh lâu năm Châu Âu ngày càng có nhiều điểm khác biệt. Giáo sư Nguyễn Manh Hùng cho biết tiếp:

“Gần đây, khi Ý – một trong 7 nước giàu nhất thế giới – chấp nhận “Một vành đai – Một Con đường”, và gần đây Âu Châu và Mỹ có nhiều mâu thuẫn và bất đồng vì chính quyền Trump, điều này đã khiến cho nước Mỹ ở một cái thế bất lợi. Bởi vì mình hơn người ta là vì mình có đồng minh trên thế giới, mà bây giờ đồng minh không tin tưởng, cần Mỹ nhưng không tin tưởng Mỹ, tôi thấy tình trạng này bất lợi cho Mỹ.”

Tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc như vậy làm cho thế đứng của Việt Nam rất chênh vênh, theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng.

“Việt Nam ở trong một tình trạng rất là chênh vênh. Việt Nam muốn đứng giữa. Người ta nói trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết. Nó đánh nhau mình cũng chết, nhưng mà nó bằng lòng với nhau thì mình cũng có thể chết. Nó bán đứng mình thì cái thế đó rất là khó khăn. Phải có những đồng minh thật là tin cẩn.”

“Ngày xưa, trong các cuộc chiến tranh Đông Dương thì Trung Quốc là tin cẩn. Bây giờ thì Trung Quốc không còn là đồng minh nữa và có thể là một mối đe dọa, phải tìm đồng minh khác. Việt Nam đang có chính sách đa phương – đa dạng hóa mối quan hệ ngoại giao, nói chung là tốt, nhưng mà áp dụng như thế nào, thì phải thấy là cuối cùng phải có đối lực. “

“Đối lực ở đâu? Đối lực ở các nước Asean thì Việt Nam thích hơn là bởi vì thoải mái hơn, vì các nước cùng nhỏ với nhau cả, nhưng các nước Asean tình trạng hiện nay rất là chia rẽ. Mặt khác, Trung Quốc cố tình chia rẽ thì nó còn yếu hơn nhiều. Còn các đồng minh khác, nước Nhật hiện không thể làm đối lực khả tín đối với Trung Quốc. Chỉ có một đối lực khả tín nhất là nước Mỹ mà thôi.”

Nhưng vẫn đề đặt ra là lòng tin mà hai nước dành cho nhau như thế nào?

“Đối với nước Mỹ, Việt Nam thấy cần thiết, thế nhưng còn khá nhiều vấn đề. Thí dụ: lòng tin tưởng với nhau thì cũng không có nhiều. Thứ hai là chính quyền này người ta gọi là bất lường, không thể tiên đoán được; rồi lại để ý đến vấn đề kinh tế hơn là chiến lược. “

“Thực ra là có mâu thuẫn nội bộ. Một số người ở quân đội chẳng hạn, quốc hội thì để ý đến vấn đề chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc. Trong khi ông Trump, và một hai cộng sự viên của ông ấy, thì lại để ý đến vấn đề kinh tế hơn là chiến lược và thích trao đổi, thích thỏa thuận. Nếu trung Quốc có một cái deal nào thuận lợi, thì ông ấy có thể bỏ những cái bé để lấy những cái lớn. Cái đó là nguy hiểm cho các nước nhỏ ở Á Châu, Đông Nam Á.”

Với những diễn biến và thái độ của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng:

“Thành ra đó là bài toán rất là khó khăn không những cho các chiến lược gia Việt Nam mà bất cứ một chiến lược gia nào trên thế giới.”

Theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, vấn đề không chỉ là lòng tin mà hai nước dành cho nhau khi đẩy mạnh quan hệ hợp tác, mà quan trọng hơn là thái độ của nước Mỹ như thế nào trong mối quan hệ này.




Biển Đông: Sóng Gió


Trần Khải

Liên tục có vấn đề với ngư dân Việt trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa… Trong khi đó, sức ép từ Phương Bắc không cho Hoa Kỳ hay các nước đồng minh kết thân quân sự với Việt Nam…

Bản tin Infonet hôm 3/4/2019 ghi rằng: Tàu cá cùng 12 ngư dân gặp nạn tại vùng biển Trường Sa… Hình như tai nạn này không do tàu Trung Quốc quậy phá.

Trong khi đó, Việt Nam thú nhận rằng không dám nước nào cho thuê Cảng Cam Ranh…

Thông tấn Nga Sputnik ghi rằng: Vào ngày 23 tháng 5 năm 2018, trên mạng xã hội loan tin  rằng, Việt Nam cho Trung Quốc thuê cảng Cam Ranh 10 năm, giá 50 tỷ USD, thông tin trên được Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Thảo cho biết trên báo GDVN.

Trong những năm gần đây, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt, là việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động lấn chiếm, bồi đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông, được rất nhiều người quan tâm.

Chính vì vậy, vấn đề Biển Đông, trở thành đề tài nóng trên hệ thống truyền thông trong nước và quốc tế.

Bờ biển VN, dài trên 3260 km không kể các đảo, từ Bắc vào Nam có nhiều cảng biển có giá trị cả về kinh tế và quốc phòng, như Vân Đồn thuộc Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc thuộc Kiên Giang…

Đặc biệt, là quân cảng Cam Ranh mang tầm chiến lược về quân sự, quốc phòng đối với khu vực Đông Nam Á, Biển Đông nói riêng và Châu Á Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương nói chung.

Bản tin Sputnik viết:

“Theo GDVN, có thể khẳng định, Quân cảng Cam Ranh được rất nhiều cường quốc trên thế giới đặc biệt quan tâm và mong muốn được Việt Nam cho thuê để sử dụng cho mục đích quân sự mang tầm chiến lược lâu dài.”

Tuy nhiên, Hà Nội không hề muốn cho “bất kỳ quốc gia nào thuê, mượn Quân cảng Cam Ranh hay một vùng đất, vùng biển nào khác phục vụ cho hoạt động quân sự trên Biển Đông.”

Trong khi đó, bản tin VOA loan tin rằng Mỹ có thể sẽ gửi hàng không mẫu hạm thứ hai đến Việt Nam trong năm nay và cam kết giúp Hà Nội bảo vệ chủ quyền quốc gia giữa lúc Trung Quốc không ngừng các hoạt động quân sự hóa trên vùng Biển Đông có tranh chấp.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Randall Schriver cho biết như vậy hôm 3/4 tại cuộc thảo luận làm thế nào để Mỹ và Việt Nam có thể thúc

đẩy các mối quan hệ an ninh và quốc phòng chặt chẽ hơn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington.

“Hàng không mẫu hạm của chúng tôi đã đến thăm Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh, và chúng tôi rất hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với chính phủ Việt Nam cho chuyến thăm hàng không mẫu hạm lần thứ hai trong năm nay,” ông Schriver, người từng tháp tùng cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis trong chuyến thăm lần thứ 2 của ông tới Việt Nam hồi cuối năm ngoái, nói tại buổi thảo luận ở CSIS.

VOA cũng nhắc rằng hồi đầu tháng 3 năm ngoái, tàu USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, trong chuyến thăm 5 ngày và trở thành hàng không mẫu hạm đầu tiên của Mỹ tới Việt Nam sau hơn 4 thập kỷ.

“Chúng tôi đang thảo luận với Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng đây có thể là một thông lệ cho mối quan hệ giữa hai nước. Đây sẽ là dấu hiệu của một mối quan hệ chín muồi và chiến lược. Chúng tôi sẽ làm việc chi tiết với các đối tác tại Việt Nam”, ông Schriver cho biết và nói thêm rằng Mỹ sẽ thảo luận chi tiết với Việt Nam về vấn đề này.

Chuẩn tướng Stephen Michael của Hạm đội Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cũng cho biết hôm 3/4 tại buổi thảo luận ở CSIS rằng họ hy vọng sẽ có chuyến thăm thứ hai của hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Chriver còn cho biết thêm rằng Hoa Kỳ sẽ có thể cung cấp cho Việt Nam một tàu tuần tra thứ hai để giúp đỡ trong công tác an ninh hàng hải.

VOA nêu câu hỏi: Tại sao Mỹ phải đợi đến hơn một năm sau mới có thể đưa hàng không mẫu hạm thứ 2 tới Việt Nam?

Một trong những lý do đó là vì Việt Nam giới hạn các chiến hạm nước ngoài tới thăm, theo David Shear, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương.

Theo người từng là đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Trung Quốc có ảnh hưởng tới việc “Hà Nội có thể đi xa đến đâu” và “Việt Nam lắng nghe họ nhưng không nhất thiết làm theo tất cả những gì Trung Quốc muốn.” Tuy nhiên, theo ông Shear, đó là một yếu tố quan trọng trong việc đưa ra quyết định của Hà Nội.

“Đó là vì sao Việt Nam hạn chế các tàu nước ngoài tới thăm Việt Nam chỉ một lần trong một năm,” cựu Đại sứ Shear nói. “Chúng tôi có thể linh hoạt với việc đó. Nhưng đó là lý do vì sao chúng tôi có thể không bao giờ có liên minh với Việt Nam.”

“Không liên minh với nước nào để chống lại nước thứ 3” là một lập trường nhất quán của Hà Nội từ trước tới nay. Chính sách “ba không” của Hà Nội còn gồm có “không liên minh quân sự” và “không cho nước nào lập căn cứ quân sự tại Việt Nam.”

Mặc dù vậy, theo ông Shear, Mỹ mở ngỏ khả năng liên minh với Việt Nam nếu Hà Nội có mong muốn như vậy.

Cũng tại buổi thảo luận, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Schriver cho biết Mỹ “sẽ giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền của mình, ngăn cản hành động gây hấn và đẩy mạnh an ninh khu vực và toàn cầu.”

Trong khi đó, bản tin RFI ghi nhận tình hình: Mỹ đã nghĩ đến việc đưa pháo tới Philippines răn đe Trung Quốc.

Theo tiết lộ của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày  02/04/2019, Washington và Manila, gần đây, đã bàn bạc về khả năng Mỹ cho triển khai tại Philippines một loại pháo phản lực được nâng cấp để răn đe Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông.

Theo tờ báo, đây là loại pháo phản lực cơ động cao gọi là tắt là HIMARS, nếu được triển khai ở Philippines, sẽ đặt các đảo nhân tạo mà Trung Quốc kiểm soát ở vùng Trường Sa (Biển Đông) trong tầm ngắm.

Chuyên gia an ninh hàng hải tại Singapore Collin Koh Swee Lean cho rằng nếu được bố trí ở tỉnh Palawan của Philippines, tầm bắn của dàn pháo HIMARS có thể bao trùm một khu vực rộng lớn ở Biển Đông, kể cả các đảo nhân tạo Trung Quốc đã quân sự hóa ở Trường Sa.

Một số chuyên gia quân sự, được South China Morning Post trích dẫn, cho biết là hai bên đã có thảo luận, nhưng đàm phán thất bại vì hệ thống HIMARS quá đắt so với ngân sách quân sự hạn hẹp của Philippines.

Thông tin về ý định của Mỹ liên quan đến hệ thống pháo phản lực HIMARS được đưa ra sau khi Trung Tâm về Một Nền An Ninh Mới của Mỹ CNAS công bố một bản báo cáo (ngày 21/03), kêu gọi Lầu Năm Góc triển khai hệ thống này tới các nước Đông Nam Á, nhằm thể hiện sự linh hoạt và đa dạng trong chiến lược cho quân đội Mỹ luân phiên hiện diện tại khu vực

RFI ghi thêm rằng:

“Nhật báo Hồng Kông tiết lộ rằng bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana trong cuộc gặp quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Patrick Shanahan ở Washington hôm 01/04, đã khẳng định trở lại quan hệ «đồng minh bền vững» giữa hai nước, nhất trí tăng cường năng lực tương tác giữa hai quân đội. Mỹ cũng xác định tiếp tục ủng hộ quá trình hiện đại hóa lực lượng võ trang Philippines.”

Bản tin khác của VOA ghi nhận tình hình lạ: Tàu tấn công đổ bộ USS Wasp của Hải quân Hoa Kỳ gần đây được nhìn thấy đi qua Biển Đông trên đường đến Philippines mang theo số lượng F-35 nhiều bất thường.

Tàu Wasp mang theo ít nhất 10 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B Lightning II, nhiều hơn con số thông thường là 6 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Tin này được National Interest đăng tải đầu tiên. Trang tin này cho biết thêm là con tàu có thể đang thử nghiệm khái niệm “tàu sân bay hạng nhẹ” phục vụ chiến tranh.

Căng thẳng vô lường vậy… Hung hiểm vô lường vậy…

Powered by Blogger.