Bàn cờ chính trị của Donald Trump trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung
RFI
Từ trái sang phải: Đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin, phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và thống đốc Ngân hàng Trung Quốc Dịch Cương tại Bắc Kinh, ngày 29/03/2019.Nicolas Asfouri/Pool via REUTERS
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang tiến đến đâu ? Tổng thống Donald Trump từng hứa sẽ đạt được thỏa thuận với chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 31/03/2019 nhưng ngay sau đó lại thay đổi. Rồi một cuộc họp thượng đỉnh được loan báo vào tháng Tư nhưng không ấn định ngày.
Không có gì bảo đảm là Washington và Bắc Kinh sẽ đạt được thỏa thuận giải quyết bất đồng và xung khắc thương mại trong tương lai gần.
Từ thứ Năm 28/03/2019, một phái bộ đàm phán Mỹ do bộ trưởng Tài Chính Robert Lighthizer dẫn đầu đến Bắc Kinh. Thông tin mới nhất là « có tiến triển nhưng còn quá nhiều chướng ngại phải vượt qua », theo phía Trung Quốc. Còn phía Mỹ thì tuyên bố : « Chúng tôi tiến… nhưng chưa đến ».
Đối với tổng thống Donald Trump, mục tiêu số một là phải tái lập quân bình trong cán cân thương mại với Trung Quốc và chủ nhân Nhà Trắng muốn thấy kết quả cụ thể trước năm 2020, năm bầu cử tổng thống.
Trên bàn cờ, trước những đòn phép tấn công của Mỹ, chính quyền Trung Quốc tìm mọi cách để giới hạn thiệt hại cũng như đẩy lùi càng xa càng tốt nguy cơ đe dọa kinh tế quốc gia và sẵn sàng nhượng bộ trước áp lực.
Áp lực để có được nhượng bộ
Xung khắc về thuế quan đã được thể hiện qua các biện pháp trừng phạt lẫn nhau liên quan đến hàng trăm tỷ đô la mà hồ sơ nổi bật nhất là thép và nhôm.
Để xoa dịu Washington, Bắc Kinh cho biết có thể gia tăng nhập khẩu hàng của Mỹ lên đến 1.200 tỷ đô la trong vòng 6 năm. Mặc khác, hai tuần trước khi mở lại vòng đàm phán, Trung Quốc thông qua một đạo luật mới về bảo vệ sở hữu trí tuệ, cấm một công ty ép buộc đối tác phải chuyển giao công nghệ, một vấn nạn mà giới doanh nghiệp phương Tây cực lực than phiền khi làm ăn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, những nhượng bộ trên đây của Trung Quốc không đủ để khai thông tiến trình đàm phán được hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới mô tả là « rất gay go ». Theo AFP, giới chuyên gia độc lập cũng không tin là Trung Quốc sẽ đồng ý giảm kiểm duyệt thông tin trên mạng.
Đối với tổng thống Donald Trump, những lời hứa từ phía Bắc Kinh, nếu có, chỉ là chiến thuật, thậm chí hứa hảo, từng làm cho nhiều lãnh đạo tiền nhiệm rơi vào bẫy. Ông muốn chính quyền Trung Quốc phải thay đổi thật sự, từ cấu trúc, chấp nhận một nền kinh tế thị trường tự do như Mỹ.
Cụ thể và quan trọng hơn hết là chấm dứt chính sách tài trợ cho các xí nghiệp quốc doanh xuất khẩu, một hình thức cạnh tranh bất chính. Điều kiện này khó có thể được ông Tập Cận Bình thực hiện bởi vì chẳng khác nào phủ nhận thậm chí khai tử chế độ Cộng sản.
Hoa Kỳ còn đòi Trung Quốc không được kềm giá đồng nhân dân tệ và muốn có một cơ chế kiểm soát nghiêm ngặt để theo dõi đối tác có tôn trọng hiệp định thương mại tương lai, trong giả thuyết đạt được kết quả.
Có được nhượng bộ, gây thêm sức ép để cụ thể hóa
Trên thực tế, Donald Trump không giấu mục tiêu sâu xa là luôn luôn đặt Bắc Kinh dưới áp lực thường trực. Các biện pháp áp thuế ban hành vào tháng 01/2018 tiếp tục có hiệu lực trong một thời gian dài cho dù có thỏa thuận hay không.
Matxcơva hiểu rõ trận thế này hơn ai hết trong quan hệ với Donald Trump nên chỉ phản ứng « chờ xem ». Báo cáo Muller « minh oan » cho Donald Trump trong nghi án « thông đồng » với Nga nhưng Matxcơva không có gì bảo đảm là chủ nhân Nhà Trắng sẽ bỏ trừng phạt.
Cứng rắn với Nga vì an ninh nước Mỹ, áp lực với Trung Quốc vì kinh tế, vì công ăn việc làm của dân Mỹ còn là hai lập luận thu hút cử tri. Trong bối cảnh chuẩn bị tranh cử nhiệm kỳ hai, tổng thống thứ 45 của Mỹ muốn chứng tỏ có bản lĩnh đa năng, chỉ có ông mới biết đâu là hư đâu là thực.
0 comments