Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 18/03/2020

Wednesday, March 18, 2020 // ,
Đọc báo Pháp – 18/03/2020

Chống dịch virus corona :

Ý thức công dân, bổn phận Nhà nước

Tú Anh
Nước Pháp tuyên chiến với kẻ thù vô hình, toàn quốc bị phong tỏa, Liên Hiệp Châu Âu đóng cửa biên giới trong vòng một tháng, kinh tế châu Âu đình trệ, mỗi quốc gia một chiến lươc đối phó… siêu vi corona tiếp tục tràn ngập các trang báo Pháp.
Tổng động viên chống dịch
Macron ban hành tổng động viên, nước Pháp bị phong tỏa, một kế hoạch 45 tỷ euro giúp doanh nghiệp trong cơn khốn khó, đình hoãn dự luật cải cách hưu trí, dịch lan chậm lại tại Ý…
Từ Le Monde, Libération cho đến Le Figaro, tất cả đều chọn những bức ảnh đường phố Paris hoang vắng đưa lên trang nhất để gây ấn tượng. Cuốn phim De Gaulle vừa ra mắt khán giả trước khi các rạp xi-nê phải tạm đóng cửa cũng được cây bút hí họa của Le Monde cho vào thời sự để minh họa cho sự kiện chiều thứ Hai, tổng thống Pháp loan báo các biện pháp triệt để chống dịch : “Đây, người bị cách ly nói với người bị cách ly” (nguyên văn : Đây, người Pháp nói với người Pháp). Tranh vui thứ nhì vẽ một cậu bé mặc áo siêu nhân (superman) ngạc nhiên hỏi một nhóm người lớn buồn rầu đeo khẩu trang : Bộ không chơi nữa hay sao?
Với các tựa và hí họa trên đây, Le Monde tóm lược những chuyển biến trong 24 giờ qua trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và hệ quả.
Trong bài xã luận “Kỳ vọng vào ý thức công dân”, nhật báo độc lập nhận định là tổng thống Pháp bắt buộc phải ban hành biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại của người dân như Ý và Tây Ban Nha đã làm. Bởi vì đây là cách khả thi nhất theo sự cố vấn của hội đồng các nhà khoa học. Chúng ta đang có chiến tranh Ông nhấn mạnh đến sáu lần câu nói bất hủ của Georges Clémenceau, vị thủ tướng Pháp biết kích động tinh thần dân Pháp để thắng cuộc chiến tranh thế giới 1914-1918.
Phong tỏa ra sao ? Tổng thống để cho bộ trưởng Nội Vụ Pháp, chức vụ có biệt danh là “ông cò số một” nói rõ chi tiết “ngăn đường giặc siêu vi” : Huy động 100.000 cảnh sát, hiến binh, kiểm soát các tụ điểm then chốt. Còn công dân ra đường trong giai đoạn 14 ngày này phải có sẵn một tờ cam kết danh dự là đi đâu, có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt trong một hai ngày đầu là 38 euro, mấy ngày sau 135 euro.
Lệnh của chính phủ rất rõ ràng : Mọi người phải ở trong nhà. Ở nhà mới bảo vệ được sức khỏe, mạng sống của mình và cho người khác trong tinh thần “tập thể công dân”.
Không chơi nữa sao ?
Thái độ “vô tâm” của dân Pháp cũng bị tổng thống lưu ý. Trong lúc dịch Covid-19 lây lan, hơn 100 nạn nhân qua đời tại Pháp, học sinh ở nhà học qua internet, mà dân chúng vẫn tấp nập mua sắm hay ra công viên, bờ sông tắm nắng. Từ nay, phải dùng biện pháp nghiêm ngặt hơn, bắt ở nhà. Cuộc chay đua tranh thủ thời gian chống bệnh và cái chết đã bắt đầu mà mục đích là làm sao cắt đứt con đường lây qua tiếp xúc để bệnh viện và nhân viên y tế có thời giờ và phương tiện y khoa chăm sóc cho từng bệnh nhân thay vì phải chọn kịch bản bỏ mặc người già như La Croix, trong bài mỗi nước một chiến lược, nói đến.
Virus corona phục hồi vai trò Nhà nước
Cũng Le Monde, bài phân tích “Corona phục hồi vai trò Nhà nước” nhấn mạnh đến bổn phận chính trị của chế độ và nhà lãnh đạo.
Covid-19 không chỉ mà một cuộc khủng hoảng y tế đơn thuần. Nó còn là cơ hội để đánh giá chính xác tinh thần đề kháng, tinh thần đoàn kết tương thân tương trợ. Trong bình diện quốc gia, tinh thần tương thân tương trợ thường khi xung khắc với tâm lý ích kỷ, co cụm. Chưa chi mà không gian tự do đi lại Schengen, một trong những thành tựu quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu, đã bị khoanh lại.
Trước nguy cơ dân chúng tử vong vì virus ngày càng nhiều cũng như kinh tế đình trệ, vai trò của Nhà nước, hiện đang thất thế trước xu hướng toàn cầu hóa và thế lực áp đảo của các tập đoàn đa quốc gia, sẽ được hồi phục, tăng cường.
Đại dịch virus corona là cơ hội ngàn năm có một để chứng minh được tính vững chắc của giới lãnh đạo chính trị châu Âu và xa hơn nữa là thế bền vững của các chế độ chính trị dân chủ, minh bạch và quyết tâm hy sinh quyền lợi cá nhân để cứu sinh mạng đồng bào.
Theo tác giả, còn quá sớm để có thể kết luận chế độ dân chủ có chuẩn bị tốt hơn chế độ độc tài hay không bởi vì chúng ta chưa qua đỉnh khủng hoảng Covid-19. Tuy nhiên, có thể đưa ra một số nhận xét như sau : – Che dấu sự thật đã làm mất nhiều thời giờ quý báu ; – Chế độ Trung Quốc với tập quán quan liêu từ gốc, sau khi phủ nhận sự thật đã quay sang phản ứng cực đoan thái quá ; – Tại Iran, cách thức ứng phó tùy tiện và thiếu chuyên nghiệp đã làm cho bộ máy quyền lực tiêu hao nhân sự. Tuyên truyền quy kết, gọi hiểm họa dịch Covid-19 là âm mưu khuynh đảo của ngoại bang, thay vì kêu cứu chống dịch, đã làm hàng loạt quan chức chết oan mạng ; – Chính quyền Donald Trump cũng phủ nhận thảm họa virus corona chủng mới cho nên giờ đây Mỹ phải đối phó với một thử thách nghiêm trọng và bất trắc.
Tại Mỹ cũng như tại châu Âu, dịch virus corona đặt vấn đề về vai trò của bệnh viện công và nhân phẩm con người cho dù là nghèo hay giàu. Giáo dục, y tế, an toàn cho dân là ba chức năng cơ bản của một Nhà nước cần phải được định nghĩa lại sau con biến động này.
Cứu nguy kinh tế
Libération chê trách tổng thống Mỹ Donald Trump vì muốn tái đắc cử nên chỉ lo cho sức khỏe của thị trường hơn là sức khỏe của dân chúng.
Tham vọng chính trị của chủ nhân Nhà Trắng khiến ông phủ nhận sự thật trong nhiều tuần lễ, cuối cùng sàn chứng khoán cũng rơi tự do và còn tiếp tục. Bây giờ, chính phủ Mỹ mới thông báo chi ra 1.000 tỷ đôla chống dịch khẩn cấp.
Trên góc nhìn y tế, cũng như Le Monde, nhật báo Les Echos lo ngại cho Ấn Độ, một nước đông dân nhất địa cầu mà chỉ có hơn 100 ca bệnh. Một trong những lý do biện giải là Ấn Độ không có phương tiện xét nghiệm đại trà như Hàn Quốc. Chính nhờ biện pháp này và chính sách tận lực cứu chữa thật sớm cho từng công dân mà Hàn Quốc đã làm giảm đà lây lan cũng như giới hạn số người chết.
Cứu nhà bị cháy không hà tiện nước
Trên góc nhìn kinh tế, Les Echos chào mừng quyết định của Pháp chi ra 45 tỷ euro, một kế hoạch vô tiền khoáng hậu hỗ trợ cho các hãng xưởng lớn nhỏ bị khó khăn. Tuyên bố của bộ trưởng Tài Chính được lấy làm tựa lớn : Khi nhà bị cháy thì ai lại đếm số lít nước ? Phương án quốc hữu hóa các hãng thu lỗ nhiều cũng được dự kiến.
Tuy nhiên, điều mà Les Echos cảm thấy cần kíp phải thay đổi qua bài học Covid-19 là phải tránh tình trạng lệ thuộc vào sản xuất giá rẻ của Trung Quốc mà tổng thống Macron lưu ý. Les Echos hy vọng tuyên bố của tổng thống Macron sẽ sớm được thực hiện.
La Croix cũng góp tiếng vào kinh tế với tựa báo động : Chiến tranh kinh tế khai màn. Về dịch tễ, nhật báo Công Giáo trình bày ba liệu pháp chống dịch : Để siêu vi lây lan khắp nước để toàn dân sau đó được miễn dịch như chủ trương, nay đã bỏ, của Anh Quốc và cũng là dự án của Hà Lan. Chiến lược thứ hai là “cách ly” triệt để như Ý hay tương đối nhẹ hơn như ở Pháp. Và thứ ba là “thông tin để dân chúng ý thức tích cực tham gia” như trường hợp Hàn Quốc.
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200318-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch-virus-corona-%C3%BD-th%E1%BB%A9c-c%C3%B4ng-d%C3%A2n-b%E1%BB%95n-ph%E1%BA%ADn-nh%C3%A0-n%C6%B0%E1%BB%9Bc

Tin tổng hợp
(AFP) – Hoa Kỳ : Donald Trump chính thức làm ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa. 
Ngày 17/03/2020, tổng thống Mỹ đã có đủ số đại biểu cần thiết để được đề cử làm ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa. Đây chỉ là một thủ tục trong cuộc vận đông tranh cử của ông. Do việc ông không có đối thủ trong đảng, nhiều tiểu bang đã không tổ chức bầu cử sơ bộ, chỉ có Florida và Illinois là đã cố tổ chức vào hôm 17/03. Trong một tin nhắn trên Twitter, chủ tịch đảng Cộng Hòa Ronna McDaniel khen ngợi ông Trump là ứng viên đảng đề cử để tranh ghế tổng thống, và cho biết thêm là bang Florida đã cho tổng thống số đại biểu mà ông cần.
(AFP) – Tranh cử sơ bộ bầu tổng thống Mỹ : Cựu phó tổng thống Joe Biden giành thắng lợi tại ba tiểu bang Florida, Arizona và Illinois. 
Ngày 17/03/2020, cựu phó tổng thống Biden, ứng cử viên tranh cử sơ bộ trong đảng Dân Chủ, đã khẳng định được vị thế dẫn đầu, trong cuộc đọ sức với ứng cử viên Bernie Sanders. Tại Florida, ông Biden giành được 61% phiếu, so với 22% của đối thủ, theo kết quả kiểm 87% số phiếu. Thắng lợi của ứng cử viên Biden tại ba tiểu bang này đặt đối thủ Bernie Sanders trong tình thế hết sức khó khăn. Hiện tại, do dịch Covid-19, cả hai ứng cử viên, và cả tổng thống Trump, đều không tổ chức mít tinh tranh cử.
(AFP) - Thêm 147 người chết tại Iran vì Covid-19. 
Thứ trưởng Y Tế Alireza Raisi Iran ngày 18/03/2020 cho biết đã có thêm hơn 1.000 ca dương tính với virus corona trong 24 giờ qua. Tới nay, tại Iran có 17.161 người nhiễm. Với 231 người nhiễm siêu vi chủng mới, khu vực thủ đô Teheran có số người bệnh nhân cao nhất trên toàn quốc.
(AFP) - Tây Ban Nha thông báo số ca nhiễm tăng tới mức “chóng mặt”. 
Tính đến trưa 18/03/2020, trên toàn quốc có 13.700 người nhiễm virus corona, gần 600 người chết. Thống kê của bộ Y Tế nước này nói rõ khu vực gần thủ đô Madrid là ổ dịch lớn nhất. Thủ tướng Pedro Sanchez tuyên bố với Quốc Hội : “thách thức đang ở trước mặt chúng ta”, số ca lây nhiễm sẽ còn tăng mạnh trọng những ngày tới.
(AFP) - Virus Corona có thể sống nhiều giờ trong không khí. 
Theo một nghiên cứu được chuyên san y khoa New England Journal of Medicine (NEJM), công bố ngày 17/03/2020, virus corona chủng mới, có khả năng như virus Sars, sống nhiều giờ ngoài cơ thể con người, trên những mặt bằng khác nhau, bằng nhựa hay thép không gỉ (inox), carton (đến cả 24 tiếng) hay cả trong không khí. Theo các tác giả công trình nghiên cứu, đặc tính đó của con virus có thể giải thích quy mô rộng lớn của dịch Covid-19 hiện nay, với con virus có khả năng lây nhiễm nhanh chóng từ người sang người.
(AFP) – Bất chấp Covid-19, Ủy Ban Thế Vận Hội Quốc Tế khẳng định tiếp tục chuẩn bị cho Thế Vận mùa hè tại Nhật. 
Ngày 17/03/2020, CIO nhấn mạnh hiện thời chưa cần thiết phải đưa ra một quyết định triệt để. Thông báo của Ủy Ban Thế Vận Hội Quốc Tế được đưa ra sau một cuộc họp qua điện thoại của ban điều hành CIO. Thế Vận mùa hè dự kiến diễn ra từ ngày 24/07 đến 09/08/2020.
(AFP) – Pháp : Giải tennis Roland Garros bị dời qua mùa thu vì Covid-19. 
Ban tổ chức giải quần vợt mở rộng Roland Garros tại Pháp đã quyết định vào ngày 17/03/2020 là giải đấu, thường diễn ra vào đầu mùa xuân (24/05 – 07/06), sẽ được tổ chức từ ngày 20/09 đến 04/10/2020. Vòng loại dự kiến vào ngày 18/05 ải dời lại vì không thể biết được tình hình virus lây nhiễm như thế nào, và liệu các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập hiện hành có được dỡ bỏ trước đó hay không.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200318-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 18/3:

Mỹ phản đối

Trung Quốc hạn chế truyền thông quốc tế

Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Tư (18/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Mỹ phản đối Trung Quốc hạn chế truyền thông quốc tế
Hãng tin Fox News cho biết, chính quyền Tổng thống Trump hôm thứ Ba (17/3) đã phản đối mạnh mẽ việc Bắc Kinh hạn chế hoạt động của 3 tập đoàn truyền thông lớn của Mỹ tại Trung Quốc, nói rằng hành động này của Bắc Kinh đã tước đi cơ hội tiếp cận với sự thât của người dân Trung Quốc và thế giới.
“Quyết định của chính quyền Trung Quốc về việc trục xuất các nhà báo [quốc tế] khỏi Trung Quốc và Hồng Kông là một bước đi nữa để ngăn cản người dân Trung Quốc và thế giới tiếp cận thông tin chân thực về Trung Quốc”, Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ viết trên Twitter. “Hoa Kỳ kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc thu hồi quyết định trục xuất các nhà báo và dừng việc truyền bá thông tin sai sự thật về virus Vũ Hán”.
Trước đó chính quyền Trung Quốc trong một tuyên bố nói rằng họ hạn chế hoạt động của 3 hãng truyền thông của Mỹ, bao gồm The New York Times, The Washington Post và The Wall Street Journal, tại Đại Lục và Hồng Kông. Đây được xem là hành động trả đũa của Bắc Kinh đối với việc Washington chế tài hoạt động của 5 hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc tại Mỹ, và sau khi Hoa Kỳ gay gắt phản đối việc Trung Quốc “vu” cho họ phát tán virus nCoV, cũng như việc Tổng thống Trump gọi virus SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”.
Tướng Mỹ nói về lực lượng tên lửa Triều Tiên trong đại dịch
Hoa Kỳ đã không phát hiện thấy hoạt động bất thường nào bên trong lực lượng tên lửa của Triều Tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc cho biết hôm thứ Ba (17/3), theo Yonhap.
Trong một cuộc họp báo qua điện thoại với các phóng viên, tướng Mỹ Charles Richard đã nhận được câu hỏi về lực lượng tên lửa của Triều Tiên và tác động của virus đối với lực lượng này.
“Xem xét từng mối đe dọa đối với quốc gia chúng ta. Đó là điều mà chúng tôi quan sát mỗi ngày”, ông trả lời. “Tới nay, chúng tôi chưa thấy bất kể điều gì bất thường ngoài những gì mà tôi cho là các hoạt động bình thường hàng ngày của bất kể lực lượng nào”.
Hiện Triều Tiên vẫn chưa thông báo có ca nhiễm nCoV nào. Tuy nhiên, quốc gia bí ẩn này có nguy cơ cao khi nằm giữa Trung Quốc, nơi khởi phát đại dịch, và Hàn Quốc, một trong những tâm dịch COVID-19 của Thế giới.
Truyền thông Iran cảnh báo người dân về thảm họa COVID-19
Truyền thông nhà nước Iran hôm thứ Ba (17/3) cảnh báo rằng dịch COVID-19 có thể giết chết hàng triệu người nếu người dân tiếp tục phớt lờ lời khuyên về sức khỏe và an toàn, theo Fox News.
Phóng viên truyền hình nhà nước, và cũng là một bác sĩ y khoa, bà Afruz Eslamik, đã đưa ra cảnh báo nặng nề này ngay sau khi những người biểu tình Shiite tập trung ở sân của hai ngôi đền lớn đã bị đóng cửa vì đại dịch COVID-19.
Bà Afruz Eslami nói rằng nếu người dân không tuân theo các hướng dẫn phòng chống dịch, thì có thể làm sập hệ thống y tế vốn đã rất khó khăn của Iran. Nếu chúng ta “không có đủ các cơ sở y tế phục vụ [đại dịch], sẽ có 4 triệu ca nhiễm và 3,5 triệu người sẽ chết”, bà Eslami nói.
Iran hiện là quốc gia có số người nhiễm và tử vong vì nCoV cao thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ý. Theo Worldometers, tính tới sáng ngày 18/3, Iran có 16.169 người nhiễm bệnh (tăng 1.178) và 988 người chết (tăng 135).
Sinh viên ngành y ở Ý sẽ tham gia chống dịch COVID-19
Ý sẽ đưa 10.000 sinh viên ngành y sắp tốt nghiệp tham gia chống dịch COVID-19 nhằm giảm bớt khó khăn cho các nhân viên y tế của nước này, theo Reuters.
Bộ trưởng Bộ Đại học Ý, Gaetano Manfredi, cho biết, chính phủ cho phép sinh viên sắp tốt nghiệp ngành y bắt đầu công việc của mình sớm hơn tám hoặc chín tháng so với dự kiến và họ sẽ không phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp bắt buộc như mọi năm.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Ý đã đẩy các bệnh viện đến chỗ quá tải. Các cơ sở ý tế ở nước này đang tìm mọi cách để củng cố hệ thống của mình, kể cả phải tranh giành nguồn lực với các cơ sở y tế khác, trong bối cảnh số người nhiễm bệnh trên toàn quốc tăng nhanh chóng.
Số người chết vì COVID-19 ở Ý đã tăng lên 2.503 trong 24 giờ qua, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý cho biết, trong khi tổng số trường hợp được xác nhận dương tính với nCoV tăng lên 31.506 so với con số 27.980 một ngày trước.
Brazil bắt tù nhân trốn thoát trước lệnh phong tỏa chống COVID-19
Brazil đã bắt trở lại gần 600 tù nhân trốn khỏi 4 nhà tù trước khi phong tỏa tất cả các cơ sở giam giữ tội phạm để chống dịch COVID-19, trong khi đó, vẫn còn khoảng 800 tù nhân đang lẩn trốn, chính quyền nhà tù bang Sao Paulo cho biết trong một thông báo hôm thứ Ba (17/3), theo Reuters.
Vào thứ Hai (16/3), có tổng cộng 1.389 người đã trốn thoát khỏi bốn nhà tù ở bang Sao Paulo sau khi họ rời nơi giam giữ để đi lao động hoặc học tập.
Để tránh sự lây lan của nCoV, chính quyền bang Sao Paulo có kế hoạch dừng các hoạt động lao động và học tập của tù nhân ở bên ngoài khuôn viên nhà tù. Theo một quan chức nhà tù, việc phong tỏa chống dịch COVID-19 như vậy sẽ mang lại lợi ích cho 34.000 ngàn tù nhân và các quản giáo cũng như nhân viên phục vụ trong các nhà tù.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-18-3-my-phan-doi-trung-quoc-han-che-truyen-thong-quoc-te.html

Điểm tin thế giới chiều 18/3:

EU đóng biên giới,

Malaysia cảnh báo ‘sóng thần’ COVID-19

Hải Lam
Europe/Flick/flickr.com/photos/reneweuropegroup/49059761697/).
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Tư (18/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Liên minh châu Âu (EU) đóng biên giới
Lãnh đạo các nước EU hôm 17/3 nhất trí đóng biên giới toàn khối trong 30 ngày nhằm ngăn virus Vũ Hán lây lan.
Biện pháp đóng biên giới EU sẽ có hiệu lực ngay khi chính phủ các nước thành viên hoàn tất bước chuẩn bị nội bộ. Biện pháp không áp dụng cho nhân viên và thiết bị y tế, cũng như nhu yếu phẩm. Các lãnh đạo EU cũng nhất trí thành lập tuyến thông quan nhanh ở biên giới nhằm bảo đảm khả năng vận chuyển hàng hóa.
Lệnh phong tỏa áp dụng cho 30 nước, gồm toàn bộ các quốc gia thành viên EU trừ Ireland, cùng 4 nước không thuộc EU nhưng nằm trong khối Schengen. Những người được miễn trừ gồm công dân EU và thân nhân, thường trú nhân, các nhà ngoại giao, bác sĩ và các nhà nghiên cứu tham gia công tác kiểm soát virus Vũ Hán.
Malaysia cảnh báo ‘sóng thần’ COVID-19
Malay Mail cho hay, Tổng giám đốc cơ quan Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah hôm nay cảnh báo trên Facebook rằng nước này có thể hứng chịu một đợt “sóng thần” COVID-19 nếu không tuân thủ các biện pháp ứng phó.
“Thất bại không phải là lựa chọn ở đây, thậm chí, Malaysia sẽ phải hứng chịu một đợt COVID-19 thứ ba, với thiệt hại ngang sóng thần, có khi hơn, nếu chúng ta thiếu quyết đoán”, ông Abdullah cho biết.
Ông cũng kêu gọi người dân Malaysia nên ở nhà “càng nhiều càng tốt”, thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa để giữ gìn cho bản thân và gia đình, góp phần vào nỗ lực của ngành y tế đất nước chống lại virus Vũ Hán.
Singapore cảnh báo ‘khủng hoảng kép’ vì virus Vũ Hán
Bộ trưởng Phát triển Singapore Lawrence Wong hôm nay phát biểu rằng COVID-19 có thể đe dọa sức khỏe cộng đồng và gây suy thoái kinh tế cho các nước trên thế giới.
“Thách thức là khi chúng ta càng cố làm giảm đường cong của biểu đồ nhiễm bệnh, chúng ta lại khiến đường cong của biểu đồ suy thoái kinh tế tăng lên. Khi chúng ta thực hiện những biện pháp đúng đắn để bảo vệ mọi người, các hoạt động kinh tế sẽ chững lại và làm tăng nguy cơ suy thoái”, ông Wong hôm nay nói trong cuộc phỏng vấn với CNBC.
“Cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ nghiêm trọng hơn bất cứ thứ gì chúng ta từng thấy trong lịch sử hiện đại”, vị quan chức Singapore bày tỏ.
Đài Loan cấm người nước ngoài
Taiwan News đưa tin, Đài Loan cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài kể từ ngày mai trong bối cảnh số ca nhiễm virus Vũ Hán ngoại nhập ở hòn đảo tiếp tục tăng.
Trong cuộc họp báo sáng nay, ông Chen Shih-chung, người đứng đầu cơ quan Y tế Đài Loan và Trung tâm Dịch bệnh Đài Loan (CECC), cho biết, kể từ ngày mai, tất cả những người đến hòn đảo phải cách ly 14 ngày.
Ông Ngô Chiêu Tiếp, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan sau đó tuyên bố tất cả các công dân nước ngoài sẽ bị cấm nhập cảnh Đài Loan, trừ những người có giấy chứng nhận cư trú dành cho người nước ngoài (ARC), các quan chức ngoại giao và doanh nhân có giấy phép nhập cảnh đặc biệt.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-18-3-eu-dong-bien-gioi-malaysia-canh-bao-song-than-covid-19.html

Tạp chí đặc biệt

Virus Corona : Châu Âu

và những biện pháp phòng ngừa khác nhau

Thanh Hà
Ý là quốc gia đầu tiên tại châu Âu ban hành lệnh “phong tỏa” toàn quốc và đang lo ngại dịch tràn xuống miền nam. Tây Ban Nha và Pháp noi gương Roma. Đức từng bước đóng cửa với các nước láng giềng và tuyên chiến với virus corona trên mặt trận kinh tế. Anh Quốc bình tĩnh xử lý khủng hoảng. Còn tại Budapest, chính quyền vẫn cho rằng “người nhập cư mang bệnh đến cho Hungary”.
Anh Quốc bình tĩnh xử lý khủng hoảng
Tính đến ngày 17/03/2020, Anh Quốc có hơn 1.500 ca nhiễm, 53 người tử vong. Vào lúc nhiều quốc gia tại châu Âu đóng cửa biên giới, đóng cửa trường học cũng như các địa điểm công cộng, cấm các cuộc tụ họp, chính quyền Anh mới chỉ đưa ra các khuyến cáo tránh tụ tập và lui tới những nơi đông người. Luân Đôn vẫn cho phép tổ chức một số sự kiện thể thao.
Luật sư Hoàng Đức Thắng sống tại Anh Quốc cho biết, đến nay, phương pháp chống dịch của thủ tướng Boris Johnson và chính phủ được phần lớn công luận và giới khoa học ủng hộ. Trong cuộc sống hàng ngày, không có sự hốt hoảng hay dân chúng đua nhau đi mua nhu yếu phẩm tích trữ. Bài phỏng vấn thực hiện hôm 16/03/2020.
LS Hoàng Đức Thắng- Luân Đôn 18032020
 Dân Ý làm quen với cảnh phải “xếp hàng”
Nhìn sang Ý, với hơn 2.000 người thiệt mạng và 28.000 ca nhiễm virus corona, từ hôm 11/03/2020, từ bắc chí nam đã bị đặt trong tình trạng “phong tỏa”. Mọi di chuyển đều bị giới hạn tối đa. Anh Phạm Hoàng Dũng từ Romacho biết tình hình vẫn rất căng. Có thêm những vùng bị nhiễm và chính phủ đang lo dịch tràn xuống miền nam. Đây là vùng đất nông nghiệp nghèo, cơ sở hạ tầng y tế yếu kém. Một điểm khác khiến Roma lo ngại đó chính là “tác phong lè phè” của dân ở miền nam nước Ý.
Phạm Hoàng Dũng- Roma, ngày 18/03/2020
 Budapest : Covid-19, “bệnh người nước ngoài đem vào cho Hungary” 
Tại Hungary, đến nay có hơn 50 ca lây nhiễm, và một bệnh nhân thiệt mạng. Budapest đã rất sớm ban hành tình trạng khẩn cấp chống dịch nhưng các biện pháp ngăn ngừa không triệt để như tại nhiều nước ở Tây Âu. Thông tín viên Hoàng Nguyễn giải thích.
Hoàng Nguyễn-Budapest, ngày 18/03/2020
Hungary có lẽ là nước đầu tiên trong khu vực Trung Âu ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 11/3, tức là cùng lúc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là “đại dịch toàn cầu”. Đây là điều mà như chính giới Hung khẳng định, chưa từng có trong lịch sử 30 năm nay, kể từ khi nước này thay đổi thể chế.
Cho tới nay, Hungary đã có 50 trường hợp lây nhiễm Covid-19, trong đó có 39 công dân Hungary, và 1 ca tử vong vì Coronavirus. Lãnh đạo nước này tuyên bố nước Hung chuyển sang giai đoạn thứ hai của dịch bệnh – giai đoạn lây nhiễm tập thể và nhiều khi sẽ không thể xác định chính xác ai gây nhiễm cho ai.
Từ 11/3 tới giờ, nội các Hungary cho thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống Coronavirus, hoạt động gần như 24/24h hàng ngày, và mỗi buổi chiều lại có họp báo rất được công luận theo dõi. Nước này cũng đang gấp rút cho xây dựng một bệnh viện dã chiến, thiết lập các khoa Truyền nhiễm tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.
Mặc dù “vào cuộc” sớm như vậy nhưng các biện pháp của Hungary lại mang tính “nhẹ nhàng”: nước này chưa ban lệnh giới nghiêm (mà mới chỉ khuyến cáo các vị cao niên chớ ra đường), chưa đóng cửa các hàng quán, cửa hàng không thiết yếu (mà mởi chỉ hạn chế giờ mở cửa tới 15h), và mới hôm qua mới chỉ thị đóng biên giới.
Người dân Hungary, trong nhiều trường hợp cũng lao vào mua sắm các mặt hàng cần dùng cho đời sống thường nhật như gạo, thịt, bột, đường, giấy toilet… Khẩu trang và nước rửa tay đã hết từ lâu, cho dù chưa mấy người đeo khẩu trang. Đường sá vắng ngắt, nhưng hiện tượng hoảng loạn chưa thấy phổ biến.
Mục tiêu chính trị của Hungary
Cũng như ở một số nước Châu Âu, phân biệt đối xử, kỳ thị, hoặc ở mức nhẹ hơn là những hành động bất lịch sự, ác cảm với người Châu Á đã xảy ra tại Hungary hàng tháng trước, khi căn bệnh Covid-19 còn chưa xâm nhập vào Hung. Không có những trường hợp quá lớn, nhưng nhiều người Việt cho hay họ đã gặp phải.
Nhiều doanh nghiệp phải trương biển “Chúng tôi là người Việt Nam” để tránh sự phân biệt, kỳ thị dành cho người Hoa. Chính cộng đồng người Hoa tại Hungary cũng phải dấy lên một phong trào vận động những người Hoa có uy tín trong xã hội Hung, hãy lên tiếng để giải tỏa niều hiểu nhầm, tin thất thiệt và sự kỳ thị vô căn cứ.
Đồng thời, chính phủ của Thủ tướng Orbán Viktor, trong một số phát biểu, vẫn tiếp tục coi là có mối quan hệ giữa dân nhập cư và dịch bệnh, và rằng “người nhập cư đã mang bệnh tới Hungary”. Ám chỉ việc một số bệnh nhân đầu tiên của dịch Covid-19 là các sinh viên Iran theo học tại Hungary. Nhiều sinh viên Iran đã bị trục xuất, vì bị coi là không hợp tác với các biện pháp của chính quyền.
Đại diện của Tổ chức Ân xá Thế giới tại Hungary nhận xét: với việc ban bố tình trạng khẩn cấp, chính phủ Hung tiếp tục thâu tóm trong tay một quyền hành vô biên, mà thật ra không cần phải đến thế cũng có thể xử lý được tình trạng bệnh dịch. Đây rất có thể là một con bài trong tay nội các Hung, đê tiếp tục thi hành những bước đi phi dân chủ ở xứ này…
Người Việt tin tưởng vào hệ thống y tế của Đức
Sát cạnh với Pháp là Đức, nơi số ca nhiễm tăng nhanh trong những ngày gần đây : hơn 6.000 bệnh nhân dương tính với virus corona. Chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp cấm lui tới các nơi công cộng. Cộng đồng người Việt tin tưởng vào hệ thống y tế rất tốt của Đức. Các hoạt động tại khu chợ Đồng Xuân ở Berlin suy giảm nhưng các doanh nghiệp vững tin vào chính sách hỗ trợ kinh tế của chính quyền Angela Merkel như trình bày của thông tín viên Lê Trung Khoa từ Berlin.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200318-virus-corona-ch%C3%A2u-%C3%A2u-v%C3%A0-nh%E1%BB%AFng-bi%E1%BB%87n-ph%C3%A1p-ph%C3%B2ng-ng%E1%BB%ABa-kh%C3%A1c-nhau

Tin Việt Nam – 18/03/2020

Tin Việt Nam – 18/03/2020

Hàng chục người ở Quảng Ngãi bị bắt

vì phản đối việc đổ rác bừa bãi

Tin từ Quảng Ngãi: Vào tuần trước, nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Quảng Ngãi đưa hàng trăm cảnh sát cơ động đến thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ nhằm giải tán người dân đang án ngữ ở bãi rác ngăn cản không cho xe rác vào đổ và bắt giữ khoảng 20 người.
Theo RFA, cảnh sát được trang bị khiên chắn, dùi cui, và khuyển cảnh để đối phó với hàng trăm người dân. Đã có xô xát giữa hai bên và cảnh sát bắt giữ người phản đối. Sau nhiều giờ bị giam giữ, một số người đã được trả tự do trong cùng ngày. Không rõ số người mà công an còn bắt giữ là bao nhiêu và họ có thể bị khởi tố với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” hoặc “chống người thi hành công vụ.”
Sự việc bắt đầu vào năm 2018 khi nhà máy tiêu huỷ rác thải MD hoạt động xả khói, xả thải trực tiếp ra đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường và vị trí của nhà máy chỉ cách khu dân cư 500 mét. Người dân đã thiết lập rào chắn ngăn chặn các xe rác tiếp tục đem rác thải đến đổ ở đây từ đó cho đến nay.
Vào tháng 9 năm 2019, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã cam kết không đưa rác từ địa phương khác về tái chế ở nhà máy này, và chỉ tái chế số rác hiện có ở khu vực này.  Tuy nhiên, người dân địa phương không đồng ý và yêu cầu nhà máy phải di dời ngay lập tức. Họ cũng không tin tưởng vào việc nhà máy sẽ tái chế số rác tồn đọng mà không gây ô nhiễm môi trường một cách trầm trọng như thời gian trước đó.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/hang-chuc-nguoi-o-quang-ngai-bi-bat-vi-phan-doi-viec-do-rac-bua-bai/

Công an tiếp tục ‘lập biên bản’

gia đình nhà hoạt động Trịnh Bá Tư

Ngày 17/3, nhà hoạt động vì quyền đất đai Trịnh Bá Tư cùng các thành viên trong gia đình bị lực lượng công an xã Ngọc Lương, quận Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình đến nhà làm việc về vấn đề hộ khẩu.
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 17/3, nhà hoạt động Trịnh Bá Tư cho biết:
“Trong vòng một tuần nay công an liên tục đến nhà tôi: lần đầu 14/3, lần thứ hai là ngày 16/3 và hôm nay. Mỗi lần đến huy động rất đông người, như sáng nay là hơn 10 người, có những người bịt khẩu trang và không nêu danh tính”.
Theo lời anh Trịnh Bá Tư, trong biên bản về buổi làm việc sáng 17/3 này, có mặt của ông Bùi Văn Sang, Trưởng công an xã Ngọc Lương, quận Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình và trưởng xóm, trưởng công an xóm.
Tuy nhiên, anh nêu ý kiến: “Ngoài lực lượng chức năng, còn có một vài người bịt khẩu trang, không nêu rõ họ tên khi tôi yêu cầu. Có một người xưng mình là dân quân cơ động, người này đã có thái độ khiêu khích, chửi bới gia đình nhà tôi trước mặt lực lượng công an”.
“Với việc gia đình tôi bị một người trong đoàn công tác lăng mạ, lực lượng chức năng không lên tiếng và không giải thích cho chúng tôi. Còn hai người bịt khẩu trang, từ chối nêu danh tính và sau đó bỏ đi thì công an cũng không giải thích gì thêm”, Trịnh Bá Tư tường thuật lại.
Trong văn bản được chiếu trên trang cá nhân của anh Trịnh Bá Tư, lực lượng công an làm việc với gia đình với nội dung:
“Tiến hành làm việc với anh Trịnh Bá Tư và bà Cấn Thị Thêu để giải quyết việc cả hai có hộ khẩu thường trú tại hai nơi: phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội và ở xóm Đại Đồng, Ngọc Lương, Yên Thuỷ, Hoà Bình.
Cũng theo vị cảnh sát này, hành vi trên không đúng với Khoản 4 Điều 4 Luật cư trú năm 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2013). Vì vậy, cần điều chỉnh cho hợp lý nhưng khi làm việc, anh Trịnh Bá Tư và bà Cấn Thị Thêu không hợp tác, không nhận giấy, không đồng ý đến trụ sở công an xã để làm việc. Và cả hai đã có lời lẽ bịa đặt, vu cáo Đảng cộng sản Việt Nam và chính quyền nhà nước”.
Lý giải về vấn đề này, nhà hoạt động Trịnh Bá Tư nói: “Trong quá trình sinh sống, tôi thường trú ở Ngọc Lương, Hoà Bình còn anh trai và chị gái tôi thì ở Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội. Chúng tôi lao động hợp pháp và hoàn toàn không vi phạm pháp luật”.
“Tôi nói với anh công an xã chúng tôi không có quyền cấp giấy cho bản thân mình mà chính cơ quan công an cấp giấy. Tôi yêu cầu các anh công an làm theo pháp luật nhưng không nhận được câu trả lời”.
Lý giải về nguyên nhân công an liên tục đến gia đình anh làm việc, Trịnh Bá Tư nhìn nhận:
“Phía công an không phải một tuần qua mới đến nhà tôi, trước 10 ngày khi xảy ra biến cố Đồng Tâm vào 3 giờ sáng ngày 9/1/2020 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm và tới tận bây giờ, họ liên tục sách nhiễu gia đình tôi”.
Khi tôi đưa ra các tội ác man rợ của chính quyền về Đồng Tâm thì họ có những động thái trả thù và khủng bố gia đình tôi. Trịnh Bá Phương là anh tôi bị bắt và đánh đập. Sau đó, nhiều lần gia đình tôi bị mời lên làm việc, bị hạn chế việc đi lại”, anh Trịnh Bá Tư chia sẻ.
“Theo dự tính của tôi, trưa hôm qua họ quy động người đến làm việc và sáng nay lại đến. Tôi tin họ sẽ quay trở lại sớm vào sáng mai. Sau ba lần làm việc, công an có thể bắt chúng tôi về đồn công an”.
Bộ Công an Việt Nam xác nhận trong thông báo phát đi hôm 9/1 rằng có bốn người chết trong vụ đụng độ tại Đồng Tâm rạng sáng 9/1, trong đó có ba cảnh sát và một dân thường (Lê Đình Kình) tử vong, 19 người bị bắt với tội danh chống người thi hành công vụ.
Nhà hoạt động xã hội dân sự Trịnh Bá Phương, anh trai của Trịnh Bá Tư hôm 06/02/2020 đã có cuộc tiếp xúc với các viên chức tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội về vấn đề liên quan vụ tập kích Đồng Tâm.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51928701

Phó chủ tịch Hà Nội bị đề nghị kiểm điểm

liên quan vi phạm ở dự án nghìn tỉ

Ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa bị thanh tra thành phố đề nghị kiểm điểm vì những vi phạm tại dự án nghìn tỉ tổ hợp dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm.
Báo trong nước trích kết luận của thanh tra thành phố Hà Nội loan tin ngày 18/3.
Tin cho biết, thanh tra đã kiến nghị UBND Hà Nội chỉ đạo Sở Kế hoạch và đầu tư giai đoạn 2009-2010 kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy vi phạm trong dự án phường Tây Mỗ. Đồng thời khắc phục các vi phạm tại kết luận thanh tra, kể cả số tiền phạt do chậm nộp tiền sử dụng đất hơn 31 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước.
Trong đó, nêu rõ trách nhiệm hai lãnh đạo của Sở Kế hoạch – Đầu tư đã ký văn bản theo đề xuất của phòng ban chuyên môn mà thiếu sự kiểm tra, xem xét, ‘thúc dự án khi chủ đầu tư không đảm bảo 20% tổng mức đầu tư là ông Nguyễn Văn Tứ – Phó giám đốc năm 2010, và ông Nguyễn Văn Sửu – Giám đốc năm 2009-2010.
Hiện ông Nguyễn Văn Sửu đang nắm chức vụ phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội kể từ năm 2011. Còn ông Nguyễn Văn Tứ là chánh văn phòng Thành ủy. Vào tháng 12/2019, ông Tứ đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra những sai phạm liên quan vụ án Nhật Cường.
Vào năm 2008, dự án đầu tư tổ hợp dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm với diện tích gần 38.000m2 được chuyển đổi sử dụng từ Công ty cổ phần cơ khí xây dựng Đại Mỗ.
Trong báo cáo ông Nguyễn Văn Sửu ký gửi UBND TP ngày 26/11/2009 đề nghị cho phép Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng Đại Mỗ nghiên cứu lập và thực hiện dự án là chưa thực hiện đúng quy định. Nguyên nhân được nói do nguồn vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính.
Còn báo cáo của Sở Kế hoạch – đầu tư gửi UBND HÀ Nội đề nghị chấp thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án do ông Nguyễn Văn Tứ ký bị cho là chưa thực hiện đúng khi thẩm tra xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Từ năm 2013-2018, chủ đầu tư đã bàn giao 699 căn hộ chung cư, 41 căn nhà vườn và 8 căn biệt thự cho khách hàng với tổng doanh thu là hơn 1.287 tỉ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư không kê khai đủ số doanh thu…
Vẫn tin liên quan, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) tỉnh ủy Hòa Bình đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy xem xét tăng hình thức kỷ luật đảng đối với ông Nguyễn Thanh Huy – Phó Trưởng Ban Quản lý các khu Công nghiệp tỉnh – Nguyên Phó Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình, nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Nguyên nhân được nói do ông Nguyễn Thanh Huy đã thực hiện không đúng các quy định của Luật Đất đai năm 2013; vi phạm quy định về quy hoạch xây dựng đô thị trong thời gian giữ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Trước đó vào năm 2019, ông Nguyễn Thanh Huy bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo để tạo cơ hội cho ông khắc phục, sửa chữa các khuyết điểm, vi phạm.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, các vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Thanh Huy vẫn chưa được khắc phục triệt để nên UBKT Tỉnh ủy đã đề nghị Banh thường vụ Tỉnh ủy xem xét tăng hình thức kỷ luật đảng đối với ông Nguyễn Thanh Huy.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vice-chairman-of-hanoi-was-asked-to-review-related-violations-in-trillion-project-03182020105306.html

Cải cách tiền lương 2020 tăng đặc quyền

cho bộ máy ở VN?

TS. Phạm Quý ThọGửi cho BBC từ Hà Nội
Ngày 04/3/2020 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.
Anh đánh lớn, tung gần 400 tỷ đô vào trận chiến chống virus corona
Virus corona: Anh thay đổi chiến lược, nhưng dự báo có thể chết chục ngàn người
Trong phiên họp này còn nhiều nội dung và cách làm chưa thống nhất, bởi vậy Thủ tướng đã lưu ý, rằng “Đã cải cách thì phải ra cải cách, chứ không phải chỉ điều chỉnh đôi chút, không có nhiều ý nghĩa”, và ông đề nghị tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến.
‘Từ trên xuống’
Việt Nam đã từng có 3 lần cải cách tiền lương trước đây, vào các năm 1985, 1993 và 2004, nếu không kể lần cải cách năm 1960 khi đất nước chưa thống nhất. Nay, lần cải cách lần 5 đang khởi động từ năm 2018 và dự kiến sẽ thực thi từ năm 2021.
Tôi gọi những lần cải cách tiền lương như vậy là cải cách ‘từ trên xuống’.
Cho dễ nhớ, tôi đặt tên cho lần cải cách này là ‘cải cách tiền lương 2020’. Nó xuất phát từ Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018 và Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 về chương trình hành động… Nghĩa là chính quyền trung ương, Đảng Cộng sản và Chính phủ, ban hành chính sách và chỉ đạo thực thi các biện pháp cải cách tiền lương.
Tuỳ thuộc vào bối cảnh và Đảng đề ra sự cần thiết, mục tiêu, dự kiến kết quả và các giải pháp thực hiện. Quan sát các lần cải cách đã qua cho thấy cải cách tiền lương phụ thuộc vào cải cách thể chế nói chung và ‘dư địa cải cách’ ngày càng hẹp. Nghĩa là, cải cách tiền lương ‘từ trên xuống’ trong quá trình chuyển đổi sang thị trường sẽ ngày càng ‘khó hơn’, hiệu quả thấp và tác động không mong muốn hay ‘sai sót’ tăng lên, bởi vậy ý nghĩa giảm đi.
Năm 1985 một đề án cải cách kinh tế sâu rộng, khái quát với tên gọi ‘Giá – Lương – Tiền’, nhà nước nới lỏng quản lý giá cả hàng hoá, đổi tiền và cải cách tiền lương, được triển khai và thực thi trong dịp Đại hội 6, tổ chức vào đầu năm 1986 . Đây được coi là bước khởi đầu của chủ trương ‘Đổi mới’ của Đảng CS và những nỗ lực xoá bỏ kinh tế bao cấp, cứu chế độ khỏi sụp đổ.
Cải cách tiền lương năm 1993 đánh dấu sự thay đổi tư duy mạnh hơn để thúc đẩy nền kinh tế chuyển đổi sang thị trường. Những câu hỏi ‘hóc búa’, ‘nhạy cảm về ý thức hệ’ như sức lao động liệu có là hàng hoá, bóc lột sức lao động đã được thảo luận. Mặc dù không thể có kết luận rõ ràng, nhưng nhà nước đã không còn quản lý ‘độc quyền’ nữa, mà tiền lương đã được chia theo các khu vực, trong đó lương ở khu vực công được ngân sách chi trả, bởi vậy phải cân đối nguồn lực, còn lương ở khu vực doanh nghiệp bắt đầu tính toán trên cơ sở thị trường.
Năm 2004 lại đặt vấn đề cải cách tiền lương, chế độ, thang bảng lương được thiết kế, nhưng không thực sự đạt được mục đích. Có hai nguyên nhân chủ yếu có liên quan với nhau, đó là nguồn chi trả từ ngân sách hạn hẹp do quy mô kinh tế nhỏ bé và guồng máy của hệ thống chính trị, hành chính cồng kềnh. Số người hưởng lương quá lớn từ ngân sách. Mặc dù việc tinh giảm biên chế được nêu lên, thậm chí đặt chỉ tiêu giảm 10% trong nhiệm kỳ, nhưng đã không thể thực hiện.
Lần ‘cải cách tiền lương 2020’ có mục tiêu cải cách rất ‘tham vọng’; tầm nhìn đến năm 2030; lộ trình soạn thảo ‘khẩn trương’, năm 2019 xây dựng các phương án bảng lương theo vị trí việc làm, năm 2020 thông qua và đến năm 2021 triển khai thực hiện; đặc trưng chủ yếu là sự tương quan bằng số tuyệt đối giữa mức tiền lương của công chức, viên chức trong khu vực công và mức lương của lao động trong khu vực doanh nghiệp…
Theo tôi quan sát cách tiếp cận, bối cảnh, điều kiện cải cách và những công việc chuẩn bị thì dự báo về sự lặp lại ‘vết xe đổ’ của lần cải cách 2004 có khả năng xảy ra, bởi vậy chính phủ không chỉ ‘quyết liệt’ để có thành tích, mà cần thay đổi hay điều chỉnh phù hợp.
‘Trả lại cho thị trường’
Ở Việt Nam khi chuyển nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang thị trường, thì tiền lương dần được hiểu đầy đủ, đó là biểu hiện bằng tiền của giá cả hàng hoá sức lao động và được xác định bởi quy luật cung – cầu trên thị trường lao động, bởi vậy ngoài các chức năng như tái sản xuất sức lao động và là đòn bẩy kinh tế… thì các chức năng khác, đặc biệt công cụ quản lý nhà nước cần được luật hoá cụ thể, trong Bộ Luật lao động và dựa trên nền tảng của kinh tế thị trường. Nghĩa là trả lại cho thị trường lao động cái chức năng định giá sức lao động vốn có của nó.
Thị trường lao động vốn có chức năng xác định tiền lương theo nguyên lý ‘bàn tay vô hình’ mà nhà kinh tế người Scotland đã tìm ra từ năm 1776. Tiếc thay, ý thức hệ xã hội chủ nghĩa giáo điều đã cản trở việc hình thành và phát triển các nguyên tắc của thị trường lao động.
Trong xã hội thị trường phát triển bình thường sức khoẻ của nền kinh tế có thể được đo bằng nhiều tiêu chí. Thông thường là tỷ lệ thất nghiệp, số việc làm được tạo ra hàng tháng hay GDP – tổng giá trị hàng hoá và dịch vụ được sản xuất trong nền kinh tế trong một năm. Mặc dù tiền lương là chỉ tiêu quan trọng, nhưng nó thường không được sử dụng.
Người ta cũng thấu hiểu cơ chế tiền lương tăng lên khi nào, khi người sử dụng lao động có nhiều lợi nhuận hơn nên họ có khả năng tài chính để tăng lương cho công nhân, khi thị trường lao động trở nên cạnh tranh hơn, nghĩa là số lượng cơ hội việc làm vượt quá số lượng người tìm kiếm việc làm, và thông thường, tiền lương tăng lên cùng với kỹ năng và kinh nghiệm.
Tuy nhiên, các chính khách ở các quốc gia đó không lãng phí công sức và tiền bạc để cải cách tiền lương như chúng ta ở Việt Nam. Họ tìm cách thông qua thị trường để thúc đẩy nền kinh tế và chắc chắn một điều: Khi nền kinh tế đang hoạt động tốt hơn và tỷ lệ thất nghiệp thấp, tiền lương sẽ tăng lên.
Ở Việt Nam, một quốc gia đang chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ do đảng cộng sản lãnh đạo, thì ý thức hệ XHCN đề cao sự công bằng xã hội, lý tưởng của đảng thường là một trong những động cơ cải cách tiền lương.
Công bằng xã hội, về nguyên lý, dường như đó là một giá trị cao quý, lý tưởng mà loài người cần hướng đến, dễ thu hút đông dân chúng, và đảng cộng sản ‘quả quyết’ rằng sứ mệnh của họ là phải thúc đẩy một cách sâu rộng. Tuy nhiên, trong thực tế, công bằng xã hội có thể là bất cứ điều gì mà đảng cộng sản cầm quyền muốn thế, thấy có lợi cho việc duy trì quyền lực, cho nên họ ban hành và thực thi các chính sách ‘từ trên xuống’.
Cải cách tiền lương là một kiểu chính sách như vậy. Lần này, với lập luận rằng hệ thống chế độ tiền lương hiện hành đã lạc hậu, đã mất đi các chức năng của nó, và thậm chí, đã không ‘che đậy’ ‘cải cách’ sao cho tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở khu vực công tăng cao dần so với khu vực doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia… nên chăng trình bày ’thẳng thắn’ với các lãnh đạo đảng và chính quyền rằng tiền lương của họ trong bộ máy công quyền là tiền thuế của dân, và bộ máy này vốn đã có nhiều đặc quyền, đặc lợi, thế mà lại không chịu trách nhiệm và giải trình trước dân, kể cả khi gây ‘bất ổn kinh tế vĩ mô và để lại những hậu quả nặng nề. Hơn thế, ‘một bộ phận không nhỏ’ cán bộ, đảng viên lại suy thoái, biến chất, tham nhũng…
Các viên chức trong khoảng 6000 đơn vị sự nghiệp công lập cũng cần tự ‘vấn mình’ về ‘lương tâm, đạo đức’ khi họ được ‘ưu ái’ về cơ sở vật chất, được cấp phát nhiều khoản kinh phí và nhận tiền lương ngân sách nhà nước, do mồ hôi và sức lực của những người lao động chân chính đóng thuế, chỉ để ‘hoàn thành nhiệm vụ chính trị’ được đảng, nhà nước giao…
Nếu không nâng cao được hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công quyền và tinh giản biên chế, nếu các đơn vị sự nghiệp công không được cải tổ để có thể tự nuôi sống bản thân thì việc tăng lương cho khu vực công nghĩa là chính phủ lấy tiền thuế của dân đưa nó cho họ không theo nguyên tắc thị trường.
Theo tôi, các nhà kỹ trị, các nhà chuyên môn Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để thiết kế các chế độ, thang bảng lương theo kiểu truyền thống hay học tập kinh nghiệm của một số quốc gia. Nhưng cải cách tiền lương trong bối cảnh hiện nay, cải cách thể chế quá chậm chạp khi một hệ thống chính trị, bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu năng và nhiều đơn vị sự nghiệp vẫn thuộc khu vực công, trong đó hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước…, thì kết quả sẽ không khả quan như thế nào của lần ‘Cải cách 2020’ có lẽ được dự báo trước.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học việc Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51946174

Mưa đá rạng sáng 18/3 gây thiệt hại tại 4 tỉnh miền Bắc

Một trận mưa đá vào rạng sáng ngày 18/3 gây thiệt hại tại 4 tỉnh phía Bắc bao gồm Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu và Phú Thọ. Trong đó, tỉnh Lào Cai được ghi nhận bị thiệt hại nặng nề nhất.
Truyền thông trong nước loan tin nêu rõ mưa đá với kích cỡ đường kính 4-5cm bắt đầu đổ xuống vào khoảng 20 giờ tối ngày 17/3, tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Tại huyện Tam Đường của tỉnh Lai Châu cũng xảy ra mưa đá kèm theo gió lớn, tập trung ở xã Nùng Nàng và Bản Giang. Hai địa phương này được ghi nhận bị thiệt hại về nhà cửa, hoa màu và cây cối.
Báo giới cho biết tỉnh Lào Cai bị thiệt hại nặng nề nhất trong trận mưa đá trong đêm 17/3, rạng sáng 18/3. Thống kê ban đầu ước tính có 82 căn nhà bị tốc mái và mái ngói bị hư hại ở huyện Bắc Hà. Một số diện tích cây trồng tại huyện Bắc hà và huyện Si Ma Cai cũng bị ảnh hưởng do mưa đá.
Hai tỉnh còn lại bị mưa đá nhưng thiệt hại không lớn là Yên Bái và Phú Thọ. Hiện đang vẫn được cập nhật thông tin.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh bị ảnh hưởng bởi trận mưa đá rạng sáng ngày 18/3 nhanh chóng thống kê thiệt hại cũng như khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống của người dân.
Riêng tỉnh Lai Châu, đây là trận mưa đá thứ hai trong tháng 3. Trận mưa đá xảy ra trong 3 ngày, từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 3 đã gây thiệt hại ở nhiều địa phương của tỉnh này lên đến 13 tỷ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/four-northern-provinces-affected-by-hail-in-early-morning-mar18-03182020090356.html

Việt Nam xác nhận thêm 7 ca nhiễm COVID-19

Vào tối ngày 18/9, Bộ Y tế Việt Nam đã xác nhận thêm 7 ca nhiễm COVID-19 mới đưa tổng số người nhiễm COVID-19 từ tháng 1 đến nay lên 75 người. Trong số này, 16 người đã bình phục và xuất viện cách đây vài tuần.
Cả 7 bệnh nhân mới trong ngày 18/9 đều bay về từ Châu Âu dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng.
Theo thông tin chi tiết được truyền thông trong nước loan tải, các bệnh nhân này bao gồm:
Bệnh nhân 69, nam, 30 tuổi, quốc tịch Đức, tạm trú tại Hà Nội và nhập cảnh Nội Bài ngày 13/3.
Bệnh nhân 70 và 71 đều 19 tuổi, một nam và một nữ, ở Hà Nội, là du học sinh Anh về Nội Bài hôm 16/3.
Bệnh nhân 72, nữ 25 tuổi, quốc tịch Pháp, nhập cảnh Nội Bài cùng bạn trai hôm 9/3.
Bệnh nhân 73, nam, 11 tuổi, ở Hải Dương. Bệnh nhân nhỏ tuổi về Việt Nam hôm 9/3.
Bệnhnhaan 74, nam, 23 tuổi, ở Lâm Thao, Phú Thọ, về Việt Nam ngày 16/3.
Bệnh nhân 75, nữ, 40 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh. Người này đã sang Anh hôm 4/3 và về Việt Nam hôm 15/3.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong ngày 18/3 đã có hơn 1.000 người từ các nước Châu Âu về Việt Nam, trong số này có 999 là khách Việt hồi hương.
Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, từ 0 giờ ngày 18/3, Việt Nam đã tạm dừng cấp thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài trong 30 ngày. Biện pháp này không áp dụng đối với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao và công vụ.
Dịch bệnh COVID-19 hiện đã có mặt ở khoảng 160 nước và vùng lãnh thổ với khoảng 200.000 người nhiễm và khoảng 8.000 người chết.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-report-9-cases-of-covide-19-in-a-day-03182020111121.html

Bệnh nhân số 61 đã hành lễ với 300 người

trước khi xét nghiệm dương tính với COVID-19

Giới chức Y tế tỉnh Ninh Thuận mới đây xác nhận bệnh nhân nhiễm COVID-19 thứ 61 của Việt Nam đã tham gia một buổi lễ tại Toà Thánh 101, xã Phước Nam, tỉnh Ninh Thuận với khoảng 300 người khác trước khi được cách ly. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 18/3.
Đây là bệnh nhân đã dự một sự kiện tôn giáo đông người ở Malaysia từ ngày 27/2 đến 1/3 vừa qua. Theo Reuters, đã có khoảng hơn 300 người nhiễm COVID-19 liên quan đến sự kiện tôn giáo này.
Bệnh nhân số 61 sau khi trở về Việt Nam hôm 4/3 đã sử dụng các phương tiện công cộng là xe Grab và xe khách về nhà và đã phát bệnh vào ngày 9/3. Tuy nhiên, xét nghiệm dương tính với COVID-19 của bệnh nhân chỉ được xác định vào ngày 16/3 vừa qua.
Bệnh nhân này khai báo với chính quyền địa phương là mình chỉ ở nhà từ ngày 5/3 đến ngày 9/3. Tuy nhiên, giới chức y tế tỉnh Ninh Thuận xác định người này đã tham gia hành lễ đông người.
Cho đến lúc này, giới chức y tế tỉnh Ninh Thuận xác định có 62 người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân số 61 bao gồm những người trong gia đình, cùng tham gia tiệc cưới, hành lễ, và những người đi cùng chuyến bay.
Tuy nhiên, là một chức sắc tôn giáo, số người có các tiếp xúc khác với bệnh nhân này được xác định có thể lên đến 192 người.
Tỉnh Ninh Thuận hiện đã đưa đi cách ly những người tiếp xúc gần với bệnh nhân số 61. Đồng thời, ngành y tế tỉnh cũng đã phun thuốc khử trùng nhà của người này cùng Toà Thánh 101, Trạm Y tế xã Phước Nam, trụ sở UBND xã Phước Nam.
Theo truyền thông trong nước, tỉnh Ninh Thuận cũng đã có văn bản đề nghị ngừng các hoạt động vui chơi giải trí và tụ tập đông người để tránh dịch bệnh COVID-19 lây lan rộng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/patient-61-attending-a-mass-service-with-about-300-people-03182020082836.html

Một người Mỹ

trở thành bệnh nhân Covid-19 thứ 68 ở Việt Nam

Hôm18/3, Bộ Y tế Việt Nam xác nhận có thêm trường hợp thứ 68 nhiễm Covid-19, đây là một nam công dân Mỹ, sống tại Đà Nẵng, trước đó đã đi qua nhiều nước châu Âu.
Trang VietnamNet cho biết bệnh nhân 41 tuổi, quốc tịch Mỹ, lấy vợ người Việt, và kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang xác nhận dương tính với Covid-19.
Từ ngày 11/2, bệnh nhân này đã qua nhiều nước như Ấn độ, Tây Ban Nha, Marốc, Thuỵ Sỹ, Đức, Hungary, Hà Lan, Singapore và quay về Đà Nẵng ngày 14/03.
Tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng, sau khi khai báo y tế, bệnh nhân được cách ly tạm thời tại cửa khẩu, kiểm tra y tế, sau đó được cách ly tại Bệnh viện 199 của Bộ Công an chiều cùng ngày, theo trang VTV.
Đến trưa 18/3, Việt Nam đã ghi nhận 68 trường hợp dương tính Covid-19, trong đó có 16 ca đã chữa khỏi.
Truyền thông Việt Nam cho biết hiện Hà Nội là địa phương có nhiều ca mắc nhất với 15 ca, Bình Thuận có 9 ca, Đà Nẵng có 4 ca, trong đó có 3 ca người nước ngoài.
Vào tháng trước, một bệnh nhân Việt kiều Mỹ 73 tuổi nhiễm Covid-19 và được điều trị khỏi bệnh tại Việt Nam.
Ông Tạ Hoa Kiên, quốc tịch Mỹ, người bị nhiễm bệnh sau khi quá cảnh ở tâm dịch Vũ Hán của Trung Quốc, và đến Việt Nam. Sau một thời gian chữa trị tại Bệnh Viện Nhiệt Đới ở Tp. Hồ Chí Minh, ông được xuất viện, và về lại Mỹ hôm 28/02.
Hôm 18/03, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Y tế Việt Nam cho biết bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 67 của Việt Nam là bệnh nhân nam, 36 tuổi, là người từng đi cùng bệnh nhân số 61, 42 tuổi, tham dự một sự kiện tôn giáo ở một thánh đường tại Kuala Lumpur, Malaysia.
https://www.voatiengviet.com/a/mot-nguoi-my-tro-thanh-benh-nhan-covid-19-thu-68-o-vn/5333762.html

Virus corona: Vì sao một người Việt nhiễm Covid

ở Thụy Sỹ không được nhập viện?

Mỹ HằngBBC News Tiếng Việt
Trần Vũ Kiều Phương chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hành trình cô bị nhiễm Covid-19 và bình phục sau khi được giới chức y tế Thụy Sỹ cho cách ly tại gia.
Việc bình phục nhanh chóng với Trần Vũ Kiều Phương, 28 tuổi, một du học sinh ở Thụy Sỹ, người mới đây được chẩn đoán dương tính với Covid-19, vẫn còn là điều làm chính cô ngạc nhiên.
Phương cho hay: “Mới đây tôi đã nhận kết quả xét nghiệm âm tính. Hiện giờ tôi vẫn ở nhà để đảm bảo an toàn cho mọi người nhưng tôi đã khỏe lên rất nhiều. Thật kỳ diệu.”
Phương nói “kỳ diệu” do cô hồi phục nhanh ngoài trông đợi của chính mình. Nhưng điều mà cô muốn chia sẻ hơn cả là việc tự cách ly tại gia đối với những trường hợp còn trẻ, không có tiền sử bệnh, như cô, có thể là một biện pháp cần xem xét để giảm gánh nặng cho nguồn lực của chính phủ Việt Nam trong điều kiện tình hình lây nhiễm ngày càng phức tạp.
Hành trình nhiễm bệnh
Ngày 29/2: Phương qua Pháp thăm một người bạn. Khi đó người bạn này kêu mệt nhưng cả nhóm không nghĩ gì khác nên vẫn chào hỏi, ôm hôn, đi chơi cùng.
‘VN không xét nghiệm đại trà, nên số ca nhiễm thấp có thể hiểu được’
Virus corona: Tình nguyện viên đầu tiên thử nghiệm vắc-xin tại Mỹ
Virus corona: Làm gì để vững tinh thần qua mùa dịch?
Vài ngày sau khi về lại Thụy Sỹ, Phương được tin cô bạn người Pháp đã nhập viện do nhiễm virus corona. Khi đó Phương khá hoảng sợ vì cô cũng đang cảm thấy rất mệt. Trước đó cô chỉ nghĩ có lẽ do mình học nhiều quá nên vẫn mệt như mọi khi. Cô cũng bị chảy mũi, nhưng ban đầu nghĩ do trời lạnh.
Ngày 4/3: Phương gọi điện cho bác sỹ gia đình và được sắp xếp khám vào ngày hôm sau.
Ngày 5/3: Sau khi khám cho Phương, bác sỹ gia đình kê cho cô thuốc giảm đau cổ họng, thuốc xịt mũi, thuốc ho, hạ sốt. Nhưng sau khi Phương cho hay mình từng tiếp xúc với người nhiễm Covid, bác sỹ lập tức gọi điện cho bệnh viện của thành phố và hỏi các thủ tục làm xét nghiệm.
Chỉ có một vài nơi trong thành phố nơi Phương sống có thể làm xét nghiệm Covid-19, và quy định thường sau 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh mới xét nghiệm. Phương mới được 5 ngày nhưng do cô đã có triệu chứng khá rõ nên được chấp thuận cho làm xét nghiệm ở một trung tâm y tế.
“Ngay khi tôi nói mình tới để xét nghiệm virus corona, nhân viên y tế lập tức phát cho tôi khẩu trang và dung dịch rửa tay. Sau đó họ đưa tôi ra một lều cách ly bên ngoài để chờ, nơi đã có một số người cũng đang ngồi chờ tới lượt. Tôi phải chờ 4 tiếng mới được khám do có khoảng 4 – 5 người trước mình.”
“Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín từ đầu tới chân, hỏi tôi rất cặn kẽ về lịch trình tiếp xúc với người bệnh, tiểu sử bệnh tật, có bị sốt không. Sau đó họ lấy hai mũi dung dịch họng và mũi, cấp giấy hướng dẫn cách ly, yêu cầu tôi đeo khẩu trang và trở về nhà lập tức.”
Hành trình cách ly tại gia
Ngày 6/3: Chỉ 24 giờ sau khi làm xét nghiệm, Phương nhận kết quả: Dương tính.
“Các bác sỹ nói tôi đừng lo lắng quá, sẽ có người chăm sóc tôi. Họ nói tôi còn trẻ, đây không phải bệnh chết người, nó chỉ nguy hiểm với người già và có tiền sử bệnh nền, nên tôi hãy yên tâm.”
“Tôi chỉ biết có vậy, cũng không được cấp phát thuốc gì, không nhập viện, không có thêm thông tin nào hết.”
Virus corona gây viêm phổi ‘đã âm thầm vào cộng đồng’ ở VN
Virus corona: Anh và Việt Nam tương phản nhau cách chống dịch
“Trong những ngày ở nhà, người ở trung tâm y tế gọi điện ngày hai lần để kiểm tra tình trạng của tôi, phòng khi bệnh tôi trở nặng thì sẽ phải nhập viện ngay lập tức. Bác sỹ gia đình cũng gọi điện liên tục.”
“Cũng trong ngày nhận kết quả dương tính từ bệnh viện, tôi bắt đầu đau nhức toàn thân, mệt rã rời. Tôi có hỏi bác sỹ cho tôi thuốc và rằng tôi có cần nhập viện không, nhưng họ nói không. Họ chỉ nói tôi uống thuốc giảm đau hạ sốt và yêu cầu thường xuyên đo nhiệt độ cơ thể.”
“Cơn đau nhức lan khắp người, tới mức tôi đứng lên mà chỉ muốn té ngã. Có lúc tôi cảm thấy mình không thể thở nổi. Nhưng tôi không hề sốt.”
“Tôi là người theo Tin Lành, nên tôi thường xuyên cầu nguyện mong Chúa chữa lành và bảo vệ cho tôi. Lúc đó, tôi có niềm tin rất mạnh liệt rằng chắc chắn tôi sẽ khỏi bệnh, do đó dù mệt mỏi nhưng tôi thấy rất bình an.”
“Tôi cũng không cho phép mình lo lắng quá nhiều, vì có thể sự lo lắng khiến bệnh tình trở nặng hơn. Lúc quá mệt, đau, tôi cũng cố để không nằm bẹp một chỗ mà đi lại dọn dẹp, ăn trái cây, làm bài tập, hay tranh thủ ngủ thật nhiều. Cứ thế, tôi làm mọi cách để quên đi sự mệt mỏi, đau nhức.”
“Hàng xóm và các bạn biết tôi bị bệnh nên đã chung tay giúp đỡ. Họ mua đồ ăn mang đến đặt trước cửa. Có bạn còn kho cá gửi qua thùng thư.
Ngày 9/3: Theo đề nghị của bác sỹ, Phương tới bệnh viện làm xét nghiệm lần hai.
Các thủ tục xét nghiệm lần này cũng giống hệt lần một, chỉ khác là nhân viên y tế chỉ lấy dung dịch mũi để xét nghiệm.
Kết quả: Âm tính.
Khác biệt giữa chống dịch ở Thụy Sỹ và Việt Nam
“Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng mình không được quỵ ngã, mình sẽ khỏi bệnh, nhưng tôi cũng không ngờ là mình hồi phục nhanh đến thế,” Trần Vũ Kiều Phương chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.
Lý do khiến Phương mở lòng chia sẻ về trường hợp của mình, theo cô, là do cô thấy ở Việt Nam hàng ngày đều tiếp nhận rất nhiều thông tin về tình hình nhiễm virus và mọi người rất hoang mang. Cô hi vọng rằng câu chuyện của mình có thể khiến mọi người có thêm hi vọng và đừng quá lo sợ.
Phương cũng chia sẻ sự khác nhau trong cách chống dịch ở Thụy Sỹ và Việt Nam.
“Bên này thông tin người nhiễm virus được bảo mật rất kỹ. Ngay cả bác sỹ gia đình gọi điện đến trung tâm y tế nơi làm xét nghiệm Covid-19 cho tôi cũng không được cung cấp thông tin. Tôi mới là người có quyền quyết định sẽ thông báo tin này hay không.”
“Để đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng, đặc biệt do tính chất công việc tôi phải tiếp xúc với trẻ em, nên tôi đã quyết định thông báo ngay cho nhà trường và bạn bè là mình bị nhiễm virus.”
“Trường cũng ngay lập tức email trong toàn hệ thống cho sinh viên, thông báo trong khoa có người nhiễm bệnh, yêu cầu sinh viên trong khoa học online, hoặc với những người vẫn muốn đến lớp thì phải ngồi cách nhau 2m và không tiếp xúc gần.”
“Trong trường cũng có trang web riêng về vấn đề virus corona và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe thế nào.”
“Ở đây không phải muốn đòi nhập viện là được. Những ca nhiễm virus ở Thụy Sỹ đang ngày càng nhiều lên nên chính phủ tập trung chữa cho người già và trẻ em bởi họ là đối tượng có nguy cơ cao và khi nhiễm bệnh thường bị nặng.”
“Ở Thụy Sỹ mọi người không đeo khẩu trang. Khi có ai đó đeo khẩu trang thì mọi người mặc định người đó đang bị bệnh.”
“Rõ ràng cách chống dịch ở Việt Nam và Thụy Sỹ và một số nước châu Âu rất khác nhau. Ở Việt Nam thì ai dương tính đều vào viện, người nghi nhiễm cho vào khu cách ly. Ở đây dù có nhiễm bệnh thì vẫn điều trị ở nhà. Bác sỹ nói bệnh này nguy hiểm nhưng người trẻ, khỏe, không có tiền sử bệnh, thì chống chọi được. Quan trọng là phải cách ly, đừng để nhiễm cho cộng đồng, đặc biệt cho người già và trẻ em.”
“Cái khó là phải tự ý thức rất cao. Bởi lẽ có người không thể chịu được việc phải ở nhà một mình trong một khoảng thời gian.”
“Ở Việt Nam có thể xét nghiệm tới lần ba lần bốn, nhưng ở đây không có chuyện đó. Họ chỉ xét nghiệm một lần, lần hai là rất hiếm. Họ phải bàn bạc với bên bảo hiểm. Bảo hiểm của tôi chi trả hết tiền xét nghiệm, nhưng việc tôi tự điều trị ở nhà, ăn uống ra sao thì tự lo hết.”
‘Việt Nam nên xem xét thay đổi chiến thuật’?
“Ở Việt Nam, tôi biết là chính phủ đang chi trả toàn bộ chi phi chữa trị cho người nhiễm và chi phí ăn ở tại khu cách ly cho người nghi nghiễm.”
“Tôi không dám đưa ra lời khuyên nào. Tôi chỉ cảm thấy lo lắng khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, không biết bao giờ mới hết, trong khi số ca bệnh tiếp tục nhiều lên. Hiện nay Việt Nam mới có vài chục trường hợp, nhưng nếu tới vài ngàn, vài chục ngàn thì phải làm thế nào.”
“Tôi cũng muốn nêu câu hỏi rằng Việt Nam có nên xem xét thêm về mặt chiến thuật, bởi cách làm như hiện nay có thể khó duy trì lâu do rất tốn kém cả sức người, sức của. Nên chăng có thêm chiến thuật 2, 3 cho kịch bản hàng ngàn người nhiễm.”
“Vấn đề tâm lý cũng rất quan trọng. Hiện nay đang rất nhiều người hoang mang. Ở quê tôi, hàng quán đóng cửa, kinh tế ảnh hưởng, đời sống đảo lộn, mọi người gom đồ tích trữ khiến có người không có để mua, cuộc sống đảo lộn. Tôi cũng không dám về Việt Nam vì sợ gia đình bị kỳ thị do tôi nhiễm virus.”
“Ở Thụy Sỹ người dân cũng lo sợ. Chính phủ đã cho đóng cửa trường học, cấm hội họp đông người. Nhưng không đến nỗi hoảng loạn. Người nhiễm bệnh vẫn được bảo mật thông tin, không lo bị xa lánh,
kỳ thị, truy tìm. Người nhiễm bệnh có trách nhiệm báo với người tiếp xúc với mình. Cuộc sống vẫn tiếp diễn.”
“Tôi mong rằng qua việc tôi chia sẻ về trường hợp của mình, sẽ thắp lên hi vọng cho cộng đồng về việc chúng ta có thể vượt qua bệnh dịch như thế nào,” Trần Vũ Kiều Phương nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51922163

Virus corona:

Việt Nam có thể tạm đóng cửa với toàn thế giới

Trọng Nghĩa
Nhằm ngăn chặn dịch virus corona (Covid-19), Việt Nam đang chuẩn bị một biện pháp rất triệt để: Tạm thời dừng cấp thị thực nhập cảnh đối với tất cả các nước trên thế giới trong vòng 15 đến 30 ngày. Theo báo chí trong nước ngày 17/03/2020, đây là quyết định vừa được thủ tướng Việt Nam nêu lên trong một cuộc họp ngày 16/03. Tuy nhiên, thời điểm áp dụng chưa được loan báo.
Theo hãng tin Anh Reuters, Việt Nam đã đi đến quyết định tạm thời đóng cửa đất nước trong bối cảnh các ca lây nhiễm virus corona gia tăng trong những tuần lễ gần đây sau một thời gian dài cố định ở mức 16 ca. Tính đến hôm nay, cả nước Việt Nam đã bị 61 trường hợp nhiễm Covid 19, trong đó có nhiều ca do người từ nước ngoài mang vào rồi lây cho người trong nước.
Cho đến gần đây, Việt Nam mới chỉ cấm nhập cảnh đối với người đến từ hay đã đi qua những ổ dịch lớn trên thế giới, chẳng hạn như từ các nước châu Âu trong khối Schengen và Vương quốc Anh, trong vòng 14 ngày trước khi đến Việt Nam.
Để giải thích cho quyết định mở rộng phạm vi cấm nhập cảnh đối với toàn bộ các nước trên thế giới, chính quyền Việt Nam đã cho rằng đó là một biện pháp quan trọng để kềm hãm đà lây lan của dịch bệnh.
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200318-virus-corona-vi%E1%BB%87t-nam-c%C3%B3-th%E1%BB%83-t%E1%BA%A1m-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-v%E1%BB%9Bi-to%C3%A0n-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi

Hàng nghìn người Việt từ Châu Âu, Đông Nam Á về nước

Cục Hàng không Việt Nam vào ngày 18/3 cho biết có gần 1.100  khách từ Châu Âu về Việt Nam, trong đó 999 khách là người Việt hồi hương.
Mạng báo Vietnamplus loan tin này vào cùng ngày trích báo cáo của Cục hàng không Việt Nam.
Theo đó, 999 khách Việt Nam hồi hương có 325 khách về từ Anh, Pháp, Đức.
Cũng trong ngày 18/3, Cục cho biết có hơn 5.700  khách từ khu vực Đông Nam Á về Việt Nam trên 78 chuyến bay. Trong số này, sân bay Nội Bài đón 22 chuyến với 1.623 khách. Sân bay Đà Nẵng đón 7 chuyến, 342 khách. Sân bay Cam Ranh đón 2 chuyến, 220 khách. Sân bay Liên Khương đón 2 chuyến, 159 khách. Sân bay Tân Sơn Nhất đón 43 chuyến với 3.159 khách. Sân bay Cần Thơ và Phú Quốc chỉ đón 1 chuyến với số khách tương ứng là 129 và 79 khách.
Tin từ VietnamAirlines cho biết, từ đêm 17/3, các chuyến bay giữa Việt Nam và Pháp tạm thời bị dừng khai thác cho đến khi có thông báo mới. Các chuyến bay giữa VN và Anh, Đức vẫn được duy trì. Tại Đông Nam Á, VNA cũng tạm dừng khai thác đường bay giữa VN và Malaysia từ ngày 18/3 đến 31/3/2020 do Chính phủ Malaysia phong toả biên giới.
Bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/3, VN cũng tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh VN trong 30 ngày theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Các trường hợp được miễn thị thực hoặc có giấy miễn thị thực cấp cho người gốc Việt và thân nhân, một số trường hợp đặc biệt khác (như chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao…) khi nhập cảnh phải có giấy xác nhận không dương tính với virus Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp và giấy này được Việt Nam chấp thuận. Các biện pháp nêu trên không áp dụng đối với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ.
Trong cùng ngày, Bộ Y tế ra thông báo khẩn về 11 chuyến bay có hành khách mắc Covid-19.
Bộ đề nghị tất cả hành khách trên 11 chuyến bay liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố để được hướng dẫn theo dõi sức khoẻ. Ngoài ra các đại lý bán vé máy bay cho các hành khách trên các chuyến bay đó có trách nhiệm thông báo cho hành khách biết tình hình dịch bệnh cần phải theo dõi giám sát.
Cụ thể, 11 chuyến bay từ London-Bangkok ngày 15/3; Moscow-Hà Nợi ngày 12/3; Istanbul-TPHCM ngày 8/3; Đài Loan-TPHCM ngày 16/3; Dubai-TPHCM ngày 12/3; Doha-Hà Nội ngày 10/3; Bangkok-Hà Nội ngày 15/3; Malaysia-Hà Nội ngày 4/3; Singapore- Hà Nội ngày 15/3; TPHCM –Phú Quốc ngày 9/3 và Phú Quốc –TPHCM ngày 13/3.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thousands-of-vietnamese-from-european-sea-nations-return-home-03182020084729.html

Quân đội Việt Nam ‘sẵn sàng’ tiếp nhận,

cách ly gần 40 ngàn người

Hôm 18/03, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, theo kế hoạch mới nhất quân đội đã chuẩn bị 140 khu cách ly với 44.718 chỗ.
“Các khu cách ly của quân đội hiện đã sẵn sàng cơ sở vật chất để tiếp nhận gần 38.000 người vào cách ly,” Cổng thông tin Chính phủ trích lời Thiếu tướng Kiên phát biểu tại cuộc họp báo hôm 18/03.
“Đồng thời, quân đội cũng đã xây dựng kế hoạch dự phòng, có thể huy động thêm 10.000-20.000 chỗ để sẵn sàng tiếp nhận tổ chức cách ly tập trung theo quy định,” ông Kiên cho biết thêm.
Cũng theo Cổng thông tin Chính phủ, tổng số người cách ly từ đầu dịch đến nay là hơn 21.000 người. Trong số này, khoảng 14.000 người đã hoàn thành cách ly. Tính đến sáng 18/3, quân đội hiện đang cách ly 6.986 người.
Hôm 18/03, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, nói rằng “phải tăng cường tốc độ ứng phó,” vì tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới “rất phức tạp, đang xấu đi rất nhanh” so với dự tính của nhiều chuyên gia trong nước và thế giới, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ.
Truyền thông trong nước loan tin Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã thảo luận giải pháp kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh để ngăn chặn dịch từ ngoài lan vào trong nước; triển khai công tác tiếp nhận người nhập cảnh vào Việt Nam và tổ chức cách ly, và nhiều giải pháp khác.
Hôm 17/03, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra thông báo tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 0h ngày 18/03/2020, đồng thời cách ly tập trung người nhập cảnh từ Mỹ, châu Âu, các nước ASEAN.
https://www.voatiengviet.com/a/quan-doi-vientm-san-sang-tiep-nhan-cach-ly-gan-40-ngan-nguoi/5333789.html

Thêm du khách Anh than phiền

về nơi cách ly dịch COVID-19 tại Việt Nam

Một nam du khách người Anh 68 tuổi, tên Adrian Goldthorpe, chỉ trích nơi cách ly dịch COVID-19 tại Việt Nam. Ông này là một giám đốc tài chính từ Anh bay đến Hà Nội vào tuần trước.
Mạng báo Daily Mail loan tin ngày 18/3. Cụ thể Ông Goldthorpe đi từ Sân bay London Heathrow đến Hà Nội vào thứ Hai ngày 9 tháng 3. Sau đó, ông và một nhóm du khách Anh được đưa đến một khách sạn, nơi được dùng để cách ly nhưng với điều kiện vệ sinh kém. Ông thuộc số 27 người bị buộc phải dùng chung một nhà vệ sinh, không có nước nóng để tắm hoặc rửa tay.
Trong phòng ngủ chung với nhiều người khác, giấy vệ sinh, những hộp sữa nhỏ, mì khô, túi trà và cà phê hòa tan đều được để trên một cái bàn. Ông chất vấn về việc có túi trà và cà phê hòa tan, vì nơi này không hề có nước nóng.
Ông Goldthorpe cho biết vào ngày 17 tháng 3, một thành viên trong nhóm đã xét nghiệm dương tính với Sars-Cov 2. Hiện ông đang chờ chuyển đi đến một khu cách ly khác để họ có thể tiến hành khử trùng khu vực ông đang phải ở để cách ly.
Hôm 10/3, Sky News cũng phỏng vấn hai khách du lịch Anh khác bị cách ly tại Việt Nam. Những khách này cũng chê bệnh viện tại Việt Nam mất vệ sinh và yêu cầu Đại sứ quán Anh phải can thiệp giúp đỡ họ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/british-tourist-tells-of-coronavirus-quarantine-hell-in-prison-like-vietnam-hotel-03182020092440.html

Vì COVID-19, dừng xét xử vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình

Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hòa Bình hôm 18/3/2020 quyết định dừng phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi Trung học Phổ thông (THPT) năm 2018 ở tỉnh này. Lý do nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch COVID-19.
Truyền thông trong nước loan tin cho biết trước đó, TAND tỉnh Hòa Bình dự kiến sẽ đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm vào ngày 23/3.
Lãnh đạo TAND tỉnh Hòa Bình cho báo chí biết, phiên tòa sẽ dừng ít nhất đến hết tháng 3, nhưng chưa có lịch mở lại. Nếu bắt buộc phải mở phiên tòa, tòa sẽ chỉ triệu tập những người tham gia tố tụng đến dự nhằm tránh lây lan dịch bệnh.
Trong vụ án gian lận điểm thi Trung học Phổ thông (THPT) năm 2018 ở tỉnh Hòa Bình, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã truy tố 14 bị can về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ luật hình sự 2015.
Hai trong số 14 bị can vừa nêu, bị can Đỗ Mạnh Tuấn – cựu hiệu phó Trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy, bị truy tố thêm tội nhận hối lộ theo điều 354; và bị can Hồ Chúc – giáo viên Trường THPT Thanh Hà, huyện Lạc Thủy bị truy tố thêm tội Đưa hối lộ theo điều 364.
Năm 2018, Việt Nam áp dụng việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học làm tiêu chí để xét tuyển vào đại học thay vì tổ chức một kỳ thi vào đại học riêng như trước kia. Tuy nhiên, ngay trong kỳ thi năm 2018, các cơ quan chức năng đã phát hiện một loạt vụ gian lận điểm thi tại nhiều tỉnh trên cả nước. Những tỉnh có nhiều gian lận bị điều tra là Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình, Lạng Sơn.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/because-of-covid-19-stop-the-trial-of-the-exam-fraud-case-in-hoa-binh-03182020075652.html

Lạng Sơn đề nghị đưa lao động Việt

 sang Trung Quốc hỗ trợ bốc xếp hàng hoá

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn vừa đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương cho phép đưa lao động người Việt Nam sang bốc xếp hàng hoá tại các bãi hàng của Trung Quốc ở biên giới trước tình trạng hàng hoá tồn đọng ở các cửa khẩu vì ảnh hưởng dịch COVID-19 như hiện nay.
Báo trong nước loan tin hôm 18/3 cho biết đó là ý kiến của ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, trong buổi làm việc gần đây về tình hình xuất khẩu nhập khẩu hàng hoá với Bộ Công thương.
Tin cho biết hiện nay tại các cửa khẩu vẫn còn tồn đọng hơn 1000 xe hàng, chủ yếu là nông sản. Trong đó, Lạng Sơn là tỉnh có nhiều hàng hoá tồn đọng với 114 xe hàng nông sản, linh kiện điện tử tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, 788 xe nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh, 11 xe tại cửa khẩu Cốc Nam, 72 xe tại cửa khẩu Chi Ma, và 8 xe chở thanh long tại cửa khẩu ga Đồng Đăng.
Cũng liên quan đến dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn hôm 17/3 cho biết 90 ngàn bác sĩ và 125 ngàn điều dưỡng cả nước đã được huy động sẵn sàng tham gia chống dịch.
Truyền thông trong nước nói trong kịch bản dịch bệnh lan rộng, ngành Y tế Việt Nam dự kiến huy động thêm sinh viên năm cuối ngành Y và Dược.
100 sinh viên năm cuối của trường Đại học Y Hà Nội cũng được nói đã viết đơn tình nguyện đến sân bay Nội Bài chặn dịch COVID-19.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/lang-son-proposed-to-bring-vietnamese-laborers-to-china-to-assist-in-loading-goods-03182020084228.html

Chính phủ kêu dân chung tay chống dịch COVID-19!

Diễm Thi, RFA
Sáng 17 tháng 3 năm 2020, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi mỗi người dân, đặc biệt là giới doanh nhân, các giới, các đơn vị… tùy theo khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người góp hiện vật, người góp sức, người góp ý tưởng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng, kể cả bà con ở nước ngoài, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc bao đời, đem lại sức mạnh để Việt Nam vượt mọi khó khăn thử thách chống đại dịch.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng thời nêu những hành động mà ông gọi là ‘nhường cơm, sẻ áo’ của các cá nhân và tổ chức trong việc phòng, chống dịch bệnh. Chẳng hạn trường hợp cháu bé lấy tiền mừng tuổi của mình để mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng mọi người; hay nhà khoa học đã sáng chế ra dung dịch sát khuẩn tặng hàng ngàn chai cho người dân… Ông Phúc cũng đề cập đến các mạnh thường quân, văn nghệ sĩ đứng ra quyên góp chia sẻ với cộng đồng.
Theo ông Phúc thì những đóng góp như thế góp phần xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam đoàn kết, an toàn và nhân ái.
“Lá lành đùm lá rách” là truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh thì tự người dân họ có những quyên góp để giúp đỡ lẫn nhau một cách tự nguyện. Nhưng với sự kêu gọi từ thủ tướng thì người dân lại có những phản ứng khác nhau.
Rất vô lý và nực cười. Các quan chức ai cũng giàu. Vơ vét của dân. Nhà ở ba, bốn căn biệt thự. Tiền thì không biết cơ man nào. Con cái đi học nước ngoài, mua nhà cửa ở nước ngoài. Vậy sao không bỏ tiền ra lo cho dân đi. Tiền thuế của dân đâu? – Chị Nguyễn Lai
Chị Nguyễn Lai từ Nha Trang nêu ý kiến của mình khi nghe kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
“Rất vô lý và nực cười. Các quan chức ai cũng giàu. Vơ vét của dân. Nhà ở ba, bốn căn biệt thự. Tiền thì không biết cơ man nào. Con cái đi học nước ngoài, mua nhà cửa ở nước ngoài. Vậy sao không bỏ tiền ra lo cho dân đi. Tiền thuế của dân đâu?
Hơn nữa việc lo cho dân khi dịch bệnh, thiên tai là trách nhiệm của nhà nước. Tại sao lại kêu gọi dân đóng góp?
Nếu chị có tiền chị sẽ giúp những người chị muốn chứ không theo yêu cầu của chính phủ. Cứ xem các nước tư bản họ lo cho dân trong mùa dịch như thế nào. Trong khi đó ở Việt Nam, ông Trọng với bà Ngân thì không thấy mặt luôn!”
Hẳn người dân chưa quên các quan chức có tài sản ‘khủng’ được báo chí phanh phui mà người dân bình thường làm lụng cả đời cũng không thể nào có được.
Cuối năm 2014, hai quần thể biệt thự xây dựng trái phép dưới chân núi Hải Vân (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bị phát hiện. Chủ nhân là ông Phan Như Thạch – một thiếu tướng công an vừa về hưu và đại gia vàng tên Ngô Văn Quang.
Đầu năm 2015, báo Tiền Phong đăng bức ảnh ông Nông Đức Mạnh ngồi trên một chiếc ghế lớn, chạm trổ đầu rồng màu vàng, nói chuyện với Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh tại tư gia.
Tháng 5 năm 2017, dư luận lại tròn mắt kinh ngạc khi chứng kiến hình ảnh 2 căn biệt thự hoành tránh, xa hoa của anh em ông Nguyễn Đức Vượng (Bí thư huyện Duy Tiên, Hà Nam) tọa lạc tại khu đô thị Hòa Mạc (thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên).
Hai căn biệt thự này được thiết kế theo lối kiến trúc của Pháp, mái đỏ, cửa gỗ, kết hợp với các đường nét và hệ thống chi tiết cầu kỳ. Điểm nhấn là hệ thống cột tròn và vuông. Nhìn từ bên ngoài, 2 căn biệt thự này không khác gì cung điện.
Gần đây, người dân lại xôn xao với hình ảnh giàu có của ông Nguyễn Quang Thuấn, phó chủ tịch Hội Đồng Lý Luận Trung Ương Đảng CSVN.
Anh Nguyễn Văn Vũ, một người dân Sài Gòn cho rằng chuyện kêu gọi đóng góp chống dịch là chuyện lố bịch và nực cười. Anh giải thích:
“Các quan chức đi công tác nước ngoài từng đoàn, kể cả mấy người đã về hưu. Hoang phí tiền thuế của dân. Lúc chi tiền vậy họ có hỏi dân đâu mà giờ mở miệng kêu dân đóng góp.
Tôi đã không tin chính quyền này từ lâu rồi. Họ không bao giờ công khai, minh bạch một chuyện gì nên kêu góp một đồng tôi cũng không  góp vì không biết tiền đó sẽ đi đâu”.
Anh Vũ nhắc lại chuyện Thanh tra Chính phủ cử nhiều cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi công tác nước ngoài học kinh nghiệm bằng tiền thuế của dân vào tháng 4 năm 2018.
Lúc bấy giờ, Thanh tra Chính Phủ ký quyết định đi công tác nước ngoài cho 4 cán bộ sắp về hưu, gồm Phó Chánh văn Phòng Thanh tra Chính Phủ Lê Khả Thanh; Cục phó Cục III Vũ Huy Tác, Cục trưởng
cục Phòng chống Tham nhũng Phạm Trọng Đạt và Thanh tra viên cao cấp Nguyễn Thanh Hải. Kinh phí cho chuyến đi trên được chi trả bằng tiền từ ngân sách.
Đây không phải lần đầu tiên chính phủ Việt Nam kêu gọi bà con trong và ngoài nước chung tay chống dịch. Hôm 8 tháng 2, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Ngoại giao khuyến khích các tổ chức quốc tế và kiều bào hỗ trợ, cung cấp các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh do virus cororna gây ra.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng, việc giúp đỡ người dân trong nước là rất cần thiết nhưng quan trọng là cách giúp như thế nào để quà thực sự đến tay người dân. Ông giải thích:
“Phải giúp một cách trực tiếp như thông qua các tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam hay qua các tổ chức tôn giáo độc lập để đảm bảo rằng những sự trợ giúp đấy sẽ đến trực tiếp với người dân Việt Nam, chứ không thông qua các tổ chức của Chính phủ Việt Nam hay các tổ chức gọi là ‘cánh tay nối dài’ của Đảng Cộng sản. Chúng ta không nên giúp đỡ qua các tổ chức như vậy.”
Với cái nhìn của một doanh nhân, bà Lê Hoài Anh cho rằng, dịch bệnh lần này ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu. Kinh doanh bị ảnh hưởng dây chuyền và chuyện kinh doanh của bà cũng bị ảnh hưởng. Do đó, bà phải chung tay chống dịch trong khả năng và nhận thức của bà, từ trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi. Bà nói:
Dịch bệnh xảy ra thì ai cũng bị ảnh hưởng, công việc kinh doanh của chị cũng vậy. Cứu người cũng là cứu mình! – Bà Lê Hoài Anh
“Dịch bệnh xảy ra thì ai cũng bị ảnh hưởng, công việc kinh doanh của chị cũng vậy. Cứu người cũng là cứu mình!
Thật ra khi bác Phúc chưa kêu gọi thì chị có đọc trên mạng xã hội cũng như qua các bác sĩ quen, chị biết bác sĩ rất thiếu khẩu trang. Bác sĩ là những người giúp chúng ta chống dịch bệnh, cho nên chị đã đặt tiền trước cho nhà máy xản xuất 30.000 cái khẩu trang. Các bác sĩ mà nhiễm bệnh, họ không được bảo vệ thì làm sao họ cứu bệnh nhân?”
Bà kể thêm rằng, trước đây bà đã giúp hàng trăm chiếc khẩu trang 3M cho những người làm việc ở các cửa khẩu, bởi họ là tuyến đầu hàng ngày hàng giờ tiếp xúc với những người từ nước ngoài về.
Đại dịch CODIV-19 không chừa một quốc gia nào. Tính đến cuối ngày 17 tháng 3, thống kê mới nhất cho thấy đã có 163 quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt virus corona với hơn 197.000 ca nhiễm và hơn 7.900 người chết.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/llllllllvietnam-gov-asks-pp-help-to-fight-covid-19-dt-03172020143529.html

Tin Biển Đông – 18/03/2020

Tin Biển Đông – 18/03/2020

Cuộc tập trận hải quân mới nhất của Mỹ ở Biển Đông

và những phản ứng của TQ có gì đáng chú ý?

Ngày 13/3, Hạm đội 7 – Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ thông báo đã tiến hành cuộc tập trận tác chiến hỗn hợp tại Biển Đông với nhiều phương tiện, lực lượng tham gia. Giới học gia và chuyên gia các nước quan tâm, chú ý nhiều đến động thái này của Mỹ và phản ứng của Bắc Kinh.
Lực lượng tham gia, nội dung tập trận
Ngày 15/3, Hạm đội 7 – Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ thông báo đã tiến hành cuộc tập trận tác chiến hỗn hợp tại Biển Đông. Nhiều loại tàu chiến tham gia, trong đó có tàu đổ bộ USS America (LHA-6) thuộc lớp America, tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) thuộc lớp Independence, các loại máy trực thăng, máy bay chiến đấu hiện đại như F-35. USS America, được trang bị máy bay chiến đấu cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) và một số máy bay trực thăng, là loại tàu mặt nước lớn có sàn đáp phẳng, thường được xem và sử dụng như một tàu sân bay nhỏ.
Hải quân Mỹ thông báo nội dung tập trận xoay quanh nội dung chỉ huy, phối hợp tác chiến và các diễn tập tác chiến mang tính chiến thuật. Với sự phối hợp của chiến hạm cận bờ góp phần làm tăng sự linh hoạt – một yếu tố quan trọng của Nhóm đột kích viễn chinh USS America. Qua đó, theo hải quân Mỹ, sự phối hợp tạo ra một cách thức mới để phối hợp hoạt động ở một trong các vùng biển quan trọng nhất thế giới. Hạm đội 7 – Thái Bình Dương cũng khẳng định Nhóm đột kích viễn chinh USS America có vai trò tiên phong trong các hoạt động phối hợp cùng đối tác và đồng minh, nhằm sẵn sàng hành động để đảm bảo an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
Cách thức mới ở đây có thể hiểu là việc tàu đổ bộ USS America với khả năng mang theo chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 và triển khai tác chiến cùng loại tiêm kích này, khi kết hợp cùng tàu chiến cận bờ thì có thể hình thành nên một nhóm đột kích có khả năng hành động như nhóm tác chiến tàu sân bay. Tuy không mang theo nhiều chiến đấu cơ như tàu sân bay, nhưng Nhóm đột kích viễn chinh với tàu đổ bộ thuộc lớp America, hay lớp Wasp, lại có ưu thế về tính linh hoạt, khả năng phản ứng nhanh.
Phản ứng từ Bắc Kinh
Thông tin cuộc tập trận của tàu USS America và tàu USS Gabrielle Giffords được đưa ra trong chưa đầy 5 ngày sau khi Mỹ điều động tàu khu trục USS McCampbell thực thi tự do hàng hải (FONOP) ở quần đảo Hoàng Sa. Truyền thông Trung Quốc dẫn lời Phát ngôn viên Chiến khu miền Nam của Trung Quốc tỏ ý chỉ trích việc chiến hạm USS McCampbell tiến hành FONOP. Phản ứng lại chỉ trích của phía Trung Quốc, Phát ngôn viên Hạm đội 7 Reann Mommsen cho rằng hành động của Mỹ là nhằm đáp trả tuyên bố phi pháp của Trung Quốc về chủ quyền, vốn đặt ra “mối đe dọa chưa có tiền lệ ở Biển Đông”.
Báo giới Trung Quốc phản ứng gay gắt. Tờ Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc dẫn tin từ tài khoản của hải quân Mỹ trên Twitter nói tàu tấn công đổ bộ America và tàu chiến đấu duyên hải Gabrielle Giffords đã đi thuyền cùng nhau trong các hoạt động ở Biển Đông. Tờ báo không quên dẫn lời “chuyên gia quân
sự” trong nước chê bai sức mạnh của hải quân Mỹ. “Các tàu chiến Mỹ, bất kể lượng choán nước lớn và công nghệ tiên tiến, thực sự là “hổ giấy” ở Biển Đông, vì Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có lợi thế áp đảo ở đó, các chuyên gia quân sự cho biết Mỹ một lần nữa gửi hải quân các tàu đến Nam Hải ngày sau khi các lực lượng vũ trang Trung Quốc trục xuất một tàu chiến Mỹ xâm nhập trái phép vào vùng biển này”, Hoàn cầu thời báo viết.
Nhận định từ giới chuyên gia
Tiến sỹ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng: “Dù thế giới đang tập trung vào việc giải quyết dịch bệnh Covid-19, nhưng nhiều nước vẫn không hề bỏ lơ các vấn đề được xem là an ninh quốc gia. Và Trung Quốc thời gian qua vẫn không ngừng tiến hành các hoạt động tăng cường ảnh hưởng”.
Phó Giáo sư Stephen Robert Nagy, Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế (Nhật Bản) nhận định “Mỹ cần có biện pháp để ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc. Điển hình như Mỹ tổ chức để tàu đổ bộ USS America và tàu chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords phối hợp tập trận trên Biển Đông. Điều này có nghĩa Washington thể hiện quyết tâm ngăn chặn các động thái leo thang quân sự mà Bắc Kinh tiến hành trên Biển Đông”. Việc phối hợp hoạt động của chiến hạm cận bờ USS Gabrielle Giffords vào Nhóm tác chiến viễn chinh America là một bước ngoặt quan trọng, bởi Mỹ đang tạo ra một cách tiếp cận toàn diện để đẩy lùi các hành vi của Bắc Kinh trên Biển Đông và hơn thế nữa. Washington đang nỗ lực tìm cách hợp nhất tất cả các lợi thế để xây dựng một phương án ngăn chặn việc Bắc Kinh đang muốn thay đổi cán cân quân sự trong khu vực. Với chiến lược này, Mỹ sẽ xây dựng một nền tảng để các đối tác và đồng minh có thể cùng phối hợp cho một chiến lược chung nhằm đảm bảo trật tự chung cho thế giới. Trong đó, tầm nhìn của Mỹ có thể được chia sẻ bởi các nước trong khu vực Đông Nam Á khi Trung Quốc có những hành động khó lường.

Tàu đổ bộ ‘khủng’ của TQ sẽ náo loạn Biển Đông

Việc tập trung phát triển tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn như Type-071, Type-075 phản ánh rõ hơn mục tiêu thể hiện sức mạnh mà hải quân Trung Quốc hướng đến.
Tuần qua, tờ Hoàn Cầu thời báo đăng tin Trung Quốc chuẩn bị giới thiệu chiến hạm thứ hai thuộc lớp Type-075 là loại tàu đổ bộ cỡ lớn mang theo máy bay trực thăng. Chiếc tàu này đang được hoàn thiện tại một nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải. Trước đó, chiếc Type-075 đầu tiên đã được ra mắt hồi tháng 9.2019.
Thông điệp đáng lo
Tàu Type-075 có độ choán nước toàn tải xấp xỉ 40.000 tấn, dài khoảng 237 m và có thể mang theo 30 trực thăng chiến đấu đa nhiệm. Theo tờ Hoàn Cầu thời báo, Bắc Kinh dự kiến trang bị các loại trực thăng chiến đấu Z-8 và Z-9, xa hơn là loại máy bay Z-20 cho tàu Type-075. Cả hai loại trực thăng Z-8 và Z-9 đều có khả năng tác chiến đa nhiệm, tấn công tàu chiến và cả đất liền.
Đặc biệt, Z-9 còn có thể phóng tên lửa đối không và tích hợp cả khả năng săn tàu ngầm. Chính vì thế, tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng Z-8 hay Z-9 có thể được triển khai cho các hoạt động tấn công đảo, đổ bộ tấn công quy mô lớn vào đất liền.
So sánh với tàu vận tải đổ bộ như Type-071, thì Type-075 mang theo lượng khí tài nhiều hơn, đồng thời trong tương lai có thể được sử dụng cùng máy bay tiêm kích cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng để trở thành tàu sân bay. Đây chính là mô hình mà Mỹ đang áp dụng với tàu đổ bộ lớp America, lớp Wasp, hay Nhật Bản có tàu sân bay lớp Izumo, Úc có tàu tương tự là lớp Canberra… Type-071 không hề đáp ứng được những mục tiêu này.
Bắc Kinh không chỉ muốn giới hạn trong các cuộc tấn công chớp nhoáng như đối với các xung đột có thể xảy ra trên Biển Đông hay eo biển Đài Loan, mà thậm chí sẽ hoạt động xa bờ, mang tính viễn chinh rộng ra khu vực liên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn một số thông tin khẳng định tàu Type-075 đóng vai trò quan trọng để khi cần thiết thì có thể được sử dụng nếu tiến hành thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Và khi kết hợp với tàu Type-071, thì tàu Type-075 sẽ hình thành nên nhóm tấn công đổ bộ để không chỉ triển khai hướng đến Đài Loan mà còn cả những hoạt động được gọi là “bảo vệ sự thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”. Thông điệp này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh có thể triển khai tàu Type-075 kết hợp cùng Type-071
cho các mục tiêu trên Biển Đông. Bởi từ năm 2015 thì luật an ninh quốc gia của Trung Quốc đã đưa Biển Đông vào nhóm “lợi ích cốt lõi”.
Tham vọng không dừng lại
Hôm qua (16.3), trả lời Thanh Niên, TS Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận định tốc độ đóng mới tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng thứ 2 thuộc Type-075 phản ánh nhiều thực tế trong việc hiện đại hóa của hải quân Trung Quốc. Dường như dự án tàu vận tải đổ bộ lớp Type-071 đang bị chững lại – dù đã đóng được 7 chiếc. Qua đó, nhiều khả năng hải quân Trung Quốc đang tập trung vào việc phát triển tàu đổ bộ cỡ lớn, mà Type-075 đóng vai trò trọng tâm nhằm tăng cường cả khả năng đổ bộ lẫn tấn công.
“Thực tế, đến nay thì các tàu vận tải đổ bộ loại nhỏ hơn vẫn đang đóng vai trò chủ chốt đối với hải quân Trung Quốc. Nhưng đây là mô hình có từ thời Chiến tranh Lạnh, nên có lẽ không còn phù hợp với tham vọng mà Bắc Kinh đặt ra. Việc tập trung phát triển tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn như Type-071, rồi tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng Type-075 phản ánh rõ hơn mục tiêu thể hiện sức mạnh mà hải quân Trung Quốc hướng đến”, TS Koh nhận định và đặt vấn đề: “Đó là Bắc Kinh không chỉ muốn giới hạn trong các cuộc tấn công chớp nhoáng như đối với các xung đột có thể xảy ra trên Biển Đông hay eo biển Đài Loan, mà thậm chí sẽ hoạt động xa bờ, mang tính viễn chinh rộng ra khu vực liên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Mối đe dọa không nên bị bỏ lơ
Dù trong lúc cả thế giới đang ứng phó với dịch Covid-19 thì cũng đừng nên bỏ lơ mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc.
Thực tế, Trung Quốc gần đây không hề giảm bớt tần suất tăng cường quân sự. Bằng chứng là việc đang không ngừng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chiếc thứ hai thuộc lớp tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng Type-075. Đây là loại khí tài mang theo một lượng binh sĩ lớn cùng nhiều loại vũ khí hạng nặng mà có thể dùng đến cho các cuộc tấn công nhằm vào một số quốc gia ven Biển Đông, hay bên kia eo biển Đài Loan và thậm chí là mục tiêu xa hơn ở Ấn Độ Dương. Những chiếc tày Type-075 thể hiện cho tham vọng đó của Bắc Kinh.

Powered by Blogger.