Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Danh ca Thái Thanh đã về chốn “Nghìn trùng xa cách”

Wednesday, March 18, 2020 3:49:00 PM // ,

18 tháng 3  2020
Nữ danh ca Thái Thanh (trái) và con gái - ca sĩ Ý Lan Bản quyền hình ảnh TL
Image caption Nữ danh ca Thái Thanh (phải) và con gái - ca sĩ Ý Lan
Nữ danh ca Thái Thanh vừa giã từ cõi tạm ngày 17/3/2020 (giờ Nam California), hưởng thọ 86 tuổi.
Dẫu biết, thời gian gần đây, sức khoẻ danh ca Thái Thanh đã yếu, dẫu vẫn biết, sinh ly là chuyện thường hằng, nhưng sự ra đi của tiếng hát vượt thời gian này không khỏi để lại một ngậm ngùi…
Ngậm ngùi là bởi, tiếng hát Thái Thanh, không định khung trong những danh vị, như danh ca, tiếng hát vượt thời gian, hay "chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ", như nhận định của Thuỵ Khuê trong một tiểu luận, nay ra đi để lại một khoảng trống không thể bù đắp.
Nhạc sĩ Ngô Tín, trong cuộc trả lời phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt, thì gọi Thái Thanh là 'Tiếng hát trường cửu', theo cái nghĩa, đó là tiếng hát không thể và không bao giờ bị vượt qua. Hơn thế, bà là một tượng đài nghệ thuật thực sự, cũng theo lời nhạc sĩ Ngô Tín, hiện sống tại Mỹ.

"Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi"

Tự luyện giọng theo các lối dân ca và tự đọc sách nhạc tiếng Pháp, rồi đi hát và thành công từ năm 14 tuổi trong vùng kháng chiến, rồi vang danh cùng ban hợp ca Thăng Long của gia đình. Thái Thanh, nghệ danh mà bà lấy từ thập niên 1950 gắn liền với những bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy, cũng như những bản nhạc tiền chiến, nhạc tình miền Nam.
Đó là tiếng hát mà theo nhận xét của Jimmy - Nhựt Hà - từ chương trình 'The Jimmy show' (Saigon Entertainment Television) về các nghệ sĩ miền Nam, trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt, kết hợp giữa dân ca Bắc Bộ với opera phương Tây; giữa giọng nữ cao có kỹ thuật điêu luyện đến mức khiến ta không còn nhận ra đâu là kỹ thuật, với tình cảm dạt dào, rất có hồn trong từng ca từ và nốt nhạc, dễ đi vào lòng người.
"Nghe Thái Thanh hát 'Người đi qua đời tôi', nhất là ở câu kết, cô hát bằng tất cả tình cảm của mình, rất nức nở"- Jimmy - Nhựt Hà nói.
Dược sĩ Đoàn Trực, 49 tuổi, ở Nam Califfornia, một người hâm mộ tiếng hát Thái Thanh, thì nhận xét rằng, tiếng hát của bà "đại diện cho một nền âm nhạc hòa quyện những tinh tuý của Âu châu và Á Đông. Giọng hát, phong thái, tính cách của người ca sĩ tài danh đại diện cho một nền văn hóa quý phái, cao thượng và nhân văn của dân tộc Việt Nam".
Tự tiếng hát ấy đã mở ra một trường phái là vậy.
Nhưng đâu chỉ có thế?
Từ phải qua: Danh ca Thái Thanh, nhạc sĩ Ngô Tín, Ý Lan và bà Đặng Tuyết Mai, trong đêm ra mắt CD "Em bây giờ mắt biếc" của Ngô Tín năm 2007 tại Vũ trường Majestic. Bản quyền hình ảnh NVCC
Image caption Từ phải qua: Danh ca Thái Thanh, nhạc sĩ Ngô Tín, Ý Lan và bà Đặng Tuyết Mai, trong đêm ra mắt CD "Em bây giờ mắt biếc" của Ngô Tín năm 2007 tại Vũ trường Majestic.
Nhạc sĩ Ngô Tín trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt cho rằng, tự thân tiếng hát thôi không đủ, mà điều quan trọng là tiếng hát Thái Thanh đã gắn liền với những bước đi của lịch sử dân tộc Việt thế kỷ XX, từ những ngày kháng chiến, đến khi về Thành, vào Nam hay ra hải ngoại.
Nhạc sĩ Ngô Tín thì phân tích, "Thái Thanh sinh ra trong một gia đình văn nghệ gắn với ban Hợp ca Thăng Long với người anh là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, chị là ca sĩ Thái Hằng [vợ nhạc sĩ Phạm Duy- NV]. Dòng máu văn nghệ như vậy là đã hun đúc ngay từ trong gia đình. Thái Thanh là người chuyên chở dòng nhạc của Phạm Duy, mà những sáng tác của Phạm Duy đã theo những bước đường lịch sử của đất nước, nên tiếng hát Thái Thanh đi theo cùng vận nước là vậy. Cho nên, với tôi, Thái Thanh qua tiếng hát của mình, đã trở thành mẫu người tiêu biểu cho vận nước, một tượng đài, chứ không chỉ bằng tiếng hát đơn thuần không thôi".
Có lẽ cũng bởi nhận xét như thế, nên khi nghe tin bà qua đời, nói như nhạc sĩ Trần Quang Nam, trong bút đàm với BBC News Tiếng Việt, đồng ý với nhận xét ''khi nghe tin Thái Thanh mất, nhiều người ngậm ngùi không chỉ vì tin bà mất, mà là thương tiếc cho một thời đã qua".
Nhạc sĩ Trần Quang Nam viết tiếp: "Thái Thanh là một huyền thoại, một hình tượng và là một tiêu chuẩn trong thế giới âm nhạc Việt Nam. Những ca khúc, đặc biệt là những trường ca của Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Lê Thương… cũng là nhưng di sản của âm nhạc Việt Nam, thì những di sản đó khi đi đến người nghe, đã phải có Thái Thanh ở trong đó!"
"Giọng hát, cuộc đời ca hát của cô chính là một di sản lớn!" - nhạc sĩ 65 tuổi, tác giả 'Mười năm tình cũ', cư dân California từ năm 1975, lúc sau này về Việt Nam mở quán cà phê và sinh hoạt văn nghệ, nhấn mạnh.

Thần tượng của nhiều thế hệ

Nhạc sĩ Ngô Tín, khi hay tin danh ca Thái Thanh qua đời, cũng tâm sự với BBC News Tiếng Việt rằng, ông đã nghe tiếng hát Thái Thanh từ rất lâu, khi ông còn nhỏ và đi học ở Quy Nhơn.
Ngày đó, ông đi dạy học, chơi đàn, nhưng thay đổi đã đến khi ông nghe 'Chuyện tình buồn' (Phạm Duy, thơ Pham Văn Bình) qua tiếng hát Thái Thanh. Điều khiến ông quyết tâm trở thành người viết nhạc là sau khi ông nghe ca khúc này.
"Đó là năm 1973, tôi còn ở Quy Nhơn. Một lần, tôi nghe Thái Thanh hát 'Chuyện tình buồn' đã tạo cho tôi một xúc cảm thật đặc biệt. Và tự dưng, tôi cảm thấy trong tôi có một nguồn động lực, để quyết tâm rằng, tôi phải trở thành người viết nhạc. Từ đó, tôi đã chuyển từ guitar classic và flamenco qua sáng tác".
"Năm 2007, tôi gom 10 ca khúc yêu thích nhất trong số gần 200 ca khúc mà tôi đã sáng tác để ra mắt CD 'Em bây giờ mắt biếc'. Lễ ra mắt diễn ra tại California, trong đó, Ý Lan [con gái danh ca Thái Thanh] hát tới 4 bài. Ngày ra mắt album cũng là ngày tôi vinh danh cô Thái Thanh - người đã trở thành động lực thôi thúc tôi trở thành nhạc sĩ - trước khán phòng khoảng 500 người, như một lời cảm ơn. Hôm đó, danh ca Thái Thanh cùng Ý Lan và chi Tuyết Mai lên sân khấu tặng hoa."
Nhạc sĩ Ngô Tín tâm sự: "Nhưng không chỉ là động lực, khi nghe những bài hát mà Thái Thanh thể hiện thì cũng như là tôi đã chọn cho mình một hướng đi rồi. Từ đó, những tình khúc mà tôi viết được định hình theo hướng đó. Tiếc là sau này, danh ca Thái Thanh đã lớn tuổi, nên những ca khúc của tôi không còn có cơ hội được thể hiện qua tiếng hát của cô; nhưng bù lại, Ý Lan lại là người chuyên chở nhiều ca khúc của tôi nhiều nhất".
Còn nhạc sĩ Trần Quang Nam thì kể rằng, ông chỉ gặp Thái Thanh một lần, nhưng hình như lúc nào Thái Thanh cũng như một người thân, bởi "tôi sinh ra và lớn lên trong hầu như mỗi ngày với tiếng hát của chị, ở đài phát thanh, ở truyền hình, ở mọi nơi có tiếng hát của chị!".
Với một người thuộc thế hệ sau, Jimmy- Nhựt Hà biết đến tiếng hát Thái Thanh ngay từ nhỏ, khi còn ở Việt Nam qua những băng nhạc mà ba anh thường nghe và đã ái mộ tiếng hát của cô từ đó.
Jimmy - Nhựt Hà và ca sĩ Quỳnh Hương (con gái danh ca Thái Thanh) Bản quyền hình ảnh NVCC
Image caption Jimmy - Nhựt Hà và ca sĩ Quỳnh Hương (con gái danh ca Thái Thanh)

Những 'món nợ' ân tình

Jimmy - Nhựt Hà nói rằng, việc anh chưa thực hiện được một chương trình riêng với danh ca Thái Thanh, để khán giả được nghe 'tiếng hát vượt thời gian' này tâm tình, khiến anh thấy tiếc nuối:
"Ngay từ những ngày đầu làm Jimmy Show, tôi rất muốn được làm một tập về danh ca Thái Thanh. Jimmy có liên lạc với gia đình, nhưng lúc đó sức khoẻ của cô Thái Thanh không cho phép. Bởi vậy, từ chiều đến giờ, Jimmy rất buồn và tiếc nuối vì chưa làm được một tập để khán giả nghe cô Thái Thanh tâm tình. Nếu gia đình đồng ý, Jimmy sẽ thực hiện một tập tưởng niệm danh ca Thái Thanh", Jimmy nói.
Còn nhà báo Nguyễn Vy Tuý, từ Úc châu, thì lại nói rằng, ông cũng như nhiều người Việt tỵ nạn vẫn còn 'mắc nợ' tiếng hát Thái Thanh.
Bởi theo ông, một giọng ca có ảnh hưởng vào các giai đoạn trong đời mình,"từ lúc bé thơ đã nghe 'Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời người ơi', đến lúc biết yêu mà dang dở 'người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người', rồi khi phải bỏ nước ra đi: 'Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi, còn gì đâu nữa, mà khóc với cười'... mà mình lại chưa mua một dĩa CD gốc của ca sĩ ấy, hay đến xem họ trình diễn, hoặc tặng họ một bó hoa... để tỏ lòng ngưỡng mộ, thì thực sự mình còn mắc nợ họ".
"Đối với người Việt hải ngoại, thời gian Thái Thanh còn kẹt trong nước khiến ai nấy ngậm ngùi, nhớ thương. Nhưng đến khi cô ấy ra được hải ngoại lại rất hiếm khi xuất hiện trên các sân khấu. Riêng dân Việt tại Úc thì chưa có lần nào hân hạnh đón tiếp 'giọng hát vượt thời gian' ấy đến thăm. Vậy thì chúng tôi vẫn còn nợ Thái Thanh là như vậy".
"Thôi thì, riêng tôi trả nợ bằng cách cầu cho giọng ca ấy được an nhiên nơi miền vĩnh phúc", nhà báo Nguyễn Vy Tuý nói với BBC News Tiếng Việt.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.