Tin Việt Nam – 18/03/2020
Wednesday, March 18, 2020
6:32:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Hàng chục người ở Quảng Ngãi bị bắt
vì phản đối việc đổ rác bừa bãi
Tin từ Quảng Ngãi: Vào tuần trước, nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Quảng Ngãi đưa hàng trăm cảnh sát cơ động đến thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ nhằm giải tán người dân đang án ngữ ở bãi rác ngăn cản không cho xe rác vào đổ và bắt giữ khoảng 20 người.Theo RFA, cảnh sát được trang bị khiên chắn, dùi cui, và khuyển cảnh để đối phó với hàng trăm người dân. Đã có xô xát giữa hai bên và cảnh sát bắt giữ người phản đối. Sau nhiều giờ bị giam giữ, một số người đã được trả tự do trong cùng ngày. Không rõ số người mà công an còn bắt giữ là bao nhiêu và họ có thể bị khởi tố với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” hoặc “chống người thi hành công vụ.”
Sự việc bắt đầu vào năm 2018 khi nhà máy tiêu huỷ rác thải MD hoạt động xả khói, xả thải trực tiếp ra đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường và vị trí của nhà máy chỉ cách khu dân cư 500 mét. Người dân đã thiết lập rào chắn ngăn chặn các xe rác tiếp tục đem rác thải đến đổ ở đây từ đó cho đến nay.
Vào tháng 9 năm 2019, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã cam kết không đưa rác từ địa phương khác về tái chế ở nhà máy này, và chỉ tái chế số rác hiện có ở khu vực này. Tuy nhiên, người dân địa phương không đồng ý và yêu cầu nhà máy phải di dời ngay lập tức. Họ cũng không tin tưởng vào việc nhà máy sẽ tái chế số rác tồn đọng mà không gây ô nhiễm môi trường một cách trầm trọng như thời gian trước đó.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/hang-chuc-nguoi-o-quang-ngai-bi-bat-vi-phan-doi-viec-do-rac-bua-bai/
Công an tiếp tục ‘lập biên bản’
gia đình nhà hoạt động Trịnh Bá Tư
Ngày 17/3, nhà hoạt động vì quyền đất đai Trịnh Bá Tư cùng các thành viên trong gia đình bị lực lượng công an xã Ngọc Lương, quận Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình đến nhà làm việc về vấn đề hộ khẩu.Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 17/3, nhà hoạt động Trịnh Bá Tư cho biết:
“Trong vòng một tuần nay công an liên tục đến nhà tôi: lần đầu 14/3, lần thứ hai là ngày 16/3 và hôm nay. Mỗi lần đến huy động rất đông người, như sáng nay là hơn 10 người, có những người bịt khẩu trang và không nêu danh tính”.
Theo lời anh Trịnh Bá Tư, trong biên bản về buổi làm việc sáng 17/3 này, có mặt của ông Bùi Văn Sang, Trưởng công an xã Ngọc Lương, quận Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình và trưởng xóm, trưởng công an xóm.
Tuy nhiên, anh nêu ý kiến: “Ngoài lực lượng chức năng, còn có một vài người bịt khẩu trang, không nêu rõ họ tên khi tôi yêu cầu. Có một người xưng mình là dân quân cơ động, người này đã có thái độ khiêu khích, chửi bới gia đình nhà tôi trước mặt lực lượng công an”.
“Với việc gia đình tôi bị một người trong đoàn công tác lăng mạ, lực lượng chức năng không lên tiếng và không giải thích cho chúng tôi. Còn hai người bịt khẩu trang, từ chối nêu danh tính và sau đó bỏ đi thì công an cũng không giải thích gì thêm”, Trịnh Bá Tư tường thuật lại.
Trong văn bản được chiếu trên trang cá nhân của anh Trịnh Bá Tư, lực lượng công an làm việc với gia đình với nội dung:
“Tiến hành làm việc với anh Trịnh Bá Tư và bà Cấn Thị Thêu để giải quyết việc cả hai có hộ khẩu thường trú tại hai nơi: phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội và ở xóm Đại Đồng, Ngọc Lương, Yên Thuỷ, Hoà Bình.
Cũng theo vị cảnh sát này, hành vi trên không đúng với Khoản 4 Điều 4 Luật cư trú năm 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2013). Vì vậy, cần điều chỉnh cho hợp lý nhưng khi làm việc, anh Trịnh Bá Tư và bà Cấn Thị Thêu không hợp tác, không nhận giấy, không đồng ý đến trụ sở công an xã để làm việc. Và cả hai đã có lời lẽ bịa đặt, vu cáo Đảng cộng sản Việt Nam và chính quyền nhà nước”.
Lý giải về vấn đề này, nhà hoạt động Trịnh Bá Tư nói: “Trong quá trình sinh sống, tôi thường trú ở Ngọc Lương, Hoà Bình còn anh trai và chị gái tôi thì ở Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội. Chúng tôi lao động hợp pháp và hoàn toàn không vi phạm pháp luật”.
“Tôi nói với anh công an xã chúng tôi không có quyền cấp giấy cho bản thân mình mà chính cơ quan công an cấp giấy. Tôi yêu cầu các anh công an làm theo pháp luật nhưng không nhận được câu trả lời”.
Lý giải về nguyên nhân công an liên tục đến gia đình anh làm việc, Trịnh Bá Tư nhìn nhận:
“Phía công an không phải một tuần qua mới đến nhà tôi, trước 10 ngày khi xảy ra biến cố Đồng Tâm vào 3 giờ sáng ngày 9/1/2020 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm và tới tận bây giờ, họ liên tục sách nhiễu gia đình tôi”.
Khi tôi đưa ra các tội ác man rợ của chính quyền về Đồng Tâm thì họ có những động thái trả thù và khủng bố gia đình tôi. Trịnh Bá Phương là anh tôi bị bắt và đánh đập. Sau đó, nhiều lần gia đình tôi bị mời lên làm việc, bị hạn chế việc đi lại”, anh Trịnh Bá Tư chia sẻ.
“Theo dự tính của tôi, trưa hôm qua họ quy động người đến làm việc và sáng nay lại đến. Tôi tin họ sẽ quay trở lại sớm vào sáng mai. Sau ba lần làm việc, công an có thể bắt chúng tôi về đồn công an”.
Bộ Công an Việt Nam xác nhận trong thông báo phát đi hôm 9/1 rằng có bốn người chết trong vụ đụng độ tại Đồng Tâm rạng sáng 9/1, trong đó có ba cảnh sát và một dân thường (Lê Đình Kình) tử vong, 19 người bị bắt với tội danh chống người thi hành công vụ.
Nhà hoạt động xã hội dân sự Trịnh Bá Phương, anh trai của Trịnh Bá Tư hôm 06/02/2020 đã có cuộc tiếp xúc với các viên chức tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội về vấn đề liên quan vụ tập kích Đồng Tâm.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51928701
Phó chủ tịch Hà Nội bị đề nghị kiểm điểm
liên quan vi phạm ở dự án nghìn tỉ
Ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa bị thanh tra thành phố đề nghị kiểm điểm vì những vi phạm tại dự án nghìn tỉ tổ hợp dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm.Báo trong nước trích kết luận của thanh tra thành phố Hà Nội loan tin ngày 18/3.
Tin cho biết, thanh tra đã kiến nghị UBND Hà Nội chỉ đạo Sở Kế hoạch và đầu tư giai đoạn 2009-2010 kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy vi phạm trong dự án phường Tây Mỗ. Đồng thời khắc phục các vi phạm tại kết luận thanh tra, kể cả số tiền phạt do chậm nộp tiền sử dụng đất hơn 31 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước.
Trong đó, nêu rõ trách nhiệm hai lãnh đạo của Sở Kế hoạch – Đầu tư đã ký văn bản theo đề xuất của phòng ban chuyên môn mà thiếu sự kiểm tra, xem xét, ‘thúc dự án khi chủ đầu tư không đảm bảo 20% tổng mức đầu tư là ông Nguyễn Văn Tứ – Phó giám đốc năm 2010, và ông Nguyễn Văn Sửu – Giám đốc năm 2009-2010.
Hiện ông Nguyễn Văn Sửu đang nắm chức vụ phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội kể từ năm 2011. Còn ông Nguyễn Văn Tứ là chánh văn phòng Thành ủy. Vào tháng 12/2019, ông Tứ đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra những sai phạm liên quan vụ án Nhật Cường.
Vào năm 2008, dự án đầu tư tổ hợp dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm với diện tích gần 38.000m2 được chuyển đổi sử dụng từ Công ty cổ phần cơ khí xây dựng Đại Mỗ.
Trong báo cáo ông Nguyễn Văn Sửu ký gửi UBND TP ngày 26/11/2009 đề nghị cho phép Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng Đại Mỗ nghiên cứu lập và thực hiện dự án là chưa thực hiện đúng quy định. Nguyên nhân được nói do nguồn vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính.
Còn báo cáo của Sở Kế hoạch – đầu tư gửi UBND HÀ Nội đề nghị chấp thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án do ông Nguyễn Văn Tứ ký bị cho là chưa thực hiện đúng khi thẩm tra xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Từ năm 2013-2018, chủ đầu tư đã bàn giao 699 căn hộ chung cư, 41 căn nhà vườn và 8 căn biệt thự cho khách hàng với tổng doanh thu là hơn 1.287 tỉ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư không kê khai đủ số doanh thu…
Vẫn tin liên quan, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) tỉnh ủy Hòa Bình đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy xem xét tăng hình thức kỷ luật đảng đối với ông Nguyễn Thanh Huy – Phó Trưởng Ban Quản lý các khu Công nghiệp tỉnh – Nguyên Phó Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình, nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Nguyên nhân được nói do ông Nguyễn Thanh Huy đã thực hiện không đúng các quy định của Luật Đất đai năm 2013; vi phạm quy định về quy hoạch xây dựng đô thị trong thời gian giữ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Trước đó vào năm 2019, ông Nguyễn Thanh Huy bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo để tạo cơ hội cho ông khắc phục, sửa chữa các khuyết điểm, vi phạm.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, các vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Thanh Huy vẫn chưa được khắc phục triệt để nên UBKT Tỉnh ủy đã đề nghị Banh thường vụ Tỉnh ủy xem xét tăng hình thức kỷ luật đảng đối với ông Nguyễn Thanh Huy.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vice-chairman-of-hanoi-was-asked-to-review-related-violations-in-trillion-project-03182020105306.html
Cải cách tiền lương 2020 tăng đặc quyền
cho bộ máy ở VN?
TS. Phạm Quý ThọGửi cho BBC từ Hà NộiNgày 04/3/2020 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.
Anh đánh lớn, tung gần 400 tỷ đô vào trận chiến chống virus corona
Virus corona: Anh thay đổi chiến lược, nhưng dự báo có thể chết chục ngàn người
Trong phiên họp này còn nhiều nội dung và cách làm chưa thống nhất, bởi vậy Thủ tướng đã lưu ý, rằng “Đã cải cách thì phải ra cải cách, chứ không phải chỉ điều chỉnh đôi chút, không có nhiều ý nghĩa”, và ông đề nghị tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến.
‘Từ trên xuống’
Việt Nam đã từng có 3 lần cải cách tiền lương trước đây, vào các năm 1985, 1993 và 2004, nếu không kể lần cải cách năm 1960 khi đất nước chưa thống nhất. Nay, lần cải cách lần 5 đang khởi động từ năm 2018 và dự kiến sẽ thực thi từ năm 2021.
Tôi gọi những lần cải cách tiền lương như vậy là cải cách ‘từ trên xuống’.
Cho dễ nhớ, tôi đặt tên cho lần cải cách này là ‘cải cách tiền lương 2020’. Nó xuất phát từ Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018 và Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 về chương trình hành động… Nghĩa là chính quyền trung ương, Đảng Cộng sản và Chính phủ, ban hành chính sách và chỉ đạo thực thi các biện pháp cải cách tiền lương.
Tuỳ thuộc vào bối cảnh và Đảng đề ra sự cần thiết, mục tiêu, dự kiến kết quả và các giải pháp thực hiện. Quan sát các lần cải cách đã qua cho thấy cải cách tiền lương phụ thuộc vào cải cách thể chế nói chung và ‘dư địa cải cách’ ngày càng hẹp. Nghĩa là, cải cách tiền lương ‘từ trên xuống’ trong quá trình chuyển đổi sang thị trường sẽ ngày càng ‘khó hơn’, hiệu quả thấp và tác động không mong muốn hay ‘sai sót’ tăng lên, bởi vậy ý nghĩa giảm đi.
Năm 1985 một đề án cải cách kinh tế sâu rộng, khái quát với tên gọi ‘Giá – Lương – Tiền’, nhà nước nới lỏng quản lý giá cả hàng hoá, đổi tiền và cải cách tiền lương, được triển khai và thực thi trong dịp Đại hội 6, tổ chức vào đầu năm 1986 . Đây được coi là bước khởi đầu của chủ trương ‘Đổi mới’ của Đảng CS và những nỗ lực xoá bỏ kinh tế bao cấp, cứu chế độ khỏi sụp đổ.
Cải cách tiền lương năm 1993 đánh dấu sự thay đổi tư duy mạnh hơn để thúc đẩy nền kinh tế chuyển đổi sang thị trường. Những câu hỏi ‘hóc búa’, ‘nhạy cảm về ý thức hệ’ như sức lao động liệu có là hàng hoá, bóc lột sức lao động đã được thảo luận. Mặc dù không thể có kết luận rõ ràng, nhưng nhà nước đã không còn quản lý ‘độc quyền’ nữa, mà tiền lương đã được chia theo các khu vực, trong đó lương ở khu vực công được ngân sách chi trả, bởi vậy phải cân đối nguồn lực, còn lương ở khu vực doanh nghiệp bắt đầu tính toán trên cơ sở thị trường.
Năm 2004 lại đặt vấn đề cải cách tiền lương, chế độ, thang bảng lương được thiết kế, nhưng không thực sự đạt được mục đích. Có hai nguyên nhân chủ yếu có liên quan với nhau, đó là nguồn chi trả từ ngân sách hạn hẹp do quy mô kinh tế nhỏ bé và guồng máy của hệ thống chính trị, hành chính cồng kềnh. Số người hưởng lương quá lớn từ ngân sách. Mặc dù việc tinh giảm biên chế được nêu lên, thậm chí đặt chỉ tiêu giảm 10% trong nhiệm kỳ, nhưng đã không thể thực hiện.
Lần ‘cải cách tiền lương 2020’ có mục tiêu cải cách rất ‘tham vọng’; tầm nhìn đến năm 2030; lộ trình soạn thảo ‘khẩn trương’, năm 2019 xây dựng các phương án bảng lương theo vị trí việc làm, năm 2020 thông qua và đến năm 2021 triển khai thực hiện; đặc trưng chủ yếu là sự tương quan bằng số tuyệt đối giữa mức tiền lương của công chức, viên chức trong khu vực công và mức lương của lao động trong khu vực doanh nghiệp…
Theo tôi quan sát cách tiếp cận, bối cảnh, điều kiện cải cách và những công việc chuẩn bị thì dự báo về sự lặp lại ‘vết xe đổ’ của lần cải cách 2004 có khả năng xảy ra, bởi vậy chính phủ không chỉ ‘quyết liệt’ để có thành tích, mà cần thay đổi hay điều chỉnh phù hợp.
‘Trả lại cho thị trường’
Ở Việt Nam khi chuyển nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang thị trường, thì tiền lương dần được hiểu đầy đủ, đó là biểu hiện bằng tiền của giá cả hàng hoá sức lao động và được xác định bởi quy luật cung – cầu trên thị trường lao động, bởi vậy ngoài các chức năng như tái sản xuất sức lao động và là đòn bẩy kinh tế… thì các chức năng khác, đặc biệt công cụ quản lý nhà nước cần được luật hoá cụ thể, trong Bộ Luật lao động và dựa trên nền tảng của kinh tế thị trường. Nghĩa là trả lại cho thị trường lao động cái chức năng định giá sức lao động vốn có của nó.
Thị trường lao động vốn có chức năng xác định tiền lương theo nguyên lý ‘bàn tay vô hình’ mà nhà kinh tế người Scotland đã tìm ra từ năm 1776. Tiếc thay, ý thức hệ xã hội chủ nghĩa giáo điều đã cản trở việc hình thành và phát triển các nguyên tắc của thị trường lao động.
Trong xã hội thị trường phát triển bình thường sức khoẻ của nền kinh tế có thể được đo bằng nhiều tiêu chí. Thông thường là tỷ lệ thất nghiệp, số việc làm được tạo ra hàng tháng hay GDP – tổng giá trị hàng hoá và dịch vụ được sản xuất trong nền kinh tế trong một năm. Mặc dù tiền lương là chỉ tiêu quan trọng, nhưng nó thường không được sử dụng.
Người ta cũng thấu hiểu cơ chế tiền lương tăng lên khi nào, khi người sử dụng lao động có nhiều lợi nhuận hơn nên họ có khả năng tài chính để tăng lương cho công nhân, khi thị trường lao động trở nên cạnh tranh hơn, nghĩa là số lượng cơ hội việc làm vượt quá số lượng người tìm kiếm việc làm, và thông thường, tiền lương tăng lên cùng với kỹ năng và kinh nghiệm.
Tuy nhiên, các chính khách ở các quốc gia đó không lãng phí công sức và tiền bạc để cải cách tiền lương như chúng ta ở Việt Nam. Họ tìm cách thông qua thị trường để thúc đẩy nền kinh tế và chắc chắn một điều: Khi nền kinh tế đang hoạt động tốt hơn và tỷ lệ thất nghiệp thấp, tiền lương sẽ tăng lên.
Ở Việt Nam, một quốc gia đang chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ do đảng cộng sản lãnh đạo, thì ý thức hệ XHCN đề cao sự công bằng xã hội, lý tưởng của đảng thường là một trong những động cơ cải cách tiền lương.
Công bằng xã hội, về nguyên lý, dường như đó là một giá trị cao quý, lý tưởng mà loài người cần hướng đến, dễ thu hút đông dân chúng, và đảng cộng sản ‘quả quyết’ rằng sứ mệnh của họ là phải thúc đẩy một cách sâu rộng. Tuy nhiên, trong thực tế, công bằng xã hội có thể là bất cứ điều gì mà đảng cộng sản cầm quyền muốn thế, thấy có lợi cho việc duy trì quyền lực, cho nên họ ban hành và thực thi các chính sách ‘từ trên xuống’.
Cải cách tiền lương là một kiểu chính sách như vậy. Lần này, với lập luận rằng hệ thống chế độ tiền lương hiện hành đã lạc hậu, đã mất đi các chức năng của nó, và thậm chí, đã không ‘che đậy’ ‘cải cách’ sao cho tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở khu vực công tăng cao dần so với khu vực doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia… nên chăng trình bày ’thẳng thắn’ với các lãnh đạo đảng và chính quyền rằng tiền lương của họ trong bộ máy công quyền là tiền thuế của dân, và bộ máy này vốn đã có nhiều đặc quyền, đặc lợi, thế mà lại không chịu trách nhiệm và giải trình trước dân, kể cả khi gây ‘bất ổn kinh tế vĩ mô và để lại những hậu quả nặng nề. Hơn thế, ‘một bộ phận không nhỏ’ cán bộ, đảng viên lại suy thoái, biến chất, tham nhũng…
Các viên chức trong khoảng 6000 đơn vị sự nghiệp công lập cũng cần tự ‘vấn mình’ về ‘lương tâm, đạo đức’ khi họ được ‘ưu ái’ về cơ sở vật chất, được cấp phát nhiều khoản kinh phí và nhận tiền lương ngân sách nhà nước, do mồ hôi và sức lực của những người lao động chân chính đóng thuế, chỉ để ‘hoàn thành nhiệm vụ chính trị’ được đảng, nhà nước giao…
Nếu không nâng cao được hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công quyền và tinh giản biên chế, nếu các đơn vị sự nghiệp công không được cải tổ để có thể tự nuôi sống bản thân thì việc tăng lương cho khu vực công nghĩa là chính phủ lấy tiền thuế của dân đưa nó cho họ không theo nguyên tắc thị trường.
Theo tôi, các nhà kỹ trị, các nhà chuyên môn Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để thiết kế các chế độ, thang bảng lương theo kiểu truyền thống hay học tập kinh nghiệm của một số quốc gia. Nhưng cải cách tiền lương trong bối cảnh hiện nay, cải cách thể chế quá chậm chạp khi một hệ thống chính trị, bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu năng và nhiều đơn vị sự nghiệp vẫn thuộc khu vực công, trong đó hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước…, thì kết quả sẽ không khả quan như thế nào của lần ‘Cải cách 2020’ có lẽ được dự báo trước.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học việc Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51946174
Mưa đá rạng sáng 18/3 gây thiệt hại tại 4 tỉnh miền Bắc
Một trận mưa đá vào rạng sáng ngày 18/3 gây thiệt hại tại 4 tỉnh phía Bắc bao gồm Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu và Phú Thọ. Trong đó, tỉnh Lào Cai được ghi nhận bị thiệt hại nặng nề nhất.Truyền thông trong nước loan tin nêu rõ mưa đá với kích cỡ đường kính 4-5cm bắt đầu đổ xuống vào khoảng 20 giờ tối ngày 17/3, tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Tại huyện Tam Đường của tỉnh Lai Châu cũng xảy ra mưa đá kèm theo gió lớn, tập trung ở xã Nùng Nàng và Bản Giang. Hai địa phương này được ghi nhận bị thiệt hại về nhà cửa, hoa màu và cây cối.
Báo giới cho biết tỉnh Lào Cai bị thiệt hại nặng nề nhất trong trận mưa đá trong đêm 17/3, rạng sáng 18/3. Thống kê ban đầu ước tính có 82 căn nhà bị tốc mái và mái ngói bị hư hại ở huyện Bắc Hà. Một số diện tích cây trồng tại huyện Bắc hà và huyện Si Ma Cai cũng bị ảnh hưởng do mưa đá.
Hai tỉnh còn lại bị mưa đá nhưng thiệt hại không lớn là Yên Bái và Phú Thọ. Hiện đang vẫn được cập nhật thông tin.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh bị ảnh hưởng bởi trận mưa đá rạng sáng ngày 18/3 nhanh chóng thống kê thiệt hại cũng như khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống của người dân.
Riêng tỉnh Lai Châu, đây là trận mưa đá thứ hai trong tháng 3. Trận mưa đá xảy ra trong 3 ngày, từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 3 đã gây thiệt hại ở nhiều địa phương của tỉnh này lên đến 13 tỷ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/four-northern-provinces-affected-by-hail-in-early-morning-mar18-03182020090356.html
Việt Nam xác nhận thêm 7 ca nhiễm COVID-19
Vào tối ngày 18/9, Bộ Y tế Việt Nam đã xác nhận thêm 7 ca nhiễm COVID-19 mới đưa tổng số người nhiễm COVID-19 từ tháng 1 đến nay lên 75 người. Trong số này, 16 người đã bình phục và xuất viện cách đây vài tuần.Cả 7 bệnh nhân mới trong ngày 18/9 đều bay về từ Châu Âu dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng.
Theo thông tin chi tiết được truyền thông trong nước loan tải, các bệnh nhân này bao gồm:
Bệnh nhân 69, nam, 30 tuổi, quốc tịch Đức, tạm trú tại Hà Nội và nhập cảnh Nội Bài ngày 13/3.
Bệnh nhân 70 và 71 đều 19 tuổi, một nam và một nữ, ở Hà Nội, là du học sinh Anh về Nội Bài hôm 16/3.
Bệnh nhân 72, nữ 25 tuổi, quốc tịch Pháp, nhập cảnh Nội Bài cùng bạn trai hôm 9/3.
Bệnh nhân 73, nam, 11 tuổi, ở Hải Dương. Bệnh nhân nhỏ tuổi về Việt Nam hôm 9/3.
Bệnhnhaan 74, nam, 23 tuổi, ở Lâm Thao, Phú Thọ, về Việt Nam ngày 16/3.
Bệnh nhân 75, nữ, 40 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh. Người này đã sang Anh hôm 4/3 và về Việt Nam hôm 15/3.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong ngày 18/3 đã có hơn 1.000 người từ các nước Châu Âu về Việt Nam, trong số này có 999 là khách Việt hồi hương.
Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, từ 0 giờ ngày 18/3, Việt Nam đã tạm dừng cấp thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài trong 30 ngày. Biện pháp này không áp dụng đối với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao và công vụ.
Dịch bệnh COVID-19 hiện đã có mặt ở khoảng 160 nước và vùng lãnh thổ với khoảng 200.000 người nhiễm và khoảng 8.000 người chết.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-report-9-cases-of-covide-19-in-a-day-03182020111121.html
Bệnh nhân số 61 đã hành lễ với 300 người
trước khi xét nghiệm dương tính với COVID-19
Giới chức Y tế tỉnh Ninh Thuận mới đây xác nhận bệnh nhân nhiễm COVID-19 thứ 61 của Việt Nam đã tham gia một buổi lễ tại Toà Thánh 101, xã Phước Nam, tỉnh Ninh Thuận với khoảng 300 người khác trước khi được cách ly. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 18/3.Đây là bệnh nhân đã dự một sự kiện tôn giáo đông người ở Malaysia từ ngày 27/2 đến 1/3 vừa qua. Theo Reuters, đã có khoảng hơn 300 người nhiễm COVID-19 liên quan đến sự kiện tôn giáo này.
Bệnh nhân số 61 sau khi trở về Việt Nam hôm 4/3 đã sử dụng các phương tiện công cộng là xe Grab và xe khách về nhà và đã phát bệnh vào ngày 9/3. Tuy nhiên, xét nghiệm dương tính với COVID-19 của bệnh nhân chỉ được xác định vào ngày 16/3 vừa qua.
Bệnh nhân này khai báo với chính quyền địa phương là mình chỉ ở nhà từ ngày 5/3 đến ngày 9/3. Tuy nhiên, giới chức y tế tỉnh Ninh Thuận xác định người này đã tham gia hành lễ đông người.
Cho đến lúc này, giới chức y tế tỉnh Ninh Thuận xác định có 62 người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân số 61 bao gồm những người trong gia đình, cùng tham gia tiệc cưới, hành lễ, và những người đi cùng chuyến bay.
Tuy nhiên, là một chức sắc tôn giáo, số người có các tiếp xúc khác với bệnh nhân này được xác định có thể lên đến 192 người.
Tỉnh Ninh Thuận hiện đã đưa đi cách ly những người tiếp xúc gần với bệnh nhân số 61. Đồng thời, ngành y tế tỉnh cũng đã phun thuốc khử trùng nhà của người này cùng Toà Thánh 101, Trạm Y tế xã Phước Nam, trụ sở UBND xã Phước Nam.
Theo truyền thông trong nước, tỉnh Ninh Thuận cũng đã có văn bản đề nghị ngừng các hoạt động vui chơi giải trí và tụ tập đông người để tránh dịch bệnh COVID-19 lây lan rộng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/patient-61-attending-a-mass-service-with-about-300-people-03182020082836.html
Một người Mỹ
trở thành bệnh nhân Covid-19 thứ 68 ở Việt Nam
Hôm18/3, Bộ Y tế Việt Nam xác nhận có thêm trường hợp thứ 68 nhiễm Covid-19, đây là một nam công dân Mỹ, sống tại Đà Nẵng, trước đó đã đi qua nhiều nước châu Âu.Trang VietnamNet cho biết bệnh nhân 41 tuổi, quốc tịch Mỹ, lấy vợ người Việt, và kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang xác nhận dương tính với Covid-19.
Từ ngày 11/2, bệnh nhân này đã qua nhiều nước như Ấn độ, Tây Ban Nha, Marốc, Thuỵ Sỹ, Đức, Hungary, Hà Lan, Singapore và quay về Đà Nẵng ngày 14/03.
Tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng, sau khi khai báo y tế, bệnh nhân được cách ly tạm thời tại cửa khẩu, kiểm tra y tế, sau đó được cách ly tại Bệnh viện 199 của Bộ Công an chiều cùng ngày, theo trang VTV.
Đến trưa 18/3, Việt Nam đã ghi nhận 68 trường hợp dương tính Covid-19, trong đó có 16 ca đã chữa khỏi.
Truyền thông Việt Nam cho biết hiện Hà Nội là địa phương có nhiều ca mắc nhất với 15 ca, Bình Thuận có 9 ca, Đà Nẵng có 4 ca, trong đó có 3 ca người nước ngoài.
Vào tháng trước, một bệnh nhân Việt kiều Mỹ 73 tuổi nhiễm Covid-19 và được điều trị khỏi bệnh tại Việt Nam.
Ông Tạ Hoa Kiên, quốc tịch Mỹ, người bị nhiễm bệnh sau khi quá cảnh ở tâm dịch Vũ Hán của Trung Quốc, và đến Việt Nam. Sau một thời gian chữa trị tại Bệnh Viện Nhiệt Đới ở Tp. Hồ Chí Minh, ông được xuất viện, và về lại Mỹ hôm 28/02.
Hôm 18/03, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Y tế Việt Nam cho biết bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 67 của Việt Nam là bệnh nhân nam, 36 tuổi, là người từng đi cùng bệnh nhân số 61, 42 tuổi, tham dự một sự kiện tôn giáo ở một thánh đường tại Kuala Lumpur, Malaysia.
https://www.voatiengviet.com/a/mot-nguoi-my-tro-thanh-benh-nhan-covid-19-thu-68-o-vn/5333762.html
Virus corona: Vì sao một người Việt nhiễm Covid
ở Thụy Sỹ không được nhập viện?
Mỹ HằngBBC News Tiếng ViệtTrần Vũ Kiều Phương chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hành trình cô bị nhiễm Covid-19 và bình phục sau khi được giới chức y tế Thụy Sỹ cho cách ly tại gia.
Việc bình phục nhanh chóng với Trần Vũ Kiều Phương, 28 tuổi, một du học sinh ở Thụy Sỹ, người mới đây được chẩn đoán dương tính với Covid-19, vẫn còn là điều làm chính cô ngạc nhiên.
Phương cho hay: “Mới đây tôi đã nhận kết quả xét nghiệm âm tính. Hiện giờ tôi vẫn ở nhà để đảm bảo an toàn cho mọi người nhưng tôi đã khỏe lên rất nhiều. Thật kỳ diệu.”
Phương nói “kỳ diệu” do cô hồi phục nhanh ngoài trông đợi của chính mình. Nhưng điều mà cô muốn chia sẻ hơn cả là việc tự cách ly tại gia đối với những trường hợp còn trẻ, không có tiền sử bệnh, như cô, có thể là một biện pháp cần xem xét để giảm gánh nặng cho nguồn lực của chính phủ Việt Nam trong điều kiện tình hình lây nhiễm ngày càng phức tạp.
Hành trình nhiễm bệnh
Ngày 29/2: Phương qua Pháp thăm một người bạn. Khi đó người bạn này kêu mệt nhưng cả nhóm không nghĩ gì khác nên vẫn chào hỏi, ôm hôn, đi chơi cùng.
‘VN không xét nghiệm đại trà, nên số ca nhiễm thấp có thể hiểu được’
Virus corona: Tình nguyện viên đầu tiên thử nghiệm vắc-xin tại Mỹ
Virus corona: Làm gì để vững tinh thần qua mùa dịch?
Vài ngày sau khi về lại Thụy Sỹ, Phương được tin cô bạn người Pháp đã nhập viện do nhiễm virus corona. Khi đó Phương khá hoảng sợ vì cô cũng đang cảm thấy rất mệt. Trước đó cô chỉ nghĩ có lẽ do mình học nhiều quá nên vẫn mệt như mọi khi. Cô cũng bị chảy mũi, nhưng ban đầu nghĩ do trời lạnh.
Ngày 4/3: Phương gọi điện cho bác sỹ gia đình và được sắp xếp khám vào ngày hôm sau.
Ngày 5/3: Sau khi khám cho Phương, bác sỹ gia đình kê cho cô thuốc giảm đau cổ họng, thuốc xịt mũi, thuốc ho, hạ sốt. Nhưng sau khi Phương cho hay mình từng tiếp xúc với người nhiễm Covid, bác sỹ lập tức gọi điện cho bệnh viện của thành phố và hỏi các thủ tục làm xét nghiệm.
Chỉ có một vài nơi trong thành phố nơi Phương sống có thể làm xét nghiệm Covid-19, và quy định thường sau 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh mới xét nghiệm. Phương mới được 5 ngày nhưng do cô đã có triệu chứng khá rõ nên được chấp thuận cho làm xét nghiệm ở một trung tâm y tế.
“Ngay khi tôi nói mình tới để xét nghiệm virus corona, nhân viên y tế lập tức phát cho tôi khẩu trang và dung dịch rửa tay. Sau đó họ đưa tôi ra một lều cách ly bên ngoài để chờ, nơi đã có một số người cũng đang ngồi chờ tới lượt. Tôi phải chờ 4 tiếng mới được khám do có khoảng 4 – 5 người trước mình.”
“Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín từ đầu tới chân, hỏi tôi rất cặn kẽ về lịch trình tiếp xúc với người bệnh, tiểu sử bệnh tật, có bị sốt không. Sau đó họ lấy hai mũi dung dịch họng và mũi, cấp giấy hướng dẫn cách ly, yêu cầu tôi đeo khẩu trang và trở về nhà lập tức.”
Hành trình cách ly tại gia
Ngày 6/3: Chỉ 24 giờ sau khi làm xét nghiệm, Phương nhận kết quả: Dương tính.
“Các bác sỹ nói tôi đừng lo lắng quá, sẽ có người chăm sóc tôi. Họ nói tôi còn trẻ, đây không phải bệnh chết người, nó chỉ nguy hiểm với người già và có tiền sử bệnh nền, nên tôi hãy yên tâm.”
“Tôi chỉ biết có vậy, cũng không được cấp phát thuốc gì, không nhập viện, không có thêm thông tin nào hết.”
Virus corona gây viêm phổi ‘đã âm thầm vào cộng đồng’ ở VN
Virus corona: Anh và Việt Nam tương phản nhau cách chống dịch
“Trong những ngày ở nhà, người ở trung tâm y tế gọi điện ngày hai lần để kiểm tra tình trạng của tôi, phòng khi bệnh tôi trở nặng thì sẽ phải nhập viện ngay lập tức. Bác sỹ gia đình cũng gọi điện liên tục.”
“Cũng trong ngày nhận kết quả dương tính từ bệnh viện, tôi bắt đầu đau nhức toàn thân, mệt rã rời. Tôi có hỏi bác sỹ cho tôi thuốc và rằng tôi có cần nhập viện không, nhưng họ nói không. Họ chỉ nói tôi uống thuốc giảm đau hạ sốt và yêu cầu thường xuyên đo nhiệt độ cơ thể.”
“Cơn đau nhức lan khắp người, tới mức tôi đứng lên mà chỉ muốn té ngã. Có lúc tôi cảm thấy mình không thể thở nổi. Nhưng tôi không hề sốt.”
“Tôi là người theo Tin Lành, nên tôi thường xuyên cầu nguyện mong Chúa chữa lành và bảo vệ cho tôi. Lúc đó, tôi có niềm tin rất mạnh liệt rằng chắc chắn tôi sẽ khỏi bệnh, do đó dù mệt mỏi nhưng tôi thấy rất bình an.”
“Tôi cũng không cho phép mình lo lắng quá nhiều, vì có thể sự lo lắng khiến bệnh tình trở nặng hơn. Lúc quá mệt, đau, tôi cũng cố để không nằm bẹp một chỗ mà đi lại dọn dẹp, ăn trái cây, làm bài tập, hay tranh thủ ngủ thật nhiều. Cứ thế, tôi làm mọi cách để quên đi sự mệt mỏi, đau nhức.”
“Hàng xóm và các bạn biết tôi bị bệnh nên đã chung tay giúp đỡ. Họ mua đồ ăn mang đến đặt trước cửa. Có bạn còn kho cá gửi qua thùng thư.
Ngày 9/3: Theo đề nghị của bác sỹ, Phương tới bệnh viện làm xét nghiệm lần hai.
Các thủ tục xét nghiệm lần này cũng giống hệt lần một, chỉ khác là nhân viên y tế chỉ lấy dung dịch mũi để xét nghiệm.
Kết quả: Âm tính.
Khác biệt giữa chống dịch ở Thụy Sỹ và Việt Nam
“Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng mình không được quỵ ngã, mình sẽ khỏi bệnh, nhưng tôi cũng không ngờ là mình hồi phục nhanh đến thế,” Trần Vũ Kiều Phương chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.
Lý do khiến Phương mở lòng chia sẻ về trường hợp của mình, theo cô, là do cô thấy ở Việt Nam hàng ngày đều tiếp nhận rất nhiều thông tin về tình hình nhiễm virus và mọi người rất hoang mang. Cô hi vọng rằng câu chuyện của mình có thể khiến mọi người có thêm hi vọng và đừng quá lo sợ.
Phương cũng chia sẻ sự khác nhau trong cách chống dịch ở Thụy Sỹ và Việt Nam.
“Bên này thông tin người nhiễm virus được bảo mật rất kỹ. Ngay cả bác sỹ gia đình gọi điện đến trung tâm y tế nơi làm xét nghiệm Covid-19 cho tôi cũng không được cung cấp thông tin. Tôi mới là người có quyền quyết định sẽ thông báo tin này hay không.”
“Để đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng, đặc biệt do tính chất công việc tôi phải tiếp xúc với trẻ em, nên tôi đã quyết định thông báo ngay cho nhà trường và bạn bè là mình bị nhiễm virus.”
“Trường cũng ngay lập tức email trong toàn hệ thống cho sinh viên, thông báo trong khoa có người nhiễm bệnh, yêu cầu sinh viên trong khoa học online, hoặc với những người vẫn muốn đến lớp thì phải ngồi cách nhau 2m và không tiếp xúc gần.”
“Trong trường cũng có trang web riêng về vấn đề virus corona và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe thế nào.”
“Ở đây không phải muốn đòi nhập viện là được. Những ca nhiễm virus ở Thụy Sỹ đang ngày càng nhiều lên nên chính phủ tập trung chữa cho người già và trẻ em bởi họ là đối tượng có nguy cơ cao và khi nhiễm bệnh thường bị nặng.”
“Ở Thụy Sỹ mọi người không đeo khẩu trang. Khi có ai đó đeo khẩu trang thì mọi người mặc định người đó đang bị bệnh.”
“Rõ ràng cách chống dịch ở Việt Nam và Thụy Sỹ và một số nước châu Âu rất khác nhau. Ở Việt Nam thì ai dương tính đều vào viện, người nghi nhiễm cho vào khu cách ly. Ở đây dù có nhiễm bệnh thì vẫn điều trị ở nhà. Bác sỹ nói bệnh này nguy hiểm nhưng người trẻ, khỏe, không có tiền sử bệnh, thì chống chọi được. Quan trọng là phải cách ly, đừng để nhiễm cho cộng đồng, đặc biệt cho người già và trẻ em.”
“Cái khó là phải tự ý thức rất cao. Bởi lẽ có người không thể chịu được việc phải ở nhà một mình trong một khoảng thời gian.”
“Ở Việt Nam có thể xét nghiệm tới lần ba lần bốn, nhưng ở đây không có chuyện đó. Họ chỉ xét nghiệm một lần, lần hai là rất hiếm. Họ phải bàn bạc với bên bảo hiểm. Bảo hiểm của tôi chi trả hết tiền xét nghiệm, nhưng việc tôi tự điều trị ở nhà, ăn uống ra sao thì tự lo hết.”
‘Việt Nam nên xem xét thay đổi chiến thuật’?
“Ở Việt Nam, tôi biết là chính phủ đang chi trả toàn bộ chi phi chữa trị cho người nhiễm và chi phí ăn ở tại khu cách ly cho người nghi nghiễm.”
“Tôi không dám đưa ra lời khuyên nào. Tôi chỉ cảm thấy lo lắng khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, không biết bao giờ mới hết, trong khi số ca bệnh tiếp tục nhiều lên. Hiện nay Việt Nam mới có vài chục trường hợp, nhưng nếu tới vài ngàn, vài chục ngàn thì phải làm thế nào.”
“Tôi cũng muốn nêu câu hỏi rằng Việt Nam có nên xem xét thêm về mặt chiến thuật, bởi cách làm như hiện nay có thể khó duy trì lâu do rất tốn kém cả sức người, sức của. Nên chăng có thêm chiến thuật 2, 3 cho kịch bản hàng ngàn người nhiễm.”
“Vấn đề tâm lý cũng rất quan trọng. Hiện nay đang rất nhiều người hoang mang. Ở quê tôi, hàng quán đóng cửa, kinh tế ảnh hưởng, đời sống đảo lộn, mọi người gom đồ tích trữ khiến có người không có để mua, cuộc sống đảo lộn. Tôi cũng không dám về Việt Nam vì sợ gia đình bị kỳ thị do tôi nhiễm virus.”
“Ở Thụy Sỹ người dân cũng lo sợ. Chính phủ đã cho đóng cửa trường học, cấm hội họp đông người. Nhưng không đến nỗi hoảng loạn. Người nhiễm bệnh vẫn được bảo mật thông tin, không lo bị xa lánh,
kỳ thị, truy tìm. Người nhiễm bệnh có trách nhiệm báo với người tiếp xúc với mình. Cuộc sống vẫn tiếp diễn.”
“Tôi mong rằng qua việc tôi chia sẻ về trường hợp của mình, sẽ thắp lên hi vọng cho cộng đồng về việc chúng ta có thể vượt qua bệnh dịch như thế nào,” Trần Vũ Kiều Phương nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51922163
Virus corona:
Việt Nam có thể tạm đóng cửa với toàn thế giới
Trọng NghĩaNhằm ngăn chặn dịch virus corona (Covid-19), Việt Nam đang chuẩn bị một biện pháp rất triệt để: Tạm thời dừng cấp thị thực nhập cảnh đối với tất cả các nước trên thế giới trong vòng 15 đến 30 ngày. Theo báo chí trong nước ngày 17/03/2020, đây là quyết định vừa được thủ tướng Việt Nam nêu lên trong một cuộc họp ngày 16/03. Tuy nhiên, thời điểm áp dụng chưa được loan báo.
Theo hãng tin Anh Reuters, Việt Nam đã đi đến quyết định tạm thời đóng cửa đất nước trong bối cảnh các ca lây nhiễm virus corona gia tăng trong những tuần lễ gần đây sau một thời gian dài cố định ở mức 16 ca. Tính đến hôm nay, cả nước Việt Nam đã bị 61 trường hợp nhiễm Covid 19, trong đó có nhiều ca do người từ nước ngoài mang vào rồi lây cho người trong nước.
Cho đến gần đây, Việt Nam mới chỉ cấm nhập cảnh đối với người đến từ hay đã đi qua những ổ dịch lớn trên thế giới, chẳng hạn như từ các nước châu Âu trong khối Schengen và Vương quốc Anh, trong vòng 14 ngày trước khi đến Việt Nam.
Để giải thích cho quyết định mở rộng phạm vi cấm nhập cảnh đối với toàn bộ các nước trên thế giới, chính quyền Việt Nam đã cho rằng đó là một biện pháp quan trọng để kềm hãm đà lây lan của dịch bệnh.
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200318-virus-corona-vi%E1%BB%87t-nam-c%C3%B3-th%E1%BB%83-t%E1%BA%A1m-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-v%E1%BB%9Bi-to%C3%A0n-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi
Hàng nghìn người Việt từ Châu Âu, Đông Nam Á về nước
Cục Hàng không Việt Nam vào ngày 18/3 cho biết có gần 1.100 khách từ Châu Âu về Việt Nam, trong đó 999 khách là người Việt hồi hương.Mạng báo Vietnamplus loan tin này vào cùng ngày trích báo cáo của Cục hàng không Việt Nam.
Theo đó, 999 khách Việt Nam hồi hương có 325 khách về từ Anh, Pháp, Đức.
Cũng trong ngày 18/3, Cục cho biết có hơn 5.700 khách từ khu vực Đông Nam Á về Việt Nam trên 78 chuyến bay. Trong số này, sân bay Nội Bài đón 22 chuyến với 1.623 khách. Sân bay Đà Nẵng đón 7 chuyến, 342 khách. Sân bay Cam Ranh đón 2 chuyến, 220 khách. Sân bay Liên Khương đón 2 chuyến, 159 khách. Sân bay Tân Sơn Nhất đón 43 chuyến với 3.159 khách. Sân bay Cần Thơ và Phú Quốc chỉ đón 1 chuyến với số khách tương ứng là 129 và 79 khách.
Tin từ VietnamAirlines cho biết, từ đêm 17/3, các chuyến bay giữa Việt Nam và Pháp tạm thời bị dừng khai thác cho đến khi có thông báo mới. Các chuyến bay giữa VN và Anh, Đức vẫn được duy trì. Tại Đông Nam Á, VNA cũng tạm dừng khai thác đường bay giữa VN và Malaysia từ ngày 18/3 đến 31/3/2020 do Chính phủ Malaysia phong toả biên giới.
Bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/3, VN cũng tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh VN trong 30 ngày theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Các trường hợp được miễn thị thực hoặc có giấy miễn thị thực cấp cho người gốc Việt và thân nhân, một số trường hợp đặc biệt khác (như chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao…) khi nhập cảnh phải có giấy xác nhận không dương tính với virus Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp và giấy này được Việt Nam chấp thuận. Các biện pháp nêu trên không áp dụng đối với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ.
Trong cùng ngày, Bộ Y tế ra thông báo khẩn về 11 chuyến bay có hành khách mắc Covid-19.
Bộ đề nghị tất cả hành khách trên 11 chuyến bay liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố để được hướng dẫn theo dõi sức khoẻ. Ngoài ra các đại lý bán vé máy bay cho các hành khách trên các chuyến bay đó có trách nhiệm thông báo cho hành khách biết tình hình dịch bệnh cần phải theo dõi giám sát.
Cụ thể, 11 chuyến bay từ London-Bangkok ngày 15/3; Moscow-Hà Nợi ngày 12/3; Istanbul-TPHCM ngày 8/3; Đài Loan-TPHCM ngày 16/3; Dubai-TPHCM ngày 12/3; Doha-Hà Nội ngày 10/3; Bangkok-Hà Nội ngày 15/3; Malaysia-Hà Nội ngày 4/3; Singapore- Hà Nội ngày 15/3; TPHCM –Phú Quốc ngày 9/3 và Phú Quốc –TPHCM ngày 13/3.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thousands-of-vietnamese-from-european-sea-nations-return-home-03182020084729.html
Quân đội Việt Nam ‘sẵn sàng’ tiếp nhận,
cách ly gần 40 ngàn người
Hôm 18/03, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, theo kế hoạch mới nhất quân đội đã chuẩn bị 140 khu cách ly với 44.718 chỗ.“Các khu cách ly của quân đội hiện đã sẵn sàng cơ sở vật chất để tiếp nhận gần 38.000 người vào cách ly,” Cổng thông tin Chính phủ trích lời Thiếu tướng Kiên phát biểu tại cuộc họp báo hôm 18/03.
“Đồng thời, quân đội cũng đã xây dựng kế hoạch dự phòng, có thể huy động thêm 10.000-20.000 chỗ để sẵn sàng tiếp nhận tổ chức cách ly tập trung theo quy định,” ông Kiên cho biết thêm.
Cũng theo Cổng thông tin Chính phủ, tổng số người cách ly từ đầu dịch đến nay là hơn 21.000 người. Trong số này, khoảng 14.000 người đã hoàn thành cách ly. Tính đến sáng 18/3, quân đội hiện đang cách ly 6.986 người.
Hôm 18/03, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, nói rằng “phải tăng cường tốc độ ứng phó,” vì tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới “rất phức tạp, đang xấu đi rất nhanh” so với dự tính của nhiều chuyên gia trong nước và thế giới, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ.
Truyền thông trong nước loan tin Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã thảo luận giải pháp kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh để ngăn chặn dịch từ ngoài lan vào trong nước; triển khai công tác tiếp nhận người nhập cảnh vào Việt Nam và tổ chức cách ly, và nhiều giải pháp khác.
Hôm 17/03, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra thông báo tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 0h ngày 18/03/2020, đồng thời cách ly tập trung người nhập cảnh từ Mỹ, châu Âu, các nước ASEAN.
https://www.voatiengviet.com/a/quan-doi-vientm-san-sang-tiep-nhan-cach-ly-gan-40-ngan-nguoi/5333789.html
Thêm du khách Anh than phiền
về nơi cách ly dịch COVID-19 tại Việt Nam
Một nam du khách người Anh 68 tuổi, tên Adrian Goldthorpe, chỉ trích nơi cách ly dịch COVID-19 tại Việt Nam. Ông này là một giám đốc tài chính từ Anh bay đến Hà Nội vào tuần trước.Mạng báo Daily Mail loan tin ngày 18/3. Cụ thể Ông Goldthorpe đi từ Sân bay London Heathrow đến Hà Nội vào thứ Hai ngày 9 tháng 3. Sau đó, ông và một nhóm du khách Anh được đưa đến một khách sạn, nơi được dùng để cách ly nhưng với điều kiện vệ sinh kém. Ông thuộc số 27 người bị buộc phải dùng chung một nhà vệ sinh, không có nước nóng để tắm hoặc rửa tay.
Trong phòng ngủ chung với nhiều người khác, giấy vệ sinh, những hộp sữa nhỏ, mì khô, túi trà và cà phê hòa tan đều được để trên một cái bàn. Ông chất vấn về việc có túi trà và cà phê hòa tan, vì nơi này không hề có nước nóng.
Ông Goldthorpe cho biết vào ngày 17 tháng 3, một thành viên trong nhóm đã xét nghiệm dương tính với Sars-Cov 2. Hiện ông đang chờ chuyển đi đến một khu cách ly khác để họ có thể tiến hành khử trùng khu vực ông đang phải ở để cách ly.
Hôm 10/3, Sky News cũng phỏng vấn hai khách du lịch Anh khác bị cách ly tại Việt Nam. Những khách này cũng chê bệnh viện tại Việt Nam mất vệ sinh và yêu cầu Đại sứ quán Anh phải can thiệp giúp đỡ họ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/british-tourist-tells-of-coronavirus-quarantine-hell-in-prison-like-vietnam-hotel-03182020092440.html
Vì COVID-19, dừng xét xử vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình
Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hòa Bình hôm 18/3/2020 quyết định dừng phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi Trung học Phổ thông (THPT) năm 2018 ở tỉnh này. Lý do nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch COVID-19.Truyền thông trong nước loan tin cho biết trước đó, TAND tỉnh Hòa Bình dự kiến sẽ đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm vào ngày 23/3.
Lãnh đạo TAND tỉnh Hòa Bình cho báo chí biết, phiên tòa sẽ dừng ít nhất đến hết tháng 3, nhưng chưa có lịch mở lại. Nếu bắt buộc phải mở phiên tòa, tòa sẽ chỉ triệu tập những người tham gia tố tụng đến dự nhằm tránh lây lan dịch bệnh.
Trong vụ án gian lận điểm thi Trung học Phổ thông (THPT) năm 2018 ở tỉnh Hòa Bình, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã truy tố 14 bị can về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ luật hình sự 2015.
Hai trong số 14 bị can vừa nêu, bị can Đỗ Mạnh Tuấn – cựu hiệu phó Trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy, bị truy tố thêm tội nhận hối lộ theo điều 354; và bị can Hồ Chúc – giáo viên Trường THPT Thanh Hà, huyện Lạc Thủy bị truy tố thêm tội Đưa hối lộ theo điều 364.
Năm 2018, Việt Nam áp dụng việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học làm tiêu chí để xét tuyển vào đại học thay vì tổ chức một kỳ thi vào đại học riêng như trước kia. Tuy nhiên, ngay trong kỳ thi năm 2018, các cơ quan chức năng đã phát hiện một loạt vụ gian lận điểm thi tại nhiều tỉnh trên cả nước. Những tỉnh có nhiều gian lận bị điều tra là Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình, Lạng Sơn.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/because-of-covid-19-stop-the-trial-of-the-exam-fraud-case-in-hoa-binh-03182020075652.html
Lạng Sơn đề nghị đưa lao động Việt
sang Trung Quốc hỗ trợ bốc xếp hàng hoá
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn vừa đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương cho phép đưa lao động người Việt Nam sang bốc xếp hàng hoá tại các bãi hàng của Trung Quốc ở biên giới trước tình trạng hàng hoá tồn đọng ở các cửa khẩu vì ảnh hưởng dịch COVID-19 như hiện nay.Báo trong nước loan tin hôm 18/3 cho biết đó là ý kiến của ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, trong buổi làm việc gần đây về tình hình xuất khẩu nhập khẩu hàng hoá với Bộ Công thương.
Tin cho biết hiện nay tại các cửa khẩu vẫn còn tồn đọng hơn 1000 xe hàng, chủ yếu là nông sản. Trong đó, Lạng Sơn là tỉnh có nhiều hàng hoá tồn đọng với 114 xe hàng nông sản, linh kiện điện tử tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, 788 xe nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh, 11 xe tại cửa khẩu Cốc Nam, 72 xe tại cửa khẩu Chi Ma, và 8 xe chở thanh long tại cửa khẩu ga Đồng Đăng.
Cũng liên quan đến dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn hôm 17/3 cho biết 90 ngàn bác sĩ và 125 ngàn điều dưỡng cả nước đã được huy động sẵn sàng tham gia chống dịch.
Truyền thông trong nước nói trong kịch bản dịch bệnh lan rộng, ngành Y tế Việt Nam dự kiến huy động thêm sinh viên năm cuối ngành Y và Dược.
100 sinh viên năm cuối của trường Đại học Y Hà Nội cũng được nói đã viết đơn tình nguyện đến sân bay Nội Bài chặn dịch COVID-19.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/lang-son-proposed-to-bring-vietnamese-laborers-to-china-to-assist-in-loading-goods-03182020084228.html
Chính phủ kêu dân chung tay chống dịch COVID-19!
Diễm Thi, RFASáng 17 tháng 3 năm 2020, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi mỗi người dân, đặc biệt là giới doanh nhân, các giới, các đơn vị… tùy theo khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người góp hiện vật, người góp sức, người góp ý tưởng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng, kể cả bà con ở nước ngoài, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc bao đời, đem lại sức mạnh để Việt Nam vượt mọi khó khăn thử thách chống đại dịch.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng thời nêu những hành động mà ông gọi là ‘nhường cơm, sẻ áo’ của các cá nhân và tổ chức trong việc phòng, chống dịch bệnh. Chẳng hạn trường hợp cháu bé lấy tiền mừng tuổi của mình để mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng mọi người; hay nhà khoa học đã sáng chế ra dung dịch sát khuẩn tặng hàng ngàn chai cho người dân… Ông Phúc cũng đề cập đến các mạnh thường quân, văn nghệ sĩ đứng ra quyên góp chia sẻ với cộng đồng.
Theo ông Phúc thì những đóng góp như thế góp phần xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam đoàn kết, an toàn và nhân ái.
“Lá lành đùm lá rách” là truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh thì tự người dân họ có những quyên góp để giúp đỡ lẫn nhau một cách tự nguyện. Nhưng với sự kêu gọi từ thủ tướng thì người dân lại có những phản ứng khác nhau.
Rất vô lý và nực cười. Các quan chức ai cũng giàu. Vơ vét của dân. Nhà ở ba, bốn căn biệt thự. Tiền thì không biết cơ man nào. Con cái đi học nước ngoài, mua nhà cửa ở nước ngoài. Vậy sao không bỏ tiền ra lo cho dân đi. Tiền thuế của dân đâu? – Chị Nguyễn Lai
Chị Nguyễn Lai từ Nha Trang nêu ý kiến của mình khi nghe kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
“Rất vô lý và nực cười. Các quan chức ai cũng giàu. Vơ vét của dân. Nhà ở ba, bốn căn biệt thự. Tiền thì không biết cơ man nào. Con cái đi học nước ngoài, mua nhà cửa ở nước ngoài. Vậy sao không bỏ tiền ra lo cho dân đi. Tiền thuế của dân đâu?
Hơn nữa việc lo cho dân khi dịch bệnh, thiên tai là trách nhiệm của nhà nước. Tại sao lại kêu gọi dân đóng góp?
Nếu chị có tiền chị sẽ giúp những người chị muốn chứ không theo yêu cầu của chính phủ. Cứ xem các nước tư bản họ lo cho dân trong mùa dịch như thế nào. Trong khi đó ở Việt Nam, ông Trọng với bà Ngân thì không thấy mặt luôn!”
Hẳn người dân chưa quên các quan chức có tài sản ‘khủng’ được báo chí phanh phui mà người dân bình thường làm lụng cả đời cũng không thể nào có được.
Cuối năm 2014, hai quần thể biệt thự xây dựng trái phép dưới chân núi Hải Vân (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bị phát hiện. Chủ nhân là ông Phan Như Thạch – một thiếu tướng công an vừa về hưu và đại gia vàng tên Ngô Văn Quang.
Đầu năm 2015, báo Tiền Phong đăng bức ảnh ông Nông Đức Mạnh ngồi trên một chiếc ghế lớn, chạm trổ đầu rồng màu vàng, nói chuyện với Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh tại tư gia.
Tháng 5 năm 2017, dư luận lại tròn mắt kinh ngạc khi chứng kiến hình ảnh 2 căn biệt thự hoành tránh, xa hoa của anh em ông Nguyễn Đức Vượng (Bí thư huyện Duy Tiên, Hà Nam) tọa lạc tại khu đô thị Hòa Mạc (thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên).
Hai căn biệt thự này được thiết kế theo lối kiến trúc của Pháp, mái đỏ, cửa gỗ, kết hợp với các đường nét và hệ thống chi tiết cầu kỳ. Điểm nhấn là hệ thống cột tròn và vuông. Nhìn từ bên ngoài, 2 căn biệt thự này không khác gì cung điện.
Gần đây, người dân lại xôn xao với hình ảnh giàu có của ông Nguyễn Quang Thuấn, phó chủ tịch Hội Đồng Lý Luận Trung Ương Đảng CSVN.
Anh Nguyễn Văn Vũ, một người dân Sài Gòn cho rằng chuyện kêu gọi đóng góp chống dịch là chuyện lố bịch và nực cười. Anh giải thích:
“Các quan chức đi công tác nước ngoài từng đoàn, kể cả mấy người đã về hưu. Hoang phí tiền thuế của dân. Lúc chi tiền vậy họ có hỏi dân đâu mà giờ mở miệng kêu dân đóng góp.
Tôi đã không tin chính quyền này từ lâu rồi. Họ không bao giờ công khai, minh bạch một chuyện gì nên kêu góp một đồng tôi cũng không góp vì không biết tiền đó sẽ đi đâu”.
Anh Vũ nhắc lại chuyện Thanh tra Chính phủ cử nhiều cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi công tác nước ngoài học kinh nghiệm bằng tiền thuế của dân vào tháng 4 năm 2018.
Lúc bấy giờ, Thanh tra Chính Phủ ký quyết định đi công tác nước ngoài cho 4 cán bộ sắp về hưu, gồm Phó Chánh văn Phòng Thanh tra Chính Phủ Lê Khả Thanh; Cục phó Cục III Vũ Huy Tác, Cục trưởng
cục Phòng chống Tham nhũng Phạm Trọng Đạt và Thanh tra viên cao cấp Nguyễn Thanh Hải. Kinh phí cho chuyến đi trên được chi trả bằng tiền từ ngân sách.
Đây không phải lần đầu tiên chính phủ Việt Nam kêu gọi bà con trong và ngoài nước chung tay chống dịch. Hôm 8 tháng 2, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Ngoại giao khuyến khích các tổ chức quốc tế và kiều bào hỗ trợ, cung cấp các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh do virus cororna gây ra.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng, việc giúp đỡ người dân trong nước là rất cần thiết nhưng quan trọng là cách giúp như thế nào để quà thực sự đến tay người dân. Ông giải thích:
“Phải giúp một cách trực tiếp như thông qua các tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam hay qua các tổ chức tôn giáo độc lập để đảm bảo rằng những sự trợ giúp đấy sẽ đến trực tiếp với người dân Việt Nam, chứ không thông qua các tổ chức của Chính phủ Việt Nam hay các tổ chức gọi là ‘cánh tay nối dài’ của Đảng Cộng sản. Chúng ta không nên giúp đỡ qua các tổ chức như vậy.”
Với cái nhìn của một doanh nhân, bà Lê Hoài Anh cho rằng, dịch bệnh lần này ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu. Kinh doanh bị ảnh hưởng dây chuyền và chuyện kinh doanh của bà cũng bị ảnh hưởng. Do đó, bà phải chung tay chống dịch trong khả năng và nhận thức của bà, từ trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi. Bà nói:
Dịch bệnh xảy ra thì ai cũng bị ảnh hưởng, công việc kinh doanh của chị cũng vậy. Cứu người cũng là cứu mình! – Bà Lê Hoài Anh
“Dịch bệnh xảy ra thì ai cũng bị ảnh hưởng, công việc kinh doanh của chị cũng vậy. Cứu người cũng là cứu mình!
Thật ra khi bác Phúc chưa kêu gọi thì chị có đọc trên mạng xã hội cũng như qua các bác sĩ quen, chị biết bác sĩ rất thiếu khẩu trang. Bác sĩ là những người giúp chúng ta chống dịch bệnh, cho nên chị đã đặt tiền trước cho nhà máy xản xuất 30.000 cái khẩu trang. Các bác sĩ mà nhiễm bệnh, họ không được bảo vệ thì làm sao họ cứu bệnh nhân?”
Bà kể thêm rằng, trước đây bà đã giúp hàng trăm chiếc khẩu trang 3M cho những người làm việc ở các cửa khẩu, bởi họ là tuyến đầu hàng ngày hàng giờ tiếp xúc với những người từ nước ngoài về.
Đại dịch CODIV-19 không chừa một quốc gia nào. Tính đến cuối ngày 17 tháng 3, thống kê mới nhất cho thấy đã có 163 quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt virus corona với hơn 197.000 ca nhiễm và hơn 7.900 người chết.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/llllllllvietnam-gov-asks-pp-help-to-fight-covid-19-dt-03172020143529.html
0 comments