Đọc báo Pháp – 15/06/2020
Tuổi trẻ thế hệ corona :
nạn nhân của khủng hoảng kinh tế
Tú Anh
Đa phần chủ đề trên báo Pháp hôm nay ít nhiều lồng trong bối cảnh đại dịch Covid-19: từ diễn văn của tổng thống Pháp tối Chủ Nhật cho đến thời sự Hoa lục, Hồng Kông. Nạn nhân bất hạnh nhất là tuổi thanh niên Pháp, vừa tốt nghiệp đúng vào lúc kinh tế suy thoái vì con siêu vi xuất phát từ Vũ Hán.
Nước Pháp một màu xanh
Thông điệp của tổng thống Pháp tối Chủ Nhật là chủ đề thời sự số một của báo chí phát hành sáng hôm nay 15/06/2020.
Le Figaro tóm lược ý chính qua các tựa: Nước Pháp trở thành màu xanh (bản đồ). Macron phác họa con đường mới. Sang trang nhưng không quên siêu vi còn đó. Khẩu trang đề phòng dịch tái phát đợt hai. Về ý nghĩa chính trị, nhật báo thiên hữu chú ý : tổng thống ủng hộ lực lượng cảnh sát.
Nhật báo Công giáo La Croix cũng chạy tựa : Macron tăng tốc sang trang giai đoạn phong tỏa. Trừ Guyanne và đảo Mayotte, nơi siêu vi còn mạnh, toàn lãnh thổ nước Pháp biến thành màu xanh. Diễn dịch cụ thể: kể từ thứ Hai, tất cả nhà hàng, quán cà-phê hoạt động bình thường. Học sinh cấp một, cấp hai đi học trở lại từ 22/06 cho đến ngày bãi trường 04/07.
Thông điệp thứ hai: Chính phủ đầu tư dồi dào cho giáo dục, huấn nghệ và tạo công ăn việc làm cho giới trẻ .
Nhật báo kinh tế Les Echos trích một câu tuyên bố làm tựa: Macron xác quyết tái xây dựng kinh tế. Bên cạnh lời xác quyết này là hai sự kiện báo động: Hệ thống trợ cấp hưu trí thâm thủng gần 30 tỷ euro. Công ty hỏa xa SNCF thất thu 4 tỷ. Tất cả cũng vì con siêu vi corona.
Tuổi trẻ 2020: Thế hệ corona, nạn nhân của khủng hoảng kinh tế
Đó là tựa bài xã luận của Le Monde. Thế hệ corona bước vào thị trường lao động vào lúc đại dịch Covid-19 làm kinh tế Pháp suy yếu, nạn thất nghiệp gia tăng. Một số sinh viên tốt nghiệp nhưng tiếp tục học thêm. Một số khác quyết định bước vào cuộc đời đúng vào thời điểm khó khăn nhất.
Điều an ủi là khác với năm 2008, lần này chính phủ phản ứng nhanh. Một biện pháp cụ thể là trợ cấp 200 euro mỗi tháng cho 800.000 thanh niên có hoàn cảnh mong manh. Biện pháp hiệu quả bảo vệ người lớn tuổi chống siêu vi là “phong tỏa sinh hoạt”. Nhưng cứu mạng thế hệ này lại gây tổn hại cho tương lai thế hệ kia. Đời sống và tương lai thế hệ trẻ đột nhiên u ám: năm học xáo trộn, chương trình tập huấn bị đình chỉ, bước đầu sự nghiệp bị khó khăn, đồng lương tuyển dụng bị hạ thấp…Điều may mắn cho thế hệ corona là mối ưu tư cho tương lai được chia sẻ từ trên thượng tầng Nhà nước, đối lập chính trị và nghiệp đoàn.
Tuy nhiên, bao nhiêu đó chưa đủ. Theo Le Monde, hơn bao giờ hết, thế hệ trẻ này cần một dự án tương lai cụ thể, không bỏ sót một ai, không bỏ quên mối ưu tư về môi trường sạch. Khủng hoảng Covid-19 phải là cơ hội phác họa một mô hình xã hội mới.
Trung Quốc: Vì sao Tập Cận Bình theo vết xe đổ của Liên Xô ?
Về thời sự Trung Quốc, trước hết là thông tin siêu vi corona lây nhiễm trong khu chợ thực phẩm, 57 người bị lây nhiễm: Bắc Kinh khẩn trương đương đầu với ổ dịch mới. Libération và Les Echos cùng một tựa. Nhật báo kinh tế bình luận thêm: Sự kiện này làm dấy lên mối lo ngại dịch tái phát. Đó là một hiệu ứng xấu đối với chế độ cộng sản Trung Quốc mà trong nhiều tuần qua đã lớn tiếng quảng cáo về hiệu năng chống dịch của họ là số 1 thế giới.
Còn theo giáo sư chính trị Dominique Moïsi, vụ khủng hoảng corona còn cho thấy Trung Quốc của Tập Cận Bình ngày càng “xô viết” hóa, theo nghĩa đi vào bế tắc.
Thái độ không khoan nhượng của Trung Quốc về Hồng Kông trong lúc đại dịch không khác chi với hành động của Liên Xô đưa xe tăng đàn áp phong trào dân chủ tại Budapest vào năm 1956 trong lúc cộng đồng quốc tế đang lo âu về cuộc khủng hoảng tại kinh đào Suez.
Tập Cận Bình xem đại dịch corona là cơ hội tốt để tước đoạt quy chế tự trị của Hồng Kông, như Liên Xô năm 1956 xem khủng hoảng kinh đào Suez là cơ hội để đàn áp ở Hungari.
Cũng Liên Xô với chính sách đối ngoại ngạo mạn : “Cái gì của tôi là của tôi, còn cái gì của anh thì chúng ta cùng đàm phán”, Trung Quốc ngày nay cũng theo chiến thuật này. Nhưng tại sao Tập Cận Bình lại quên nguyên tắc khôn ngoan của Đặng Tiểu Bình ?
Khủng hoảng corona giúp cho giới quan sát thấy rõ xu thế ” xô viết hóa” của Trung Quốc. Thời trước, Liên Xô tan rã vì không đủ sức mà vẫn chạy đua vũ trang với Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc tập trung phát triển kinh tế và giữ thái độ khiêm tốn. Bây giờ Trung Quốc quên đi thành công kinh tế là nhờ mở cửa và có qua có lại. Trung Quốc ngày nay ỷ mạnh đe dọa trừng phạt nước Úc yếu hơn nhưng sinh viên Trung Quốc rất cần đại học Úc để trao dồi kiến thức.
Một trong những yếu tố làm cho Hy Lạp cổ bị sụp đổ là thái độ kiêu căng. Trung Quốc không phải là Liên Xô nhưng thái độ ngày càng giống chính sách ngạo mạn của Liên Xô trước khi sụp đổ, GS Dominique Moïsi kết luận.
Một cách cặn kẽ, Les Echos còn dành một bài phân tích tình trạng thất nghiệp trầm kha, môt đạo quân vô công rổi nghề, thật sự là một trái bom nổ chậm đe dọa chế độ.
Trung Quốc: Chế độ Mafia
Le Figaro cũng có nhiều bài phê bình chính sách kềm kẹp của Trung Quốc: Phong trào dân chủ Hồng Kông đứng trước ngã ba đường. Một năm sau đợt biểu tình khổng lồ chống bàn tay can thiệp của Bắc Kinh, các nhà tranh đấu lo ngại sẽ bị đạo luật an ninh của Trung Quốc bịt miệng. Họ tự hỏi phải chọn một chiến lược nào ?
Câu trả lời của ngân hàng HSBC là “theo Trung Quốc”. Ngân hàng tư nhân được thành lập cách nay 150 năm bị Trung Quốc bắt làm con tin, đó cũng là tựa của bài báo thứ hai. Bắc Kinh không tha HSBC vì đã cung cấp bằng cớ tố giác con gái của chủ nhân tập đoàn Hoa Vi là Mạnh Vãn Châu, móc ngoặc với Iran.
Trả lời phỏng vấn nhật báo thiên hữu, cựu toàn quyền Hồng Kông Christ Patten kêu gọi các chế độ dân chủ đoàn kết chống đảng Cộng Sản Trung Quốc mà ông gọi là “chế độ Mafia”. Theo vị toàn quyền cuối cùng của Hồng Kông, những nhà tranh đấu cho dân chủ như luật sư Lý Trụ Minh (Martin Lee) đang đi theo dấu chân của Nelson Mandela, của Martin Luther King. Họ mới là những người hùng đi vào lịch sử chứ không phải Tập Cận Bình và băng đảng xã hội đen.
Trở lại diễn văn của tổng thống Pháp, có lẽ cần phải dành phần cuối mục điểm báo hôm nay cho Libération với những bài phê bình chua cay nhất so với các đồng nghiệp: Macron tự khen Macron. Trên các hồ sơ bốc lửa, tổng thống Macron không phủ nhận có nạn kỳ thị nhưng ông xác định lập trường trật tự và ái quốc, dứt khoát không nhượng bộ những người xuống đường chống kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát. Theo nhật báo thiên tả, thái độ của tổng thống Pháp không có gì là mới hay độc đáo. Đó chỉ là tính toán chính trị trong bối cảnh đất nước âu lo và phe cực hữu đang khởi sắc.
Tin tổng hợp
(AFP) - Pháp tỏ thái độ cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ về Libya.
Điện Élysée vào hôm qua, 14/06/2020, đã tố cáo hành đông can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya, là điều “không thể chấp nhận được” và khẳng định rằng nước Pháp “không thể để (Thổ Nhĩ Kỳ) làm như thế”. Từ mấy tháng nay, Paris thường chỉ trích mưu đồ của Ankara trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ đã huy động 7 tàu chiến đến vùng ngoài khơi Libya. Đối với Paris, Ankara cũng đang vi phạm cấm vận vũ khí (đối với Libya).
(Yonhap) – Hàn Quốc gia tăng chi tiêu quân sự, giúp các tập đoàn vũ khí trong nước.
Bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo, vào hôm nay, 15/06/2020, thông báo là chính phủ đang thúc đẩy chi tiêu nhiều hơn, mua vũ khí do các tập đoàn Hàn Quốc sản xuất để giúp họ vượt qua khó khăn do Covid-19.
(Yonhap) – Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In kêu gọi Bắc Triều Tiên tiếp tục duy trì hòa bình.
Nhân kỷ niệm 20 năm Thông Cáo Chung của cuộc họp thượng đỉnh lịch sử ngày 15/06/2000, giữa tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il, tổng thống Moon Jae In hôm nay 15/06/2020 cho là không thể lại ngưng tiến trình quan hệ hòa dịu liên Triều, khi mà hai bên đã phải “bền bỉ và chật vật trong thời gian dài để vượt qua được khủng hoảng chiến tranh.”
(Reuters) –Hàn Quốc lo dịch Covid-19 tái phát.
Một nhà dịch tễ học có uy tín tại Seoul ngày 15/06/2020 cảnh báo từ nay đến tháng 7/2020 Hàn Quốc có thể sẽ ghi nhận thêm 800 ca dương tính với virus corona trong một ngày. Dùng mô hình toán học, giáo sư y khoa Ki Moran dự phóng kể từ 25/06/2020 trung bình mỗi ngày sẽ có thêm 254 ca nhiễm mới và đến đỉnh điểm vào ngày 09/07/2020 số ca nhiễm sẽ đạt ngưỡng 826 bệnh nhân.
(AFP) – Dấu hiệu virus corona thuyên giảm tại Hoa Kỳ ?
Đại học Johns Hopkins ngày 14/06/2020 cho biết có thêm 382 người thiệt mạng tại Mỹ vì Covid-19. Đây là mức thiệt hại thấp nhất từ nhiều tuần qua. Tuy nhiên theo các giới chức y tế, còn quá sớm để cho rằng Hoa Kỳ đã thoát nạn. Tại một số bang như Florida, Texas hay Arizona, số người nhập viện liên tục gia tăng trong bốn ngày qua.
(AFP) – Trung Quốc là một trong những chủ đề chính trong cuộc họp trực tuyến giữa ngoại trưởng Mỹ và Liên Âu.
Cuộc họp qua cầu truyền hình chiều ngày 15/06/2020 khởi động tuần lễ hoạt động ngoại giao giữa hai bờ Đại Tây Dương. Trong hai hôm nữa, đến lượt bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ sẽ thảo luận với các đối tác trong NATO. Âu Mỹ hiện bất đồng trên nhiều hồ sơ từ kế hoạch hòa bình cho Cận Đông, đến việc Washington ngừng đóng góp cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Âu-Mỹ sẽ cố gắng tìm đồng thuận trong chính sách đối với Trung Quốc.
(AFP) – Tư pháp Nga xử 16 năm tù một người Mỹ về tội gián điệp.
Ngày 15/06/202 một tòa án tại thủ đô Matxcơva ra phán quyết xử cựu thủy quân lục chiến Hoa Kỳ Paul Whelan 16 năm tù giam. Whelan này bị bắt từ năm 2018 và bị tình báo Nga cáo buộc “làm gián điệp”. Bị cáo luôn kêu oan và thậm chí khẳng định ông đã bị gài bẫy. Theo ông, phiên xử hôm nay hoàn toàn mang màu sắc chính trị trong bối cảnh căng thẳng Nga –Mỹ.
(AFP) Đối lập Venezuela thông báo rút lui khỏi cuộc bầu cử Quốc Hội.
Ngày 14/06/2020 phe đối lập Venezuela ra thông cáo cho biết không tham gia cuộc bầu cử lập pháp được dự trù vào cuối năm 2020. Lý do, đây là một “trò hề” chính quyền trong tay tổng thống Maduro dựng nên.
(AFP)- Nghi vấn về sức khỏe của tổng thống Donald Trump.
Đúng vào ngày chủ nhân Nhà Trắng ăn mừng sinh nhật 74 tuổi, hôm Chủ Nhật 14/06/2020 nhiều câu hỏi dấy lên về tình hình sức khỏe của nguyên thủ Mỹ. Một ngày trước đó một đoạn video cho thấy tổng thống Mỹ có vẻ mệt mỏi, đi lại khó khăn khi rời trường võ bị West Point.
(AFP) – Đài Loan khẩn trương sản xuất xe đạp cung ứng cho thế giới.
Nhờ dịch Covid-19 ngành sản xuất xe đạp Đài Loan đang hái ra tiền. Theo phóng sự của AFP ngày 15/06/2020 các nhà sản xuất Đài Loan không kịp đáp ứng nhu cầu tăng vọt tại Mỹ và châu Âu. Do tác động chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, kim ngạch xuất khẩu xe đạp của Đài Loan năm ngoái tăng 23% so với năm 2018. Trong ba tháng đầu năm nay, chỉ riêng trên thị trường Mỹ, lượng xe bán ra tăng 121%.
(AFP) –Tập đoàn xe lửa quốc gia Pháp lỗ nặng.
Dịch Covid-19 khiến tập đoàn xe lửa quốc gia Pháp SNCF thất thu 4 tỷ euro. Ngày 14/06/2020 chủ tịch tổng giám đốc Jean Pierre Farandu cho biết nếu tính luôn cả tác động do đợt đình công dài ngày chống dự luật cải tổ hưu bổng tại Pháp, thiệt hại tính đến cuối tháng 5/2020 lên tới khoảng 5 tỷ euro. SNCF hy vọng sẽ được chính phủ hỗ trợ để vượt qua khó khăn hiện tại.
(AFP) Chiến đấu cơ Mỹ rơi ở Biển Bắc.
Quân đội Mỹ ngày 15/06/2020 cho biết một chiến đấu cơ F-15 của Hoa Kỳ đóng tại căn cứ quân sự Lakenheath, ở phía đông nước Anh, đã bị nạn vào lúc 9g40 sáng nay. Chưa rõ về nguyên nhân tai nạn và tông tích của viên phi công lái máy bay. Kể từ năm 2014, đây là tai nạn thứ ba của Không Quân Mỹ liên quan đến căn cứ quân sự đặt tại Anh Quốc.
Điểm tin thế giới sáng 15/6:
Ngoại trưởng Mỹ dự định gặp quan chức Trung Quốc
Lục Du
Chào mừng quý độc giả đến với mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin sáng thứ Hai (15/6) của chúng tôi có những tin sau:
Ngoại trưởng Mỹ dự định gặp quan chức Trung Quốc
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo có kế hoạch gặp gỡ các quan chức Trung Quốc tại Hawaii vào đầu tuần này, hai quan chức Mỹ và một nhà ngoại giao phương Tây tiết lộ thông tin với CNN vào Chủ nhật.
Một quan chức Mỹ cho hay, ông Pompeo dự kiến sẽ thảo luận nhiều vấn đề với quan chức Trung Quốc tại căn cứ không quân Hickam. Nguồn tin này nói rằng ngoại trưởng Mỹ sẽ ở Hawaii trong khoảng 24 giờ.
Cuộc hội đàm giữa ông Pompeo và đại diện của chính quyền Trung Quốc diễn ra khi căng thẳng Mỹ-Trung leo thang trong nhiều tháng qua do những mâu thuẫn liên quan tới đại dịch viêm phổi Vũ Hán, vấn đề về Hồng Kông, Đài Loan và cái chết của người da màu George Floyd.
Tổng thống Pháp muốn EU giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Reuters đưa tin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm Chủ nhật nói rằng ông sẽ làm việc để xây dựng một châu Âu ít phụ thuộc vào Trung Quốc.
Reuters đánh giá, cuộc khủng hoảng do virus Vũ Hán gây ra đã bộc lộ sự phụ thuộc của Pháp và phần còn lại của châu Âu vào chuỗi cung ứng có liên quan tới Trung Quốc.
“Thử thách này đã bộc lộ những sai sót và sự yếu kém: để có được hàng hóa chúng ta phải phụ thuộc vào các lục địa khác”, ông Macron nói trên truyền hình quốc gia. “Tôi muốn chúng ta rút ra tất cả những bài học từ những gì đã trải qua”.
Thổ Nhĩ Kỳ: Nới lỏng cách ly, số ca nhiễm mới nCoV tăng
Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca hôm Chủ nhật cảnh báo đất nước đang “lệch khỏi mục tiêu chống dịch” khi số ca nhiễm mới virus Vũ Hán hàng ngày tăng lên trên 1.500 sau lệnh nới lỏng các hạn chế của chính phủ, theo AP.
Ông Koca thông báo trên Twitter rằng vào Chủ nhật Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận thêm 1.562 trường hợp dương tính với nCoV sau 24 giờ, đây là con số cao nhất kể từ ngày 3/6. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang là vùng dịch Covid-19 lớn thứ 11 thế giới với 178.239 ca nhiễm bệnh và 4.807 bệnh nhân tử vong.
Vào đầu tháng Sáu, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho phép các quán cà phê, nhà hàng, phòng tập thể dục, công viên, bãi biển và bảo tàng mở cửa trở lại, đồng thời giảm bớt các hạn chế đi lại đối với người cao tuổi và trẻ em sau nhiều tuần bị cách ly.
Đức sắp ra mắt ứng dụng phát hiện người nhiễm Covid
Ứng dụng trên điện thoại thông minh của Đức dùng để phát hiện người nhiễm Covid-19 đã sẵn sàng ra mắt trong tuần này, Bộ trưởng Y tế Đức, Jens Spahn, cho biết thông tin hôm Chủ nhật, theo Reuters.
Sau khi trì hoãn ra mắt ứng dụng để đảm bảo công nghệ bluetooth hoạt động chính xác trong một khoảng cách, chính phủ Đức cho biết sản phẩm công nghệ này sẽ là một công cụ quan trọng để giúp tránh làn sóng nhiễm nCoV thứ hai.
“Nó sẽ ra mắt vào tuần này”, ông Spahn nói với đài truyền hình ARD, nhưng từ chối xác nhận thông tin rằng ứng dụng sẽ được giới thiệu tới công chúng vào thứ Ba.
Ý: Người biểu tình bôi bẩn tượng nhà báo nổi tiếng
Một bức tượng nhà báo nổi tiếng ở thành phố Milan, Ý, đã bị người biểu tình phun sơn đỏ và gán dòng chữ “phân biệt chủng tộc, hiếp dâm”. Đây là bức tương đầu tiên ở Ý bị người biểu tình nhắm tới trong làn sóng phá hủy tượng những người nổi tiếng ở châu Âu, theo AFP.
Bức tượng nhà báo Indro Montanelli, được đặt trong một khu vườn cùng tên ở thành phố Milan, bị người biểu tình tấn công vào đêm thứ Bảy. Nhà báo Montanelli qua đời năm 2001 ở tuổi 92, ông được xem là một trong những nhà báo người Ý có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20.
Những người chống phân biệt chủng tộc nổi lên sau cái chết của Floyd, một tội phạm ma túy người da màu ở Mỹ bị ngộ sát, cho rằng tượng của ông Montanelli đáng bị quật đổ vì ông từng mua và cưới một cô gái người da đen ở Ethiopia.
Điểm tin tối 15/6:
Dịch virus bùng phát ở chợ đầu mối,
Bắc Kinh phong tỏa 10 cụm dân cư
Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Hai (15/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Dịch virus bùng phát ở chợ đầu mối, Bắc Kinh phong tỏa 10 cụm dân cư
Bắc Kinh khẩn cấp phong tỏa 10 cụm dân cư, sau khi chính quyền địa phương báo cáo 36 ca nhiễm mới trong một ngày khi dịch virus corona bùng phát tại một chợ bán buôn thực phẩm. Quyết định theo sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan. Trong một cuộc họp Hội đồng Nhà nước hôm 14/6, bà Tôn Xuân Lan nói nguy cơ lây lan dịch mới là “rất cao” vì chợ rộng, người đi chợ đông, theo truyền thông Trung Quốc Tân Hoa Xã.
Các ca mắc mới đã nâng số người nhiễm Covid-19 ở Bắc Kinh trong đợt bùng phát mới lên 79 người, tất cả đều liên quan đến chợ thực phẩm Tân Phát Địa (Xinfadi), nằm ở Tây Nam Bắc Kinh. Chợ rộng 107 ha, là nguồn cung cấp thực phẩm cho các tỉnh phía bắc như Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Bắc và Liêu Ninh.
Cảnh sát Philippine bắn chết 2 nghi phạm Trung Quốc
Cảnh sát thành phố Angeles, Philippines đã bắn hạ hai nghi phạm người Trung Quốc trong khi truy đuổi hôm 11/6, liên quan đến vụ 3 người Trung Quốc bắt cóc trẻ em.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 9 giờ sáng, Lực lượng Chống bắn cóc (AKG) thuộc Cảnh sát quốc gia Philippine phối hợp với Cảnh sát thành phố Angeles truy tìm chiếc xe tải Hyundai Starex nghi là chở những kẻ bắt cóc chạy trốn. PNA đưa tin, các nghi phạm đã nổ súng trước khi cảnh sát tiếp cận chiếc xe. Các cảnh sát đã bắn chết các nghi phạm. Một cảnh sát của AKG nhập viện vì trúng đạn từ nghi phạm.
Venezuela yêu cầu phóng thích doanh nhân kết nối với Maduro
Venezuela đã yêu cầu thả Alex Saab, một doanh nhân có kết nối với chính quyền tổng thống Nicolas Maduro. Alex Saab bị giam giữ tại Cape Verde với cáo buộc tham nhũng từ phía Mỹ đưa ra. Ông này bị bắt hôm 12/6 khi trên đường tới Iran. Vụ việc là một đòn giáng mạnh vào chính quyền Maduro.
Nhà báo nổi tiếng Philippines đối mặt án tù vì cáo buộc ‘phỉ báng trên mạng’
Maria Ressa, một trong những nhà báo nổi tiếng nhất của Philippines đang phải đối mặt với án tù 6 năm sau khi cô bị kết tội “phỉ báng trên mạng” vào thứ Hai (15/6). Đây là một bản án bị lên án là đặt ra một tiền lệ “gây thiệt hại nghiêm trọng” cho các quyền tự do báo chí trong khu vực, theo The Guardian ngày 14/6.
Phán quyết được Thẩm phán Rainelda Estacio-Montesa ở tòa án Manila đưa ra. Phiên tòa xét xử hạn chế số người tham dự với lý do chống virus corona lây lan.
Rappler, một trong những trang tin tức có ảnh hưởng lớn nhất nước Philippines và Ressa, tổng biên tập của trang, và nhà nghiên cứu kiêm cây viết Reynaldo Santos Jr bị buộc tội “phỉ báng trên mạng” vào năm 2017.
‘Vua thỏa thuận’ Nhật Bản chuẩn bị các thương vụ thâu tóm
Giám đốc điều hành Minebea Mitsumi Inc., ông Yoshihisa Kainuma đang chuẩn bị các hồ sơ mua lại sau khi đại dịch virus corona đã qua. Cựu luật sư mua bán và sáp nhập (M&A) được biết đến ở Nhật Bản với biệt danh “vua thỏa thuận” nói với Bloomberg News rằng ông chờ đợi thị trường thoát khỏi sự hỗn loạn hiện tại trước khi tái khởi động bộ máy thâu tóm và nhắm vào các công ty gặp khó khăn do đại dịch.
Ông Kainuma, người xây dựng sự nghiệp từ một loạt các thỏa thuận đúng lúc, đã giúp đẩy Minebea lên nấc thang công nghệ. Công ty đã phát triển qua nhiều thập niên từ một nhà sản xuất ổ bi nhỏ ở ngoại ô thủ đô Nhật Bản trở thành một công ty chủ chốt trong trung tâm của chuỗi sản xuất công nghệ toàn cầu, cung cấp cho các hãng lớn như Nintendo Co. và LG Electronics Inc.
Cộng hòa Czech là điểm đến đầu tư lớn thứ tư của Đài Loan tại châu Âu
Theo thống kê của Bộ Kinh tế Đài Loan được CNA báo cáo, Cộng hòa Czech đứng thứ 4 về đầu tư của Đài Loan vào châu Âu, sau Đức, Hà Lan và Anh. Năm ngoái, thương mại giữa Czech và Đài Loan đạt gần 820 triệu USD, trong đó Đài Loan xuất khẩu 454 triệu USD hàng hóa và nhập khẩu 365 triệu USD hàng hóa từ Czech.