Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 12/03/2020

Thursday, March 12, 2020 // ,
Đọc báo Pháp – 12/03/2020

Virus corona: Bắc Kinh cố phủ nhận

virus xuất xứ từ Trung Quốc

Trọng Nghĩa
Dịch Covid càng lúc càng lan rộng tại châu Âu dĩ nhiên là đề tài chủ đạo trên báo Pháp ra ngày hôm nay 12/03/2020, được Le Figaro và Les Echos nêu bật trên trang nhất.
Dù chọn chủ đề khác làm tựa chính, Libération, La Croix và Le Monde cũng đã dành nhiều bài viết cho con virus corona đang là đại họa của toàn thế giới. La Croix có một bài rất đáng chú ý, tiếp tục vạch trần ý đồ gần đây của Bắc Kinh muốn xóa nhòa vai trò của Trung Quốc trong việc gây nên đại dịch toàn cầu.
Trong bài “Trung Quốc muốn tin rằng dịch Covid-19 đã lùi vào quá khứ”, nhật báo Công Giáo La Croix ghi nhận hai chiều hướng trái ngược nhau đang diễn ra: Dịch bệnh tại Trung Quốc ngày càng có thêm dấu hiệu lùi bước, trong lúc tại phần còn lại của thế giới, từ ngữ “đại dịch” đã được chính thức sử dụng.
Dịch Covid-19 đã lùi bước tại Trung Quốc, nhưng nguy cơ tái phát vẫn còn
Theo La Croix, khi lần đầu tiên đặt chân đến Vũ Hán, nơi xuất phát của dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn thế giới hôm 10/03/2020 vừa qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng “sự lây lan của dịch bệnh kể như đã bị ngăn chặn”. Tuy nhiên, ông đã cẩn thận chưa tuyên bố chiến thắng, vì nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát vẫn còn đó trong bối cảnh đại dịch đang lan rộng ngoài Trung Quốc.
Đối với La Croix, Trung Quốc hiện đang đứng trước hai nguy cơ chủ chốt. Trước hết, việc khôi phục các hoạt động thương mại và công nghiệp sẽ lại tạo ra tình trạng dân chúng khắp nơi tiếp xúc với nhau, tạo điều kiện cho con virus lây lan trở lại.
Ngoài ra, đại dịch hoành hành ngoài Trung Quốc có thể gây ra hiệu ứng boomerang, nhất là khi hàng ngàn người Trung Quốc ra nước ngoài nhân kỳ nghỉ Tết hồi tháng Giêng vừa qua sẽ hồi hương. Nhiều trường hợp virus corona từ Ý, Iran, Hàn Quốc… “tái nhập” vào Trung Quốc đã được ghi nhận trong những ngày gần đây.
Tuyên truyền để xóa nhòa việc Trung Quốc là nơi phát tán virus
Tuy nhiên nhìn chung, trên bình diện y tế, bầu không khí tại Trung Quốc đã lạc quan trở lại. Trong bối cảnh đó, La Croix đã ghi nhận sự kiện “guồng máy tuyên truyền đã khởi động trở lại để bắt đầu xóa khỏi ký ức tập thể của cả người Trung Quốc lẫn người ngoại quốc, nguồn gốc và bản chất Trung Quốc của virus Vũ Hán”.
Theo La Croix, từ một tuần lễ nay, Trung Quốc đã tung ra cả “một chiến dịch ngoại giao và truyền thông nhằm mục đích xóa nhòa thời điểm chính xác mà dịch bệnh bùng lên”.
Tờ báo cho biết là: “Mọi đại sứ Trung Quốc đều phải dùng tài khoản Twitter (vốn bị cấm ở Trung Quốc) của mình để truyền đi thông điệp với nội dung “Cho dù con virus corona đã xuất phát từ Vũ Hán, nhưng nguồn gốc thực sự của nó vẫn chưa được biết. Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu xem chính xác virus đến từ đâu.
Đối với La Croix, Trung Quốc còn có một động thái “thâm hiểm” hơn khi gọi con virus corona ở ngoại quốc bằng những tên khác, chẳng hạn như đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo đã sử dụng từ “virus Nhật Bản”.
Tờ báo Pháp kết luận: “Đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc, một mình nắm giữ sự thật lịch sử, phải tạo ra tâm lý nghi ngờ đối với mọi thứ gắn Trung Quốc với con virus, và phải xóa bỏ mối quan hệ này ra khỏi sử sách. Trong số những vụ tẩy xóa lịch sử khác kể từ năm 1949, Bắc Kinh đã xóa được vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 ra khỏi tâm trí của tất cả các thế hệ được sinh ra sau sự kiện đó”.

Les Echos: Miền bắc Ý muốn chính quyền dùng mô hình cách ly Vũ Hán

Cũng liên quan đến vai trò của Trung Quốc, nhật báo kinh tế Les Echos đã đặc biệt chú ý đến sự kiện Ý vừa quay sang nhờ Trung Quốc giúp đỡ trong việc chống dịch Covid-19.
Theo đặc phái viên của tờ báo tại Ý, trước trăm bề khó khăn đang gặp phải trong việc đối phó với sự lây lan của dịch Covid-19, giới y tế tại miền bắc Ý đã lên tiếng đòi chính quyền Rôma phải ban hành những biện pháp cách ly quyết liệt hơn nữa.
Người điều phối các hoạt động cấp cứu phụ trách vùng Lombardia, nơi chịu tác hại nặng nề nhất của dịch bệnh đã nói thẳng: “Hãy áp dụng mô hình Vũ Hán để kềm hãm đà lây lan của dịch bệnh”.
Theo Les Echos, chủ tịch hai vùng Lombardia và Veneto đã kêu gọi chính quyền trung ương ban bố lệnh phong tỏa và cách ly hoàn toàn để chống dịch, tức là đóng cửa tất cả các nhà máy, doanh nghiệp và cửa hàng thương mại, giảm hoạt động của ngành vận chuyển đến mức tối thiểu.
Những đòi hỏi triệt để kể trên đã được giới chủ nhân, cũng như chính phủ Ý tiếp nhận một cách rất dè dặt, vì sợ rằng sẽ tạo ra những khó khăn kinh tế, gây nên bùng nổ xã hội.

Bị châu Âu bỏ bê, Ý cầu viện Trung Quốc

Trước mắt, theo Les Echos, chính quyền Ý đã kêu gọi châu Âu giúp đỡ. Thế nhưng, trước phản ứng chậm chạp của Bruxelles, Roma đã quay sang nhờ Trung Quốc và đã được Bắc Kinh chấp nhận ngay. Theo ghi nhận của Les Echos, Trung Quốc như đã không chấp nhất việc chính phủ Ý là một trong những nước hiếm hoi đầu tiên đình chỉ ngay lập tức tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc khi dịch Covid bùng lên tại Vũ Hán.
Và như vậy là Bắc Kinh đang cấp tốc chuyển qua cho Ý 1.000 máy hỗ trợ hô hấp (Ý hiện chỉ có 3.000 chiếc mà thôi), 20.000 bộ quần áo bảo hộ y tế… cùng với 9 chuyên gia thành thạo trong chiến dịch chống Covid 19 tại Trung Quốc vừa qua.
Bắc Kinh cũng hứa gởi qua giúp Rôma 100.000 chiếc khẩu trang công nghệ cao và đã yêu cầu các công ty Trung Quốc xuất khẩu 2 triệu khẩu trang y tế thông thường sang Ý.
Về phía chính phủ Ý, Les Echos ghi nhận là Rôma đã cam kết mua một khối lượng lớn thiết bị hỗ trợ hô hấp. Đây là những thiết bị do các công ty Trung Quốc làm ra để đối phó với dịch bệnh tại chỗ, nay đang bị tồn kho, vì không còn cần thiết.
Theo nhật báo Pháp, ngoại trưởng Ý đã được đồng nhiệm Trung Quốc cam kết hôm 10/03 là sẽ ưu tiên đáp ứng các yêu cầu của Rôma. Ông Luigi Di Mario đã cảm ơn phía Trung Quốc và tuyên bố rằng: “Chúng tôi chắc chắn sẽ không quên quốc gia đã gần gũi với chúng tôi”.
Les Echos bình luận: “Lời cám ơn này chẳng khác gì một lời trách móc nhắm vào Bruxelles”.

Trang nhất các báo

Như nói ở trên, hai tờ Le Figaro và Les Echos đã dành hồ sơ chính và tựa lớn trang nhất cho dịch Covid-19, trong lúc Le Monde, Liberation và La Croix thì chú ý đến thời sự Pháp hay quốc tế.
Dù cùng khai thác chủ đề virus corona, nhưng Le Figaro đã nhấn mạnh đến phản ứng của châu Âu với hàng tựa lớn: “Đối mặt với đại dịch, châu Âu đang cố gắng tổ chức” cách phản ứng. Trong khi đó, Les Echos lại chú ý nhiều hơn đến tình hình tại Pháp, cho rằng “Pháp bị (virus) bao vây”.
Đối với Le Figaro để tránh tình trạng các quốc gia vì ích kỷ chỉ bo bo lo cho mình, chính “Ủy ban Châu Âu sẽ đứng ra điều phối công cuộc đấu tranh chống đại dịch giữa các thành viên của Liên Hiệp Châu Âu”. Theo Le Figaro, đây quả là một việc không dễ dàng do truyền thống “hợp tác khó khăn” giữa các nước châu Âu với nhau.
Tuy vậy, cả hai tờ báo đều có vẻ khen ngợi quyết định của nước Đức, với việc thủ tướng Merkel sẵn sàng để Đức tham gia giúp đỡ các nước khác, đồng thời từ bỏ thái độ cứng rắn trên vấn đề thâm thủng ngân sách để các nước có thể tung tiền chống dịch.

Libération: Ba bà tranh chức thị trưởng Paris

Trái với hai đồng nghiệp Les Echos và Le Figaro, nhật báo Libération đã dành trang nhất và hồ sơ chính cho cuộc bầu cử các hội đồng thành phố và thị xã ở Pháp, mà vòng 1 sẽ diễn ra ngày Chủ Nhật 15 tháng Ba tới đây.
Libération đặc biệt chú ý đến tình hình thủ đô Paris, nơi ba ứng viên nhiều triển vọng làm thị trưởng nhất đều là phụ nữ: Thị trưởng mãn nhiệm Anne Hidalgo, đảng Xã Hội, bà Rachida Dati, đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, và bà Agnès Buzyn đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước.
Đây là ba người đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận, do vậy, tại Paris sẽ là một Cuộc Đấu Tay Ba – tựa lớn trang nhất – chứ không phải là tay đôi truyền thống.
Nhật báo La Croix thì nhìn sang Syria, nêu bật thực tế là sau 9 năm nội chiến, người dân nước này đang rơi vào cảnh tuyệt vọng.
Sau cùng, Le Monde đã chú ý đến tình hình Nga, nêu bật trong hàng tựa lớn trang nhất: “Cú đảo chánh về mặt Hiến Pháp của Putin”, phân tích cách thức mà lãnh đạo Nga đã làm, để có thể danh chính ngôn thuận bám lấy quyền hành.

Tin tổng hợp
(AFP) – Nghị sĩ Mỹ muốn cấm hàng nhập từ Tân Cương, Trung Quốc. 
Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Marco Rubio đã lại đòi cấm phần lớn hàng nhập khẩu từ Tân Cương, vì cho đấy là hàng do cưỡng bức lao động. Ông Rubio là người bảo trợ cho biện pháp mà đảng Dân Chủ cũng tán đồng. Trả lời báo chí hôm 11/03/2020, ông cho rằng : « Những hành vi này ở Tân Cương là một thảm kịch của nhân loại ». Các nhóm bảo vệ nhân quyền từng nêu bật chiến dịch đàn áp và cưỡng bức lao động ở Tân Cương với 1 triệu người bị giam giữ.
(Reuters) – Hoa Kỳ : Ứng viên tổng thống Joe Biden đình chỉ mít tinh do virus corona. 
Ông Biden đã quyết định hủy bỏ mít tinh dự kiến vào hôm qua ở Florida và Illinois do e ngại virus corona, trong lúc giới y tế cảnh báo nguy cơ lây lan khi tập hợp đông và thói quen bắt tay. Ông Biden cho biết sẽ phát biểu vào hôm nay, 12/03, về virus corona từ thành phố Wilmington của ông ở bang Delaware.
(AFP) – Trung Quốc cấm lên đỉnh Everest. 
Hôm nay, 12/03/2020, những người tổ chức chuyến leo lên đỉnh núi Everest vào đầu mùa cao điểm tới thông báo là Trung Quốc đã hủy các giấy phép cho leo lên đỉnh núi này, do dịch virus corona. Những người leo lên đỉnh núi cao nhất thế giới có thể leo từ phía Trung Quốc, từ là sườn phía bắc. Nhưng cho tới nay, đa số leo từ sườn phía nam, tức là từ Nepal. Ngả này hiện vẫn chưa bị cấm.
(AFP) – Đốt ngọn lửa Thế Vận Hội Tokyo 2020. 
Hôm nay, 12/03/2020, tại khu di tích cổ của Hy Lạp, Olympia, ngọn lửa của Thế Vận Hội Tokyo 2020 đã được đốt lên, nhưng nghi lễ này không có khán giả, do dịch virus corona. Đuốc thế vận kể từ nay sẽ được rước đến Nhật Bản, cho đến lễ khai mạc Thế Vận Hội Tokyo ngày 24/07. Hôm nay, thống đốc vùng Tokyo, bà Yuriko Koike vẫn tuyên bố sẽ không có chuyện hủy Thế Vận Hội, cho dù Tổ chức Y tế Thế giới kể từ nay xem dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
(AFP) – Vợ chồng Tom Hanks bị nhiễm Covid-19. 
Hôm nay, 12/03/2020, chính quyền bang Queensland của Úc thông báo là nam diễn viên Mỹ Tom Hanks và vợ Rita Wilson hiện đang bị cách ly trong bệnh viện sau khi xét nghiệm dương tính với virus corona. Tom Hanks hiện đang đóng phim tại Úc. Ông là ngôi sao điện ảnh Hollywood đầu tiên bị nhiễm Covid-19.
(AFP) – Giải Vô Địch Bóng Rổ Mỹ NBA ngưng các trận thi đấu do virus corona. 
NBA đã thông báo ngưng các trận đấu vào hôm qua, 11/03/2020, sau vụ một cầu thủ người Pháp Rudy Gobert, bị nhiễm Covid-19. Thời điểm hoạt động trở lại chưa thông báo, trong lúc còn đến khoảng 20 trận trong giải chưa diễn ra.
(Bloomberg – Reuters) – BCE hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ châu Âu đối phó với tác động của Covid-19.
Quyết định được đưa ra hôm 12/03/2020. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm 2020,  Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE) sẽ bảo đảm thêm 120 tỷ euro nợ công và nợ của tư nhân. Tuy nhiên, BCE không thông báo hạ lãi suất chỉ đạo. Lãi suất này đã rơi xuống 0 % từ tháng 3/2016.
(AFP) – Trùm điện ảnh Mỹ lãnh án 23 năm tù giam vì tội hiếp dâm.
Toà án Manhattan đưa ra phán quyết nói trên vào hôm 11/03/2020 đối với ông Harvey Weinstein, 67 tuổi. Luật sư của Weintein đề nghị một bản án 5 năm, mức phạt tối thiểu của bang New York.
(AFP) – Covid-19 : Greta Thunberg kêu gọi “biểu tình trên mạng” vì môi trường. 
Với dịch Covid-19, các cuộc tập hợp trên 500 người tại Thụy Điển bị cấm. Thunberg vừa phát động phong trào bãi #ClimateStrikeOnline. Nhà đấu tranh vì môi trường, thiếu nữ 17 tuổi người Thụy Điển, chủ xướng phong trào đấu tranh “Fridays for future” kêu gọi giới trẻ trên thế giới tuần hành vào mỗi ngày Thứ Sáu hàng tuần vì tương lai.
(AFP) – Virus corona : Công viên giải trí Disneyland Paris giảm hoạt động. 
Ban giám đốc công viên này ngày 12/03/2020 thông báo “tạm dừng các buổi trình diễn ngoài trời cho đến ngày 15/04/2020″. Công viên vẫn mở cửa, nhưng giới hạn lượng khách tham quan. Trung bình mỗi năm có 15 triệu khách viếng thăm Disneyland Paris ở vùng Marne-la-Vallée, phía đông Paris.

Điểm tin thế giới sáng 12/3:

Trung Quốc cử chuyên gia giúp Ý chống COVID-19

Lục Du
Sáng nay, thứ Năm (12/3), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin thế giới nổi bật đêm qua:
Trung Quốc cử chuyên gia giúp Ý chống COVID-19
Trung Quốc đã cử một nhóm chuyên gia y tế tới giúp Ý đối phó với dịch COVID-19 đang bùng phát, tương tự như việc họ đã thực hiện để giúp Iran và Iraq, theo bản tin đêm  thứ Tư (11/3) của SCMP.
Truyền thông Trung Quốc cho hay, Hội Chữ thập đỏ của nước này đã cử đại diện dẫn đầu một nhóm các chuyên gia y tế lên đường tới Ý vào thứ Tư, mang theo vật tư và thiết bị phòng chống dịch COVID-19.
Đây là kết quả của cuộc điện thoại hôm thứ Ba giữa Bộ trưởng Ngoại giao Ý, ông Luigi Di Maio, và người đồng cấp Vương Nghị. Trong cuộc điện thoại này, ông Luigi đã nhờ Trung Quốc giúp đỡ chống dịch COVID-19.
Hiện Ý là quốc gia có số người tử vong và nhiễm nCoV cao chỉ sau Trung Quốc, với 12.462 người nhiễm bệnh (tăng 2.313), 827 người chết (tăng 196), theo cập nhật của Worldometers, sáng ngày 12/3, giờ Hà Nội.
Nga thông qua hiến pháp mới, có thể giúp Putin tại vị tới năm 2036
Hôm thứ Tư (11/3), với số phiếu ủng hộ áp đảo, cả hai viện của quốc hội Nga đã thông qua những thay đổi trong hiến pháp cho phép ông Vladimir Putin tiếp tục ra tranh cử tổng thống vào năm 2024, Fox News đưa tin.
Việc sửa đổi hiến Pháp theo đề nghị của chính phủ Nga có thể giúp ông Putin nắm quyền đến năm 2036 trong trường hợp cựu quan chức của cơ quan tình báo KGB giành chiến thắng và hoàn thành thêm hai nhiệm kỳ tổng thống nữa. Nếu điều này xảy ra thì Putin sẽ lãnh đạo nước Nga liên tục trong 36 năm, giữ kỷ lục người cầm quyền lâu nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại.
Hiện ông Putin, 67 tuổi, đã lãnh đạo nước Nga trong hai thập kỷ với tư cách tổng thống hoặc thủ tướng, đưa ông trở thành nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất chỉ sau Stalin.
Mỹ đề nghị giúp nếu Triều Tiên bùng phát COVID-19
Hoa Kỳ đã đề nghị giúp Triều Tiên đối phó với trường hợp dịch COVID-19 bùng phát ở quốc gia này, một quan chức Mỹ cho biết hôm thứ Tư (11/3), theo Yonhap.
Robert Destro, trợ lý của Bộ trưởng Bộ Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Hoa Kỳ, nói với các phóng viên rằng ông không nắm được thông tin về diễn biến dịch COVID-19 ở Triều Tiên vì đây là một xã hội khép kín, có rất ít thông tin được chia sẻ, nhưng Mỹ muốn giúp Triều Tiên trong trường hợp quốc gia bí ẩn này có dịch.
Hiện Triều Tiên vẫn chưa xác nhận trường hợp nhiễm nCoV nào, tuy nhiên Bình Nhưỡng đã thực hiện các biện pháp phong tỏa phòng dịch và yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh nCoV như đeo khẩu trang và vệ sinh cẩn thận.
Thổ Nhĩ Kỳ tố Hy Lạp đối xử với người di cư theo kiểu Đức Quốc Xã
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã cáo buộc lực lượng an ninh Hy Lạp hôm thứ Tư (11/3) hành xử như Đức quốc xã khi sử dụng vũ lực đối với người di cư đang cố gắng vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để vào Liên minh châu Âu, theo Reuters.
Lực lượng an ninh Hy Lạp đã sử dụng hơi cay và vòi rồng để ngăn chặn người di cư. Athens đã đình chỉ nhận các đơn xin tị nạn trong một tháng và cho biết họ đã ngăn chặn hơn 42.000 người di cư Trung Đông, chủ yếu là người Syria, vào EU bất hợp pháp trong hai tuần qua.
Hàng chục ngàn người di cư đã cố gắng vào Hy Lạp kể từ ngày 28/2, ngày mà Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không giữ họ trên lãnh thổ của mình theo thỏa thuận mà Ankara ký với Brussels vào năm 2016 để đổi lấy viện trợ của EU.
WHO bắt đầu gọi COVID-19 là đại dịch
Reuters cho hay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Tư (11/3) nói rằng có thể dùng từ đại dịch để mô tả COVID-19, trong bối cảnh Anh và Ý thông báo sẽ chi hàng tỷ đô la để đối phó với sự lây lan nhanh chóng của loại virus được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc.
“Chúng tôi lo ngại sâu sắc cả về mức độ báo động ở phương diện lây lan và nghiêm trọng, cũng như mức độ báo động về hiệu quả ứng phó [với dịch COVID-19]”, Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói với các phóng viên ở Geneva.
“Do đó, chúng tôi đã đưa ra đánh giá rằng COVID-19 có thể được mô tả như một đại dịch”, ông Tedros nói.
Theo thống kê của Worldometers, tính tới sáng ngày 12/3 (theo giờ Việt Nam), đã có 122 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng với một tàu du lịch, thông báo có người nhiễm nCoV, với 126.036 người nhiễm bệnh (tăng 7.088 ca nhiễm mới), 4.615 người chết (tăng 319 ca).

Điểm tin thế giới chiều 12/3:

Chị gái ‘bệnh nhân số 17’ lần đầu lên tiếng từ London

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Năm (12/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Chị gái ‘bệnh nhân số 17’ lần đầu lên tiếng từ London
Nga Nguyễn, chị gái của “bệnh nhân số 17” tại Việt Nam, được xem là “bệnh nhân số 0” của giới thời trang sau khi đến Milan và Paris dự show và dương tính với nCoV.
“Mọi người nói rằng tôi đã biết trước việc bị bệnh và cố ý bay về nhà (London, Anh), những điều này đều không đúng”, Nga kể trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với New York Times.
Nga Nguyễn cho biết hiện nay cô bị gọi là “infector” (người lây nhiễm bệnh). Nga đã xóa tài khoản Instagram vì nhận được quá nhiều tin nhắn đe dọa cả bản thân cô lẫn gia đình.
“Tôi hoàn toàn hiểu thái độ cực đoan đó, khi thế giới đang trong cơn hỗn loạn vì đại dịch này”, Nga nói. “Rõ ràng chúng tôi bị soi xét rất nhiều nhưng tôi nghĩ phần lớn là dựa trên những giả định và tưởng tượng về hậu quả của các sự việc”.
Trung Quốc tuyên bố đã qua đỉnh dịch
Reuters đưa tin, ông Mễ Phong, phát ngôn viên Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay tuyên bố nước này đã vượt qua đỉnh dịch COVID-19 do số ca nhiễm nCoV mới đang giảm mạnh.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh NHC sáng nay thông báo Trung Quốc chỉ ghi nhận 15 ca nhiễm mới, mức thấp nhất kể từ khi dịch bùng phát, trong khi 11 người tử vong, giảm 11 ca so với hôm trước.
12 người nhiễm nCoV tại thánh đường Hồi giáo
Bản tin ngày 12/3 của Reuters cho biết, có Ít nhất 12 ca nhiễm COVID-19 liên quan tới một buổi lễ khoảng 10.000 người tham dự ở thánh đường Hồi giáo tại Kuala Lumpur.
Bộ Y tế Malaysia hôm nay cho biết đang theo dõi sức khỏe của khoảng 5.000 công dân từng tham gia sự kiện dành cho các nhà truyền giáo đạo Hồi tại một thánh đường ở ngoại ô Kuala Lumpur từ 28/2 đến 1/3. Trong số 10.000 người từ nhiều quốc gia góp mặt tại sự kiện này, có khoảng 90 người đến từ Brunei
và 11 người trong số đó nhiễm COVID-19. Ca thứ 12 dương tính với nCov liên quan đến sự kiện trên là một người Malaysia.
Singapore cho biết nước này đang điều tra và xác định danh tính những công dân tham dự buổi lễ trên.
2 người Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công rocket ở Iraq
Hãng AFP đưa tin, 18 quả rocket tấn công vào căn cứ không quân Taji ở phía Bắc Baghdad tối 11/3, khiến hai người Mỹ và một người Anh thiệt mạng.
Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu ngày 11/3 ra tuyên bố nói rằng 18 quả rocket Katyusha 107 mm có thể được bắn từ một chiếc xe tải. Liên minh xác nhận ba người thiệt mạng và 12 người bị thương nhưng không cho biết chi tiết.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói với AFP rằng ba người thiệt mạng bao gồm một lính Mỹ, một lính Anh và một nhà thầu Mỹ.
Chưa bên nào nhận trách nhiệm. Chính quyền Washington đã cáo buộc nhóm dân quân thân Iran Lực lượng Tổng động viên Iraq (PMU) gây ra các vụ bạo lực tương tự trong quá khứ.

Powered by Blogger.