Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tập quyền nhà nước hay tập quyền tham nhũng?

Wednesday, January 16, 2019 // ,
Bauxite Viet Nam
16/01/2019

Nguyễn Đình Ấm (VNTB)
Ở một quốc gia, vùng lãnh thổ chỉ do một thế lực chính trị duy nhất cầm quyền thống nhất từ trung ương đến địa phương gọi là chế độ tập quyền, độc tài toàn trị.
Ở Việt Nam từ năm 1954 (ở miền bắc) và từ năm 1975 (ở miền Nam) do đảng CS nắm quyền là chế độ độc tài toàn trị, tập quyền triệt để nhất. Đảng CS nắm quyền từ trung ương đến cả những tổ chức, cơ quan, đơn vị dân cư, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang nhỏ nhất.
Đặc điểm bộ máy cầm quyền của đảng từ trung ương đến cơ sở do “đảng cử, dân bầu”, tức không do dân lựa chọn mà do cơ quan, cán bộ đảng cấp trên “quy hoạch”, chỉ định, bố trí, quản lý không liên quan, phụ thuộc đến bất kỳ thế lực nào khác. Do đặc điểm này mà cán bộ ngày càng trở nên quan liêu, tách biệt với nhân dân bởi sự “hưng, vong” của họ chỉ phụ thuộc quan trên có quyền phán xét họ chứ không phụ thuộc ý nguyện của dân. Ngày 27/12/2018 trong buổi tiếp xúc cử tri HĐNDTP Đà Nẵng, bị cử tri chất vấn về sai phạm của mình, Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ nói rất thật: “Việc tôi đi hay ở là do trung ương quyết định...” (Tức không liên quan đến dân mà hỏi lôi thôi).
Tập quyền tham nhũng
Với bộ máy quyền lực đơn nhất khi họ “đồng tâm” việc gì thì “cộng hưởng” quyền lực thành thế lực, kể cả trong lĩnh vực tham nhũng.
Ở VN thời chiến tranh, bao cấp cán bộ có lý tưởng bảo vệ Tổ quốc, ít tiếp xúc với lợi ích, của cải nên quan chức chỉ tham ô, tham nhũng nhỏ. Thời HTX cán bộ địa phương, chủ nhiệm tham ô tạ thóc, cân chè, con gà, cà phê, con gà, lợn (heo)... Quan chức huyện, tỉnh, trung ương cũng chỉ được cấp dưới biếu xén đồ ăn cao cấp, thuốc thang, cái xe đạp, xe máy, radio, TV... Tức buổi “bình minh” tham nhũng chỉ mang tính cục bộ. Thế nhưng, từ những năm 1990 đến nay do kinh tế thị trường và mở cửa với bên ngoài nên nhiều thứ tài nguyên đặc biệt là đất đai, khoáng sản, rừng, biển, những vụ thương mại, dự án, trao đổi kinh tế lớn, lên chức, lên quyền... trở nên giá trị cao. Từ đây pháp luật cũng sản sinh để gắn kết trách nhiệm của các ngành, cấp, cơ quan quản lý các hoạt động ấy.


TQ triển khai DF-26 để răn đe Mỹ trên Biển Đông

Trung Quốc đã chính thức đưa vào hoạt động lữ đoàn tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 đầu tiên. Lữ đoàn được trang bị 22 xe mang phóng tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26. Tên lửa này có thể mang theo đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. DF-26 có tầm bắn ước tính khoảng 4.000 km đưa nó trở thành tên lửa mang đầu đạn thông thường có tầm bắn xa nhất thế giới. Đài truyền hình TQ (CCTV, 8/1) đưa tin, Trung Quốc đã triển khai tên lửa đạn đạo DF-26 tại vùng sa mạc và cao nguyên ở phía Tây Bắc và đặt dưới sự kiểm soát của một lữ đoàn tên lửa thuộc Lực Lượng Tên lửa Quân đội Giải phóng Nhân dân TQ.
DF-26 nguy hiểm như thế nào
DF-26 từng được truyền thông TQ và các chuyên gia quốc phòng đặt cho biệt danh “Kẻ giết người Guam”, khả năng mang theo đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân nặng 1,2 - 1,8 tấn, tên lửa DF-26 là một trong những loại vũ khí tiên tiến nhất của TQ; tên lửa được dẫn đường bằng radar, có khả năng cơ động để bám sát các mục tiêu đang di chuyển; tầm bắn khoảng 4.500km, tên lửa này có thể bắn tới đảo Guam của Mỹ ở phía Đông và Indonesia ở phía Tây. DF-26 được đưa vào sử dụng tháng 4/2017 và lần đầu được biết tới trong cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh năm 2015.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết tên lửa DF-26 là loại vũ khí mới được trang bị cho PLARF và có 4 tính năng nổi bật. Thứ nhất, đây là loại tên lửa được nghiên cứu, phát triển và chế tạo hoàn toàn bởi Trung Quốc và nước này có toàn quyền sở hữu DF-26. Thứ hai, DF-26 có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân, có khả năng phản công hạt nhân nhanh chóng hoặc tấn công phủ đầu chính xác ở tầm trung và tầm xa. Thứ ba, nó có thể tấn công chính xác mục tiêu quan trọng trên đất liền cũng như tàu cỡ trung và cỡ lớn trên biển. Thứ tư, Trung Quốc đã áp dụng một số công nghệ mới cho DF-26, làm tăng hiệu quả và nâng cao khả năng kết nối của nó. Ngoài ra, ông Ngô Khiêm khẳng định, Trung Quốc không giống như Mỹ và Nga mà sẽ tiếp tục duy trì nghiêm ngặt chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, bất chấp khả năng tự vệ mạnh mẽ của loại tên lửa mới.
Với tầm bắn như vậy, Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng DF-26 tấn công thẳng vào lãnh thổ Mỹ ở đảo Guam hoặc có thể dùng DF-26 để nhắm mục tiêu vào các tàu chiến trên biển, trong trường hợp có chiến tranh. Ngoài ra, những quả tên lửa khổng lồ (nặng khoảng 20 tấn) này cũng có khả năng đe doạ các tàu sân bay lớp Nimitz, thậm chí các siêu tàu sân bay sử dụng năng lượng hạt nhân lớp Ford của Mỹ. Trong khi đó, theo phân tích của tờ National Interest (Mỹ), có ít nhất 2 phiên bản của tên lửa DF-26, bao gồm DF-26A và DF-26B. Các phiên bản này có trang bị đầu đạn khác nhau, cũng như các thiết bị dẫn đường riêng biệt. Trong đó, một phiên bản có lẽ được thiết kế để nhắm mục tiêu cố định trên mặt đất và có khả năng trang bị kép đầu đạn thông thường/hạt nhân với độ sai lệch khoảng 150 - 450m. Tuy nhiên, một biến thể tên lửa DF-26 chống hạm sẽ được thiết kế để nhắm mục tiêu trên biển và trên bộ với độ chính xác cực kỳ cao. Theo đó, độ sai lệch sẽ là rất nhỏ, ước tính có thể chỉ vào khoảng 10m.
Theo đánh giá của các nhà phân tích thuộc Viện hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc, DF-26 là một trong những chương trình phát triển tên lửa tiên tiến nhất nước này. DF-26 cho phép Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công đáp trả một cách nhanh chóng ngay khi bị đối phương tấn công trước.Tên lửa được trang bị công nghệ dẫn hướng độc đáo và chưa được tiết lộ. Công nghệ dẫn hướng mới cho phép nó bám theo những mục tiêu di động. Đây là tính năng chưa từng có đối với các tên lửa đạn đạo tầm trung.
Âm mưu của Trung Quốc khi triển khai DF-26 ở khu vực Tây Bắc
Thông tin về việc triển khai hệ thống DF-26 được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ điều tàu khu trục tên lửa USS McCampbell (7/1) đi qua khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc gọi đây là hành động của Mỹ là “khiêu khích”. Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một chuyên gia quân sự nước này cho rằng việc tên lửa được triển khai ở sâu trong đất liền của nước này khiến tên lửa khó bị đánh chặn hơn vì nó cho phép tên lửa đạt được tốc độ cao ở giai đoạn triển khai cuối cùng; hoạt động triển khai tên lửa là một lời nhắc nhở Trung Quốc có khả năng bảo vệ lãnh thổ. Chuyên gia hải quân cao cấp của Trung Quốc, ông Trương Quân Xã (9/1) đã cảnh cáo Mỹ rằng các chiến dịch của Mỹ tại Biển Đông có thể làm chiến tranh bùng nổ và Mỹ sẽ là bên phải chịu trách nhiệm. Trước đó, Chuẩn Đô đốc, Thiếu tướng La Viện (20/12/2018) kêu gọi Trung Quốc phải thực hiện kế hoạch mạnh mẽ hơn để “tống” Mỹ ra khỏi Biển Đông và Biển Nhật Bản, bằng cách đánh chìm hai tàu sân bay của Mỹ, gây thương vong cho khoảng 10.000 người. Theo ông La, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình chống hạm mới của Bắc Kinh hiện tại đủ khả năng đánh chìm tàu sân bay Mỹ. Ông La cho rằng việc đánh chìm một sân bay Mỹ sẽ khiến 5.000 người thiệt mạng và con số này cần phải tăng gấp đôi khi “tiêu diệt” cùng lúc hai hàng không mẫu hạm của Mỹ.
Việc Trung Quốc công khai hoạt động tên lửa như vậy được báo News của Australia đánh giá là động thái dằn mặt hải quân Mỹ sau vụ tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Mỹ tuần tra hàng hải ở gần Hoàng Sa. News đánh giá các động thái gần đây của Trung Quốc (bao gồm cả việc phát ngôn từ Bộ ngoại giao lẫn khoe khoang tên lửa) cho thấy Bắc Kinh đang đánh mất kiên nhẫn trước Mỹ.
Theo tiến sĩ Andrew Erickson, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ, việc Trung Quốc triển khai DF-26 ở khu vực Tây Bắc là một toan tính mang tính chiến lược. Vì DF-26 là một loại tên lửa đạn đạo, vận tốc của nó ở giai đoạn lấy độ cao ban đầu khá chậm, nên nếu triển khai ở gần bờ biển, nó có thể dễ dàng bị các hệ thống cảm biến hiện đại của Mỹ phát hiện và đánh chặn. Khi triển khai ở sâu trong nội địa Trung Quốc, tên lửa DF-26 có cơ hội ẩn mình và sống sót cao hơn trước khi bước vào giai đoạn hồi quyển và đạt tốc độ lớn tới mức gần như không thể đánh chặn. Với những tính năng đó, DF-26 được đánh giá là hệ thống tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới khai hỏa từ bệ phóng di động và có khả năng tấn công một nhóm tác chiến tàu sân bay đang di chuyển trên biển. Đây được coi là mối đe dọa nghiêm trọng với tàu chiến Mỹ, nhất là các chiến hạm lớn có giá trị cao hoạt động trên Biển Đông, trong tầm bắn của DF-26. Tuy nhiên, Erickson cho rằng Mỹ và các đồng minh đã nghiêm túc đánh giá mối đe dọa tiềm năng từ tên lửa ASBM của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua để tìm cách đối phó. Chuyên gia này cho rằng DF-26 dù rất lợi hại vẫn tồn tại những điểm yếu rất lớn, đặc biệt là ở khâu liên lạc vệ tinh để xác định mục tiêu và dẫn đường. Để có thể phát hiện nhóm tàu sân bay Mỹ di chuyển trên Biển Đông rộng lớn, Trung Quốc sẽ phải dựa rất lớn vào hệ thống trinh sát, do thám tầm xa. Bắc Kinh hiện chưa sở hữu các loại máy bay tuần thám, trinh sát hiện đại, nên nhiều khả năng sẽ phải phụ thuộc vào các cảm biến trên vệ tinh để tìm ra nhóm tàu chiến Mỹ. Trung Quốc sẽ phải triển khai nhiều hệ thống cảm biến vệ tinh đắt đỏ để cung cấp dữ liệu mục tiêu cần thiết, giúp đầu dò tên lửa DF-26 thực hiện thành công đòn tấn công. Để tấn công được các mục tiêu di động trên biển, Trung Quốc cần làm chủ quá trình phức tạp gồm thu thập thông tin mục tiêu bằng vệ tinh theo thời gian thực, đánh giá tình huống rồi truyền dữ liệu này đến kíp phóng tên lửa. Vệ tinh cũng phải liên tục cung cấp tọa độ mục tiêu theo thời gian thực cho tên lửa trong giai đoạn phóng để đảm bảo nó thực hiện đòn đánh trúng đích.
Theo một báo cáo năm 2018 của Lầu Năm Góc (Mỹ) về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, tên lửa DF-26 lần đầu tiên được thử nghiệm năm 2016, có thể thực hiện các cuộc tấn công thông thường và hạt nhân chính xác nhằm vào các mục tiêu trên bộ và các cuộc tấn công thông thường nhằm vào các mục tiêu trên biển ở khu vực phía Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng như Biển Đông. Trước đó, Trong một báo cáo công bố vào tháng 6/2017, Trung tâm an ninh mới của Mỹ cho biết mục tiêu chính của tên lửa DF-26 là các tàu sân bay Mỹ, tên lửa này cũng tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc uy hiếp căn cứ của Mỹ trong khu vực. Tuy vậy, mối đe dọa từ DF-26 vẫn chưa được đánh giá cao. Báo cáo nói rằng mối đe dọa lớn nhất đối với lợi ích quân sự của Mỹ ở châu Á là một vấn đề có thể ít được chú ý. Trung Quốc đang phát triển mạnh lực lượng tên lửa nhằm đe dọa các căn cứ Mỹ trong khu vực. Hai tác giả Thomas Shugart và Javier Gonzalez đã mô phỏng cuộc tấn công phủ đầu bằng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc vào căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản. Họ nhận thấy kết quả rất tàn khốc. Phần lớn căn cứ, sân bay, hải cảng quan trọng ở Nhật Bản đều thiệt hại nặng tới mức khó triển khai lực lượng đáp trả.
Tàu sân bay không dễ đánh chìm như Trung Quốc tưởng
Lần cuối cùng mà một tàu sân bay Mỹ bị kẻ địch đánh chìm là trong các cuộc chiến ở Thế chiến II. 12 tàu sân bay Mỹ chìm sau các đợt không kích dữ dội. Nạn nhân cuối cùng là USS Bismarck Sea bị Nhật Bản đánh chìm vào tháng 2/1945. Trong những thập kỷ sau đó, hàng không mẫu hạm của Mỹ có thể gặp đủ loại tai nạn từ va đâm cho tới hỏa hoạn nhưng chưa bao giờ chìm. Nguyên nhân đơn giản là bởi rất khó khuất phục một con tàu nổi dài hàng trăm m, rộng hàng nghìn m2 được làm từ thép.
Năm 2005, hải quân Mỹ quyết định đánh chìm tàu sân bay USS America để đánh giá thiệt hại của các đợt tấn công nhằm vào tàu sân bay, phục vụ cho mục đích phát triển các hàng không mẫu hạm có khả năng sống sót cao trong chiến đấu. Để đánh chìm con tàu, hải quân Mỹ đã tháo dỡ tất cả các hệ thống vũ khí trên tàu trước khi kéo nó tới khu vực ngoài khơi bờ biển Virginia. Trong nhiều ngày liên tiếp, Mỹ đã dùng tới mọi loại vũ khí từ tên lửa hành trình, ngư lôi cho tới bom để tấn công nhưng con tàu vẫn trụ vững sau 4 tuần. Cuối cùng, hải quân Mỹ đã phải cho nổ tung các khối chất nổ đặt ở các vị trí hiểm yếu để khuất phục hàng không mẫu hạm bị loại biên năm 1996. Tháng 3/2015, trong một cuộc tập trận ở eo biển Hormuz, Iran đã dựng một tàu sân bay giả mô phỏng hàng không mẫu hạm của Mỹ và tấn công nó bằng tên lửa chống hạm hạm, ngư lôi và cuộc đột kích của lực lượng biệt kích. Mặc dù khá nhỏ và có phần mỏng manh so với một tàu sân bay Mỹ thực sự, nhưng con tàu giả này vẫn trụ vững sau liên tiếp những đòn tấn công ác liệt.
Theo cây viết David Axe của chuyên san National Interest, nếu muốn đánh chìm một tàu sân bay Mỹ trước hết phải đánh bại được nó. Đó không phải là điều đơn giản khi mà hàng không mẫu hạm Mỹ thường chứa hàng chục chiến đấu cơ trên boong và được một hạm đội tàu khu trục, tàu tuần dương và tàu ngầm hùng hậu hộ tống với bán kính di chuyển xung quanh tàu sân bay lên tới hàng trăm km. Tuy nhiên, theo ông Axe việc đánh chìm tàu sân bay Mỹ không phải là hoàn toàn bất khả thi trong bối cảnh Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang tìm cách phát triển tàu ngầm, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình với tầm bắn xa và cực kỳ uy lực.
Các nước đã đề phòng DF-26 của Trung Quốc
Cựu sĩ quan Không quân Hoàng gia Australia Peter Layton kêu gọi chính phủ đầu tư hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis hoặc THAAD để đối phó với mối đe dọa từ tên lửa DF-26 của Trung Quốc. Ông Peter Layton lưu ý rằng DF-26, giống DF-21C/D trước đó là mối quan tâm lớn của Australia. Khả năng tấn công chính xác của DF-26 cho phép lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc (PLARF) dễ dàng bao phủ miền Bắc Australia, bao gồm Darwin, Katherine và Derby. Ông Layton đề xuất 2 giải pháp nhằm tăng cường khả năng sống sót của Australia trong trường hợp xảy ra xung đột. Đầu tiên, Canberra cần đầu tư xây dựng lá chắn tên lửa tầm khu vực và phòng thủ điểm. Lá chắn tên lửa cho phép vô hiệu hóa tên lửa DF-26, trong trường hợp Trung Quốc có thể tấn công lãnh thổ Australia để làm giảm khả năng chiến đấu của Canberra. Layton đề xuất mua sắm hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis lên bờ và hệ thống THAAD triển khai trên đất liền. Hệ thống Aegis lên bờ và THAAD có thể triển khai tại Darwin để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, Australia nên xem xét triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên tàu khu trục lớp Hobart của Hải quân Hoàng gia Australia.
Trong khi đó, quân đội Mỹ (9/2014) đã tổ chức diễn tập quân sự “Valiant Shield-2014” ở khu vực bờ biển Guam, nhằm thể hiện quyết tâm duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nâng cao năng lực đối phó với tên lửa DF-26C của Trung Quốc. Theo đó, từ 15-23/9/2014, đã điều động tàu sân bay USS Carl Vinson và tàu sân bay USS George Washington, 19 tàu chiến khác (trong đó có 4 tàu tuần dương tên lửa và 8 tàu khu trục tên lửa), hơn 200 máy bay chiến đấu và khoảng 18.000 binh sĩ đến từ không quân, lục quân, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ tổ chức tập trận tác chiến liên hợp của 4 quân chủng. Gần đây, Không quân Mỹ (15/8-27/9/2018) cũng tổ chức tập trận bằng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tại Hawaii được cho là nhằm chuẩn bị đối phó với tên lửa DF-26 của Trung Quốc.

Tướng TQ tuyên bố bảo vệ Đài Loan 'bằng bất cứ giá nào'

Bắc Kinh đưa ra lời cảnh báo với Washington trong bối cảnh các tàu hải quân Mỹ nhiều lần đi qua eo biển Đài Loan trong thời gian gần đây.
"Vấn đề Đài Loan là chuyện nội bộ của Trung Quốc, liên quan tới những lợi ích cốt lõi của đất nước và tình cảm dân tộc. Sự can thiệp từ bên ngoài sẽ không được tha thứ", AFP dẫn lời Thượng tướng Lý Tác Thành, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, hôm qua phát biểu trong cuộc họp tại Bắc Kinh với Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ. 
"Nếu bất cứ ai muốn tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ bảo vệ sự thống nhất của quê hương bằng bất cứ giá nào", ông Lý nói thêm. 
Trong những tháng gần đây, các tàu hải quân Mỹ nhiều lần đi qua eo biển Đài Loan, khu vực nhạy cảm ngăn cách giữa Trung Quốc đại lục và hòn đảo. Bắc Kinh coi đây là động thái vi phạm chủ quyền của họ, trong khi Washington cho rằng eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế. 
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết. Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc vào năm 1979 để công nhận chính sách "Một Trung Quốc" này. Tuy nhiên, họ vẫn là đồng minh mạnh nhất, đồng thời là nhà cung cấp vũ khí chính cho hòn đảo.

Thấy gì qua việc chính quyền đòi xử lý 20 người ở vườn rau Lộc Hưng?

Trung Khang 
Theo RFA 


Trong hai ngày 4/1 và 8/1, chính quyền quận Tân Bình đã tiến hành cưỡng chế khu vườn rau Lộc Hưng rộng gần 5 ha.
Trong hai ngày 4/1 và 8/1, chính quyền quận Tân Bình đã tiến hành cưỡng chế khu vườn rau Lộc Hưng rộng gần 5 ha - FB Nguyễn Ngọc Lụa 
Trước thông tin chính quyền muốn xử lý 20 người bị cho là gây rối và chống người thi hành công vụ khi cơ quan chức năng cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, những người trong cuộc và dư luận nói gì về việc này.


Hôm 16 tháng 1 năm 2019, nhiều tờ báo trong nước đồng loạt đăng tin, công an quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, đang củng cố hồ sơ xử lý với gần 20 người bị cho là có hành vi gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ khi cơ quan chức năng cưỡng chế khu đất vườn rau Lộc Hưng thuộc phường 6, quận Tân Bình vào hai ngày 4/1 và 8/1 vừa qua.

Trả lời báo chí cùng ngày, công an quận Tân Bình cho biết đã xác định được những người cầm đầu và đang củng cố hồ sơ để xử lý, tuy nhiên công an quận Tân Bình không nêu tên cụ thể những người này.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong 17 luật sư đại diện cho 20 hộ dân thuộc Vườn rau Lộc Hưng nhận định:

“Thật ra, theo chỗ tôi biết là hầu hết người dân Lộc Hưng không có người nào quá khích, cực đoan đến mức độ chống người thi hành công vụ cả, họ chỉ nói, giải thích là đã có những bước khiếu nại này nọ.v.v… Về lực lượng cưỡng chế theo người dân ước đoán, ban đầu là khoảng 500 người, sau đó là hơn 1 ngàn người. Với 1 ngàn người đó thì hầu như người dân không có một hành động nào gọi là chống người thi hành công vụ cả. Trong đó có một người dân là anh Cao Hà Trực, là 1 trong 3 đại diện của người dân, thường hay tiếp xúc với chính quyền, thì lần thứ 2 khi anh vừa bước chân ra cổng thì lập tức bị lực lượng cưỡng chế chụp bao tải lên đầu đưa đi cách ly, hơn một ngày mới trả về. Vì vậy cho nên nếu nói là có chuyện dung vũ lực trong việc này thì không phải là người dân mà là chính quyền, mà thậm chí chính quyền ra tay còn trước khi người dân có phản ứng.”

Người dân Lộc Hưng khi trả lời báo chí trước đây cũng cho biết, trong 2 vụ cưỡng chế ngày 4/1 và 8/1/2019, lực lượng cưỡng chế đã bắt giữ hàng chục người dân ở đây khi quay hình, chụp ảnh cuộc cưỡng chế.

Ông Cao Hà Trực, một người dân trong ban đại diện vườn rau Lộc Hưng cũng cho rằng việc chính quyền cho rằng người dân Lộc Hưng gây rối, chống người thi hành công vụ là chụp mũ:

“Tôi cũng thấy trên các báo như Sài Gòn Giải Phóng, Dân Việt .v.v… đăng bài công an quận Tân Bình đang cũng cố hồ sơ để xử lý khoảng 20 người thi hành công vụ và cản trở việc cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng. Tôi là những người dân, những người bị thiệt hại ở vườn rau phường 6, là những người bị khủng bố, đi khiếu kiện trải dài 19 năm qua, thiệt hại cách này cách khác. Thật sự đến ngày hôm nay chúng tôi mất hết rồi, nhà cửa bị đập tan tành, chúng tôi mất hết rồi. Từ những bức xúc đó, bây giờ chúng tôi nói lên điều đó thì nhà nước chụp mũ chúng tôi là chống người thi hành công vụ thì đã quá rõ. Vì vậy cho đến ngày hôm nay, chúng tôi không có gì mà sợ hết.”

Chị Thi, một người dân có nhà bị cưỡng chế ở Lộc Hưng cũng cật lực phản đối, cho rằng chính quyền nói như thế là xuyên tạc sự thật:


“Cái hôm mà tàn phá nhà chúng tôi như thế, chúng tôi hoàn toàn bị bắt và bị cô lập, thì làm sao chúng tôi chống người thi hành công vụ? Bản thân tôi là người bị cô lập trên tượng đài Đức Mẹ, thì chống là chống làm sao? Người dân chúng tôi không thể nào đi vào nơi đó, 1.600 quân thì bà con chúng tôi làm sao để mà chống đây. Tôi còn phải thét lên là chúng tôi bất lực trước bạo quyền, thì làm sao chúng tôi có thể chống người thi hành công vụ. Đó là lời nói xuyên tạc, nói sai sự thật của tất cả các báo từ hôm qua đến hôn nay đưa tin như vậy.”

Trong hai ngày 4/1 và 8/1, chính quyền quận Tân Bình đã tiến hành cưỡng chế khu Vườn rau Lộc Hưng rộng gần 5 ha. Chính quyền địa phương cho biết việc cưỡng chế chỉ thực hiện đối với 112 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chứ không thu hồi đất. Mặc dù vậy, chính quyền địa phương trước đó cũng cho biết khu đất này là khu đất công và đã được quy hoạch để xây trường học.

Công an Tân Bình cho rằng, khu vực đất vườn rau có 134 hộ đã đăng ký kê khai sử dụng đất nông nghiệp. Hai đợt cưỡng chế khoảng 112 căn nhà, công trình vào ngày 4 và 8/1 mà quận thực hiện đã được báo cáo, xin chủ trương và được thành phố chấp thuận.

Trả lời báo chí hôm 15/1, công an quận Tân Bình cho biết trong quá trình cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng đã phát hiện có phòng cách âm với các thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ cho các hoạt động truyền thông và nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền xấu.

Tuy nhiên Chị Thi cho rằng nếu thật sự tìm thấy chứng cớ sao không bắt giam lập biên bản ngay hôm cưỡng chế, chị cho rằng điều này là khuất tất:

“Họ nói để chống chế những việc làm sai trái của họ mà thôi, chứ họ không có căn cứ để nói chúng tôi thế này thế kia, quy chúng tôi vào tội này tội kia. Tôi nói nếu thật sự họ tìm thấy chứng cớ gì thì họ đã bắt chúng tôi từ hôm đấy rồi, chứ đâu để đến hôm nay, 10 ngày rồi mới về suy nghĩ xem chúng tôi có tội gì. Có phải đây là việc làm khuất tất, đang tìm chiêu trò để khủng bố chúng tôi không? Chúng tôi cật lực phản đối việc đấy.”

Chị Thi cho rằng, những thông tin vu khống, sai sự thật nhằm làm cho người dân Lộc Hưng hoang mang, đã có từ nhiều năm nay, và gần như đã tôi luyện chị trở nên rất là kiên cường. Chị khẳng định người dân Lộc Hưng làm đúng, chứ không sai pháp luật, nên không sợ gì cả.

Cũng có thông tin lo ngại, việc công an quận Tân Bình củng cố hồ sơ xử lý hơn 20 người ở Lộc Hưng là bước đệm cho việc truy tố những người này với tội danh gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ. Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét:

“Chúng tôi nghe rằng nhiều khả năng sẽ truy tố. Nếu chống người thi hành công vụ thì nếu mức độ nhẹ thì chỉ xử phạt vi phạm hành chánh thôi, trước đây gọi là tiểu hình. Nhưng mà mức độ trong vụ án này làm chúng tôi rất là lo ngại rất có thể người dân sẽ bị truy tố về hình sự.”

Thời gian qua, nhiều vụ cưỡng chế đất đã xảy ra tại Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Sau các vụ cưỡng chế này, nhiều người dân phản đối cưỡng chế đã phải chịu các bản án tù vì các tội danh như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.v.v…

Chị Cấn Thị Thêu, một dân oan, một phụ nữ được nhiều người biết đến vì bị kết án tù khi kiên quyết trong hoạt động giữ đất tại làng Dương Nội, Hà Đông - Hà Nội, cho biết ý kiến của mình:

“Khi mà chính quyền cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, thì đã gặp phải làn sóng phản ứng rất là mạnh mẽ, dữ dội của nhiều người quan tâm. Cho nên việc chính quyền xử lý 20 người ở Lộc Hưng để nó dập tắt phong trào đấu tranh, để người nào nhụt chí thì không đấu tranh nữa. Mục đích chính quyền như thế, theo kinh nghiệm của chúng tôi, thì chúng ta phải mạnh mẽ hơn, người này bị bắt thì người khác phải lên thay.”

Bà Cấn Thị Thêu kêu gọi những người dân mất đất oan phải kiên định đấu tranh đòi quyền lợi của mình: “Tất cả mọi người đồng tâm hiệp lực, đều sát cánh lại với nhau thì sẽ giữ được kiên định trên con đường đấu tranh, như thế mới đòi được quyền lợi của mình.” 

Powered by Blogger.