Điểm báo Pháp – 10/06/2020
Pháp cũng nhức đầu vì vấn đề bạo lực cảnh sát – Trọng Nghĩa
Phong trào chống kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát tại Mỹ sau vụ George Floyd tiếp tục thu hút sự chú ý của báo chí Pháp ra ngày 10/06/2020. Tuy nhiên, các nhật báo vừa nêu tình hình Mỹ vừa đề cập đến những gì diễn ra tại Pháp, nơi các cuộc biểu tình ủng hộ phong trào chống kỳ thị đã chen lẫn hay hòa nhập với những cuộc xuống đường phản đối bạo lực cảnh sát ngay trong nước.
Trên trang nhất của mình, Le Monde đã dành hai tựa quan trọng nhất cho chủ đề xã hội nói trên, với tựa chính nói về tình hình Pháp: “Bạo lực cảnh sát: Hành pháp trong tình thế chênh vênh”. Ngay bên dưới là phần nói về Mỹ: Trên nền một tấm ảnh chụp tmột bức bích họa ở Houston, vẽ George Floyd trong đôi cánh thiên thần, tờ báo chạy tựa “Bất bình đẳng chủng tộc: Nước Mỹ thức giấc”.
Bạo lực cảnh sát tại Pháp: Chính quyền bị buộc phải đổi giọng
Le Monde ghi nhận trước tiên là chính phủ của tổng thống Macron đã bị buộc phải thay đổi giọng điệu dưới sức ép của dư luận và quần chúng. Cuộc họp báo của bộ trưởng Nội Vụ Christophe Castaner ngày 08/06 vừa qua về bạo lực cảnh sát và kỳ thị chủng tộc, theo yêu cầu đặc biệt của Điện Élysée, đã đánh dấu một khúc quanh đối với chính phủ, trong lúc mà phong trào quốc tế Black Lives Matter (“Sinh mạng người da đen cũng có giá trị”) đã có tiếng vang lớn ở Pháp, nhất là trong các khu phố nhạy cảm.
Đối với tờ báo Pháp, bạo lực cảnh sát luôn luôn là một mối quan ngại trong các khu phố bình dân, nhưng phải chờ đến những cuộc biểu tình của phong trào Áo Vàng và các chiến dịch duy trì trật tự đi kèm theo, thì vấn đề mới trở thành một mối quan ngại cấp quốc gia. Đường lối của chính phủ lúc ấy rất rõ ràng: Không hề có bạo lực cảnh sát.
Sau đó, với dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa kèm theo, vấn đề đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu, cũng như vấn đề các ngoại ô mà các chiến dịch cảnh sát luôn luôn là nguồn gốc gây nên căng thẳng.
Thế nhưng cái chết của George Floyd ở Mỹ, cộng với hồ sơ về cái chết của Adama Traoré từ năm 2016 khi bị cảnh sát Pháp bắt giữ nổi lên trở lại, hai yếu tố này đã làm dấy lên phong trào biểu tình phản đối tệ nạn kỳ thị chủng tộc trong hàng ngũ lực lượng an ninh Pháp, cộng thêm với vấn đề bạo lực cảnh sát.
Sợ rằng tình hình có thể nổ to, nhất là khi các phương tiện truyền thông như Médiapart, Arte StreetPress liên tiếp tiết lộ những lời lẽ kỳ thị của thành viên các lực lượng an ninh trên các mạng xã hội, chính phủ Pháp đã phải phản ứng nhanh chóng.
Trong buổi họp báo, bộ trưởng Nội Vụ dĩ nhiên đã bảo vệ định chế cảnh sát, nhưng đã tỏ thái độ kiên quyết đối với những sai trái cá nhân, cho rằng “Thốt ra những lời kỳ thị chủng tộc, phân biệt đối xử là điều không thể chấp nhận được”.
Bên cạnh đó, ông Castaner cũng loan báo những quyết định cụ thể nhằm cải thiện tình hình, trong đó có việc nghiêm cấm dùng phương thức chẹn cổ khi bắt giữ (biện pháp đã cướp đi mạng sống của George Floyd), bên cạnh một loạt biện pháp chống phân biệt đối xử…
Khẩu hiệu Black Lives Matter đã trở thành phổ quát
Về tình hình tại Mỹ, Le Monde đặc biệt nêu bật một hệ quả của vụ George Floyd: “Khẩu hiệu ‘Sinh mạng của người da đen cũng có giá trị’ đã trở thành phổ quát”.
Từ một khẩu hiệu thường chỉ được người da đen hô vang, câu nói “Black Lives Matter” đã được mọi giới – không phân biệt màu da – hô vang khắp nơi, không chỉ trên đất Mỹ, mà cả ở nước ngoài.
Về chính trị Mỹ, đối với Le Monde, phản ứng của hai chính khách tiêu biểu hiện nay trước tình hình rất đáng suy ngẫm.
Vào lúc thành phố Houston quê hương của George Floyd làm lễ tưởng niệm nạn nhân của hành vi bạo lực cảnh sát, thì tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục né tránh chủ đề này.
Trong khi đó thì đối thủ của ông trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới đây, ứng viên Joe Biden của đảng Dân Chủ thì không ngần ngại đến gặp gỡ gia đình của người quá cố.
Le Figaro cũng nói về sư kiện nước Mỹ vào hôm qua đã tưởng niệm George Floyd, nhưng nêu bật ý nghĩa là người da đen này đã được tôn lên thành một vị “thánh tử vì đạo”, đã hy sinh cho chính nghĩa chống phân biệt chủng tộc.
Le Figaro: Dân Pháp muốn chính quyền tăng tốc độ giảm phong tỏa
Tình hình kinh tế xã hội Pháp thời hậu phong tỏa cũng là chủ đề quan trọng trên các báo, được Le Figaro dùng làm tựa chính trang nhất: “Áp lực gia tăng đòi tăng tốc độ dỡ bỏ phong tỏa”
Đối với tờ báo thiên hữu Pháp, trong lúc dịch bệnh ngày càng giảm cường độ, những biện pháp cẩn trọng để chống dịch càng lúc càng ít được chấp nhận, với nhiều tiếng nói vang lên đòi bãi bỏ trước thời hạn những ràng buộc về vệ sinh dịch tễ.
Theo Le Figaro, sau nhiều tuần lễ phải chịu những gò bỏ để tránh virus corona lây lan, người Pháp bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Những tuyên bố gần đây của chủ tịch Hội Đồng Khoa Học, theo đó giờ đây mọi người có thể tìm lại được một cuộc sống bình thường, đã lại càng khiến người ta kêu gọi tăng tốc dỡ bỏ phong tỏa.
Các công ty, xí nghiệp, nhà hàng được hậu thuẫn của đảng Những Người Cộng Hòa (cánh hữu), đã liên tục đòi hủy bỏ ngay lập tức các hạn chế về mặt y tế, bị cho là đang cản trở hoạt động kinh tế.
Trong lãnh vực giáo dục, trước việc các trường học vẫn giới hạn việc thu nhận học sinh trở lại, các gia đình, những bậc phụ huynh cũng bắt đầu mất kiên nhẫn.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Le Figaro, giáo sư dịch tễ học Antoine Flahault, giám đốc Viện Y Tế Toàn Cầu tại Đại Học Genève (Thụy Sĩ), đã cho rằng phải có một chiến lược giảm thiểu rủi ro đi kèm theo việc bãi bỏ những ràng buộc y tế cuối cùng.
Đối với nhà nghiên cứu này, dịch bệnh quả là đang lùi bước rõ rệt tại Pháp, nhưng không nên lơ là vì trong thực tế, vẫn còn từ 2.000 đến 5.000 ca nhiễm mỗi ngày, kéo theo một số tử vong từ 20 đến 50 ca.
Les Échos: Giới chủ nhân kêu gọi nhanh chóng làm việc trở lại
Trang nhất nhật báo kinh tế Pháp đã giới thiệu bài phỏng vấn chủ tịch hiệp hội các chủ nhân Pháp Medef.
Ông Geoffroy Roux de Bézieux nhân dịp này đã yêu cầu chính phủ xem xét lại các quy định y tế chống dịch theo chiều hướng cởi mở hơn để hỗ trợ sản xuất. Ông đồng thời bày tỏ mong muốn chính phủ giảm thuế đánh trên sản xuất ngay vào tháng 9 năm nay.
La Croix: Phong tỏa giảm, nhưng tiêu thụ vẫn cầm chừng
La Croix cũng nêu bật chủ đề nước Pháp thời hậu phong tỏa trên trang nhất, nhưng nhấn mạnh đến thái độ thận trọng của người Pháp, chưa tiêu xài trở lại: “Trong khi chờ đợi kinh tế hồi phục”, tựa chính trang nhất.
Theo tờ báo Công Giáo Pháp, nếu các sinh hoạt đã trở lại mạnh mẽ từ khi phong tỏa bắt đầu được dỡ bỏ, kinh tế Pháp vẫn còn bị ảnh hưởng nặng do các biện pháp y tế và thái độ thận trọng của người tiêu thụ.
La Croix ghi nhận các tín hiệu lạc quan: Vỉa hè các quán cà phê chật người, những hàng người dài dằng dặc trước các cửa hiệu, công nhân viên đã trở lại văn phòng và nhà máy… Thế nhưng, dù đã thức dậy, kinh tế Pháp vẫn chưa vận hành được theo tốc độ bình thường.
Nếu có những lãnh vực đã hồi phục, thậm chí còn mạnh mẽ hơn thời trước khủng hoảng, thì đó vẫn là điều ngoại lệ. Benoit Gruet, chủ nhân một công ty chuyên thống kê việc thanh toán bằng thẻ ngân hàng cho rằng dĩ nhiên là “có kẻ được nhưng rất nhiều người thua… Người ta đã đổ xô đi mua giầy dép, như muốn chạy nhảy sau thời kỳ bị bó chân ở nhà, nhưng các cửa hiệu quần áo thì vắng hoe”.
Cũng như thế, nếu doanh số ngành xe đạp tăng cao, thì ngành xe hơi vẫn chưa đạt được mức trước đây.
Nhìn chung, theo La Croix, người Pháp chưa vội đi mua sắm trở lại. Theo một cuộc thăm dò gần đây, hai tuần sau khi phong tỏa được dỡ bỏ, chỉ có 40% người Pháp là đã ghé một cửa hàng không bán lương thực!
Libération: Nhà nước phục hận!
Cũng trong lãnh vực kinh tế, Libération đã nêu bật một chuyển biến ở cấp vĩ mô mà dịch Covid-19 đã mang đến: Vai trò của Nhà nước được coi trọng trở lại.
Dưới tựa đề lớn trên trang nhất: “Đối phó với suy thoái: Nhà nước phục hận”, tờ báo thiên tả Pháp ghi nhận trong một hồ sơ 5 trang vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc chống khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ khủng hoảng y tế.
Theo Libération, với gần 500 tỷ euro tung ra từ đầu dịch, chính quyền Pháp hầu như nhắm mắt vung tiền để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, một sự khôi phục vai trò trung tâm của Nhà nước trái ngược hẳn với lập luận trước đó.
Tờ báo nhắc lại hai thông điệp cách nhau hơn 20 năm: Cựu thủ tướng Jospin trước đây từng thốt lên trước công nhân của hãng chế tạo lốp xe hơi Michelin rằng “không nên trông chờ mọi thứ từ Nhà nước”; còn giờ đây, trong miệng của tổng thống Macron ngày 13/02/2020, thông điệp đã trở thành: “Tất cả sẽ được thực hiện để bảo vệ nhân công và xí nghiệp của chúng ta, bất kể tốn kém”.
Đã qua rồi thời kỳ mà vai trò Nhà nước trong kinh tế bị đả kích nặng nề. Giờ đây người ta chỉ nói đến nào là Nhà nước – cứu hỏa, Nhà nước – cổ đông, nào là Nhà nước – chiến lược gia, Nhà nước xanh…
Vai trò thiết yếu của Nhà nước trong thời gian tới đây sẽ còn tăng mạnh khi nhìn vào các con số của Ngân Hàng Trung Ương Pháp: GDP sẽ tuột giảm ít ra 10% trong năm nay và thất nghiệp vọt lên đỉnh lịch sử 11,5% vào năm tới.
Tin tổng hợp
(AFP) – Covid-19 chưa buông tha châu Mỹ.
Tại Hoa Kỳ thêm hơn 800 người thiệt mạng vì virus corona trong ngày 09/06/2020. Châu Mỹ Latinh vẫn trong tâm bão : Peru thông báo số ca lây nhiễm vượt ngưỡng 200.000. Brazil chỉ riêng hôm qua đã có thêm hơn 32.000 bệnh nhân và tới nay, đã có 38.406 ca tử vong tại Brazil vì Covid-19.
(Reuters) – Hồng Kông : 53 người ủng hộ dân chủ bị bắt.
Cảnh sát Hồng Kông ngày 10/06/2020 cho biết rõ là có 36 nam và 17 nữ, đã bị bắt giữ trong cuộc biểu tình huy động hàng trăm người ngày hôm qua, kỷ niệm một năm phong trào phản đối dự luật dẫn độ, nay biến thành làn sóng đòi dân chủ. Theo cảnh sát Hồng Kông, những người này vi phạm lệnh cấm tụ tập trên 8 người và tham gia vào một cuộc tập hợp không được phép. Cũng trong ngày hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích tập đoàn ngân hàng HSBC đã ủng hộ luật an ninh mới gây tranh cãi mà Bắc Kinh sẽ áp đặt cho Hồng Kông.
(AFP) – NATO : Anh Quốc phải xem xét lại vai trò của Hoa Vi trong mạng 5G.
Ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, trên đài BBC ngày 10/06/2020 cho rằng phương Tây không thể phớt lờ việc Trung Quốc đi lên thành cường quốc, và việc Luân Đôn nên xem xét lại vai trò của Hoa Vi trong dự án phát triển mạng 5G của Anh là một điều quan trọng. Đáp lại, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng Trung Quốc không là một mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào.
(AFP) – Covid-19 : Liên Âu tố cáo Nga và Trung Quốc phao tin thất thiệt.
Ngày 10/06/2020 lãnh đạo ngoại giao châu Âu, Josep Borrell và phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Vera Jourova thông báo chiến lược chống các chiến dịch bóp méo thông tin. Theo AFP, Nga và Trung Quốc trong tầm ngắm của Bruxelles, đặc biệt là liên quan đến những thông tin về dịch Covid-19
(Reuters) – EU chuẩn bị đối phó với khủng hoảng y tế trong tương lai.
Rút tỉa kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19, Pháp, Đức và lãnh đạo bốn nước trong Liên Âu ngày 09/06/2020 kêu gọi Ủy Ban Châu Âu tăng cường khả năng đối phó với những cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai. Cụ thể là Liên Âu cần có một khoản dự trữ về thuốc men ít nhất là cho một khoảng thời gian 3 tháng, tăng cường các trang thiết bị y tế và cùng nhau phát triển các loại thuốc vác-xin.
(AFP) – Án tù cho một sĩ quan người Áo làm gián điệp cho Nga.
Tòa án Salzbourg ngày 09/06/2020, tuyên án ba năm tù nhắm vào một vị đại tá đã về hưu, 71 tuổi, để “lộ bí mật quốc gia cho cơ quan phản gián nước ngoài“. Cựu quân nhân này bị buộc tội làm gián điệp, bán thông tin cho Nga trong trong hơn 25 năm, từ năm 1992 đến 2018.
(AFP) – Chủ tịch Thượng Viện C.H Séc vẫn công du Đài Loan bất chấp Bắc Kinh phản đối.
Ngày 09/06/2020 ông Milos Vystrcill cho biết sẽ dẫn đàu mọt phái đoàn đến thăm Đài Bắc vào tháng 8/2020 trong 7 ngày. Ông tin chắc đây là “một quyết định tốt”. Người tiền nhiệm của ông, cố chủ tịch Thượng Viện Séc Jaroslav Kubera trước đây cũng đã có kế hoạch viếng thăm Đài Loan. Bắc Kinh khi đó đã hù dọa sẽ trừng phạt Praha và Trung Quốc sẽ không mở rộng vòng tay đón các doanh nghiệp Séc.
(Reuters) – Mỹ chuẩn bị mở lại tòa lãnh sự ở Vũ Hán.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh Terry Branstad ngày 10/06/2020 có “ý định mở lại các hoạt động tại Vũ Hán trong tương lai không xa” sau một thời gian bị gián đoạn. Tháng Giêng 2020 vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, nhân viên tòa lãnh sự Mỹ tại Vũ Hán và thân nhân đã được sơ tán khỏi ổ dịch đầu tiên này tại Hoa Lục.
(AFP) – Người khám phá ra bệnh Kawasaki ở trẻ em, bác sĩ Tomisaku Kawasaki qua đời, thọ 95 tuổi.
Viện nghiên cứu Nhật Bản nơi ông làm việc thông báo tin buồn vào hôm nay 10/06/2020. Năm 1961, bác sĩ Kawasaki phát hiện bệnh căn bệnh này ở trẻ em, bị lây nhiễm qua đường truyền máu với nhiều triệu chứng gần giống như với Covid-19 hiện nay. Căn bệnh này tấn công vào trẻ em nhỏ tuổi và con trai bị nhiều hơn là con gái.
Điểm tin thế giới sáng 10/6:
Chủ tịch Thượng viện Séc lên kế hoạch
thăm Đài Loan; Mỹ thất vọng về Triều Tiên
Lục Du
Chào mừng quý độc giả đến với mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin hôm nay, ngày thứ Tư (10/6), của chúng tôi có những tin sau:
Chủ tịch Thượng viện Séc lên kế hoạch thăm Đài Loan
Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Milos Vystrcil hôm thứ Ba cho biết ông có kế hoạch tới thăm Đài Loan vào cuối tháng Tám tới. Taiwan News nhận định, quyết định này của ông Vystrcil sẽ chọc giận Bắc Kinh.
Nếu chuyến thăm này diễn ra, ông Vystrcil sẽ trở thành chính trị gia cao cấp nhất của Séc thăm Đài Loan. Người tiền nhiệm của ông Vystrcil, ông Jaroslav Kubera, từng lên kế hoạch tới thăm Đài Loan vào tháng Một, tuy nhiên trước đó ông đã qua đời.
Truyền thông quốc tế tiết lộ, trước khi ông Kubera mất, Đại sứ quán Trung Quốc tại Parague đã gửi thư đe dọa tới Tổng thống Séc, tuyên bố rằng “các công ty của Séc có lợi ích kinh tế ở Trung Quốc sẽ phải trả giá cho chuyến thăm Đài Loan của ông Kubera”. Vợ và con gái của ông Kubera cho biết cái chết của ông có liên quan tới các đe dọa và áp lực từ Bắc Kinh.
Mỹ thất vọng về Triều Tiên
Hoa Kỳ thất vọng về những hành động gần đây nhằm cắt đứt quan hệ với Hàn Quốc của Triều Tiên và đề nghị Bình Nhưỡng nối lại hoạt động ngoại giao với Nam Hàn, Bộ Ngoại giao Mỹ nói hôm thứ Ba, theo Yonhap.
“Hoa Kỳ luôn ủng hộ sự tiến triển trong quan hệ liên Triều và chúng tôi thất vọng về những hành động gần đây của Triều Tiên”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với hãng thông tấn Yonhap.
“Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên quay trở lại [với các hoạt động] ngoại giao và hợp tác”, người phát ngôn tiếp tục. “Chúng tôi vẫn phối hợp chặt chẽ với đồng minh Hàn Quốc của chúng tôi trong các nỗ lực liên quan tới Triều Tiên”.
Vào sáng thứ Ba, Triều Tiên đã tuyên bố cắt đứt tất cả các đường dây liên lạc với Hàn Quốc từ buổi trưa cùng ngày.
Philippines đang tôn tạo đảo Thị Tứ ở Trường Sa
Philippines có kế hoạch chi 1,3 tỷ peso (26 triệu USD) để xây dựng thêm các công trình trên đảo Thị Tứ, hòn đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng Philippines kiểm soát trên thực tế từ những năm 1970.
Trang Rappler đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm thứ Ba (9/6) tuyên bố nước này đã hoàn thành một đoạn đường nối trên bãi biển của đảo Thị Tứ, người Philippines gọi là đảo Pag-asa, từ đó cho phép vận chuyển các thiết bị xây dựng lên đảo dễ dàng hơn.
Hãng tin Bloomberg dẫn ông Lorenzana phát biểu tại một lễ khánh thành trên đảo Thị Tứ hôm thứ Ba: “Bây giờ chúng ta có thể tiến hành các các dự án khác đã được lên kế hoạch”. Ông Lorenzana nói rằng Philippines sẽ sửa chữa đường băng mà nước này xây dựng trên đảo Thị Tứ. (Chi tiết)
Nga-Trung đang ‘liên thủ’ chống lại Mỹ tại LHQ
Nga và Trung Quốc đang có những động thái phối hợp tại Liên Hợp Quốc (LHQ) để chống lại các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran, tuyên bố rằng họ có thể bác bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đối với Teheran tại hội đồng LHQ, theo Reuters.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Serge Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc, Vương Nghị, đã viết thư cho Hội đồng bảo an 15 thành viên và Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres, nói rằng Hoa Kỳ đe dọa phá vỡ thỏa thuận hạt nhân Iran, mặc dù chính quyền Trump đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018.
Bức thư 27 trang của ông Lavrov được công bố trong tuần này nói rằng việc Mỹ trừng phạt Iran là hành động “vô trách nhiệm và nực cười”, trong khi từ lâu Hoa Kỳ cho rằng Tehera là thế lực đen ủng hộ các nhóm khủng bố và gây bất ổn trong khu vực.
WHO: Dễ nhiễm nCoV nhất khi cơ thể bắt đầu mệt mỏi
Các nghiên cứu cho thấy con người dễ lây nhiễm virus Vũ Hán nhất vào đúng thời điểm họ bắt đầu cảm thấy không khỏe, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết thông tin hôm thứ Ba, theo Reuters.
Theo WHO, đặc điểm này gây khó cho việc kiểm soát đại dịch Covid-19, nhưng nó có thể được hạn chế thông qua các xét nghiệm và cách ly xã hội đúng cách.
Các nghiên trước đây ở Đức và Hoa Kỳ cho thấy những người cảm thấy mệt ít có thể bị nhiễm virus Vũ Hán trong khoảng từ 8-9 ngày, và những người nặng hơn thì có thể nhiễm bệnh trong thời gian ngắn hơn, bà Maria van Kerkhove, nhà dịch tễ học và chuyên gia hàng đầu của WHO, cho hay.
Thư viện Hà Lan nhận lại sách được mượn gần 40 năm
Hôm thứ Ba, một thư viện ở thị trấn Groesbeek của Hà Lan đã đón nhận sự trở lại của một cuốn sách được một người mượn trong suốt gần 40 năm, DPA đưa tin.
Thư viện nằm gần biên giới với Đức đã đăng một bức ảnh của cuốn sách và thẻ mượn lên Twitter. Tem trên thẻ mượn ghi “Ngày 05 tháng 3 năm 1981”, tính tới thời điểm cuốn sách được trả lại thì bị quá hạn 39 năm, 13 tuần và 5 ngày.
Cuốn sách bị mượn thời gian dài là một cuốn tiểu thuyết ra đời năm 1969 có tên “Terug naar Oegstgeest” của tác giả người Hà Lan Jan Wolkers.
Điểm tin thế giới chiều 10/6:
Mỹ sắp mở lại lãnh sự quán ở Vũ Hán;
Nhật muốn G7 ra tuyên bố chung
về Hồng Kông
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Tư (10/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Mỹ sắp mở lại lãnh sự quán ở Vũ Hán
Ông Frank Whitaker, trưởng phòng phụ trách công vụ tại đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh viết trong email gửi Reuters rằng, Terry Branstad, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, “dự định nối lại hoạt động lãnh sự ở Vũ Hán trong tương lai gần”, song không nêu thời gian cụ thể.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa các nhân viên lãnh sự quán cùng gia đình họ về nước sau khi chính phủ Trung Quốc áp lệnh phong tỏa Vũ Hán để ngăn dịch Covid-19 lây lan.
Nhật muốn G7 ra tuyên bố chung về Hồng Kông
Theo Reuters, Thủ tướng Shinzo Abe hôm nay nói rằng ông muốn Nhật dẫn dắt G7 ra tuyên bố chung về tình hình Hồng Kông, trong bối cảnh Trung Quốc lên kế hoạch áp luật an ninh quốc gia với đặc khu.
“Rõ ràng là, chúng ta thừa nhận rằng G7 có sứ mệnh dẫn dắt dư luận toàn cầu và Nhật Bản muốn đi đầu trong việc đưa ra một tuyên bố dựa trên chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’ tại Hồng Kông”, Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản hôm nay.
G7 là nhóm 7 quốc gia phát triển gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật, Anh và Mỹ. Các thành viên nhóm này thay phiên nhau tổ chức hội nghị thường niên, nhằm thảo luận về chính sách và điều phối kinh tế thế giới.
Phản ứng trước động thái của Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố rằng, Bắc Kinh bày tỏ “sự quan ngại nghiêm trọng” và Hồng Kông là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Úc bác cảnh báo phân biệt chủng tộc của Trung Quốc
Tờ AFP đưa tin, các quan chức và các trường đại học hàng đầu ở Úc hôm nay bác bỏ cảnh báo của Trung Quốc rằng Úc là điểm đến không an toàn với sinh viên quốc tế.
“Thành công trong việc làm phẳng đường cong lây nhiễm Covid-19 cho thấy chúng tôi là một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới cho sinh viên quốc tế đến ngay bây giờ”, Bộ trưởng Giáo dục Úc Dan Tehan cho biết.
Bà Vicki Thomson, giám đốc điều hành của Nhóm 8 trường đại học danh tiếng của Úc, cho biết họ sẽ “rất quan ngại” nếu cảnh báo của Bắc Kinh ngăn cản các sinh viên đến Úc.
“Chúng tôi không có bằng chứng cho thấy các vấn đề phân biệt chủng tộc đã xảy ra trong những cơ sở của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng, điều đáng lưu ý là chúng tôi hiện không có quá nhiều sinh viên tại các trường của mình vào thời điểm này”, bà Thomson nói. Bà cho rằng lĩnh vực giáo dục đã bị lôi kéo vào những căng thẳng địa chính trị giữa Úc và Trung Quốc.
Bộ Giáo dục Trung Quốc hôm qua cảnh báo các sinh viên thận trọng về việc lựa chọn đến Úc, hoặc quay trở lại nước này để học tập, viện dẫn nhiều vụ phân biệt chủng tộc nhắm vào người gốc Á tại quốc gia này liên quan đến Covid-19.
Cảnh sát Hồng Kông bắt 53 người biểu tình
Reuters đưa tin, vào tối 9/6, hàng trăm người Hồng Kông đã xuống đường đánh dấu một năm biểu tình phản đối luật dẫn độ. Cảnh sát Hồng Kông đã xịt hơi cay vào đám đông và bắt giữ 53 người, gồm 36 nam và 17 nữ với cáo buộc “tụ tập bất hợp pháp”.
Người dân Hồng Kông đã lên kế hoạch cho nhiều cuộc biểu tình trong những ngày tới. Những người ủng hộ dân chủ lo ngại luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh muốn áp cho Hồng Kông sẽ bóp nghẹt đáng kể các quyền tự do trong thành phố.
Thái Lan xem xét mở lại nhiều cơ sở kinh doanh
Theo Reuters, một quan chức chính phủ Thái Lan hôm nay cho biết nước này sẽ xem xét kế hoạch mở lại thêm nhiều doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh kể từ ngày 15/6, trong bối cảnh Thái Lan không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 nào trong cộng đồng trong 16 ngày qua.
Ông Taweesin Wisanuyothin, phát ngôn viên Trung tâm Quản lý tình hình Covid-19 của Thái Lan cho biết, các quan chức sẽ xem xét giai đoạn mở cửa tiếp theo vào thứ Sáu tới (12/6). Một số doanh nghiệp và các hoạt động kinh doanh có thể hoạt động trở lại sớm nhất là vào ngày 15/ 6, hoặc có thể trước cuối tháng, ông Taweesin nói.