Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Vì sao TBT Trọng không muốn Việt Nam kiện Trung Quốc?

Thursday, April 23, 2020 // ,
Vì sao TBT Trọng không muốn Việt Nam kiện Trung Quốc?

Xung đột Biển Đông được đặt lên bàn nghị sự lúc này là cần thiết. Nhưng, trong mối quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh không chỉ có vấn đề Biển Đông. Để xử lý mối quan hệ ấy, không những cần sách lược khôn ngoan mà còn phải được đặt trong tầm nhìn chiến lược.
 
Một người giúp việc gần như trọn đời với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và từ năm 1949 đến 1969, luôn ở bên cạnh Phạm Văn Đồng và Hồ Chí Minh – ông Trần Việt Phương – nói rằng: “Trong lịch sử nghìn năm giữ nước của Việt Nam, chưa có thời đại nào ngây thơ, mất cảnh giác với Trung Quốc như thời đại Hồ Chí Minh”. Sở dĩ có sự “mất cảnh giác” này, theo ông Việt Phương là vì, Hà Nội đã “Có quan niệm ngây thơ về chủ nghĩa quốc tế vô sản, quan niệm ngây thơ từ người cao nhất của ta chứ không phải ở cấp độ vừa”.Trong hồi ký được công bố chính thức trên báo Nhân Dân [số ra ngày 25-3-1984], thư ký kiêm phụ trách báo chí của đoàn Việt Nam trong Hội nghị Geneva, ông Nguyễn Thành Lê, cho rằng “Bắc Kinh đã ép buộc Hồ Chí Minh phải chia đôi Việt Nam theo Vĩ tuyến 17”.
Theo ông Hoàng Tùng, ngày 3-7-1954, sau khi đạt được thỏa thuận với Mỹ và Pháp, Chu rời Geneva về Liễu Châu gặp Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, thông báo với Hồ Chí Minh ý kiến của Molotov và của ông ta, dự định chia cắt Việt Nam thành hai miền ở Vĩ tuyến 17. Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh nhất quyết đòi, dẫu có lùi cũng chỉ Vĩ tuyến 15 hoặc tối thiểu là 16. Một mặt, Chu Ân Lai “dọa”, Hoa Kỳ có thể nhảy vào vòng chiến và khi đó, Liên Xô và Trung Quốc sẽ không thể hỗ trợ cho Hồ Chí Minh. Một mặt, ông ta mềm dẻo: “Ghi nhớ lời dặn của Hồ Chủ tịch, nhưng xin phép, tướng ngoài biên ải được căn cứ vào tình hình thực tế mà quyết định”.
“Tướng ngoài biên ải” lúc đó là Phạm Văn Đồng thì gần như lệ thuộc vật chất vào Chu. Những báo cáo của Phạm Văn Đồng về cho Hồ Chí Minh đều phải sử dụng điện đài và mật mã của Đoàn Trung Quốc.
Chia cắt đất nước không những không phải là ý chí của nhân dân miền Nam, không phải của nhân dân Việt Nam, mà ngay cả “Bên Thắng Cuộc” cũng chỉ ký do ép buộc. Thế nhưng, để thống nhất trở lại, để xé chữ ký đó của mình, những người cộng sản đã tiến hành một cuộc chiến kéo dài suốt hơn hai mươi năm sau đó.
Tháng 11-1946, khi cả Việt Minh và người Pháp đang chuẩn bị khí giới trong đất liền, quân Tưởng Giới Thạch đổ bộ lên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, và tháng 12-1946, đổ bộ lên Itu Aba thuộc Trường Sa. Năm 1950, quân Tưởng rút khỏi hai quần đảo này để cho Bắc Kinh tuyên bố “chủ quyền”. Sau Hiệp định Geneva, khi Chính quyền miền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản Hoàng Sa, hai đảo lớn nhất ở đấy đã bị “quân giải phóng Trung Quốc” thừa cơ chiếm mất.
Tưởng và Mao có thể khác nhau về ý thức hệ và đối đầu về quyền lực nhưng cách thu vén đất đai biển đảo cho Đại Hán thì nhất quán. Họ luôn trục lợi được khi ném súng cho các bên.
Ngày 4-4-1972, ở Quảng Trị, khi da thịt người Việt đang bận “tàn nhau”, Kissinger phái Winston Lord tới New York gặp đại sứ Hoàng Hoa, nhắn Trung Quốc: “Hải quân Mỹ sẽ được lệnh ở lại tại khoảng cách mười hai dặm kể từ quần đảo Hoàng Sa”. Người Mỹ cần Bắc Kinh làm ngơ cho họ ném bom bằng B52 ra tới Thanh Hóa. Người Trung Quốc sử dụng cam kết miệng ấy để ngày 19-1-1974 họ cướp Hoàng Sa. Hạm đội 7 đã không có bất cứ động thái gì kể cả cứu các quân nhân VNCH đang thoát thân bằng xuồng con giữa biển. Nhiều trí thức VNCH thân Hà Nội đang ở Bắc Âu nhận được thông điệp, Trung Quốc giữ Hoàng Sa hộ.
Người thân luôn luôn kể các câu chuyện cảnh giác của Lê Duẩn với Bắc Kinh. Trên thực tế, khi Trường Chinh mất chức Tổng bí thư, cái ghế ấy đã bị bỏ trống từ năm 1956. Trong thời gian đó, Trung Quốc tham gia tích cực đưa Lê Duẩn ra thay.
Người lái chiếc xe Ford bốn chỗ chở Lê Duẩn từ Sài Gòn sang Phnom Penh là một nhà tư sản người Hoa, ông Lai Thanh. Người được phái từ Hà Nội vào Phnom Penh chuyển lá thư của ông Phạm Hùng gửi cho ông Lê Duẩn cũng là người Việt gốc Hoa, nữ tình báo Hồ Anh. Người đón và đưa Lê Duẩn đi tàu từ Phnom Penh tới Hồng Kong là một cán bộ thuộc Hoa Kiều vụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc hoạt động tại miền Nam. Ngày 23-5-1957, phái viên Trung Quốc đã cùng với Hồ Anh đưa Lê Duẩn từ Hong Kong về Tỉnh ủy Quảng Châu. Các nhà lãnh đạo ở đây đón tiếp Lê Duẩn vô cùng trọng thị.
Trên đường bay trở lại Việt Nam, những đồng chí Trung Hoa tinh tế đã lấy lý do “thời tiết xấu”, cho dừng máy bay chở Lê Duẩn ở Nam Ninh. Tại đó, các “đồng chí Trung Quốc” sắp xếp để Lê Duẩn có cuộc đoàn tụ cảm động với con gái Lê Tuyết Hồng. Tuyết Hồng được Trung Quốc nuôi ăn học ở ký túc xá Quế Lâm, cũng như sau này, người vợ miền Nam của Lê Duẩn cũng học ở Trung Quốc và luôn được các nhà lãnh đạo Bắc Kinh tôn trọng.
Cuộc chiến tranh của Lê Duẩn ở miền Nam cũng không bí mật gì với Bắc Kinh cả.
Bắc Kinh huỵch toẹt ra rằng, từ tháng 6-1965 đến tháng 8-1973 họ đưa sang Việt Nam tổng cộng 320.000 “quân tình nguyện” bao gồm lính phòng không, thợ máy, thông tin, công binh… Quân số lúc đạt mức cao nhất lên tới 170.000. Có khoảng bốn nghìn người Trung Quốc chết tại Việt Nam trong thời gian đó.
Nhiều tài liệu chính thức cho thấy, trước năm 1975, “phóng viên Tân Hoa Xã” đã vào tận Củ Chi và có mặt ở nhiều chiến trường Nam Trung Bộ. Đến cả một kế hoạch tối mật của Lê Duẩn như cuộc đảo chánh của đại tá Phạm Ngọc Thảo cũng được Bắc Kinh hậu thuẫn từ năm 1964 bằng cách in một lượng tiền lớn, gọi là “Hàng 65”, chuyển vào Trung ương Cục [Số tiền này được dùng để đổi ở miền Nam trong Chiến dịch X2, 10-9-1975]. Khi Lê Duẩn chuẩn bị đánh Mậu Thân, dù rất bí mật với Tướng Giáp, Trung Quốc cũng biết để in một lượng tiền khác chuyển vào Nam, gọi là “Hàng 67”.
Chưa kể dày dép, súng ống, mũ cối, chỉ riêng tiền mặt bằng dollar, Bắc Kinh cung cấp dư dả tới mức, sau ngày 30-4-1975, trong két các mặt trận còn dư tổng cộng 105 triệu USD tiền mặt. Tiền mặt do Trung Quốc trực tiếp viện trợ, mà Hà Nội sang nhận từng va-li, từ năm 1964-1975, lên tới 626.042.653 USD.
“Bên Thắng Cuộc” chịu ơn “sự giúp đỡ” này và nhiều thế hệ được dạy, nhờ sự giúp đỡ “trên tinh thần quốc tế vô sản” ấy mà có Điện Biên Phủ và “Miền Nam giải phóng”. Nhưng đấy chỉ một tiết diện. Phải đặt vai trò của ý thức hệ trong sự chia cắt và binh đao mới thấy, cái giá mà dân tộc ta, nhân dân ta phải trả cho các “khoản vay quốc tế vô sản” thật là đau đớn.
Tinh thần quốc tế vô sản mà Bắc Kinh vẫn sử dụng trước nay chỉ như một miếng bả. Cái mà họ “bẫy” được là biển đảo, là đất đai, chưa kể những cuộc chia chác quốc tế trên máu xương người Việt. Kể từ Hội nghị Thành Đô, khi Bắc Kinh từ chối dùng “giải pháp đỏ” lẽ ra Hà Nội phải thấy họ không còn là cộng sản.
Có thể chỉ là ngẫu nhiên khi Covid-19 đến từ Trung Quốc khiến Việt Nam phải cách li cho tới sát ngày 30-4. Nhưng, thay vì ầm ĩ kỷ niệm 45 năm, “cách li tại nhà” nên là cơ hội để coi lại các bài học, thừa nhận trách nhiệm, nhìn nhận vai trò pháp lý của người anh em miền Nam trong việc xác lập chủ quyền với Hoàng Sa. Dũng cảm coi Công văn 1958 của Phạm Văn Đồng là vô giá trị. Chưa bao giờ là quá trễ để suy ngẫm về “quốc tế vô sản” mà nhận thấy, Trung Quốc chưa từng là bạn và vĩnh viễn chỉ là một quốc gia vận hành bằng các âm mưu Đại Hán.
23/4/20
PS: Nhiều thông tin trong này tôi đã công bố rải rác trong cuốn Bên Thắng Cuộc, xuất bản 2012.

Biển Đông: Các bản đồ cổ giúp gì VN trong cuộc chiến pháp lý với TQ?


Biển Đông: Các bản đồ cổ giúp gì VN trong cuộc chiến pháp lý với TQ?
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52391830 – Mỹ Hằng BBC News Tiếng Việt
Một tài liệu Hán Nôm từ thế kể 17-18 được trưng bày ở Hà Nội năm 2014 nhằm hỗ trợ tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông
Bản quyền HOANG DINH NAM/Getty Images – Một tài liệu Hán Nôm từ thế kể 17-18 được trưng bày ở Hà Nội năm 2014 nhằm hỗ trợ tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông
Hàng chục năm qua chính phủ Việt Nam đã cho người đi khắp thế giới sưu tập bản đồ để có chứng cứ hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông, nhưng giá trị pháp lý của chúng đến đâu?
Một trong những người từng được báo Mỹ gọi là “Người săn bản đồ”, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, đã tìm thấy nhiều bản đồ quý hiếm, và bằng chứng trong hơn 50 cuốn sách bằng tiếng Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha – về việc một nhà thám hiểm Việt Nam thời Nguyễn đã cắm cờ ở Hoàng Sa và Trường Sa vào những năm 1850.
Một số nhà nghiên cứu khác, như ông Nguyễn Đình Đầu, cũng sưu tập được khoảng 200 bản đồ quý.
Những bản đồ này đã được chính phủ Việt Nam cho triển lãm trong và ngoài nước để dư luận được tận mắt nhìn thấy Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nhưng nếu mang ra cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc thì những bản đồ này có đủ sức nặng không?

‘Cần kèm theo các văn kiện nhà nước’

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho hay các bản đồ Việt Nam sưu tập được cho tới nay chủ yếu dùng cho mục đích tuyên truyền, động viên, để mọi người biết Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Nhưng nói về độ xác thực, ông cho rằng quan trọng nhất là bản đồ phải đi theo các văn bản pháp lý, các văn kiện của nhà nước thời bấy giờ.
“Các văn kiện này phải phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của một quốc gia đã chiếm hữu vùng đó một cách hòa bình, và khai thác liên tục một cách có hiệu quả,” ông Đinh Kim Phúc nói.
“Không thể chỉ dùng mỗi bản đồ để đấu tranh pháp lý vì nếu vậy, mang ra tòa quốc tế thì không có giá trị.”
“Ví dụ tờ Lệnh Lý Sơn do vua Minh Mạng ban năm 1834, điều động quân và dân các làng chài ở Quảng Ngãi đi coi sóc, thám sát vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Đó là văn kiện có tính chất nhà nước.”
Vietnam, South China Sea, maps
Bản quyền hình ảnh Dinh Kim Phuc
Image caption Một bản đồ cổ
“Giả sử bây giờ chúng ta mang bản đồ ra tòa quốc tế, thì phải dùng các bản đồ được thừa nhận dưới góc độ của công pháp quốc tế. Như tôi nói ở trên, tức là phải đi kèm theo các pháp lệnh của nhà nước thời bấy giờ. Còn sử dụng bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây hoặc của các thuyền nhân lúc bấy giờ đi ngang qua khu vực Biển Đông thì sẽ không có giá trị pháp lý.”

‘Bản đồ phải do bên thứ ba vẽ’

Trong khi đó, giảng viên luật, nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt đưa ra một số nhận định khác về các yếu tố làm nên giá trị pháp lý của một tấm bản đồ.
Ông Hoàng Việt nói với BBC News Tiếng Việt: “Nói về bản đồ với ý nghĩa là bằng chứng pháp lý thì không đơn giản.”
“Nó tuỳ thuộc nhiều thứ, như bản đồ đó được vẽ khi nào? Ai vẽ? Nó có các tỷ lệ chính xác như của phương Tây hay không?”
“Trong nhiều án lệ quốc tế về tranh chấp biên giới, lãnh thổ thì việc đưa ra bản đồ cổ chỉ là nhằm hỗ trợ thêm cho các bằng chứng pháp lý khác, chứ bản đồ không đóng vai trò quyết định.”
Trong nhiều yếu tố khác nhau để xem xét giá trị pháp lý một tấm bản đồ, ông Hoàng Việt cho rằng quan trọng nhất là tính khách quan.
“Ví dụ, bản đồ phải được vẽ bởi một bên thứ ba, chứ không phải do hai bên tranh chấp vẽ. Nếu bên tranh chấp đưa ra bản đồ, thì nó phải dựa trên công ước hay hiệp ước nào đó đã ký kết giữa hai bên.”
“Ví dụ, trong lịch sử, Pháp từng đại diện cho người Campuchia ký‎ với người Thái một hiệp ước công nhận một vùng đất gần biên giới hai nước là lãnh thổ Campuchia, trong đó có kèm theo một số bản đồ. Sau này người Thái đòi lại khu vực biên giới đó thì không được vì nó đã được thể hiện trong hiệp ước rồi.”
“Tương tự như vậy, quá trình phân định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc phải dựa chủ yếu vào biên giới đã được phân định thời Pháp-Thanh và các bản đồ kèm theo hiệp ước được ký kết lúc đó.”

Vì sao dựa trên tiêu chuẩn phương Tây?

Vietnam, South China Sea, protests
Bản quyền HOANG DINH NAM/Getty Images
Một biểu ngữ phản đối Trung Quốc của người biểu tình tại Việt Nam năm 2012
Lý giải vì sao lấy mốc thời Pháp-Thanh và tiêu chuẩn châu Âu để đánh giá độ tin cậy của bản đồ, ông Hoàng Việt phân tích:
“Trước khi bị đô hộ, nhiều quốc gia châu Á trong đó có Trung Quốc và Việt Nam không vẽ bản đồ theo chuẩn phương Tây. Cả Việt Nam và Trung Quốc thời đó đều chưa có tư duy về mốc giới hay đương biên giới, mà chỉ có khu vực biên giới.”
“Sau khi phương Tây sang đô hộ, họ mang theo các tiêu chuẩn phương Tây chặt chẽ, khoa học hơn. Chẳng hạn người Pháp thời đô hộ Việt Nam, khi đại diện Việt Nam ký một hiệp ước phân định các quốc gia trên bộ, đã áp đặt tư duy phương Tây và đưa ra một đường biên giới rõ ràng, với các cột mốc có kinh độ, vĩ độ.”
Về phân định đường biên giới trên Biển Đông, ông Hoàng Việt nhận định đây là câu chuyện ‘phức tạp hơn nhiều’.
“Với các bộ sưu tập bản đồ của Việt Nam mà tôi được tiếp cận, như bộ 200 bản đồ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, cá nhân tôi cho rằng chúng có giá trị nhất định.”
“Theo đánh giá sơ bộ của cá nhân tôi, đa phần bản đồ trong 200 chiếc này là của các giáo sỹ phương Tây. Như vậy nó đảm bảo tính khách quan vì không phải của Việt Nam vẽ. Chúng cũng đảm bảo một số tiêu chí như tính chính xác, bởi được đo đạc bằng thiết bị và tư duy của các nhà khoa học phương Tây lúc đó.”
“Các bản đồ này bác bỏ quan điểm của Trung Quốc về chủ quyền của họ ở Hoàng Sa và Trường Sa rằng đó là lãnh hải của họ. Bởi cả các bản đồ của Trung Quốc và phương Tây mà chúng ta có đều không cho thấy như vậy. Chứng tỏ lập luận của Trung Quốc là không có cơ sở.”

‘Việc đưa ra tòa quốc tế còn hạn chế’

Việt Nam từng tổ chức triển lãm, trưng bày các bản đồ cổ để chứng minh chủ quyền đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa
Bản quyền Getty Images
Việt Nam từng tổ chức triển lãm, trưng bày các bản đồ cổ để chứng minh chủ quyền đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa
Bàn về mức độ ảnh hưởng của bản đồ nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định rằng chúng đóng góp “20%” vào khả năng thành công.
“Tôi nghĩ rằng bản đồ đi kèm với văn kiện của nhà nước thì chiếm khoảng 20% giá trị pháp lý khi đấu tranh chủ quyền trước các nhà tài phán quốc tế.”
“Cái quan trọng nhất là phải dựa vào Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, thì mới có khả năng chiến thắng trước Trung Quốc,” nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt thì cho rằng dù Việt Nam đã sưu tầm được một bộ bản đồ đồ sộ, nhưng tính chính xác của chúng tới mức độ nào cần phải nghiên cứu thêm.
“Philippines trước khi kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài thường trực năm 2013 đã xuất bản một tập bản đồ trong đó có các bằng chứng về chủ quyền. Và đã được tuyên thắng kiện năm 2016.”
“Điều đó để nói rằng bản đồ có những giá trị nhất định trong cuộc chiến pháp lý, mang tính chất hỗ trợ các bằng chăng pháp lý khác. Chứ không phải là bằng chứng độc lập đủ sức chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
“Việc đưa ra tòa quốc tế còn rất hạn chế do Trung Quốc không chấp thuận vai trò của tòa quốc tế. Như thế tòa quốc tế sẽ không có thẩm quyền giải quyết. Cho nên hiện Việt Nam vẫn tập trung vào vấn đề tuyên truyền và tâm lý nhiều hơn.”
“Đánh giá các bản đồ này đóng góp bao nhiêu phần trăm thành công thì khó vì chưa biết sẽ ra tòa nào. Nhưng tôi cho rằng, không chỉ bản đồ, Việt Nam cần xem xét lại tổng thể về mặt bằng chứng xem mình hiện đang có những gì.”
“Còn riêng với bộ sưu tập bản đồ mà Việt Nam thu thập được qua nhiều dự án cử người đi nước ngoài sưu tầm, tôi cho rằng cần thành lập một ban đánh giá chất lượng.”
“Ban này cần tập hợp các chuyên gia lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế. Đến nay tôi chưa rõ một ban như vậy từng được thành lập hay chưa.”

Powered by Blogger.