Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 23/04/2020

Thursday, April 23, 2020 6:01:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 23/04/2020

Từng nhà dân bị gõ cửa để thu tiền “ủng hộ chống dịch” coronavirus 19

Tin Vietnam.- Báo Vnexpress ngày 21 tháng 4 năm 2020 loan tin, người dân ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã bị các viên chức của tổ chức Mặt trận Tổ quốc Cộng sản đến từng nhà gõ cửa thu tiền “ủng hộ” chống dịch coronavirus.
Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Quảng Điền giải thích, thời gian vừa qua, Mặt trận tổ quốc Cộng sản của huyện đã phát động việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch coronavirus 19 bằng cách buộc người dân phải đóng góp tiền cho cơ quan này.
Ông Thắng thanh minh rằng, việc đóng góp là dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân tự đến trụ sở của xã, chứ không bắt buộc người dân. Vì vậy, hành động các viên chức của Mặt trận tổ quốc đến từng nhà dân gõ cửa để thu tiền là không đúng.
Tại xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, việc quyên góp đã được thực hiện từ tuần trước, mỗi người dân buộc phải đóng ít nhất là 20,000 đồng cho phía Mặt trận tổ quốc cấp xã, những gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo thì được cho qua.
Ông Lê Nguyên sĩ, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Quảng Công cho biết, cơ quan đã thu được 42 triệu đồng từ 1,300 gia đình trên địa bàn xã. Sau hơn một tuần, đến nay Mặt trận tổ quốc Cộng sản huyện Quảng Điền đã thu được hơn 200 triệu đồng và một tấn gạo từ các gia đình trên địa bàn.
Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam sau nhiều ngày tuyên bố sẽ dùng 62,000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì dịch coronavirus 19 thì đến nay chưa có bất kỳ người dân nào nhận được tiền. Ngược lại, nhà cầm quyền luôn tìm cách moi tiền từ người dân bằng đủ hình thức, và mạnh mẽ nhất là đến từng nhà thu tiền như ở Huế.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/tung-nha-dan-bi-go-cua-de-thu-tien-ung-ho-chong-dich-coronavirus-19/

Cựu bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son

xin giảm án tù chung thân

Ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng TT&TT cho rằng, án chung thân về hai tội đối với ông  “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiệm trọng” và “Nhận hối lộ” là quá nặng, nên xin HDXX giảm nhẹ bản án.
Theo tin truyền thông trong nước loan đi ngày 23 tháng 4, TAND Cấp cao ở Hà Nội bắt đầu xét xử phúc thẩm vụ MobiFone mua AVG theo kháng cáo của ông Nguyễn Bắc Son cùng 8 bị cáo khác. Tại phiên tòa, ông Son cho biết bản án sơ thẩm tuyên ông chung thân là quá nặng và xin giảm nhẹ hình phạt ở mức thấp nhất vì tình trạng sức khỏe yếu. Ông Son cho rằng đây là vụ án “hy hữu” và đã thành thật khai báo, khắc phục hậu quả, hoàn trả toàn bộ số tiền nhận hối lộ là 3 triệu USD.
Khi được chủ tọa hỏi ai là người chịu trách nhiệm cao nhất, ông Son thừa nhận trách nhiệm lớn lao là người đứng đầu chỉ đạo lập và thực hiện dự án. Ông Son thú thật dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, nhưng ông đã ký quyết định phê duyệt dự án khi chưa được Thủ tướng chấp thuận.
Sau khi nghe ông Son trình bày, HĐXX cho rằng trong một dự án hơn 8.000 tỉ đồng, số tiền nhận hối lộ 3 triệu USD là đặc biệt lớn, chưa từng có trong tiền lệ.
Phiên phúc thẩm này được dự kiến kéo dài đến ngày 26 tháng 4.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-minister-of-information-communication-nguyen-bac-son-asks-for-life-sentence-to-be-reduced-04232020085034.html

Thêm trường hợp côn đồ, lừa đảo bị xử lý

Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố và chuyển hồ sơ vụ án sang Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Thuận về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ông này là người trốn truy nã 7 năm và lực lượng chức năng mới bắt được vào ngày 17 tháng 1 năm ngoái.
Ông Nguyễn Đức Thuận sinh năm 1981 làm giám đốc và đại diện pháp luật Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ xuất nhập khẩu Hà Nội – Tico. Theo cáo trạng, tháng 11 năm 2011, Công an quận Hoàng Mai nhận được tố cáo ông Nguyễn Đức Thuận lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách nhận tiền  giúp đưa đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Đài Loan, Canada. Sau khi nhận tiền, Thuận không thực hiện cam kết, không trả lại tiền và bỏ trốn.
Dù công ty Tico không được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhưng ông Thuận vẫn thu  từ 10 triệu đồng đến 150 triệu đồng/trường hợp và cam kết trong thời hạn từ 6 tháng đến 8 tháng người lao động sẽ được đi lao động tại nước ngoài.
Từ tháng 5/2010 đến tháng 5/2011, có 20 người đóng cho ông Nguyễn Đức Thuận tổng số tiền lên đến hơn 2,8 tỷ đồng. Tuy nhiên chờ đến hạn vẫn không được đi xuất khẩu lao động nên họ làm đơn tố cáo.
Khởi tố vụ án hình sự vụ đập phá ở tỉnh Hòa Bình
Hôm 22 tháng 4, Công an huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nhóm côn đồ đập phá xe trước mặt công an hôm 19 tháng 4.
Đến nay đã có 8 bị can bị bắt giữ gồm: Hai cha con Lê Văn Trường và Lê Hải Long; Trần Văn Đoàn; Lê Mạnh Cường; Bùi Văn Kiên; Vũ Hoàng Sơn; Hoàng Quốc Trường Thành; Đinh Công Anh Dũng. Tất cả bị khởi tố để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản và cố ý gây thương tích.
Theo tường thuật của báo trong nước, hôm 19 tháng 4, một nhóm khoảng chục người cầm hung khí như thuổng, dao, gậy, búa… lao vào tấn công người dân, đập nát chiếc ôtô tải trị giá hàng trăm triệu đồng và tấn công những người ngồi trong xe.
Dù lực lượng công an đã vào can ngăn và yêu cầu dừng tay nhưng nhóm côn đồ khoảng 10 người vẫn cầm hung khí lao vào đập phá chiếc ôtô và liên tục chửi bới.
Theo điều tra ban đầu thì sự việc có liên quan đến mâu thuẫn đất đai.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-cases-of-hooligans-and-frauds-were-dealt-with-04232020105937.html

Gia hạn đình chỉ công tác hiệu trưởng và phó hiệu trưởng

trường Đại học Ngân hàng TPHCM

Hai người đứng đầu trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh có mặt trước khi Tiến sĩ Bùi Quang Tín tử vong là hiệu trưởng Bùi Hữu Toàn và phó hiệu trưởng Nguyễn Đức Trung vừa bị kéo dài thời gian đình chỉ công tác thêm 15 ngày.
Báo trong nước loan tin ngày 23/4, trích quyết định của Ngân hàng Nhà nước được ban hành cùng ngày.
Nguyên nhân kéo dài thời hạn đình chỉ được Ngân hàng Nhà nước cho biết do chưa thể hoàn thành việc kiểm điểm đối với ông Toàn và ông Trung vì điều kiện cách ly dịch COVID-19.
Trước đó vào tối ngày 8/4, 8 cán bộ Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày để xem xét kiểm điểm, xử lý kỷ luật do vi phạm các quy định chấp hành các biện pháp về việc cách ly, phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể những người này đã tham gia bữa trưa tổ chức tại nhà ông Trần Việt Dũng – Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế trường Đại học Ngân hàng.
Cả 8 cán bộ bị tạm đình chỉ công tác là đồng nghiệp của Luật sư Bùi Quang Tín và đã gặp gỡ, dùng cơm trưa, uống bia rượu với ông Tín ngay trước khi vụ việc ông Tín được cho ngã lầu tử vong hôm 5/4.
Cũng trong sáng ngày 23/4, Luật sư Nguyễn Văn Quynh – Đoàn luật sư TP Hà Nội, bảo vệ quyền lợi cho gia đình ông Tín cho hay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vẫn đang đẩy nhanh việc điều tra tìm nguyên nhân ông Tín tử vong.
Theo luật sư Quynh, lực lượng chức năng cho biết sẽ trích xuất tìm dữ liệu từ email, Zalo và 2 điện thoại của ông Tín để phục vụ điều tra.
Hiện phía công an đang tạm giữ 2 điện thoại ông Tín mang theo trước khi xảy ra vụ việc và đã thu giữ tại hiện trường.
Công an sẽ mời gia đình cùng luật sư chứng kiến quá trình trích xuất dữ liệu.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/extended-suspension-of-principal-and-vice-rector-of-hcmc-banking-uni-04232020082113.html

Cựu chiến binh Trần Đức Thạch bị bắt với cáo buộc

“hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”

Sáng ngày 23-4-2020, nhà thơ Trần Đức Thạch, một cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 341, Quân đoàn 4, quân đội Bắc Việt bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 109 Bộ luật hình sự.
Bà Nguyễn Thị Chương – vợ ông Thạch cho hay, sáng ngày 23/4 có 3 người ở xã, huyện giả vờ xin vào nhà để hỏi thăm ông Thạch rồi trở mặt bắt luôn. Bà Chương thuật lại qua điện thoại như sau:
Đối với nhà tôi là Trần Đức Thạch, là chồng tôi nó canh suốt đời, khi nhiều khi ít.
Khi có một sự việc gì đấy Ià nó canh đông, nó quấy nhiễu từ khi đi tù về đến giờ giờ.
Còn bữa nay anh Thạch cũng chủ quan là bởi vì cứ nghĩ rằng 30 tháng 4 thì nó canh thế thôi.
Nó đòi vô nhà thì anh Thạch cũng cho nó vô nhà mà xong rồi nó bắt đầu nó tập trung 20 người và hàng chục xe ô tô nó ập vô nhà, đọc lệnh và làm thế thôi.
Theo bà Chương, công an Nghệ An thu giữ một số điện thoại, máy tính, máy ảnh và số tiền 9 triệu đồng cùng 400 đô la.
Ông Thạch chỉ kịp nhắn với người nhà là gửi tiền ký gửi để mua thức ăn và xếp cho vài bộ quần áo.
Theo tờ giấy Thông báo bắt bị can để tạm giam của cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Nghệ An đề ngày 23-4-2020 thì ông Thạch hiện nay bị giam ở Trại tạm giam công an tỉnh.
Ông Trần Đức Thạch, sinh năm 1952 ở Nghệ An – là một nhà hoạt động tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam trong nhiều năm qua.
Hồi tháng 10 năm 2009, ông Trần Đức Thạch bị TAND TP Hà Nội kết án 3 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cùng với hai ông Vũ Văn Hùng và Phạm Văn Trội.
Ông Thạch là tác giả của tác phẩm “Hố chôn người ám ảnh” kể lại sự việc lính Bắc Việt khi thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh đã thảm sát hàng trăm thường dân vô tội ở xã Tân Lập, bây giờ gọi là Xuân Lập, thuộc huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai ngay trước ngày 30-4-1975.
Ông cũng là một thành viên của Hội Anh em dân chủ, một tổ chức tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam một cách ôn hòa không được nhà nước công nhận và đã có hàng chục thành viên bị bắt giữ và thụ án trong những nằm qua.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/veteran-tran-duc-thach-arrested-again-04232020091113.html

Vụ Đường Nhuệ đánh người:

Phó trưởng công an Thái Bình bị tố bao che

Ông Cao Giang Nam, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Thái Bình, bị bà Đinh Thị Lý (sinh năm 1964, ngụ tại địa phương) tố cáo đã dung túng, bỏ lọt tội phạm khi ông Nguyễn Xuân Đường (còn gọi là Đường “Nhuệ”) đánh bà này và con trai ngay tại trụ sở Công an phường Trần Lãm vào năm 2014.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 23/4 trích đơn tố cáo của bà Lý cho biết vào ngày 18/11/2014, bà Lý và con trai đến phòng tiếp dân trụ sở Công an phường Trần Lãm để trình báo bị Đường “Nhuệ” gây rối tại nhà vào tối trước đó. Tại trụ sở Công an, bà Lý khẳng định Đường “Nhuệ” yêu cầu “đàn em” đóng cửa phòng tiếp dân để đánh đập hai mẹ con bà này và chửi bới, đe doạ. Con trai bà Lý sau đó được đưa đi giám định thương tích, kết quả tổn hại 15%.
Tháng 1/2015, Công an Thành phố Thái Bình khởi tố vụ án, nhưng đến tháng 7/2015, vụ án bị đình chỉ vì lý do chưa xác định được bị can vụ án, hết thời hạn điều tra. Các quyết định đều do ông Cao Giang Nam ký.
Trong đơn tố cáo gửi tới Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, bà Lý cho biết Đường “Nhuệ” đánh hai mẹ con bà giữa ban ngày, tại trụ sở công an, nhưng vụ án kéo dài đến 6 tháng, không khởi tố bị can. Ông Cao Giang Nam bị bà Lý tố cáo đã bao che Đường “Nhuệ” một cách trắng trợn, thô thiển và coi thường pháp luật.
Ông Nguyễn Xuân Đường bị bắt vào ngày 10/4 vừa qua liên quan đến vụ án cố ý gây thương tích tại nhà ông này vào ngày 30/4.
Đường “Nhuệ” là người đứng đầu nhóm giang hồ bảo kê các hoạt động hoả táng tại Thái Bình. Các cơ sở dịch vụ tang lễ cho biết phải chi tiền cho Đường Nhuệ mỗi khi có “ca” hoả  táng.
Ngày 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” đối với Đường “Nhuệ”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/deputy-chief-of-thai-binh-police-accused-to-cover-duong-nhue-04232020084526.html

Xã hội đen liên tục de dọa

nhà thầu bảo vệ bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái

Sau khi đấu thầu gói thầu bảo vệ phục vụ khám chữa bệnh năm 2020 của bệnh viên Đa khoa tỉnh Yên Bái, công ty trúng thầu đã liên tục bị nhóm xã hội đen uy hiếp, đe dọa khiến công ty phải đề nghị bệnh viện chấm dứt và thanh lý hợp đồng.
Mạng Báo Đấu Thầu loan tin hôm 23/4 dẫn thông tin từ bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho hay, gói thầu số 01 Thuê dịch vụ bảo vệ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đóng thầu vào ngày 20/12/2019 và do bệnh viện làm chủ đầu tư trực tiếp mời thầu. Sau quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã lựa chọn Công ty Dịch vụ bảo vệ an ninh 365 trúng thầu với giá 1,96 tỷ đồng, giảm 528 triệu đồng so với giá gói thầu, đạt tỷ lệ tiết kiệm 21,2%.
Tuy nhiên, sau khi trúng gói thầu được công bố ngày 18/02/2020 nhà thầu này bị một số nhóm được cho là xã hội đen tại Yên Bái đe dọa, uy hiếp, quấy phá. Mặc dù vậy công ty vẫn tiến hành ký hợp đồng với bệnh viện trong thời hạn từ 1/3/2020 đến ngày 31/12/2020.
Sau đó, phía công ty đã bị các nhóm này tiếp tục đe dọa, hành hung, chửi bới và thậm chí khống chế gia đình các gia đình gần cổng bệnh viện cho công ty thuê nhà, đồng thời yêu cầu rời khỏi bệnh viện trước ngày 2/3/2020.
Ngày 5/3/2020, công ty đã có thư đề nghị gửi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái để được chấm dứt và thanh lý hợp đồng. Sau đó, phía Bệnh viện đã đồng ý chấm dứt hợp đồng và ban hành 2 quyết định xử phạt với tổng tiền xử phạt gần 180 triệu đồng. Công ty cho rằng, lý do phải chấm dứt hợp đồng là “bất khả kháng” nên phía Bệnh viện quyết định xử phạt là không thuyết phục.
Hiện nay, phía Công an tỉnh Yên Bái vẫn đang trong quá trình thụ lý và giải quyết tố cáo của Nhà thầu và chưa công bố kết quả.
Trong cùng ngày, ông Lê Hoàng Châu chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) khẳng định với truyền thông rằng, nhìn nhận từ vụ việc vợ chồng Đường “Nhuệ” thường xuyên trúng lớn tại các cuộc đấu giá cho thấy, thực trạng xuất hiện các nhóm “xã hội đen” tham gia các cuộc đấu giá đất gây ra những hệ lụy xấu cho thị trường bất động sản.
Việc xử lý tình trạng “xã hội đen” lộng hành trong đấu giá đất, đấu thầu dự án lúc này là cấp bách và cần thiết. Nó sẽ giúp thị trường minh bạch, an toàn, công bằng và cạnh tranh lành mạnh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-gangster-threatens-the-contractor-to-protect-yen-bai-general-hospital-04232020075239.html

Thiên tai gây chết người

và thiệt hại tài sản tại một số tỉnh miền bắc

Vào tối 22 tháng 4, tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã xảy ra mưa to kèm giông lốc khiến đá trên núi lăn xuống làm một người chết và gây thiệt hại nhiều diện tích rau màu, nhà ở của người dân.
Theo truyền thông trong nước, nạn nhân là chị Lò Thị Tuyết. Khi mưa to và mưa đá kèm giông lốc, chị Tuyết cùng con trai 14 tuổi xuống gầm nhà sàn để trú ẩn. Một tảng đá lớn bất ngờ từ trên núi lăn xuống nhà, đè trúng người chị Tuyết.
Theo báo cáo nhanh của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, nhiều diện tích rau màu, cây ăn quả bị hư hỏng, nhiều nhà dân bị tốc mái.
Trong khi đó, tại Yên Bái, từ đêm 22 đến sáng 23 tháng 4, nhiều nơi có mưa to kèm theo giông lốc và mưa đá gây thiệt hại về nhà cửa, hoa màu của  người dân và một số công trình công cộng ở huyện Trấn Yên, Văn Yên và tại thành phố.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, có 517 ngôi nhà bị thiệt hại, 508 ngôi nhà bị tốc mái, 6 nhà bị ngập nước, 65ha diện tích lúa, hoa màu bị hư hỏng, 78ha cây lâm nghiệp bị gãy đổ…Ước tính thiệt hại lên đến 1,6 tỷ đồng.
Tại Lai Châu, mưa đá và dông lốc xuất hiện tại tất cả các huyện Tân Uyên, Tam Đường, Nậm Nhùn và Mường Tè. Nhiều nhà dân bị tốc mái, nhiều diện tích hoa màu bị dập nát, cây cối đổ. Đây là trận mưa đá kèm theo giông lốc thứ 6 xảy ra từ đầu tháng 3 đến nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu, gây thiệt hại lớn về hoa màu, tài sản của người dân.
Các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang cũng xảy ra mưa to kèm theo dông, lốc, sét. Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Giang, tiên tai đã làm 925 nhà bị tốc mái. Thống kê ban đầu, đã có 568ha hoa màu bị đổ, dập nát; 32 công trình bị hư hại.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/natural-disasters-wreak-havoc-in-the-northern-provinces-04232020085933.html

HRW:  Faccebook bị Việt Nam

ép kiểm duyệt bất đồng chính kiến

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch vào ngày 23 tháng 4 lên tiếng cho rằng tập đoàn Facebook đã cúi đầu khuất phục sức ép của chính phủ Việt Nam, đồng ý hạn chế đăng tải của những người bất đồng chính kiến. Điều này tạo nên một tiền lệ xấu cho nhân quyền và chính sách toàn cầu. Quyết định đó của Facebook làm tăng thêm khả năng về những giới hạn nội dung trong tương lai.
Thông cáo báo chí của Human Rights Watch nhắc lại tin do Reuters loan đi, dẫn hai nguồn ẩn danh ngay trong nội bộ Facebook rằng trong những tháng gần đây chính phủ  Hà Nội cho chặn đường truy cập đến mày chủ địa phương của Facebook tại Việt Nam. Biện pháp này khiến cho tốc độ truy cập dịch vụ bị chậm lại, tạo nên sức ép buộc Facebook phải gỡ bỏ hay hạn chế các nội dung phê phán chính phủ.
Human Rights Watch kêu gọi Facebook rút lại quyết định của tập đoàn này về việc gỡ bỏ hay hạn chế các nội dung bị Hà Nội cho là chống chính phủ.
Giám đốc Vận động Châu Á của Human Rights Watch, ông John Sifton, nêu rõ “Facebook đã tạo ra một tiền lệ tồi tệ qua việc thỏa hiệp khi bị chính phủ Việt Nam bắt chẹt. Nay qua tiền lệ từ Facebook, các nước khác biết cách để đạt được điều họ mong muốn từ công ty này, nhằm buộc công ty đồng lõa trong việc vi phạm quyền tự do ngôn luận. Trước hết lẽ ra chính phủ Việt Nam không được chặn đường truy cập của Facebook; và Facebook cũng không nên chấp nhận các yêu sách của Việt Nam.”
Kêu gọi của Human Rights Watch đối với Facebook như vừa nêu được đưa ra sau khi tổ chức Amnesty International vào ngày 22 tháng 4 cũng có kêu gọi tương tự đối với tập đoàn này về việc nhượng bộ trước sức ép của chính phủ Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-facebook-pressured-censors-dissents-04232020080221.html

Bộ Ngoại giao Việt Nam:

Facebook nên tuân thủ luật của Việt Nam

Các công ty nước ngoài như Facebook hoạt động tại Việt Nam nên tuân thủ luật địa phương, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ xã hội khác. Ông Ngô Toàn Thắng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam phát biểu như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội hôm 23/4.
Trước đó, vào ngày 22/4, Reuters có bài báo trích nguồn tin từ Facebook, cho biết hãng này đã phải nhượng bộ trước sức ép của chính quyền Việt Nam để kiểm duyệt các nội dung được cho là chỉ trích chính phủ.
Các nguồn tin cho biết từ đầu năm nay, các nhà mạng ở Việt Nam đã tìm cách làm chậm việc truy cập vào trang mạng của Facebook và điều này đã gây sức ép lên hãng vốn có đến 65 triệu người dùng tại Việt Nam.
Sau khi có thông tin này, các tổ chức nhân quyền quốc tế như Ân Xá Quốc Tế, Human Rights Watch đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi Facebook không thoả hiệp với chính quyền Việt Nam để hạn chế thông tin.
Phát ngôn nhân Ngô Toàn Thắng nói tại cuộc họp báo rằng những hướng dẫn của chính phủ Việt Nam là để thúc đẩy sự phát triển của mạng internet, công nghệ thông tin và truyền thông nhằm giúp cho sự phát triển của đất nước.
Từ năm ngoái đến nay, chính quyền Việt Nam đã vài lần lên tiếng cáo buộc Facebook vi phạm quy định về đóng thuế tại Việt Nam và chậm trễ trong việc gỡ bỏ các nội dung chống chính quyền mà phía Việt Nam yêu cầu.
Trong tuyên bố mới đây, Facebook khẳng định cam kết bảo vệ quyền tự do bày tỏ ý kiến của mọi người và luôn cố gắng bảo vệ tự do dân sự căn bản này. Tuy nhiên hãng cũng thừa nhận chính quyền Việt Nam đã yêu cầu hãng phải giới hạn các thông tin bị cho là vi phạm pháp luật ở Việt Nam. Để duy trì hoạt động ổn định của mình tại Việt Nam, hãng đã phải nhượng bộ chính quyền Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-says-facebook-should-adhere-by-local-laws-04232020075826.html

Virus corona:

VN thận trọng nới lỏng giãn cách xã hội

Việt Nam bắt đầu nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội từ ngày 23/4 trong bối cảnh không có ca nhiễm mới nào ở nước này trong một tuần qua theo con số chính thức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khuyến cáo người dân tiếp tục ‘đề cao cảnh giác’, chấp nhận sống trong trạng thái có dịch và làm quen với ‘một trạng thái binh thường mới’.
Với tổng số ca nhiễm là 268 và không có ca tử vong nào, Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một số báo quốc tế ca ngợi vì mô hình chống dịch chi phí thấp và hiệu quả.
Việt Nam: Đỉnh dịch Covid-19 vẫn còn ở phía trước?
Vì sao tỷ lệ tử vong do virus corona mỗi nước mỗi khác?
Cuộc đấu Donald Trump, Trung Quốc và WHO: Chống bê bối, hay trốn trách nhiệm?
‘Chống dịch dài hơi’
Trả lời BBC World TV từ London, nhà báo Nguyễn Giang của BBC News Tiếng Việt cho hay việc bỏ phong tỏa đem lại không khí vui mừng ở Hà Nội. Một số ý kiến từ Việt Nam cũng tin rằng “các biện pháp chặt chẽ, thậm chí hà khắc, của chính phủ ngay từ đầu để kiểm soát dịch đã có hiệu quả.”
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 hôm 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn chống dịch “dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế-xã hội”.
Không tuyên bố hết dịch, ông Phúc nói người dân vẫn phải cảnh giác, dù Việt Nam đã thành công trong giai đoạn đầu chống dịch.
Vị thủ tướng nêu nguyên tắc Việt Nam sẽ thực hiện trong giai đoạn tiếp theo là “ngăn chặn triệt để dịch từ bên ngoài, dập dịch bên trong, chữa trị tích cực”.
Kể từ ngày 23/4, các cơ quan, doanh nghiệp và dịch vụ đã hoạt động trở lại ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và hầu hết các địa phương khác.
Hai huyện Mê Linh, Thường Tín ở Hà Nội, nơi có ổ dịch nhưng chưa đủ 14 ngày, sẽ tiếp tục đóng cửa, tuân thủ theo chỉ thị 15 và 16 của thủ tướng chính phủ.
Các điểm có nguy cơ cao vẫn trong tình trạng phong tỏa gồm thôn Hạ Lôi, (huyện Mê Linh) và thôn Đông Cứu, (huyện Thường Tín) ở Hà Nội và thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Trường học ở nhiều tỉnh đã hoặc sẽ sớm mở cửa lại đón học sinh sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch Covid-19, đa số từ Tết Nguyên đán.
Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các trường khi học sinh đi học lại phải “đảm bảo khoảng cách chỗ ngồi giữa các học sinh, sinh viên tối thiểu 1,5m”, điều mà nhiều hiệu trưởng và quan chức địa phương cho rằng sẽ rất khó thực hiện.
Giao thông công cộng cũng được khôi phục lại dần, với các chuyến xe liên tỉnh hoạt động trở lại theo công suất ối thiểu là 30%, tối đa là 50%.
Vận tải đường sắt vẫn bị hạn chế, với tuyến Hà Nội – TPHCM chạy tối đa 3 chuyến mỗi ngày.
Các tuyến bay hàng không cũng tăng dần, với đường bay Hà Nội – TP HCM có tần suất 20 chuyến mỗi ngày
Việt Nam – câu chuyện thành công của Đông Nam Á
Phân tích của Jonathan Head, Phóng viên thường trú BBC khu vực Đông Nam Á
Việt Nam đã hành động rất nhanh khi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận từ cuối tháng Một, với việc ngưng các chuyến bay, đóng cửa một phần biên giới với Trung Quốc và mở một chiến dịch thông tin toàn quốc, gửi những thông điệp qua video chuyên nghiệp và áp phích tương tự như tranh cổ động thời chiến.
Đây là quốc gia cộng sản độc đảng với hệ thống chính quyền địa phương có hiệu quả và cơ chế an ninh xâm nhập và có khả năng thực hiện phong tỏa trên cả một quận để ngăn virus lây lan.
Việt Nam không thể áp dụng xét nghiệm trên diện rộng như đã làm ở Đức hay Hàn Quốc; hệ thống y tế có nguồn lực yếu, và nếu để dịch bùng phát mạnh có thể dễ dàng bị quá tải.
Nhưng Việt Nam đã chứng tỏ rằng ý chí chính trị, một nhà nước được tổ chức tốt và người dân có tính tuân thủ cao đủ để giúp nước này tránh được tác động nghiêm trọng của dịch virus corona.
Đỉnh dịch vẫn còn ở phía trước?
Trong tình hình hiện chưa có vaccine phòng virus corona chủng mới hay các loại thuốc hữu hiệu để điều trị lâm sàng cho bệnh nhân có triệu chứng nặng, Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới phair chấp nhận “sống chung với virus”.
Muốn xác định đỉnh dịch ở Việt Nam đã qua hay còn nằm ở phía trước, việc thực hiện điều tra dịch tễ là điều cần thiết, theo một chuyên gia dịch tễ học.
“Phải nói rằng trước hết dịch bệnh lây nhiễm và bản thân cúm corona Vũ Hán này sẽ còn xảy ra, đấy là điều khẳng định về mặt khoa học, bởi vì đây là bệnh mới mà con người chưa tiếp xúc trước đó,” Tiến sỹ, bác sỹ Trần Tuấn, chuyên gia về dịch tễ học nói với BBC News Tiếng Việt hôm 21/4.
“Nên những ai chưa nhiễm, thì trong tương lai, thời gian tới, vẫn có nguy cơ lây nhiễm.
“Việc chúng ta phòng chống là để ngăn ngừa sự lây lan và ngăn ngừa áp lực đối với hệ thống y tế, chứ chúng ta chưa mong đợi được là chặn hẳn, chấm dứt việc lây nhiễm của con virus này, chừng nào chưa có vắc-xin.”
Nếu điều tra dịch tễ cho thấy tỷ lệ dân số nhiễm Covid-19 thực sự rất thấp ở Việt Nam, điều đó có nghĩa “cả khối cảm nhiễm phía trước còn nguyên và như thế là dịch bệnh vẫn còn ở phía trước”, TS Trần Tuấn bình luận.
Dư luận chú ý đến bà Kim Yo-jong sau tin đồn anh trai Kim Jong-un ‘không khoẻ’
Reuters: Tin tặc VN tấn công TQ để lấy tin về virus corona?
Ông cũng nêu ra khả năng rằng hình thái bệnh ở Việt Nam và một số nước đang phát triển có diễn biến nhẹ.
“Nếu diễn biến nhẹ, thì cần các nghiên cứu để chỉ ra rằng thực sự tồn tại diễn biến nhẹ này, để chúng ta có thể giải thích về mặt khoa học các vấn đề khác, chẳng hạn thể miễn dịch chéo, chẳng hạn tồn tại các yếu tố tích cực để cho người dân ở các nước đang phát triển không bị nhiễm nặng như trường hợp ở các nước đã phát triển.
“Một trong những yếu tố đó người ta thấy rằng tình trạng gọi là bệnh không lây nhiễm nặng nề hơn nhiều, cho nến đó có thể là một lý do giải thích, và nếu được chúng ta sẽ có được một cảm giác là sống chung với con virus này ở một cảm giác thoải mái hơn, giống như các vụ dịch cúm mùa.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52395538

Virus corona: Tin tặc VN tìm cách tấn công

vào mạng TQ để lấy tin, theo Reuters

Reuters hôm thứ Tư đưa tin nhóm tin tặc APT32 ủng hộ chính phủ Việt Nam đã tìm cách đột nhập email cá nhân và công việc của nhân sự thuộc Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp của Trung Quốc và chính quyền TP Vũ Hán để lấy tin về virus corona.
Dẫn tin của công ty FireEye, chuyên về an ninh mạng tại Mỹ, Reuters cho biết điều tra viên tại FireEye và các công ty an ninh mạng khác khẳng định họ tin nhóm APT32 phục vụ chính phủ Việt Nam. Các hoạt động gần đây của nhóm cho thấy một mô hình tin tặc do chính phủ chống lưng nhằm vào các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, cơ quan y tế để tìm kiếm các thông tin về bệnh mới và các nỗ lực đối phó.
Tấn công mạng để ứng phó với virus corona?
Trên trang blog chính thức của mình, công ty FireEye khẳng định nhóm APT32 có liên quan đến chính phủ Việt Nam đã nhắm vào chính phủ Trung Quốc để lấy thông tin liên quan đến Covid-19.
“Các cuộc tấn công cho thấy thông tin về virus là đối tượng ưu tiên của hoạt động gián điệp – tất cả mọi người đều nhắm vào nó, và APT32 là những gì Việt Nam có,” Ben Read, quản lý cấp cao bộ phận phân tích nguy cơ gián điệp Mandiant của FireEye, nhận xét với Reuters.
Reuters cho biết chính phủ Việt Nam đã không trả lời đề nghị bình luận về vấn đề này. Các email gửi tới địa chỉ email được các hacker sử dụng cũng không có hồi đáp. Tương tự, cục An ninh mạng, Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp, chính quyền TP Vũ Hán cũng chưa bình luận về vấn đề trên.
Theo Reuters, Việt Nam đã phản ứng rất nhanh trước thông tin xuất hiện virus corona chủng mới, đóng cửa biên giới với Trung Quốc và thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để truy vết và cách ly giúp nước này khống chế số người nhiễm dưới 300.
Nước Pháp ngả mũ trước Việt Nam
Virus corona: ‘Dân khen hai ông Vũ Đức Đam và Nguyễn Đức Chung’
Adam Segal, một chuyên gia an ninh mạng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations) ở New York, nói với Reuters rằng các hoạt động tin tặc cho thấy Hà Nội đẩy mạnh hoạt động trên không gian mạng. Các vụ tấn công mới nhất mà FireEye phát hiện được tiến hành trước một tuần so với ca bệnh đầu tiên được thế giới biết đến, ông nói.
Không biết các cuộc tấn công vào Trung Quốc có thành công hay không nhưng các vụ tấn công cho thấy các hacker gồm cả tội phạm mạng và các gián điệp do chính phủ chống lưng đã tổ chức các hoạt động của mình trong đợt dịch virus corona, John Hultquist, giám đốc phân tích cấp cao của Mandiant, cho Reuters biết.
Phản ứng của Việt Nam
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng đưa ra phản ứng chính thức ngày 23/4:
“Đây là những thông tin không có cơ sở. Việt Nam nghiêm cấm các hành vi tấn công mạng nhằm vào các tổ chức, cá nhân dưới bất cứ hình thức nào. Các hành vi tấn công, đe dọa an ninh mạng cần phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng và hiện đang hoàn thiện các văn bản pháp quy để thực thi luật, ngăn chặn các hành vi tấn công mạng.
Việt Nam sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế trong đấu tranh phòng và chống các hành vi tấn công mạng dưới mọi hình thức.”
Tin tặc VN hoạt động thế nào?
Theo FireEye, APT32 nhằm vào một nhóm nhỏ người bằng việc gửi email có đường dẫn có thể thông báo với hacker một khi người nhận mở ra xem. Sau đó hacker sẽ gửi email với phần đính kèm độc hại có chứa virus gọi là METALJACK giúp họ có thể đột nhập vào máy tính của nạn nhân.
Theo FireEye, APT32 tận dụng một bộ phần mềm độc hại có đầy đủ tính năng, kết hợp với các công cụ có sẵn trên thị trường, để thực hiện các mục tiêu phù hợp với lợi ích của nhà nước Việt Nam.
John Hultquist, Giám đốc phân tích tình báo của FireEye, nhận định các chiến thuật mà APT32 sử dụng bao gồm các tên miền đăng ký giống với các công ty xe hơi – sau đó thực hiện cuộc tấn công giả mạo (hình thức giả mạo thành một đơn vị/cá nhân uy tín để chiếm lòng tin của người dung). Sau đó, họ lấy cắp thông tin của nạn nhân để truy cập mạng nội bộ.
Virus corona: Thế giới nên tin hay nghi ngờ ‘thành công của Trung Quốc’?
Đại tướng Mỹ ‘không chắc chắn về nguồn gốc virus corona ở Trung Quốc’
Bloomberg dẫn lời ông Marc-Étienne Léveillé, chuyên gia của công ty ESET có trụ sở tại Slovakia, phân tích trong cuộc tấn công này, tin tặc APT32 đã gửi tin nhắn qua Facebook có chứa phần mềm độc hại được hiển thị như một album ảnh. Khi nạn nhân kéo xem ảnh, một trong những bức ảnh thực tế là đã cài phần mềm độc hại trên máy tính.
“Đây chính xác là những điều mà chúng tôi dự đoán. Một cuộc khủng hoảng xảy ra và thông tin trở nên khan hiếm, từ đó các hoạt động gián điệp đánh cắp thông tin được triển khai,” ông nói.
Nhóm tin tặc là ai?
Trả lời trên Bloomberg, ông Nick Carr, Giám đốc của công ty an ninh mạng FireEye Inc, cho biết họ đã theo dõi APT32 – còn được gọi là Ocean Lotus và Ocean Buffalo – từ năm 2012. Năm 2017, nhóm của ông đã điều tra một loạt các vụ tấn công mạng ở Mỹ, Đức và nhiều quốc gia ở châu Á và thấy rằng nhóm APT32 đã dành ít nhất ba năm để tấn công các chính phủ nước ngoài, nhà báo, nhà bất đồng chính kiến và các tập đoàn nước ngoài có lợi ích trong các lĩnh vực sản xuất, hàng tiêu dùng và khách sạn ở Việt Nam.
Tin tặc VN đột nhập mạng công ty nước ngoài và giới bất đồng chính kiến
Trung Quốc che giấu sự bùng phát của virus, tình báo Hoa Kỳ nói
Chuyên gia Marc-Étienne Léveillé nói rằng APT32 từng sử dụng phần mềm độc hại này trong các cuộc tấn công vào các cơ quan chính phủ và tổ chức thương mại tại Đông Á trong thời gian gần đây. Mục tiêu tấn công còn là các nhà hoạt động chính trị, bất đồng chính kiến ở Việt Nam, dẫn theo Bloomberg.
Cũng theo Bloomberg, các chuyên gia an ninh mạng nhận định nhóm tin tặc Việt Nam đang học kiểu chơi của Trung Quốc, sử dụng các cuộc tấn công mạng ngày càng phức tạp để đánh cắp thông tin đối thủ và giúp Việt Nam bắt kịp các đối thủ toàn cầu.
“Đây là một câu chuyện một Trung Quốc thu nhỏ,” Adam Meyers, phó chủ tịch phụ trách mảng tình báo của CrowdStrike, đánh giá.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52377799

Việt Nam phủ nhận có liên quan đến việc hacker

xâm nhập trang mạng của Trung Quốc

để lấy thông tin về COVID-19

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 23/4 lên tiếng phủ nhận thông tin cho rằng chính phủ Việt Nam đứng sau nhóm hacker APT32 xâm nhập vào trang mạng của Bộ Quản lý khẩn cấp Trung Quốc và chính quyền thành phố Vũ Hán để lấy thông tin về dịch bệnh COVID-19.
Hôm 22/4, hãng an ninh mạng của Mỹ FireEye đưa ra báo cáo xác định nhóm tin tặc APT32 được chính phủ Việt Nam hậu thuẫn đã tìm cách xâm nhập vào email của các chuyên gia, nhân viên thuộc Bộ Quản lý khẩn cấp và chính quyền thành phố Vũ Hán vào giữa khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng nói tại cuộc họp báo thường kỳ rằng cáo buộc này là không có căn cứ.
“Việt Nam ngăn cấm tất cả các cuộc tấn công mạng. Những cuộc tấn công này nên bị lên án và xử lý nghiêm khắc theo pháp luật…”, ông Thắng nói với báo giới và khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế để chống lại các cuộc tấn công mạng.
Hãng tin Reuters trích lời của một chuyên gia an ninh mạng Mỹ cho rằng việc tấn công mạng do nhóm hacker Việt Nam thực hiện nhắm vào chính phủ Trung Quốc cho thấy sự mất lòng tin vào những tuyên bố từ Bắc Kinh và khi Trung Quốc hắt hơi thì các nước láng giềng cũng bị ảnh hưởng.
Dịch bệnh COVID-19 phát xuất từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc từ tháng 12 năm ngoái giờ đã lan lan nhanh ra toàn thế giới. Việt Nam ngay từ tháng 1 năm nay đã tìm cách kiểm soát nguồn lây bệnh từ Trung Quốc như thắt chặt việc kiểm tra qua biên giới, ngưng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.
Nhiều lãnh đạo các nước phương Tây gần đây cũng lên tiếng nghi ngờ về sự minh bạch trong thông tin về dịch bệnh từ Trung Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-says-accusations-it-hacked-china-for-virus-info-baseless-04232020075328.html

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội được chỉ định

điều hành CDC Hà Nội trong dịch COVID-19

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội được Sở Y tế Hà Nội chỉ định điều hành Trung tâm Y tế Dự phòng (CDC) Hà Nội, ngay sau khi Giám đốc của trung tâm này là ông Nguyễn Nhật Cảm bị bắt giam vào ngày 22/4.
Truyền thông trong nước, vào chiều ngày 23/4 dẫn lời của ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội và Sở Y tế phân công ông Hạnh điều hành hoạt động CDC Hà Nội nhằm đảm bảo duy trì tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của thành phố.
Vào ngày 22/4, Bộ Công an ra thông báo về kết quả điều tra xác định có một số sai phạm liên quan đến việc mua sắm thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 xảy ra tại CDC Hà Nội. Và trong cùng ngày, Giám đốc CDC Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm bị bắt giam vì bị cáo buộc đã cấu kết, gian lận, thông đồng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm thiết bị phòng chống dịch COVID-19.
Báo giới trong ngày 23/4 cũng đưa tin cập nhật về các bên liên quan vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra CDC Hà Nội.
Tin cho biết căn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), thuộc Bộ Công an thì các doanh nghiệp liên quan bao gồm CTCP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST).
Cơ quan điều tra trong ngày 22/4 cũng ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Vũ Hà Thanh, trưởng phòng tài chính kế toán; Lê Xuân Tuấn, nhân viên phòng tài chính kế toán; Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc CTCP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành.
Ngoài ra còn có hai cá nhân cũng bị khởi tố và bắt tạm giam trong vụ án này gồm Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech; Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.
Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech và Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông được cho biết là hai doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực buôn bán thiết bị y tế và từng trúng các gói thầu lớn từ những cơ quan Nhà nước ở Hà Nội.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-case-of-cdc-hanoi-chief-arrested-update-04232020084042.html

Đại hội 13

và chính sách kinh tế thời đại dịch COVID-19

TS. Phạm Quý Thọ
Dự thảo các báo cáo trình Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn được soạn thảo xong trước đại dịch COVID-19, nay cần thiết phải bổ sung, chỉnh sửa đặc biệt là đánh giá tình hình và phương hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Có rất nhiều nội dung cần làm mới, trong đó, theo tôi, trước hết cần một tư duy và chính sách kinh tế cấp bách trong ngắn hạn, nhưng thân thiện với thị trường, tái cơ cấu trong dài hạn, coi đại dịch này như một động lực thay đổi.
Khủng hoảng nặng nề và kéo dài
Tính đến ngày 22/4/2020 trên thế giới đã có gần 2,6 triệu ca mắc COVID-19, số ca tử vong hơn 177 nghìn người… Khởi phát từ Trung Quốc từ tháng 12/2019, nay trung tâm đại dịch là Mỹ và châu Âu với số ca nhiễm và số tử vong cao nhất, được đánh giá chưa đến đỉnh, tuy nhiên các quốc gia đang chuẩn bị cho các phương án nới lỏng và dỡ bỏ lệnh ‘giãn cách xã hội’ để phục hồi kinh tế.
Nhiều nhận định rằng thế giới đang và sẽ chịu cuộc khủng hoảng kép: tổn thất lớn do đại dịch và khủng hoảng kinh tế nặng nề, thậm chí là suy thoái, còn hơn các khủng hoảng mà thế giới từng trải qua trong thế kỷ trước và gần đây, như Cuộc đại khủng hoảng năm 1929-1933 hay Khủng hoảng tài chính 2008-2009…
Đây là cuộc khủng hoảng ‘kinh tế thực’. Mọi hoạt động, từ sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí đến hoạt động kinh tế bị đột ngột dừng bởi các lệnh ‘giãn cách xã hội’, thậm chí là phong toả để chống coronavirus lây lan. Tình trạng ‘đóng băng’ nền kinh tế bị dự báo khủng khoảng nghiêm trọng và kéo dài.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), một Tổ chức có uy tín quốc tế và vốn thường có dự đoán lạc quan, thì nay đã đưa ra cảnh báo ‘u ám’ trong Báo cáo “Viễn cảnh kinh tế thế giới”, cho rằng kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trưởng -3%, thấp hơn 6,3% so với mức dự đoán 3,3% hồi tháng 1 vừa qua. Nền kinh tế thế giới có thể sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ‘tồi tệ nhất’ trong vòng 90 năm trở lại đây, thấp hơn cả mức tăng trưởng -0,1% của năm 2009, bùng phát khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong đó, các nền kinh tế của Mỹ, Nhật, EU sụt giảm mạnh từ 20 đến 30% so với GDP năm 2019, và châu Á năm nay sẽ dần chậm lại và dừng hẳn (tăng trưởng GDP = 0%), lần đầu tiên trong 60 năm qua. GDP củaTrung Quốc cũng sụt giảm còn khoảng 2% từ mức 6,1% năm 2019.
Không ít bình luận bi quan rằng, ‘cuộc khủng hoảng này là một bước ngoặt trong lịch sử’, ‘làm biến đổi nền kinh tế thế giới’, ‘cả hệ thống kinh tế sẽ thay đổi’, và ‘nền kinh tế bình thường sẽ không bao giờ quay trở lại’… Hơn thế, cựu ngoại trưởng Mỹ, TS. Henry A. Kissinger, người được cho là có vai trò cố vấn ‘bình thường hoá’ quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc, cho rằng ‘Đại dịch COVID-19 sẽ thay đổi trật tự thế giới mãi mãi’… Các chính khách và các nhà nghiên cứu phân tích ‘các hệ lụy của đại dịch này đối với thế giới, châu Á, trong đó cả Đông Nam Á là rất nặng nề’, cảnh báo không nên ‘đánh giá thấp sự suy thoái của đại dịch này’ và kêu gọi coi đây là ‘thời khắc’ để thay đổi tư duy và hành động.
Giá dầu ngày 20/4 trong hợp đồng tương lai tháng 5 thấp kỷ lục, -37,63$/ thùng, cho thấy sự hoảng loạn của giới đầu tư, nhưng nó cũng là chỉ báo rõ ràng về thu hẹp phạm vi và năng lực sản xuất và tiêu dùng trên toàn cầu. Làn sóng thất nghiệp và đóng cửa các doanh nghiệp sẽ lan rộng không loại trừ quốc gia nào… Để kết nối lại các mạng lưới rộng khắp và phức tạp về cung, cầu và quan hệ xã hội đòi hỏi thời gian và chi phí, bởi vậy các chính sách công, trước hết chính sách cứu trợ, có vai trò quan trọng.
Ưu tiên chính sách ngắn hạn, tái cơ cấu trong dài hạn
Là nước nhỏ về quy mô kinh tế nhưng có độ mở nền kinh tế cao, Việt Nam chắc sẽ không tránh khỏi ‘khủng hoảng kép, y tế và kinh tế’. Sau hơn 3 tháng nỗ lực và chủ động phòng chống dịch, tổng số ca nhiễm vẫn chỉ là 268, sáu ngày liền chưa có ca nhiễm mới, 222 được chữa khỏi và chưa có tử vong. Thế giới đánh giá cao sự thành công với ‘chi phí thấp’ như bài học đối với nhiều nước đang phát triển.
Chính phủ Việt Nam đã coi ‘chống dịch như chống giặc nhưng cứu kinh tế phải hơn cứu hoả’. Các đánh giá tác động của đại dịch đến kinh tế và kịch bản tăng trưởng được đưa ra thay đổi theo mức độ nghiêm trọng của nó trên toàn cầu, trong đó phương án xấu có thể xảy ra là tỷ lệ tăng GDP năm 2020 khó đạt 5%.
Các chuyên gia cho rằng tác động là nghiêm trọng, và dù là nước nghèo nhưng Việt Nam vẫn có đủ nguồn lực để tạo “vùng đệm rủi ro” để giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Cũng theo dự báo nêu trên từ IMF, Việt Nam sẽ ‘lạc quan hơn’ nhiều quốc gia trên thế giới với tăng trưởng GDP của năm 2020, nhưng vẫn suy giảm xuống còn 2,7% từ mức 7,02% của năm 2019, đồng thời dự kiến sẽ phục hồi lên 7% vào năm 2021.
Các chính sách cứu trợ tập trung vào: Hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động và Trợ cấp cho các đối tượng chính sách, người nghèo, yếu thế, lao động tự do. Chính phủ ngày 04/3/2020 đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về ‘các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19’ với tổng kinh phí khoảng 285 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 6% GDP.
Khác với các nước phát triển tung ra những gói cứu trợ lớn chưa từng có, chiếm tới trên 10% GDP như Mỹ, Việt Nam với nguồn lực còn hạn chế, dự kiến thu ngân sách có thể giảm, việc ban hành và thực thi chính sách cứu trợ là một khó khăn. Ngoài ra, việc xác định các đối tượng như lao động tự do trong khu vực phi kết cấu là một thách thức và hiện tượng trục lợi luôn rình rập bởi một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức suy thoái, tham nhũng trong hệ thống chính quyền các cấp.
Sau cùng, gói cứu trợ 62 nghìn tỷ cũng được xác định vào đầu tháng 4/2020, sẽ trợ cấp cho mỗi lao động từ 1 đến 1,2 triệu đồng/tháng. Ở đây, khuyến cáo về chính sách tài khoá, tiết kiệm chi được vận dụng từ cả ngân sách trung ương và địa phương, riêng khoản chi cho các chuyến công tác nước ngoài của công chức, viên chức và hội họp, hội thảo… ‘đã cắt giảm được khoảng 700 tỷ đồng’, Bộ trưởng Tài chính cho biết. Việc huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động từ thiện, cứu trợ cũng được đẩy mạnh. ‘Máy ATM gạo’ là một sáng kiến được cổ vũ và áp dụng.
Đồng thời với chủ trương nới lỏng ‘giãn cách xã hội’ với việc phân chia các địa phương thành 3 nhóm nguy cơ cao, trung bình, thấp, Chính phủ đang ‘tái khởi động’ nền kinh tế bằng các chính sách đầu tư công, tập trung vào các công trình trọng điểm quốc gia. Việc sản xuất thiết bị y tế như máy trợ thở, khẩu trang, nghiên cứu sản xuất bộ xét nghiệm virus… được lưu ý. Tuy nhiên, việc thúc đẩy hoàn thành các bệnh viện dở dang vẫn chưa được nhắc đến.
Theo tôi, Chính phủ cần lưu ý bài học chính sách ‘nóng vội’ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tài khoá có thể dẫn tới khủng khoảng tài chính, hay ít nhất là lạm phát tăng cao. Giá tiêu dùng trong quý I và tháng đầu quý 2 đã tăng cao hơn cùng kỳ năm 2019. Một nền kinh tế có thể ‘tự cung tự cấp’ nhu cầu cấp thiết về ăn, mặc, ở… có thể kích thích ‘tâm lý’ ảo tưởng về phục hồi kinh tế.
Chính sách dài hạn về tái cơ cấu kinh tế cần được hoạch định chủ động và tập trung. Ngoài việc gỡ bỏ các biện pháp hành chính kiểu ‘thời chiến’; Chính sách đã từng được ‘Chính phủ kiến tạo’ áp dụng cần khởi động lại, thúc đẩy và được hỗ trợ bởi các chính sách tạo lập các nguyên tắc thị trường, trong đó có sở hữu tư nhân và quyền tài sản; Đa dạng hoá chuỗi cung sản xuất và thị trường tiêu thụ, bớt lệ thuộc vào Trung Quốc cần được xem xét nghiêm túc trong chiến lược phát triển…
Hiệu lực và hiệu quả của chính sách kinh tế phụ thuộc nhiều vào việc thực thi bởi bộ máy chính quyền các cấp với nhiều cán bộ đảng viên suy thoái, biến chất, lợi ích nhóm, tham nhũng… Nếu đối với chính sách cứu trợ ngắn hạn để phục hồi kinh tế việc trục lợi là nguy cơ hiện hữu, thì đối với chính sách tái cơ cấu kinh tế dài hạn nguy cơ chính là tư tưởng bảo thủ, ý thức hệ giáo điều – một kẻ thù có vẻ vô hình nhưng nguy hiểm.
Kết luận
Người dân Việt từng trải qua những tình huống khẩn cấp, và các nhà hoạch định chính sách thường tự an ủi ‘trong nguy cơ, có cơ hội’, khi bị ‘dồn đến chân tường’ thì ý tưởng chính sách có thể xuất hiện.
Nhiều nhà nghiên cứu chính sách hẳn còn nhớ ‘bài học lịch sử’, kể lại rằng vào đầu những năm 20 của thế kỷ 20, để cứu sự sụp đổ của nền kinh tế và chính quyền nước Nga Xô Viết non trẻ, khi đó lãnh tụ cộng sản V. I. Lê Nin đã bãi bỏ ‘Chính sách Cộng sản Thời chiến’ trưng thu lương thực của nông dân và thay bằng ‘Chính sách Kinh tế Mới’ giải phóng sức sản xuất của người dân.
Nền kinh tế chỉ huy, tập trung, thể hiện bản chất chế độ cộng sản, khó thay đổi trong những điều kiện thời bình.
Đại dịch COVID-19 rồi sẽ qua đi, hậu quả nặng nề là khó tránh khỏi, nhưng hy vọng rằng ‘di chứng’ từ các chính sách ‘thời chiến’ không ‘kéo dài’ ưu thế cho bộ phận lãnh đạo có tư tưởng giáo điều, cơ hội, bảo thủ và sẽ sớm được thay thế bởi các chính sách kinh tế thân thiện với thị trường và phong cách lãnh đạo năng động hướng tới người dân và vì dân.
Phạm Quý Thọ
Gửi từ Hà Nội, ngày 22/04/2020
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/13-party-congress-and-economic-policy-in-covid-19-pandemic-04222020111834.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.