Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 23/07/2020

Thursday, July 23, 2020 // ,
Đọc báo Pháp – 23/07/2020

Trung Quốc: Cái nôi dịch bệnh của thế giới – Anh Vũ

Trung Quốc vẫn là đối tượng được các báo Pháp chú ý nhiều. Le Figaro tiếp tục loạt bài trong hồ sơ lớn: « Trung Quốc đối mặt với thế giới », điểm lại những mối quan hệ phức tạp giữa nước này với thế giới bên ngoài từ xa xưa cho đến giờ, với cú sốc lớn đại dịch Covid 19. Bài viết trong số báo hôm nay mang tiêu đề: « Lịch sử của các virus có nguồn gốc ở Trung Quốc ».
Le Figaro ngược dòng thời gian cho biết từ thời Trung cổ đến giờ, Trung Quốc nợ thế giới này 2 đại dịch hạch và bốn đại dịch cúm, trong đó gần đây nhất là hai trận dịch virus corona. Lớn nhất là đại dịch hạch từ thế kỷ thứ 14, phát tích từ Trung Quốc, lan đến châu Âu theo con đường tơ lụa làm 25 triệu người ở lục địa này thiệt mạng trong khoảng thời gian từ năm 1347 đến 1352.
Không chỉ là chuyện lịch sử mà khoa học đã chứng minh « đại đa số các đại dịch do virus, cúm hay virus corona đều có nguồn gốc từ Trung Quốc », như khẳng định của Bruno Lina, nhà nghiên cứu virus học thuộc hệ thống bệnh viện CHU của Lyon, Pháp, được Le Figaro trích dẫn.
Trung Quốc đang cố công vô ích viết lại lịch sử để  mọi người quên đi đất nước này là nguồn gốc trận đại dịch đầu tiên làm đình trệ hoạt động toàn cầu. Thế nhưng Le Figaro nhấn mạnh, không chỉ có Covid-19, nếu trở ngược lại lịch sử dịch tễ thế giới thì ta sẽ thấy Trung Quốc luôn là một trong những điểm chính phát ra các trận bệnh dịch lớn. Nếu như thế giới đã trải qua 4 đại dịch hạch kinh hoàng, lần đầu tiên được xác định có nguồn gốc từ Ai Cập cổ đại ở thế kỷ thứ VI, Trung Quốc là nơi phát tích 2 trận đại dịch hạch ở thế kỷ 14 và vào năm 1855 từ Vân Nam. Năm 1894 dịch lan tới Hồng Kông, thuộc địa của Anh, trước khi được truyền đến các cảng biển khắp thế giới;  trận đại dịch hạch gần đây nhất xuất hiện ở châu Âu vào năm 1920.
Chưa hết, Le Figaro đánh giá Trung Quốc còn là một trong những nơi chủ yếu của thế giới cho ra đời các trận dịch cúm quy mô lớn cũng toàn cầu.
Dù Trung Quốc không dính dáng gì đến đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, nhưng trước đó từ năm 1890, đã có một trân dịch cúm H2N2, có thể bắt nguồn từ Thượng Hải trước khi lan sang Nga rồi lây khắp châu Âu.
Đến năm 1957, một « bệnh cúm châu Á » đã xuất phát từ tỉnh Quý Châu (tây nam Trung Quốc) rồi lan sang Úc và nhanh chóng phủ khắp Bắc Bán Cầu. Trận dịch này đã gieo rắc cái chết cho 3 triệu người trên hành tinh. Năm 1968, một trận dịch cúm gia cầm lại xuất hiện từ Hồng Kông tàn phá thế giới, cướp đi hơn một triệu sinh mạng, trong đó có 30 nghìn người Pháp, tương đương với con số thiệt mạng hiện nay vì Covid 19 tại Pháp.
Đến năm 1997, dịch cúm A với virus H5N1 lại xuất phát từ Hồng Kông. Một biến thể của H5N1 đã gây ra trận đại dịch SARS 2003-2006. Le Figaro cho biết, trong dịch viêm phổi cấp SARS, virus lần đầu được xác định ở bệnh viện Pháp tại Hà Nội tháng 2/2003, nhưng nó đã xuất hiện từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, từ 11/2002. Virus corona gây ra dịch SARS đã làm hàng ngàn người chết trong đó 80% nạn nhân ở Hồng Kông và Hoa Lục.
Vào thời điểm đó Bắc Kinh cũng đã cố che giấu nguồn gốc virus từ Quảng Đông. Nhà virus học Bruno Lina giải thích: «  Ban đầu dịch được lây truyền từ một bác sĩ bị nhiễm virus ở Hoa Lục. Ông đã lây virus sang các khách của khách sạn Métropole Hồng Kông cuối tháng 2/2003. Nhưng chính quyền Trung Quốc giấu việc dịch đã bùng lên trong tỉnh Quảng Đông từ 4 tháng trước đó ».
Đến dịch Covid-19 lần này, theo các chuyên gia, chắc hẳn chính quyền Trung Quốc cũng đã tiến hành các điều tra dịch tễ để tìm nguyên nhân, nguồn gốc từ động vật, con người hay môi trường. Nhưng đáng tiếc là họ không công bố các kết quả điều tra.
Hồng Kông: Trung Quốc không còn đáng tin
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, Libération chú ý đến một thời sự chính trị ở Hồng Kông, vùng đất đang rất nóng với bộ luật an ninh quốc gia, qua tiếng nói của một người đã chứng kiến sự thay đổi vận mệnh của Hồng Kông.
Tờ báo trích dẫn nhận định của cựu toàn quyền Anh tại Hồng Kông, Chris Patten, trong một cuộc phỏng vấn dành cho các tờ báo lớn của Pháp, Tây Ban Nha và Đức : « Tình hình ở Hồng Kông chứng minh rằng Trung Quốc không đáng tin cậy ».
Chris Patten là đại diện cuối cùng của Anh tại Hồng Kông, là người chứng kiến trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc. Trong bài phỏng vấn, cựu toàn quyền Anh khẳng định khi rời khỏi Hồng Kông, Anh và Trung Quốc đã đàm phán rất kỹ về quy chế « Một quốc gia, hai chế độ », theo đó vùng đất này vẫn tiếp tục được hưởng các di sản tự do của Anh để lại trong vòng 50 năm. Điều này đã được ghi trong hiệp ước quốc tế là Tuyên Bố Chung Anh- Trung.
Ông nhớ lại, một quan chức cao cấp Trung Quốc tham gia đàm phán khi đó khẳng định « Trung Quốc là nước độc tài, nhưng người Trung Quốc biết tôn trọng lời nói ». Chris Patten  nói : « Tình hình hiện nay chứng minh rằng Trung Quốc không đáng tin cậy. Và điều này cũng không phải là mới. Tôi cho rằng việc áp đặt bộ luật an ninh không chỉ là sự tấn công vào đầu mối tài chính sống còn mà tất cả chúng ta đều có lợi ích. Đây là thí dụ điển hình về cuộc đấu tranh trong thế kỷ 21 giữa nền dân chủ và chế độ toàn trị.
Theo cựu toàn quyền Anh, « không một ai trong chúng ta tìm cách đối đầu với đảng Cộng Sản Trung Quốc, dù đó là ở Ấn Độ, trên Biển Đông, tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc hay Canada. Chính đảng Cộng Sản Trung Quốc tìm kiếm sự đối đầu. Tôi ủng hộ đối thoại, nhưng phải là một cuộc đối thoại mà trong đó bên ứng xử xấu phải chịu hậu quả ».
Người Duy Ngô Nhĩ : Không thể đưa lãnh đạo Trung Quốc ra CPI
Chuyển qua nhật báo La Croix, nhật báo Công Giáo chú ý đến một thời sự của Trung Quốc đang được cộng đồng quốc tế quan tâm đặc biệt liên quan đến cách hành xử ngược đãi của chính quyền Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Trên trang tranh luận, tờ báo đặt vấn đề : Liệu Trung Quốc có thể bị đưa ra tòa án quốc tế ? Bài phân tích của luật sư Clémence Bectarte, lãnh đạo nhóm hành động pháp lý của Liên Đoàn Quốc Tế Nhân quyền (FIDH).
Tác giả cho rằng, liên quan đến chuyện đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương Trung Quốc, người ta đang nói đến tội ác chống nhân loại và diệt chủng. Đó là những tội có thể đưa ra Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) để xét xử. Một quốc gia không thể bị đưa ra xử trước tòa án này mà chỉ có thể là các nhân vật chịu trách nhiệm về tội ác này. Đó có thể là các lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia hay các bộ trưởng…. trực tiếp phạm phải hoặc ra lệnh phạm các tội ác đó.
Để CPI can thiệp, trước đó phải có vụ kiện được mở ở Trung Quốc. Trong trường hợp này là không có. Mặt khác, Trung Quốc cũng giống như Hoa Kỳ, Israel hay Nga, không phê chuẩn Quy Chế  Roma, thừa nhận CPI. Chỉ có Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong trường hợp đặc biệt quyết định như đã làm với các nước Sudan hay Libya. Thế nhưng trong trường hợp Trung Quốc, nước này là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An, giữ quyền phủ quyết. Theo tác giả bài viết, nếu CPI có định đưa ra xét xử lãnh đạo Trung Quốc vì tội ác với người Duy Ngô Nhĩ thì trong cơ chế hiện tại, cơ may một lãnh đạo Trung Quốc như Tập Cận Bình ra trước tòa là hoàn toàn không có. Cho đến giờ hệ thống pháp chế quốc tế vẫn bất lực với các nước lớn dù luật pháp quốc tế rất đa dạng.
Sống chung với Covid-19 là có thể
Tiếp tục với nhật báo La Croix, nhưng về thời sự đại dịch Covid-19. Tờ báo ghi nhận, những ngày qua, mặc dù tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, virus corona vẫn không ngừng gây thêm các nạn nhân, nhiều chỉ số cho thấy tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trong tổng thể có xu hướng giảm.
Điều này cho thấy thế giới đã chống chọi tốt hơn với loại virus nguy hiểm này. « Chúng ta đã hiểu thêm nhiều điều trong những tháng chung sống với đại dịch. Đây là điều giúp chúng không phải sống trong sợ hãi ». Dây chuyền lây lan được giám sát tốt hơn so với đầu dịch, tránh không phải trở lại phong tỏa hoàn toàn. Các bệnh viện cũng đã biết cách chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, giúp giảm số tử vong và nhất là mọi người đã ý thức được tầm quan trọng của các hành vi phòng dịch, đeo khẩu trang, giữ vệ sinh, giữ giãn cách….
La Croix kết luận: « Chúng ta không còn trong giai đoạn cực kỳ nguy cấp, thậm chí hoảng loạn như hồi đầu mùa xuân. Nhưng thận trọng chứ không phải vô lo là điều quan trọng ». Chung sống với virus corona sẽ còn lâu dài và hoàn toàn có thể được.

Tin tổng hợp
(PTI) - Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua dự luật kêu gọi Trung Quốc xuống thang căng thẳng tại vùng biên giới với Ấn Độ. 
Dự luật được thông qua ngày 21/07/2020, một hôm sau khi Hạ Viện Mỹ nhất trí thông qua một điều khoản sửa đổi Luật Ủy Quyền Quốc Phòng (NDAA), tố cáo hành động xâm lược của Trung Quốc đối với Ấn Độ tại vùng thung lũng Galwan và thái độ ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ như ở Biển Đông.
(AFP) – Bắc Kinh cảnh báo sinh viên Trung Quốc tại Mỹ. 
Thông cáo ngày 22/07/2020 của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, « lực lượng an ninh (Mỹ) gia tăng các vụ thẩm vấn tùy tiện, quấy rối, tịch thu tài sản cá nhân và bắt giam sinh viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ ». Thông cáo được đưa ra ngay sau khi lãnh sự Trung Quốc ở Houston phải đóng cửa theo quyết định của Washington.
(Reuters) – Trung Quốc lên án Anh mở cửa cho dân Hồng Kông nhập quốc tịch. 
Sứ quán Trung Quốc tại Luân Đôn, hôm qua 22/07/2020, ra thông báo khẳng định việc chính quyền Anh cho người Hồng Kông sở hữu hộ chiếu hải ngoại của Anh (BNO) được xin quốc tịch, kể từ tháng 1/2021, là xâm phạm nghiêm trọng « các cam kết (của Luân Đôn), luật pháp quốc tế và các chuẩn mực làm nền tảng cho các quan hệ quốc tế ». Anh Quốc đưa ra quyết định trên để đáp trả việc Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh quốc gia với Hồng Kông, bị coi như một biện pháp bóp nghẹt các quyền tự do căn bản của Hồng Kông, khai tử nguyên tắc ” Một quốc gia, hai chế độ”, mà Trung Quốc hứa hẹn. Gần 3 triệu người Hồng Kông có thể được phép cư trú tại Anh, theo quy định mới.
(AFP) – Hoa Kỳ : tổng thống Mỹ tăng cường cảnh sát liên bang ở Chicago để chống tội phạm. 
Hôm qua, 22/07/2020, tổng thống Donald Trump đã ra ra lệnh bổ sung thêm đáng kể nhân lực cho cảnh sát ở Chicago (bang Illinois), thành phố lớn thứ ba nước Mỹ. Theo đối lập Dân Chủ, việc điều động cảnh sát liên bang đến nhiều thành phố là một thủ đoạn của tổng thống Trump nhằm đánh lạc hướng dư luận, trước thềm cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020, trong bối cảnh chính sách đối phó với dịch Covid-19 của tổng thống Trump bị chỉ trích mạnh.
(AFP) – Tuần duyên Ý giữ tầu nhân đạo Ocean Viking vì lý do « bất thường về kỹ thuật ». 
Tầu Ocean Viking được tổ chức phi chính phủ SOS Méditerranée sử dụng để cứu người nhập cư bất hợp pháp ngoài khơi Địa Trung Hải. Ngày 21/07/2020, con tầu này lẽ ra được ra khơi để về cảng neo đậu chính là Marseille (Pháp) sau khi hết thời hạn cách ly 14 ngày ở đảo Sicilia, nhưng ngay hôm sau, 22/07, tầu Ocean Viking bị tuần duyên Ý giữ lại ở cảng Porto Empedocle sau khi kiểm tra thấy có « nhiều bất thường về kỹ thuật và hoạt động ».
(Reuters) – Liên Hiệp Quốc đề nghị cấp thu nhập tạm thời cho người nghèo đề giúp chống Covid-19. 
Một báo cáo của Chương Trình Phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP, được công bố hôm nay, 23/07/2020, cho rằng biện pháp cấp thu nhập cơ bản tạm thời cho những người nghèo nhất trên thế giới, đồng nghĩa với việc 2,7 tỷ người tại 132 quốc gia sẽ được ở nhà, qua đó giúp làm giảm số ca nhiễm Covid-19.
(Reuters) – Virus corona tiếp tục lây lan ở châu Á.  
Ngày 23/07/2020, Hồng Kông ghi nhận thêm 118 ca nhiễm Covid-19 mới trong vòng 24 giờ. Virus lây lan nhanh hơn tại đặc khu hành chính này từ hai tuần nay và hiện vẫn ở mức « nghiêm trọng » theo  một phát ngôn viên chính phủ. Hàn Quốc có thêm 60 ca nhiễm mới, và đây là con số cao nhất trong 18 ngày gần đây. Dù có dấu hiệu giảm, nhưng số ca nhiễm mới trong vòng một ngày ở Singapore vẫn vượt 350 ca, phần lớn là người lao động nước ngoài. Còn tại Ấn Độ, lần đầu tiên trong vòng 49 ngày qua, số ca nhiễm mới ở thủ đô New Delhi đã xuống ngưỡng 1.000.
(AFP) – Tổ Chức Y Tế Thế Giới : Vác-xin Covid-19 không thể có trước đầu năm 2021.
Theo một chuyên gia của WHO, hôm qua, 22/07/2020, các nghiên cứu về vác-xin đã có « nhiều tiến bộ », một số nghiên cứu đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhưng việc chính thức đưa ra sử dụng không thể có trước đầu năm 2021. Tập đoàn công nghệ sinh học Đức BioNTech và tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer Inc cho biết Washington sẽ trả 1,95 tỉ đô la để mua 100 triệu liều vac-xin do hai công ty phối hợp phát triển.
(Reuters) – Bắc Kinh sẽ cho Nam Mỹ vay 1 tỉ đô la để mua vác-xin phòng Covid-19 do Trung Quốc sản xuất. 
Thông tin được chính phủ Mêhicô đăng trong thông cáo ngày 22/07/2020 sau cuộc họp trực tuyến giữa ngoại trưởng Trung Quốc và các đồng nhiệm Nam Mỹ và vùng Caribê để thảo luận về hợp tác chống khủng hoảng dịch tễ. Tuy nhiên, không có thêm chi tiết về lịch trình phát triển cũng như việc phân phối vác-xin tương lai.
(AFP) – Israel : Bị gay gắt chỉ trích, thủ tướng  Netanyahu bổ nhiệm một nhà điều phối Covid-19. 
Theo thông báo của văn phòng thủ tướng ngày 23/07/2020, giáo sư Ronnie Gamzu, tổng giám đốc trung tâm y tế Sourasky tại Tel Aviv, được giao nhiệm vụ xử lý khủng hoảng, trong bối cảnh số người bị nhiễm virus corona ngày càng gia tăng. Người dân phẫn nộ về cách xử lý khủng hoảng dịch bệnh, cũng như tình trạng tham nhũng và tỉ lệ thất nghiệp tăng mạnh, đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trong vài tuần gần đây.
(Reuters) – Trung Quốc phóng thành công tên lửa Trường Chinh 5 chở máy thăm dò lên Sao Hỏa. 
Tên lửa được phóng vào lúc 4 giờ 41 (giờ GMT) ngày 23/07/2020 từ căn cứ Văn Xương (Wenchang) trên đảo Hải Nam. Máy thăm dò sẽ hoạt động trong vòng 90 ngày trên Sao Hỏa đánh dấu hoạt động độc lập đầu tiên của Trung Quốc trên hành tinh này.
(AFP) – Công xưởng thế giới: Đông Âu có thể thành khu vực thay thế phần nào Trung Quốc. 
Theo tập đoàn bảo hiểm tín dụng Pháp Coface, các nước trung và đông Âu có thể thay thế Trung Quốc để trở thành điểm đến của xu thế tái bố trí các cơ sở sản xuất trên thế giới hiện nay, nẩy ra với đại dịch Covid-19. Khủng hoảng y tế nói trên cho thấy mức độ rủi ro rất cao khi kinh tế châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Lợi thế của các khu vực trung và đông châu Âu là nằm sát với miền tây châu Âu, cùng với giá lao động ít cao hơn, cũng như có các khuôn khổ pháp lý chung với Liên Âu, nhờ ở tiến trình hội nhập vào Liên Hiệp Châu Âu. Coface có doanh số khoảng 1.500 tỉ euro, hoạt động tại hơn 100 quốc gia.

Điểm tin thế giới sáng 23/7:

Quan chức Mỹ gọi Tổng lãnh sự quán Trung Quốc

là ‘trung tâm tình báo’

Lục Du
Sáng nay, thứ Năm (23/7), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả mục Điểm tin thế giới với những tin sau:
Quan chức Mỹ gọi Tổng lãnh sự quán Trung Quốc là ‘trung tâm tình báo’
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stillwel hôm 22/7 cho biết Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là một trung tâm tình báo của quân đội nước này.
“Quân đội Trung Quốc đã gửi sinh viên cả công khai lẫn bí mật tới các trường đại học Mỹ để nghiên cứu những thứ có thể thúc đẩy lợi thế chiến tranh của họ”, ông Stillwel, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương nói trong cuộc phỏng vấn với NYTimes hôm 22/7. Ông nhấn mạnh rằng tất cả hoạt động này được hỗ trợ bởi Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.
Ông Stilwell cũng cáo buộc Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston và các nhà ngoại giao Trung Quốc gần đây tham gia vào các hoạt động đáng ngờ tại sân bay quốc tế Houston. Đây là nơi họ đưa công dân Trung Quốc lên các chuyến bay hồi hương giữa đại dịch viêm phổ Vũ Hán.
Nga: Nhà sử học nghiên cứu về thời Stalin bị xử tù
Một tòa án Nga đã tuyên phạt mức án 3,5 năm tù đối với nhà sử học Yuri Dmitriev, người chuyên nghiên cứu về các cuộc đàn áp dưới thời Stalin, Bloomberg đưa tin hôm thứ Tư.
Nhà sử học này bị cáo buộc tội tấn công tình dục con gái nuôi, nhưng nhiều nhà phê bình nói rằng đây là một tội danh bịa đặt mà các thế lực hắc ám dựng lên để trả thù những nghiên cứu của ông.
Mặc dù vậy, luật sự của ông Dmitriev nói với hãng tin RIA Novosti rằng nhà sử học có thể được phóng thích vào ngày 12/9.
Ông Dmitriev, 64 tuổi, lần đầu tiên bị bắt vào năm 2016, năm 2018 ông từng được xóa một cáo buộc tương tự. Các công tố viên đã điều tra các cáo buộc về ông trong suốt 15 năm.
Các tổ chức nhân quyền nói rằng ông Dmitriev đang bị trả thù vì việc phát hiện ra những ngôi mộ tập thể ở khu vực phía tây bắc Karelia, với hàng ngàn thi thể bị hành quyết dưới thời Josef Stalin trị vì Liên Xô. Liên minh châu Âu cũng đã đặt nghi vấn xung quanh việc bắt giữ và xử tù nhà sử học này.
Cố vấn Nhà Trắng nêu lý do đóng cửa lãnh sự Trung Quốc
Khi được hỏi về thông điệp mà Hoa Kỳ đang gửi đi thông qua quyết định cho đóng cửa một lãnh sự quán Trung Quốc ở Texas, cố vấn Nhà Trắng, Kellyanne Conway, cho biết Tổng thống Trump vẫn không vui với cách Bắc Kinh xử lý dịch Covid khiến nó lây lan ra thế giới và hiện đã làm 140.000 người Mỹ thiệt mạng, theo Reuters.
“Tôi nghĩ tổng thống đã thể hiện rõ rằng ông ấy không hài lòng về Trung Quốc. Thực tế virus đã phát sinh ở nước này và thế giới có rất ít thông tin về nó, cũng như sự trung thực và minh bạch từ Trung Quốc”, ông Conway nói. “Chúng ta vẫn chưa nhận được thông tin [dịch bệnh] từ Trung Quốc. Chúng ta vẫn không biết về số ca lây nhiễm, số người chết…”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phàn nàn rằng Washington đã “bất ngờ yêu cầu” đóng cửa lãnh sự quán Houston vào thứ Ba. Biên tập viên của một cơ quan truyền thông tiết lộ, lãnh sự quán Trung Quốc đã nhận được yêu cầu phải rời đi trong vòng 72 giờ.
“Tổng thống đã tỏ rõ quan điểm rằng, một mặt chúng ta có một thỏa thuận thương mại đã ký kết và có hiệu lực với Trung Quốc, nhưng đồng thời sẽ có hành động cứng rằng”, ông Conway nói thêm.
Hàn Quốc: Giống gấu trúc sắp tuyệt chủng sinh con
Một con gấu trúc thuộc giống có kích thước lớn tại sở thú Ever Everland ở Hàn Quốc đã sinh hạ một gấu trúc con, sở thú này cho biết thông tin hôm thứ Tư.
Theo Reuters, việc gấu trúc sinh con là một điều hiếm gặp ở Hàn Quốc, trong bối cảnh loài động vật này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Sở thú cho biết, gấu trúc cái 7 tuổi tên Ai Bảo đã giao phối với gấu trúc đực 8 tuổi Lê Bảo vào cuối tháng Ba và sinh ra một con gấu con khỏe mạnh vào lúc 21h49 (giờ địa phương) tối thứ Hai tại Yongin.
Sở thú thông tin thêm rằng gấu trúc con là gấu cái có chiều cao 16,5 cm và nặng 197 gam khi mới chào đời. Cả gấu mẹ và con đều khỏe mạnh.
Anh quan ngại việc Bắc Kinh chống lưng cho tin tặc
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm thứ Tư nói rằng ông quan ngại việc chính quyền Trung Quốc có liên quan đến các cuộc tấn công mạng nhằm vào các tổ chức y tế và học thuật ở 11 quốc gia bao gồm cả Anh, theo Reuters.
“Tôi quan ngại sâu sắc trước các bằng chứng được công bố ngày hôm qua cho thấy Trung Quốc đang tham gia vào các cuộc tấn công mạng độc hại chống lại các tổ chức thương mại, y tế và học thuật, bao gồm cả những tổ chức làm việc để đối phó với đại dịch covid”, ông Raab cho biết.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm thứ Ba đã truy tố hai người Trung Quốc có tên Lý Tiểu Vũ, 34 tuổi và Đổng Gia Trí, 33 tuổi. Họ bị cáo buộc tấn công hệ thống mạng của hàng trăm tổ chức phi chính phủ, lấy trộm thông tin về các loại dược phẩm đang được phát triển cho điều trị Covid, các bản thiết kế vũ khí và dữ liệu thử nghiệm từ các nhà thầu quốc phòng.

Điểm tin thế giới tối 23/7:

Trung Quốc có thể

đóng Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (23/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trung Quốc có thể đóng Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô
Trung Quốc đang xúc tiến đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô để đáp trả việc Washington ra lệnh đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở Houston, bang Texas, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Mỹ có 5 lãnh sự quán ở Trung Quốc đại lục, gồm Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô, Vũ Hán, Thẩm Dương và một Tổng lãnh sự quán cho Hồng Kông và Ma Cao. Việc đóng cửa lãnh sự ở Thành Đô dự kiến ​​sẽ leo thang căng thẳng giữa Mỹ – Trung.
Có suy đoán rằng Trung Quốc sẽ đóng cửa lãnh sự quán ở Vũ Hán, nhưng ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Hoàn Cầu thời báo cho rằng động thái này không đủ quyết liệt vì Mỹ đã sơ tán nhân viên ở cơ sở ngoại giao này khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô mở cửa năm 1985 và có tầm quan trọng chiến lược vì phụ trách công tác lãnh sự khu vực phía tây nam Trung Quốc, gồm các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, khu tự trị Tây Tạng và Trùng Khánh.
Oanh tạc cơ B-1B Mỹ bay qua Biển Đông
Bộ chỉ huy Không quân Thái Bình Dương của Mỹ (PACAF) hôm 22/7 cho biết, hai máy bay B-1B đã thực hiện nhiệm vụ chiến thuật tầm xa ở Biển Đông và hội quân với nhóm tác chiến tàu sân bay Reagan ở Biển Philippines.
“Hai oanh tạc cơ B-1B Lancer cất cánh từ căn cứ không quân Andersen để thực hiện nhiệm vụ chiến thuật tầm xa trên Biển Đông ngày 21/7”, theo thông cáo của PACAF.
“Các oanh tạc cơ B-1B cùng phi hành đoàn thể hiện cam kết của Mỹ với an ninh và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời phô diễn khả năng triển khai nhanh chóng đến địa điểm hoạt động ở tiền tuyến và duy trì hoạt động bất cứ khi nào được yêu cầu”, PACAF cho biết thêm.
Kim Jong-un thị sát trại gà
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đến thăm một trang trại gà đang xây dựng, truyền thông nhà nước Triều Tiên (KCNA) hôm nay đưa tin.
Theo KCNA, Kim đã đi “chỉ đạo thực tế” ở công trường xây dựng trang trại gà Kwangchon tại huyện Hwangju, tỉnh Hwanghae, phía tây nam Triều Tiên. Tuy nhiên, kênh truyền thông này không đề cập đến thời gian diễn ra chuyến đi.
Cùng đi với Kim Jong-un có Kim Yo Jong – em gái của ông, Pak Jong Chon – tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên, và các thành viên khác trong đảng như Hyon Song Wol và Ma Won Chun.
Giới cầm quyền hy vọng trang trại sẽ đóng góp đáng kể cho bữa ăn của người dân. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các lệnh trừng phạt quốc tế, tình trạng thiếu thốn lương thực của nước này càng thêm trầm trọng. Kim Jong-un từng đưa ra một đề nghị kỳ lạ: Người dân có thể ăn rùa và uống trà giảm cân để vượt qua nạn đói.
Tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trên biển Triều Tiên
Theo nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Ngành Đánh cá (GFW) được đăng trên tạp chí Science Advances hôm 22/7, hàng trăm tàu của Trung Quốc đã đánh bắt thuỷ sản trái phép tại vùng biển của Triều Tiên.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn thông tin từ GFW cho biết, hơn 900 tàu Trung Quốc đã đánh bắt trái phép tại vùng biển Triều Tiên vào năm 2017. Năm 2018, số tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép trên vùng biển Triều Tiên là 700 chiếc. Lượng tàu này bị nghi đánh bắt trái phép hơn 160.000 tấn mực, trị giá hơn 440 triệu USD.
Do không cạnh tranh được với tàu Trung Quốc, ngư dân Triều Tiên phải rời vùng biển địa phương, mạo hiểm đánh bắt xa bờ và dạt đến bờ biển của Nhật Bản. Các tàu cá Triều Tiên phần lớn thuộc dạng thô sơ, ít được trang bị cần thiết cho các chuyến đánh bắt xa bờ. Điều này được cho làm gia tăng số lượng “tàu ma”, ám chỉ những tàu trôi dạt vào bờ biển Nhật Bản hoặc các quốc gia khác trong tình trạng hỏng hóc. Những tàu này thường cũ kỹ, có xác người bên trong, hoặc không có người bên trong.
Anh công bố chính sách nhập tịch, Trung Quốc chỉ trích
Tờ SCMP đưa tin, Bộ Nội vụ Anh hôm 22/7 thông báo cư dân Hồng Kông có hộ chiếu hải ngoại Anh (BNO) được miễn một số yêu cầu trong vài năm sống tại Anh trước khi xin nhập tịch. Phản ứng trước động thái này, Trung Quốc cáo buộc Anh vi phạm luật quốc tế và can thiệp công việc nội bộ.
Đầu tháng này, Anh cho biết, người có BNO sẽ được học tập và làm việc ở nước này 5 năm. Sau đó, họ có thể nộp đơn xin tình trạng thường trú nhân. 12 tháng sau khi có tình trạng thường trú nhân, họ có thể nộp đơn xin cấp quốc tịch Anh.
Bộ Nội vụ Anh hôm 22/7 thông báo, người Hồng Kông có BNO đã hết hạn sẽ không cần gia hạn ngay lập tức. Họ có thể sử dụng hộ chiếu khác, như hộ chiếu do Hồng Kông cấp, để đến Anh và giới chức tại đây có thể có truy cập hồ sơ điện tử.
Ngoài ra, chính phủ Anh sẽ không áp dụng các bài kiểm tra kỹ năng, hoặc đặt ra yêu cầu thu nhập tối thiểu, kiểm tra nhu cầu kinh tế hay giới hạn về số lượng. Người muốn nhập tịch cũng không cần phải kiếm được việc làm ở Anh trước khi đến. Tuy nhiên, người có BNO phải tự túc kinh tế trong 5 – 7 năm trước khi họ được nhập tịch Anh.

Tạp chí tiêu điểm

Trung Quốc và phương Tây :

« Chiến tranh lạnh mới» đã khơi mào ?

Minh Anh
Trung Quốc đang là tâm điểm của mọi căng thẳng với phương Tây. Chỉ trong vòng có vài tuần, Bắc Kinh mở nhiều mặt trận đối đầu với Mỹ, Canada, Úc, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, kể cả với Ấn Độ vì những tranh chấp lãnh thổ ở biên giới. Cuộc chiến 5G còn làm cho mối quan hệ Trung Quốc – phương Tây thêm phần gay gắt. Phải chăng chiến tranh lạnh mới, như người ta dự đoán từ nhiều năm, giờ đã khai diễn?
Trung Quốc đe bên ngoài để « rắn » bên trong
Những căng thẳng ngoại giao do đại dịch Covid-19, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, gây ra vẫn còn chưa tạm lắng, và bất chấp những cảnh báo của nhiều nước phương Tây về những hậu quả có thể có cho Hồng Kông, chính quyền Bắc Kinh kiên quyết áp đặt luật an ninh mới lên đặc khu hành chính này.
Phương Tây dồn dập lên án Trung Quốc đã vi phạm cam kết « Một quốc gia, Hai chế độ » do chính Trung Quốc đưa ra vào thời điểm Anh Quốc trao trả thuộc địa năm 1997. Úc, Canada và Anh Quốc đã có những phản ứng mạnh mẽ, đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông. Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút quy chế đặc biệt đối với đặc khu.
Căng thẳng còn gia tăng thêm một nấc khi Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng phô diễn sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn đi xa hơn với những tuyên bố cứng rắn, cho rằng những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển rộng 3,5 triệu km2 mà Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines… là « bất hợp pháp ».
Trước đó, quân đội Trung Quốc còn đối đầu với Ấn Độ ở vùng cao nguyên Ladakh, trên dãy Himalaya. Những cuộc va chạm đẫm máu đã làm thiệt mạng hàng chục binh sĩ ở cả hai phía.
Ông Emmanuel Lincot, giáo sư Viện Công giáo Paris, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, trên đài RFI, nhận định rằng những sự kiện gần đây cho thấy Trung Quốc đang dùng vũ lực để khẳng định thế cường quốc:
« Chúng ta hoàn toàn trong một logic chiến tranh, nghĩa là lợi dụng dịch Covid-19, chúng ta thấy là tầu chiến Trung Quốc đối đầu với tầu chiến Đài Loan, hay như quý vị đã biết cách đây ba tuần hay một tháng, nhiều cuộc đối đầu đẫm máu đã xảy ra ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đây chỉ là một vài yếu tố trong nhiều yếu tố khác.
Quả thật chính quyền Trung Quốc đã trở nên cực đoan hơn và điều này được thể hiện bằng một quyết định về mặt tư pháp là áp đặt lên Hồng Kông luật an ninh quốc gia. Đạo luật này trên thực tế còn vượt ngoài khuôn khổ Hồng Kông, được áp đặt cho cả nước Trung Quốc.
Vì sao ? Bởi vì những gì truyền thông phương Tây chưa nói hết chính là Trung Quốc, do đại dịch Covid-19, đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, với hàng chục triệu người thất nghiệp. Thế nên chính quyền Bắc Kinh tìm cách ngăn ngừa mọi mầm mống phản đối trong những tuần hay những tháng sắp tới. »
Hoa Vi : Tai mắt bên ngoài cho chính phủ Trung Quốc ?
Cuộc chiến 5G mà Hoa Vi – Tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc – trong tầm ngắm, còn làm cho cuộc đọ sức giữa phương Tây và Trung Quốc trở nên dữ dội hơn bao giờ hết. Giới quan sát không ngần ngại ví cuộc đối đầu này như là một cuộc “chiến tranh lạnh mới”.
Nước Anh, dưới áp lực của Mỹ, sau một thời gian do dự đã quyết định đi theo các nước còn lại trong nhóm Five Eyes (Anh, Úc, Canada, New Zealand, Mỹ), gạt Hoa Vi hoàn toàn ra khỏi dự án phát triển mạng 5G, được cho là có một vai trò chiến lược cốt lõi cho các nền kinh tế trong tương lai. Nước Pháp trong thế « đu dây » thì tuyên bố nhẹ nhàng hơn « không hoàn toàn cấm Hoa Vi », nhưng không triển hạn giấy phép tạm thời từ 3-8 năm cho những hãng khai thác viễn thông nào đã sử dụng các trang thiết bị của Hoa Vi.
Vì sao như vậy ? Bộ Ngoại Giao Mỹ cáo buộc Hoa Vi có tham gia vào các hoạt động dọ thám cho chế độ cộng sản Trung Quốc. Ông Emmanuel Lincot, khi trả lời phỏng vấn trang mạng Atlantico, nhắc lại trong một bài viết đăng hồi tháng 11/2018, tờ The Australian dẫn một số nguồn tin từ các cơ quan tình báo Úc xác nhận Hoa Vi đã cung cấp mã khóa và các dữ liệu đăng nhập cho cơ quan tình báo Trung Quốc, cho phép họ thâm nhập vào một « hệ thống mạng nước ngoài ».
Những cáo buộc mà bà Chunyan Li, sáng lập viên Feida Consulting, trong chương trình Tranh Luận của kênh truyền hình quốc tế France 24, đã mạnh mẽ phản bác, cho rằng vụ việc đã bị chính trị hóa:
« Tôi cho rằng đằng sau những quyết định này còn có một thách thức chính trị giữa các nước khác nhau. Bởi vì quốc gia nào cũng có các cơ quan tình báo riêng của mình, và chẳng qua là nước này có nhiều phương tiện hơn nước khác mà thôi. Trên các kênh truyền thông phương Tây, người ta nghe nói nhiều về Hoa Vi, họ cáo buộc Hoa Vi có hoạt động dọ thám hay nhiều vấn đề an ninh khác nữa. Nhưng cho đến tận lúc này, người ta cũng chưa có được một bằng chứng nào về mối lo đó.
Nếu chúng ta có thể nói đến các vụ Snowden, Facebook…, liệu các doanh nghiệp Mỹ có mang lại nhiều an toàn và có sẽ trấn an chúng ta được về tính bảo mật các dữ liệu hơn là các hãng Trung Quốc hay không ? Tôi nghĩ là câu trả lời không dễ chút nào, tuyệt đối là sẽ không rõ ràng. Theo tôi, vụ việc này đã bị chính trị hóa. »
Ba lý do
Ông Bruno Tertrais, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), cũng trong chương trình Tranh Luận của France 24, không đồng tình với quan điểm của bà Chunyan Li. Ông đưa ra ba lý do giải thích cho sự quay ngoắc 180° của chính phủ Luân Đôn đối với Hoa Vi:
« Thật ra theo tôi, có ba lý do để giải thích cho thái độ quay ngoắc 180° của nước Anh. Thứ nhất, không nên bỏ qua bối cảnh. Chúng ta nói nhiều đến Hồng Kông. Đặc khu hành chính này là một hồ sơ cực kỳ nhạy cảm đối với Anh Quốc. Chúng ta biết rõ là Vương Quốc Anh đã có phản ứng nhanh chóng sau khi luật an ninh quốc gia được thông qua, nhanh hơn rất nhiều so với các nước còn lại của châu Âu. Và điều đó đã tạo ra một bối cảnh bất lợi cho các mối quan hệ với Bắc Kinh.
Lý do thứ hai mang tính chính trị, nhưng theo nghĩa an ninh mạng. Nói một cách khác, đấy không chỉ đơn giản là một nguy cơ gián điệp, các cơ quan điều phối viễn thông của Anh Quốc đánh giá là các trang thiết bị của Hoa Vi chưa đủ bảo đảm về an ninh, nếu phải trao cho Hoa Vi chiếc chìa khóa 5G của nước Anh.
Yếu tố thứ ba, và tôi chỉ xếp yếu tố này vào hàng thứ ba, quả thật đó còn vì mối quan hệ với Mỹ, và ở đây đúng là một quyết định chính trị, và có thể bàn cãi thêm. Có thể là hơi thực dụng, nhưng dẫu sao đó cũng là một quyết định chiến lược – chính trị. Ngay khi Hoa Kỳ đã chọn một hướng đi, Vương Quốc Anh cho rằng đi theo cùng một hướng với Hoa Kỳ chưa hẳn là tồi. »
Theo phương Tây, việc Hoa Vi có liên kết với các hoạt động của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc là chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Trong một chế độ độc tài do Đảng-Nhà Nước kiểm soát, ranh giới giữa lĩnh vực dân sự và quân sự gần như là không có. Nhà báo Dorian Malovic, phụ trách mục Châu Á cho nhật báo Công Giáo La Croix, cũng trên kênh France 24 nhận xét thêm rằng việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới lên Hồng Kông còn làm gia tăng thêm nỗi ngờ vực về mối liên hệ giữa Hoa Vi với chế độ cộng sản Trung Quốc:
« Con virus này đã là một chiếc máy gia tốc thảm hại cho Hồng Kông, bởi vì Trung Quốc đã thật sự gia tăng gây áp lực. Dịch Covid-19 đồng thời cũng làm gia tăng mối nghi kỵ từ thế giới phương Tây : Úc, New Zealand, Canada… về những phương thức vận hành của Trung Quốc.
Đối với vụ Hoa Vi, cần phải cẩn trọng trong các cuộc đối đầu, bởi vì nếu công khai chỉ trích Hoa Vi, quý vị có thể bị kiện về tội vu khống. Ở đây, doanh nghiệp Trung Quốc đương nhiên trong tình trạng hiện nay còn có nghĩa vụ phải tuân thủ luật an ninh quốc gia của Trung Quốc nữa. Và nếu chính quyền nước này đòi phải cung cấp bất kể gì đi chăng nữa, thì doanh nghiệp này buộc phải thực hiện mệnh lệnh này. »
Chip bán dẫn : Đòn giáng « chí tử » của Mỹ nhắm vào Hoa Vi ?
Đại dịch Covid-19 đã làm cho phương Tây mở mắt trước mối họa của chế độ độc tài Trung Quốc và các nước châu Âu bắt đầu có những phản ứng mạnh. Cuộc chiến 5G này còn thêm phần gây cấn khi hãng TSMC (Taiwan Semiconductor Manufactoring Company) – hãng sản xuất con chip bán dẫn điện tử hàng đầu thế giới – ngày 16/07/2020 thông báo trước mối nguy bị áp lệnh trừng phạt của Mỹ, đã bắt đầu ngưng nhận đơn đặt hàng cung cấp chip điện tử cho Hoa Vi kể từ trung tuần tháng 5.
Nếu như trên đài France 24, bà Chunyan Li không ngớt lời ca ngợi kỳ tích của Hoa Vi, bỏ xa các nước khác trong lĩnh vực công nghệ viễn thông từ 2-3 năm, thì quyết định này của TSMC đang đe dọa đến sự sống còn của Hoa Vi, bởi vì nguồn cung ứng thay thế là rất hiếm.
Theo báo Pháp Le Monde ngày 21/07/2020, ngoài TSMC, trên thế giới hiện chỉ có Samsung là đủ khả năng sản xuất loại chip điện tử Kirin dùng để sản xuất các loại điện thoại thông minh. Tuy nhiên, Hoa Kỳ hồi tháng 5/2020 thông báo trừng phạt bất kỳ doanh nghiệp nào sử dụng các linh kiện của Mỹ để bán cho Hoa Vi.
Giải pháp duy nhất cho Hoa Vi là quay về với hãng SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corporation) ở trong nước. Thế nhưng, công nghệ của hãng điện tử hàng đầu Trung Quốc này chỉ có khả năng khắc những con chip silicium có độ mỏng 14 nanomet so với những con chip mỏng 5 nanomet của Đài Loan và Hàn Quốc. Điều này có nghĩa là Trung Quốc bị chậm đến 4 năm.
Như để chặn mọi đường tiến của Hoa Vi, chính quyền Donald Trump còn gây áp lực với Hà Lan để hãng ASML không bán cho SMIC của Trung Quốc các loại máy móc tân tiến nhất để khắc những loại chip điện tử thế hệ mới.
Câu hỏi lớn nhất hiện nay : Hoa Kỳ còn những chiêu bài nào để chống Hoa Vi ? Liệu rằng với những đòn này, Hoa Kỳ cũng như phương Tây có chặn được tham vọng Made in China 2025, theo đó 80% các sản phẩm trong mười lĩnh vực chủ chốt sẽ phải được sản xuất ở Trung Quốc ?
Powered by Blogger.