Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 23/07/2020

Thursday, July 23, 2020 7:03:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 23/07/2020

Tổng thống Trump cảnh báo đóng thêm lãnh sự quán Trung Quốc – Hải Lam

Tổng thống Donald Trump hôm 22/7 nói rằng ông có thể ra lệnh đóng cửa thêm lãnh sự quán Trung Quốc tại Mỹ sau sự việc ở Houston, theo Reuters.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, khi được hỏi liệu ông có kế hoạch đóng cửa thêm các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Mỹ hay không, Tổng thống Trump đáp điều này “luôn có thể”.
Ngoài Houston, Trung Quốc có 4 lãnh sự quán đặt tại New York, Los Angeles, San Francisco và Chicago, bên cạnh đại sứ quán ở thủ đô Washington.
Ông Trump cũng đề cập đến vụ cháy ở Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston sau khi Washington hôm 21/7 yêu cầu họ đóng cửa trong 72 giờ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus giải thích động thái này của Washington là “để bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ và thông tin cá nhân của người Mỹ”.
“Tôi đoán họ đốt tài liệu và giấy tờ”, Tổng thống Trump nói.
Sau khi cảnh sát và sở cứu hỏa của Mỹ nhận được thông tin về vụ hỏa hoạn trong khuôn viên Tổng lãnh sự quán Trung Quốc, họ nhanh chóng đến để cứu trợ nhưng không được phép vào. Trong cuộc phỏng vấn với tờ ABC hôm 22/7, ông Thái Vĩ, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại thành phố Houston, không phủ nhận việc đốt tài liệu, tuyên bố đây là “quy trình tiêu chuẩn”.
Tuy nhiên, ông Christopher Burgess, một sĩ quan tình báo cao cấp làm việc cho CIA trong 30 năm, nhận định rằng có vẻ như lãnh sự quán Trung Quốc “đốt bằng chứng” và tất cả các tài liệu bí mật, nhạy cảm đã bị tiêu hủy.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stillwel cáo buộc Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là một trung tâm tình báo của quân đội, trong khi Thượng nghị sĩ Marco Rubio gọi cơ quan này là nút trung tâm trong mạng lưới quy mô lớn các gián điệp.

Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích

chủ tịch Trung Quốc thất hứa về Biển Đông

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo mới lên tiếng chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phá vỡ cam kết không quân sự hóa Biển Đông trong chuyến thăm Nhà Trắng năm 2015.
Trong đoạn video dài một phút đăng trên Twitter, ông Pompeo đề cập tới vai trò Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc của ông Tập cũng như “cam kết sẽ không quân sự hóa Biển Đông” mà nhà lãnh đạo này đưa ra năm 2015 tại Vườn Hồng trong khuôn viên Nhà Trắng.
“Ông ấy đã quân sự hóa Biển Đông”, Ngoại trưởng Mỹ nói trong đoạn clip đăng hôm 16/7.
Ngoài thất hứa về việc không quân sự hóa Biển Đông, ông Pompeo cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không giữ cam kết về “một quốc gia hai chế độ” liên quan tới Hong Kong cũng như Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Mỹ nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc “gây ra các mối đe dọa thực sự đối với thế giới” và Hoa Kỳ sẽ “phản ứng” để “bảo vệ an ninh quốc gia” của Mỹ và buộc phía Bắc Kinh phải thay đổi hành vi.
“Chúng tôi muốn một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đảng Cộng sản Trung Quốc coi vùng biển đó như là đế chế hàng hải của riêng mình”, quan chức ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ nói, không lâu sau khi ông ra tuyên bố, lần đầu tiên bày tỏ quan điểm chính thức của Mỹ về các tuyên bố chủ quyền “hoàn toàn phi pháp” cũng như “chiến dịch dọa nạt” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tới ngày 23/7, Bắc Kinh chưa có phản ứng về lời chỉ trích Chủ tịch Tập Cận Bình thất hứa, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên từng cho rằng lập trường về Biển Đông của Mỹ “cố tình khuấy động tranh cãi về chủ quyền lãnh hải” cũng như “phá hoại hòa bình và ổn định”.
Việc ông Tập phá vỡ cam kết không quân sự hóa Biển Đông với Tổng thống Mỹ Barack Obama lần đầu tiên được Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, đưa ra giữa năm ngoái.
Theo tìm hiểu của phóng viên VOA tiếng Việt, cam kết của nhà lãnh đạo Trung Quốc với ông Obama được đưa ra vào ngày 25 tháng Chín năm 2015.
Khi đó, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng nhân chuyến thăm Mỹ, ông Tập nói rằng “liên quan tới các hoạt động xây dựng mà Trung Quốc đang tiến hành ở quần đảo Nam Sa [Trường Sa theo cách gọi của Trung Quốc] không nhắm mục tiêu hoặc ảnh hưởng tới bất kỳ nước nào, và Trung Quốc không có ý định theo đuổi việc quân sự hóa”.
Ông Tập cũng tuyên bố “cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Nam Trung Hoa [tức Biển Đông], giải quyết các khác biệt và tranh chấp thông qua đối thoại, và xử lý các tranh chấp thông qua đàm phán, tham vấn và một cách hòa bình, và tìm kiếm các cách thức nhằm đạt được lợi ích chung thông qua hợp tác”.

Thượng nghị sĩ Mỹ trình dự luật

chống Trung Quốc trên nhiều phương diện

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ và các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa khác hôm thứ Tư (22/7) đã giới thiệu một dự luật toàn diện nhằm chống lại Trung Quốc trên nhiều mặt trận, bao gồm trộm cắp tài sản trí tuệ, trợ cấp của chính phủ và tăng cường khả năng quốc phòng ở Châu Á.
Được coi là dự luật đầu tiên có quy mô như vậy, dự luật này – được đề xuất bởi Thượng nghị sĩ Cory Gardner và Jim Risch, chủ tịch Tiểu ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện về Đông Á, Thái Bình Dương và Chính sách an ninh mạng quốc tế – nhằm giải quyết hầu hết các vấn đề đã làm rạn nứt mối quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời tìm kiếm sự hợp tác trong việc kiểm soát vũ khí song phương và vấn đề môi trường, theo tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (South China Morning Post – SCMP).
Thượng nghị sĩ Mitt Romney, đồng tác giả dự luật, gọi đây là Đạo luật (Chiến lược) Tăng cường thương mại, Liên minh khu vực, Công nghệ, Sáng kiến ​​Kinh tế và Địa chính trị liên quan đến Trung Quốc.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang định hình lại trật tự quốc tế để mang lại lợi ích cho chế độ độc tài và trực tiếp phá hoại các lợi ích dân chủ và lợi ích của người dân Mỹ”, ông Risch nói. “Ý định và mong muốn của tôi là dự luật này sẽ cung cấp một bản kế hoạch chi tiết nhằm thúc đẩy hợp tác lưỡng đảng trên tất cả các khía cạnh của cuộc cạnh tranh với Trung Quốc vào năm 2020, và trong những giai đoạn kế tiếp”.
“Giải quyết các mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra đối với các giá trị cơ bản của chúng ta về tự do, nhân quyền và doanh nghiệp thị trường là thách thức trung tâm mà chúng ta phải đối mặt trong thế kỷ 21”,
ông Romney nói. “Chúng ta phải có hành động quyết liệt ngay bây giờ để đối đầu với sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc và ngăn cản những nỗ lực biến người khác thành con mồi của họ”.
Tờ SCMP nhận định, đạo luật chiến lược là đạo luật mới nhất trong một loạt các dự luật của Mỹ có thể khiến Trung Quốc nổi giận, mà gần đây nhất là Đạo luật Tự trị Hồng Kông, được ký bởi Tổng thống Trump vào tuần trước, kêu gọi áp lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và ngân hàng nước ngoài góp phần làm xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông kể từ khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia cho thành phố cảng này.
Vào tháng 3, ông Trump đã thông qua Đạo luật Đài Bắc, một đạo luật thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Đài Loan trong việc tăng cường mối quan hệ với các nước trên thế giới.
Một số điểm nhấn trong dự luật
Về mặt kinh tế, Đạo luật Chiến lược kêu gọi xem xét các khiếu nại của các công ty liên quan đến trộm cắp tài sản trí tuệ và đánh giá thường niên đối với các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Việc các chính phủ nước ngoài đóng góp tiền cho các trường đại học sẽ cần phải được xem xét kỹ lưỡng hơn, phù hợp với nội dung của dự luật về việc “bảo vệ các tổ chức Mỹ”.
Đối với vấn đề Biển Đông, vốn được coi là một điểm nóng tiềm năng cho các cuộc xung đột quân sự với Bắc Kinh, Đạo luật Chiến lược kêu gọi phân bổ một nguồn tài chính nhất định “để hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm sắp đặt phù hợp hơn việc diễn giải luật pháp quốc tế liên quan đến tự do hàng hải, bao gồm cả các vấn đề hoạt động của các tàu quân sự trong các vùng đặc quyền kinh tế”.
Đạo luật cũng kêu gọi xúc tiến việc báo cáo về “cấu trúc của [lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc] liên quan đến vai trò của nó như một công cụ cưỡng chế trong hoạt động ‘vùng xám’ Biển Đông và Biển Hoa Đông”.

Ủy ban Thượng viện Mỹ thông qua

dự luật cấm TikTok của Trung Quốc

Minh Hòa
Một ủy ban của Thượng viện Hoa Kỳ hôm 22/7 đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm các thiết bị của chính phủ sử dụng TikTok, một ứng dụng video thuộc sở hữu của Trung Quốc bị nghi ngờ là công cụ gián điệp của Bắc Kinh.
Theo Reuters, dự luật “Không sử dụng TikTok trong các thiết bị của chính phủ” đã được thông qua với số phiếu tuyệt đối tại Ủy ban Chính phủ và An ninh nội địa.
Dự luật này sẽ sớm được bỏ phiếu trên toàn Thượng viện. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ được kết hợp với một dự luật khác đã được thông qua của Hạ viện. Đó là dự luật chính sách quốc phòng trị giá 741 tỷ USD, được Hạ viện thông qua hôm 21/7, trong đó có điều khoản cấm các nhân viên liên bang tải TikTok vào các thiết bị do chính phủ cung cấp.
TikTok được sử dụng khá phổ biến trong giới thanh thiếu niên Mỹ, với khoảng 26,5 triệu người dùng hàng tháng, theo tuyên bố của ứng dụng này.
Các quan chức hàng đầu trong chính quyền Trump cũng cho biết họ đang xem xét một lệnh cấm rộng hơn đối với TikTok và các ứng dụng khác có liên kết với Trung Quốc.
Cuối tuần qua, chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump, đã chạy một video quảng cáo trên Facebook có nội dung cảnh báo về TikTok.
Theo SCMP, ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ chắc chắn sẽ ban hành lệnh cấm với TikTok. Ông đề cập đến rủi ro an ninh liên quan đến việc TikTok thu thập và chia sẻ dữ liệu người dùng với chính quyền Trung Quốc tại Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Pompeo nói: “Chỉ khi bạn muốn thông tin cá nhân của mình lọt vào tay Đảng Cộng sản Trung Quốc”, thì bạn mới nên dùng TikTok.

Hoa Kỳ áp dụng chiến lược “toàn chính phủ”,

toàn diện chống lại mối đe dọa của ĐCSTQ

Bình luậnĐông Phương
Hoa Kỳ đã sử dụng biện pháp an ninh quốc gia “toàn chính phủ” (all-of-government) để chống lại sự thâm nhập của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào Hoa Kỳ. Đây là một nỗ lực quy mô lớn chưa từng được thực hiện bởi các chính phủ tiền nhiệm. Các nhà phân tích nói rằng, điều này là do trước đây Mỹ đã không xác định chính xác các mối đe dọa từ ĐCSTQ.
Các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần đề cập đến chiến lược này, đặc biệt là trong những tháng gần đây khi quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất. Hôm 10/7, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố rằng, ông thậm chí sẽ không xem xét việc đàm phán với Trung Quốc về giai đoạn thứ hai của thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung.
ĐCSTQ thường phớt lờ luật pháp quốc tế, và trong khi cố gắng che đậy việc xử lý dịch bệnh không thoả đáng, nó vẫn tiếp tục theo đuổi tham vọng xâm chiếm thế giới. Bên cạnh đó, Luật An ninh Quốc gia Hong Kong được cưỡng chế thông qua gần đây, cũng khiến cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.
Để chống lại sự thâm nhập của Bắc Kinh, Hoa Kỳ đã triển khai rất nhiều hành động. Trong nửa cuối năm 2018, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã triển khai một chương trình tên là “Sáng kiến về ​​Trung Quốc” (China Initiative) nhắm vào việc ĐCSTQ ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ. Kể từ đó, số vụ bắt giữ các nghi phạm liên quan đến ĐCSTQ đã tăng lên đáng kể.
Ngày 13/7, Hoa Kỳ đã có hành động mạnh mẽ nhất từ ​​trước đến nay ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, Hoa Kỳ không công nhận “bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với vùng biển này” và thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh xây dựng đế chế hàng hải của riêng mình ở Biển Đông.
Nhiều quan chức cấp cao Hoa Kỳ phát biểu cứng rắn về Trung Quốc – điều chưa từng có trong lịch sử
Nhiều quan chức Hoa Kỳ đã có bài phát biểu trong năm nay, nội dung chính là tiết lộ và lên án sự xâm nhập của ĐCSTQ cũng như cách các Bộ và cơ quan của Hoa Kỳ ứng phó với các mối đe dọa từ ĐCSTQ.
Ông Brendan Carr, một trong năm Ủy viên của Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC), nói với The Epoch Times rằng: “Chúng tôi đã thay đổi tác phong hèn nhát trong quá khứ”.
Ông Brendan Carr nói: “Sự đoàn kết và thống nhất của các nhà lãnh đạo Mỹ trong toàn bộ chính phủ đã chứng minh sức mạnh và quyết tâm cao độ của chúng tôi trong việc đối phó với mối đe dọa do ĐCSTQ gây ra”.
Trong khoảng thời gian vừa rồi, cho dù là về số lượng bài phát biểu hay tần suất xuất hiện trong các bài phát biểu, cũng là hiện tượng trước nay chưa từng có.
Rất nhiều chính trị gia nổi tiếng đã lên tiếng, như: Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Robert C. O’Brien, Giám đốc FBI Christopher Wray, Bộ trưởng Tư pháp William Barr, ông David Stilwell – Trợ lý Quốc vụ khanh phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Quốc vụ viện, v.v.. Ngoại trưởng Mike Pompeo dự kiến cũng ​​sẽ có bài phát biểu về Trung Quốc vào ngày 23/7.
Một ví dụ thực tế về “Chiến lược toàn chính phủ”: Vây quét Huawei
Ông Brendan Carr nói rằng một ví dụ về cách sử dụng “Chiến lược Toàn chính phủ” (all-of-government strategy) là phản ứng của Mỹ đối với Huawei.
Ông cho biết: “Các quan chức của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Ủy ban Truyền thông Liên bang và nhiều cơ quan khác đã thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ mạng Internet của chúng tôi và ngăn chặn các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia của chúng tôi”.
Các chính trị gia của cả hai đảng đã lên tiếng về các hoạt động gây hấn của Bắc Kinh. Một nghị viên trong Hạ viện Hoa Kỳ nói rằng ông rất vui khi thấy chiến lược mà chính phủ hiện đang áp dụng.
Dân biểu Jim Banks nói với The Epoch Times: “Là một thành viên của Lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc (China Task Force) thuộc Đảng Cộng hòa trong Hạ viện, điều khiến tôi thấy phấn khởi không chỉ là vì quyết sách của Tổng thống, mà còn vì toàn bộ chính phủ của ông đều đã được huy động để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Dân biểu Jim Banks cho biết, Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã chỉ trích các công ty công nghệ Mỹ vì “sẵn sàng hợp tác với ĐCSTQ” bao nhiêu năm nay. Giám đốc FBI Christopher Wray và Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng dẫn dắt đội ngũ nhân viên của họ tập trung vào việc “ngăn chặn hành vi cướp bóc của Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Ông Banks nói rằng: “Ngay cả Bộ trưởng Bộ Giáo dục Betsy DeVos và Viện Y tế Quốc gia (NIH) cũng đã tái định vị để đối phó với ‘Học viện Khổng Tử’ và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ”.
Đáp trả các hành vi xâm lược của ĐCSTQ trên mặt trận thông tin, chính trị và kinh tế
Ông Brian Kennedy là Chủ tịch của “Ủy ban về nguy cơ hiện tại: Trung Quốc” (Committee on the Present Danger: China) của Hoa Kỳ, và là tác giả của cuốn sách “Communist China’s War Inside America” (Tạm dịch: “Chiến tranh của ĐCSTQ trong nước Mỹ”).
Ông Kennedy nói rằng chiến lược của chính quyền Mỹ là đáp trả “các hành vi xâm lược rõ ràng của Trung Quốc (ĐCSTQ) trên mặt trận thông tin, chính trị và kinh tế”.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Kennedy nói: “Tại sao Hoa Kỳ áp dụng phương châm ‘toàn chính phủ’, lý do rất đơn giản. Bởi vì trong cuộc sống hiện đại của người Mỹ, không có khía cạnh nào là không liên quan đến Trung Quốc”.
Ông Kennedy nói: “(ĐCSTQ) đã đi từ thao túng Phố Wall sang ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ ở Thung lũng Silicon; từ việc chèn ép NBA đến lợi dụng xuất khẩu nông sản và thao túng chính trị để hình thành vành đai nông nghiệp. Khác với các chính phủ tiền nhiệm, chính phủ Tổng thống Trump từ Tổng thống cho đến nhân viên đều hiểu rõ là phải trực tiếp đối mặt với sự xâm lược này”.
Đông Phương
Theo The Epoch Times

Hoa Kỳ tái bố trí lực lượng quân sự

xung quanh châu Á để đối phó Trung Cộng

Tin Washington DC – Bộ Trưởng Quốc Phòng Mark Esper vào thứ Ba, 21 tháng 7, cho biết Hoa Kỳ đang điều động thiết bị và lực lượng quân sự trên khắp châu Á, để đề phòng nguy cơ xảy ra xung đột với Trung Cộng.
Lên tiếng từ Ngũ Giác Đài trong cuộc điện đàm truyền hình với Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS tại London, Bộ Trưởng Esper nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gởi các chiến hạm hải quân tới khu vực châu Á để chống lại sự lấn chiếm của Trung Cộng, đồng thời sẽ duy trì việc bán vũ khí cho Đài Loan. Bộ Trưởng Esper thêm rằng ông sẵn sàng đối thoại với Bắc Kinh và hy vọng có thể đến thăm Trung Cộng vào cuối năm.
Lãnh đạo Ngũ Giác Đài cáo buộc Trung Cộng thường xuyên bắt nạt các quốc gia láng giềng, dù Hoa Kỳ đã tăng hiện diện trong khu vực. Về vấn đề Đài Loan, ông Esper nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bán vũ khí cho hòn đảo, và sẽ duy trì các nhiệm vụ tự do hàng hải tại eo biển Đài Loan.
Bộ Trưởng Esper là người mới nhất trong số các viên chức cao cấp của chính quyền Trump công khai lên tiếng về các thách thức mà nhà nước Cộng Sản Trung Cộng đang gây ra cho Hoa Kỳ và trật tự thế giới. Chính phủ Trump đang tăng áp lực lên Bắc Kinh trong nhiều mặt, từ đánh thuế thương mại đến trừng phạt các công ty và viên chức nhà nước.
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vào thứ Ba cũng đã gặp các lãnh đạo Anh để thảo luận về các thách thức gây ra bởi đảng Cộng Sản Trung Cộng và đại dịch coronavirus, vốn bắt nguồn từ Vũ Hán. (BBT)

Đến thăm Anh,

ngoại trưởng Mỹ kêu gọi ‘liên minh’ chống TQ

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ca ngợi việc Anh loại Huawei khỏi hệ thống 5G trong chuyến thăm ngày 21-7 và kêu gọi các nước liên minh để hiểu rõ những đe dọa mà Trung Quốc đang đặt ra cho thế giới.
Phát biểu sau cuộc gặp với thủ tướng Anh, ông Pompeo tiếp tục chỉ trích Trung Quốc trong cách xử lý đại dịch COVID-19 và nhấn mạnh “Đảng Cộng sản Trung Quốc là một mối đe dọa”.
Theo ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc đã che giấu COVID-19 và thúc đẩy lợi ích của mình theo một cách “đáng hổ thẹn”.
“Chúng tôi muốn thấy các quốc gia, những người hiểu như thế nào là tự do – dân chủ và trân trọng những điều đó, tin rằng những điều này quan trọng cho người dân và cho chủ quyền của họ, hiểu được những mối đe dọa mà Trung Quốc đang đặt ra cho đất nước mình.
Chúng tôi hi vọng có thể xây dựng một liên minh để hiểu các mối đe dọa từ Trung Quốc và chống lại cách hành xử của Trung Quốc”, Hãng tin Reuters dẫn lời ông Pompeo nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Mỹ cũng đề cập tới Huawei, gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc đang bị Washington bắt chẹt. Ông hoan nghênh quyết định của Anh khi loại Huawei ra khỏi hệ thống 5G bất chấp sức ép từ Trung Quốc.
Về quan hệ thương mại với Anh, ông Pompeo cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng hi vọng thỏa thuận thương mại tự do Anh – Mỹ sẽ không kéo dài quá lâu và sớm đạt được.
Theo một số nhà quan sát, quyết định cứng rắn với Trung Quốc gần đây của Anh có thể xuất phát từ vài lý do. Đầu tiên, dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại kinh tế quá lớn cho Anh. Thứ hai, các hành động của chính quyền Bắc Kinh đối với Hong Kong, cựu thuộc địa của Anh.
Việc Anh loại bỏ Huawei có thể là một cách thể hiện sự thiện chí trong cuộc đàm phán thương mại tự do với Mỹ giai đoạn hậu Brexit. Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Pompeo ngày 21-7, vẫn còn mất một thời gian dài nữa để kết thúc đàm phán.

Gác bỏ e dè Trung Quốc, Bộ Tứ Mỹ-Úc-Nhật-Ấn

 đã sẵn sàng ‘chuyển từ đối thoại sang hành động’

Hải quân Hoa Kỳ đang thực hiện song song 2 cuộc tập trận ở Biển Philippines và Ấn Độ Dương, với sự tham gia của 3 quốc gia thành viên khác trong nhóm “Bộ Tứ” (Quad).
Điều này chắc chắn thu hút sự chú ý của Trung Quốc, theo Nikkei của Nhật Bản ngày 22/7.
Bộ Tứ: Mỹ – Úc – Nhật – Ấn
Hôm thứ Ba (21/7), Hải quân Mỹ cho biết họ đã bắt đầu cuộc tập trận ba bên ở Biển Philippines cùng Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ Úc.
Cuộc tập trận bắt đầu vào hôm Chủ nhật (19/7), với sự tham gia của tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin của Mỹ. Trong khi đó, phía Úc đã huy động các tàu khu trục Stuart và Arunta, tàu khu trục Hobart, tàu cập cảng trực thăng Canberra, và tàu khu trục Sirius. Phía Nhật Bản có sự tham gia của tàu khu trục Teruzuki.
Một ngày sau, vào hôm thứ Hai (20/7), Hoa Kỳ đã bắt đầu một cuộc tập trận khác với Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương, trong đó tàu sân bay Mỹ USS Nimitz có vai trò dẫn đầu.
Cả 4 quốc gia nêu trên, gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, đều tham gia một diễn đàn không chính thức gọi là “Đối thoại An ninh Tứ giác”, hay Quad, kể từ năm 2007. Một số quan chức tham gia cuộc đàm phán nói rằng diễn đàn này sẽ không trở thành một liên minh quân sự nào đó tựa như “NATO ở Châu Á”. NATO là tên viết tắt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, một liên minh quân sự gồm 30 nước, trong đó có Mỹ, Canada và hơn 20 quốc gia khác ở châu Âu.
Trung Quốc lo ngại
Nikkei cho biết, Bắc Kinh đã bày tỏ lo ngại về “Đối thoại An ninh Tứ giác”, dù Úc cam đoan với Trung Quốc vào năm 2007, rằng họ sẽ giữ Bộ Tứ trong phạm vi các vấn đề thương mại và văn hóa. Cùng năm đó, Ấn Độ cũng nhấn mạnh với Trung Quốc rằng Bộ Tứ không mang mục đích tăng cường an ninh nào. Một đô đốc hải quân Ấn Độ đã nghỉ hưu mô tả thái độ của Ấn Độ và Úc trong việc này là một “sự nhút nhát e dè”.
Tuy nhiên, 2 cuộc tập trận cùng lúc của các thành viên Bộ Tứ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã khiến các nhà phân tích tự hỏi phải chăng thái độ “e dè” này đã thoái trào?
Giới phân tích đang chờ đợi xem liệu Mỹ, Nhật, Ấn có mời Úc tham gia cuộc tập trận Malabar năm nay hay không. Úc từng được mời tham gia vào năm 2007 với tư cách là một thành viên không thường trực. Nhưng vào năm 2018, Ấn Độ đã loại Úc ra khỏi nhóm để tránh làm gia tăng suy đoán về một liên minh quân sự chống lại Trung Quốc.
Tuy nhiên, các cuộc đụng độ chết người của Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới gần đây đã xoay chuyển tình hình. Hindustan Times hôm 10/7 đưa tin giới chức Ấn Độ cho biết nước này có kế hoạch mời Úc tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar năm nay.
Gác bỏ e dè
Ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Viện chính sách Rand Corp có trụ sở tại California, cho rằng việc Ấn Độ có kế hoạch mời Úc tham gia cuộc tập trận Malabar chắc chắn thu hút sự chú ý của Trung Quốc.
Ông nói với Nikkei: “Cả bốn thành viên Bộ Tứ tiến hành một cuộc tập trận quân sự trên thực tế sẽ thể hiện quyết tâm phối hợp để đối phó và cạnh tranh với Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên thế giới”.
“Nếu Úc được mời tham gia cuộc tập trận Malabar, thì điều này thực sự sẽ mang đến một sự lạc quan tươi mới cho việc triển khai quân sự của Bộ Tứ”, theo ông Sameer Lalwani, một chuyên gia Nam Á tại Viện chính sách Stimson Center có trụ sở tại Washington.
Ông Patrick Gerard Buchan, giám đốc Dự án Liên minh Hoa Kỳ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, lập luận rằng Ấn Độ đã hạ bớt mức độ e dè đối với Bộ Tứ sau các cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nhận định sự e dè đó vẫn “chưa giảm xuống hoàn toàn”.
Ông Buchan cho biết Bộ Tứ vẫn luôn phải đối mặt với tình trạng bị e dè vì đối trọng với Trung Quốc. “Không ai muốn thúc đẩy tình huống nhạy cảm này”, ông nói.
Chuyên gia Lalwani từ Viện Stimson cho rằng cuộc tập trận chung giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương là một dấu hiệu báo trước về những gì sắp xảy đến.
“Việc các tàu tên lửa dẫn đường quan trọng của Hoa Kỳ và Ấn Độ phối hợp tập trận với nhau là không thể bị xem nhẹ, và cho thấy tiềm năng xuất hiện các hoạt động đáng gờm về phòng không và chống chiến tranh tàu ngầm”, ông Lalwani nói.
Ông Patrick Cronin, chủ tịch an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại Viện chính sách Hudson tán đồng, và nói rằng: “Các cuộc tập trận hải quân quốc tế đang diễn ra ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là biểu hiện mới nhất cho thấy Ấn, Úc, Nhật đang từ bỏ thái độ dè dặt trước kia về việc tham gia các lực lượng quân sự đa phương”.
Sự thay đổi này xuất hiện khi mà cả bốn nước trong Bộ Tứ đều gia tăng cảnh giác đối với sự nguy hại mà chính quyền Trung Quốc đang đặt ra.
Theo Nikkei, trong Sách trắng Quốc phòng Úc năm 2020, Canberra đã thể hiện thái độ điệu hoài nghi hơn đối với Bắc Kinh so với cuốn sách trắng bốn năm trước. Trong khi đó, Sách trắng Quốc phòng của Nhật Bản 2020 lên án Trung Quốc thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Bộ Tứ sẽ mở rộng thành viên?
Đô đốc Hải quân Ấn Độ đã nghỉ hưu Sudarshan Shrikhande, cựu giám đốc tình báo hải quân, cho rằng Bộ Tứ có thể sẽ được mở rộng để có sự tham gia của nhiều nước láng giềng hơn.
Ông nói với Nikkei rằng Bộ Tứ có thể sẽ tìm được tiếng nói chung với nhiều quốc gia tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, những quốc gia cho rằng “chính sách hòa hoãn với Trung Quốc dường như đã đi hết con đường”.
Ông Shrikhande phát biểu: “Bộ Tứ mà có thêm một số nước thành viên ASEAN thì có lẽ sẽ trở thành một đối trọng hữu ích chống lại tham vọng bá quyền và phô diễn sức mạnh của Trung Quốc”.
Để điều này trở thành hiện thực, ông Shrikhande cho rằng Bộ Tứ cần phải được đa phương hóa trên nhiều lĩnh vực, không chỉ về quân sự, mà còn về ngoại giao, kinh tế và thông tin.
Tuy nhiên, ông Shrikhande nhận định Mỹ-Úc-Nhật-Ấn đã sẵn sàng chuyển đối tính chất “Đối thoại” của Bộ Tứ sang trạng thái rõ nét hơn. Ông nói: “Tôi có thể cảm nhận được vị thế sẵn sàng của 4 nước trong việc chuyển từ đối thoại sang hành động”.

Mỹ tiếp cận vấn đề Biển Đông

ngày càng mạnh mẽ hơn

Cách tiếp cận mạnh mẽ hơn của Mỹ tác động trước hết đến chính sách đối ngoại của các nước, trong đó có vấn đề Biển Đông, vấn đề Mỹ-Trung.
Thái độ của Mỹ rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn
Thời gian qua, Mỹ đã cho thấy cách tiếp cận vấn đề Biển Đông một cách mạnh mẽ hơn, mà trước hết là phát ngôn chính thức của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào ngày 13/7 bác bỏ hầu hết yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc.
Bình luận về thái độ và hành động của Mỹ ở Biển Đông, Ths Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, nhà nghiên cứu về Biển Đông cho biết, tuyên bố của ông Pompeo ngày 13/7 được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có hành động mạnh mẽ trên khu vực Biển Đông cũng như Trung-Mỹ đang ở giai đoạn cạnh tranh quyết liệt.
Theo Ths Hoàng Việt, nếu trước đây Mỹ chỉ nói chung chung là yêu cầu các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế mà không nói tuân thủ luật pháp quốc tế là tuân thủ cái gì thì tuyên bố ngày 13/7 của Ngoại trưởng Pompeo đã dựa trên phán quyết của Tòa trọng tài LHQ năm 2016, chỉ ra một loạt vấn đề:
Trước hết, vùng biển thuộc “đường chín đoạn” là không hợp lý và nó mang tính chất bất hợp pháp.
Thứ hai, vùng biển ở những cấu trúc lúc chìm lúc nổi, mà Mỹ có dẫn một số trường hợp cụ thể như bãi Cỏ Mây, bãi Vành Khăn, theo nguyên tắc cơ bản của Công ước LHQ về Luật Biển là nguyên tắc “đất thống trị biển”, những cấu trúc này không thể có vùng biển kèm theo và cũng không phải là đối tượng để Trung Quốc yêu sách chủ quyền.
Thứ ba, đối với một số cấu trúc ngập, trong đó có bãi Tư Chính nằm ở ngoài khơi của Việt Nam, bãi Luconia và bãi James Shoal (Trung Quốc gọi là bãi Tăng Mẫu) nằm ngoài khơi Malaysia và bãi Natuna của Indonesia là những vùng luôn chìm dưới mặt nước biển. Theo Công ước Luật biển và nguyên tắc “đất thống trị biển”, phán quyết của Tòa trọng tài 2016, Trung Quốc không thể yêu sách chủ quyền ở trên đó và đương nhiên không thể có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hay lãnh hải ở đó được.
“Như vậy, trong tuyên bố của ông Pompeo đã nói rất rõ. Nếu trước đây, Mỹ chỉ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng tự do hàng hải, tự do thương mại, nhưng đến bây giờ, trong tuyên bố của ông Pompeo làm rõ hơn: không chỉ là tự do hàng hải mà là tự do biển cả (freedoms of high seas)- nó không chỉ là quyền đi qua đi lại, tự do hàng hải, thương mại mà bao gồm những quyền rộng hơn, trong đó có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên trên vùng biển. Theo quy định của Luật Biển, những quyền đó không thể ngăn cản được.
Ở đây, Mỹ cũng chỉ ra và phản đối những hành động của Trung Quốc như đe dọa việc đánh bắt cá của Philippines tại khu vực quanh Scarborough hay những khu vực Việt Namcó quyền thăm dò dầu khí.
Về mặt ngôn ngữ, Mỹ nói rất rõ những yêu cầu của Trung Quốc là bất hợp pháp và với thông điệp này, Mỹ nhận được sự ủng hộ của các quốc gia khác”, Ths Hoàng Việt chỉ rõ.
Lý giải về tuyên bố mạnh mẽ, rõ ràng, báo hiệu cho sự thay đổi chính sách của Mỹ lúc này, vị chuyên gia nhắc lại bối cảnh ông đã đề cập ở trên – đó là Trung Quốc đang có những hành động ngang ngược trên khu vực Biển Đông và nó dẫn tới việc Mỹ ngày càng mất ảnh hưởng.
Mở rộng hơn nữa, việc thay đổi cách tiếp cận vấn đề Biển Đông theo hướng mạnh mẽ hơn của Mỹ nằm trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa một siêu cường và một cường quốc, là Mỹ và Trung Quốc.
“Những tuyên bố mập mờ, lập lờ, chung chung của Mỹ trước đây khiến rất nhiều các quốc gia đối tác, trong đó có các quốc gia ASEAN, không hoàn toàn tin Mỹ. Bản thân Mỹ không có hành động cần thiết để ngăn cản Trung Quốc khi nước này có hành động ngang ngược trên Biển Đông.
Chẳng hạn, Trung Quốc bồi lấp đảo nhân tạo, đe dọa, xâm phạm các vùng biển của của các quốc gia khác, trong đó có các tàu đánh cá; đe dọa hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí… Những hành động ngang ngược đó của Trung Quốc ảnh hưởng đến nhiều đối tác của Mỹ, nhưng Mỹ chỉ lên tiếng một cách chung chung và các quốc gia cảm thấy không tin được.
Giờ đây, Mỹ thấy rằng tất cả những cách tiếp cận trước đây của mình đã lạc hậu, lỗi thời và không giải quyết được vấn đề gì, nó chỉ dẫn tới việc Mỹ ngày càng mất dần ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Vì vậy, Mỹ phải thay đổi cách chơi để có thể giành lại được thế chủ động cũng như ảnh hưởng của mình. Điểm đặc biệt là trong trường hợp này, Mỹ đang nêu cao ngọn cờ chính nghĩa, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Vấn đề Biển Đông là vấn đề toàn cầu, một số nước đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Ai cũng biết Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng ai sẽ là người thực hiện việc yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và yêu cầu bằng biện pháp nào?
Nói cho cùng, Trung Quốc giờ đã trở thành quốc gia mạnh trên thế giới, cho nên để tiếng nói ngăn chặn Trung Quốc thì phải có đủ sức mạnh để làm được điều đó, đấy là Mỹ”, vị chuyên gia phân tích.
Việt Nam ủng hộ lẽ phải, luật pháp quốc tế
Thái độ và hành động mạnh mẽ hơn của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, theo Ths Hoàng Việt, chắc chắn là có tác động đến hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông, vấn đề là là nó tác động ở mức độ nào?
Chỉ biết, khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đưa ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc sẽ tác động đầu tiên đến chính sách đối ngoại của các nước. Có khả năng các quốc gia sẽ xem xét điều chỉnh chính sách đối ngoại của họ, trong đó có vấn đề Biển Đông, vấn đề Mỹ-Trung… Ở thời điểm này, theo chuyên gia Hoàng Việt, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn đang thận trọng vì đây mới là tuyên bố của Mỹ.
“Mỹ đã nhiều lần tuyên bố, nhưng tuyên bố của Mỹ có song hành với hành động của Mỹ hay không? Các quốc gia lo ngại, nếu Mỹ chỉ tuyên bố mà hành động của Mỹ không song hành và quyết tâm của Mỹ không lớn thì khi thế giới xảy ra một điểm nóng khác, thu hút sự quan tâm của Mỹ, Mỹ lại bỏ rơi vào quên lãng. Khi ấy, các quốc gia khác có thể phải nhận hậu quả xấu.
Vì lẽ đó, các quốc gia vẫn còn đang thận trọng theo dõi nhưng chắc rằng nếu quyết tâm của Mỹ song hành với tuyên bố này thì đó sẽ là bước tiến mới tốt hơn cho khu vực Biển Đông”, Ths Hoàng Việt nhận xét.
Đối với Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã lên tiếng thể hiện rất rõ quan điểm của Việt Nam khi Mỹ đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông.
Ths Hoàng Việt điểm lại, Việt Nam ủng hộ lẽ phải, ủng hộ luật pháp quốc tế. Khi tình hình Biển Đông phức tạp, quan trọng là chúng ta giữ được “cái đầu lạnh”, trong đó tập trung vào luật pháp quốc tế.
“Khi Việt Nam giữ vai trò chủ tịch, tháng 6 vừa qua, ASEAN đã tuyên bố Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) là “cơ sở để xác định các quyền lợi hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các khu vực hàng hải. Mọi hoạt động ở các vùng biển và đại dương phải được thực hiện theo các khuôn khổ pháp lý được vạch ra trong UNCLOS 1982″.
Như vậy, Việt Nam ủng hộ luật pháp quốc tế, duy trì luật pháp quốc tế, trong đó có Luật Biển vô cùng quan trọng.
Làm được điều trên, các bên có thể tìm ra được tiếng nói chung trong việc chia sẻ  lợi ích, tài nguyên trên Biển Đông, tìm kiếm các giải pháp hợp lý để tất cả các bên cùng có lợi trong khu vực Biển Đông”, Ths Hoàng Việt nhấn mạnh.

Mỹ đang tiến hành 2 cuộc tập trận quân sự

ở vùng biển châu Á

Hải quân Mỹ hôm nay 21.7 cho hay lực lượng này đang tiến hành hai cuộc tập trận quân sự ở vùng biển châu Á, với sự tham gia của Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Nimitz và Ronald Reagan đã được điều động đến Biển Đông tập trận chung hai lần từ đầu tháng đến nay, nhưng trong tuần này, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz đã đến Ấn Độ Dương để tập trận với hải quân Ấn Độ. Chuẩn đô đốc Jim Kirk, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz, cho hay trong thông báo rằng cuộc tập trận với hải quân Ấn Độ hôm 20.7 đã hỗ trợ cải thiện khả năng phối hợp của lực lượng hai nước, theo Reuters.
Cuộc tập trận diễn ra gần quần đảo Andaman và Nicobar, nằm ở phần cuối phía bắc của eo biển Malacca, theo Reuters dẫn một số nguồn tin. Ấn Độ có một căn cứ quân sự trên quần đảo này. Hải quân Mỹ nhấn mạnh nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz đang hoạt động ở Ấn Độ Dương nhằm hỗ trợ duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Ngoài ra, nhóm tác chiến tàu sân bay do hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan dẫn dầu đang tiến hành cuộc tập trận ở biển Philippines với các lực lượng từ Nhật Bản và Úc, theo Reuters dẫn lời giới chức Úc và Mỹ. Cuộc tập trận này dự kiến kết thúc vào ngày 23.7. Theo kế hoạch, trước cuối năm nay, Mỹ sẽ tiến hành cuộc tập trận quân sự chung với cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản ở vịnh Bengal và Úc có thể tham gia.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo có cuộc điện đàm hôm nay 21.7 nhưng không thể quyết định về chi tiết của một cuộc tập trận chung, thường bắt đầu vào đầu tháng 8 mỗi năm, giữa lúc có đại dịch Covid-19, Reuters dẫn lời giới chức Hàn Quốc. Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc ghi nhận gần 50 trường hợp nhiễm Covid-19 trong binh sĩ, nhân viên và gia đình của họ trong 3 tuần qua.
Mặt khác, một quan chức Hàn Quốc khẳng định hai Bộ trưởng Jeong và Esper không thảo luận về khả năng rút binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc. Vị quan chức còn bác bỏ thông tin từ tờ The Wall Street Journal rằng Lầu Năm Góc đã đưa ra một số gợi ý với Nhà Trắng là giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc.

Đối đầu TQ: Mỹ buộc thế giới phải lựa chọn

Hoa Kỳ chia thế giới thành hai phe là Mỹ và Trung Quốc, buộc các nước trên thế giới phải lựa chọn đứng về một bên.
Đối đầu Mỹ-Trung Quốc đang khiến thế giới phải đau đầu lựa chọn
Mỹ tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc. Lập trường cứng rắn này đối với Bắc Kinh sẽ không thay đổi ngay cả khi Tổng thống Donald Trump không dắc cử nhiệm kỳ sau. Theo thời gian, Mỹ sẽ chỉ tăng áp lực lên các quốc gia khác, đặt họ trước sự lựa chọn: Hoặc theo Mỹ, hoặc theo Trung Quốc.
Đây không phải là một viễn cảnh dễ chịu, kể cả đối với Thụy Sĩ, phóng viên Sebastian Ramspeck của kênh SRF cho biết.
Phóng viên Sebastian Ramspeck lưu ý rằng, ông không nghĩ rằng lệnh trừng phạt sẽ gây được ảnh hưởng đến giới lãnh đạo Trung Quốc.
Chính quyền nước này lo ngại rằng các cuộc biểu tình của phong trào dân chủ ở Hồng Kông sẽ lan rộng ra toàn quốc. Đối với Trung Quốc, đây là mối đe dọa đối với sự tồn tại của họ. Do đó, tại Hồng Kông, họ sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp cứng rắn. Và ngay cả khi các lệnh trừng phạt của Mỹ gây thiệt hại nặng nề, điều đó sẽ không ảnh hưởng đến họ.
Ông Sebastian Ramshek lưu ý rằng, tất nhiên là có nhiều thứ bị đe dọa hơn, đó chính là cuộc xung đột lớn nhất, là sự cạnh tranh của thời đại hiện nay
Hiện nay, Mỹ vẫn là siêu cường vẫn thống trị trên trường quốc tế, nhưng đang mất dần sức mạnh và tầm ảnh hưởng và xuất hiện một đối thủ là Trung Quốc, một siêu cường mới nổi, tương lai không chỉ thể hiện tham vọng kinh tế, mà cả tham vọng địa chính trị và địa chiến lược.
Sự cạnh tranh này thể hiện trong các tình huống khác nhau, ví dụ như về sự kiện Mỹ trừng phạt Huawei, nhà cung cấp các giải pháp viễn thông và mạng 5G của Trung Quốc. Mỹ muốn loại trừ hãng này khỏi các mạng di động phương Tây. Hoặc sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới cũng là một chủ đề rất quan trọng.
Phóng viên lưu ý, ông nghĩ điều đó không phụ thuộc quá nhiều vào người lãnh đạo đất nước, bất kể là ông Donald Trump hay ông Tập Cận Bình có còn tại vị hay không.
“Tôi không nghĩ rằng việc thay tổng thống sẽ ảnh hưởng đến bất cứ điều gì. Xin lưu ý rằng lập trường này trong chính sách đối ngoại của Trump được sự hỗ trợ rộng rãi ở Hoa Kỳ. Ngoài việc cứng rắn với Trung Quốc, không có lập trường khác nào nhận được sự hỗ trợ rộng rãi như vậy trong giới tinh hoa chính trị ở Washington hay nhân dân Hoa Kỳ”.
Xuất phát từ thực tế là trong tương lai Hoa Kỳ – bất kể Trump có còn là tổng thống hay không – sẽ tăng áp lực lên các quốc gia khác và đặt họ trước sự lựa chọn: “Hoặc đứng về phía chúng tôi, đứng về phía Hoa Kỳ, kết bạn với chúng tôi và cùng tiến hành công việc; hoặc bạn ở bên kia, đứng về phía Trung Quốc”.
Việc Mỹ chia thế giới làm hai nửa, buộc các nước phải lựa chọn hoặc theo Mỹ, hoặc về phe Trung Quốc là điều vô cùng khó khăn không chỉ đối với một quốc gia nhỏ, trung lập như Thụy Sĩ, mà đối với tất cả các nước trên thế giới cũng đều như vậy.

Nghiên cứu sinh Trung Quốc giả mạo

‘trú ẩn trong lãnh sự quán’

Hoa Kỳ nói một nhà khoa học Trung Quốc bị nghi vấn có gian lận về thị thực và che dấu mối liên hệ với quân đội đã đến trốn ở lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco.
Các hồ sơ do các công tố viên Mỹ lập cũng nói một số nhà nghiên cứu Trung Quốc khác ở Mỹ đã bị bắt vì gian lận về thị thực.
Hôm thứ Tư, chính quyền Tổng thống Trump ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, với lý do họ tham gia lấy cắp tài sản trí tuệ.
Chính phủ Trung Quốc gọi đây là “sự kích động chính trị”.
Nhưng Tổng thống Trump nói “luôn có khả năng” ông sẽ ra lệnh đóng cửa thêm các lãnh sự quán Trung Quốc khác.
Trong những tháng gần đây, chính quyền ông Trump liên tiếp mâu thuẫn với Bắc Kinh về về thương mại và dịch virus corona, cũng như việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới về Hong Kong.
Những cáo buộc về lãnh sự quán TQ ở San Francisco là gì?
Hồ sơ nộp cho tòa do các công tố viên ở một tòa liên bang tại San Francisco nói bị cáo, người mang tên Juan Tang, là một nghiên cứu sinh về sinh học tại Đại học California.
Theo hồ sơ này, trong một cuộc phỏng vấn với các nhân viên FBI tháng trước, bà Juan Tang nói bà chưa từng làm việc cho quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo hồ sơ, một cuộc điều tra nguồn mở phát hiện có ảnh bà mặc đồng phục quân đội. Một cuộc khám nhà cho thấy có bằng chứng người này có liên quan Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA).
“Tại một thời điểm sau vụ khám nhà và phỏng vấn với bà Tang hôm 20/6/2020, Tang tới lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco, nơi FBI cho rằng bà vẫn đang cư ngụ,” hồ sơ của tòa, do trang tin Axios đăng lần đầu tiên, viết.
Hồ sơ viết thêm: “Như trường hợp của bà Tang chứng tỏ, lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco có thể cung cấp nơi cư trú an toàn cho một sỹ quan PLA có ý định tránh ra xét xử ở Hoa Kỳ.”
Các công tố viên nói đây không phải là một trường hợp đơn lẻ mà “dường như là một phần của chương trình do PLA tiến hành… gửi các sỹ quan khoa học tới Hoa Kỳ với ý đồ giả.”
Trung Quốc hiện chưa bình luận về những cáo buộc này.
Điều gì xảy ra tại các lãnh sự quán Trung Quốc?
Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là tâm điểm chú ý hôm thứ Ba khi khi người dân ở gần trông sang sân tòa nhà thấy có vài thùng rác đang cháy.
Hình ảnh cho thấy có người dường như ném giấy tờ vào trong thùng rác.
Lực lượng khẩn cấp được gọi đến tòa nhà nhưng cảnh sát Houston nói họ không được phép vào bên trong.
Hôm thứ Tư, chính quyền Mỹ cho Trung Quốc có 72 giờ để đóng cửa lãnh sự quán “để bảo vệ tài sản trí tuệ Mỹ và thông tin riêng tư của người Mỹ.”
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói: “Chúng tôi đưa ra những trông đợi rõ ràng cho cách hành xử của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi họ không hành xử đúng, chúng tôi sẽ có hành động để bảo vệ người Mỹ, bảo vệ…an ninh quốc gia của chúng ta, và bảo vệ nền kinh tế và việc làm của chúng ta.”
Lãnh sự quán Houston là một trong năm lãnh sự quán của Trung Quốc tại Mỹ, chưa kể đại sứ quán ở Washington D.C.

FBI nghi lãnh sự quán Trung Quốc

chứa chấp nhà nghiên cứu gian lận thị thực

Hải Lam
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cáo buộc một nhà nghiên cứu Trung Quốc khai gian thị thực đang trốn trong lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco suốt một tháng qua để tránh bị bắt, theo bản tin ngày 23/7 của Reuters.
Theo hồ sơ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trình lên tòa án tại San Francisco, Juan Tang, nhà nghiên cứu người Trung Quốc làm việc ở Đại học California, đã khai gian trong đơn xin thị thực Mỹ rằng cô chưa từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà điều tra đã tìm thấy những bức ảnh chụp Juan trong bộ quân phục Trung Quốc và phát hiện ra cô từng làm nghiên cứu tại Đại học Quân y Không quân Trung Quốc.
FBI đã thẩm vấn Juan vào ngày 20/6, sau đó cô đến lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco. FBI cho rằng Juan Tang hiện vẫn ở đó. Cô bị truy tố tội gian lận thị thực vào ngày 26/6. Lực lượng hành pháp Mỹ không thể tự ý vào đại sứ quán hoặc lãnh sự quán nước ngoài để bắt người.
Việc nhà khoa học Juan Tang trốn trong lãnh sự quán Trung Quốc được trang Axios đưa tin đầu tiên, sau khi Washington ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston trong 72 giờ.
Gần đây, các công tố viên Mỹ phản đối đề nghị bảo lãnh tại ngoại cho một nhà nghiên cứu Trung Quốc là Chen Song, cũng bị bắt vì gian lận thị thực. Hồ sơ tòa án cho biết, Chen Song là một nhà nghiên cứu chuyên khoa thần kinh làm việc ở Đại học Stanford.
Hồ sơ tòa án cũng đề cập tới hai nhà nghiên cứu Trung Quốc khác làm việc ở Đại học California và Đại học Duke bị truy tố gần đây. Trong nhiều năm nay, FBI luôn cảnh báo các trường đại học Mỹ về nguy cơ bị các nhà nghiên cứu người nước ngoài đánh cắp sở hữu trí tuệ và Mỹ cũng đã thắt chặt hạn chế với thị thực du học sinh.

Giới chức Mỹ: Lãnh sự quán Trung Quốc

ở Houston là trung tâm gián điệp

Hải Lam
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stillwel nói Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là một trung tâm tình báo của quân đội, trong khi Thượng nghị sĩ Marco Rubio gọi cơ quan này là nút trung tâm trong mạng lưới quy mô lớn các gián điệp.
“Quân đội Trung Quốc đã gửi sinh viên cả công khai lẫn bí mật tới các trường đại học Mỹ để nghiên cứu những thứ có thể thúc đẩy lợi thế chiến tranh của họ trong thế giới kinh tế và các lĩnh vực khác”, ông David Stillwel, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương nói với tờ NYTimes hôm 22/7. Ông nhấn mạnh lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston đứng sau tất cả hoạt động này và “có lịch sử tham gia vào hành vi gây hại”.
Ông Stilwell cũng cáo buộc lãnh sự Trung Quốc tại Houston và các nhà ngoại giao khác gần đây đã tham gia vào hoạt động đáng ngờ tại sân bay quốc tế Houston. Đây là nơi họ đưa công dân Trung Quốc lên các chuyến bay hồi hương của Air China giữa đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Tuy nhiên, The Times dẫn thông tin từ ông Stilwell cho biết, giấy tờ của hãng Air China thể hiện sai ngày sinh của các nhân viên ngoại giao. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington và Air China đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Tuyên bố của ông Stillwel đưa ra sau ngày Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston trong 72 giờ. Vài giờ sau đó, một vụ hỏa hoạn tại lãnh sự quán này đã xảy ra (sáng 22/7 giờ Việt Nam). Các nhân viên cứu hỏa đã tới hiện trường để chữa cháy, nhưng các quan chức Trung Quốc không cho họ vào làm nhiệm vụ.
Trong một tuyên bố hôm thứ Tư (22/7), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết Washington đã chỉ đạo đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston “để bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ và thông tin cá nhân của người Mỹ”.
Cùng ngày, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người nổi tiếng với lập trường cứng rắn với Trung Quốc, viết trên Twitter: “Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston không phải là một cơ sở ngoại giao. Đó là một nút trung tâm trong mạng lưới quy mô lớn các gián điệp và hoạt động gây ảnh hưởng ở Mỹ. Tòa nhà đó phải đóng cửa ngay bây giờ và các gián điệp có 72 giờ để rời đi hoặc bị bắt”.
Trung Quốc có một đại sứ quán và 5 lãnh sự quán ở Hoa Kỳ. Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston được khai trương vào năm 1979 – năm mà Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thiết lập quan hệ ngoại giao, theo giới thiệu của Lãnh sự quán.

Hoa Kỳ ký hợp đồng mua 100 triệu liều vaccine

COVID-19 đầu tiên do Pfizer điều chế,

vận chuyển vào tháng 12/2020

Vào hôm thứ Tư (22 tháng 7), bộ trưởng Bộ Y tế và Xã hội Hoa Kỳ Alex Azar thông báo rằng chính quyền tổng thống Trump sẽ trả cho hãng dược Pfizer gần 2 tỷ Mỹ kim cho 100 triệu liều vaccine COVID-19 vận chuyển vào tháng 12/2020.
Ông Azar nói thêm rằng Hoa Kỳ có thể sẽ mua thêm 500 triệu liều nữa theo các thỏa thuận. Cả 2 công ty Pfizer và BioNTech SE đều thông báo đã đạt thỏa thuận cung cấp loại vaccine tiềm năng mà họ đang cùng hợp tác phát triển với Bộ Y tế và Xã hội, cùng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Thỏa thuận này là một phần của chương trình phát triển vaccine cấp tốc của tổng thống Trump, trong đó nhiều loại vaccine COVID-19 đang được phát triển đồng thời. Chương trình nhằm mục đích cung cấp 300 triệu liều vaccine COVID-19 an toàn và hiệu quả vào tháng 01/2021.
Theo chương trình này, chính phủ sẽ tăng tốc độ phát triển và mua vaccine trước khi chúng được kiểm chứng an toàn và hiệu quả, để có thể nhanh chóng phân phối chúng ngay sau khi FDA chấp thuận hoặc cho phép sử dụng khẩn cấp sau các thử nghiệm lâm sàng. Pfizer và BioNTech cho hay người Mỹ sẽ được nhận vaccine miễn phí.
Azar cho biết hợp đồng mang đến gấp năm lần số lượng vaccine coronavirus tiềm năng đang được phát triển với sự tài trợ của Hoa Kỳ. Gần hai chục loại vaccine đang trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng khác nhau trên khắp thế giới, một số loại đã sang giai đoạn thử nghiệm cuối cùng để chứng minh độ hiệu quả. Các quốc gia khác cũng tranh nhau vaccine COVID-19 (BBT)

California vượt qua New York

là tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nhất vì Covid-19

Theo dữ kiện của Reuters, vào hôm thứ Tư, tiểu bang California đã vượt qua New York, trở thành tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nhất đối với các trường hợp COVID-19. Tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở tiểu bang đông dân nhất Hoa Kỳ đã tăng lên trên 414,000 chỉ với một số quận ở California báo cáo 4,700 trường hợp mới tính đến thứ Tư.
Tiểu bang New York đã ghi nhận cho đến nay số người chết nhiều nhất ở bất kỳ tiểu bang nào của Hoa Kỳ với hơn 32,000 người, với California ở vị trí thứ tư với gần 8,000 người tử vong.  Nếu California là một quốc gia, California sẽ đứng thứ năm trên thế giới về tổng số trường hợp COVID-19 chỉ sau Hoa Kỳ, Brazil, Ấn Độ và Nga. New York hiện có hơn 412,800 trường hợp và đang bổ sung trung bình 700 trường hợp mới mỗi ngày vào tháng Bảy. Ở California có trung bình 8,300 trường hợp mới mỗi ngày.
Tại Quận Los Angeles, các viên chức hôm thứ ba đã báo cáo thêm 50 trường hợp tử vong liên quan đến coronavirus và 2,741 trường hợp mới. Các bệnh nhân từ 41 tuổi trở xuống chiếm khoảng 57% các trường hợp mới – một xu hướng đang diễn ra mà các viên chức quận đã xác nhận rằng những người trẻ tuổi đang thúc đẩy sự lây lan của virus. Có 2,218 người nhập viện vì virus. Trong đó, 26% được chăm sóc đặc biệt.
Tiểu bang cũng báo cáo số tử vong ngày càng tồi tệ. Trung bình bảy ngày tử vong liên quan đến coronavirus đã thay đổi trong khoảng từ 91 đến 99 mỗi ngày kể từ ngày 10 tháng 7, con số tồi tệ nhất là kể từ khi đại dịch bắt đầu. (BBT)

Thợ cắt tóc chuyển hoạt động kinh doanh ra ngoài trời

theo quy định coronavirus mới của California

Theo các quy định mới được đưa ra bởi thống đốc Gavin Newsom, một số cơ sở kinh doanh có thể hoạt động ngoài trời.
Các tiệm cắt tóc đã tái mở cửa vào tháng Năm, nhưng vào thứ Hai (20/7), khi các trường hợp nhiễm coronavirus tăng mạnh trên toàn tiểu bang, thống đốc Newsom ra lệnh rằng các doanh nghiệp chăm sóc cá nhân có thể mở cửa nhưng chỉ khi họ chuyển hoạt động ra bên ngoài.
Ông Nicholas Downs, người mở tiệm Bob’s Barbershop ở Solana Beach, không hề ngần ngại trong việc tuân thủ quy định mới. Đồng nghiệp Bob Castro, người chưa bao giờ cắt tóc ngoài trời, cho biết việc này mang lại cảm giác mới lạ. Một khách hàng cho rằng việc di dời ra ngoài trời là một sự cải tiến. (BBT)

Sự khác biệt trong chính sách cách ly xã hội

của Hoa Kỳ và Canada được thể hiện rõ

tại thác nước Niagara Falls

Tin từ NIAGARA FALLS, Ontario – Điểm nóng du lịch Niagara Falls đang tạo cơ hội cho những du khách giữ khoảng cách xã hội của Canada chụp những bức ảnh độc đáo trên những chiếc phà đưa họ vào màn sương của dòng thác.
Mặc dù các trường hợp COVID-19 tiếp tục gia tăng trên khắp Hoa Kỳ, nước láng giềng Canada đa phần ngăn chặn được sự lây lan của virus, với sự hỗ trợ của các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt và bắt buộc mang khẩu trang trong một số khu vực pháp lý.
Đại lý du lịch bằng thuyền Maid of the Mist cho biết tại thác nước nổi tiếng ở biên giới Hoa Kỳ – Canada, những chiếc phà của Canada phải tuân thủ giới hạn sáu hành khách mỗi chiếc, với sức chứa 700 người. Nhưng bên phía Hoa Kỳ, các phà đang hoạt động với công suất 50%. Hiện vẫn chưa thể liên lạc với Maid of the Mist để yêu cầu bình luận, nhưng trang web của hãng này cho biết họ đang thực hiện theo hướng dẫn của các viên chức y tế công cộng tiểu bang New York.
Những chiếc thuyền có các điểm đánh dấu để giữ cho du khách cách xa nhau, và việc mang khẩu trang là bắt buộc, bên cạnh những thay đổi về an toàn khác. Ông Mory DiMaurizio, tổng giám đốc kiêm phó chủ tịch thuộc Hornblower Niagara Cruises của Canada, cho biết các giới hạn do chính quyền tỉnh Ontario áp đặt lên hoạt động kinh doanh của họ là rất “khó chịu” và họ rất “bất bình” khi nhìn thấy các tàu của Hoa Kỳ vẫn tương đối đầy khách. (BBT)

Mỹ: Số ca nhiễm và nhập viện vì COVID tăng

Hoa Kỳ trở lại cột mốc u ám khi ghi nhận hơn 1.000 người tử vong vì COVID-19 chỉ trong một ngày, trong khi số ca nhiễm và nhập viện đang tăng tại nhiều tiểu bang, buộc Tổng thống Donald Trump phải công nhận là cuộc khủng hoảng virus corona có thể tệ hại hơn.
Trên 142.000 người Mỹ chết vì COVID, con số mà các chuyên gia y tế công cộng nói sẽ chắc chắn gia tăng tại một vài tiểu bang.
Florida, Texas, Georgia và California nằm trong số 40 tiểu bang ghi nhận thêm nhiều ca.
Florida báo cáo có thêm 9.785 ca nhiễm và 140 người chết hôm 22/7, trong khi bệnh nhân COVID nằm viện đã lên số cao kỷ lục là 9.530 người. Alabama ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục là 61 người cùng ngày 22/7, một ngày sau khi số ca nhập viện lên cao kỷ lục.
Trên toàn quốc, số tử vong vì virus corona tăng 1,141 người hôm 21/7, theo như Reuters. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 10/6, số tử vong hàng ngày vượt quá 1.000.
Tính tới nay có 19 tiểu bang báo cáo số bệnh nhân COVID nhập viện cao kỷ lục.
Trong tháng này, 32 tiểu bang ghi nhận số ca nhiễm tăng kỷ lục và 16 tiểu bang chứng kiến số người chết tăng kỷ lục.
Chính phủ Mỹ đã hành động để đảm bảo có được 100 triệu liều vaccine, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar cho biết hôm 22/7.
Chính phủ sẽ chi 1,95 tỉ đô la mua vaccine chống COVID của công ty Pfizer và công ty BioNTech của Đức nếu họ bào chế thành công, hai hãng dược này cho biết.
Pfizer nói sẽ không nhận tiền của chính phủ trừ phi vaccine của họ chứng tỏ an toàn, hữu hiệu và sản xuất thành công.
Tổng thống Trump, từng hạ giảm mức độ cuộc khủng hoảng y tế và tầm quan trọng của việc mang khẩu trang, hôm 21/7 khuyến khích người Mỹ mang khẩu trang nếu không thể giữ giãn cách xã hội.
Ông cũng nói rằng tầm lây lan của virus “tiếc là có thể sẽ tệ hại hơn trước khi cải thiện-điều mà tôi không thích nói, nhưng sự thực là vậy.”
Việc bắt buộc mang khẩu trang, mà các giới chức y tế cho rằng có thể làm chậm đà lây lan của virus, là một vấn đề chính trị của người Mỹ. Nhiều người bảo thủ gọi những quy định như vậy là vi phạm quyền hiến định.
Lây nhiễm virus corona đang gia tăng tại một số tiểu bang quan trọng về chính trị trong đó có Florida, Texas, Pennsylvania và Ohio. Ông Trump, thuộc đảng Cộng hòa, đang đứng sau ứng cử viên Dân chủ Joe Biden trong những cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử ngày 3/11.

Ít nhất 14 người bị thương

 trong vụ nổ súng tại một nhà quàn ở Chicago

Vào thứ ba (ngày 21 tháng 7), cảnh sát Chicago cho biết ít nhất 14 người đã bị thương trong vụ nổ súng tại một nhà quàn ở thành phố. Hiện vẫn chưa rõ tình trạng sức khỏe của các nạn nhân. Theo cảnh sát, họ đang thẩm vấn một nghi can, nhưng cho biết rằng có nhiều nghi can khác có liên quan đến vụ nổ súng.
Giám Đốc Sở Cảnh Sát Chicago Eric Carter cho biết chiếc xe màu đen của các nghi can đã đến một nhà tang lễ trong khu phố Auburn Gresham, sau đó những người trong xe đã nổ súng. Những người tham dự tang lễ đã bắn trả và chiếc xe đã cố gắng bỏ chạy trong khi những nghi can tiếp tục nổ súng. Chiếc xe đâm phải vật cản trên đường bỏ trốn, khiến các nghi can phải ra khỏi xe và bỏ chạy theo nhiều hướng khác nhau.
Ít nhất 60 vỏ đạn đã được thu hồi từ hiện trường. Sở cứu hỏa thành phố cho biết ít nhất 9 nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Ông Carter cho biết tất cả nạn nhân đều là người lớn, và ít nhất một người trong số họ là người phụ nữ ngoài cuộc. Các thành viên gia đình cho biết người phụ nữ này sống gần nhà quàn và đang nghỉ trưa thì bị trúng đạn.
CBS Chicago dẫn lời các nguồn tin cho biết vụ nổ súng là một cuộc phục kích được lên kế hoạch trước bên ngoài nhà quàn. Tại thời điểm xảy ra vụ tấn công, địa điểm này đang tổ chức tang lễ cho anh Donnie Weathersby, người đã bị bắn chết vào ngày 14 tháng 7. CBS Chicago còn cho biết thêm rằng một tấn công trả đũa khác có thể xảy ra tại nhà quàn này.
Vụ nổ súng diễn ra ngay sau khi Tổng thống Trump đề nghị 175 cảnh sát liên bang đến Chicago để giúp đối phó với tình trạng bạo lực súng đạn đang diễn ra tại thành phố. Trong các bài đăng trên Twitter, Thị trưởng Lori Lightfoot gọi vụ nổ súng là “khủng khiếp” và các tay súng là “hèn nhát.” (BBT)

Tham gia biểu tình,

thị trưởng Portland bị trúng đạn hơi cay

Thị trưởng thành phố Portland của Hoa Kỳ, Ted Wheeler, bị trúng đạn hơi cay vào sáng 23/7 khi ông tham gia biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát, Reuters đưa tin.
Lực lượng an ninh thường xuyên xịt hơi cay vào người biểu tình và các hộp đêm trong những tuần lễ bất ổn và ông Wheeler, trong khi đến thăm địa điểm biểu tình bên ngoài tòa án liên bang ở trung tâm thành phố Portland, đã kêu gọi các đặc vụ liên bang rút khỏi thành phố.
Ông Wheeler, cũng là ủy viên cảnh sát thành phố, đã bị những người biểu tình chế giễu. Họ kêu gọi ông từ chức và hô vang “Thật xấu hổ cho ông!”. Một số người nói rằng ông nên hành động nhiều hơn để bảo vệ công dân của Portland.
Việc triển khai đặc vụ liên bang tại Portland vào ngày 4/7 là một điểm nổi bật trong một tranh luận quốc gia về quyền tự do dân sự, vốn gây sôi động nước Mỹ kể từ sau cái chết của một người da đen tên George Floyd trong lúc bị cảnh sát bắt giữ tại thành phố Minneapolis vào ngày 2/5.
Người biểu tình và các giới chức địa phương coi động thái này là một mưu đồ chính trị của Tổng thống của Đảng Cộng hoà Donald Trump nhằm khuyếch đại chiến dịch “Luật pháp và trật tự” vào lúc ông đang phải đối mặt với cuộc chiến tái tranh cử đầy khó khăn.
Ông Wheeler, thuộc đảng Dân chủ, gọi sự can thiệp này là “lạm dụng quyền lực liên bang” và nói rằng nó gây leo thang bạo lực. Hôm 22/7, đám đông biểu tình ngày càng có nhiều người tham gia hơn.
Sau khi một vài người biểu tình đốt các túi rác bên ngoài tòa án, đặc vụ liên bang bên trong Trung tâm Tư pháp đã bắn hơi cay vào khu vực này.
Reuters cho biết ông Wheeler đứng ở hàng đầu, đeo khẩu trang và kính bảo hộ, bắt đầu ho. Ông bị trúng hai đợt hơi cay, chảy nước mắt, nước mũi, mắt và mặt đỏ ngầu. Ông được đội an ninh đưa đến tòa thị chính thành phố.
Trước đó, ông Wheeler đã phải đối mặt với một đám đông giận dữ gồm hơn 1.000 người biểu tình đứng chật cứng bên ngoài tòa án.
Văn phòng thị trưởng cho biết ông Wheeler tham gia cuộc biểu tình vào buổi tối để nói chuyện với người biểu tình và cố gắng giảm căng thẳng giữa người biểu tình và lực lượng chấp pháp trong 54 đêm qua.

Biểu tình ở Portland: ‘Không thể để kéo dài mãi’

Chính quyền địa phương nên tổ chức đối thoại với người biểu tình để chấm dứt cuộc biểu tình ròng rã ở Portland, bang Oregon, một cư dân gốc Việt ở thành phố này nói với VOA và nhận định rằng phản ứng của cảnh sát ‘là thỏa đáng’ trước những ‘hành vi quá đáng’ của người biểu tình.
Nằm trong phong trào ‘Black Lives Matter’ đòi công lý cho người da màu và các sắc dân thiểu số sau cái chết của George Floyd ở Minneapolis cuối tháng 5, thế nhưng trong khi các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ giờ đã lắng dịu thì cuộc biểu tình ở Portland, thành phố lớn nhất bang Oregon, đến nay tiếp diễn sang ngày thứ 54 mà vẫn chưa thấy lối ra.
Trong lúc này, chính quyền liên bang và chính quyền địa phương ở Oregon và Portland đang tranh cãi về cách đối phó với cuộc biểu tình. Tổng thống Donald Trump kêu gọi thực thi pháp luật và trật tự, đồng thời lên án thái độ mà ông cho là ‘dung túng người biểu tình’ trong khi chính quyền địa phương chỉ trích việc ông Trump triển khai lực lượng liên bang đến trấn áp bạo loạn là ‘làm cho tình hình tồi tệ hơn’.
Portland, một thành phố có đông người da trắng, được biết đến là một trong những thành phố cấp tiến nhất nước Mỹ. Nơi đây từng diễn ra phong trào phản chiến mạnh mẽ trong chiến tranh Việt Nam.
‘Ba thành phần’
Trao đổi với VOA, ông Từ Đức Tháo, người đã sống ở Portland từ năm 1991 và hiện là chủ tịch cộng đồng người Việt ở đây, nhận định về ‘ba thành phần’ của cuộc biểu tình.
“Thành phần ôn hòa thì người ta chỉ muốn nói lên tiếng nói của họ. Người ta dựa theo luật pháp biểu tình đàng hoàng, đưa khẩu hiệu đàng hoàng. Những người đó mình rất trân trọng và muốn tham gia với họ,” ông trình bày.
Thành phần thứ hai được ông Tháo mô tả là ‘vô chính phủ’ muốn đối chọi với chính quyền, với cảnh sát. “Thử hỏi có một đất nước nào trên thế giới mà không có chính quyền, không có cảnh sát thì xã hội sẽ đi về đâu,” ông bức xúc.
Thành phần sau cùng, vẫn theo lời ông Tháo, là những người chủ trương ‘chống phát xít’, tức Antifa, nhưng lại ‘làm điều không thể ngờ được’ là lợi dụng cảnh sát đang đối phó người biểu tình để ‘nhào vô các cửa tiệm hôi của rồi bước ra hớn hở lắm’.
“Hành động này cho thấy lẽ ra Mỹ là một xã hội tiến bộ, gương mẫu cho cả thế giới mà còn tệ hơn xã hội nào hết. Đó là điều mà tôi bất bình lắm,” ông nói về thành phần thứ ba.
Tuy nhiên, ông cho biết hành động hôi của, cướp bóc ‘chỉ xảy ra vào những ngày đầu cuộc biểu tình’ còn giờ đây ‘nhờ cảnh sát canh chừng dữ lắm’ nên không xảy ra.
Ông Tháo cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với chính nghĩa của phong trào ‘Black Lives Matter’, tức ‘Mạng sống của người da đen là quan trọng’.
“Tôi nghĩ rằng nếu họ không liên tiếng thì những chuyện đó xảy ra với cộng đồng của họ nữa,” ông giải thích về lập trường của mình. “Họ có thành quả của họ thì những sắc dân khác cũng được hưởng. Nếu không nhờ họ thì người Á châu sống ở Mỹ lên xe buýt phải ngồi ở hàng chót nhất – mình thấy có đau lòng không?”
“Người da đen đi trước dọn đường cho những sự bình đẳng mà mình được hưởng thì mình không có duyên cớ gì mà ngoảnh mặt làm ngơ, không ủng hộ họ,” ông giãi bày.
Ông Tháo lập luận rằng không thể lên án biểu tình vì ‘quyền biểu tình được luật pháp Mỹ bảo vệ’ và ‘cảnh sát đứng ra bảo vệ để biểu tình diễn ra trong trật tự và chống lại các hành động sai trái’.
Tuy nhiên, ông cho rằng những yêu cầu sửa đổi mà người biểu tình đưa ra ‘không thể nào sửa
đổi trong một sớm một chiều với tất cả sự thông cảm cho nước Mỹ đang trong mùa dịch’.
“Tôi ủng hộ họ, nhưng không phải vì thế mà ủng hộ cho những kẻ vô chính phủ, chống phát xít, lợi dụng biểu tình để làm những việc không mang lại lợi ích gì cho Portland,” ông nói rõ.
‘Hậu quả’ của biểu tình
Người lãnh đạo cộng đồng người Việt ở Portland này cũng chỉ ra những hành động của một số người trong đoàn biểu tình mà ông cho là ‘quá đáng’.
Trước hết, ông phẫn nộ với việc người biểu tình giật đổ tượng của những vị Tổng thống đầu tiên của Mỹ như George Washington và Thomas Jefferson. “Mình qua đây tị nạn, mình ngưỡng mộ hết sức những vị Tổng thống đầu tiên mà giờ đây tượng các ông đó không còn nữa,” ông tiếc nuối.
Kế đến, ông chỉ ra thành phần vô chính phủ ‘đi sau lưng những người ôn hòa và liệng đủ thứ vào cảnh sát, trong đó những bọc nylon đựng nước tiểu, đựng phân người thì làm sao cảnh sát người ta chịu nổi’.
“Cảnh sát tức giận lên thì họ phải bắn lựu đạn cay thôi,” ông nói và cho biết cách nay mấy hôm, nhóm vô chính phủ còn ‘tấn công đồn cảnh sát nữa’. “Nếu bữa rày không có cảnh sát thì tất cả công sở đã bị chiếm và nhà tù đã bị thả tù nhân ra hết trơn,” ông nói thêm.
Theo lời ông thì khu vực công viên xung quanh Tòa án ở Portland, nơi tập trung của cuộc biểu tình, những người biểu tình đã biến một khu vực giống như ‘khu tự trị mặc dù chính quyền đã rào lại không cho họ vào’.
“Nói đúng ra họ lợi dụng biểu tình ôn hòa để làm những chuyện kỳ quá. Ở đây mọi người đều phẫn nộ,” ông Tháo chia sẻ.
Điều mà ông Tháo cảm thấy khó hiểu là những người biểu tình mặc dù nói là ‘đấu tranh đòi công lý’ nhưng ‘chẳng bao giờ nghe họ đòi hỏi điều 1, điều 2, điều 3 là gì để chính phủ làm, chẳng hạn như phải cải tiến lực lượng cảnh sát ra sao’.
“Tại sao không nói ra những đề nghị của mình mà ngày nào cũng đi xuống đường đòi công lý nhưng lại không nói ra công lý là gì?” ông đặt vấn đề.
Ông cho biết do phải tập trung đối phó biểu tình mà lực lượng an ninh ở Portland bị lơ là trong việc đảm bảo các yêu cầu an ninh của người dân.
“Cảnh sát tập trung quân số xuống phố nên bây giờ ngoài đường hiếm thấy cảnh sát lắm. Cỡ 50 ngày nay không thấy cảnh sát xung quanh đây,” ông dẫn chứng.
Vì thế, ông cho biết người dân có việc gì khẩn cấp gọi vào số 911 thì họ cũng chỉ được hỏi cho qua ‘rồi cũng không có cảnh sát nào đi xuống hết’.
Về phần mình, ông cho biết ‘chỉ khi nào có việc cần thiết tôi mới đi xuống phố thôi và cũng không còn muốn đi dạo hay ngắm cảnh này kia trong mùa hè nữa’.
“Xuống đó lỡ có chuyện gì xảy ra, mấy anh cảnh sát tưởng mình trong đoàn biểu tình họ bắt nhầm thì cũng kẹt lắm,” ông nói lý do.
Chính quyền mềm yếu?
Về cách phản ứng của chính quyền Portland trước thành phần quá khích trong cuộc biểu tình, ông Tháo cho là mềm yếu.
“Ông thị trưởng, bà thống đốc không đứng ra nói rằng các vị biểu tình chúng tôi đồng ý theo Hiến pháp nhưng quý vị làm ơn đừng phá tượng vì đó là biểu tượng của đất nước. Không ai nói một tiếng gì cả.”
Ông cũng không đồng tình với việc chính quyền yêu cầu cảnh sát ‘không được mặc đồ bảo hộ và dùng hơi cay để đối phó người biểu tình’. “Đó là nói chuyện với những người ôn hòa thôi, còn với đám đông lộn xộn thì không được,” ông nói.
Cư dân này ủng hộ việc cảnh sát có hành động cương quyết hơn với các hành động quá đáng của người biểu tình. “Tôi nghĩ trấn áp không mang lại lợi ích cho cả hai phía, nhưng chẳng đặng đừng cảnh sát mới dùng đến hành động mạnh mẽ hơn,” ông lập luận.
“Người biểu tình làm quá chẳng lẽ cảnh sát đứng đó làm ngơ hay sao? Họ phải bảo vệ tính mạng của họ chớ và họ phải bảo vệ người lương thiện,” ông nói thêm.
Theo lời ông, hiện giờ cảnh sát tại chỗ ‘không làm mạnh tay mà chỉ bắt những người nào vi phạm lệnh giới nghiêm’ trong khi lực lượng thực thi pháp luật do chính quyền liên bang đưa vào ‘đối đầu với người biểu tình’.
Về việc lực lượng liên bang có phản ứng quá tay không, ông Tháo cho biết đã xảy ra việc một thành viên thuộc lực lượng liên bang bắn vào mặt một người biểu tình làm nứt sọ người này nhưng ‘nạn nhân không muốn làm lớn chuyện’.
Để phá vỡ thế bế tắc hiện nay ở Portland, ông Tháo đề nghị ‘tổ chức đối thoại’ giữa chính quyền Portland và người biểu tình mà khi đó nhóm biểu tình phải nói rõ yêu sách cụ thể của họ là gì.
Ngoài ra, ông cho rằng chính quyền địa phương nên hợp tác với chính quyền liên bang trong việc giải quyết cuộc biểu tình – điều mà hiện nay theo ông không xảy ra.
“Cứ xuống đường như thế không đối thoại thì không bao giờ chấm dứt biểu tình,” ông nói. “Theo tôi thấy biểu tình có thể kéo dài đến tháng 8, tháng 9, làm hao mòn bao nhiêu tiền của của chính phủ. Chính phủ phải trả tiền cho lực lượng cảnh sát các thành phố khác để họ dồn vào trung tâm Portland.”
Trong những ngày qua, những hình ảnh lực lượng an ninh liên bang mặc áo giáp đánh đập và bắn hơi cay vào những người biểu tình không có vũ trang, trong đó có một cựu quân nhân, và tin tức về việc người biểu tình bị kéo lên những chiếc thùng xe không có đánh dấu đã lan truyền trên mạng, khiến người dân Mỹ tranh cãi về việc dùng lực lượng liên bang đối phó người biểu tình.
“Đây là đất nước dân chủ, không phải là chế độ độc tài,” Thống đốc Oregon Kate Brown nói trong một tuyên bố hôm 21/7. “Chúng ta không thể để cảnh sát chìm bắt cóc người dân lên những chiếc xe không có dấu hiệu.”
Các nhà hoạt động nhân quyền ở Portland cho rằng sự hiện diện của lực lượng liên bang càng làm cho bạo lực thêm leo thang. Thị trưởng Portland Ted Wheeler ra thông cáo nói rằng ‘ông Trump lạm dụng quyền hành’ với việc đưa lực lượng đến thành phố. Ông Wheeler đã cùng thị trưởng của năm thành phố lớn khác ở Mỹ kêu gọi giới chức liên bang rút lực lượng khỏi Portland viện dẫn lý do là cuộc biểu tình ở Portland phần lớn là ôn hòa.

Tại sao không thể so sánh tình trạng của Hoa Kỳ

 với các quốc gia trong đại dịch COVID-19

Bình luậnTrọng Nguyên
Nhiều người cho rằng Hoa Kỳ đang xử lý yếu kém trong đại dịch, khi nhiều kênh truyền thông đưa tin về số ca tử vong cao vút tại nước này, nhưng xén mất bối cảnh…
Đại dịch virus Vũ Hán quả là năng động, bùng phát và đánh mạnh vào một số địa điểm và một số nhóm người, sau đó giảm dần rồi đôi khi lại bùng phát ở đâu đó. Chúng ta dựa vào dữ liệu để theo dõi sự bất thường của đại dịch; nhưng dù các bộ dữ liệu có đồ sộ đến mấy, thì hạn chế vẫn luôn luôn xuất hiện.
Giải thích cho sự hóc búa này, tổ chức phi lợi nhuận Our World in Data (trụ sở tại Oxford) cho hay:
“Không có dữ liệu thì chúng ta không thể hiểu được đại dịch. Chỉ từ dữ liệu tốt thì chúng ta mới có thể biết được dịch bệnh lây lan như thế nào, tác động như thế nào đối với người dân trên thế giới, và liệu các quốc gia có thành công hay không khi đưa ra các biện pháp ứng phó.
Tuy nhiên, ngay cả những dữ liệu tốt nhất về đại dịch virus Corona cũng còn cách xa sự hoàn hảo”.
Có vẻ như rõ ràng là không có biểu đồ, hình vẽ, hoặc chỉ số đơn lẻ nào đủ để đưa ra một bức tranh có ý nghĩa về tình huống của COVID-19; nhưng cũng có một số thông tin lưu hành trên internet với rất ít lời giải thích, như thể chúng có khả năng khái quát được tình thế hiện nay.
Ví dụ như vào đầu tháng 6, một số kênh (1) truyền thông (2) đã đề cập về một thực tế tại Hoa Kỳ: quốc gia này báo cáo số ca tử vong do COVID-19 cao nhất so với bất kỳ nước nào khác, nhưng lại không có bất kỳ lời giải thích nào hay nói gì về bối cảnh. Thực tế này thì đúng, nhưng nếu xén đi bối cảnh, người ta có thể suy luận rằng: Hoa Kỳ đang xử lý yếu kém trong khủng hoảng.
Yếu tố đầu tiên cần xem xét và rõ ràng nhất là Hoa Kỳ có dân số đông hơn các nước phát triển khác. Các quốc gia có quy mô dân số tương đương Hoa Kỳ là Pakistan, Indonesia, Nigeria; nhưng đó là các nước thuộc thế giới thứ ba và chính phủ của họ không thể có đủ nguồn lực để kiểm tra và theo dõi với mức độ tương đương của Hoa Kỳ. Theo lẽ thường, chúng ta khó mà có thể so sánh nước Mỹ với các quốc gia đó.
Vậy có công bằng không nếu chúng ta so sánh tỷ lệ bệnh ở các nước phát triển khác với Hoa Kỳ? Trong một chừng mực nào, nếu những khác biệt trong việc xét nghiệm và dữ liệu được đưa vào để cân nhắc.
Báo cáo của các kênh truyền thông hồi đầu tháng 7 đã so sánh số liệu của Hoa Kỳ với Liên minh châu Âu (EU), do quy mô dân số có thể tạm gọi là tương đồng: 328 triệu dân ở Hoa Kỳ và 446 (3) triệu người ở 27 quốc gia thuộc EU.
Theo dữ liệu từ website của Our World in Data vào 5/7 năm nay, Hoa Kỳ có 2.9 triệu ca nhiễm COVID-19 và 132.000 ca tử vong; trong khi đó, EU báo cáo 1.3 triệu ca nhiễm và 134.000 ca tử vong. Hoa Kỳ đã báo cáo số ca nhiễm nhiều hơn gấp đôi của EU, nhưng tỷ lệ tử vong thì chỉ cao hơn một chút: 0,04% tại Hoa Kỳ, so với 0,03% tại EU.
Tuy nhiên, còn một số yếu tố đằng sau những chỉ số này cần phải xem xét.
Thứ nhất là những người hay vật nào đang được tính vào sổ để xét nghiệm. Không có tiêu chuẩn quốc tế nào về những gì đang được theo dõi, quốc gia khác nhau sử dụng những cách tính khác nhau. Có nước đếm số người được xét nghiệm, có quốc gia tính theo số lần xét nghiệm được thực hiện, cũng có những nước thay đổi tiêu chỉ báo cáo giữa chừng – ví dụ như Y và Pháp.
Yếu tố thứ hai là quy mô của thử nghiệm. Cũng theo Our World in Data (4), hầu hết các nước thuộc EU (19 quốc gia) chỉ xét nghiệm những người đã có triệu chứng, trong khi Hoa Kỳ vẫn đang xét nghiệm kể cả những người không có triệu chứng.
Nói cách khác, Hoa Kỳ đang tiến hành thử nghiệm mạnh mẽ hơn. Còn trong 27 quốc gia EU, chỉ có Luxembourg, Đan Mạch, và Bồ Đào Nha tiến hành thử nghiệm trên đầu người nhiều hơn so với Hoa Kỳ.
Tất nhiên, thử nghiệm nhiều hơn thì sẽ phát hiện ra nhiều trường hợp hơn, và số lượng người được xét nghiệm hàng ngày vẫn đang tăng lên tại Hoa Kỳ, còn Châu Âu thì không mấy thay đổi.
Tỷ lệ tử vong không nhất thiết chỉ ra tình trạng tử vong
Tỷ lệ tử vong là tỷ lệ phần trăm giữa số trường hợp tử vong đã biết và số ca nhiễm đã biết. Có một quan niệm sai lầm phổ biến là: tỷ lệ tử vong cho thấy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Điều này không hẳn là chính xác.
Ví dụ: Có hai người đến bệnh viện và họ đều xét nghiệm dương tính với cùng một bệnh mới, sau đó cả hai đều tử vong vì bệnh này, vậy thì tỷ lệ tử vong trên ca bệnh trong trường hợp này là 100%.
Tuy nhiên, ở những quốc gia tiến hành xét nghiệm nhiều như Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong sẽ thấp hơn. Tỷ lệ này tại Hoa Kỳ là khoảng 4,6% (theo tính toán của Đại học Johns Hopkins vào 12/7 là 4,2%), còn của EU vào 5/7 là 10,3%.
Cách đánh giá tỷ lệ tử vong là khác nhau
Có một số tiêu chí để phân loại tử vong với nguyên nhân là COVID-19.
Trong cuộc họp báo vào tuần đầu tiên của tháng Tư (2020), Tiến sĩ Deborah Birx – Điều phối viên của Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 thuộc Nhà Trắng, cho biết: “Tôi nghĩ, ở đất nước này, chúng ta đã thực hiện một cách tiếp cận rất rộng rãi đối với tỷ lệ tử vong”.
Cô ấy nói rằng ở các quốc gia khác, nếu ai đó có biểu hiện nhiễm COVID-19 từ trước, sau đó đến bệnh viện, rồi tử vong vì bệnh này, thì trường hợp đó có thể không được tính là một cái chết do bệnh virus Vũ Hán; còn Hoa Kỳ có thể sẽ tính khác.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ, các trường hợp tử vong tại nước này được phân loại là do COVID-19: “có thể bao gồm… các trường hợp mắc bệnh chưa được xác nhận từ phòng thí nghiệm”.
CDC thừa nhận rằng, việc thiếu những kết quả xét nghiệm sẽ gây ra sai số về số liệu tử vong đối với COVID-19, viêm phổi, cúm, và các bệnh giống như cúm.
“Tử vong do COVID-19 có thể sẽ bị phân loại sai, do viêm phổi hoặc vong do cúm, nếu không có kết quả xét nghiệm dương tính, viêm phổi hoặc cúm có thể xuất hiện trên giấy chứng tử là tình trạng hôn mê. Ngoài ra, các triệu chứng bệnh của COVID-19 cũng có thể tương tự như các bệnh giống cúm, các trường hợp tử vong vì vậy cũng có thể bị phân loại nhầm là cúm. Do đó, sự gia tăng số ca tử vong do viêm phổi và cúm có thể là chỉ số thặng dư liên quan đến tỷ lệ tử vong do COVID-19″.
Ở các nước EU bị ảnh hưởng nặng như Ý và Pháp, cần có xác nhận trong phòng thí nghiệm.
Trọng Nguyên
- Theo The Epoch Times.

Quan hệ kinh tế Anh-Trung gắn bó tới mức nào?

Justin Harper
Mối quan hệ kinh tế giữa Anh và Trung Quốc đã tăng mạnh mẽ trong hai thập niên vừa qua.
Năm 1999, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 26 của Anh. Nay Trung Quốc đứng hàng thứ sáu.
Quan hệ thương mại giữa hai nước đạt mức cao kỷ lục hồi năm ngoái, trong đó phần lớn là nhờ các dự án cơ sở hạ tầng và giáo dục.
Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng gia tăng giữa London và Bắc Kinh sau việc chính phủ Anh đảo ngược quyết định trong việc sử dụng thiết bị viễn thông 5G của Huawei đang khiến cho mối quan hệ vốn đem lại lợi ích cho cả hai nước bị đe dọa.
Thương mại
Hồi năm ngoái, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ sáu của Anh, với trị giá 30,7 tỷ bảng, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia (ONS).
Đây là mức cao kỷ lục, tăng từ 23,4 tỷ bảng trong năm 2018, và cũng là năm thứ tư tăng liên tiếp.
Leslie Young, Giáo sư Kinh tế tại Cheung Kong Graduate, Trường Kinh doanh Bắc Kinh, nói với BBC rằng theo quan điểm của ông thì quan hệ thương mại giữa hai nước không thể trở thành nạn nhân của mối căng thẳng gia tăng hiện thời.
“Sự thù nghịch gia tăng giữa Anh và Trung Quốc khó có khả năng tạo tác động nghiêm trọng tới các nhân tố hàng đầu trong quan hệ thương mại. Các tác động chính nhiều khả năng sẽ là từ mảng giáo dục đại học và trên đại học của Anh, và vai trò của Anh trong việc trở thành cổng làm ăn cho các công ty Trung Quốc.”
Cơ sở hạ tầng
Trung Quốc cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cơ sở hạ tầng của Anh, gồm cả trong các dự án nhà máy điện hạt nhân.
Hãng China General Nuclear Power (CGN) hiện đang tài trợ cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point trị giá 20 tỷ bảng ở Somerset.
Tập đoàn quốc doanh này của Trung Quốc cũng có quyền mua 20% cổ phần một nhà máy khác đang được dự kiến xây dựng tại Sizewell ở Suffolk, và phần lớn cổ phần của một doanh nghiệp quản lý một số dự án điện hạt nhân khác.
Tập đoàn China Investment Corporation thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc hiện nắm 8,7% cổ phần trong nhà máy nước Thames Water và 10% cổ phần của hãng sở hữu sân bay Heathrow Airport London.
Trung Quốc cũng nắm cổ phần trong hoạt động khai thác dầu của Anh ở Biển Bắc, thông qua hãng China National Offshore Oil Corporation (CNOOC).
Sinh viên Trung Quốc
Số lượng sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học Anh đã tăng hơn ba lần kể từ năm 2006, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NIESR).
Tiền học phí từ các sinh viên Trung Quốc đem lại ít nhất 1,7 tỷ bảng Anh mỗi năm cho các trường đại học và các trường tư của Anh.
Giới chuyên gia cảnh báo rằng các trường đại học Anh sẽ gặp khó khăn về mặt tài chính nếu Trung Quốc áp lệnh cấm sinh viên sang Anh du học.
“Bởi sinh viên Trung Quốc chiếm một lượng lớn trong số các sinh viên quốc tế, tác động tài chính sẽ là rất lớn,” phát ngôn viên của của hãng chuyên phân tích thị trường Emerging Strategy, đóng tại Thượng Hải, nói.
“Các trường đại học sẽ cần điều chỉnh chi phí của mình, hoặc phải tìm cách khác để tạo thu nhập.”
Tuy nhiên, Hội đồng Anh đã làm giảm nhẹ bớt những lo sợ về làn sóng tháo chạy hàng loạt của sinh viên Trung Quốc.
“Việc lên kế hoạch du học dài hạn khó có thể bị ảnh hưởng bởi những mối quan hệ chính trị ngắn hạn. Anh Quốc luôn là một trong những điểm đến hàng đầu đối với sinh viên Trung Quốc,” phát ngôn viên của Hội đồng Anh nói với BBC.
Mua bán công ty
Trung Quốc đã rất chủ động trong nhiều vụ mua bán công ty nổi bật ở Anh, kéo theo việc đầu tư nhiều tỷ bảng vào Anh.
Hồi tháng Ba, British Steel được tập đoàn Jingye của Trung Quốc mua lại, trong một bước đi được trông đợi là sẽ cứu vãn được hơn 3.000 công ăn việc làm.
Tập đoàn Jingye của Trung Quốc đang mua lại tập đoàn thép của Anh, British Steel
Hãng Trung Quốc nói rằng họ sẽ đầu tư hơn 1 tỷ bảng nhằm giúp hiện đại hóa ngành thép.
Trong số các vụ mua bán đáng chú ý khác đang có vụ hãng sản xuất xe hơi Geely của Trung Quốc mua lại hãng sản xuất taxi Black Cab của Anh, và tập đoàn Fosun International mua lại câu lạc bộ bóng đá Wolverhampton Wanderers.
Công nghệ
Đầu tư của hãng công nghệ Huawei tại Anh Quốc là chuyện nổi bật, vốn đã được bắt đầu kể từ năm 2005.
Tuy sẽ không tiếp tục tham gia vào việc trực cung ứng thiết bị 5G mới, nhưng Huawei sẽ vẫn tham dự vào các cơ sở hạ tầng viễn thông đã có sẵn.
Trong lúc hầu hết các cuộc trao đổi đều xoay quanh Huawei, nhưng Huawei không phải là công ty công nghệ duy nhất mà Anh Quốc và Trung Quốc có mối liên hệ chung.
Cơn khát của Trung Quốc đối với các công ty công nghệ cao của Anh khiến Trung Quốc đã mua lại hãng sản xuất con chip Imagination Technologies hồi năm 2017.
Phần lớn số tiền được dùng trong vụ mua bán này đến từ quỹ đầu tư China investment được Bắc Kinh hậu thuẫn.
Các doanh nghiệp Anh tại Trung Quốc
Tuy dòng tiền chủ yếu là từ các công ty Trung Quốc và các tập đoàn quốc doanh của Trung Quốc chảy vào Anh, nhưng cũng có một số hãng lớn của Anh tới làm ăn tại Trung Quốc, một quốc gia có 1,4 tỷ dần với mức thu nhập đang gia tăng nhanh chóng.
Các công ty lớn của Anh có mặt ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như ở ngành năng lượng, sản xuất xe hơi, dược phẩm, và dịch vụ tài chính.
Hồi năm ngoái, đại sứ Trung Quốc tại Đức đe dọa sẽ có hậu quả xảy ra đối với khi các hãng sản xuất xe hơi Đức nếu như Huawei bị chặn, không được tham dự vào các hệ thống 5G của Đức, làm dấy lên những quan ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng chiến thuật tương tự đối với các nước khác.
Tuy nhiên, giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc Steven Lynch nói với BBC, ông lạc quan rằng đây là tình thế có thể tránh được.
“Chúng tôi hy vọng rằng các hãng sản xuất xe hơi của Anh, những hãng vừa nhập khẩu hàng vào Trung Quốc vừa sản xuất nội địa, sẽ không bị tấn công do quyết định của chính phủ Anh,” ông nói.
Phòng Thương mại Anh cảnh báo rằng ngành viễn thông Anh và các công ty công nghệ cùng các hãng IT cũng có thể bị rủi ro.
Tuy nhiên, ông Lynch nói thêm rằng hai nước cần phải “duy trì hoạt động thương mại, đầu tư mạnh mẽ trong những tháng tới, bất chấp môi trường chính trị nhiều thách thức”.

Trung Quốc đe dọa ngừng công nhận

hộ chiếu Anh của người Hong Kong

Trung Quốc hôm 23/7 đe doạ rút lại sự công nhận hộ chiếu Anh (BNO) của người Hong Kong nhằm trả đũa chính sách của Anh dành cho cựu thuộc địa để nới lỏng thủ tục trở thành công dân, theo Reuters.
Bắt đầu từ tháng 1 năm 2021, những người Hong Kong trong tình trạng trên có thể nộp đơn xin thị thực đặc biệt để sống ở Anh, và sau đó trở thành công dân Anh, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel cho biết trong tuần này.
Trung Quốc phản đối chính sách này và gọi đây là sự “can thiệp vào các vấn đề nội bộ”, theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng hành động này vi phạm trắng trợn các cam kết của Anh, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc quan hệ quốc tế.
“Vì phía Anh vi phạm cam kết trước, nên Trung Quốc sẽ xem xét không công nhận hộ chiếu BNO là giấy tờ thông hành hợp lệ và bảo lưu quyền thực hiện các biện pháp tiếp theo”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một cuộc họp báo.
Hãng thông tấn Anh cho biết ngay cả trước khi Anh đưa ra chính sách trên, Trung Quốc đã không công nhận hộ chiếu BNO là giấy tờ hợp lệ để nhập cảnh vào đại lục của cư dân Hong Kong. Thay vào đó, họ yêu cầu người Hong Kong phải sử dụng giấy thông hành do Trung Quốc cấp.
Quyết định của London cho phép gần 3 triệu cư dân Hong Kong định cư ở Anh. Quyết định này được đưa ra sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh mới mà các nhà hoạt động dân chủ lo ngại sẽ chấm dứt các quyền tự do đã được hứa dành cho lãnh thổ này vào năm 1997, khi Hong Kong được Anh trao trả lại cho Trung Quốc.
Trong một tuyên bố, lãnh sự quán Anh tại Hong Kong cho biết con đường nhập cư cho phép người Hong Kong sống, làm việc hoặc học tập ở Anh đã được đưa ra sau quyết định của chính phủ Trung Quốc về việc áp đặt luật an ninh quốc gia mới.
Anh nói rằng luật này vi phạm các điều khoản của hiệp ước bàn giao đã được thỏa thuận vào năm 1984. Trong khi đó, Bắc Kinh cáo buộc London can thiệp vào các vấn đề Hong Kong và Trung Quốc.
“Trung Quốc kêu gọi Anh công nhận thực tế là Hong Kong đã được trả lại cho Trung Quốc, hãy xem xét luật an ninh quốc gia Hong Kong một cách khách quan và ngay lập tức sửa chữa sai lầm”, Đại sứ quán Trung Quốc ở London nói trong một tuyên bố hôm 23/7.

Anh nhờ các công ty Nhật Bản thay thế Huawei

Chính quyền Anh vừa đề nghị Nhật Bản giúp đỡ xây dựng mạng lưới 5G sau khi tuyên bố sẽ dần loại bỏ các thiết bị của Huawei
Huawei sẽ bị loại bỏ hoàn toàn ở Anh vào năm 2027
Hãng tin Nikkei dẫn nguồn tin tử chính phủ Nhật Bản cho biết, Anh đã gọi tên tập đoàn NEC và Fujitsu làm những nhà cung cấp thay thế tiềm năng cho Huawei.
Các quan chức Anh đã gặp gỡ những người đồng cấp ở Tokyo vào hôm 17-7-2020, 2 ngày sau khi Anh ra lệnh loại bỏ hoàn toàn thiết bị của Huawei khỏi mạng lưới viễn thông của mình vào năm 2027.
Đây là sự thay đổi hoàn toàn của chính phủ Anh so với hồi đầu năm 2020 khi London vẫn đồng ý để Huawei tham gia vào các dự án 5G bất chấp áp lực từ Mỹ. Thời điểm đó, Huawei vẫn được phép chiếm tối đa 35% thị trường Anh và các thiết bị của hãng không được sử dụng trong những phần quan trọng của mạng 5G.
Với việc Anh sắp rời khỏi EU, sự lo sợ an ninh đối với Huawei đã buộc Thủ tướng Boris Johnson phải chọn giữa Mỹ hoặc Trung Quốc.
Tờ Nikkei cho biết, động thái mới nhất cho thấy nỗ lực của Anh trong việc mang tới những nhà cung cấp thiết bị mới để tạo ra sự cạnh tranh và giảm chi phí cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng di động không dây.
Bộ trưởng Công nghệ số Anh Oliver Dowden cho biết, nước này đang làm việc với nhiều đồng minh nhằm tạo ra những đối thủ mạnh hơn để cạnh tranh với Huawei, bao gồm các công ty đến từ Phần Lan, Thụy Điển, Hàn Quốc và Nhật Bản.

5G: Pháp sẽ không triển hạn

giấy phép mua thiết bị Hoa Vi

Trọng Thành
Tiếp theo Anh, đến lượt nước Pháp đóng cửa với tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi. Mặc dù không chính thức ra lệnh cấm mua thiết bị của Hoa Vi, việc Paris không triển hạn các giấy phép mua thiết bị 5G của hãng, trên thực tế, đồng nghĩa với việc tập đoàn Trung Quốc bị loại khỏi mạng viễn thông 5G tại Pháp.
Hãng tin Reuters hôm qua, 22/07/2020, dẫn ba nguồn tin nắm rõ hồ sơ này, cho biết các tập đoàn viễn thông Pháp muốn mua thiết bị 5G của Hoa Vi sẽ không được triển hạn giấy phép. Quyết định nói trên sẽ ảnh hưởng trước hết đến hai tập đoàn Bouygues Telecom (Bouygues) và SFR (Altice Europe), đang sử dụng nhiều thiết bị của Hoa Vi trong việc xây dựng mạng viễn thông 5G.
Theo ba nguồn tin của Reuters, quyết định không triển hạn giấy phép mua thiết bị Hoa Vi được đưa ra trong các cuộc trao đổi không chính thức, và không được ghi vào văn bản chính thức, nhưng quyết định này « thể hiện rõ lập trường của chính phủ Pháp ». Trả lời phỏng vấn nhật báo kinh tế Les Echos hồi đầu tháng, Cơ quan Quốc gia về An toàn Hệ thống Thông tin (ANSSI) cho biết « đối với những tập đoàn đã sử dụng (thiết bị của Hoa Vi), chúng tôi sẽ cấp giấy phép có thời hạn từ 3 đến 8 năm ». Hiện tại, ANSSI chưa đưa ra bình luận nào về thông tin của Reuters.
Một trong ba nguồn tin nói trên nhận xét : « Lập trường của Anh và Pháp hiện nay trên thực tế là giống nhau, cho dù các phát biểu chính thức có khác nhau ». Hôm 14/07, Luân Đôn đã chính thức ra lệnh loại hoàn toàn thiết bị của Hoa Vi ra khỏi mạng viễn thông 5G, vì lo ngại các thiết bị này bị sử dụng vào mục tiêu gián điệp.
Theo ba nguồn tin nói trên, đa số các hợp đồng với Hoa Vi được cấp giấy phép trong thời hạn 3 năm hoặc 5 năm, khác với các hợp đồng với các đối thủ cạnh tranh của Hoa Vi, hai tập đoàn châu Âu Ericsson và Nokia. The Wall Street Journal ngày 20/07/2020 cho biết Trung Quốc dự tính sẽ có các biện pháp trả đũa nhắm vào okia và Ericsson, nếu Liên Hiệp Châu Âu theo chân Mỹ và Anh loại Hoa Vi ra khỏi chương trình phát triển mạng viễn thông 5G.

Covid-19: 40 triệu khẩu trang miễn phí

cho dân nghèo tại Pháp

Trọng Thành
Kể từ ngày 20/07/2020, tại Pháp, tất cả mọi người đều phải mang khẩu trang tại những nơi công cộng khép kín, để ngăn chặn nguy cơ đại dịch Covid-19 tái bùng phát. Bộ Y Tế Pháp hôm qua, 22/07, thông báo chính phủ sẽ gửi 40 triệu khẩu trang đến 7 triệu người dân Pháp thuộc nhóm có thu nhập thấp nhất.
Theo bộ trưởng Y Tế Olivier Véran, « 40 triệu khẩu trang, có thể giặt để dùng được nhiều lần, tối đa là 30 lần » sẽ được Bưu Điện chuyển đến tận nhà 7 triệu người Pháp thuộc nhóm nghèo, hiện đang hưởng chế độ « bảo hiểm y tế phổ quát » (CMU-C/ACS). Trả lời đài truyền hình France 2, bộ trưởng Y Tế cho biết rõ là số khẩu trang nói trên, đủ dùng cho ba tháng, sẽ được chuyển đến tận tay người dùng trong vài ngày tới, theo hợp đồng giữa chính phủ và Bưu Điện Pháp.
Theo bộ trưởng Y Tế, 2 triệu người Pháp sức khỏe yếu cũng sẽ được bảo hiểm y tế « hoàn trả 100% tiền mua khẩu trang y tế ». Bộ trưởng Olivier Véran nhấn mạnh là « Nhà nước sẽ không để bất cứ ai không có điều kiện trang bị khẩu trang ».
Theo quyết định mới của chính quyền, kể từ ngày 20/07, việc mang khẩu trang tại các nơi công cộng trong không gian kín là bắt buộc, người vi phạm sẽ phải nộp phạt 135 euro.
Sau khi quyết định nói trên được công bố, Hiệp hội những người tiêu dùng Pháp CLCV (Consommation, Logement, Cadre de Vie) đã nêu khả năng chính phủ trợ cấp mua khẩu trang 50 euro/tháng cho mỗi người. Rút cục, chính quyền chọn giải pháp cung cấp khẩu trang miễn phí cho những người Pháp nghèo nhất.

Paris duy trì

liên hoan Nhạc cổ điển trong vườn hoa Vincennes

Tuấn Thảo
Sau nhiều tháng bặt tin, cuối cùng ban văn hóa thuộc Tòa Đô chính Paris đã thông báo duy trì việc tổ chức vào mùa hè năm nay các buổi hòa nhạc cổ điển trong vườn hoa Vincennes. Do các quy định giãn cách xã hội đang có hiệu lực, chương trình biểu diễn năm này đã được rút gọn lại, diễn ra từ ngày 15/08 đến ngày 19/09/2020.
Mang tên chính gốc là ‘‘Classique au vert’’ (trong tiếng Anh là The Green Classic Music  Festival), đây là một liên hoan thường niên được thành lập vào năm 1993 và được tổ chức vào mỗi mùa hè trong một không gian rộng mở thoáng mát, lợp đầy bóng cây xanh. Đúng như tên gọi của mình, liên hoan ‘‘Classique au vert’’ ban đầu chủ yếu là các buổi trình diễn nhạc thính phòng để rồi được mở rộng với thời gian, năm tháng sang nhiều thể loại âm nhạc khác.
Trong chương trình năm nay, liên hoan Classique au vert giới thiệu 7 buổi biểu diễn khác nhau gồm cả nhạc thính phòng hay hòa tấu, giai điệu opera và dòng nhạc xướng âm, các màn độc diễn dương cầm, vĩ cầm bên cạnh các nhóm tứ tấu chơi xen kẻ với một dàn nhạc giao hưởng ….. có lẽ cũng vì nội dung khá phong phú đa dạng, cho nên liên hoan Nhạc cổ điển trong vườn hoa (Parc Floral de Vincennes) đã tạo được thêm nhiều uy tín, chương trình bao gồm cả giới nghệ sĩ nổi danh lẫn các tài năng mới, có thể làm hài lòng giới chuyên môn khó tính cũng như giới yêu nhạc dù còn chưa sành điệu.
Điển hình là đêm khai mạc liên hoan năm nay rơi vào ngày lễ Đức Mẹ lên trời (lễ Assomption 15/08/2020) được dành cho tài nghệ chơi đàn piano của Alexandre Kantorow, nghệ sĩ trẻ người Pháp đầu tiên từng đoạt giải quán quân trong cuộc thi quốc tế hàng đầu Tchaikovsky tại Nga vào năm 2019 (năm anh 23 tuổi). Khán thính giả chờ được nghe Alexandre Kantorow biểu diễn lại hai bản concerto của Brahms và nhất là của Tachaikovsky đã từng giúp cho anh vào mùa hè năm ngoái đoạt giải nhất  một cuộc thi còn được xem như là Thế vận hội của dòng âm nhạc cổ điển. Do buổi biểu diễn rơi vào ngày lễ Đức Mẹ lên trời, cho nên không ít người ngưỡng mộ hy vọng được nghe Alexandre Kantorow biểu diễn thêm một vài trích đoạn, từ các tuyệt tác Ave Maria của Bach hay Gounod.Còn trong các buổi biểu diễn khác, chương trình năm nay được đặt dưới chủ đề ‘‘song hành’’, bắt nhịp cầu đối thoại giữa các thế giới
âm nhạc khác nhau, chẳng hạn như các giai điệu opera qua giọng ca muôn sắc trữ tình của Diana Tishchenko với nhịp điệu tango mới, thể loại sở trường của José Gallard, nghệ sĩ người Argentina. Hai nghệ sĩ này biễu diễn với nhau trên cùng một sân khấu vào buổi chiều chủ nhật 23/08.
Bước sang đầu tháng 09/2020, các buổi biểu diễn không còn đơn thuần là nhạc hòa tấu cổ điển mà sẽ được mở rộng sang âm nhạc thế giới, đề cao tài nghệ chơi đàn Balalaïka của Alexei Birioukov với dàn nhạc Sirba Octet phối hợp cùng lúc nhiều luồng ảnh hưởng phổ biến trong văn hóa dân gian xứ Nga, dân ca của người du mục tzigan hay truyền thống âm nhạc klezmer của người Đông Âu gốc DoThái.
Một cách tương tự, chương trình bế mạc liên hoan vào hôm 19/09 sẽ đối chiếu giọng ca soprano đầy kịch tính của Jodie Devos với tài nghệ biến tấu uyển chuyển linh hoạt của dàn nhạc Contraste (hiểu theo nghĩa tương phản), có khả năng chơi đàn theo lối xen kẻ hay phối hợp rất nhiều thể loại âm nhạc với nhau kể cả nhạc jazz, nhạc blues và gospel cũng như các nhịp điệu La Tinh.
Hầu hết các buổi hoà nhạc ‘‘cổ điển’’ đều diễn ra ngay giữa lòng vườn hoa Vincennes, tại sân khấu lớn có mái che hình cánh diều màu trắng nằm bên cạnh hồ nước lớn. Nếu như trong những năm trước, các buổi biểu diễn tập trung vào hai ngày cuối tuần (thứ bảy và chủ nhật), thì năm nay Liên hoan Classique au Vert được dàn trải, cứ khoảng 5 ngày là có một buổi biểu diễn, kể cả thứ tư thứ năm hay vào dịp week end.
Các buổi trình diễn âm nhạc nhân dịp hè  đều hoàn toàn miễn phí. Đổi lại, khách tham quan phải chi 2,5 euro để mua vé vào cửa công viên Vincennes, miễn phí cho trẻ em dưới 7 tuổi. Lối vào vườn hoa được chỉ dẫn khi bạn xuống trạm Château de Vincennes, trạm cuối cùng đường xe điện ngầm số 1. Từ lúc rời khỏi trạm métro, bạn chỉ cần đi bộ khoảng vài phút là đến cổng vào công viên.
Điểm cần lưu ý là đa số các buổi trình diễn đều bắt đầu vào khoảng  thời gian từ 16 giờ đến 18 giờ. Khán giả không cần phải đăng ký trước như tại một số liên hoan, nhưng lại được yêu cầu đến trước giờ biểu diễn ít nhất là nửa tiếng. Tuy liên hoan diễn ra ở ngoài trời, nhưng khách tham quan vẫn được yêu cầu đeo khẩu trang trong những lúc di chuyển lui tới, và nhất là họ phải tuân thủ các khoảng cách tối thiểu, để tránh ngồi quá gần nhau, tùy theo chương trình biểu diễn khán giả có thể tụ họp đông đảo.

Đức: Cựu chủ tịch Wirecard bị bắt

về vụ gian lận tài chính

Thu Hằng
Tư Pháp Đức thông báo đã bắt cựu chủ tịch và là nhà sáng lập công ty thanh toán trực tuyến Wirecard vào ngày 22/07/2020, cùng với hai cựu giám đốc, trong khuôn khổ vụ gian lận tài chính lớn nhất tại Đức từ sau Thế Chiến Thứ Hai. Nhiều ngân hàng tại Đức và Nhật Bản cấp tín dụng cho Wirecard có nguy cơ mất 3,2 tỉ euro, sau khi công ty này thông báo phá sản vào tháng 06/2020.
Thông tín viên RFI Pascal Thibaut tại Berlin giải thích :
« Một trong những công ty hàng đầu của sàn chứng khoán Đức, con cưng của nhiều thị trường, mà lại do một băng đảng tội phạm điều hành trong nhiều năm, doanh thu giả mạo, hàng tỉ euro biến mất. Đây rõ ràng là thất bại rõ ràng của cơ quan quản lý. Vậy bộ trưởng Tài Chính Đức và thủ tướng Angela Merkel biết những gì ? Một lãnh đạo của Wirecard, được cho là đang trốn ở Mátxcơva, có phải là một nhân viên tình báo ?
Đối với nhà sản xuất điện ảnh Nico Hofmann, thực tế đã vượt quá cả phim ảnh và coi như soạn sẵn cho ông một kịch bản hoàn hảo cho bộ phim sắp tới về vụ tai tiếng tài chính lớn nhất ở Đức sau Thế Chiến Thứ Hai mà ông thông báo muốn khởi quay.
Ngày 22/07, tư pháp Đức đã bắt Markus Braun, nhà sáng lập Wirecard và hai giám đốc khác. Các cáo buộc đã được mở rộng đáng kể, cho thấy các vụ gian lận tài chính đã bắt đầu từ năm 2015. Để thổi phồng kết quả hoạt động của công ty cho nó hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, doanh thu dường như đã được khai khống. Markus Braun, từng bị bắt vì tội làm sai lệch cân đối kế toán và được tự do có bảo lãnh, lần này sẽ phải ngồi tù.
Vụ việc này còn mang tính chính trị. Từ đầu năm 2019, bộ trưởng Tài Chính Olaf Scholz đã nắm được những nghi ngờ về Wirecard. Vậy thì tại sao phủ thủ tướng lại khẳng định là không hay biết gì về cách làm ăn mờ ám của công ty này, trong khi thủ tướng Angela Merkel, khi thăm Trung Quốc năm 2019, đã quảng bá cho Wirecard ? »

Nhật Bản chính thức nới lỏng nhập cảnh cho Việt Nam

Chính phủ Nhật Bản chính thức quyết định nới lỏng nhập cảnh cho Việt Nam và Thái Lan.
Truyền thông trong nước trích lời của Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu cho biết vào ngày 23 tháng 7.
Theo đó, đối tượng được nới lỏng nhập cảnh là những người có mục đích thương mại ngắn hạn, lưu trú dài hạn với đối tượng kinh doanh, trí thức, ngoại giao, lao động có trình độ cao…
Ngoại trưởng Motegi cho biết lý do Việt Nam được nới lỏng đợt đầu tiên là vì Việt Nam đã ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 và có mong muốn sớm tái mở giao thương đối với các quốc gia trên thế giới.
Những đối tượng nhập cảnh Nhật Bản với mục đích thương mại, lý do đặc biệt đều phải có giấy chứng nhận sức khỏe đã kiểm tra PCR trước khi xuất cảnh. Sau khi đến Nhật Bản sẽ phải kiểm tra một lần nữa, nếu âm tính với virus mới đủ điều kiện nhập cảnh. Các hoạt động tại Nhật Bản sẽ được giám sát. Riêng với những đối tượng cư trú dài hạn phải cách ly ở nhà trong vòng 14 ngày.
Cũng trong đợt này, Ngoại trưởng Nhật Bản cho biết dự kiến các chuyến bay cũng sẽ được nối lại sớm nhất vào cuối tháng này.
Tính đến ngày 23/7, Việt Nam đã qua 98 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và 365/408 người nhiễm COVID-19 đã bình phục.
Tuy nhiên, đến cuối ngày 23/7, Bộ Y tế Việt Nam công bố thêm 4 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người nhiễm virus corona tại Việt Nam lên 412 người. Theo Bộ Y tế, cả 4 bệnh nhân này đều được cách ly ngay sau nhập cảnh, nên không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Nhân sĩ Hồng Kông tiết lộ: Nhân viên

Lãnh sự quán Trung Quốc đã đầu hàng Hoa Kỳ

Phụng Minh
Tới 4h chiều ngày 24/7, nếu nhân viên Lãnh sự quán Trung Quốc không rời khỏi Hoa Kỳ họ sẽ bị bắt, theo Thượng nghị sĩ Marco Rubio.
Vào tối ngày 21/7 (giờ địa phương), một vụ hỏa hoạn tại Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, Hoa Kỳ đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu. Trước đõ Mỹ đã yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán trong vòng 72 giờ, các nhân viên đã được lãnh sự quán yêu cầu rời đi, sau đó một số lượng lớn tài liệu bị đốt cháy. Vụ việc này đánh dấu một cuộc xung đột ngoại giao chưa từng có giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ngay khi thế giới bên ngoài đang suy đoán về những gì đã xảy ra, nhà công nghiệp Hồng Kông Viên Cung Di đã có chia sẻ độc quyền với Secretchina rằng, ông nhận được tin cho biết ai đó trong lãnh sự quán đã đầu hàng chính phủ Mỹ.
Vào khoảng 8h20 tối ngày 21/7, Sở Cứu hỏa và Sở Cảnh sát Houston đã nhanh chóng đến hiện trường vụ cháy tại Lãnh sự quán Trung Quốc sau khi nhận được báo cáo, nhưng lãnh sự quán không cho phép họ vào trong, sau đó chính nhân viên lãnh sự đã dập tắt đám cháy bằng vòi phun nước. Từ một đoạn video ghi hình ở tầm cao, cho thấy có sáu hoặc bảy thùng sắt đang bốc cháy, tỏa ra đám khói đen kịt trong sân trung tâm của lãnh sự quán. Bên trong thùng chứa có các tài liệu đang bị đốt cháy và một số người đang ném các vật thể vào ngọn lửa.
Cảnh sát Houston nói với FOX 26 rằng nhân viên lãnh sự quán đang đốt nhiều tài liệu được phân loại khác nhau và họ sẽ bị đuổi khỏi tòa nhà vào lúc 4h chiều ngày 24/7.
Vào ngày 22/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus đã xác nhận việc trục xuất Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston. Bà đã lên án các hoạt động gián điệp quy mô lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên khắp Hoa Kỳ: “Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho sự xâm phạm của ĐCSTQ tới chủ quyền và đe dọa nhân dân của chúng ta, giống như chúng ta sẽ không dung thứ cho các hành vi buôn bán không công bằng của ĐCSTQ, trộm cắp công việc của Mỹ và các hành vi xấu khác”.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Pompeo, người đang thăm châu Âu, nói trong một cuộc họp báo ở Đan Mạch: “Chúng tôi đã nói rõ với ĐCSTQ phải làm gì. Nếu họ không ngừng do thám, gián điệp, chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ người dân Mỹ, bảo vệ an ninh quốc gia của chúng tôi, bảo vệ nền kinh tế và việc làm của chúng tôi”. Anh là nước đầu tiên ông Pompeo đặt chân tới trong chuyến đi lần này, theo Secretchina, mục tiêu của chuyến đi của ông là xây dựng một liên minh toàn cầu hiểu được mối đe dọa của ĐCSTQ.
Sau vụ việc, Mira Rapp-Hooper, một nhà nghiên cứu cao cấp châu Á tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ, nói: “Chuyện xảy ra quá nhanh, đây là một sự leo thang lớn (trong căng thẳng Mỹ-Trung). Việc đóng cửa lãnh sự quán trong vòng 72 giờ cho thấy một hoạt động phi pháp lớn của Trung Quốc và báo hiệu một cuộc xung đột ngoại giao khá mạnh mẽ”.
Vào ngày 22/7, Thượng nghị sĩ Marco Rubio viết trên Twitter rằng: “Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston không phải là một cơ sở ngoại giao. Đó là một nút trung tâm trong mạng lưới quy mô lớn các gián điệp và hoạt động gây ảnh hưởng ở Mỹ. Tòa nhà đó phải đóng cửa ngay bây giờ và các gián điệp có 72 giờ để rời đi hoặc bị bắt”.
“Quân đội Trung Quốc đã gửi sinh viên cả công khai lẫn bí mật tới các trường đại học Mỹ để nghiên cứu những thứ có thể thúc đẩy lợi thế chiến tranh của họ trong thế giới kinh tế và các lĩnh vực khác”, ông David Stillwel, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương nói với tờ NYTimes hôm 22/7. Ông nhấn mạnh lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston đứng sau tất cả hoạt động này và “có lịch sử tham gia vào hành vi gây hại”.
Vụ việc xảy ra đột ngột, và thế giới bên ngoài suy đoán: 1. Chính xác thì Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston đã làm gì để khiến Hoa Kỳ ra lệnh trục xuất? Tất nhiên, vấn đề này sẽ không phải là chuyện nhỏ. Đây phải là một sự kiện lớn đe dọa và làm tổn hại đến lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ đã thu được bằng chứng; 2. Lãnh sự quán nhanh chóng phá hủy các tài liệu, những gì đã bị đốt và những gì được giấu trong đó? Điều gì đã xảy ra bên trong ĐCSTQ?
Vào ngày 22/7, Viên Cung Di, một nhà công nghiệp nổi tiếng ở Hồng Kông, đã độc quyền chia sẻ tin tức với Secretchina trong chương trình “Nhìn vào Trung Quốc” và nói rằng ông đã nhận được thông tin, nhân viên lãnh sự quán Houston muốn ở lại và đã ra đầu thú với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào nhân viên lãnh sự quán sẽ đầu hàng. Dự kiến sẽ có nhiều tin tức liên quan hơn sẽ xuất hiện trong vài ngày tới.
Trước khi Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston bị trục xuất, Hoa Kỳ đã thực hiện một loạt các cuộc tấn công nhắm vào Bắc Kinh. Vào ngày 20/7, Tống Sâm, một nữ bác sĩ quân đội Trung Quốc, bị buộc tội gian lận visa vì che giấu danh tính quân đội của cô. Vào ngày 21, hai tin tặc Trung Quốc, Lý Tiểu Vũ 34 tuổi và Đổng Gia Chí 33 tuổi, đã bị buộc tội ăn cắp thông tin mật của Hoa Kỳ.
Cựu chiến lược gia Nhà Trắng Bannon nói rằng chính quyền Trump đã xây dựng một “kế hoạch chiến tranh” hoàn chỉnh để giải thể ĐCSTQ. Kế hoạch này là tiến hành theo hai bước, trước tiên là “đối kháng”, sau đó là “đánh đổ” ĐCSTQ.
Bannon nói rằng Tổng thống Trump đã lên kế hoạch “Bốn kỵ sĩ trong ngày tận thế” (phỏng theo điển cố trong Kinh thánh) cho ĐCSTQ. Họ là Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien, Giám đốc FBI Christopher Wray, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo và Tổng Chưởng lý William Barr. Trong ba tuần qua, “Bốn kỵ sĩ” đã liên tiếp đưa ra những “bài phát biểu có trọng lượng” nghiêm khắc cho ĐCSTQ.

Tân Cương: Lời kêu gọi

ngưng sử dụng ‘lao động cưỡng bức’

Các đại công ty bao gồm Nike phải đối mặt với lời kêu gọi ngày gia tăng nhằm cắt đứt quan hệ với các nhà cung cấp được cho là đang sử dụng “lao động cưỡng bức” từ người Uighur ở Trung Quốc.
Các nhà hoạt động đã phát động một chiến dịch cáo buộc các công ty “gia cố và hưởng lợi” từ việc bóc lột nhóm thiểu số Hồi giáo này.
Hoa Kỳ cũng đã tăng áp lực kinh tế, cảnh báo các công ty không kinh doanh tại Tân Cương do thực trạng lạm dụng.
Nike và các thương hiệu khác cho biết họ đang rà soát vấn đề này.
Nike cho biết họ đang “tiến hành thẩm định về qui trình của các nhà cung cấp của chúng tôi ở Trung Quốc để xác định và đánh giá các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc làm của người Uighur hoặc các dân tộc thiểu số khác”.
Hãng này nói rằng họ không lấy nguồn nguyên liệu trực tiếp từ Tân Cương, khu vực ở phía tây Trung Quốc, nơi tập trung phần lớn dân Uighur của Trung Quốc và nhiều nhà máy được cho là sử dụng lao động.
Apple cũng cho biết họ đã điều tra các cáo buộc. “Chúng tôi đã không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về lao động cưỡng bức trong dây chuyền sản xuất của Apple và chúng tôi lên kế hoạch tiếp tục theo dõi,” công ty này cho biết.
Các chính trị gia và các nhà hoạt động nói rằng các công ty cần phải làm nhiều hơn nếu họ không muốn bị trở thành đồng lõa trong việc vi phạm nhân quyền của chính phủ Trung Quốc.
Chloe Cranston của Anti-Slavery International, một trong số hơn 180 tổ chức liên quan đến chiến dịch này nói: “Các thương hiệu và chuỗi bán lẻ nên rời bỏ từ lâu, nhưng họ chưa và đó là lý do tại sao lời kêu gọi hành động công khai này là quan trọng và cần thiết”.
“Đây không chỉ là việc chấm dứt mối quan hệ với một nhà cung cấp. Nó thực sự là về cách tiếp cận toàn diện.”
Tân Cương sản xuất 80% bông của Trung Quốc, chiếm khoảng 20% nguồn cung của thế giới
Chuyện gì đang xảy ra ở Tân Cương?
Báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) và Quốc hội Hoa Kỳ, trong số những tổ chức khác nữa, đã phát hiện ra rằng hàng ngàn người Uighur đã được chuyển đến làm việc trong các nhà máy trên khắp Trung Quốc, trong điều kiện làm việc mà báo cáo của ASPI nói là “rất nhiều khả năng là lao động cưỡng bức”. Báo cáo này đã liên kết các nhà máy đó với hơn 80 thương hiệu cao cấp, bao gồm Nike, Apple và Gap.
Trung Quốc được cho là đã giam giữ hơn một triệu người Uighur trong các trại lao động ở Tân Cương, và Bắc Kinh mô tả các chương trình của họ – trong đó bao gồm triệt sản cưỡng bức – là đào tạo và giáo dục dạy nghề.
Giới chức Trung Quốc nói họ đang đối phó với rủi ro của chủ nghĩa cực đoan và đã bác bỏ cáo buộc về các trại tập trung là “tin giả”.
Omer Kanat, giám đốc điều hành Dự án Nhân quyền Uyghur, cho biết việc ép các công ty chuyển hướng kinh doanh khỏi Tân Cương là rất quan trọng để thuyết phục chính phủ Trung Quốc thay đổi chính sách.
“Cho đến nay, đã có những lời lên án về những gì chính phủ Trung Quốc đã làm nhưng không có bất kỳ hành động nào,” ông nói với BBC. “Chính phủ Trung Quốc sẽ không làm gì trừ khi có một số tác động thực sự, do đó, nhắm mục tiêu vào các công ty có ý nghĩa rất lớn.”
Các chính phủ đang làm gì?
Lời kêu gọi hành động được đưa ra khi Hoa Kỳ cũng đã tăng áp lực kinh tế đối với vấn đề này.
Trong tháng này, Hoa Kỳ đã trừng phạt các quan chức Trung Quốc quản lý và giám sát khu vực Tân Cương và cảnh báo các công ty không kinh doanh tại Tân Cương.
Các quan chức biên phòng Mỹ cũng đã tịch thu một lô hàng 13 tấn sản phẩm tóc từ khu vực Tân Cương trị giá ước tính 800.000 đô la trong khi Bộ Thương mại liệt kê thêm 11 công ty – nhà cung cấp được cho là làm việc với các công ty như Apple – một động thái hạn chế khả năng của các công ty có thể mua sản phẩm của Hoa Kỳ với lý do là có sự lạm dụng.
Các nhà lập pháp tại Quốc hội Hoa Kỳ đang xem xét luật để cấm công khai nhập khẩu từ Tân Cương, trong khi các chính trị gia ở Mỹ và châu Âu cũng đe dọa ra luật buộc các công ty giám sát vấn đề này chặt chẽ hơn.
“Các công ty trên toàn thế giới phải đánh giá lại hoạt động và chuỗi cung ứng của họ và tìm giải pháp thay thế không khai thác lao động và vi phạm nhân quyền với người Uighur”, nghị sĩ Hoa Kỳ James McG McG, người đứng đầu một ủy ban về Trung Quốc cho biết.
Ông Kanat nói ông tin rằng một phong trào quốc tế đang gia tăng, và dẫn chiếu tới những bình luận gần đây của Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, người đã cáo buộc Trung Quốc lạm dụng nhân quyền “trắng trợ và nghiêm trọng” và nói rằng không thể loại trừ các biện pháp trừng phạt.
“Điều này là đáng khích lệ,” ông nói. “Đó là bước đầu tiên.”
Các công ty nói gì?
Chiến dịch của nhà hoạt động tập trung vào các thương hiệu quần áo vì Tân Cương sản xuất 80% bông của Trung Quốc, chiếm khoảng 20% nguồn cung của thế giới.
Các công ty may mặc cho biết họ đang xem xét vấn đề một cách nghiêm túc.
Nike cho biết sau khi họ đối đầu với một trong những nhà cung cấp của mình, Tập đoàn Taekwang, về vấn đề này, công ty đã ngừng tuyển nhân viên từ Tân Cương tại một trong những nhà máy của họ. Hãng chuyên về đồ thể thao nói rằng Taekwang nói rằng những công nhân đó “có khả năng chấm dứt hoặc gia hạn hợp đồng bất cứ lúc nào”.
“Đây vẫn là một vấn đề hết sức quan trọng,” công ty này nói. “Chúng tôi đang tiếp tục dựa trên chỉ đạo của chuyên gia và đang làm việc với các hãng về thương hiệu và các bên liên quan khác để xem xét tất cả các phương pháp tiếp cận nhằm để giải quyết một cách có trách nhiệm tình tình này.”
Gap cũng cho biết họ có chính sách cấm lao động không tự nguyện trong chuỗi cung ứng của mình và không lấy nguồn quần áo trực tiếp từ Tân Cương.
“Chúng tôi cũng nhận ra rằng một lượng đáng kể nguồn cung bông trên thế giới đã được trồng và xử lý ở đó,” hãng này nói thêm. “Do đó, chúng tôi đang thực hiện các bước để hiểu rõ hơn về cách thức chuỗi cung ứng toàn cầu của chúng tôi có thể bị ảnh hưởng gián tiếp.”
Các công ty khác không đồng ý việc cho rằng chuỗi cung ứng của họ có vết nhơ.
Adidas cho biết họ chưa bao giờ lấy nguồn nguyên liệu từ Tân Cương và công ty mà báo cáo của ASPI nói là nhà cung cấp là bị trích dẫn sai.
“Các tiêu chuẩn tại nơi làm việc của adidas nghiêm cấm tất cả các hình thức lao động cưỡng bức và lao động tù nhân và được áp dụng cho tất cả các công ty trong chuỗi cung ứng của chúng tôi,” hãng này nói thêm. “Việc sử dụng lao động cưỡng bức của bất kỳ đối tác nào của chúng tôi sẽ dẫn đến việc chấm dứt hợp tác.”
Apple cho biết họ đã không thấy bất kỳ vấn đề nào, mặc dù đã thực hiện một số cuộc kiểm toán bất ngờ với nhà cung cấp lâu năm O-Film – một trong những công ty được Bộ Thương mại Hoa Kỳ nêu tên.
Một số công ty Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức từ công nhân Uighur cũng đã phản bác lại những cáo buộc này.
“Chúng tôi hoàn toàn đã không, đang không và sẽ không bao giờ sử dụng lao động cưỡng bức ở bất cứ nơi nào trong công ty của chúng tôi,” Tập đoàn Esquel, một nhà sản xuất áo sơ mi, có trụ sở tại Hong Kong và được cho là một nhà sản xuất cho thương hiệu như Lacoste.
Tập đoàn Esquel nói thêm rằng họ đã “hết sức bất bình” bởi quyết định của Hoa Kỳ về việc đưa họ vào danh sách đen xuất khẩu trong tuần này.
“Chúng tôi đang làm việc với tất cả các cơ quan hữu quan để giải quyết tình hình và chúng tôi vẫn cam kết với Tân Cương vì chúng tôi tự hào về sự đóng góp của chúng tôi trong khu vực trong 25 năm qua.”

Trấn áp người Duy Ngô Nhĩ :

Trung Quốc ngang nhiên vì không sợ bị xét xử

Thu Hằng
Khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị nhốt trong các « trung tâm dạy nghề » mọc lên như nấm ở Tân Cương trong thời gian nhanh đến chóng mặt từ năm 2013. Mức tăng dân số ở Tân Cương đã giảm 84% từ năm 2015 đến 2018 vì chính sách cưỡng ép triệt sản… Tộc người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo đang bị Hán hóa, thậm chí bị « diệt chủng » theo một số cáo buộc gần đây.
Chính sách trấn áp người Duy Ngô Nhĩ được thi hành khẩn trương và mạnh tay kể từ năm 2013 khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Trong nhiều năm, chủ đề này chỉ được truyền thông đề cập, giới chính trị gia phản ứng dè dặt. Nhưng dường như « gió đã đổi chiều » : Sau khi Mỹ trừng phạt nhiều quan chức
và công ty Trung Quốc liên quan đến chiến dịch trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, một số nước phương Tây đã lên tiếng, dù còn hạn chế.
Phương Tây chỉ trích rời rạc
Nhật báo Công giáo Pháp La Croix nhận thấy cộng đồng quốc tế đã thức tỉnh về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nhưng chỉ dừng lại ở mức « lên án » và đơn phương trừng phạt. Những biện pháp này không đủ trọng lượng vì « thiếu đồng bộ » giữa các nền dân chủ, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Marc Julienne, thuộc Trung tâm châu Á, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI).
Bắc Kinh phủ nhận tất cả mọi « cáo buộc sai lạc », những « lời vu khống » của phương Tây và gần như « ăn miếng trả miếng » ngay lập tức. Ngày 30/06/2020, 27 nước châu Âu, trong đó có Anh Quốc, đã cùng trình lên Liên Hiệp Quốc một tuyên bố chung kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn để chống chiến dịch trấn áp ở Tân Cương. Đáp lại, Bắc Kinh huy động được 46 nước ủng hộ « chiến dịch chống khủng bố » của Trung Quốc. Điều này cho thấy Bắc Kinh có ảnh hưởng như thế nào trong Liên Hiệp Quốc, theo nhận định của nhà nghiên cứu Pháp Marc Julienne.
Một số tiếng nói bảo vệ nhân quyền cho rằng chính sách trấn áp ở Tân Cương là tội ác chống nhân loại và diệt chủng, thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) ở La Haye, được thành lập theo Quy chế Roma năm 1998 và hoạt động từ năm 2002.
Luật pháp quốc tế bất lực ?
Tuy nhiên, luật sư Clémence Bectarte, giám đốc Nhóm hành động tư pháp của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) bác ngay khả năng một Nhà nước bị đưa ra tòa án này, vốn chỉ xét xử những cá nhân và quan chức đã ra lệnh hoặc phạm tội ác.
Tòa án Hình sự Quốc tế chỉ có thể can thiệp khi có thủ tục tố tụng ở Trung Quốc và điều này hiện không xảy ra. Một điểm quan trọng khác là Trung Quốc không phê chuẩn Quy chế Roma 1998, giống như các nước Mỹ, Nga, Israel… Nhóm 5 nước thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có thể thay đổi tình hình, như trường hợp đối với Sudan và Libya (hai nước không phê chuẩn Quy chế Roma). Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ Trung Quốc là một trong năm thành viên thường trực và có quyền phủ quyết.
Dù tư pháp quốc tế bất lực trong trường hợp này, luật sư nhân quyền Clémence Bectarte cho rằng vẫn có thể tính đến hai khả năng. Thứ nhất, tương tự với những tội ác ở Syria, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thành lập một cơ chế điều tra vào năm 2016 để lách phủ quyết của nhóm năm nước thường trực Hội Đồng Bảo An. Nhiều đội điều tra đang thu thập tài liệu và chứng cứ nhắm vào tổng thống Bachar Al Assad với hy vọng ngày nào đó lãnh đạo Syria bị đưa ra xét xử.
Trường hợp thứ hai là đưa hồ sơ ra Tòa Án Công lý Quốc tế (CIJ, có thẩm quyền liên quan đến cấp Nhà nước). Ví dụ gần đây nhất là vào mùa hè năm 2019, Gambia kiện Miến Điện trong hồ sơ người Hồi Giáo Rohingya, vì đã không tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về ngăn ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng. Tháng 01/2020, Tòa Án Công lý Quốc tế đã ra lệnh cho Miến Điện đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ người Rohingya. Về lý thuyết, quyết định của Tòa mang tính ràng buộc, nhưng nước liên quan có thực hiện hay không lại là một chuyện khác.
Vì vậy, hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương khó có thể đi xa hơn ngoài những biện pháp trừng phạt và lên án, vì đối với những cường quốc, chủ quyền quốc gia còn có trọng lượng hơn nhiều, như nhận định với La Croix của luật sư Clémence Bectarte.

Trung Quốc triển khai máy bay quân sự

gần Đài Loan gần như hàng ngày

Bình luậnNguyễn Minh
“Những gì Trung Quốc đang làm hiện nay là không ngừng chuẩn bị cho [kế hoạch] sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan”, Ngoại trưởng Đài Loan nói.
Ngày 22/7, Ngoại trưởng Đài Loan cho biết, Trung Quốc điều động các máy bay quân sự đến gần Đài Loan với tần suất ngày càng tăng trong bối cảnh nước này đe dọa sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan.
Ngoại trưởng Joseph Wu cho biết, tần suất mà các máy bay quân sự Trung Quốc bay quanh khu vực gần quốc đảo trở nên thường xuyên hơn so với thông tin hiện được đưa trên các kênh truyền thông, việc này gần như diễn ra hàng ngày.
Ông Wu cũng thông tin rằng, chính phủ Đài Loan rất quan ngại về các chuyến bay của Trung Quốc, cũng như các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc mô phỏng tấn công vào Đài Loan.
Ông nói: “Những gì Trung Quốc đang làm hiện nay là không ngừng chuẩn bị cho [kế hoạch] sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan”.
Trung Quốc luôn tự tuyên bố quốc đảo dân chủ này là lãnh thổ của mình và đe dọa sẽ sử dụng Quân đội Giải phóng Nhân dân để buộc Đài Loan chịu sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Đài Loan tự trị được thành lập sau cuộc nội chiến năm 1949 do Tưởng Giới Thạch theo Quốc Dân Đảng chạy trốn đến thuộc địa cũ của Nhật Bản này, còn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nắm quyền kiểm soát ở Trung Quốc đại lục.
Kể từ khi Đài Loan bầu Tổng thống ủng hộ độc lập Thái Anh Văn vào năm 2016, Bắc Kinh đã cắt đứt quan hệ với chính phủ quốc đảo này và cô lập Đài Loan trong các vấn đề ngoại giao, đồng thời gia tăng đe dọa quân sự. Mặc dù vậy, Bà Thái đã tái đắc cử Tổng thống năm nay với số phiếu áp đảo.
Ông Wu cho biết, Trung Quốc dường như đã gia tăng sự hung hăng sau khi đàn áp tiếng nói của phe đối lập ở Hong Kong và áp dụng luật an ninh quốc gia Hong Kong.
Ông nói: “Nếu cộng đồng quốc tế không đưa ra cho Trung Quốc một tín hiệu đủ rõ ràng, tôi tin rằng Trung Quốc sẽ cho rằng cộng đồng quốc tế sẽ không cản trở họ làm những việc [tương tự] khác [sau khi đàn áp tại Hong Kong]. Đây là điều chúng tôi vô cùng lo lắng”.
Ông Wu nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp với các quốc gia đồng minh như Nhật Bản và Hoa Kỳ; cả 2 quốc gia này hiện chưa đặt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ. Luật pháp Hoa Kỳ quy định chính phủ Hoa Kỳ đảm bảo quốc đảo có thể duy trì hệ thống phòng thủ đáng tin cậy và xem tất cả các mối đe dọa với quốc đảo là vấn đề nghiêm trọng.
Từ lâu người dân Đài Loan đã không còn ủng hộ việc thống nhất chính trị với Trung Quốc và đặc biệt là từ sau cuộc đàn áp của ĐCSTQ với người dân Hong Kong biểu tình vì dân chủ.
Hiện tại lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình theo đuổi chính sách đối ngoại ngày càng hung hăng; có thể ông Tập cũng sẽ áp dụng đối đầu quân sự trong khu vực.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times

Chuyên gia: ĐCS Trung Quốc đã rửa 10.000 tỷ USD

 ở nước ngoài như thế nào?

Bình luậnMinh Thanh
Trong 20 năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chuyển khoảng 10.000 tỷ USD ra nước ngoài. Vậy ĐCSTQ đã rửa tiền như thế nào? Dưới đây là bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), một chuyên gia về các vấn đề xã hội và chính trị Trung Quốc.
Vào ngày 2/6 năm ngoái, tôi đã đề cập đến bốn chiến lược chính mà Hoa Kỳ sử dụng để đối phó với ĐCSTQ, trong đó bao gồm đóng băng và công bố tài sản của các quan chức ĐCSTQ tham nhũng. Hôm nay, trong bối cảnh toàn thế giới đang bao vây ‘diệt ĐCSTQ’, tôi muốn đề cập cụ thể về kế hoạch chạy thoát trong một đêm vào ngày tận của ĐCSTQ đã bị chết yểu.
Chúng tôi dựa trên dữ liệu do tổ chức ‘Liêm chính Tài chính Toàn cầu’ (Global Financial Integrity, GFI) công bố trên tạp chí kinh tế nổi tiếng nhất ở Anh Economist vào ngày 27/10/2012, để suy luận rằng ĐCSTQ đã chuyển khối tài sản lớn khoảng 10.000 tỷ USD ra nước ngoài trong 20 năm qua.
Chúng tôi đã đưa ra phương pháp tính toán cụ thể trong video, cũng phân tích sự thất lạc của khoản tiền này có ý nghĩa gì đối với ĐCSTQ, và ý nghĩa như thế nào đối với việc tái thiết kinh tế Trung Quốc trong thời kỳ hậu Cộng sản.
Phương pháp mà tổ chức GFI điều tra số tiền được ĐCSTQ rửa rất đơn giản. Đó là so sánh tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu do Trung Quốc công bố với tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu do các nước khác công bố. Về lý, hai dữ liệu này phải nhất quán, nhưng họ phát hiện ra chúng có một khoảng cách rất lớn.
Phương pháp rửa tiền này được gọi là ‘thương mại với hóa đơn sai’ (misinvoicing). Ví dụ: tôi mua một mặt hàng nào đó và đã thanh toán 1.000 USD; Khi bạn gửi hóa đơn cho tôi chỉ khai 800 USD, với 200 USD còn lại bạn có thể thay tôi trực tiếp gửi vào một ngân hàng nước ngoài.
Chỉ riêng năm 2011, số tiền được rửa bằng phương pháp này đã đạt tới 430 tỷ USD. Năm 2011, tổng số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu do chính phủ Trung Quốc đưa ra là bao nhiêu? Đó là 3,6 nghìn tỷ USD. Từ đó có thể tính ra, tỷ lệ rửa tiền chiếm 12% tổng khối lượng xuất nhập khẩu được công bố.
Tổ chức GFI đã sử dụng phương pháp này để tính toán và phát hiện rằng từ năm 2000 đến 2011, ĐCSTQ đã rửa khoản tiền 3,2 nghìn tỷ USD ra nước ngoài. Nhưng đây không phải là phương thức rửa tiền duy nhất. GFI ước tính rằng tổng số tiền ĐCSTQ đã rửa trong 11 năm qua là 3,79 nghìn tỷ USD.
Bởi vì báo cáo được công bố vào năm 2012 nên không có dữ liệu sau năm 2012. Không có lý do nào khiến chúng ta tin rằng ĐCSTQ đột nhiên trở nên liêm khiết sau năm 2012. Vì vậy, chúng tôi sử dụng tỷ lệ tương tự để suy luận rằng kể từ năm 2012, khối lượng xuất nhập khẩu hàng năm của ĐCSTQ đã tăng trung bình 6%. Tạm thời giả sử rằng tỷ lệ rửa tiền cũng sẽ không thay đổi.
Đây là công thức tính tỷ lệ theo phương thức cung và cầu. Từ năm 2012 đến 2019, tổng cộng 8 năm, khoảng 4.255 nghìn tỷ USD đã được rửa (430 tỷ USD x [1-1,06 ^ 8] / [1-1,06] = 4.255 nghìn tỷ USD).
Do đó, trong 20 năm qua, ĐCSTQ đã sử dụng phương thức khai khống hóa đơn để rửa khoảng 7,5 nghìn tỷ USD. Cộng thêm các kênh rửa tiền khác, ĐCSTQ đã rửa tổng cộng 8,83 nghìn tỷ USD (chúng tôi sử dụng tỷ lệ này trong báo cáo của GFI, [3.2 + 4.255] x 3.79 / 3.2 = 8.83 nghìn tỷ USD).
Nếu tính thêm ‘một vành đai, một con đường’, các dự án đầu tư trực tiếp ở nước ngoài và các phương thức chuyển nhượng vốn khác, ước tính tổng tài sản mà ĐCSTQ chuyển ra nước ngoài đạt 10 nghìn tỷ USD.
Những vấn đề hiện tại mà ĐCSTQ phải đối mặt là gì? Đó là, nếu Hoa Kỳ cấm các đảng viên ĐCSTQ và gia đình của họ đến Hoa Kỳ, thì việc rửa tiền của ĐCSTQ ở nước ngoài về cơ bản sẽ vô ích.
Tôi tin rằng Hoa Kỳ cũng sẽ thuyết phục Liên minh Châu Âu (EU), Úc, New Zealand, Canada, Vương quốc Anh và Nhật Bản đóng băng tài sản ở nước ngoài của ĐCSTQ. Theo cách đó, ĐCSTQ đang thực sự đối mặt với tình trạng trong nước người dân sục sôi phẫn nộ, ngoài nước bốn bề vây khốn. Đây cũng là báo ứng đối với chính quyền tà ác và tập đoàn tội phạm phản nhân loại này.
Tôi đoán trong nội bộ ĐCSTQ hiện giờ đang rất hỗn loạn và họ không biết cách đối phó ra sao. Đây là lý do cho sự biến mất đột ngột của Ủy ban Thường vụ ĐCSTQ khi đối mặt với thiên tai lũ lụt.
Liên kết video của chương trình năm ngoái trên mạng:
Liên kết đến báo cáo Kinh tế học:
https://www.economist.com/china/2012/10/27/the-flight-of-the-renminbi
Liên kết báo cáo nghiên cứu của GFI:
https://gfintegrity.org/press-release/chinese-economy-lost-3-79-trillion-illicit-fin finance-outflows-since-2000-reveals-new-gfi-report /
Lưu ý: Nội dung của bài viết này được lấy từ video youtube của tác giả Chương Thiên Lương đăng ngày 21/7/2020.
Minh Thanh
Theo Epoch Times

TQ có thể đóng lãnh sự quán Mỹ để trả đũa

Trung Quốc được cho là có thể đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại Vũ Hán để trả đũa động thái tương tự của Washington. Reuters hôm nay 22/7 dẫn nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc đang cân nhắc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Vũ Hán. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Trước đó, Mỹ ngày 21/7 đã yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston, bang Texas. Lý do Mỹ đưa ra là “để bảo vệ tài sản trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sẽ không dung thứ cho việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Mỹ và hăm dọa người dân Mỹ, cũng như các hành vi thương mại không công bằng, đánh cắp việc làm và các hành vi nghiêm trọng khác của Trung Quốc.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án mạnh mẽ hành động vô lý, gây tổn hại cho quan hệ Mỹ – Trung của Washington, đồng thời kêu gọi Mỹ ngay lập tức rút lại quyết định sai lầm này, nếu không Bắc Kinh sẽ có hành động đáp trả xứng đáng.
Vào khoảng 8 giờ tối ngày 21/7 theo giờ địa phương, cảnh sát và lính cứu hỏa đã tới lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston sau khi nhận được tin báo về việc đốt tài liệu tại cơ sở ngoại giao này. Tuy nhiên lính cứu hỏa không thể vào bên trong lãnh sự quán.

Bắc Kinh sơ tán hàng chục ngàn du học sinh tại Mỹ

 sau khi Lãnh sự quán tại Houston bị đóng cửa

Bình luậnĐông Phương
Sau khi Hoa Kỳ yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đóng cửa Lãnh sự quán ở Houston một vài giờ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã tuyên bố khởi động lại chương trình sơ tán các du học sinh Trung Quốc ở Mỹ, hỗ trợ du học sinh về nước bằng các chuyến bay thuê bao. Hiện có hàng chục ngàn người đủ điều kiện để sơ tán.
Hôm 22/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội rằng, gần đây, các cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ đã tăng cường điều tra, thẩm vấn, sách nhiễu, tịch thu đồ dùng cá nhân và giam giữ các du học sinh Trung Quốc.
Cùng ngày, ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng, yêu cầu đột ngột đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston hôm 21/7 của Hoa Kỳ là một hành động leo thang chưa từng thấy của Mỹ đối với Trung Quốc. Trung Quốc kêu gọi Mỹ thu hồi quyết định sai lầm này ngay lập tức.
Bà Morgan Ortagus, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói rằng Hoa Kỳ chỉ thị đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston với mục đích bảo vệ tài sản trí tuệ và dữ liệu cá nhân của người Mỹ.
Một số cư dân mạng cho rằng Mỹ – Trung đang đoạn giao quan hệ. Cũng có cư dân mạng nói rằng: “Vụ việc này đánh dấu sự kết thúc của mối quan hệ hữu hảo chính thức giữa hai bên. Đó là một thành tựu ngoại giao do Tổng bí thư Tập để lại. Có thể dự đoán rằng cuộc đối đầu giữa hai nước sẽ ngày càng gay gắt hơn”.
Còn có cư dân mạng chế giễu rằng: Sở trường của ĐCSTQ là khiến người khác “mất tích và nhận tội”, ấy vậy mà bây giờ còn phản bác rằng “gần đây, các cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ đã tăng cường điều tra, thẩm vấn, sách nhiễu, tịch thu đồ dùng cá nhân và giam giữ các du học sinh Trung Quốc”. Đúng là vừa ăn cắp vừa la làng, vu cáo hãm hại người khác gây hiềm khích.
Bắc Kinh khẩn trương sơ tán hàng chục ngàn du học sinh tại Hoa Kỳ
Vài giờ sau khi Hoa Kỳ yêu cầu Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston đóng cửa, trang web chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ tuyên bố rằng, họ sẽ tiếp tục gửi các chuyến bay ngắn hạn đến đón một số sinh viên học tập tại Hoa Kỳ trở về nước.
Thông báo cho biết, sẽ tiến hành điều tra một lần nữa để xác định số máy bay cần điều động ngay lập tức. Những người đủ điều kiện đăng ký là: sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài đã hoàn thành việc học tại Hoa Kỳ (giữ visa F1, J1, M), các giáo viên và tình nguyện viên của Học viện Khổng Tử đã kết thúc nhiệm kỳ; những người đang giữ I-20 (visa du học) hoặc DS-2019 (visa giao lưu trao đổi) đã hết hạn hoặc sắp hết hạn.
Ngoài ra, thông báo cũng nêu rõ: hiện nay Hoa Kỳ vẫn áp đặt các hạn chế nhập cảnh vào Hoa Kỳ từ một số quốc gia và khu vực nhất định, vậy nên có thể không thể quay lại Hoa Kỳ trong thời gian sắp tới. Nên xem xét toàn diện các yếu tố như việc hạn chế nhập cảnh của Hoa Kỳ, đánh giá cẩn thận và quyết định thận trọng.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CCTV vào ngày 21/7, ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, cho biết rằng, tổng số sinh viên Trung Quốc học tập tại Hoa Kỳ có hơn 400.000 người. Cho đến nay, có hàng chục ngàn du học sinh đã hoàn thành việc học hoặc visa hết hạn cần về nước gấp.
Hôm 21/7, ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã tiết lộ tình trạng hoang mang của ĐCSTQ trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến với CCTV. (Ảnh chụp màn hình video)
Hoa Kỳ đã trục xuất hàng ngàn sinh viên Trung Quốc
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 29/5, Tổng thống Mỹ Trump cho biết rằng, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động gián điệp bất hợp pháp trong nhiều năm nay để đánh cắp nhiều bí mật công nghệ của Hoa Kỳ. Để tăng cường bảo vệ nghiên cứu của các trường đại học quốc gia quan trọng, Hoa Kỳ sẽ đình chỉ một số công dân Trung Quốc nhất định nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Sau bài phát biểu của Tổng thống Trump, Nhà Trắng tuyên bố sẽ hạn chế thị thực của công dân Trung Quốc từ ngày 1/6, cấm sinh viên hoặc nhà nghiên cứu, người có bằng cấp đại học trở lên và những người có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc hoặc từng có liên hệ với quân đội đến từ Trung Quốc nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Hôm 30/5, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã khẩn trương thông báo rằng, theo sự triển khai của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các chuyến bay thuê bao đã sắp xếp cho sinh viên quốc tế sẽ bay từ Washington, Hoa Kỳ về Thâm Quyến, Trung Quốc. Hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China đã thông báo cho sinh viên quốc tế đủ điều kiện để mua vé máy bay trong danh sách được cung cấp bởi Đại sứ quán tại Hoa Kỳ.
Ngày 28/5, Thời báo New York đưa tin, Hoa Kỳ có kế hoạch hủy thị thực của hàng ngàn nghiên cứu sinh Trung Quốc vì chính quyền Tổng thống Trump cho rằng những sinh viên này có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Sinh viên Trung Quốc là quần thể du học sinh lớn nhất tại Hoa Kỳ. Chính sách này sẽ ảnh hưởng đến 3.000 đến 5.000 sinh viên Trung Quốc.
Bài báo dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ, nói rằng mối lo ngại chính của Hoa Kỳ là những sinh viên quốc tế này đã được đào tạo gián điệp. ĐCSTQ thường chọn sinh viên từ các học viện được liên kết với quân đội để đi du học và yêu cầu họ thu thập thông tin với điều kiện được miễn phí hoàn toàn học phí.
Các trường đại học và học viện Trung Quốc có du học sinh bị hạn chế là Đại học Bách khoa Tây Bắc, Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh, Viện Công nghệ Bắc Kinh, Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh, và Đại học Hàng không và Vũ trụ Nam Kinh. Bảy trường đại học và học viện này trực thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, được gọi là “quốc phòng thất tử” (bảy đứa con của quốc phòng).
Theo lệnh cấm mới, các nghiên cứu sinh ở Mỹ tốt nghiệp 7 trường nêu trên sẽ bị hủy bỏ thị thực và bị trục xuất, còn những sinh viên Trung Quốc đang ở bên ngoài Hoa Kỳ sẽ không được phép quay lại Hoa Kỳ.
Các quan chức Hoa Kỳ tuyên bố rằng, các nhân viên tình báo của ĐCSTQ từ lâu đã sử dụng thị thực du học sinh của Mỹ để tham gia vào hoạt động gián điệp và trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ. Quân đội ĐCSTQ thường chọn những sinh viên có thể ra nước ngoài du học trong các học viện quân sự và trả tiền học phí cho họ. Các sinh viên được chọn phải thu thập thông tin cho ĐCSTQ ở nước ngoài. Hoa Kỳ đã tăng cường tấn công vào các gián điệp học thuật trong các học viện và trường đại học.
Ông Trương Tiểu Cương (Zhang Xiaogang), học giả người Úc gốc Hoa, nói với NTDTV rằng, không chỉ quân đội, mà trên thực tế hầu hết các du học sinh và nhà nghiên cứu Trung Quốc trước khi ra nước ngoài đều bị quân đội hoặc các cơ quan gián điệp, các cơ quan an ninh quốc gia yêu cầu ăn cắp các công nghệ quan trọng ở nước ngoài.
Ông Trương cho rằng: Đây là những hành vi cực kỳ nguy hiểm, giúp ĐCSTQ phá hủy xã hội dân chủ, chống lại thế giới tự do và cuối cùng xuất khẩu ý thức hệ chuyên chế. Các nền dân chủ trên toàn thế giới nên có hành động để trừng phạt ĐCSTQ và không cho phép nó giành được chỗ đứng trong các nền dân chủ. Nếu các quốc gia phương Tây có thể đoàn kết, thống nhất và giữ vững lập trường, ĐCSTQ chắc chắn sẽ bị diệt vong.
Đông Phương
Theo NTDTV

Truyền thông Trung Quốc đồng loạt phản pháo

vụ Mỹ ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 23/7 đồng loạt nói rằng việc chính phủ Mỹ ra lệnh cho Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston là một nỗ lực nhằm đổ lỗi cho Bắc Kinh về những thất bại của Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11, theo Reuters.
Trước đó, hôm 22/7, Hoa Kỳ cho biết họ cho Trung Quốc 72 giờ để đóng cửa lãnh sự quán, với lý do là để “bảo vệ tài sản trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ”, một động thái khiến Trung Quốc lập tức đưa ra đe doạ trả đũa.
Quyết định này đánh dấu leo thang căng thẳng tột đỉnh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong bối cảnh có các cáo buộc mới về gián điệp Trung Quốc tại Hoa Kỳ, và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi có một liên minh toàn cầu mới chống lại Bắc Kinh.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ mô tả lệnh đóng cửa của Mỹ là một sự “khiêu khích chính trị” và kêu gọi Washington “lập tức thu hồi” quyết định trên.
Trên trang Twitter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh viết rằng Trung Quốc “chắc chắn sẽ phản ứng lại bằng các biện pháp đối phó quyết liệt”.
Phiên bản tiếng Anh của tờ China Daily của Trung Quốc mô tả việc đóng cửa “là bước khởi đầu trong trò chơi mới của chính quyền Hoa Kỳ nhằm tô vẽ Trung Quốc như một tài tử ác độc trên sân khấu thế giới, từ đó biến nó thành một kẻ ngoài vòng pháp luật đối với cộng đồng quốc tế”.
“Động thái này cho thấy rằng do thua sút trong các cuộc thăm dò so với đối thủ của cuộc bầu cử tổng thống… nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ dồn hết sức để mô tả Trung Quốc là một tác nhân gây tội ác”, tờ báo nhà nước Trung Quốc nói.
Cho tới nay, Trung Quốc chưa cho biết sẽ trả đũa như thế nào.
Tờ South China Morning Post nói rằng Trung Quốc có thể đóng cửa lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thành phố tây nam Thành Đô, trong khi một nguồn tin nói với Reuters hôm 22/7 rằng Trung Quốc đang xem xét đóng cửa lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Vũ Hán, nơi Mỹ đã rút nhân viên về nước trong đợt dịch virus corona.
Hu Xijin, biên tập viên của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc, nói trong một chuyên mục rằng việc đóng cửa lãnh sự quán tại Vũ Hán sẽ không đủ đột phá.
Nhà báo này nói them rằng Hoa Kỳ có một lãnh sự quán lớn ở Hong Kong và “rõ ràng lãnh sự quán là một trung tâm tình báo”.
“Ngay cả khi Trung Quốc không bắt đóng cửa, thì thay vào đó, họ có thể cắt giảm nhân viên của mình xuống còn một hoặc hai trăm. Điều này sẽ khiến Washington phải chịu nhiều đau đớn”, ông Hu viết.
Hoa Kỳ còn có các lãnh sự quán khác ở Quảng Châu, Thượng Hải và Thẩm Dương.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 23/7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cáo buộc Hoa Kỳ “bịa đặt vô căn cứ” về hành động của các cơ quan ngoại giao Trung Quốc và yêu cầu Mỹ “lập tức hủy bỏ quyết định sai lầm này”.
“Đã đến lúc phải phanh lại và quay trở về đường lối đúng đắn!”, Đại sứ quán Trung Quốc nói qua tài khoản Twitter.
Trong một diễn tiến khác, theo hồ sơ của tòa án Hoa Kỳ, Cục Điều tra Liên bang Mỹ đang cáo buộc một nhà nghiên cứu Trung Quốc về tội gian lận visa và che giấu quan hệ với quân đội và hiện đang ẩn náu tại lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco.
Hồ sơ cho biết các nhà nghiên cứu Trung Quốc khác tại các trường đại học Hoa Kỳ cũng bị bắt vì gian lận visa.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Bắc Kinh phá vỡ các cam kết cải cách thị trường,

 tăng sức mạnh các doanh nghiệp nhà nước

Bình luậnThiện Nhân
Tập Cận Bình đã tiết lộ kế hoạch ba năm để hỗ trợ các công ty nhà nước. Hoa Kỳ và EU muốn có sự đối xử bình đẳng cho các công ty của họ. Một số người trong cơ cấu quyền lực của Trung Quốc muốn tư nhân hóa 130.000 doanh nghiệp nhà nước của đất nước. Ursula von der Leyen Chủ tịch EU kêu gọi mối quan hệ cân bằng hơn với Bắc Kinh. Đối với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, nếu không có cải cách của Trung Quốc, việc tách rời sẽ là không thể tránh khỏi.
Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch ba năm để thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước. Quyết định này, được đưa ra gần đây bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trái với các cam kết mà Trung Quốc đưa ra đối với Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu.
Trong nhiều năm, Mỹ và EU đã yêu cầu các công ty của họ có thể cạnh tranh trên các điều khoản bình đẳng tại thị trường Trung Quốc.
Khoảng 130.000 công ty nhà nước đang hoạt động tại Trung Quốc. Do sự kém hiệu quả của họ, một số người ở Trung Quốc đã kêu gọi cải cách thông qua tư nhân hóa quy mô lớn, điều này càng cấp thiết hơn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế do đại dịch coronavirus gây ra và cuộc chiến thương mại với Mỹ đang diễn ra.
Năm 2019, các công ty nhà nước lớn đã tạo ra lợi nhuận trị giá 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 215 tỷ USD), con số này quá khiêm tốn so với lượng tài sản mà họ có – 210 nghìn tỷ nhân dân tệ (30 nghìn tỷ USD).
Theo kế hoạch năm 2013 của chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước lớn được cho là sẽ được cải cách theo các nguyên tắc thị trường tự do. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Yi Gang nói rõ rằng chính phủ cần đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho mọi người hoạt động tại Trung Quốc.
Quan điểm của ông gần với định hướng của Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhưng xung đột với Chủ tịch Tập. Đối với Lý, chính quyền nên tập trung vào việc giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết đều thuộc sở hữu tư nhân.
Tuy nhiên, đối với nhiều nhà quan sát, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước, được coi là nền tảng của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, và trên hết là một công cụ kiểm soát kinh tế và chính trị. Điều này sẽ tăng cường căng thẳng giữa Bắc Kinh và các cường quốc phương Tây.
Vào ngày 8 tháng 7, trong một bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nhắc lại rằng châu Âu muốn có mối quan hệ cân bằng hơn với Trung Quốc. Vào ngày 22 tháng 6, tại hội nghị thượng đỉnh thường niên với Bắc Kinh, bà đã công khai chỉ trích chính phủ Trung Quốc vì sự chậm trễ trong việc mở cửa thị trường nội địa và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước.
Ngày hôm sau, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin thậm chí còn gay gắt hơn. Ông Mnuchin nói rằng nếu các công ty Mỹ không được đối xử bình đẳng ở Trung Quốc, thì việc tách rời nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc là không thể tránh khỏi.
Thiện Nhân
Theo asianews.it

ĐCSTQ tuyên bố chiến dịch thanh trừng,

ẩn ý trong đấu đá nội bộ

Bình luậnNguyễn Minh
Vào ngày 8/7, Tổng Bí thư PLAC Trần Nhất Tân đã tổ chức một cuộc họp tại Bắc Kinh để khởi động chiến dịch làm trong sạch bộ máy.
Các quan chức hàng đầu của Trung Quốc mới đây đã tuyên bố rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ bắt đầu một cuộc thanh trừng trong Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) – cơ quan của ĐCSTQ chịu trách nhiệm giám sát bộ máy an ninh quốc gia, bao gồm cảnh sát, tòa án và nhà tù.
ĐCSTQ sẽ hoàn thành cuộc thanh trừng vào quý I năm 2022, ngay trước đại hội toàn quốc lần thứ 20 – hội nghị diễn ra 5 năm một lần để xác định người đứng đầu ĐCSTQ cho nhiệm kỳ tiếp theo.
PLAC từng là thành trì cho các đối thủ chính trị hiện tại của ông Tập Cận Bình, cụ thể là các quan chức trung thành với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân.
Ngay từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng trên diện rộng; trong chiến dịch này, nhiều quan chức đã bị hạ bệ, gồm cả các quan chức cấp cao trong PLAC.
Sau khi ông Tập loại bỏ người đứng đầu PLAC khỏi Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị – cơ quan ra quyết định hàng đầu của ĐCSTQ, thì quyền lực của PLAC đã bị giảm đi nhiều trong những năm gần đây.
Nhưng các chuyên gia nhận định rằng việc thông báo về một cuộc thanh trừng sắp tới cho thấy ông Tập vẫn đang loay hoay với việc kiểm soát các quan chức trong PLAC.
Chiến dịch làm trong sạch bộ máy
Vào ngày 8/7, Tổng Bí thư PLAC Trần Nhất Tân đã tổ chức một cuộc họp tại Bắc Kinh để khởi động chiến dịch làm trong sạch bộ máy.
Ông Trần nói: “Các phòng ban thuộc PLAC [trong cả nước] không trong sạch, bất công và thiếu lực lượng hành pháp. Một số thành viên thậm chí vi phạm pháp luật và kỷ luật. Họ là những thành phần xấu, có tác động xấu và đã gây ra thiệt hại lớn. Chúng ta phải xoay lưỡi kiếm lại chính mình để giải quyết vấn đề này”.
Ông Trần tuyên bố chiến dịch đầu tiên sẽ bắt đầu từ tháng 7/2020 đến tháng 10/2020 ở 5 quận thuộc 5 tỉnh, và 2 nhà tù thuộc thành phố Cáp Nhĩ Tân. Sau đó, chiến dịch sẽ tiếp tục được thực hiện trên cả nước từ năm 2021 đến quý I năm 2022.
Ông Trần đã chỉ ra “6 nhóm bệnh cứng đầu” mà chiến dịch nhắm đến, bao gồm:
nhóm các quan chức PLAC can thiệp vào hệ thống tư pháp;
nhóm cấp quản lý điều hành các công ty;
nhóm các quan chức sở hữu cổ phần của các công ty tư nhân hoặc cho vay tiền có lãi;
nhóm quan chức có vợ/chồng hoặc con cái điều hành các doanh nghiệp bất hợp pháp;
nhóm các quan chức nhận hối lộ để giảm án cho các tù nhân hoặc trả tự do, ân xá cho các tù nhân;
nhóm các quan chức ‘kiểm soát’ các vụ án hình sự.
Mặc dù sáng kiến ​​này có vẻ là một động lực để chống tham nhũng, nhưng việc việc loại bỏ những “thành phần xấu” ra khỏi ĐCSTQ chính là loại bỏ các quan chức gây nguy hiểm cho sự ổn định của ĐCSTQ.
Nhà bình luận về vấn đề Trung Quốc tại Hoa Kỳ Tang Jingyuan phân tích rằng ĐCSTQ có 2 mục đích trong chiến dịch thanh trừng lần này:
“Một là loại bỏ các quan chức có quyền lực nhưng không tuân theo sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình”; ông Tập có thể lo ngại rằng PLAC sẽ phát triển thành một phe chống Tập và “trở thành Ủy ban Trung ương thứ 2 của ĐCSTQ”; hiện ĐCSTQ có hơn 200 ủy ban mà thành viên đều là các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ.
Hai là để đánh lạc hướng công chúng Trung Quốc khỏi các cuộc khủng hoảng hiện nay như suy thoái kinh tế, đại dịch, lũ lụt và các thảm họa khác.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Tang nhận định: “ĐCSTQ muốn khiến mọi người nghĩ là tất cả những điều tồi tệ đã xảy ra là do những người được gọi là ‘thành phần xấu’ làm”.
’An ninh chính trị’
Đầu năm nay, ĐCSTQ cũng đã khởi xướng một nỗ lực để gắn kết trong nội bộ chế độ này.
Ngày 21/4, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã thành lập “Nhóm Điều phối Xây dựng Trung Quốc Hòa bình”. Chủ tịch của PLAC Quách Thanh Côn là trưởng nhóm này.
Mới đây, ngày 6/7, trang web của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thông tin rằng nhóm điều phối trên đã thành lập một chi nhánh “an ninh chính trị”; trưởng chi nhánh này là phó Bí thư của PLAC Lý Đông Sinh.
Trong thuật ngữ chính trị của ĐCSTQ, “an ninh chính trị” đề cập đến sự an toàn và ổn định của quy tắc ĐCSTQ. Ông Lý cho biết “đúng đắn chính trị” là ưu tiên.
Gần đây, 2 quan chức cấp cao trong PLAC đã bị cách chức.
Ngày 19/4, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Tôn Lực Quân, đã bị giam giữ để điều tra trong nội bộ ĐCSTQ. Ngày 8/5, ông Tôn đã chính thức bị cách chức.
Từ ngày 20/4 đến ngày 5/5, Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc Phó Chính Hoa, được cho là thuộc phe Giang Trạch Dân, chống lại ông Tập Cận Bình, đã bị cách chức khỏi một số vị trí mà ông này nắm giữ trong hệ thống pháp luật.
Ông Tôn và ông Phó do Chủ tịch PLAC nhiệm kỳ 2012 đến 2017 Mạnh Kiến Trụ bổ nhiệm. Ông Mạnh cũng được cho là một nhân vật chủ chốt trong phe Giang Trạch Dân. Một số thuộc hạ khác của ông Mạnh cũng đã bị cách chức vào tháng Năm và tháng Sáu năm nay.
Hồi tháng Tư, một nguồn tin nội bộ từ Bắc Kinh cho biết, ông Tôn đã bị bãi nhiệm vì có liên quan đến một kế hoạch đảo chính. Trong kế hoạch này, phe Giang Trạch Dân muốn tìm cách hạ bệ ông Tập Cận Bình.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times

Một đập nước ở Trung Cộng bị vỡ

 báo hiệu thảm họa khó lường trước

Tin từ Dương Sóc, Trung Cộng – Một con đập của một hồ nước nhỏ ở khu vực Quảng Tây của Trung Cộng bị vỡ hồi tháng trước sau nhiều ngày mưa lớn có thể là điềm báo cho 94,000 con đập cũ kỷ của nước này, khi thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn.
Nằm ở quận Dương Sóc, con đập bị vỡ khoảng giữa trưa ngày 07/06/2020, gây ngập lụt đường sá, vườn cây và cánh đồng ở làng Shazixi. Hoàn thành vào năm 1965, con đập làm bằng đất nén có thể chứa đến 195,000 mét khối nước, đủ để lấp đầy 78 hồ bơi tiêu chuẩn Olympic để đáp ứng nhu cầu tưới nước của nông dân làng Shazixi.
Trong chuyến thăm hồi giữa tháng 07/2020, phóng viên Reuters phát hiện phần lớn chiều dài của con đập dài 100 mét đã biến mất, lần cuối nó được sữa chửa là từ 25 năm trước. Mặc dù sau khi đập bị vỡ, dân làng Shazixi cho biết không có thương vong, nhưng sự việc này có thể là điềm báo cho các hồ nước khác vốn đã đầy, đặc biệt là với những con đập có thiết kế kém và được bảo trì qua loa.
Điều này làm tăng nguy cơ thảm họa ở các thung lũng sông và đồng bằng lũ lụt có mật độ dân số đông hơn nhiều so với thời điểm con đập được xây xong. Các nhóm môi trường cho hay biến đổi khí hậu đang gây ra mưa lớn hơn và thường xuyên hơn.
Chính quyền Trung Cộng khuyến cáo rằng lũ lụt ồ ạt có thể gây ra những thảm họa không lường trước được, với những hậu quả nghiêm trọng. Năm 2006, Bộ Tài nguyên quốc gia này cho hay từ năm 1954 đến 2005, đê ở 3,486 hồ nước đã bị vỡ do chất lượng và quản lý kém. (BBT)

Truyền thông Trung Quốc ca ngợi dân ‘hy sinh

vì đại cục’ sau khi chủ động làm ngập

nhà của 200.000 người

Phụng Minh
Một chiến dịch tuyên truyền về sự “hy sinh” của người dân nơi bị ngập do phá đê đã bị chính người dân mắng mỏ.
Theo Reuters ngày 22/7, sau khi tỉnh An Huy, Trung Quốc cho nổ bờ kè chắn lũ, Vương Giá Bá cũng cho phá bờ kè vào hôm thứ Hai (20/7), khiến 4 làng và thị trấn với khoảng 200.000 người bị ngập lụt. Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc cho biết người dân trong khu vực bị ngập lụt chính là đã “bỏ cái tôi, vì đại cục”, tất cả truyền thông đều ca ngợi điều đó. Một số cư dân mạng tức giận vì sự thiếu sự đồng cảm trên các phương tiện truyền thông chính thức uất ức nói: “Ví thử các người đến mà hy sinh xem sao”.
Theo truyền thông Đại lục, mưa liên tục khiến mực nước tại các các nhánh sông Hoài dâng cao hơn so với mức cảnh giới. Chính quyền tỉnh An Huy để bảo vệ các khu vực thành thị ở hạ lưu sông Hoài đã ra lệnh cho thành phố Phụ Dương, Phụ Nam, Vương Gia Bá mở rộng thêm chỗ thoát nước để nước dồn về vùng trũng. Do đó, 200.000 người trong khu vực lưu trữ lũ đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng.
Theo tờ báo Cứ Lục, hơn 2.000 cư dân sống ở khu vực trũng trong khu vực lưu trữ lũ đã di chuyển đến địa hình cao hơn trong đêm 19 để tránh nguy hiểm. Mặc dù sự an toàn tính mạng của người dân sẽ không bị đe dọa nhiều trong thời điểm hiện tại, nhưng có thể hình dung được rằng những thiệt hại về tài sản do lũ lụt gây ra cho các trang trại, cũng như những khó khăn trong cuộc sống của họ vào lúc này.
Từ các video được đăng lên Internet, có thể thấy rằng một số nông dân ở khu vực lưu trữ lũ lụt Vương Gia Bá đã bỏ trốn với túi lớn, nhỏ, gia súc, gà, vịt và các vật nuôi khác trong đêm khuya.
Vào lúc 8h31 sáng giờ địa phương ngày 20/7, mực nước ở cổng Vương Gia Bá trên sông Hoài ở An Huy đã đạt 29,75 mét, và Vương Gia Bá đã chính thức mở cửa để xả lũ. Những ngôi nhà ở vùng trũng thấp, những vùng đất nông nghiệp lớn bị nuốt chửng và phá hủy ngay lập tức. Truyền thông của chính quyền Trung Quốc nói rằng đây là khu vực “hy sinh và cống hiến” để lưu trữ nước lũ thứ 16 trên toàn quốc.
Chỉ một ngày sau khi Vương Gia Bá mở cổng để chuyển hướng lũ lụt, nước đã ngập tới tận đỉnh những cây ngô trong ruộng gần Trang Đài. Đã quá muộn để người nông dân thu hoạch lứa cá và tôm họ nuôi và chỉ có thể nhìn chúng bị cuốn trôi theo dòng lũ.
Từ các video clip được tải lên trên Internet, có thể thấy rằng những ngôi nhà ở khu vực trũng thấp của khu vực lưu trữ lũ đã bị lũ nhấn chìm đến mức chỉ có thể nhìn thấy những mái nhà. Những ngôi nhà ở khu vực cao hơn cũng bị nước, bùn tràn vào và đổ xuống từ các tầng trên. Các quận Phượng Đài và Phù Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đường phố trong thành phố bị ngập lụt và người dân chỉ có thể di chuyển bằng thuyền. Gần như toàn bộ ngôi làng Lý Dĩnh ở Vương Gia Bá đã, huyện Phù Nam bị lũ lụt nhấn chìm, và thị trấn Trịnh Đài đã trở thành một “hòn đảo biệt lập”.
Phòng Tuyên truyền của Đảng ủy Quận Phù Nam nói với Cứ Lục rằng người dân Vương Gia Bá một lần nữa “hy sinh bản thân” để đổi lấy sự an toàn của khu vực xung quanh và hàng trăm triệu người. Tuy nhiên, chính quyền quận không công bố bất kỳ chính sách nào để bồi thường cho các nạn nhân hoặc đề xuất các biện pháp khắc phục cụ thể.
Khi truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa tin về việc mở cửa xả lũ ở Vương Gia Bá cùng ngày, họ cũng công khai cái gọi là “tinh thần Vương Gia Bá” rằng cư dân trong khu vực lưu trữ lũ lụt đã “hy sinh và phụng sự” vì đại cục, cho rằng đây là “dùng nhà của 200.000 người đổi lấy sự bình an của các khu vực xung quanh cùng 1 trăm triệu người”. Thêm vào đó đội quân dư luận viên mạng của ĐCSTQ cũng kết hợp truyền đi thông điệp ca ngợi. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chính thức đều mô tả giảm nhẹ thảm họa cùng những mất mát và khó khăn nhọc nhằn của biết bao người dân và hộ kinh doanh trong khu vực lưu trữ.
Một số cư dân mạng Trung Quốc không thể chịu đựng được, đã đăng tải những lời khiển trách cái gọi là sự “hy sinh” này: “Họ đã nhắm mắt làm ngơ trước những mất mát và đau khổ của người dân ở những vùng bị thảm họa. Hệ thống truyền thông trong nước đối với hoạn nạn của người dân khốn khổ cũng không hề thấy cảm động chút nào, hoàn toàn là đứng từ góc độ người ngoài cuộc mà xem cho vui. Nếu như chính họ trở thành đối tượng của “sự hy sinh anh hùng”, tôi tự hỏi liệu họ có tiếp tục “ca ngợi” được nữa không?”
Cư dân mạng Trung Quốc kêu gọi chính phủ hãy tử tế với các nạn nhân (ảnh chụp màn hình).
“Hiện tại, đập Tam Hiệp đã mở 7 cửa để xả lũ hết công suất và Vũ Hán đang đối mặt với áp lực lũ lớn. Truyền thông nói rằng các tỉnh Giang Tây và An Huy đã ‘hy sinh’ để bảo vệ đập Tam Hiệp và thành phố Vũ Hán. Nếu thời tiết với lượng mưa lớn tiếp tục, tôi tự hỏi có bao nhiêu thành phố, quận và làng sẽ trở thành đối tượng của sự ‘hy sinh’ nữa“.
Theo He Yating, NTDTV
Phụng Minh biên dịch

Melbourne bắt buộc người dân mang khẩu trang

 khi số ca coronavirus của Úc gia tăng ở mức kỷ lục

Tin từ SYDNEY, Úc – Từ hôm thứ Tư (22/7), cư dân tại thành phố đông dân thứ hai của Úc, Melbourne, phải đeo khẩu trang khi rời khỏi nhà khi quốc gia này công bố các trường hợp coronavirus mới gia tăng ở mức kỷ lục, trong khi tiểu bang New South Wales đang “cảnh giác cao độ”.
Úc ghi nhận 501 ca nhiễm coronavirus mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 3. Số người tử vong của quốc gia này cũng tăng thêm 2 và đạt tổng số 128. Tiểu bang Victoria, với Melbourne là thủ phủ, chiếm phần lớn các trường hợp mới, với 484 ca bệnh.
Thủ hiến Daniel Andrew của Victoria cho biết hơn một nửa số người xét nghiệm dương tính với virus ở Victoria trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến 21 tháng 7, hoặc hơn 2,000 người, không hề cách ly. Ông Andrew khuyến cáo rằng số lượng các trường hợp sẽ tiếp tục gia tăng lên nếu người dân không tự cách ly sau khi được xét nghiệm.
Việc du lịch xuyên biên giới giữa Victoria và New South Wales (NSW) sẽ chỉ được cho phép cho mục đích công việc, giáo dục hoặc chăm sóc y tế, sau khi biên giới được đóng cửa lần đầu tiên trong tháng này sau 100 năm.
Nhân viên và học sinh đi từ Victoria đến NSW để nhập học các trường nội trú hoặc trường đại học được yêu cầu tự cách ly trong hai tuần và xét nghiệm âm tính với virus, trong khi nhân viên thời vụ từ Victoria bị cấm. Melbourne chứng kiến số lượng ca bệnh coronavirus gia tăng nhanh chóng trong những tuần gần đây, với virus này lây lan sang nhiều người cao niên, viện dưỡng lão và một số nhà tù. (BBT)

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.