Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 23/07/2020

Thursday, July 23, 2020 7:11:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 23/07/2020

Tổ thư ký và tài xế của chủ tịch Hà Nội bị khởi tố, bị bắt hàm ý gì?

Bộ Công an vào ngày 22 tháng 7 loan tin cho biết Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 3 người về tội ‘Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước’ theo Điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015, liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường.
Cụ thể, 2 trong số 3 người bị bắt đều làm trong Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội gồm ông Nguyễn Anh Ngọc – Phó trưởng Phòng Thư ký – Biên tập và ông Nguyễn Hoàng Trung – Chuyên viên Phòng Thư ký – Biên tập đồng thời cũng là lái xe của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Người còn lại là ông Phạm Quang Dũng, nguyên cán bộ Công an thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu Bộ Công an (C03).
Trước đó, hôm 13/7 Bộ Công an đã khám xét chỗ ở và nơi làm việc của ba người nói trên.
Trao đổi với RFA tối 22/7, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng việc bắt giữ và khởi tố những người có liên quan ông Chủ tịch Hà Nội cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến ông Nguyễn Đức Chung:
“Uy tín cậu này bây giờ thấp lắm rồi. Đây là trò đánh nhau của các phe phái để giành ghế vào trung ương, chẳng còn xa lạ. Đáng lẽ nếu đảng cộng sản tử tế, chính nghĩa và đúng đắn thì phải cắt chức ông này từ lâu rồi, sau vụ Đồng Tâm là phải cắt chức mà họ vẫn phe phái, dung dưỡng nhau.”
Đây là trò đánh nhau của các phe phái để giành ghế vào trung ương, chẳng còn xa lạ. -  Ông Nguyễn Khắc Mai
Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng cho rằng việc bắt giữ và khởi tố ngày 22/7 có thể mang hàm ý khác:
“Những biện pháp quen thuộc xưa nay vẫn thấy là từ những việc rất nhỏ không liên quan gì ví dụ như một người tài xế làm sao có thể tiếp xúc với tài liệu mật? Điều rất đơn giản như thế nhưng vì họ sẽ đi đường vòng, dùng lý do từ đó bắt đầu khui những việc khác. Ta thấy tư pháp ở Việt Nam thường trọng cung hơn, tức là họ có thể dùng các biện pháp chỉ cần lời thú tội rồi tất cả dựa trên những lời khai báo đó để họ xử án. Tôi cho rằng người tài xế đó rất dễ trong chuyện ép cung từ đó họ dùng cái đó để xử lý nội bộ vấn đề khác, có thể không công khai.”
Theo truyền thông trong nước, tuy là công ty mới được thành lập chưa lâu, nhưng trước khi vụ việc bị phanh phui, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường đã nhận phần lớn các hợp đồng thầu liên quan đến các dự án công trực tuyến ở Hà Nội lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó điển hình như được chỉ định thầu với giá trị 10,7 tỷ đồng trong dự án của Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội thực hiện quyết định 6699, hoặc trong dự án thí điểm lắp đặt hệ thống camera an ninh với số tiền đầu tư lên đến 1,1 tỷ đồng, hay cung cấp những phần mềm liên quan đến bảo mật, an ninh của lực lượng an ninh Hà Nội.
Vào sáng ngày 9/5/2019, công an Hà Nội đã tiến hành khám xét và thu giữ vật dụng tại Trung tâm bảo hành, sửa chữa Nhật Cường ở C4 Giảng Võ và ở số 33 Lý Quốc Sư.
Ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương Mại & Dịch vụ Nhật Cường, được xác định cầm đầu đường dây nhập lậu thiết bị điện tử quy mô lớn tại thời điểm khởi tố vụ án vào tháng 5/2019 đã bỏ trốn và hiện Bộ Công an đang truy nã bị can này ở cấp độ cao nhất trên toàn thế giới. Ông
Huy hiện bị khởi tố 4 tội danh trong đó có tội ‘buôn lậu’, ‘vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘rửa tiền’.
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự đưa ra giả thuyết:
“Có thể những người này (ba người vừa bị bắt) tuồn thông tin cho ông Giám đốc Nhật Cường để ông ấy trốn thoát. Công ty Nhật Cường lại dính đến mấy hợp đồng cung cấp phần mềm cho thành phố Hà Nội. Ông Nguyễn Phú Trọng đã ra lệnh phải làm vụ án Nhật Cường này. Như vậy chứng tỏ chắc chắn đụng đến ông Chung vì những người thân cận ông ấy rồi những hợp đồng liên quan đến phần mềm, thiết bị cung cấp cho Hà Nội. Hiển nhiên nó phản ánh một cuộc đấu đá nội bộ vì đại hội đảng sắp sửa đến. Người này, người kia tranh quyền…”
Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc những thông tin nội bộ được đưa ra báo chí trước khi diễn ra đại hội đảng được xem như chuyện trước giờ vẫn thế.
Thậm chí ngay sau khi vụ việc khám xét Công ty Nhật Cường được truyền thông trong nước loan tải vào năm 2019, nhiều chuyên gia quan sát đã đưa ra nhận xét cho rằng đây có thể là một cuộc đấu đá giữa các nhóm lợi ích mà trong đó người ‘chống đỡ’ cho công ty Nhật Cường đang thất thế.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A lập luận:
“Các cuộc đại hội là cuộc sắp xếp chỗ ngồi cho những người đấy. Chỗ ngồi là quyền lực, mà quyền lực là thứ nặng hơn ma túy nhiều lần. Như thế những người nghiện quyền lực thì họ phải đấu tranh rất quyết liệt để giữ hoặc giành quyền lực ấy, Không lạ gì việc càng gần đến đại hội thì thông tin do thế lực nội bộ của phe này tuồn ra đánh phe kia càng nổi mạnh lên và càng xuất hiện nhiều hơn.”
Do đó, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng với việc bắt giữ hai người có liên quan đến Chủ tịch Nguyễn Đức Chung với cáo buộc ‘Làm lộ bí mật nhà nước’, có thể chính ông Chung cũng không thể thoát khỏi lần này:
“Chúng ta đều thấy chắc sắp tới kịch bản sẽ không mấy gì tốt đẹp cho ông Nguyễn Đức Chung. Ta thấy họ chỉ xử lý trong nội bộ tất cả những chuyện khi động chạm đến sự đoàn kết của đảng. Một khi được công bố ra công luận như báo chí đã đăng coi như số phận, sinh mạng chính trị của người ấy coi như chấm dứt.”
Liên quan vụ án Nhật Cường, đến nay cơ quan điều tra cũng đã khởi tố 26 bị can về các tội danh khác nhau gồm ‘buôn lậu’ theo điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015 và tội ‘vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng’ theo điều 221 Bộ luật hình sự năm 2015.
Trong những người vừa nêu có cả cựu Chánh văn phòng Thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đào tạo thành phố Hà Nội và Chánh văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu Tư.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong ngày 22/7 cho biết đang phối hợp với các cơ quan tố tụng khẩn trương giải quyết các vụ án kinh tế trong năm 2020, bao gồm cả vụ Nhật Cường.

Xét xử Trầm Bê

và truy nã cựu giám đốc ngân hàng Phương Nam

Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 23/7 mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án ông Trầm Bê, cựu phó chủ tịch Ngân hàng Phương Nam cùng 8 cấp dưới và ‘siêu lừa’ Dương Thanh Cường; đồng thời phát lệnh truy nã đối với bà Nguyễn Thị Xuân Trang cựu Giám đốc Sở giao dịch ngân hàng Phương Nam.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết, Viện Kiểm sát công bố cáo trạng vụ án và Bộ Công an đã quyết định khởi tố và bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Xuân Trang nhưng vì không có mặt tại địa phương nên cơ quan cảnh sát điều tra quyết định ban hành lệnh truy nã đối với bà này.
Hành vi của bà Nguyễn Thị Xuân Trang theo Cơ quan điều tra là đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại Điều 206 Bộ luật hình sự 2015. Tuy vậy, Cơ quan điều tra đã quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Nguyễn Thị Xuân Trang do đang bỏ trốn, khi nào bắt được Cơ quan điều tra sẽ phục hồi điều tra, truy tố theo quy định của pháp luật.
Theo cáo trạng, vào năm 2008, Dương Thanh Cường ký hồ sơ đề nghị vay vốn, giấy cam kết thế chấp 23 quyền sử dụng đất gửi Ngân hàng Phương Nam vay hàng trăm tỷ đồng. Mục đích vay theo hồ sơ là để đầu tư 3 dự án: Dự án Khu chung cư cao tầng Bình Phát, Bình Phát 1 và Thiên Kim Phát.
Ông Trầm Bê chỉ đạo cấp dưới hoàn tất thủ tục và Ngân hàng Phương Nam đã giải ngân cho Cty Bình Phát của Dương Thanh Cường. Sau nhiều lần cho vay, tổng thiệt hại của Ngân hàng Phương Nam lên tới 505 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử cho rằng ông Trầm Bê và 8 cấp dưới “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo Điều 179 Bộ luật hình sự năm 1999, có khung hình phạt thấp nhất là 10 năm tù. Trước đó, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị khung hình phạt từ 12-20 năm tù.

Lãnh đạo TPHCM phân trần

việc Phó Giám đốc Sở vừa bổ nhiệm đã bị bắt

Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, trong buổi họp báo của UBND thành phố hôm 23/7 cho biết ông Phan Trường Sơn, Phó  Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, bị khởi tố bắt giam là vì có liên quan đến công tác ở Sở Xây dựng TPHCM.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày dẫn lời của người đứng đầu Sở Nội vụ TPHCM nói vẫn đang kiểm tra lại quy trình bổ nhiệm ông Phan Trường Sơn. Còn theo lời bà Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM Nguyễn Thị Lệ thì quy định bổ nhiệm cán bộ còn có sơ hở.
Ông Trương Văn Lắm cho rằng quy trình điều động, bổ nhiệm nhân sự không quy định phải lấy ý kiến Bộ Công an nên thành phố không nắm được. Tuy nhiên, ông Lắm khẳng định trong thời gian làm quy trình lấy ý kiến các cơ quan ban ngành thì không phát hiện sai phạm trong trường hợp ông Phan Trường Sơn.
Hôm 11/5, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) tiếp tục khởi tố thêm các bị can liên quan đến vụ án  “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản” xảy tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn.
Ông Phan Trường Sơn (sinh năm 1967, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM) bị bắt cùng với ông Trần Quốc Đạt (sinh năm 1963, Phó Trưởng phòng Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản) và Lê Tấn Hòa (sinh năm 1977, chuyên viên Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, cùng thuộc Sở Xây dựng TPHCM).
Ông Phan Trường Sơn vừa được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM hồi tháng 4/2020. Trước đó ông này giữ chức Trưởng phòng Phát triển nhà ở và Thị trường bất động sản (thuộc Sở Xây dựng TPHCM).
Cũng liên quan đến vụ án trên, ông Trần Vĩnh Tuyến (sinh năm 1965, Phó Chủ tịch UBND TPHCM) và ông Trần Trọng Tuấn (sinh năm  1969, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM) cũng bị khởi tố để điều tra.

Quảng Trị: Phó giám đốc công an nói

cấp dưới tham nhũng, bị giáng chức là ‘việc nội bộ’

Tâm Tuệ
Một cán bộ công an tỉnh Quảng Trị vừa bị giáng chức vì “nhận vật chất trái quy định”, tuy nhiên Phó Giám đốc công an tỉnh này khi được hỏi về vụ việc thì đã từ chối cung cấp thông tin và nói “đó là việc nội bộ”.
Theo Tuổi trẻ, ngày 22/7, HĐND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức kỳ họp thứ 16, khoá VII, nhiệm kỳ 2016-2021. Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị về công tác phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm tại kỳ họp này thì tỉnh Quảng Trị đã xử lý kỷ luật giáng chức với một cán bộ thuộc Công an tỉnh vì nhận “lợi ích vật chất trái quy định”.
Trường hợp bị phát hiện là ông Lê Nam Long, thời điểm đó là phó đội trưởng đội chống buôn lậu của phòng cảnh sát Kinh tế, công an tỉnh Quảng Trị). Sau khi bị công dân tố cáo, ông Long đã bị giáng chức và huyển sang làm công tác khác.
Báo Dân trí cho biết, để làm rõ hơn thông tin trên, bên lề cuộc họp HĐND tỉnh Quảng Trị, nhiều phóng viên đã đề nghị đại tá Nguyễn Văn Thanh – giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị – cung cấp thông tin.
Đại tá Thanh cho biết mình mới về nhận công tác chưa nắm kỹ thông tin nên ủy quyền cho đại tá Trần Xuân Vĩnh – phó giám đốc công an tỉnh Quảng Trị – trả lời. Tuy nhiên, qua điện thoại Đại tá Vĩnh cho biết: “Tôi sẽ không cung cấp, việc đó là việc nội bộ”.

Người kích động

nhóm áo cam gây rối ở TPHCM ra đầu thú

Sau 2 tháng lẩn trốn, hôm 23/7, thanh niên Mai Nguyễn Xuân Thành, 24 tuổi, người trực tiếp kích động dẫn đến trận ẩu đả hôm 3/6 giữa hai băng nhóm tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đã ra đầu thú.
Báo chí trong nước dẫn thông tin từ Công an TPHCM cho biết liên quan đến vụ băng nhóm áo cam gây rối đường phố và đập phá quán nhậu, Mai Nguyễn Xuân Thành chính là người đã nhờ Dương Đại Trí (tức Trí “nhảm”) huy động băng giang hồ áo cam tìm đánh đối thủ là nhóm của Trần Thanh Tuấn (tức Tuấn “B”).
Hiện Công an TPHCM đang tạm giữ hơn 100 người, trong đó đã khởi tố Tuấn “B”, Trí “nhảm” và hơn 70 bị can về các tội danh: cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng.
Riêng bị can Dương Đại Trí hiện đang bỏ trốn, ngoài khởi tố với cùng tội danh vừa nêu, còn bị phát lệnh truy nã.
Theo cáo trạng, Mai Nguyễn Xuân Thành và Hồ Chí Linh vào ngày 3/6/2020 đã xảy ra mâu thuẫn, hăm dọa nhau. Thành về nói với đại ca Trí “nhảm”, còn Linh nhờ Tuấn “B”. Sau đó, phe Tuấn “B” huy động người, đến đường dẫn lên cao tốc ở huyện Bình Chánh, chuẩn bị hỗn chiến. Tuy nhiên, công an đã kịp thời ngăn chặn.
Trong khi đó, nhóm Trí “nhảm” kêu gọi đàn em đồng loạt mặc áo cam, hứa trả tiền từ 100.000 đến 400.000 đồng/người để đánh nhau. Nhóm này kéo đến quán Ốc Hương, là quán ruột của Tuấn “B”. Do không thấy nhóm đối thủ, nên đã đập phá quán ốc.

Mưa lũ ở Hà Giang gây thiệt hại hơn 500 tỉ đồng

Mưa lớn trong những ngày qua đã khiến khu vực miền núi phía bắc thiệt hại lớn về người và của, cụ thể đã có 5 người chết và 3 người bị thương, thiệt hại vật chất tại riêng tỉnh Hà Giang lên đến hơn 500 tỉ đồng.
Báo trong nước loan tin ngày 23/7 dẫn báo cáo các tỉnh đưa ra trong buổi gặp gỡ ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai. Ông Hoài dẫn đầu đoàn công tác lên Hà Giang kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ phức tạp tại địa phương và miền núi phía bắc diễn ra một ngày trước đó.
Theo báo cáo, tính đến ngày 22/7, gần 3.000 ngôi nhà ở thành phố Hà Giang, 6 ngôi làng ở huyện Bắc Mê bị mưa lũ gây ngập úng và gần 100 ngôi nhà bị lũ cuốn, đất đá vùi lấp… Ngoài ra, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã, liên tỉnh bị ngập nước, có đoạn sâu đến 1,2 m. Ước tính tổng thiệt hại trên 125 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, hai nhà máy thủy điện Thuận Hòa và Thái An do ảnh hưởng mưa lớn cũng đã bị đất, đá vùi lấp hoàn toàn máy móc, thiệt hại ước tính khoảng 370 tỉ đồng.
Những thiệt hại vừa nêu được Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự tỉnh Hà Giang, cho biết đã vượt khả năng cân đối ngân sách và bố trí kinh phí của tỉnh.
Vì vậy, Ban này sẽ tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh trình Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Thiên tai hỗ trợ kinh phí khắc phục cơ sở hạ tầng và khôi phục sản xuất, trong đó có hai nhà máy thủy điện.
Người dân tỉnh Hà Giang hiện được cảnh báo hạn chế di chuyển để giảm thiểu thiệt hại về người do ngập lụt.
Tỉnh cũng yêu cầu các nhà máy thủy điện trên sông Miện, sông Lô thực hiện nghiêm quy chế phối hợp cung cấp thông tin vận hành đón, xả lũ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Vẫn tin liên quan, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo xoáy thuận nhiệt đới (vùng thấp, áp thấp nhiệt đới hoặc bão) có khả năng xuất hiện trên khu vực Biển Đông trong nửa đầu tháng 8 tới đây.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm nay các cơn bão trên Biển Đông tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam những tháng cuối năm 2020. Mùa bão đến muộn nhưng khả năng xuất hiện nhiều bão mạnh hơn năm 2019.

Hàng chục ngàn tỷ và hàng ngàn héc-ta đất

sai phạm trong 6 tháng đầu năm 2020

Thanh tra Chính phủ Việt Nam phát hiện vi phạm kinh tế hơn 31 ngàn tỷ đồng và hơn 3.400 héc-ta (ha) đất trong 6 tháng đầu năm 2020.
Truyền thông trong nước, vào ngày 23/7 dẫn báo cáo của Thanh tra Chính phủ ghi nhận số liệu về vi phạm kinh tế như vừa nêu. Đồng thời kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước xấp xỉ 13.800 tỷ đồng và 507 ha đất.
Liên quan thanh tra hành chính, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 3.600 tỷ đồng và 25 ha đất. Trong đó, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 3.600 tỷ đồng và 16 ha đất.
Về thanh tra các bộ, ngành và địa phương, Thanh tra Chính phủ cũng đã phát hiện vi phạm về kinh tế gần 1.700 tỷ đồng và hơn 3.400 ha đất, kiến nghị thu hồi hơn 1.050 tỷ đồng và 491 ha đất.
Thanh tra Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2020 đã thực hiện tổng cộng gần 73.700 cuộc thanh tra; kiểm tra việc chấp hành pháp luật của hơn 171 ngàn tổ chức và cá nhân; phát hiện gần 53.400 tổ chức, cá nhân có vi phạm với số tiền là gần 25.900 tỷ đồng và kiến nghị thu hồi gần 9.100 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ đã ban hành gần 46.800 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 4.225 tỷ đồng.
Thanh tra các bộ, ngành, địa phương có kiến nghị thu hồi số tiền lớn  bao gồm Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, các tỉnh Bắc Ninh, Điện Biên, Phú Thọ, Thái Nguyên, Trà Vinh, Bà Rịa-Vũng Tàu…
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ còn ghi nhận đã phát hiện 26 vụ và 23 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng, trong 6 tháng đầu năm 2020.
Thanh tra Chính phủ cho biết rằng công tác thanh tra còn nhiều bất cập và hạn chế mà chưa thể khắc phục. Chẳng hạn như việc theo dõi và kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu các chế tài xử lý đối tượng có hành vi cản trở, chống đối, không thực hiện, thực hiện không đầy đủ và kịp thời.

2035: Việt Nam có thể phải nhập khẩu 50% năng lượng?

Vì sao phải nhập khẩu năng lượng?
Ông Nguyễn Văn Bình khi phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020, vào ngày 22 tháng 7 năm 2020 tại Hà Nội cho rằng, sở dĩ tỷ lệ nhập khẩu năng lượng tăng cao vào năm 2035 đến 50%, là do cạn kiệt nguyên liệu hóa thạch sản xuất điện, khiến nhu cầu nhập khẩu năng lượng vào hệ thống điện trong nước tăng cao, để đảm bảo nguồn cung ứng điện trong nước.
Ngoài ra, theo ông Bình, trữ lượng dầu khí vùng gần bờ của Việt Nam đã dần cạn kiệt, hầu hết các mỏ đã được khai thác trong thời gian dài và đang ở giai đoạn cuối với sản lượng giảm tự nhiên từ 15% đến 30% hàng năm.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 22 tháng 7 năm 2020 về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói:
“Hiện nay nhu cầu năng lượng của Việt Nam đang tăng lên với tốc độ khá cao, tiêu thụ năng lượng của Việt Nam thường cao từ 1,5 cho đến 2 lần tăng trưởng GDP. Tức là hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam cần được cải thiện. Thứ hai, Việt Nam có một số nguồn năng lượng, nhưng gần đây, khi thác than và khai thác dầu khí đã bị hạn chế. Vì vậy Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng, và nhập khẩu năng lượng như vậy sẽ tiêu tốn khá nhiều ngoại tệ, đó là một thách thức đối với Việt Nam.”
Tổng sơ đồ 8 đã hiệu chỉnh thì nó không như thế. Trong đó, từ năm 2026 những nhiệt điện than nào chưa xây dựng đều dừng lại hết, có phải nhập khẩu than nữa đâu.
-TS. Ngô Đức Lâm
Một cách khác mà Việt Nam có thể giải quyết theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, đó là sử dụng những năng lượng tái tạo là năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các loại năng lượng khác như sinh khối hay năng lượng lên men của các chất thải sinh học, thì cũng có thể giúp Việt Nam giải quyết một phần các nhu cầu năng lượng này.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 22 tháng 7 năm 2020 liên quan vấn đề này, tỏ ra nghi ngờ về thông tin mà Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đưa ra:
“Tôi không nghe cái này, mà chắc cũng không đúng như thế, riêng tôi đọc cái Tổng sơ đồ 8 đã hiệu chỉnh thì nó không như thế. Trong đó, từ năm 2026 những nhiệt điện than nào chưa xây dựng đều dừng lại hết, có phải nhập khẩu than nữa đâu. Tổng sơ đồ 8 tính tới năm 2045, từ nhập 100 triệu tấn than xuống còn 20 triệu tấn, giảm rất nhiều, thì có cái chuyện nhập 50% năng lượng đâu. Tôi thấy có cái hướng tăng năng lượng tái tạo lên đến 30% 40%… và nhiều hơn nữa… thì hoàn toàn ở trong nước, có nhập gì đâu.”
Tỷ lệ sử dụng các dạng năng lượng trong nước
Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, gọi tắt là Quy hoạch điện 8, tổng công suất sẽ đạt mức 130 GW vào năm 2030 và 221 GW vào năm 2045.
Trong đó, về cơ cấu nguồn điện đến năm 2030, thủy điện vừa và lớn 17%, nhiệt điện khí – dầu 17,3% và nguồn điện năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ và điện sinh khối chiếm 22,9%. Đến năm 2045 tỷ lệ này là thủy điện 11,5%, nhiệt điện khí – dầu 18,3% và điện năng lượng tái tạo tăng lên 40,2%.
Còn theo Tổng sơ đồ quy hoạch điện 7, do Bộ Công Thương giao Viện Năng lượng lập quy hoạch, dự kiến đến 2030, điện từ than chiếm 42,6%; khí tự nhiên chiếm 14,7% và năng lượng tái tạo chiếm 21%…
Dù đến nay theo Bộ Công thương, mới có khoảng 87,7% khối lượng nguồn điện trong Tổng sơ đồ 7 được thực hiện, khoảng 72% khối lượng lưới điện 500kV và khoảng 80% khối lượng lưới điện 220kV được triển khai, thực hiện.
Nhưng thông tin phải nhập 50% năng lượng vào năm 2035 theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm là không đúng với tình hình thực tế cũng như Tổng sơ đồ 8 hay nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Ông nói tiếp:
“Riêng với ngành năng lượng, cái mà trong nước đặt ra toàn bộ than cần cho phát điện là khoảng 45 – 50 triệu tấn, trong nước có khỏang 34 triệu tấn, chỉ nhập 10 triệu tấn, thế đã là nhiều rồi, phức tạp rồi, còn năng lượng nói chung thì ví dụ cần phải nhập xăng và dầu chẳng hạn… Chủ yếu của Việt Nam là thủy điện thì không phải nhập rồi.”
Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâmchỉ có khả năng sau này Lào xây dựng những đập thủy điện trên thượng nguồn, thì có thể trong tương lai nhập điện từ thủy điện của Lào. Còn về khí đốt thì trong tương lai, khí hóa lỏng phải nhập, nhưng theo ông tỷ lệ cũng ít thôi, chứ chưa phải nhiều lắm. Ông giải thích thêm:
“Vì theo Tổng sơ đồ thì khí chỉ chiếm khoảng 15% tổng số, trong nước đã có 10%, chỉ nhập thêm 5% nữa thôi. Cho nên tôi thấy hơi lạ, nhập khẩu đến 50% thì không đúng đâu. Với lại trong nghị quyết 55, năng lượng sơ cấp sử dụng năng lượng tái tạo là phổ biến, do đó khả năng sử dụng năng lược gió và mặt trời, thì trong nước đã có.”
Trong nghị quyết 55, năng lượng sơ cấp sử dụng năng lượng tái tạo là phổ biến, do đó khả năng sử dụng năng lược gió và mặt trời, thì trong nước đã có.
-TS.Ngô Đức Lâm
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng hôm 18/2/2020 đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dù Nghị quyết số 55 là định hướng chứ không phải chính sách. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, khi mà định hướng của Đảng, của Bộ chính trị mà giao cho Thủ tướng Chính phủ, thì Thủ tướng sẽ ban hành thành chính sách rất cụ thể, và tất cả sẽ thực hiện theo định hướng này.
Vậy tỷ lệ nhập khẩu năng lượng bao nhiêu là hợp lý để đảm bảo an ninh năng lượng và tránh phụ thuộc?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định:
“Tỷ lệ nhập khẩu và sử dụng năng lượng tùy thuộc vào mỗi nước khác nhau. Những nước xuất khẩu năng lượng họ có một tỷ lệ sử dụng năng lượng khác hơn. Còn những nước phát triển thì họ đang tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo để hạn chế nhập khẩu. Tại Việt Nam, vấn đề năng lượng nguyên tử cũng là một vấn đề đang tranh cãi. Trước đây, Việt Nam cũng có dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhưng rồi Việt Nam lại hủy bỏ. Và bây giờ, lại đang có ý kiến của chuyện gia, là nên xem xét lại những dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân này.”
Dù khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng trong nước, tuy nhiên Bộ Chính trị cũng nêu rõ trong nghị quyết số 55, là phải rà soát, sớm nâng cấp công nghệ của các nhà máy điện than hiện có để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; kiên quyết đóng cửa đối với các nhà máy không thực hiện nâng cấp công nghệ theo quy định.
Cũng trong Nghị quyết số 55, Bộ Chính trị nêu rõ, với ngành than, ngoài nhập khẩu, cần khẩn trương nghiên cứu công nghệ để có thể khai thác bể than đồng bằng Sông Hồng; nâng cao hệ số thu hồi than sạch trong khai thác hầm lò… để có thể giảm giá thành… giảm thiệt hại cho người dùng điện.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khi phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam hôm 22/7/2020 cho rằng, để phát triển năng lượng hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, từ nay tới năm 2025, Việt Nam cần lắp đặt thêm khoảng 5.000 MW công suất nguồn điện mới gồm cả năng lượng tái tạo, tức mỗi năm cần rót thêm từ 7 đến 10 tỷ USD đầu tư các dự án nguồn điện. Đây là số vốn ngân sách không hề nhỏ trong thời điểm hiện nay.
Thông tin cho rằng, tỉ lệ phủ thuộc nhập khẩu năng lượng của Việt Nam sẽ khoảng 33% năm 2025 và lên đến 50% vào năm 2035 mà  Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đưa ra cho thấy sự quản lý, quy hoạch của các bộ ngành tại Việt Nam, thiếu thống nhất, thông tin không rõ ràng, gây khó khăn và khó thu hút nhà đầu tư.

Việt Nam bắt đầu hạ giải nhà thờ thế kỷ thứ 19

Giáo phận lâu đời nhất ở miền bắc Việt Nam bắt đầu hạ giải nhà thờ thế kỷ thứ 19. Nhà thờ này đang trong tình trạng xiêu vẹo bất chấp những lời kêu gọi của công chúng để bảo tồn nhà thờ mang tính biểu tượng.
Một linh mục từ Giáo phận Bùi Chu thông báo với UCA News rằng vào ngày 17 tháng 7, các công nhân bắt đầu gỡ bỏ sàn và mái ngói khỏi Nhà thờ Bùi Chu, một trong những nhà thờ lâu đời nhất Việt Nam, để chuẩn bị cho một nhà thờ mới. Nhà thờ ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định được bao quanh bởi một hàng rào sắt, nên rất ít người có thể tiếp cận đại điểm này.
Việc hạ giải dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng Tám. Vị linh mục, người muốn được ẩn danh, cho biết giáo phận không đưa ra thông báo công khai nào về việc hạ giải nhà thờ 135 tuổi vì lo sợ rằng những phản ứng tiêu cực sẽ ngăn việc hạ giải nhà thờ cũ và xây dựng một nhà thờ mới.
Vào tháng 5 năm 2019, 25 kiến trúc sư yêu cầu thủ tướng cộng sản Việt Nam  Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện và chính quyền địa phương bảo tồn nhà thờ phong cách Baroque này sau khi Đức cha Thomas Aquinas Vũ Đình Hiệu của Bùi Chu tuyên bố kế hoạch hạ giải nhà thờ. Sau đó, cha xứ Joseph Nguyễn Đức Giang, trưởng ban xây dựng của giáo phận, phải hủy bỏ kế hoạch hạ giải nhà thờ.
Các nhà lãnh đạo và kiến trúc sư của nhà thờ không thể đạt được thỏa thuận về cách cứu vãn nhà thờ cũ, được xây dựng vào năm 1885 bởi Giám mục Tây Ban Nha Wenceslao Onate. (BBT)

Trung Cộng dùng tiền để lệ thuộc hóa CSVN

Tin từ Việt Nam:  Nhà cầm quyền Trung Cộng muốn dùng tiền cho vay để tiếp tục lệ thuộc hóa cộng sản Việt Nam khi Hà Nội tìm cách thắt chặt quan hệ ngoại giao với Hoa Thịnh Đốn và có nhiều tuyên bố mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Biển Đông.
Truyền thông nhà nước đưa tin gần đây Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Cộng tài trợ thông báo sẽ cho Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) vay 100 triệu Mỹ kim để mở rộng tín dụng cho các cơ sở tư nhân bị thiệt hại vì đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, thứ trưởng ngoại giao Trung Cộng La Chiếu Huy đã họp trực tuyến với đồng nhiệm Việt Nam Lê Hoài Trung vào ngày 16/7 để bàn thảo về Biển Đông, Covid-19 và một số vấn đề khác. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam không tiết lộ chi tiết về nội dung cuộc gặp gỡ này.
Truyền thông nhà nước cộng sản có nhiều bài viết cổ suý cho việc thắt chặt quan hệ Việt-Mỹ trong khi một số kẻ hay công kích Hoa Kỳ và bôi nhọ giới bất đồng chính kiến bị thất sủng. Thứ trưởng Lê Hoài
Trung cho biết tuy chủ trương thương lượng, nhưng Việt Nam không loại trừ các biện pháp khác như hòa giải, trọng tài hay kiện tụng. Hồi tháng Năm, Hà Nội đã chỉ định bốn trọng tài và bốn nhà hòa giải, dấu hiệu cho thấy Việt Nam chuẩn bị cho vụ kiện.
Quốc Tuấn

Người Mỹ gốc Việt vui mừng khi

lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston bị đóng cửa

Băng Thanh
Nhiều người gốc Việt ở thành phố Houston, tiểu bang Texas đang cảm thấy vui mừng khi nghe tin chính phủ Hoa Kỳ hôm 22/7 ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại đây, nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ.
“Vui mừng. Chúng tôi rất vui mừng khi biết tin này”, ông Đỗ Tĩnh, chủ tịch Hội Đồng Giám Sát Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Vùng Phụ Cận cho biết. “Vì tin còn quá mới nên nhiều người vẫn chưa nắm rõ. Tuy nhiên ai biết cũng đều mừng lắm”.
Ông Trịnh Du, tổng thư ký của hai đoàn thể lớn là Hội Đồng Giám Sát Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia và Ủy Ban Đấu Tranh Chính Trị Cộng Đồng Houston và Vùng Phụ Cận chia sẻ: “Tôi không ‘cuồng Trump’ nhưng qua hành động này của ông, tôi sẽ bầu cho ông lần này”.
Theo ông Trịnh Du, việc Hoa Kỳ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston sẽ làm cho cả thế giới thấy rằng Trung Quốc không còn sự ảnh hưởng lớn mạnh với Mỹ nữa.
Phấn chấn trước tin Mỹ thẳng tay với Trung Quốc, chị Liên Nguyễn, cư dân thành phố Houston, nói: “Đây là quyết định quá hay của chính phủ Mỹ. Một mặt vừa dằn mặt Trung Quốc, một mặt vừa ‘xông khói’ cho bọn gián điệp trong Tòa Bạch Ốc phải ‘lòi mặt chuột’”.
Bác Sĩ Nha Khoa Kevin Vũ chia sẻ: “Dĩ nhiên là tôi quá vui rồi” và cho biết suốt 41 năm ông ở Mỹ, trải qua mấy đời Tổng thống, ông thấy chưa có vị Tổng thống nào dám mạnh tay đối với nhà cầm quyền ở Bắc Kinh như Tổng thống Trump và ông Trump còn là Tổng thống Mỹ đầu tiên dám tuyên bố “đường lưỡi bò” của chính quyền Trung Quốc là phạm pháp.
Theo ông Kevin Vũ, lãnh sự quán Trung Quốc ở các nơi khác tại Mỹ cũng sẽ dần dần bị đóng cửa nếu “họ còn tiếp tục gây bất lợi cho Mỹ như ăn cắp tài sản trí tuệ, bí mật quốc phòng hay các công trình nghiên cứu khoa học hoặc kỹ nghệ của Mỹ”.
Ông Kevin Vũ nói: “Từ nay đến ngày bầu cử, bọn này (Trung Quốc) sẽ còn nhiều chiêu trò để trả đũa lắm”.
Trước đó, vào tối 21/7 theo giờ địa phương, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston thuộc tiểu bang Texas của Mỹ. Cảnh sát và sở cứu hỏa Hoa Kỳ đã nhận được cuộc gọi từ người dân nên vội vã đến hiện trường để cứu trợ thảm họa, nhưng họ không được phép vào. Theo video quay tại hiện trường, đám cháy dường như đã xuất hiện từ căn phòng trung tâm của lãnh sự quán Trung Quốc, có dấu hiệu cho thấy nhiều tài liệu đã bị thiêu rụi.
Tiếp theo, vào ngày 22/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus cho biết Washington đã chỉ đạo đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston “để bảo vệ tài sản trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ”.
Trung Quốc có một đại sứ quán và 5 lãnh sự quán ở Hoa Kỳ. Theo Lãnh sự quán Trung Quốc, tòa lãnh sự quán ở Houston được khai trương vào năm 1979 – năm mà Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thiết lập quan hệ ngoại giao.
Truyền thông Mỹ cho biết, những người trong tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston sẽ phải rời khỏi nơi này trước 4 giờ chiều (giờ địa phương) ngày 24/7.
Theo Đằng-Giao/Người Việt
Băng Thanh biên tập

Điểm tin trong nước sáng 23/7:

Bà Nguyễn Thị Kim Anh thoát tội nhận hối lộ

Tâm Tuệ | ĐKN 11 giờ trước 4,195 lượt xem
Mục điểm tin trong nước sáng thứ Năm (23/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Thêm 7 chuyên gia dầu khí Nga nhiễm virus Vũ Hán
Chiều 22/7, Bộ Y tế ghi nhận thêm 7 ca dương tính nCoV, đều là chuyên gia Nga nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm lên 408.
Báo VnExpress cho biết, các bệnh nhân đều là nam, tuổi 42-55, là chuyên gia dầu khí. Ngày 11/7, họ từ Nga nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay IO4405. Ngày 13/7, họ được lấy mẫu xét nghiệm lần một kết quả âm tính với virus Vũ Hán. Ngày 21/7, mẫu xét nghiệm lần hai tại Viện Pasteur TP.HCM dương tính. Hiện 7 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh thoát tội nhận hối lộ
Bà Nguyễn Thị Kim Anh (Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng, trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng) vừa được thay đổi tội danh truy tố về tội hối lộ sang tội danh “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” với mức án cao nhất là chung thân, thay vì tử hình.
Theo thông tin từ báo Pháp Luật TP.HCM hôm 22/7, đây là quyết định của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc công bố trong cáo trạng truy tố 4 bị can trong vụ nhóm thành viên đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng vòi tiền ở địa phương.
Trong cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ: “Không có đơn vị nào đưa tiền cho các bị can liên quan đến việc kiểm tra công tác quy hoạch, công tác cấp phép xây dựng, quản lý sau cấp phép và các dự án đầu tư xây dựng do UBND huyện hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vĩnh Tường làm chủ đầu tư”.
Cơ quan công tố cho rằng bà Kim Anh cùng đồng phạm lợi dụng quyền hạn, chức vụ như một phương tiện để ép buộc chiếm đoạt tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân.
Theo luật pháp Việt Nam, tội quan chức nhận hối lộ trên 1 tỷ đồng có thể bị đối mặt với án cao nhất là tử hình. Trong khi đó, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng thì án cao nhất là chung thân.
Bắc Trung Bộ nóng nhất 50 năm, gần 26.000 hecta lúa bị khô hạn nghiêm trọng
Số liệu trên được công bố trong hội nghị ‘Tăng cường ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng chống thiên tai khu vực Bắc Trung Bộ’ do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức tại TP. Vinh, Nghệ An ngày 22/7, Tuổi trẻ trích dẫn.
Theo báo cáo từ Cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và môi trường), từ tháng 5 đến nay Bắc Trung Bộ xảy ra 6 đợt nắng nóng, thời gian phổ biến mỗi đợt từ 5-7 ngày, có đợt tới 14 ngày. Đây được đánh giá là đợt nắng nóng kéo dài nhất lịch sử trong chuỗi số liệu tính từ năm 1971 đến hiện tại.
Mưa ít cộng với nắng nóng kéo dài khiến dung tích phần lớn các hồ thủy lợi thấp so với dung tích thiết kế. Tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đã xảy ra hạn hán, thiếu nước với diện tích bị ảnh hưởng là 25.970 hecta.
Hiện có khoảng 46.600 hộ dân ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Tình trạng hạn hán, nắng nóng kéo dài cũng đã làm phát sinh 48 vụ cháy rừng, ảnh hưởng đến gần 194ha rừng.
Bắt khẩn cấp cán bộ Phòng Chính sách dân tộc tỉnh Nghệ An
Tối 21/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Kim Văn Bốn (38 tuổi, cán bộ Phòng chính sách, Ban dân tộc tỉnh Nghệ An) để điều tra về tội tham ô tài sản, theo Người lao động.
Ông Bốn cũng bị khám xét tại nhà riêng thuộc Chung cư Golden City 6 (xã Nghi Phú, TP. Vinh, Nghệ An). Lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ một số giấy tờ và tài liệu liên quan.
Theo cơ quan công an, ông Bốn bị bắt do đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thực hiện hành vi lập khống hồ sơ để rút tiền từ đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội dân tộc Ơ Đu (tại bản Văng Môn, xã Nga Mi, huyện Tương Dương).
Ông Bốn được xác định chiếm đoạt số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Điểm tin trong nước tối 23/7: Không liên quan

đến mưa lũ ở Trung Quốc, ngập lụt ở Hà Giang do đâu?

Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước tối thứ Năm (23/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Xe tải chở tôm bị lật trên đường, dân Đồng Nai giúp tài xế thu gom
Tờ báo Tintaynguyen cho biết, rạng sáng nay 23/7, trên đường ĐT 769 thuộc đoạn băng ngang địa bàn xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất, Đồng Nai) xảy ra vụ xe tải chở tôm lật, tôm đổ ra đường. Người dân địa phương đã cùng nhau hỗ trợ chủ hàng thu gom tôm.
Theo truyền thông trong nước, Vụ việc xảy ra khoảng hơn 3h sáng,  lúc xe tải bị lật, trong cabin xe tải có 3 người. Tài xế xe tải bị thương được người dân đưa đi cấp cứu. Đến gần 5h sáng người dân đã thu gom toàn bộ số tôm, chuyển sang vận chuyển trên xe khác.
Lực lượng CSGT cũng có mặt tại hiện trường, điều tiết giao thông, giải phóng hiện trường vụ tai nạn.
Không liên quan đến mưa lũ ở Trung Quốc, ngập lụt ở Hà Giang do đâu?
Theo tờ Dân trí thông tin, ngày 22/7, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Việt Bắc khẳng định, mưa lũ xảy ra đêm 20/7 và ngày 21/7 tại TP. Hà Giang (Hà Giang) khiến nơi đây ngập sâu không liên quan đến tình hình mưa lũ ở Trung Quốc.
Giám đốc Bùi Đức Tuấn cho biết, thường những đợt lũ xảy ra là từ thượng nguồn và xuất hiện trên diện rộng. Tuy nhiên, đợt mưa lũ lần này lại chỉ tập trung ở Hà Giang. Đây là do áp cao cận nhiệt đới lấn sâu vào nội địa. Hình thái này kết hợp với xoáy và gió trên cao tồn tại lâu ở khu vực Hà Giang. Đó là lý do lượng mưa các nơi không đồng đều. Các đợt mưa lớn thông thường cũng chỉ ghi nhận lượng mưa trên 200mm. Tuy nhiên, với lượng mưa trên 350mm tại TP. Hà Giang trong vòng 1 ngày, cơ quan khí tượng sẽ so sánh lại các số liệu trong quá khứ để nhận định xem đây có phải trận mưa lớn lịch sử hay không”.
Hà Giang là tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc, những ngày gần đây nhiều khu vực của Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ. Từ đó, nhiều người cho rằng, mưa lũ tại TP. Hà Giang vừa qua là do ảnh hưởng từ Trung Quốc, tuy nhiên, ông Tuấn đã bác bỏ thông tin này.
Việc thanh tra Vinamit gây khó khăn cho doanh nghiệp
Theo Người lao động, ngày 22/7, Bộ Nội vụ đã có văn bản thông báo về việc tỉnh Bình Dương thanh tra Công ty CP Vinamit tại Nông trại Phú Giáo, đã gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 17/7, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nội dung: “Đồng ý kiến nghị của Bộ Nội vụ và đề nghị tỉnh Bình Dương cần có biện pháp chấn chỉnh những tồn tại, bảo đảm công tác thanh – kiểm tra đúng pháp luật…”.
Trong báo cáo của Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ cho rằng quá trình thanh tra đất đai của Sở TN-MT tỉnh Bình Dương chưa khách quan và chưa phù hợp với Luật Thanh tra.
Công dân nhiễm virus Vũ Hán ở Guinea Xích Đạo về nước ngày 29/7
Ngày 23/7, Zing cho biết, cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã chốt lịch đưa 219 công dân mắc kẹt từ Guinea Xích đạo về nước vào ngày 29/7 trên chuyến bay của Vietnam Airlines, trong số các công dân này có khoảng 120 người dương tính với virus corona Vũ Hán.
Theo kế hoạch của Vietnam Airlines, hãng sẽ điều 1 máy bay thân rộng A350 bay thẳng từ Hà Nội đến sân bay Bata của Guinea Xích Đạo để đón công dân và từ đó bay thẳng về Hà Nội. Chuyến bay sẽ rời Guinea Xích Đạo lúc 16h ngày 29/7 (giờ địa phương) và hạ cánh tại Nội Bài lúc 13h10 ngày 29/7 (giờ Việt Nam).

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.