Thảm kịch tại Aleppo, thành phố Syria bị vây hãm, diễn ra hàng ngày trước sự chứng kiến của cộng đồng quốc tế, trong lúc mọi biện pháp ngoại giao, trừng phạt kinh tế dường như không làm Nga thay đổi quan điểm, Libération giới thiệu « một phương án B », tức các biện pháp tẩy chay, để Nga không thể đăng cai Giải Vô Địch Bóng Đá 2018.
Về nguyên tắc quyền quyết định nước đăng cai của giải thuộc về FIFA, và các chủ nhân của Cúp thế giới đã đứng về phía Matxcơva. Tân chủ tịch FIFA Gianni Infantino, trong chuyến đi thăm các cơ sở World Cup tại Nga, đã không tiếc lời tán dương : « Cúp thế giới là một cơ hội rất tốt để làm đẹp hình ảnh nước Nga. Matxcơva sẽ tổ chức một giải vô địch xuất sắc nhất trong lịch sử ».
Tuy nhiên, theo nhà báo Renaud Lecadre của Libération, với « phương án B », châu Âu có đủ phương tiện để buộc Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới phải xem xét lại việc để Nga tổ chức Cúp thế giới.
Theo tác giả, phương án được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là những nước châu Âu chủ yếu – quan tâm nhiều đến thảm kịch Syria – quyết định không cử đội tuyển tới Nga. Nếu các cường quốc bóng đá ở tầm thế giới như Đức, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan và Pháp… vắng mặt, thì Cúp thế giới sẽ chỉ có là một Cúp hạng xoàng (cho dù vẫn còn một số đội tuyển lớn như Brazil và Achentina). Việc tham gia hay không, cơ quan phụ trách thể thao quốc gia có quyền quyết định.
Theo Libération, hành động tẩy chay này có thể bị FIFA trừng phạt. Điều này đã từng xảy ra khi Hy Lạp bị FIFA đình chỉ vào năm 2006, khi Athens tiến hành chiến dịch chống gian lận trong bóng đá quốc gia. Tuy nhiên, thời gian gần đây uy quyền của giới tài phiệt bóng đá đã không còn như trước. Năm ngoái, Nghị Viện Châu Âu ra một báo cáo lên án « nạn tham nhũng » hoành hành trong tổ chức bóng đá thế giới, và « kêu gọi chính phủ các nước nổi lên » chống lại một tổ chức suốt trong một thời gian dài thao túng nền bóng đá thế giới.
Bước hai của phương án B là tấn công vào « bản quyền truyền hình ». Theo Libération, trong giải vô địch 2014, quyền truyền hình chiếm đến hơn 50% nguồn thu của giải, vượt xa quảng cáo và vé xem. Các đài truyền hình châu Âu trả tới 40% trong số này. Việc đội tuyển quốc gia không tham gia giải là lý do để không mua bản quyền truyền hình.
Cách nay hai năm, khả năng tẩy chay Giải Vô Địch Bóng Đá 2018 tại Nga từng được một số nước phương Tây đưa ra để gây áp lực buộc Nga giảm can thiệp vào xung đột tại miền đông Ukraina.
Putin hủy đi Pháp, Hollande bị lên án
Về thời sự quốc tế, báo chí Pháp đặc biệt chú ý đến việc chuyến công du Pháp của tổng thống Nga bị hủy bỏ trong bối cảnh quan hệ Paris – Matxcơva rất căng thẳng trong vấn đề Syria. Báo Les Echos có bài « Sai lầm của Hollande » cho rằng tổng thống Hollande « đã phạm phải một sai lầm nặng nề trước người hùng điện Kremli.
Đó là đã tỏ ra lưỡng lự. Sự lưỡng lự đã mang lại một cơ hội cho phép ông chủ điện Kremli bối cảnh để hoãn chuyến viếng thăm… mà không đưa ra một ngày khác. Với việc tỏ ra kiêu hãnh nửa chừng, nước Pháp đã tự đánh tụt hạng mình ».
Bài « Sai lầm của Hollande, mưu kế của Nga » của La Croix cũng khẳng định « đối với một tổng thống », không thể nào có việc tự vấn mình trước công chúng như kiểu ông Hollande. Như thế chẳng khác nào tạo điều kiện cho thái độ « hạ cố » của tổng thống Nga. Cùng với việc hủy bỏ chuyến công du, ông Putin cho biết « sẵn sàng tới thăm Paris, khi nào tổng thống Hollande cảm thấy thoải mái ».
Le Figaro không tha tổng thống Pháp : « đối mặt với sự chần chừ của ông Hollande, Putin đã không hề lưỡng lự… Điều khiến công chúng có ấn tượng là Paris chơi cờ đam (hay saski), còn Matxcơva chơi cờ vua. Putin nói luôn sẵn sàng gặp Hollande trong lúc không quân Nga thì tiếp tục tàn phá Aleppo ».
Sự tinh tế của ngoại giao Pháp
Ngược lại với quan điểm phê phán thái độ của tổng thống Pháp trong vụ Putin hủy chuyến đi Paris tràn ngập trên nhiều tờ báo, cũng Le Figaro giới thiệu bài phân tích của nhà báo Isabelle Lassarre soi tỏ góc độ hậu trường của vụ việc. Tác giả cho rằng « ngoại giao Pháp đã ứng xử một cách tinh tế » khi « để cho ông Putin tự đưa ra quyết định hủy bỏ chuyến đi Paris ». Paris một mặt « không chủ động » hủy kế hoạch của ông Putin tại Pháp, mặt khác vẫn « khiến cho các ‘‘nguyên tắc’’, các ‘‘giá trị’’ và ‘‘niềm tin’’ của Pháp được tôn trọng ». Trung thành với truyền thống bảo vệ nhân quyền, chính quyền Pháp không thể im lặng trước « các tội ác chiến tranh » của chế độ Damas và đồng minh Nga tại Syria tại Aleppo.
Vẫn theo nhà báo Isabelle Lassarre, thái độ – một mặt lưỡng lự, một mặt kiên quyết – của Pháp trước chuyến công du dự kiến của tổng thống Nga có thể đã khiến « giới thân cận với ông Putin tức giận, đe dọa không gặp tổng thống Hollande », để chờ gặp tổng thống kế nhiệm, cũng như đe dọa « tẩy chay pho mát Pháp ».
Giới hạn chiến lược của Nga
Cũng trong số bài này, nhà báo Isabelle Lassarre có bài viết thứ hai « Các giới hạn chiến lược của Nga », với nhận định cho dù Nga đã phần nào khẳng định được vị thế cường quốc hàng đầu của mình trong thời gian từ 10 năm trở lại đây, đặc biệt với các can thiệp tại Syria, nhưng hạn chế lớn của Matxcơva là đã không mang lại « một giải pháp chính trị cho Syria », Nga đã không lập ra được « một liên minh quốc tế rộng rãi » chống khủng bố, và cam kết ủng hộ chế độ Assad của Matxcơva có thể sẽ khiến Nga sa lầy.
Nhà báo Le Figaro cũng chú ý đến một cuộc gặp quan trọng khác của Bộ Tứ để tìm giải pháp cho khủng hoảng Ukraina (gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraina), dự kiến diễn ra cũng trong ngày 19/10. Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, cuộc gặp có cơ bị hủy.
Bầu cử Mỹ : Căng thẳng giả và đánh trận thật
Về cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, trong lúc công chúng tập trung chú ý vào cuộc đọ sức rất sôi động giữa hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump, đặc biệt với các cuộc tranh luận trên truyền hình, Le Monde đưa ra một cái nhìn khác. Bài « Clinton-Trump : căng thẳng giả và cuộc chiến thật » nhận định kết quả bầu cử gần như đã biết trước, xác suất ông Trump thắng là vô cùng nhỏ nhoi. Vấn đề thực sự của tranh cử Mỹ, theo Le Monde, nằm trong cuộc bầu lại một phần ba Thượng Viện.
Bài phân tích của Le Monde cho rằng không khí « căng thẳng » của cuộc tranh cử tổng thống một phần xuất phát từ chỗ, theo các thăm dò dư luận, ứng cử viên Dân Chủ chỉ nhỉnh hơn ứng viên Cộng Hòa có vài điểm. Tuy nhiên, hệ thống bầu cử Mỹ có các điểm hết sức đặc biệt như quy chế « đại cử tri », nguyên tắc « winner takes all » (bên nào thắng lấy hết) trong cách tính số đại cử tri của (đa số) tiểu bang. Điều này khiến tỉ lệ ủng hộ của cử tri ít quan trọng hơn nhiều so với hệ thống bầu cử trực tiếp.
Còn tại sao kết quả bầu cử một phần tại Thượng Viện là quan trọng ? Theo Le Monde, bởi bên nắm được Thượng Viện sẽ có ảnh hưởng đến thành phần của Tòa Án Tối Cao, vốn thuộc quyền kiểm soát của phe Cộng Hòa từ một phần tư thế kỷ nay, trước khi thẩm phán Scalia qua đời hồi đầu năm nay. Tòa Án Tối Cao ngả về phía đảng Dân Chủ sẽ khiến định chế này tôn trọng hơn « quyền phụ nữ và quyền của người nước ngoài, quyền giáo dục và y tế », cũng như có tiếng nói tích cực hơn trong các vấn đề quan trọng khác của xã hội Mỹ.
Nhật Bản : Gần 2 triệu người có nguy cơ đột quị
Về các vấn đề xã hội, báo La Croix đến nguy cơ « đột quị » trong lao động tại Nhật Bản. Bài viết do thông tín viên gửi về từ Nhật Bản mở đầu với vụ tự sát của một thiếu phụ 24 tuổi vào dịp Noel năm ngoái, ít tháng sau khi cô làm việc tại tập đoàn quảng cáo hàng đầu thế giới Dentsu. Trước khi tự sát, trên mạng twiter, cô tâm sự mỗi ngày chỉ ngủ có hai giờ và làm việc tới 20 giờ một ngày. Theo luật sư, người phụ nữ bất hạnh này đã phải làm thêm 103 giờ riêng trong tháng 10/2015. Đầu tháng 10 này, mẹ của nạn nhân đã tổ chức họp báo để cho biết cơ quan lao động Nhật Bản công nhận con gái bị « karoshi », tức đột quị.
Theo La Croix, một phần năm doanh nghiệp Nhật Bản buộc nhân viên làm thêm hơn 80 giờ bổ sung trong một tháng, tức vượt quá ngưỡng an toàn, nguy cơ đột quị rất cao. Theo tổ chức OCDE, nhân viên Nhật Bản làm việc 2070 giờ/năm vượt gấp 1,4 lần người Pháp.
Sách Trắng đầu tiên về chủ đề này, được văn phòng chính phủ Nhật phê chuẩn tuần trước, thừa nhận làm việc quá sức, nguyên nhân khiến khoảng 200 người chết một năm. Năm ngoái chính phủ Nhật đã thông qua một cải cách, quy định không trả thêm lương cho các giờ làm việc bổ sung của các nhân viên có thu nhập hơn 80.000 euro/năm, với khoảng 1,8 triệu người, chiếm 4% số người làm công ăn lương nước này.
Đầu tư công : Cơ hội khó lường, tiền ít hơn
Trong bối cảnh các dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại, với tỉ lệ khoảng 3%/năm (theo dự báo của FMI mới đây), nhiều quốc gia muốn đẩy mạnh đầu tư để thúc đẩy phát triển, nhưng chính sách cho vay ồ ạt đã « ngày càng rõ ràng để lộ những mặt trái ».
Les Echos có bài phân tích « Khi cán cân lại nghiêng về phía chính sách đầu tư công », nhấn mạnh đến các đòi hỏi nghiêm ngặt đi kèm chủ trương thúc đẩy đầu tư nhà nước hiện nay. Trong một thế giới « đầy bất trắc về địa chính trị và công nghệ », các doanh nghiệp ngày càng lúng túng trong việc tìm ra được các hướng đầu tư chắc chắn. Nhìn chung, « đối với các quốc gia, cơ hội thì mênh mông (nhưng cũng khó lường), còn tiền thì ít hơn trước nhiều ».
Mỹ : Cháy rừng gấp đôi do Biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu khiến diện tích rừng bị cháy tăng gấp đôi tại Hoa Kỳ. Lần đầu tiên một cơ quan khoa học của uy tín của Mỹ công bố số liệu điều tra về mối liên quan nhân quả giữa tình trạng Trái đất bị hâm nóng và cường độ cháy rừng tại miền viễn tây nước Mỹ.
Nghiên cứu công bố ngày 10/10/2016, trên tạp chí PNAS (Proceedings of the National Academy of Sciences) chỉ ra kể từ năm 1984, nhiệt độ tăng là nguyên nhân chính khiến tổng cộng hơn 40.000 km² rừng bị cháy. Nguyên nhân này đã từng được nói đến nói đến nhiều, nhưng trong nghiên cứu này, các tác giả nhấn mạnh đến khoảng thời gian khô hạn có nguy cơ cháy tăng từ 19 lên 28 ngày trung bình. Nghiên cứu nói trên chưa nói đến vấn đề các loại côn trùng phá hoại cây, tạo điều kiện cho cháy rừng, đã tăng trưởng mạnh do nhiệt độ Trái đất nóng lên.
Pháp : Tranh cử sơ bộ cánh hữu
Trở lại với chính trị Pháp, cuộc tranh cử trong nội bộ cánh hữu để chọn ứng cử viên tranh cử tổng thống là chủ đề chính của tờ báo thiên tả Libération hôm nay. Theo Libération, cần phải vui mừng với sự kiện này, vì đây là lần đầu tiên « cánh hữu và cánh trung » tổ chức tranh luận công khai giữa các ứng cử viên sơ bộ, tiếp theo kinh nghiệm « thành công » của cánh tả hồi 2011. Vấn đề khó khăn đối với cánh hữu hiện nay là « tình cảm hận thù » giữa các ứng cử viên cánh hữu đang ở mức cao, cuộc tranh luận tối mai được dự báo sẽ rất khó thành công.
Cũng về cuộc tranh cử sơ bộ của cánh hữu, trang nhất báo Le Figaro giới thiệu quan điểm của một trong bảy ứng cử viên, bà Nathalie Kociusko-Morizet, nhấn mạnh chủ trương « mở rộng quần chúng cử tri của đảng » này cho tất cả những ai không chấp nhận tổng thống Hollande và lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen. – RFI
TIN ĐỌC NHANH
(Reuters) – Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố không hủy thỏa thuận quốc phòng với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trước đông đảo quan chức họp tại Phủ Tổng thống ngày 11/10, ông Duterte tự hỏi về tầm quan trọng của thỏa thuận trên cũng như các đợt tập trận chung giữa hai nước, mà theo ông chỉ có lợi cho Mỹ.
(Reuters) Đài truyền hình Trung Quốc bị phạt vì « quên Đài Loan ». Tối 11/10/2016, đài truyền hình Hồ Nam vừa phải xin lỗi vì đã trình chiếu một tấm bản đồ Trung Quốc thể hiện Đài Loan không thuộc lãnh thổ Trung Quốc.Trong một chương trình ngày 09/10, đài này đã đưa ra một tấm bản đồ có phần lục địa Trung Quốc màu đỏ, còn Đài Loan có màu trắng. Các nhân viên phạm lỗi đều bị phạt. Trên nguyên tắc, mọi bản đồ xuất bản ở Trung Quốc đều phải cho thấy rõ rằng Đài Loan là 1 tỉnh của Trung Quốc.
(AFP) – Ngày 11/10/2016, Washington khẳng định sẽ đáp trả « thích đáng » các vụ tấn công tin học của Nga. Trước đó, ngày 07/10, chính quyền Mỹ công khai cáo buộc Matxcơva tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ diễn ra vào tháng 11 bằng cách tổ chức đánh cắp thư điện tử cá nhân và của các tổ chức Mỹ. Rất nhiều tài liệu đã được một người mang tên « Guccifer 2.0 » đăng trên các trang WikiLeaks và DCLeaks.com.
(AFP) – Quốc Hội Brazil, ngày 10/10, đã thông qua dự án giảm chi tiêu công trong 20 năm.Đây là biện pháp gây nhiều tranh cãi nhưng rất quan trọng trong chương trình phục hồi kinh tế của tân tổng thống Michel Temer. Văn bản sẽ còn được Hạ Viện và Thượng Viện thảo luận và sửa đổi trước khi được chính thức thông qua, có thể là vào cuối năm.
(Reuters) Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ở lại Irak cho đến khi tái chiếm được Mossul. Theo phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus ngày 12/10/2016, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, đóng quân tại căn cứ Bachika (Irak), sẽ ở lại đấy cho đến khi lực lượng thánh chiến của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo bị đánh đuổi ra khỏi Mossul, thành phố lớn ở miền Bắc Irak. Theo ông Kurtulmus, quân đội Thổ sẵn sàng tham gia cuộc tấn công vào Mossul nếu lực lượng Kurdistan YPG, không tham gia. – RFI