Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Những câu hỏi xung quanh vụ pin điện thoại Samsung cháy nổ

Wednesday, October 12, 2016 6:59:00 PM // , ,

media

Hình ảnh chiếc điện thoại Galaxy Note 7 cháy nổ lan truyền trên mạng khiến Samsung lao đao.AFP PHOTO /GWANGJU BUKBU POLICE STATION

12-10-2016

Hai tháng sau khi tung Galaxy Note 7 ra thị trường, Samsung đã thất bại hoàn toàn, buộc phải chính thức khai tử mẫu điện thoại mới và mạnh nhất để có thể cạnh tranh với iPhone của Apple. Nguyên nhân là các sự cố nổ pin của máy liên tục xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Vụ việc này đang đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề an toàn của pin lithium-ion, chi tiết không thể thiếu trong các thiết bị công nghệ tiên tiến, từ máy tính bảng cho đến cả máy bay.
 
Các loại pin lithium – ion hoạt động thế nào và tại sao có thể phát hỏa ?

Pin lithium-ion là một loại bình điện có thể nạp lại sử dụng nhiều vật liệu khác nhau. Nó được ưa dùng trong các thiết bị công nghệ cao ngày nay bởi tính năng có thể tích trữ được năng lượng rất lớn so với kích thước trọng lượng.
Các ion di chuyển theo hai chiều ngược nhau khi tích và xả điện. Hai lớp vật liệu dẫn các ion đó không bao giờ được tiếp xúc với nhau, chính vì thế các nhà chế tạo đã đưa các lớp phân cách để không cho hai lớp vật liệu đó tiếp xúc với nhau.
Tuy nhiên phản ứng hóa học để pin hoạt động còn sinh ra nhiệt. Trong trường hợp nạp quá tải hay nạp điện quá nhanh có thể gây cháy vì trong pin có một thành phần dễ cháy. Một trong những nguyên nhân làm máy bốc cháy là do quá trình sản xuất có lỗi ở các tấm cách điện. Một nguyên nhân khác là do các pin bị hư hại.

Cụ thể vấn đề của pin điện thoại Samsung là gì ?

Hãng Samsung thừa nhận các chi tiết phải cách điện của máy đã tiếp xúc được với nhau là vì một « sai sót hiếm hoi trong quá trình chế tạo ». Các nhà chế tạo thiết bị công nghệ thường phải cân nhắc tất cả mọi yếu tố như hiệu suất kỹ thuật, giá thành và vấn đề an toàn mỗi khi họ dự tính tung ra một sản phẩm công nghệ thế hệ mới.
Chính cuộc chạy đua tính năng nhằm cải thiện tối đa khả năng tích trữ điện của pin có thể dẫn đến những hệ quả không ngờ. Nhà phân tích Hideki Yasuda, thuộc Viện nghiên cứu Ace ở Tokyo nhận định : « Các nhà chế tạo điện thoại thông minh (Smartphone) cố gắng rút gọn kích cỡ của pin để sao cho nó càng ngày càng mỏng hơn. Nhưng thực ra các pin sinh ra năng lượng thông qua một phản ứng hóa học. Khó có thể giảm thiểu rủi ro xuống con số không », ông nói thêm là đôi khi « tiện nghi cũng có cái giá của nó ».

Đã có tiền lệ tai nạn bình điện bốc cháy ?

Đã có nhiều vụ cháy nổ bình điện xảy ra ở nhiều sản phẩm khác nhau, trong đó có các trường hợp ở máy tính xách tay hiệu Vaio của Sony, ván trượt điện tử, xe đạp điện và thậm chí đã từng xảy ra với máy bay Boeing Dreamliner. Nguyên nhân của các vụ cháy nổ đó cũng rất khác nhau.
Trong trường hợp của Samsung Galaxy Note 7 là do lỗi chế tạo bình điện gây cháy nổ. Những vụ nổ pin điện thoại thông minh của Samsung, thậm chí vẫn xảy ra ngay sau có thông báo thu hồi Galaxy Note 7. Đó là các vụ nổ được người sử dụng thông báo từng thiệt hại trong một phòng khách sạn ở Úc, hay thậm chí gây cháy xe hơi ở Hoa Kỳ.

Tầm mức nghiêm trọng của vụ việc và tác động đối với các nhà chế tạo khác?

Mỗi năm vẫn có hàng triệu bình điện lithium-ion được sản xuất và chỉ có một số lượng nhỏ sản phẩm bị cháy nổ.
Đầu tháng 9 vừa qua, Samsung đã thông báo có khoảng 35 sự cố liên quan đến pin điện thoại của hãng. Nhà khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ điện thoại di động này đã phải thông báo thu hồi 2,5 triệu máy Notes 7 tại 10 thị trường trên toàn thế giới.
Công ty cho biết đã cho đổi các loại máy trên nhưng có vụ cháy nổ tiếp tục xảy ra ngay cả với những máy vừa được thay thế. Các chuyên gia cho rằng đến thời điểm này khó có thể nói các nhãn hiệu khác có gặp phải vấn đề tường tự như Samsung hay không. Nhưng nếu như các nhà thầu sản xuất Pin của Samsung cũng cung cấp cùng sản phẩm như vậy cho các hãng chế tạo hàng điện tử khác thì sao ?
Theo một số chuyên gia, riêng vụ thu hồi máy vừa qua đã khiến Samsung thiệt hại khoảng 2 tỷ đô la. Bất chấp sự cố Galaxy Note 7, hãng thông báo lợi nhuận hiện đang ở mức cao hơn so với dự tính trong tháng. Nhưng với quyết định khai tử Note 7, tổn thất không còn là nhỏ nữa. Cổ phiếu của Samsung lao dốc từ vài ngày qua, đặc biệt ngày 11/10 hãng mất tới 8% giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán.
Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Mỹ hôm qua đã khuyến cáo các hãng bay phải yêu cầu hành khách tắt, tuyệt đối không sử dụng, nạp điện hay để trong hành lý tất cả các loại máy Samsung Galaxy Note 7, dù đó là loại cũ hay đã được thay thế.
Vụ việc xảy ra với Samsung sẽ là một áp lực mới đối với các nhà sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao khác buộc họ phải nghiên cứu tìm giải pháp an toàn cho các loại bình điện phục vụ trong các thiết bị ngày càng nhỏ. Làm sao có được sản phẩm gọn nhỏ tính năng công dụng cao nhưng lại phải an toàn. Đó là bài toán khó cho các nhà chế tạo thời công nghệ hiện đại.

Liệu vụ Galaxy Note 7 có khiến khiến người khổng lồ Hàn Quốc gục ngã ?

Theo đa số các chuyên gia thì là không, vì Samsung đâu chỉ có Sản phẩm Galaxy Note, mặc dù thời gan gần đây cứ nhắc đến sản phẩm Samsung người ta thường nêu tên Galaxy Note. Samsung còn có mẫu Galaxy S, cũng có nhiệm vụ cạnh tranh với iPhone Apple.
Ngoài ra, nếu như Samsung được biết đến là hãng bán điện thoại hàng đầu thế giới, nhưng tập đoàn này còn sản xuất rất nhiều mặt hàng nổi tiếng khác như các thiết bị điện tử gia dụng, máy thu hình, máy ảnh… Đó là những mặt hàng chiếm tới 22,5% doanh số của Samsung. Bên cạnh đó hãng còn phân phối các linh kiện điện tử cho các nhà sản xuất khác. Đây là ngành chiếm 27,5% doanh số của Samsung.
Người ta đã ước tính vụ Galaxy Note 7 sẽ khiến Samsung có thể mất tới 17 tỷ đô la. Tuy nhiên Samsung là một tập đoàn đang rất vững mạnh về tài chính, hiện có dự trữ vốn tới 70 tỷ đô la và công việc làm ăn của hãng vẫn tiến triển tốt đẹp. – RFI

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.