Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 13-10-2016

Thursday, October 13, 2016 6:43:00 PM // , ,

Samsung Electronics không cắt giảm nhân công tại Việt Nam

Một nhân viên bán hàng đứng bên cạnh một màn hình cho Samsung Galaxy Note 7 tại một cửa hàng Samsung tại Hồng Kông vào ngày 11 Tháng 10 năm 2016.
Một nhân viên bán hàng đứng bên cạnh một màn hình cho Samsung Galaxy Note 7 tại một cửa hàng Samsung tại Hồng Kông vào ngày 11 Tháng 10 năm 2016. AFP photo
Hãng Samsung Electronics của Hàn Quốc hiện đang có các nhà máy đầu tư đặt tại Thái Nguyên và Bắc Ninh với chừng 110 ngàn công nhân hôm qua lên tiếng cho biết sẽ không cắt giảm nhân công tại Việt nam sau vụ thu hồi điện thoại cao cấp Galaxy Note 7 vì pin cháy nổ.
Thông cáo của Samsung Electronics tại Việt Nam cho biết như vừa nêu nói rõ biện pháp thu hồi Galaxy Note 7 không có tác động đáng kể nào đối với xuất khẩu của hãng này tại Việt Nam trong năm nay. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu vẫn sẽ tăng.
Tuy nhiên, Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội Các Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho biết biện pháp thu hồi Galaxy Note 7 của Samsung có thể làm giảm từ 0,5 đến 1% lượng xuất khẩu từ Việt Nam. Dẫu vậy mức giảm đó không có ảnh hưởng về lâu về dài đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Lý do nêu ra là Samsung còn sản xuất nhiều sản phẩm khác tại các nhà máy đặt ở Việt Nam. – RFA

Người dân Vũng Tàu nổi giận khi cá lại chết hàng loạt

Người dân rải cá chết ngang quốc lộ 51 vì bức xúc.
Người dân rải cá chết ngang quốc lộ 51 vì bức xúc.
 Photo courtesy of tienphong.vn
Dân nuôi cá bè trên sông Chà Và ở Vũng Tàu phản đối doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm nguồn nước khiến cá chết gây thiệt hại kinh tế cho người dân.
Tin tức ghi nhận được cho thấy vào sáng nay hằng chục hộ dân nuôi mang cá bớp chết kéo nhau ra Quốc lộ 51, đoạn ngã ba Long Sơn để bày tỏ bức xúc của họ.
Người dân cho biết các nhà máy xả thải khiến cá họ nuôi chết hằng loạt vào năm ngoái đến nay vẫn chưa bồi thường hết thiệt hại thì nay lại xảy ra tình trạng cá nuôi chết. Số cá chết được dân mang ra để trên quốc lộ là cá bớp nặng từ 5 kilogram trở lên.
Người dân còn cho biết chính quyền tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu từng đưa ra lời hứa giải quyết dứt điểm vấn nạn ô nhiễm khiến cá chết; thế nhưng sau cả năm trời nay lại tái diễn.
Năm ngoái, sau khi xảy ra tình trạng cá nuôi bè bị chết do nước nhà máy của các doanh nghiệp thải ra sông Chà Và, hơn 30 hộ nuôi cá tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành tiến hành kiện ta tòa án địa phương 14 đơn vị bị qui là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường. – RFA

Không nước nào được lập căn cứ quân sự tại Việt Nam

Phát ngôn nhân Việt Nam Lê Hải Bình.
Phát ngôn nhân Việt Nam Lê Hải Bình.
 Courtesy photo
Tuấn Anh
Việt Nam hôm nay lặp lại quan điểm sẽ không cho phép nước nào lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình trong cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội hôm nay nhắc lại lập trường của Hà Nội không liên minh quân sự hoặc liên kết với bất kỳ nước nào để chống lại một nước thứ ba. Việt Nam sẽ không cho phép bất cứ nước nào khác thiết lập căn cứ quân sự trên đất nước mình.
Phát biểu của ông Lê Hải Bình được đưa ra chỉ ít ngày sau khi có tin Nga đang xem xét việc mở lại các căn cứ quân sự tại Việt Nam và Cuba dưới thời Sô viết.
Cũng tại cuộc họp báo thường kỳ hôm nay ở Hà Nội, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Hà Nội đã đề nghị Bắc Kinh cần sớm cùng Việt Nam xây dựng cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên về các dự án điện hạt nhân được nói đặt rất gần đường biên giới với Việt Nam và đã đi vào hoạt động.
Theo phát ngôn nhân Lê Hải Bình của Việt Nam thì các nước xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân cần tuân thủ Công ước An toàn Hạt nhân và các quy định liên quan của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế- IAEA; không gây ảnh hưởng đến môi trường của các lân bang.
Hôm thứ ba vừa qua, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng loan tin Trung Quốc đang phát triển một nhà máy điện hạt nhân nhỏ nhất thế giới, có thể đựng trong một container chở hàng. Nhà máy điện hạt nhân mini này có thể đưa ra tại một đảo ở Biển Đông trong vòng 5 năm tới. Dự án này do Quân đội Trung Quốc tài trợ một phần. – RFA

Tội phạm hủy hoại môi trường sẽ bị trừng trị?

Trong bối cảnh bức xức của người dân tăng cao về vấn đề ô nhiễm môi trường tràn lan ở Việt Nam, Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tuyên bố quyết tâm đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm và coi việc tàn phá môi trường là một tội hình sự.
Theo truyền thông trong nước, người đứng đầu ngành Công Thương đã triệu tập cuộc họp khẩn quy tụ lãnh đạo các tập đoàn và tổng công ty lớn của ngành hôm 6/10 để báo cáo thực tế hiện trạng tại các dự án mà họ đang tiến hành. Bộ trưởng Tuấn Anh yêu cầu các tập đoàn này cam kết sẽ “không đánh đổi môi trường lấy dự án.”
Nhưng theo chuyên gia môi trường Lê Xuân Lan, người dân không tin vào các hứa hẹn của lãnh đạo nếu không có hành động.
Bà Lan nói: “Trước những bức xúc và trước những vụ việc quá lớn thì bộ trưởng hoặc kể cả thủ tướng và chính phủ cũng có nghĩ đến người dân nhưng vấn đề là họ ở xa quá. Từ lời nói của bộ trưởng và chính phủ phải trở thành hành động. Mà hành động này phải được ràng buộc bởi pháp luật và phải thật là chặt chẽ. Chứ pháp luật mà vẫn có lỗ hổng thì họ vẫn thoát tội và vẫn có những vụ việc không thể xử lý được.”
Tại cuộc họp tuần trước, bộ trưởng Tuấn Anh đã yêu cầu bộ và các ngành đừng để cho dân bị ám ảnh về liệu nên “chọn cá hay chọn thép.”
Việc bùng phát các vụ ô nhiễm môi trường gần đây ở khu vực biển miền Trung và mới nhất là Hồ Tây ở Hà Nội khi người dân bất ngờ chứng kiến hàng tấn cá chết đã gióng lên hồi chuông về vấn đề ô nhiễm đã lên tới cao độ ở Việt Nam. Tập đoàn thép Formosa của Đài Loan được xác định là thủ phạm gây ra thảm họa cá chết ở miền Trung và người dân tiếp tục đòi chính phủ đóng cửa nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh.
Trong những tuần qua, nhiều cuộc khảo sát cho thấy ô nhiễm không khí cũng ở mức báo động nhất là ở những thành phố lớn của Việt Nam.
Theo bà Lan, giảng viên của Đại Học Tài Nguyên Môi Trường, ô nhiễm nguồn đất ở Việt Nam cũng rất nghiêm trọng và các lỗ hổng trong cơ chế luật pháp của Việt Nam đã cho phép những nhà đầu tư công nghiệp hủy hoại môi trường.
Bà Lan cho biết: “Chúng ta cũng biết là khi xử lý ô nhiễm thì vô cùng tốn kém chính vì vậy mà các công ty, các nhà máy họ lờ đi. Và khi chính phủ Việt Nam không nắm được hết các vấn đề xử lý rác và xử lý nước thải từ các nhà máy thì họ không thể nào biết được. Cho nên khi cá chết và có những vấn đề bức xúc của người dân mà họ nêu lên thì mới phát hiện ra.”
Bộ trưởng Tuấn Anh của bộ Công Thương tuyên bố tại cuộc họp ở Hà Nội rằng ông sẽ “kiên quyết đóng cửa nhà máy nào có kết luận gây ô nhiễm môi trường, hại dân sinh,” và không muốn làm “mất niềm tin trong dân chúng.” Nhưng theo chuyên gia môi trường Xuân Lan, cần có một sự đồng loạt trong chính sách và cam kết của các nhà lãnh đạo:
“Phải có 1 chính sách đồng loạt. Rất cần những nhà khoa học và những người làm chính sách có 1 tầm nhìn rộng. Rất nhiều cơ quan phải nhúng tay vào việc làm giảm ô nhiễm. Phải có luật pháp để ràng buộc những công ty, những khu công nghiệp. Khu công nghiệp giờ mọc lên như nấm. Công ty nước ngoài đổ vào Việt Nam làm ăn rồi đổ ra chất thải. Những người dân nghèo mới là những người chịu thiệt.”
Với ví dụ mới nhất là việc chính phủ Việt Nam không làm cho người dân hài lòng trong vụ giải quyết với công ty Formosa, chúng ta sẽ chờ xem lời hứa của Bộ trưởng Tuấn Anh sẽ biến thành hành động như thế nào.- VOA

Người Việt ăn thịt 5 triệu con chó một năm, nhiều thứ hai trên thế giới

Ảnh: Văn Nghệ
Theo Liên Minh Bảo Vệ Chó Châu Á, gọi tắt là ACPA, mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ khoảng 5 triệu con chó, đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Cộng và trước Nam Hàn.
Theo ước tính của ACPA, ở Trung Cộng có khoảng 20 triệu con chó bị giết thịt mỗi năm, ở Việt Nam khoảng 5 triệu con mỗi năm, và ở Nam Hàn từ 2 tới 3 triệu con mỗi năm. ACPA cho biết thịt chó được tiêu thụ ở nhiều khu vực khác trên thế giới, nhưng phổ biến rộng rãi nhất là ở Châu Á.
Buôn bán thịt chó là hoạt động phi pháp ở Philippines, Đài Loan, Thái Lan và Hong Kong, nhưng vẫn còn hợp pháp hoặc nói chung không được kiểm soát ở Trung Cộng, Việt Nam và Nam Hàn. Ngành sản xuất thịt chó đã phát triển từ mô hình kinh doanh gia đình trở thành nền kỹ nghệ trị giá hàng tỷ Mỹ kim.
Tiến trình thương mại hóa đã dấy lên nhiều lo ngại về vấn đề phúc lợi động vật và sức khỏe con người. Liên Minh Bảo Vệ Chó Châu Á được thành lập, bởi các tổ chức bảo vệ động vật bao gồm Hiệp Hội Nhân Đạo Quốc Tế, Động Vật Châu Á, Sáng Hội Soi Dog và Sáng Hội Thay Đổi Vì Động Vật. Trưởng đại diện Hiệp Hội Nhân Đạo Quốc Tế tại Việt Nam, bà Nguyễn Thảo Vi cho biết, những năm trở lại đây, hoạt động cứu trợ động vật và nâng cao phúc lợi của động vật tại Việt Nam diễn ra ngày càng mạnh mẽ, và nhận được sự quan tâm đáng kể của cộng đồng cũng như của các cơ quan hữu trách.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.