Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Quốc vương Thái Lan băng hà

Thursday, October 13, 2016 6:55:00 PM // , ,

Quốc vương Thái Lan băng hà

 Một người phụ nữ Thái bên ngoài bệnh viện nơi Quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà hôm 13/10/2016.

Một người phụ nữ Thái bên ngoài bệnh viện nơi Quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà hôm 13/10/2016.
Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej vừa băng hà, hưởng thọ 88 tuổi.
Nhà vua được nhân dân Thái tôn kính băng hà hôm nay, 13/10, sau một thời gian dài lâm bệnh. Ông được coi là vị vua trị vì lâu năm nhất trên thế giới.
Quốc vương Bhumibol Adulyadej là người gắn kết đất nước trải qua nhiều thăng trầm chính trị trong suốt 7 thập kỷ trị vì kể từ năm 1946.
Nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của nhà vua không được công bố, nhưng ông đã phải nhập viện để điều trị nhiều căn bệnh trong suốt năm qua.
Theo dự kiến, Thái tử Maha Vajiralongkorn, 63 tuổi, sẽ lên ngôi.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã phát biểu trước người dân ngay sau khi tin Quốc vương Bhumibol băng hà được loan báo.
Theo Reuters, ông Prayuth nói rằng người kế vị Quốc vương Bhumibol đã được xác định từ năm 1972, và rằng chính phủ sẽ thông báo cho quốc hội về sự lựa chọn đó.
Thủ tướng Thái Lan không nói tên của người kế vị, nhưng Quốc vương Bhumibol đã chỉ định Thái tử Vajiralongkorn.
Quốc hội Thái Lan dự kiến sẽ tiến hành phiên họp bất thường vào vào cuối ngày 13/10.
Ông Prayuth kêu gọi người dân Thái thương yêu lẫn nhau và bảo vệ “tổ quốc” trong thời kỳ đau buồn này.
Thủ tướng Prayuth nói rằng các viên chức sẽ để tang một năm, đồng thời kêu gọi người Thái tránh các lễ hội trong 30 ngày. Ngoài ra, tất cả các tòa nhà chính phủ và trường học sẽ treo cờ rủ.
Người dân Thái tưởng nhớ Quốc vương Bhumibol Adulyadej hôm 13/10/2016.
Người dân Thái tưởng nhớ Quốc vương Bhumibol Adulyadej hôm 13/10/2016.
Quan ngại về người kế vị
Hơn một thập kỷ qua, người dân Thái đã lo ngại về sức khỏe của Quốc vương Bhumibol cũng như về người sẽ lên kế vị ngai vàng trong bối cảnh bất ổn chính trị, trong đó có hai vụ đảo chính.
Theo Reuters, hơn 1 nghìn người đã đổ tới bên ngoài bệnh viện nơi Quốc vương Bhumibol chữa trị. Nhiều người trong số họ khóc lóc khi nghe tin dữ.
Được coi là cột trụ giúp giữ vững ổn định đất nước, hiện có nhiều quan ngại rằng việc thiếu vắng Quốc vương Bhumibol sẽ khiến những chia rẽ ở Thái Lan trở nên trầm trọng hơn.
Tuy nhiên, theo Reuters, điều đó dường như khó xảy ra dưới sự nắm quyền cứng rắn của chính quyền quân nhân của Thủ tướng Prayuth sau khi lật đổ một chính phủ dân bầu năm 2014.
Hãng tin của Anh cũng cho rằng Thái tử Vajiralongkorn chưa được người dân kính trọng và quý mến như cha mình.
Trong hai năm trở lại đây, người kế vị này đã xuất hiện và đóng vai trò lớn hơn trong xã hội Thái do sức khỏe của Quốc vương Bhumibol suy yếu đi.
Thái tử Vajiralongkorn li dị người vợ thứ ba năm 2014. Các luật lệ cấm phạm thượng hà khắc của Thái Lan khiến công chúng ít có cơ hội thảo luận về người kế vị.
Việc hỏa táng theo nghi thức hoàng gia dự kiến sẽ phải mất nhiều tháng để chuẩn bị. – VOA

Cuộc đời Quốc vương Bhumibol của Thái Lan

Quốc vương Bhumibol của Thái Lan
PORNCHAI KITTIWONGSAKUL
Quốc vương Bhumibol của Thái Lan -
13 tháng 10 2016
Quốc vương Bhumibol Adulyadej của Thái Lan là vị vua trị vì lâu nhất thế giới.
Ngài được coi như thế lực có ảnh hưởng, tạo sự ổn định tại đất nước vốn xảy ra nhiều cuộc đảo chính quân sự trong suốt thời gian Ngài ngự trên ngai vàng.
Dù được kính trọng như một vị cha hiền từ đứng trên các phe phái chính trị, nhưng Ngài đã có những lần can thiệp khi căng thẳng chính trị dâng cao.
Và cho dù Ngài ở ngôi vương trong quốc gia quân chủ lập hiến chỉ với những quyền hành hạn chế, đa phần người dân Thái Lan coi Ngài như á thánh.
Đức vua Bhumibol Adulyadej được sinh ra tại Cambridge, Massachusetts, vào ngày 5/12/1927.
Cha của Ngài, Hoàng tử Mahidol Adulyadej, khi đó đang theo học tại trường Harvard.
Sau đó, cả gia đình trở về Thái Lan, nơi thân phụ qua đời khi Ngài mới hai tuổi.
Bhumibol and Sirikit
AP
Quốc vương đính hôn với bà Sirikit vào năm 1948
Sau cái chết của người cha, mẹ Ngài chuyển tới Thụy Sỹ, nơi hoàng tử bé theo học.
Thời trẻ, Ngài thích theo đuổi các hoạt động văn hóa như nhiếp ảnh, chơi và sáng tác các tác phẩm cho kèn saxophone, vẽ và viết lách.
Địa vị của Hoàng gia Thái Lan trở nên suy yếu kể từ sau viêc bãi bỏ chế độ quân chủ chuyên chế hồi năm 1932, và càng bị tổn hại sau khi Hoàng thúc của Ngài, Quốc vương Prajadhipok thoái vị vào năm 1935.
Việc truyền ngôi được trao cho hoàng huynh của Bhumibol, Ananda, khi đó lên chín tuổi.

‘Làm vì’

Năm 1946, Vua Ananda tử nạn trong một vụ nổ súng cho đến nay vẫn là điều chưa thể giải thích tại hoàng cung ở Bangkok.
Bhumibol kế vị ngai vàng, khi đó Ngài 18 tuổi.
Trong những năm đầu, Thái Lan do một vị quan nhiếp chính cai quản, bởi Ngài trở lại Thụy Sỹ theo đuổi việc học.
Trong một chuyến tới Paris, Ngài đã gặp hoàng hậu tương lai, tiểu thư con gái vị đại sứ Thái Lan tại Pháp.
Hai người kết hôn ngày 28/4/1950, chỉ một tuần trước khi vị tân vương đăng quang tại Bangkok.
Bhumibol playing with Benny Goodman
AP
Quốc vương là một nhạc công nhiệt thành. Trong hình là lúc Ngài đang chơi nhạc với thủ lĩnh ban nhạc Benny Goodman
Trong bảy năm đầu tiên, kể từ khi Ngài lên ngôi, Thái Lan chịu sự điều hành như chế độ độc tài quân sự, và hoàng gia hầu như chỉ giữ vị trí ‘làm vì’.
Vào tháng Chín 1957, Tướng Sarit Dhanarajata nắm quyền. Quốc vương ra chiếu chỉ phong cho vị tướng này là ‘Sarit, Hộ vệ Đô thành’.
Dưới sự độc tài của Sarit, Bhumibol quyết làm sống lại vị trí vững mạnh của hoàng gia.
Ngài đã có một loạt các chuyến đi tới các tỉnh, và để tên mình được dùng trong một số các hoạt động phát triển, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Về phần mình, Sarit đã lập lại thói quen theo đó mọi người phải khom mình bò bằng tay và đầu gối trước mặt nhà vua, và khôi phục một số các dịp nghi lễ hoàng gia vốn đã bị xếp lại từ nhiều năm.

Lật đổ

Quốc vương Bhumibol đã can thiệp một cách đầy kịch tính vào chính trị Thái hồi năm 1973, khi những người biểu tình đòi dân chủ bị binh lính nã súng vào.
Những người biểu tình được cho vào ẩn náu trong hoàng cung, bước đi đã dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ của thủ tướng khi đó, Tướng Thanom Kittikachorn.
Nhưng nhà vua đã bất thành trong việc ngăn chặn vụ đàn áp các sinh viên tả khuynh do các thành viên thuộc lực lượng bán quân sự tiến hành ba năm sau đó, là lúc hoàng gia lo sợ sự lớn mạnh của lực lượng có cảm tình với những người cộng sản sau khi Cuộc chiến Việt Nam kết thúc.
Queen Elizabeth visited Thailand in 1972
AP
Nữ hoàng Anh Elizabeth có chuyến thăm cấp nhà nước tới Thái Lan hồi 1972
Đã có thêm những nỗ lực nhằm lật đổ chính quyền. Năm 1981, Đức vua đã dũng cảm đương đầu với một nhóm các sỹ quan quân đội, những người đã tiến hành đảo chính chống lại thủ tướng Prem Tinsulanond.
Những kẻ nổi loạn đã chiếm thành công thủ đô cho tới khi các đơn vị trung thành với nhà vua lấy lại được Bangkok.
Tuy nhiên, việc nhà vua có khuynh hướng ủng hộ chính phủ nắm quyền đã khiến một số người Thái đặt câu hỏi về sự công bằng của Ngài.
Bhumibol lại can thiệp vào năm 1992, khi hàng chục người biểu tình bị bắn sau khi phản đối việc một cựu lãnh đạo đảo chính, Tướng Suchinda Kraprayoon, muốn trở thành thủ tướng.

Ảnh hưởng

Quốc vương đã gọi Suchinda và lãnh đạo thiên dân chủ Chamlong Srimuang tới trước mặt Ngài, cả hai cùng quỳ gối theo đúng nghi thức diện kiến nhà vua.
Suchinda từ chức, và kỳ bầu cử sau đó đã được tổ chức, với kết quả là sự trở lại của một chính phủ dân sự dân chủ.
Trong cuộc khủng hoảng về vai trò lãnh đạo của Thủ tướng Thaksin Shinawatra hồi năm 2006, Quốc vương đã thường xuyên được đề nghị can thiệp, nhưng Ngài nói điều đó là không thích hợp.
Bhumibol cutting rice
AFP
Quốc vương ủng hộ mạnh mẽ ngành nông nghiệp của Thái Lan
Tuy nhiên, Ngài vẫn được coi là đã có ảnh hưởng to lớn trong kỳ bầu cử được tổ chức tháng Tư năm đó, với phần thắng thuộc về ông Thaksin. Kết quả bầu cử sau đó đã bị tòa tuyên là vô hiệu.
Ông Thaksin cuối cùng đã bị hạ bệ trong một cuộc đảo chính không đổ máu, trong sự kiện phe quân sự cam kết trung thành với Quốc vương.
Trong những năm sau đó, tên tuổi và hình ảnh của nhà vua đã được các phe phái, cả ủng hộ lẫn chống đối ông Thaksin, viện đến trong cuộc tranh giành quyền lực.
Cả nước đã có những buổi lễ ăn mừng sinh nhật xa hoa trong lần thứ 80 của Quốc vương Bhumibol vào năm 2008, cho thấy vị trí đặc biệt của Ngài trong xã hội Thái Lan.

Tôn kính

Tướng Prayuth Chan-ocha nắm quyền sau cuộc đảo chính hồi tháng Năm 2014, và được quốc hội do quân đội bổ nhiệm chỉ định vào vị trí thủ tướng vài tháng sau đó.
Ông cam kết cải tổ chính trị sâu rộng nhằm ngăn chặn tình trạng bất ổn trở lại như trong những năm gần đó.
Nhưng những người chỉ trích tỏ ý ngờ vực rằng mối ưu tiên thực sự của ông thực ra là nhằm phá hủy đảng của cựu thủ tướng Thaksin, và nhằm đảm bảo là sự kế vị ngai vàng diễn ra suôn sẻ.
The Thai royal family in 1999
GETTY IMAGES
Vị trí của hoàng gia Thái Lan đã trở nên vững mạnh hơn trong thời gian Ngài trị vì
Lòng tôn kính của dân chúng đối với Quốc vương Bhumibol là điều có thật, nhưng đó cũng là kết quả của sự nuôi dưỡng, phát triển cẩn trọng của bộ máy tuyên truyền khổng lồ chuyên lo về quan hệ công chúng của hoàng gia.
Thái Lan có bộ luật ‘khi quân’ hà khắc, theo đó bất kỳ chỉ trích nào nhắm vào hoàng gia đều bị trừng trị nặng nề, và hạn chế việc truyền thông cả trong nước lẫn nước ngoài đưa tin đầy đủ về nhà vua.
Trong thời gian trị vì dài lâu của mình, Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã phải đối diện với một đất nước liên tục bị chao đảo bởi những biến động chính trị.
Có thể nói với những gì Ngài từng thể hiện trong kỹ năng ngoại giao và trong việc gần gũi thần dân, lúc băng hà, Quốc vương đã để lại cho hoàng gia một vị thế vững mạnh hơn nhiều so với thời điểm Ngài lên ngôi. – BBC

Tường thuật trực tiếp

BBC
13 Oct 201613 Oct 2016

Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej, nhà vua trị vì lâu nhất thế giới, đã băng hà sau 70 năm trên ngai vàng, theo thông báo của Hoàng gia.

Thái tử Maha Vajiralongkorn chưa lên ngôi ngay lập tức

Đăng ở 11:38
Thái tử Maha Vajiralongkorn, người sẽ trở thành vị vua mới của Thái Lan, đã xin hoãn lên ngôi một thời gian.
Thủ tướng Thái Prayut Chan-ocha nói Thái tử đã xin hoãn để có thời gian để tang Vua cha cùng với toàn dân.
Thái Lan sẽ để tang Quốc vương Bhumibol Adulyadej trong một năm, và toàn bộ các hoạt động vui chơi giải trí phải được “giảm xuống” trong thời gian một tháng.

Tóm tắt

  1. Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej là vị vua trị vì lâu nhất thế giới
  2. Năm nay Ngài 88 tuổi
  3. Nhà Vua đã trị vì đất nước Thái Lan 70 năm.
  4. Hai năm qua Quốc vương Bhumibol được điều trị trong bệnh viện một thời gian dài và ít xuất hiện trước công chúng từ gần một năm nay.
  5. Con trai Quốc vương Bhumibol, Thái tử Maha Vajiralongkorn, 64 tuổi, vừa được tuyên bố sẽ lên nối ngôi.
*
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã có một phút mặc niệm để tưởng nhớ Vua Thái Lan Bhumibol.
*

Thông cáo của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon:

Đăng ở 9:45
“Tổng thư ký vinh danh sự tận tụy của Quốc vương Bhumibol đối với đất nước Thái Lan và vai trò lãnh tụ đoàn kết quốc gia của Ngài. Quốc vương được người dân Thái tôn kính và quốc tế kính trọng. Ngài đã được trao Giải thưởng Thành tựu Trọn đời của Chương trình Phát triển LHQ năm 2006.
Tổng thư ký bày tỏ hy vọng rằng Thái Lan sẽ tiếp tục sự nghiệp của Quốc vương Bhumibol trong cam kết gìn giữ các giá trị toàn cầu và tôn trọng nhân quyền.”

Quốc vương Thái Lan Bhumibol qua đời

Đăng ngày 13-10-2016
media
Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej, ảnh chụp năm 2010. REUTERS/Damir Sagolj/File Photo
Chiều tối ngày hôm nay, 13/102/016, Hoàng cung Thái Lan đã phát đi cáo phó vua Bhumibol Adulyadej đã tạ thế “thanh thản” tại bệnh viện Siriraj, Bangkok, hưởng thọ 88 tuổi, sau một thời gian dài điều trị vì sức khỏe suy yếu. Thủ tướng Thái Lan cũng vừa ra thông báo quốc tang nhà vua kéo dài trong một năm.
Với hơn 70 năm trên ngai vàng Vương quốc Thái Lan, vua Bhumibol Adulyadej không chỉ là một trong những vị quân vương trị vì lâu nhất thế giới, mà ông còn là một vị vua được người dân Thái Lan hết sức kính yêu, được tôn sùng như thánh sống. Với giới chính trị, dù thuộc đảng phái nào hay thuộc quân đội, cảnh sát, nhà vua Thái Lan đã tạo được một uy quyền gần như tuyệt đối, khiến tất cả phải nể trọng nghe theo.
Sinh ngày 5/12/1927, tại Cambridge, bang Massachusetts, Hoa Kỳ, vua Bhumibol Adulyadej, thuộc dòng dõi triều đại Rama V, đến đóng đô ở Bangkok từ năm 1782. Ông đã được chỉ định làm vua vào năm 1946 sau khi người anh trai của ông là vua Ananda Mahidol qua đời. Nhưng vì đang dang dở chuyện học hành, phải đợi đến ngày 5/5/1950, vua Bhumibol mới chính thức đăng quang. Sinh ra ở nước ngoài và phần lớn thời niên thiếu sống và học tập ở phương tây, Bhumibol là một vị vua thông minh, ham học hỏi, đã tích lũy được những tinh hoa của các nền văn minh thế giới.
Dù theo học ngành khoa học chính trị và luật ở Thụy Sĩ, tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Pháp, nhưng vua Thái Lan lại là người nhận được nhiều bằng sáng chế kỹ thuật. Đó cũng là kết quả từ những trăn trở lo âu cho cuộc sống khó khăn của người dân Thái Lan, đặc biệt ở vùng nông thôn.
Vị vua nhân ái thương dân
Là người học rộng, năng nổ có lòng nhân ái, ngay từ những ngày đầu trị vì vương quốc, nhà vua Bhumibol đã thường xuyên đến với những vùng hẻo lánh xa xôi để thị sát đời sống thực tế của người dân.
Từ những chuyến đi đó, ông đã lập ra nhiều dự án của hoàng gia giúp người dân nghèo khó vùng nông thôn cải thiện cuộc sống. Vua Bhumibol đã sử dụng khối tài sản lớn của mình để chi phí cho không ít các đề án phát triển đất nước. Bởi thế mà người dân Thái Lan hết sức biết ơn, đến độ tôn thờ ông như thánh sống.
Tiếng nói uy quyền với chính giới
Từ năm 1932, Thái Lan chuyển từ chế độ quân chủ tuyệt đối sang thể chế quân chủ đại nghị. Quốc vương trên nguyên tắc chỉ giữ vai trò biểu tượng, không can thiệp vào chính trường cũng như công việc điều hành đất nước. Trong những tình huống hệ trọng của đất nước, vua Bhumibol đã chứng tỏ là một chính trị gia nhạy cảm, sắc sảo, được các đảng phái, quân đội cũng như cảnh sát lắng nghe và tuân thủ. Với uy quyền của mình, nhà vua đã không ít lần cho những ý kiến quyết định để giải tỏa những đợt khủng hoảng chính trị, đưa đất nước thoát khỏi hỗn loạn bạo lực.
Sự nhạy cảm chính trị và vai trò của nhà vua trên tinh thần đoàn kết dân tộc Thái Lan đã được giới quan sát thừa nhận qua nhiều phen biến động của chính trường nước này.
Từ trước tới giờ, mỗi khi Thái Lan lâm vào khủng hoảng, bế tắc chính trị, từ người dân thường cho đến các đảng phái chính trị đang tranh giành nhau đều lại hướng về hoàng cung trông chờ một tiếng nói của nhà vua như một chỉ dụ để trấn an người dân, làm dịu tình hình đất . –  RFI

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.