Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 07/11/2016

Monday, November 7, 2016 // , ,
Đọc báo Pháp – 07/11/2016

Mỹ : Kết quả bầu cử tổng thống sẽ rất sít sao

Ngày mai là ngày bầu cử tổng thống Mỹ, các báo Pháp hôm nay dành nhiều trang cho chủ đề này. Nhật báo Le Monde đặt câu hỏi : « Donald Trump liệu còn có thể thắng cử ?»
Ứng viên Cộng Hòa Donald Trump hy vọng thắng đối thủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử diễn ra tại Mỹ vào ngày mai 08/11. Kể từ khi FBI tiến hành điều tra về thư điện tử cá nhân của bà Clinton, các cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho thấy tỉ lệ ủng hộ nhà tài phiệt bất động sản Donald Trump đã tăng vọt.
Nhưng Le Monde đánh giá để rút khoảng cách với đối thủ Hillary Clinton, ông Donald Trump sẽ phải thắng tại các bang có vai trò chủ chốt hoặc những bang còn nhiều cử tri đang do dự như Florida, Ohio, Nevada hoặc Pensylvania. Bà Hillary Clinton được cử tri gốc châu Mỹ La tinh ủng hộ. Đây là nhóm người đã bị ông Donald Trump bôi nhọ. Nhưng bà Clinton lại không vận động được người Mỹ gốc Phi.
Le Monde cũng cho biết tổng thống Obama, người đã tạo ra 11 triệu công ăn việc làm trong hai nhiệm kỳ tại Nhà Trắng, đang ra sức hỗ trợ bà Clinton bằng cách kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho bà. Còn thị trường Mỹ thì đang “lên cơn sốt” trong những ngày trước bầu cử tổng thống.
Nhật báo Le Figaro thì cho biết 8/10 người Mỹ đều mong ngóng kỳ bầu cử sớm kết thúc, nhưng dự báo nhiều yếu tố khó lường như bạo động, khủng bố có thể xảy ra và ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu. Le Figaro gọi cuộc bỏ phiếu ngày mai 08/11 là “cuộc bỏ phiếu của mọi mối nguy hiểm”.
Theo Le Figaro, nguy cơ khủng bố khiến nhà chức trách lo ngại. Cho dù nguy cơ « khủng bố thực sự » rất mơ hồ, nhưng cũng đã đủ để các bang New York, Texas và Virginia được đặt vào tình trạng báo động. Ở Bắc Carolina, một tòa án liên bang đã ngăn cản chính quyền phe Cộng Hòa gạch tên 4.000 cử tri đã đăng ký bầu cử. Tại bang Ohio, một thẩm phán đã ra lệnh cấm hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ có các hành động hăm dọa gần các khu vực đặt hòm phiếu.
Cơ quan an ninh không lo ngại về nguy cơ tin tặc tấn công các máy kiểm phiếu, vì để làm được điều đó, cần hàng ngàn hacker và các máy này lại không kết nối với nhau. Tuy nhiên, chính quyền liên bang đã cảnh báo về nguy cơ trục trặc trong quá trình truyền kết quả kiểm phiếu trên mạng và công bố các kết quả này trên các trang mạng xã hội.
Le Figaro nhận định kết quả kiểm phiếu càng sít sao thì nguy cơ tranh chấp sẽ càng lớn, có nghĩa là “cuộc đấu kiếm” giữa Hillary Clinton và Donald Trump sẽ còn kéo dài.
Trong khi đó, nhật báo kinh tế Les Echos lại quan tâm đến khía cạnh tài chính của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với hàng tựa « Chiến dịch bầu cử 2016 ít tốn kém hơn các chiến dịch bầu cử trước đây ».
Đối với Les Echos, đây là điều đáng ngạc nhiên. So với các ứng viên tổng thống ở các kỳ bầu cử trước, cả hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton đều chi ít tiền hơn cho quảng cáo trên truyền hình. Tính tới cuối tháng Chín, các ứng viên, các đảng và các quỹ ủng hộ bầu cử đã tiêu tổng cộng 3,2 tỉ đô la, ít hơn 210 triệu đô la so với dịch bầu cử tổng thống năm 2012.
Bên phe Cộng Hòa, ông Donald Trump tiêu tốn ít hơn 35% so với ứng viên Mitt Romney trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2012. Khác với ông Mitt Romney, ứng viên Donald Trump không chú trọng quảng cáo trên đài truyền hình và phát thanh. Thay vào đó, nhà tài phiệt Donald Trump tập trung nhắm vào các trang mạng xã hội. Điều này đã giúp ông tiết kiệm được gấp 5 lần chi phí quảng bá so với ông Mitt Romney năm 2012. Trong cuổi tranh luận trên truyền hình mới đây nhất, ông Donald Trump tự hào cho biết mình đã tiếp xúc được với 25 triệu cử tri thông qua mạng Internet.
Nhưng đáng ngạc nhiên hơn phải kể đến việc bà ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton đã tiêu tốn ít hơn 26% so với ứng viên Obama trong kỳ bầu cử trước. Bà đã giảm được chi phí quảng cáo khi sử dụng cơ sở dữ liệu một cách khôn khéo. Trong khi đó bà lại quyên được nhiều tiền cho quỹ tranh cử hơn so với ông Obama năm 2012.

Bầu cử tổng thống Mỹ: Cái nhìn từ nước Nga

Trong bài báo có tiêu đề “Người Nga chọn ứng viên Cộng Hòa – ứng viên của hòa bình”, Le Monde nhận định nhìn từ nước Nga, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gói gọn trong sự lựa chọn giữa Donald Trump – “ứng viên của hòa bình” và Hillary Clinton – “ứng viên của chiến tranh”.
Theo thông tín viên của tờ báo thân chính phủ Nga Rossiiskaïa Gazeta, bà Clinton vốn nổi tiếng với “bản năng săn mồi của kẻ mạnh và niềm tin vào vai trò thống trị của nước Mỹ trên thế giới cũng như sự ủng hộ các chiến dịch quân sự của Hoa Kỳ ở nước ngoài”. Vì thế, đương nhiên người Nga thích ông Donald Trump hơn.
Mới đây, Viện nghiên cứu Bắc Mỹ WIN/Gallup đã công bố kết quả cuộc thăm dò ý kiến ở 45 nước trên thế giới cho thấy Nga là quốc gia duy nhất mà ông Trump được nhiều người ủng hộ hơn bà Clinton: 33% số người được hỏi ủng hộ ông Trump, so với con số 10% số người ủng hộ bà Clinton.
Ông Valeri Fiodorov, giám đốc Viện Nghiên Cứu Dư Luận Xã Hội Nga bình luận: « Trong bối cảnh Mỹ và Nga đang đối đầu mạnh mẽ, câu trả lời của người dân Nga là hoàn toàn có thể dự đoán. Họ chọn ứng viên thể hiện công khai cảm tình với tổng thống Nga Vladimir Putin » trong khi đó « bà Hillary Clinton được coi là sẽ kế tiếp con đường xung đột của người tiền nhiệm Obama. Tuy nhiên, sự ngờ vực nước Mỹ lớn tới mức « nhiều người đã không nhìn ra rằng quan hệ song phương sẽ được cải thiện cho dù cuộc bầu cử Mỹ có kết quả thế nào đi chăng nữa ».
Bà Hillary Clinton bị truyền thông thân Nga cười nhạo, coi thường. Ngày 20/10, trong cuộc tranh luận về cuộc khủng hoảng ở Syria trên kênh truyền hình NTV, bà ứng viên Dân Chủ đã bị nêu đích danh là người sáng lập ra tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Bà Hillary đã phải gánh hậu quả mối hận thù sâu đậm của điện Kremlin. Là ngoại trưởng Mỹ giai đoạn 2009 – 2013, chính bà Clinton là người đưa ra ý định nhưng sau đó đã thất bại trong việc thiết lập lại trật tự Nga – Mỹ.
Đây cũng là giai đoạn nhà độc tài Mouammar Kadhafi của Libya bị lật đổ, và nhiều người coi đó là do sai lầm của Nga. Sau đó là tới các cuộc biểu tình lớn phản đối Putin diễn ra ở Matxcơva vào mùa đông năm 2011-2012. Và điện Kremlin đã không ngừng cáo buộc Mỹ đứng sau các cuộc biểu tình này. Căng thẳng còn tiếp tục gia tăng với vụ tai tiếng về thư điện tử cá nhân của bà ứng viên Dân Chủ, khi FBI nghi ngờ vụ này là âm mưu của một nhóm tin tặc Nga.
Ngày 27/10, ông chủ điện Kremlin đã đả kích là Mỹ đã điên cuồng cáo buộc Nga can thiệp vào kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Với giọng điệu hòa giải, tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại là sẽ hợp tác với bất cứ ai trúng cử tổng thống Mỹ. Nhưng ông Putin đã không kìm chế thể hiển cảm tình trước tính cách của ông Donald Trump khi phát biểu :” Tất nhiên, ông ấy cư xử hơi lố, nhưng tôi nghĩ rằng điều đó không phải vô ích, vì theo tôi, ông ấy đại diện cho điều mà một nhóm người đông đảo trong xã hội Mỹ quan tâm, họ đã chán nản vì những người cầm quyền từ nhiều thập kỷ nay ».

Pháp thắt chặt an ninh

để kéo du khách quốc tế trở lại

Trong bài viết có tiêu đề « Valls thắt chặt an ninh để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại », nhật báo Le Figaro cho biết trước tình hình lượng du khách nước ngoài đến Pháp sụt giảm ở mức chưa từng có từ tháng Giêng tới nay, thủ tướng Pháp Manuel Valls sẽ chủ trì một buổi họp liên bộ nhằm tìm giải pháp hỗ trợ ngành du lịch thu hút khách du lịch quốc tế.
Vẫn là điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới nhưng vụ khủng bố ngày 13/11/2016, kéo theo đó là các vụ khủng bố ở Bruxelles hồi tháng Ba và ở Nice hồi tháng Bảy, đã khiến nhiều du khách không dám đến Pháp. Việc duy trì tình trạng khẩn cấp cũng gây ảnh hưởng xấu đến du lịch.
Đặc biệt quan tâm tới vấn đề an ninh, thủ tướng Manuel Valls đã quyết định tung ra kế hoạch hành động trị giá 15,5 triệu euro để đảm bảo an toàn cho du khách quốc tế trên lãnh thổ Pháp : tăng cường lực lượng bảo vệ và lắp đặt thêm caméra giám sát tại Paris, trên quốc lộ A1, trong đường hầm Landy, nơi du khách đã bị cướp số nữ trang lên tới 5 triệu euros chỉ tính riêng trong tháng Tư, bên ngoài sân vận động Stade de France và các khách sạn ở các cửa ngõ Paris, tại các công trình văn hóa nổi tiếng như bảo tàng Louvre, Mont-Saint-Michel, các lễ hội văn hóa hay các buổi biểu diễn, …
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các du khách trình báo mỗi khi có vấn đề, các sở cảnh sát và các đội cảnh sát cơ động sẽ được triển khai ở các công trình có đông khách thăm quan và xảy ra nhiều vụ cướp giật. Để đạt hiệu quả trên quy mô quốc gia, mỗi tỉnh sẽ có một « thông tín viên an ninh du lịch ».
Đối với những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng cách tạo điều kiện cho tư nhân vay tiền để hiện đại hóa các nhà hàng và khách sạn nhỏ, tạo điều kiện cho họ làm việc chỉ một phần thời gian và hỗ trợ công tác đào tạo. Khoản tiền dự kiến lên tới 11 triệu euro.
Và cuối cùng, Nhà Nước hướng sự quan tâm tới chính du khách người Pháp, đối tượng mang lại tới 2/3 doanh thu cho du lịch Pháp. Thủ tướng Pháp muốn hỗ trợ người có thu nhập thấp, những người đã về hưu và có thu nhập dưới mức phải đóng thuế để kích thích họ đi du lịch, bằng cách ban hành các tấm séc-du lịch có tổng trị giá lên tới 5,7 tỉ euro.

Tin đọc nhanh

(AFP) Trung Quốc ra luật siết chặt kiểm duyệt phim ảnh
Thường vụ quốc hội Trung Quốc, hôm nay, 07/11, thông qua dự luật chỉ cho phép phổ biến các phim « phát huy giá trị xã hội chủ nghĩa » và cấm sản xuất, hợp tác sản xuất phim « có hại cho phẩm giá, danh dự và quyền lợi quốc gia ». Luật này, có hiệu lực kể từ tháng 3, là cơ sở luật pháp để tăng cường chính sách kiểm duyệt đã rất khắc khe tại Hoa lục. Bắc Kinh đã nhiều lần chỉ trích giới nghệ sĩ điện ảnh tây phương như Brad Pitt tỏ thiện cảm với Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong mà Bắc Kinh xem là kẻ thù chính trị (Bảy năm tại Tây Tạng, Seven Years in Tibet).
(AFP) Trung Quốc ra thêm luật siết internet
Luật thông qua hôm nay, 07/11/2016, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Về lý thuyết luật này nhằm bảo vệ thông tin trên các mạng xã hội và những người sử dụng, nhưng theo các nhà bảo vệ nhân quyền, mục tiêu của luật này chỉ là gia tăng đàn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến. Các bài viết, bình luận trên các mạng xã hội, và các trang blog, diễn đàn mạng có thể bị kiểm duyệt, thậm chí xóa bỏ. Kiểm duyệt internet tại Trung Quốc đã có từ lâu với « Bức Trường Thành lửa » (Great Firewall), nhưng kể từ năm 2013, internet có xu hướng bị siết mạnh hơn. Hàng trăm nhà báo hay blogger bị đe dọa hay giam cầm.
(AFP)Ấn Độ : Phụ nữ Hồi Giáo biểu tình chống kỳ thị
Hôm nay, 07/11/2016, nhiều phụ nữ Ấn Độ theo đạo Hồi đã tập trung trước trụ sở Tòa Án Tối Cao để phản đối các quy định bảo vệ đặc quyền đơn phương ly dị của đàn ông theo đạo Hồi. Theo một điều tra dư luận, đa số phụ nữ Hồi Giáo Ấn Độ muốn chấm dứt phân biệt đối xử này. Cuộc đấu tranh của phụ nữ Hồi Giáo được thủ tướng Modi lên tiếng ủng hộ đầu tuần trước. Đây là một can thiệp hiếm hoi tại Ấn Độ, một quốc gia tuy được gọi là theo thể chế thế tục, nhưng thiên về bảo vệ quyền của các tôn giáo. Tại Ấn Độ có khoảng 170 triệu tín đồ Hồi Giáo, là cộng đồng Hồi Giáo đông thứ ba thế giới.
(AFP) Bulgari : Bầu tổng thống, ứng cử viên thân Nga về đầu
Kết quả bất ngờ trong vòng một bầu tổng thống Bulgari 06/11/2016. Tướng Roumen Radev, đảng Xã hội, cựu tư lệnh không quân có chủ trương thân Matxcơva giành được 25,67 % phiếu, về nhất. Trong khi đó, đương kim chủ tịch quốc hội, bà Tsetska Tsacheva, thân châu Âu về nhì với 22%, theo kết quả sơ khởi.
(AFP) Thổ Nhĩ Kỳ : Đảng HDP thân Kurdistan tuyên bố tẩy chay Quốc Hội
Tuyên bố được đưa ra hôm qua, 06/11/2016, sau khi hai đồng chủ tịch và 9 nghị sĩ của đảng bị bắt. HDP là đảng lớn thứ ba, với 59 dân biểu. Hôm qua, lần đầu tiên, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chính thức khẳng định HDP chỉ là một chi nhánh của đảng “khủng bố” PKK. HDP phủ nhận cáo buộc liên hệ với PKK. Các nghị sĩ HDP hiện chưa bị bắt đang nỗ lực gặp gỡ cử tri, thu thập ý kiến nhằm xây dựng một kế hoạch hành động mới. Ankara triệu tập các đại sứ của Liên Hiệp Châu Âu họp sáng nay để thông báo về « các diễn biến mới nhất », trong bối cảnh phương Tây ngày càng lên án việc Thổ Nhĩ Kỳ dùng tình trạng khẩn cấp để bóp nghẹt mọi chỉ trích.
(AFP) Thượng đỉnh khí hậu COP 22 khai mạc hôm nay, 07/11/2016, tại Maroc
COP 22 dự kiến sẽ kéo dài hai tuần lễ, khoảng 60 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ sẽ tới vào ngày 15/11, để mang lại trọng lượng chính trị cho các đàm phán. Mục tiêu chính của COP 22 là tìm kiếm các biện pháp để thực thi thỏa thuận lịch sử COP 21 đạt được tại Paris năm ngoái, cố gắng giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 2°C. Các nhà thương thuyết sẽ phải hoàn thiện « các quy tắc » của thỏa thuận phức tạp này, liên quan đến việc các nước tuân thủ cam kết hạn chế khí thải, các nước phát triển giúp đỡ tài chính các nước đang phát triển gia tăng năng lượng xanh, đền bù thiệt hại do biến đổi khí hậu…

Tin khắp nơi – 07/11/2016

Tin khắp nơi – 07/11/2016

Bầu cử tổng thống Mỹ :

Đa số cử tri bị căng thẳng thần kinh

Hiếm khi, nếu không muốn nói là chưa bao giờ, một cuộc bầu cử tổng thống lại làm cho người dân Mỹ mệt mỏi như cuộc bầu tổng thống ngày 08/11/2016 này. Một phóng sự của hãng tin Pháp đã minh họa cho số liệu khô khan nêu trong bản điều tra của Hội Tâm Thần Học Mỹ (APA), theo đó hơn một nửa người Mỹ – 52% – thú nhận là cuộc bỏ phiếu lần này khiến họ bị stress, tức là căng thẳng thần kinh.
AFP vẽ lên cảnh chán ngán của phần đông người Mỹ trước cuộc tranh cử tổng thống kỳ quái, tệ hại, với các chuyện xấu cá nhân bị bới móc, và chỉ mong cho sự kiện sớm kết thúc. Hơn nữa viễn ảnh bày ra trước mắt họ, nào là khủng bố, bầu cử gian lận v.v…, không có gì sáng sủa cả.
Trả lời phóng viên AFP, Judi Bloom, một nhà tâm lý học ở Santa Monica, California, giải thích là những cuộc bầu cử thường làm cho người ta bị stress nhưng chưa bao giờ bà thấy hiện tượng này ở mức độ như hiện nay.
Trong hàng tháng trời, ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump đã nã pháo vào các chính sách của Barack Obama, từ bảo hiểm y tế Obamacare đến chiến tranh Syria, rồi các hiệp định tự do mậu dịch, tất cả theo Donald Trump đều « thất bại », và Hillary Clinton sẽ đưa đất nước vào « thảm họa ».
Ông Trump còn vẽ ra viễn cảnh hàng hàng lớp lớp người nhập cư lưu manh, chuyên hãm hiếp phụ nữ sẽ cố vào đất Mỹ qua đường biên giới Mêhicô, cho nên ông muốn xây một bức tường ở đấy để ngăn chận. Không chỉ kẻ lưu manh, mà còn có kẻ sát nhân khủng bố trốn trong « đám người tỵ nạn Syria » vào nước Mỹ.
Riêng nước nước Mỹ, thì phải coi chừng « gian lận bầu cử ».
Còn về phía Dân Chủ, bà Clinton cũng mô tả đối phương như một người « bất ổn định », có thể gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân trong một cơn tức giận, là « một con rối » trong tay Nga, và nhắc đi nhắc lại là hàng chục phụ nữ đã tố cáo bị ông tấn công tình dục – điều mà Trump luôn phủ nhận.
Bà Judi Bloom đánh giá chưa bao giờ có cuộc vận động tranh chiếc ghế tổng thống lại tiêu cực như thế, với những ứng viên không được cảm tình và tạo ra cảm giác tuyệt vọng. Judi Bloom còn cho biết bà đã nghe rất nhiều người nói muốn dọn nhà sang ở Canada.
Robert Bright, một bác sĩ tâm thần học ở Phoenix (Arizona), cho là phải đi ngược về cuộc khủng bố ngày 11/09/2001 hay cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, mới tìm thấy lại cảm nhận là « mọi sự đều đổ vỡ » như hiện nay. Ông còn nhắc đến một bệnh nhân cho biết là bà không ngủ được vì cuộc bầu cử này. Một bệnh nhân khác, bệnh rất nặng, nói đùa là như vậy khi chết đi, ông không còn phải thấy những tấm quảng cáo bầu cử tiên đoán điềm gở nữa.
Tóm lại thay vì vận động nhìn về tương lai lạc quan, như khẩu hiệu ‘yes we can’ của Obama trước đây, năm 2008, thì Donald Trump và phần nào đó Hillary Clinton, đã xoáy vào nỗi lo sợ của người Mỹ.
Ông Bright nhìn thấy người Mỹ lo ngại cho tương lai, cho vấn đề tài chính của họ, sợ bị tấn công khủng bố, sợ người bên cạnh….
Theo ông, dựa trên nghiên cứu của hội APA, người đảng Cộng Hòa lo âu nhiều hơn người đảng Dân Chủ, họ e ngại cho đủ thứ, từ chiếc ghế ở Tối Cao Pháp Viện, hiện có 4 thẩm phán bảo thủ và 4 thẩm phán cấp tiến, cho đến các chiếc ghế ở Quốc Hội, và e ngại cả nguy cơ đảng bị giải tán.
Những lời chỉ trích nhau chung quanh quan hệ với phụ nữ của ông Donald Trump hay những đòn tấn công ngược vào quan hệ của Bill Clinton, theo ông Bright, đã tạo nên không khí bất an đối với phụ nữ nói chung và đặc biệt những ai từng trải qua hoàn cảnh bị tấn công.
Các mạng xã hội và truyền thông truyền tải tin lại càng tăng thêm cảm nhận về « thế giới đến hồi sụp đổ », theo ghi nhận của bà Bloom và hội APA.
Ông Bright còn thấy là do bị lôi cuốn vào cuộc vận động tranh cử, ủng hộ ai, chỉ trích hay tán đồng, nhiều khi ảnh hưởng đến quan hệ bạn bè, láng giềng. Ông đã nghe nhiều người nói : « Tôi không ngờ là bạn bè tôi lại có óc kỳ thị, bài ngoại hoặc trọng nam khinh nữ như thế… ». Kết quả là có nhiều người đã quyết định gạt tên bạn mình ra khỏi danh sách bạn bè trên Facebook, có khi không thèm nói chuyện.
Hiệp hội APA nhắc nhở là cho dù « chuyện gì xẩy ra ngày 08/11, thì cuộc sống vẫn tiếp tục, thay vì ngồi đó bực tức, tuyệt vọng thì hãy làm cái gì đấy tích cực, tham gia hoạt động thiện nguyện hay… lao vào hoạt động chính trị ».

Bầu cử tổng thống Mỹ : Cách ghi điểm thắng cử

Trước ngày bỏ phiếu ở Mỹ, hãng tin AFP đã bỏ công giải thích bài toán ghi điểm phức tạp hơn ở Pháp, không tính tỷ lệ phiếu trên bình diện quốc gia, như kiểu bầu trực tiếp thường thấy, mà lại tính ở mức tiểu bang, với người giành được chiếc ghế ở Nhà Trắng phải giành được số 270 đại cử tri. Hãng tin Pháp hóm hỉnh cho là : Đối với các ứng viên, ngoài tài năng chính trị, còn phải khéo biết cộng trừ nhân chia để tập trung sức vận động theo trọng điểm để giành phiếu.
Một cách tổng quát, phiếu cử tri bỏ vào thùng ngày 08/11 ở mỗi tiểu bang sẽ được quy ra thành phiếu đại cử tri. Số đại cử tri thay đổi tùy theo dân số ở tiểu bang. Người về đầu ở một tiểu bang thâu tóm hết số đại cử tri của bang – theo nguyên tắc The Winner Takes All, gọi nôm na là Được ăn cả – ngoại trừ ở Maine và Nebraska, nơi số đại cử tri được phân bổ theo tỷ lệ phiếu bầu.
Hai ví dụ cụ thể: Nếu về đầu ở California – 38,8 triệu dân, theo AFP – thì sẽ được 55 đại cử tri, còn nếu thắng ở Montana – 1 triệu dân – thì chỉ được 3 đại cử tri mà thôi.
Trên toàn quốc, tổng cộng có 538 đại cử tri, con số tương đương với 435 dân biểu ở Hạ Viện và 100 thượng nghị sĩ, cộng thêm 3 đại cử tri cho riêng thủ đô Washington, không thuộc về bất kỳ bang nào.
Chính các đại cử tri này, trên bình diện thuần kỹ thuật và thủ tục sẽ bầu tổng thống và phó tổng thống vào ngày 19/12.
Tóm lại, để chiến thắng một ứng viên tổng thống phải giành được đa số đại cử tri tức là 270. Theo AFP, nếu căn cứ kết quả trong quá khứ thì công việc có vẻ dễ dàng hơn đối với Hillary Clinton.
Từ năm 1992, 18 bang luôn bầu cho đảng Dân Chủ, với tổng số 242 đại cử tri. Trong cùng thời kỳ, 13 tiểu bang khác luôn bầu cho phía Cộng Hòa, nhưng chỉ tập trung 102 đại cử tri. Hiện nay, theo các kết quả thăm dò, có khoảng nửa chục bang, cho dù trong quá khứ thiên về bên nào, thì có vẻ dứt khoát dồn phiếu cho Donald Trump.
Còn lại khoảng một chục tiểu bang gọi là “chưa ngã ngũ” (swing states) mà kết quả vẫn khó lường. Đây chính là những nơi mà hai ứng viên Trump và Hillary đều tập trung sức lực. Số đại cử tri càng lớn thì các bang này càng có tính cách quyết định, như Florida với 29 đại cử tri, Ohio, 18, hay Bắc Carolina với 15 đại cử tri. Cho nên cả hai ứng viên đều luôn quay trở lại các bang này.
Nhưng việc giành được số 270 đại cử tri có khi lại phụ thuộc vào những bang nhỏ như Nevada, Iowa, hay New Hampshire, cho nên không thể lơ là, vì có khả năng là một tiểu bang trong quá khứ trung thành với một đảng, năm nay lại có thể đổi hướng.
Cho nên các chuyên gia phải khéo tính toán. Nhưng theo AFP, trước mắt, mấu chốt cuộc bầu cử lần này có vẻ là Florida, một bang trong số các tiểu bang có thể làm thay đổi kết quả. Trưởng ban vận động của Donald Trump, Kellyanne Kelly đã công nhận là không được Florrida, Donald Trump khó thắng cuộc.
Theo kết quả một cuộc thăm dò về ý định bầu công bố thứ Sáu tuần qua, 04/11, thì bà Clinton dẫn đầu ở Florida trong lúc ông Trump qua mặt bà ở Ohio. Ohio là trường hợp một bang đã bầu cho Obama năm 2008 và 2012, nay lại nghiêng về Donald Trump.
AFP cũng đã thử lập ra danh sách các tiểu bang “chưa ngã ngũ” dựa trên kết quả thăm dò ngày 04/11.
Florida – 29 đại cử tri : Clinton 47, 4% dự định bầu, Trump 46,2%
Pennsylvania: 20 đại cử tri : Clinton – 46.8%, Trump 43 %
Michigan: 16 đại cử tri : Clinton – 46 %, Trump – 40.3 %
Virginia: 13 đại cử tri : Clinton – 46.6 %, Trump – 41.4 %
Colorado: 9 đại cử tri : Clinton – 42.8 %, Trump – 40.2 %
Ohio: 18 đại cử tri : Trump 46.3 %, Clinton 43 %
Georgia: 16 đại cử tri : Trump at 48.3 %, Clinton 42.7%
North Carolina: 15 đại cử tri : Trump – 46.8 %, Clinton – 46%
Arizona: 11 đại cử tri : Trump – 46.3 %, Clinton – 42.3 %
Iowa: 6 đại cử tri : Trump – 41.7 %, Clinton – 40.3 %
Nevada: 6 đại cử tri : Trump- 46 %, Clinton – 44 %
New Hampshire: 4 đại cử tri: Trump – 43.5 %, Clinton – 42 %.

Vụ thư điện tử :

FBI thông báo không điều tra Hillary Clinton

Tranh cử tổng thống Mỹ gay cấn đến phút chót. Hai ngày trước cuộc bầu cử, hôm qua, 06/11/2016, cơ quan FBI bất ngờ thông báo không mở lại điều tra nhắm vào ứng cử viên Dân Chủ Hillary Clinton, trong vụ thư điện tử. Nghi vấn xung quanh vụ việc này trước đó đã được đối thủ Trump khai thác triệt để. Theo các nhà quan sát, thật khó mà đánh giá được tác động của tuyên bố nói trên đối với quyết định vào giờ chót của cử tri.
Thông tín viên Anne-Marie Cappomacio tường thuật từ Washington,
« Bức thư ngắn ngủi của ông James Comey kết thúc bằng một nhận định hết sức rõ ràng. Đó là sau khi xem xét các tài liệu mới, chúng tôi không thay đổi quan điểm về vụ việc liên quan đến bà Hillary Clinton, đã được đưa ra hồi tháng 7/2016.
Lãnh đạo FBI giải thích : Các nhân viên của cơ quan này đã làm việc hết sức tích cực để giải quyết vụ việc, đa số email là những bản sao, đã từng được FBI xem xét, hoặc là các thông tin riêng tư. Việc khám xét máy tính cá nhân của Huma Abedin cũng không mang lại điều gì mới mẻ.
Nhưng cuối cùng điều tồi tệ đã xảy ra ! Dù muốn hay không, việc ông James Comey tuyên bố mở điều tra bổ sung, đã gây ra một cơn chấn động trong cuộc tranh cử, khiến rất nhiều cử tri hoài nghi, chỉ mươi hôm trước ngày bầu cử tổng thống. Đối thủ Donald Trump rất sung sướng khai thác vụ này : Trong các cuộc mít tinh vận động tranh cử, ứng cử viên đảng Cộng Hòa liên tục hứa hẹn sẽ đưa đối thủ Hillary Clinton vào tù.
Bà Clinton và ê kíp tranh cử đã phải nỗ lực gấp bội để tỏ ra bình thản. Hillary Clinton hết sức chú ý không gợi ra vấn đề này trong các cuộc mít tinh ngày hôm qua. Tối qua, người phụ trách chương trình tranh cử của ứng viên Dân Chủ tuyên bố : ‘‘Chúng tôi rất vui là vấn đề đã được giải quyết’’ ».
Hai ứng cử viên tiếp tục vận động tranh cử cho đến giờ chót ngày hôm nay, nhằm thuyết phục các cử tri còn lưỡng lự tại một số tiểu bang quan trọng. Bà Clinton còn hai cuộc mít tinh tại PennSylvania và Michigan, ông Trump còn năm cuộc, cũng tại Pennsylvania, Michigan và Florida, New Hamsphire, cùng North Carolina.
Theo các thăm dò dư luận, được Real Clear Politics tổng kết, trung bình 44,9% cử tri Mỹ muốn bầu cho Hillary Clinton, 42,7% bầu cho Donald Trump. Nhưng nhìn chung, theo AFP, cử tri Mỹ có vẻ mỏi mệt, theo một thăm dò dư luận, khoảng 82% chỉ đợi ngày bầu cử, để chấm dứt thời gian tranh cử kéo dài quá lâu.

Thủ tướng Malaysia

đối mặt với cáo buộc bán nước cho Trung Quốc

Sau khi từ Trung Quốc trở về với khoảng 34 tỷ đô la hợp đồng, thủ tướng Malaysia Najib Razak đang phải đối phó với những cáo buộc, cho rằng ông đã « bán rẻ » đất nước cho Trung Quốc. Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters ngày 07/11/2016, thái độ công khai thân Bắc Kinh của ông đã vấp phải phản ứng nghi ngại, không chỉ từ phe đối lập, mà cả từ trong nội bộ đảng cầm quyền.
Ngay từ hôm thứ Sáu 04/11, tức là ngay sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, thủ tướng Malaysia đã nhanh chóng bác bỏ những mối quan ngại khi cho rằng « Một vài người đã la hoảng rằng Malaysia đang bị bán rẻ. Đó là một điều hoàn toàn sai và vô lý ». Ông Najib Razak nhấn mạnh rằng tất cả cả dự án ký kết với Trung Quốc đều do người Malaysia làm chủ và điều hành.
Đối với Reuters, các mối quan ngại trong dư luận Malaysia về nguy cơ nước này bị ông Najib bán rẻ cho Trung Quốc chủ yếu bắt nguồn từ tâm lý nghi kỵ truyền thống của người gốc Mã Lai theo Hồi Giáo, chiếm khoảng 50% dân số Malaysia, đối với thiểu số người gốc Hoa, chiếm 25% số dân nhưng lại chi phối nền kinh tế.
Vấn đề là cộng đồng người Mã Lai đó lại chính là cơ sở đã giúp đảng của thủ tướng Najib là Tổ Chức Dân Tộc Mã Lai Thống Nhất (UMNO) cầm quyền liên tục từ ngày Malaysia được độc lập đến nay, do vậy, giới lãnh đạo đảng UMNO và bản thân ông Najib Razak không thể phớt lờ các cáo buộc nói trên.
Luận điểm thủ tướng Malaysia bán rẻ đất nước cho Trung Quốc đã được dư luận Malaysia nêu bật qua hai điểm.
Điểm được giới kinh tế chú ý là việc thủ tướng Najib đã mở rộng cửa cho Trung Quốc tung tiền vào phát triển những lãnh vực thuộc phạm trù tài sản chiến lược của Malaysia.
Theo ông James Chin, Giám đốc Học Viện Châu Á của Đại Học Tasmania (Úc), thì giới máu mặt trong cộng đồng người Mã Lai và các lãnh đạo cao cấp trong đảng UMNO rất hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc vào các lãnh vực thuần túy thương mại, nhưng lại thận trọng hơn trước các thỏa thuận hạ tầng cơ sở, như dự án hơn 13 tỷ đô la theo đó Trung Quốc sẽ phát triển một mạng lưới đường sắt tại Malaysia.
Chuyên gia này ghi nhận : « Vấn đề đối với các hợp đồng đó là chúng được coi như là bán đi đồ gia bảo bằng vàng của đất nước ».
Còn giới hoài nghi về thủ tướng Malaysia lại nhìn thấy việc ông bị Trung Quốc mua chuộc. Theo nhận xét của Reuters, ông Najib đang bị vướng vào một vụ tai tiếng biển thủ quỹ đầu tư quốc gia 1MDB, khiến cho bản thân quỹ này bị điêu đứng. Thế nhưng, vào cuối tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh đã không ngần ngại « cứu » ông Najib khi tung ra 2,3 tỷ đô la để mua lại phần vốn của 1MDB, giúp quỹ này bớt lo lắng về món nợ đang phình lên.
Thương vụ liên quan đến 1MDB đó, theo Reuters, đã giúp quan hệ Trung Quốc-Malaysia đạt đến một đỉnh cao.
Riêng phe đối lập Malaysia thì đả kích thủ tướng Malaysia đang lái đất nước đi theo hướng lệ thuộc Bắc Kinh. Trong một thông cáo công bố từ nhà tù nơi ông đang bị giam giữ, lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim xác định : « Sự lệ thuộc kinh tế của Malaysia vào bất cứ một quốc gia duy nhất nào đều không hợp lý và sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do, chiến lược địa chính trị và chính sách đối ngoại của đất nước ».
Giới lãnh đạo đảng UMNO đang muốn thủ tướng Najib mau chóng giải thích để họ có thể trấn an các ủng hộ viên ở cơ sở, đang càng lúc càng lo ngại trước nguy cơ ảnh hưởng Trung Quốc tăng cao.Điều này rất quan trọng vào lúc Malaysia có thể sẽ bầu cử lại vào nửa cuối năm tới 2017.

Syria: Liên quân Kurdistan-Ả Rập

tiến về thủ phủ của Daech

Chiến dịch giải phóng Raqqa, thủ phủ tự phong của tổ chức Nhà nước Hồi giáo bắt đầu từ ngày 06/11. Lực lượng Dân chủ Syria FDS , gồm chiến binh Kurdistan và Ả rập do Hoa Kỳ hậu thuẫn, thông báo mở cuộc hành quân « Eufrate căm hờn », với 30 ngàn quân tham dự. Trận Raqqa, cách Mossul 400 cây số, được dự báo rất cam go, theo bộ trưởng quốc phòng Mỹ.
Theo AFP, trong 24 giờ qua, lực lượng FDS, có biệt kích Mỹ đi cùng, đã chiếm lại được hơn 10 ngôi làng và thôn xóm.
Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh tường thuật :
” 30 ngàn quân của Lực lượng dân chủ Syria được huy động tham dự trận Raqqa, cứ địa chính yếu của nhóm Nhà nước Hồi giáo Daech tại Syria. Lực lượng này gồm đa số là chiến binh Kurdistan-Syria, được các bộ tộc Ả Rập trợ sức, được trang bị vũ khí Mỹ, với dàn « cán bộ khung » gồm 250 biệt kích Mỹ.
Chiến dịch mang tên « Eufrate căm hờn » nhằm bao vây thành phố Raqqa trước khi xung phong đánh dứt điểm.
Chỉ trong vòng có vài giờ, lực lượng Dân chủ Syria, với máy bay của liên quân quốc tế yễm trợ, đã chiếm được 6 ngôi làng ở phái bắc thành phố, theo tin của tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria OSDH. Nhưng các trận đánh diễn ra cách Raqqa đến 40 km, còn rất xa các tuyến phòng thủ của Daech. Theo một chuyên gia quân sự tại Beyrouth, càng tiến gần Raqqa, liên quân Kurdistan-Ả Rập sẽ gặp sự kháng cự càng mạnh của Daech.
Hôm chủ nhật, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng nhìn nhận trận Raqqa sẽ « không dễ dàng » . Bên cạnh khó khăn quân sự còn có những rắc rối về chính trị. Hai đồng minh chính yếu của Mỹ trong khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurdistan lại là hai kẻ thủ không thể hoà hợp.
Thế mà, trong kế hoạch tái chiếm Raqqa được loan báo, vai trò cốt lõi được trao cho người Kurdistan-Syria mà không dự kiến sẽ có quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tham dự. Quyết định này không làm hài lòng Ankara.”
Nga : Không có trẻ em trong trường học bị oanh kích
Bị truyền thông quốc tế và giới bảo vệ nhân quyền lên án, quân đội Nga lên tiếng phủ nhận vụ oanh kích giết chết 28 thường dân, trong đó có 22 học sinh Syria, ngày 26/10/2016.Trong thông cáo báo chí ngày 07/11, phát ngôn viên quân đội Nga Igor Konachenko khẳng định « không có bằng chứng, dù là gián tiếp, có học sinh trong ngôi trường » làng Hass, ở phía bắc Syria.
Ngày 26/10, theo Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF, một ngôi trường ở Hass bị ném bom, 22 học sinh và 6 giáo viên thiệt mạng. Báo chí Ả Rập và Tây phương đã lên án nước Nga, đồng minh của chế độ Bachar al Assad, phạm « tội ác chiến tranh ».
Bộ ngoại giao Nga phủ nhận là thủ phạm vụ oanh kích, nhưng không phản bác kết quả thiệt hại nhân mạng do Liên Hiệp Quốc công bố. Thế nhưng, trong bản báo cáo hôm chủ nhật 06/11, tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch đã nhắc lại lời tố cáo này. Theo AFP, bộ quốc phòng Nga nổi giận và cho là « vu khống ».
Từ khi can thiệp vào nội chiến Syria ủng hộ chế độ Damas, Matxcơva luôn tuyên bố chỉ tấn công vào khủng bố. Tuy nhiên, Tây phương nghi ngờ các phi công Nga tập trung oanh tạc các khu vực dân cư do lực lượng đối lập kiểm soát, để làm suy yếu phe chống chế độ Bachar al Assad, hơn là oanh kích Daech.

Indonesia : Cảnh sát thẩm vấn đô trưởng Jakarta

Hôm nay, 07/11/2016, theo AFP, cảnh sát Indonesia đã thẩm vấn đô trưởng Jakarta, chính trị gia theo đạo Thiên Chúa nổi tiếng nhất nước, vì cáo buộc xúc phạm kinh Coran. Tổng thống Indonesia hứa hẹn điều tra minh bạch. Giới bảo vệ nhân quyền lo ngại lực lượng Hồi Giáo bảo thủ trỗi dậy đe dọa nền dân chủ Indonesia non trẻ.
Trừng phạt đô trưởng Basuki Tjahaja Purnama là mục tiêu của hàng chục nghìn người Hồi Giáo biểu tình hôm thứ Sáu tuần trước, 04/11, ngay sát phủ Tổng Thống. Trước cuộc biểu tình này, cảnh sát đã mở cuộc điều tra nhắm vào ông Basuki. Nếu bị buộc tội, đô trưởng Jakarta có thể bị phạt tù tới năm năm.
Không khí chống Basuki Tjahaja Purnama gia tăng ba tháng trước cuộc bầu cử đô trưởng nhiệm kỳ mới. Một số thế lực Hồi Giáo bảo thủ cáo buộc đô trưởng Thiên Chúa Giáo xúc phạm kinh Coran trong một phát biểu hồi tháng 9/2016. Về phần mình, ông Basuki giải thích ông chỉ phê phán việc các đối thủ sử dụng một đoạn kinh Coran như một thủ đoạn để kêu gọi tín đồ Hồi Giáo không bầu cho những người ngoại đạo, bên cạnh đó ông Basuki cũng gián tiếp cho rằng đoạn kinh nói trên có thể dẫn đến hiểu lầm.
Đô trưởng Basuki sau đó đã có lời xin lỗi về phát biểu của mình, và khẳng định là ông phê phán việc các đối thủ sử dụng kinh Coran hơn là chính bản thân bộ kinh này. Tuy nhiên, hành động này đã không khiến các đối thủ nguôi giận.
Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Amenesty International, được báo The Wall Street Journal dẫn lại, việc cáo buộc tội báng bổ Coran là tương đối hiếm tại Indonesia, nhưng có xu hướng nay xảy ra thường xuyên hơn. Dưới thời nhà độc tài Suharto (1965-1998), chỉ có 10 trường hợp, nhưng từ 2005, đã có hơn 100 người bị kết án vì tội danh này.
Uy tín của Basuki rất cao trong hai năm gần đây. Trong cuộc bầu cử lại đô trưởng vào tháng 2/2017, ông được coi là người dẫn đầu, vượt qua hai đối thủ chính, Agus Harimurti Yudhoyono – con trai của cựu tổng thống Yudhoyono, và Anies Baswedan, được sự ủng hộ của đảng của cựu tướng Prabowo Subianto, nguyên ứng cử viên tổng thống 2014. Về phần mình, ông Basuki được đảng thế tục PDI-P của tổng thống Widodo hậu thuẫn.
Cuộc biểu tình thoạt tiên ôn hòa đòi xét xử đô trưởng Basuki hôm thứ Sáu đã biến thành bạo động, buộc tổng thống Joko Widodo phải hoãn chuyến công du Úc. Ngay sau cuộc biểu tình, tổng thống Indonesia lên truyền hình hứa hẹn cuộc điều tra về người cựu trợ tá Basuki sẽ được tiến hành « nhanh chóng và minh bạch ». Cũng trong buổi truyền hình này, tổng thống Indonesia khẳng định « một số thế lực » có mưu đồ lợi dụng cuộc biểu tình, nhưng ông không cho biết cụ thể.

Trung Quốc thay thế ba bộ trưởng mà không giải thích

Trong bản tin ngày thứ hai 07/11/2016, Tân Hoa Xã và báo Hồng Kông loan báo bộ trưởng Tài chính, Công an và Nội vụ bị thay thế. Chính phủ Trung Quốc không giải thích lý do.
Trước tiên, Tân Hoa xã trong bản tin hôm nay cho biết tên tuổi của tân bộ trưởng tài chính Trung quốc là ông Tiêu Tiệp, 59 tuổi, trợ lý bí thư Hội đồng Nhà nước. Lý do bộ trưởng Lâu Kết Vĩ bị mất chức không được nói đến, nhưng theo AFP, từ khi ông đứng đầu bộ tài chính vào năm 2013, thị trường chứng khóan Trung Quốc bị náo loạn dẫn đến khủng hoảng năm 2015.
Tháng 10 vừa qua, trong cuộc họp báo tại Washington nhân hội nghị G20, bộ trưởng Lâu Kết Vĩ chỉ trích xu hướng kinh tế « chống toàn cầu hóa » mà ông gọi là thủ đoạn « mị dân để lấy phiếu » của một số chính trị gia. Lời phê bình này nhắm vào ứng cử viên đảng Cộng hoà Mỹ tuy ông không gọi đích danh Donald Trump.
Người thứ hai bị thay thế là bộ trưởng công an kiêm chỉ huy mật vụ Cảnh Huệ Xướng. Tân bộ trưởng là ông Trần Văn Thanh, cho đến nay đứng đầu cơ quan chống tham nhũng trong đảng Cộng sản.
Báo Hồng Kông South China Morning Post cho biết thêm cũng có thay đổi ở bộ dân chính (nội vụ). Người bị mất chức là bộ trưởng Lý Lập Quốc, đang bị điều tra vì tham nhũng.

Vì sao Trung Quốc sa thải Bộ trưởng Tài chính?

Karishma VaswaniPhóng viên kinh doanh châu Á
Khi có sự thay đổi nhân sự ở một trong những bộ quan trọng nhất trong nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nhiều người phải quan tâm.
Việc ông Bộ trưởng Tài chính có tiếng trên thế giới Lâu Kế Vĩ được thay thế bởi ông Tiêu Thiệp, một người ít được biết đến, đã gây xôn xao.
Ông Lâu được coi là một trong những nhân vật thẳng thắn nhất và ủng hộ cải cách nhất trong chính phủ. Người thay thế ông, ông Tiêu, lại là một quan chức lâu năm trong Bộ Tài Chính Trung Quốc.
Động thái này diễn ra khi quan ngại toàn cầu về nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại đang tăng.
Bắc Kinh đang nỗ lực làm cân bằng nền kinh tế, và nâng mức tăng trưởng qua tiêu dùng trong nước – phụ thuộc ít hơn vào các trụ cột truyền thống của nền kinh tế: sản xuất, xuất khẩu và nợ công. Nhưng cho đến giờ, nỗ lực này dường như chưa có mấy thành công. Nền kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng ở mức 6.7% hàng năm trong ba quý đầu năm 2016. Đây là mức tăng trưởng chậm nhất trong một phần tư thế kỷ. Trên thực tế, Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào các trụ cột cũ để tiếp tục tăng trưởng.
Vậy tại sao ông Lâu lại bị mất chức tại thời điểm căng thẳng này? Và động thái này có ảnh hưởng gì đến số phận của nền kinh tế Trung Quốc?
Trước tiên, động thái này “mang đến một sự bất ổn, điều không hay cho một trong những nền kinh tế không minh bạch nhất trên thế giới”, ông Vinesh Motwani, thuộc công ty nghiên cứu Silk Road Research nói.
Ông Lâu là một bộ mặt quen thuộc trong cộng đồng đầu tư quốc tế và là người được kính trọng, vì vậy sự ra đi của ông này sẽ được xem là một mất mát, ông Vinesh nói thêm.
Tiêu Thiệp là ai?
Ông Tiêu Thiệp cũng không phải là kém trong lĩnh vực tài chính.
Làm việc trong hệ thống tài chính và thuế của Trung Quốc trong 29 năm, ông nổi lên là một người ủng hộ cải cách thuế lâu năm.
Theo ông Brian Jackson của IHS Global Insights, kinh nghiệm trong lĩnh vực thuế của ông Tiêu sẽ là một vốn quý trong việc xây dựng và thực hiện thuế bất đông sản quốc gia – một chính sách Trung Quốc muốn thực hiện trước năm 2018.
Ông Jackson cũng nói thêm kinh nghiệm của ông Tiêu cho thấy ông sẽ có thể tiếp tục thúc đẩy các chính sách tài chính đã đưa ra trong vài năm qua, và dùng kinh nghiệm của mình để thực hiện các chính sách thuế mới nhằm giúp “đưa Trung Quốc trên con đường doanh thu tài chính bền vững hơn.”
Nhưng những thông tin màu mè nhất về người được đặt vào vị trí quan trọng này lại đến từ báo địa phương ở Bắc Kinh.
Ngoài các câu chuyện về ông “chăm chỉ làm việc” và “có tinh thần kỷ luật cao”, có một câu chuyện về đạo đức của ông Tiệu đã được đăng tải.
Họ đưa tin ông Tiêu chỉ hút loại thuốc lá rẻ tiền, mang hiệu Zhong Nan Hai, để ông có thể từ chối những ai muốn hối lộ ông bằng các loại thuốc lá đắt tiền hơn.
Câu chuyện này sẽ được hoan nghênh trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng mà Chủ Tịch Tập Cận Bình đang dẫn dắt.
Vậy sự thay đổi nhân sự này có phải là cách để thay thế người hay chỉ trích chính phủ bằng một đồng sự mềm mỏng và dễ cộng tác hơn? Hay đây chính là biểu hiện của sự tranh giành quyền lực giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Ly Khắc Cường?
Chúng ta không thể nói chắc được. Các quyết định chính trị của Trung Quốc rất hiếm khi minh bạch, và chúng ta sẽ không biết chắc được liệu đây có phải là động thái của Chủ tịch Tập Cận Bình để đề bạt người có cùng quan điểm kinh tế với mình. Có ý kiến khác cho rằng ông Lâu lên 66 tuổi tháng sau, nên việc nghỉ hưu trước sau cũng là bắt buộc.
Nhưng nhiều nhà quan sát về Trung Quốc cho rằng Chủ Tịch Tập đang củng cố quyền lực của mình trước kỳ đại hội đảng sang năm. Và trong quá trình này, cải cách kinh tế có lẽ không phải là điều ông quan tâm nhất.

Hồng Kông :

Bắc Kinh « cấm » hai dân biểu độc lập vào nghị viện

Quốc hội Trung Quốc « cấm » hai dân biểu Hồng Kông từ chối tuyên thệ trung thành với Bắc Kinh vào nghị viện. Lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh tuyên bố chấp nhận chỉ đạo của Hoa lục
Theo AFP, trong một quyết định được xem là hiếm hoi diễn giải Hiến pháp Hồng Kông theo quan điểm Bắc Kinh, hôm nay 07/11/2016, Quốc hội Trung Quốc cho rằng : Một lời tuyên thệ phải được xác nhận ngay tức khắc. Nói cách khác, hai tân nghị sĩ Hồng Kông Du Huệ Trinh và Lương Tụng Hằng, do từ chối gọi đúng tên Trung Quốc trong lần tuyên thệ đầu tiên, sẽ mất ghế dân biểu.
Như đã cảnh báo, lãnh đạo hành pháp Hồng Kông Lương Chấn Anh tuyên bố với báo chí ông sẽ thi hành « triệt để» cách diễn giải của quốc hội Trung Quốc. Theo nhân vật có tiếng thân Trung Quốc này, những « hành động và lời nói vi phạm thủ tục tuyên thệ và lợi dụng cơ hội để phỉ báng đất nước Trung Hoa và loan truyền chủ trương độc lập phải bị ngăn chận theo luật pháp ».
Để không bị trói buộc với lời thề công nhận « Hồng Kông là đặc khu hành chánh của Trung Quốc », hai tân dân biểu Hồng Kông Du Huệ Trinh và Lương Tụng Hằng từ chối phát âm đúng từ Trung Quốc trong buổi lễ tuyên thệ. Từ ba tuần nay, nghị viện Hồng Kông bị xáo trộn vì cuộc khủng hoảng hiến pháp này. Vụ việc đã được đưa lên Toà Tối Cao và chờ phán quyết của tư pháp.
Để phản kháng Bắc Kinh can thiệp ngày càng nhiều vào nội tình Hồng Kông, nhiều ngàn người đã xuống đường hôm chủ nhật, bao vây và tìm cách tràn vào cơ quan đại diện ngoại giao của Trung Quốc. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay để ngăn chận đoàn người bất bình tìm cách vượt hàng rào cảnh sát dã chiến.

New York không nao núng

trước những thách thức an ninh trong ngày bầu cử

Ngày Chủ nhật thành phố New York phần lớn vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ hai ngày trước đêm tụ hội của hai ứng cử viên tổng thống của hai đảng chính, ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump.
Thật là hiếm có khi ứng cử viên của hai đảng chính lập trụ sở tại cùng một thành phố vào ngày bầu cử. Và New York đang làm như vậy vào cuối cuộc tranh cử, phân rẻ và cay đắng nhất trong thời cận đại.
Đã có những lời bàn tán về đe dọa cử tri tại các phòng phiếu, và một số người ủng hộ ông Trump dọa sẽ nổi loạn nếu ứng cử viên của họ thất cử.
Thêm vào đó, các giới chức tiểu bang và liên bang đang xem xét các tin tình báo nói rằng al-Qaida đang có kế hoạch khủng bố trước hay trong ngày bầu cử.
Các giới chức cho biết những mục tiêu có thể bị tấn công là New York, Virginia và Texas.
Các giới chức thành phố New York nói họ đang đánh giá mức khả tín của những âm mưu đe dọa và xem xét những tin tức tình báo một cách nghiêm túc. Tuy nhiên Thị trưởng New York Bill De Blasio nói những đe dọa này không mới và hiện chưa rõ những tin tức về đe dọa có thể tin cậy được ở mức độ nào.
Cư dân New York được cho biết trước là sẽ có sự hiện diện đông đảo của cảnh sát trong những ngày tới.
Vào lúc cuộc đua Marathon của thành phố New York diễn ra ngày hôm qua, các giới chức an ninh đã giữ đúng vị trí của những con đường xuyên qua 5 khu vực của thành phố.
Mặc dù có sự hiện diện đông đảo của cảnh sát và một số đường phố bị đóng, cuộc đua marathon lần thứ 40 của New York diễn ra êm thắm.
Bên ngoài khách sạn New York Hilton Midtown, trụ sở đêm bầu cử của ông Trump, có ít bằng chứng cho thấy tại đây sẽ tổ chức một sinh hoạt với đông đảo người tham dự vào tối thứ Ba.
Cảnh sát thành phố New York đã cho đặt các bảng “Cấm đậu ngày thứ Ba” chung quanh nơi này và các xe truyền hình bắt đầu nối đuôi cạnh khách sạn, và các toán sản xuất chương trình truyền hình bận rộn chuẩn bị tường trình về đêm bầu cử.
Cảnh tượng cũng tương tự tại Trung tâm Javits ở Manhattan, nơi sẽ đặt trụ sở của bà Clinton trong đêm bầu cử.
Dù tất cả dường như yên tĩnh, nhưng một số du khách vẫn bày tỏ lo ngại về an toàn và an ninh trong ngày bầu cử.

Khối cử tri thiểu số

ảnh hưởng lớn đến kết quả bầu cử sớm ở Ohio

Kane Farabaugh
CLEVELAND, OHIO —
Tính đến những ngày cuối tuần qua, khoảng 37 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử tổng thống. Ohio là một trong những bang chiến trường, nơi cuộc tranh đua giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump rất sát sao và nó dường như cho thấy rằng cử tri Mỹ gốc Phi có thể quyết định kết quả – phụ thuộc vào số lượng người đi bầu.
Bầu chọn tổng thống năm nay không phải là một lựa chọn dễ dàng cho ông John Zubal, một chủ tiệm sách ở Cleveland, Ohio:
“Những email của bà Hillary Clinton, theo tôi nghĩ, đã làm cho sự dẫn đầu của bà ta trong cuộc đua bị rút ngắn lại và các phiếu bầu đã được chuyển sang ông Trump vì lý do đó.”
Nhưng ông Zubal không hào hứng lắm với người được đảng Cộng Hòa đề cử năm nay, ông Donald Trump. Ông Zubal nói:
“Chắc chắn ông Trump, theo quan điểm của tôi, không phải là một ứng cử viên lý tưởng để đua với bà Hillary. Tôi đã không thích ông ấy ngay từ những cuộc bầu cử sơ bộ của đảng.”
Sự thiếu mặn mà đối với các lựa chọn trước đó không vì thế mà làm cho ông Zubal không đi bầu. Ông đã từng ủng hộ các ứng cử viên đảng Cộng Hòa trước đó trong suốt đời mình và năm nay ông là một trong số hàng nghìn người ở Ohio bỏ phiếu cho ông Trump trước ngày bầu cử 8/11:
“Tôi phải thú nhận rằng tôi bỏ phiếu cho ông Trump người mà tôi cho là ít ác hơn giữa 2 con quỷ.”
Cho tới lúc này, số lượng phiếu bầu sớm ở Ohio cho thấy tin tốt lành đối với ông Trump. Melissa Miller là giáo sư khoa học chính trị của trường đại học Bowling Green của tiểu bang. Bà nói:
“Lượng người đi bầu sớm cho đảng Dân Chủ đã giảm kể từ năm 2012 và đó không phải là một tin tốt cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton.”
Giáo sư Miller nói các dữ liệu cho thấy lượng cử tri đi bầu sớm thấp hơn trong nhóm người Mỹ gốc Phi – những người này chiếm khoảng 12% dân số của tiểu bang:
“Nếu lượng cử tri đi bầu cao hơn, và nếu tỉ lệ cử tri Mỹ gốc Phi ủng hộ bà Clinton là rất cao, thì trong một cuộc bầu cử sát sao, họ sẽ có khả năng giành được bang Ohio cho bà Hillary Clinton. Mặt khác, nếu lượng người Mỹ gốc Phi đi bầu thấp thì nó thực sự có lợi cho ông Trump.”
Bà Sandra Reynolds, một luật sư 75 tuổi đã về hưu nhận xét:
“Nếu chọn ông Trump tức là không động não.”
Bà Sandra đã tự thân đi bỏ phiếu bầu sớm ở ban bầu cử Hạt Cuyahoga ở Cleveland của Ohio. Bà ủng hộ ứng cử viên Hillary Clinton nhưng thú nhận rằng điều đó dường như chẳng tác động gì mấy đến các cử tri trẻ tuổi:
“Và họ không có hứng thú tí gì, ý tôi muốn nói tới những người như các thợ làm tóc và đại loại như vậy. Tôi không hiểu tại sao họ không có được cái hứng thú giống tôi.”
Giáo sư Miller của trường đại học Bowling Green nói cho đến lúc này sự thiếu hứng thú đã không khích lệ được chiến dịch của bà Clinton:
“Đã không có sự tăng đột biến nào trong số lượng cử tri đi bầu sớm muốn bầu cho bà Hillary Clinton như với số lượng ủng hộ cho ông Barack Obama năm 2012.”
Còn chủ tiệm sách John Zubal thì hy vọng lá phiếu của ông sẽ giúp tạo nên một sự khác biệt cho ông Trump trong cuộc đua khá sát sao này:
“Tôi thấy rằng cuộc bầu cử này là tiêu biểu của sự ganh đua sát nút.”
Thứ ba, ngày 8 tháng 11 là ngày bầu cử toàn quốc chính thức. Cử tri Mỹ trông đợi sẽ có kết quả vào cuối ngày bầu cử, và tổng thống mới chính thức đăng quang vào ngày 20 tháng Giêng năm tới.

Bầu cử Mỹ: FBI đi quá xa?

Tara McKelveyPhóng viên Nhà trắng
Ngay trước kỳ bầu cử, FBI đã trở thành tâm điểm tranh luận. Vào gian đoạn này, cơ quan tình báo này đã gặp phải chỉ trích lớn nhất trong lịch sử.
Vào ngày Chủ Nhật, Giám đốc FBI James Comey nói với giới lập pháp Mỹ rằng sẽ không đưa ra tội trạng gì đối với bà Hillary Clinton, ứng cử viên của đảng Dân chủ, do việc bà xử lý thông tin mật.
Ông đã cố gắng chấm dứt những tin đồn về những gì có thể xảy ra với bà – và khôi phục lại uy tín FBI.
Ông có rất nhiều việc phải làm.
Giọng điệu thông báo của ông vào ngày Chủ nhật tỏ ra chừng mực.
Nhưng thời điểm thông báo, hai hôm trước ngày bầu cử, cho thấy ông và các đồng nghiệp của ông có vẻ hoảng hốt – và lo lắng về tương lai của chính họ.
Dù có chừng mực, thì đây là lời lẽ của một giám đốc FBI trong tư thế khống chế mức độ thiệt hại. Ông Comey đã cố gắng để bù đắp lại sai lầm trong quá khứ – và khống chế hệ quả từ những nhận xét trước đây của mình.
Ngày 28 Tháng 10, ông đã gửi một bức thư cho một số ủy ban của Quốc hội, thông báo với họ rằng các nhà điều tra đã phát hiện thông tin mới có thể liên quan tới việc bà Clinton sử dụng một máy chủ riêng.
Lá thư đó là một quả bom tấn, phát nổ giữa một chiến dịch tranh cử tổng thống hết sức căng thẳng – tại một đất nước bị phân hóa mạnh bởi chính trị đảng phái.
Sau đó là những đồn đoán và các cuộc tấn công dữ dội bởi các nhân viên từ cả hai chiến dịch, Dân chủ và đảng Cộng hòa – trong đó có nhiều người liên quan đến FBI.
Ngay cả những người yêu mến cơ quan này và ngưỡng mộ lãnh đạo FBI thấy lo ngại về cách thức cơ quan này bị cuốn vào chính trị.
Ít nhất là có một số lời qua tiếng lại nói FBI là nơi đầy những người ủng hộ ông Trump đang cố gắng phá hoại chiến dịch tranh cử của bà Clinton. Nhưng những giả định về quan điểm chính trị của họ có thể sai lầm.
Một số người tại FBI thích ông Trump. Nhưng nhiều người không thích. Xét theo nghĩa rộng hơn, mọi người trong cộng đồng tình báo cảnh giác với ông.
Một trong số họ nói với tôi rằng nếu ông Trump được bầu – và bổ nhiệm một trong các cố vấn quan trọng của mình, Michael Flynn vào một vị trí tình báo cấp cao – thì sẽ có việc người của FBI “ra đi hàng loạt”.
Bất kể chính trị của họ là gì, những người làm việc tại FBI vẫn ủng hộ ông Comey. Ông vẫn còn được mến chuộng. Nhưng họ cũng muốn các vấn đề sẽ biến mất – và rằng cuộc bầu cử sẽ kết thúc.
Các vấn đề có từ hồi tháng Bảy. Khi đó ông Comey nói với Quốc hội, ông không tin bà Clinton nên bị truy tố về xử lý sai thông tin mật.
Sau đó, các nhà điều tra bắt đầu thu thập thông tin về một trường hợp riêng biệt, liên quan đến Anthony Weiner, một cựu nghị sĩ Mỹ, người đã kết hôn với Huma Abedin, một phụ tá của Clinton. (Weiner nay đã ly thân với Abedin.)
Các nhà điều tra cố gắng tìm hiểu thông tin về Weiner và tin nhắn bất chính, ông dường như gửi đến một cô gái tuổi vị thành niên. Trong khi điều tra, họ phát hiện thông tin mà họ nghĩ rằng đáng phải tìm hiểu kỹ hơn.
Ông Comey muốn làm cho quá trình này càng minh bạch càng tốt, bạn bè và người thân của ông cho biết. Đó là lý do tại sao ông nói với Quốc hội về những diễn biến này.
“Ông ấy là một người rất tử tế,” Stephen Saltzburg, một cựu quan chức cao cấp tại Bộ Tư pháp Mỹ cho biết. “Nhưng tôi nghĩ rằng ông đã phạm sai lầm.”
“Comey đào hố cho chính mình,” Spike Bowman, một cựu phụ tá cao cấp của FBI cho biết. “Ông ấy đã cố gắng tìm cách để thoát hiểm.”
Nhiều người nói rằng họ mừng vì ông Comey đã chọn giải pháp thông báo cho Quốc hội về những tiến triển trong việc điều tra. Họ nghĩ rằng các cử tri cần biết về cuộc điều tra.
Những người khác nói rằng việc công bố thông tin về cuộc điều tra vi phạm quy định Bộ Tư pháp về việc không can thiệp vào cuộc bầu cử.
“Vài ngày trước cuộc bầu cử, thảo luận công khai bị chi phối bởi những hành động của giám đốc FBI là không đúng,” ông Steven Aftergood, Giám đốc Dự án Bí mật Chính phủ thuộc Liên đoàn Khoa học gia Mỹ cho biết.
Ông Aftergood cho rằng ông Comey có thể đã có ý tốt. Tuy nhiên, ông nói: “Hành động của ông Comey là hành động hủy hoại.”
Ông Comey biết điều đó, và đã loay hoay giảm thiểu tác hại. Các nhà điều tra của FBI rà soát các email bổ sung – một lượng thông tin lớn – trong một thời gian ngắn tới mức ngạc nhiên.
Sau đó ông Comey đã ra thông báo mới nhất của mình. Và tin đồn vẫn tồn tại và các cử tri đang cố gắng hiểu xem chuyện gì đang xảy ra.
Bất kể người ta đánh giá ông Comey hoặc FBI thế nào – hoặc những nỗ lực của ông để cứu vãn uy tín của họ ra sao – thì một điều chắc chắn xảy ra. Sau ngày bầu cử, bất kể kết quả là gì thì việc FBI và là giám đốc cơ quan này bị điều tra sẽ tiếp tục.
Và tranh cãi về chủ đề này cũng vẫn sẽ tiếp diễn.

Động đất ở trung tâm Oklahoma

Một trận động đất khoảng 5,0 độ đã xảy ra tại trung tâm Oklahoma vào hôm Chủ nhật 06/11, gây thiệt hại cho hàng chục tòa nhà tại đây.
Tâm chấn của trận động đất xảy ra tại thành phố Cushing, khoảng 50 dặm (80km) phía đông bắc của thành phố Oklahoma, vào lúc 19 giờ 44 phút, giờ địa phương (01 giờ 44 phút GMT thứ Hai 07/11).
Chấn động từ trận động đất lan sang tận Texas, trong khi trường học tại Cushing phải đóng cửa.
Nhà chức trách tại Cushing thông báo nói có ít nhất 40 tòa nhà bị thiệt hại. Không có ai bị thương nghiêm trọng.
Những bức ảnh đăng trên Twitter cho thấy đống đổ nát nằm rải rác dọc theo những tòa nhà là nơi kinh doanh trong thành phố.
Trong tuần vừa qua, có tất cả 19 trận động đất xảy ra tại Oklahoma, theo thống kê được thực hiện bởi Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ.
Trong tháng Chín, một trận động đất 5,6 độ đã xảy ra tại bang này làm dấy lên lo ngại các cơn địa chấn tại khu vực có liên quan đến sản xuất năng lượng
Vào năm 2013, các nhà khoa học cho rằng việc khoan tìm dầu có liên quan đến trận động đất 5,7 độ, từng xảy ra tại Oklahoma vào năm 2011.
Cushing, thành phố có dân số khoảng 7.900 người, là nơi được d
Powered by Blogger.