Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 07/11/2016

Monday, November 7, 2016 7:30:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 07/11/2016

Thứ trưởng TT&TT:

Luật Báo chí mới khẳng định tự do ngôn luận

Phát biểu tại hội nghị phổ biến Luật Báo chí năm 2016 hôm 7/11, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nói Luật mới khẳng định quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và đây là một hành lang pháp lý quan trọng với nhiều quy định tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí.
Luật Báo chí 2016 gồm 6 chương với 61 điều được xây dựng dựa trên Luật Báo chí năm 1999 với các điều sửa đổi, bổ sung. Ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban Kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam, cho VOA biết:
“Luật mới này thì cũng không phải là mới, mà là trên cơ sở phát triển, kế thừa, bổ sung của Luật Báo chí đã có từ trước, năm 1999. Trong đó làm mới tới 32 điều. Có những chi tiết mới, nhưng nhìn chung lần nay sâu hơn, rộng hơn, và có nhiều cái hàm chứa những sự phát triển mới của đất nước, những đòi hỏi mới của báo chí trong điều kiện bùng nổ thông tin”.
Điểm đầu tiên trong 9 điểm trọng tâm của Luật Báo chí 2016 được nêu lên là quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Trong đó quy định công dân có các quyền sáng tạo sản phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, tiếp cận thông tin báo chí…
Tiến sĩ-Nhà báo Phạm Chí Dũng, đại diện Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, cho rằng các quyền này cho tới nay vẫn bị hạn chế trong một số trường hợp. Ông nói:
“Chúng ta thấy là chưa ra Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung mà đã có hàng loạt báo chí bị xử phạt, trong đó có một số trường hợp liên quan đến quan điểm chính trị. Ngay cả việc phản biện đối với nhà báo bị đánh, phản biện về Formosa, phản biện về thủy điện Hố Hô gần đây thì đều bị bóp nghẹt”.
Việt Nam lâu nay vẫn bị xếp vào danh sách các nước bị hạn chế về quyền tự do báo chí, tự do Internet. Các vụ bắt giữ blogger Mẹ Nấm, bác sĩ Hồ Hải… mới đây vì các bài đăng trên trang Facebook cá nhân đã khiến nhiều tổ chức quốc tế phải lên tiếng nhắc nhở Việt Nam về việc tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân.
Liên quan đến vấn đề này, Trưởng ban Kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam nói:
“Trong Luật Báo chí của Việt Nam thì có nhiều loại luật. Còn việc quản lý thông tin trên mạng Internet lại là một vấn đề bị truy tố bởi nhiều luật khác”.
Cũng theo ông Phan Hữu Minh, quyền con người trong công tác báo chí tại Việt Nam là rất tự do, thoải mái, nhưng phải tuân thủ luật pháp. Ông nói:
“Quyền con người với con người trong hoạt động báo chí là rất thoải mái. Tức là tiến bộ, được nhắc đi nhắc lại, về quyền hoạt động báo chí của con người như quyền được thông tin, quyền được tiếp nhận thông tin, quyền được cung cấp thông tin, quyền được phản bác thông tin, rồi quyền đính chính, quyền sửa sai trên báo nếu nói sai… thì đều được cả. Tôi cho đấy là sự cởi mở để mọi người có thể đều tham gia vào hoạt động thông tin”.
Trong khi đó, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nhận xét Luật Báo chí mới không có sự tiến bộ, thay đổi đáng kể trong việc tôn trọng quyền tự do ngôn luận.
“Trước khi hoạt động ở Hội Nhà báo Độc lập thì tôi là nhà báo nhà nước. Lúc đó cũng đã có Luật Báo chí rồi. Nhưng thực ra, quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam được hiểu hết sức trừu tượng. Nhiều khi nó không thực thi theo pháp luật, mà thực thi theo ý đảng. Cho nên trong nhiều trường hợp, những nhà báo bất đồng chính kiến, tôi muốn nói riêng về bất đồng chính kiến về chính trị, là bị xử lý rất nhanh gọn và không cần phải dựa theo khung luật nào hết. Luật Báo chí mới hiện nay sửa đổi, bổ sung, mặc dù có nêu lại khái niệm tự do ngôn luận, nhưng lại có thêm một số nội dung khác để siết lại, chẳng hạn như vấn đề tuyên truyền như thế nào được coi là không phù hợp đối với đảng mà trong luật báo chí kỳ này có nêu. Nói một cách nào đó, nó hơi giống Luật Hình sự, tức là ‘Tuyên truyền chống nhà nước’”.
Một điểm mới khác trong Luật Báo chí 2016, theo Bộ TT&TT, là có các quy định cấm rõ ràng hơn so với luật hiện hành. Trong đó, các hành vi bị cấm đăng, phát thông tin đã có sự tương thích với các quy định trong Luật hình sự 2015, Luật Dân sự và các luật khác.
Ngoài ra, Luật Báo chí 2016 cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đối tượng thành lập cơ quan báo chí, liên kết trong hoạt động báo chí, quyền tác nghiệp, quy định về quyền hạn và nghĩa vụ của nhà báo, hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí.

Việt Nam xem xét khả năng tạm hoãn các dự án hạt nhân

Theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản hôm nay, 07/11/2016, Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng trước đã chỉ thị cho chính phủ xét lại các kế hoạch nhà máy điện hạt nhân do Nga và Nhật giúp xây dựng, với khả năng tạm hoãn các dự án này, do nguồn tài chính của Nhà nước hiện nay rất eo hẹp.
Theo các nguồn tin từ đảng và chính phủ Việt Nam, chính phủ đang xem xét toàn diện các kế hoạch nói trên và sẽ trình báo cáo lên Quốc hội. Một trong các nguồn tin này cho biết là vào lúc này, đầu tư một khoản tiền lớn là « cực kỳ khó khăn », do tình hình tài chính eo hẹp hiện nay của chính phủ.
Vào năm 2009, Quốc hội Việt Nam đã thông qua kế hoạch xây bốn nhà máy điện nguyên tử ở tỉnh Ninh Thuận, hai nhà máy do Nga tài trợ và giúp xây dựng, 2 nhà máy kia do Nhật tài trợ. Kế hoạch ban đầu dự kiến là nhà máy đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020. Nhưng Kế hoạch Phát triển Năng lượng Quốc gia, mà chính phủ của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông qua vào tháng 3 năm nay, dự trù việc khánh thành nhà máy điện đầu tiên của Việt Nam được dời lại đến năm 2028.
Theo Kyodo, một số thành viên trong ban lãnh đạo mới của Đảng đã bày tỏ quan ngại về dự án xây nhà máy hạt nhân vào lúc nợ công của Việt Nam tăng cao, cũng như quan ngại về tính an toàn của nhà máy hạt nhân này. Hội nghị Trung ương 4 trong tháng 10 vừa qua đã đồng ý là sẽ xét lại kế hoạch theo hướng dời lại các dự án nhà máy hạt nhân.
Tuy nhiên, theo Kyodo, các quan chức tại Bộ Công nghiệp và Thương mại đã bác bỏ khả năng dời lại toàn bộ các dự án nhà máy hạt nhân, vì chính phủ vẫn ủng hộ mạnh mẽ việc phát triển năng lượng nguyên tử để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, cũng như để đáp lại mối quan ngại về tác hại môi trường của các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than.

Chủ tịch Hà Nội xuất hiện, xua tan tin đồn bị ung thư

Các báo Việt Nam đưa tin Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Nguyễn Đức Chung hôm 7/11 đã đặt hoa tưởng niệm tại tượng đài Lenin ở thủ đô của Việt Nam.
Tin cho hay hoạt động này của đoàn đại biểu lãnh đạo Hà Nội do ông Chung dẫn đầu là để “kỷ niệm 99 năm Cách mạng tháng mười Nga”. Đây là hoạt động thường niên của lãnh đạo thành phố. Một vài cơ quan báo chí Việt Nam thường đưa tin vắn tắt về việc này và không nhận được sự chú ý đáng kể từ công chúng.
Tuy nhiên, năm nay, nhiều người đã chia sẻ trên mạng xã hội tin ông Chung đặt hoa ở tượng Lenin. Một số nhà quan sát cho rằng diễn biến khác lạ này có liên quan đến tin đồn âm ỉ trên mạng xã hội trong khoảng một tuần nay rằng ông Nguyễn Đức Chung bị ung thư.
Trong những ngày qua, ông đã không xuất hiện trước công chúng. Việc ông chủ tịch Hà Nội xuất hiện tại một sự kiện công khai được xem như một động thái xua tan tin đồn về tình trạng sức khỏe của ông. Từ Hà Nội, nhà hoạt động vì dân chủ Nguyễn Quang A nói với VOA:
“Việc ông Chung ông ấy đi đặt vòng hoa như thế thì nó cũng có lý do rằng 4, 5 ngày là có thông tin nói rằng ông ấy đang bị bệnh gì đó, thì đấy là một hành vi để trả lời một cách gián tiếp rằng ‘Không, tôi vẫn còn khỏe đây, không có việc gì cả’”.
Bên cạnh việc bàn luận về sức khỏe của ông Chung, nhiều người trong cộng đồng mạng xã hội cũng bày tỏ quan điểm rằng đã đến lúc Việt Nam xem lại cách “kỷ niệm Cách mạng tháng mười Nga”. Về lý do bộ máy chính trị Việt Nam vẫn kỷ niệm sự kiện này, Tiến sỹ Nguyễn Quang A giải thích:
“Người ta vẫn nói rằng người ta trung thành với Chủ nghĩa Marx-Lenin, nhưng mà thực chất là những giáo điều quan trọng nhất của học thuyết đó người ta vứt bỏ từ lâu rồi, hai ba chục năm nay rồi. Nhưng người ta vẫn phải bám lấy cái đấy, bởi vì một mặt chẳng còn ai tin cái đó nữa, nhưng mà một mặt ai cũng làm ra vẻ gắn bó rất là mật thiết với một cái hệ tư tưởng như vậy. Đối với họ nó cũng là một tính toán rất là tế nhị. Đối với những người mà cần phải tỏ ra mình rất là trung thành với một cái thế lực nào đấy để nhắm nhe cái chuyện thăng quan tiến chức, thì trong đời sống chính trị thì những hành vi như thế là có tính toán”.
Xét đến thực tế hầu hết các nước trong khối XHCN trước đây đã từ bỏ Chủ nghĩa Marx-Lenin từ lâu, cũng như đã dỡ bỏ các tượng Lenin ở nước họ, Tiến sỹ Quang A cho rằng Việt Nam có thể kỷ niệm Cách mạng tháng mười Nga theo những cách khác “cho đỡ chướng”.
Ông nêu ví dụ như có thể tổ chức hội thảo khoa học về cuộc cách mạng này, ở đó có thể có “những ý kiến ngược, ý kiến xuôi” về cuộc cách mạng.

Nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh bị bắt ở Tp.HCM

Một số nhà hoạt động vì dân chủ ở thành phố Hồ Chí Minh cho VOA hay nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh đã bị nhà chức trách thành phố bắt hôm 6/11.
Các nguồn tin nói ông Lưu Văn Vịnh, 47 tuổi, đã bị công an Tp.HCM “mời lên phường làm việc” vào giữa trưa 6/11, sau đó vào lúc 2h chiều cùng ngày ông đã bị “dẫn về khám xét và đọc lệnh bắt tại nhà riêng”. Ông Vịnh bị cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự.
Tin tức về vụ bắt giữ này chưa xuất hiện trên báo chính thống của Việt Nam. VOA chưa thể liên lạc được với nhà chức trách Tp.HCM để xác nhận tin này.
Ông Vịnh được biết đến như là một trong những nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam song ông không nổi tiếng đối với công chúng. Trên Facebook, ông có tài khoản mang tên Vịnh Lưu.
Hồi tháng 7 năm nay, ông Vịnh đã tuyên bố thành lập “Liên minh Dân tộc Việt Nam tự quyết” với mục tiêu đòi Đảng Cộng sản Việt Nam trao trả quyền lực cho nhân dân và phải trưng cầu dân ý đối với các vấn đề hệ trọng quốc gia.
Các nguồn tin ở Tp.HCM cho VOA biết cũng trong ngày 6/11 một số người thuộc Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết cũng bị bắt trong đó có ông Nguyễn Văn Đức Độ, 41 tuổi.
Chị Nguyễn Thị Yến Nhi, cháu gái của ông Độ, nói với VOA vào cuối buổi chiều 7/11 rằng cho đến thời điểm đó ông Độ vẫn “mất tích” và nhà chức trách không xác nhận họ đã bắt ông Độ.
Nhận định về vụ bắt ông Vịnh và ông Độ, nhà hoạt động Hoàng Dũng cũng ở Tp.HCM nói với VOA:
“Anh Vịnh Lưu anh ấy mới tham gia một tổ chức được tạm gọi là tổ chức đối lập chính trị, tức là nó công khai kêu gọi Đảng Cộng sản phải từ bỏ quyền lực. Thì đấy là một cái rất là kỵ với phía bên Đảng Cộng sản về cái vấn đề đấy. Thế nên đấy có thể là lý do chính người ta bắt anh Vịnh Lưu. Thế còn anh Nguyễn Độ thì tôi cũng không rõ ràng lắm về cái chuyện này.”
Chỉ 4 ngày trước, nhà chức trách thành phố cũng đã bắt giữ ông Hồ Văn Hải với cáo buộc ông “phát tán thông tin, tài liệu chống phá nhà nước XHCN Việt Nam” qua Facebook và blog.
Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ họ thấy khó hiểu về những vụ bắt giữ liên tiếp gần đây, trong đó những người bị bắt không phải là những nhà hoạt động cực kỳ nổi bật hoặc có tầm ảnh hưởng to lớn.
Ông Hoàng Dũng cho rằng các vụ bắt giữ có thể có mục đích hăm họa. Ông nói:
“Người ta bắt thì người ta cũng phải cân nhắc đạt được nhiều mục tiêu nhất. Bắt những người chưa nổi hẳn thế này thì nó cũng có mục tiêu là người ta dọa những người bình thường khác. Bởi vì nếu bắt những cá nhân nổi tiếng, hay những cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn, dư luận người ta sẽ tự giải thích ‘mình làm sao mình giỏi như người ta mà bị bắt’, thì những người bình thường người ta lại cứ tiếp tục hoạt động. Thế những bắt những người chưa đến mức nổi lắm nhưng cũng kha khá được nhiều người biết đến thì cũng làm những người bình thường khác giật mình, sợ và tụt lại”.
Lâu nay, Mỹ và các nước phương Tây thường bày tỏ quan ngại về các vụ bắt bớ và xét xử các nhà hoạt động ở Việt Nam. Họ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động, cũng như cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị của mình trên mạng và ngoài đời mà không lo sợ bị trừng phạt.

Cổng thông tin Bộ Quốc phòng Việt Nam bị hack?

07.11.2016
Việc truy cập từ Mỹ vào cổng thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng của Việt Nam bị chuyển hướng sang một trang đặt trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc, gây đồn đoán là trang web này “có thể đã bị tin tặc khống chế”.
Khoảng nửa đêm 6/11 (giờ Việt Nam), phóng viên VOA Việt Ngữ không thể truy cập được vào tên miền www.mod.gov.vn, mà liên tiếp bị chuyển hướng sang một trang web của ChinaCache trong vài giờ sau đó.
Phóng viên chúng tôi đã thử truy cập trang web của Bộ Quốc phòng ở nhiều nơi tại Mỹ, và đều bị chuyển hướng sang trang web của Trung Quốc.
Theo thông tin trên mạng, ChinaCache là “công ty cung cấp dịch vụ nội dung đầu tiên và lớn nhất ở Trung Quốc”.
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với ban quản trị Cổng thông tin của Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Ban tiếng Việt của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ cũng liên lạc với chi nhánh của ChinaCache ở Hoa Kỳ nhưng cũng không tiếp xúc được với ai.
Trong khi đó, một số nguồn tin của VOA tiếng Việt ở trong nước cho biết rằng “vẫn có thể truy cập Cổng thông tin của Bộ Quốc phòng Việt Nam như bình thường”.
Chuyện này xảy ra hai ngày sau khi Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh và Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, đồng chủ trì cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng lần thứ 6 diễn ra ở thành phố Thành Đô, Trung Quốc.
Theo VnExpress, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Đô đốc Tôn Kiến Quốc đã nêu rõ rằng “Việt Nam và Trung Quốc còn có khác biệt về vấn đề Biển Đông”.
“Chúng tôi kiên quyết bảo vệ chủ quyền, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích của các bên liên quan và đặc biệt là không để tranh chấp, bất đồng phát triển thành xung đột”, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam được báo điện tử trên trích lời nói.
Hồi tháng Bảy, theo báo chí trong nước, các màn hình tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất “hiển thị các thông tin kích động, xúc phạm Việt Nam và Philippines, xuyên tạc các nội dung về Biển Đông” kèm theo logo của nhóm hacker Trung Quốc 1937CN.
Tuy nhiên, sau đó, đại diện của nhóm tin tặc được coi là thuộc hàng lớn nhất Trung Quốc này lên tiếng “không thừa nhận cũng như bác bỏ” sự liên quan.

Điều tra vụ ‘hành hung phóng viên’ ở Việt Nam

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, hôm 6/11, yêu cầu công an thành phố “khẩn trương” điều tra vụ hai phóng viên “bị hành hung” ở huyện Thanh Oai.
Theo văn bản chỉ đạo, được tờ VnExpress trích dẫn, ông Chung yêu cầu Giám đốc Công an Hà Nội “xác minh vụ việc và xử lý nghiêm theo pháp luật”, và phải “báo cáo” kết quả điều tra trước ngày
20/11.Theo Dân Trí, trước đó, hai phóng viên của báo Pháp luật Việt Nam và đài truyền hình kỹ thuật số VTC đã bị “hành hung” tại một khu giết mổ động vật tập trung tại huyện Thanh Oai. Chưa rõ vì sao hai ký giả này bị tấn công.
Hồi cuối tháng tháng Chín, ông Chung cũng có chỉ đạo tương tự đối với công an Hà Nội về việc phóng viên báo Tuổi Trẻ Trần Quang Thế “bị hành hung”.
Trong khi thông báo kết quả điều tra sau đó, công an TP. Hà Nội kết luận ông Ngô Quang Hưng, công an huyện Đông Anh, chỉ “dùng chân đá (nhưng không trúng vào người) và vung tay vào mặt” phóng viên Thế.
Ông Hưng bị kết luận vi phạm “quy tắc ứng xử khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hiện trường”, và “bị khiển trách”.
Một viên công an khác, Nguyễn Văn Thuyên, được xác định “dùng tay gạt máy quay của một người tự xưng là phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam”.
Công an kết luận phóng viên của báo Pháp luật Việt Nam không báo cáo “bị đánh hoặc làm hư hỏng máy quay”, nên ông Thuyên bị phê bình rút kinh nghiệm.

Việt Nam bị ảnh hưởng gì từ việc giá gạo Thái giảm?

Chuyên viên lúa gạo từ Hà Nội bình luận với BBC về tác động của cơn khủng hoảng giá gạo tại Thái Lan đến ngành nông nghiệp Việt Nam.
Việt Nam đã xuất khẩu 6,61 triệu tấn gạo năm ngoái, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Từ giữa năm 2016, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ 6,5 triệu tấn xuống còn 5,65 triệu tấn. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu này cũng được dự báo khó có thể đạt, theo website của Trung Tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại thuộc Bộ Công Thương (VITIC).
Hôm 7/11, trả lời BBC từ Hà Nội, bà Phạm Thị Kim Dung, chuyên viên lúa gạo, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), nói: “Việc khủng hoảng giá gạo tại Thái Lan có tác động gián tiếp, khiến giá gạo Việt Nam phải giảm theo do lệch mức cung cầu trên thị trường.”
“Đáng lưu ý trong việc này là chuyện xử lý khủng hoảng. Trong khi giới chức Thái có các hoạt động bài bản để giúp nông dân, ví dụ như bộ trưởng dẫn phái đoàn đi tiếp cận các thị trường Indonesia, Philippines… và tăng cường hoạt động marketing tại thị trường nội địa thì Việt Nam không được như vậy.”
‘Tư duy’
“Tình hình còn cho thấy chính sách quan trọng nhất với nông nghiệp Việt Nam là bán hàng và có chiến lược làm marketing, thương hiệu cho gạo Việt cả trong thị trường xuất khẩu lẫn nội địa.”
“Theo tôi, muốn làm được điều này, cần thay đổi tư duy bán gạo của cả bộ máy.”
Bà Dung cũng nói thêm rằng “xét về chất lượng, gạo Việt Nam chưa đa dạng, còn chậm triển khai việc xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế khi đến nay mới chỉ có hai sản phẩm gạo nhận được chứng chỉ của EU.”
“Đó là chưa kể việc doanh nghiệp đang xuất khẩu gạo sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, chứ còn đường chính ngạch chưa được khơi thông.”
Hôm 7/11, báo Straits Times của Singapore tường thuật cả Việt Nam và Thái Lan, hai quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gạo, đang kêu gọi nông dân bớt trồng lúa, thay vào đó chuyển đổi cây trồng trong bối cảnh giá gạo giảm.
“Trong khi sản xuất lúa gạo là nguồn an ninh lương thực, các chỉ dấu gần đây cho thấy quan niệm trồng lúa càng nhiều càng tốt đang bị tạm ngừng,” bài báo viết.
Nông dân Việt Nam thường chạy theo sản lượng, sản xuất ba vụ lúa trong năm để tối đa hóa thu nhập, nhưng dùng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu, Tiến sĩ Leocadio Sebastian từ Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế cho hay.
Theo bài báo, việc các quốc gia khác xây đập ở thượng nguồn sông Mekong cũng làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái nuôi dưỡng các cánh đồng lúa ở hạ lưu.
Bài báo cũng dẫn lời kinh tế gia Steven Jaffee của Ngân hàng Thế giới: “Trồng lúa không còn được xem là một hoạt động kinh tế chính yếu.”
“Dường như người dân nông thôn Việt Nam làm ra tiền bằng những cách khác.”
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam xuất khẩu 6,61 triệu tấn gạo và Thái Lan 9,78 triệu tấn vào năm ngoái.

Công an tiếp tục truy tìm

học viên cai nghiện bỏ trốn ở Đồng Nai

Hàng trăm cảnh sát cơ động hôm nay được huy động để buộc khoảng 60 học viên cai nghiện bỏ trốn trở về trại cai nghiện ở Đồng Nai.
Đây là vụ trốn trại mà những học viên, khoảng 133 người, tự đốt quần áo và vật dụng cá nhân trước khi đập phá rồi chạy trốn khỏi trại hôm chủ nhật 6/11 vừa qua.
Theo tin từ Sở Lao Động, Thương Binh và Xã Hội tỉnh Đồng Nai, chính quyền địa phương đã khống chế và bắt trở lại 73 học viên, sau đó buộc 60 người khác trở lại trại ngày hôm nay, trong lúc vẫn truy tìm những người còn trốn ở ngoài.
Có 3 học viên cầm đầu vụ đập phá và trốn trại đã bị bắt và bị truy tố.
Trước đó, một vu tương tự cũng đã xảy ra ở Đồng Nai ngày 23 tháng Mười với khoảng 600 học viên cai nghiện lợi dụng trời mưa gió đã đập phá rồi tràn ra Quốc Lộ 1 gây náo loạn, khiến người dân hoảng sợ.
Vụ việc sau đó được giải quyết với gần như toàn bộ người nghiện bị bắt trở lại. Vấn đề được dư luận nêu ra ở đây là liệu gom một lúc hàng trăm con nghiện vào một khu trại cải tạo có thể không phải là một phương án tốt.

15 người chết trong đợt mưa lũ kéo dài

ở miền Trung vừa qua

Lũ lụt từ những cơn mưa tầm tã kéo dài tại miền Trung khiến 15 người thiệt mạng, 6 người mất tích tính đến lúc này. Đó là số liệu chính phủ đưa ra hôm nay, được hãng tin AP trích dẫn lại.
Ủy Ban Trung Ương Kiểm Soát Và Phòng Chống Thiên Tai của Việt Nam cũng cho biết lũ lớn và lũ quét mấy ngày qua đã làm hơn 40.000 căn nhà chìm ngập trong nước.
Hiện nước lũ đang từ từ rút xuống với tốc độ khá chậm, nhiều vùng vẫn còn bị chia cắt, nhiều công trình xây dựng, đất canh tác và một số lượng lớn gia súc của dân bị thiệt hại nặng.
Tháng trước, 31 người chết khi lũ kéo về miền Trung, tàn phá những vùng được coi là nghèo nhất nước.
Báo chí trong nước hôm nay cũng loan tin 6 hồ chứa thủy điện vừa và lớn ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục xả lũ. Đây là vấn đề đáng quan tâm lúc này vì nhiều nguồn trong dư luận cho rằng việc xả lũ không đúng qui trình khiến lượng nước lụt trở nên dữ dội hơn.
Mặt khác, nguồn tin từ tỉnh Quảng Bình, nơi bị thiệt hại năng vì lũ, vừa loan báo miễn 5 năm học phí cho học sinh trong vùng. Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Bình đang thống kê số học sinh, sinh viên để quyết định miễn, giảm hoặc hỗ trợ học phí cho các đối tượng này từ giờ đến hết năm 2021.

Cuộc chiến giữa đảng và chính phủ

Kính Hòa, phóng viên RFA
Trong liên tục hai năm qua các viên chức cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động đối ngoại, vốn là vai trò của ngành ngoại giao hay người đứng đầu chính phủ.
Các viên chức này là những người thuần túy hoạt động đảng chứ không giữ chức vụ gì trong chính phủ.
Điều gì đang xảy ra đằng sau những hoạt động này?
Sau đây là ý kiến một số nhà quan sát trong và ngoài nước về sự thay đổi này.
Thay đổi mô hình
Ông Đặng Xương Hùng, một cán bộ ngoại giao Việt Nam, từng là đảng viên cộng sản, nay bỏ đảng và tị nạn tại Thụy Sĩ nhận định về sự xuất hiện liên tục của các cán bộ đảng cộng sản cao cấp trong hoạt động đối ngoại:
Đảng cộng sản Việt Nam họ muốn chứng tỏ cho mọi người rằng là các chính phủ trên thế giới, kể cả Mỹ, đều công nhận sự khác biệt về thể chế, tức là công nhận một chế độ do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.”
Giáo sư Vũ Tường, giảng dạy tại khoa chính trị, Đại học Oregon ở Mỹ phân tích thêm về sự lãnh đạo của đảng cộng sản trong những hoạt động của nhà nước Việt Nam trong thời gian gần đây:
Trong quá trình chuyển qua kính tế thị trường, thì vai trò của đảng lu mờ rất nhiều so với chính phủ.
- Giáo sư Vũ Tường
“Từ 2010, 2012 khi ông Trọng lên đã có cái xu hướng tăng cường sự quản lý của đảng trong những hoạt động của nhà nước. Từ lãnh vực ngoại giao đến kinh tế, đến nội chính… Theo tôi đọc các tài liệu của đảng thì sự tăng cường quan hệ đối ngoại của đảng này mục đích của nó là để các nước tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam là do đảng lãnh đạo. Trong quá trình chuyển qua kính tế thị trường, thì vai trò của đảng lu mờ rất nhiều so với chính phủ. So sánh ông Nguyễn Phú Trọng với ông Nguyễn Tấn Dũng thì sẽ thấy là nước ngoài người ta đều biết Nguyễn Tấn Dũng mà không biết Nguyễn Phú Trọng là ai cả, hay Nông Đức Mạnh trước đó.”
Giáo sư Tường cũng nói thêm là hoạt động đối ngoại của đảng là cũng nhằm để giải quyết những bất đồng với các nước có thể chế tương tự với Việt Nam như Trung quốc. Theo quan sát của ông thì ông Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện đến 17 chuyến viếng thăm ra nước ngoài.
Một nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Pháp là ông Nguyễn Gia Kiểng, người thành lập tổ chức Tập hợp dân chủ đa nguyên, tranh đấu cho chính trị đa đảng tại Việt Nam, bình luận rằng mô hình phân biệt đảng và nhà nước ở Việt Nam đang bị thay đổi:
“Chính sách phân biệt đảng và nhà nước đã đưa tới tình trạng ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng và bất chấp Bộ chính trị. Cho nên khuynh hướng hiện nay đã được công khai hóa là nhất thể hóa chính trị, chính sách cầm quyền tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là họ trở lại với mô hình mà đảng cộng sản đã bỏ đi hồi năm 1986, khi mở cửa là phân biệt đảng và nhà nước.”
Nhưng riêng trong lĩnh vực ngoại giao, ông Đặng Xương Hùng cho rằng thực ra không có thay đổi gì. Khi được hỏi rằng liệu tới đây vai trò của các viên chức bộ ngoại giao có bị lép đi so với các viên chức đảng phụ trách đối ngoại hay không, ông Đặng Xương Hùng không cho là như thế:
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (phải) và ông Đinh Thế Huynh, thường trực Ban bí thư Đảng cộng sản Việt Nam tại Washington DC ngày 25/10/2016. State photo
Theo quan sát của tôi thì tôi thấy những chuyến đi như của ông Trọng, ông Huynh, cũng là sự sắp xếp của ngoại giao Việt Nam với phía Mỹ, chứ không phải là của Ban đối ngoại, trong cái quan hệ, trong cái tình huống mà ngoại giao Việt Nam lợi dụng được việc người Mỹ chiều chuộng Việt Nam hơn trong bối cảnh người Mỹ thấy nguy cơ lấn át của Trung quốc ở châu Á Thái Bình Dương.
Sự quản lý đối ngoại của Việt Nam lâu nay vẫn như thế thôi, tức là mọi hoạt động đối ngoại đều thông qua ban bí thư và bộ chính trị hết. Các đề án quan trọng và các bước đi về đối ngoại cần thiết đều phải có các đề án được thông qua ở ban bí thư và bộ chính trị hết, chứ không hẳn ở một vai trò như ông Bộ trưởng Bộ ngoại giao.”
Trở lại việc thay đổi mô hình tách biệt hoạt động nhà nước và đảng cộng sản, ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng còn có một lý do nữa là sự lúng túng trong phương hướng điều hành, lãnh đạo đất nước của đảng cộng sản:
“Họ thấy rằng chủ nghĩa Mác lê Nin bị chối bỏ, rồi cái định hướng xã hội chủ nghĩa không còn hợp thời nữa, họ lại cố thủ trên cái mô hình đó, nên họ thấy rằng phải trở lại mô hình cũ. Hiện nay họ phải làm những việc mà họ không muốn làm. Những ai mà đọc nghị quyết của hội nghị trung ương bốn, và bài diễn văn bế mạc của ông Tổng bí thư thì đều thấy rằng họ phải làm những việc không muốn làm, ví dụ như họ nói nguyên nhân gây ra những khó khăn của kinh tế hiện nay là đầu tư công quá nhiều. Nhưng mà cuối cái bản phúc trình đó họ lại nói rằng muốn kinh tế giữ mức tăng trưởng thì phải tăng thêm đầu tư công.”
Đảng, nhà nước, và tranh chấp nội bộ
Sự xuất hiện của các viên chức cao cấp của đảng trên trường ngoại giao quốc tế cũng được ông Đặng Xương Hùng cho là có một lý do thứ hai là thể hiện sức mạnh của các nhân vật ấy trong cuộc đấu tranh nội bộ của đảng:
Cái đó nó thể hiện sự đấu đá nội bộ giữa các lãnh đạo Việt Nam trong việc quản lý chính quyền cũng như là cai trị đất nước. Vừa rồi các nhân vật như Phạm Quang Nghị, Đinh Thế Huynh, Nguyễn Phú Trọng, tham gia vào các hoạt động ngoại giao có tính chất nổi bật để thể hiện mình.”
Có những viên chức, sau khi thực hiện một chuyến đi quan trọng tại nước ngoài như ông Phạm Quang Nghị lại bị thất bại khi trở về Việt Nam.
Từ khi Việt Nam mở cửa về kinh tế vào năm 1986, nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước cho rằng vai trò của chính phủ Việt Nam ngày càng lên cao. Trước những diễn biến mới khi đảng cộng sản đang muốn tăng cường sự quả lý của họ lên mọi hoạt động của nhà nước, Giáo sư Vũ Tường nhận định:
“Đương nhiên đó là chuyện ông Trọng và các ban đảng của ông ấy muốn, nhưng có làm được hay không lại là chuyện khác. Tôi nghĩ là ông ta đã vung tay quá trán, ông ta không có quyền lực cá nhân để tạo ra thay đổi, dù có thể tạo ra hay đổi trong nhất thời. Nhưng không đủ lực cá nhân để tạo ra thay đổi.”
Rồi sau này cũng sẽ có những nhân vật trốn đi nữa. Nó cho thấy rằng sự áp đặt khống chế hoàn toàn của ông Nguyễn Phú Trọng không hẳn là có hiệu quả. 
- Ông Đặng Xương Hùng
Ngay sau khi đại hội đảng cộng sản lần thứ 12 kết thúc hồi đầu năm nay, người ta thấy ông Nguyễn Tấn Dũng không còn giữ một cương vị nào nữa trong đảng cộng sản cũng như trong chính phủ. Ngay sau đó xảy ra một loạt vụ án kinh tế liên quan đến những người điều hành của Tổng công ty dầu khí Việt Nam, nằm dưới quyền của ông Nguyễn Tấn Dũng trước đây. Đó là vụ ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, ông Vũ Huy Hoàng nguyên Bộ trưởng Bộ công thương bị cách chức.
Trong khi đó thì ông Đinh La Thăng, đương kim ủy viên Bộ chính trị, cơ quan quyền lực nhất nước, cũng bị chỉ trích, dù không chính thức, là phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những chuyện tham nhũng ở tập đoàn dầu khí. Giáo sư Vũ Tường, dù cho biết là ông không có nhiều thông tin, nhưng cho rằng ông Thăng là một người thuộc nhóm của chính phủ ông Dũng, mà nhóm viên chức đảng muốn loại trừ.
Về quan hệ giữa đảng và chính phủ, gần đây trên tạp chí chuyên về lý luận của đảng cộng sản Việt Nam là Tạp chí cộng sản có đề cập một cách không chính thức chuyện nhất thể hóa bộ máy đảng và nhà nước. Theo Giáo sư Vũ Tường thì chuyện đó khó có thể xảy ra vì hiện không có một gương mặt nào đủ mạnh của nhóm cán bộ đảng có thể làm được điều đó. Giáo sư Tường nói thêm là chuyện như vậy có thể xảy ra do một nhân vật nào đó có nhiều quyền lực trong ngành công an hay quân đội, hay phải có nhiều tiềm lực kinh tế như ông Đinh La Thăng.
Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã phỏng vấn ông Đặng Xương Hùng vào ngày 3 tháng 10, Ông Đặng Xương Hùng cho biết nhận định của ông về cuộc tranh chấp giữa nhóm đảng và chính phủ:
“Rồi sau này cũng sẽ có những nhân vật trốn đi nữa. Nó cho thấy rằng sự áp đặt khống chế hoàn toàn của ông Nguyễn Phú Trọng không hẳn là có hiệu quả. Vụ Trịnh Xuân Thanh, rồi Vũ Huy Hoàng cho ta thấy phản ứng của phe chính phủ không hẳn lép vế hoàn toàn, phe của ông Trọng không hẳn là áp đảo.”
Ngày 5 tháng 10, báo chí Việt Nam loan tin rằng ông Vũ Đình Duy, một cán bộ quản lý cao cấp của tập đoàn dầu khí Việt Nam là người chịu trách nhiệm trong vụ bê bối tài chính ở một nhà máy do tập đoàn này quản lý. Bài báo trên báo thanh niên viết rằng cơ quan chủ quản của ông Duy là Bộ công thương cho biết ông không có mặt ở Việt Nam, nhưng không biết ông đi đâu.

Bế tắc và lối thoát

Kính Hòa, phóng viên RFA
Cuộc chiến chống tham nhũng bất khả thi
Nghị quyết của hội nghị trung ương lần thứ tư, khóa 12 của đảng cộng sản Việt Nam tập trung vào lời kêu gọi chống tham nhũng và xây dựng đảng.
Nhiều blogger hoài nghi về chuyện chống tham nhũng của đảng cộng sản từ bấy lâu nay. Ông Nguyễn Phú Trọng lại như châm dầu vào ngọn lửa hoài nghi vẫn âm ỉ này khi ông lại nói rằng chống tham nhũng của đảng chính là chống lại đảng. Nguyên văn lời ông là ta lại đánh ta.
Blogger Siêu Hình trình bày trên trang Dân Luận lý do tại sao đảng cộng sản Việt Nam không thể chống tham nhũng được:
Từ sự tuyển chọn, kết nạp cho đến giám sát thẩm tra đều một tay các ban bệ cơ quan của Đảng Cộng sản thực hiện, sự thống nhất quyền lực không chấp nhận phân quyền đã làm cho cả hệ thống chính trị phải ôm đồm hết tất cả công việc.Chính vì không có sự phân quyền, giám sát đối trọng lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực và các ban bệ cơ quan mà còn tập trung tất cả vào tay một Đảng nên sự giám sát này mang tính thi hành mệnh lệnh tuyệt đối từ cấp trên mà cấp trên này dù gì đi nữa cũng là chịu sự chỉ huy và chịu trách nhiệm đối với Đảng, mà đặc thù trong các quốc gia Cộng sản thì đã từng có quá khứ chuyên chính tuyệt đối mà ở đó mệnh lệnh chính trị từ Đảng có thể chi phối bất cứ công việc gì.
Cũng trên trang Dân Luận, tác giả Lã Yên phân tích thêm sự lạm quyền trong hệ thống cai trị độc đảng tại Việt Nam hiện nay:
Quyền hạn nhiều, trình độ có thấp lại không được giám sát, dễ sinh ra thói tự tung tự tác. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc lạm quyền ngày càng tăng. Do không hiểu luật hoặc hiểu không rõ nên họ lạm dụng quyền lực một cách hiển nhiên, tự cho mình cái quyền xâm hại nhân phẩm, tính mạng người khác mà không mảy may suy nghĩ.
Quyền hạn nhiều, trình độ có thấp lại không được giám sát, dễ sinh ra thói tự tung tự tác. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc lạm quyền ngày càng tăng.
- Lã Yên
Một blogger người Mỹ viết tiếng Việt là giáo sư Jonathan London viết rằng ông hoài nghi khả năng chống tham nhũng của Việt Nam nếu vẫn không có cải cách gì ở phương cách của tầng lớp lãnh đạo vẫn thực hiện từ trước đến nay trong việc quản trị đất nước:
Xin lỗi nếu tôi còn hơi hoài nghi về khả năng rằng ‘bệnh tham nhũng’ có thể được đề cập một cách hữu hiệu chỉ hoặc chủ yếu bằng việc điều chỉnh, tự phê bình  như bao nhiêu thập kỳ trước. Có vẻ phải có một cơ chế để giám sát quyền lực công khai hơn. Có vẻ phải có một nền báo chí độc lập và chuyên nghiệp hơn.
Lời đề nghị của vị giáo sư Mỹ chỉ được viết ra vài ngày trước khi tổ chức Phóng viên không biên giới xếp người đứng đầu đảng là ông Nguyễn Phú Trọng vào một danh sách 35 người là kẻ thù của tự do báo chí.
Trong khi đó thủ đô Hà Nội lại tổ chức một cuộc họp mặt lần thứ 18 của các đảng cộng sản trên toàn thế giới. Giáo sư Nguyễn Đình Cống bình luận về sự kiện này một cách trào phúng:
Có một việc rất nên làm mà không biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Ban đối ngoại Trung Ương có nghĩ ra không. Đó là mời các đại biểu đi thăm dinh thự của một số quan chức của Đảng, đã về hưu hoặc đang tại chức. Sau khi thấy được những dinh thự xa hoa, lộng lẫy của các vua chúa Cộng Sản, thấy được ngai vàng ở nhà ông này, tượng vàng ở nhà ông kia v. v… thì sự cảm phục, kính trọng Đảng Cộng Sản Việt Nam được nâng lên tầm cao, có thể tinh thần và quyết tâm làm cách mạng vô sản của các đại biểu sẽ được nâng lên trong chốc lát.
Hình ảnh mà giáo sư Cống đề cập về tài sản của các vị quan chức của đảng ngày càng được lưu truyền rộng rãi trên không gian mạng, trong đó tấm hình phòng tiếp khách sơn son thếp vàng của cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh vẫn được xem như là hình ảnh tiêu biểu cho sự giàu sang của các qaun chức cộng sản Việt Nam.
Giáo sư Cống vốn là một đảng viên cộng sản, và đã tuyên bố từ bỏ đảng. Ông cũng là người viết rất nhiều bài trên các trang blog, và mạng xã hội, yêu cầu chấm dứt việc xem chủ nghĩa cộng sản là một chủ nghĩa độc tôn ở Việt Nam.
Dân trí và trách nhiệm của những người còn lại ngoài đảng
Một lý do thường được những người bảo vệ chế độ cai trị độc đảng đưa ra để duy trì chế độ ấy là cho rằng trình độ dân trí Việt Nam thấp, nếu mở rộng dân chủ, cạnh tranh đa đảng phải sẽ dẫn đến loạn lạc.
Luật sư Lê Luân đặt câu hỏi rằng ai là nguyên nhân cho cái gọi là dân trí thấp đó:
Ngược lại với họ, tôi chỉ cần đặt câu hỏi, dễ dàng nhận ra người ta đang nguỵ biện mà không biết, hoặc là để né tránh thực tế gốc rễ của nó.
Câu hỏi: Ai khiến cho dân trí thấp?
Giáo dục, do ai đặt ra và kiểm soát? Do ai định hướng và đào tạo? Do ai có quyền dạy, dạy gì và bác bỏ điều gì, nếu muốn?
Đó chính là chính quyền, nhà nước đang trị vì quốc gia ấy.
Nhưng ngoài trách nhiệm của chính quyền và nhà nước đang cai trị, nhà báo Trương Duy Nhất cho rằng còn có trách nhiệm từ sự cam chịu của dân chúng nữa. Trong bài viết về những cơn lũ đến hẹn lại lên tại miền Trung, ông đặt câu hỏi tại sao cả nhà nước và dân chúng cứ đặt ra những vấn đề lớn lao, còn chuyện giải quyết cụ thể nạn lũ lụt hàng năm lại chưa bao giờ được nói đến:
Tại sao không ai nghĩ tới điều này? Tại sao bao chục năm rồi, vẫn là những mái lá nhà tranh, những thôn làng ọp ẹp chỉ một cơn lũ thôi đã cuốn sạch sành sanh? Bao nhiêu nhiệm kỳ, bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu những chương trình mục tiêu mới cũ- cũ mới về nông thôn, những chương trình mục tiêu thiên niên kỷ gì đấy nữa… Những “đoàn tàu” mục tiêu với định hướng phát triển, phát triển định hướng gì đấy vẫn hùng hục lao về một nơi nào đó, rất xa xôi. Còn những vùng quê ấy, vẫn như bị bỏ rơi lại phía sau. Tài sản của nhiều hộ dân, hàng triệu triệu những hộ dân vùng lũ, vẫn không gì hơn ngoài mấy con bò. Một thùng mì tôm, mấy ổ bánh mỳ, với nhiều gia đình vẫn là nỗi khát khao.
Sống trong lũ, chết chìm trong lũ.
Chính phủ cam chịu. Dân tình cam chịu. Một dân tộc cam chịu. Loay hoay, xà quần trong lũ không ra lối thoát. Mặc cho lũ, kệ cho lũ. Cứ lũ xong – mì tôm cứu trợ. Lũ về – cứu trợ mì tôm. Không phải lũ chồng lên lũ, mà lũ chồng lên hết thế hệ này đến thế hệ khác.
Riết rồi quen. Quen đến mất quên cả khái niệm phản kháng, như một lẽ tự nhiên. Quen đến kiếp đời không nhận ra cái vận số cả dân tộc còn đang ngụp lặn chìm vùi trong một cơn lũ khác, đại lũ – Cơn lũ tư tưởng đục đắm tanh hôi, mà cứ tưởng “vĩ đại quang vinh”. Cơn lũ mà thế gian đều đã biết đạp qua, bỏ lại mình ta. Khi chới với nhận ra thì thiên hạ đã bơi xa, quá xa rồi.
Chúng ta chỉ trích đảng cộng sản Việt Nam yếu kém, không có khả năng cải cách, không có khả năng thay đổi. Nhưng hãy nhìn vào chính chúng ta để nói xem bản thân chúng ta có khả năng thay đổi hay không.
- Nguyễn Thị Từ Huy
Khi chới với nhận ra thì thiên hạ đã đi xa quá rồi, câu cảm thán của nhà báo Trương Duy Nhất nhắc đến bài viết của nhạc sĩ Tuấn Khanh trước đó chưa lâu khi ông bình luận về giải Nobel văn chương năm nay được trao cho một nhạc sĩ hát rong Bob Dylan. Ông viết rằng thế giới đang vươn xa, tìm tòi những điều hay, trong khi Việt Nam vẫn loay hoay với những trận lụt ở thôn làng mà không có cách nào giải quyết được.
Luật sư Lê Luân cho rằng trách nhiệm của giới trí thức Việt Nam cũng rất nặng nề trong tình trạng tụt hậu của Việt Nam, trong tình trạng được cho là dân trí thấp của người Việt Nam:
Mà đến nay, ngay cả trí thức, nếu chính họ nói rằng dân trí thấp để đổ lỗi cho hiện trạng xã hội, thì bản thân họ là kẻ phải chịu trách nhiệm đầu tiên về hậu quả đó, bởi trách nhiệm của người trí thức là khai sáng, là đem đến cho người dân những giá trị nhận thức đúng và khai phóng họ khỏi những thứ hủ lậu, tụt hậu và xấu xa, dù họ trong chính quyền hay ở ngoài thực thể đó, thì việc để cho dân trí thấp thì họ không thể đứng ngoài công cuộc “dân ngu” đó được. Họ là thành phần phải cúi đầu đầu tiên mà nhìn lại và nhận lấy trách nhiệm đó về mình, vì rằng họ đã không thể đóng góp hay làm gì cho nhận thức của người khác, của xã hội, mà sau nửa thế kỷ họ vẫn vô tư đổ lỗi cho người khác về tình trạng dân trí thấp.
Trên bình diện cao hơn, blogger Nguyễn Thị Từ Huy tự hỏi chính mình và các tổ chức được gọi là bất đồng chính kiến với những người cộng sản hiện nay:
Chúng ta chỉ trích đảng cộng sản Việt Nam yếu kém, không có khả năng cải cách, không có khả năng thay đổi. Nhưng hãy nhìn vào chính chúng ta để nói xem bản thân chúng ta có khả năng thay đổi hay không, bản thân các tổ chức đang tồn tại có khả năng cải cách hay không, và chúng ta có khả năng hình thành các tổ chức mới hay không…
Nhạc sĩ Tuấn Khanh trong bày viết về quan hệ Việt Nam Trung quốc, có viết rằng tình cảnh của người Việt Nam đang thua thiệt người Trung quốc về nhiều mặt, đứng trước nguy cơ bị họ thống trị. Ông so sánh tình cảnh đó như đang ở trong một nồi nước sôi sùng sục, nhưng ông thì ông đã leo ra khỏi nó về mặt tâm thức, như nhiều người Việt Nam khác, và đó, theo ông là một niềm tin ở tương lai của dân tộc này:
Và tôi nhận thấy mình có một niềm tin mới, rằng sẽ không có một sự “trở về” hay “đi tới” nào cả. Dân tộc này, đất nước này không thể đi vào khốn khó, nếu người người cùng nuôi hy vọng và nhìn bằng sự thật về đất nước mình, dân tộc mình, và cùng nhau leo ra khỏi nắp nồi đóng kín đó, trước khi quá muộn.
Một luật sư người Việt sống ở Hà nội là ông Hirota Fushihara viết bằng tiếng Việt một cách dí dỏm rằng nếu cách đây mấy mươi năm ông thường xuyên bị theo dõi khi sống ở Hà nội vì đảng sợ diễn biến hòa bình, thì bây giờ ông không còn bị theo dõi nữa, mà lại học được một từ mới là tự diễn biến. Đối với ông, học được từ mới đó là đón chờ một thời đại mới.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.