Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Bị đánh liệt nửa người khi làm việc tại trụ sở công an

Wednesday, November 16, 2016 // , ,
Bị đánh liệt nửa người khi làm việc tại trụ sở công an
Anh Võ Hướng đang điều trị tại bệnh viện
16-11-2016
CTV Danlambao - Sáng ngày 10/11, anh Võ Hướng (sinh năm 1983, ngụ tại thôn 3, xã Đăk Buk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông) nhận được giấy mời của công an huyện Tuy Đức yêu cầu chiều cùng ngày đến trụ sở công an huyện để “làm việc” về một vụ việc mà cơ quan công an huyện Tuy Đức đang điều tra.
Khoảng 14h, anh Hướng có mặt tại trụ sở công an và làm việc cùng hai điều tra viên Nguyễn Trí Sĩ và Phùng Danh Quảng. Tuy nhiên, đến 16h30 gia đình nhận được thông tin anh Hướng nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh.
Về nội dung làm việc tại trụ sở công an, anh Hướng nằm trên giường bệnh tại bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn) cho biết, hai điều tra viên đã yêu cầu anh xác nhận vào một tờ giấy liên quan đến việc tổ chức đánh bạc nhưng anh kiên quyết từ chối bởi anh không làm việc đó. Anh Hướng nói: “Khi tôi từ chối ký thì họ bắt đầu còng tay tôi vào ghế, đóng cửa phòng lại và đánh tôi. Anh Quảng đánh tôi vài cái rồi đi ra ngoài. Sau đó là anh Sĩ bắt đầu nhè vào đầu và thái dương tôi để đánh. Lúc bị đánh vài cái thì tôi còn biết, sau đó tôi không biết gì nữa”.
 
Chị Lê Thị Thìn (vợ anh Hướng) nhận được tin tức chồng nhập viện tại bệnh viện Tuy Đức từ một người quen làm trong bệnh viện. Chị Thìn kể lại: “Khoảng 16h 30 phút thì tôi nhận được điện thoại từ người quen, nói rằng chồng tôi được công an đưa vào cấp cứu tại bệnh viện. Tuy nhiên, người này cũng nói với tôi là phía công an dặn bác sĩ và y tá là không được báo tin này ra ngoài.”
 
“Đến nơi thì tôi thấy chồng tôi đang bất tỉnh và sùi bọt mép, người có lúc co giật mạnh. Tôi hỏi thì những công an có mặt ở đây không nói gì và lảng tránh. Đến khoảng 17h thì bệnh viện yêu cầu chuyển chồng tôi xuống cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy”. Chị Thìn nói tiếp.
Anh Võ Hướng tại bệnh viện Tuy Đức. Ảnh gia đình cung cấp
Hiện tại, mặc dù đã qua hơn 6 ngày điều trị nhưng anh Hưởng vẫn lúc tỉnh, lúc mê, tay và chân phải đã bị liệt, thường xuyên bị đau ở đầu.
Thường ngày, anh Hưởng buôn bán trái cây ở chợ, chị Thìn là giáo viên cấp 2. Hai vợ chồng có một con nhỏ 2 tuổi.
Vấn nạn bức cung, nhục hình và người chết trong đồn công an, trại tạm giam, tạm giữ đang ngày càng trở nên đáng báo động. Đã có hơn 250 trường hợp người bị chết tại đồn công an, nhà tạm giữ, trại tạm giam kể từ năm 2011 đến nay.
Được biết, hôm 10 -10, cơ quan an ninh điều tra của tỉnh Khánh Hòa đã bắt giữ blogger Mẹ Nấm. Và một trong những “bằng chứng” để cơ quan an ninh kết tội blogger nổi tiếng này là tập tài liệu “Stop police killing civilians” được phát tán trên mạng xã hội về 31 trường hợp chết trong đồn công an. Bằng chứng về sai phạm của công an được sử dụng trở thành bằng chứng kết tội blogger này.
Thiết nghĩ, mục tiêu xây dựng một nhà nước Việt Nam pháp quyền đến bao giờ mới trở nên hiện hữu khi chính lực lượng thực thi pháp luật (công an) lại đang ngồi xổm trên lưng luật pháp.

Khu định cư mới của “Việt Cọng” ở quận Cam

Người Mỹ trắng từ từ bỏ vùng này ra đi, tìm nơi an tỉnh, trái lại người Á châu ồ ạt chen về đây ? Tương lai sẽ ra sao ? … 
Trên con đường dài dẫn ra biển Huntington Beach, Quận Cam, có những khu nhà rất đẹp mà chủ hầu hết là người Việt. Họ là những người rất trẻ, hoặc đó là những gia đình bình thường nhưng sống khép kín. Bạn tôi, một người đã sống ở nơi này, gần bằng thời gian của thế hệ người Việt đầu tiên đặt chân đến Mỹ sau tháng 4/1975, nói rằng đó là những khu định cư mới của “Việt cộng”.
Những ngôi nhà đó được mua rất nhanh trong khoảng vài năm gần đây – mỗi căn từ 450.000 cho đến hơn 1 triệu USD, cho thấy có một nguồn ngoại tệ khổng lồ được chuyển ra khỏi nước Việt Nam, để xây dựng một ước mơ thầm kín và khác biệt bên ngoài tổ quốc của mình.
Phần lớn những người này đều nói giọng miền Bắc, mới. Họ có một lối diễn đạt thời thượng thật dễ gây ấn tượng. Anh bạn tôi, một người làm real estate – môi giới mua bán bất động sản ở Mỹ – kể lại cuộc trò chuyện với một khách hàng như vậy, và được biết nhà được mua ngay bằng tiền mặt, mà người khách dằn giọng “tiền tươi!”. Không chỉ ở nơi đó, nhiều năm gần đây, cộng đồng Việt Nam ở Texas cũng hay nói với nhau rằng khu Bellaire đang ngày càng nhiều những người chạy khỏi Việt Nam hợp pháp như vậy. Thậm chí, không chỉ xuỳ tiền nhanh để mua nhà – lớp người này rất nhiều tiền – họ mua luôn các cơ sở thương mại. Từ các tiệm nail với giá vài chục ngàn cho đến các siêu thị giá trên chục triệu USD, một thế hệ khác chính kiến, khác tư duy đang len lỏi vào các cộng đồng Việt Nam chống Cộng để mong an cư và sinh tồn. Nơi quần cư cho tiếng Việt, văn hoá Việt không chấp nhận chế độ cộng sản mà nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng từng gọi là “một Việt Nam bên ngoài Việt Nam”.
Có lẽ vì vậy, mà ở các khu người Việt như vậy, biển quảng cáo của các luật sư di trú ngày càng nhiều. Trên đài phát thanh hay truyền hình cũng ra rả các lời mời tư vấn tìm hiểu cách lấy thẻ xanh để được ở lại nước Mỹ. Sẽ là một điều chua chát, nếu nhìn lại lịch sử. Dù nước Mỹ vẫn bị gọi là thua trận và bị “đuổi” khỏi Việt Nam theo các văn bản tuyên truyền, nhưng đích đến giờ đây của nhiều quan chức Việt Nam vẫn là nước Mỹ chứ không là đồng minh số một Trung Quốc. Thậm chí các quan chức, giới tư bản đỏ hiện tại của Việt Nam còn bỏ ra rất nhiều tiền để được trụ lại quốc gia thù địch đó, cho mình và cho con cái của mình.
Nhiều người Việt Nam sống bằng đồng tiền lương thiện ít ỏi của mình tại Mỹ đã ngạc nhiên hỏi rằng “họ là ai, sao giàu vậy”. Thật không dễ trả lời. Trong những người đến Mỹ hay bất kỳ quốc gia phương Tây thù địch nào khác, có những người làm mọi cách như một cuộc tỵ nạn về an sinh, giáo dục… nhưng cũng có những người chạy đi, để âm thầm đào thoát khỏi lý tưởng của mình.
Anh Mến, một người sống ở Kansas chỉ hơn 10 năm, trong một cuộc gặp ngẫu nhiên đã thảng thốt kể rằng anh chứng kiến những người Việt đến Mỹ mua một lúc 2,3 căn nhà. Thậm chí họ còn luôn đón mua hàng chục chiếc Iphone đời mới nhất để gửi về, so với anh đến nay vẫn còn mắng con khi thấy chúng xài viết chì được phân nửa đã vứt đi. “Việt Nam bây giờ dễ kiếm tiền lắm hả anh?”, anh Mến ngơ ngác hỏi.
Thật khó mà giải thích với anh Mến, dù cùng là người nói tiếng Việt với nhau. Vì ngay ở quê hương lúc này, hàng triệu người đang nuốt các bữa ăn công nhân hàng ngày tệ bạc đến mức như công khai bào mòn tuổi xuân của họ. Những vùng quê đói nghèo phải xin gạo trợ cấp mỗi năm, nhưng đầy dẫy các quan lớn vẫn lên nhà cao, tậu xe to và viết các dự án xây tượng đài hàng ngàn tỉ.
Trường St Polycarp ở thành phố Staton, Quận Cam, là một trong những trường tư thục Công giáo mà nhiều gia đình người Việt dù tốn tiền nhưng vẫn hay gửi con vào vì mong chúng học kiến thức, và học được cả đức tin. Thỉnh thoảng, cũng có những gia đình đem con đến và cho con cái làm quen với Jesus thay cho học tin vào một lãnh tụ. Năm ngoái, chiếc xe đỗ trước cửa trường đưa đứa trẻ vào học, có cả ông bà theo để xem nơi học thế nào. Đó là những người vẫn còn mang đậm phong thái cán bộ với quần áo, giày dép vả cả giọng nói.
Khi gia đình này bước qua sân trước, vòi nước tự động tưới cây bất ngờ bị hư, nên làm tràn ra một vũng nước. Người phụ nữ lớn tuổi bước qua, càu nhàu “Thế này là không được. Phải nói nhà trường xem lại coi chứ thế này thì đi hư hết cả giày”. Thấy tôi là người Việt, đang đứng gần ở nơi bán hàng gây quỹ cho trường, nên bà nói luôn “Anh có làm ở đây không, anh nên nói với ban giám hiệu”.
. Tôi nhớ đến Sài Gòn, Hà Nội… nhớ những ngày nước ngập lụt lội đến tận giường. Nhớ đến những mùa nhập học hàng ngàn phụ huynh vật vã, lê lết khắp nơi chạy trường cho con mình, dù phải gửi lót tay. Có lẽ người Việt đã quen sống vất vả và chịu đựng nên mọi thứ quen dần, đến khi tiếp cận với một đời sống tự do và dân chủ, ai cũng hăng hái tìm và thể hiện quyền của mình. Dĩ nhiên vòi nước được sửa ngay sau ấy không lâu, mà ban giám hiệu không đổ thừa cho biến đổi khí hậu hay thiếu tiền ngân sách. Gia đình đó khi quay lại hôm sau, chắc sẽ hài lòng và nghĩ mình được tôn trọng, khác với những ngày tháng mà bao nhiêu người dân ở quê hương giận dữ với hiện trạng nhưng thấy mình luôn bị biến thành trò hề. Bài học của cuộc sống đơn giản hiện rõ trên gương mặt của gia đình đó, mà tôi thấy, là sự tự tin và quyền của con người, có thể rất khác khi họ ở Việt Nam, bị cảnh sát giao thông ngoắc xe vào vô cớ, đã vội móc túi tìm vài trăm ngàn để lướt qua nan đề thật nhanh.
Một trong những câu nói nổi tiếng của nhà văn, diễn thuyết gia John Mason, cũng là tựa đề một quyển sách nổi tiếng của ông, có tựa đề “Bạn được sinh ra như một nguyên bản, vậy đừng chết như một phiên bản” (You were born an original. Don’t die a copy) có lẽ là một trong những động lực thúc đẩy âm thầm nhưng mãnh liệt trong lòng người Việt từ nhiều đời nay. Đã có rất nhiều người ra đi, để được thấy mình và con cái của mình được sống như là chính mình, như một nguyên bản. Nhiều năm sau 1975, vẫn có những dòng người ra đi rất xa khỏi quê hương để tìm lại phần nguyên bản của mình.
Nghèo khó, họ có thể thành người rơm ở Anh hay bị xua đuổi ở Campuchia. Giàu có, họ trở thành những kẻ lưu vong hoặc nhấp nhổm với cuộc sống mới mà mắt vẫn đau đáu về quê nhà. Lịch sử thế giới chắc sẽ lại phải ghi thêm một chương kỳ lạ. Con người và muông thú lên thuyền ông Noah để gột sạch mình cho một thế giới mới, nhưng người Việt hôm nay lại lặng lẽ lên chiếc thuyền mong cứu chuộc nguyên bản của đời mình, cứu chuộc một cuộc sống đơn giản, thật thà và tự do.
Nhưng tại sao chúng ta không thể là nguyên bản ở quê hương mình? Vì sao chúng ta phải sống không là mình nơi chôn nhau cắt rốn của mình? Tôi đang hình dung người đàn ông có xe hơi đắt tiền không bỏ xe giữa con đường ngập nước ở Sài Gòn mà ông ta cùng nhiều con người nữa đang ướt sủng sẽ đi thẳng đến cơ quan nhà nước để hỏi rằng vì sao? Tôi hình dung gia đình Việt Nam di cư đến Mỹ sẽ không chất vấn một ban giám hiệu ngoại quốc về của công, mà sẽ cất tiếng nói đó trên chính đất nước mình? Một cuộc sống thật và đơn giản – nguyên bản vì sao đang phải bị đánh tráo bằng những phiên bản vô hồn và nhạt nhẽo?
Chúng ta được dặn dò hãy chỉ nên lo làm ăn, và đừng quan tâm đến chuyện gì khác. Và nhiều người Việt đã rất mất rất nhiều thời gian để làm được điều đó rồi giật mình nhìn thấy thế giới này không chỉ no đủ là tất cả. Không ít người giàu có, thậm chí quan chức đã dồn tất cả để ra đi và đổi một cuộc sống khác. Thậm chí đó là cuộc sống mà trước đây họ bảo vệ và coi những kẻ từ bỏ, ra đi là thù nghịch.
Cuộc sống đang như vậy. Rất hiện thực. Khi viết một bài trước đây, một bạn trẻ, có khuynh hướng dư luận viên, đã nhắn cho tôi “vậy cứ nghèo đi, nghèo hoài đi”. Dĩ nhiên, đó lại là một khái niệm khác, mà nếu hiểu những gì tôi viết ắt bạn trẻ ấy sẽ không nói như vậy. Vì câu hỏi của tôi rất rõ rằng chúng ta – người Việt, đang cố giàu lên và sau đó là gì?
Nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn

Vấn đề bạo lực trong nhà trường hiện nay

Vấn đề bạo lực trong nhà trường hiện nay
Bạo lực học đường (ảnh minh họa).
16-11-2016
Bạo lực học đường hiện nay đang ngày càng phổ biến và lan rộng, đã trở thành một vấn đề khiến các bậc phụ huynh lo lắng, mà còn là nỗi trăn trở của toàn xã hội. Tình trạng này diễn ra thế nào, những người làm công tác giáo dục nói gì về vấn đề này?
Dư luận lo lắng
Gần đây, sự xuất hiện của những video clip quay cảnh học sinh đánh nhau xuất hiện nhiều trên mạng xã hội, điều đó đã khiến dư luận hết sức lo lắng.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong báo cáo mới nhất, năm học vừa qua, trên toàn quốc đã xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Bình quân cứ khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau.
Đánh giá về hiện trạng bạo lực học đường hiện nay, theo báo Dân trí ngày 31/10/2016,  Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Mức độ nghiêm trọng của một số vụ việc bạo lực xảy ra ở trong và ngoài nhà trường, là một dấu hiệu về sự sa sút đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và yếu kém về kỹ năng sống của một bộ phận học sinh hiện nay. Những vụ việc đó đã và đang làm đau lòng những người làm giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong xã hội.”
Nhà trường bây giờ nhìn bên ngoài rất bình an, rất phẳng lặng, trong rất có kỷ luật. Nhưng tiềm ẩn ở bên trong là nó sẵn sàng bùng phát thành bạo lực. Đây là điều rất đáng buồn và vô cùng đáng sợ của ngành giáo dục.
-Ông Hoàng Oanh
Ông Hoàng Oanh, một nhà giáo đã nghỉ hưu ở Hà Nội thấy rằng, đây là một vấn đề xã hội hết sức trầm trọng, theo ông đó là hệ quả của vấn đề nền tảng đạo đức xã hội đã bị phá vỡ, cũng như các chính sách giáo dục sai lệch từ phía Nhà nước trong một thời gian dài. Ông nói:
“Bây giờ, trong cuộc sống có một vấn đề tranh chấp rất nhỏ thôi thì người ta cũng sẵn sàng nổi xung lên. Nhà trường bây giờ nhìn bên ngoài rất bình an, rất phẳng lặng, trong rất có kỷ luật. Nhưng tiềm ẩn ở bên trong là nó sẵn sàng bùng phát thành bạo lực. Đây là điều rất đáng buồn và vô cùng đáng sợ của ngành giáo dục.”
Giải thích hiện tượng xã hội này dưới góc độ khoa học tâm lý, một nữ Chuyên gia không muốn nêu danh tính, thuộc Viện Khoa học Giáo dục lý giải:
“Chuyện học trò đánh nhau là do sự khủng hoảng tâm lí của tuổi vị thành niên. Đó là cái tuổi dạy thì, khi các em chưa có cơ hội giải phóng chính đáng, tất yếu sẽ giải phóng thành bạo lực. Song phải thấy, ngay trong nội dung giáo dục, nhiều bài học của các em học sinh hiện nay, vô tình đã nuôi dưỡng động cơ ấy.”
Khi được hỏi, nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng bạo lực trong nhà trường gia tăng như hiện nay?
Một phụ huynh học sinh tại Hà nội cho biết:
Bạo lực học đường (ảnh minh họa).
Ảnh minh họa. Screen capture from YouTube
“Vấn đề bạo lực học đường thì đã có từ lâu, không phải bây giờ mới có, cái đó bây giờ đã trở thành một vấn nạn xã hội. Nó là hậu quả của việc nhà trường thì thiếu quan tâm đến việc giáo dục nhân cách; còn gia đình thì do mải mê làm ăn kinh tế dẫn đến các em thiếu sự yêu thương săn sóc của gia đình và mặt trái của mạng xã hội cũng như internet đã góp phần không nhỏ.”
Nhà giáo Hoàng Oanh thấy rằng, nền tảng đạo đức đã bị phá vỡ do luật pháp không được tôn trọng, cộng với việc toàn xã hội bây giờ người ta tự nói dối lẫn nhau, thật giả lẫn lộn. Ông cho biết:
 
“Những mâu thuẫn của các em học sinh là mâu thuẫn nhỏ, không phải mâu thuẫn lớn, nhưng từ anh hưởng của xã hội là pháp luật không nghiêm nên người ta tự xử. Việc giáo dục đạo đức cho học sinh không được quan tâm, vì nó không mang lại lời. Ngày xưa đi học, học kém hay  tư cách đạo đức có vấn đề, không đúng chuẩn mực thì phải ở lại lớp. Bây giờ thì khác, học sinh lên lớp 100%, dù học kém, đạo đức kém nhưng vẫn cứ lên lớp bình thường.”
Giải pháp?
Trước câu hỏi cần có các giải pháp nào để có thể chấn chỉnh và tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực trong nhà trường?
Nhà giáo Hoàng Oanh cũng cho biết thêm, quan trọng là do việc giáo dục của nhà trường đã quên mất nhiệm vụ giáo dục con người, là phải “tiên học lễ , hậu học văn”. Ông khẳng định:
“Muốn giải quyết được vấn đề ấy thì phải giải quyết trên toàn cục, xã hội cũng phải giải quyết chứ đừng trông chờ vào ngành giáo dục thì không thể nào giải quyết được. Thấy cô giáo thì vẫn dạy học trò tôn trọng luật giao thông, nhưng mà bố mẹ đưa đón con đi học vẫn vượt đèn đỏ, chạy xe trên vỉa hè. Thậm chí ngay cả các thầy cô giáo cũng vẫn vi phạm luật giao thông.”
Tất cả mọi thứ ở Việt Nam đều ở dạng “nói vậy nhưng không phải vậy”, cho nên bây giờ dạy đạo đức bây giờ học trò nó nghe nó cứ buồn cười.
-Ông Hoàng Oanh
Ông Hoàng Oanh cho rằng, cần có các biện pháp cụ thể, đặc biệt là chính sách và chiến lược phát triển giáo dục dựa trên nền tảng một nền giáo dục khai phóng. Ông giải thích:
“Tất cả mọi thứ ở Việt Nam đều ở dạng “nói vậy nhưng không phải vậy”, cho nên bây giờ dạy đạo đức bây giờ học trò nó nghe nó cứ buồn cười. Người lớn bây giờ không sợ pháp luật, trẻ con đi học cũng chả sợ pháp luật, sợ nội quy hay kỷ luật của nhà trường. Hễ có chuyện gì thì bố mẹ mang quà cáp đến cho thầy cô thì mọi cái lại đâu vào đấy.”
Theo Tạp chí Giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, cho rằng, để ngăn chặn và từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Qua đó, để xây dựng môi trường giáo dục  cũng như xã hội lành mạnh, không bạo lực, tạo điều kiện cho học sinh có đạo đức trong sáng và lành mạnh.
Xin mời quý độc giả xem Video : Kịch bản mới nhất của Bộ Chính trị khi Trung Quốc phát động chiến tranh trên Biển Đông
Nữ chuyên gia giáo dục thấy rằng, nguyên nhân của việc này là do các em thiếu hụt trầm trọng kỹ năng sống và đạo đức, do không được rèn luyện. Vì vậy việc đưa giáo dục kỹ năng sống vào trường phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 là việc làm cấp bách, để các em biết tôn trọng người khác, cũng như phải có ý thức lên tiếng hay đấu tranh trước tệ nạn này. Theo bà, đây là vấn đề chung cần có sự nỗ lực lớn của nhiều bộ phận trong xã hội. Bà nói:
“Cần nhớ rằng, mỗi hành vi ứng xử của học sinh trong cuộc sống thường ngày đều là hệ quả của giáo dục và đào tạo. Khái niệm giáo dục và đào tạo đề cập ở đây không giới hạn trong nội hàm nhà trường mà rộng hơn với ba yếu tố: Nhà trường – gia đình – xã hội.”
Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc tới Vụ Giáo dục Trung học, thuộc Bộ GD&ĐT để tìm hiểu về chủ trương giải quyết vấn đề này, song không nhận được sự trả lời.
Theo báo CAND, Tiến sĩ Phùng Khắc Bình, nguyên Vụ trưởng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy rằng, nhìn kiểu dáng hành hung, cách thức đánh nhau thì tôi thấy hiện tượng này vô cùng nguy hiểm. Nếu không xử lý ngay hậu quả lớn hơn nhiều, sẽ làm ảnh hưởng tới toàn bộ nhà trường và  làm rối loạn xã hội.
Anh Vũ
(RFA)

Đọc báo Pháp – 16/11/2016đ

Đọc báo Pháp – 16/11/2016

Bắt bộ trưởng Kinh Tế Nga,

Putin thanh lọc đội ngũ thân tín

Sự kiện bộ trưởng Kinh Tế Nga Alexeï Oulioukaïev bất ngờ bị bắt trong đêm 14 – sáng 15/11/2016 và bị truy tố cùng ngày vì tội tham nhũng, đồng thời bị quản thúc tại gia, trở thành tâm điểm của các nhật báo Pháp trong số ra ngày 16/11.
Nhật báo La Croix đánh giá “việc bắt giữ một chính trị gia “theo khuynh hướng tự do”, đượcTổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) dàn xếp, là một bước mới trong cuộc tranh giành quyền lực đang diễn ra tại Matxcơva”. Bộ trưởng Kinh Tế Alexeï Oulioukaïev trở thành nhà lãnh đạo Nga cao cấp nhất bị bắt, kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Chính Rosneft, tập đoàn đã mua lại hơn 50% cổ phiếu của công ty dầu khí nhà nước Bachneft, là bên kiện bộ trưởng Kinh Tế Nga nhận hối lộ hơn 2 triệu đô la. Tuy nhiên, theo trợ lý giám đốc thứ nhất của ngân hàng trung ương Nga, được La Croix trích dẫn, “những thông tin mà truyền thông cung cấp có vẻ rất mập mờ. Hiện chưa có điều gì rõ ràng”.
Bộ trưởng Kinh Tế Nga 60 tuổi nổi tiếng là một kinh tế gia tự do, một nhà bảo vệ các thương vụ tư nhân hóa và là nhà đấu tranh chống tham nhũng. Vẫn theo La Croix, tập đoàn Rosneft bị nghi ngờ đã “gài bẫy” vị bộ trưởng. Quả thực, tổng giám đốc tập đoàn, Igor Setchine, từng là nhân viên của KGB (tiền thân của Tổng cục An ninh Liên bang Nga/FSB hiện nay) và thuộc hàng ngũ siloviki, tức các đại diện của lực lượng an ninh luôn phản đối những người có khuynh hướng tự do và đứng trong hậu trường điện Kremlin.
Việc bắt giam ông Alexeï Oulioukaïev, vị bộ trưởng chưa bao giờ là người thân cận của tổng thống Putin, được cho là một cú đâm sau lưng nhằm vào những nhân vật theo chủ trương tự do. Là người chịu trách nhiệm theo dõi kế hoạch tư nhân hóa của chính phủ, có thể bộ trưởng Alexeï Oulioukaïev khiến các đối thủ lo lắng về lợi ích kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí. Thay vì đấu tranh chống tham nhũng, việc bắt giữ ông có vẻ như là đòn thanh toán nội bộ.
Nhận định về việc bắt giam và truy tố bất ngờ này, nhật báo Les Echos thẳng thắn nhận xét : “Putin đang dọn dẹp quanh mình”. Điều trung hợp là chỉ vài ngày trước khi bị bắt, bộ trưởng Kinh Tế Nga từng hoan nghênh việc chính quyền đột nhiên tỏ ra minh bạch về vấn đề nhân quyền, kể từ khi ông Sergueï Kirienko, cựu giám đốc tập đoàn nguyên tử Rosatom, tham gia đội ngũ hành chính. Thế nhưng, việc bắt giữ bộ trưởng Kinh Tế lại cho thấy “những thành phần cứng rắn nhất trong số siloviki đã tái xuất”.
Les Echos cho rằng tổng thống Nga đang “thành lập những đội ngũ mới tận tâm hơn”. Trước đó, một số nhân vật thân cận của tổng thống Putin đã rút lui khỏi cơ quan hành chính. Tháng 08/2016, Sergueï Ivanov đã rút khỏi ban điều hành đầy quyền lực của bộ máy hành chính điện Kremlin. Ngoài ra, còn phải kể đến Vladimir Iakounine, từng là một trong số 5 hay 6 nhân vật tai mắt của tổng thống, tiếp theo là Dmitri Zakhartchenko, cán bộ cao cấp của cơ quan chống tội phạm kinh tế, bị bắt giữ với 120 triệu euro. Cuối cùng, có thể nói đến trường hợp Andreï Belyaninov, ông chủ đầy quyền lực từ hàng chục năm của cơ quan hải quan liên bang, đã phải từ chức sau khi phát hiện nhiều khoản tiền lớn được giấu trong hộp đựng giầy tại nhà riêng.
Nhật báo kinh tế kết luận, những cuộc bắt giữ nhiều cán bộ trong ngành cảnh sát, quân đội và các đơn vị đặc biệt cho phép tổng thống làm mới đội ngũ siloviki với hai mục tiêu : chấm dứt những lạm dụng, loại bỏ mọi cán bộ cao cấp quá tham lam và hình thành những đội ngũ mới tận tâm hơn.

Nguy cơ Donald Trump phá thỏa thuận khí hậu

Trong khi lãnh đạo của khoảng 180 nước đang họp tại Marrakech, Maroc, trong khuôn khổ “COP22 nhằm cứu thỏa thuận Paris” về chống biến đổi khí hậu, sự kiện Donald Trump trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ trở thành một mối bận tâm mới, mà bài xã luận của La Croix gọi là “Mối rủi ro Trump”.
Thực vậy, trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ứng viên đảng Cộng Hòa quả quyết hiện tượng trái đất đang nóng lên là “tin thất thiệt” và hứa hủy thỏa thuận Paris với mục tiêu nhiệt độ trái đất tăng dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Cho đến nay, tổng thống vừa đắc cử Donald Trump vẫn chưa đưa ra phát biểu về chủ đề này. Vì, một mặt, ngành năng lượng tái tạo của Mỹ sử dụng đến 2,5 triệu lao động. Đây là lĩnh vực phát triển nhanh vì rất nhiều tiểu bang, doanh nghiệp, cơ quan hành chính địa phương và cá nhân đã sử dụng loại hình năng lượng này. Mặt khác, thỏa thuận Paris là một thách thức quan trọng đối với hai đối tác chính của Hoa Kỳ, là Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu. La Croix cho rằng, nếu cả ba bên tỏ ra liên kết chặt chẽ với nhau về thỏa thuận này, thì tổng thống tương lai của Mỹ cũng phải nhường bước.
Trong tương lai, chính quyền Trump có nguy cơ phản đối từng bước. Washington sẽ để mặc các mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà chính quyền tiền nhiệm Obama đã ký kết và chỉ tài trợ rất nhỏ cho các chương trình thích nghi với biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại các nước đang phát triển, theo dự tính có ngân sách từ 130 tỉ đến 280 tỉ euro mỗi năm từ nay đến năm 2030.

Một bộ phận dân Mỹ tiếp tục chống Trump

Người dân Mỹ vẫn chưa hết sốc trước chiến thắng của nhà tỉ phú thuộc đảng Cộng Hòa, Donald Trump, dù ngày 14/11, tổng thống Barack Obama kêu gọi người dân chấp nhận kết quả bầu cử. Bằng chứng là nhiều cuộc biểu tình chống Trump vẫn tiếp diễn ở Hoa Kỳ.
Theo trang nhất nhật báo Le Monde, các cuộc biểu tình này diễn ra dưới một góc độ mới : Đa số các nhà đối lập với tổng thống mới đắc cử thuộc đảng Cộng Hòa không còn phản đối kết quả bầu cử, nhưng họ muốn tập hợp nhau lại và trấn an về các giá trị “bất dịch” của nước Mỹ.
Vẫn theo Le Monde, từ sau cuộc bầu cử tổng thống, một bộ phận nước Mỹ chìm trong lo lắng. Nhiều “bức tường đồng cảm” đã xuất hiện tại California, giống như tại New York sau sự kiện 11/09/2001. Thêm vào đó là nhiều vụ gây rối bài ngoại xảy ra từ 08 đến 11/11. Một số người ủng hộ ứng viên đảng Dân Chủ vẫn không từ bỏ hy vọng thay đổi kết quả bầu cử bằng cách đăng bản kiến nghị trên trang Change.org với khẩu hiệu “Cùng để Hillary Clinton trở thành tổng thống ngày 19/12”.
Sau cơn “địa chấn” Trump, tổng thống Obama trấn an thế giới
Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Hy Lạp của chuyến công du thế giới cuối cùng với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ, ông Obama đã tìm cách trấn an các đồng minh của Mỹ về chính sách ngoại giao của người kế nhiệm khi đánh giá ông Donald Trump là một người “thực dụng”.
Theo Le Figaro, đây là “nhiệm vụ” đáng ngạc nhiên vào cuối nhiệm kỳ của người đứng đầu Nhà Trắng. Tuy nhiên, “Sau cú sốc Trump, Obama cảnh báo châu Âu về “khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa thô thiển” là một bài trang nhất của Le Figaro.

Bầu cử tổng thống Pháp 2017 : Cuộc đua tăng tốc

Chỉ còn vài ngày trước kỳ bỏ phiếu sơ bộ của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR), nhật báo Le Monde chạy trên trang nhất hàng tựa lớn : “Cánh hữu đối mặt với thách thức Mặt Trận Quốc Gia”.
Nhận xét này rất đúng vì, cả hai ứng viên sáng giá Nicolas Sarkozy và Alain Juppé đều biến khả năng đánh bại Marine Le Pen, thuộc đảng dân túy Mặt Trận Quốc Gia (Front national, FN), tại kỳ bầu cử tổng thống thành lập luận chính trong suốt chiến dịch vận động tranh cử tại vòng sơ bộ.
Theo kết quả thăm dò, thị trưởng Bordeaux Alain Juppé sẽ đạt được tỉ lệ bầu cao hơn Marine Le Pen tại hai vòng bầu cử tổng thống vào tháng 05/2017. Ngược lại, để níu kéo những cử tri của đảng Những Người Cộng Hòa bị Mặt Trận Quốc Gia lôi kéo, cựu tổng thống Pháp Sarkozy ngày càng có những phát biểu gần với tinh thần của đảng FN.
Nhật báo kinh tế Les Echos dành ba trang đầu cho “bầu cử tổng thống 2017 với cuộc đua đang được tăng tốc”. Tờ báo lần lượt điểm ba nhân vật trên trang nhất : cựu bộ trưởng Kinh Tế Macron tham gia cuộc đua mà không cần chờ tổng thống Hollande, trong khi đó thị trưởng Bordeaux Alain Juppé thì củng cố thành trì chống lại chủ nghĩa dân túy, cuối cùng cựu thủ tướng Fillon nhận được sự ủng hộ ngày càng nhiều và ngáng bước Sarkozy. Về cựu bộ trưởng Kinh Tế, nhật báo Le Figaro nhận định trên trang nhất : “Bầu cử tổng thống : Macron tăng tốc trước Hollande và Valls”.
Đảng dân túy Mặt Trận Quốc Gia là chủ đề chính trên trang nhất và mục “Sự kiện” của Libération. Với hàng tựa lớn : “Le Pen trong thời kỳ ẩn dật”, nhật báo thiên tả cho rằng FN đang âm thầm xây dựng đội biệt kích cho cuộc bầu cử tổng thống 2017.

Lịch sử “cuốn cẩm nang” của chủ nghĩa Mao

Chỉ dài 10 cm và rộng 7 cm, với trọng lượng tương đương một chiếc bật lửa, dầy bằng một hộp diêm và có thể cất được trong túi áo đồng phục, khoảng 5 tỉ bản Mao Tuyển đã được in ra từ năm 1965 đến 1979.
Chuyên mục “Sách” của nhật báo Le Monde giới thiệu cuốn Histoire du Petit Livre rouge (tạm dịch: Lịch sử Sách đỏ) của Pascale Nivelle, từng là thông tín viên của báo Libération tại Bắc Kinh từ 2006-2009 và là cộng tác viên của tạp chí “M” của Le Monde. Cuốn sách nhắc lại quá trình truyền bá “quả bom tinh thần”, theo cách gọi của bộ Quốc Phòng Trung Quốc năm 1966. Với mục đích phục vụ lý tưởng toàn trị, bạo lực và chủ nghĩa Mao, cuốn “cẩm nang” với trang bìa đỏ chói đã đi theo và trở thành biểu tượng cho cuộc Cách Mạng Văn Hóa Trung Quốc.
Theo tác giả cuốn Lịch sử Sách đỏ, đã 50 năm kể từ cuộc Cách Mạng Văn Hóa 1966 và 40 năm sau ngày Mao Trạch Đông mất, nhưng việc nhắc lại sự mù quáng tập thể gắn liền với tập Mao Tuyển vẫn là điều có ích, bởi tư tưởng Mao hiện đang trở thành nguồn cảm hứng cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tham vọng thâu tóm quyền lực.

Tin đọc nhanh

AFP – Hoàng tử Anh tới Hà Nội dự hội nghị về buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam, nước vẫn bị coi là trọng điểm buôn bán động thực vật hoang dã quý hiếm, tổ chức một diễn đàn có quy mô lớn với sự tham dự của 40 nước và các tổ chức phi chính phủ. Hôm nay, 16/11/2016, hoàng tử Anh William có cuộc hội kiến với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
AFP – LHQ lên án Bình Nhưỡng lấy quỹ cứu trợ dùng cho quân sự. Một ủy ban đặc trách nhân quyền của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 15/11/2016 lên án Bắc Triều Tiên lấy ngân quỹ có thể dùng để giảm nhẹ khủng hoảng nhân đạo trong nước, để chi phí cho các chương trình hạt nhân và tên lửa. Dự thảo nghị quyết do Nhật và Liên Hiệp Châu Âu đề xuất, đã được ủy ban thông qua và sẽ được đưa ra LHQ bỏ phiếu vào tháng 12/2016. Trung Quốc, đồng minh của Bình Nhưỡng, cùng Nga, Syria, Iran và Cuba, đã tuyên bố giữ khoảng cách với dự thảo.
Reuters - Quốc Hội Mỹ gia hạn trừng phạt Iran. Với 419 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Hạ Viện Mỹ ngày 15/11/2016 thông qua quyết định gia hạn 10 năm các biện pháp trừng phạt Teheran theo luật « Iran Sanctions Act – ISA », hết hạn vào ngày 31/12 tới. Bộ luật ISA được thông qua năm 1996 nhằm răn đe Teheran theo đuổi chương trình hạt nhân quân sự. Một dự luật thứ hai cũng đã được Hạ Viện thông qua cùng ngày, dự trù các biện pháp trừng phạt Syria và các đồng minh, chủ yếu là Nga và Iran.
AFP - Thổ Nhĩ Kỳ lại tố cáo truyền thông phương Tây ủng hộ phe đảo chính. Ông Erdogan nhắc lại cáo buộc này ngày 15/11/2016, nhân buổi khai trương đài truyền hình TRT World, một đài mới của Nhà nước phát bằng tiếng Anh. Tổng thống Thổ một lần nữa tố cáo báo chí phương Tây biểu lộ thiện cảm đối với giáo sĩ Fethullah Gülen, đang lưu vong tại Mỹ, bị Ankara cho là chủ mưu vụ đảo chính hụt tháng 7/2016. Đài TRT World được ông Erdogan mệnh danh là « cánh cửa sổ mới mở ra thế giới », để nói lên « sự thật » về Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế, đài này đã hoạt động từ tháng 3/2015.
AFP - Thế giới có hơn 1 tỷ người bị cao huyết áp. Số lượng người mắc chứng cao huyết áp trên thế giới đã tăng gấp đôi trong vòng 40 năm qua, đa số ở các nước đang phát triển, chủ yếu tập trung tại châu Á. Trên đây là thông tin của một nghiên cứu khoa học vừa được công bố hôm nay trên tạp chí Y học của Anh The Lancet. Cao huyết áp là nguyên nhân chính dẫn tới tai biến mạch máu não và những bệnh tim mạch khác, làm 7,5 triệu người chết mỗi năm trên thế giới.

Tin Biển Đông – 16/11/2016

Tin Biển Đông – 16/11/2016

Nhật cấp cho Malaysia hai tàu tuần duyên

Hôm nay, 16/11/2016, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo là Tokyo sẽ cấp cho Kuala Lumpur 2 tàu tuần duyên, một hành động mà thủ tướng Malaysia Najib Razak hoan nghênh như là một sự trợ giúp để thúc đẩy ổn định ở vùng Biển Đông.
Hai vị thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết hiệp định trao 2 tàu cũ được sửa chữa lại của lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho Cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Malaysia.
Thủ tướng Malaysia đã đến Nhật Bản hôm qua, mở đầu chuyến viếng thăm 3 ngày tại nước này, chỉ vài tuần sau khi công du 6 ngày ở Trung Quốc, trong đó ông đã đồng ý mua 4 tàu tuần duyên của Trung Quốc. Đây được coi là thỏa thuận quốc phòng quan trọng đầu tiên giữa hai nước.
Thủ tướng Najib cho biết trong cuộc hội đàm hôm nay ông đã đề cập với thủ tướng Abe vấn đề Biển Đông, khẳng định rằng “Malaysia sẽ tiếp tục góp phần bảo đảm cho Biển Đông trở thành một vùng của hòa bình và ổn định”.
Cuộc hội đàm giữa hai vị thủ tướng Malaysia và Nhật Bản cũng bàn về dự án đường xe lửa cao tốc giữa Singapore với Kuala Lumpur, dự kiến sẽ được xây dựng vào năm 2026. Hai nước láng giềng Đông Nam Á dự trù sẽ đúc kết một hiệp định song phương về dự án này vào tháng 12 tới.
Tokyo đã tỏ vẻ rất quan tâm đến dự án đường xe lửa cao tốc nói trên, với hy vọng chính phủ hai nước Singapore và Malaysia sẽ sử dụng hệ thống xe lửa cao tốc Shinkansen của Nhật. Thủ tướng Najib đã bảo đảm với thủ tướng Abe rằng tiến trình đấu thầu quốc tế cho dự án này sẽ được tiến hành một cách công bằng và minh bạch.

Bắc Kinh dùng ngư dân Hải Nam

để xác quyết đòi hỏi lãnh thổ ở Biển Đông

Trung Quốc có đội tàu thuyền đánh cá lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nhiệm vụ của đội tàu này không chỉ giới hạn trong các hoạt động đánh bắt hải sản. Vốn nuôi tham vọng trở thành cường quốc biển, Bắc Kinh cho rằng các ngư dân đóng vai trò quan trọng. Trong bối cảnh đó, ngư dân Hải Nam (Hainan) được khuyến khích chiếm giữ các vị trí tiền đồn và cho phép Trung Quốc kiểm soát được hầu như toàn bộ Biển Đông.
Liên quan đến chủ đề này, thông tín viên đài RFI Heike Schmidt có bài phóng sự về các hoạt động ngư nghiệp tại cảng Đàm Môn (Tanmen), Hải Nam, Trung Quốc. Các cuộc trao đổi với nhiều nhân chứng tại đây đều được ghi âm lén.
Nguồn hải sản gần bờ khan hiếm
Vào một buổi sáng, khi các thuyền đánh cá vừa cập bến, người ta tranh nhau xuống chọn mua cá thu và đó là loại cá đánh bắt gần bờ. Một thương nhân buôn cá cho biết là cá ngày càng ít và bé. Trong tương lai thì sẽ còn ít hơn.
Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc mỗi năm chỉ cấm đánh bắt trong hai tháng. Có thể từ năm tới, lệnh cấm kéo dài tới bốn tháng. Thế nhưng nhu cầu của Trung Quốc về hải sản không ngừng tăng. Trung Quốc tiêu thụ khoảng một phần ba tổng sản lượng hải sản đánh bắt trên thế giới. Theo Ngân Hàng Thế Giới, từ nay đến 2030, nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng thêm 30%. Do đó, các ngư dân nước này ngày càng đi xa hơn. Họ cố tình không đếm xỉa đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực – La Haye, được công bố ngày 12/07/2016, có lợi cho Philippines, thừa nhận Manila có quyền đối với một phần của vùng biển mang tính chiến lược này.
Để đáp ứng nhu cầu, khoảng 800 tàu đánh cá của ngư dân Hải Nam phải đi xa hơn, thậm chí đến tận vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bất chấp sự phản đối, tức giận của Việt Nam, Philippines. Một ngư dân Hải Nam thừa nhận : « Đánh bắt gần bờ thì không có vấn đề gì, nhưng khi chúng tôi đi xa hơn, người nước ngoài xua đuổi và ngăn cản vì họ không muốn chúng tôi đánh bắt ở đó ».
Cô Lâm Xuân Yến (Lin Chunyan) rất tự hào là thành viên một gia đình có nhiều thế hệ là ngư dân ở Hải Nam vì họ được coi là những anh hùng, dám đương đầu với tuần duyên nước ngoài. Cô nói : « Những người trong gia đình tôi thường xuyên đi đánh bắt cá khoảng hai tháng, họ đi tới các bãi đá Nansha (Trường Sa – Spratly). Chính phủ khuyến khích họ tới đó. Trên thực tế, đó là nhằm bảo vệ vùng biển. Nhiều thế hệ ngư dân Đàm Môn, Hải Nam tới đó đánh bắt hải sản. Đích thân chủ tịch Tập Cận Bình tới đây để ủng hộ chúng tôi ».
Khuôn mặt cô Lâm tươi hẳn lên khi kể lại chuyện chủ tịch Trung Quốc tới Hải Nam hồi tháng Tư năm 2013 : « Chuyến thăm của chủ tịch thật là hoành tráng. Chúng tôi đã nồng nhiệt đón tiếp ông. Chủ tịch căn dặn chúng tôi phải chú ý vấn đề an ninh. Chúng tôi rất vui mừng là chủ tịch đến tận đây để động viên chúng tôi và chúng tôi rất phấn khởi ».
Để tưởng nhớ sự kiện này, một tấm áp phích khổng lồ được dựng lên ngay khu ngã tư trung tâm thành phố có 30 ngàn dân. Trên ảnh, người ta thấy quây quần quanh chủ tịch Tập Cận Bình là các ngư dân Trung Quốc tươi cười, nét mặt thể hiện quyết tâm bảo vệ tổ quốc, những ngư dân yêu nước, sẵn sàng giương cờ Trung Quốc trên Biển Đông.
Bắc Kinh hỗ trợ tài chính cho ngư dân đánh bắt xa bờ
Một ngư dân chỉ cho phóng viên RFI bốn chiếc tàu cá lớn và cho biết đó là quà của chủ tịch Tập Cận Bình tặng cho ngư dân Đàm Môn. Chủ tịch Trung Quốc đã cảm ơn các ngư dân và kêu gọi họ hãy tới tận Nam Sa (tức Trường Sa) để vừa đánh bắt cá vừa bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Trung Quốc. Chính vì thế, các ngư dân Đàm Môn cảm thấy yên tâm và không sợ gì cả.
Theo phóng viên Heike Schmidt, đây không phải là những chiếc tàu đánh cá bình thường mà là tàu của du kích biển, một tổ chức bán vũ trang được quân đội huấn luyện. Ông Lâm Vĩnh Hâm (Lin Yongxin), thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia, trụ sở tại Hải Nam, cho biết :
« Tại tỉnh Hải Nam, chúng tôi có rất nhiều du kích dự bị. Chúng tôi cải thiện khả năng phòng thủ của hải quân. Trong thời gian qua, đã từng xẩy ra các vụ đụng độ. Người ta bắn vào ngư dân của chúng tôi. Do vậy, các ngư dân cần chính phủ bảo vệ họ. Tàu vỏ gỗ quá mong manh. Chính phủ khuyến khích ngư dân trang bị tàu vỏ sắt, vững chắc, vừa chống chọi với sóng bão, vừa chống lại được các vụ bị quân lính Philippines tấn công ».
Tàu vỏ sắt vững chắc rất cần cho hải quân Trung Quốc xây dựng cái gọi là « vạn lý trường thành bằng cát » ở Biển Đông. Các bãi đá, san hô được cải tạo, bồi đắp thành các đảo nhân tạo, trên đó có các phi đạo và cảng quân sự. Ông Lâm giải thích tiếp: « Các ngư dân đóng vai trò quan trọng trong việc bồi đắp các bãi đá. Trong giai đoạn bị cấm đánh bắt cá, thì việc tham gia bồi đắp đảo nhân tạo mang lại một nguồn thu bổ sung cho ngư dân, giúp họ nuôi gia đình ».
Từ năm 2014, khoảng năm chục tàu vỏ gỗ được gia cố thành tàu vỏ sắt. Với trợ cấp của Nhà nước, khoảng ba chục tàu, có trọng tải 500 tấn, đang được đóng, một số đã được bàn giao. Các ngư dân tránh không nói nhiều tới trợ cấp của Nhà nước. Chọn lúc vắng người, ông Lí Hiền Lâm (Li Lin Xun) thổ lộ : « Các ngư dân vẫn liên tục tới đó (những nơi bồi đắp đảo nhân tạo). Ví dụ, chủ một con tàu như thế này sẽ được trợ cấp một khoản tương đương với 1500 € mỗi tháng. Nếu ở lại đó hai tháng thì sẽ được khá nhiều tiền. Đánh cá hay không, các tàu đều được trợ cấp, miễn là có mặt trong khu vực đó. Trung Quốc có khá nhiều tiền và không sợ bất cứ nước nào cả ».
Nếu đi đến bãi Scarborough mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham (Huangyan), nơi đang có tranh chấp với Philippines, một con tàu có trọng tải 500 tấn, có thể được trợ cấp tới 10 000 € trong chuyến đi đầu tiên và 5000 € cho mỗi chuyến sau đó.
Ngư dân Đàm Môn trên tuyến đầu
Năm nay đã 61 tuổi, Lí Hiền Lâm muốn nghỉ ngơi. Nhưng lúc còn trai trẻ, ông chấp nhận mạo hiểm, đi xa đánh bắt hải sản quý hiếm. Ông kể lại là khi khoảng ba mươi tuổi, ông đã bị phía Philippines bắt giam hai năm, sống rất khổ cực trong tù, vì đã đánh bắt rùa biển. Ngư dân Trung Quốc tới Scarborough và các vùng biển xa không chỉ đánh bắt cá mà cả các hải sản quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng, như sò tai tượng vì bán được rất nhiều tiền.
Đàm Môn là thủ đô sò tai tượng trên thế giới và đắt nhất là sò tai tượng ở Scarborough. Ông Lí nói rằng ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở đây từ hàng chục năm nay. Ngư dân Việt Nam không ra được vì chỉ có thuyền gỗ nhỏ.
Ngư dân Đàm Môn luôn ở tuyến đầu trên mặt trận biển. Năm 2012, tám tàu cá Trung Quốc thách thức tàu chiến Philippines tại Scarborough và nhờ vậy Bắc Kinh đã kiểm soát được bãi san hô này. Năm 2014, Trung Quốc và Việt Nam đã đối mặt với nhau sau khi Bắc Kinh cho đặt giàn khoan HD 981 gần Hoàng Sa. Trong vụ này, ngư dân Đàm Môn cũng ở tuyến đầu.
Trao đổi với Heike Schmidt, ngư dân Lâm Phong (Lin Feng) cho biết từ khi Bắc Kinh đứng ra bảo đảm an ninh cho các ngư dân, thì họ tỏ ra yên tâm. « Không còn lo ngại gì nữa, phía Philippines không dám tấn công chúng tôi nữa. Nếu xẩy ra bất kỳ sự cố nào, ngư dân chỉ việc gọi lực lượng tuần duyền và họ tới ngay lập tức Xisha (Hoàng Sa – Paracel) và Nansha (Trường Sa). Tuần duyên Philippines không được trang bị đầy đủ và các đội tàu tuần duyên của chúng tôi giám sát khu vực này để bảo vệ ngư dân ».
Trong quán ăn hải sản Bafang, thực đơn rất phong phú, tôm, cua, mực xào dòn. Trên tường có dán một tấm bản đồ lớn vẽ vùng biển Trung Quốc tiến sát gần bờ biển của Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia. Làm thế nào để chứng minh rằng đó là vùng biển của Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Lâm Vĩnh Hâm thì từ thế kỷ XIV, ngư dân Đàm Môn đã đến tận Hoàng Sa và Trường Sa để đánh bắt hải sản.
« Từ triều đại nhà Minh (Ming), nhà Thanh (Qing), ngư dân Trung Quốc đã đi đánh bắt hải sản ở biển Hoa Nam – Biển Đông. Trên các nhật ký hải trình, họ đã đánh dấu các tuyến đường qua lại, ghi lại khoảng cách giữa các bãi đá. Các nước khác không có những bằng chứng lịch sử này ».
Tầu đánh cá hay tầu du kích biển ?
Theo truyền thông của Nhà nước, thì thuyền trưởng Tô Chánh Phấn (Su Chengfen), 81 tuổi, ở Đàm Môn, là một trong những người hiếm hoi tìm thấy một cuốn hải trình – Genglubu – viết cách nay 600 năm. Khi phóng viên RFI tới gặp thì ông Su lại tỏ ra kín đáo, ít nói. Ông cho biết ngắn gọn là nếu muốn nhìn thấy cuốn hải trình và nghe kể lại câu chuyện tìm thấy tập tài liệu quý giá này, thì cần phải có một cán bộ của Đảng đi tháp tùng nhà báo. Sau hơn một giờ thuyết phục nhà chức trách tại trạm cảnh sát Đàm Môn, khi phóng viên RFI quay lại, thì ông Tô đã đi vắng.
Hy vọng là trong tương lai, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng cuốn hải trình quý báu này tại Viện bảo tàng quốc gia về Biển Đông, rộng khoảng 3000 mét vuông, hiện đang được gấp rút hoàn thành. Chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn có một viện bảo tàng như vậy tại Đàm Môn.
Trung Quốc không ngần ngại chi tiền thực hiện các dự án khổng lồ để chứng tỏ sức mạnh hàng hải của mình. Tân cảng Sanya (Tam Á) vừa được xây dựng cách Đàm Môn khoảng ba giờ đi xe hơi. Đối diện với khu hậu cần cực kỳ hiện đại là bến cảng nơi neo đậu khoảng một chục tàu, trên đó có đầy đủ các thiết bị phục vụ đánh bắt cá như lưới, đèn cực sáng cho đánh bắt ban đêm.
Thế nhưng, đoàn thủy thủ lại mặc quân phục và trông chẳng có gì giống ngư dân. Họ xua đuổi phóng viên RFI và không cho chụp ảnh. Phải chăng đó là tàu của hải quân hoặc du kích biển, được ngụy trang thành tàu đánh cá. Một người dân đứng gần đó nói nhỏ với Heike Schmidt: « Các tàu đậu ở đây là để bảo vệ chủ quyền, vùng biển của Trung Quốc. Tàu không dùng để đánh cá. Đó là những con tàu của Nhà nước. Nếu xẩy ra đụng độ va chạm, các tàu này bảo vệ ngư dân cũng như chủ quyền của nước chúng tôi ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã tuyên bố : « Bắc Kinh cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh nhân dân ở Biển Đông ». Và các ngư dân Trung Quốc đã được huy động vào cuộc chiến này.
Powered by Blogger.