Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Lam Phương, người viết sử bằng nhạc

Friday, December 25, 2020 // ,

VOA - BẠN ĐỌC LÀM BÁO

24/12/2020


Lam Phương trong một chương trình âm nhạc tại Dallas. (Hình: Đinh Yên Thảo)


Đinh Yên Thảo


Hai tháng cuối năm liên tiếp, người thưởng ngoạn lại bùi ngùi chia tay với những nhạc sĩ của một thế hệ vàng còn sót lại của Việt Nam. Tháng 11 chia tay nhạc sĩ Lê Dinh và những ngày cuối năm 2020 này là nhạc sĩ Lam Phương.

Ông biến âm tên thật của mình, Lâm Đình Phùng thành Lam Phương, mà ông hay ai đó đã giải thích là mang ý nghĩa "phương trời của màu xanh hy vọng". Hy vọng cho một quê hương thanh bình, không chinh chiến, điêu linh. Hy vọng về hạnh phúc con người không gãy đổ, chia lìa. Nhưng hy vọng hay mơ ước là phạm trù cảm xúc, còn định mệnh lịch sử là sự thật của thời gian. Chúng chẳng song hành.

Chẳng tranh cãi gì khi bảo ông là một trong những nhạc sĩ kiệt xuất và đại chúng hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam. Với nhiều cung bậc xúc cảm và dòng nhạc khác nhau, Lam Phương là chứng nhân cho quê hương, cho số phận con người như vậy.

Nếu Khúc Ca Ngày Mùa, Trăng Thanh Bình.. là dòng nhạc quê hương êm đềm thì chúng khác hẳn dòng nhạc lưu xứ da diết như Chuyến Tàu Định Mệnh, Chiều Tây Đô, Sầu Viễn Xứ... Tiết tấu những bản nhạc tình thổn thức như Cỏ Úa, Lầm, Buồn Không Em... đối nghịch hoàn toàn với Thiên Đàng Ái Ân, Bài Tango Cho Em... lắm rộn ràng. Và hai bản nhạc ở mặt nào đó được xem là biểu tượng của Lam Phương là Thành Phố Buồn và Cho Em Quên Tuổi Ngọc là hai thái cực, giữa một bolero rất Việt và nhạc phẩm thính phòng mang đầy âm hưởng Tây phương. Những bản nhạc đủ hay thừa để trung tâm Thúy Nga Paris thực hiện đến bốn chương trình cho riêng ông, hình như không có người nhạc sĩ thứ hai nào được vậy.

Nên không ngạc nhiên khi mỗi người thưởng ngoạn đều có một hay vài bản nhạc Lam Phương mà mình đặc biệt yêu thích. Với tôi là Chiều Tây Đô, bởi nó là một bản nhạc gắn bó với kỷ niệm và cảm xúc riêng tư.

Sáu năm trước, Dallas có tổ chức một chương trình nhạc Lam Phương, một trong những chương trình âm nhạc có đông đảo khán giả tham dự nhất tại thành phố này. MC Nguyễn Ngọc Ngạn có hẹn mời chúng tôi ra uống cà phê trò chuyện nơi khách sạn ông ngụ. Uống xong cà phê, nhạc sĩ Lam Phương mới xuống. Ông không nói được nhiều mà chỉ cười. Như trên sân khấu và ngoài đời. Nụ cười hiền hòa, bình an như những bản nhạc quê hương thanh bình, đôn hậu của ông.

Nhưng đàng sau nụ cười đó là những sóng gió, trắc trở và thăng trầm. Như số phận của quê hương, của không ít người. Trong gần bảy chục năm qua, ông vô tình làm công việc một nhà sử học, ghi lại tất cả những cột mốc, sự việc và cảm xúc theo giòng lịch sử qua trên dưới 200 bản nhạc của mình. Một bộ sử nhạc đồ sộ và quý giá của nước Việt mà ông đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam.

Xin cảm ơn và chia tay nhạc sĩ Lam Phương. 

Mỹ: Vụ nổ xe ở Nashville là ‘hành động cố ý’

VOA

25/12/2020


Hiện trường vụ nổ ở Nashville.


Cảnh sát cho biết rằng vụ nổ xe ở trung tâm thành phố Nashville, thủ phủ tiểu bang Tennessee, sáng ngày 25/12 là một “hành động cố ý” và cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, theo Reuters.

Tin cho hay, ba người được đưa tới bệnh viện, nhưng không ai trong tình trạng nguy kịch.

Cảnh sát không tiết lộ động cơ của vụ nổ đã phá hủy một vài chiếc xe khác cũng như làm hư hại một số tòa nhà.

Người dân ở cách xa hiện trường vài km vẫn có thể nhìn thấy khói đen bốc lên.

Theo Reuters, ông Andrew McCabe, cựu phó giám đốc FBI, nói với kênh CNN rằng một vụ nổ với quy mô như vậy sẽ bị điều tra về khả năng khủng bố.

Ông này được trích lời nói thêm rằng có thể cảnh sát là mục tiêu vì họ đang có phản ứng sau khi nhận được tin về một chiếc xe đáng ngờ thì nó phát nổ.

Khi được CNN phỏng vấn, ông McCabe nói chưa rõ liệu thời gian xảy ra đúng ngày Giáng sinh có phải là một yếu tố trong vụ nổ này hay không.

Ông nói thêm rằng các nhà điều tra sẽ xem xét khả năng một tòa nhà nào đó trong khu vực là mục tiêu.

Thị trưởng của Nashville, ông John Cooper, kêu gọi người dân tránh xa khu vực trung tâm trong khi cảnh sát và nhân viên liên bang tiến hành điều tra. 

Noel 2020 : Vui buồn ngày Chúa giáng trần

 RFI

Đăng ngày: 

Tòa đô chính Paris (Pháp) trang hoàng đón Giáng Sinh 2020. Ảnh chụp ngày 20/12/2020.
Tòa đô chính Paris (Pháp) trang hoàng đón Giáng Sinh 2020. Ảnh chụp ngày 20/12/2020. REUTERS - GONZALO FUENTES
Tú Anh
8 phút

Giáng Sinh lại đến trong bối cảnh thế giới nằm trong vòng vây Covid-19. Châu Âu thoát hiểm hậu Brexit. Đức giáo hoàng kêu gọi tín đồ tương thân với người nghèo. Tổng thống Donald Trump với các quyết định của giờ thứ 25 gieo rắc xáo trộn tại Mỹ là những sự kiện trên báo Pháp ngày 25/12/2020.

Thông điệp Giáng Sinh

Trừ Le Monde và Libération phát hành sớm, hầu hết báo chí thủ đô đón Giáng Sinh trên mạng.

La Croix với hai hàng tựa lớn : Trong thông điệp Giáng Sinh, đức giáo hoàng nhắc nhở tín đồ Thiên chúa giáo đừng quên « hài đồng Jesus ra đời và bị hất hủi để nói với chúng ta rằng những người bị hất hủi là con của Đức Chúa Trời ». Tin mừng thứ hai, theo nghĩa thế tục : « Bruxelles và Luân Đôn đạt được thỏa thuận hậu Brexit vừa đúng lúc, trước Giáng Sinh ».

Nhật báo Công giáo cho rằng trong trao đổi thương mại với Anh Quốc, nước Pháp thắng lợi. Đó cũng là nhận định của Les Echos. Nhật báo kinh tế cho biết thêm « trong năm qua, cán cân mậu dịch nghiêng về phía Pháp đến 12 tỷ euro. Nếu không có thỏa thuận hậu Brexit để duy trì thông thương giữa châu lục và quốc đảo, tình hình sẽ khó khăn cho cả hai bên ».

Cũng cùng nhận định, Le Figaro tóm tắt một số chi tiết (trong thỏa thuận 2000 trang) về mối quan hệ Anh Quốc và châu Âu trong tương lai, đặc biệt là về thị trường và ngư nghiệp. Trong số các phản ứng lý giải thành công này, tổng thống Pháp cho đây là thành quả của tinh thần « đoàn kết và kiên quyết của châu Âu ».

Như để dự báo sớm muộn gì Luân Đôn cũng nhượng bộ trên hồ sơ gai góc nhất trong cuộc đàm phán việt dã, Le Monde trình bày bản đồ quản lý ngư nghiệp chung từ 40 năm nay và phân tích vì sao một Brexit không thỏa hiệp về hoạt động đánh cá sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân Anh. Chỉ cần một con số ấn tượng : 76% hải sản đánh bắt được xuất khẩu qua thị trường châu Âu.

Về thời sự quốc tế, Le Monde đưa độc giả đi một vòng thế giới : Israel và Ả Rập Thống Nhất xây dựng trục chiến lược mới : ngọc trai, dầu hỏa, du lịch, Israel là động cơ giúp Dubai tăng trưởng. Israel có thêm một đồng minh trong thế trận đối đầu với Iran.

Cũng trong xu hướng chống lại Hồi giáo, tại Ấn Độ, thủ tướng  Modi khai thác phong trào cực đoan trong Ấn Độ giáo : Đứng đầu bang Uttar Pradesh, bang đông dân nhất Ấn Độ, Yogi Adiyanath, tu sĩ cực đoan lan truyền giáo lý Hinduvat, ý thức hệ công khai kỳ thị người tranh đấu nhân danh đạo Hồi.

Tổng thống Mỹ ân xá « đồng minh »

Vào giờ thứ 25 của nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ Donald Trump ân xá hoặc giảm án một loạt 46 người đang bị tư pháp Mỹ trừng phạt. Ông cũng phủ quyết một dự án ngân sách quốc phòng và ngăn chặn kế hoạch vực dậy kinh tế.

Vì sao những người dính líu vào nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016 cũng như người thân phạm pháp, thậm chí biển thủ tiền vận động tranh cử đang bị tù được tổng thống Donald Trump tha tội ?

Với loạt ân xá này, công lao điều tra mẫn cán của chưởng lý đặc biệt Robert Muller suốt 22 tháng bị trôi sông trôi biển. Trong danh sách cũng có những người thân cận trong gia đình Trump.

Theo Le Monde, hành động ân xá này chỉ nhằm mua sự im lặng của những kẻ biết quá nhiều về Donald Trump, hoặc bạn bè, hoặc trong gia đình hoặc trong đảng Cộng Hòa bị pháp luật chiếu cố. Trong vòng một năm thôi, chủ nhân Nhà Trắng đã ân xá cho hầu như tất cả những người thuộc thành phần này nhưng danh sách rất có thể dừng lại ở đây.

Donald Trump đã nhận được nhiều yêu cầu ân xá trong đó có Julian Assange (Wikileak) và cựu nhân viên điệp báo Edward Snowden. Tuy nhiên, theo CNN, chủ nhân Nhà Trắng dường như tính đến chuyện miễn trừ tư pháp cho hoàng thái tử Ả Rập Xê Út Mohamed Ben Salman, người bị CIA cáo buộc đích danh ra lệnh thủ tiêu nhà báo đối lập Jamal Khashoggi.

Dường như để nhấn mạnh đến yếu tố tính toán ích kỷ cho mình và cho phe nhóm của tổng thống mãn nhiệm, Libération dành hai bài phóng sự về nhà tù tại Mỹ và đặc biệt là trường hợp của nữ tử tội Lisa Montgomery, đang chờ bị xử tử. Liệu Donald Trump sẽ ân xá cho kẻ bị tâm thần này ?

Covid-19, vừa là cứu tinh vừa là đao phủ, ảnh hưởng đến việc thi hành án. Đại dịch làm chậm khoảng 75% vụ hành quyết nhưng cùng lúc giết chết hàng trăm tù nhân.

Tại Nga, tổng thống Putin lo ân xá cho mình trước. Đó là tựa bản tin trên Libération.

Phụ nữ khoa học gia : Càng cao danh vọng, càng nhiều gian nan

Libération đặc biệt Giáng Sinh trong bối cảnh đại dịch không quên những người phụ nữ trong ngành khoa học, cho dù là những bác sĩ, những chuyên gia nghiên cứu hàng đầu, không ít người vẫn bị đồng nghiệp nam giới kỳ thị.

Nhật báo thiên tả giới thiệu ba khuôn mặt tiêu biểu, đồng tác giả một bài « chứng nhân » trên tạp chí y học The Lancet, tố cáo nạn khủng bố tinh thần qua mạng internet trong thời kỳ Covid-19 cũng như tình trạng phụ nữ thiếu đại diện trong giới y khoa : giáo sư Alexandra Calmy, siêu vi trùng học, bác sĩ  Caroline Samer, động dược di truyền học, cả hai thuộc đại học Y khoa Genève và Karine Lacombe, giám đốc bệnh truyền nhiễm, bệnh viện Saint-Antoine Paris.

Trong số những « bình luận » mang tính khinh thường có lời lẽ như sau : Bà có chắc là đậu bằng cấp một cách bình thường không sử dụng đến thủ thuật của đàn bà chăng ?

Trong bài xã luận « STOP », nhật báo thiên tả nhận định « năm 2020 đúng là một năm suy đồi ». Không những đại dịch làm địa cầu ngừng quay mà còn vì tình trạng khoa học gia phụ nữ bị cảnh báo là phải ở nhà trông con. Làm sao chấm dứt những dòng « Tweet » sát nhân ? Libération cho đây là trách nhiệm chung và trách nhiệm này, nam giới cũng phải nhận lấy.

Tấn công mạng : Chiến tranh hay gián điệp ? 

Ai là nạn nhân ai là  thủ phạm ? Bản chất lờ mờ của không gian mạng, tựa của bài phân tích trên Le Monde.

Ngoai trưởng Mỹ dứt khoát cáo buộc Nga đứng sau vụ gián điệp tin học mà Hoa Kỳ là nạn nhân. Vụ này có thể làm quan hệ Nga-Mỹ xấu thêm với tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, Donald Trump vẫn im lặng và luôn luôn rộng lượng với Vladimir Putin.

Giới chuyên gia độc lập khẳng định chỉ có một Nhà nước hay một nhóm băng đảng xã hội hình sự mạng mới có thể xâm nhập hàng loạt cơ quan chính phủ Mỹ trong suốt nhiều tháng mà không ai biết.

Trong khi chờ đợi điều tra, hai vấn đề cần được đặt ra. Thứ nhất là có ai thắc mắc về các « cuộc xâm nhập do Tây phương tiến hành nhắm vào hệ thống điện toán của Nga và Trung Quốc hay không ».

Và, khi một cơ quan Tây phương than phiền về tin tặc liệu không có dụng ý ? Một là để quảng cáo khả năng công nghệ của mình, hai là để xin thêm ngân sách ?

Nhưng vấn đề nghiêm trọng nhất là « không gian mạng » quá mơ hồ, theo Le Monde.

Cuối thập niên 2000, Liên Hiệp Quốc lập một nhóm chuyên gia để suy nghĩ về không gian mạng. Đâu là làn ranh giữa « hoạt động gián điệp và chiến tranh » như trong những cuộc chiến tranh từ trước đến nay được phân biệt trên bộ, trên biển và trên không. Kết quả là chưa đi đến đâu. Vụ tấn công mới nhất này, theo một chuyên gia Pháp, có lẽ là cơ hội để ấn định những quy tắc hành xử cụ thể trong cộng đồng quốc tế như thời Chiến tranh Lạnh. 

Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành đại hội XIII từ ngày 25/1/2021 đến 2/2/2021

RFA

23/12/2020

Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành đại hội XIII từ ngày 25/1/2021 đến 2/2/2021

Ảnh minh họa: Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 14 hôm ngày 14/12/2020

Courtesy Chính Phủ VN


Đại hội đại biểu toàn quốc đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII sẽ diễn ra từ ngày 25/1/2021 đến 2/2/2021 tại thủ đô Hà Nội. Đây là sinh hoạt quan trọng diễn ra 5 năm một lần.

Thông tấn xã Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 loan tin vừa nêu dẫn quyết định của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XII tại hội nghị trung ương lần thứ 14 kết thúc hôm 18 tháng 12.

Tin của Thông tấn xã Việt Nam còn cho biết Ban chấp hành Trung ương Khóa XII tại hội nghị trung ương thứ 14 bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí được cho là cao về nhân sự tham gia Bộ Chính Trị, Ban Bí thư khóa XIII. Trong số này có cả nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư Khóa XII tái cử và những người lần đầu tham gia.

Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII còn giao cho Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII và qui trình công tác nhân sự đã đề ra. Sau đó có báo cáo tại Hội nghị Trung ương khóa 15 trong thời gian tới.

Một nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam, tiến sĩ Âu Dương Thệ từ Đức, đưa ra nhận định rằng trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 14 hôm ngày 18 tháng 12, ông Nguyễn Phú Trọng không hề đề cập đến thời gian tổ chức Đại hội 13. Nhưng nay truyền thông Nhà nước Việt  Nam đồng loạt loan tin chứng tỏ có một việc bất thường chưa từng có xảy ra. Nhà quan sát này cho rằng có lẽ tình hình đang rất căng thẳng giữa các phe phái trong nội bộ Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương đảng cộng sản Việt Nam. 

Đại hội 13: Ba lĩnh vực mà đảng cần tự đổi mới là gì?

 BBC

Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,

Đảng cộng sản Việt Nam và ban lãnh đạo cấp cao đang chuẩn bị cho Đại hội 13 dự kiến khai mạc ngày 25/01/2021 tại Hà Nội

Ba lĩnh vực hết sức quan trọng mà Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải ưu tiên đổi mới trong bối cảnh đảng này đang chuẩn bị và hướng tới kỳ Đại hội lần thứ 13 chính là đổi mới tư duy, đổi mới chính sách và đổi mới cách làm về nhân sự, hai nhà quan sát thời sự, chính trị Việt Nam nói với BBC hôm thứ Sáu.

Hôm 25/12 từ Hà Nội, cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Tiến sỹ Phạm Thị Loan bình luận với BBC, trong bối cảnh đảng CSVN vừa chính thức thông báo Đại hội 13 sẽ nhóm họp từ ngày 25/01 đến ngày 02/02/2021:

"Từ nay đến Đại hội còn đúng một tháng, nhưng nhìn rộng ra và sâu hơn, tôi thấy mặc dù đảng trong nhiệm kỳ vừa qua đã làm được nhiều việc, từ ổn định nền kinh tế, chống tham nhũng cho tới chống đại dịch Covid-19 tương đối đáng ghi nhận, vẫn còn nhiều việc cần phải làm.

Đại hội 13: Đảng 'kiên quyết' chặn người không đủ tiêu chuẩn


EU và Vương quốc Anh đạt thỏa thuận giờ chót về thương mại hậu Brexit

  BBC

Boris Johnson, Ursula von der Leyen
Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng Boris Johnson nói chuyện nhiều lần với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen

EU và Vương quốc Anh đã chính thức đạt được thỏa thuận thương mại cho giai đoạn sau Brexit, qua được 8 tháng đàm phán căng thẳng.

Văn phòng thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố Anh nay "có thể tận dụng những cơ hội tuyệt vời".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói: "Con đường thật quanh co nhưng cũng đã có được thỏa thuận tốt.""Đó là thỏa thuận công bằng, cân đối, đúng đắn, có trách nhiệm cho cả hai bên."

Văn phòng thủ tướng Anh Boris Johnson nói: "Chúng tôi đã lấy lại kiểm soát tiền bạc, biên giới, luật lệ, thương mại và vùng biển đánh cá."

Các viên chức ở Brussels đang hoàn tất văn bản để luật pháp mới có hiệu lực khi Anh thôi áp dụng quy định thương mại của EU từ tuần sau.

Đàm phán căng thẳng kéo dài nhiều tháng qua.

Thỏa thuận mới sẽ giúp EU và Anh không phải áp đặt thuế nhập khẩu lên hàng hóa hai bên từ 1/1.

Giới phóng viên được biết hai phía đồng ý có giai đoạn chuyển tiếp về quy định đánh cá trong 5 năm.

Quốc hội Anh sẽ nhóm họp để bỏ phiếu thông qua trước 31/12.

Fishing
Chụp lại hình ảnh,

Quyền đánh cá trở thành điểm nghẽn giờ chót giữa hai phía

Nguyễn Giang, BBC News Tiếng Việt phân tích:

Khi Anh còn trong EU, việc đánh bắt hải sản ở các vùng biển của Anh, Pháp, Hà Lan...là bình đẳng, coi như biển là của chung.

Nhưng nay, Anh muốn giành lại chủ quyền trên biển và quyết định tàu cá nước nào được vào vùng kinh tế đặc quyền 200 dặm từ bờ biển của mình để đánh bắt.

Tất nhiên là hai bên sẽ ra định mức để tàu của phía mình tiếp tục đánh bắt "xuyên chéo" ở vùng biển hai bên, nhưng không thể để tình trạng Anh bị thiệt như hiện nay.

Vì từ lâu nay, số cá mà tàu EU và Na Uy đã đánh bắt chiếm 60% tổng sản lượng cá thu hoạch được ở vùng biển Anh, theo một đánh giá của trang Business, BBC News.

Một phần trăm không nhỏ còn lại là 'quota' - hạn ngạch đánh bắt - mà Anh đã bán cho các đội tàu đa quốc gia.

Chưa kể nhiều tàu cá châu Âu mang cờ Anh nhưng do công ty châu Âu làm chủ, và định nghĩa 'tàu cá của nước nào' rất khó.

Họ mang cờ Anh nhưng đánh bắt xong thì đổ hàng (catch landing) ở cảng bên châu Âu, Anh Quốc chẳng được gì.

Vì thế, trong đàm phán Brexit, Anh muốn ghi rõ là tàu cá của chủ nước ngoài đánh bắt trên biển Anh xong thì phải đem cá về cảng của Anh cân đong, tính vào quota hàng năm.

Powered by Blogger.