Noel 2020 : Vui buồn ngày Chúa giáng trần
RFI
Đăng ngày:
Giáng Sinh lại đến trong bối cảnh thế giới nằm trong vòng vây Covid-19. Châu Âu thoát hiểm hậu Brexit. Đức giáo hoàng kêu gọi tín đồ tương thân với người nghèo. Tổng thống Donald Trump với các quyết định của giờ thứ 25 gieo rắc xáo trộn tại Mỹ là những sự kiện trên báo Pháp ngày 25/12/2020.
Thông điệp Giáng Sinh
Trừ Le Monde và Libération phát hành sớm, hầu hết báo chí thủ đô đón Giáng Sinh trên mạng.
La Croix với hai hàng tựa lớn : Trong thông điệp Giáng Sinh, đức giáo hoàng nhắc nhở tín đồ Thiên chúa giáo đừng quên « hài đồng Jesus ra đời và bị hất hủi để nói với chúng ta rằng những người bị hất hủi là con của Đức Chúa Trời ». Tin mừng thứ hai, theo nghĩa thế tục : « Bruxelles và Luân Đôn đạt được thỏa thuận hậu Brexit vừa đúng lúc, trước Giáng Sinh ».
Nhật báo Công giáo cho rằng trong trao đổi thương mại với Anh Quốc, nước Pháp thắng lợi. Đó cũng là nhận định của Les Echos. Nhật báo kinh tế cho biết thêm « trong năm qua, cán cân mậu dịch nghiêng về phía Pháp đến 12 tỷ euro. Nếu không có thỏa thuận hậu Brexit để duy trì thông thương giữa châu lục và quốc đảo, tình hình sẽ khó khăn cho cả hai bên ».
Cũng cùng nhận định, Le Figaro tóm tắt một số chi tiết (trong thỏa thuận 2000 trang) về mối quan hệ Anh Quốc và châu Âu trong tương lai, đặc biệt là về thị trường và ngư nghiệp. Trong số các phản ứng lý giải thành công này, tổng thống Pháp cho đây là thành quả của tinh thần « đoàn kết và kiên quyết của châu Âu ».
Như để dự báo sớm muộn gì Luân Đôn cũng nhượng bộ trên hồ sơ gai góc nhất trong cuộc đàm phán việt dã, Le Monde trình bày bản đồ quản lý ngư nghiệp chung từ 40 năm nay và phân tích vì sao một Brexit không thỏa hiệp về hoạt động đánh cá sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân Anh. Chỉ cần một con số ấn tượng : 76% hải sản đánh bắt được xuất khẩu qua thị trường châu Âu.
Về thời sự quốc tế, Le Monde đưa độc giả đi một vòng thế giới : Israel và Ả Rập Thống Nhất xây dựng trục chiến lược mới : ngọc trai, dầu hỏa, du lịch, Israel là động cơ giúp Dubai tăng trưởng. Israel có thêm một đồng minh trong thế trận đối đầu với Iran.
Cũng trong xu hướng chống lại Hồi giáo, tại Ấn Độ, thủ tướng Modi khai thác phong trào cực đoan trong Ấn Độ giáo : Đứng đầu bang Uttar Pradesh, bang đông dân nhất Ấn Độ, Yogi Adiyanath, tu sĩ cực đoan lan truyền giáo lý Hinduvat, ý thức hệ công khai kỳ thị người tranh đấu nhân danh đạo Hồi.
Tổng thống Mỹ ân xá « đồng minh »
Vào giờ thứ 25 của nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ Donald Trump ân xá hoặc giảm án một loạt 46 người đang bị tư pháp Mỹ trừng phạt. Ông cũng phủ quyết một dự án ngân sách quốc phòng và ngăn chặn kế hoạch vực dậy kinh tế.
Vì sao những người dính líu vào nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016 cũng như người thân phạm pháp, thậm chí biển thủ tiền vận động tranh cử đang bị tù được tổng thống Donald Trump tha tội ?
Với loạt ân xá này, công lao điều tra mẫn cán của chưởng lý đặc biệt Robert Muller suốt 22 tháng bị trôi sông trôi biển. Trong danh sách cũng có những người thân cận trong gia đình Trump.
Theo Le Monde, hành động ân xá này chỉ nhằm mua sự im lặng của những kẻ biết quá nhiều về Donald Trump, hoặc bạn bè, hoặc trong gia đình hoặc trong đảng Cộng Hòa bị pháp luật chiếu cố. Trong vòng một năm thôi, chủ nhân Nhà Trắng đã ân xá cho hầu như tất cả những người thuộc thành phần này nhưng danh sách rất có thể dừng lại ở đây.
Donald Trump đã nhận được nhiều yêu cầu ân xá trong đó có Julian Assange (Wikileak) và cựu nhân viên điệp báo Edward Snowden. Tuy nhiên, theo CNN, chủ nhân Nhà Trắng dường như tính đến chuyện miễn trừ tư pháp cho hoàng thái tử Ả Rập Xê Út Mohamed Ben Salman, người bị CIA cáo buộc đích danh ra lệnh thủ tiêu nhà báo đối lập Jamal Khashoggi.
Dường như để nhấn mạnh đến yếu tố tính toán ích kỷ cho mình và cho phe nhóm của tổng thống mãn nhiệm, Libération dành hai bài phóng sự về nhà tù tại Mỹ và đặc biệt là trường hợp của nữ tử tội Lisa Montgomery, đang chờ bị xử tử. Liệu Donald Trump sẽ ân xá cho kẻ bị tâm thần này ?
Covid-19, vừa là cứu tinh vừa là đao phủ, ảnh hưởng đến việc thi hành án. Đại dịch làm chậm khoảng 75% vụ hành quyết nhưng cùng lúc giết chết hàng trăm tù nhân.
Tại Nga, tổng thống Putin lo ân xá cho mình trước. Đó là tựa bản tin trên Libération.
Phụ nữ khoa học gia : Càng cao danh vọng, càng nhiều gian nan
Libération đặc biệt Giáng Sinh trong bối cảnh đại dịch không quên những người phụ nữ trong ngành khoa học, cho dù là những bác sĩ, những chuyên gia nghiên cứu hàng đầu, không ít người vẫn bị đồng nghiệp nam giới kỳ thị.
Nhật báo thiên tả giới thiệu ba khuôn mặt tiêu biểu, đồng tác giả một bài « chứng nhân » trên tạp chí y học The Lancet, tố cáo nạn khủng bố tinh thần qua mạng internet trong thời kỳ Covid-19 cũng như tình trạng phụ nữ thiếu đại diện trong giới y khoa : giáo sư Alexandra Calmy, siêu vi trùng học, bác sĩ Caroline Samer, động dược di truyền học, cả hai thuộc đại học Y khoa Genève và Karine Lacombe, giám đốc bệnh truyền nhiễm, bệnh viện Saint-Antoine Paris.
Trong số những « bình luận » mang tính khinh thường có lời lẽ như sau : Bà có chắc là đậu bằng cấp một cách bình thường không sử dụng đến thủ thuật của đàn bà chăng ?
Trong bài xã luận « STOP », nhật báo thiên tả nhận định « năm 2020 đúng là một năm suy đồi ». Không những đại dịch làm địa cầu ngừng quay mà còn vì tình trạng khoa học gia phụ nữ bị cảnh báo là phải ở nhà trông con. Làm sao chấm dứt những dòng « Tweet » sát nhân ? Libération cho đây là trách nhiệm chung và trách nhiệm này, nam giới cũng phải nhận lấy.
Tấn công mạng : Chiến tranh hay gián điệp ?
Ai là nạn nhân ai là thủ phạm ? Bản chất lờ mờ của không gian mạng, tựa của bài phân tích trên Le Monde.
Ngoai trưởng Mỹ dứt khoát cáo buộc Nga đứng sau vụ gián điệp tin học mà Hoa Kỳ là nạn nhân. Vụ này có thể làm quan hệ Nga-Mỹ xấu thêm với tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, Donald Trump vẫn im lặng và luôn luôn rộng lượng với Vladimir Putin.
Giới chuyên gia độc lập khẳng định chỉ có một Nhà nước hay một nhóm băng đảng xã hội hình sự mạng mới có thể xâm nhập hàng loạt cơ quan chính phủ Mỹ trong suốt nhiều tháng mà không ai biết.
Trong khi chờ đợi điều tra, hai vấn đề cần được đặt ra. Thứ nhất là có ai thắc mắc về các « cuộc xâm nhập do Tây phương tiến hành nhắm vào hệ thống điện toán của Nga và Trung Quốc hay không ».
Và, khi một cơ quan Tây phương than phiền về tin tặc liệu không có dụng ý ? Một là để quảng cáo khả năng công nghệ của mình, hai là để xin thêm ngân sách ?
Nhưng vấn đề nghiêm trọng nhất là « không gian mạng » quá mơ hồ, theo Le Monde.
Cuối thập niên 2000, Liên Hiệp Quốc lập một nhóm chuyên gia để suy nghĩ về không gian mạng. Đâu là làn ranh giữa « hoạt động gián điệp và chiến tranh » như trong những cuộc chiến tranh từ trước đến nay được phân biệt trên bộ, trên biển và trên không. Kết quả là chưa đi đến đâu. Vụ tấn công mới nhất này, theo một chuyên gia Pháp, có lẽ là cơ hội để ấn định những quy tắc hành xử cụ thể trong cộng đồng quốc tế như thời Chiến tranh Lạnh.
0 comments