Đọc báo Pháp – 12/05/2020
Pháp thận trọng tái lập sinh hoạt bình thường sau 8 tuần thiếu tự do – Trọng Nghĩa
Dĩ nhiên là trang nhất các báo Pháp ra ngày hôm nay, 12/05/2020, đều dành cho sự kiện nước Pháp vào hôm qua, 11 tháng Năm, đã bắt đầu ngày đầu tiên của thời kỳ hậu phong tỏa, ngày mà các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt các quyền tự do đi lại và tụ tập áp dụng 8 tuần lễ trước đó để chống dịch Covid-19, bắt đầu được nới lỏng.
Các báo nhìn chung đều thở phào nhẹ nhõm trước diễn biến khá suôn sẻ của ngày trở lại sinh hoạt bình thường đầu tiên, thế nhưng tất cả đều kêu gọi mọi người thận trọng để thảm họa vừa trải qua không tái diễn.
Trên trang nhất của mình, nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa lớn: “Nước Pháp nhẹ nhàng tái khởi động”, bên trên bức ảnh cho thấy một đám đông hành khách đang rời khỏi xe lửa ở nhà ga Saint Lazare Paris vào lúc 8g30 sáng. Hình ảnh này bình thường ra không có gì lạ, nhưng điểm mới ở đây là tất cả các hành khách đều đeo khẩu trang, điều chưa từng thấy từ trước đến nay tại Pháp.
Sinh hoạt bắt đầu bình thường hóa một cách thận trọng
Bên dưới bức ảnh, nhật báo Pháp ghi chú: “Sau 8 tuần phong tỏa, cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường một cách thận trọng. Giới kinh doanh, những nhân viên làm công ăn lương hay các giáo viên đều trên đường trở lại nơi làm việc”.
Đối với Le Figaro, thành công của kế hoạch nới lỏng phong tỏa là điều cực kỳ quan trọng đối với chính quyền của tổng thống Macron, mà uy tín đang xuống rất thấp trong các cuộc thăm dò dư luận, trong bối cảnh tranh cãi bùng lên trên vấn đề để xẩy ra tình trạng thiếu khẩu trang và phương tiện xét nghiệm tìm virus.
Theo tờ báo, chính quyền đang muốn lấy lại thế chủ động trong giai đoạn hậu phong tỏa, cho rằng đánh giá khe khắt hiện nay của người dân đối với công việc làm của chính phủ có thể sẽ thay đổi nếu tiến trình ra khỏi cuộc khủng hoảng diễn ra tốt đẹp.
Tuy nhiên, đối với Le Figaro, tiến trình đó không phải là không có khó khăn, nhất là khi cần phải áp đặt những quy định y tế chặt chẽ tại những nơi có đông người tụ tập. Ở các thành phố lớn, như ở Paris, các phương tiện giao thông công cộng đã chạy lại một cách suôn sẻ, việc mở lại các cửa hàng và trường học đã mang dưỡng khí trở lại cho đất nước, tuy nhiên tâm lý lo âu và thận trọng vẫn bao trùm.
Le Figaro: Cần khởi động cuộc chiến nhằm phục hưng kinh tế
Tờ báo cho rằng có thể là nước Pháp đã thành công trong cuộc chiến ngăn dịch Covid-19, nhưng cần phải thắng tiếp một cuộc chiến khác cũng quan trọng không kém: Khôi phục kinh tế.
Bị phong tỏa trong hai tháng vô tận, nước Pháp bắt đầu hít thở lại, cuộc sống hàng ngày bắt đầu trở lại từng bước : có thể -gần như- đi lại bình thường, cửa hiệu mở lại, công trường, nhà máy hoạt động trở lại.
Lịch sử sẽ đánh giá, nhưng trên măt y tế, việc đình chỉ hoạt động của cả một nước, vì thiếu chuẩn bị, dường như là chọn lựa ít tồi nhất trước nạn dịch. Với hơn 26.000 ca tử vong đến nay, hệ quả rất nặng nhưng cũng đã được kềm hãm.
Có điều cái giá kinh tế thì lại vô cùng lớn. Để giảm cú sốc, chính phủ đã tung ra những phương tiện chưa từng thấy để hỗ trợ các xí nghiệp, và nhân công đột ngột bị mất việc làm. Hàng chục tỷ euro trợ giúp khẩn cấp đã khiến nợ nhà nước bùng nổ…
Có lẽ đó là cái giá phải trả để tránh sự sụp đổ hoàn toàn. Nhưng suy thoái nặng nề đang chờ đợi chúng ta, cũng như hàng loạt những vụ phá sản và nạn thất nghiệp tăng vọt.
Đối với Le Figaro, một cuộc chiến mới bắt đầu: vực dậy kinh tế. Phải tuyên bố ngay tình trạng khẩn cấp kinh tế. Phải đưa ra mọi biện pháp để thúc đẩy trở lại các hoạt động kinh tế.
La Croix: Một tiến trình khôi phục từng bước
Tương tự như đồng nghiệp Le Figaro, nhật báo Công Giáo La Croix cũng chạy tựa lớn trang nhất: “Một tiến trình khôi phục từng bước” để nói về bước đầu nới lỏng phong tỏa tại Pháp.
Trong một phóng sự dài hai trang báo, La Croix ghi nhận là, ngày 11 tháng Năm mà mọi người mong đợi, đã đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn phong tỏa nghiêm ngặt, nhưng đó lại là một tiến trình kết thúc rất tuần tự.
Điều quan trọng đối với tờ báo là người Pháp nghĩ gì về tiến trình này, do đó La Croix đã gởi phóng viên đi khắp nơi để tim hiểu về tâm trạng của mọi giới, từ các đại biểu dân cử, giáo viên, cho đến các doanh nhân hay những người làm công ăn lương.
Theo tờ báo Pháp, tâm trạng chung của mọi người là một sự phấn khởi xen lẫn tâm lý lo âu.
Dân Pháp chê cả chính phủ lẫn chính minh!
Trong bài xã luận, La Croix không ngần ngại đả kích một tật xấu của người Pháp là hay kêu ca, chê bai, kể cả đối với chính mình.
Trích dẫn một cuộc thăm dò dư luận mới nhất thực hiện tại 5 quốc gia châu Âu, nhật báo Pháp cho biết là có đến 66% người Pháp được hỏi đánh giá là chính phủ Pháp đã không xử lý tốt cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, trong khi đó thì tại Anh Quốc, thì 63% người được hỏi lại đánh giá rằng chính phủ của họ đã làm tốt. Nghịch lý nằm ở chỗ là mọi người đều có thể nhìn thấy là việc xử lý khủng hoảng ở Anh có nhiều thiếu sót sai lầm hơn là ở Pháp, với số nạn nhân cao hơn.
Câu hỏi mà La Croix đặt ra là nghịch lý nói trên xuất phát từ đâu, vì sao người Pháp có một đánh giá tiêu cực như vậy về chính phủ của mình hơn người Anh hay người Ý, đó là chưa kể đến người Đức ?
Theo tờ báo Công Giáo, một phần giải thích nằm trong cái nhìn cố hữu của người Pháp về chính quyền. Họ chờ đợi rất nhiều nơi chính phủ, nhưng đồng thời lại không chấp nhận sự can thiệp của chính quyền. Nói cách khác, họ đòi hỏi một chính quyền hoàn hảo, một điều không tưởng. Ngược lại thì người Ý chẳng hạn, có thói quen không mong đợi gì nhiều nơi nhà nước mà luôn tìm cách tự xoay sở.
Cuộc thăm dò kể trên còn cho thấy một giải thích khác qua sự kiện chính người Pháp tự đánh giá là mình đã không hành xử tốt trước tình hình, ngược lại với dân ở các nước châu Âu khác. Người Pháp như vậy là cũng không có đánh giá về chính mình tốt hơn là về chính phủ.
Theo La Croix, đây là hai mặt của một thói xấu của người Pháp: tính hay tự chê bai, từng dẫn đến nỗi ám ảnh về sự suy tàn của nước Pháp. Đối với La Croix, đã đến lúc người Pháp phải dứt bỏ tâm lý bi quan đó nếu muốn vươn lên.
Le Monde: Một tiến trình sẽ phải kéo dài
Tiến trình nới lỏng phong tỏa ở Pháp cũng là chủ đề được nhật báo Le Monde nêu thành tựa lớn trang nhất: “Một giai đoạn mới của một cuộc khủng hoảng được cho là dai dẳng”.
Đối với tờ báo, tiến trình nới lỏng phong tỏa mà các biểu hiện được thấy rõ vào hôm qua, 11/05, trên một số phương tiện chuyên chở công cộng ở thủ đô Paris, là một bài trắc nghiệm quan trọng của công cuộc chống đại dịch tại Pháp.
Theo Le Monde, sự xuất hiện của một số ổ dịch mới tại một số tỉnh miền tây nước Pháp, đến nay chưa bị nhiễm dịch, buộc mọi người phải cảnh giác.
Trong khi chờ đợi luật kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế được ban hành, tờ báo Pháp đã công bố một phóng sự điều tra về một vấn đề gây tranh cãi hiện nay ở Pháp là việc lập danh sách theo dõi những bệnh nhân Covid-19 cũng như những trường hợp có “tiếp xúc” với những người này.
Trên bình diện xã hội, tờ báo Pháp có hai bài nêu bật các chuyển biến được cho là quan trọng mà dịch Covid-19 đã thúc đẩy: Việc đeo khẩu trang và thay đổi trong cách tiêu thụ.
Thời kỳ hậu phong tỏa là một thách thức đối với mọi quốc gia
Trong bài xã luận, Le Monde đã mở rộng tầm quan sát ra phạm vi toàn thế giới để cho rằng tiến trình nới lỏng phong tỏa dứt khoát sẽ kéo dài ở khắp nơi, và đó sẽ là “một thách thức trên phạm vi toàn thế giới”, đòi hỏi một cách xử lý thận trọng.
Theo Le Monde, vào lúc mà mọi người đều muốn lật sang trang mới, khó khăn vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là việc còn rất nhiều điều chưa rõ về con virus SARS-CoV-2 và khả năng ngăn chặn dịch bệnh ngoài biện pháp phong tỏa. Giới nghiên cứu vẫn chưa biết rõ phương thức và mức độ lây nhiễm của con virus, cũng như tầm quan trọng của trẻ em trong việc truyền virus hay vai trò của nhiệt độ đối với hoạt động của virus.
Ngay cả vấn đề “khoảng cách an toàn” cũng không chắc chắn. Trong lúc Ý và Anh yêu cầu phải giữ khoảng cách 2 mét, thì Đức chỉ khuyên duy trì 1,5 mét, và Pháp 1 mét, đúng theo khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO.
Bên cạnh đó, nhiều tín hiệu cảnh cáo đã xuất hiện tại một số nước: Các ổ lây nhiễm mới tại Trung Quốc, như ở Vũ Hán và ở gần biên giới với Nga, các ca nhiễm mới tai quán bar ở Seoul, các trường hợp mới bùng nổ ở Nga, Brazil, quốc gia mà vào tháng Sáu có thể trở nên tâm điểm mới của đại dích, tỷ lệ lây nhiễm tăng ở Đức, báo động mới tại Pháp, ỏ tỉnh Vienne và vùng Dordogne. Ở mọi nơi việc phục hồi sinh hoạt, tái lập quyền tự do đi lại, mở cửa biên giới đều là những thách thức kinh khủng.
Công luận nhiều nước đang lo ngại khả năng những đợt dịch mới, và muốn giới lãnh đạo phải thận trọng. Tại Pháp chẳng hạn, theo một thăm dò của viện Ifop, 76% người dân cho rằng việc tháo gỡ phong tỏa phải được tiến hành từ từ. Còn ở Anh Quốc, việc thủ tướng Anh Boris Johnson thay khẩu hiệu “Hãy ở nhà” bằng “Hãy tiếp tục cảnh giác” đang gây phẫn nộ, trong bối cảnh nước này ghi nhận số tử vong cao nhất châu Âu.
Libération: Vết rạn nứt xã hội lộ rõ
Cũng khai thác chủ đề giảm nhẹ phong tỏa, trong hàng tựa lớn trang nhất, tờ báo cánh tả độc lập Pháp Libération nhấn mạnh đến “vết rạn nứt xã hội” mà dịch bệnh đã làm lộ rõ.
Theo Libération, vào hôm qua, người ta lại ghi nhận một tình trạng từng được thấy trong suốt hai tháng phong tỏa vừa qua: Đó là tình cảnh nhiều người lao động, ngay từ sáng sớm, đã phải vội vã chen chúc nhau trên các phương tiện chuyên chở công cộng để đến chỗ làm, với nguy cơ bị lây nhiễm rất cao, và bên cạnh đó, có những người được yên ổn ngồi nhà làm việc từ xa.
Đối với tờ báo, tình trạng này một lần nữa, đã đặt ra câu hỏi về sự tương ứng giữa lương bổng với tính chất hữu ích cho xã hội, vì lẽ những người lao động “chân tay” mà ai cũng công nhận là rất cần thiết cho xã hội đó, lại có thu nhập thấp hơn giới “tinh hoa” lo việc tổ chức, quản lý, điều hành…
Les Echos: Thông điệp của giới chủ nhân Đức, Ý và Pháp
Cũng về Covid-19, nhật báo kinh tế Les Echos nêu bật trong hàng tựa lớn trang nhất: “Phục hồi kinh tế: Lời kêu gọi của giới doanh nghiệp Châu Âu”.
Theo tờ báo, giới chủ nhân Đức, Ý và Pháp chủ trương một kế hoạch chấn hưng kinh tế châu Âu mang tính chất liên đới và có quy mô to lớn, tượng trưng cho 5% GDP mỗi năm. Đây sẽ là một tín hiệu mạnh gởi đến các chính phủ.
Tin tổng hợp
(VNA) – Quốc Hội Việt Nam sẽ phê chuẩn Hiệp định tự do mậu dịch với châu Âu vào cuối tháng này.
Hôm nay, 12/05, truyền thông Việt Nam cho biết Hiệp định thương mại tự do với Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA) sẽ được Quốc Hội phê chuẩn vào ngày 20/05, tức ngày đầu tiên của kỳ họp tới. Hiệp định này đã được Nghị Viện Liên Âu bỏ phiếu thông qua đầu tháng 2/2020. Hội Đồng Châu Âu phê duyệt sau đó vào cuối tháng 3. Sau khi Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực.
(Vietnamnet-PLO) – Việt Nam : Bộ Công An lại đề nghị lùi Luật Biểu Tình.
Trước thềm kỳ họp Quốc Hội, khai mạc ngày 20/05, theo báo chí trong nước, hôm nay 11/05/2020, bộ Công An thông báo đã đề xuất với thủ tướng để yêu cầu Quốc Hội cho lùi việc trình dự thảo luật để có thêm thời gian nghiên cứu, thống nhất nội dung. Thông báo được đưa ra sau khi Ban Dân Nguyện Quốc Hội cho biết cử tri tỉnh Bình Thuận đề nghị sớm ra luật, để công dân thực thi quyền hạn theo pháp luật. Tại Việt Nam, nhiều người xem Luật Biểu Tình là một bộ luật quan trọng mà chính quyền còn mắc nợ nhân dân. Luật Biểu Tình từng được soạn thảo từ năm 2014, dự kiến thông qua năm 2015.
(AFP) – Đại dịch Covid-19: Twitter tăng cường chống bóp méo thông tin.
Mạng xã hội nổi tiếng này hôm qua, 11/05, cho biết sẽ sử dụng « các tín hiệu cảnh báo, giải thích bổ sung cũng như những thông tin » giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề dễ « gây hiểu lầm », tránh tạo « không khí mơ hồ » trên Twitter. Trước đó hồi tháng 4/2020, Twitter từng xóa bỏ nhiều thông điệp « nguy hại », như những lời kêu gọi phá hủy các trạm ăng-ten 5G, bị gán cho là nguyên nhân gây dịch Covid-19. Tháng 3/2020, Twitter đã xóa bỏ hai thông điệp của tổng thống Brazil Jair Bolsonara đả kích chính sách phong tỏa chống dịch, đi ngược lại nhiều biện pháp của chính phủ Brazil.
(AFP) – Hội Đồng Bảo An họp về bạo lực tại Miến Điện.
Một số nguồn tin ngoại giao cho hay, theo kế hoạch, thứ Năm tới 14/05, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ họp qua cầu truyền hình để thỏa luận về tình hình bạo lực gia tăng tại bang Rakhine, miền tây Miến Điện, giữa quân đội với một số lực lượng nổi dậy, và vấn đề ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cuối tháng trước, một tài xế của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, khi vận chuyển các mẫu xét nghiệm Covid-19, đã bị giết hại trong một cuộc tấn công vũ trang. Liên Hiệp Quốc lên án vụ tấn công, và yêu cầu tiến hành điều tra. Cuộc họp kín được tổ chức theo đề nghị của Anh. Cuộc họp trước đó về Miến Điện của Hội Đồng Bảo An là vào tháng 2/2020.
(AFP) – Đại dịch -19 : Canada thông báo kế hoạch trợ giúp các doanh nghiệp dựa trên các cam kết khí hậu.
Hôm qua, 11/05, chính quyền Canada cho biết sẽ cấp hàng chục triệu đô la tín dụng cho các doanh nghiệp, có doanh số hàng năm tương đương 197 triệu euro, để giảm thiểu các tổn thất do đại dịch. Theo bộ trưởng Tài Chính Canada, điều kiện để nhận được tài trợ là doanh nghiệp phải tuân thủ các cam kết của Canada trong Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015. Canada cam kết sẽ cắt giảm 30% khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức 2005, trước thời điểm 2030.
(Reuters) – Dịch tại Vũ Hán: Xét nghiệm đại trà sau khi số ca lây nhiễm tăng đột biến.
Theo một chỉ thị chính thức, mỗi khu vực trong thành phố 11 triệu dân, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), phải thiết lập một kế hoạch chi tiết để xét nghiệm dân cư. Chiến dịch kéo dài trong 10 ngày kể từ thứ Ba 12/05/2020. Biện pháp này được đưa ra sau khi số người bị lây nhiễm siêu vi Corona chủng mới tại Trung Quốc tăng đột biến, sau nhiều tuần yên ắng. Trong vòng 48 giờ qua, từ Chủ Nhật đến thứ Hai, có 6 ca được ghi nhận tại Vũ Hán, đa số là người cao tuổi, cư ngụ trong một khu nhà.
Điểm tin thế giới sáng 12/5:
Trung-Triều che đậy sự thật; Ông Trump
không muốn nối lại đàm phán với Bắc Kinh
Lục Du
Sáng nay, thứ Ba (12/5), mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin sau:
Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc và Triều Tiên che đậy sự thật
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng “những điều tồi tệ xảy ra” ở Trung Quốc và Triều Tiên là hệ lụy của việc chính phủ ở hai nước kiểm duyệt thông tin, không cho người dân của họ tiếp cận sự thật, theo bản tin tối hôm thứ Hai của Yonhap.
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình phát thanh “Chú trọng gia đình” của đài Christian, ông Pompeo than thở rằng một số nhà lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên đã sử dụng tuyên truyền và thông tin sai lệch để đạt được quyền lực và địa vị xã hội.
Ngược lại với Trung Quốc và Triều Tiên, ông Pompeo cho biết, tại Hoa Kỳ, các phương tiện truyền thông ở thế chủ động, họ buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm, thậm chí có cả các công ty công nghệ đứng ở thế thao túng thông tin, ví dụ như Google, công ty này đôi khi làm những việc không “báo trước” để kiểm duyệt thông tin theo nhu cầu của họ.
Ông Trump không muốn nối lại đàm phán với Trung Quốc
Tổng thống Donald Trump, hôm thứ Hai, cho biết ông không ủng hộ việc Hoa Kỳ nối lại các cuộc đàm phán với Trung Quốc sau thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, điều mà nhiều cố vấn của Bắc Kinh đã thúc giục Mỹ.
Ông Trump đáp: “Tôi không có hứng. Chúng tôi đã ký một thỏa thuận. Tôi cũng đã nghe nói về việc đó – họ muốn mở lại các cuộc đàm phán thương mại để khiến nó trở thành một thỏa thuận có lợi hơn đối với họ”. (Chi tiết)
Nhà Trắng yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang để phòng dịch Covid-19
Nhà Trắng đã chỉ đạo các nhân viên làm việc ở phía tây của tòa nhà, nơi diễn ra các hoạt động hàng ngày của chính quyền Trump, phải đeo khẩu trang trong khi làm việc, trừ trường hợp họ ngồi một mình, theo Reuters.
Quyết định này được đưa ra sau khi cả hai nhân viên của Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence đều cho kết quả dương tính với virus Vũ Hán vào tuần trước.
ABC News đưa tin, theo yêu cầu mới, các nhân viên phục vụ ở phía tây tòa nhà phải đeo khẩu trang và việc giao lưu giữa các bộ phận trong Nhà Trắng với khu vực này, bao gồm phòng Bầu dục và không gian làm việc của các cố vấn cao cấp, không được khuyến khích.
Nigeria: Đón khách trong dịch, hai khách sạn bị phá hủy
Các nhà chức trách của bang Rivers, Nigeria, đã ra lệnh phá hủy hai khách sạn vẫn mở cửa đón khách , vi phạm các quy định phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán của chính phủ, BBC đưa tin hôm thứ Hai.
Thống đốc bang Rivers nói rằng nhiều người cho kết quả dương tính với virus Vũ Hán là những người lưu trú ở các khách sạn của tiểu bang, tuy nhiên không cho biết cụ thể có bao nhiêu người trong số đó ở trong hai khách sạn bị phá hủy.
Các quản lý của cả hai khách sạn đã bị bắt, nhưng chủ sở hữu của một trong hai khách sạn này phủ nhận rằng khách sạn của ông đã mở cửa đón khách, vi phạm quy định phong tỏa của chính phủ.
Tấn công cảnh sát, 4 người Trung Quốc ở Nepal bị bắt
Bốn du khách Trung Quốc ở Nepal sẽ bị xét xử vì “hành vi bất hảo” sau khi những người này cùng với đồng hương của họ tấn công cảnh sát ở thủ đô Kathmadu vào thứ Sáu tuần trước, theo bản tin hôm thứ Hai của Phayul.
47 người Trung Quốc bị mắc kẹt ở Nepal do lệnh phong tỏa chống dịch viêm phổi Vũ Hán đã tổ chức một cuộc biểu tình để đòi được trở về nhà. Cảnh sát đã cố gắng đưa họ khỏi khu vực cấm, nhưng những người biểu tình Trung Quốc phản ứng lại, xô xát xảy ra sau đó khiến 4 cảnh sát Nepal và hai người biểu tình bị thương.
“Những người biểu tình đã tập trung trước đại sứ quán Trung Quốc và khu phức hợp của Tổng cục Du lịch Nepal”. Giám đốc cấp cao Kiran Bajracharya, người phát ngôn của Văn phòng cảnh sát đô thị Ranipokhari cho biết, “Họ đã không duy trì quy định giãn cách xã hội và cố gắng tiến vào khu vực cấm phía ngoài Singha Durbar [khu văn phòng của chính phủ Nepal], đó là thời điểm phát sinh đụng độ”.
Điểm tin thế giới chiều 12/5:
WHO nói không thể mời
Đài Loan tham gia Hội nghị thường niên
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Ba (12/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
WHO nói không thể mời Đài Loan tham gia Hội nghị thường niên
Theo National Review, bất chấp kêu gọi từ Mỹ cũng như các quốc gia khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11/5 cho biết họ không thể mời Đài Loan tham dự cuộc họp thường niên của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) sắp tới, sau khi Bắc Kinh tuyên bố rằng việc Đài Loan tham gia sẽ vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc”.
Ông Steven Solomon, quan chức phụ trách pháp chế của WHO hôm 11/5 đã giải thích với các phóng viên rằng Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom chỉ có thể mời Đài Loan tham gia hội nghị khi các quốc gia thành viên ủng hộ điều này, khi đó ông Tedros mới có cơ sở và có thể là buộc phải làm vậy.
“Tuy nhiên, tình huống hiện tại không như thế. Thay vì bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng, các quốc gia thành viên có các quan điểm khác nhau và do đó, không có cơ sở nào – không phải là việc bắt buộc – để Tổng giám đốc mời Đài Loan tham dự”, ông Solomon tuyên bố.
Chiến dịch Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa quyên được 61,7 triệu USD giữa mùa dịch
Theo The Hill, chiến dịch tái tranh cử tổng thống Trump và Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) đã quyên góp được 61,7 triệu USD trong tháng 4 và đang sở hữu 225 triệu USD tiền mặt.
Do dịch Covid-19, chiến dịch vận động của ông Trump phải chuyển sang hình thức trực tuyến, song mức tiền quyên góp cho nhóm ông Trump và RNC chỉ giảm nhẹ so với con số 63 triệu USD của tháng 3. Hiện tại, chiến dịch Tổng thống Trump và RNC đã gây quỹ được 742 triệu USD.
Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của cựu Phó tổng thống Joe Biden và Uỷ ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC) quyên góp được 60,5 triệu USD trong tháng 4, giảm đáng kể so với con số 79 triệu USD của tháng 3. Nhóm của ông Biden và DNC không công khai họ tích luỹ được bao nhiêu cho đến cuối tháng 4.
Cựu bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây – Trung Quốc hầu tòa
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ông Triệu Chính Vĩnh, cựu bí thư tỉnh uỷ Thiểm Tây – Trung Quốc, ra hầu toà hôm 11/5 với các cáo buộc lợi dụng chức vụ để nhận hối lộ từ các nhà thầu, từ những người muốn chạy chức và muốn hưởng lợi trong kinh doanh.
Cựu bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây và vợ bị cáo buộc đã nhận hối lộ số tiền 426 triệu tệ (60 triệu USD) và còn đồng ý nhận thêm 291 triệu tệ (41 triệu USD).
Phiên toà xét xử ông Triệu hôm 11/5 diễn ra trong bối cảnh kỳ họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc bị lùi lại đến 22/5 do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Cháy bệnh viện Nga, 5 bệnh nhân Covid-19 thiệt mạng
RT đưa tin, 5 người chết sau khi đám cháy bùng lên lúc sáng nay tại Bệnh viện Saint George ở quận Vyborg, thành phố St. Petersburg, nơi điều trị bệnh nhân Covid-19, nguyên nhân có thể do chập điện máy thở.
Khói bốc ra từ tầng 6 của tòa nhà. Lính cứu hỏa được triển khai đến hiện trường và đám cháy được kiểm soát sau đó. Phát ngôn viên Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cho biết 5 người chết là bệnh nhân Covid-19 đang được hỗ trợ thở máy. Khoảng 150 bệnh nhân và nhân viên bệnh viện đã được sơ tán đến nơi an toàn.
Nguyên nhân sơ bộ của vụ cháy là do chập điện. Một nguồn tin nói với Interfax rằng đám cháy bùng phát từ một máy thở.